Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 28-9-2021

15:41, Thứ Tư, 29-9-2021

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Tải file tại đây

THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN DỊCH COVID-19. 1

  1. Chuyển đổi mô hình chống dịch, nếu "khóa cứng" địa phương sẽ làm đổ vỡ kinh tế. 1
  2. "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" như thế nào?. 3
  3. Nhanh chóng bỏ tư duy “zero F0”. 3
  4. Tỷ lệ dương tính chung toàn TP Hồ Chí Minh còn 0,2%.. 5
  5. Vì sao TPHCM đề nghị Thủ tướng xem xét áp dụng quy định riêng để "mở cửa" sau 30/9?  5

KINH NGHIỆM PHÒNG CHỐNG COVID-19. 6

  1. Ứng dụng công nghệ góp phần giúp Hà Nội khống chế dịch bệnh. 6

CHÍNH SÁCH MỚI 7

  1. Chính sách kinh tế mới có hiệu lực từ tháng 10/2021. 7

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 9

  1. Thủ tướng: Có thể hợp tác công tư trong tất cả các công việc. 9
  2. Chủ tịch Quốc hội: Doanh nghiệp lỗ rồi lấy gì hưởng hoãn, giảm thuế. 10
  3. Kinh tế trưởng WB chỉ ra lý do Việt Nam mất điểm sao. 11
  4. Rục rịch trở lại sau giãn cách, lo cơ chế "đánh đố" doanh nghiệp. 13

PHÂN TÍCH - BÌNH LUẬN.. 14

  1. Đường dây nóng của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng. 14

QUẢN LÝ.. 15

  1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất tăng thời gian làm thêm.. 15
  2. Hơn 100.000 lao động được dừng đóng Bảo hiểm xã hội do ảnh hưởng COVID-19. 16
  3. Cho phép sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên để lập quy hoạch. 17
  4. Tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí trong 9 tháng năm 2021. 18

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 19

  1. Xem xét cân đối thu chi ngân sách phù hợp với tình hình dịch bệnh. 19

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 19

  1. Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương đề nghị kỷ luật 15 tổ chức, cá nhân. 19
  2. Phú Yên: 17 quan chức, cán bộ vụ lộ đề thi công chức lãnh án. 20

THẾ GIỚI 22

  1. COVID-19 làm giảm tuổi thọ trung bình tại nhiều nước. 22
  2. Trung Quốc tiếp tục cải cách kế hoạch hóa gia đình. 22

 

THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN DỊCH COVID-19

Chuyển đổi mô hình chống dịch, nếu "khóa cứng" địa phương sẽ làm đổ vỡ kinh tế

Các chuyên gia cho rằng, việc quan trọng nhất hiện nay là chuyển đổi mô hình chống dịch. Việc "khóa cứng” địa phương sẽ dẫn đến đổ vỡ hoạt động kinh tế.

 

Phát biểu tại Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế xã hội của Quốc hội sáng 27.9, TS Nguyễn Sỹ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, điều quan trọng hiện nay của nước ta là mô hình chống dịch. Mô hình chống dịch năm 2020 kéo dài, đây là nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng tới kinh tế - xã hội. Vừa qua, Thủ tướng đã nói chuyển từ không có COVID-19 sang thích ứng an toàn, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Theo ông Dũng, chúng ta đã áp đặt mô hình zero COVID kéo dài, phong toả cứng đất nước. Thực chất việc phong tỏa cứng thì dài nhất chỉ nên 7 ngày, cùng lắm 10 ngày. "Việc quan trọng nhất hiện nay là chuyển đổi mô hình chống dịch" - ông Dũng nêu ý kiến.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, mới đây, Thủ tướng Chính phủ mới nói về chuyển đổi mô hình chống dịch, tức là thích ứng an toàn với COVID-19. Dù Thủ tướng đã có quan điểm như vậy nhưng ở các địa phương vẫn thực hiện khác nhau, mỗi nơi mỗi kiểu.

“Để bùng phát dịch bệnh, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, đó như một vòng kim-cô đối với lãnh đạo các địa phương. Do đó, khi có dịch, lãnh đạo tỉnh sẽ “khóa cứng” địa phương, dẫn đến đổ vỡ hoạt động kinh tế” - ông Dũng khẳng định.

Bên cạnh đó, ông Dũng cho rằng, một loạt chính sách thời gian qua đã tạo ra khoản "tô" khổng lồ (mang lại một khoản lợi ích). Ví dụ như TPHCM khoá cứng không cho chợ truyền thống, chợ dân sinh, chợ đầu mối mở; chỉ cho siêu thị hoạt động. Do đó, siêu thị nhận được khoản thu rất lớn. Những khoản "tô" đó có nhiều ở tỉnh, tất cả đánh vào người dân khó khăn.

“Nếu chuyển đổi mô hình chống dịch thì phải cho mở cửa chợ truyền thống, đầu mối sẽ giảm bớt gánh nặng cho hàng triệu người. Phải có sự thống nhất chứ không thể cách làm hiện nay, mỗi tỉnh mỗi kiểu thì đứt gãy hết chuỗi cung ứng” - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói.

Về vấn đề việc làm, ông Nguyễn Sỹ Dũng nêu rõ, nghịch lý lao động hiện nay là nơi thiếu cứ thiếu, nơi thừa cứ thừa. Ở các khu công nghiệp TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, người lao động phải chạy về, chưa biết bao giờ trở lại. Trong khi, chuỗi cung ứng toàn cầu không thể đứt gãy. Trong khi cầu của thế giới đang quay lại, nếu không có chính sách để lôi kéo lao động trở lại sẽ khiến sản xuất chúng ta gặp nhiều khó khăn.

“Tôi cho rằng, phân cấp, phân quyền là quan trọng, nhưng ở thời điểm này, phải cần mệnh lệnh từ Trung ương. Còn mỗi tỉnh mỗi kiểu, tỉnh đòi loại giấy này, tỉnh đòi loại giấy khác; tỉnh cho qua, tỉnh không thì làm sao kinh tế không đổ vỡ được”, ông Dũng khuyến nghị.

Về giải pháp năm 2022, ông Dũng cho rằng, nếu đẩy mạnh xuất khẩu thì rất tốt nhưng cầu trong nước sẽ giảm vì số người về quê sống tự cấp, tự túc vừa qua rất nhiều.

Bàn thêm về giải pháp chuyển đổi mô hình chống dịch, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, đề xuất Chính phủ cần tăng cường chi tiêu tài khóa nhiều hơn nữa. Gói hỗ trợ cho phục hồi 2 năm tới thứ nhất là vượt khó, thứ hai là bắt nhịp đà phục hồi của thế giới và thứ 3 là nắm bắt xu hướng lớn của thế giới như tiêu dùng, lối sống và cuộc Cách mạng 4.0, năng lượng tái tạo.

Hiện nay, theo ông Thành, khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp (đặc biệt ở khu vực phía nam) là họ đang rất băn khoăn với mô hình, khuôn khổ chống dịch của Chính phủ để có thể chủ động quay lại sản xuất. Đối với vấn đề lao động, thực sự đang trở thành “đại sự cho cả trước mắt và lâu dài".

"Nhiều doanh nghiệp cho biết họ ít nhất phải mất 2 năm mới thu hút được lao động quay lại. Cuối cùng là vấn đề cạn kiệt dòng tiền, doanh nghiệp cần phải được hỗ trợ bằng gói tài khóa, hỗ trợ lãi suất" - ông Thành nêu ý kiến. (Laodong.vn 27/9, Phạm Đông) Về đầu trang

"Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" như thế nào?

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay, Bộ Y tế đang xây dựng hướng dẫn "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19".

Dự thảo hướng dẫn đưa ra 2 nhóm chỉ số để đánh giá mức độ lây nhiễm dịch COVID-19 trong cộng đồng và khả năng đáp ứng của hệ thống y tế. Cụ thể, có 5 chỉ số, điều kiện đánh giá cơ bản. Trong đó, 3 chỉ số bắt buộc đó là:

1/ 80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vaccine;

2/ 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn có 2 bình oxy và 100% huyện xây dựng kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động;

3/ Tỉnh, thành phố có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 theo mô hình tháp 3 tầng; bảo đảm tối thiểu 2% số giường hồi sức cấp cứu trên tổng số ca bệnh.

2 chỉ số phân loại cấp độ dịch: Số ca mắc mới/100.000 dân/tuần và tỷ lệ người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều vaccine phòng COVID-19.

Căn cứ vào các chỉ số này, các địa phương có thể phân loại các cấp độ dịch, gồm 4 cấp: nguy cơ thấp; nguy cơ trung bình; nguy cơ cao; nguy cơ rất cao.

Theo bà Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Môi trường y tế, Bộ Y tế cho biết: "Thích ứng an toàn có nghĩa là chúng ta không theo đuổi mục tiêu không có ca mắc COVID-19 mà chấp nhận có số ca mắc nhất định trong cộng đồng nhưng phải đảm bảo an toàn tính mạng người dân, tiếp tục các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sinh hoạt của người dân".

