Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 07-10-2021

15:49, Thứ Năm, 7-10-2021

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Tải file tại đây

THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN DỊCH COVID-19. 1

  1. Nguyên tắc sống chung với Covid. 1
  2. “TPHCM đang lấy lại sức sống và nhịp đập trái tim của một cơ thể hồi sinh”. 2
  3. Gần 20.000 người về quê tự phát, Cà Mau đưa ra quy định về cách ly tại nhà. 3
  4. Đã tiêm vaccine, xét nghiệm an toàn còn cách ly 7 ngày thì ai đi du lịch?. 3

KINH NGHIỆM PHÒNG CHỐNG COVID-19. 5

  1. Hiệu quả từ mô hình “Ghi nhật ký thời COVID-19” tại huyện Hà Trung. 5
  2. Chủ tịch phường thời Covid-19: Hai tháng không về nhà, chưa lần ngủ đủ giấc. 5
  3. “Thẻ xanh vaccine”. 7

VI PHẠM CHỐNG DỊCH COVID-19. 8

  1. Điều chuyển Chủ tịch TP Trà Vinh Nguyễn Thị Trúc Ly sau lùm xùm vaccine. 8

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP. 9

  1. Nhiều dư địa phục hồi kinh tế: Đưa “cỗ xe tam mã” trở lại 9
  2. Chính phủ yêu cầu loạt bộ ngành vào cuộc “giải cứu” các hãng hàng không. 10
  3. Khởi động 10 đường bay nội địa. 11
  4. Nếu Hà Nội "lắc đầu", các chuyến bay sẽ chuyển hướng hạ cánh ở đâu?. 12

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 14

  1. Cải cách để chấm dứt thủ tục hải quan giấy vào năm 2025. 14
  2. Tiết kiệm 570 tỷ đồng từ cắt giảm, đơn giản hóa TTHC lĩnh vực y tế. 15
  3. TP Thái Nguyên: Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số. 15

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 17

  1. Thu ngân sách nội địa sụt giảm mạnh trong tháng 9. 17
  2. 9 tháng, TP HCM thu ngân sách hơn 279.000 tỷ đồng. 17

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 18

  1. Thi hành kỷ luật hàng loạt đảng viên liên quan 4 vụ án lớn xảy ra tại TPHCM.. 18
  2. Cảnh cáo giám đốc ở Kon Tum quan hệ bất chính với nữ nhân viên cấp dưới 20
  3. Đắk Lắk: 9 tháng đầu năm 2021 thi hành kỷ luật 3 tổ chức đảng và 271 đảng viên. 21

THẾ GIỚI 21

  1. Nhật Bản thu hẹp khoảng cách giàu nghèo với 2 thứ thuế cao. 21
  2. Pháp bắt buộc DN phải bổ nhiệm nhân viên chuyên trách phòng dịch. 22

THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN DỊCH COVID-19

Nguyên tắc sống chung với Covid

Ở thời điểm này, sống chung với Covid là lựa chọn duy nhất và mở cửa kinh tế là chuyện vô cùng cấp bách bởi cả doanh nghiệp và người dân đều đã kiệt quệ. Từ đầu năm đến nay bình quân mỗi tháng có tới 10 nghìn doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Và dòng người nối nhau rời khỏi TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… về quê nhà những ngày qua, trong hành lý mang theo cả những chiếc mắc treo quần áo cho thấy dịch bệnh đã bào mòn họ tới mức nào!

Giờ đây, khi đã quyết định sống chung với Covid thì tiêu chí đánh giá lãnh đạo địa phương không còn là “kiểm soát dịch”, tức là không có dịch, không có F0 mà phải chuyển thành “giảm số lượng F0 trở nặng, hỗ trợ điều trị F0 nặng tốt hay không tốt, giảm F0 tử vong”. Nói cách khác, chức năng của hệ thống chính quyền và hệ thống y tế là bảo đảm người dân tiếp cận y tế nhanh nhất chứ không phải lo cho người dân đừng nhiễm virus.

Với tư duy và cách tiếp cận mới như vậy, điều kiện an toàn để mở cửa phải là mức độ sẵn sàng của cơ sở điều trị chứ không phải số ca F0; tiêu chí ưu tiên là giường bệnh, bác sĩ, thời gian để chuyển F0 từ nhà vào viện, từ tầng 1 lên tầng 2, tầng 2 lên tầng 3. Tính chi tiết của các tiêu chí cần được xem xét theo địa bàn (đô thị, nông thôn), mật độ dân cư và độ phủ vaccine.

Một điểm yếu trong suốt tiến trình chống dịch vừa qua là chúng ta chỉ mới có hướng dẫn an toàn, tiêu chí an toàn cho từng địa bàn (theo phạm vi địa lý), chứ không có hướng dẫn và tiêu chí cho từng ngành, gắn liền với đặc thù cơ sở sản xuất, cơ sở dịch vụ. Vì vậy dẫn đến đóng cửa phạm vi rộng, đóng toàn bộ vùng (địa lý), bất kể trong vùng đó, có những cơ sở sản xuất, dịch vụ vẫn an toàn. Ví dụ, sản xuất nông nghiệp ngoài ruộng đồng sẽ ít rủi ro hơn trong nhà máy đóng kín. Và ngay trong từng ngành cũng sẽ phải tiếp tục cụ thể hóa theo cấp độ.

Như vậy trong giai đoạn này, bên cạnh tiêu chí vùng như Bộ Y tế đang dự thảo, cần khẩn cấp dự thảo thêm tiêu chí ngành. Tiêu chí này Bộ Y tế cần kết hợp với bộ chuyên ngành, các hiệp hội chuyên ngành để dự thảo.

Nói tóm lại, mở cửa phải là trách nhiệm chính của Chính phủ ở 2 khía cạnh: xây dựng được Tiêu chí an toàn cho ngành thay vì cho địa bàn lãnh thổ; và bảo đảm di chuyển an toàn liên quốc gia, liên vùng, liên tỉnh. Thực tế hiện nay, chưa nói đến lĩnh vực dịch vụ, sản xuất ở khu vực Đông Nam Bộ - trung tâm công nghiệp lớn nhất cả nước vẫn đình trệ. Vì mở cửa mới chỉ diễn ra từng tỉnh nên người lao động không di chuyển được. Điều đó vượt ra ngoài phạm vi chính quyền cấp tỉnh. Nó đòi hỏi Trung ương phải hành động, không được “khoán trách nhiệm” cho các tỉnh.

 Trong giai đoạn mới, Chính phủ không nên quy trách nhiệm chung chung “để bùng phát dịch bệnh” cho lãnh đạo địa phương, mà trách nhiệm của địa phương phải là không để xảy ra tình trạng F0 không được hỗ trợ kịp thời, đầy đủ và tổ chức kiểm tra, bảo đảm doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh tuân thủ các tiêu chí an toàn do Chính phủ ban hành. (Daibieunhandan.vn 06/10, Cẩm Phô) Về đầu trang

“TPHCM đang lấy lại sức sống và nhịp đập trái tim của một cơ thể hồi sinh”

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi khẳng định tình hình dịch bệnh ở TPHCM đã bước đầu được kiểm soát, tạo điều kiện phục hồi kinh tế.

Sáng 6/10, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức Lễ tuyên dương đoàn công tác tăng cường và tham gia hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TPHCM.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19 ở TPHCM và các tỉnh phía Nam đã trải qua những ngày tháng vô cùng căng thẳng và khốc liệt. Hơn 2 tháng qua, TPHCM đứng trước tình huống hết sức khó khăn, khi số ca bệnh và ca tử vong tăng cao.

Các bệnh viện trong tình trạng quá tải, toàn bộ y bác sĩ, nhân viên y tế được huy động và làm việc ngày đêm mà chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc và điều trị bệnh. Chia sẻ và đồng cảm với những khó khăn của TPHCM, các bộ ngành Trung ương, các tỉnh, thành và các tổ chức tôn giáo đã khẩn trương, kịp thời chi viện nhân lực và phương tiện giúp TPHCM kiềm chế dịch bệnh.

“Thành phố đang lấy lại sức sống và nhịp đập trái tim của một cơ thể đang hồi sinh. Thành quả đó có được là nhờ sự chỉ đạo của Trung ương, của thành phố, của ý thức và sự kiên trì của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là sự đóng góp to lớn của lực lượng chi viện từ mọi miền đất nước”, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi khẳng định.

Chủ tịch UBND TPHCM đánh giá thời gian tới, dịch bệnh có thể sẽ còn những diễn biến phức tạp, khó lường. Những khó khăn và thách thức chưa phải đã hết nhưng TPHCM tin khi có sự chung sức, chung lòng và sự đoàn kết toàn dân tộc thì sẽ vượt khó khăn, chiến thắng đại dịch và sớm trở lại cuộc sống bình thường mới. (Tienphong.vn 06/10, Huy Thịnh) Về đầu trang

Gần 20.000 người về quê tự phát, Cà Mau đưa ra quy định về cách ly tại nhà

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau, từ ngày 1/10 đến sáng 6/10 có gần 20.000 người từ các tâm dịch đổ về quê ở Cà Mau và dự kiến tình trạng này tiếp tục gia tăng trong những ngày tới, dẫn đến sự quá tải cũng như nguy cơ lây nhiễm chéo SARS-CoV-2 tại các khu cách ly tập trung.

