Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 15-7-2019

15:34, Thứ Hai, 15-7-2019

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 Tải file tại đây

TIÊU ĐIỂM.. 1

1.Trật tự xây dựng tại các thành phố lớn: Xử lý nghiêm cán bộ “đi đêm”, tiếp tay cho sai phạm.. 1

2. Nhân câu hỏi về sự “tiếp tay”. 3

CHỈ THỊ MỚI 4

3.Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 8-12/7. 4

TIN QUỐC HỘI 5

4.Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, phê chuẩn nhân sự; thành lập đơn vị hành chính mới 5

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 5

5.  Thiết lập “bộ lọc” với dự án FDI, không khoan nhượng với hiện tượng đầu tư chui, núp bóng. 5

6.  Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019 đạt 6,86%.. 6

7. Sẽ công bố thông tin thị trường bất động sản hàng quý. 6

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 7

8.Ai “chống lưng” cho sai phạm?. 7

QUẢN LÝ.. 8

9.Ban Tổ chức Trung ương chiêu mộ thạc sĩ, tiến sĩ không quá 40 tuổi 8

10.Đề xuất bỏ 5 loại phí khỏi danh mục thuộc thẩm quyền HĐND cấp tỉnh. 8

11. Bất bình đẳng thu nhập ở nông thôn Việt Nam đang nghiêm trọng hơn thành thị 9

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 10

12. Giảm tỷ lệ chậm trả kết quả cấp phiếu lý lịch tư pháp. 10

13. Cải cách hành chính - Hướng đi chiến lược để nâng chỉ số PCI của tỉnh Tây Ninh. 11

14.Người dân Đà Nẵng có thể tra cứu thông tin đất đai trên mạng. 11

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 12

15.Thu ngân sách 6 tháng cao nhất 3 năm.. 12

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 13

16. Khởi tố nguyên Giám đốc Sở Y tế Cà Mau. 13

THẾ GIỚI 13

17.Pháp thông qua luật thuế với các "ông lớn" công nghệ. 13

18.Anh công bố dự thảo luật thuế dịch vụ kỹ thuật số. 13

 TIÊU ĐIỂM

Trật tự xây dựng tại các thành phố lớn: Xử lý nghiêm cán bộ “đi đêm”, tiếp tay cho sai phạm

Một trong những điểm nóng được chất vấn và thảo luận nhiều tại các cuộc họp Hội đồng nhân dân như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng,… là vấn đề vi phạm trong lĩnh vực xây dựng. Trước tình trạng cứ “đụng vào đâu là ở đó thấy vi phạm”, không ít đại biểu đã đặt ra vấn đề: Phải chăng có sự bất lực của cơ quan chức năng cũng như sự bao che, tiếp tay của một bộ phận cấp quản lý.

 Theo báo cáo từ Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2019, các Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, huyện, thị xã đã kiểm tra 10.194 công trình, phát hiện, lập hồ sơ xử lý 357 trường hợp vi phạm. Trong đó, có 74 trường hợp xây dựng không phép; 116 trường hợp xây dựng sai phép, sai quy hoạch, sai thiết kế; 5 trường hợp xây dựng công trình gây ảnh hưởng đến công trình lân cận, ô nhiễm môi trường...

 Thanh tra Sở đã ban hành 138 quyết định xử phạt với tổng số tiền gần 17 tỉ đồng. Đó là những con số rất khả quan, thế nhưng lại không cho thấy quy mô và mức độ vi phạm của từng công trình, dự án. Trên thực tế rất nhiều công trình “khủng” chỉ được phát hiện thông qua phản ánh của người dân và phát hiện của cơ quan báo chí.

 Trước đó, tháng 3.2019, tại phiên họp hội đồng nhân dân TP khi bị chất vấn về 80 công trình tồn đọng từ trước năm 2018 chưa được giải quyết Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục thừa nhận trong năm 2018, do không đẩy nhanh tốc độ xử lý nên số lượng công trình vi phạm tồn đọng còn nhiều. Trước năm 2018, từ 413 công trình còn tồn đọng đã giảm xuống còn 80 công trình, nhưng năm 2018 không xử lý thêm được trường hợp nào. Nguyên nhân là do sự buông lỏng quản lý của các cấp cơ sở và việc thanh tra, kiểm tra của thành phố chưa kịp thời.

 Nhiều công trình, dự án lớn như 8B Lê Trực gần 3 năm chưa xử lý dứt điểm, hay chỉ khi báo chí lên tiếng, những công trình sai phạm tại Sóc Sơn mới được thanh tra làm rõ.

 Trong khi đó, tại TPHCM, vi phạm về trật tự xây dựng tăng rõ rệt, lên đến gần 40% so với cùng kỳ. 6 tháng đầu năm, TPHCM xử phạt vi phạm hành chính đối với 1.136/1.640 trường hợp vi phạm, trong đó, xây dựng sai phép có 619 trường hợp; xây dựng không phép 616, vi phạm khác có 405 trường hợp. Những con số trên rõ ràng là chưa phản ánh hết những sai phạm về đất đai, trật tự xây dựng tại TPHCM. Đến mức, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê đã phải công khai: Nếu không có giải pháp đúng mức và quyết tâm cao, cùng sự phối hợp giữa các sở, ngành thì vấn đề này sẽ không dừng lại mà tiếp tục nảy sinh những rắc rối mới. Rồi ông Khuê đặt vấn đề: “Khi chúng tôi xuống phường xã thì thấy rằng, còn những cán bộ thiếu sự hướng dẫn, chia sẻ với dân và không loại trừ có người “đi đêm” với hành vi sai phạm”.

