Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 19-7-2019

14:23, Thứ Sáu, 19-7-2019

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 Tải file tại đây

CHỈ THỊ MỚI 1

1. Ưu tiên nguồn lực triển khai các nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử. 1

2.Thủ tướng yêu cầu báo cáo về thông tin thất thoát lớn từ đất đai 2

3.Yêu cầu tăng tốc cổ phần hóa các doanh nghiệp lớn. 3

TIN QUỐC HỘI 4

4.Chính phủ lại được đề nghị rút kinh nghiệm trong việc tiêu tiền. 4

5.Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án luật 6

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 6

6.Chính phủ tiếp tục "nhắc" việc cắt giảm điều kiện kinh doanh. 6

7.Thủ tướng: Các tập đoàn, tổng công ty cần tránh tình trạng “nóng đâu phủi đấy”. 8

8. Gấp rút hoàn thiện Luật PPP, sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. 9

9.  ADB: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á năm 2019. 9

10.Hà Nội: Bình quân 38 người có 1 doanh nghiệp. 10

QUẢN LÝ.. 10

11. 6 tháng đã chuyển đổi vị trí công tác hơn 4.400 cán bộ, công chức, viên chức. 10

12.  Từ 1/1/2020, lương tối thiểu vùng dự kiến sẽ tăng cao nhất 240.000 đồng/tháng. 11

13.Cần phân quyền trong việc đầu tư hạ tầng đường sắt 13

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 13

14. Kon Tum: Công chức, viên chức phải thực hiện "4 xin, 4 luôn". 13

15.TP Hà Nội triển khai hiệu quả dịch vụ công trực tuyến. 13

16.Kiên Giang tiến tới kỳ họp HĐND không giấy. 14

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 15

17. 28 tỉnh không giải ngân được vốn ODA trong 6 tháng. 15

THẾ GIỚI 16

18. Moskva (Nga) giải bài toán tắc đường nhờ hệ thống giao thông thông minh. 16

19.Zimbabwe thất bại trong chống tham nhũng. 17

 CHỈ THỊ MỚI

Ưu tiên nguồn lực triển khai các nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử

Chính phủ vừa yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo, huy động, ưu tiên nguồn lực triển khai các nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử.

 Tính đến tháng 6/2019, tỷ lệ cơ quan triển khai phần mềm một cửa điện tử theo mô hình một hệ thống tập trung là hơn 54% với các bộ, ngành và trên 87% với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Ảnh minh họa: Internet)

 Cũng theo Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ trực tuyến với các địa phương tháng 6/2019 mới ban hành, chỉ đạo về việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo, huy động, ưu tiên nguồn lực triển khai các nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tiến độ triển khai, chất lượng công việc; gương mẫu, đi đầu trong việc sử dụng chữ ký số cá nhân để phê duyệt các văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường điện tử.

 Các bộ, ngành, địa phương tập trung nâng cấp phần mềm quản lý văn bản và điều hành, tích cực thực hiện xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng và gửi, nhận văn bản điện tử có ký số; khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Hệ thống thông tin điện tử một cửa và Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia; hoàn thành cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

 Văn phòng Chính phủ tập trung xây dựng dự thảo Nghị định về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; đưa vào vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia; phát triển Trục liên thông văn bản quốc gia thành nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu.

 Bộ Công an tập trung xây dựng dự thảo Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân bảo đảm thời gian trình theo chỉ đạo của Chính phủ; đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

 Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Nội vụ tập trung xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 110 năm 2004 về công tác văn thư, trình Chính phủ trong tháng 9/2019; đề án thực hiện nhiệm vụ lưu trữ tài liệu điện tử của cơ quan nhà nước.

 Còn với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan này được yêu cầu phải tập trung xây dựng, trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm xã hội. (Ictnews.vn 18/7, Vân Anh) Về đầu trang

Thủ tướng yêu cầu báo cáo về thông tin thất thoát lớn từ đất đai

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có văn bản yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu thông tin báo chí phản ánh ngân sách thất thoát lớn từ đất đai.

 Văn phòng Chính phủ cho biết, Báo điện tử Thời báo Kinh tế Việt Nam - VnEconomy ngày 9/7/2019 có bài viết "Ngân sách thất thoát lớn từ đất đai" phản ánh: Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất chưa đồng bộ, bất cập nên nhận thức khác nhau, vận dụng tạo ra sai phạm và kẽ hở làm thất thoát, tham nhũng.

 Hầu hết doanh nghiệp đang sử dụng thuê đất khi chuyển mục đích sang đất ở đô thị không qua đấu giá và giá trị quyền sử dụng đất định giá không sát giá thị trường gây thất thoát ngân sách nhà nước. Diện tích đất doanh nghiệp nhà nước được giao lớn, song chưa được quản lý chặt chẽ…

 Về nội dung báo phản ánh nêu trên, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đề xuất giải pháp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

 Trước đó, dẫn báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, VnEconomy đã phản ánh, hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất còn chưa đồng bộ, chậm được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. Nhiều nội dung còn bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và là nguyên nhân gây nên nhận thức khác nhau, dẫn đến vận dụng tạo ra sai phạm và cũng là kẽ hở để thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong quản lý, sử dụng đất, nhất là đất khu đô thị.

 Ví như tại thành phố Đà Nẵng, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Bình…có tình trạng một số công ty, hộ dân sử dụng đất chưa đúng mục đích được giao, thuê đất nhưng các cơ quan có thẩm quyền chưa có biện pháp xử lý theo quy định. Một số đơn vị sử dụng đất vào mục đích sản xuất kinh doanh hoặc diện tích sử dụng thực tế cao hơn so với hợp đồng thuê đất nhưng địa phương chưa lập bộ tiền thuê đất theo quy định.

 Nhiều địa phương như Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Đồng Nai chưa điều chỉnh lại đơn giá thuê đất đối với trường hợp hết chu kỳ ổn định đơn giá thuê đất theo quy định; còn chênh lệch giữa thời gian sử dụng đất và thời điểm tính tiền thuê đất theo hợp đồng thuê đất dẫn đến thiếu tiền thuê đất phải nộp (Cục Thuế; Chi cục Thuế Sa Pa).

