Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 28-6-2019

16:2, Thứ Sáu, 28-6-2019

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 Tải file tại đây

CHỈ THỊ MỚI 1

1. Thủ tướng chỉ thị xây dựng kế hoạch tài chính giai đoạn 2021-2025. 1

2.Hà Nội, TP HCM có không quá 3 Phó bí thư trong nhiệm kỳ mới 3

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY.. 4

3.    An Giang: Đảm bảo an ninh từ mô hình camera có loa phát thanh. 4

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 4

4.Việt Nam mới đạt khoảng 140 người dân/doanh nghiệp. 4

5.  Chuyên gia Bộ Kế hoạch: Khó xảy ra việc Mỹ đánh thuế với hàng Việt Nam.. 5

6. Số doanh nghiệp giải thể tăng cao trong 6 tháng đầu năm.. 6

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 6

7.Trả nợ niềm tin. 6

QUẢN LÝ.. 7

8. Tình trạng "tham nhũng vặt" vẫn xảy ra ở nhiều cấp, ngành. 7

9.“Xảy ra nhũng nhiễu, sao người đứng đầu đơn vị không biết?”. 8

10. Luật "đá" luật trong quản lý đất đai 9

11.Thanh Hóa: Sắp xếp nhân sự khi sáp nhập xã. 11

12.Kiểm tra thực hiện tinh gọn bộ máy ở Tuyên Quang. 11

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 12

13. Hàng loạt thủ tục BHXH được rút ngắn nhờ ứng dụng công nghệ. 12

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 12

14. TP HCM bị đề nghị hoàn ngân sách hơn 26.000 tỷ do sai phạm ở Thủ Thiêm.. 12

PHÁP LUẬT. 14

15. Quảng Bình xử lý nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm.. 14

16.Ba cán bộ biên phòng ở Hà Tĩnh bị kỷ luật vì nhận tiền “bồi dưỡng”. 15

THẾ GIỚI 15

17. Trung Quốc truy bắt gần 6.000 phần tử tham nhũng chạy ra nước ngoài 15

18. Saudi Arabia nới lỏng quy định sở hữu cho nhà đầu tư ngoại 16

 CHỈ THỊ MỚI

Thủ tướng chỉ thị xây dựng kế hoạch tài chính giai đoạn 2021-2025

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Chỉ thị số 17/CT-TTg về xây dựng kế hoạch tài chính năm năm giai đoạn 2021-2025.

 Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch tài chính giai đoạn 2016-2020, trong đó tập trung đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm năm quốc gia giai đoạn 2016-2020: đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ về hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tài chính-ngân sách nhà nước; đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể, chủ yếu về tài chính-ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 gồm: thu, cơ cấu thu ngân sách nhà nước (theo lĩnh vực và phân cấp), chi và cơ cấu chi ngân sách (chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên...); bội chi ngân sách nhà nước; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia; huy động vốn vay trong và ngoài nước; huy động và phân phối các nguồn lực trong năm năm giai đoạn 2016-2020.

 Thủ tướng yêu cầu đánh giá việc thực hiện các mục tiêu cơ cấu lại ngân sách, nợ công, số kinh phí cắt giảm/dành ra gắn với thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế và giảm chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước đối với các đơn vị sự nghiệp công lập; việc thực hiện các định hướng, nhiệm vụ, giải pháp đề ra; đánh giá, nhìn nhận những hạn chế, khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện kế hoạch; các nguyên nhân khách quan, chủ quan và bài học kinh nghiệm.

 Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu đánh giá tình hình thực hiện tài chính năm năm của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2016-2020, trong đó tập trung đánh giá việc ban hành các chế độ, chính sách về thu, chi theo thẩm quyền; số thu và số chi đối với các chế độ, chính sách này trong từng năm và 05 năm 2016-2020; đánh giá các kết quả chủ yếu về tài chính-ngân sách nhà nước như tổng số thu và cơ cấu thu ngân sách trên địa bàn từng năm và năm năm; phần thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp, trong đó chi tiết thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế; các yếu tố tác động đến thu ngân sách nhà nước trên địa bàn và các giải pháp về chính sách và quản lý thu đã triển khai nhằm huy động nguồn thu ngân sách nhà nước; tổng số thu phí, lệ phí thu được; số chi từ nguồn phí để lại cho các cơ quan thu và số tiền phí, lệ phí nộp ngân sách nhà nước.

 Ngoài ra, các địa phương cần đánh giá cụ thể tình hình thực hiện cổ phần hóa và bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của địa phương giai đoạn 2016-2020.

 Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc lập kế hoạch tài chính năm năm giai đoạn 2021-2025 thực hiện theo các quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Nghị định số 45/2017/NĐ-CP, Nghị định số 31/2017/NĐ-CP, cơ chế đặc thù đối với các địa phương theo quy định và các văn bản pháp luật có liên quan; bám sát dự kiến trình Đại hội Đảng các cấp về các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm năm 2021-2025; Nghị quyết số 07 của Bộ Chính trị; các Nghị quyết số 18-NQ/TW, số 19-NQ/TW, số 27-NQ/TW, số 28-NQ/TW của Hội nghị Trung ương Khóa XII; các Nghị quyết của Chính phủ triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương Khóa XII, Nghị quyết của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội; giả định tiếp tục các quy định tại thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020.

 Thủ tướng cũng yêu cầu xây dựng kế hoạch tài chính năm năm quốc gia giai đoạn 2021-2025, trong đó dự báo tình hình kinh tế, tài chính thế giới và trong nước có ảnh hưởng đến khả năng huy động và nhu cầu sử dụng các nguồn lực tài chính-ngân sách nhà nước trong năm năm giai đoạn 2021-2025.

 Thủ tướng yêu cầu xây dựng mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể, chủ yếu về tài chính-ngân sách nhà nước gồm: thu và cơ cấu thu ngân sách, chi và cơ cấu chi ngân sách; bội chi ngân sách nhà nước; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia; huy động vốn vay trong và ngoài nước; huy động và phân phối các nguồn lực trong năm năm giai đoạn 2021-2025. (TTXVN 27/6, PV)Về đầu trang

Hà Nội, TP HCM có không quá 3 Phó bí thư trong nhiệm kỳ mới

Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng quy định số lượng cấp ủy viên cấp tỉnh, cấp huyện sẽ giảm khoảng 5% so với nhiệm kỳ hiện nay (2015 - 2020).

 Chỉ thị nêu rõ, số lượng thành viên Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội, Thành ủy TP HCM, Tỉnh ủy Thanh Hóa, Tỉnh ủy Nghệ An không quá 17 người; các tỉnh ủy, thành ủy còn lại và các đảng ủy khối trực thuộc Trung ương từ 13 đến 15 người.

