Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 25-3-2021

15:49, Thứ Năm, 25-3-2021

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 Tải file tại đây

TIN QUỐC HỘI 1

1.                Miễn nhiệm, bầu, phê chuẩn một số nhân sự cấp cao để ổn định tổ chức và cán bộ. 1

2.                Tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chủ tịch nước. 2

3.                Trên con tàu tăng trưởng Việt Nam, không ai bị bỏ lại phía sau. 3

4.                Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi 4

5.                Chính phủ đã thực hiện thắng lợi nhiều mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. 5

6.                Quốc hội đề nghị làm rõ thành quả, hạn chế trong quan hệ với nước láng giềng. 6

7.                Kỳ họp cuối nhiệm kỳ. 7

THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ 8

8.                7 Ủy viên Bộ Chính trị được cử tri tín nhiệm giới thiệu ứng cử Quốc hội 8

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 9

9.                “Đồ sộ” nhưng vẫn... gây khó cho doanh nghiệp. 9

10.            Khi “đại bàng về làm tổ”, ngành chăn nuôi nên tính xa  Việt Nam.. 10

PHÂN TÍCH - BÌNH LUẬN.. 11

11.            Giáo viên mệt mỏi vì chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. 11

QUẢN LÝ.. 12

12.            Khảo sát tiền lương tại 2.000 doanh nghiệp để đề xuất tăng lương tối thiểu vùng. 12

13.            Hai phương án tăng lương hưu và trợ cấp xã hội: Sẽ chốt theo ý kiến thực tế. 13

14.            Người dân có bắt buộc phải đổi thẻ BHYT mẫu mới?. 14

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 15

15.            Nhiều thủ tục thuế, đất đai, giấy phép xây dựng sẽ được thực hiện online. 15

16.            Trong quý I, thành phố Hà Nội đề xuất đơn giản hóa 87 thủ tục hành chính. 15

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 16

17.            Khánh Hòa kỷ luật 11 cán bộ lãnh đạo các sở, ngành. 16

18.            Thanh Hóa: Khởi tố nguyên Giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất 16

THẾ GIỚI 17

19.            Đức ấn định cấp “hộ chiếu vaccine” từ ngày 1/6. 17

20.            Mỹ dự kiến tăng thuế doanh nghiệp trở lại mức 28%.. 17

 TIN QUỐC HỘI

Miễn nhiệm, bầu, phê chuẩn một số nhân sự cấp cao để ổn định tổ chức và cán bộ

Đây là một nội dung quan trọng tại Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá XIV được khai mạc vào sáng 24/3.

 "Kỳ họp thứ 11 là kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV. Đến thời điểm này, chúng ta có quyền tự hào về những thành quả đạt được trong cả nhiệm kỳ", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mở đầu bài phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá XIV.

 Theo Chủ tịch Quốc hội, trong nhiệm kỳ qua, Quốc hội đã nỗ lực, đoàn kết cùng Chủ tịch nước, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan hoàn thành trọng trách được giao, tạo nên sức mạnh tổng hợp để cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

 Về kỳ họp thứ 11, theo Chủ tịch Quốc hội đây là dịp để chúng ta đánh giá, nhìn nhận lại những thành tựu, kết quả đã đạt được, những tồn tại, hạn chế, trên các lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp và các mặt công tác khác, từ đó phân tích rõ nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm để làm cơ sở cho việc tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động trong nhiệm kỳ tới, tạo thế và lực đưa đất nước vững vàng bước vào thời kỳ phát triển mới.

 "Có thể nói, đây là kỳ họp mang tính cầu nối, góp phần vào việc chuyển giao nhiệm kỳ của các cơ quan trong bộ máy nhà nước", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

 Về nội dung của kỳ họp, theo Chủ tịch Quốc hội, Kỳ họp thứ 11 sẽ dành thời gian thỏa đáng để thảo luận, đánh giá công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; xem xét các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của: Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước. Trên cơ sở đó, sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết về tổng kết công tác của các cơ quan trong bộ máy nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021.

 Bên cạnh đó là xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bầu, phê chuẩn một số nhân sự cấp cao trong bộ máy nhà nước để ổn định về mặt tổ chức và cán bộ, đáp ứng kịp thời yêu cầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

"Trên cơ sở đó, kiện toàn Hội đồng Bầu cử quốc gia để tiếp tục chỉ đạo công tác bầu cử", Chủ tịch Quốc hội cho biết.

 Cuối cùng là xem xét, thông qua dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); xem xét, quyết định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026. Nghe các báo cáo về: tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 11; kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV.

 "Quốc hội sẽ nghe báo cáo kết quả hoạt động của Hội đồng Bầu cử quốc gia từ khi thành lập đến tháng 3/2021; nghiên cứu, xem xét một số báo cáo khác của Chính phủ, trong đó có báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. (Vtv.vn 24/3)Về đầu trang

Tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chủ tịch nước

Trong phiên họp sáng 24/3, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đọc báo cáo tóm tắt tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chủ tịch nước.

 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết trong nhiệm kỳ qua, Chủ tịch nước đặc biệt quan tâm đến lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, đồng thời kiên quyết, kiên trì, quyết tâm trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, được nhân dân hoan nghênh, đánh giá cao, dư luận đồng tình, ủng hộ.

 Trong báo cáo cũng thể hiện rõ những kết quả về thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn liên quan đến lĩnh vực lập pháp, Chủ tịch nước đã ký Lệnh công bố 72 Luật, 02 Pháp lệnh đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá XIV thông qua cũng như góp phần tích cực vào kết quả hoạt động của bộ máy hành pháp, nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước.

 Chủ tịch nước đã quyết định đàm phán, ký điều ước quốc tế; trình Quốc hội xem xét, quyết định phê chuẩn, gia nhập một số điều ước quốc tế quan trọng liên quan đến biên giới quốc gia, hợp tác thương mại, đầu tư..., thực hiện việc thực hiện chính sách khen thưởng trong cả nước; quyết định tặng thưởng: 343.718 Huân, Huy chương; 25.146 danh hiệu vinh dự Nhà nước.

 Bên cạnh đó, trong nhiệm kỳ qua, Chủ tịch nước cũng đã thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn liên quan đến lĩnh vực tư pháp; thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn liên quan đến lĩnh vực quốc phòng - an ninh; góp ý, gợi mở nhiều vấn đề với các ban, bộ, ngành, địa phương nhằm nâng cao hiệu quả trong việc thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc.