 Ngoài ra, diện tích, số lượng cơ sở đất mà các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp nhà nước được giao rất lớn, song chưa được bản thân doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý chặt chẽ. (Vneconomy.vn 18/7, Bảo Anh)Về đầu trang

Yêu cầu tăng tốc cổ phần hóa các doanh nghiệp lớn

Theo Văn phòng Chính phủ, 6 tháng đầu năm, cả nước đã bán cổ phần lần đầu tại 6 doanh nghiệp, thu về 562,707 tỷ đồng; thoái vốn tại 30 doanh nghiệp, thu về 4.589,335 tỷ đồng, gấp 1,82 lần giá trị sổ sách. Số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn chuyển Ngân sách Nhà nước để đáp ứng nhu cầu của kế hoạch đầu tư công trung hạn theo Nghị quyết của Quốc hội đạt 185.000/250.000 tỷ đồng, đạt 74% kế hoạch của cả giai đoạn 2016-2020.

 Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, còn một số tồn tại, hạn chế. Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn chậm so với kế hoạch đề ra. Một số Bộ, ngành, địa phương phản ánh còn gặp vướng mắc, khó khăn trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn do việc rà soát, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn để tháo gỡ chưa kịp thời...

 Do đó, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu 6 tháng cuối năm 2019 các Bộ, cơ quan theo chức năng nhiệm vụ được giao trình Chính phủ, Thủ tướng để ban hành đầy đủ, đúng tiến độ các cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật 6 tháng cuối năm 2019; tiếp tục rà soát toàn diện các văn bản pháp luật liên quan để ban hành hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc khó khăn theo thẩm quyền, bảo đảm rõ ràng, minh bạch, khả thi trong triển khai thực hiện; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng.

 Bộ Tài chính tiếp tục rà soát các văn bản pháp luật liên quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong cổ phần hóa, thoái vốn, báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện trong tháng 7/2019 trình phương án sửa đổi bổ sung Nghị định số 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết; đề án tổng thể xử lý tài chính đối với Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế quản lý nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp trình Chính phủ trong tháng 7 năm 2019.

 Đồng thời, Bộ Tài chính chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước rà soát, đôn đốc các doanh nghiệp đã IPO đủ điều kiện thực hiện niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán; công bố công khai, xử lý trách nhiệm đối với việc chậm, không niêm yết, đăng ký giao dịch đối với các doanh nghiệp đủ điều kiện, cụ thể hóa trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan; đôn đốc, giám sát chặt chẽ việc cung cấp thông tin của các doanh nghiệp nhà nước theo quy định.

 Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát các quy định liên quan đến việc cho ý kiến, phê duyệt phương án sử dụng đất của các doanh nghiệp cổ phần hóa để chủ động tháo gỡ các vướng mắc theo thẩm quyền; đôn đốc các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính làm tốt công tác này; ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định số 126/2017/NĐ-CP trong tháng 7 năm 2019.

 Đáng chú ý, Phó thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp quy mô lớn trực thuộc theo quy định và tiến độ triển khai Đề án cơ cấu lại các tập đoàn kinh tế, tổng công ty trực thuộc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trình Thủ tướng Chính phủ Đề án cơ cấu lại toàn diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong tháng 7/2019.

 Chỉ đạo tập đoàn, tổng công ty trực thuộc rà soát những vấn đề liên quan đến phương án cơ cấu lại, sản xuất kinh doanh, các vướng mắc khó khăn trong hoạt động; chuẩn bị các tài liệu cần thiết phục vụ buổi làm việc của Lãnh đạo Chính phủ với Ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty, dự kiến trong quý 3/2019.

 Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp triển khai xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương và chuẩn bị tốt các cuộc họp Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương dự kiến trong tháng 8, tháng 9/2019.

 Bộ Xây dựng tiếp tục chỉ đạo, hoàn thành cổ phần hóa Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam, xử lý vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa Tổng công ty Phát triển nhà và Đô thị; rà soát, chuyển giao về SCIC các doanh nghiệp chưa hoàn thành thoái vốn theo đúng quy định.

 Đối với các địa phương, Phó thủ tướng yêu cầu phối hợp với các cơ quan liên quan kịp thời, nghiêm túc rà soát, cho ý kiến, phê duyệt Phương án sử dụng đất theo quy định đối với các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc, các doanh nghiệp cổ phần hóa có đất đai trên địa bàn; chủ động tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn. (Vneconomy.vn 18/7, Song Hà)Về đầu trang

TIN QUỐC HỘI

Chính phủ lại được đề nghị rút kinh nghiệm trong việc tiêu tiền

Tiếp tục phiên họp thứ 35, sáng 17/7 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc sử dụng 20% kinh phí kết dư quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015.

 Cụ thể, Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho phép 11 tỉnh, thành phố được kéo dài thời gian thanh toán các khoản mua sắm trang thiết bị y tế, phương tiện vận chuyển người bệnh từ nguồn 20% kết dư quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015 đến hết ngày 30/6/2020, tổng số tiền là 518.389 triệu đồng. Sau thời điểm này, phần kinh phí chưa sử dụng hết được hạch toán vào quỹ dự phòng để điều tiết chung theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế.

 Thẩm tra vấn đề này, Uỷ ban Tài chính - ngân sách nêu rõ, theo luật thì trong thời hạn 12 tháng, sau khi Bảo hiểm xã hội Việt Nam thẩm định quyết toán và kể từ ngày ghi trong thông báo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, phần kinh phí chưa sử dụng hoặc không sử dụng hết phải thu hồi và chuyển về Bảo hiểm xã hội Việt Nam để nộp về quỹ dự phòng.

 Việc Chính phủ trình cho phép 11 tỉnh, thành phố được kéo dài thời gian thanh toán từ nguồn 20% kết dư Quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế là vượt quy định của Luật Bảo hiểm y tế, do đó, thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban thẩm tra Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.

 Liên quan đến thời gian trình, theo tờ trình của Chính phủ, khoản kinh phí kết dư 20% từ quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế phát sinh từ năm 2015 được Hội đồng Quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam trình thông qua ngày 29/12/2016. Theo quy định thì khoản kinh phí kết dư này được sử dụng trong vòng 12 tháng kể từ ngày ghi trong thông báo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Bên cạnh đó, Luật Bảo hiểm ý tế năm 2014 quy định "Hằng năm, Chính phủ báo cáo trước Quốc hội về quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế".

