Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Tấm gương tiêu biểu cho đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế

7:46, Thứ Sáu, 3-2-2023

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát sinh ngày 15/02/1913 tại làng Tân Hưng, quận An Hóa, tỉnh Mỹ Tho (nay là ấp Tân Hưng, xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) trong một gia đình địa chủ phá sản. Với tư chất thông minh, Huỳnh Tấn Phát lần lượt tốt nghiệp bậc tiểu học, bậc trung học. Năm 1933, Huỳnh Tấn Phát thi đậu vào khoa Kiến trúc khóa 8 Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và tốt nghiệp thủ khoa ngành kiến trúc năm 1938.

Chân dung đồng chí Huỳnh Tấn Phát (Ảnh tư liệu).

Năm 1940, trước tinh thần đấu tranh bất khuất của những chiến sĩ cộng sản, của Nhân dân trong và sau Khởi nghĩa Nam Kỳ, Huỳnh Tấn Phát đã quyết định hoạt động cách mạng, làm Chủ nhiệm tuần báo Thanh niên, tích cực hoạt động trong phong trào Truyền bá Quốc ngữ, phong trào Cứu trợ nạn đói Bắc Kỳ.

Tháng 3/1945, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương; tích cực hoạt động trong phong trào Thanh niên Tiền phong chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945; đồng chí tham gia lãnh đạo và đóng vai trò xung kích quan trọng trong thắng lợi của Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền ở Sài Gòn ngày 25/08/1945.

Tháng 10 năm 1945 đồng chí Huỳnh Tấn Phát được cử làm trưởng đoàn đại biểu thanh niên Nam bộ ra Hà Nội dự Đại hội thanh niên toàn quốc, sau đó trở về đồng chí được giới thiệu ra ứng cử ở đơn vị bầu cử Mỹ Tho và đắc cử Đại biểu Quốc hội Khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Đầu năm 1946, đồng chí Huỳnh Tấn Phát bị địch bắt giam và kết án hai năm tù. Giai đoạn 1947 - 1961, sau khi ra tù, đồng chí tham gia cách mạng và giữ nhiều chức vụ như: Bí thư Đảng đoàn Đảng Dân chủ Nam Bộ; Ủy viên Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ kiêm Giám đốc Sở Thông tin Nam Bộ; Bí thư Đảng đoàn Đảng Dân chủ Việt Nam; Ủy viên Ban Chấp hành đảng bộ Đặc khu kiêm Trưởng Ban Tuyên huấn Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn; Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương lâm thời Mặt trận; Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng Khu Sài Gòn - Gia Định; Phó Chủ tịch Đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận. 

Tháng 6/1969, Đại hội đại biểu Quốc dân toàn miền Nam Việt Nam bầu đồng chí Huỳnh Tấn Phát, Phó chủ tịch đoàn kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam làm Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và giữ chức vụ này cho đến ngày đất nước thống nhất.

Đồng chí tập trung đẩy mạnh ngoại giao nhà nước, kết hợp chặt chẽ với ngoại giao nhân dân, phối hợp với ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đấu tranh đòi thực hiện ngừng bắn, đòi Mỹ chấm dứt dính líu quân sự, thực hiện tự do, dân chủ cho Nhân dân miền Nam. Song song với các hoạt động trên, Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát đã thực hiện mũi tiến công ngoại giao trên bình diện rộng bằng các chuyến đi thăm hữu nghị nhiều nước. Qua đó, Chính phủ các nước đều ra tuyên bố ủng hộ các đề nghị của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Đó chính là động lực để quân dân Việt Nam dồn sức thực hiện đấu tranh quân sự, chính trị, đưa cách mạng miền Nam nhanh chóng đi đến thắng lợi với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975.

   Đồng chí Huỳnh Tấn Phát và vợ trong kháng chiến chống Mỹ (Ảnh tư liệu).

Năm 1976, Quốc hội khóa VI bầu đồng chí Huỳnh Tấn Phát làm Phó Thủ tướng Chính phủ, đến năm 1981, đồng chí được Quốc hội khóa VII bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Tháng 6/1982, đồng chí được bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Với tư cách là Đại diện thường trực của Chính phủ ta tại Hội đồng Tương trợ kinh tế (SEV) từ năm 1979 đến năm 1983, đồng chí đã tham dự hơn 10 Hội nghị; dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Huỳnh Tấn Phát, đoàn của Chính phủ ta làm việc rất nghiêm túc và có nhiều đóng góp vào các hoạt động chung của tổ chức này. Năm 1983, Đồng chí được bầu làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng thời được bầu là Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam.

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát là Đại biểu Quốc hội khóa I, II, III, VI, VII, VIII.

Ngày 30/9/1989, đồng chí Huỳnh Tấn Phát từ trần, thọ 76 tuổi.

  Trao giải thưởng Hồ Chí Minh cho đồng chí Huỳnh Tấn Phát (Ảnh tư liệu)

Do công lao và thành tích đối với cách mạng, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng; Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật; Huy chương vì sự nghiệp đại đoàn kết.

Suốt cả cuộc đời đồng chí Huỳnh Tấn Phát gắn liền với sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc và có những cống hiến to lớn trong sự nghiệp cao cả này. Từ khi bắt đầu tham gia phong trào yêu nước cho đến khi làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đồng chí liên tục được phân công đảm nhiệm công tác vận động quần chúng; vừa là người tổ chức, chỉ đạo, vừa là người trực tiếp làm công tác phong trào. Tên tuổi của Đồng chí gắn liền với những phong trào vận động quần chúng yêu nước trong thời kỳ tiền khởi nghĩa tháng 8/1945 ở thành phố Sài Gòn - Gia Định, đặc biệt từ khi ông được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Huỳnh Tấn Phát luôn nêu cao trách nhiệm trước Đảng, trước Tổ quốc và Nhân dân. Đồng chí luôn nêu cao phẩm chất kiên cường của người cộng sản, thể hiện cao đẹp đức tính liêm khiết, khiêm tốn, mẫu mực, là một điển hình của thế hệ “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu”. Đồng chí còn là hình mẫu tiêu biểu cho tinh thần đoàn kết quốc tế. Rất nhiều nhà lãnh đạo, nhân vật tiêu biểu và Nhân dân tiến bộ trên thế giới xem đồng chí là một trong những “đầu mối” để thiết lập tình đoàn kết, gắn bó với Nhân dân Việt Nam. Thắng lợi của cách mạng Việt Nam là thắng lợi của sự phát huy sức mạnh dân tộc gắn với sức mạnh thời đại mà đồng chí là một trong những nhân tố then chốt.

Tuyên truyền Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát là dịp để tri ân, khẳng định những công lao và cống hiến quan trọng của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đặc biệt là đóng góp của đồng chí trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, tham gia xây dựng đường lối đổi mới đất nước. Các hoạt động tuyên truyền sẽ giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ hơn về thân thế, cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Huỳnh Tấn Phát; góp phần giáo dục thế hệ trẻ về tấm gương của người cộng sản liêm khiết, mẫu mực, “tận trung với nước, tận hiếu với dân”. 

                                                                             NTT


 

 

Các tin khác