Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 27-9-2021

8:43, Thứ Ba, 28-9-2021

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Tải file tại đây

THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN DỊCH COVID-19. 1

  1. Thủ tướng: Cần tìm giải pháp vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. 1
  2. Thủ tướng và những cuộc điện thoại lúc nửa đêm.. 2
  3. Thêm nhiều tín hiệu vui về phòng, chống dịch Covid-19 trên toàn quốc. 3
  4. TPHCM: Sẽ đến lúc dân ra đường không cần trình tờ giấy xét nghiệm.. 4
  5. Chủ tịch Đồng Nai: Có thông tin thu tiền tiêm vaccine ngừa COVID.. 6
  6. Kiên Giang quyết tâm 30/9 kiểm soát được dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng. 6

TIN QUỐC HỘI 8

  1. Hai phiên họp khẩn của Chủ tịch Quốc hội và những nghị quyết chưa có tiền lệ. 8

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 9

  1. Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp. 9
  2. Bộ KH&ĐT: Cần sớm ban hành hướng dẫn lộ trình trở lại trạng thái "bình thường mới"  10
  3. VCCI: Doanh nghiệp chỉ có thể cầm cự thêm vài tháng nữa. 11
  4. Việt Nam sẽ không để đại dịch kìm chân. 13
  5. Tám hiệp hội kiến nghị cụ thể hóa quy định “sống chung với COVID-19”. 14
  6. TP.HCM kiến nghị Thủ tướng được áp dụng quy định riêng khi mở cửa nền kinh tế. 15

PHÂN TÍCH - BÌNH LUẬN.. 16

  1. Chấm dứt ban hành văn bản trái pháp luật! 16

QUẢN LÝ.. 17

  1. Người lao động được hỗ trợ cao nhất 3,3 triệu đồng từ 30.000 tỷ đồng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. 17
  2. Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương phát triển nhà ở công nhân. 19
  3. TP.HCM: Chi hỗ trợ đợt 3 cho 7,3 triệu dân từ 1-10, thực hiện qua app. 20

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 21

  1. Quảng Ngãi loay hoay xử lý hụt thu ngân sách. 21

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 22

  1. Ông Nguyễn Đức Chung chỉ đạo miệng mua chế phẩm qua công ty gia đình. 22
  2. Vì sao 3 cán bộ Sở Văn hóa Lào Cai bị khởi tố?. 24

 

THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN DỊCH COVID-19

Thủ tướng: Cần tìm giải pháp vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế

Sáng 26/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19. Hơn 1.200 doanh nghiệp, hiệp hội, hợp tác xã dự hội nghị tại 63 điểm cầu trực tuyến.

Tại hội nghị, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp đánh giá cao sự quan tâm, đồng hành và những chỉ đạo, giải pháp, chính sách mà Chính phủ và các bộ, ngành đã triển khai như việc nhanh chóng ban hành nhiều Nghị quyết, Nghị định nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động, người dân.

Từ khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát đến nay, Thủ tướng đã có 5 lần gặp mặt, mặt làm việc với cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tuy nhiên, những tháng qua, do dịch bệnh phức tạp, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng trên nhiều khía cạnh như duy trì lực lượng lao động, giữ ổn định chuỗi giá trị và đảm bảo khả năng tăng trưởng doanh thu.

Các doanh nghiệp, hiệp hội đã đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương nhiều vấn đề vướng mắc: như kiểm soát giao thông, lưu thông hàng hóa thông suốt, tiêm vaccine, nhập cảnh của chuyên gia; về cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, chi phí tiền điện, thuế, phí, tiếp cận nguồn lực; đề nghị nhất quán trong thực thi triển khai các quy định, chính sách phòng, chống dịch trên toàn quốc...

Phát biểu tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo, Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao và gửi lời cảm ơn cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong suốt gần 2 năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng đã chia sẻ và chung sức, đồng lòng cùng Đảng, Nhà nước, nhân dân phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng và sẽ sớm ban hành Hướng dẫn tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, xây dựng dự án luật sửa đổi, bổ sung nhiều luật để tiếp tục tháo gỡ các khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.

Thủ tướng cho rằng, một cuộc trao đổi hay ngày một ngày hai không thể giải quyết được hết các vấn đề vướng mắc, vì vậy, dựa trên kinh nghiệm trong phòng chống dịch 2 năm qua, kinh nghiệm quốc tế, cần tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, lắng nghe ý kiến của nhau, chung tay tìm ra những giải pháp vừa chống dịch tốt, vừa khôi phục, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Sau khi lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội, Thủ tướng đã chỉ đạo lãnh đạo các bộ, ngành trả lời, giải đáp một số kiến nghị, đề xuất. (VTV.vn 26/9)Về đầu trang

Thủ tướng và những cuộc điện thoại lúc nửa đêm

23h, tức là chỉ 1 tiếng trước khi Hà Nam thực hiện phong toả, Thủ tướng gọi điện trực tiếp cho lãnh đạo tỉnh. Cũng ngay trong đêm, Hà Nam họp khẩn, cuối cùng đưa ra quyết định chỉ giãn cách một số điểm.

 

Cuộc điện thoại lúc nửa đêm của Thủ tướng ngay trước thời điểm Hà Nam giãn cách xã hội được chính Chủ tịch UBND tỉnh Trương Quốc Huy kể lại.

Trong cuộc điện thoại 1 tiếng trước giờ giãn cách ấy, Thủ tướng đã đặt câu hỏi: Phủ Lý có gần 200 ngàn dân, hơn 250 ngàn công nhân, tỉnh có đủ nguồn lực để giãn cách kéo dài, bảo đảm an sinh xã hội cho gần 500 ngàn người trong 2 tuần không?

Tỉnh, ngay sau đó họp khẩn cấp để từ toàn bộ TP. Phủ Lý với khoảng 180.000 dân dự kiến giãn cách xã hội, cuối cùng, chỉ giãn cách một số điểm. Chẳng hạn có phường 12.000 dân chỉ thực hiện phong toả một ngõ 36 hộ dân, 100 nhân khẩu.

Câu chuyện, được chính Hà Nam coi như một kinh nghiệm. Kinh nghiệm, về khoanh vùng hẹp nhất có thể, vừa giúp không mất quá nhiều nguồn lực cho việc phong toả, vừa không ảnh hưởng quá nhiều đến sản xuất kinh doanh và cuộc sống của người dân.

Có một chi tiết trong cuộc điện thoại ấy là Thủ tướng nắm rất rõ, rất sát: Ca bệnh đầu tiên ở Hà Nam được phát hiện là từ số những người đã cách ly 14 ngày. Và từ sự sâu sát ấy, và từ sự quan tâm, chỉ đạo ngay trước “giờ G” ấy, chỉ vài trăm người bị giãn cách, thay vì hàng trăm ngàn.

Còn nhớ vào đêm 14.9, Thủ tướng cũng gọi điện trực tiếp cho ông Phan Văn Tường, Bí thư thị trấn Long Bình, An Phú, An Giang để kiểm tra việc chống dịch ở “vùng đỏ”.

Khi nghe tình hình “rất thật” về 2 khu dân cư nghèo chật chội, 2.700 dân đang bị phong tỏa với mật độ dày đặc đến mức có những ngôi nhà chưa được 20m2 nhưng có 5-6 người ở, Thủ tướng đã yêu cầu phải sớm giãn dân ra khỏi khu vực này; thành lập trạm y tế lưu động và đẩy mạnh tầm soát cộng đồng.

Hôm qua, người đứng đầu Chính phủ phát biểu một câu thấm thía: “Không phải cứ lập rào cản là chống được dịch. Lập rào cản mà người dân không có ý thức thì các đồng chí có thể gác 24/24 giờ không? Có thể làm được cả tuần, cả tháng, cả năm không?!”.

Những rào cản ý thức cần được tuyên truyền, vận động để “dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo, dân làm”. Nhưng cũng có những rào cản khác cần thay đổi: Rào cản trong tư duy của người chống dịch. Nó không thể là sự thụ động, cần cầm tay chỉ việc. Và cái rào cản ấy chỉ có thể thay đổi bằng những người quan tâm, sâu sát, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm... Chứ không thể mãi ngồi chờ một cú điện thoại mới chuyển biến. (Laodong.vn 26/9, Anh Đào)Về đầu trang

Thêm nhiều tín hiệu vui về phòng, chống dịch Covid-19 trên toàn quốc

Ngày 25/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 với 63 tỉnh, thành phố; 705 quận, huyện, thị xã; 10.400 xã, phường, thị trấn trên toàn quốc.

Tại cuộc họp, các ý kiến thống nhất đánh giá, tình hình dịch bệnh trên phạm vi cả nước đang tiếp tục được kiểm soát và có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là những địa bàn thực hiện tăng cường giãn cách.

Theo đó, số ca mắc và ca tử vong đều giảm đáng kể, là tín hiệu động viên cho những nỗ lực của tuyến đầu. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tuần qua ghi nhận 72.236 ca Covid-19, giảm 9,7% so với tuần trước đó. Số tử vong trong tuần giảm 12,1% so với tuần liền kề (riêng TP.HCM giảm 10,5%, Bình Dương giảm 12,6%, Đồng Nai giảm 15,4%, Long An giảm 15,8%).

1,05 triệu liều vắc xin Covid-19 Abdala do Cuba sản xuất đã được bàn giao cho Bộ Y tế ngay khi đoàn công tác của Chủ tịch nước xuống sân bay Nội Bài, minh chứng thêm kết quả tốt đẹp của ngoại giao vắc xin.