Đại diện Bộ Y tế nhấn mạnh, đây là sẽ hướng dẫn khung, trên cơ sở đó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các địa phương tự đánh giá cấp độ dịch tại cấp xã hoặc quy mô nhỏ hơn như thôn, xóm, tổ, đội, khóm, ấp, từ đó đưa ra các biện pháp tương ứng gồm biện pháp hành chính, biện pháp y tế cũng như biện pháp đối với cá nhân người dân.

Hiện dự thảo hướng dẫn vẫn đang được tiếp tục lấy ý kiến trên tinh thần tiếp thu hoàn chỉnh, Bộ Y tế sớm trình Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 ban hành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. (VTV.vn 27/9)Về đầu trang

Nhanh chóng bỏ tư duy “zero F0”

Việt Nam chuyển sang giai đoạn chống dịch COVID-19 song song với sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Để làm được điều này, cần thay đổi tư duy và giải pháp.

“Nếu chúng ta chỉ tập trung chống dịch thì chúng ta hết nguồn lực; ngược lại, chỉ tập trung phát triển kinh tế, không có giải pháp chống dịch thì chúng ta không bảo vệ được sức khỏe của nhân dân" – ngày 26.9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo rõ. Như vậy, Việt Nam đã chuyển sang thời kỳ mới, thực hiện song song 2 nhiệm vụ: Vừa chống dịch thành công, vừa tổ chức sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Đồng nghĩa với điều này, nhiều chính sách cần điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới.

Trao đổi với PV Lao Động, TS Nguyễn Thị Hồng Minh - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch (AFT) cho rằng: Chủ trương của Thủ tướng Chính phủ hiện nay là đúng đắn, vì thực tế chúng ta không còn cách nào khác khi các doanh nghiệp đã gần như kiệt quệ.

“Thủ tướng đã chỉ đạo như vậy, nhưng cần sự nhất quán từ trên xuống dưới để chuyển đổi theo tình hình mới. Vừa qua, 14 hiệp hội đề  nghị kiểm soát dịch theo “điểm” và nên có những tiêu chí cụ thế. Ví dụ như, TPHCM vẫn có các ca F0, nếu mở sẽ lây nhiễm. Vì vậy, phải có hướng dẫn về thời gian chuyển đổi, tính chỉ số tiêm vaccine và chỉ số người bệnh để xác định xem nên mở đến đâu, chống dịch như thế nào thì phải thống nhất từ trên xuống” – TS Nguyễn Thị Hồng Minh cho hay.

TS Minh cho rằng, cần rời bỏ hoàn toàn tư duy "zero COVID" vì không còn phù hợp nữa. Giai đoạn hiện nay phải tạo điều kiện cho DN hoạt động trở lại, phải kiểm soát dịch bệnh, có ca F0 ở phân xưởng nào thì chỉ đóng phân xưởng đó, những nơi an toàn vẫn sản xuất bình thường, thực hiện tốt 5K, ai đã được tiêm 2 mũi thì được cho về, không bắt người lao động ngủ tại phân xưởng nhiều tháng liền, vượt quá sức chịu đựng và ảnh hưởng đến tâm, sinh lý của người lao động.

"Các tỉnh cần thống nhất các tiêu chí, tỉ lệ số ca F0/100 dân thì xử lý như thế nào, tỉ lệ bao nhiêu người thì phải báo động, giãn cách. Rõ ràng cần một chỉ thị mới, bởi hiện nay Chỉ thị 15, 16 không còn phù hợp nữa" - bà Minh nói thêm.

TS Nguyễn Thị Hồng Minh cho rằng, muốn DN hoạt động trở lại, ngoài tạo điều kiện thông thoáng, cần có những chính sách, quy định mới không là đứt gãy nguồn nhân lực. Một trong những giải pháp đó là mở rộng và "đơn giản hóa" việc test COVID: Người dân có thể tự test COVID.

Để tiện trong test COVID-19 thì điểm test phải rộng khắp nơi, ví như cách làm ở Bỉ, các tiệm thuốc đều được quyền test COVID cho mọi người dân và giúp họ công bố thông tin trên mạng. Áp dụng ở Việt Nam, cần phải có “app” thống nhất để người dân đăng thông tin kết quả test COVID lên đó.

“Nếu nhà máy test, gia đình test mà y tế không công nhận kết quả, vẫn phải phải báo để y tế đến xem thì biết bao giờ mới làm được. Phải tổ chức đại trà, người dân có thể vào bất kỳ tiệm thuốc nào để test, hoặc nhà máy tổ chức test rồi công bố thông tin lên app. Vấn đề quan trọng là kit thử cũng nên bán rẻ thôi, không nên đặt vấn đề thương mại vào đây” – bà Minh nêu rõ.

Đại diện 14 hiệp hội, ngành hàng cũng đề nghị Chính phủ tăng tốc nhanh và mạnh hơn nữa việc tiêm vaccine phòng COVID để người lao động đi làm bình thường trở lại. (Laodong.vn 27/9, Vũ Long) Về đầu trang

Tỷ lệ dương tính chung toàn TP Hồ Chí Minh còn 0,2%

Những nỗ lực của TP Hồ Chí Minh trong chống dịch COVID-19 đã cho những dấu hiệu lạc quan.

Tỷ lệ số ca dương tính, của các vùng nguy cơ tại TP Hồ Chí Minh giảm từ 0,4% xuống 0,2%, trên tổng số mẫu được lấy. Đây là số liệu vừa được Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh thống kê, trong đợt xét nghiệm diện rộng từ ngày 22/9 đến 25/9.

Cụ thể, tỷ lệ dương tính các vùng xanh đã giảm xuống còn 0,1%, vùng đỏ cũng đã giảm từ 0,7% xuống còn 0,4%. Bên cạnh số tỷ lệ dương tính giảm, hiện số ca bệnh nhân nặng thở máy và tử vong đang giảm liên tục.

Ông Phạm Đức Hải, Phó ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 TP Hồ Chí Minh nhận định, số ca bệnh nhân nặng thở máy và tử vong đang giảm dần cũng cho thấy dấu hiệu lạc quan trong công tác chống dịch. (VTV.vn 27/9)Về đầu trang

Vì sao TPHCM đề nghị Thủ tướng xem xét áp dụng quy định riêng để "mở cửa" sau 30/9?

Chiều 26/9, tại buổi họp báo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện Ban Chỉ đạo đã thông tin thêm về kế hoạch "mở cửa" sau ngày 30/9.

Theo đó, kế hoạch này tùy thuộc vào quy định của Bộ Y tế liên quan đến hướng dẫn "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19". Hiện hướng dẫn này chỉ mới là dự thảo nên các kế hoạch thành phố xây dựng cũng mới là dự thảo nên chưa thể công bố chính xác ở thời điểm này.

Để đảm bảo yếu tố khách quan, phù hợp với diễn biến phòng, chống dịch trên địa bàn, mới đây ngay 24/9, UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xin ý kiến áp dụng quy định riêng đối với việc "mở cửa" nền kinh tế. Văn bản này ghi rõ, Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá rất cao nỗ lực xây dựng Hướng dẫn "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", tuy nhiên với đặc thù của thành phố, UBND thành phố đề nghị Thủ tướng xem xét cho thành phố áp dụng quy định riêng do Thủ tướng Chính phủ quyết định để có thể "mở cửa" nền kinh tế.

Thành phố sẽ phối hợp cơ quan chức năng nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng về vấn đề này. Đồng thời, UBND Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm ưu tiên vaccine cho Thành phố Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, để sớm đạt độ bao phủ theo quy định của hướng dẫn.

"Theo dự thảo hướng dẫn của Bộ Y tế về "Thích ứng an toàn linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" có một số điểm chưa phù hợp với thực tiễn phòng, chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng như chưa phù hợp với thực tế lịch sử, địa lý, dân số…", ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh lý giải nguyên nhân UBND thành phố có văn bản nêu trên.

Được biết, dự thảo Hướng dẫn tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" là văn bản quan trọng điều chỉnh toàn bộ chiến lược, phương thức để ứng phó với dịch COVID-19 trong thời gian tới và đang được lấy ý kiến các bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp trước khi ban hành.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, hướng dẫn nhằm hai mục tiêu chính là hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc và tử vong do COVID-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng người dân; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Dự thảo hướng dẫn nêu lên 3 chỉ số bắt buộc gồm: ít nhất 80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19; 100% các trạm y tế xã, phường, thị trấn có oxy y tế và 100% các xã có kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động và Tổ chăm sóc người mắc COVID-19 tại cộng đồng; các tỉnh, thành phố có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 theo mô hình tháp 3 tầng, bảo đảm tối thiểu 2% số giường hồi sức cấp cứu (ICU) trên tổng số ca bệnh theo dự báo tình hình dịch tại địa phương ở cấp độ 4 tại các cơ sở y tế của tỉnh/thành phố.