Ông Huỳnh Quốc Việt, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, cùng Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau đã thống nhất về các biện pháp cách ly y tế tại nhà đối với những người về tỉnh tự phát nếu họ đảm bảo các yêu cầu, điều kiện theo quy định. Thời gian cách ly tại nhà là 28 ngày liên tục.

Nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19, hạn chế việc lây nhiễm chéo trong các khu vực cách ly tập trung, UBND tỉnh quy định: Những người được phép cách ly y tế tại nhà phải được tiêm 1 hoặc 2 liều vaccine phòng COVID-19 đủ 14 ngày và khi về đến Cà Mau có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2; người đã khỏi bệnh COVID-19 trong thời hạn 6 tháng và khi về đến Cà Mau có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

Những người còn lại khi về đến Cà Mau và có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR lần 1 thì phải có nhà ở riêng biệt (không sống chung với người dân ở lại địa phương); nhà của người được cách ly y tế phải thuận lợi về giao thông để thuận tiện cho việc kiểm tra, giám sát và dịch vụ y tế; trước nhà có gắn biển cảnh báo ““Nhà có người cách ly y tế”“ và ghi rõ họ tên, số điện thoại người được cách ly y tế, có cán bộ y tế và thành viên Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng hỗ trợ.(Baotintuc.vn 06/10, Kim Há) Về đầu trang

Đã tiêm vaccine, xét nghiệm an toàn còn cách ly 7 ngày thì ai đi du lịch?

Một người đã tiêm đầy đủ hai mũi vaccine, có kết quả xét nghiệm an toàn mà cũng bắt buộc cách ly 7 ngày thì có làm khó người dân, nhất là đi du lịch hoặc đi giải quyết công việc đột xuất?

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi UBND TPHCM, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An về việc xét nghiệm, cách ly phòng chống dịch COVID-19 với người di chuyển giữa các vùng nguy cơ.

Cụ thể là người dân ở các tỉnh, thành trên được gọi là khu vực có nguy cơ rất cao và nguy cơ cao. Nếu đến nơi khác, dù đã tiêm đầu đủ hai mũi vaccine, thì cũng phải có kết quả xét nghiệm âm tính.

Nhưng như thế chưa đủ, Bộ Y tế còn quy định:

"Khi đến nơi thực hiện tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày, thực hiện Thông điệp 5K và xét nghiệm vật chất di truyền (ARN) hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu đơn 2 lần vào ngày đầu tiên và ngày thứ 7".

Tiêm đầy đủ hai mũi vaccine, trước khi đi đã xét nghiệm có kết quả âm tính, mà còn bắt buộc phải cách ly ở nhà 7 ngày, rồi phải xét nghiệm thêm hai lần nữa, thì ai còn muốn đi.

Vậy thì mở cửa du lịch để làm gì? Vậy thì mở cửa để bà con làm ăn buôn bán, sản xuất kinh doanh sao được?

Các địa phương mở cửa kinh tế, đã có 7 tỉnh, thành đồng ý mở đường bay nội địa, vậy thì ai bay?

Người đi du lịch thường cũng chỉ tranh thủ vài ngày, nhiều lắm là một tuần, nhưng lại bị cách ly toàn bộ thời gian đó thì còn ai du lịch nữa. Kích cầu du lịch mà gặp phải rào cản này thì coi như phá sản.

Người dân đi lại, làm ăn buôn bán, gặp gỡ đối tác, mua hàng hóa thì cũng tranh thủ đôi ba ngày, lại bị bắt cách ly, vậy thì đi làm ăn thành đi an dưỡng cưỡng bức.

Bộ Y tế ban hành quy định để phòng chống dịch là cần thiết, nhưng phải dựa trên thực tế.

Thực tế là, người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine mới là người an toàn, cho dù đến từ vùng nào. Nếu người ở vùng có nguy cơ thấp, nhưng chưa tiêm vaccine, thì cũng không an toàn như người đã tiêm vaccine.

Chưa kể, TPHCM trước đây là vùng có nguy cơ cao, nhưng đến thời điểm này thì không phải. Bởi vì, đến 4.10, TPHCM có 17 địa phương đề nghị công nhận kiểm soát được dịch COVID-19 gồm TP Thủ Đức, quận 1, 3, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Phú, Tân Bình, huyện Nhà Bè, Cần Giờ và Củ Chi.

Chưa kể, tính đến hết ngày 4.10, TP.HCM đã có gần 97% người trên 18 tuổi được tiêm 1 mũi, gần 70% người dân trên 18 tuổi được tiêm đủ 2 mũi. Chỉ một tuần nữa, TPHCM sẽ đạt gần 100% dân từ 18 tuổi trở lên hoàn thành hai mũi.

Hãy tạo điều kiện cho dân làm ăn, hãy mở cửa cho nền kinh tế phục hồi. Chỗ nào cũng tìm cách đóng thì còn làm ăn gì nữa. (Laodong.vn 05/10, Lê Thanh Phong) Về đầu trang

KINH NGHIỆM PHÒNG CHỐNG COVID-19

Hiệu quả từ mô hình “Ghi nhật ký thời COVID-19” tại huyện Hà Trung

Mô hình “Ghi nhật ký thời COVID-19" do Đoàn Thanh niên huyện Hà Trung tạo ra để người dân thường xuyên di chuyển ghi lịch trình, tiếp xúc, từ đó giúp cơ quan chức năng truy vết khi dịch bệnh xảy ra.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, để bảo vệ sức khỏe cho người dân, giữ vững địa bàn an toàn, ổn định trong trạng thái “bình thường mới”, huyện Hà Trung đã triển khai hàng loạt biện pháp nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng, đặc biệt là mô hình “Ghi nhật ký thời COVID-19”. Mục đích của việc làm này là để quản lý người dân ra vào địa bàn, kiểm soát và ngăn chặn kịp thời các nguồn lây. Theo đó, người dân sẽ thực hiện việc ghi chép lại lịch trình di chuyển, tiếp xúc của mình trong ngày vào sổ nhật ký.

Mô hình được triển khai đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang công tác tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và học sinh các trường học trên địa bàn. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và học sinh đều tự trang bị cho mình sổ nhật ký. Trong quyển sổ không giới hạn theo kiểu ghi chép nhất định, mỗi người có thể viết theo cách riêng của mình, ghi chép lại lịch trình di chuyển, tiếp xúc của bản thân một cách thật chi tiết.

Trao đổi với phóng viên, chị Vũ Thị Minh Tâm, Bí thư Đoàn thanh niên huyện Hà Trung cho biết: “Chúng tôi nhận thấy sự vất vả khó khăn của lực lượng chức năng trong việc truy vết các F liên quan đến các ca bệnh trong cộng động. Để chia sẻ vất vả đó, chúng tôi đã vận động Đoàn thanh niên ghi lại nhật ký tiếp xúc thời COVID-19. Ban Thường vụ Huyện đoàn đã triển khai mô hình này đến các cấp bộ đoàn từ huyện đến cơ sở và các đoàn viên đã tích cực hưởng ứng mô hình này”.

Về vấn đề này, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Hà Trung Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh: “Để tiếp tục triển khai mô hình ghi nhật ký di chuyển và tiếp xúc, Tiểu ban tuyên truyền sẽ tiếp tục tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của huyện triển khai sâu rộng tới những đối tượng khác, trước mắt phối hợp với MTTQ, các đoàn thể triển khai đến đoàn viên, hội viên, và các tầng lớp Nhân dân, để nâng cao ý thức tự giác trong phòng, chống dịch của bản thân, gia đình, cộng đồng”. (Baothanhhoa.vn 05/10, Thảo Chi) Về đầu trang

Chủ tịch phường thời Covid-19: Hai tháng không về nhà, chưa lần ngủ đủ giấc

Ông Phong cũng như nhiều cán bộ của phường ăn nghỉ luôn tại cơ quan để kịp thời xử lý, bất kể làm việc ngoài giờ, ban đêm.

“Chào bác Phong”, “Bác Phong mới xuống!”… bà con hẻm 38 - đang chờ lấy mẫu xét nghiệm lên tiếng chào ông Nguyễn Hải Phong, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND phường An Cư, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.

Sáng nào cũng vậy, chừng hơn 7h sáng, như thường lệ, sau khi xử lý một số văn bản quan trọng ở trụ sở, ông Phong vội vã rời cơ quan đi cơ sở, kiểm tra các điểm xét nghiệm Covid-19 cộng đồng và xử lý hàng loạt công việc khác.

Cuối tháng 7, phường An Cư ghi nhận trường hợp dương tính đầu tiên. Ngay sau đó, lần lượt 15 điểm với 326 hộ dân, 1.182 nhân khẩu bị phong tỏa.

Cũng từ đó thời gian làm việc của ông Phong kín mít, bắt đầu từ sáng sớm đến đêm muộn trong guồng quay vừa làm nhiệm vụ chống dịch, vừa chăm lo an sinh cho bà con.

 “Chú Phong mới về phường An Cư hơn 1 năm nay thôi nhưng rất sâu sát với bà con, hễ mà có khó khăn gì, chỉ cần nói với chú là chú giải quyết liền. Đặc biệt là người gặp khó trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội. Ở đây, chú thường xuyên tới lui quan tâm, thăm hỏi bà con chúng tôi”, ông Phan Văn Dũng, ngụ khu vực 5 chia sẻ.

