Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 09-7-2019

16:8, Thứ Ba, 9-7-2019

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 Tải file tại đây

CHỈ THỊ MỚI 1

1.  Hoàn thiện Nghị định về sử dụng tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư BT. 1

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY.. 2

2. Yên Bái: Gắn kết từ mô hình “Ngày cuối tuần cùng dân”. 2

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 3

3.Việt Nam sẽ "đe doạ" Thái Lan, Malaysia... trong ngành "công nghiệp không khói"?. 3

4. HSBC dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2019 của Việt Nam đạt 6,7%.. 4

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 4

5. Cán bộ từ chối, nộp lại quà tặng: Nghe thì hay... 4

QUẢN LÝ.. 5

6. Tuổi nghỉ hưu sẽ có những quy định cụ thể cho từng nhóm.. 5

7.TP HCM chưa áp dụng quy định mới trong chi thu nhập tăng thêm quý II-2019. 6

8.TP.HCM: Bí thư quận, huyện phải vào cuộc xử lý trật tự xây dựng. 7

9.  Hà Nội đề xuất giảm hơn 2.000 người hoạt động không chuyên trách cấp xã. 8

10.Cần Thơ sẽ đổi mới phiên chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới 9

11.Bình Dương công bố quyết định kiểm tra nhiều cán bộ chủ chốt 9

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 10

12.  Kho bạc nhà nước Hà Tĩnh “phủ sóng” dịch vụ công trực tuyến. 10

13.Bà Rịa - Vũng Tàu: Ứng dụng tra cứu thông tin Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất 10

PHÁP LUẬT. 11

14.Đề nghị Bộ Chính trị thi hành kỷ luật nguyên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh. 11

15. Cảnh cáo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công, khiển trách 2 Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, Nguyễn Nhật 11

16.Vi phạm trong giao đất, giao rừng, nguyên 2 Phó Chủ tịch tỉnh Đắk Nông bị cảnh cáo  12

17. Đắk Nông: Khởi tố nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Ea Pô. 12

18.Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Xem xét, thi hành kỷ luật Giám đốc Công an Đồng Nai 13

19.Xem xét kỷ luật cán bộ thú y Đồng Nai cấp giấy kiểm dịch cho lợn nhiễm dịch tả châu Phi 14

 CHỈ THỊ MỚI

Hoàn thiện Nghị định về sử dụng tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư BT

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT).

  Thông báo kết luận nêu rõ, Thường trực Chính phủ đã họp, cho ý kiến về nội dung dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức BT. Bộ Tài chính đã lấy ý kiến các cơ quan liên quan và đã tiếp thu, giải trình. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn có ý kiến khác nhau.

 Do đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp để hoàn thiện dự thảo, phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Nghị định. Bộ Tài nguyên và Môi trưởng khẩn trương có ý kiến bằng văn bản, gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, đảm bảo nội dung Nghị định phù hợp với quy định của Luật Đất đai năm 2013.

 Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu, bổ sung thêm hình thức thanh toán cho Nhà đầu tư Dự án BT đã được Quốc hội biểu quyết thông qua ngày 14/6/2019: "Xác định rõ phạm vi áp dụng dự án BT và nghiên cứu phương án đấu giá quyền sử dụng đất để thanh toán trực tiếp cho các công trình hạ tầng đầu tư theo hình thức BT" như ý kiến của Kiểm toán Nhà nước; quy trình thanh toán thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về Ngân sách nhà nước; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện hướng dẫn nội dung này.

 Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu các pháp luật liên quan, hướng dẫn nội dung liên quan đến trách nhiệm của Bộ về lựa chọn nhà đầu tư khi Nghị định này được thông qua; nghiên cứu quy định hình thức đấu thầu đồng thời Dự án BT kết hợp với xác định giá trị tài sản công (bao gồm quỹ đất) để thanh toán cho nhà đầu tư. (Báo Chính Phủ Điện Tử 8/7, Minh Hiển)Về đầu trang

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY

Yên Bái: Gắn kết từ mô hình “Ngày cuối tuần cùng dân”

Mô hình "Ngày cuối tuần cùng dân" đang được Huyện ủy Mù Cang Chải (Yên Bái) triển khai nhằm phát huy dân chủ, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh, xây dựng chính quyền của dân, do dân, vì dân, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, góp phần tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa Đảng với nhân dân.

 Ông Vũ Đình Lợi, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mù Cang Chải cho biết: Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị trong năm 2019 chuyên đề "Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Đảng bộ huyện Mù Cang Chải lựa chọn học Bác, làm theo Bác với việc phát động và triển khai mô hình "Ngày cuối tuần cùng dân” nhằm tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân, ngăn chặn đẩy lùi các biểu hiện của bệnh quan liêu, xa rời quần chúng nhân dân, thực hiện phương châm "Sẵn sàng, chủ động đối thoại với nhân dân, lắng nghe dân, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân”.

 Thực hiện mô hình này, mỗi cán bộ, đảng viên các cơ quan, ban, ngành của huyện sẽ dành thời gian ít nhất 2 ngày cuối tuần trong tháng để đến với người dân tại các thôn, bản đã được được phân công phụ trách thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước đến người dân; nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, cùng nhân dân tháo gỡ những khó khăn, bức xúc trong đời sống, tinh thần, lao động sản xuất.