Các chỉ số phân loại cấp độ dịch gồm số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 dân/tuần; tỷ lệ người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều vaccine phòng COVID-19. Quy mô đánh giá cấp độ dịch và áp dụng các biện pháp thích ứng tại cấp xã, phường và có thể ở quy mô như tổ/đội, khu dân cư, khóm/ấp, thôn/xóm hoặc nhỏ hơn.

Mức đánh giá nguy cơ và cấp độ áp dụng gồm 4 cấp: Cấp 1 (nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh); cấp 2 (nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng); cấp 3 (nguy cơ cao tương ứng với màu cam); cấp 4 (nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ).

Theo đó, chỉ số bắt buộc áp dụng nếu không đạt được chỉ số trên 80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vaccine, phải tăng lên 1 cấp độ dịch (trừ khi đang ở cấp độ 4 hoặc địa bàn không có ca mắc). (VTV.vn 27/9)Về đầu trang

KINH NGHIỆM PHÒNG CHỐNG COVID-19

Ứng dụng công nghệ góp phần giúp Hà Nội khống chế dịch bệnh

 Các nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin thời gian qua đã hỗ trợ tích cực công tác truy vết, khoanh vùng, kiểm soát đi lại và chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Tạo điểm quét mã QR để ghi nhận có mặt và khai báo y tế là điều kiện để các cơ sở kinh doanh dịch vụ Hà Nội được hoạt động trở lại sau khi nới lỏng giãn cách. Ngày 22/9, chỉ 1 ngày sau khi được phép mở cửa lại, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, một quận trung tâm của Hà Nội, đã có 2.032 cơ sở kinh doanh lập điểm quét mã QR.

Ông Đoàn Quang Cường - Phó Trưởng phòng Kinh tế, UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội - cho biết: "Hiện nay quận đã triển khai quét mã QR đến tất cả các cơ sở kinh doanh trên địa bàn quận. Thậm chí, phường cũng đã hướng dẫn cho các cơ sở tạo các mã QR và trực tiếp dán tại các địa điểm kinh doanh dịch vụ vừa được mở cửa trở lại".

Việc người dân Hà Nội tích cực khai báo y tế hàng ngày qua ứng dụng Bluezone hoặc tokhaiyte.vn và cung cấp các thông tin dịch tễ đã giúp Hà Nội có dữ liệu để nhanh chóng phát hiện các ca F0, truy vết, khoanh vùng dịch.

Bà Lã Thị Lan - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội - cho hay: "Đến giờ phút này, chúng tôi có 2.767 bệnh nhân được phát hiện từ kênh giám sát ho, sốt trên tổng số 3.959 bệnh nhân của Hà Nội, chiếm tới 70%. Đóng góp một phần quan trọng để tìm ra số bệnh nhân này đó là ứng dụng công nghệ thông tin trong khai báo ho, sốt trên những kênh khai báo y tế".

Ứng dụng công nghệ cũng giúp Hà Nội thực hiện thành công việc xét nghiệm diện rộng trong thời gian rất ngắn - một trong những giải pháp quan trọng để kiểm soát dịch.

Thành phố sử dụng nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm trực tuyến của Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia.

Theo ông Nguyễn Thanh Liêm - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội: "Quan trọng xét nghiệm là phải trả được kết quả sớm nhất. Nền tảng này khi triển khai tới các quận huyện, người dân cũng rất thuận tiện, không phải thực hiện việc khai báo bằng tay mà sẽ quét bằng mã QR Code Bluezone. Và từ đó kết quả sẽ được tích hợp vào các phòng xét nghiệm và trả kết quả ngay. Chúng tôi thấy ra được kết quả rất nhanh".

Việc áp dụng đồng bộ và nhanh chóng các nền tảng công nghệ góp phần giúp Hà Nội ngăn chặn những đợt bùng phát diện rộng - điều kiện quan trọng để dần đưa thành phố trở lại trạng thái bình thường mới. (VTV.vn 27/9)Về đầu trang

CHÍNH SÁCH MỚI

Chính sách kinh tế mới có hiệu lực từ tháng 10/2021

Doanh nghiệp nhỏ và vừa được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ mới; nhiều quy định mới về đăng kiểm ô tô… là những chính sách kinh tế mới sẽ có hiệu lực từ tháng 10/2021.

Nghị quyết hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp: Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Thời gian thực hiện giảm mức đóng: 12 tháng, kể từ ngày 01/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022.

Hướng dẫn sử dụng kinh phí nhà nước hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 64/2021/TT-BTC hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/10/2021.

Quy định mới về trích lập dự phòng rủi ro tại tổ chức tín dụng: Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 11/2021/TT-NHNN về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2021.

Nhiều quy định mới về đăng kiểm ô tô: Từ 01/10/2021, các quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ được thực hiện theo Thông tư 16/2021/TT-BGTVT. Quy định tăng thời hạn đăng kiểm xe kinh doanh vận tải đến 9 chỗ từ 18 tháng lên 24 tháng đối với chu kỳ đầu và từ 6 tháng lên 12 tháng đối với chu kỳ tiếp theo.

Thêm trường hợp được miễn phí sử dụng đường bộ: Ngày 01/10/2021 cũng là thời điểm chính thức có hiệu lực của Thông tư 70/2021/TT-BTC về mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ. So với quy định cũ tại Thông tư 293/2016/TT-BTC, điểm e khoản 5 Điều 3 Thông tư 70/2021 đã bổ sung thêm một loại phương tiện được miễn phí sử dụng đường bộ là xe ô tô đặc chủng gồm: xe thông tin vệ tinh, xe chống đạn, xe phòng chống khủng bố, chống bạo loạn và các xe ô tô đặc chủng khác của Bộ Công an.

Ban hành mẫu giấy xác nhận để mua nhà ở xã hội mới: Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 09/2021/TT-BXD hướng dẫn về phát triển và quản lý nhà ở xã hội có hiệu lực từ 01/10/2021. Thông tư 09/2021 bỏ yêu cầu người mua lại nhà ở xã hội phải được Sở Xây dựng địa phương xác nhận vào đơn đăng ký mua nhà về việc người này chưa hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội.

Ban hành danh mục máy móc, thiết bị... trong nước đã sản xuất được: Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa ban hành Thông tư số 05/2021/TT-BKHĐT về danh mục máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng, nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước đã sản xuất được. Thông tư 05 có hiệu lực kể từ ngày 02/10/2021.

Ngân sách Nhà nước hỗ trợ đầu tư sản xuất giống: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư 10/2021/TT-BNNPTNT về việc hướng dẫn nội dung đầu tư, hỗ trợ đầu tư thực hiện nhiệm vụ "Phát triển sản xuất giống" theo Quyết định số 703/QĐ-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Thông tư này có hiệu lực từ 04/10/2021.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa hưởng nhiều chính sách hỗ trợ mới: Chính phủ ban hành Nghị định 80/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực từ 15/10/2021. Trong đó, tăng mạnh mức hỗ trợ tư vấn doanh nghiệp nhỏ và vừa: Doanh nghiệp siêu nhỏ được hỗ trợ tối đa không quá 50 triệu đồng/năm/doanh nghiệp (trước đây chỉ tối đa 03 triệu đồng); doanh nghiệp nhỏ không quá 100 triệu đồng/năm/doanh nghiệp (trước đây không quá 05 triệu đồng)…

Tổ chức tín dụng chỉ được mua tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi có thời hạn còn lại dưới 12 tháng: Các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được mua kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi có thời hạn còn lại dưới 12 tháng. Chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được mua trái phiếu chuyển đổi. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27/10/2021. (VTV.vn 27/9)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Thủ tướng: Có thể hợp tác công tư trong tất cả các công việc

“Có giải pháp phù hợp thì chúng ta yên tâm, tự tin chuyển đổi trạng thái, không quá lo lắng. Phải tránh hai khuynh hướng: chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và bi quan, lo lắng, mất bình tĩnh, mất bản lĩnh, đưa ra các giải pháp cực đoan”. Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu như trên khi kết luận hội nghị Thủ tướng và doanh nghiệp ngày 26-9.

Thủ tướng đánh giá rất cao sự chia sẻ và đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp để công tác phòng chống dịch đạt kết quả trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn, hầu như tất cả các trang thiết bị, sinh phẩm, vật tư y tế, vaccine và thuốc điều trị… phục vụ chống dịch đều phải nhập khẩu. Thời gian tới, cần có giải pháp căn cơ, chiến lược hơn, xây dựng một nền kinh tế tự chủ, tự cường, nâng cao năng lực ngành y tế và phát triển ngành công nghiệp dược.

Ghi nhận các ý kiến phát biểu thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, thẳng thắn, tâm huyết, thể hiện rất rõ khát vọng, mong muốn đất nước bình an, phát triển, Thủ tướng cho rằng đây là điểm tựa rất quan trọng để chiến thắng dịch bệnh và phát triển kinh tế xã hội.