Xử lý nhanh một số vấn đề phát sinh, dặn dò lực lượng làm việc chú ý vấn đề đảm bảo khoảng cách, phun khử khuẩn trong toàn bộ quá trình lấy mẫu cho người dân, ông Phong tiếp tục di chuyển đến điểm lấy mẫu khác.

Kiểm tra hết một vòng trên địa bàn phường, ông Phong lại trở về cơ quan bắt tay vào các công việc trong ngày. Trên chiếc bàn làm việc, từng chồng hồ sơ dày cộm với đủ loại báo cáo, văn bản.

Tất cả chủ yếu liên quan tới việc điều tra, truy vết, kế hoạch tiêm vaccine, hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho hộ khó khăn, văn bản chỉ đạo của UBND TP, công tác lấy mẫu xét nghiệm…

Kế bên, điện thoại của ông không ngừng báo tin nhắn từ các nhóm của lãnh đạo TP về tình hình chống dịch, các chốt bảo vệ, nhóm phòng chống dịch của phường…

Nhà ông Phong cách cơ quan chưa đầy 1km. Nhưng đã hơn 2 tháng qua, kể từ lúc TP Cần Thơ thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, ông không được về nhà. Khối lượng công việc rất lớn, thời gian làm việc gần như không còn khoảng trống. Cũng hơn 2 tháng qua, ông Phong chưa có được một giấc ngủ trọn vẹn.

“Áp lực là tất yếu. Giai đoạn đầu, khi Cần Thơ vừa bùng phát dịch, lúc ấy, mỗi khi nghe tin trên địa bàn phường có ca nhiễm là tự nhiên tôi cảm thấy rất áp lực. Nhưng trách nhiệm mình là người đứng đầu, nếu không vững thì làm sao quán xuyến. Nên phải tự điều chỉnh. Bình tĩnh mà làm. Riết rồi cũng quen”, ông cười.

“Có lúc nào ông cảm thấy bất lực, bế tắc?”. Giọng ông Phong trầm buồn: “Đó là khi nghe tin những ca F0 có đi mà không có về. Đó là những trường hợp người trụ cột trong gia đình là F1, phải đi cách ly tập trung, ở nhà chỉ còn trẻ nhỏ và người già đùm túm lẫn nhau. Nhìn cảnh ấy, thấy trách nhiệm mình như nặng nề thêm”.

Trong thời gian chống dịch, ông Phong cũng như nhiều cán bộ của phường ăn nghỉ luôn tại cơ quan để kịp thời xử lý, bất kể làm việc ngoài giờ, ban đêm, việc đến đâu làm đến đó.

“Có lần hơn 23h, tôi nhận thông báo có ca nhiễm. Ngay lập tức tôi cùng anh em xuống hiện trường tiến hành phong tỏa sơ bộ khu vực, truy vết, khoanh vùng. Chỉ trong vòng khoảng 1 giờ, việc phong tỏa sơ bộ gần như hoàn tất. Áp lực lắm! Nhưng “sống chung với lũ” riết cũng quen”, ông thản nhiên.

Hiện nay, đã có 14/15 khu phong tỏa ở phường được dỡ bỏ. Đã hơn 14 ngày qua trên địa bàn phường không còn ghi nhận ca nhiễm. Ông nói, “đây chính là động lực cho chúng tôi”.

Từng là người bươn chải và gắn bó với tổ dân phố, khu vực trong những năm công tác, hơn ai hết, ông Phong là người hiểu rõ tâm lý, cũng như những khó khăn mà bà con đang đối mặt khi thực hiện “ai ở đâu ở yên đó”.

Với tinh thần “dân của mình thì mình phải lo”, các cán bộ phường, trong đó có ông Phong đã đi từng ngõ, gõ từng nhà hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân, đặc biệt là tại các khu vực phong tỏa.

Với những bà con đi cách ly tập trung, để họ yên tâm, ông Phong liên hệ với điểm cách ly “nhờ cậy”, hễ người dân phường có khó khăn gì thì lập tức báo địa phương để kịp thời hỗ trợ.

Những ngày này, từng tuyến đường, con hẻm phường An Cư im đậm dấu chân của ông Phong. Đi nhiều nơi, biết nhiều chuyện, thấu cảm những mảnh đời khó khăn cần sự hỗ trợ. Mỗi khi có đợt hỗ trợ, ông phân phối và trực tiếp mang quà đến chăm lo cho người dân.

“Tôi phân công rõ ràng, cụ thể từng bộ phận, khi nhận được hỗ trợ từ các mạnh thường quân, tôi giao cho Mặt trận, Hội Phụ nữ làm công tác tiếp nhận, phân phát. Việc cấp phát là phải có danh sách cụ thể rõ ràng và phải báo cáo với tôi. Dân của mình thì mình phải lo. Khổ, tôi không sợ, chỉ lo làm trật với dân”, ông Phong nói.

Giữa tháng 9 vừa qua, để tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 68 sớm đến tay người dân, ông cùng cán bộ phường và khu vực làm cả ngày lẫn đêm, lập nhiều tổ công tác, chia thành từng nhóm nhỏ gõ cửa từng nhà, từng khu trọ để thống kê số lượng lao động, tập hợp danh sách gửi về UBND quận để phê duyệt. (Baogiaothong.vn 06/10, Lê An) Về đầu trang

“Thẻ xanh vaccine”

Trải qua “cơn bão” dịch Covid-19 lần thứ tư, nhiều tỉnh, thành đang tính phương án sẽ áp dụng “thẻ xanh vaccine” cho người dân đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19 như một loại “giấy thông hành” khi cuộc sống đang dần trở lại bình thường mới.

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết, TP HCM đã thành lập tổ công tác xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế. Theo ông Mãi, thời điểm này, công sở, các hoạt động kinh tế, dịch vụ, vận tải... muốn mở lại phải đáp ứng các điều kiện an toàn. Một trong những điều kiện an toàn là người dân được tiêm vaccine. Với “thẻ xanh vaccine”, từ 1/10, TP HCM đã từng bước nới lỏng giãn cách xã hội với những “vùng xanh” và những người đã tiêm đủ số mũi vaccine, hay nói cách khác là “công dân xanh, lao động xanh”. Ông Mãi nhấn mạnh, phải sớm tiêm phủ vaccine và gấp rút chuẩn bị chính sách “thẻ xanh vaccine” mới có thể mở cửa kinh tế.

Tương tự, tại Đồng Nai, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho hay, sắp tới tỉnh này sẽ thực hiện “công dân vaccine”, tức là ai tiêm đủ 2 mũi vaccine thì được ra đường, được đi làm bình thường.

Theo các chuyên gia y tế , người tiêm đủ hai mũi vaccine, nguy cơ mắc Covid-19 rất thấp, và nếu chẳng may có mắc thì bệnh cũng không tiến triển nặng và ít lây lan cho người khác. Do đó việc cấp “thẻ xanh vaccine” là biện pháp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, đồng thời giúp các chuỗi sản xuất cung ứng đảm bảo duy trì hoạt động liên tục, không bị “đứt gãy”. Với “thẻ xanh vaccine” có gắn mã QR, người dân chỉ cần xuất trình thẻ, các cơ quan có thể nhanh chóng nhận diện được ai có đủ điều kiện tham gia hoạt động hay không.

Về phía doanh nghiệp (DN), trao đổi với báo chí, ông Trần Việt Anh - Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn cho hay, các DN đã đạt đến ngưỡng chịu đựng nên cần phải thay đổi mô hình sản xuất trong trạng thái bình thường mới có sự kiểm soát, đảm bảo an toàn trước dịch bệnh. Trong đó nền tảng để sản xuất là công nhân đã hoàn thành 2 mũi vaccine. Vấn đề đặt ra là cần xây dựng hệ thống quản lý công nhân thông qua công nghệ, giám sát hành trình bằng mã QR. Cũng theo ông Trần Việt Anh, trước mắt, cần ưu tiên cho nhóm “lao động xanh” trở lại DN theo lộ trình cụ thể, có thể nâng lên 50% công suất của nhà máy, sau đó tiến tới 100%.

Theo Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên, tới đây, khi nhà máy có ca F0 tại một phân xưởng sản xuất, hướng xử lý của Bộ Y tế là tách ca nhiễm, khử khuẩn và đưa phân xưởng hoạt động lại sau 24 giờ. Phương án sản xuất này đã từng được Bộ Y tế hướng dẫn Bắc Ninh thực hiện và cho kết quả tốt hồi tháng 5 vừa qua. Thông tin này ngay lập tức được các DN đặc biệt quan tâm và ủng hộ. (Daidoanket.vn 06/10, Hải Đăng) Về đầu trang

VI PHẠM CHỐNG DỊCH COVID-19

Điều chuyển Chủ tịch TP Trà Vinh Nguyễn Thị Trúc Ly sau lùm xùm vaccine

Sáng 6/10, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có quyết định điều động công tác đối với bà Nguyễn Thị Trúc Ly, Phó bí thư, Chủ tịch UBND TP Trà Vinh.

Theo đó, bà Nguyễn Thị Trúc Ly được điều động giữ chức Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh. Hiện điều hành công việc tại UBND TP Trà Vinh tạm thời được giao cho một Phó chủ tịch đảm trách.

