Kết quả thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM năm 2022 và kế hoạch thực hiện năm 2023

10:14, Thứ Tư, 22-3-2023

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2022 đã đạt được những kết quả nổi bật: Hệ thống cơ chế, chính sách và văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình cơ bản đầy đủ; kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được giao cụ thể cho các địa phương; công tác phối hợp triển khai giữa cơ quan chủ trì Chương trình với các sở, ngành và địa phương ngày càng chặt chẽ, hiệu quả, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ được Ban Chỉ đạo tỉnh giao thực hiện trong năm 2022; công tác tuyên truyền về NTM tiếp tục được chú trọng và phát huy hiệu quả, tập trung vào những nội dung trọng tâm của Chương trình, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ các cấp và người dân; các địa phương đã chủ động hơn trong thực hiện các nhiệm vụ được giao, nhất là cụ thể hóa các quy định, cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh để triển khai ở cơ sở; chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 và hàng năm.

BCĐ các CTMTQG triển khai nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới 2023

Kết quả thực hiện các Bộ tiêu chí xây dựng NTM tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2025

 Về quy hoạch: Có 116 xã hoàn thành tiêu chí về Quy hoạch, đạt 90,6% (giảm 9,4% so với cuối năm 2021, do một số xã đã hết thời hạn quy hoạch theo quy định, chưa có Quyết định điều chỉnh/quy hoạch mới). Về hạ tầng kinh tế - xã hội: Trong 8 tiêu chí nhóm hạ tầng kinh tế - xã hội, có 05 tiêu chí giảm (giảm từ 1,6% - 7,8% số xã) đó là: Giao thông, Điện, Trường học, Cơ sở vật chất văn hóa, Thông tin và Truyền thông; 02 tiêu chí tăng là Thủy lợi và phòng, chống thiên tai, Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; 01 tiêu chí không thay đổi là Nhà ở dân cư. Về kinh tế và tổ chức sản xuất: Cả 04 tiêu chí nhóm kinh tế và tổ chức sản xuất đều bị sụt giảm, trong đó sụt giảm nhiều nhất là tiêu chí: Tổ chức sản xuất và PTKTNT (35,9%) do các xã không đạt nội dung Xã có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực đảm bảo bền vững và nội dung Thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã gắn với xây dựng vùng nguyên liệu và được chứng nhận VietGAP hoặc tương đương. Về văn hóa - xã hội - môi trường: Trong 04 tiêu chí nhóm Văn hoá - xã hội - môi trường, có 01 tiêu chí tăng, 03 tiêu chí giảm. Sụt giảm nhiều nhất là tiêu chí Y tế (giảm 39,8%) do khó khăn trong thực hiện nội dung “Tỷ lệ dân số có sổ khám chữa bệnh điện tử”. Về hệ thống chính trị: Trong 02 tiêu chí nhóm Hệ thống chính trị có 01 tiêu chí tăng là Hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật, 01 tiêu chí giảm Quốc phòng và An ninh.

Như vậy, trong 19 tiêu chí, có 14 tiêu chí có số xã đạt chuẩn giảm, 04 tiêu chí có số xã đạt chuẩn tăng và 01 tiêu chí không thay đổi.

Kết quả thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2022

Ở cấp xã: Bình quân tiêu chí/xã đạt 15,8 tiêu chí, giảm 1,4 tiêu chí so với năm 2021 (do Bộ tiêu chí mới có nhiều nội dung, chỉ tiêu khó nên các xã chưa đáp ứng kịp). Đối với xã đạt chuẩn nông thôn mới: Năm 2022, có 5 xã (Quảng Thạch, Cao Quảng, Tân Hóa, Mỹ Trạch, Yên Hóa) phấn đấu NTM, trong đó: Có 3 xã đã nộp hồ sơ về VPĐP Nông thôn mới tỉnh để thẩm định, gồm: xã Cao Quảng, Quảng Thạch, Mỹ Trạch. Nếu 03 xã đủ điều kiện đạt chuẩn thì tổng số xã đạt NTM là 88 xã, đạt 68,8%.

Phân loại theo nhóm xã: Sau khi rà soát theo Bộ tiêu chí mới, số xã theo từng nhóm có nhiều thay đổi. Số xã đạt 19 tiêu chí: 32 xã, chiếm 25% tổng số xã (Gồm: 29 xã đã đạt chuẩn giai đoạn 2010 - 2020 đáp ứng theo Bộ tiêu chí mới và 03 xã đăng ký đạt chuẩn NTM năm 2022), giảm 54 xã do chưa đáp ứng Bộ tiêu chí mới (trong đó: giảm 57 xã do chưa đáp ứng Bộ tiêu chí mới[1] và tăng 03 xã đăng ký đạt chuẩn năm 2022) .