Hội nghị thống nhất chủ trương chuyển trạng thái từ “không COVID” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh để phục hồi và phát triển kinh tế, ổn định, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong bối cảnh mới.

Dành nhiều thời gian phân tích về các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, Thủ tướng nêu rõ, nếu phòng dịch tốt thì không phải chống dịch, nếu chẳng may bị nhiễm bệnh thì việc điều trị từ sớm, từ xa, từ cơ sở sẽ giúp chữa trị hiệu quả, giảm được tử vong.

“Có giải pháp phù hợp thì chúng ta yên tâm, tự tin chuyển đổi trạng thái, không quá lo lắng. Phải tránh hai khuynh hướng: chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và bi quan, lo lắng, mất bình tĩnh, mất bản lĩnh, đưa ra các giải pháp cực đoan”, Thủ tướng nói.

Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, Bộ Y tế chủ trì nghiên cứu, đưa ra các giải pháp thích ứng và sẽ sớm ban hành hướng dẫn tạm thời. Việc này chưa có tiền lệ nên phải thận trọng, lấy ý kiến nhiều bên, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bổ sung, hoàn thiện dần, cố gắng tránh tình trạng như nhiều nước là cứ “mở cửa” rồi lại “đóng cửa” ngay.

Theo Thủ tướng, một chính sách không thể phủ kín hết mọi góc cạnh của cuộc sống trên phạm vi cả nước, song hướng dẫn phải phù hợp tình hình, tăng tính chủ động, nâng cao trách nhiệm của các chủ thể, của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước trên từng địa bàn (như thôn, ấp, khu dân cư, xã, huyện, tỉnh, trong nhà máy, doanh nghiệp, khu công nghiệp…)

Việc phòng chống dịch vẫn phải dựa trên các trụ cột là xét nghiệm, cách ly, điều trị, vaccine, ý thức của người dân. “Phạm vi nhỏ nhất, hẹp nhất có thể nhưng phải quyết liệt, chặt chẽ, lãnh đạo, chỉ huy, chính sách tập trung, thống nhất, chuyên sâu, tổ chức thực hiện phải phân cấp, linh hoạt, phù hợp tình hình cụ thể, có kiểm soát, nếu thay đổi khác với nguyên lý cơ bản thì phải báo cáo cấp trên trực tiếp”, Thủ tướng nêu rõ.

Với các ý kiến về cải cách và hoàn thiện thể chế, Thủ tướng cho rằng: Mọi chính sách và việc thực hiện chính sách phải hướng đến người dân và doanh nghiệp; người dân và doanh nghiệp tham gia xây dựng chính sách và thực hiện các chính sách đó. Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục chỉ rõ các khó khăn, vướng mắc, bất cập về thể chế, chính sách tại văn bản nào, điều khoản nào để cùng tháo gỡ.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ phân cấp, phân quyền tối đa để chính quyền gần dân hơn, gần doanh nghiệp hơn và doanh nghiệp, doanh nhân, người dân đến với chính quyền gần hơn. Chính phủ và các bộ ngành cũng đang tích cực cắt giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số, đề nghị cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục đóng góp các ý tưởng, công nghệ và cả các sản phẩm cụ thể phục vụ công tác này.

Các cơ quan đang chủ động triển khai các nhiệm vụ theo Luật Đầu tư với phương thức đối tác công – tư, Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp chủ động hơn nữa trong việc đề xuất các dự án hợp tác cụ thể. Theo Thủ tướng, về cơ bản, có thể triển khai hợp tác công tư trong tất cả các công việc, từ quản lý các tòa nhà, các công viên…

Ông nêu ra một số lĩnh vực đang rất cần đẩy mạnh hợp tác công tư như đầu tư hạ tầng chiến lược, chuyển đổi số, năng lượng tái tạo, giảm phát thải carbon, nâng cao năng lực hệ thống y tế… “Những gì người dân, doanh nghiệp làm được, làm tốt hơn thì Nhà nước không làm”, Thủ tướng nêu rõ. (Plo.vn 27/9)Về đầu trang

Chủ tịch Quốc hội: Doanh nghiệp lỗ rồi lấy gì hưởng hoãn, giảm thuế

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, chính sách tài khóa và tiền tệ cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp. Bởi hiện tại nếu các doanh nghiệp đang lỗ thì lấy gì để hưởng chính sách giãn, hoãn, giảm thuế.

 

Kết luận phiên “Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội” ngày 27.9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, sức khỏe của người dân, doanh nghiệp đang bị suy giảm đáng kể do tác động của biến chủng Delta khiến nhiều địa phương trong cả nước phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch nghiêm ngặt hơn.

Theo Chủ tịch Quốc hội, các chuyên gia cũng thống nhất đánh giá có 5 nguyên nhân khiến Việt Nam chuyển từ vị trí “ngôi sao” xuống nhóm nước có tốc độ tăng trưởng trung bình của thế giới trong năm nay. Trong đó, tình hình y tế xấu đi; các chương trình tiêm chủng chậm ngay cả khi đã được tăng tốc trong thời gian gần đây; thực hiện các biện pháp hạn chế di chuyển nghiêm ngặt hơn.

Bên cạnh đó, việc thực hiện các chính sách còn thiếu đồng bộ, thiếu linh hoạt khiến hiệu quả chống dịch chưa đạt như mong muốn; chính sách ứng phó về kinh tế có quy mô còn khiêm tốn, chính sách tiền tệ ở mức trung bình thấp, chính sách tài khóa chưa tham gia nhiều do nguồn lực còn hạn chế; các chương trình trợ giúp xã hội cũng còn hạn chế.

Về mô hình phòng, chống dịch, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Tổ chức Y tế thế giới và nhiều nhà khoa học hàng đầu thế giới đều nhận định chưa thể khắc phục được ngay dịch COVID-19 trong năm 2021-2022 mà có thể kéo dài, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là tốc độ tiêm chủng vaccine và hiệu quả của vaccine trước những biến chủng mới của virus SARS-CoV-2…

Ngày càng có nhiều nước chuyển sang mô hình thích ứng an toàn với dịch Covid - 19, chuyển từ các biện pháp đóng cửa biên giới, giãn cách, phong tỏa, truy vết là chính sang các biện pháp tăng nhanh tiêm chủng vaccine, giảm tỷ lệ tử vong… Điều kiện tiên quyết là phải đạt tỷ lệ tiêm chủng từ 60 - 70%, hạ tầng y tế khá phát triển và sẵn sàng cao, ý thức của người dân và cộng đồng ứng phó với đại dịch.

Về xu hướng sắp tới, theo Chủ tịch Quốc hội, kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi nhưng vô cùng bất định và có sự phân hóa. Nhóm nước phục hồi mạnh là nhóm phát triển cao, chủ động vaccine và sớm miễn dịch cộng đồng. Họ tung ra quy mô gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ lớn. Ở chiều ngược lại, nhóm các nước phục hồi chậm đối mặt rủi ro bùng phát dịch bệnh và số ca tử vong tăng lên là thị trường mới nổi, đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Giải pháp thời gian tới, theo Chủ tịch Quốc hội, các chuyên gia đều cho rằng mục tiêu tập trung cho phòng chống dịch và bảo đảm sức khỏe người dân được đặt lên trên hết. Muốn vậy, phải đẩy nhanh chiến lược tiêm chủng, xem như điều kiện tiên quyết, đồng thời giảm thiểu thiệt hại về kinh tế - xã hội.

Cần tiếp tục giãn cách, hạn chế di chuyển phải thông minh hơn bằng giải pháp công nghệ, chủ động, nhất quán, phân cấp ủy quyền, liên kết vùng…, tức phải thay đổi về sách lược, khôn ngoan hơn.

Chính sách tài khóa và tiền tệ cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, Quốc hội cũng vừa mới gợi ý Chính phủ về chương trình hỗ trợ lãi suất bằng ngân sách có mục tiêu, có địa chỉ, với dư nợ 100.000 tỉ đồng, lãi suất hỗ trợ 3-4%/năm. Quan trọng hơn là phải giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đang chịu thua lỗ.

“Chúng ta đã giãn, hoãn, giảm thuế nhưng họ lỗ rồi lấy gì mà giảm? Chính sách cần cho phép chuyển lỗ, nghiên cứu cho chuyển dài hơn để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ dòng tiền. Ngoài ra, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội gợi ý tính toán cho doanh nghiệp tính chi phí thực tế cao hơn giá thành, hỗ trợ doanh nghiệp có thực lực tạm thời đang khó khăn”, Chủ tịch Quốc hội kết luận. (Laodong.vn 27/9, Phạm Đông)Về đầu trang

Kinh tế trưởng WB chỉ ra lý do Việt Nam mất điểm sao

Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội, do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì sáng 27-9, có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Đây là tọa đàm lần đầu tiên được tổ chức trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Góp ý với chủ đề COVID-19: Kinh tế Việt Nam lấy lại ánh hào quang, ông Jacques Morisset - chuyên gia kinh tế trưởng và quản lý Chương trình kinh tế vĩ mô, thương mại và đầu tư, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam - đánh giá Việt Nam đã chuyển từ hạng sao xuống hạng dưới trung bình do tình hình y tế xấu đi, tiêm chủng chậm và yêu cầu hạn chế di chuyển nghiêm ngặt, các chính sách ứng phó về kinh tế có quy mô nhỏ và thiếu cân bằng, trợ giúp xã hội "rụt rè và hạn chế", ít hơn nhiều so với hầu hết các nước châu Á.