Chiều 24/9, doanh nghiệp Việt Nam chính thức công bố sản xuất thành công lô vắc xin phòng Covid-19 Sputnik V (Gam-COVID-Vac) đầu tiên tại Việt Nam.

Lô vắc xin này được Viện Nghiên cứu quốc gia về dịch tễ học và vi sinh vật Gamalaya, Liên bang Nga phân tích, thẩm định, đánh giá đáp ứng yêu cầu của tài liệu quy chuẩn. Dự kiến vắc xin Sputnik V do Việt Nam gia công sẽ được sử dụng trong Chương trình tiêm chủng toàn dân.

Các ứng dụng phòng chống dịch đã được thống nhất về 1 ứng dụng chung. Bộ Thông tin Truyền thông đề xuất với Ban chỉ đạo Quốc gia sẽ có một Kế hoạch truyền thông thống nhất toàn quốc.

Sáng 25/9, gần 100 cán bộ y tế của Hà Nội đã về hỗ trợ tỉnh Hà Nam trong công tác lấy mẫu xét nghiệm và tiêm chủng vắc xin trước những diễn biến phức tạp về dịch bệnh của tỉnh này. Theo kế hoạch, ngành y tế Hà Nội cử tổng số 302 cán bộ y tế trực thuộc 20 đơn vị y tế trong và ngoài công lập hỗ trợ Hà Nam chống dịch.

“Đây là tín hiệu vui không chỉ về tinh thần tương ái, đó còn là tín hiệu vui về nội lực của Hà Nội”, thông cáo báo chí cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 nêu rõ.

Một tiếng trước khi Hà Nam giãn cách TP Phủ Lý, Thủ tướng gọi điện cho lãnh đạo tỉnh, nói Phủ Lý gần 200.000 dân, cùng với 250.000 công nhân, tỉnh có đủ lực đảm bảo an sinh xã hội cho 450.000 người trong 2 tuần không.

Hà Nam đã điều chỉnh kịp thời, thay vì phải giãn cách 450.000 người đã khoanh vùng “thật gọn”, chỉ áp dụng giãn cách với vài trăm người.

Một tỉnh khác đang có nhiều kết quả khả quan trong chống dịch là Kiên Giang. Tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang, Đỗ Thanh Bình cho biết, sau khi Thủ tướng phê bình, trong 12 ngày qua, tỉnh đã khắc phục các hạn chế, xét nghiệm sàng lọc diện rộng, tập trung ở xã, phường, thị trấn nguy cơ cao và rất cao.

Dựa trên kết quả xét nghiệm tầm soát, tỉnh đã đánh giá mức độ nguy cơ và chuyển trạng thái chống dịch theo từng vùng. Biểu đồ dịch của Kiên Giang nửa tháng qua đi xuống dần, nhất là ca nhiễm cộng đồng giảm mạnh. Tỉnh đặt mục tiêu trở lại "bình thường mới" trước 30/9. (Vietnamnet.vn 26/9, Nguyễn Liên)Về đầu trang

TPHCM: Sẽ đến lúc dân ra đường không cần trình tờ giấy xét nghiệm

Các doanh nghiệp đề nghị sớm áp dụng cơ chế tự test, tự chịu trách nhiệm và đẩy kết quả lên dữ liệu online.

Một doanh nghiệp (DN) FDI đang sản xuất “3 tại chỗ” với 500 công nhân trên địa bàn TP.HCM cho biết, mỗi công nhân đang phải xét nghiệm tuần/lần với chi phí thấp nhất là 260.000 đồng/người. Như vậy, chi phí 1 tháng cho riêng việc xét nghiệm là khoảng 520 triệu đồng. Trong khi đó, công nhân tự test thì không có giá trị mà cần có xác nhận của cơ quan y tế nên DN phải mời đội ngũ y tế đến test. DN cũng không dám đưa người lao động đến cơ sở y tế, lo ngại việc tập trung đông người có thể nhiễm bệnh.

“Những phát sinh như vậy là quá cao. Công ty mẹ sẽ tính toán chi phí tại Việt Nam đã cao hơn chi phí cho một nước Đông Âu để cùng sản xuất ra một sản phẩm, điều này khiến lãnh đạo tập đoàn toàn cầu sẽ tính toán lại", lãnh đạo DN đặt câu hỏi.

Tại hội thảo trực tuyến “Kế hoạch phục hồi kinh tế TP.HCM trong giai đoạn bình thường mới” do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (Huba) tổ chức sáng 25/9. Nhiều DN cho rằng, kế hoạch phục hồi tới đây, bắt buộc phải có sự tính toán và thay đổi về phương thức xét nghiệm đang áp cho người lao động trong các cơ sở sản xuất.

Theo ông Phạm Văn Việt – Phó Chủ tịch Hội dệt may thêu đan TP.HCM, cần ban hanh hướng dẫn và chấp nhận kết quả xét nghiệm của các DN. Hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể trong khi các DN cứ tự test 7 ngày/lần. Cơ chế công nhận test cần rõ ràng để tránh việc người lao động khi ra ngoài phải xin thêm dấu của địa phương. Đồng thời, cơ quan nhà nước cần có sự can thiệp nhằm bình ổn chi phí dụng cụ xét nghiệm. Không thể để tình trạng hôm nay mua giá này, mai giá khác. Mua số lượng lớn sẽ rất tốn kém.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng & vật liệu xây dựng TP.HCM (Saca) – ông Đinh Hồng Kỳ nói, việc bắt DN xét nghiệm 2 -3 ngày/lần gây nhiều lãng phí, tốn kém.

Ông Chu Tiến Dũng – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM (Huba) chia sẻ, chi phí xét nghiệm đang trở thành gánh nặng quá lớn với DN. Cứ 3 ngày rồi 7 ngày test/lần thì chi phí rất lớn và DN không thể chịu nổi. Chủ tịch Huba đề xuất việc xét nghiệm chỉ hướng vào đối tượng cụ thể.

Liên quan đến công nhận xét nghiệm của người lao động trong các DN, PGS.TS. Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đưa ra giải pháp, tận dụng tổ y tế trong các đơn vị. Theo đó, tổ y tế này xác nhận kết quả xét nghiệm sau đó lãnh đạo DN ký, đóng dấu. Đây như một dạng chứng thư thể hiện việc DN xác nhận công nhân đã thực hiện test. Bên cạnh đó, việc thực hiện xét nghiệm trong thời gian tới đây sẽ chỉ tăng cường xét nghiệm khi có dấu hiệu lâm sàng.

Trên góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM – ông Bùi Tá Hoàng Vũ thông tin, thành phố đang theo hướng lấy shipper làm thí điểm, trao niềm tin cho người dân trong quá trình tự xét nghiệm, tự bảo vệ sức khỏe cho mình. Các bộ tiêu chí xây dựng đã có sự thay đổi rất lớn so với giai đoạn trước. DN phải tự làm, tự xét nghiệm và tự chịu trách nhiệm cho hoạt động xét nghiệm của mình. Cơ quan nhà nước hậu kiểm sau.

Theo ông Vũ, trong tương lai sẽ không còn loại giấy nào liên quan đến xét nghiệm nữa thay vào đó là thông tin được tích hợp trong ứng dụng TP đang triển khai. Vấn đề nhà chức trách TP quan tâm là cách ứng xử khi có ca F0 trong DN. Bởi, nếu cứ bóc tách, rào chắn lại khi có F0 thì DN thà không mở còn ít lỗ hơn.

“Nên chia nhỏ, tách nhỏ các dây chuyền sản xuất theo hướng độc lập tương đối. Dính ca F0 nào thì bóc tách dây chuyền đó. Thậm chí có DN khi xuất hiện F0 thì thực hiện “3 tại chỗ” luôn dây chuyền đó và gọi bác sỹ vào điều trị. Cuối cùng tất cả khỏe lại bình thường”, Giám đốc Sở chia sẻ.

Ngoài ra, tại hội thảo, đại diện Sở bày tỏ sự lo lắng về đối tượng trẻ em là con của đội ngũ công nhân. Dù người lao động đã được tiêm vắc xin, không trở nặng nhưng công nhân có thể mang virus về cho gia đình, lúc đó virus sẽ tấn công vào trẻ em. Đây là thiệt hại và là điều đau xót mà TP đang lo lắng, cân nhắc. (Vietnamnet.vn 26/9, Trần Chung)Về đầu trang

Chủ tịch Đồng Nai: Có thông tin thu tiền tiêm vaccine ngừa COVID

Chủ tịch tỉnh Đồng Nai khẳng định việc tiêm vaccine là phục vụ người dân, không được thu một đồng nào. Đó là yêu cầu của ông Cao Tiến Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai trong cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Đồng Nai vào chiều ngày 25-9.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, trong thời gian qua có thông tin về việc thu tiền của người dân khi tiêm vaccine. “Nếu có việc biến tưởng việc thu tiền phải chấm dứt ngay, việc tiêm vaccine là phục vụ người dân, không thu một đồng nào. Nếu có nữa chúng tôi cũng không để yên đâu" - ông Dũng nói.

Đồng thời, ông Dũng yêu cầu các địa phương chấn chỉnh lại toàn bộ hệ thống, từ ngành y tế đến các địa phương.

Còn Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, hiện nay các vi phạm về thực hiện kiểm soát dịch bệnh ở cơ sở, ở cộng đồng rất lớn lãnh đạo tỉnh không kiểm soát hết được vì vậy phải nhờ “tai mắt” người dân. Người dân có trách nhiệm để phát hiện sai phạm trong cộng đồng, trong cán bộ, trong người dân, trong cơ quan, trong các điểm nóng về vi phạm phòng chống COVID-19 và phản ánh kịp thời.