 Với chức danh Phó bí thư, Thành ủy Hà Nội, Thành ủy TP HCM không quá 3 người; các tỉnh, thành ủy còn lại và đảng ủy khối trực thuộc Trung ương không quá 2.

 Bộ Chính trị lưu ý, số lượng cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ cấp ủy, phó bí thư được tăng thêm để luân chuyển, đào tạo theo quy hoạch của Trung ương không tính vào số lượng cấp ủy nêu tại chỉ thị này.

  Quy trình nhân sự cấp ủy được thực hiện qua 5 bước, cụ thể hóa cho 2 trường hợp gồm nhân sự lần đầu tham gia cấp ủy và nhân sự tái cử cấp ủy.

 Những người lần đầu tham gia cấp ủy cấp tỉnh phải đáp ứng điều kiện là nam sinh từ tháng 9/1965 hoặc nữ sinh từ tháng 9/1970 trở lại đây. Người được giới thiệu tái cử cấp ủy cấp tỉnh là nam thì phải sinh từ tháng 3/1963 hoặc nữ phải sinh từ tháng 3/1968 trở lại đây (trừ các trường hợp được kéo dài thời gian công tác).

 Riêng những người có dự kiến giới thiệu ứng cử các chức danh lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân nhiệm kỳ 2021 - 2026 thì nam phải đảm bảo sinh từ tháng 9/1963 hoặc nữ sinh từ tháng 9/1968 trở lại đây. Trường hợp là ủy viên Trung ương Đảng sẽ do Bộ chính trị nghiên cứu, xem xét trình Ban chấp hành Trung ương quyết định.

 Theo chỉ thị, đối với Bí thư cấp ủy cấp huyện và tương đương trở lên đã giữ chức vụ quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp (8 năm trở lên) tại một địa phương, cơ quan, đơn vị, nếu còn đủ tiêu chuẩn, điều kiện tham gia cấp ủy khóa mới thì được phân công công tác mới hoặc giới thiệu ứng cử ở địa phương khác.

 Chỉ thị cũng quy định thực hiện thí điểm bầu bí thư cấp ủy tại đại hội ở những nơi cấp ủy đoàn kết, thống nhất cao. Nhân sự dự kiến giới thiệu là người tiêu biểu, hội tụ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín...; đồng thời, phải được sự đồng ý của cấp ủy cấp trên trực tiếp.

 Những lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện không tái cử, nhưng còn thời gian công tác từ 24 tháng đến dưới 30 tháng mới đến tuổi nghỉ hưu, nếu còn đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, sức khoẻ và có nguyện vọng công tác thì sẽ được xem xét, bố trí công việc phù hợp (trừ người có nguyện vọng nghỉ hưu sớm). (Vnexpress.net 27/6, Hoàng Thùy)Về đầu trang

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY

An Giang: Đảm bảo an ninh từ mô hình camera có loa phát thanh

Ông Đoàn Văn Liêm (phường Núi Sam, Châu Đốc, An Giang) cho biết, từ ngày áp dụng mô hình, hoạt động mua bán tại đây trở nên nề nếp hơn.

 Hiện nay, tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, chèo kéo du khách, gây mất an ninh trật tự vẫn thường xuyên xảy ra ở các điểm du lịch. Để chấn chỉnh vấn đề này, nhiều giải pháp đã được các địa phương đưa ra, trong đó, lắp đặt hệ thống camera an ninh có loa phát thanh là một trong những cách làm hiệu quả.

 Mời xem chi tiết trong video tại đường link dưới đây:

https://vtv.vn/trong-nuoc/dam-bao-an-ninh-tu-mo-hinh-camera-co-loa-phat-thanh-20190627183012031.htm

(Kênh VTV1 – Bản tin Thời sự lúc 16h ngày 27/6)Về đầu trang

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Việt Nam mới đạt khoảng 140 người dân/doanh nghiệp

Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2019 sáng 26/6, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, năm 2019, tình hình quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến không thuận lợi so với những năm trước đây. Kinh tế toàn cầu tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây, nhiều nền kinh tế gặp khó khăn và suy giảm tăng trưởng.

 Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng tích cực, là một trong những điểm sáng về tăng trưởng trong khu vực và thế giới.

 Năm tháng đầu năm 2019, kinh tế vĩ mô của Việt Nam ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát theo mục tiêu, tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân 5 tháng đạt thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Thị trường tiền tệ, ngoại hối và mặt bằng lãi suất khá ổn định, thanh khoản tốt.  Thu, chi ngân sách nhà nước cơ bản được bảo đảm. Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục gia tăng.

 Cả nước có gần 54 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, cao nhất trong 5 năm qua và 19,6 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại. Sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tăng khá, trong đó sản phẩm điện tử, máy vi tính, bắt đầu phục hồi sau 2 tháng liên tiếp tăng trưởng âm.

 Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý 1/2019 so với quý 3/2018 cho thấy 85,1% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng tốt lên và ổn định.

 Bên cạnh những kết quả tích cực, Phó thủ tướng cho rằng, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Năng suất, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và hàng hóa, dịch vụ Việt Nam vẫn còn thấp.

 Quy định pháp luật về đầu tư, kinh doanh vẫn còn những bất cập; thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai, tài nguyên, tín dụng… còn khó khăn; chi phí về vốn, logistics, thủ tục hành chính còn cao.

 Tỷ lệ doanh nghiệp so với dân số bình quân còn thấp. So sánh với một số nước, Việt Nam mới đạt khoảng 140 người dân/doanh nghiệp, trong khi bình quân các nước ASEAN là 80-100, các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, EU là 10-12 người dân/doanh nghiệp.

 Phó thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh đó, phát triển nhanh và bền vững là chủ trương, quan điểm nhất quán và xuyên suốt trong chiến lược phát triển của Việt Nam với mục tiêu phải phát triển kinh tế nhanh để tránh tụt hậu, giảm khoảng cách với các nước đang phát triển. Đồng thời phải duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững, từng bước thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

 Trước hết phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội, bảo vệ môi trường. Tăng trưởng kinh tế phải góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xa hội.  Nâng cao chất lượng tăng trưởng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là chính sách tài chính, tiền tệ... (VnEconomy.vn 26/6)Về đầu trang

Chuyên gia Bộ Kế hoạch: Khó xảy ra việc Mỹ đánh thuế với hàng Việt Nam

Việc áp thuế của Mỹ thường dựa vào ba tiêu chí, nhưng có một tiêu chí quan trọng là can thiệp một chiều của Nhà nước Việt Nam vào thị trường ngoại hối chưa xảy ra. Chính vì vậy, khả năng Mỹ áp thuế với hàng hoá Việt Nam là không có.

 Đây là nhận định của ông Lương Văn Khôi - Phó Giám đốc Trung tâm kinh tế dự báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại cuộc họp báo thường kỳ quý II/2019 của Bộ này diễn ra sáng 27/6 tại Hà Nội.