Theo bà Trần Thị Hồng Minh - viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) - mặc dù Chính phủ ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định xã hội, thực hiện các biện pháp thuế, tín dụng, trợ cấp lao động… để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, song vẫn còn những thách thức lớn đặt ra gây rủi ro, gián đoạn chuỗi cung ứng đã làm tăng đáng kể chi phí của doanh nghiệp.

"Dù có nhiều nỗ lực cải thiện, công tác điều hành và chất lượng các văn bản chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, bất cập. Việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch tại các địa phương chưa cân nhắc hài hòa, đồng bộ các quy trình, biện pháp, một số biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế chưa đủ sức nặng cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp" - bà Minh đánh giá.

Đánh giá về thực trạng chuỗi cung ứng và khuyến nghị phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, ông Phạm Hồng Chương - hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế Quốc dân - cho rằng tác động của dịch COVID-19 và các biện pháp kiểm soát dịch đã và đang tác động lớn đến chuỗi cung ứng.

Nguyên nhân do quan điểm chống dịch lấy phòng hơn chống nên chuyển đổi trạng thái không kịp thời, bị động. Việc thực hiện giãn cách xã hội thiếu thống nhất ở các địa phương, cộng thêm các chuỗi cung ứng đều có nguyên nhân thiếu lao động, chậm nguồn cung ứng nguyên vật liệu, chi phí tăng cao, lưu thông, và dịch vụ logistics bị đứt gãy.

Để đi vào trạng thái bình thường mới, chuyên gia của WB cho rằng cần rút ra các bài học kinh nghiệm. Theo đánh giá, tốc độ phục hồi phụ thuộc rất lớn với quy mô của các chương trình tiêm chủng, mặc dù xét nghiệm vẫn là biện pháp quan trọng để ngăn chặn đại dịch.

Dự báo, các quốc gia có chương trình tiêm chủng tích cực hơn dự kiến sẽ có mức tăng trưởng nhanh hơn vào năm 2021, gắn với tăng cường xét nghiệm hằng ngày.

Ông Jacques Morisset cũng khuyến nghị việc quản lý hạn chế di chuyển cần thông minh hơn, trên cơ sở giám sát chặt chẽ và chia sẻ thông tin để điều chỉnh các biện pháp hạn chế di chuyển, đơn giản hóa và điều phối các quy trình.

Để ổn định kinh tế vĩ mô, cần hướng sang chính sách tài khóa nhiều hơn và thực hiện chính sách tiền tệ ít hơn. Bởi theo đánh giá của WB, chính sách tài khóa là công cụ mà Chính phủ chưa sử dụng nhiều, nhưng lại có thể giúp kích cầu trong ngắn hạn và cung trong dài hạn, trong khi dư địa tài khóa trong hiện tại và ngắn hạn đều có thể thực hiện.

Trong khi đó, về các chính sách tiền tệ WB đánh giá Chính phủ sử dụng công cụ này nhiều hơn để hỗ trợ tạm thời cho doanh nghiệp, nhưng tương đối kém hiệu quả và có thể tăng rủi ro cho tài chính do nợ xấu tăng cao, thiếu minh bạch trong những gói giải cứu.

Với các chương trình trợ giúp xã hội, WB khuyến nghị cần hiệu quả hơn để giảm bớt gánh nặng kinh tế, trong đó Việt Nam cần tăng cường khả năng phục hồi thông qua một hệ thống trợ giúp xã hội mạnh mẽ và linh hoạt.

Đơn cử, cần phân bổ thêm vốn cho các chương trình trợ giúp xã hội từ chính sách tài khóa; xây dựng một cơ quan đăng ký xã hội quy mô lớn và áp dụng kỹ thuật số để nhanh chóng xác định những người dễ bị tổn thương; mở rộng quy mô thanh toán điện tử để tiếp cận một cách hiệu quả những người thụ hưởng đã được xác định.

Đồng thời, đã đến lúc cần suy nghĩ và thực hiện những cải cách thể chế quan trọng để nâng cao hiệu quả/hiệu lực thực thi chính sách. Trong đó, cần tổ chức thể chế xung quanh một trụ cột vững chắc, đơn giản hóa các quy trình và thủ tục hành chính, sử dụng thông minh các công cụ thị trường, tăng cường thực thi các quy định pháp luật… (Tuoitre.vn 27/9)Về đầu trang

Rục rịch trở lại sau giãn cách, lo cơ chế "đánh đố" doanh nghiệp

Hơn 80% doanh nghiệp đồng tình với những chính sách hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ. Nhưng để giúp doanh nghiệp thực sự phục hồi và phát triển cần thêm các cơ chế linh hoạt và tự chủ hơn.

Đến thời điểm này, nhiều tỉnh thành đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Các trung tâm kinh tế hàng đầu của cả nước như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cũng đã bắt đầu mở lại các hoạt động kinh tế tại nhiều khu vực.

Song song với việc kiểm soát dịch là câu chuyện về phục hồi sản xuất kinh doanh. 23 địa phương đang thực hiện giãn cách có tỷ trọng chiếm gần 70% tổng thu ngân sách. Chính vì vậy, trong thời gian áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh đã tổn thương nặng nề. Khối doanh nghiệp cả trong nước lẫn nước ngoài đều khó có thể chịu đựng thêm.

Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhận định: Sau đợt giãn cách lần thứ tư, doanh thu của nhiều doanh nghiệp đã giảm 50% và giảm mạnh trên diện rộng. Có khoảng 20% các đơn hàng đã chuyển sang các nước khác khi đợt dịch này diễn ra đúng vào thời gian cao điểm sản xuất và giao hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu.

8 tháng đầu năm nay, có tới 85.500 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể. Như vậy, trung bình mỗi ngày có khoảng 360 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Tuy nhiên, sau mỗi đợt dịch thì số lượng doanh nghiêp mới thành lập, quay trở lại hoạt động cũng gia tăng.

Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 114.000 doanh nghiệp. Trung bình mỗi tháng có gần 14.300 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Hoạt động của doanh nghiệp đang bắt đầu được phục hồi trở lại sau những nới lỏng giãn cách và dự báo sẽ nhanh chóng đi vào ổn định. Một trong những tác động tích cực chính là các chính sách, nghị quyết của chính phủ.

Ví dụ, với Nghị quyết 105, có tới hơn 80% số doanh nghiệp cho biết nghị quyết này đã và đang giúp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp nhất là về lãi suất ngân hàng, giãn nợ thuế, giảm giá thành sản xuất... Đây là những hỗ trợ rất kịp thời, tuy nhiên để giúp doanh nghiệp phục hồi nhanh, hiệu quả và bền vững sau đại dịch vẫn cần thêm các cơ chế linh hoạt, rõ ràng, cụ thể.

Nghị quyết 105 của Chính phủ đã cho phép các địa phương và doanh nghiệp cùng nhau xây dựng, lựa chọn các mô hình sản xuất phù hợp. Với doanh nghiệp có hơn 1.000 công nhân nghỉ gần 3 tháng qua thì đây là thông tin được mong chờ, nhưng khi xét các tiêu chuẩn theo mô hình mới: Công nhân phải xét nghiệm 2 lần âm tính, ở tập trung trong nhà máy 3 ngày, sau lại xét nghiệm tiếp thì cũng khó với doanh nghiệp.

Chính phủ đã mở ra cơ chế nhưng trong quá trình thực hiện, địa phương hoặc chậm đưa ra các mô hình cụ thể, hoặc các tiêu chí đưa ra đang đánh đố doanh nghiệp.

Theo Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam, 2/3 số doanh nghiệp hội viên đóng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh nhưng chưa có doanh nghiệp nào thuộc diện được thí điểm phương thức sản xuất phù hợp. Doanh nghiệp hy vọng việc xây dựng các chính sách cần tính đến việc nương sức doanh nghiệp trong quá trình phục hồi.

Với hơn 18 nhà máy tại 7 địa phương, Công ty May 10 cũng đang rất lo lắng với dự thảo nghị định hướng dẫn thực hiện luật bảo vệ môi trường có quy định về giấy phép môi trường sẽ là một gánh nặng đối với doanh nghiệp.