 Liên quan đến vấn đề xử lý cán bộ trong quản lý đất đai, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội cho biết: Từ 2016 đến nay, đã xử lý 98 cán bộ, công chức và các lao động hợp đồng thuộc lực lượng thanh tra xây dựng do có liên quan đến các sai phạm xây dựng. Trong đó có 72 trường hợp bị khiển trách, 16 trường hợp bị cảnh cáo, 3 trường hợp bị hạ bậc lương, 2 trường hợp bị giáng chức, 5 trường hợp bị buộc thôi việc. Trong số 98 trường hợp bị áp dụng các hình thức kỷ luật trên có 20 trường hợp là cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo.

 Siết chặt hơn công tác thanh tra xây dựng, UBND TP. Hà Nội đã ban hành quyết định số 04/2019/QĐ-UBND về quy định quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội, có hiệu lực từ tháng 4.2019. Theo quyết định này công trình xây dựng trên địa bàn thành phố phải được thường xuyên kiểm tra, giám sát từ khi khởi công tới khi hoàn thành và đưa vào sử dụng. Vi phạm về trật tự xây dựng phải được phát hiện kịp thời, ngăn chặn và xử lý dứt điểm ngay từ khi mới phát sinh; đảm bảo đúng quy trình, công khai, minh bạch.

 Đặc biệt, cơ quan, đơn vị, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng nhưng thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, buông lỏng quản lý hoặc có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ sai phạm, sẽ bị xử lý hành chính, kỷ luật theo quy định hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp gây thiệt hại vật chất thì phải bồi thường.

 Còn tại TPHCM, để không xảy ra bức xúc từ dư luận về việc đồng lõa, bảo kê trong xây dựng Thành ủy Thành phố đã có chỉ đạo chính quyền TP và các quận, huyện tiến hành kiểm tra, đánh giá lại thực trạng và đề xuất các giải pháp để giải quyết những tồn tại trong vấn đề này. Bí thư, Chủ tịch chịu trách nhiệm trước Thành ủy về việc để xảy ra tình trạng phân lô bán nền, xây dựng không phép, sai phép. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến: Thời gian tới, thành phố sẽ tiến hành tổng rà soát đánh giá thực trạng xây dựng, quản lý đô thị trên toàn địa bàn; có giải pháp xử lý kiên quyết ngay từ đầu đối với những trường hợp vi phạm về xây dựng, đánh giá trách nhiệm người đứng đầu địa phương; đến cuối năm 2019 giải quyết cơ bản tình trạng xây dựng không phép, tạo chuyển biến, giảm mạnh trường hợp sai phép để hướng đến giải quyết dứt điểm tình trạng xây dựng không phép và giải quyết cơ bản tình trạng xây dựng sai phép vào năm 2020. (Lao Động 14/7, Nhóm PV)Về đầu trang

Nhân câu hỏi về sự “tiếp tay”

“Có sự tiếp tay của chính quyền địa phương không? Dự án lớn phân lô bán nền mà chính quyền không biết thì có hợp lý không?” - Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đặt câu hỏi trong phiên họp của HĐND TP.

 Và câu hỏi ấy, nên được đặt trong bối cảnh “mỗi đêm lại mọc lên một căn nhà xây trái phép”.

 Đây là thống kê chính thức của TP: Từ đầu năm 2019 đến nay, qua kiểm tra phát hiện 619 trường hợp xây dựng sai phép, tăng 27% so với cùng kỳ, công trình xây dựng không phép cũng phát hiện 616 trường hợp.

 Chính các quan chức của TP cũng cho rằng: “Không loại trừ cán bộ thỏa hiệp với các hành vi không đúng”.

 Và có lẽ, nói đến chuyện vi phạm trong xây dựng, không thể không nhắc lại lời Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc: “Hộ dân xây nhà, chỉ đẩy một xe cát vào thanh tra xây dựng đã biết. Nhưng tại sao có những cái nhà xây to như con voi mà chúng ta không biết?”.

 Không ngẫu nhiên, cả Hà Nội, TPHCM đều đang nóng vấn đề không phép, trái phép, vượt phép trong xây dựng.

 Và nhiều khi, có những chi tiết “như con voi” chúng ta không thể trả lời được câu hỏi tại sao.

 Chẳng hạn chung cư CT6 mà Bemes là chủ đầu tư. Dù quy hoạch thiết kế được duyệt chỉ là 936 căn hộ chung cư cao tầng và 34 nhà thấp tầng, biệt thự liền kề. Tuy nhiên, cơ quan chức năng phát hiện chủ đầu tư đã xây thêm tòa CT6C, nâng tổng số căn chung cư không phép là 654 và 4 căn biệt thự liền kề, nhà thấp tầng.

 Chẳng hạn tòa nhà 5B Lê Trực, mấy nhiệm kỳ không xử lý dứt điểm nổi.

 Câu hỏi về sự tiếp tay được thể hiện trong những con số chẳng hạn tại Hà Nội, từ 2014 đến 10.2018 có tới 98 người thuộc lực lượng Thanh tra xây dựng bị kỷ luật.

 Nhưng đó chắc chắn chưa phải là tất cả. Thanh tra xây dựng cũng không phải là lực lượng duy nhất phải chịu trách nhiệm.