“Tôi đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo hình thành đường dây nóng xử lý vi phạm về phòng chống COVID-19 để khuyến khích người dân cung cấp thông tin” - ông Lĩnh nói.

Bí thư Tỉnh ủy còn yêu cầu lãnh đạo liên tục kiểm tra những tiêu cực sai phạm trong việc tiêm vaccine. Lãnh đạo không muốn xử lý những sai phạm thì cần phải ngăn ngừa, nhắc nhở để cán bộ làm cho tốt.

Ông Lĩnh cũng đề nghị, Đồng Nai tiếp tục thực hiện phủ kín mũi 1 cho toàn dân Đồng Nai trên 18 tuổi, những vùng xanh chưa phủ hết mũi 1 phải phủ hết. Sau khi hoàn thành phủ xong mũi 1, Đồng Nai tiếp tục phủ mũi 2... (Plo.vn 26/9, Vũ Hội)Về đầu trang

Kiên Giang quyết tâm 30/9 kiểm soát được dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng

Kế hoạch xét nghiệm diện rộng tầm soát F0 của Kiên Giang đã được kết quả rất khả quan. Tỉnh phấn đấu tới ngày 30/9, tình hình dịch trên địa bàn được kiểm soát tốt.

Nội dung được nêu trong kết luận tại cuộc họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành với các huyện, thành phố.

Theo báo cáo của ngành chức năng Kiên Giang, đến nay tỉnh đã có hơn 5.000 F0, trong đó hơn 2.700 người được điều trị khỏi. Tỉnh xét nghiệm sàng lọc 100% người dân trong vùng phong tỏa, vùng nguy cơ rất cao và nguy cơ cao tại 5 huyện, thành phố; sàng lọc 5-10% người dân trong vùng bình thường mới.

Qua xét nghiệm đã bóc tách hơn 100 F0 ra khỏi cộng đồng. Kiên Giang lập hơn 680 chốt kiểm soát phòng, chống dịch với gần 5.750 cán bộ, chiến sĩ tham gia. Tỉnh duy trì 432 tổ tuần tra lưu động với 864 cán bộ, chiến sĩ, qua đó phát hiện, nhắc nhở các trường hợp vi phạm quy định về giãn cách xã hội, xử phạt vi phạm hành chính hơn 4.770 trường hợp.

Ngoài ra, công an tỉnh đã khởi tố 9 vụ, 11 đối tượng về hành vi chống người thi hành công vụ trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Kiên Giang đã phê duyệt hỗ trợ các nhóm chính sách với tổng số 165.173 đối tượng.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành cho biết, sau một tuần triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt kế hoạch xét nghiệm diện rộng để tầm soát F0, đến nay tỉnh đã hoàn thành lộ trình đề ra và đạt được kết quả rất khả quan.

“Điều này khẳng định mục tiêu quyết tâm đến ngày 30/9, Kiên Giang cơ bản kiểm soát được dịch là rất khả thi”, ông Thành cho biết.

Để thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng, ông Thành yêu cầu 15 huyện, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch, đặc biệt không được lơ là, chủ quan. Tiếp tục tuyên truyền sâu, rộng cho người dân có ý thức phối hợp tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tiêm vắc xin toàn dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các đơn vị phải tổ chức đánh giá lại toàn bộ các khu phong tỏa, xem khu nào còn hạn, khu nào hết hạn phong tỏa. Phải phân công cán bộ theo dõi chặt chẽ để đánh giá, tham mưu dỡ phong tỏa, từng bước loại bỏ vùng nguy cơ, chuyển màu...

Đề nghị các địa phương thực hiện Chỉ thị 19 tiếp tục thực hiện xét nghiệm tầm soát 5-7 ngày/1 lần ở vùng nguy cơ cao và rất cao. “Tiếp tục duy trì xét nghiệm sàng lọc 5-10% dân số vùng xanh cho các địa bàn, đối tượng nguy cơ cao, bằng test nhanh”, ông Thành chỉ đạo.

Đối với 5 địa phương đang thực hiện tầm soát theo kế hoạch là TP Rạch Giá, TP Hà Tiên và các huyện Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành, đã thực hiện 3 lần trong 7 ngày, nơi nào có F0 tiếp tục thực hiện lần 2, 3 liên tiếp, nếu không còn F0 thì kết thúc, trở lại thực hiện 5-10% dân số của 5-7 ngày ở vùng nguy cao, rất cao. Ông Thành yêu cầu, các địa phương phải có báo cáo đánh giá toàn diện kết quả tầm soát để trung tâm Chỉ huy tỉnh đánh giá, xem xét, đảm bảo sau ngày 26/9 phải ra được Chỉ thị 19 (TP Phú Quốc có chỉ đạo riêng). Chủ tịch UBND Kiên Giang khẳng định đây là trách nhiệm của tỉnh với Thủ tướng Chính phủ.

Ông Thành cho rằng, vừa qua việc tiêm vắc xin của một số địa phương chưa đảm bảo an toàn, phải khắc phục ngay. Kế hoạch tiêm đợt 5 của Kiên Giang với hơn 400.000 liều vắc xin.

Các địa phương phải xây dựng kế hoạch, trong đó trả mũi 2 và tiêm mũi 1, phải tính đối tượng, nguồn nhân lực, thực hiện nhanh, rút ngắn thời gian nhưng phải đảm bảo an toàn.

Ông Lâm Minh Thành cho biết, thời gian công tác an sinh xã hội chỉ tập trung cho người lớn mà chưa quan tâm đến trẻ em, chưa tìm hiểu sâu vào những gia đình khó khăn. “Thực hiện chính sách an sinh xã hội là việc làm lâu dài, vì vậy phải đi sâu tìm hiểu đời sống người dân, nhất là gia đình có trẻ em và người già, người bệnh để kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ, động viên”, ông Thành nói và đề nghị UB MTTQ Việt Nam các cấp quan tâm, động viên, hỗ trợ kịp thời.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, nhiệm vụ từ nay đến ngày 30/9 còn nhiều khó khăn nặng nề, vì vậy ông đề nghị các ngành, địa phương, nhất là vai trò người đứng đầu phải cố gắng chia sẻ trách nhiệm, quyết tâm thực hiện hoàn thành nhiệm vụ theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Người đứng đầu chính quyền tỉnh Kiên Giang kêu gọi mọi người dân cố gắng vượt qua khó khăn, thể hiện tinh thần mỗi người dân là một chiến sĩ, chấp hành tốt các biện pháp phòng, chống dịch, để Kiên Giang sớm trở lại cuộc sống bình thường trong thời gian tới. (Vietnamnet.vn 26/9, Thiện Chí)Về đầu trang

TIN QUỐC HỘI

Hai phiên họp khẩn của Chủ tịch Quốc hội và những nghị quyết chưa có tiền lệ

Chưa đầy 2 tháng, Chủ tịch Quốc hội đã triệu tập 2 phiên họp khẩn của Thường vụ để đưa ra những nghị quyết chưa có tiền lệ trong phòng chống dịch.

Chiều 24/9, Chủ tịch Quốc hội chủ trì phiên họp bất thường của Ủy ban Thường vụ cho ý kiến về việc ban hành chính sách hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp với người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Đây là lần thứ 2 trong vòng chưa đầy 2 tháng, ông Vương Đình Huệ triệu tập Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp khẩn để đưa ra những chính sách chưa từng có liên quan đến phòng chống dịch.

Cách đây vài ngày, Thường vụ đã thông qua nghị quyết ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19; Nghị quyết cho phép bổ sung 14.620 tỷ đồng từ nguồn cắt giảm chi ngân sách nhà nước năm 2021 để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch. Ông cho biết, thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách đặc thù, đặc biệt, khác với quy định của luật hiện hành, tập trung vào việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do COVID-19.

Ngay sau đó, Tổ công tác của Ủy ban Thường vụ đã làm việc với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để xem xét, thảo luận về các đề xuất của Chính phủ về ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Tiếp đó, Đảng đoàn Quốc hội đã có báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị về vấn đề này và Ủy ban Thường vụ họp bất thường để xem xét ban hành chính sách hỗ trợ nhanh nhất, kịp thời nhất và hiệu quả nhất đối với doanh nghiệp, người lao động.

Cuối giờ chiều cùng ngày, nghị quyết 03 ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đã ra đời.

Ngay sau đó, Chính phủ cũng ban hành nghị quyết số 116 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19 cũng từ Quỹ này.

Theo đó, người lao động thất nghiệp do COVID-19 được hưởng từ 1,8 - 3,3 triệu đồng tùy thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trong gói 30.000 tỷ đồng kết dư Quỹ.

Còn người sử dụng lao động được giảm mức đóng từ 1% xuống 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Còn nhớ cách đây gần 2 tháng, 4h30 chiều 6/8, Chủ tịch Quốc hội đã triệu tập Ủy ban Thường vụ họp bất thường cho ý kiến 4 quy định ngoài luật trong dự thảo nghị quyết của Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.

Cuộc họp diễn ra ngắn gọn và đi thẳng vào những vấn đề cấp bách như thực tiễn đặt ra. Chưa đầy 2 tiếng đồng hồ, các ủy viên Thường vụ đã đi đến thống nhất với 4 nội dung ngoài luật Chính phủ xin ý kiến.

Ngay tối cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành nghị quyết 268 của Ủy ban Thường vụ về việc cho phép Chính phủ ban hành nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch.