Doanh nghiệp chỉ có thể dồn sức cho sản xuất khi an tâm với những cơ chế rõ ràng, cụ thể và có thể tiếp cận được. Bản thân các doanh nghiệp cũng xác định rõ nếu không đảm bảo an toàn dịch bệnh, cũng không thể sản xuất. Vì vậy, đi kèm với sự tự chủ là trách nhiệm cụ thể của doanh nghiệp đối với sản xuất an toàn. (VTV.vn 27/9)Về đầu trang

PHÂN TÍCH - BÌNH LUẬN

Đường dây nóng của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

“Các doanh nghiệp có khó khăn vướng mắc trong thực hiện các chính sách hoặc những vấn đề mới phát sinh… gửi trực tiếp đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hoặc đường dây nóng…”- phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng.

 

Phải mở ngoặc, Bộ trưởng Dũng là Tổ phó Thường trực Tổ công tác đặc biệt-liên ngành của Thủ tướng. Mở ngoặc là bên cạnh Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng, còn có Tổ công tác về rà soát, tháo gỡ khó khăn vướng mắc và thúc đẩy dự án đầu tư. Chưa kể yêu cầu của Thủ tướng về việc thành lập những tổ công tác đặc biệt tại các bộ, cơ quan, địa phương về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Được giao nhiệm vụ thường trực, không phải là ông Dũng không nhìn thấy những cái khó của doanh nghiệp. Cái khó, khi mà tỉ lệ doanh nghiệp tiếp cận được với chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng, cho vay ưu đãi còn thấp do thủ tục phức tạp, một số điều kiện còn chưa phù hợp.

Cái khó, trong việc doanh nghiệp đang chờ hướng dẫn áp dụng các điều kiện tổ chức sản xuất an toàn trong tình hình mới và kế hoạch mở cửa của các địa phương để có thể chủ động phương án sản xuất kinh doanh.

Những cái khó, trong 357 trang báo cáo, kiến nghị mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận được từ 132 hiệp hội, nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp.

Và cả những cái khó chưa thể nói hết trong các báo cáo. Gỡ khó, trong hoàn cảnh đặc thù dịch bệnh, thật ra, nó cần sự quyết đoán của các vị bộ trưởng, trong lĩnh vực mà mình phụ trách.

Vừa mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, một tay ký công điện yêu cầu kiểm tra, xử lý và chấm dứt ngay tình trạng ùn tắc giao thông tại các chốt kiểm soát dịch trên các tuyến giao thông đường bộ không để ảnh hưởng đến tình trạng vận chuyển và tiêu thụ hàng nông sản của người dân; một tay đề xuất nới lỏng vận tải hành khách, bỏ một quy định phải tiêm vaccine.

Nói như Thủ tướng: Một chính sách không thể phủ kín hết mọi góc cạnh của cuộc sống trên phạm vi cả nước... Nhưng “mọi chính sách và việc thực hiện chính sách phải hướng đến người dân và doanh nghiệp”. Và khi mà đường dây nóng của các bộ ngành, địa phương thực sự “nóng”... khi đó, mọi cái khó từ việc thực hiện chính sách không còn khó nữa.

Bằng vào yêu cầu lập các tổ công tác ở từng bộ ngành, bằng vào cam kết phân quyền tối đa cho địa phương... có thể nhìn thấy rất rõ quyết tâm của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ là không để những điều bất cập, chưa phù hợp của các chính sách - yếu tố thuộc về chủ quan - lại trở thành một “cái khó” khi mà dịch bệnh đã gây ra quá nhiều khó khăn. (Laodong.vn 27/9, Anh Đào)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất tăng thời gian làm thêm

Để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19 theo Nghị quyết 105/NQ-CP của Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đang tiến hành tổng hợp ý kiến với đề xuất cho phép điều chỉnh tăng thời gian làm thêm giờ/tháng với một số ngành nghề lĩnh vực.

Cụ thể, theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, Bộ đang tiến hành tổng hợp ý kiến của đối tượng tác động, nhất là các hiệp hội, doanh nghiệp để từ đó nghiên cứu, đề xuất theo hướng xem xét, xử lý cá biệt, chỉ nên áp dụng những lĩnh vực, ngành nghề, thực sự cần thiết trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động, không áp dụng trên phạm vi tất cả các ngành nghề, lĩnh vực và phạm vi cả nước.

Việc điều chỉnh tăng thời gian làm thêm nhằm nhanh chóng ổn định sản xuất kinh doanh, chống đứt gãy chuỗi cung ứng nhưng không vượt quá 300 giờ/năm.

Tuy nhiên, vấn đề này thuộc thẩm quyền của Quốc hội, do vậy cần phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Cũng theo Bộ LĐ-TB&XH, ngày 23/9, Bộ LĐ-TB&XH đã có tờ trình gửi Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ.

Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH này đã đề xuất sửa đổi một cách căn cơ những vấn đề vướng mắc, đơn giản hóa thủ tục hồ sơ, tiếp tục rút ngắn thời gian giải quyết, bổ sung một số nhóm đối tượng thụ hưởng chính sách.

Đặc biệt sửa đổi 2 chính sách liên quan đến người sử dụng lao động là lược bỏ điều kiện quyết toán thuế và những vướng mắc liên quan đến chính sách cho vay trả lương cho người lao động, phục hồi sản xuất và đơn giản hóa điều kiện, thủ tục đối với chính sách hỗ trợ đào tạo từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn nhiều nhất, thuận tiện và nhanh nhất. (VTV.vn 27/9) Về đầu trang

Hơn 100.000 lao động được dừng đóng Bảo hiểm xã hội do ảnh hưởng COVID-19

Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông tin, tính đến hết ngày 23/9 cơ quan bảo hiểm xã hội đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết cho 588 đơn vị với 105.582 lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền 727,2 tỷ đồng tại 52/63 tỉnh, thành phố.

Cơ quan bảo hiểm xã hội cũng đã xác nhận danh sách cho 1.410.621 lao động của 43.004 đơn vị sử dụng lao động để hưởng các chính sách hỗ trợ tại 63 tỉnh, thành phố.

Trong đó, 1.103.082 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương của 39.344 đơn vị; 189.378 lao động ngừng việc để nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/người của 2.523 đơn vị; 1.308 lao động được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm của 17 đơn vị.

Ngoài ra, có 56.308 lao động ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 của 748 đơn vị, được người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc; 37.598 người lao động được người sử dụng lao động đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất của 207 đơn vị.

Có 22.947 người lao động được người sử dụng lao động đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất của 165 đơn vị.

Tại Hà Nội, theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, từ đầu tháng 7/2021 đến hết ngày 23/9, toàn thành phố đã có khoảng 3 triệu lượt người được tiếp cận, thụ hưởng các chính sách hỗ trợ an sinh với kinh phí gần 1.300 tỷ đồng, trong đó kinh phí từ ngân sách là hơn 921 tỷ đồng, nguồn xã hội hóa gần 379 tỷ đồng.

Cụ thể, về gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ đã đến với 1,656 triệu người. Kinh phí đã phê duyệt hỗ trợ là hơn 626 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách.

Trong đó, với chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đã có 89.501 đơn vị với 1,423 triệu lao động được hưởng, tổng số tiền thực hiện hỗ trợ giảm đóng là 147,3 tỷ đồng.

Với chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh, có 7.944 hộ được hỗ trợ với số tiền 23,83 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất đã đến với 4.129 lượt lao động với số vốn cho vay là 18,25 tỷ đồng. Riêng nhóm lao động tự do, đã có 178.053 lao động được hỗ trợ với tổng số tiền 267,07 tỷ đồng. (VTV.vn 27/9)Về đầu trang

Cho phép sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên để lập quy hoạch

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP về các nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030.

Mục tiêu nhằm hoàn thành việc lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 theo quy định của pháp luật về quy hoạch trước ngày 31/12/2022.

Hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn các luật, pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch đảm bảo đồng bộ, thống nhất với Luật Quy hoạch và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành, tiêu chuẩn, điều kiện đầu tư, kinh doanh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân trước ngày 31/10/2021.

Đồng thời, hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch để cung cấp thông tin đồng bộ, chính xác, kịp thời phục vụ công tác lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch; đảm bảo công khai, minh bạch thông tin quy hoạch trước ngày 31/12/2022.

Để hoàn thành mục tiêu trên, Nghị quyết đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều có liên quan đến quy hoạch cho phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch.

Trong nhiệm vụ đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các bộ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo khẩn trương trình cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch; tổ chức thẩm định và phê duyệt dự toán nhiệm vụ quy hoạch; phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 theo nhiệm vụ được giao, trình cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt quy hoạch trước ngày 31 tháng 12 năm 2022.

Khẩn trương hoàn thành văn bản về quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, định hướng phát triển và định hướng sắp xếp, phân bổ không gian trên địa bàn quốc gia, vùng, tỉnh các hoạt động của ngành theo quy định của Luật Quy hoạch và Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 27/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ, làm cơ sở để các địa phương triển khai lập quy hoạch tỉnh, khai thác tiềm năng nổi trội, lợi thế cạnh tranh, đồng thời bảo đảm được tính thống nhất với quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng; hoàn thành trước ngày 31/10/2021.

Tại Nghị quyết này, Chính phủ cho phép sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước để lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành.