 Cán bộ, đảng viên hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế, đổi mới tập quán canh tác, xóa đói giảm nghèo, nâng cao cảnh giác trước các luận điệu xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc...

 Sau buổi lễ Huyện ủy Mù Cang Chải phát động ngày 29/6 tại xã Kim Nọi, đại diện lãnh đạo huyện Mù Cang Chải cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Kim Nọi đã cùng trồng cây, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh thoát nước và dọn dẹp vệ sinh, thu gom rác thải trên địa bàn xã. (TTXVN/Tin Tức 8/7, Đức Tưởng)Về đầu trang

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Việt Nam sẽ "đe doạ" Thái Lan, Malaysia... trong ngành "công nghiệp không khói"?

World Bank gần đây đã đưa ra báo cáo đặc biệt về ngành du lịch của Việt Nam, trong đó làm rõ về điểm tới hạn, xu hướng, thách thức và những chính sách cần ưu tiên.

 Đánh giá về lượng khách đến Việt Nam trong thời gian qua, World Bank nhận định: So với các quốc gia đang phát triển khác ở Đông Nam Á, lượng khách du lịch quốc tế ở Việt Nam tăng mạnh đã tạo điều kiện để quốc gia chiến lĩnh dần thị phần về cầu du lịch trong khu vực, đưa số lượt khách lên sát mức hàng đầu trong khu vực.

 Trong 5 năm và 10 năm qua, tăng trưởng lượt khách quốc tế vào Việt Nam liên tục cao hơn so với đối thủ cạnh tranh là các quốc gia đang phát triển tại Đông Nam Á, ngoại trừ so với Myanmar có tốc độ tăng trưởng 10 năm cao hơn vì có điểm khởi đầu thấp về lượt du khách.

 Kết quả là Việt Nam đã và đang từng bước chiếm lĩnh thị phần, không chỉ tính trên tổng lượt du khách đến với các quốc gia đang phát triển Đông Nam Á mà trên cả tổng lượng du khách đến toàn bộ khu vực Đông Á, bao gồm các thị trường du lịch lớn hơn và phát triển hơn như Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

 World Bank cho biết đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã đuổi kịp Indonesia về tổng lượt khách quốc tế, đồng thời thu hẹp khoảng cách với các quốc gia đứng đầu về số lượt khách trong khu vực – là Malaysia và Thái Lan.

 Theo tổ chức này, số lượt khách của Việt Nam, tính theo đầu người, dường như còn nhiều khả năng tăng trưởng hơn so với Malaysia và Thái Lan, nơi có số lượt khách đã lên xấp xỉ lần lượt 80% và 55% dân số quốc gia họ. 

Thị phần trong khu vực của Việt Nam đang được mở rộng theo World Bank phần nào phản ánh những cải thiện gần đây trong nhiều khía cạnh về năng lực cạnh tranh du lịch của quốc gia (do Diễn đàn Kinh tế thế giới cho điểm). Chỉ số này dựa trên nhiều yếu tố về thể chế và cơ sở vật chất liên quan đến du lịch.

 Xét tổng điểm của chỉ số cho năm 2017, Việt Nam xếp 67 trên toàn cầu, ngang hàng với mức điểm bình quân của các đối thủ cạnh tranh còn lại trong khu vực nhưng chưa đạt kết quả cao nhất ở bất kỳ nội dung nào về năng lực cạnh tranh.

 Nhưng kể từ năm 2015, Việt Nam đã có những cải thiện chung mạnh mẽ nhất về năng lực cạnh tranh so với các quốc gia so sánh trong khu vực, với mức điểm nhảy vọ ở các nội dung như mức độ sẵn sàng về công nghệ thông tin, độ mở cửa quốc tế, an ninh và an toàn, cơ sở hạ tầng cảng và mặt đất.

 Tuy nhiên, World Bank cho rằng du lịch Việt Nam vẫn còn những điểm yếu quan trọng như đứng cách xa các nước khác trong khu vực về dịch vụ du lịch và cơ sở hạn tầng hàng không cũng như ưu tiên cho du lịch.

 Năm 2017, Việt Nam chỉ dành 1,4% chi tiêu của Chính phủ cho ngành này, đứng thứ 114 trong số các quốc gia so sánh trên toàn cầu, dù đã tuyên bố về tầm quan trọng, chiến lược...

 Ngoài ra, so sánh với các nước khác, Việt Nam cần phải lưu ý về nội dung bền vững về môi trường – xếp thứ 129 trên toàn cầu, dù các nước trong khu vực cũng đạt kết quả yếu trong nội dung đánh gía này.

 Mặt khác, World Bank cũng lưu ý về mức độ mở cửa quốc tế, cơ chế thị thực (visa) của Việt Nam mặc dù phần nào đó đã thông thoáng hơn trong những năm gần đây nhưng vẫn đứng sau so với các đối thủ cạnh tranh quan trọng trong khu vực có chính sách visa cởi mở hơn. (Báo điện tử Trí Thức Trẻ 8/7, Vũ Hòa)Về đầu trang

HSBC dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2019 của Việt Nam đạt 6,7%

Dựa vào triển vọng sản xuất tươi sáng và dòng vốn từ nước ngoài ổn định, HSBC lạc quan vào tăng trưởng kinh tế năm 2019 đạt 6,7%.