 Trên cương vị Nguyên thủ quốc gia, Chủ tịch nước đã có nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng, góp phần thực hiện hiệu quả đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh những bài học kinh nghiệm, trong đó đặc biệt coi trọng kinh nghiệm tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng, nghiêm chỉnh chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Quốc hội; luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm "dân là gốc"; nhân dân là trung tâm; trọng dân, gần dân, hiểu dân, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. (Vtv.vn 24/3)Về đầu trang

Trên con tàu tăng trưởng Việt Nam, không ai bị bỏ lại phía sau

Kết thúc Báo cáo Công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIV, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: "Nhìn lại nhiệm kỳ vừa qua, đặc biệt là năm 2020 với muôn vàn khó khăn, nhiều thử thách chưa từng có, Chính phủ đã nỗ lực làm hết sức mình để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, luôn sâu sát thực tiễn, nhận diện đúng tình hình, tranh thủ thời cơ; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trên tất cả các lĩnh vực".

 Thủ tướng nhắc lại trong phát biểu nhậm chức các đây 5 năm, "bối cảnh thời điểm ấy còn nhiều khó khăn như nợ công cao, tôi đã đề nghị chúng ta phải đi đầu trong tiết kiệm công quỹ, xử lý có hiệu quả tài sản công… Nay sau 5 năm, thâm hụt ngân sách nhà nước, nợ công, không gian tài khóa đã được cải thiện một cách căn bản".

 Chúng ta đã đề cao thượng tôn pháp luật. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đề cao kỷ luật kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá. Chúng ta đã cùng nhau giảm hẳn cơ chế xin-cho, thảo luận công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình và đề ra nhiều biện pháp bảo vệ môi trường kinh doanh… cùng với luôn tự kiểm về lời nói và hành động của Chính phủ cũng như hệ thống các cơ quan của chúng ta. Thủ tướng nói.

 Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tại phiên họp tổng kết Chính phủ ngày 28/12/2020, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nhấn mạnh: "Năm 2020 vẫn được xem là năm thành công hơn năm 2019 và là năm thành công nhất trong 5 năm vừa qua với những kết quả, thành tích đặc biệt, có ý nghĩa quan trọng. Những kết quả, thành tích đó đã góp phần làm nên những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, với nhiều dấu ấn nổi bật của nhiệm kỳ khoá XII và thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của 35 năm đổi mới… làm cho đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".

 Tại phiên họp ngày 23/2/2021, Chủ tịch Quốc hội đã đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa Chính phủ với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhận định: "Đây là nhiệm kỳ Chính phủ rất thành công, trong bối cảnh, điều kiện có nhiều khó khăn mà Chính phủ vẫn vững vàng chèo lái nền kinh tế đất nước, đạt được thành tựu rất có ý nghĩa".

 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Những ý kiến phát biểu đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong nhiệm kỳ vừa qua của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực sự là niềm tự hào, niềm động viên to lớn đối với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, người dân cả nước, nâng cao niềm tin vào bản lĩnh, ý chí, tinh thần vượt khó, vươn lên của cả dân tộc, tạo nguồn lực và động lực mới để tiếp tục đưa đất nước vững bước trên con đường phát triển nhanh và bền vững dưới sự lãnh đạo của Đảng ta.

 Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trân trọng cảm ơn sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, giám sát của Quốc hội, sự phối hợp của các cơ quan tư pháp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, đồng bào ta trong và ngoài nước. Trân trọng cảm ơn Chính phủ, nhân dân các nước, các tổ chức quốc tế và bạn bè trên thế giới về sự ủng hộ, hợp tác, giúp đỡ quý báu đã dành cho Chính phủ và nhân dân Việt Nam.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Một dân tộc mạnh phải là dân tộc đoàn kết, có ý chí, quyết tâm hành động mạnh mẽ với khát vọng trở thành giàu có, thịnh vượng, bền vững trường tồn. Trên con tàu tăng trưởng Việt Nam hướng tới chân trời mới, với cơ đồ mới về một nước Việt Nam hùng cường vào giữa thế kỷ 21 sẽ có mặt đủ mọi thành phần, từ công nông đến trí thức, doanh nhân, người dân, không ai bị bỏ lại phía sau và ai ai cũng được "thụ hưởng" thành quả của đổi mới và phát triển theo tinh thần Nghị quyết của Đại hội Đảng XIII đã nêu và vun đắp thêm bản chất dân chủ tốt đẹp của xã hội ta. (Vtv.vn 24/3)Về đầu trang

Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi

Chiều 24/3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

 Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ X vừa qua. Nhất là một số quy định về cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc việc duy trì biện pháp cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình; có ý kiến đại biểu đề nghị duy trì biện pháp này và bổ sung quy định để bảo đảm tính hiệu quả, khả thi.

 Theo bà Thúy Anh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, biện pháp cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng phù hợp với chủ trương đa dạng hóa các hình thức cai nghiện, tạo điều kiện cho tất cả những người nghiện ma túy lần đầu đều có thể được cai nghiện tự nguyện, nhất là người khó tiếp cận cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện; đồng thời, thể hiện trách nhiệm và huy động sự tham gia của gia đình, cộng đồng đối với người nghiện ma túy. Báo cáo bổ sung của Chính phủ cho thấy, những tồn tại, hạn chế trong công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng chủ yếu liên quan đến việc tổ chức thực hiện chính sách.

 Do vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, để bảo đảm tính khả thi và hiệu quả của biện pháp cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng: Quy định rõ thời hạn cai nghiện ma túy từ đủ 6 tháng đến 12 tháng và người tham gia cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng mà hoàn thành ít nhất 3 giai đoạn của quy trình cai nghiện ma túy (quy định tại Khoản 1 Điều 29) thì được hỗ trợ kinh phí; quy định cụ thể trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trong quản lý, kiểm tra, hướng dẫn, tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; trách nhiệm của người cai nghiện ma túy, cơ sở cai nghiện ma túy, tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện cung cấp hoạt động cai nghiện ma túy. Các nội dung chỉnh lý được thể hiện tại điều 30 của dự thảo Luật.

 Nhất trí với việc duy trì hình thức cai nghiện ma túy tại cộng đồng, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (TP Hải Dương) cho rằng, quy định này sẽ góp phần giảm chi phí cho ngân sách nhà nước, tạo cơ hội để người nghiện ma túy không bị tách biệt khỏi cộng đồng, dễ dàng hòa nhập xã hội sau khi cai nghiện.

 Theo dự kiến chương trình làm việc của Quốc hội, dự án Luật Phòng, chống ma túy sẽ được các đại biểu thảo luận và thông qua tại Kỳ họp này. (Vtv.vn 24/3)Về đầu trang

Chính phủ đã thực hiện thắng lợi nhiều mục tiêu, nhiệm vụ đề ra

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, chiều 24/3, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đã trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo tổng kết công tác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021. 

Báo cáo cũng cho thấy, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, các chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững trật tự, an toàn xã hội, góp phần ổn định chính trị - xã hội để phát triển đất nước.