 Có sự tiếp tay hay không? Thật ra, câu hỏi đó phải được đặt ra bởi cử tri, nhân dân. Và người trả lời phải là chính quyền. Ít nhất, trong lẽ công bằng tối thiểu “một cái xe cát” và những “con voi”.

 Mọi người đều biết, chỉ những người có trách nhiệm không biết. Đó sẽ là điều phải thay đổi. Và sẽ chỉ có thể thay đổi nếu chính quyền tự ý thức được rằng họ là người phải trả lời câu hỏi ấy. (Lao Động 14/7, Anh Đào)Về đầu trang

CHỈ THỊ MỚI

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 8-12/7

Hệ thống tổ chức của Cảnh sát biển Việt Nam; sắp xếp tổ chức bộ máy BHXH Việt Nam theo hướng tinh gọn; chấm dứt khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; quản lý chặt chẽ mua bán thực phẩm trên mạng;... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 8-12/7/2019.

  Hệ thống tổ chức của Cảnh sát biển Việt Nam: Chính phủ ban hành Nghị định 61/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam, trong đó quy định hệ thống tổ chức của Cảnh sát biển Việt Nam.

 Hội đồng xét tặng giải thưởng về KH&CN các cấp biểu quyết bằng phiếu kín: Chính phủ ban hành Nghị định 60/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2014/NĐ-CP ngày 30/7/2014 của Chính phủ về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng khác về khoa học và công nghệ.

 Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng: Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 861/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019 - 2021”.

 Kiểm tra phản ánh về phát triển điện mặt trời: Báo Vietnamnet ngày 4/7/2019 có đưa tin: Dư thừa nguồn điện vô tận, điều chưa từng có và cái kết đau xót do bổ sung quy hoạch ồ ạt các dự án điện mặt trời để hưởng giá ưu đãi hơn 2.000 đồng/kWh khiến lưới truyền tải không theo kịp. Nhiều dự án ở Ninh Thuận, Bình Thuận sản xuất 10 nhưng chỉ bán được 7-8. Về thông tin nêu trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công Thương chủ trì, cùng các cơ quan liên quan kiểm tra và báo cáo.

 Chấm dứt khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài: Theo thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo quốc gia về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU), Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu, tổ chức buổi làm việc giữa Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU và Bộ Quốc phòng để thống nhất giải pháp ngăn chặn, chấm dứt tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

 Quản lý chặt chẽ mua bán thực phẩm trên mạng: Theo thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Trong 6 tháng cuối năm, tăng 10% số cơ sở được kiểm tra, thanh tra so với 6 tháng đầu năm. (Báo Chính Phủ Điện Tử 13/7, Chí Kiên)Về đầu trang

TIN QUỐC HỘI

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, phê chuẩn nhân sự; thành lập đơn vị hành chính mới

Phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 15 - 17/7) tại phòng họp Tân Trào, Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự và phát biểu khai mạc phiên họp và cùng với các Phó Chủ tịch Quốc hội thay phiên chủ trì các nội dung phiên họp.

 Theo dự kiến chương trình phiên họp, sáng 15/7, sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

 Buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

 Ngày 16/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp tổng kết kỳ họp thứ 7 (trong đó, Chính phủ báo cáo về công tác chỉ đạo chuẩn bị kỳ họp thứ 7 như: nội dung, tài liệu; giải quyết khiếu nại, tố cáo; bảo đảm an ninh, an toàn kỳ họp,....những vấn đề cần rút kinh nghiệm hoặc kiến nghị cho việc chuẩn bị các kỳ họp sau của Quốc hội); cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8 của Quốc hội; xem xét, phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về chủ trương đầu tư xây dựng Dự án Quốc hội điện tử giai đoạn 2019 - 2026; xem xét, quyết định thành lập phường Lộc Hòa và phường Mỹ Xá thuộc thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định; thành lập thị trấn Măng Đen thuộc huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

 Trong ngày cuối cùng của phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015. (Báo Chính Phủ Điện Tử 13/7)Về đầu trang

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Thiết lập “bộ lọc” với dự án FDI, không khoan nhượng với hiện tượng đầu tư chui, núp bóng

Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của ngành tài chính tổ chức sáng 12/7 tại Hà Nội.

 Theo Tổng cục Hải quan, thời gian qua đã xuất hiện nhiều vụ gian lận về xuất xứ, trong đó có hàng nhập khẩu giả mạo xuất xứ Việt Nam để lừa dối người tiêu dùng. Đồng thời, giả xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu đi các nước mà Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan. Do vậy, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính phải chỉ đạo cơ quan hải quan tăng cường kiểm soát tình trạng lợi dụng xuất xứ và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

 Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thiết lập cơ chế lựa chọn các dự án đầu tư nước ngoài có công nghệ tốt, đáp ứng các yêu cầu về an ninh quốc phòng, đảm bảo về môi trường. Mặt khác, phải đấu tranh quyết liệt không khoan nhượng với hiện tượng đầu tư chui, đầu tư núp bóng của các doanh nghiệp FDI. (VTV.vn 13/7)Về đầu trang

Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019 đạt 6,86%

Theo dự báo, tăng trưởng kinh tế năm 2019 của Việt Nam sẽ đạt 6,86%, vượt mức chỉ tiêu Quốc hội đề ra là 6,6% - 6,8%.

 Đây là nhận định do Trung tâm Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia đưa ra. Các chuyên gia nhận định, 6 tháng đầu năm nay, tăng trưởng các ngành kinh tế duy trì ổn định song không tích cực như cùng kỳ năm trước. 