Ngày 15/9, Ban thường vụ Thành ủy Trà Vinh phê bình nghiêm khắc đối với bà Nguyễn Thị Trúc Ly do có liên quan đến việc phân bổ vaccine Covid-19 cho một số doanh nghiệp trên địa bàn TP Trà Vinh không đúng đối tượng ưu tiên.

Liên quan đến vụ việc trên, Ban Thường vụ Thành ủy cũng đã đã thống nhất cách chức Bí thư Chi bộ Trung tâm Y tế và Chi ủy Ban chi ủy Chi bộ Y tế dân số TP Trà Vinh đối với ông Lê Hoàng Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế TP Trà Vinh.

Ông Dũng bị kỷ luật do xảy ra sai phạm liên quan đến việc tiêm vaccine cho doanh nghiệp ở địa phương, không đúng với kế hoạch.

Sau đó, Sở Y tế tỉnh Trà Vinh đã ký quyết định kỷ luật bằng hình thức cách chức Giám đốc Trung tâm Y tế đối với ông Dũng.

Trước đó, trong các ngày 6 và 7/8, TP Trà Vinh tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 đợt 4, theo kế hoạch không có một vài doanh nghiệp nằm trong danh sách.

Tuy nhiên, sau đó nhiều người thuộc các doanh nghiệp không có trong kế hoạch này vẫn được tiêm vaccine.

Sau khi phát hiện sự việc, Tỉnh ủy Trà Vinh đã chỉ đạo làm rõ. Ông Dũng giải thích do cuối buổi tiêm còn dư vaccine nên đã tiêm cho 11 trường hợp thuộc doanh nghiệp, không nằm trong kế hoạch.

Hiện nay, số người từ 18 tuổi trở lên tiêm vaccine mũi 1 ở Trà Vinh mới đạt 18%; mũi 2 chỉ đạt 7%. (Laodong.vn 06/10, Thiện Kim) Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

Nhiều dư địa phục hồi kinh tế: Đưa “cỗ xe tam mã” trở lại

GDP quý 3 giảm sâu nhưng kinh tế Việt Nam vẫn giữ được sự ổn định vĩ mô, giữ được nền tảng vững chắc nhất định để lấy đà cho quý tới và năm 2022.

Chỉ cần đưa “cỗ xe tam mã” (xuất khẩu, đầu tư công, thị trường nội địa) trở lại, tăng trưởng kinh tế chắc chắn sẽ phục hồi mạnh mẽ.

Theo TS Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô thuộc Trường đại học Kinh tế quốc dân, GDP quý 3 giảm mạnh (6,17% so cùng kỳ) đã được dự báo trước vì rất nhiều địa phương, trong đó có các địa phương lớn như TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai vốn chiếm 34% GDP cả nước, đã thực hiện giãn cách kéo dài chống dịch, dẫn tới tăng trưởng thấp, kéo tăng trưởng của cả nền kinh tế đi xuống. Các thành phần cấu thành GDP ở góc độ tổng cầu đều sụt giảm, đặc biệt là dịch vụ tiêu dùng. Ngoại trừ thực phẩm, hàng thiết yếu, các mặt hàng phòng chống dịch bệnh, y tế được tiêu thụ; còn hầu hết các lĩnh vực khác như vui chơi, giải trí, hàng hóa tiêu dùng, ăn uống ngoài gia đình... gần như biến mất. Chỉ số mua hàng sản xuất tại Việt Nam (PMI) giảm từ trên 50 điểm xuống còn hơn 40 điểm trong tháng 8 cho thấy sự đình trệ sản xuất. Rồi giao thông, vận tải, du lịch... đều giảm mạnh.

Cũng không bất ngờ trước sự sụt giảm GDP quý 3, tuy nhiên TS Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, không khỏi bức xúc trước các giải pháp giãn cách “khắc nghiệt” mà nhiều địa phương áp dụng. “Thủ tướng nói đi nói lại 2 vấn đề. Thứ nhất, chấp nhận sống chung với Covid-19 là phải thay đổi phương pháp. Thứ hai là cách ly cực kỳ hẹp, một căn nhà, một khu phố, một con hẻm chứ không cách ly cả phường, cả quận, cả TP nữa. Nhưng lãnh đạo nhiều địa phương vẫn không thực hiện đúng. Câu chuyện của Hà Nam là một minh chứng điển hình. Nếu không có cuộc gọi lúc nửa đêm của Thủ tướng, tỉnh này đã phong tỏa toàn bộ TP.Phủ Lý theo Chỉ thị 16 với gần 200.000 dân. Sau cuộc gọi, tỉnh chỉ phong tỏa hơn trăm hộ dân, đỡ thiệt hại bao nhiêu. Nhưng còn biết bao nhiêu nơi như vậy”, ông Lịch nhấn mạnh.

Dù các chỉ số kinh tế vĩ mô xấu đi so với quý trước nhưng ông Phạm Thế Anh nhấn mạnh, điểm lạc quan là chúng ta vẫn đang giữ được một nền tảng vĩ mô ổn định, vững chắc. Đầu tiên là lạm phát. Dù nguy cơ từ việc đứt gãy sản xuất làm cho giá cả tăng cục bộ ở một số địa phương như TP.HCM, Hà Nội trong một thời gian ngắn nhưng chỉ số giá tiêu dùng chung tháng 8 chỉ tăng 0,25% so với tháng 7, tăng 2,82%. Nếu tính 8 tháng đầu năm, CPI tăng 1,79% cùng kỳ. So với mục tiêu điều hành là lạm phát bình quân thấp hơn 4% cả năm, chúng ta vẫn đang kiểm soát tốt lạm phát.

Câu hỏi lớn nhất hiện nay là các giải pháp nào để phục hồi kinh tế hiệu quả. Dẫn năm 2020, kinh tế duy trì được nhờ “cỗ xe tam mã” (xuất khẩu, đầu tư công và thị trường nội địa), TS Trần Du Lịch phân tích, lần bùng phát thứ 4 của dịch Covid-19 đã đánh gục “2 con ngựa” là thị trường nội địa và đầu tư công. Quý 4 nếu kích lại cỗ xe tam mã này thì GDP chắc chắn sẽ tăng trưởng trở lại.

Chỉ thị của Thủ tướng về phục hồi sản xuất kinh doanh ở các khu vực sản xuất công nghiệp trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19, được Phó thủ tướng Lê Văn Thành thừa lệnh ký ngày 3.10. Với nguyên tắc sản xuất phải an toàn, an toàn mới sản xuất, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành liên quan tạo thuận lợi cho DN để khôi phục sản xuất kinh doanh, đảm bảo lưu thông hàng hóa...

Theo TS Trần Du Lịch, quý 4 có nhiều lợi thế để đưa nền kinh tế phục hồi. Đầu tiên là việc TP.HCM và nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã chính thức mở cửa trở lại. Nếu các DN, tiểu thương, khu vực dịch vụ khởi động tốt, TP sẽ tiếp tục nới thêm cánh cửa, thị trường nội địa dần trở lại đường đua. Như vậy, 2 tháng cuối năm chắc chắn sẽ tăng trưởng dương.

Đồng quan điểm, TS Phạm Thế Anh cũng cho rằng kinh tế quý 4 không thể trông chờ vào khu vực tư nhân bởi khối này đang bị tổn thương. Nhiều DN đã đóng cửa, những DN còn tồn tại thì sức khỏe yếu. Với “thể trạng” đó, họ phải cân nhắc rất nhiều trước khi quyết định bỏ tiền đầu tư thúc đẩy sản xuất ở thời điểm này. Thế nên trụ cột đầu tư quý 4 vẫn phải là đầu tư công. “Tiền đã có sẵn, giờ nên tập trung vào các dự án trọng điểm quốc gia. Đầu tư công lúc này không chỉ tạo nền tảng phục hồi cho quý 4 mà còn cho năm sau nên đóng vai trò hết sức quan trọng. Mà muốn thúc đẩy đầu tư công thì vai trò của Chính phủ rất lớn trong việc tháo gỡ các vướng mắc, nút thắt dẫn đến sự chậm trễ giải quyết. Nếu những vướng mắc đó Chính phủ đã giải quyết rồi mà các địa phương, bộ, ngành vẫn không làm thì phải quy trách nhiệm cụ thể. Có như vậy, giải ngân đầu tư công mới chạy được”, ông Thế Anh nói. (Thanhnien.vn 06/10, Nguyên Khanh) Về đầu trang

Chính phủ yêu cầu loạt bộ ngành vào cuộc “giải cứu” các hãng hàng không

Văn phòng Chính phủ vừa có phiếu chuyển số 1879/CP – VPCP gửi các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Y tế và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để xem xét xử lý về kiến nghị hỗ trợ doanh nghiệp ngành hàng không do Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) trình Thủ tướng.

Được biết, trong văn bản số 98/TTr – VBA gửi Thủ tướng Chính phủ vào cuối tháng 9/2021, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam cho biết đợt dịch lần thứ ba và thứ tư rơi vào mùa bay cao điểm tết và mùa du lịch hè 2021 đã khiến doanh thu các doanh nghiệp hàng không giảm trên 90% so với cùng kỳ.

Từ đầu tháng 5/2021 đến nay, gần 100% chuyến bay chở khách trong nước và quốc tế đã bị đóng băng.