 Bên cạnh những kết quả đạt được, Ủy ban Pháp luật đề nghị Báo cáo của Chính phủ cần bổ sung đánh giá, rút kinh nghiệm, làm rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong công tác hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật, từ đó đề xuất giải pháp khắc phục phù hợp.

 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, Chính phủ cần làm rõ nguyên nhân, giải pháp để bảo đảm yêu cầu, tiến độ xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, kết nối giữa các cơ sở dữ liệu này nhằm phục vụ mục tiêu đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử; làm rõ tác động của việc chậm hoàn thành nhiều quy hoạch lớn theo yêu cầu của Luật Quy hoạch đối với phát triển kinh tế - xã hội và các giải pháp để sớm khắc phục. Báo cáo Chính phủ cần bổ sung phân tích, làm rõ nguyên nhân chậm triển khai, hoàn thành các công trình giao thông trọng điểm; đánh giá rõ hơn kết quả giải ngân vốn đầu tư công, hiệu quả đầu tư các dự án, tỷ lệ giải ngân các gói hỗ trợ kinh tế, an sinh xã hội cho doanh nghiệp và người dân.

 Chính phủ đánh giá toàn diện hơn về kết quả thực hiện các chương trình, đề án… nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo căn cứ vào các định hướng trong nghị quyết của Đảng và yêu cầu của tình hình phát triển đất nước; làm rõ thêm một số vấn đề tồn tại trong lĩnh vực văn hóa, những vấn đề đặt ra trong việc thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân.

 Trong Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ làm rõ hơn những kết quả nổi bật trong công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Đồng thời, cần xác định rõ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và phương hướng, giải pháp khắc phục. (Vtv.vn 24/3) Về đầu trang

Quốc hội đề nghị làm rõ thành quả, hạn chế trong quan hệ với nước láng giềng

Trong phiên làm việc của Quốc hội chiều 24.3, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đã trình bày trước Quốc hội báo cáo thẩm tra báo cáo nhiệm kỳ của Chính phủ.

 Bày tỏ tán thành với nhiều nội dung trong báo cáo, cơ quan thẩm tra cũng đánh giá rất cao những thành tựu đã đạt được trong nhiệm kỳ nhiều “thách thức lớn chưa từng có về thiên tai, dịch bệnh”.

 Cơ quan thẩm tra đánh giá 5 kết quả nổi bật trong nhiệm kỳ, trong đó có đẩy mạnh cải cách, đổi mới phương thức làm việc; thúc đẩy hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; quan tâm phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân; tăng cường quốc phòng - an ninh, giữ vững trật tự, an toàn xã hội.

 Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ làm rõ 7 điểm, vốn là những tồn tại cần phải quan tâm.

 Thứ nhất là nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật.

 Thứ hai, nguyên nhân, giải pháp để bảo đảm yêu cầu, tiến độ xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia và kết nối giữa các cơ sở dữ liệu này nhằm phục vụ mục tiêu đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử.

 Thứ ba, làm rõ tác động của việc chậm hoàn thành nhiều quy hoạch lớn theo yêu cầu của luật Quy hoạch đối với phát triển kinh tế - xã hội và các giải pháp để sớm khắc phục; nguyên nhân chậm triển khai, hoàn thành các công trình giao thông trọng điểm; kết quả giải ngân vốn đầu tư công và hiệu quả đầu tư các dự án, tỷ lệ giải ngân các gói hỗ trợ kinh tế, an sinh xã hội cho doanh nghiệp và người dân, cũng là những nội dung cơ quan thẩm tra đề nghị cần được báo cáo rõ ràng, cụ thể hơn.

 Thứ tư, đánh giá toàn diện hơn về kết quả thực hiện các chương trình, đề án… nhằm đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo; làm rõ thêm một số vấn đề tồn tại trong lĩnh vực văn hóa, những vấn đề đặt ra trong việc thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân.

 Thứ năm, làm rõ hơn những kết quả nổi bật trong công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Đồng thời, cần xác định rõ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và phương hướng, giải pháp khắc phục.

 Thứ sáu, đánh giá rõ thêm thành quả, hạn chế, các vấn đề cần được hợp tác xử lý trong các hoạt động đối ngoại song phương, đặc biệt là với Chính phủ các nước láng giềng; lợi ích, thách thức và biện pháp trong hợp tác với các nước lớn và khu vực; kết quả và phương hướng phối hợp trong công tác đối ngoại giữa Chính phủ với cơ quan Đảng, Quốc hội và ngoại giao nhân dân; bổ sung, đánh giá thêm về công tác bảo hộ công dân tại các nước.

 Thứ bảy, đánh giá rõ hơn về kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước, về kết quả cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; đồng thời, bổ sung đánh giá về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 để làm cơ sở cho việc xem xét, quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ tới. (Thanhnien.vn 24/3, Vũ Hân)Về đầu trang

Kỳ họp cuối nhiệm kỳ

Sáng 24/3, Quốc hội Khóa XIV khai mạc kỳ họp cuối cùng. Tuy diễn ra trong thời gian ngắn, dự kiến 12 ngày, nhưng Kỳ họp thứ Mười một dày đặc chương trình nghị sự quan trọng. Bên cạnh những công tác thường lệ, Quốc hội sẽ xem xét, kiện toàn một số vị trí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước và thảo luận về báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Quốc hội, Chính phủ cùng một số cơ quan khác...

 Nhìn lại 5 năm qua, dễ dàng nhận thấy Quốc hội đã hoàn thành khối lượng lớn công việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất và luôn hành động vì lợi ích của Nhân dân, của đất nước.

 Chỉ tính 10 kỳ họp, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 72 luật, 2 pháp lệnh và nhiều nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật. Trong đó, có những đạo luật giữ vị trí, vai trò nền tảng trong hệ thống pháp luật như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp; có những luật hoặc chính sách mới lần đầu tiên được ban hành như Luật Quy hoạch… Tất cả đều tác động lớn, toàn diện, sâu sắc đến đời sống kinh tế - xã hội, kịp thời đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. 

Cùng với đó là nhiều nghị quyết về cơ chế, chính sách mang tính đột phá, sự quyết liệt, tạo hành lang pháp lý về đổi mới tổ chức bộ máy, phát triển kinh tế - xã hội hoặc giải quyết vướng mắc, bất cập trong thực tiễn như Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng hay các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch Covid - 19...

 Nếu theo dõi kỹ lưỡng sẽ thấy hoạt động giám sát của Quốc hội nhiệm kỳ này tiếp tục được đổi mới, ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Đơn cử, với giám sát chuyên đề, thay vì ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện như trước, Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập các đoàn giám sát, phân công lãnh đạo Quốc hội làm trưởng đoàn, các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm phó trưởng đoàn; thành viên đoàn giám sát được tăng cường về số lượng, là những người có kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực giám sát.