Năng suất và sản lượng cây trồng giảm; ngành chăn nuôi gặp khó khăn với dịch tả lợn châu Phi; tăng trưởng chậm lại của một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực và giải ngân vốn đầu tư công còn thấp... là những thách thức mà kinh tế Việt Nam phải đối mặt.

 Tuy nhiên, đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế, nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc tăng với mức trên 2,2 tỷ USD, đồng thời đầu tư nước ngoài tiếp tục xu hướng mua bán và sáp nhập khi tăng tới gần 200% so với cùng kỳ năm 2018. (VTV.vn 12/7)Về đầu trang

Sẽ công bố thông tin thị trường bất động sản hàng quý

Từ quý 3 năm nay, Bộ Xây dựng sẽ chính thức công bố thông tin hàng quý về thị trường bất động sản như một kênh chính thống nhằm tăng tính minh bạch.

 Đây là một trong những chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Xây dựng tại hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm của ngành xây dựng.

 Trong 6 tháng đầu năm, cả nước có hơn 8.700 doanh nghiệp xây dựng mới được thành lập, tổng vốn đầu tư của các dự án bất động sản đang triển khai khoảng 4,8 triệu tỷ đồng. Dư nợ tín dụng bất động sản của các ngân hàng vào khoảng gần 500.000 tỷ đồng, chiếm 6,2% tổng dư nợ tín dụng của cả nền kinh tế.

 Lĩnh vực kinh doanh bất động sản cũng đã thu hút khoảng 6,6 tỷ USD nguồn vốn FDI. đứng thứ 2 sau ngành công nghiệp chế tạo, chế biến. (VTV.vn 13/7)Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

Ai “chống lưng” cho sai phạm?

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã khởi tố bị can đối với ông Lê Thanh Thản, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Mường Thanh về tội Lừa dối khách hàng theo quy định tại Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015.

 Đây là thông tin được dư luận đặc biệt quan tâm, bởi bên cạnh việc giải quyết được bức xúc về chỗ ở cho người dân thu nhập thấp thì không ít dự án do Tập đoàn này làm chủ đầu tư đã bộc lộ nhiều sai phạm: Vi phạm trật tự xây dựng, xây vượt tầng, phá vỡ quy hoạch được duyệt…

 Trước đó, Thanh tra TP Hà Nội đã có kết luận, chỉ ra hàng loạt dự án của Tập đoàn Mường Thanh ở Hà Nội vướng sai phạm. Đó là dự án khu nhà ở Xa La chủ đầu tư xây thêm tầng, vi phạm mật độ xây dựng; tòa nhà hỗn hợp dịch vụ văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở cao cấp VP6 thuộc khu vực phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai xây vượt quy hoạch 10 tầng. Không chỉ ở Hà Nội, nhiều dự án, công trình xây dựng của Tập đoàn này ở nhiều địa phương khác cũng xảy ra các vi phạm tương tự.

 Còn nhớ, tại cuộc tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ Sáu của Đoàn ĐBQH ở Đà Nẵng, có cử tri đã chỉ rõ những vi phạm của Tập đoàn này. Cử tri đặt câu hỏi: Sau “lưng” Mường Thanh có một thế lực nào đó rất mạnh nên chúng ta không thể xử lý được? Liệu lãnh đạo của địa phương có “vấn đề” gì với nhà đầu tư của Tập đoàn Mường Thanh hay không? Sai phạm của Mường Thanh một lần nữa lại làm “nóng” phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 11 của HĐND Đà Nẵng vừa diễn ra. Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Nho Trung thẳng thắn, những công trình này sai phạm đã kéo dài nhưng chưa xử lý, trách nhiệm trước tiên là của UBND thành phố vì chưa rà soát kỹ, đánh giá đúng những vấn đề bất cập của dự án. Đồng thời, cho biết, đến quý III.2019 phải xử lý dứt điểm vấn đề này.

 Câu hỏi đặt ra, vì sao có cả hệ thống các cơ quan kiểm tra, thanh tra liên quan đến hoạt động xây dựng nhưng vẫn để xảy ra sai phạm. Vì sao, khi sai phạm được chỉ ra nhưng việc xử lý vẫn khó khăn đến vậy? Những căn hộ người dân mua nằm trong dự án có sai phạm về vượt tầng không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (sổ hồng) thì thiệt thòi trước tiên thuộc về người dân. Vậy, trong trường hợp này, ai sẽ phải chịu trách nhiệm, điều này cần phải được làm rõ.

 Theo quy định của Điều 198, Bộ luật Hình sự 2015 về Tội lừa dối khách hàng: Người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác thuộc một trong các trường hợp: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; dùng thủ đoạn xảo quyệt; thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

 Ông Lê Thanh Thản đã bị khởi tố, sai phạm của ông Thản sẽ được cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ. Cử tri mong rằng, cơ quan điều tra sớm có kết luận về vụ án này. Đồng thời, cần làm rõ, trong sai phạm của Mường Thanh, những cá nhân, cơ quan được giao quản lý, kiểm tra, thanh tra liên quan đến vấn đề này sẽ chịu trách nhiệm như thế nào? Chúng ta cần phải sòng phẳng trách nhiệm của từng cá nhân, cơ quan có liên quan. Như Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã từng nói, điều quan trọng nhất là không cho những công trình xây dựng vi phạm mọc lên, bởi lực lượng cơ sở thực hiện nhiệm vụ này đã có “chân rết” đến tận phường, xã. Do đó, khó có thể nói xây nhà cao tầng, vượt tầng mà lực lượng ở cơ sở không biết, quản lý về xây dựng lại không biết. (Đại Biểu Nhân Dân 13/7, Lê Hùng)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Ban Tổ chức Trung ương chiêu mộ thạc sĩ, tiến sĩ không quá 40 tuổi

Ban Tổ chức Trung ương vừa phát đi thông báo về việc tiếp nhận một số công chức, viên chức về công tác tại Viện Khoa học tổ chức, cán bộ (một đơn vị mới thành lập thuộc Ban).

