Quảng bình quyết tâm không để người dân tái nghèo

15:25, Thứ Tư, 1-3-2023

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Mặc dù do ảnh hưởng của đại dịch bệnh Covid - 19 làm cho đời của một bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Nhưng với sự nổ lực phấn đấu của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, công tác giảm nghèo của tỉnh Quảng Bình thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân luôn xác định mục tiêu giảm nghèo là nhiệm vụ, chỉ tiêu quan trọng trong các chương trình hành động phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Từ đó các hộ nghèo, hộ cận nghèo được quan tâm, đầu tư, tiếp cận tốt hơn các chính sách, nguồn lực hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng, từng bước nâng cao, cải thiện chất lượng cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Kết quả giảm nghèo năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm được 1,52% so với đầu kỳ, có hơn 3.800 hộ thoát nghèo, vượt chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra (giảm 1,5%). Tính bền vững trong công tác giảm nghèo đã được cải thiện đáng kể, hộ tái nghèo và nghèo phát sinh mới chỉ chiếm 5,2% so với tổng số hộ nghèo.

Mặc dù có nhiều nỗ lực song đến nay, toàn tỉnh Quảng Bình vẫn còn 12.855 hộ nghèo và 12.250 hộ cận nghèo... Từ thực tế đó, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành điều tra xác định rõ nguyên nhân nghèo để có giải pháp đến từng hộ, từng địa phương; xác định ý chí, nội lực của hộ nghèo là điều kiện tiên quyết để giảm nghèo bền vững.

Các địa bàn đặc biệt khó khăn đã được đầu tư cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh; hộ nghèo được hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập, tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin. Đặc biệt, đã có sự chuyển biến về nhận thức và hành động của một bộ phận người nghèo, đã xuất hiện một số điển hình làm đơn tự nguyện xin thoát nghèo. 

Bên cạnh đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng, tỉnh quyết tâm không hỗ trợ trùng lặp, phân loại hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hộ không có khả năng lao động; chênh lệch giàu nghèo, điều kiện tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, việc làm giữa các vùng, nhóm dân cư khác nhau để có phương án hỗ trợ, giải quyết hiệu quả, bền vững.

Tổ chức thực hiện lồng ghép tốt các chương trình, dự án, nguồn vốn trên địa bàn để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bằng một cơ chế chỉ đạo tập trung thống nhất từ tỉnh đến cơ sở với những giải pháp phù hợp, đúng hướng, giúp người nghèo, xã nghèo, xã khó khăn vươn lên thoát nghèo.

Tỉnh cũng tăng cường hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết tạo sản phẩm và ưu tiên về tiêu thụ, đầu ra cho sản phẩm; tăng thêm sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân... Đồng thời, quan tâm đến những người yếu thế trong xã hội, thể hiện tinh thần “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Để hoàn thành mục tiêu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của tỉnh thấp hơn hoặc bằng bình quân chung của các tỉnh Bắc Trung bộ; phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều bình quân mỗi năm từ 1% trở lên, UBND tỉnh tập trung vào nhóm giải pháp, như: đổi mới, nâng cao chất lượng phổ biến, quán triệt, thông tin, tuyên truyền về công tác giảm nghèo. Trong đó, tăng cường nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, người đứng đầu trong thực hiện công tác giảm nghèo; nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”; phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo; xác định ý chí, nội lực của chính hộ nghèo là điều kiện tiên quyết để người dân không tái nghèo, giảm nghèo bền vững.

TL

Các tin khác