 "Như vậy, đến nay Chính phủ mới báo cáo vấn đề này là rất chậm. Đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan và địa phương có liên quan nghiêm túc rút kinh nghiệm", Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

 Với số tiền 518.389 triệu đồng chưa thanh toán, Ủy ban thẩm tra cho rằng, về nguyên tắc, sau 12 tháng các địa phương không sử dụng hết sẽ phải chuyển về quỹ dự phòng của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, năm 2017 là năm đầu tiên được sử dụng khoản kết dư này nên các địa phương cũng gặp nhiều khó khăn, dẫn đến  có 11 địa phương chưa hoàn tất việc thanh toán theo quy định.

 Theo báo cáo của Chính phủ, về cơ bản, các địa phương này đã ký hợp đồng mua sắm, nhiều địa phương đã hoàn thành việc lắp đặt, bàn giao trang thiết bị y tế, phương tiện vận chuyển người bệnh và các tài sản này đã được đưa vào sử dụng phục vụ cho khám, chữa bệnh.

 Đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - ngân sách cho rằng, phần lớn các địa phương trên là các tỉnh khó khăn, vì vậy, đồng ý với đề nghị của Chính phủ cho phép kéo dài thời hạn thanh toán đối với số tiền 518.389 triệu đồng đến hết 30/6/2020 và đề nghị Uỷ ban Thường vụ yêu cầu Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định vấn đề này tại kỳ họp thứ 8.

 Phần thảo luận, cả Chủ tịch Quốc hội và nhiều ý kiến khác đều nhấn mạnh rằng phải xử lý thế nào để đừng tạo ra tiền lệ là cứ chậm trễ rồi trình lên Quốc hội là được quyết hết.

 Nếu đồng ý với tờ trình của Chính phủ thì tự nhiên lại đi giải quyết cho những địa phương thực hiện không nghiêm túc, nhưng chỉ lăn tăn vì số tiền đó phục vụ cho sức khoẻ nhân dân, nếu không thì dứt khoát không đồng ý, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.

 Sau nhiều ý kiến đề nghị làm rõ nguyên nhân chậm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết chậm ở hai khâu, cả thủ tục ở Trung ương và địa phương. Những tỉnh khó khăn thì đã xong còn một số tỉnh, thành tự chủ được ngân sách, trong đó có cả Hà Nội và Tp.HCM lại chậm trễ, theo Bộ trưởng cần rút kinh nghiệm trong quá trình điều hành.

 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhất trí trình Quốc hội nhưng phê bình nghiêm khắc những địa phương làm không đúng, cũng cần là rõ trách nhiệm kiểm tra đôn đốc, Chủ tịch Quốc hội nói tiếp. "Nếu không phải vì chi phục vụ sức khoẻ tôi khỏi phát biểu luôn, dứt khoát không trình Quốc hội", Chủ tịch Quốc hội nói.

 Điều hành phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết sẽ trình Quốc hội xem xét đề nghị của Chính phủ nhưng phê bình nghiêm túc các địa phương làm chưa tốt, và Chính phủ phải làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của việc chậm trễ.

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói rõ sự chậm trễ này là do thực hiện chứ không phải do luật bất cập, nhưng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vì dân mà đồng ý với đề nghị của Chính phủ, vì thế Chủ tịch Quốc hội lưu ý "đừng tạo ra tiền lệ" từ việc này.

 Như vậy, Chính phủ lại thêm một lần bị phê bình vì chậm xử lý những vấn đề liên quan đến tài chính, gần đây là chậm xử lý vốn viện trợ, trước đó là vốn để xây dựng một số trường mầm non và nhiều vấn đề khác. (Vneconomy.vn 17/7, Nguyên Vũ)Về đầu trang

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án luật

Sáng 18/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ phối hợp tổ chức Hội nghị triển khai chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các tháng cuối năm 2019 và năm 2020.

 Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh Chính phủ chủ trương đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, hướng tới xây dựng Chính phủ kiến tạo, vì vậy thời gian qua các Bộ, ngành đã nỗ lực và chủ động trong đề xuất xây dựng và sửa đổi luật. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng xin lùi, rút các dự án luật, đề nghị các Bộ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Ủy ban của Quốc hội để đảm bảo việc xây dựng các văn bản luật có chất lượng theo đúng kế hoạch đề ra.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng nhấn mạnh, các cơ quan, tổ chức có liên quan cần phải nâng cao trách nhiệm, quyết liệt triển khai và tập trung nguồn lực để thực hiện, hoàn thành đầy đủ, kịp thời nhiệm vụ xây dựng pháp luật được giao.

 Được biết, từ nay đến hết năm 2020, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 25 dự án luật, cho ý kiến về 17 dự án luật khác. (VTV.vn 18/7)Về đầu trang

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Chính phủ tiếp tục "nhắc" việc cắt giảm điều kiện kinh doanh

hính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ trực tuyến với các địa phương tháng 6 năm 2019.

 Theo đó, một trong những nội dung đáng chú ý được Chính phủ thống nhất là yêu cầu các bộ ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc các điều kiện kinh doanh đã được cắt giảm. Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan chưa hoàn thành phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh khẩn trương hoàn thành việc xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực thi các phương án đã được phê duyệt.

 Các bộ, cơ quan đã cắt giảm phải công bố, công khai kịp thời, đầy đủ các thủ tục hành chính và tổ chức thực hiện nghiêm túc như đã công bố.

 Đối với các mặt hàng chịu sự kiểm tra chuyên ngành của nhiều cơ quan, các bộ, cơ quan khẩn trương rà soát, đề xuất phương án thống nhất một đầu mối duy nhất thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành, gửi Văn phòng Chính phủ trong tháng 7/2019 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

 Hoàn thành việc ban hành hướng dẫn và kế hoạch cải thiện các bộ chỉ số về môi trường kinh doanh trong tháng 7/2019, đối với các bộ, cơ quan đã ban hành, khẩn trương tổ chức phổ biến, tập huấn để các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả.

 Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương tổ chức thực hiện nghiêm túc các điều kiện kinh doanh đã được cắt giảm, đơn giản hóa đã được công bố công khai; tiếp tục rà soát, phát hiện, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc cắt giảm những điều kiện kinh doanh không cần thiết, gây cản trở cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

 Về tình hình thực hiện các nhiệm vụ ngành, Chính phủ yêu cầu từng Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thường xuyên theo dõi, linh hoạt ứng phó phù hợp với diễn biến tình hình quốc tế, trong nước; xác định rõ những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cấp bách, chỉ đạo quyết liệt, cụ thể, tích cực huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị trong tổ chức triển khai nhiệm vụ, nỗ lực phấn đấu tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất hơn nữa trong ngành, lĩnh vực, địa bàn phụ trách.

 Các bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài chính cùng Ngân hàng Nhà nước phối hợp chặt chẽ, nâng cao hiệu quả công tác điều phối giữa các cơ quan điều hành kinh tế vĩ mô; thường xuyên theo dõi, đánh giá, phân tích tình hình kinh tế thế giới và trong nước để có đối sách phù hợp, kịp thời, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ.

 Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng các bộ, ngành, địa phương rà soát, cập nhật kịch bản tăng trưởng theo quý và cả năm của cả nước, của từng ngành, lĩnh vực, kịp thời chỉ đạo, điều hành phù hợp với diễn biến tình hình; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công theo Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 3/8/2017.

 Khẩn trương hoàn thành việc giao, điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công, bảo đảm trình tự, thủ tục theo quy định; kiên quyết điều chỉnh, cắt giảm vốn từ các dự án giải ngân thấp, chuyển sang dự án đang có nhu cầu bổ sung vốn... (Vneconomy.vn 17/7, Bảo Quyên)Về đầu trang

Thủ tướng: Các tập đoàn, tổng công ty cần tránh tình trạng “nóng đâu phủi đấy”

Tại cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp ngày17/7, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, Ủy ban không thể là cơ quan quan liêu kiểu cũ, không thể là một cấp hành chính tạo gánh nặng cho doanh nghiệp.

 Tại cuộc làm việc, một số tập đoàn, tổng công ty cho rằng, cần có cơ chế làm sao phân cấp mạnh hơn cho doanh nghiệp để ra quyết định kinh doanh kịp thời, không để bỏ lỡ cơ hội thị trường bởi "chậm là thua".

 Có ý kiến cho rằng, việc phối hợp công tác giữa quản lý Nhà nước và quản lý vốn Nhà nước đối với doanh nghiệp là một vấn đề rất mới, chưa từng có trong thực tiễn, cần có thêm thời gian để nghiên cứu, đề ra các quy chế, phương thức quan hệ công tác phù hợp.

 Thời gian qua, có một số vướng mắc về thể chế, quy định, trong đó vướng mắc trong việc xác định cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với một số dự án đầu tư của tập đoàn, tổng công ty, về phân công, phân cấp thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư… Các ý kiến cho rằng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, là cơ quan quản lý Nhà nước với Ủy ban, là cơ quan quản lý vốn.

 Về vướng mắc của các tập đoàn, tổng công ty, Thủ tướng đánh giá cao sự cố gắng vượt khó vươn lên, cần tiếp tục củng cố đủ cán bộ để điều hành công việc, nâng cao trình độ quản trị, điều hành tập đoàn, tổng công ty; cần tách bạch rõ ràng giữa hội đồng quản trị, hội đồng thành viên và tổng giám đốc điều hành.

 Các tập đoàn, tổng công ty cần có bộ phận nghiên cứu chiến lược, nghiên cứu thị trường, quản lý dự án, tránh tình trạng "nóng đâu phủi đấy", không có chiến lược phát triển, tầm nhìn hay lúng túng trong quản trị dự án. Việc kiện toàn cán bộ, nhân sự tại các tập đoàn, tổng công ty là việc gấp, cần làm ngay.

 Tiếp tục tham gia một số chương trình quốc gia như xây dựng thành phố thông minh, chính phủ điện tử, thanh toán điện tử hay một số việc khác mà chính phủ yêu cầu. Tiếp tục chống tham nhũng, lợi ích nhóm, sân trước, sân sau.

 "Điều quan trọng hiện nay là cần rút kinh nghiệm những vấn đề đặt ra đối với Ủy ban sau 10 tháng hoạt động, trong đó có hai việc cấp bách là phối hợp chặt chẽ, tập trung tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc trong xử lý các vấn đề của các tập đoàn, tổng công ty đã chuyển giao về Ủy ban, vì chúng ta đã nói là việc thành lập cơ quan mới này để tạo điều kiện tốt nhất cho các tập đoàn, tổng công ty hoạt động. Việc thứ hai là cần kiện toàn tổ chức, tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Ủy ban", Thủ tướng nói.

 Đồng thời Thủ tướng cũng nhấn mạnh vai trò của kinh tế Nhà nước, cụ thể là doanh nghiệp Nhà nước, trong đó có 19 tập đoàn, tổng công ty được bàn giao sang Ủy ban, với số vốn 2,3 triệu tỷ đồng. Không chỉ lớn về vốn mà các tập đoàn, tổng công ty này đóng góp sản phẩm quan trọng, tham gia vào các cân đối lớn của nền kinh tế, đóng góp cho tăng trưởng GDP, tạo việc làm, nộp ngân sách Nhà nước.

 Thủ tướng yêu cầu Ủy ban cần chủ động hơn, đổi mới cách làm, linh hoạt, sáng tạo, vận dụng tốt, đúng quy định của pháp luật trong xử lý các vấn đề cụ thể đối với các tập đoàn, tổng công ty.

 Trên cơ sở báo cáo của Ủy ban và tiếp thu các ý kiến, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ủy ban và các bộ, ngành liên quan khẩn trương soạn thảo Thông báo kết luận cuộc họp hôm nay, trong đó, cần đánh giá rõ kết quả hoạt động của Ủy ban. Các tập đoàn phần lớn làm ăn có lãi. Doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty thời gian qua đã tăng 15%, lợi nhuận trước thuế tăng hơn 21%, nộp ngân sách tăng trên 31%. (Vneconomy.vn 18/7, An An)Về đầu trang

Gấp rút hoàn thiện Luật PPP, sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp

Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục đổi mới, nỗ lực bứt phá, khẳng định tinh thần cải cách. Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2019 diễn ra sáng 18/7. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tham dự và chỉ đạo hội nghị.

 Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, nhìn lại 6 tháng qua, nền kinh tế tiếp nối được đà tăng trưởng và phát triển tích cực của năm 2018. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tập trung nghiên cứu, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8.

 Ngoài ra, tại hội nghị, nhiều địa phương bày tỏ không ít những vướng mắc trong liên quan đến chậm giải ngân ODA; những mâu thuẫn giữa Luật Đấu thầu, Luật Đất đai và Luật Nhà ở; vướng mắc trong quá trình triển khai hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa…

 Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ ghi chép cụ thể những vướng mắc, các kiến nghị của các địa phương để nghiên cứu, trình lên chính phủ tìm cách tháo gỡ. (VTV.vn 18/7)Về đầu trang

ADB: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á năm 2019

Sau một thập niên, Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới và tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn gây bất ngờ với kết quả tăng trưởng kinh tế vô cùng ấn tượng. Đây là nhận định được Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) công bố sáng 18/7.

 Trong ấn bản bổ sung cho báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) vừa được công bố, ADB dự báo Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á trong năm nay. Theo đó, tăng trưởng của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2019 vào khoảng 6,8% dù nền nông nghiệp trong nước chịu ảnh hưởng nặng nề do hạn hán và dịch tả lợn châu Phi.

 Theo đánh giá của ADB, yếu tố quan trọng giúp duy trì đà tăng trưởng của Việt Nam chính là lực hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khi các dòng vốn này vào Việt Nam tăng 27% trong suốt 5 tháng đầu năm 2019. ADB dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2019 sẽ vào khoảng 6,8% và năm 2020 giảm không đáng kể với mức ước tính là 6,7%, không khác biệt với dự báo được công bố trước đây của ADO. 

Theo báo cáo, ADB vẫn giữ mức dự báo tăng trưởng cho khu vực châu Á đang phát triển là 5,7% trong năm 2019 và 5,6% trong năm 2020, như đã đưa ra từ hồi tháng 4. Các tỉ lệ tăng trưởng này giảm nhẹ so với mức 5,9% trong năm 2018. (VTV.vn 18/7)Về đầu trang

Hà Nội: Bình quân 38 người có 1 doanh nghiệp

Số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho thấy, cứ 38 người dân Thủ đô thì lại có một doanh nghiệp, cao gấp 3,7 lần bình quân cả nước.

 Những năm gần đây, doanh nghiệp ở Hà Nội phát triển cả về số lượng và chất lượng. Hà Nội hiện có khoảng 260.000 doanh nghiệp, đứng thứ hai trên cả nước.

 Số doanh nghiệp thành lập mới liên tục tăng qua các năm trong đó, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm 97%. Tuy nhiên, số doanh nghiệp khởi nghiệp thành công và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo gọi được vốn đầu tư từ những quỹ đầu tư chiếm tỷ lệ rất ít, chỉ khoảng 0,1%. (VTV.vn 18/7)Về đầu trang

QUẢN LÝ

6 tháng đã chuyển đổi vị trí công tác hơn 4.400 cán bộ, công chức, viên chức

Sáng 18/7, Thanh tra Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2019 của ngành Thanh tra. Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

 Báo cáo tại hội nghị cho thấy, trên các mặt công tác thanh tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng… đều đạt kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, ngành Thanh tra tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng.

 Theo Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm, các bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra tại 2.252 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, phát hiện 77 đơn vị vi phạm; tiến hành 1.036 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, phát hiện 183 vụ việc vi phạm, 129 người vi phạm, kiến nghị thu hồi và bồi thường gần 21 tỷ đồng.

 Các bộ, ngành, địa phương cũng tiến hành chuyển đổi vị trí công tác 4.410 cán bộ, công chức, viên chức.

 “Qua kiểm tra nội bộ đã phát hiện 3 vụ, 3 đối tượng; qua hoạt động thanh tra đã phát hiện 20 vụ, 10 đối tượng; qua giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 5 vụ, 4 đối tượng tham nhũng và liên quan đến tham nhũng”, Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm trình bày báo cáo.

 Nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng được thực hiện có hiệu quả tích cực như cải cách hành chính; công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; xây dựng, thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn và quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp...

 Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường nhằm phát hiện hành vi tham nhũng. Việc công khai các kết luận kiểm tra, thanh tra đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cán bộ, đảng viên, nhân dân... Quan hệ phối hợp công tác giữa cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán với các cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống tham nhũng ngày càng chặt chẽ, hiệu quả.

 Cũng theo Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm, Thanh tra Chính phủ đã tăng cường phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để xử lý kịp thời các vụ việc có dấu hiệu tội phạm; phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với các cán bộ diện Trung ương quản lý có sai phạm nêu tại kết luận thanh tra...

 Tuy có được kết quả tích cực nhưng trong công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn một sốhạn chế như: các biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa phát huy toàn diện; một số biện pháp hiệu quả thấp.

 “Tình trạng “tham nhũng vặt", nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn hiệu quả.Vẫn còn xảy ra sai phạm, tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, gây dư luận và bất bình trong quần chúng, nhân dân”, Phó Tổng Thanh tra nói.

 Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn nhiều hạn chế, yếu kém, rất ít vụ việc, vụ án được phát hiện qua tự kiểm tra trong nội bộ. Số vụ việc chuyển cơ quan điều tra xử lý có tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng số vụ việc tham nhũng phát hiện còn ít trong tương quan so với số sai phạm kinh tế phát hiện qua thanh tra, kiểm toán.

 Dự kiến 6 tháng cuối năm, ngành Thanh tra, sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng nhất là Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng; đẩy nhanh tiến độ thanh tra, kết luận thanh tra các vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.

 Cùng với đó,phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán với các cơ quan tố tụng để xử lý kịp thời các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng được phát hiện trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

 Theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc … (Thanh Tra 18/7, Hương Giang) Về đầu trang

Từ 1/1/2020, lương tối thiểu vùng dự kiến sẽ tăng cao nhất 240.000 đồng/tháng

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Tại dự thảo, Bộ này đề xuất điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2020 tăng từ 150.000 - 240.000 đồng/tháng. Theo đó, mức cao nhất đạt 4.420.000 đồng/tháng.

 Quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp như sau:

 Dự thảo quy định, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nào thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó.

 Trường hợp doanh nghiệp có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó.

 Doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất nằm trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì áp dụng theo địa bàn có mức lương tối thiểu vùng cao nhất.

 Trường hợp doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn có sự thay đổi tên hoặc chia tách, thì tạm thời áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn trước khi thay đổi tên hoặc chia tách cho đến khi Chính phủ có quy định mới.

 Đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau, thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo địa bàn có mức lương tối thiểu vùng cao nhất.

 Cũng theo dự thảo này, mức lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương, bảo đảm không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất.

 Đồng thời, mức này phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi đã qua học nghề, đào tạo nghề.

 Tại dự thảo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng nhấn mạnh, khi thực hiện mức lương tối thiểu vùng, doanh nghiệp không được xoá bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại...

 Các khoản phụ cấp, bổ sung khác, trợ cấp, tiền thưởng do doanh nghiệp quy định thì thực hiện theo thoả thuận trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của doanh nghiệp.

 Dự kiến, nghị định này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020. Nghị định sẽ được lấy ý kiến từ nay cho đến hết ngày 17/9/2019. (VnEconomy.vn 17/7)Về đầu trang

Cần phân quyền trong việc đầu tư hạ tầng đường sắt

Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, phương án đầu tư hạ tầng nhà ga, kho bãi đường sắt sẽ được xây dựng theo hướng phân quyền như lĩnh vực hàng không đang thực hiện.

 Xây dựng một đoạn đường sắt nhánh hay đầu tư nâng cấp một nhà ga, theo đại diện Tổng công ty đường sắt Việt Nam, nếu tư nhân làm việc này thì quy định hiện nay chưa rõ ràng trong việc phân định tư nhân được làm đến đâu và có quyền khai thác những gì.

 Không giống như với hàng không, các nhà ga được giao về cho Tổng công ty cảng đầu tư, kinh doanh sinh lời, thì với đường sắt, nhà ga, kho bãi Tổng công ty đường sắt chỉ có nhiệm vụ trông coi, khai thác chứ không được đầu tư. Vì thế, theo lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, cần có cơ chế giao những tài sản này cho Tổng công ty đường sắt để họ có thể tự chủ đầu tư, khai thác trong điều kiện ngân sách không đủ để chu cấp.

 Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, phương án đầu tư hạ tầng nhà ga, kho bãi đường sắt sẽ được xây dựng theo hướng phân quyền như lĩnh vực hàng không đang thực hiện.

 Dự kiến tháng 9 tới, Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ để thông qua phương án quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt. (VTV.vn 18/7)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Kon Tum: Công chức, viên chức phải thực hiện "4 xin, 4 luôn"

Sáng 18-7, UBND tỉnh Kon Tum tổ chức khai trương Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Kon Tum.

 Trung tâm sẽ là đầu mối tập trung thực hiện các nhiệm vụ hướng dẫn, tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan cấp tỉnh; tham mưu công tác quản lý nhà nước về kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn; thực hiện chức năng thông tin, công báo, cổng thông tin điện tử và hỗ trợ thủ tục đầu tư.

 Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Hoà, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, nói với mục tiêu đổi mới phương thức phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của chính quyền, hoạt động của trung tâm này sẽ là đầu mối một cửa cấp tỉnh tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

  "Công chức, viên chức các cơ quan được cử đến làm việc tại trung tâm phải tận tâm, nhiệt tình trong phục vụ hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thực hiện thủ tục hành chính. Thực hiện "4 xin, 4 luôn": xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ" – ông Hoà nhấn mạnh. (Người Lao Động 18/7, Hoàng Thanh) Về đầu trang

TP Hà Nội triển khai hiệu quả dịch vụ công trực tuyến

Trong quý II/2019, thành phố Hà Nội đã triển khai có hiệu quả dịch vụ công trực tuyến. Theo đó, thành phố đã triển khai 1.272 dịch vụ công trực tuyến, đạt tỷ lệ 74%. UBND Thành phố Hà Nội đã báo cáo Cục Kiểm soát thủ tục hành chính - Văn phòng Chính phủ về kết quả công tác kiểm soát thủ tục hành chính.

 Theo đó, trong quý II năm 2019, Chủ tịch UBND Thành phố đã ban hành 5 Quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực: Khoa học công nghệ, Lao động- Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường, Y tế.

 Trong quý II/2019, Thành phố Hà Nội đã công bố danh mục 72 thủ tục hành chính (TTHC), sửa đổi bổ sung 1 danh mục TTHC và bãi bỏ 161 TTHC. Trong đó, 100% các quyết định công bố TTHC sau khi ban hành đã được công khai theo quy định trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, tại nơi tiếp nhận và giải quyết TTHC và các hình thức khác theo quy định.

 Việc giải quyết TTHC được thực hiện theo quy định. Tổng số hồ sơ giải quyết: 3.366.871 hồ sơ. Số hồ sơ đã giải quyết: 3.311.866 hồ sơ, trong đó đúng hạn : 3.307.408 hồ sơ, đạt tỷ lệ 99.86%; đang giải quyết: 51.957 hồ sơ.

 Bên cạnh đó, Thành phố đã tiếp nhận 22 phản ánh kiến nghị về quy định hành chính, đã xử lý 21 phản ánh kiến nghị, đang xử lý 01 phản ánh kiến nghị (trong hạn). Triển khai 1.272 dịch vụ công trực tuyến, trong đó 1.074 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 198 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đạt tỷ lệ 74%.

 Thành phố cũng đã triển khai hệ thống một cửa điện tử dùng chung 03 cấp trên toàn địa bàn Thành phố. Từ đó phối hợp chặt chẽ trong việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu, kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, đảm bảo Hệ thống một cửa điện tử dùng chung của Thành phố có tính năng đánh giá kết quả giải quyết thủ tục hành chính phù hợp với quy định của Thông tư số 01/2018/TT-VPCP.