 Đây là một trong những chủ trương nhằm tăng cường đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ, khả năng, kinh nghiệm trong công tác nghiên cứu khoa học chuyên sâu, nhất là các lĩnh vực liên quan đến công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; công tác tổ chức, cán bộ.

 Đối tượng được Ban Tổ chức TƯ tiếp nhận phải đáp ứng những yêu cầu sau: Phải là đảng viên; có bằng thạc sĩ trở lên (trong nước hoặc ngoài nước) các chuyên ngành khoa học: kinh tế, triết học, luật, quản trị hành chính công, quản trị nguồn nhân lực, khoa học quản lý, chính trị học, xây dựng Đảng...

 Ngoài ra, các ứng viên phải sử dụng thành thạo một trong các ngoại ngữ: Anh, Nhật, Pháp, Nga, Trung Quốc; sử dụng thành thạo tin học văn phòng.

 Các ứng viên được tiếp nhận phải có độ tuổi không quá 40 (đối với cả nam và nữ).

 Ban Tổ chức TƯ đề nghị các cơ quan, đơn vị thông tin rộng rãi; rà soát đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và giới thiệu nhân sự đủ các tiêu chuẩn về Ban trước ngày 10/8.

 Sau khi tiếp nhận văn bản giới thiệu, Ban Tổ chức TƯ sẽ tổ chức thẩm định, sát hạch và tiếp nhận cán bộ về Ban công tác theo quy định hiện hành. (Vietnamnet.vn 13/7, Thu Hằng)Về đầu trang

Đề xuất bỏ 5 loại phí khỏi danh mục thuộc thẩm quyền HĐND cấp tỉnh

Bộ Tài chính đang dự thảo Thông tư hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND cấp tỉnh.

 Theo đó, Dự thảo đề xuất bãi bỏ 5 loại phí khỏi Danh mục các khoản phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND cấp tỉnh bao gồm: Phí sử dụng đường bộ; Phí thẩm định đề án bảo vệ môi trường chi tiết; Phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng tàu bay; Phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng tàu biển; Phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng động sản, trừ tàu bay, tàu biển.

 Danh mục các khoản lệ phí thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh được đề xuất giữ nguyên như quy định hiện hành tại Thông tư số 250/2016/TT-BTC và Thông tư số 96/2017/TT-BTC. (Đại Biểu Nhân Dân 15/7, Thái Yến)Về đầu trang

Bất bình đẳng thu nhập ở nông thôn Việt Nam đang nghiêm trọng hơn thành thị

Năm 2018, nhóm 20% số hộ có thu nhập bình quân đầu người cao nhất gấp 10 lần nhóm 20% số hộ có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất.

 Thu nhập bình quân 1 người 1 tháng chung của cả nước năm 2018 theo giá hiện hành đạt 3,88 triệu đồng (tăng 778 nghìn đồng so với năm 2016), tăng 25,1% so với năm 2016 (khu vực thành thị đạt 5,62 triệu đồng, tăng 23,5%; khu vực nông thôn đạt 2,99 triệu đồng, tăng 23,4%), bình quân giai đoạn 2016-2018 tăng 11,9%/năm.

 Tốc độ tăng thu nhập theo giá so sánh (thu nhập sau khi loại trừ yếu tố tăng giá) của giai đoạn 2016-2018 là 8%, cao hơn 1,4 điểm phần trăm so với tốc độ tăng của giai đoạn 2014-2016 nhưng thấp hơn 1 điểm phần trăm so với tốc độ tăng của thời kỳ 2012-2014.

 Thu nhập bình quân 1 người 1 tháng năm 2018 theo giá hiện hành của các vùng trên cả nước đều tăng so với năm 2016, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có tốc độ tăng thu nhập cao nhất với 29,1%, tiếp đó là vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung 27,9%; vùng Trung du và miền núi phía Bắc tăng 25,1%; vùng Đồng bằng sông Hồng tăng 24,5%; vùng Đông Nam Bộ tăng 22,5% và vùng Tây Nguyên tăng 22,4%.

 Thu nhập bình quân 1 người 1 tháng của nhóm 20% số hộ có thu nhập bình quân đầu người cao nhất đạt 9,32 triệu đồng, tăng 23,5% so với năm 2016 và gấp 10 lần nhóm 20% số hộ có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất đạt 932 nghìn đồng, tăng 20,9%.

 Chênh lệch thu nhập và phân hoá giàu nghèo trong dân cư còn được thể hiện qua Hệ số bất bình đẳng trong phân phối thu nhập (GINI). Hệ số GINI có giá trị từ 0 đến 1. Giá trị của hệ số GINI bằng 0 thể hiện sự bình đẳng tuyệt đối và ngược lại nếu hệ số GINI bằng 1 thể hiện sự bất bình đẳng tuyệt đối. Theo đó thì giá trị của hệ số GINI càng lớn thì sự bất bình đẳng càng cao.