Ngay sau đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành nghị quyết 86 về các giải pháp cấp bách phòng, chống COVID-19 để thực hiện nghị quyết số 30 ngày 28/7 của Quốc hội khóa 15 với hàng loạt giải pháp cấp bách; các cơ chế, chính sách đặc thù trong phòng chống dịch.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, những phiên họp khẩn, những nghị quyết chưa có tiền lệ ra đời bất kể ngày đêm là động thái rất mạnh mẽ, quyết liệt của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đáp ứng yêu cầu "chống dịch như chống giặc". Đó cũng chính là tinh thần đổi mới của một quốc hội hành động, luôn đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân lên trên hết và trước hết. (VTV.vn 26/9)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp

Sáng 26/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19.

Dự hội nghị tại Trụ sở Chính phủ cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính còn có các Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các tổ chức, các thành phần kinh tế, doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp.

Dự hội nghị tại đầu cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có Bí thư tỉnh Ủy, thành Ủy; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố; lãnh đạo các sở, ban, ngành, tổ chức và 1.200 đại biểu đại diện doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp tại các địa phương.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, từ đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 tới nay, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cuộc gặp với cộng đồng doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp có yêu cầu, đề xuất gì, Chính phủ cố gắng đáp ứng trong điều kiện tốt nhất có thể.

Nhấn mạnh quan điểm hài hoà lợi ích, chia sẻ rủi ro, Thủ tướng cũng khẳng định, không vì khó khăn mà chúng ta bi quan, hoang mang, lo sợ. Tình hình càng khó khăn, phức tạp, càng phải đoàn kết, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của nhau, lấy khó khăn, thách thức làm động lực vươn lên, khẳng định mình, đưa đất nước phát triển và lấy khó khăn để thực hiện sự thay đổi, như chuyển đổi số.

“Sau một thời gian phòng chống dịch hết sức quyết liệt, quyết tâm, với sự thay đổi chiến lược, nhờ đó chúng ta đang từng bước kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đặc biệt tại những nơi tâm dịch như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… Chúng ta làm được điều này chính là nhờ đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó có sự đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp”, Thủ tướng cho biết.

Thời gian tới, Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng kịch bản thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh COVID-19, xây dựng dự án luật sửa đổi, bổ sung nhiều luật để tiếp tục tháo gỡ các khó khăn trong sản xuất, kinh doanh…

Hội nghị hôm nay tập trung thảo luận về những giải pháp tốt để tìm cách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch bệnh, để vừa chống dịch hiệu quả, thành công, vừa khôi phục và phát triển kinh tế.

“Nếu chúng ta chỉ tập trung chống dịch thì chúng ta hết nguồn lực; ngược lại, chỉ tập trung phát triển kinh tế, không có giải pháp chống dịch thì chúng ta không bảo vệ được sức khỏe của nhân dân”, Thủ tướng nhấn mạnh. (VTV.vn 26/9)Về đầu trang

Bộ KH&ĐT: Cần sớm ban hành hướng dẫn lộ trình trở lại trạng thái "bình thường mới"

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết thời gian qua các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao, góp phần giảm bớt những khó khăn đang phải gánh chịu.

Tuy nhiên theo ông Dũng việc triển khai của một số chính sách còn khá cứng nhắc, thiếu thống nhất ở một số địa phương, gây khó khăn cho đối tượng hỗ trợ. Tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận được với một số chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng, cho vay ưu đãi còn thấp do thủ tục còn phức tạp, một số điều kiện chưa phù hợp.

“Đặc biệt, vấn đề các doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị nhiều nhất là việc khẩn trương có hướng dẫn áp dụng các điều kiện tổ chức sản xuất an toàn trong tình hình mới và kế hoạch mở cửa của các địa phương để doanh nghiệp có thể chủ động phương án sản xuất kinh doanh”, ông Dũng phản ánh.

Trên quan điểm của sống chung lâu dài với dịch bệnh, để có thể vừa phòng chống dịch đi đôi với phục hồi, phát triển kinh tế, theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng Bộ Y tế cần khẩn trương ban hành hướng dẫn lộ trình trở lại trạng thái "bình thường mới" và triển khai các hoạt động kinh tế, xã hội đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

“Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tổ chức sản xuất kinh doanh sớm nhất trong điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Trong đó, cần có hướng dẫn cụ thể điều kiện tổ chức sản xuất an toàn trong tình hình mới để các địa phương và doanh nghiệp áp dụng trong thực tế”, ông Dũng nêu quan điểm.

Liên quan đến hướng dẫn lộ trình trở lại trạng thái "bình thường mới", Bộ KH&ĐT đã tổng hợp những kiến nghị của doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp về các biện pháp y tế và hệ quả nhằm bảo đảm khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đề xuất hướng dẫn lộ trình trở lại trạng thái "bình thường mới", trong bài phát biểu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của các Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Cùng với đa là rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư các bộ, ngành và địa phương.

Riêng với cộng đồng doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng thời điểm hiện tại cần quan tâm đến việc giữ chân người lao động, sắp xếp, cơ cấu lại lao động hợp lý. Ngoài ra, quan tâm hơn đến phục vụ người dân và nhu cầu trong nước; mở rộng thị trường, tiến tới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu….

“Chúng ta cần lưu ý, trong khủng hoảng, công nghệ, thiết bị thường rẻ hơn rất nhiều so với thời điểm thông thường, đây chính là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam”, ông Dũng gợi ý. (VTV.vn 26/9)Về đầu trang

VCCI: Doanh nghiệp chỉ có thể cầm cự thêm vài tháng nữa

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công nhấn mạnh sự khó khăn của các doanh nghiệp trước tác động của COVID-19.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với cộng động doanh nghiệp, diễn ra vào sáng 26/9, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết chỉ trong 8 tháng đầu năm nay, đã có trên 85.000 doanh nghiệp, tức trên 10% số doanh nghiệp cả nước rút khỏi thị trường. Như vậy trung bình mỗi tháng trên 10.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ông Công, với việc giãn cách xã hội kéo dài tại nhiều tỉnh thành trong 4 tháng qua đã tác động tiêu cực đến tất cả các thành phần kinh tế, các ngành nghề đều bị ảnh hưởng tiêu cực. Trong đó nghiêm trọng nhất là các lĩnh vực du lịch, chế biến thuỷ sản, giao thông vận tải.

“Với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản, hiện nay tại các tỉnh thành phía Nam chỉ có khoảng 30% số doanh nghiệp còn hoạt động nhờ đảm bảo được điều kiện “3 tại chỗ”, nhưng cũng vô cùng khó khăn vì chi phí tăng vọt và chỉ có thể huy động 30-50% số lao động, công suất giảm chỉ còn 40-50%.

Với các doanh nghiệp ngành gỗ, đã có trên 50% số doanh nghiệp ngành này tại khu vực Đông Nam Bộ dừng sản xuất và đang đối diện nguy cơ phá sản…”, ông Công thông tin.

Theo Chủ tịch VCCI, về lao động, trung bình có 90,8% doanh nghiệp đã giảm quy mô lao động trong thời kỳ diễn ra dịch bệnh. Như vậy, cứ khoảng 10 doanh nghiệp thì có 9 doanh nghiệp phải chấp nhận cho người lao động thôi việc do hoạt động sản xuất kinh doanh kém khả quan trong thời gian dịch bệnh bùng phát.

Tình trạng người lao động mất việc làm do ảnh hưởng từ dịch bệnh phổ biến nhất ở các tỉnh Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh duyên hải miền Trung với lần lượt 95%, 93% và 92% doanh nghiệp đang hoạt động ở các vùng này báo cáo phải cho người lao động thôi việc.

Chủ tịch VCCI cho biết theo khảo sát về sức chịu đựng của doanh nghiệp, một doanh nghiệp điển hình chỉ có thể cầm cự thêm tối đa 6 tháng. Trong đó thấp nhất là lĩnh vực nông lâm, thủy sản (trung bình 4,7 tháng), thông tin truyền thông (4,9 tháng) và xây dựng (5,3 tháng).

“Các khó khăn, vướng mắc cho các DN trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 là vô cùng nhiều, vô cùng lớn”, ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh.

Cũng trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho rằng đợt bùng dịch thứ 4 tại Việt Nam diễn biến phức tạp, hiện đã ngấm sâu, lan rộng và không thể trở về trạng thái “Zero Covid”, do đó nếu giãn cách xã hội mãi thì các doanh nghiệp sẽ sụp đổ.

“Tình hình đã thay đổi, chúng ta cần có tư duy duy mới, quan điểm mới, chiến lược mới, cách làm mới về chống dịch”, ông Công nêu quan điểm.

Trên quan điểm sống chung với dịch bệnh, Chủ tịch VCCI đề xuất 2 chủ trương mới.

Thứ nhất, theo ông Công cần nhìn nhận các doanh nghiệp là một chủ thể trong ứng phó COVID-19, từ đó tin tưởng giao quyền và trang bị, nâng cao năng lực y tế tại chỗ cho các doanh nghiệp.

“Trong cuộc chiến lâu dài chống COVID-19, chúng ta cần công nhận và cho doanh nghiệp chủ động tự xét nghiệm, tự điều trị các ca F0 nhẹ tuỳ theo khả năng, điều kiện của doanh nghiệp, Nhà nước chỉ cần hỗ trợ, hướng dẫn và ban hành các quy định, chính sách phù hợp”, ông Công đề xuất.

Thứ hai, ông Công nhấn mạnh mặt trận kinh tế vững chắc là nền tảng cho chiến thắng trên mặt trận y tế, do vậy cần có chủ trương kiên quyết bảo vệ, hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn của doanh nghiệp trong điều kiện sống chung với dịch. Để làm được điều này cần có chủ trương, nhận thức và quyết tâm thống nhất trong toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Theo Chủ tịch VCCI, để triển khai công tác phòng chống dịch đi đôi với phục hồi, phát triển kinh tế trong điều kiện “bình thường mới”, cộng đồng doanh nghiệp nhất trí cao với 6 nguyên tắc mà Thủ tướng đã nêu trong Kết luận cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 ngày 23/9/2021.