 Tại cuộc họp, trả lời câu hỏi liệu Việt Nam có thể bị Mỹ áp thuế khi có một số thông tin hàng Trung Quốc "đội lốt" vào Việt Nam? Bên cạnh đó, lo ngại Mỹ mới đưa Việt Nam vào diện cảnh báo thao túng tiền tệ có làm tăng nguy cơ đánh thuế hàng Việt?

 Ông Lương Văn Khôi - Phó Giám đốc Trung tâm kinh tế dự báo, Bộ KH&ĐT nói: Việc áp thuế của Mỹ thường dựa vào ba tiêu chí, nhưng có một tiêu chí quan trọng là can thiệp một chiều của Nhà nước Việt Nam vào thị trường ngoại hối chưa xảy ra. Chính vì vậy, khả năng Mỹ áp thuế với hàng hoá Việt Nam là không có.

 Đối với nguy cơ hàng Trung Quốc lẩn tránh và chuyển hàng sang Việt Nam, ông Khôi cho rằng, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra rất căng thẳng và Việt Nam cần tránh tác động tiêu cực.

 Ông Khôi cho biết, cần phải tăng cường biện pháp phòng vệ thương mại ngăn chặn hàng nước ngoài đội lốt vào Việt Nam, kiểm soát chặt hàng hóa nhập vào Việt Nam mà chỉ lắp ráp giản đơn để xuất vào Mỹ.

 Cũng tại cuộc họp báo thường kỳ, ông Vũ Đại Thắng, thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, Luật quy hoạch có ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế xã hội. Thông tin Bộ Kế hoạch & đầu tư và Chính phủ trình nghị quyết để hoãn thi hành luật là không chính xác.

 Ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý Quy hoạch nói: Trong quá trình triển khai thực hiện luật Quy hoạch, hiện nay có một số vướng mắc đối với điều khoản chuyển tiếp.

 Chính vì vậy, Chính phủ có trình Quốc hội Dự thảo Nghị quyết giải quyết các vấn đề về chuyển tiếp đối với các quy hoạch đã được thực hiện xây dựng thời kỳ trước nhằm tháo gỡ khó khăn cho các bộ ngành, địa phương. Việc xử lý các quy định ở Điều 59 Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ tập trung chủ yếu ở vấn đề đó.

 Về lo ngại việc làm này sẽ khiến một số quy định, luật và quy hoạch khác bị ảnh hưởng, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng nói: Những nội dung được trình để đảm bảo việc điều hành của Chính phủ, địa phương diễn ra liên tục trước khi Luật quy hoạch mới được thông qua. (Dân Trí 27/6, An Linh)Về đầu trang

Số doanh nghiệp giải thể tăng cao trong 6 tháng đầu năm

Doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đầu năm đạt 66.950 doanh nghiệp, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2018, nhưng số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể lại tăng cao. Đây là thông tin về sức khỏe khối doanh nghiệp được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố trong cuộc họp báo sáng 27/6.

 Lượng doanh nghiệp giải thể trong 6 tháng đầu năm tăng 18,1%, tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tạm ngừng hoạt động chờ giải thể cũng tăng khá cao. Các doanh nghiệp thuộc đối tượng này chủ yếu có quy mô vốn từ 0 - 10 tỷ đồng.

 Đây là những doanh nghiệp có số vốn không lớn, dễ bị tác động bởi các biến động thị trường cả trong nước và ngoài nước. Nhất là khi 6 tháng đầu năm nhiều mặt hàng đầu vào tăng giá có ảnh hưởng khá lớn tới khối doanh nghiệp.

 Điểm tích cực trong bức tranh doanh nghiệp 6 tháng đầu năm là số vốn đăng ký thành lập mới của doanh nghiệp đã tăng hơn 44% số lượng doanh nghiệp. Địa phương dẫn đầu về số lượng và giá trị vốn đầu tư doanh nghiệp mới vẫn là TPHCM. (VTV.vn 27/6)Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

Trả nợ niềm tin

Ngày 27/6, trong ngày thi thứ hai của kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, hình ảnh 2 chiến sỹ công an ở Hà Giang đến tận nhà “áp tải” đưa thí sinh ngủ quên đến trường thi kịp giờ đã gây xúc động mạnh trong cộng đồng xã hội.

 Nhiều người cho rằng, đây sẽ là một trong những khoảnh khắc ấn tượng nhất của kỳ thi năm nay. Người ta tạm quên đi rằng, nơi đây, tròn một năm trước là điểm nóng của “sai phạm thi cử” lớn nhất từ trước đến nay. Hay đúng hơn, có người ngờ ngợ tin rằng, Hà Giang đang căng mình thực sự để làm tốt kỳ thi năm 2019 như sự “trả nợ” cho kỳ thi năm trước.

 2 ngày thi trôi qua, bên cạnh những dòng thông tin, hình ảnh về tâm trạng của người đi thi, người chờ đợi nơi cổng trường hay những nhận định, đánh giá sau mỗi môn thi, bài thi, là hình ảnh, thông tin về lãnh đạo ngành Giáo dục, lãnh đạo các địa phương đến từng điểm thi, cụm thi chỉ đạo trực tiếp.

 Người đứng đầu ngành Giáo dục, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có mặt ở 3 miền để động viên học sinh, phụ huynh, giáo viên và có những chỉ đạo sát sao - đây là kỳ thi mà vị “tư lệnh ngành” có mặt tại nhiều điểm thi nhất kể từ khi ở vị trí “ghế nóng” giáo dục.

 Có lẽ không quá khi nói rằng, đây là lần “ra quân” hùng hậu nhất không chỉ của ngành Giáo dục mà còn của mọi cấp, mọi ngành, của cả hệ thống chính trị kể từ khi kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức. Vai trò, trách nhiệm của địa phương chưa năm nào được đặt ra rõ nét, rõ ràng như năm nay - việc mà đáng ra phải được làm rành mạch từ nhiều năm trước.

 Sẽ có người chép miệng “vì người ta lo”, cũng có người nghi ngờ “chỉ được năm nay, sang năm lại đâu vào đó”. Nhưng nếu không bắt đầu từ lo lắng phải “trả nợ niềm tin” cho xã hội, bắt đầu từ hành động vì một kỳ thi “sạch” ngay trong năm nay, chúng ta sẽ trông đợi gì vào năm sau, năm sau nữa?

 Trước kỳ thi, nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn sai phạm đã được ngành Giáo dục đặt ra và quán triệt nghiêm túc, nhưng như Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã thừa nhận “giải pháp có hoàn hảo đến mấy cũng không thể ngăn chặn con người cố tình sai phạm”.

 Cũng trước kỳ thi, không phải không có nghi ngờ đặt ra, năm nay không là Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La thì có thể là bất cứ đâu, lấy gì để đảm bảo?

 Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 mới bắt đầu và còn tiếp tục trong những ngày tới, hình ảnh một anh công an đưa học sinh đến kịp giờ thi hay một ông Bộ trưởng đến từng điểm thi lắng nghe học sinh “thở than” về bài làm chưa nói lên gì nhiều. Nhưng nhen nhóm đâu đó là những ấm áp, chân tình. Là niềm tin đang bắt đầu được trả bằng hành động và việc làm.

 Chúng ta có quyền nghi ngờ nhưng cũng chính chúng ta có quyền tin tưởng và chờ đợi. (Dân Trí 27/6, Thu Minh)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Tình trạng "tham nhũng vặt" vẫn xảy ra ở nhiều cấp, ngành

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng, tình trạng tham nhũng vặt vẫn xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực.

 Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc vừa được Chính phủ tổ chức sáng 27/6.

 Chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng, mặc dù thời gian qua, công tác phòng chống tham nhũng đã có bước tiến rõ rệt, nhất là việc phát hiện và xử lý nghiêm minh nhiều vụ việc, vụ án lớn được xã hội quan tâm, đồng tình, ủng hộ, tuy nhiên, tình trạng tham nhũng vặt vẫn xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực; tình trạng cán bộ lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, "vòi vĩnh", "chung chi" đang là vấn nạn gây nhức nhối trong xã hội, làm xói mòn niềm tin của người dân, doanh nghiệp.

 Phó Thủ tướng đề nghị các ngành, các cấp phải quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; đặc biệt là trong các lĩnh vực nhậy cảm, dễ xảy ra tiêu cực như: Thanh tra, thuế, hải quan, quản lý đất đai, đầu tư, xây dựng.

 Nhân dịp này, Phó Thủ tướng cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân tiếp tục theo dõi, giám sát, phản ánh các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực để đấu tranh ngăn chặn, tiến tới chấm dứt tình trạng này trong thời gian tới. (VTV.vn 27/6)Về đầu trang

“Xảy ra nhũng nhiễu, sao người đứng đầu đơn vị không biết?”

“Chúng tôi đi tiếp xúc cử tri, nghe những câu người dân nói thấy rất đau xót. Họ nói nạn tham nhũng vặt khi cấp sổ đỏ, giấy khai sinh… tại sao người dân biết, doanh nghiệp (DN) biết nhưng người đứng đầu cơ quan đó lại không biết?”. Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đặt vấn đề vào sáng 27-6 như trên.

 Bà Hải phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc phổ biến, quán triệt Chỉ thị của Thủ tướng về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, DN trong giải quyết công việc, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng Chỉ thị nói trên ra đời đã “gãi đúng chỗ ngứa của người dân”.

 Theo bà Hải, nạn phong bao, phong bì, lót tay người dân khi thực hiện dịch vụ hành chính công, khi xin học cho con, khám chữa bệnh, làm sổ đỏ, thi bằng lái xe, khi vi phạm giao thông phải chung chi với lực lượng CSGT… có thể nói là xảy ra hàng ngày, hàng giờ.

 “Tham nhũng lớn được xử lý rất mạnh, tạo được lòng tin trong người dân nhưng tham nhũng vặt lại làm xói mòn lòng tin đó”- bà Hải nói.

 Theo bà, Chỉ thị của Thủ tướng đã nhận diện được gần 20 hành vi tham nhũng vặt, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, từ đó đưa ra biện pháp ngăn chặn và xử lý. Tuy nhiên, bà mong các cơ quan chức năng quan tâm đến công tác triển khai thực hiện, bởi các nguyên nhân nêu trong chỉ thị cũng đã được đề cập nhiều trước đó.  Trưởng ban Dân nguyện sau đó nêu hàng loạt vấn đề cụ thể.

 Về công tác tiếp công dân, theo bà Hải, công tác giám sát ở nhiều tỉnh, thành phố cho thấy công tác này chưa thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật. Năm 2018, tính trung bình tiếp công dân của người đứng đầu cấp tỉnh chỉ đạt con số 50%, còn lại là uỷ quyền cho cấp phó. Người đứng đầu UBND cấp tỉnh theo quy định một năm thực hiện 12 cuộc tiếp công dân, trung bình mỗi tháng một cuộc, nhưng theo thống kê chỉ đạt được 6 buổi/năm.

 Ở cấp huyện, Chủ tịch huyện phải tiếp công dân 2 buổi/tháng, 24 buổi/năm nhưng trung bình các huyện trên toàn quốc chỉ đạt khoảng 75-78%.

 Đáng chú ý, theo quy định, Chủ tịch xã phải tiếp công dân 4 buổi/tháng nhưng theo thống kê, chủ tịch UBND cấp xã tiếp định kỳ chỉ đạt khoảng 25%, tức là 1 buổi/tháng.

 Thứ hai, về công tác thanh tra công vụ, bà Hải cho rằng Thanh tra Chính phủ (TTCP) hay Thanh tra các địa phương thường chỉ quan tâm thanh tra các vụ việc lớn.

 Trong khi đó, việc thanh tra công vụ của các sở ngành hoặc thanh tra công vụ của các tỉnh (về những việc nhũng nhiễu, gây phiền hà của các sở, ban, ngành thuộc thẩm quyền thanh tra của các ngành) tuy đã được quan tâm hơn, nhưng số liệu bao nhiêu vụ việc đã được xử lý, bao nhiêu cá nhân đã bị xử lý, xử lý như thế nào nếu không tiếp công dân đúng quy định hoặc có biểu hiện nhũng nhiễu thì không nêu ra được.

 “Chúng tôi đề nghị tập hợp báo cáo số liệu về hoạt động thanh tra công vụ này 6 tháng một lần và công khai cho người dân biết. Vừa rồi có việc 4.000 bộ hồ sơ ở tỉnh quá hạn chưa được giải quyết, đồng chí Chủ tịch tỉnh yêu cầu phải xin lỗi người dân và giải quyết ngay. Tuy nhiên sau đó, việc xử lý cán bộ làm chậm trễ như thế nào thì không thấy nêu”- bà Hải dẫn chứng.

 Một vấn đề khác đáng quan tâm là chống tham nhũng ngay trong đội ngũ làm công tác chống tham nhũng. “Sự việc đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng tại Vĩnh Phúc vừa qua chỉ là con sâu làm rầu nồi canh, nhưng làm cho người dân rất băn khoăn và đang trông chờ xem sự việc sẽ được giải quyết thế nào? Người dân mong muốn sự việc được giải quyết nghiêm minh để từ đó có những răn đe đối với những thành phần khác”- bà Hải nói.