 PMI sản xuất tháng 6 phục hồi lên mức cao nhất năm 2019, ở 52,5 điểm. Triển vọng của lĩnh vực sản xuất được đánh giá tươi sáng nhờ tăng trưởng đơn hàng mới cao hơn và số việc làm tăng lên.

 Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài tiếp tục đổ vào lĩnh vực này, giúp cải thiện năng lực sản xuất trong tương lai.

 Quý I, tổng vốn FDI đăng ký mới vào lĩnh vực sản xuất tăng 33% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó vốn từ Trung Quốc tăng 411%. Theo đó, HSBC dự đoán tăng trưởng kinh tế năm 2019 sẽ đạt 6,7%. (VTV.vn 8/7)Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

Cán bộ từ chối, nộp lại quà tặng: Nghe thì hay...

Theo Nghị định hướng dẫn Luật Phòng, chống tham nhũng có hiệu lực từ ngày 15/8, cơ quan nhà nước, người có chức vụ chỉ được sử dụng tài chính, tài sản công làm quà tặng vì mục đích từ thiện, đối ngoại.

 Việc tặng quà phải thực hiện đúng chế độ, định mức, tiêu chuẩn, đối tượng theo quy định và phải hạch toán, công khai.

 Cơ quan nhà nước và người có chức vụ không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của tổ chức hoặc cá nhân có liên quan đến công việc. Nếu không từ chối được, cán bộ phải quản lý, xử lý theo quy định.

 Cán bộ cũng phải từ chối khi nhận được quà tặng không đúng quy định. Nếu không từ chối được thì phải báo cáo lãnh đạo và nộp lại trong thời hạn 5 ngày.

 "Quy định thì hay, tưởng là chặt chẽ nhưng rất khó có tính khả thi", ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nhận xét.

 Theo ông Tiến, nhiều trường hợp là cấp dưới hoặc những người có việc cần liên lụy đến người có chức vụ đưa quà đến tặng bao giờ cũng kín đáo.

 "Gọi là tặng quà nhưng thực chất đó là hối lộ trá hình, để giải quyết công việc thì đương nhiên không bao giờ người ta công khai, minh bạch trước bàn dân thiên hạ. Việc nộp lại quà tặng hầu như chỉ được thực hiện sau khi bị phát hiện sai phạm. Thế nên, quy định e rằng khó thành hiện thực được", ông Lê Như Tiến nói.

 Dẫn chứng cho việc rất ít người nộp lại quà tặng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội dẫn báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018 cho biết, trong năm 2018 chỉ có 25 trường hợp nộp lại quà tặng với tổng giá trị hơn 451 triệu đồng.

 Ông cũng kể lại một trường hợp diễn ra cách đây nhiều năm, một người nước ngoài tặng một lãnh đạo trong bộ máy công quyền của Việt Nam món quà trị giá rất lớn. Việc tặng quà có bảo vệ, văn phòng biết và vị lãnh đạo sau đó đã chuyển lại món quà cho văn phòng để xung công quỹ. Những trường hợp như thế, theo ông Tiến, rất ít.

"Việc từ chối, nộp lại quà tặng phụ thuộc nhiều vào ý thức tự giác của cán bộ, công chức", ông Lê Như Tiến nhấn mạnh.

 Bên cạnh đó, ông cũng lưu ý đến loại quà phi vật chất, thứ quà không trả lại được, không nộp lại được cho cơ quan. "Chẳng hạn, có nơi người ta đưa các cô gái trẻ đến, nói là "tặng quà cho sếp", chẳng lẽ lúc ấy mời cán bộ văn phòng, thanh tra đến chứng kiến? Nó rất khôi hài", ông Tiến nói.

 Vì lẽ đó, vấn đề quan trọng là phải kiểm soát được bộ máy. Cùng với những quy định đã có của pháp luật cần thực hiện một loạt biện pháp khác.

 Ngoài việc nêu cao tinh thần tự giác của mỗi cán bộ, công chức, theo ông Lê Như Tiến, phải lắp camera ở những nơi nhạy cảm, như phòng làm việc của người có chức vụ quyền hạn có khả năng dễ nhận quà; hoặc khi khách đến mà thấy có dấu hiệu đưa quà thì cơ quan, tổ chức phải bố trí 2-3 người cùng làm việc...

 Tương tự, phải có quy định nghiêm cấm mang quà đến nhà riêng người có chức vụ, quyền hạn để tặng cho người đó hoặc người thân thích, nhưng kèm với đó thì phải có cơ chế kiểm soát. Không thể ngày nào cơ quan, tổ chức cũng cử người đến đứng trước nhà người có chức vụ, quyền hạn để xem có ai vào, ông Tiến nói. (Đất Việt 8/7, Thành Luân) Về đầu trang

QUẢN LÝ

Tuổi nghỉ hưu sẽ có những quy định cụ thể cho từng nhóm

Tại buổi họp thông tin về thực hiện chính sách lao động, người có công và xã hội 6 tháng đầu năm 2019 vừa được tổ chức mới đây, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cho biết tinh thần của Bộ luật Lao động (LLĐ) là tuổi nghỉ hưu 60 - 62 với nữ và nam; tính đến nhóm lao động đặc thù, nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đang có trong quy định của Luật BHXH.

 Năm 2021 khi sửa đổi luật này thì sẽ có những quy định cụ thể và chi tiết về tuổi nghỉ hưu cho từng nhóm. Ông Diệp cho rằng điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu luôn là nội dung thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội và các đại biểu Quốc hội.