Số xã đạt 19 tiêu chí là 32 xã, chiếm 25% tổng số xã (Gồm: 29 xã đã đạt chuẩn giai đoạn 2010 - 2020 đáp ứng theo Bộ tiêu chí mới và 03 xã đăng ký đạt chuẩn NTM năm 2022). Đối với xã nông thôn mới nâng cao: Có 19 xã phấn đấu đạt NTM nâng cao. Đối với xã nông thôn mới kiểu mẫu: Có 03 xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, gồm: Xã Lương Ninh - huyện Quảng Ninh; Xã Xuân Thủy - huyện Lệ Thủy; Xã Bảo Ninh - TP. Đồng Hới. 

  Ở cấp huyện: Hiện nay Thị xã Ba Đồn và TP. Đồng Hới đang rà soát, hoàn thiện lại hồ sơ đề nghị xét, công nhận cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM theo các quy định của giai đoạn 2021 - 2025.

Kết quả thực hiện Bộ tiêu chí Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu nông thôn mới và Thôn, bản đạt chuẩn NTM tại các xã ĐBKK:

Toàn tỉnh có 36 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu 8, tăng 10 KDC so với năm 2021; 44 vườn mẫu 9, tăng 10 vườn so với năm 2021 và 02 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới tại các xã đặc biệt khó khăn, gồm thôn Long Sơn, thôn Liên Xuân - xã Trường Sơn.

 Kết quả huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực: Tổng nguồn vốn huy động là 18.420,4 tỷ đồng. Trong đó: Vốn ngân sách nhà nước: 1.325,2 tỷ đồng, chiếm 7,2% (Vốn trực tiếp cho Chương trình là 1.017,9 tỷ đồng; vốn lồng ghép 307,3 tỷ đồng); Vốn tín dụng: 16.876,0 tỷ đồng, chiếm 91,6%; Vốn doanh nghiệp: 13,7 tỷ đồng, chiếm 0,1%; Đóng góp của cộng đồng dân cư: 205,5 tỷ đồng, chiếm 1,1%.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới thời gian qua còn có một số tồn tại, hạn chế, cụ thể như: Hệ thống văn bản pháp lý, văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình ban hành chậm nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chương trình. NTM kiểu mẫu không đạt kế hoạch đề ra do các xã chưa đáp ứng kịp Bộ tiêu chí giai đoạn 2021 – 2025, đặc biệt là nội dung tiêu chí “Tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng” (≥5%). Đây là tiêu chí cứng của Trung ương, tuy nhiên, tỉnh ta chưa có cơ sở hỏa táng, phong tục của người dân cũng chưa quen với việc hỏa táng. Cơ sở hạ tầng nhất là đường giao thông, kênh mương thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, trường học còn nhiều khó khăn. Công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến một số công trình có dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp. Một số tiêu chí đã đạt nhưng ở mức tiệm cận nên tính bền vững chưa cao, ảnh hưởng không nhỏ đến việc giữ vững và nâng cao chất lượng tiêu chí… 

Phương hướng, nhiệm vụ thực hiện CTMTQG xây dựng NTM năm 2023.

 Năm 2023, toàn tỉnh phấn đấu có thêm ít nhất 07 xã đạt chuẩn nông thôn mới 10, 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao11; 01 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (Xã Bảo Ninh - TP. Đồng Hới); 14 thôn bản đạt chuẩn NTM12; 37 khu dân cư NTM kiểu mẫu13; 87 vườn mẫu nông thôn mới14; Tăng bình quân 0,5 - 1 tiêu chí/xã; Tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Quan tâm chỉ đạo các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới nhưng chưa đáp ứng yêu cầu Bộ tiêu chí mới; Tập trung thực hiện hiệu quả các Chương trình, đề án của Trung ương.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG yêu cầu các ngành, các địa phương cần tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện một số nội dung sau:

1. Công tác chỉ đạo Chương trình

- Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và quyết tâm chính trị của các cấp ủy, chính quyền địa phương và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức thực hiện chương trình NTM.

- Nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng NTM, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế; chỉ đạo các địa phương chủ động nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ thực hiện các nội dung của Chương trình theo hướng nâng cao chất lượng, đi vào chiều sâu và bền vững.

- Nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phối hợp giữa các sở ngành và địa phương trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện Chương trình; đặc biệt là hoàn thành các nhiệm vụ đề ra trong năm 2023 đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ.