 “Các văn bản đều nêu xử lý nghiêm, nhưng người dân đặt vấn đề xử lý nghiêm là như thế nào? Bao nhiêu trường hợp tham nhũng vặt đã bị xử lý?”- bà Hải nói thêm đồng thời kiến nghị cần tuyên truyền cho người dân biết quyền của họ được hưởng các dịch vụ công mà không cần phải chi phí lót tay và nếu xảy ra việc tham nhũng vặt đó sẽ bị xử lý nghiêm…

 Cuối cùng, bà đề nghị quan tâm tới trách nhiệm của người đứng đầu, được nêu rất rõ ngay phần đầu của Chị thị. “Chúng tôi đi tiếp xúc cử tri, nghe những câu người dân nói thấy rất đau xót. Họ nói nạn tham nhũng vặt khi cấp sổ đỏ, cấp CMND, giấy khai sinh… tại sao người dân biết, DN biết nhưng người đứng đầu cơ quan đó lại không biết?”- Trưởng ban Dân nguyện đặt vấn đề.

 “Chị Hải nói câu mà tôi thấy rất tâm đắc là không thể nói người đứng đầu bộ, ngành, cơ quan đơn vị lại không biết là ở khu vực nào, địa chỉ nào có nhũng nhiễu, tham nhũng vặt và không đề ra các giải pháp kiểm tra, thanh kiểm tra, xử lý đối với hành vi tham nhũng vặt.

 Chắc chắn người đứng đầu phải biết và nếu tiếp tục để xảy ra (tình trạng nhũng nhiễu, tham những vặt) thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm”- Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình nói sau đó. (Pháp Luật TPHCM 27/6, Đức Minh)Về đầu trang

Luật "đá" luật trong quản lý đất đai

Từ Báo cáo đánh giá toàn diện chính sách pháp luật quản lý đất đai từ năm 2013 đến nay của Chính phủ, thấy rõ tình trạng luật "đá" luật thiếu đồng bộ và chồng chéo, trong khi đó, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai chưa được rà soát, hệ thống hóa thường xuyên và kịp thời.

 Chính phủ cho rằng, một số chủ trương, chính sách của Đảng có tính chất định hướng lâu dài, có tính chiến lược nhưng chưa được thể chế hóa kịp thời do việc tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa đầy đủ, đặc biệt như vấn đề kinh tế, tài chính đất đai; định giá đất theo cơ chế thị trường; quy hoạch sử dụng đất; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đất đai; giải quyết các vấn đề phức tạp, có tính lịch sử qua các thời kì như: đất nông, lâm trường, công ty nông, lâm nghiệp, đất quốc phòng kết hợp làm kinh tế.

 Thực tiễn cũng như yêu cầu hội nhập quốc tế đã phát sinh vấn đề mới nhưng cơ chế chính sách hiện hành chưa có quy định đầy đủ để kịp thời điều chỉnh, như chính sách sử dụng đất cho người nước ngoài, condotel, officetel...

 Một số nội dung quy định trong Luật Đất đai và các pháp luật khác có liên quan có phạm vi điều chỉnh và nội dung chưa thống nhất, thiếu đồng bộ như chưa có sự thống nhất giữa quy định của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư về chủ thể sử dụng đất. Hay quy định về đấu thầu dự án có sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất, chỉ định chủ đầu tư giữa Luật Đất đai, Luật Đấu thầu và Luật Nhà ở chưa thống nhất; Thẩm quyền chấp thuận sự cần thiết phải thu hồi đất và thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định dự án đầu tư giữa Luật Đất đai và Luật Đầu tư chưa thống nhất.

 Chưa có sự đồng bộ giữa quy định gia hạn tiến độ sử dụng đất; việc xử lý vấn đề đất đai, tài sản gắn liền trong trường hợp dự án bị chấm dứt hoạt động với đất theo quy định tại Điều 64 Luật Đất đai và Điều 46, Điều 48 Luật Đầu tư.

 Rất nhiều vấn đề bất nhất và "đá" nhau khác còn có thể kể đến là, chưa có sự thống nhất và rõ ràng giữa pháp luật về đất đai, pháp luật về kinh doanh bất động sản và pháp luật về đầu tư liên quan đến việc chuyển quyền sử dụng đất khi chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư.

 Có sự chồng lấn, không thống nhất trong quy định về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng khu đô thị giữa Luật Đầu tư, Luật Nhà ở. Quy định về mối quan hệ giữa các quy hoạch và các cấp quy hoạch thiếu khả thi, đồng bộ, thống nhất, tạo ra độ trễ làm chậm tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch...

 Thêm vào đó, các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật thuộc thẩm quyền ban hành của địa phương còn chưa được ban hành đầy đủ, kịp thời. Các quy định về biện pháp, chế tài xử lý vi phạm pháp luật chưa đầy đủ, thiếu quy định về trách nhiệm, hành chính, hình sự để răn đe, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật. Nguyên nhân của những hạn chế, vướng mắc, theo Chính phủ, có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.

 Cụ thể, một số vấn đề về lý luận quản lý, sử dụng đất đai gắn với quan hệ kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa được nghiên cứu căn cơ, thấu đáo để định hình khi xây dựng chính sách, pháp luật. Sự phối hợp giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp và các cơ quan nghiên cứu trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật ở cấp Trung ương và địa phương chưa được chặt chẽ.

 Việc tổ chức lấy ý kiến góp ý phản biện của người dân, việc đánh giá tác động và thẩm định chính sách, pháp luật trước khi ban hành đôi lúc còn hình thức, chưa hiệu quả, đầu tư cho công tác này còn hạn chế. Chưa có quy định cụ thể về chính sách đất đai giữa các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, dự án công nghệ cao với các dự án đầu tư phát triển bất động sản để thu hút đầu tư phát triển sản xuất... (Vneconomy.vn 27/6, Nguyễn Mẫn)Về đầu trang

Thanh Hóa: Sắp xếp nhân sự khi sáp nhập xã

Từ thực tiễn Thanh Hóa cho thấy, vấn đề đặt ra với các địa phương lúc này là cần phải có phương án bố trí, sắp xếp đội ngũ nhân sự cho hợp lý.

 Tới đây, xã Xuân Tân, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa sẽ được sáp nhập với xã Xuân Vinh và xã Thọ Trường để thành lập xã mới - xã Trường Xuân.

 Thuận lợi lớn của địa phương này là gần 90% nhân dân đồng thuận với chủ trương sáp nhập. Tuy nhiên, điều khiến cán bộ, công chức nơi đây băn khoăn là khi 3 đơn vị hợp nhất làm một, số lượng nhân sự của các xã dôi dư khá nhiều thì sẽ sắp xếp thế nào?

 Cũng theo kế hoạch, ở thành phố Thanh Hóa, xã Đông Hưng và phường An Hoạch cũng sẽ được nhập vào làm một. Hiện hai đơn vị hành chính này đang có hơn 40 người. Sáp nhập, con số này sẽ phải giảm đi một nửa. Do vậy, tới đây, một số cán bộ ở đây sẽ được vận động để nghỉ; một số cũng sẽ phải chuyển công tác khác theo đề án sắp xếp của cấp trên.