 Hệ số GINI cả nước năm 2018 là 0,424, trong đó khu vực nông thôn là 0,407 có sự chênh lệch nhiều hơn so với 0,372 của khu vực thành thị (con số tương ứng của năm 2016 là 0,431; 0,408; 0,391). Điều này cho thấy bất bình đẳng thu nhập ở nông thôn hiện đang cao hơn thành thị.

 Về chi tiêu, chi tiêu bình quân 1 người 1 tháng chung cả nước năm 2018 theo giá hiện hành đạt 2,55 triệu đồng, tăng 18% so với năm 2016 (khu vực nông thôn đạt 2,1 triệu đồng, tăng 19,3%; khu vực thành thị đạt 3,5 triệu đồng, tăng 14,3%), bình quân mỗi năm thời kỳ 2016-2018 tăng 8,6%.

 Tốc độ tăng chi tiêu bình quân đầu người theo giá so sánh (chi tiêu sau khi loại trừ yếu tố tăng giá) đạt 4,9%/năm, thấp hơn so với tốc độ tăng 5,2%/năm của thời kỳ 2014-2016.

 Xét theo vùng kinh tế, chi tiêu bình quân 1 người 1 tháng trong giai đoạn 2014-2016 tăng ở tất cả các vùng, trong đó tốc độ tăng cao nhất là Tây Nguyên (12,5%/năm), chậm nhất là Đông Nam Bộ (5,3%/năm). 

Năm 2018 tỷ lệ nghèo đa chiều là 6,8%, giảm 1,1 điểm phần trăm so với năm 2017, đạt mục tiêu đề ra trong chiến lược giảm nghèo quốc gia. Xu hướng giảm này ở cả thành thị, nông thôn và các vùng kinh tế, đây cũng là kết quả tích cực của công tác xóa đói, giảm nghèo ở Việt Nam.

 Đời sống dân cư 6 tháng đầu năm 2019 nhìn chung được cải thiện, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành và sự nỗ lực của nhân dân, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Chương trình xây dựng nông thôn mới trong những năm qua đã có những tác động tích cực, góp phần nâng cao đời sống nhân dân khu vực nông thôn, đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. 

Hệ thống cơ sở vật chất văn hóa, trường học được đầu tư xây dựng mới, cải tạo đạt chuẩn, các chương trình hỗ trợ giống cây trồng cho sản xuất nông nghiệp, chính sách cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo, cận nghèo… đã góp phần giúp người nông dân phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Tính đến cuối tháng 6/2019, cả nước có 4.402 xã (đạt 49,4%) và 76 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

 Thiếu đói trong nông dân giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng Sáu, cả nước có 1,7 nghìn hộ thiếu đói, giảm 44,5% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với 6,9 nghìn nhân khẩu thiếu đói, giảm 44,7%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2019, cả nước có 65 nghìn lượt hộ thiếu đói, giảm 30,9% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với 261,9 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 30%.

 Thiếu đói trong 6 tháng đầu năm nay xảy ra chủ yếu ở các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An, Gia Lai và Đắk Lắk. Để khắc phục tình trạng thiếu đói, từ đầu năm, các cấp, các ngành, các tổ chức từ Trung ương đến địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói 3,7 nghìn tấn lương thực.

 Công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện. Theo báo cáo sơ bộ, tổng các suất quà trao tặng cho các đối tượng chính sách, người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội trong 6 tháng đầu năm 2019 là hơn 4 nghìn tỷ đồng, bao gồm 2,2 nghìn tỷ đồng quà thăm hỏi và hỗ trợ các đối tượng chính sách; 1,2 nghìn tỷ đồng hỗ trợ các hộ nghèo và gần 0,7 nghìn tỷ đồng cứu đói, cứu trợ xã hội khác. Bên cạnh đó, đã có gần 19 triệu thẻ bảo hiểm y tế, sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát tặng cho các đối tượng chính sách trên địa bàn cả nước. (Báo điện tử Trí Thức Trẻ 13/7, Hoàng An)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Giảm tỷ lệ chậm trả kết quả cấp phiếu lý lịch tư pháp

Thời gian qua, để giải quyết tình trạng chậm thời hạn cấp phiếu lý lịch tư pháp (LLTP), Trung tâm LLTP quốc gia, Bộ Tư pháp và Cục Hồ sơ nghiệp vụ, Bộ Công an đã ký Quy chế số 02/QCPH-TTLLTPQG-C53 phối hợp tra cứu, xác minh thông tin để cấp phiếu LLTP để hỗ trợ Sở Tư pháp của 63/63 tỉnh/thành phố tra cứu, xác minh thông tin để cấp phiếu LLTP.

 Theo giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin tại Quy chế này, Sở Tư pháp tỉnh/thành phố gửi Hồ sơ yêu cầu cấp phiếu LLTP đến đồng thời 3 cơ quan: Trung tâm LLTP quốc gia, Cục Hồ sơ nghiệp vụ (V06) và Phòng Hồ sơ CA tỉnh tại địa phương (PV06) để 3 cơ quan cùng tra cứu tại Cơ sở dữ liệu của mình. Trung tâm LLTP quốc gia có trách nhiệm tích hợp kết quả của V06 và PV06 với kết quả tra cứu của Trung tâm để trả lời Sở Tư pháp trong thời hạn 5 ngày làm việc. Đối với những trường hợp phức tạp như đã từng bị kết án, có tiền sự… thời hạn là 9 ngày làm việc.