Trong khi đó, năm 2020, doanh thu của các hãng hàng không Việt Nam giảm trên 60%, lỗ hơn 16.000 tỷ đồng. Năm 2021, doanh thu các hãng tiếp tục giảm và sẽ lỗ nhiều hơn năm 2020. Dù vậy, mỗi tháng các hãng vẫn phải chi trên 100 tỷ đồng để trả tiền thuê máy bay, tiền vay ngân hàng, trả cho đối tác cung cấp dịch vụ đầu vào, duy tu bảo dưỡng và trả lương nhân viên.

Đến nay, nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways đã lên tới trên 50.000 tỷ đồng, dòng tiền bị thiếu hụt nghiêm trọng.

Để "cứu" các hãng hàng không, Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng sớm có yêu cầu cụ thể đối với việc khôi phục các đường bay quốc tế và nội địa trên cơ sở đánh giá các nguy cơ bảo đảm công tác phòng chống dịch, xem xét chính sách cho hãng hàng không khác vay lãi suất 0% như đã thực hiện với Vietnam Airlines.

Cho phép tiến hành các thủ tục đối với gói vay 25.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất cho các hãng hàng không như đề xuất từ tháng 11/2020 của VABA nhằm giúp các hãng chi thường xuyên, mua sắm vật tư thiết bị, bảo trì và duy trì hoạt động trong thời gian chưa đạt miễn dịch cộng đồng cũng như miễn giảm hàng loạt các loại thuế phí.

Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam cũng kiến nghị Thủ tướng sớm có yêu cầu cụ thể đối với việc khôi phục lại các đường bay quốc tế và quốc nội trên cơ sở đánh giá các nguy cơ bảo đảm công tác phòng chống dịch, công nhận việc tiêm vaccine giữa các quốc gia có đường bay đến Việt Nam, giảm hoặc miễn thời gian cách ly đối với hành khách khách đã được tiêm vaccine, xét nghiệm, tạo điều kiện cho việc xét nghiệm tại các sân bay, thống nhất giá trị hiệu lực của kết quả xét nghiệm.

Đồng thời, cho phép các địa phương được xây dựng và chủ động áp dụng vùng, hành lang du lịch an toàn đối với khách du lịch quốc tế. (Vneconomy.vn 06/10, Anh Tú) Về đầu trang

Khởi động 10 đường bay nội địa

Theo Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT), các đường bay có thể thực hiện theo kế hoạch, gồm 10 đường bay giữa TPHCM - Thanh Hóa, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), Thừa Thiên-Huế, Nghệ An, và giữa Thanh Hóa - Khánh Hòa, Buôn Ma Thuột, Phú Quốc.

Cục Hàng không Việt Nam cho biết, tính đến ngày 6/10, cơ quan này đã tiếp nhận ý kiến trả lời bằng văn bản của 13 tỉnh, thành phố về kế hoạch mở lại đường bay nội địa.

Trong đó, 6 địa phương thống nhất toàn bộ với kế hoạch, gồm Điện Biên, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Thanh Hóa và Phú Quốc; 4 địa phương thống nhất từng phần kế hoạch, gồm TPHCM, Đắk Lắk, Nghệ An và Thừa Thiên-Huế; 3 địa phương đề nghị chưa thực hiện kế hoạch, gồm Hà Nội, Hải Phòng và Gia Lai.

Các đường bay có thể thực hiện theo kế hoạch đã được Cục Hàng không Việt Nam xin ý kiến, gồm 10 đường bay giữa TPHCM - Thanh Hóa, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Phú Quốc, Thừa Thiên-Huế, Nghệ An, và giữa Thanh Hóa - Khánh Hòa, Buôn Ma Thuột, Phú Quốc.

Cục Hàng không Việt Nam nhấn mạnh, các đường bay chỉ được mở sau khi có ý kiến đồng thuận của cả 2 địa phương có cảng hàng không, sân bay liên quan đến đường bay. Các đường bay sẽ tiếp tục được bổ sung khi có thêm ý kiến đồng ý của các địa phương khác.

Tần suất khai thác ban đầu không vượt quá số lượng chuyến bay đã xin ý kiến và nhận được sự đồng ý của các địa phương, được Cục Hàng không Việt Nam phân bổ cho các hãng hàng không Việt Nam đã đăng ký. Hành khách là đối tượng không phải cách ly tập trung tại nơi đến theo quy định của Bộ Y tế.

Giai đoạn ban đầu dự kiến từ ngày 10/10/2021. Các giai đoạn tiếp theo triển khai theo Quyết định số 1740 của Bộ GTVT.

Về yêu cầu đối với hành khách đi máy bay, ngoài việc phải tuân thủ 5K, khai báo y tế tại điểm xuất phát và điểm đến theo quy định, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị hành khách phải có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19. Trong đó, liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm xuất phát, hoặc có giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19 không quá 6 tháng tính đến thời điểm xuất phát.

Hành khách xuất phát từ vùng được đánh giá là “Nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ (cấp 4)” phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR, hoặc xét nghiệm kháng nguyên nhanh trong vòng 72 giờ.

Trong giai đoạn đầu khôi phục các đường bay nội địa, hành khách sẽ phải ngồi giãn cách trên máy bay. Từ giai đoạn 2 trở đi sẽ không áp dụng giãn cách ghế trên máy bay. (Baochinhphu.vn 06/10) Về đầu trang

Nếu Hà Nội "lắc đầu", các chuyến bay sẽ chuyển hướng hạ cánh ở đâu?

Hiện nay các địa phương vẫn chưa thống nhất khôi phục bay nội địa, trong đó có Hà Nội. Phương án mới là nếu Hà Nội không đồng ý tiếp nhận, Cục Hàng không sẽ chọn sân bay ở Thanh Hóa làm "cứ điểm".

Theo kế hoạch ban đầu, việc phục hồi các chuyến bay nội địa giai đoạn 1 dự kiến được áp dụng từ ngày 5/10. Cục Hàng không Việt Nam đề xuất mở lại các đường bay đi và đến các địa phương gồm: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Nghệ An, Điện Biên, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Nam, Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng, Phú Yên, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Kiên Giang, Cà Mau.

Cục Hàng không Việt Nam dự kiến tổng số các đường bay nội địa khôi phục lại là 385 chuyến bay khứ hồi/ngày.

Tuy nhiên, sau 4 ngày Cục Hàng không Việt Nam gửi văn bản xin ý kiến 20 tỉnh, thành phố về dự thảo kế hoạch khai thác thì chỉ có 8 địa phương đồng ý và 3 địa phương "lắc đầu".

Đến sáng nay (6/10), UBND TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đã thông tin tới Cục Hàng không đồng ý với kế hoạch khai thác các chuyến bay nội địa. TP Phú Quốc đã có văn bản gửi Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Kiên Giang thống nhất với kế hoạch của Cục Hàng không Việt Nam, đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh để thống nhất việc tiếp nhận các chuyến bay nội địa trong bối cảnh đã nới lỏng giãn cách xã hội.

Theo đó, các địa phương đồng ý gồm: Điện Biên, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định, Thanh Hóa, Đắk Lắk, TP Phú Quốc - tỉnh Kiên Giang. Nghệ An và TPHCM đồng ý hoàn toàn hoặc một phần (có đề xuất giảm tần suất) với kế hoạch của Cục Hàng không. Có 3 địa phương chưa đồng ý mở lại đường bay nội địa là Hải Phòng, Hà Nội và Gia Lai.

Trên thực tế, Hà Nội và TPHCM là hai điểm kết nối rất quan trọng trong mạng đường bay nói chung với 2 sân bay lớn nhất cả nước, để hoạt động vận tải hành khách được thông suốt thì cần sự đồng thuận của cả 2 thành phố này. Tuy nhiên với tình hình hiện nay, có thể nói kế hoạch khai thác hàng không nội địa giai đoạn một đã "phá sản" khi không thể thực hiện được theo dự kiến là 5/10. 

Trưa 6/10, trao đổi với PV Dân trí về tình hình các đường bay nội địa không thể thực hiện dự kiến khai thác từ 5/10 như kế hoạch, ông Võ Huy Cường - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - cho biết Bộ GTVT đã họp và sẽ thống nhất lại với các địa phương về tần suất khai thác, điều kiện hành khách để thực hiện. Tùy thuộc vào sự phản hồi của các địa phương, Cục Hàng không dự kiến có thể là 8/10 hoặc 10/10 sẽ khai thác các chuyến bay.

"Quan điểm của Cục Hàng không là địa phương nào đồng ý là khôi phục lại đường bay. Cục Hàng không đang khớp lại các điểm đến để xây dựng phương án khai thác. Dù thế nào cũng phải khôi phục lại các chuyến bay và thực hiện khai thác hàng không với tần suất và điểm đến hợp lý, đây là mong mỏi rất lớn của hành khách, của ngành hàng không" - ông Cường nói.

Đối với TP Hà Nội - địa phương đầu tiên nêu quan điểm không tiếp nhận các chuyến bay chở khách thường lệ để đảm bảo thành quả chống dịch và bảo vệ Thủ đô, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết: Nếu Hà Nội không đồng ý, các chuyến bay nội địa vẫn sẽ triển khai, chỉ tiếc là sẽ không đạt được như kỳ vọng. Bởi, sân bay Nội Bài là cơ sở hậu cần, kỹ thuật lớn của tất cả các hãng hàng không Việt Nam, nếu các máy bay chỉ về Nội Bài để sửa chữa, bảo dưỡng thì sẽ không hiệu quả.