Chính phủ cũng đồng ý cho các bộ, cơ quan ngang bộ và các địa phương được huy động các tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài hỗ trợ nguồn nhân lực cho hoạt động quy hoạch bảo đảm chất lượng, công khai, minh bạch, tuân thủ quy định của pháp luật về quy hoạch, đấu thầu, đầu tư công, đầu tư và pháp luật có liên quan khác.

Chính phủ cũng đồng ý tiến hành điều chỉnh kéo dài thời hạn các quy hoạch đã hết thời hạn quy hoạch đối với các quy hoạch trong danh mục ban hành kèm theo Nghị quyết số 110/NQ-CP ngày 2/12/2019 và Nghị quyết số 131/NQ-CP ngày 15/9/2020 của Chính phủ; giao các bộ, cơ quan ngang bộ và các địa phương tổ chức lập các quy hoạch cần điều chỉnh kéo dài thời hạn và điều chỉnh nội dung quy hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch xem xét, quyết định việc điều chỉnh kéo dài thời hạn và điều chỉnh nội dung theo quy định của pháp luật có liên quan.

Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về quy hoạch do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban trên cơ sở bổ sung chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và trách nhiệm của Hội đồng quy hoạch quốc gia để chỉ đạo thống nhất các bộ, ngành và địa phương triển khai lập các quy hoạch theo quy định. (VTV.vn 27/9) Về đầu trang

Tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí trong 9 tháng năm 2021

Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, số vụ tai nạn, số người chết, người bị thương do tai nạn giao thông đều giảm so với cùng kỳ năm trước.

Theo tổng hợp của Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, tính từ ngày 15/8 đến ngày 14/9/2021, toàn quốc xảy ra 488 vụ, làm chết 253 người và làm bị thương 301 người. So với tháng cùng kỳ năm 2020 giảm 754 vụ (giảm 60,71%), giảm 297 người chết (giảm 54%), giảm 623 người bị thương (giảm 67,42%).

Trong đó, đường bộ xảy ra 481 vụ, làm chết 248 người, bị thương 300 người. So với cùng kỳ năm trước giảm 749 vụ (-60,89%), giảm 294 người chết (-54,24%), giảm 623 người bị thương (-67,5%).

Đường sắt xảy ra 3 vụ, làm chết 2 người, bị thương 1 người. So với cùng kỳ năm trước giảm 2 vụ (-40%), giảm 2 người chết (-50%), số người bị thương không thay đổi (1/1).So với 9 tháng đầu năm 2020, số vụ tai nạn giao thông giảm 2.527 vụ (-23,64%), số người chết giảm 817 người (-16,37%), số người bị thương giảm 2.237 người (-28,38%).

Tính chung trong 9 tháng năm 2021 (tính từ ngày 15/12/2020 đến ngày 14/9/2021), trên toàn quốc xảy ra 8.161 vụ tai nạn giao thông làm tử vong 4.175 người, bị thương 5.645 người. So với 9 tháng năm 2020, số vụ tai nạn giao thông giảm 2.527 vụ (23,64%), số người tử vong giảm 817 người (16,37%), số người bị thương giảm 2.237 người (28,38%).

Trong đó, trên đường bộ xảy ra 8.062 vụ làm tử vong 4.098 người, bị thương 5.631 người; so với cùng kỳ năm trước giảm 2.484 vụ (23,55%), giảm 786 người tử vong (16,09%), giảm 2.227 người bị thương (28,34%).

Trên tuyến đường sắt xảy ra 54 vụ làm tử vong 43 người, bị thương 13 người; so với cùng kỳ năm trước giảm 22 vụ (28,95%), giảm 14 người tử vong (24,56%), giảm 6 người bị thương (31,58%).

Trên tuyến đường thủy xảy ra 38 vụ làm tử vong 25 người, bị thương 1 người; so với cùng kỳ năm trước giảm 18 vụ (32,14%), giảm 17 người tử vong (40,48%), giảm 4 người bị thương (80%).

Trên tuyến hàng hải xảy ra 7 vụ làm tử vong và mất tích 9 người, không có người bị thương; so với cùng kỳ năm trước giảm 3 vụ (30%), số người tử vong mất tích và bị thương không thay đổi. (VTV.vn 27/9)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Xem xét cân đối thu chi ngân sách phù hợp với tình hình dịch bệnh

Kiểm soát dịch bệnh đang được đặt lên hàng đầu với rất nhiều giải pháp đã mang lại hiệu quả, tuy nhiên còn nhiều thách thức đối với nền kinh tế trong năm nay và thậm chí cả năm sau. Đây là những nhận định được các chuyên gia nêu ra tại Toạ đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội được tổ chức sáng 27/9. Toạ đàm do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đồng chủ trì.

Tai tọa đàm, chuyên gia từ Học viện Tài chính cho rằng, ngân sách năm nay được Quốc hội dự toán thận trọng, thấp hơn so với năm ngoái. Tuy nhiên, khi dịch bệnh thay đổi phức tạp, dự toán này cũng cần được xem xét điều chỉnh.

Về thu ngân sách, có thể năm nay không quá đáng lo nhưng năm sau sẽ có nhiều thách thức. Bởi doanh nghiệp thường thực hiện các nghĩa vụ đóng góp vào ngân sách chậm một năm. Trong khi năm nay, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam giãn cách xã hội kéo dài, doanh nghiệp bị gián đoạn sản xuất, đóng cửa, thậm chí có cả phá sản thì chắc chắn nguồn đóng góp vào ngân sách của năm sau sẽ khó đạt được.

Còn về hoạt động chi, chuyên gia cũng đặt vấn đề, các khoản chi cho đào tạo lao động ở những ngành đã ngừng việc lâu như khách sạn, lưu trú, du lịch, chi cho người lao động đã về quê trở lại làm việc hay chi tiêu cho y tế sẽ phải cân đối như thế nào khi các bệnh viện đang được giao tự chủ tài chính họ phải dự toán có lợi cho họ, trước khi dành cho phòng chống dịch.

Chuyên gia của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, năm nay, Việt Nam hỗ trợ bằng chính sách tiền tệ khoảng 54.000 tỷ đồng, còn các gói tài khoá vào khoảng 60.000 tỷ đồng. Xu hướng đang nghiêng về sử dụng chính sách tiền tệ nhưng chuyên gia nhấn mạnh, hỗ trợ tài khoá mới là then chốt, cần đóng vai trò dẫn dắt.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, Worldbank đã đưa ra 5 nguyên nhân khiến Việt Nam từ vị trí ngôi sao ở năm 2020 xuống dưới mức trung bình của thế giới vào năm 2021 và có thể kéo dài nữa. Trong đó, các nguyên nhân về tỷ lệ tiêm vaccine và chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp là vấn đề cần phải xem xét, đánh giá kĩ lưỡng. (VTV.vn 27/9)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương đề nghị kỷ luật 15 tổ chức, cá nhân

Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương đã bỏ phiếu đề nghị thi hành kỷ luật đối với 1 tổ chức, 14 quân nhân vi phạm và rút kinh nghiệm nghiêm khắc 1 quân nhân.

Ngày 27/9, Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương, nhiệm kỳ 2020-2025 tổ chức kỳ họp lần thứ 3. Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương chủ trì kỳ họp.

Cùng dự có Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương; các đồng chí Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương và đại diện Đoàn kiểm tra số 13 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Tại kỳ họp, Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương nghe báo cáo kết quả xem xét, đề nghị thi hành kỷ luật của Thường trực Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương.

Các thành viên Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương tập trung thảo luận, phân tích làm rõ và kết luận những vi phạm của các tổ chức, cá nhân bảo đảm chặt chẽ, đúng nguyên tắc, quy định của Đảng, kỷ luật quân đội.

Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương đã bỏ phiếu đề nghị thi hành kỷ luật đối với 1 tổ chức, 14 quân nhân vi phạm và rút kinh nghiệm nghiêm khắc 1 quân nhân.

Phát biểu tại kỳ họp, Đại tướng Lương Cường đánh giá cao công tác tham mưu, chuẩn bị của Thường trực Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương. Trong đó, đã chủ động kiểm tra, giám sát, nắm tình hình, kịp thời đề xuất mức độ, hình thức kỷ luật đối với tập thể và cá nhân vi phạm kỷ luật, thấu tình, đạt lý, đúng người, đúng lỗi phạm, không có vùng cấm.

Quá trình xem xét kỷ luật luôn chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước, quy định của Bộ Quốc phòng, đặc biệt giữ nghiêm nguyên tắc, quy định, xem xét xử lý tập thể gắn với trách nhiệm cá nhân; rõ đến đâu xử lý đến đó.