 Như vậy, khi thực hiện theo Quy chế số 02, Trung tâm LLTP quốc gia phối hợp với V06 và PV06 trả kết quả sớm hơn với thời hạn luật định. Tuy nhiên, hiện nay, theo thống kê thì vẫn còn một tỷ lệ nhỏ, khoảng 2 - 3% còn chậm so với quy định. Những trường hợp trả kết quả tra cứu, xác minh trễ hạn là những trường hợp người yêu cầu cấp phiếu LLTP không khai trung thực về quá trình cư trú, thay đổi thông tin nhân dân, từng bị kết án...; hoặc những trường hợp khi tra cứu, xác minh thấy đương sự đã từng bị bắt, lập căn cước nhưng chưa rõ kết quả xử lý của các cơ quan tố tụng. (Đại Biểu Nhân Dân 14/7, N. Minh)Về đầu trang

Cải cách hành chính - Hướng đi chiến lược để nâng chỉ số PCI của tỉnh Tây Ninh

Tỉnh Tây Ninh là 1 trong 7 tỉnh thành trên cả nước có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI ở nhóm tốt.

 Một số chỉ số PCI trong 3 năm gần đây của tỉnh Tây Ninh liên tục được cải thiện là tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian. Tuy nhiên, không dễ để duy trì chỉ số này, nhất là các tỉnh đều có chiến lược cụ thể, đổi mới đột phá trong thu hút đầu tư. Xác định cải cách hành chính là hướng đi chiến lược để nâng chỉ số PCI, tỉnh Tây Ninh đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể, trong đó hướng ứng dụng công nghệ thông tin nhiều hơn để quản lý, điều hành hệ thống công quyền. Trước mắt, tỉnh sẽ lựa chọn lĩnh vực đất đai để số hóa, giúp các nhà đầu tư tiếp cận thông tin quy hoạch một cách nhanh chóng.

 Theo khảo sát của VCCI, có 31% doanh nghiệp phàn nàn về việc cung cấp thông tin liên quan đến dữ liệu đất đai tại Tây Ninh, trong khi minh bạch thông tin là yếu tố hàng đầu để thu hút đầu tư. Chất lượng cải cách hành chính cũng là 1 trong 3 điểm nghẽn mà tỉnh Tây Ninh cần giải quyết để cải thiện chỉ số PCI. Giải pháp được nhiều đại biểu đưa ra là phải đưa áp lực cải cách đến tận Sở, ban, ngành, từ đó mới tạo được động lực phát triển.

 Các đại biểu đưa ra 7 nhóm giải pháp giúp Tây Ninh nâng cao các chỉ số PCI. Trong đó, đối tượng chính được hướng đến là doanh nghiệp tư nhân siêu nhỏ, nhỏ và vừa trên địa bàn. Các đại biểu cũng cho rằng, tỉnh Tây Ninh cần tận dụng lợi thế sẵn có để phát triển 2 nhóm ngành nông nghiệp hữu cơ và du lịch thông minh. Tuy nhiên, để làm được điều này, tỉnh phải hoàn thiện cơ sở hạ tầng bởi chất lượng đường bộ đang là nguyên nhân khiến doanh nghiệp FDI ngại đầu tư vào tỉnh Tây Ninh trong thời gian qua. (VTV.vn 13/7)Về đầu trang

Người dân Đà Nẵng có thể tra cứu thông tin đất đai trên mạng

Sở Tài nguyên – Môi trường Đà Nẵng vừa thông tin việc công khai minh bạch hóa thông tin đất đai đến tổ chức, công dân và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

 Sở Tài nguyên – Môi trường Đà Nẵng cho biết, hiện tại, việc chuẩn hóa và xuất bản thông tin về thửa đất lên Cổng thông tin đất đai cơ bản đã hoàn thành và hệ thống Cổng thông tin đất đai đang được triển khai vận hành thử nghiệm tại địa chỉ http://ttdd.tnmt.danang.gov.vn/. Tổ chức, công dân và doanh nghiệp có nhu cầu tra cứu thông tin vui lòng truy cập vào địa chỉ nêu trên để thực hiện tra cứu thông tin.

 Hệ thống Cổng thông tin đất đai là kênh thông tin chính thống của Sở Tài nguyên và Môi trường cung cấp đến tổ chức, công dân và doanh nghiệp các thông tin theo quy định của pháp luật hiện hành gồm:

 Thông tin thửa đất: sổ hiệu thửa, số hiệu tờ bản đồ địa chính; diện tích; mục đích sử dụng đất được giao, được thuê hoặc được Nhà nước công nhận quyền sử dụng; đã đăng ký hay chưa đăng ký; đã cấp Giấy chứng nhận hay chưa cấp Giấy chứng nhận.

 Thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt gồm: Sơ đồ không gian quy hoạch khu vực có thửa đất; mục đích sử dụng đất theo quy hoạch.

 Thông tin về bảng giá đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. (Dân Trí 14/7, Khánh Hồng)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Thu ngân sách 6 tháng cao nhất 3 năm

Tổng thu ngân sách trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt trên 745 nghìn tỷ đồng, bằng 52,8% dự toán năm và tăng 13,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

 Đến hết tháng nửa năm, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 745,4 nghìn tỷ đồng, tương đương 52,8% dự toán cả năm, là kết quả cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Phấn đấu cả năm sẽ tăng thu khoảng 5% so với dự toán. Đây là thông tin được chia sẻ tại hội nghị sơ kết ngành tài chính 6 tháng vừa diễn ra sáng nay.