Nói về phương án khai thác, ông Cường thông tin: "Chúng tôi đã xây dựng phương án phù hợp nếu ít ngày tới Hà Nội vẫn không đồng ý với kế hoạch vận chuyển hành khách. Các đường bay có điểm đến/đi từ Hà Nội sẽ chuyển hướng khai thác tới sân bay Thọ Xuân - Thanh Hóa. Khi đó, người hành khách ở các tỉnh có nhu cầu đi máy bay sẽ phải đi theo đường bộ, làm thủ tục qua các chốt kiểm soát liên tịch để đến/đi từ sân bay Thọ Xuân".

Được biết, chiều nay, dự kiến Phó Thủ tướng Lê Văn Thành sẽ chủ trì buổi họp về việc với UBND TP Hà Nội, Bộ GTVT, Bộ Y tế và Cục Hàng không Việt Nam. Nội dung cuộc họp tập trung vào kiến nghị của UBND TP Hà Nội liên quan đến việc mở cửa vận chuyển hành khách tại sân bay quốc tế Nội Bài.

Riêng với TPHCM, ông Cường cho biết thành phố này vừa trải qua đợt dịch kéo dài nhiều tháng và gây thiệt nặng nề nhưng đã rất tích cực khi thống nhất khai thác 18 đường bay với tần suất 132 chuyến khứ hồi/ngày.

"TPHCM cơ bản thống nhất với dự thảo kế hoạch khai thác các đường bay nội địa thường lệ, chỉ lưu ý đối với đường bay TPHCM - Hà Nội, đề nghị tổ chức một số chuyến bay khứ hồi trong tuần, để giải quyết một phần nhu cầu đi lại cấp thiết giữa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Rõ ràng TPHCM đang thể hiện mong muốn rất lớn trong việc mở cửa, khôi phục kinh tế thành phố" - ông Cường nhấn mạnh và nói Cục Hàng không đang khớp lại các đường bay kết nối với TPHCM để có thể khai thác sớm nhất. (Dantri.com.vn 06/10, Châu Như Quỳnh) Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Cải cách để chấm dứt thủ tục hải quan giấy vào năm 2025

Bộ Tài chính bắt đầu xây dựng Chiến lược Phát triển hải quan giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu đến năm 2025, tất cả thủ tục... được thực hiện thông qua cơ chế Một cửa quốc gia.

Chiến lược Phát triển hải quan giai đoạn 2011-2020 đã kết thúc, theo đánh giá của ông Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thông tin về chính sách và thủ tục xuất nhập khẩu dễ tiếp cận hơn; doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hải quan thuận lợi hơn.

Đánh giá cao nỗ lực cải cách thủ tục hải quan trong 10 năm qua, nhưng theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Ban Pháp chế (VCCI), tốc độ cải cách hải quan trong một số khâu gần đây có dấu hiệu chững lại, như thủ tục kiểm tra hồ sơ hàng hóa xuất nhập khẩu, thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng, tỷ lệ hàng hóa kiểm tra chuyên ngành, xác định trị giá hải quan…

So với năm 2011, năm 2020 số lượng tờ khai hàng hóa xuất nhập khẩu tăng 229%, kim ngạch xuất khẩu tăng 268%, thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng 160%. Trong 10 năm tới, hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục gia tăng mạnh mẽ, trong khi số lượng biên chế của ngành hải quan nói riêng, cả hệ thống quản lý nhà nước không tăng thêm, mà mỗi năm phải giảm bình quân 1,5%, nên bắt buộc phải tiếp tục cải cách thủ tục hải quan mạnh mẽ hơn nữa.

“Hầu hết 218 thủ tục quản lý nhà nước về xuất nhập khẩu đã kết nối với cổng thông tin điện tử Một cửa quốc gi, nhưng rất nhiều thủ tục kết nối chỉ để kết nối, nên vẫn gây phiền hà cho doanh nghiệp. Trong nhiều lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành, cơ quan quản lý nhà nước còn yêu cầu doanh nghiệp phải nộp cả bản hồ sơ gốc để đối chiếu”, bà Thảo cho biết. (Tinnhanhchungkhoan.vn 06/10, Hàn Tín) Về đầu trang

Tiết kiệm 570 tỷ đồng từ cắt giảm, đơn giản hóa TTHC lĩnh vực y tế

Bộ Y tế ước tính tiết kiệm khoảng 570 tỷ đồng từ cắt giảm, đơn giản hoá 153 thủ tục hành chính (TTHC) và 14 quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực y tế.

Sau khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký Quyết định 1661/QĐ-TTg phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Y tế, tính tới thời điểm này, Bộ Y tế là bộ đầu tiên hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ giao tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021.

Theo đó, Bộ đã cắt giảm, đơn giản hóa 81 TTHC trong kinh doanh dịch vụ khám chữa bệnh, 41 TTHC trong kinh doanh dược, 4 TTHC trong kinh doanh, sản xuất mỹ phẩm, 6 TTHC trong kinh doanh hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng y tế, 12 TTHC trong kinh doanh trang thiết bị y tế, 5 TTHC trong kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế...

Từ tháng 5/2020, Bộ Y tế đã tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý; xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trình Thủ tướng Chính phủ. Tổng số văn bản có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh được Bộ kiến nghị sửa đổi, bổ sung là 32 văn bản, trong đó đề nghị sửa đổi, bổ sung 3 luật, 17 nghị định, 3 thông tư liên tịch, 8 thông tư và đề xuất xây dựng mới 1 nghị định.

Trên cơ sở phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Y tế đã được Thủ tưởng Chính phủ phê duyệt, trong thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện theo đúng nội dung và thời hạn quy định tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. (VTV.vn 06/10) Về đầu trang

TP Thái Nguyên: Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số

9 tháng năm 2021, TP Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) tiếp tục duy trì tốt việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, đạt nhiều kết quả tích cực trong số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ trong phòng chống dịch cũng như tổ chức các phiên họp trực tuyến hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

Theo UBND TP Thái Nguyên, 9 tháng năm 2021, TP duy trì thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và phần mềm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa cho 32 xã, phường đảm bảo kết nối 04 cấp. Chỉ đạo thực hiện tốt quy trình giải quyết công việc tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính của UBND TP và các phường, xã theo Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ.

Trong 9 tháng qua, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính của UBND TP Thái Nguyên cũng đã tiếp nhận 8.005 hồ sơ, hiện đã giải quyết xong 7.798 hồ sơ, đang giải quyết 207 hồ sơ (trong đó có 2.259 hồ sơ mức độ 3, 21 hồ sơ mức độ 4, 468 hồ sơ bưu chính công ích).

Trong 9 tháng cũng phát sinh 03 phản ảnh kiến nghị về thời hạn giải quyết thủ tục hành chính và thái độ làm việc của cán bộ, công chức phường, xã (Hương Sơn, Quyết Thắng, Tân Thịnh). UBND TP Thái Nguyên đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị, UBND các phường xã khẩn trương thực hiện nghiêm việc trả lời phản ánh kiến nghị của công dân và chế độ báo cáo theo đúng quy định của Chính phủ, của UBND tỉnh Thái Nguyên.

Cùng với đó, rà soát, kiểm tra và đảm bảo kết nối thông suốt và hiệu quả tại các bệnh viện và các khu cách ly tập trung; các chốt kiểm dịch tại nút giao Tân Lập, Thịnh Đán, Tân Long với Trung tâm điều hành thông minh (IOC) của tỉnh; ứng dụng khai báo y tế bằng mã QR và việc tương tác giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền tỉnh Thái Nguyên qua ứng dụng công dân số C-ThaiNguyen.

Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn TP Thái Nguyên có 04 bệnh viện, 04 khu cách ly tập trung với 109 camera giám sát được kết nối với Trung tâm điều hành thông minh (IOC) của tỉnh. Thực hiện khảo sát hệ thống camera giám sát tại 04 khu nhà trọ trên địa bản các phường, xã: Tân Thịnh, Thịnh Đản, Quyết Thắng, đã kết nối 66 camera kết nối với Trung tâm điều hành thông minh (IOC) của tỉnh đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Chỉ đạo rà soát, xác minh, hiệu chính dữ liệu bản đồ số trên địa bản thành phố.

Từ tháng 6/2021, TP Thái Nguyên triển khai "phòng họp không giấy tờ" tại các hội nghị của Ban Thường vụ Thành ủy, kỳ họp HĐND TP, phiên họp thường kỳ UBND TP; tổ chức các phiên họp trực tuyến với các phường, xã, các cuộc tiếp xúc cử tri trực tuyến.

Theo UBND TP Thái Nguyên, trong 9 tháng qua, TP cũng quyết liệt chỉ đạo tập trung giải quyết kiến nghị của cử tri TP Thái Nguyên và các vụ việc phức tạp, kéo dài theo chỉ đạo của UBND tỉnh và đoàn công tác của Ban dân nguyện Quốc hội. Phối hợp với các cơ quan, ban ngành của tỉnh phục vụ 10 buổi tiếp công dân của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên.

Thời gian qua, TP cũng tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện Kế hoạch số 34-KH/TU ngày 05/8/2021 của Ban Thường vụ Thành uỷ về triển khai thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU ngày 28/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bản tỉnh, giai đoạn 2021-2025.