 Việc trình chiếu hình ảnh kết hợp với báo cáo của Đoàn giám sát là cách làm mới, cung cấp thêm nhiều thông tin, dẫn chứng sinh động, tạo hiệu ứng tích cực. Cách làm trên đã tạo điều kiện thuận lợi cho đại biểu xem xét, thảo luận, đánh giá sâu sắc, toàn diện hơn về nội dung giám sát. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã ban hành nghị quyết về kết quả giám sát, làm căn cứ quan trọng để Chính phủ, các bộ, ngành, các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện.

 Cùng với đó, các phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, sôi nổi, có tính xây dựng cao. Yêu cầu “hỏi nhanh, đáp gọn” Quốc hội đặt ra đã tạo điều kiện để tăng số đại biểu chất vấn, tranh luận, nâng cao chất lượng câu hỏi và câu trả lời.

 “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Trí tuệ và bản lĩnh đích thực cần được thử thách và hiển lộ trong những thời điểm khó khăn nhất. Quốc hội Khóa XIV đã cho thấy khả năng thích ứng với bối cảnh kinh tế - xã hội nhiều biến động, đặc biệt khi ứng phó với Covid - 19, đại dịch đặt toàn nhân loại trước thách thức khó khăn nhất kể từ Đại chiến thế giới lần thứ 2. Lần đầu tiên trong lịch sử, Kỳ họp thứ Chín của Quốc hội Khóa XIV (tháng 5.2020) được tổ chức theo hình thức họp trực tuyến kết hợp tập trung. Tìm thấy “cơ” trong “nguy”, Quốc hội đã “tận dụng” Covid-19 để thúc đẩy hệ thống Quốc hội điện tử - vốn không thể thiếu cho một Quốc hội hiệu quả hơn, đại diện tốt nhất cho cử tri trong thời đại số.

 Không chỉ phải hoàn thành khối lượng công việc lớn, nhiều nhiệm vụ hệ trọng có ý nghĩa quyết định tương lai đất nước, kỳ họp cuối cùng chắc chắn cũng rất nhiều cảm xúc, rất nhiều lưu luyến của những cuộc chia tay. Với những thành tựu đã đạt được, dù tiếp tục ở lại hay rời nghị trường, mỗi đại biểu Quốc hội Khóa XIV đều có thể tự hào rằng mình đã nêu cao tinh thần trách nhiệm và luôn hành động vì lợi ích của Nhân dân, của đất nước. (Daibieunhandan.vn 24/3, Hà Lan)Về đầu trang

THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

7 Ủy viên Bộ Chính trị được cử tri tín nhiệm giới thiệu ứng cử Quốc hội

UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Quán Thánh (Ba Đình – Hà Nội) vừa tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với 9 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.

 Trong 9 người có 7 người là Ủy viên Bộ Chính trị gồm: Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn.

 Hai người còn lại là Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải và Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Vân Chi.

 Tại hội nghị, cử tri tổ dân phố số 6 khẳng định, đây đều là những người có lập trường, tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt. Các cá nhân trên đều giữ mối liên hệ mật thiết với chính quyền địa phương và nhân dân. Mặc dù rất bận công tác, nhưng khi về nơi cư trú, đều gần gũi với nhân dân, lắng nghe ý kiến, quan tâm và tôn trọng nhân dân; tham gia đầy đủ các cuộc họp, hội nghị của tổ dân phố.

 Thay mặt những người được giới thiệu ứng cử, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng khẳng định, được giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV là niềm vinh dự, đồng thời là trách nhiệm lớn. Vì thế sẽ nỗ lực, cố gắng tối đa hoàn thành tốt trách nhiệm của người đại biểu dân cử, phát huy trách nhiệm nêu gương của người cán bộ cao cấp của Đảng hoạt động ở Quốc hội, đóng góp nhiều nhất cho Quốc hội, cho sự phát triển đất nước và cho hạnh phúc của nhân dân.

 Kết quả 9/9 người ứng cử tại Tổ dân phố số 6 (phường Quán Thánh) đều được 100% cử tri biểu quyết nhất trí tín nhiệm giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. (Tienphong.vn 24/3, Văn Kiên)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

“Đồ sộ” nhưng vẫn... gây khó cho doanh nghiệp

Đây là ý kiến của các chuyên gia, Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) khi góp ý dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế. Các DN cho rằng, cần tiếp tục điều chỉnh theo hướng chặt chẽ nhưng vẫn phải bảo đảm tạo thuận lợi cho DN và đạt các chuẩn mực quốc tế.

 Đại diện VCCI khẳng định, Dự thảo Thông tư hướng dẫn một số quy định của Luật Quản lý thuế và Nghị định 126 khi được ban hành sẽ tác động, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động liên quan đến thuế của các doanh nghiệp (DN) trong tất cả các ngành nghề sản xuất, đầu tư, kinh doanh.

 Vị đại diện VCCI nói rằng, cảm thấy "choáng" khi nhận được hồ sơ của Dự thảo thông tư vì có rất nhiều tài liệu, thuyết minh chi tiết, mẫu biểu cùng bản Dự thảo “đồ sộ” dày cả gang tay.

 “Các văn bản hướng dẫn luật, nghị định thường chỉ là quy định các nội dung mang tính kỹ thuật, nhưng nội dung hướng dẫn một số quy định về quản lý thuế thì ngoài yếu tố kỹ thuật còn rất nhiều nội dung mới. Vì vậy, không chỉ có nhân viên kế toán của doanh nghiệp quan tâm mà còn nhận được sự quan tâm đặc biệt của người nộp thuế (bao gồm cả doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân)”, đại diện VCCI cho hay.

 Đáng lưu ý, dự thảo không chỉ gây khó khăn cho DN trong việc tiếp cận thông tin, triển khai thực hiện, mà một số quy định trong dự thảo còn lộ những bất cập.

 Cho ý kiến về dự thảo, bà Nguyễn Tuấn Anh đến từ Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) cho biết, khá bất ngờ khi đọc dự thảo Thông tư. Bởi nhiều quy định mới lại gây khó khăn cho DN.

 Điển hình, trước đây, ngành dầu khí được áp dụng cơ chế thuế khác biệt theo Thông tư 36 năm 2016 với thuế xuất khẩu, thuế tài nguyên, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và Thông tư 56 năm 2008 hướng dẫn thực hiện kê khai nộp và quyết toán các khoản thu của PVN.