 Theo báo cáo của Bộ Tài chính, mức thu ngân sách nhà nước so với dự toán đạt kết quả tốt nhất trong 3 năm qua, còn mức chi ngân sách nhà nước cũng cải thiện, đạt 666.000 tỷ đồng, đạt 40,8% dự toán.

 Tuy nhiên, một số điểm nghẽn cũng được chỉ ra, mà điển hình là chậm giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là ODA. Như báo cáo Bộ Tài chính cho thấy, tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản 6 tháng đầu năm mới đạt 32,4% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cả mức thực hiện cùng kỳ năm ngoái.

 Liên quan tới các chính sách quản lý tài sản công thời gian qua, Bộ Tài chính đã cùng các Bộ, cơ quan liên quan trình Chính phủ ban hành 15/16 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật quản lý, sử dụng tài sản công. (VTV.vn 13/7)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Khởi tố nguyên Giám đốc Sở Y tế Cà Mau

Công an tỉnh Cà Mau vừa khởi tố bị can đối với nguyên Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau và nguyên Phó Trưởng phòng Tổ chức cán bộ của Sở này về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

 Theo điều tra, ông Huỳnh Quốc Việt, nguyên Giám đốc Sở Y tế và ông Trịnh Minh Khén, nguyên Phó Trưởng phòng Tổ chức cán bộ của Sở có liên quan đến vụ chiếm dụng nhiều tỷ đồng tiền học phí của sinh viên. 

Trước đó từ năm 2011, Sở Y tế Cà Mau và Trường Đại học Y dược Cần Thơ liên kết đào tạo 252 sinh viên học theo địa chỉ. Kế toán Đỗ Thành Chương và thủ quỹ Phan Ngọc Trâm được giao nhiệm vụ thu hộ tiền học phí của sinh viên. Tuy nhiên, hai đối tượng này đã chiếm dụng tiền học phí. Hiện cả hai đã bị khởi tố và bắt tạm giam. (VTV.vn 13/7)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Pháp thông qua luật thuế với các "ông lớn" công nghệ

 Bất chấp những lời đe dọa đáp trả thương mại từ phía Mỹ, ngày 11/7, Thượng viện Pháp đã thông qua luật thuế đối với các công ty công nghệ lớn.

 Theo luật thuế dành riêng nhắm vào các nền tảng trực tuyến, những công ty công nghệ kinh doanh trên mạng Internet, có doanh số toàn cầu hơn 750 triệu Euro, trong đó ít nhất 25 triệu Euro trên thị trường Pháp sẽ đánh thuế ở mức 3% tổng doanh thu hàng năm. Có khoảng 30 công ty đáp ứng tiêu chí này, trong đó phần nhiều là công ty của Mỹ không đăng ký tại Pháp nhưng vẫn đang kinh doanh thu lợi nhuận trên thị trường nước này.

 Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính Pháp ngay lập tức đã đăng đàn đáp trả tuyên bố cứng rắng trước đó của chính quyền Mỹ khi yêu cầu mở cuộc điều tra về kế hoạch đánh thuế này.

 "Cách tốt nhất để đối phó với những khác biệt giữa Mỹ và Pháp không phải là đe dọa nhau, không phải là mở một cuộc điều tra theo một đạo luật nào đó. Pháp là một nước có chủ quyền, chúng tôi sẽ vẫn thực thi quyết định này. Cái chúng ta cần làm lúc này là tìm ra một giải pháp hiệu quả ở cấp độ Bộ trưởng trong khuôn khổ G7 và G20 để có được những quy định đánh thuế chung toàn cầu với các hoạt động trên nền tảng số" - Ông Bruno Le Maire, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính Pháp cho biết.

 Nếu thực hiện kế hoạch trên, nguồn thu ngân sách quốc gia châu Âu này có thể được bổ sung thêm 500 triệu Euro/năm. (VTV.vn 13/7)Về đầu trang

Anh công bố dự thảo luật thuế dịch vụ kỹ thuật số

Giới chức Anh cho biết, mức thuế dịch vụ kỹ thuật số sẽ nhằm vào các đại gia công nghệ toàn cầu, dựa trên "giá trị mà các hãng này thu được từ người tiêu dùng Anh".

 Chỉ ít giờ sau khi Quốc hội Pháp thông qua dự luật cho phép đánh thuế 3% tổng doanh thu hàng năm của các đại gia công nghệ, một quốc gia châu Âu khác là Anh cũng đã công bố dự thảo luật về thuế dịch vụ kỹ thuật số.

 Theo Bộ Tài chính Anh, dự thảo sẽ được tham vấn trong giai đoạn từ nay cho tới tháng 9, trước khi đưa vào triển khai từ tháng 4/2020. Các công ty công nghệ lớn của Mỹ như: Amazon, Apple, Facebook hay Google sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ dự luật mới.

 Tuy nhiên, mức thuế 2% tổng doanh thu hàng năm này sẽ không được áp dụng với các doanh nghiệp nhỏ hoặc đang thua lỗ tại Anh, nhằm bảo vệ các công ty khởi nghiệp.

 Đáp lại những chỉ trích từ phía Washington, London cho biết, sẵn sàng hủy bỏ mức thuế này sau khi cộng đồng quốc tế đạt được một giải pháp toàn cầu trong việc đánh thuế các dịch vụ kỹ thuật số. (VTV.vn 13/7)Về đầu trang./.

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Các tin khác