Đồng thời, ông Công nhấn mạnh nguyên tắc số 5 và 6, đó là thứ nhất, vaccine, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là điều kiện tiên quyết.

“Nói ngắn gọn, vaccine là chìa khoá, việc mở cửa kinh tế phải đồng bộ với độ phủ về vaccine. Thứ hai, sản xuất phải an toàn. Kinh nghiệm thế giới cho thấy việc mở cửa lại nền kinh tế nếu không tuân thủ 2 nguyên tắc này, thì hậu quả là khó lường”, Chủ tịch VCCI nhận định. (VTV.vn 26/9)Về đầu trang

Việt Nam sẽ không để đại dịch kìm chân

Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: "Việt Nam sẽ không để đại dịch kìm chân. Virus sẽ không thể buộc Việt Nam phải đóng cửa nền kinh tế".

Tại hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19 được tổ chức sáng ngày 26/9, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, hội nghị hôm nay sẽ gửi thông điệp tới toàn thể người dân cùng cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước rằng: "Việt Nam sẽ không để đại dịch kìm chân. Virus sẽ không thể buộc Việt Nam phải đóng cửa nền kinh tế, Việt Nam đã, đang và sẽ là điểm đến hàng đầu của các nhà đầu tư".

Tổng hợp những kiến nghị, đề xuất từ cộng đồng doanh nghiệp và sự phản ánh từ thực tiễn phòng, chống dịch của nhiều địa phương trên cả nước, ông Lộc cho rằng, việc điều chỉnh chiến lược chống dịch từ không COVID-19 sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID hay theo cách nói của thế giới là "sống chung với COVID-19" là rất đúng đắn, kịp thời. Cùng với đó, sự quyết đoán của Thủ tướng Chính phủ trong việc điều chỉnh chiến lược vaccine; gia tăng nguồn cung và đẩy mạnh tốc độ tiêm; tiêm đúng, tiêm trúng các nhóm đối tượng ưu tiên nhất… đã mang lại những kết quả khích lệ và các chỉ số đều thể hiện xu hướng rất tích cực trong những tuần gần đây.

Đây cũng là cơ sở vững chắc để Chính phủ quyết định khởi động quy trình nới lỏng giãn cách, khôi phục lại các hoạt động sản xuất kinh doanh đã bị ngưng trệ kéo dài, đặc biệt ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Đây chính là "thời gian vàng" để giải cứu doanh nghiệp. Sức chống chịu của các doanh nghiệp, nền kinh tế đang tiến tới ngưỡng giới hạn và mở cửa là "cỗ máy trợ thở" lớn nhất cho các doanh nghiệp.

"Mở cửa chậm hơn là chúng ta sẽ phải trả giá đắt hơn rất nhiều và khi các doanh nghiệp đã quá kiệt quệ, phải ra đi sẽ khó bề trở lại; các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ chuyển hướng đầu tư", ông Lộc khẳng định.

Tuy nhiên, theo ông Lộc, mở cửa không có nghĩa là chủ quan, mất an toàn. Ngược lại, chính vì đã an toàn và có cơ sở để duy trì, nâng cao hơn nữa sự an toàn này nên cần đặt ra vấn đề mở cửa. Việc Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì phối hợp với các bộ, ngành và cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia soạn thảo "Hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" chính là để bảo đảm an toàn, vì có an toàn mới mở cửa nền kinh tế và các hoạt động dân sinh. Đây cũng có thể coi là cẩm nang sống chung an toàn với dịch và việc tổ chức thực hiện cần khẩn trương, nhất quán ở tất cả các ngành, địa phương và các cấp chính quyền.

Ông Lộc cũng khuyến nghị, quá trình thực hiện cần tuyệt đối không "đẻ thêm" các giấy phép con, điều kiện kinh doanh mới, không cho phép có bất cứ các quy trình phê duyệt, cấp phép nào. Trách nhiệm của các bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp là gương mẫu tuân thủ và phổ biến, quán triệt hướng dẫn này đến người dân và doanh nghiệp, hỗ trợ nâng cao năng lực tuân thủ cho họ, chứ không phải đặt ra quy trình phê duyệt, cấp phép, xin - cho đối với các phương án tuân thủ của người dân và doanh nghiệp.

VCCI và cộng đồng doanh nghiệp đều đánh giá rất cao việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh. Mặc dù các chính sách đưa ra thể hiện rõ quan điểm, định hướng và mang ý nghĩa bao trùm, tổng thể, nhưng chưa đề cập tới các giải pháp cụ thể để triển khai trong thực tế.

Ông Lộc cho biết thêm, qua tổng hợp ý kiến và phản ánh từ đa số doanh nghiệp trong nhiều ngành, lĩnh vực, việc tiếp cận Nghị quyết 105/NQ-CP cũng như nhiều gói giải pháp khác đã ban hành còn rất nhiều khó khăn do các tiêu chí còn cao, quy trình, thủ tục còn phức tạp.

Để hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng chuyển sang trạng thái kinh doanh an toàn, sống chung với COVID-19, thực hiện mục tiêu kép, ông Lộc kiến nghị bổ sung thêm các lực lượng kinh tế tham gia vào Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19và đổi tên thành "Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống COVID-19 và phục hồi kinh tế" do Thủ tướng Chính phủ làm Tổng Tư lệnh; đồng thời, thống nhất mô hình triển khai này ở các địa phương để bảo đảm mỗi quyết định ở cấp Trung ương hay địa phương đều được xem xét thấu đáo ở cả góc độ kinh tế và y tế... (VTV.vn 26/9)Về đầu trang

Tám hiệp hội kiến nghị cụ thể hóa quy định “sống chung với COVID-19”

Theo 8 hiệp hội, nhiều quy định trong dự thảo hướng dẫn “Thích ứng an toàn với dịch COVID-19” vẫn nghiêng về “zero COVID” thay vì “sống chung”.

Sau khi Bộ Y tế đưa ra dự thảo hướng dẫn “Thích ứng an toàn với dịch COVID-19”, tối ngày 25/9, 8 hiệp hội gồm Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã có văn bản góp ý gửi Thủ tướng Chính phủ.

Theo các hiệp hội, dự thảo đưa ra 5 tiêu chí đánh giá, tuy nhiên nhiều quy định vẫn mang mục tiêu “zero COVID-19” chứ chưa hoàn toàn là “sống chung COVID-19”.

Cụ thể, dự thảo đưa ra quy định trên 80% số người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vắc-xin. Các hiệp hội cho rằng, với quy định này, TPHCM, địa phương vẫn ở cấp độ 4, còn rất lâu (2-3 tháng nữa) mới có thể mở cửa. Nếu vậy sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế, trong khi sẽ lãng phí vắc xin vì những người tiêm đủ vẫn không được đi làm.

Ngoài ra, dự thảo hướng dẫn vẫn còn nhiều quy định chỉ phù hợp chủ trương “zero COVID-19”, ảnh hưởng lớn tới kinh tế. Chẳng hạn, quy định cách ly tập trung với F0, F1; chỉ điều trị F0 tại nhà với trường hợp dịch ở cấp 3 và 4; hay ngừng hoạt động trung tâm thương mại và cơ sở du lịch, nghỉ dưỡng ở vùng cấp 4...

Theo các hiệp hội, những quy định này chỉ nên áp dụng trong thời gian chuyển đổi. Khi đã sang giai đoạn sống chung với virus, đã tiêm đủ vắc-xin mà vẫn quy định cách ly tập trung F0, F1, truy vết... sẽ rất tốn kém, gây quá tải hệ thống y tế.

Từ đó, các hiệp hội đề xuất với Thủ tướng “áp dụng linh hoạt 2 chiến lược để kiểm soát dịch và phục hồi kinh tế”, gồm chiến lược cho giai đoạn chuyển tiếp (dự kiến từ nay đến đầu quý I/2022, vùng nào phủ vắc-xin sớm hơn thì mở cửa sớm hơn) và giai đoạn sống chung với COVID-19 (dự kiến từ giữa quý I/2022, có thể sớm hơn nếu tiêm phủ vắc xin sớm hơn).

Trong giai đoạn chuyển tiếp, lại tách 2 vùng theo tình hình dịch để có biện pháp quản lý phù hợp. Vùng 1 là vùng đang bùng phát dịch hiện nay, đề xuất cho phép người đã tiêm đủ vắc xin, F0 đã khỏi được đi làm. Điều chỉnh biện pháp áp dụng mức độ giãn cách cho phù hợp, tùy theo cấp độ dịch, tỷ lệ lấp đầy giường bệnh, mức độ tiêm vắc-xin.

Đồng thời, kiến nghị không đóng cửa cơ sở sản xuất kinh doanh nếu có F0, có thì đi chữa hoặc tự cách ly, cơ sở khử trùng rồi hoạt động tiếp.

Còn vùng 2 là vùng dịch lây lan chậm hoặc chưa có dịch (thấp hơn 0,7 ca mắc mới/100.000 dân/ngày), cần phòng chống dịch theo điểm chứ không phong tỏa diện rộng.

Trong khi đó, tại giai đoạn sống chung với dịch, 8 hiệp hội đề xuất mở cửa từng vùng và toàn bộ cả nước khi đã tiêm đủ vắc xin cho trên 70% dân số từ 18 tuổi trở lên và đạt chỉ số 1; giãn cách phù hợp theo cấp độ dịch, nhưng có điều chỉnh nới rộng (sản xuất kinh doanh, giao thông công cộng được phép mở lại 100% ở tất cả cấp độ dịch). (Tienphong.vn 26/9, Uyên Phương)Về đầu trang

TP.HCM kiến nghị Thủ tướng được áp dụng quy định riêng khi mở cửa nền kinh tế

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa ký văn bản kiến nghị lên Thủ tướng về việc xin ý kiến áp dụng quy định riêng đối với việc mở cửa nền kinh tế.