 Ngoài ra, cổng Giao tiếp điện tử Thành phố ngày càng được nâng cấp, mở rộng trên nền tảng mới, cung cấp kịp thời thông tin chỉ đạo điều hành của UBND Thành phố, tích hợp kết nối dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính. (Lao Động Thủ Đô 18/7, Kiều Anh) Về đầu trang

Kiên Giang tiến tới kỳ họp HĐND không giấy

Ngày 17/7, HĐND tỉnh Kiên Giang đã khai mạc kỳ họp thứ 13 khóa 9. Điểm đặc biệt là kỳ họp này dự kiến kéo dài đến 3 ngày để thông qua nhiều nội dung quan trọng.

 Cụ thể, HĐND tỉnh Kiên Giang sẽ nghe báo cáo và thông qua 24 tờ trình dự thảo nghị quyết các vấn đề về đầu tư công, bổ sung danh mục vốn, các cơ chế thu hút doanh nghiệp, chính sách về an sinh xã hội. Cũng tại kỳ họp này các đại biểu sẽ tiếp cận hệ thống máy tính bảng để cập nhật thông tin, biểu quyết tiến tới kỳ họp HĐND không giấy.

 Trong 6 tháng đầu năm 2019, mặc dù kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng tổng doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đạt gần 54.000 tỷ đồng, tăng trên 11% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là tỉnh dẫn đầu vùng ĐBSCL về doanh thu du lịch từ đầu năm đến nay với hơn 4.268 tỷ đồng. (VTV.vn 18/7)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

28 tỉnh không giải ngân được vốn ODA trong 6 tháng

ại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2019 diễn ra sáng 18/7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, ước lũy kế giải ngân vốn ODA 6 tháng đầu năm đạt 4,1 nghìn tỷ đồng, đạt 6,9% kế hoạch Quốc hội giao và 12,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

 Mức giải ngân này thấp hơn cùng kỳ năm 2018. 8/59 địa phương được giao kế hoạch vốn nước ngoài có tỷ lệ giải ngân trên 30% (Hải Phòng, Ninh Bình, Phú Yên, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Trà Vinh, Kiên Giang và Bạc Liêu); 11 bộ ngành trung ương được giao kế hoạch vốn đều giải ngân dưới 30%; 28 địa phương giải ngân ODA bằng 0% .

 Lý giải nguyên nhân giải ngân vốn ODA chậm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, do thiếu vốn đối ứng nên không hấp thụ được vốn nước ngoài. Ví dụ Bộ Giao thông Vận tải hiện chỉ đề xuất dự kiến giải ngân 9.313,847 tỷ đồng/14.480 tỷ đồng kế hoạch được Quốc hội phân bổ.

 Các bộ, ngành địa phương khi xây dựng kế hoạch trung hạn 2016-2020 còn lúng túng, đề xuất hạn mức cho các dự án chưa sát với tiến độ, khả năng giải ngân thực tế.

 Quá trình xây dựng kế hoạch, các bộ ngành và địa phương không tuân thủ đúng nguyên tắc, tiêu chí và thời gian theo quy định cũng dẫn đến việc bố trí vốn sai quy định, kéo dài thời gian rà soát và giao kế hoạch vốn.

 Trong khi đó, giải ngân vốn ODA còn chậm do dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư, đang trong quá trình điều chỉnh tổng mức đầu tư hoặc gia hạn hiệp định vay. 

 Nhiều dự án, điển hình là các dự án đường sắt đô thị, hiện 4/7 dự án đang trong giai đoạn thực hiện điều chỉnh tổng mức đầu tư nên mặc dù có dự án có khả năng giải ngân rất cao như Tuyến đường sắt số 1 Tp. Hồ Chí Minh… Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất nhu cầu giải ngân năm 2019 của Thành phố là 11.491 tỷ đồng nhưng không đủ căn cứ và cơ sở pháp lý để bố trí kế hoạch vốn cho những dự án này.

 Bên cạnh đó, nhiều dự án được bố trí kế hoạch đủ kế hoạch vốn nhưng không thể giải ngân được do những vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng và tái định cư. Địa phương không bố trí được vốn đối ứng, công tác đền bù tái định cư chưa hiệu quả, kiểm kê đền bù còn thiếu sót gây thắc mắc, khiếu kiện trong dân làm kéo dài thời gian giao mặt bằng sạch cho nhà thầu.

 Nhiều dự án phải điềuchỉnh tổng mức đầu tư, gia hạn hiệp định, chậm phê duyệt thiết kế cơ sở, thiết kế kĩ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, đấu thầu chậm trễ...

 Ví dụ như dự án Mở rộng bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, Giao thông đô thị Thành phố Hải Phòng; Nâng cấp trường Đại học Cần Thơ, Xây dựng Bệnh viện Chợ Rẫy, Xây dựng trường Đại học Dược Hà Nội, Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực Tiểu vùng Mê Công mở rộng, Sửa chữa nâng cao an toàn đập tiểu dự án tỉnh Yên Bái, Nâng cấp Quốc lộ 217 tỉnh Thanh Hoa, giai đoạn 2…

 Thủ tục giải ngân, rút vốn cũng là một trong những nguyên nhân giải ngân vốn ODA chậm do chưa có quy định rõ ràng về các khoản chi hợp lệ, như thế nào là chi thường xuyên không được phép sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi. Chủ dự án chậm làm thủ tục ghi thu, ghi chi, làm ảnh hưởng đến việc tổng hợp số liệu báo cáo và duyệt đơn rút vốn...

 Ngoài ra, giải ngân 6 tháng đầu năm thường thấp còn do những nguyên nhân từ phía nhà tài trợ.

 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Bộ đã chủ trì thành lập một số đoàn công tác làm việc tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm tại 3 miền Bắc, Trung, Nam, nhằm giám sát, kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp và nghiên cứu, đề xuất giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Rà soát báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chuyển vốn từ đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp sang đơn vị có nhu cầu về vốn và tỷ lệ giải ngân cao, góp phần đẩy mạnh giải ngân các nguồn vốn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. (Vneconomy.vn 18/7, Kiều Linh)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Moskva (Nga) giải bài toán tắc đường nhờ hệ thống giao thông thông minh

Moskva (Nga) lâu nay được biết đến là một trong những thành phố tắc đường nhất thế giới. Tuy nhiên, tình trạng đã được giải quyết nhờ hệ thống giao thông thông minh.