 Tại buổi họp, đa số các ý kiến đề nghị ban soạn thảo phải có những quy định có liên quan tuổi nghỉ hưu ở các nhóm lao động khác nhau. Đặc biệt là xác định những nhóm người lao động (NLĐ) có thể nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn quy định. Về nội dung này, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, hiện Bộ LĐ-TB-XH đã xin ý kiến các bộ, ngành về danh mục những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Bộ cũng lấy ý kiến cơ quan Tổng LĐLĐ Việt Nam - đại diện cho NLĐ và các tổ chức đại diện cho người sử dụng lao động.

 Bởi hiện nay các doanh nghiệp (DN) đã nỗ lực cải thiện điều kiện làm việc, an toàn vệ sinh lao động tốt hơn, những công việc nguy hiểm đã được thay bằng máy móc đảm nhiệm. Do vậy, danh mục những ngành nghề mà NLĐ được nghỉ hưu sớm hơn sẽ ngày càng ngắn lại. Tháng 10 tới đây, khi Quốc hội họp và thông qua dự thảo Bô LLĐ sửa đổi, Bộ LĐ-TB-XH sẽ có danh mục các nhóm nghỉ hưu sớm để các đại biểu thảo luận.

 Trước những luồng ý kiến cho rằng giáo viên mầm non, tiểu học, diễn viên xiếc... là lao động đặc thù, rất cần rút ngắn tuổi làm việc, theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, không phải chỉ Việt Nam mới có lao động đặc thù mà các nước cũng có. Vì thế, rất cần phân biệt tuổi nghề và tuổi nghỉ hưu. Luật pháp các nước quy định tuổi nghỉ hưu là mốc tối thiểu để nhận chế độ hưu trí, ví dụ nam 62, nữ 60. NLĐ có thể nghỉ hưu ở bất kỳ tuổi nào, 55, hay 57 nhưng phải đến 60 hoặc 62 mới đủ điều kiện nhận lương hưu.

 "Tinh thần của Bộ LLĐ là tuổi nghỉ hưu 60 - 62 với nữ và nam; tính đến nhóm lao động đặc thù, nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm- đang có trong quy định của Luật BHXH. Năm 2021 khi sửa đổi luật này thì sẽ có những quy định cụ thể và chi tiết về tuổi nghỉ hưu cho từng nhóm" - Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh. (Người Lao Động 8/7, Lê Hải)Về đầu trang

TP HCM chưa áp dụng quy định mới trong chi thu nhập tăng thêm quý II-2019

Ngày 8-7, Văn phòng UBND TP HCM đã có thông báo kết luận của Thường trực UBND TP về điều chỉnh Quyết định 4631/2018 về đánh giá, phân loại hàng quý theo hiệu quả công việc của cán bộ, công chức. Đây là căn cứ để chi trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức theo Nghị quyết 54 của Quốc hội.

 Theo đó, Thường trực UBND TP cơ bản thống nhất với Tờ trình của Sở Nội vụ về hoàn chỉnh dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định đánh giá, phân loại hàng quý theo hiệu quả công việc đối với cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn TP theo Quyết định 4631.

 Thời gian áp dụng từ quý III-2019, trình UBND TP trước ngày 10-7-2019.

 Đối với việc đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức quý II-2019, để chi trả thu nhập tăng thêm, các cơ quan, đơn vị vẫn tiến hành thực hiện theo Quyết định số 4631.

 Trước đó, UBND TP có văn bản khẩn gửi sở ngành, quận, huyện và các cơ quan liên quan tạm thời chưa tổ chức đánh giá, phân loại quý 2-2019 đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý.

 Việc đánh giá, phân loại sẽ được thực hiện sau khi UBND TP ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định 4631 quy định, đánh giá, phân loại hàng quý theo hiệu quả công việc đối với cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.

 Theo Nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM, HĐND TP ban hành Nghị quyết số 03 về chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn.

 Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức xuất sắc được tăng tối đa 0,6 lần vào năm 2018, năm 2019 là 1,2 lần và năm 2020 là 1,8 lần. Từ năm 2018, TP đã bắt đầu tiến hành chi trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức.

 Năm 2019, TP dự kiến chi hơn 7.200 tỉ đồng cho thu nhập tăng thêm này. Kinh phí này được lấy từ các nguồn như cải cách tiền lương năm trước chuyển sang, cải cách tiền lương trích lập từ nguồn thu được để lại hằng năm, ngân sách cấp huyện, thành phố... (Người Lao Động 8/7, Tấn Thạnh)Về đầu trang

TP.HCM: Bí thư quận, huyện phải vào cuộc xử lý trật tự xây dựng

Sáng 8/7, Hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 30 khóa X đã khai mạc. Một trong những vấn đề nóng được đề cập tại hội nghị là tình trạng xây dựng không phép, trái phép diễn biến phức tạp ở quy mô lớn. Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, cần rà soát và chấn chỉnh lại tình trạng vi phạm trật tự xây dựng đã kéo dài nhiều năm qua.

 Trong năm 2017 - 2018 và 6 tháng của 2019, TP.HCM có hơn 2.500 trường hợp xây dựng trên đất chưa chuyển đổi mục đích, đất không được phép xây dựng, chiếm 37% trong tổng số vi phạm về trật tự xây dựng.

