Giải pháp nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới

8:28, Thứ Năm, 28-9-2023

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Với mục tiêu đảm bảo người dân nông thôn được sống trong môi trường an toàn và bền vững, sử dụng thực phẩm chất lượng, đảm bảo vệ sinh môi trường, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, góp phần hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của tỉnh đến năm 2025. UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành kế hoạch Thực hiện Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.

Theo đó, mục tiêu tối thiểu đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh có 60% dân số nông thôn được tiếp cận bền vững với nước sạch đạt quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày. 70% công trình cấp nước tập trung hoạt động bền vững và tương đối bền vững. 50% số hộ nông thôn triển khai các giải pháp phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn; 100% cơ sở sản xuất - kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường; 100% bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng được thu gom và xử lý theo đúng quy định.

Để thực hiện tốt các mục tiêu đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Uỷ ban nhân dân cấp huyện phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại; thay đổi hành vi, thói quen, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ các công trình cấp nước trên địa bàn.

Công tác hỗ trợ kỹ thuật, trang thiết bị để thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình cũng được huy động mọi nguồn lực đầu tư, tăng cường xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Đối với cảnh quan nông thôn, tỉnh chỉ đạo tập trung nhân rộng mô hình cải tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp, an toàn phù hợp với điều kiện địa phương; tăng cường trồng cây xanh, trồng hoa tại các tuyến đường giao thông nông thôn, đường làng ngõ xóm, khu vực công cộng; cải tạo cảnh quan và khôi phục chất lượng môi trường nước khi bị ô nhiễm.

Đối với an toàn thực hiện, tập trung tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức và năng lực về tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm cho chủ thể sản xuất, không để xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý của xã.

Đối với các cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm. Đặc biệt không sử dụng chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi, sử dụng phân bón thuốc bảo vệ thực vật đúng quy chuẩn, thu dọn chai, lọ, vỏ, bao bì thuốc bảo vệ sau khi đã sử dụng, xử lý tiêu hủy đúng quy định.

Văn Thanh

Các tin khác