 Trong vài năm trở lại đây, hệ thống giao thông thông minh được chính quyền thành phố Moskva tập trung phát triển như một giải pháp trước vấn nạn tắc đường. Hệ thống giao thông thông minh cũng được xem là một phần quan trọng của thành phố thông minh Moskva.

 Mỗi ngày có không dưới 3 triệu xe ô tô lưu thông trên các đường phố Moskva. Để tránh bị ùn tắc, lưu lượng xe ở cùng một thời điểm không được vượt quá 400.000, nhưng con số thực tế là hơn 700.000 xe. Hỗ trợ lưu lượng xe này hiện có 40.000 đèn giao thông, hơn 2.500 camera quan sát và gần 200 bảng hiển thị thông tin.

 Mỗi ngày, tại Trung tâm xử lý tình huống giao thông Moskva nhận được hơn 350 triệu gói dữ liệu. Những dữ liệu này được truyền liên tục về từ các thiết bị cảm biến giao thông, camera giám sát, hệ thống quay và chụp ảnh tự động, các thiết bị theo dõi mọi tuyến đường trong thành phố.

 Tại trung tâm luôn có các chuyên viên túc trực 24/24h bởi đây là nơi hoạt động của toàn bộ máy chủ trong hệ thống giao thông thông minh. Tại đây, từ bản đồ tương tác đã được tích hợp toàn bộ nền tảng giao thông, các dữ liệu ngay lập tức được phân tích theo thời gian thực và phản ứng nhanh với các tình huống trên đường.

 Ông Iligiz Khasanov - Chuyên viên Trung tâm xử lý tình huống giao thông Moskva - cho hay: "Hệ thống đèn giao thông thông minh tự phân tích số lượng xe đến gần ngã tư hay dự kiến ở ngã tư tiếp theo, để quyết định đèn xanh ở đâu và trong thời gian nào. Trong khi đó, các camera gửi về các hình ảnh, để từ đó chúng tôi xác định xe nào vi phạm luật. Trường hợp cần thiết, đội tuần tra giao thông sẽ có mặt".

 Hệ thống giao thông thông minh bắt đầu hoạt động ở Moskva từ năm 2014, khi tắc đường trở thành bài toán nan giải với chính quyền thành phố. Trong giai đoạn từ 2012-2017, Moskva đã chi khoảng 1 tỷ USD để phát triển cơ sở hạ tầng hệ thống này.

 "Hiện không thể nói tắc đường ở Moskva đã được giải quyết hoàn toàn, nhưng hiệu quả đã có. Mặc dù số lượng xe ô tô đăng ký mỗi năm không ngừng tăng, nhưng đến nay tình trạng tắc nghẽn giao thông trong toàn thành phố đã giảm 12-15% và các vụ tai nạn giảm đi gần một nửa so với năm 2010", ông Aleksander Evsin - Phó Giám đốc Trung tâm điều hành giao thông Moskva - nói.

 Dự kiến trong 3 năm tới, Moskva sẽ dành hơn 300 triệu USD mỗi năm để bảo trì và lắp đặt các thiết bị tự động, xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng thông tin cho hệ thống giao thông thông minh; đồng thời, cập nhật các đề án quản lý giao thông tích hợp, tối ưu hóa các tuyến đường trong thành phố. (VTV.vn 18/7)Về đầu trang

Zimbabwe thất bại trong chống tham nhũng

"Bóng ma" tham nhũng vẫn bủa vây đất nước Zimbabwe khi mà nước này được xếp hạng là một trong những quốc gia tham nhũng nhất lục địa.

 Theo Phong vũ biểu Tham nhũng Toàn cầu (GCB) lần thứ 10 do Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) vừa công bố, 60% người dân Zimbabwe cho rằng mức độ tham nhũng đã gia tăng trong 12 tháng qua.

 Trong khi đó, 71% nghĩ rằng, Chính phủ Zimbabwe đã làm không tốt trong việc chống tham nhũng; 25% người dùng dịch vụ công đã phải hối lộ trong 12 tháng qua; và 45% người dân cho rằng, bản thân người dân có thể tạo nên sự khác biệt trong cuộc chiến chống tham nhũng.

 Theo nghiên cứu của TI, tỷ lệ hối lộ tổng thể đã tăng từ 22% trong năm 2015 lên 25% vào năm 2019. Các cơ quan, tổ chức bị tham nhũng bủa vây bao gồm: Các trường công lập, phòng khám công và trung tâm y tế nhà nước, mua sắm công, cảnh sát...

 So với năm 2015, tỷ lệ tham nhũng liên quan đến Văn phòng Tổng thống đã giảm 2%, ở mức 28% (năm 2015 là 30%).

 Các tổ chức khác bị ảnh hưởng bởi tham nhũng bao gồm: Các nhà lập pháp và quan chức Chính phủ, quan chức chính quyền địa phương, tư pháp, giám đốc điều hành kinh doanh...

 Cuộc khảo sát diễn ra vào thời điểm Chính phủ Zimbabwe và Đảng cầm quyền Zanu PF đang nỗ lực điều tra tham nhũng, vạch trần các quan chức tham nhũng.

 Nhiều quan chức cấp cao của Zanu PF bao gồm cả Thư ký Tài chính - ông Obert Mpofu và một số thành viên Bộ Chính trị khác đã được "gọi tên" trong trung tâm của tham nhũng.

 Phong vũ biểu Tham nhũng Toàn cầu của TI là khảo sát duy nhất trên phạm vi toàn cầu về tham nhũng, dựa trên quan điểm và trải nghiệm của người dân. Phong vũ biểu Tham nhũng Toàn cầu lần thứ 10 là kết quả khảo sát được thực hiện tại 35 quốc gia trong khoảng thời gian từ tháng 9/2017 đến tháng 9/2018, với 47.000 người ở độ tuổi 18 trở lên tham gia.

 TI ghi nhận, Cộng hòa Dân chủ Congo, Liberia và Sierra Leone có tỷ lệ người sử dụng dịch vụ công phải đưa hối lộ cao nhất trong 12 tháng qua, với con số lần lượt là 80%, 53% và 52%. Trong khi Mauritius (5%), Botswana (7%), Cabo Verde (8%) là các nước châu Phi có tỷ lệ hối lộ ít nhất. (Thanh Tra 17/7, Ngọc Anh)Về đầu trang./.

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

 

Các tin khác