Trong văn bản kiến nghị, TP.HCM đánh giá rất cao nỗ lực xây dựng Hướng dẫn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Tuy nhiên, với điều kiện đặc thù của TP.HCM, TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét:

Cho phép TP áp dụng quy định riêng do Thủ tướng quyết định để có thể mở cửa nền kinh tế. TP.HCM sẽ phối hợp với cơ quan chức năng nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng.

Thứ hai, kiến nghị ưu tiên vắc xin cho TP và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để sớm đạt độ bao phủ theo quy định của Hướng dẫn.

“TP.HCM kính mong sự xem xét chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ”, nội dung kiến nghị có ghi.

Trước đó, UBND TP.HCM đã xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn sau ngày 15/9 để xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền, tham vấn ý kiến chuyên gia, người dân.

Cụ thể, giai đoạn thí điểm từ 16/9 đến 30/9; giai đoạn 1 dự kiến từ 1/10 đến 31/10; giai đoạn 2 dự kiến từ 1/11/2021 đến 15/1/2022 và giai đoạn 3 dự kiến sau 15/1/2022.

Theo kế hoạch này, lộ trình mở cửa nền kinh tế của TP phụ thuộc nhiều vào mức độ và khuyến nghị của ngành y tế về diễn biến dịch để có những điều chỉnh nới lỏng hoặc thắt chặt hơn.

TP nghiên cứu chính sách đặc thù cho người có "thẻ xanh Covid". Theo đó, chỉ cần tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin (đối với vắc xin phải tiêm 2 mũi) và phải ít nhất 2 tuần sau tiêm hoặc người đã mắc Covid-19 và có giấy xác nhận đã hoàn thành cách ly sẽ đủ điều kiện có "thẻ xanh Covid". (Vietnamnet.vn 26/9, Hồ Văn)Về đầu trang

PHÂN TÍCH - BÌNH LUẬN

Chấm dứt ban hành văn bản trái pháp luật!

Từ tháng 10.2020 đến tháng 7.2021, Bộ Tư pháp đã tiến hành kiểm tra theo thẩm quyền đối với 3.393 văn bản, đã phát hiện và có kết luận, kiến nghị xử lý đối với 69 văn bản có quy định trái pháp luật về thẩm quyền, nội dung và 5 văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật nhưng có chứa quy phạm pháp luật. Đây là thông tin được Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu ra tại Phiên họp thứ Ba của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua.

Ban hành văn bản có quy định trái pháp luật cho thấy việc ban hành văn bản vẫn còn “lỗ hổng”. Câu hỏi đặt ra là, để xảy ra tình trạng ban hành văn bản trái pháp luật, xử lý trách nhiệm thế nào?

Sự thống nhất của hệ thống pháp luật sẽ giúp cho người thực thi, đối tượng chịu sự tác động dễ hiểu, dễ áp dụng, dễ thực hiện và tuân thủ. Do đó, yêu cầu đặt ra đối với mỗi cơ quan được giao chủ trì soạn thảo, ban hành văn bản phải bảo đảm được tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Cùng với đó là phải bảo đảm tính khả thi cao. Các quy định pháp luật có “tuổi thọ” cao, mới thực sự tạo được hành lang pháp lý ổn định, bền vững cho kinh tế - xã hội phát triển. Mặc dù kết quả ban hành văn bản thời gian qua của chúng ta đã có những bước tiến mới, có nhiều quy định tiến bộ, kịp thời và tính khả thi cao, tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những “hạt sạn”.

Dù không nhiều, nhưng tình trạng văn bản luật một đằng, hướng dẫn chi tiết một nẻo đã từng xảy ra. Trong báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV (từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ Tám) của Tổng Thư ký Quốc hội cho thấy, qua giám sát vẫn còn một số văn bản có dấu hiệu chưa bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật. Trong đó, 8 nghị định chứa nội dung có dấu hiệu trái với luật của Quốc hội; 7 nghị định và 3 thông tư quy định không đúng nội dung luật giao, chưa thống nhất với hệ thống pháp luật. Trong báo cáo của Ủy ban Pháp luật thẩm tra Báo cáo kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước cũng cho thấy, có 15 nội dung quy định trong 27 văn bản quy phạm pháp luật được nhận định là có mâu thuẫn, chồng chéo...

Việc ban hành văn bản trái pháp luật không chỉ tạo nên những điểm “vênh” của hệ thống pháp luật mà còn tác động xấu đến xã hội, gây tốn kém thời gian, công sức, chi phí cho việc sửa đổi, bãi bỏ quy định sai phạm. Ngoài ra, không loại trừ lợi ích được “cài cắm” từ trong các văn bản được ban hành trái pháp luật này. Nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời những “góc khuất” trong quá trình soạn thảo, ban hành văn bản này, sẽ làm cho chính sách bị méo mó, có thể chỉ nhằm tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý, hoặc chỉ hướng tới “lợi ích nhóm” nào đó, gây mất niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào các quy định pháp luật. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc ban hành văn bản trái pháp luật. Có thể do năng lực còn hạn chế của những người trực tiếp tham gia soạn thảo, ban hành văn bản. Có thể do người đứng đầu chịu trách nhiệm chưa thực sự quan tâm đến công tác này… Cử tri và dư luận đặt câu hỏi, việc xử lý văn bản trái pháp luật như thế nào? Đã rõ trách nhiệm, đã xử lý nghiêm minh chưa?

Với 69 văn bản ban hành trái pháp luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, cần chỉ rõ những văn bản này là văn bản nào, chỉ rõ địa chỉ; phải đánh giá được hậu quả của việc ban hành văn bản trái pháp luật như thế nào? Cùng với đó, phải chỉ rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan để xảy ra tình trạng này, xử lý trách nhiệm vấn đề này thế nào?

Kỷ luật, kỷ cương lập pháp được siết chặt sẽ không có chỗ cho những văn bản trái pháp luật. Muốn vậy, phải bắt đầu siết từ chất lượng soạn thảo. Điều này đòi hỏi đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế của các bộ, ngành, cơ quan thẩm định đủ trình độ, năng lực chuyên môn, am hiểu luật pháp. Cùng với đó là bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phải trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật và chịu trách nhiệm giải trình về vấn đề này. Trong các báo cáo phải chỉ rõ được địa chỉ, phải chỉ ra được cá nhân, cơ quan ban hành văn bản trái pháp luật. Trên cơ sở đó mới có căn cứ để xử lý nghiêm trách nhiệm những người để lọt những văn bản trái pháp luật. Tránh tình trạng báo cáo chung chung, trách nhiệm chung chung, “huề cả làng”. Có như vậy, tình trạng ban hành văn bản trái pháp luật mới sớm được chấm dứt. (Daibieunhandan.vn 26/9, Song Hà)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Người lao động được hỗ trợ cao nhất 3,3 triệu đồng từ 30.000 tỷ đồng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

* Hỗ trợ bằng tiền cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp

Đối tượng áp dụng là người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm ngày 30 tháng 9 năm 2021 (không bao gồm người lao động đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên).

Người lao động đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp do chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 1 tháng 1 năm 2020 đến hết ngày 30 tháng 9 năm 2021 có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu theo quy định của pháp luật về việc làm, không bao gồm người hưởng lương hưu hàng tháng.

Mức hỗ trợ trên cơ sở thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động, cụ thể như sau: Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp dưới 12 tháng: hỗ trợ 1.800.000 đồng/người. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng đến dưới 60 tháng: hỗ trợ 2.100.000 đồng/người. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 60 tháng đến dưới 84 tháng: hỗ trợ 2.400.000 đồng/người. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 84 tháng đến dưới 108 tháng: hỗ trợ 2.650.000 đồng/người. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 108 tháng đến dưới 132 tháng: hỗ trợ 2.900.000 đồng/người. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 132 tháng trở lên: hỗ trợ 3.300.000 đồng/người.

Nguồn kinh phí: khoảng 30.000 tỷ đồng từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đến hết năm 2020.

Thời gian thực hiện việc hỗ trợ người lao động từ ngày 1 tháng 10 năm 2021 và hoàn thành chậm nhất vào ngày 31 tháng 12 năm 2021.

* Giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19

Đối tượng áp dụng là người sử dụng lao động quy định tại Điều 43 của Luật Việc làm (không bao gồm các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên) đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp trước ngày 1 tháng 10 năm 2021.

Mức giảm đóng: Người sử dụng lao động được giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Thời gian thực hiện giảm mức đóng: 12 tháng, kể từ ngày 1 tháng 10 năm 2021 đến hết ngày 30 tháng 9 năm 2022.

Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định để triển khai thực hiện các nội dung chính sách theo trình tự, thủ tục rút gọn; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các địa phương triển khai Nghị quyết của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh dự toán thu, chi và chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp theo quy định. (VTV.vn 26/9)Về đầu trang

Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương phát triển nhà ở công nhân

Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai một số giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiệp.

Cụ thể, Bộ Xây dựng được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện hai nhiệm vụ: Khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách; Chủ trì, phối hợp cơ quan, địa phương liên quan có giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân tại các KCN.

Theo đó, Bộ Xây dựng đang tập trung nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Nhà ở 2014, trong đó chính sách nhà công nhân được nghiên cứu, quy định cụ thể hơn để khuyến khích đầu tư phát triển.