 Toàn tỉnh Thanh Hóa có 143 xã, phường, thị trấn sắp xếp lại thành 67 đơn vị. Hơn 2.800 cán bộ, công chức cấp xã sẽ bị ảnh hưởng bởi chủ trương này. Để việc sắp xếp được thuận lợi, từ hơn 1 năm nay, các địa phương trong tỉnh đã không bổ nhiệm thêm cán bộ và cũng không tuyển dụng thêm nhân sự.

 Hai năm tới, sẽ có 16 huyện và 631 xã chưa đạt 50% cả hai tiêu chí về dân số và diện tích trên cả nước sẽ phải sắp xếp lại. Đây là một việc khó và phức tạp nhưng cũng chính là cơ hội để sàng lọc đội ngũ.

 Từ thực tiễn Thanh Hóa cho thấy vấn đề đặt ra với các địa phương lúc này là cần phải có phương án bố trí, sắp xếp đội ngũ nhân sự cho hợp lý; cùng với đó là lựa chọn đội ngũ cán bộ chủ chốt xứng tầm để đảm đương nhiệm vụ mới lớn hơn, khó hơn.  (Kênh VTV1 – Bản tin Thời sự lúc 19h ngày 27/6)Về đầu trang

Kiểm tra thực hiện tinh gọn bộ máy ở Tuyên Quang

Theo báo cáo đến nay Tuyên Quang đã sắp xếp xong đầu mối bên trong tất cả các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy.

 Ngày 27/6, làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang triển khai quyết định kiểm tra của Bộ Chính trị về công tác triển khai các Nghị quyết của Trung ương về công tác cán bộ và sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh: Kiểm tra là hoạt động thường xuyên của Bộ Chính trị nhằm rà soát, đánh giá kết quả cũng như chỉ ra những mặt còn tồn tại để đề ra giải pháp thực hiện các Nghị quyết của Trung ương tốt hơn.

 Theo báo cáo đến nay Tuyên Quang đã sắp xếp xong đầu mối bên trong tất cả các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy; tỉnh cũng đã sáp nhập xong các thôn, tổ dân phố. Sau sáp nhập, đã giảm được gần 360 thôn, tổ dân phố và gần 1.800 người hoạt động không chuyên trách ở khu vực này. (VTV.vn 27/6)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Hàng loạt thủ tục BHXH được rút ngắn nhờ ứng dụng công nghệ

“Năm 2018, BHXH Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đứng đầu về ứng dụng công nghệ thông tin trong nhóm các cơ quan thuộc Chính phủ. Theo báo cáo của WB về môi trường kinh doanh năm 2019, xếp hạng chỉ số Nộp thuế và BHXH của Việt Nam tăng 36 bậc (từ 167/190 lên 131/190) so với môi trường kinh doanh năm 2017”.

 Đó là chia sẻ của ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam liên quan đến những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính của BHXH nhằm mang lại thuận tiện cho người dân.

 Theo ông Ánh, việc triển khai giao dịch điện tử trong lĩnh vực thu và cấp sổ BHXH, thẻ BHYT mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Nhờ đó, số lần thực hiện giao dịch điện tử của doanh nghiệp với cơ quan BHXH giảm từ 12 lần/năm trước đây xuống còn một lần/năm.

 Cùng với đó là việc đa dạng hóa các hình thức tiếp nhận và trả kết quả (tiếp nhận trực tiếp, tiếp nhận và trả kết hồ sơ qua bưu điện, giao dịch điện tử), đến nay, doanh nghiệp không phải xếp hàng, chờ lấy số làm thủ tục nộp hồ sơ và nhận kết quả tại cơ quan BHXH như trước đây…

 Cùng với việc rà soát, mạnh dạn cắt giảm các thủ tục hành chính, BHXH Việt Nam đã kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa các văn bản của ngành, qua đó có sự đánh giá toàn diện để sửa đổi các quy định liên quan thủ tục hành chính, các quy trình nghiệp vụ theo hướng tạo điều kiện thuận lợi, giảm bớt các thủ tục cho doanh nghiệp và người dân…

 Trong năm năm qua, số lượng thủ tục hành chính trong lĩnh vực BHXH đã được cắt giảm mạnh từ 115 thủ tục xuống còn 28 thủ tục (giảm trên 75%). Thời hạn cấp sổ BHXH từ 20 ngày và thẻ BHYT từ bảy ngày đều được rút ngắn xuống còn năm ngày (riêng với người hưởng trợ cấp thất nghiệp không quá hai ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định), cấp lại thẻ BHYT không thay đổi thông tin được thực hiện trong ngày…

 “Tất cả những cải cách này hướng đến một mục tiêu nhất quán là phục vụ ngày càng tốt hơn các tổ chức, cá nhân tham gia, hưởng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp…”, ông Ánh khẳng định. (Pháp Luật TPHCM 27/6, P.Phong)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

TP HCM bị đề nghị hoàn ngân sách hơn 26.000 tỷ do sai phạm ở Thủ Thiêm

Chiều 26/6, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai đối với khu đô thị mới Thủ Thiêm (KĐTM Thủ Thiêm) tại TP HCM.

 Theo đó, khu đô thị mới này đã giải phóng mặt bằng trên 99%; công tác đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư cơ bản được thực hiện theo quy định. Thành phố đã ký hợp đồng với một số nhà đầu tư dự án, chủ yếu theo hình thức BT, như: 4 tuyến đường chính; cầu Thủ Thiêm 2; hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Bắc, hoàn thiện đường trục Bắc – Nam đoạn từ chân Cầu Thủ Thiêm 1 đến đường Mai Chí Thọ...

 Thanh tra nêu rõ, trong quá trình thực hiện đầu tư, xây dựng KĐTM Thủ Thiêm, UBND thành phố và các sở, ngành liên quan đã có nhiều khuyết điểm, vi phạm.

 Đầu tiên là việc chấp hành pháp luật trong quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai. Ngoài các vi phạm về quy hoạch và bồi thường, thu hồi đất, hỗ trợ, bố trí tái định cư đã được thông báo tháng 9/2018, UBND thành phố còn ban hành điều lệ quản lý xây dựng KĐTM Thủ Thiêm chưa đầy đủ, kịp thời; không thực hiện việc lập các dự án theo thứ tự ưu tiên và trình duyệt theo quy định cũng như ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng... Vi phạm này dẫn đến việc đầu tư xây dựng các dự án thiếu đồng bộ, khó quản lý; có nơi buông lỏng quản lý, chậm triển khai đầu tư xây dựng.

 Các cơ quan chức năng liên quan của thành phố đã đề xuất và được thường trực Thành ủy, UBND thành phố phê duyệt chi phí đầu tư bình quân cho một m2 đất thương mại – dịch vụ - nhà ở là 26 triệu đồng.