 Hiện nay, các DN, nhà thầu dầu khí khi bán được hàng, thu được đồng nào thì nộp cho "chủ nhà" đồng đó, việc này thực hiện đã lâu và rất thuận lợi. Dầu khí khác với ngành khác là hợp đồng mua bán khí rất phức tạp. Phải thăm dò, vận chuyển qua đường ống, bán cho người mua, bán cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và EVN bán cho người tiêu dùng... Giá bán phải được Chính phủ phê duyệt.

 "Tuy nhiên, ở dự thảo mới, nghĩa vụ thuế đều áp dụng bằng ngoại tệ trừ thuế xuất khẩu. Nếu DN thu tiền là tiền VNĐ, theo quy định mới, nộp thuế bằng USD thì DN sẽ phải mất thêm công đoạn đi mua USD để nộp thuế thì sẽ ảnh hưởng tới chi phí, thời gian đi mua cũng ảnh hưởng tới hiệu quả làm việc của DN”, đại diện PVN bày tỏ băn khoăn đồng thời khẳng định, nếu làm theo dự thảo Thông tư mới sẽ dẫn tới tất cả hợp đồng từ thượng nguồn tới hạ nguồn phải điều chỉnh, trong đó có những hợp đồng đã đàm phán 7-10 năm mới đi đến thống nhất.

 Dưới góc độ chuyên gia nghiên cứu, góp ý vào dự thảo, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho biết, nhiều nội dung liên quan tới những bất cập mà người nộp thuế đang gặp vướng mắc chưa được đề cập trong dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý thuế. Chẳng hạn như DN không đủ lãi thu theo cam kết và bị phạt thuế thì xử lý ra sao? Việc khai tạm để tính thuế hiện đang phải nộp đủ 100% là bất hợp lý hay việc phân bổ làm 4 quý để tạm nộp 75% số thuế đối với các doanh nghiệp sản xuất có đúng không?

 Ngoài ra, bà Cúc nói rằng, dự thảo hướng dẫn về các quy định khai tính thuế, quyết toán thuế phân bổ thuế giá trị gia tăng đối với đơn vị phụ thuộc địa điểm kinh doanh của người nộp thuế là chưa rõ ràng. (Vnbusiness.vn 24/3)Về đầu trang

Khi “đại bàng về làm tổ”, ngành chăn nuôi nên tính xa  Việt Nam

Những dự án quy mô lớn, công nghệ cao, quy trình khép kín... của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đã, đang và sẽ rót vốn mạnh hơn nữa vào ngành chăn nuôi ở Việt Nam, việc này được ví như “đại bàng về làm tổ”. Tuy nhiên, để phát triển vững chắc thì đòi hỏi ngành này cần tính xa hơn nữa.

 Nhìn vào tình hình đầu tư hiện tại, nếu tính thêm từ năm ngoái sẽ thấy đang có “làn sóng” đầu tư mạnh của các DN lớn trong và ngoài nước vào ngành chăn nuôi, được ví như “đại bàng đang làm tổ”.

 Chẳng hạn với mảng chăn nuôi lợn, hồi năm ngoái đã chứng kiến hàng loạt dự án chăn nuôi lớn. Điển hình như New Hope (với 3 siêu dự án tại Bình Phước, Bình Định và Thanh Hóa có tổng vốn đầu tư 200 triệu USD tại Việt Nam và có tổng công suất lên tới 27.000 lợn nái).

 Hay như tập đoàn Deheus (Hà Lan) và tập đoàn Hùng Nhơn khởi công Dự án Tổ hợp khu nông nghiệp công nghệ cao DHN Đăk Lăk với tổng vốn đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng, với mục tiêu hàng năm sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 25.000 con lợn bố mẹ và lợn hậu bị.

 Ngoài ra có thể kể đến một loạt tên tuổi lớn khác đầu tư vào chăn nuôi lợn như Thadi (mục tiêu nuôi 1,2 triệu con lợn thịt mỗi năm theo tiêu chuẩn châu Âu), Xuân Thiện (đầu tư 1,5 tỷ USD vào Khu liên hợp sản xuất, chăn nuôi công nghệ cao ở Thanh Hoá), KDI Holdings (chi 2.000 tỷ đồng xây dựng trang trại nuôi lợn công nghệ cao JAPFA)...

 Hay như với mảng chăn nuôi gà, cuối năm rồi đã chứng kiến khánh thành Tổ hợp nhà máy xuất khẩu gà CPV Food lớn nhất Đông Nam Á của CTCP Chăn nuôi C.P Việt Nam tại tỉnh Bình Phước có tổng số vốn đầu tư 250 triệu USD, công suất thiết kế lên đến 100 triệu con/năm.

 Quan sát động thái đầu tư của các DN lớn vào ngành chăn nuôi mang tính “đột phá” trong thời gian gần đây, sẽ thấy đó là những dự án có quy mô lớn, công nghệ cao, chăn nuôi quy trình khép kín, là bằng chứng cho thấy ngành này trong thời gian tới sẽ là 'cuộc chơi' của những nhà chăn nuôi chuyên nghiệp.

 Rõ ràng, với sự đầu tư của các DN lớn sẽ giúp ngành chăn nuôi trong nước tăng trưởng số lượng vật nuôi, tăng trưởng sản lượng sản xuất. Như chia sẻ của ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), với mảng chăn nuôi lợn, so với lúc trước dịch, khối DN chăn nuôi lớn tăng trưởng tới 160%, đặc biệt 16 DN chăn nuôi lớn cả nước tăng lên 5,55 triệu đầu lợn, chiếm 23% tổng đàn lợn của cả nước.

 Mặc dù vậy, để ngành chăn nuôi trong nước phát triển bền vững với sự tham gia của các “đại bàng” vẫn cần tính xa hơn, nhất là nên vượt qua được những thách thức nội tại, từ vấn đề về giá thức ăn chăn nuôi, an toàn sinh học, cung - cầu sản phẩm, sức cạnh tranh, các liên kết giữa các khâu sản xuất - giết mổ - chế biến - phân phối…

 Chẳng hạn như vấn đề giá thức ăn chăn nuôi tăng cao vẫn đang là “phép thử” lớn. Chỉ tính từ tháng 10 năm ngoái đến tháng 3 này đã có đến 5-6 đợt tăng giá, với mức tăng từ 17-30% so với trước.