 Phân tích tại hội nghị, lãnh đạo TP.HCM khẳng định, tới đây, nhu cầu về nhà ở cho người thu nhập thấp ngày càng tăng, tình hình vi phạm trật tự xây dựng sẽ tập trung các sai phạm như xây dựng không phép, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng nhà không phép rồi chuyển nhượng, mua bán dưới hình thức vi bằng, xây dựng nhà 3 chung gồm chung giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chung giấy phép xây dựng và chung số nhà, mua bán dự án "ma"... Do vậy, cần thực hiện nhiều biện pháp để chấn chỉnh như xử lý nghiêm cán bộ có vi phạm trong công vụ, ngưng cung cấp điện - nước cho các công trình vi phạm, ứng dụng công nghệ viễn thám trong quản lý đất đai, ngăn ngừa xây dựng không phép...

 Hội nghị thành ủy TP.HCM kéo dài 1,5 ngày. Trong đó, tập trung bàn thảo về triển khai các dự án trọng điểm, quản lý Nhà nước về xây dựng, thu hút đầu tư trong bối cảnh 6 tháng đầu năm, trung bình một dự án thu hút của TP.HCM chưa đến 1 triệu USD, còn thấp hơn bình quân năm ngoái là 2 triệu USD và nhỏ hơn so với kỳ vọng của thành phố. (VTV.vn 8/7)Về đầu trang

Hà Nội đề xuất giảm hơn 2.000 người hoạt động không chuyên trách cấp xã

Theo tính toán, nếu áp dụng quy định mới, Hà Nội sẽ giảm khoảng 2.178 người hoạt động không chuyên trách cấp xã, tiết kiệm hơn 42 tỷ đồng mỗi năm.

 UBND TP Hà Nội vừa có tờ trình gửi HĐND TP về số lượng, chức danh đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; mức phụ cấp, mức phụ cấp kiêm nhiệm đổi với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố; chế độ hỗ trợ đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã không tiếp tục bố trí công tác trên địa bàn thành phố Hà Nội.

 Tại tờ trình, UBND TP cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định 34/2019/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. 

Trong đó, Nghị định quy định: Giao Ủy ban nhân dân Thành phố trình Hội đồng nhân dân Thành phố quy định chức danh, số lượng đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; quy định mức phụ cấp, mức phụ cấp kiêm nhiệm đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; quy định mức chi bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố.

 Hơn nữa, từ thực tiễn ở Hà Nội đã triển khai thí điểm sắp xếp tổ chức bộ máy người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và thôn, tổ dân phố ở 05 quận, huyện. Sơ bộ đánh giá việc thí điểm sắp xếp, bố trí kiêm nhiệm người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố ở cơ sở không có vướng mắc và phù hợp với quy định tại Nghị định 34/2019/NĐ-CP.

 Trên cơ sở đó, UBND TP Hà Nội đề nghị giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã như sau: Xã, phường, thị trấn loại 1 tối đa 14 người; Xã, phường, thị trấn loại 2 tối đa 12 người; Xã, phường, thị trấn loại 3 tối đa 10 người.

 Đối với các chức danh hoạt động không chuyên trách cấp xã, Hà Nội đề nghị bố trí 10 chức danh gồm: Văn phòng Đảng ủy cấp xã; Phụ trách công tác truyền thanh cấp xã; Phó Chỉ huy trưởng Quân sự; Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh; Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ; Phó Chủ tịch Hội Nông dân (đối với xã và các phường, thị trấn còn sản xuất nông nghiệp); Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Chủ tịch Hội người cao tuổi; Chủ tịch Hội chữ thập đỏ ở xã, phường, thị trấn.

 Cùng với việc quy định giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách, Hà Nội cũng khuyến khích các xã, phường, thị trấn bố trí kiêm nhiệm chức danh. Cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm các chức danh không chuyên trách ở cấp xã; người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và ở thôn, tổ dân phố nếu kiêm nhiệm chức danh không chuyên trách khác được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 50% mức phụ cấp của chức danh không chuyên trách kiêm nhiệm.

 Trường hợp kiêm nhiệm nhiều chức danh cũng chỉ được hưởng một mức phụ cấp kiêm nhiệm bằng 50% mức phụ cấp chức danh cao nhất. Phụ cấp kiêm nhiệm chức danh không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

 Theo tính toán, nếu áp dụng quy định mới, Hà Nội sẽ giảm khoảng 2.178 người hoạt động không chuyên trách cấp xã, tiết kiệm 42.505 triệu đồng mỗi năm. (An Ninh Thủ Đô 7/7, An Nhiên) Về đầu trang

Cần Thơ sẽ đổi mới phiên chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới

Kỳ họp thứ 13, HĐND thành phố Cần Thơ Khóa IX sẽ khai mạc vào ngày 10/7 tới. Trong ngày hôm nay 8/7, Thường trực HĐND thành phố đã tổ chức cuộc họp báo với các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn, thông tin cụ thể về thời gian cùng những nội dung chính của kỳ họp.

 Ông Nguyễn Thành Đông, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Cần Thơ cho biết: nét mới so với những kỳ họp trước là phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp sẽ không có sự chỉ định trước đối với thủ trưởng các sở, ngành về nội dung chất vấn.