- UBND các huyện, thị xã, TP hướng dẫn, kiểm tra các xã trong việc triển khai thực hiện Chương trình, nhất là việc huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn vốn thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; việc triển khai thực hiện cơ chế đặc thù trong xây dựng nông thôn mới.

- UBND tỉnh đã có công văn phân công sở ngành chỉ đạo các xã năm 2023, UBND các huyện, thị, xã, thành phố và các sở, ngành được phân công phụ trách cần khẩn trương làm việc với các xã để nắm bắt tình hình, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Đồng thời, các sở ngành cần chỉ đạo, hướng dẫn các xã có tiêu chí bị sụt giảm do sở, ngành mình phụ trách. Ưu tiên phê duyệt các thủ tục liên quan để các xã sớm về đích theo mục tiêu đề ra.

2. Công tác tuyên truyền, đào tạo tập huấn

- Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, thống nhất nhận thức, thay đổi tư duy cho cán bộ và người dân về thực hiện xây dựng nông thôn mới gắn với thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn; nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng NTM, phong trào“Cả nước chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2021-2025 ngày càng đi vào chiều sâu, tạo sự lan tỏa rộng lớn trong cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân, nhất là cư dân ở nông thôn.

- Tiếp tục triển khai công tác đào tạo tập huấn theo Kế hoạch Tập huấn, bồi dưỡng cán bộ xây dựng nông thôn mới các cấp giai đoạn 2022 - 2025 đã được Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh ban hành tại Kế hoạch số 230/KH-BCĐ ngày 29/11/2022.

 3. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí nông thôn mới, từng địa phương phải xác định rõ các tiêu chí trọng tâm để tập trung chỉ đạo, nhất là các tiêu chí về đời sống người dân, môi trường, văn hoá và an ninh trật tự

4. Tập trung chỉ đạo theo từng nhóm xã

- Đối với các xã đạt chuẩn cần có kế hoạch, lộ trình cụ thể để giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí, hướng tới mục tiêu xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu.

- Đối với các xã đạt chuẩn nhưng chưa đáp ứng yêu cầu của Bộ tiêu chí mới cần khẩn trương triển khai kế hoạch thực hiện các tiêu chí bị sụt giảm, chủ động huy động các nguồn lực khác, không có tâm lý trong chờ, ỷ lại vào ngân sách nhà nước. Đồng thời căn cứ văn bản hướng dẫn của các sở, ngành có liên quan để xem xét tính cần thiết đối với các nội dung đề xuất, tránh đầu tư không hiệu quả, lãng phí.

- Đối với các xã phấn đấu đạt chuẩn năm 2023: Phải đảm bảo chất lượng, thực chất, không chạy theo thành tích; chủ động rà soát, đánh giá thực trạng; xây dựng lộ trình, kế hoạch và khẩn trương triển khai các tiêu chí chưa đạt, phối hợp chặt chẽ với sở, ngành được phân công chỉ đạo để triển khai theo đúng kế hoạch đề ra; đối với hạng mục có khối lượng công việc lớn, thời gian thi công dài cần khẩn trương triển khai sớm. Riêng xã Yên Hoá, Tân Hoá: Cấp ủy, chính quyền huyện Minh Hóa, xã Yên Hoá, Tân Hoá và các Sở được giao chỉ đạo phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả thực hiện của xã.

- Đối với các xã khó khăn, cần tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu và thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, ưu tiên tập trung đầu tư ở cấp thôn, bản.

5. Tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp huy động và đa dạng hóa các nguồn vốn để thực hiện Chương trình

- Thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp huy động nguồn lực, trong đó, huy động tối đa nguồn lực của địa phương (tỉnh, huyện, xã) để tổ chức triển khai Chương trình. Ưu tiên bố trí nguồn vốn NSNN được phân bổ đầu tư cho các địa bàn khó khăn để góp phần thu hẹp khoảng cách trong xây dựng NTM giữa các vùng, miền; thực hiện lồng ghép hiệu quả nguồn vốn của 03 Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trên địa bàn nông thôn giai đoạn 2021-2025 để hỗ trợ các địa phương hoàn thành các mục tiêu xây dựng NTM; thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn.

- Tích cực giải ngân nguồn vốn được phân bổ năm 2022 và năm 2023.

6. Một số giải pháp trọng tâm khác

- Thực hiện hiệu quả 11 nội dung của Chương trình; 

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình ở các cấp, các ngành. Kịp thời khen thưởng những tổ chức, cá nhân làm tốt, đồng thời có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực hiện Chương trình.

                                                                             NTT


 

Các tin khác