 Điều đáng nói, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước đang phụ thuộc 70 - 80% nguyên liệu nhập khẩu, dẫn đến tình trạng thiếu ổn định, dễ bị tổn thương, nhạy cảm khi có sự cố xảy ra, gây tác động tiêu cực lên ngành chăn nuôi. (Vnbusiness.vn 24/3)Về đầu trang

PHÂN TÍCH - BÌNH LUẬN

Giáo viên mệt mỏi vì chứng chỉ chức danh nghề nghiệp

Ngoài các chứng chỉ tin học và ngoại ngữ, thì giáo viên muốn 'tiêu chuẩn hóa' phải có thêm chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến chỉ đạo rà soát và xử lý những bất cập của quy định sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên. Sở dĩ, Chính phủ phải có động thái quyết liệt như vậy, vì hàng vạn giáo viên đang phải khốn đốn xuôi ngược trước Công văn số 971/BGDĐT-NGCBQLGD do Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục của Bộ Giáo dục - Đào tạo ban hành ngày 12/3, về việc triển khai thực hiện mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.

 Trong khi cả nước tích cực cải cách thủ tục hành chính, thì ngành giáo dục lại phát kiến “giấy phép con” gây phức tạp cho quá trình giảng dạy của các giáo viên. Ngoài các chứng chỉ tin học và ngoại ngữ, thì giáo viên muốn “tiêu chuẩn hóa” phải có thêm chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp. Để có chứng chỉ khó hiểu này, mỗi giáo viên phải nộp 3 triệu đồng để học 5 buổi online.

 Thử hỏi, chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp có giá trị ra sao? Theo tâm sự chua chát của nhiều giáo viên, thì cả khóa học có mức phí không nhỏ nhưng đa số kiến thức đều mang nặng tính lý thuyết và hình thức. Nghĩa là, giáo viên chỉ học để có chứng chỉ, chứ không áp dụng được vào công tác giảng dạy. Thậm chí “việc học và thi đều là làm cho có, mang tính chất đối phó để cuối cùng lấy được cái chứng chỉ hợp thức hóa quy định hết sức vô lý của cơ quan quản lý mà thôi”.

 Giáo viên là một nghề đặc thù. Mỗi giáo viên chỉ cần tập trung trau dồi năng lực chuyên môn riêng biệt của mình để nâng cao trình độ, nhằm truyền đạt kiến thức đến học sinh một cách hiệu quả hơn. Giáo viên môn thể dục hay giáo viên môn Tiếng Việt mà đòi hỏi chứng chỉ ngoại ngữ và chứng chỉ tin học, thực sự có cần thiết không? Bây giờ lại đòi hỏi thêm chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp, quả thật là chuyện bi hài.

 Các chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp ở nhiều nội dung bồi dưỡng đã không bám sát tiêu chuẩn mà lại đưa những kiến thức thuộc về nhiệm vụ quản lý cơ sở giáo dục hoặc những kiến thức đã được học ở chương trình cao đẳng hay đại học. Những giáo viên chỉ đứng lớp thì cung cấp những nội dung về quản lý nhân sự và quản lý khoa học cho họ, để làm gì?

 Không thể “tiêu chuẩn hóa” giáo viên bằng những quy định trớ trêu và ngược ngạo. Từ thực tế oái oăm của ngành giáo dục, Bộ Nội vụ cũng cần khảo sát và có phương án chỉnh sửa các loại chứng chỉ chức danh đối với đội ngũ viên chức. Bởi lẽ, có chứng chỉ liên quan đến việc bổ nhiệm và cũng có chứng chỉ đơn thuần là bồi dưỡng nghiệp vụ, có chứng chỉ bắt buộc và chứng chỉ không bắt buộc. (Nongnghiep.vn 23/3) Về đầu trang

QUẢN LÝ

Khảo sát tiền lương tại 2.000 doanh nghiệp để đề xuất tăng lương tối thiểu vùng

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, từ ngày 1/4 tới, cơ quan này sẽ tiến hành khảo sát tại 2.000 doanh nghiệp thuộc 18 tỉnh, thành phố để thu thập thông tin về tình hình lao động, tiền lương làm cơ sở cho việc đề xuất điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2022.

 Các doanh nghiệp được điều tra sẽ thuộc nhiều nhóm ngành sản xuất kinh doanh nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp - thương mại - dịch vụ.

 Trong đó, 3 tỉnh có số doanh nghiệp được khảo sát nhiều nhất là: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng với số lượng 150 doanh nghiệp/thành phố.

 Ngoài tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nội dung khảo sát còn bao gồm việc thực hiện một số nội dung của Bộ luật Lao động về hợp đồng lao động, thỏa ước lao động; tình hình lao động, tiền lương của doanh nghiệp; ý kiến của doanh nghiệp về mức điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng dự kiến năm 2022.

 Việc điều tra sẽ được thực hiện từ ngày 1/4 và kéo dài trong 60 ngày. (Vtv.vn 24/3)Về đầu trang

Hai phương án tăng lương hưu và trợ cấp xã hội: Sẽ chốt theo ý kiến thực tế

Nếu điều chỉnh từ ngày 1.7.2021, mức tăng lương hưu và trợ cấp xã hội là 10%; nếu điều chỉnh từ 1.1.2022, mức tăng là 15%. Đề xuất này trong Dự thảo nghị định điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang thu hút nhiều ý kiến của người dân và các bộ, ngành.

 Trao đổi với Báo Lao Động chiều 23.3, ông Nguyễn Bá Hoan - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội (LĐTBXH) cho biết, Dự thảo sẽ được lấy ý kiến trong vòng 2 tháng, tính từ ngày 18.3, sau đó Bộ sẽ tổng hợp lại trình Chính phủ để chốt phương án.

 Trả lời câu hỏi về việc đề xuất 8 nhóm đối tượng, liệu có thu hẹp hoặc mở rộng thêm hay không, ông Hoan cho hay hiện Bộ mới trình trong phạm vi này, với các ý kiến khác Bộ sẽ tiếp thu và giải trình. “Ý kiến của các bộ, ngành sẽ có đồng thuận và không đồng thuận, cơ quan soạn thảo phải tiếp thu, giải trình, báo cáo Thủ tướng để báo cáo Chính phủ”, ông Hoan nói.

 Về 2 phương án, nếu tăng từ ngày 1.7.2021 mức tăng 10% và nếu tăng từ ngày 1.1.2022, mức tăng là 15%, Bộ thiên về phương án nào, ông Hoan cho rằng sẽ căn cứ ý kiến thực tế.

 Trước đó, Bộ LĐTBXH đề xuất 2 phương án tăng lương hưu và trợ cấp xã hội. Cụ thể, nếu điều chỉnh từ ngày 1.7.2021, Bộ kiến nghị tăng 10%. Mức này được cho là để bù đắp trượt giá, chia sẻ một phần thành quả từ phát triển kinh tế năm 2019 (GDP tăng 7,02%) và năm 2020 không điều chỉnh lương hưu lẫn trợ cấp bảo hiểm xã hội. Số người được điều chỉnh từ Ngân sách nhà nước chi trả khoảng hơn 925.000, dự kiến kinh phí tăng thêm trong 6 tháng còn lại của năm 2021 là 44.538 tỉ đồng, bao gồm cả khoản đóng bảo hiểm y tế. Số người được thụ hưởng từ nguồn Quỹ Bảo hiểm xã hội khoảng 2,15 triệu, với mức dự kiến kinh phí tăng thêm khoảng 144.585 tỉ đồng.