 Trong phiên chất vấn, các đại biểu sẽ đặt câu hỏi chất vấn liên quan đến các nhóm vấn đề, hoặc lĩnh vực đang được xã hội và cử tri đặc biệt quan tâm. Các nội dung trọng tâm xung quanh 8 lĩnh vực như quản lý đô thị, giao thông, nông nghiệp, tài nguyên và môi trường, văn hóa, khoa học và công nghệ, quản lý thị trường và phòng chống tội phạm.

 Kỳ họp tới đây có đường dây điện thoại trực tiếp với số điện thoại 02922249990 để ghi nhận ý kiến của cử tri đóng góp cho hoạt động của HĐND, UBND, các ngành, các cấp của thành phố. Ngoài ra, kỳ họp này còn thực hiện công tác về nhân sự thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố.

 Ông Nguyễn Thành Đông cũng thông tin từ kỳ họp này trở đi, hưởng ứng chủ trương hạn chế rác thải nhựa mà Chính phủ phát động, các đại biểu sẽ sử dụng nước uống được đựng trong các chai, cốc được làm bằng sành, thủy tinh để có thể sử dụng được cho nhiều lần sau. (VOV.vn 8/7, Thanh Tùng)Về đầu trang

Bình Dương công bố quyết định kiểm tra nhiều cán bộ chủ chốt

Sáng 8/7, Tỉnh ủy Bình Dương tổ chức lễ công bố quyết định kiểm tra Đảng ủy và cá nhân Bí thư Đảng ủy giám đốc các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Giao thông Vận tải, Y tế, Giáo dục và Đào tạo. 

Ngoài ra, Ban Thường vụ và cá nhân Bí thư Thị ủy Bến Cát và Huyện ủy Bắc Tân Uyên cũng được kiểm tra theo quyết được được ban hành. Theo quyết định, thời gian kiểm tra dự kiến bắt đầu từ ngày 6/8 đến 15/8. Đến tháng 9, Đoàn kiểm tra sẽ báo cáo kết quả về Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

 Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương, ông Nguyễn Hoàng Thao cho biết đây là hoạt động kiểm tra bình thường, nội dung chủ yếu về công tác Đảng.

 Trong số các cá nhân, tổ chức nằm trong danh sách kiểm tra, gây chú ý với người dân nhất là Thị ủy Bến Cát. Bởi trước đó, cựu Bí thư Thị ủy Bến Cát ông Nguyễn Hồng Khanh bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Bình Dương bắt tạm giam vào hồi tháng 8/2018 liên quan đến sai phạm lĩnh vực đất đai. (Tiền Phong 8/7, Hương Chi)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Kho bạc nhà nước Hà Tĩnh “phủ sóng” dịch vụ công trực tuyến

“Phủ sóng” dịch vụ công trực tuyến trên diện rộng, Kho bạc nhà nước (KBNN) Hà Tĩnh không chỉ công khai minh bạch thủ tục hành chính mà còn giúp các đơn vị sử dụng ngân sách tiết kiệm thời gian và chi phí, hạn chế việc giả mạo chữ ký, giả mạo con dấu của đơn vị. 

Nếu như trước đây, để giao dịch hồ sơ chứng từ, chị Võ Thị Vinh – kế toán trưởng Sở Công thương Hà Tĩnh phải thường xuyên đến kho bạc để giao nhận chứng từ giấy, thì nay với dịch vụ công trực tuyến, chị Vinh nhận kết quả ngay tại cơ quan mà vẫn bảo đảm mọi hoạt động giao dịch.

 Từ nay, tại KBNN Hà Tĩnh, mọi giao dịch bằng chứng từ giấy sẽ từng bước được "xóa sổ" để giảm thời gian và chi phí đi lại cho các đơn vị sử dụng ngân sách.

 Chị Vinh chia sẻ: “Khi giao dịch chứng từ giấy, phải mất nhiều thời gian đi lại để theo dõi xem chứng từ đã được ký duyệt chưa, nhưng khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến, ngay khi đưa chứng từ lên hệ thống, kế toán có thể nắm rõ bộ hồ sơ đang ở khâu nào, có sai sót gì không và khi có sai sót, ngay lập tức được hệ thống báo trả. Hầu như chứng từ đưa lên hệ thống được xử lý, giải quyết ngay trong ngày. Thông tin nhanh, chứng từ lưu thông an toàn”. 

Với cách thức giao dịch điện tử, các đơn vị tham gia không chỉ rút ngắn được thời gian và chi phí mà còn có thể giám sát quá trình giải quyết hồ sơ của nhân viên KBNN. Theo đó, dịch vụ công trực tuyến cung cấp các thông tin về thời gian, quá trình tiếp nhận hồ sơ, kiểm soát thanh toán thông qua các trạng thái như: KBNN từ chối hoặc tiếp nhận hồ sơ, KBNN đang xử lý hồ sơ, KBNN đã thanh toán hoặc từ chối thanh toán, KBNN từ chối hoặc tiếp nhận hồ sơ...