 Chi phí đầu tư bình quân này chênh lệch giảm khoảng 50% so với đơn giá đã được các sở, ngành đề xuất ban đầu, với lý do loại bớt một số chi phí cho các hạng mục công trình đã được phê duyệt quy hoạch có tổng giá trị là 17.042 tỷ đồng (gồm quảng trường trung tâm, công viên bờ sông Sài Gòn, Khu lâm viên sinh thái phía Nam, 6 trường công lập và 5 cây cầu nối từ trung tâm Thành phố qua KĐTM Thủ Thiêm) là "không đầy đủ và không đúng quy định".

 Ngoài ra, khi đề xuất phương án giá trên, các sở, ngành và UBND thành phố đã không tính lãi đối với khoản tiền được tạm ứng từ ngân sách nhà nước, dẫn đến, tổng mức đầu tư đã xác định và phê duyệt không đúng quy định.

 Toàn bộ quỹ đất trong KĐTM Thủ Thiêm hơn 221 ha được tạo ra bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Nhưng UBND Thành phố đã sử dụng quỹ đất chủ yếu để thanh toán đối ứng cho các dự án BT được chỉ định nhà đầu tư, nhất là các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho chính khu đô thị này, không thông qua hình thức đấu thầu dự án hoặc giao đất có thu tiền sử dụng đất không qua đấu giá quyền sử dụng đất, là vi phạm các quy định về đấu thầu và quản lý sử dụng đất đai.

 Kết luận thanh tra nêu rõ "các nhà đầu tư được hưởng lợi do chênh lệch giá đất lớn (chênh lệch địa tô) từ việc được đầu tư hạ tầng kỹ thuật chính theo hình thức hợp đồng BT".

 Nguyên nhân và trách nhiệm chính đã để xảy ra các khuyết điểm, vi phạm trên do lãnh đạo UBND thành phố không thực hiện đầy đủ chỉ đạo của Thủ tướng; trách nhiệm liên quan thuộc các sở, ngành như: Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên Môi trường, Xây dựng, Ban quản lý KĐTM Thủ Thiêm...

 Cũng theo kết luận thanh tra, việc đầu tư KĐTM Thủ Thiêm còn mất cân đối vốn khoảng 8.734 tỷ đồng. Cụ thể, báo cáo của UBND thành phố về đánh giá tổng quan cân đối vốn khi đầu tư KĐTM Thủ Thiêm và kết quả thanh tra cho hay, tổng chi phí phải trả là hơn 83.335 tỷ đồng (gồm chi phí đầu tư và lãi tiền tạm ứng từ ngân sách). Tổng thu dự kiến đến nay là trên 74.601 tỷ đồng (bao gồm giá trị 55 lô đất còn lại tạm tính theo giá thẩm định tại thời điểm năm 2016).

 Căn cứ kết quả thanh tra, Tổng thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND thành phố thu hồi, hoàn trả ngay khoản tiền đã tạm ứng từ ngân sách Nhà nước không đúng quy định đã đầu tư cho KĐTM Thủ Thiêm, đến 30/9/2018 là hơn 26.315 tỷ đồng; sớm có giải pháp huy động các nguồn vốn hợp pháp để trả nợ các khoản vay ngân hàng đã đầu tư cho khu đô thị mới này trên 4.286 tỷ đồng.

 UBND thành phố cũng có trách nhiệm nghiên cứu các phương án khai thác quỹ đất còn lại trong KĐTM Thủ Thiêm, tính lại tiền sử dụng đất của các dự án đã giao cho nhà đầu tư; đảm bảo không thất thoát tài sản nhà nước và khắc phục tình trạng mất cân đối khi đầu tư xây dựng khu đô thị mới này...

 Tổng thanh tra cũng kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các bộ (Xây dựng, Tài nguyên Môi trường, Kế hoạch Đầu tư), UBND thành phố và Thanh tra Chính phủ xác định đúng chi phí đầu tư bình quân đối với diện tích đất sạch mà nhà nước đã dùng tiền ngân sách để đền bù, giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng KĐTM Thủ Thiêm.

 Trên cơ sở "xác định đúng" này, làm mức giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất và lựa chọn nhà đầu tư dự án theo quy định.Trong đó, kiểm tra, làm rõ và báo cáo Thủ tướng đối với khoản lãi trên số tiền tạm ứng từ ngân sách nhà nước khoảng 10.503 tỷ đồng; xem xét, kiến nghị xử lý đối với khoản chênh lệch do xác định, trình và phê duyệt chi phí đầu tư bình quân 17.042 tỷ đồng.

 Các công việc nêu trên được đề nghị hoàn thành trước ngày 30/9 để báo cáo Thủ tướng. (Vnexpress.net 27/6, Bá Đô)Về đầu trang

PHÁP LUẬT

Quảng Bình xử lý nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm

Ủy Ban Kiểm tra Tỉnh uỷ Quảng Bình vừa ra thông báo kết luận về các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm trong quá trình lãnh đạo, điều hành.

 Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Bình, ông Trần Hữu Ninh, Phó Bí thư Chi bộ, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh, với trách nhiệm phụ trách chương trình 135, trong 2 năm 2017 và 2018 đã thiếu trách nhiệm trong quản lý, điều hành, thống nhất lập khống chứng từ để thanh toán chi phí phục vụ các lớp tập huấn do Ban Dân tộc tỉnh tổ chức, làm thất thoát ngân sách Nhà nước.

 Ông Ninh thiếu kiểm tra, giám sát để Phòng Dân tộc các huyện Minh Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, Văn phòng HĐND và UBND huyện Tuyên Hóa, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Quảng Trạch thực hiện không đúng hợp đồng các lớp tập huấn, lập khống chứng từ đề nghị thanh toán, làm thất thoát ngân sách nhà nước.

 Đối với ông Đặng Thái Tôn, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đã có những khuyết điểm vi phạm nghiêm trọng đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật. Tuy nhiên, hiện ông Đặng Thái Tôn đang điều trị bệnh dài ngày. Vì vậy, theo quy định, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh uỷ Quảng Bình chưa xem xét, xử lý kỷ luật.

 Liên quan đến vụ phá rừng gỗ mun nghiêm trọng tại vùng lõi di sản Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh uỷ Quảng Bình nhận thấy, ông Lê Thanh Tịnh, Giám đốc Vườn kiêm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm; ông Đinh Huy Trí, Phó Giám đốc Vườn, kiêm Hạt phó Hạt Kiểm lâm đã có khuyết điểm, vi phạm. Tuy nhiên, sau vụ việc, ông Tịnh và ông Trí đã có nhiều biện pháp khắc phục hậu quả, chấn chỉnh công tác bảo vệ rừng. Do vậy, những khuyết điểm, vi phạm của 2 ông này chưa đến mức phải áp dụng hình thức kỷ luật.

