Một số kết quả xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số tỉnh Quảng Bình trong quý I/2024

16:56, Thứ Năm, 21-3-2024

Xem với cỡ chữ : A- A A+

1. Hoàn thiện thể chế phục vụ xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, hạ tầng kỹ thuật

Thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 31/3/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh chỉ đạo bố trí, kiện toàn, công khai thông tin về tổ chức, nhân lực chuyên trách, kiêm nhiệm về công nghệ thông tin của cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh. Triển khai Kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện Chuyển đổi số tỉnh Quảng Bình năm 2024; tập trung thúc đẩy “Số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”.

Tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số năm 2024 cho cán bộ, công chức, viên chức của các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã và Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, thôn. Tổ chức tập huấn hướng dẫn sử dụng Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh (phiên bản mới). Hạ tầng viễn thông, trạm thu phát sóng thông tin di động và cáp quang internet băng rộng tiếp tục phát triển và hướng mạnh về bảo đảm phủ sóng ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. 100% trung tâm xã, phường, thị trấn có kết nối cáp quang internet băng thông rộng. Mạng 3G, 4G phủ sóng trên 80% khu vực dân cư. Tỷ lệ điểm phục vụ của Mạng Bưu chính công cộng có kết nối internet băng rộng cố định là 100%. Tỷ lệ hộ gia đình có người có điện thoại thông minh 80%,  tỷ lệ hộ gia đình có kết nối internet băng rộng cáp quang 70%. Hạ tầng ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước tiếp tục được đầu tư, nâng cấp. 100% sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện và 98,7% UBND cấp xã đã thiết lập mạng LAN và kết nối internet. Thiết bị CNTT trong các cơ quan nhà nước tiếp tục được đầu tư, nâng cấp. Toàn tỉnh có 12.194 máy tính (gồm 7.168 máy tính để bàn và 4.923 máy tính xách tay) và 103 máy chủ. 100% sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện và 98,7% UBND cấp xã đã thiết lập mạng LAN và kết nối internet. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước đã kết nối đến 151/151 xã, phường, thị trấn. Hệ thống hội nghị truyền hình chuyên dùng của tỉnh bảo đảm kết nối thông suốt từ Trung ương đến huyện, xã đã hoàn thành.

Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) được xây dựng bước đầu và được duy trì, hoạt động hiệu quả; đã thực hiện kết nối, liên thông các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tỉnh và kết nối, liên thông với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, Trục liên thông văn bản quốc gia, Trục kết nối dữ liệu Cổng Dịch vụ công quốc gia, hệ thống hỗ trợ thanh toán quốc gia PayGov, thanh toán nghĩa vụ tài chính TTHC đất đai, cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký kinh doanh, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hiện đang tổ chức nâng cấp thành hệ thống nền tảng tích hợp, liên thông cho Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh (gồm: Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; Nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu; Nền tảng giám sát dữ liệu trực tuyến; Nền tảng phân tích, biểu diễn dữ liệu; Cổng dữ liệu mở) theo Dự án chuyển đổi số, chính quyền điện tử và đô thị thông minh tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2025.

Quản lý, vận hành Trung tâm dữ liệu điện tử tỉnh hoạt động 24/7, đảm bảo duy trì các hệ thống, phần mềm, cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh. Hỗ trợ các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai ứng dụng, xử lý, khắc phục lỗi phát sinh trong khai thác, sử dụng các phần mềm dùng chung của tỉnh.

          2. Xây dựng, phát triển các hệ thống nền tảng, các dữ liệu, ứng dụng, dịch vụ nội bộ; ứng dụng, dịch vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp

Trung tâm dữ liệu điện tử tỉnh đã triển khai phục vụ Chuyển đổi số theo hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây, có kết nối với Nền tảng điện toán đám mây Chính phủ theo mô hình do Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn; được vận hành cơ bản ổn định phục vụ triển khai, quản trị, vận hành, khai thác, ứng dụng 11 nền tảng, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh, đồng thời hỗ trợ các cơ quan, đơn vị cài đặt, vận hành hệ thống, phần mềm chuyên ngành. Đã thực hiện chuyển đổi IPv4 sang IPv6 cho Cổng thông tin điện tử và Cổng dịch vụ công/hệ thống thông tin một cửa điện tử, đã hoàn thành  nâng cấp toàn diện Trung tâm dữ liệu điện tử tỉnh theo Dự án chuyển đổi số, chính quyền điện tử và đô thị thông minh tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục triển khai, hoàn thành các dự án về xây dựng, nâng cấp, triển khai nhân rộng ứng dụng: Cổng điều hành và không gian làm việc số của tỉnh; CSDL quản lý xử phát vi phạm hành chính; CSDL quản lý quản lý không gian quy hoạch xây dựng; CSDL công tác dân tộc; phần mềm quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức; phần mềm quản lý công tác thi đua khen thưởng… Cơ bản hoàn thành việc mở rộng xây dựng, kết nối hệ thống hội nghị truyền hình chuyên dụng của tỉnh đến 151/151 xã, phường, thị trấn.

Cổng thông tin điện tử tỉnh (quangbinh.gov.vn) tiếp tục được mở rộng và hoạt động có hiệu quả. Hiện nay, ngoài Cổng chính của UBND tỉnh, còn có 58 trang thông tin điện tử thành phần của cơ quan cấp tỉnh, 08 UBND cấp huyện, 151 UBND cấp xã. Tiêu chí tỷ lệ doanh nghiệp thường xuyên truy cập vào website của UBND tỉnh thuộc loại cao. Tỷ lệ trang thông tin điện tử cấp sở cung cấp, cập nhật thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp thường xuyên là 95%; tỷ lệ trang thông tin điện tử cấp huyện cung cấp, cập nhật thông tin thường xuyên là 88%; tỷ lệ trang thông tin điện tử cấp xã cung cấp, cập nhật thông tin thường xuyên là 31%.

3. Xây dựng, phát triển đô thị thông minh; cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình:

Mô hình Trung tâm điều hành thông minh (IOC) cấp tỉnh, cấp huyện tiếp tục được nghiên cứu, triển khai thử nghiệm và xây dựng. Một số dich vụ đô thị thông minh cơ bản đã và đang được phát triển, cung cấp, đặc biệt, đã triển khai ứng dụng Hệ thống phần mềm dùng chung tiếp nhận và xử lý phản ánh hiện trường của tỉnh (App QUANG BINH – S) trên phạm vi toàn tỉnh. Hiện có 948 thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp bằng hình thức dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), đạt tỷ lệ 100%; trong đó có 830 DVCTT toàn trình, 118 DVCTT một phần. Tỷ lệ TTHC đã tích hợp thanh toán trực tuyến 100% (286/286); tỷ lệ TTHC triển khai thanh toán trực tuyến có phát sinh giao dịch thanh toán trực tuyến trong quý I/2024 là 48,7%.

Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tiếp tục duy trì khai thác, sử dụng chức năng khai thác 20 trường thông tin được khai thác từ Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thay thế các giấy tờ, thành phần hồ sơ về thông tin nơi cư trú và hộ khẩu; tái sử dụng và điền sẵn 25% trường thông tin phải khai báo trên e-form hồ sơ TTHC (285 e-form của 796 quy trình điện tử) (bao gồm các trường cơ bản như: Họ và tên, ngày sinh, số định danh cá nhân, nơi thường trú, nơi sinh, giới tính và các thông tin khác về nơi cư trú và hộ khẩu). Kết quả số hóa hồ sơ, giải quyết TTHC đã được trả về Kho dữ liệu của công dân trên Cổng dịch vụ công của tỉnh để công dân có thể tái sử dụng dữ liệu sau này. Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh được nâng cấp, đáp ứng đầy đủ chức năng, yêu cầu kỹ thuật theo quy định của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, đã triển khai ứng dụng đến các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện. Tỷ lệ kết nối chế độ báo cáo, cung cấp thông tin, dữ liệu của tỉnh với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đạt 100%.

                                                                                       BBT

Các tin khác