Trước mắt, để thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân, nhất là tại các KCN, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương phối hợp và tập trung triển khai một số giải pháp.

Cụ thể như sau: Khi lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng KCN, phải bố trí diện tích đất phù hợp trên địa bàn để xây dựng nhà công nhân, thiết chế của công đoàn bảo đảm đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để phục vụ công nhân, người lao động làm việc tại KCN đó;

Các địa phương cần có các cơ chế, giải pháp cụ thể, tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính, hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà cho công nhân thuê tại các khu kinh tế, KCN, CCN trên địa bàn tỉnh, thành phố;

Đồng thời, nâng cao chất lượng nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân, có cơ cấu sản phẩm nhà cho thuê phù hợp với nhu cầu của người lao động, bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thiết yếu về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa của các dự án xây dựng nhà ở xã hội ở đô thị và KCN;

Địa phương bố trí nguồn lực hợp lý để đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu như: Trường học, nhà trẻ, cơ sở khám, chữa bệnh, sinh hoạt cộng đồng, văn hóa, thể dục, thể thao... trong và ngoài các dự án nhà ở xã hội, đặc biệt là tại các khu vực có đông công nhân và người lao động; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong việc thực hiện các chính sách, chương trình phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn.

Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp mà Thủ tướng Chính phủ đã giao trong Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 25/1/2017 về việc đẩy mạnh phát triển nhà xã hội. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong việc triển khai các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn tại các KCN, khu chế xuất (bao gồm nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, y tế, giáo dục và các công trình văn hóa, thể thao). Phấn đấu từ năm 2026 trở đi, tất cả KCN, khu chế xuất trên cả nước đều có thiết chế công đoàn. (Kinhtemoitruong.vn 26/9, Xuân Hòa)Về đầu trang

TP.HCM: Chi hỗ trợ đợt 3 cho 7,3 triệu dân từ 1-10, thực hiện qua app

Để nhanh chóng vận hành ứng dụng phần mềm quản lý thực hiện chi đợt 3, UBND TP.HCM đã có văn bản chỉ đạo UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức về ứng dụng công nghệ trong triển khai chính sách hỗ trợ đợt 3.

Thời gian chi trả hỗ trợ đợt 3 sẽ từ 1-10 đến 15-10-2021, dự kiến cho khoảng 7,347 triệu người dân TP với kinh phí khoảng 7.347 tỉ đồng sẽ được triển khai qua ứng dụng App SafeID Delivery do Công ty TNHH MTV phát triển Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) phát triển.

UBND TP yêu cầu chủ tịch UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức tập trung thẩm định và hoàn tất phê duyệt danh sách hỗ trợ đợt 3 trước ngày 26-9 và gửi về QTSC để đưa lên hệ thống thông tin quản lý chi trả trên phạm vi toàn TP trước 11h ngày 27-9-2021.

Đồng thời chỉ đạo chủ tịch UBND 312 xã, phường, thị trấn phải lập danh sách nhân sự phụ trách thực hiện chính sách hỗ trợ đợt 3 (mỗi phường, xã 40 người) gửi Công ty QTSC để được cung cấp tài khoản, hướng dẫn cài đặt và sử dụng điện thoại khi thực hiện chi trả.

UBND TP đã giao cho QTSC tổ chức tập huấn sử dụng phần mềm quản lý thực hiện chi trả đợt 3 vào ngày 25-9. 

QTSC có trách nhiệm phối hợp tổng đài 1022 hướng dẫn, giải đáp của địa phương trong quá trình triển khai ứng dụng phần mềm quản lý chi trả.

Đồng thời cung cấp tài khoản sử dụng phần mềm quản lý chi trả hỗ trợ đợt 3 cho lực lượng của 312 phường, xã, thị trấn. Mỗi đơn vị xã, phường sẽ có 1 tài khoản quản trị do chủ tịch UBND phụ trách theo dõi, chỉ đạo.

Mỗi quận, huyện, TP Thủ Đức có 2 tài khoản quản trị cấp cho chủ tịch UBND và trưởng phòng LĐ-TB&XH để theo dõi tiến độ chi trả, kiểm tra, đôn đốc các xã, phường, thị trấn, thiết lập và chuẩn bị báo cáo định kỳ về tình hình triển khai hỗ trợ cho UBND TP thông qua Sở LĐ-TB&XH.

Trong ngày đầu thực hiện chi trả, QTSC sẽ tổ chức lực lượng kiểm tra, theo dõi và xử lý kịp thời những tình huống phát sinh để hạn chế ảnh hưởng đến quá trình chi trả.

UBND TP yêu cầu các địa phương triển khai chính sách hỗ trợ đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách, ứng dụng công nghệ thông tin trong rà soát, đối chiếu và chi trả hỗ trợ cho người dân. Đảm bảo nguyên tắc chi đúng, chi đủ, không bỏ sót, không trùng lắp, không phân biệt thường trú, tạm trú, lưu trú và công khai minh bạch.

Mức hỗ trợ đợt 3 là 1 triệu đồng/người và chi trực tiếp bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản theo đăng ký của người dân. (Tuoitre.vn 26/9, Vũ Thủy)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Quảng Ngãi loay hoay xử lý hụt thu ngân sách

Năm 2020, Quảng Ngãi đề nghị Trung ương tạm cấp 2.667 tỷ đồng để đảm bảo nhiệm vụ chi, còn năm nay thì đề xuất HĐND tỉnh cho ứng trước khoảng 1.250 tỷ đồng để chi hụt thu.

Lần thứ hai kể từ khi giữ cương vị Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, ông Đặng Văn Minh đã phải ký văn bản đề xuất xử lý tình trạng hụt thu ngân sách địa phương, khiến Quảng Ngãi mất khả năng cân đối thu - chi. Đó là Văn bản số 4527/UBND-KT của UBND tỉnh Quảng Ngãi gửi Thường trực Hội đồng Nhân dân (HĐND) tỉnh vào đầu tháng 9/2021 về phương án xử lý hụt thu cân đối ngân sách cấp tỉnh năm 2020 so với dự toán HĐND giao.

Tháng 11/2020, ông Minh ký Văn bản gửi Bộ Tài chính đề xuất xem xét, tạm cấp 80% kinh phí hụt thu cân đối năm 2020, tương ứng 2.667 tỷ đồng để bù chi trong năm.

Năm nay, trong văn bản báo cáo Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, việc hụt thu 2.147 tỷ đồng là quá lớn, đã tác động tiêu cực đến thu ngân sách địa phương, ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch chi, phá vỡ giải pháp tài chính trong năm của Quảng Ngãi.

“Năm 2020, Quảng Ngãi thu cân đối ngân sách nhà nước chỉ đạt 15.859 tỷ đồng, bằng 95,5% dự toán trung ương giao, bằng 90,3% dự toán năm. Trong đó, thu từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đạt 4.445 tỷ đồng (hụt thu so với dự toán Trung ương giao 3.274 tỷ đồng, hụt thu so với HĐND tỉnh giao 3.774 tỷ đồng). Không những vậy, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước do Trung ương quản lý là 4.780 tỷ đồng, hụt thu 2.207 tỷ đồng so với Trung ương giao, hụt thu 2.707 tỷ đồng so với HĐND tỉnh giao; thu từ khu vực tư nhân hụt thu 800 tỷ đồng so với Trung ương và HĐND tỉnh giao; các khoản thu còn lại đạt 2.353 tỷ đồng, hụt thu 193 tỷ đồng so với dự toán Trung ương và HĐND tỉnh giao”, báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ngãi nêu.

Tuy nhiên, bên cạnh các khoản thu bị giảm sút, báo cáo cho biết, có một số khoản tăng. Đó là thu tiền sử dụng đất đạt 1.006 tỷ đồng, tăng 6 tỷ đồng so với dự toán Trung ương và HĐND giao; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu cả năm 2020 đạt 5.273 tỷ đồng, bằng 191,7% dự toán Trung ương giao, bằng 164,8% dự toán HĐND giao.

Năm 2019, sau khi hụt thu ngân sách khoảng 2.680 tỷ đồng, Quảng Ngãi đã đề xuất Bộ Tài chính tạm cấp kinh phí 2.569 tỷ đồng để đảm bảo các nhiệm vụ chi của địa phương năm 2020. Tuy nhiên, sang năm 2020, tỉnh này tiếp tục bị mất cân đối thu - chi ngân sách địa phương so với Trung ương giao 2.925 tỷ đồng, hụt thu cân đối ngân sách địa phương so với dự toán HĐND tỉnh giao là 3.368 tỷ đồng. Việc hụt thu năm 2020 đã khiến kế hoạch trả nợ vay từ Trung ương 2.569 tỷ đồng từ nguồn vay lại của Chính phủ chỉ đạt 6,7% dự toán giao.

Để đảm bảo cân đối thu - chi và quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020, Quảng Ngãi đề xuất phương án xử lý hụt thu ngân sách địa phương năm 2020 bằng nguồn cải cách tiền lương năm 2020 là 1.259,582 tỷ đồng; nguồn kết dư hơn 100 tỷ đồng...

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị giảm chi ngân sách niên độ 2020 chuyển sang thực hiện và quyết toán niên độ 2021 là 1.767,845 tỷ đồng (sẽ bố trí 1.530 tỷ đồng đối với các dự án đầu tư và 237,216 tỷ đồng đối với kinh phí chi thường xuyên); bố trí nguồn năm 2021 để bù đắp khoản kinh phí đã giảm chi năm 2020 chuyển sang năm 2021 là 1.767,845 tỷ đồng (trong đó, tạm ứng quỹ nhà nước năm 2021 là 1.249,348 tỷ đồng).