 Đối với việc xử lý trách nhiệm ông Châu Ngọc Dương, Giám đốc Chi nhánh Lâm trường Trường Sơn thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn, Một thành viên Lâm công nghiệp Long Đại, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh uỷ đề nghị Đảng ủy Công ty tổ chức kiểm điểm, sau đó có biểu quyết không thi hành kỷ luật đối với Châu Ngọc Dương, đề nghị ông này rút kinh nghiệm sâu sắc.

 Ông Hoàng Đăng Quang, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Bình cho biết: “Thông qua kiểm tra dấu hiệu vi phạm, chúng ta đã xử lý nhiều tổ chức, cá nhân, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các nguyên tắc khác của Đảng. Tôi đánh giá cao Ủy ban Kiểm tra Tỉnh uỷ đã làm rõ, xử lý các tổ chức, cá nhân có sai phạm, đây là bước góp phần làm ổn định tình hình Đảng bộ và tình hình của các cơ quan, đơn vị”. (VOV.vn 27/6, Thanh Tuấn)Về đầu trang

 Ba cán bộ biên phòng ở Hà Tĩnh bị kỷ luật vì nhận tiền “bồi dưỡng”

Ngày 27/6, lãnh đạo Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh cho biết đã kỷ luật khiển trách, điều chuyển công tác đối với ba cán bộ thuộc Trạm kiểm soát cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Đồn Biên phòng Cầu Treo) vì Thiếu trách nhiệm, có khuyết điểm trong quá trình công tác.

 Một tháng trước, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh nhận phản ánh, cuối năm 2018, trong lúc làm nhiệm vụ kiểm soát hàng hóa qua Trạm Biên phòng cửa khẩu Cầu Treo, ba cán bộ trên đã nhận tiền "bồi dưỡng" của một số chủ hàng để cho xe đi qua trạm. Tùy theo số lượng xe và chủng loại hàng hóa, số tiền mà các cán bộ biên phòng nhận từ chủ hàng dao động từ 700.000 đến vài triệu đồng.

 Bị cấp trên yêu cầu giải trình, ba cán bộ biên phòng thừa nhận có nhận tiền "bồi dưỡng" trong quá trình làm việc, chấp nhận hình thức kỷ luật. (Vnexpress.net 27/6, Đức Hùng)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Trung Quốc truy bắt gần 6.000 phần tử tham nhũng chạy ra nước ngoài

Thống kê của Trung Quốc cho thấy, 5 năm qua, nước này đã truy bắt được gần 6.000 phần tử tham nhũng trốn chạy ra nước ngoài.

 Theo số liệu thống kê, sau khi Văn phòng phụ trách công tác truy bắt tội phạm và tài sản ở nước ngoài của Trung Quốc thành lập năm 2014 đến tháng 5/2019, Trung Quốc đã truy bắt được 5.974 đối tượng tham nhũng trốn chạy ra nước ngoài, trong đó đảng viên và cán bộ nhà nước là 1.425 người, đối tượng bị đưa vào danh sách truy nã đỏ là 58 người, với số tiền tham nhũng thu về là hơn 14 tỷ Nhân dân tệ (tức hơn 2 tỷ USD).

 Việc làm này được Trung Quốc đánh giá là đã chặn đứng đường lùi của các phần tử tham nhũng thông qua việc giăng "thiên la địa võng", ngăn chặn hữu hiệu việc quan chức sau khi tham nhũng tìm cách trốn chạy ra nước ngoài, giúp công tác phòng chống tham nhũng của Trung Quốc giành được "thắng lợi áp đảo".

 Theo tổng kết của các cơ quan phòng chống tham nhũng nước này, Trung Quốc gặt hái được thành công trong việc truy bắt quan tham ở nước ngoài là do không ngừng hoàn thiện thể chế pháp luật truy bắt quan tham và tài sản tham nhũng, hợp tác với các cơ quan chấp pháp bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc mang lại hiệu quả rõ rệt, cơ chế dẫn độ thực hiện thông qua các Hiệp ước dẫn độ song phương và Công ước về chống tham nhũng của Liên Hợp Quốc ngày càng hoàn thiện, cũng như việc thành lập thêm các đơn vị quan trọng, việc hoàn thành chức trách và phối hợp hiệu quả giữa các ủy ban kỷ luật, giám sát các cấp.

 Tuy vậy, Trung Quốc cũng khẳng định, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng của nước này vẫn đứng trước nhiều khó khăn, đặc biệt là gặp nhiều thách thức và rủi ro trong việc truy bắt quan tham và tài sản tham nhũng.

 Theo số liệu thống kê, hiện quan chức tham nhũng của Trung Quốc đã tháo chạy tới hơn 120 quốc gia và khu vực trên thế giới. Do vậy, đây tiếp tục được xác định là nhiệm vụ lâu dài và thường xuyên của các cơ quan phòng chống tham nhũng nước này.

 Được biết, Văn phòng phụ trách công tác truy bắt tội phạm và tài sản ở nước ngoài thành lập ngày 27/6/2014, thuộc Tiểu tổ phối hợp Chống tham nhũng Trung ương Trung Quốc. Đây là cơ quan gồm tập hợp lãnh đạo của các cơ quan thi hành pháp luật và kỷ luật của Bắc Kinh, nhằm tăng cường sự thống nhất trong công tác lãnh đạo và phối hợp xử lý các vụ án lớn, quan trọng. Chỉ gần một năm sau khi thành lập, Văn phòng này đã khởi động Chiến dịch xuyên quốc gia nổi tiếng mang tên "Lưới trời" với quyết tâm truy quét những phần tử tham nhũng của Trung Quốc trốn chạy ra nước ngoài. (VOV.vn 27/6, Bích Thuận)Về đầu trang

Saudi Arabia nới lỏng quy định sở hữu cho nhà đầu tư ngoại

Đây là động thái mới nhất của chính phủ nước này nhằm thu hút hàng tỷ USD vốn đầu tư vào nền kinh tế.

 Giới hạn 49% đối với sở hữu của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tại Saudi Arabia đã bị loại bỏ. Cơ quan quản lý thị trường vốn Saudi Arabia cho biết, biện pháp này sẽ giúp nâng cao hiệu quả và sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán Saudi Arabia.

 Dòng vốn ngoại đổ vào thị trường chứng khoán Saudi Arabia đã gia tăng mạnh mẽ trong những năm gần đây, đặc biệt là sau khi gia nhập chỉ số MSCI các thị trường mới nổi. Hiện Ryadh đang đẩy mạnh các biện pháp cải cách để nâng cao hơn nữa sức hút của thị trường với các nhà đầu tư, doanh nghiệp quốc tế. (VTV.vn 27/6)Về đầu trang./.

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Các tin khác