Cùng với đó, công tác tiếp công dân được duy trì thường xuyên các ngày trong tuần; tiếp nhận và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của TP tham mưu cho UBND TP giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, đề nghị, phản ảnh thuộc thẩm quyền đảm bảo dùng quy định của pháp luật. (Baophapluat.vn 06/10, Gia Khánh) Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Thu ngân sách nội địa sụt giảm mạnh trong tháng 9

Tổng thu ngân sách tháng 9 do cơ quan Thuế quản lý ước đạt 52.000 tỷ đồng, chỉ bằng 55,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thuế, thu từ dầu thô ước đạt 3.400 tỷ đồng (bằng 14,7% so với dự toán); thu nội địa ước đạt 48.600 tỷ đồng, bằng 4,4% so với dự toán, bằng 53,4% so với cùng kỳ năm trước.

Số thu không kể tiền sử dụng đất, cổ tức và lợi nhuận còn lại và thu từ xổ số kiến thiết và chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà nước (thu từ thuế, phí nội địa) ước đạt 40.750 tỷ đồng, bằng 4,6% so với dự toán, bằng 55,4% so với cùng kỳ.

Ước thu ngân sách do cơ quan Thuế quản lý trong quý III-2021 đạt khoảng 239.409 tỷ đồng, bằng 21,4% dự toán, bằng 88,8% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân chủ yếu khiến tác động đến số thu ngân sách của tháng 9 vẫn là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhất là tại một số địa bàn trọng điểm kinh tế và khu công nghiệp lớn.

Ngoài nguyên nhân dịch bệnh khiến các doanh nghiệp phải dừng hoạt động, ảnh hưởng đến tình hình thu ngân sách của ngành Thuế, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế cũng làm giảm đáng kể số tiền thuế nộp vào ngân sách nhà nước. (Hanoimoi.com.vn 06/10, Hương Thủy) Về đầu trang

9 tháng, TP HCM thu ngân sách hơn 279.000 tỷ đồng

Thu ngân sách 9 tháng đầu năm của TP HCM ước đạt hơn 279.000 tỷ đồng, bằng 76,5% dự toán, theo báo cáo của Cục Thống kê.

Trong báo cáo tình hình kinh tế xã hội TP HCM do Cục thống kê đưa ra mới đây, cơ quan này đánh giá 3 tháng qua tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, tác động mạnh đến mọi mặt đời sống người dân và doanh nghiệp.

Theo đó, 9 tháng đầu năm tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 363.300 tỷ đồng, giảm 17,4% so cùng kỳ, trong đó ngành lưu trú, ăn uống giảm 30,5%, lữ hành giảm 56,2%. Tổng vốn đầu tư xã hội đạt hơn 220.300 tỷ đồng, giảm hơn 29% so cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng đầu năm của thành phố tăng 2,57% so cùng kỳ.

Trước đó, tại buổi tiếp xúc cử tri doanh nghiệp của đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM hôm 2/10, Phó chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan cho biết doanh nghiệp và nền kinh tế thành phố gặp nhiều khó khăn, thách thức. Thu ngân sách thành phố năm 2021 có khả năng năng không hoàn thành nhiệm vụ.

Lãnh đạo thành phố dẫn chứng bình quân 6 tháng đầu năm, mỗi ngày TP HCM thu khoảng 1.800 tỷ (hơn 198.500 tỷ đồng) nhưng tháng 7-8 năm nay, mức thu mỗi ngày chỉ đạt 700 tỷ đồng và đến tháng 9 giảm còn hơn 600 tỷ đồng, giảm hơn 50% so với bình thường.

Năm nay, Trung ương giao chỉ tiêu TP HCM thu ngân sách 365.000 tỷ đồng, tức bình quân một ngày thu 1.500 tỷ đồng. Năm 2019, thành phố thu gần 410.000 tỷ đồng; năm 2020 ảnh hưởng dịch chỉ thu được 371.000 tỷ đồng. Những năm gần đây, thu ngân sách thành phố chiếm 25-27% tổng thu cả nước. (Vnexpress.net 06/10, Hữu Công) Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Thi hành kỷ luật hàng loạt đảng viên liên quan 4 vụ án lớn xảy ra tại TPHCM

Ngày 6-10, Ủy Ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM thông tin về kết quả xem xét thi hành kỷ luật đối với đảng viên vi phạm pháp luật trong các vụ án xảy ra tại TPHCM thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi chỉ đạo năm 2021.

Theo Ủy Ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM, thực hiện yêu cầu của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM tham mưu thi hành kỷ luật đối với các cá nhân có liên quan 4 vụ án xảy ra trên địa bàn thành phố thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo năm 2021.

Căn cứ các quy định, hướng dẫn về thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM đã thực hiện quy trình, thủ tục xem xét, quyết định thi hành kỷ luật và báo cáo đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM xem xét, quyết định thi hành kỷ luật theo thẩm quyền đối với các đảng viên vi phạm, cụ thể như sau:

Trong vụ án “Tham ô tài sản”, “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV: Các đảng viên có vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng, góp phần gây thiệt hại, thất thoát rất lớn tài sản Nhà nước, đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố bị can và đề nghị truy tố theo quy định pháp luật, ảnh hưởng xấu đến uy tín tổ chức đảng.

Xét nội dung, tính chất, mức độ và hậu quả vi phạm, căn cứ các quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với các đảng viên: Vân Trọng Dũng, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên; Hồ Văn Ngon, nguyên Thành viên Hội đồng thành viên không chuyên trách, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV; Nguyễn Thị Tuyết Mai, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Tổng Công ty, nguyên Giám đốc Nhân sự - Hành chính Tổng Công ty; Nguyễn Thị Thúy, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Tổng Công ty, nguyên Giám đốc Tài chính - Kế toán, Kế toán trưởng Tổng Công ty; Phan Trường Sơn, nguyên Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc, nguyên Trưởng phòng Phòng phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TPHCM.

Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với các đảng viên: Nguyễn Thị Thanh An, nguyên Kiểm soát viên Tổng Công ty; Lê Thị Diệp Cẩm, nguyên Phó trưởng Phòng Nhân sự - Hành chính Tổng Công ty; Đỗ Sĩ Hoài Thanh, nguyên Kế toán trưởng, Công ty Cổ phần Du lịch Thanh niên xung phong thành phố; Dư Huy Quang, Đảng ủy viên, nguyên Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố, nguyên Trưởng phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM.

Trong vụ án“Tham ô tài sản” và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) và Công ty Cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO): Vi phạm của các đảng viên gây hậu quả rất nghiêm trọng, góp phần gây thiệt hại, thất thoát rất lớn tài sản Nhà nước, đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM khởi tố bị can và đề nghị truy tố theo quy định pháp luật, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng.

Xét nội dung, tính chất, mức độ và hậu quả vi phạm, căn cứ các quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với các đảng viên: Lê Hoàng Minh, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty IPC; Vũ Xuân Đức, nguyên ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp thành phố, nguyên ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, nguyên Thành viên Hội đồng thành viên Công ty IPC.

Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với 9 đảng viên, trong đó có: Hồ Thị Thanh Phúc, nguyên Bí thư chi bộ, Tổng Giám đốc Công ty SADECO; Phùng Đức Trí, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty IPC; Phạm Xuân Trung, nguyên Đảng ủy viên, nguyên Thành viên Hội đồng thành viên Công ty IPC, người đại diện vốn tại công ty SADECO; Nguyễn Trường Bảo Khánh, nguyên Đảng ủy viên, nguyên Thành viên Hội đồng thành viên Công ty IPC; Trần Đăng Linh, nguyên Đảng ủy viên, người đại diện vốn của Công ty IPC tại Công ty SADECO, thành viên Hội đồng quản trị Công ty SADECO; Đoàn Thị Minh Trang, nguyên Trưởng Phòng Tài chính Kế hoạch Công ty IPC; Trần Mạnh Khôi, người đại diện vốn chuyên trách Công ty IPC tại công ty SADECO, nguyên Phó ban, Trưởng ban Kiểm soát Công ty SADECO; Lâm Văn Tuấn, nguyên thành viên Ban Kiểm soát Công ty SADECO, Giám đốc Trung tâm Cung ứng dịch vụ tổng hợp thành phố thuộc Công ty TNHHMTV Dịch vụ Công ích Lực lượng Thanh niên xung phong; Đoàn Minh Lý, nguyên Phó Phòng Kế toán Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận, được cử là người đại diện vốn tại Công ty SADECO.

Trong vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (Công ty Tân Thuận): Các đảng viên có vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng, góp phần gây thiệt hại, thất thoát rất lớn tài sản của Đảng bộ thành phố, đã bị Cơ quan An ninh điều tra Công an TPHCM khởi tố bị can và đề nghị truy tố theo quy định pháp luật, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng.

Xét nội dung, tính chất, mức độ và hậu quả vi phạm, căn cứ các quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với các đảng viên: Phạm Văn Thông, nguyên Phó Chánh Văn phòng Thành ủy; Phan Thanh Tân, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Dân – Chính – Đảng thành phố, Phó Bí thư Đảng ủy cơ quan Văn phòng Thành ủy, nguyên Phó Chánh Văn phòng Thành ủy.

Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với các đảng viên: Huỳnh Phước Long, nguyên Trưởng Phòng Quản lý đầu tư kinh doanh vốn của Văn phòng Thành ủy; Nguyễn Văn Minh, nguyên Bí thư chi bộ, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Tân Thuận; Trần Tấn Hải, Chi ủy viên, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Tân Thuận; Nguyễn Thị Ngọc Bích, nguyên Kế toán trưởng Công ty Tân Thuận; Nguyễn Hoàng Việt, nguyên Kiểm soát viên Công ty Tân Thuận; Nguyễn Xuân Tùng, nguyên Trưởng Phòng Kinh tế - Tổng hợp Công ty Tân Thuận.

Trong vụ án “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” liên quan đến dự án tại khu đất 8-12 Lê Duẩn, phường Bến Nghé (quận 1): Nguyên Giám đốc Công ty Quản lý kinh doanh nhà thành phố Nguyễn Thị Thu Thủy đã ký các văn bản tham mưu, đề xuất lãnh đạo UBND TPHCM chấp thuận hợp tác đầu tư, quyết định giao đất, thanh lý, phá dỡ công trình xây dựng trên đất nhưng không thực hiện thẩm định giá, vi phạm quy định pháp luật về quản lý tài chính, tài sản Nhà nước, quản lý đất đai, các quy định về phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Vi phạm của bà Nguyễn Thị Thu Thủy gây hậu quả rất nghiêm trọng, góp phần gây thiệt hại, thất thoát rất lớn tài sản Nhà nước, đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, ra quyết định truy nã, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng.

Xét nội dung, tính chất, mức độ và hậu quả vi phạm, căn cứ các quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với bà Nguyễn Thị Thu Thủy, nguyên Giám đốc Công ty Quản lý kinh doanh nhà thành phố. (Sggp.org.vn 06/10, Văn Minh) Về đầu trang

Cảnh cáo giám đốc ở Kon Tum quan hệ bất chính với nữ nhân viên cấp dưới

Ông Phạm Ngọc Vinh bị kỷ luật cảnh cáo do bị tố có quan hệ bất chính với nữ nhân viên cùng đơn vị.

Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Huyện ủy Kon Plông, Kon Tum vừa kỷ luật cảnh cáo ông Phan Ngọc Vinh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kon Plông.

Nguyên nhân, do ông Vinh vi phạm về phẩm chất, đạo đức, lối sống và các quy định của Đảng về những điều đảng viên không được làm; về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt.

Trước đó, ông T.T.N. (trú huyện Kon Rẫy) tố cáo ông Vinh có quan hệ bất chính với vợ mình là bà N.T.V. (nhân viên hợp đồng của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kon Plông).

Tiếp nhận đơn, UBND huyện Kon Plông đã thành lập đoàn xác minh. Qua làm việc, bà N.T.V. thừa nhận có quan hệ bất chính với ông Vinh và dẫn đến có thai...

Tuy nhiên, ông Vinh chỉ thừa nhận, giữa ông với bà V. quan hệ đồng nghiệp, không quan hệ bất chính.

Cơ quan chức năng xác định nội dung đơn tố cáo ông Vinh quan hệ bất chính với  bà V. dẫn đến có thai là chưa đủ cơ sở.

Do đó, UBKT chỉ xác định ông Vinh có đạo đức lối sống không chuẩn mực dẫn đến đơn thư, khiếu nại, tố cáo kéo dài. Sau lùm xùm đến vụ việc trên,  bà V. đã nghỉ việc tại Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kon Plông. (Vietnamnet.vn 06/10) Về đầu trang

Đắk Lắk: 9 tháng đầu năm 2021 thi hành kỷ luật 3 tổ chức đảng và 271 đảng viên

Từ đầu năm 2021 đến nay, cấp uỷ và UBKT các cấp tỉnh Đắk Lắk đã thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với 3 tổ chức đảng và 271 đảng viên, trong đó khai trừ đảng 23 trường hợp.

Theo Uỷ ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh uỷ Đắk Lắk, trong 9 tháng đầu năm 2021, cấp uỷ và UBKT các cấp đã kiểm tra 567 tổ chức đảng và 18.551 đảng viên (có 2.155 cấp ủy viên); giám sát 306 tổ chức đảng và 2.251 đảng viên (có 581 cấp ủy viên). Kết luận: có 117 đảng viên chưa thực hiện tốt nội dung được kiểm tra, có thiếu sót, khuyết điểm, đã yêu cầu nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm.

Đối với công tác giải quyết tố cáo, UBKT các cấp đã giải quyết tố cáo tại 4 tổ chức đảng và 59 đảng viên (có 45 cấp ủy viên); kết luận đúng có vi phạm 3 tổ chức đảng và 21 đảng viên, phải thi hành kỷ luật 1 tổ chức đảng và 11 đảng viên. Ngoài ra, UBKT các cấp cũng đã kiểm tra 8 tổ chức đảng về việc thu, chi ngân sách và 269 tổ chức đảng trong việc thu nộp, quản lý và sử dụng đảng phí; phát hiện có 3 tổ chức đảng vi phạm về thu nộp, quản lý và sử dụng đảng phí.

Qua quá trình kiểm tra, tính từ đầu năm 2021 đến nay, cấp ủy và UBKT các cấp đã thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với 3 tổ chức đảng và 271 đảng viên. Trong đó, khiển trách 195, cảnh cáo 44, cách chức 9, khai trừ ra khỏi Đảng 23 trường hợp. (Viettimes.vn 06/10, Hồ Xuân Mai) Về đầu trang

THẾ GIỚI

Nhật Bản thu hẹp khoảng cách giàu nghèo với 2 thứ thuế cao

Tại Nhật Bản, hai thứ thuế rất cao được áp dụng đã thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trong xã hội một cách nhanh chóng.

Theo NetEase, Nhật Bản từng được ca ngợi là kỳ tích kinh tế châu Á khi phục hồi và tăng trưởng nhanh chóng, đứng vào hàng ngũ các nước phát triển chỉ sau chiến tranh khoảng 40 năm.

Nhờ có hệ thống thuế toàn diện và hiệu quả, đất nước này đã san sẻ "êm thấm" một phần thu nhập từ nhóm giàu có sang nhóm người nghèo. Trong đó, hai thứ thuế rất cao của Nhật đóng nhiệm vụ chính để giảm khoảng cách giàu nghèo chính là THUẾ THỪA KỀ và THUẾ QUÀ TẶNG. Trong đó, thuế thừa kế ở Nhật có mức cao nhất lên tới 55%.

Người nước ngoài sống ở Nhật trên 10 năm đều phải chịu thuế thừa kế của đất nước này cho cả phần tài sản thừa kế bên ngoài Nhật Bản.

Bên cạnh đó, tại Nhật Bản, thuế quà tặng cũng được đặt ra để ngăn người giàu tẩu tán tài sản và trốn thuế thừa kế. Khi trao tặng của cải cho bạn bè, người thân và con cái, họ vẫn phải nộp thuế quà tặng 10% nếu giá trị quà tặng vượt quá 2 triệu yên/năm (hơn 18,000 USD).

Trong trường hợp giá trị quà tặng vượt quá 30 triệu yên/năm (270,000 USD), họ phải nộp thuế lên tới 50%.

Việc áp dụng hai loại thuế này đã khiến những gia đình giàu có tại Nhật trở thành gia đình bình thường chỉ sau khoảng ba thế hệ. (Taichinhdoanhnghiep.net.vn 06/10, Thành Nam) Về đầu trang

Pháp bắt buộc DN phải bổ nhiệm nhân viên chuyên trách phòng dịch

Chính phủ Pháp quy định, các nhà máy sản xuất chế tạo hoặc sử dụng nhiều nhân công bắt buộc phải bổ nhiệm một nhân viên chuyên trách phòng dịch.

Chính phủ Pháp vừa ban hành quy định phòng dịch mới đối với các doanh nghiệp, trong đó yêu cầu doanh nghiệp chỉ được phân công những người đã tiêm chủng đầy đủ làm việc ở những vị trí tiếp xúc với khách hàng.

Với những nhân viên chưa tiêm chủng đầy đủ, nhưng không thể bố trí được việc làm khác, hoặc không thể cho làm việc từ nhà, chủ doanh nghiệp có quyền cho nghỉ phép, hoặc buộc phải nghỉ không lương.

Quy định này tác động trực tiếp và sâu rộng tới ngành dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, doanh nghiệp bán lẻ hay vận tải hành khách… nhưng không ảnh hưởng quá nhiều tới các ngành sản xuất chế tạo.

Công nhân trong các nhà máy vẫn có thể đi làm bình thường kể cả khi chưa tiêm chủng đầy đủ. Tất nhiên, các nhà máy vẫn phải tuân thủ các biện pháp phòng dịch thông thường, khẩu trang, phân cách, tẩy trùng.

Đặc biệt, với các doanh nghiệp sử dụng nhiều nhân công, Chính phủ Pháp bắt buộc doanh nghiệp phải phân công một nhân viên chuyên trách kiểm tra quy trình phòng dịch.

Nhân viên này cũng có trách nhiệm phát hiện và hướng dẫn công nhân có triệu chứng nhiễm virus thực hiện các biện pháp cách ly và xét nghiệm, cũng như quyết định những khu vực cần phong toả trong nhà máy tuỳ theo mức độ nghiêm trọng. (VTV.vn 05/10, Lê Hồng Quang) Về đầu trang./.

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Các tin khác