Về kế hoạch hoàn ứng, với phần quỹ nhà nước, Quảng Ngãi sẽ hoàn trả trong năm 2021 (nguồn kinh phí hoàn trả tạm ứng ngân quỹ nhà nước nêu trên từ nguồn kết dư), song chưa chắc chắn, vì trong báo cáo gửi Thường trực HĐND tỉnh Quảng Ngãi chỉ ghi là… “nếu có”. Việc hoàn ứng cũng được tính toán từ nguồn tăng thu thực hiện so với dự toán HĐND giao năm 2021 và các nguồn hợp pháp (nếu có). Trường hợp các nguồn trên không đảm bảo để hoàn trả vốn vay, UBND tỉnh Quảng Ngãi đề xuất bố trí kế hoạch vốn đầu tư năm 2022 để hoàn trả. (Baodautu.vn 26/9)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Ông Nguyễn Đức Chung chỉ đạo miệng mua chế phẩm qua công ty gia đình

Chế phẩm Redoxy-3C được sản xuất theo đơn đặt hàng của UBND TP.Hà Nội, song ông Nguyễn Đức Chung chỉ đạo mua qua Công ty Arktic, khiến thiệt hại hơn 36 tỉ đồng.

 

Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố ông Nguyễn Đức Chung (cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội) cùng Võ Tiến Hùng (cựu Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội) và Nguyễn Trường Giang (cựu Giám đốc Công ty Thương mại Dịch vụ Arktic) về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", theo khoản 3 Điều 356 Bộ luật Hình sự; khung hình phạt 10-15 năm tù.

Theo cáo trạng, từ năm 2009, Hà Nội bắt đầu thí điểm các giải pháp xử lý ô nhiễm nguồn nước tại một số sông, hồ trên địa bàn và đạt được những kết quả nhất định. Đầu năm 2016, UBND TP.Hà Nội có chủ trương thay đổi công nghệ xử lý nước cũ bằng việc dùng chế phẩm mới để xử lý ô nhiễm môi trường nước.

Thành phố giao Sở Xây dựng và Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội thực hiện (công ty 100% vốn nhà nước, trực thuộc UBND thành phố). Sau khi liên hệ và tổ chức đoàn tham quan, ông Chung đề nghị Công ty Watch Water (Đức) nghiên cứu chế phẩm Redoxy-3C để làm sạch nước ao hồ tại Hà Nội.

Ông Chung mong muốn chất Redoxy-3C ra đời phải là một sản phẩm độc quyền của thành phố Hà Nội. Watch Water sau đó đồng ý và bán cho thành phố với giá "ưu đãi" 8,5 Euro/kg.

Sau khi thử nghiệm 100 kg chế phẩm đầu tiên, ông Chung chỉ đạo Võ Tiến Hùng bằng miệng rằng "giao Công ty Thoát nước mua chế phẩm Redoxy-3C qua Công ty Arktic".

Ông Chung bị cho rằng đã ban hành thông báo đàm phán mua độc quyền chế phẩm từ Đức, nhưng lại chỉ đạo Hùng không mua trực tiếp để hưởng giá ưu đãi mà mua thông qua Công ty Arktic.

Công ty Arktic đăng ký lần đầu năm 2015 với vốn điều lệ 5 tỉ đồng, trong đó Nguyễn Đức Hạnh (con trai ông Chung) góp 3 tỉ đồng (60%). Đến lần thứ 3 thay đổi đăng ký, bị can Giang nắm 60% cổ phần, một cá nhân khác 40%.

Tuy nhiên kết quả điều tra xác định, bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa (vợ ông Chung) là người thành lập Arktic và góp đủ 5 tỉ đồng nhưng để Giang cùng một người khác đứng tên. Toàn bộ hồ sơ đăng ký đều do bà Hoa thực hiện và tự giả chữ ký của con trai.

Giữa năm 2016, bà Hoa còn hai lần làm giả hồ sơ chuyển nhượng góp vốn để chuyển sang cho Giang đứng tên làm giám đốc, điều hành công ty. Viện Kiểm sát xác định gia đình ông Chung sở hữu 40% vốn điều lệ Công ty Arktic.

Trong quá trình xử lý ô nhiễm nước tại các sông, ông Chung đã lợi dụng quyền hạn của Chủ tịch thành phố để tạo điều kiện cho Công ty Arktic của gia đình mua bán chế phẩm.

Ông Chung đã cho bị can Giang tham gia xuyên suốt quá trình thử nghiệm, mua bán chế phẩm như là một cán bộ của thành phố. Từ đó Arktic được độc quyền phân phối chế phẩm và bán lại cho Công ty Thoát nước. "Hành vi của ông Chung đã mang lại lợi ích không chính đáng cho Arktic", cáo trạng nêu.

Viện Kiểm sát xác định, chế phẩm Redoxy-3C được sản xuất theo đơn đặt hàng của UBND thành phố. Song sau đó Công ty Watch Water lại ký văn bản thoả thuận để Công ty Arktic phân phối độc quyền.

Trong khi đó, Arktic chưa bổ sung ngành nghề kinh doanh hoá chất nhưng lại nhập khẩu chế phẩm và bán lại cho Công ty Thoát nước là trái quy định tại Luật doanh nghiệp và các văn bản liên quan.

Từ 2016-2019, theo chỉ đạo và được ông Chung tạo điều kiện, Arktic đã nhập khẩu 489.120 kg chế phẩm Redoxy-3C với chi phí hơn 115 tỉ đồng. Arktic sau đó bán lại cho Công ty Thoát nước với giá hơn 151 tỉ đồng.

Hành vi mua bán lòng vòng của hai công ty này khiến UBND TP.Hà Nội bị thiệt hại hơn 36 tỉ đồng. Việc tạo lợi nhuận cho công ty gia đình của ông Chung vi phạm điều 37 Luật Phòng chống tham nhũng.

Quá trình điều tra, ông Chung không thừa nhận hành vi phạm tội, song, Viện Kiểm sát căn cứ lời khai của các bị can, người liên quan, có đủ cơ sở kết luận sai phạm của ông Chung.

Tuy nhiên ông Chung từng có nhiều thành tích trong công tác, được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân nên được đề nghị xem xét khi xét xử.

Đây là vụ án thứ ba liên quan ông Chung. 4 ngày trước, ông bị truy tố trong vụ án can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 26,5 tỉ đồng.

Tháng 12.2020, trong vụ án đầu tiên, ông bị phạt 5 năm tù do chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước liên quan đến Công ty Nhật Cường. (Laodong.vn 26/9, Việt Dũng)Về đầu trang

Vì sao 3 cán bộ Sở Văn hóa Lào Cai bị khởi tố?

Ngày 24.9, ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai cho biết, 3 công chức của sở là bà Doãn Thị Hồng Hạnh (SN 1984); bà Nguyễn Thị Vân (SN 1981) và bà Vũ Thị Kim Oanh (SN 1984, đều là chuyên viên Phòng quản lý du lịch, Sở VHTT&DL Lào Cai) bị khởi tố.

Ba công chức trên bị Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an khởi tố vi có hành vi “giả mạo trong công tác”.

Theo đó, ba công chức này được giao trách nhiệm quản lý hồ sơ hướng dẫn viên, đề xuất việc cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế.

Lợi dụng chức vụ quyền hạn, nhiệm vụ được giao này, số cán bộ trên đã trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hồ sơ, làm giả các văn bằng, chứng chỉ để hoàn thiện hồ sơ. Sau đó tiến hành thẩm định và cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế không đủ điều kiện với giá từ 10-70 triệu đồng, tuỳ từng trường hợp và từng thời điểm.

Ngày 23.9, từ các căn cứ thu thập được, Bộ Công an đã tiến hành khởi tố vụ án hình sự; thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp với 3 đối tượng gồm Vân, Oanh và Hạnh.

Tại các cơ quan chức, các đối tượng khai nhận, thấy nhiều người muốn được cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế nhưng thiếu bằng đại học và chứng chỉ.

Vì vậy, đối tượng Vân, Oanh và Hạnh đã móc nối với đối tượng ngoài xã hội thu gom hồ sơ, tiền của những người có nhu cầu làm thẻ hướng dẫn viên rồi trực tiếp làm giả các bản photo bằng đại học, chứng chỉ và đem đi nhờ chứng thực…

Cụ thể, để làm các giấy tờ giả, các đối tượng đã sao lưu các bản photo bằng đại học, chứng chỉ cần thiết trong máy tính cá nhân tại nhà hoặc cơ quan. Sau đó, soạn thảo thông tin của người xin cấp thẻ hướng dẫn viên lên máy tính và in, cắt, dán, chỉnh sửa vào bản photo bằng đại học, chứng chỉ phù hợp.

Sau đó, các đối tượng đem đi photo lại các giấy tờ đã chỉnh sửa, tự mang hoặc đưa các đối tượng khác mang đi chứng thực tại UBND các xã, phường, thị trấn thuộc tỉnh Lào Cai.

Cuối cùng, các đối tượng đưa các giấy tờ đã chứng thực trên vào hoàn thiện hồ sơ rồi móc nối với lãnh đạo cấp trên, chuyên viên trong Sở VHTT&DL tỉnh Lào Cai và 6 Sở VHTT&DL (gồm Yên Bái, Bắc Giang, Hà Giang, Vĩnh Phúc, Lào Cai, Điện Biên) để xin cấp thẻ.

Hiện Cơ quan ANĐT Bộ Công an phối hợp với Cục ANKT đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án, làm rõ các đối tượng có liên quan. (Laodong.vn 26/9, Kiên Tâm)Về đầu trang ./.

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Các tin khác