“Xuất khẩu lao động - Cơ hội giảm nghèo bền vững”.

9:36, Thứ Năm, 16-2-2023

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Xuất khẩu lao động là một trong những giải pháp quan trọng nhằm giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần thực hiện thành công chương trình Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Quán triệt và triển khai các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương về đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài, nhất là Chỉ thị số 16-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đưa lao động địa phương ra nước ngoài làm việc sẽ góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng quê hương, đồng thời cũng là kênh giới thiệu, quảng bá hình ảnh và những giá trị tốt đẹp của đất nước, văn hóa, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Thời gian qua, công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành quan tâm, chỉ đạo sát sao. Chỉ tiêu giải quyết việc làm cho người lao động hàng năm đều đạt mục tiêu đề ra. Trong đó, xuất khẩu lao động là một trong những giải pháp giải quyết việc làm mang lại thu nhập cao cho người lao động, góp phần thay đổi tư duy, trình độ sản xuất của người lao động, giúp nhiều gia đình ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn thoát nghèo.

Để có sự chỉ đạo triển khai thực hiện tập trung thống nhất, đồng bộ và hiệu quả, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của Nhân dân được đặc biệt coi trọng, triển khai đồng bộ bằng nhiều hình thức và thường xuyên, liên tục, thông qua tuyên truyền trên hệ thống truyền thông đại chúng, nhất là báo chí trong tỉnh và hệ thống truyền thanh cơ sở; thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp, trực tiếp xuống cơ sở, đến người dân. Tập trung tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xuất khẩu lao động; tuyên truyền, phổ biến về pháp luật, chế độ, chính sách, giúp người lao động hiểu rõ chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về xuất khẩu lao động; nắm rõ thông tin thị trường lao động nước ngoài; đồng thời giúp người dân, nhất là lao động trẻ vùng sâu, vùng xa tiếp cận đầy đủ thông tin các đơn hàng, nhu cầu tuyển lao động và hỗ trợ pháp lý trong quá trình làm hồ sơ vay vốn, xuất cảnh... Qua đó, giúp người dân nâng cao nhận thức về việc xuất khẩu lao động, từng bước khắc phục tư tưởng e ngại đi làm ăn xa, đồng thời cũng giúp người lao động yên tâm, lựa chọn công việc và thị trường làm việc phù hợp; tích cực, chủ động đăng ký tham gia xuất khẩu lao động.

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Bình đã tập trung công tác xóa đói giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo ở tỉnh tuy có giảm nhưng chưa thực sự bền vững, nhiều hộ đã thoát nghèo nhưng mức thu nhập vẫn thấp, khả năng tái nghèo cao. Trước thực trạng đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở rất quan tâm công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong năm 2022, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho trên 21.000 lao động (đạt 116,67% kế hoạch), trong đó có khoảng 5.500 lao động được tuyển chọn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng (đạt 152,78% kế hoạch năm). Theo đó, tỉnh Quảng Bình đặt ra mục tiêu trong năm 2023 sẽ tạo việc làm cho 18.500 người. Trong đó, có khoảng 3.700 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.

Thời gian qua, người lao động trong tỉnh chủ yếu đi làm việc tại thị trường các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và một số nước châu Âu. Nhìn chung, lao động đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập cao hơn hẳn so với lao động làm việc trong nước, bình quân thu nhập từ 20 - 35 triệu đồng/người/tháng. Điều đáng ghi nhận là thông qua chương trình xuất khẩu lao động đã góp phần quan trọng trong việc giảm áp lực về đào tạo lao động và giải quyết việc làm cho người lao động trong tỉnh, đồng thời tăng thu nhập ngoại tệ cho địa phương. Qua đó giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo, nâng cao đời sống, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.

TL

Các tin khác