 “Hệ thống dịch vụ công trực tuyến công khai minh bạch về hồ sơ, chứng từ, nội dung kiểm soát, thực hiện quy trình kiểm soát chi điện tử. Khi ứng dụng dịch vụ công trực tuyến, kiểm soát chi không phải làm thủ tục giao nhận hồ sơ chứng từ giấy, tránh sai sót, giả mạo chữ ký, mẫu dấu. Qua hệ thống, lãnh đạo KBNN các cấp có thể kiểm tra được tình trạng xử lý hồ sơ, từ đó làm tăng tính trách nhiệm của cán bộ kiểm soát chi trong quá trình thực thi nhiệm vụ” – Phó giám đốc KBNN tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh. (Baohatinh.vn 7/7, Phan Trâm) Về đầu trang

Bà Rịa - Vũng Tàu: Ứng dụng tra cứu thông tin Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất

Sở Tài nguyên và Môi trường Bà Rịa - Vũng Tàu vừa hoàn thành ứng dụng tra cứu thông tin Giấy Chứng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (Giấy Chứng nhận) trên địa bàn.

 Theo đó, người dân và doanh nghiệp truy cập vào địa chỉ: http://sotnmt.baria-vungtau.gov.vn/, tìm đến biểu tượng: Tra cứu thông tin Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, nhập số của Giấy Chứng nhận và thực hiện tra cứu. Ứng dụng sẽ truy vấn trong cơ sở dữ liệu địa chính và hiển thị kết quả các thông tin của Giấy Chứng nhận đã được cấp bao gồm các thông tin: Số hiệu - Số seri - Ngày ký - Người ký - Ngày trả - Số vào sổ - Thửa đất (Tờ bản đồ).

 Với việc ra mắt ứng dụng sẽ phát huy hiệu quả của cơ sở dữ liệu đã được xây dựng, minh bạch thông tin theo quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin, góp phần phòng, chống Giấy Chứng nhận giả mạo, tăng khả năng tiếp cận thông tin đất đai, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. (Đại Biểu Nhân Dân 8/7, Tr. Hải)Về đầu trang

PHÁP LUẬT

Đề nghị Bộ Chính trị thi hành kỷ luật nguyên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh

ừ ngày 02 đến 04/7/2019, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ 37. Đồng chí Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì kỳ họp.

 Tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã xem xét, thi hành kỷ luật đối với đồng chí Vũ Văn Ninh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ.

 Trong thời gian giữ cương vị Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Vũ Văn Ninh có vi phạm, khuyết điểm trong việc quyết định chủ trương thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các cảng Quy Nhơn, Quảng Ninh trái với kết luận của Bộ Chính trị. Trong thời gian giữ cương vị Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đồng chí Vũ Văn Ninh đã thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, để xảy ra vụ việc gây thiệt hại lớn tiền của Nhà nước, nhiều cán bộ, đảng viên liên quan bị xử lý hình sự trong vụ án kinh tế Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho Công ty Cho thuê tài chính II (ALC II) vay tiền.

 Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận, vi phạm của đồng chí Vũ Văn Ninh là nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân đồng chí. Căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, UBKT Trung ương đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật đối với đồng chí Vũ Văn Ninh. (VTV.vn 8/7)Về đầu trang

Cảnh cáo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công, khiển trách 2 Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, Nguyễn Nhật

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật 3 Thứ trưởng Bộ GTVT và đề nghị Ban Bí thư xem xét, kỷ luật nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường.

 Từ ngày 02 đến 04/7/2019, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ 37. Đồng chí Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì kỳ họp.

 Tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã xem xét, thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và một số cá nhân về các vi phạm, khuyết điểm đã được kết luận tại kỳ họp 35 của UBKT Trung ương. 

Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm; căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo các đồng chí: Nguyễn Văn Công, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ GTVT; Phạm Viết Muôn, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Trần Ngọc Thành, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam; thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách hai đồng chí Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, Nguyễn Nhật và đồng chí Nguyễn Ngọc Huệ, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam.

 UBKT Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ GTVT nhiệm kỳ 2011 - 2016 và đồng chí Nguyễn Hồng Trường, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT. (VTV.vn 8/7)Về đầu trang

Vi phạm trong giao đất, giao rừng, nguyên 2 Phó Chủ tịch tỉnh Đắk Nông bị cảnh cáo

Từ ngày 2 - 4/7/201, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã họp kỳ 37. Ông Trần Cẩm Tú, Chủ nhiệm UBKT Trung ương chủ trì kỳ họp.

 Tại kỳ họp này, UBKT Trung ương đã xem xét, thi hành kỷ luật ông Đỗ Thế Nhữ, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng (BCSĐ), nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh và ông Nguyễn Đức Luyện, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên BCSĐ, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông về trách nhiệm liên quan đến các vi phạm, khuyết điểm của BCSĐ UBND tỉnh Đắk Nông trong công tác giao đất, giao rừng, cho thuê đất, cho thuê rừng, quản lý, bảo vệ rừng đã được kết luận tại kỳ họp 32 của UBKT Trung ương.

 Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với các ông: Đỗ Thế Nhữ và Nguyễn Đức Luyện.

 Với ông Nguyễn Mạnh Cường, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Nông, UBKT Trung ương kết luận, trong thời gian giữ cương vị Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông, ông Cường đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra một số vi phạm, khuyết điểm trong tổ chức thực hiện dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh và trong đầu tư mua sắm, quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế, gây thiệt hại ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng.

 Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm; căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Mạnh Cường.

 Cũng tại kỳ họp này, UBKT Trung ương đã xem xét kết quả giám sát đối với một số cấp ủy, tổ chức Đảng và giải quyết khiếu nại kỷ luật Đảng đối với 02 trường hợp. (Thanh Tra 8/7, H.Giang)Về đầu trang

Đắk Nông: Khởi tố nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Ea Pô

Ông Công đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc, đồng thời cách tất cả các chức vụ trong Đảng, đình chỉ sinh hoạt Đảng để phục vụ công tác điều tra.