Đại tướng Lương Cường đề nghị trong thời gian tới, Thường trực Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương chủ động tham mưu cho Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương và Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật; chủ động nắm tình hình, phát hiện, kiểm tra đảng viên và tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm; giải quyết kịp thời, xử lý dứt điểm đơn, thư tố cáo, khiếu nại, góp phần giữ vững và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng; tăng cường đoàn kết thống nhất, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị. (VTV.vn 27/9)Về đầu trang

Phú Yên: 17 quan chức, cán bộ vụ lộ đề thi công chức lãnh án

Chiều 26-9, sau hai ngày xét xử, TAND tỉnh Phú Yên tuyên án vụ cố ý làm lộ bí mật nhà nước xảy ra tại kỳ thi tuyển công chức năm 2017-2018 ở tỉnh này. Trong 18 bị cáo bị phạt tù, có đến 17 người là lãnh đạo, cán bộ các sở, ngành ở Phú Yên khi xảy ra vụ án (chức vụ của các bị cáo được nêu dưới đây đều ở thời điểm phạm tội).

Theo đó, tòa phạt Phạm Văn Dũng, Phó giám đốc Sở Nội vụ, hai năm tù tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước. Bị cáo Lê Tuấn, Trưởng phòng Tổ chức- công chức- viên chức (TC-CC-CV) Sở Nội vụ bị phạt hai năm tù tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước, một năm sáu tháng tù tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; tổng hợp hình phạt là ba năm sáu tháng tù.

Bị cáo Vũ Thị Thái Hòa, chuyên viên phòng TC-CC-VC Sở Nội vụ, bốn năm tù tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bốn năm sáu tháng tù tội chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước; tổng hợp hình phạt tám năm sáu tháng tù.

Bị cáo Nguyễn Ngọc Kim, nhân viên Văn phòng UBND tỉnh Phú Yên bị phạt một năm ba tháng tù tội chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước, được miễn trách nhiệm hình sự tội đưa hối lộ.

Ba bị cáo bị phạt hai năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ gồm Trần Văn Nhiên, Phó phòng TC-CC-VC Sở Nội vụ; Bùi Văn Nam, Phó phòng Cải cách hành chính Sở Nội vụ; Nguyễn Minh Phát, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và thú y Phú Yên.

Ba bị cáo bị phạt một năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ gồm Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Phó phòng Hành chính và bổ trợ- Sở Tư pháp; Đặng Thanh Hải, Phó chánh Văn phòng Thanh tra tỉnh; Nguyễn Thông Minh Tuấn, Chánh Văn phòng Sở LĐ-TB&XH.

Bảy bị cáo bị phạt chín tháng tù cho hưởng án treo về tội ợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ gồm Phạm Kỳ Ngân, Chánh Văn phòng Sở Y tế; Lê Công Hướng, Trưởng phòng Tổng hợp quy hoạch- Sở Kế hoạch và đầu tư; Trần Doãn Xuân, Phó giám đốc Sở VH-TT&DL; Trần Quốc Vũ, Trưởng phòng Hành chính quản trị Văn phòng UBND tỉnh; Lê Thị Kim Huê, Phó chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm- Sở Y tế; Trần Thanh Sơn, Phó phòng Quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên Chi cục Kiểm lâm; Trần Trung Trực, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường- Sở TN&MT.

Bị cáo Đặng Thị Quế (ngụ thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân, Phú Yên, vợ bị cáo Phạm Văn Dũng) bị phạt một năm ba tháng tù cho hưởng án treo về tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi.

Bản án sơ thẩm xác định: Trong kỳ thi tuyển công chức năm 2017-2018 tỉnh Phú Yên, Phạm Văn Dũng, Phó giám đốc Sở Nội vụ, Phó chủ tịch Hội đồng thi, Trưởng ban ra đề thi và Lê Tuấn, Trưởng phòng Tổ chức- công chức- viên chức (TC-CC-CV) Sở Nội vụ, ủy viên kiêm thư ký Hội đồng thi, ủy viên Ban ra đề thi, Trưởng ban phách đã có hành vi cố ý làm lộ bí mật nhà nước.

Cụ thể, Dũng và Tuấn đã trưng tập Vũ Thị Thái Hòa, Trần Thị Diệu, Huỳnh Thị Thu Phượng (không phải là ủy viên ban ra đề thi) tham gia đọc, hoàn chỉnh bộ đề thi rút gọn của các nhóm ngành là tài liệu bí mật nhà nước độ tối mật.

Vũ Thị Thái Hòa đã chép dữ liệu các bộ đề thi rút gọn từ USB do Lê Tuấn đưa để gửi cho Nguyễn Ngọc Kim, nhân viên hợp đồng Văn phòng UBND tỉnh Phú Yên bộ năm đề thi nhóm ngành Thanh tra và bộ năm đề thi nhóm ngành Hành chính văn phòng để Kim sử dụng thi.

Hòa bảo Kim đưa tiền cho Hòa để nhờ Lê Tuấn, Trần Văn Nhiên, Phó phòng TC-CC-VC giúp đỡ Kim trong kỳ thi. Sau đó, Kim đã đưa cho Hòa 120 triệu đồng và Hòa tiêu xài cá nhân.

Trong quá trình chấm thi, nhiều cán bộ là ủy viên ban chấm thi vì động cơ cá nhân đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn tác động, nâng, hạ điểm 29 bài thi. Nhiều cán bộ đã trực tiếp chỉnh sửa, đánh tráo bài thi, tác động các giám khảo khác nâng, hạ, sửa điểm bài thi của các thí sinh.

Riêng Lê Tuấn đã gọi thí sinh Hồ Văn Pin đến nhà riêng, hướng dẫn làm lại bài thi môn viết chuyên ngành rồi tác động hai giám khảo chấm điểm lại.

Còn Đặng Thị Quế lợi dụng ảnh hưởng của chồng là Phạm Văn Dũng, Phó giám đốc Sở Nội vụ, nhận tiền, quà tổng cộng hơn 27 triệu đồng của một thí sinh để tác động chồng giúp đỡ thí sinh này trúng tuyển kỳ thi.

Trong suốt quá trình xét xử tại phiên tòa, bị cáo Vũ Thị Thái Hòa luôn cho rằng mình bị khởi tố, truy tố, xét xử oan. Hòa một mực cho rằng mình không phạm bất cứ tội gì. Hòa nói không nhớ được phân công nhiệm vụ gì vì thời điểm đó Hòa đang đi học cao học ở Đắk Lắk; không lấy bất cứ tài liệu gì liên quan kỳ thi. Học nói mình không lừa đảo, chiếm đoat tiền của Nguyễn Ngọc Kim mà chỉ mượn rồi trả lại do Hòa và Kim cùng đi học cao học.

Tuy nhiên, HĐXX cho rằng có đủ chứng cứ chứng minh Hòa phạm tội chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. (Plo.vn 27/9, Tấn Lộc) Về đầu trang

THẾ GIỚI

COVID-19 làm giảm tuổi thọ trung bình tại nhiều nước

Đại dịch COVID-19 đã khiến tuổi thọ trung bình của người dân trong năm 2020 giảm mạnh nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Đây là kết quả nghiên cứu của Đại học Oxford, Anh được công bố ngày hôm nay.

Theo nghiên cứu trên, tuổi thọ trung bình của người dân tại 22/29 quốc gia khảo sát trong năm 2020 giảm hơn 6 tháng so với năm 2019. Đáng chú ý, ở hầu hết các nước khảo sát, tuổi thọ trung bình của nam giới giảm tới hơn hai năm.

Tại Mỹ, tỷ lệ tử vong chủ yếu tăng ở những người trong độ tuổi lao động và dưới 60 tuổi. Trong khi đó, tại châu Âu, tỷ lệ tử vong tăng cao chủ yếu là ở nhóm người trên 60 tuổi. Nghiên cứu nêu rõ việc tuổi thọ trung bình giảm có thể liên quan đến các ca tử vong do COVID-19.

Kể từ khi bùng phát, COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của gần 5 triệu người trên thế giới. (VTV.vn 27/9)Về đầu trang

Trung Quốc tiếp tục cải cách kế hoạch hóa gia đình

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm qua đã ký sắc lệnh hành pháp về việc hủy bỏ quy định hành chính liên quan đến chính sách sinh con, qua đó tiếp tục thúc đẩy việc sửa đổi vấn đề kế hoạch hóa gia đình.

Thông báo Quốc vụ viện Trung Quốc cho biết những quy định bị hủy bỏ bao gồm quy định dịch vụ công nghệ cho kế hoạch hóa gia đình, quy định xử phạt những đôi vợ chồng vi phạm luật kế hoạch hóa gia đình cũng như quy định kế hoạch hóa gia đình liên quan đến người nhập cư, qua đó cho phép nhóm đối tượng này được tiếp cận bình đẳng với những dịch vụ công cơ bản liên quan.

 

Hồi tháng 8 vừa qua, Trung Quốc đã thông qua luật cho phép sinh con thứ 3 trong bối cảnh nước này hiện đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học nghiêm trọng, khi dân số già nhanh và lực lượng lao động ngày càng thu hẹp. (TTXVN 26/9)Về đầu trang ./.

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Các tin khác