 Nếu điều chỉnh từ ngày 1.1.2022, mức tăng kiến nghị 15%. Mức này nhằm đảm bảo bù đắp trượt giá, duy trì giá trị của lương hưu, trợ cấp trước lạm phát và chia sẻ thành quả phát triển kinh tế ba năm liên tiếp từ 2019 đến 2021 và không thực hiện điều chỉnh lương hưu giai đoạn 2020-2021.

 Theo phương án này, Ngân sách nhà nước sẽ chi trả cho gần 897.000 người với kinh phí dự kiến tăng thêm trong năm 2022 là 47.226 tỉ đồng. Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) chi trả cho khoảng 2,28 triệu người với kinh phí dự kiến tăng thêm 168.000 tỉ đồng.

 Riêng những người nghỉ hưu trước năm 1995 và đang hưởng lương hưu thấp dưới 2,5 triệu đồng, sau khi điều chỉnh lương vẫn thấp hơn 2,3 triệu đồng/tháng thì tăng thêm 200.000 đồng mỗi tháng; mức từ 2,3 đến dưới 2,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh cho đủ 2,5 triệu đồng/tháng. Nhóm này có khoảng 426.000 người thuộc tám nhóm thụ hưởng, trong đó có công chức, viên chức, người lao động; quân nhân; công an... Kinh phí tăng thêm sau điều chỉnh khoảng 348 tỉ đồng nếu điều chỉnh từ ngày 1.7.2021; tăng thêm 700 tỉ đồng nếu điều chỉnh từ ngày 1.1.2022. (Laodong.vn 24/3, Quỳnh Chi – Quế Chi)Về đầu trang

Người dân có bắt buộc phải đổi thẻ BHYT mẫu mới?

Những người đang sử dụng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) mẫu cũ còn thời hạn sử dụng vẫn có thể tiếp tục sử dụng khi đi khám chữa bệnh. Thẻ BHYT mới được cấp cho các trường hợp: làm mới, mất, rách, hỏng…

 Đây là thông tin được ông Trần Đình Liệu, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, cho biết tại hội nghị cung cấp thông tin về mẫu thẻ BHYT mới, ngày 24.3.

 Theo ông Trần Đình Liệu, thẻ BHYT mẫu mới sử dụng từ 1.4 có nhiều điểm khác biệt so với thẻ cũ như: kích thước nhỏ gọn; ép plastic để tăng độ bền, tránh thấm nước, ẩm mốc, nhàu nát, rách hỏng; 10 ký tự trên thẻ chính là mã số BHXH của người tham gia (thay vì 15 ký tự như trước)…

 Mặt sau của thẻ BHYT in "Những điều cần chú ý": chỉ dẫn cụ thể hơn về cách sử dụng thẻ BHYT giúp người tham gia tra cứu thông tin về thẻ BHYT và quyền lợi được hưởng; nắm được cách liên hệ với cơ quan BHXH để được hướng dẫn và giải đáp mọi vướng mắc.

 Mã mức hưởng BHYT được chuyển xuống cùng dòng in ngày tháng năm sinh, giới tính, mã nơi người tham gia BHYT sinh sống nhằm giúp người cao tuổi, người chưa có điều kiện sử dụng internet biết thông tin quyền lợi hưởng BHYT. 

Đáng chú ý, nếu như trước đây, thẻ BHYT sử dụng con dấu của BHXH 63 tỉnh, thành phố, nay được thay bằng con dấu của BHXH Việt Nam, in chức danh, chữ ký, họ tên của Trưởng ban Quản lý thu sổ, thẻ (hoặc người được Tổng giám đốc BHXH Việt Nam giao ký thừa lệnh). 

“Việc này giúp cho việc cấp lại, đổi thẻ nhanh chóng, thuận tiện hơn ở bất cứ cơ quan BHXH nào gần nhất trên phạm vi toàn quốc đối với trường hợp không may bị mất, hỏng thẻ khi đi khám chữa bệnh ngoại tỉnh hoặc đi sang tỉnh khác”, ông Liệu thông tin.

 Theo ông Trần Quốc Túy, Phó ban Quản lý thu sổ, thẻ (BHXH Việt Nam), cho biết hiện có khoảng gần hơn 87 triệu người tham gia BHYT. Tuy nhiên, việc cấp đổi BHYT mới từ ngày 1.4 là hoàn toàn miễn phí và không bắt buộc với người dùng. (Thanhnien.vn 24/3, Thu Hằng) Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Nhiều thủ tục thuế, đất đai, giấy phép xây dựng sẽ được thực hiện online

Cổng Dịch vụ công Quốc gia năm 2021 sẽ cung cấp, tích hợp một số dịch vụ về thủ tục thuế và đất đai được thực hiện online.

 Theo đó, trong quý 2 năm 2021 đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất có thể làm online.

 Thanh toán nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai (đối với hộ gia đình) thực hiện trực tuyến trong quý 1 năm 2021, triển khai đối với doanh nghiệp trong quý 3 năm 2021.

 Nhóm thủ tục về đăng ký thuế bao gồm: Đăng ký thành lập hộ kinh doanh và Đăng ký thuế(dự kiến trong quý 3 năm 2021); Kê khai thuế cá nhân (dự kiến hoàn thành trong quý 1 năm 2021); Đăng ký thuế lần đầu đối với người nộp thuế là hộ gia đình, cá nhân (dự kiến hoàn thành trong quý 2 năm 2021). 

Thủ tục đăng ký thay đổi thông tin đăng ký thuế đối với người nộp thuế là hộ gia đình, cá nhân (dự kiến hoàn thành trong quý 2 năm 2021); Nộp thuế, lệ phí trước bạ cá nhân, doanh nghiệp (dự kiến hoàn thành trong quý 2 năm 2021).

 Bên cạnh đó, còn có những dịch vụ khác được tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia như: Cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ (Triển khai toàn quốc trong quý 2 năm 2021); Đăng ký, cấp biển số mô tô, xe gắn máy (dự kiến hoàn thành trong quý 2 năm 2021). (Vov.vn 24/3) Về đầu trang

Trong quý I, thành phố Hà Nội đề xuất đơn giản hóa 87 thủ tục hành chính

Ngày 24-3, UBND thành phố Hà Nội có Báo cáo số 83/BC-UBND về công tác cải cách hành chính quý I-2021 của thành phố Hà Nội.