 Ngày 8/7, thông tin từ Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông xác nhận, lãnh đạo Viện này đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam để điều tra đối với ông Phạm Văn Công (nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Ea Pô, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) về hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo quy định tại Điều 341, Bộ luật Hình sự 2015.

 Theo thông tin ban đầu, ông Công đã nhờ người khác làm giả Bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông để hợp thức hóa hồ sơ, giấy tờ.

 Sau khi có đơn thư tố cáo của công dân, ông đã thuê làm tiếp 2 văn bản giả thể hiện kết quả xác minh lý lịch, nguồn gốc Bằng tốt nghiệp. Kết quả giám định của cơ quan chức năng xác định cả 3 giấy tờ trên đều là giả.

 Ông Công đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc, đồng thời cách hết tất cả các chức vụ trong Đảng, đình chỉ sinh hoạt Đảng để phục vụ công tác điều tra.

 Liên quan tới vụ việc ông Phạm Văn Công bị tố cáo sử dụng Bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông giả, tháng 5/2019, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Nông đã ban hành quyết định thi hành kỷ luật ông Nguyễn Kim Đức, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Cư Jút bằng hình thức khiển trách.

 Ông Đức bị kỷ luật vì đã có hành vi sai nguyên tắc, sai phương pháp trong công tác kiểm tra của Đảng khi xử lý, thẩm tra các nội dung tố cáo của công dân đối với ông Công. Hành vi của ông Đức ảnh hưởng xấu đến uy tín tổ chức Đảng và cá nhân ông. (Thanh Tra Online 8/7, Hưng Thịnh)Về đầu trang

Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Xem xét, thi hành kỷ luật Giám đốc Công an Đồng Nai

Theo UBKT, Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh Đồng Nai đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo...

 Từ ngày 2 đến 4/7/2019, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ 37. Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú chủ trì kỳ họp.

 Tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung, trong đó có việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy (BTVĐU) Công an tỉnh Đồng Nai.

 Theo UBKT, Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh Đồng Nai đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong hoạt động điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc; trong công tác quản lý, sử dụng vũ khí, đất đai, tài chính, tài sản và công tác cán bộ; để nhiều cán bộ, chiến sĩ bị xử lý hình sự.

 Các đồng chí Đại tá Huỳnh Tiến Mạnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh, Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Công an tỉnh chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh; Đại tá Trần Thị Ngọc Thuận, Phó Bí thư Đảng ủy và các đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc, gồm: Đại tá Ngô Minh Đức, Đại tá Lý Quang Dũng, Đại tá Nguyễn Văn Kim, Đại tá Nguyễn Xuân Kim cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh và trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công.

 Qua kiểm tra đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh, UBKT Trung ương nhận thấy, đồng chí Hồ Văn Năm, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Đồng Nai đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Trong thời gian giữ cương vị Bí thư ban cán sự đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai, đồng chí Hồ Văn Năm chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh trong việc giải quyết một số vụ án hình sự.

 Vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh Đồng Nai và các đồng chí nêu trên đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và các cơ quan bảo vệ pháp luật, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật. (VTV.vn 8/7)Về đầu trang

Xem xét kỷ luật cán bộ thú y Đồng Nai cấp giấy kiểm dịch cho lợn nhiễm dịch tả châu Phi

Ông Ninh Văn Trường, cán bộ thú y Trạm kiểm dịch Long Thành, bị xem xét kỷ luật vì ký giấy cấp phép cho đàn lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi qua trạm kiểm dịch.

 Chiều 8/7, trả lời phỏng vấn phóng viên VTV24, ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở NNPT&NT tỉnh Đồng Nai cho biết, đơn vị này vừa ra quyết định đình chỉ công tác đối với ông Ninh Văn Trường, cán bộ thú y Trạm kiểm dịch Long Thành. Ông Trường là người đã ký giấy phép để đàn lợn nhiễm dịch tả châu Phi được thông qua trạm kiểm dịch Long Thành.

 Trước đó, ngày 4/7, lực lượng chức năng TP.HCM phát hiện xe tải chở 14 con lợn đi từ hướng Đồng Nai về các tỉnh miền Tây, trên xe có 2 con đã chết. Tại thời điểm trên, tài xế xuất trình giấy kiểm dịch động vật đi ngoài tỉnh do cơ quan chức năng Đồng Nai cấp. Tuy nhiên, qua xét nghiệm, số lợn này dương tính với dịch tả châu Phi.

 Theo ông Vinh, giấy kiểm dịch trên không có kết quả xét nghiệm là sai với quy định. "Trường hợp này là sai quá rõ ràng. Trước mắt tôi đã chỉ đạo Trạm kiểm dịch Long Thành kiểm điểm đồng chí này. Bộ phận thanh tra của Chi cục Thú y tỉnh cũng sẽ vào cuộc để làm rõ sai phạm và có hình thức kỷ luật cụ thể", ông Huỳnh Thành Vinh nói.

 Được biết, số lợn trên có nguồn gốc từ một hộ gia đình ở huyện Long Thành, nơi đã xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi. (VTV.vn 8/7)Về đầu trang./.

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Các tin khác