 Từ đầu năm đến nay, thành phố đã đưa vào thực hiện rà soát, đánh giá 382 thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực tài chính, kế hoạch - đầu tư, giáo dục - đào tạo… Kết quả, có 87 thủ tục hành chính được đề xuất đơn giản hóa, đạt tỷ lệ hơn 22,7%.

 Cũng trong quý I-2021, thành phố Hà Nội đã ban hành các quyết định công bố về thủ tục hành chính. Đến nay, thành phố có 1.880 thủ tục hành chính, trong đó các sở, cơ quan tương đương sở là 1.506 thủ tục hành chính; cấp huyện là 268 thủ tục hành chính; cấp xã là 106 thủ tục hành chính. Số lượng hồ sơ tiếp nhận trên Cổng dịch vụ công thành phố đạt gần 400 nghìn hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt trên 90%.

 Trong 9 tháng cuối năm 2021, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai thực hiện 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; công bố, công khai các quy định, thủ tục hành chính, trọng tâm là các lĩnh vực: Tài nguyên - môi trường, xây dựng - đô thị, lao động - thương binh và xã hội… (Hanoimoi.com.vn 24/3, Đình Hiệp)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Khánh Hòa kỷ luật 11 cán bộ lãnh đạo các sở, ngành

Tỉnh Khánh Hòa đã thi hành kỷ luật 11/18 cán bộ là lãnh đạo các Sở, ngành mắc sai phạm theo Kết luận số 680/2019 của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.

 Thực hiện thông báo Kết luận số 680 của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, tỉnh Khánh Hòa xác định 3 nhiệm vụ cụ thể: Rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản có sai sót; Xử lý cán bộ sai phạm; Thu hồi tài sản Nhà nước bị thất thoát. Thực hiện các nhiệm vụ này, Tỉnh uỷ Khánh Hòa đã thành lập các Tổ công tác do các Phó Bí thư Tỉnh ủy đảm nhiệm, trưng tập các cán bộ chuyên môn để giải quyết.

 Qua rà soát có 18 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy có vi phạm, xem xét, thi hành kỷ luật 11 cán bộ. Đây là lãnh đạo các Sở, ngành nhận các hình thức kỷ luật từ khiển trách đến cảnh cáo.

 Ông Nguyễn Khắc Định, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa cho biết, việc khắc phục thu hồi tài sản thất thoát cho ngân sách Nhà nước gặp nhiều khó khăn, đã thu hồi được một số tài sản và tiếp tục thu hồi số tài sản còn lại: "Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất rằng quan trọng là nhận thấy sai phạm chỗ nào để khắc phục, không tái phạm nữa. Vẫn tạo được không khí nghiêm túc trong kỷ luật cán bộ nhưng tạo được không khí các cán bộ khác nhận thấy nếu làm như mấy ông cũ là sai cho nên số cán bộ mới bây giờ làm việc thận trọng nhưng không co lại, vẫn nhiệt huyết, vẫn khí thế. Cái đó là cái rất quan trọng". (Vov.vn 24/3, Thái Bình)Về đầu trang

Thanh Hóa: Khởi tố nguyên Giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất

Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết đã khởi tố bị can đối với Phạm Văn Biên (sinh năm 1976, nguyên Giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Ngọc Lặc, hiện là Giám đốc Ban Quản lý dự án huyện Ngọc Lặc), về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

 Theo tài liệu của cơ quan Công an, năm 2018, Phạm Hùng Dũng (sinh năm 1960, nguyên Chủ tịch UBND thị trấn Ngọc Lặc) và Lê Ngọc Tùng (sinh năm 1964, nguyên cán bộ địa chính) biết rõ diện tích đất của 4 hộ dân tại phố Trần Phú nằm trong phạm vi quy hoạch đường Hồ Chí Minh và nguồn gốc đất là đất của Trường Đảng và Trường Trung học cơ sở thị trấn 2 do UBND thị trấn Ngọc Lặc quản lý, không đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 

Tuy nhiên, hai người này vẫn chỉ đạo lập hồ sơ đề nghị UBND huyện Ngọc Lặc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 4 hộ không đúng trình tự, quy định; lập khống về nguồn gốc đất. Khi Phạm Hùng Dũng và Lê Ngọc Tùng trình hồ sơ lên để Phạm Văn Biên (thời điểm đó là Giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Ngọc Lặc) và Bùi Xuân Quang (sinh năm 1983, chuyên viên) xét duyệt thì không có biên bản, phiếu lấy ý kiến khu dân cư, không niêm yết công khai biên bản họp xét duyệt tại khu phố; không kiểm tra thực địa… Phạm Văn Biên vẫn đề nghị UBND huyện Ngọc Lặc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gây thiệt hại trên 1 tỷ đồng cho Nhà nước.

 Trước đó, Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố, bắt tạm giam Phạm Hùng Dũng và Lê Ngọc Tùng. Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ. (Vtv.vn 24/3)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Đức ấn định cấp “hộ chiếu vaccine” từ ngày 1/6

Ngày 23/3, Chính phủ Đức tái khẳng định ủng hộ kế hoạch triển khai "hộ chiếu vaccine" của châu Âu, cam kết đảm bảo có thể cấp chứng chỉ xanh kỹ thuật số này từ ngày 1/6.

 Phát biểu với các đồng nghiệp châu Âu, Bộ trưởng Quốc vụ về các vấn đề châu Âu thuộc Bộ Ngoại giao Đức, ông Michael Roth, nhấn mạnh: "Chúng tôi muốn làm hết sức để đảm bảo việc tuân thủ lịch trình này. Chúng ta không thể hứa suông ở đây". Ông cũng nhận định đây là một lộ trình tham vọng, nhưng lợi ích chung sẽ mang lại thành công cho Liên minh châu Âu (EU).

 Theo kế hoạch, "hộ chiếu vaccine" sẽ được giới chức Đức cấp cho những người đã được tiêm chủng, người đã khỏi bệnh và vừa xét nghiệm PCR/kháng nguyên nhanh.

 Kế hoạch này nằm trong chương trình chung của châu Âu, vừa được Ủy ban châu Âu công bố gần một tuần trước nhằm tạo ra một giải pháp mang tính kỹ thuật chung của 27 nước EU trong việc công nhận những người thuộc các đối tượng này.

 Theo các thông tin trước đó, Bộ Y tế Liên bang Đức đã giao cho đơn vị trúng thầu là tập đoàn IBM của Mỹ chủ trì, phối hợp với hai công ty của Đức gồm hãng công nghệ Bechtle ở Neckarsulm và Ubirch ở Köln (công ty chuyên về bảo mật dữ liệu bằng công nghệ chuỗi khối blockchain) phát triển chứng nhận tiêm chủng kỹ thuật số. Chứng nhận tiêm vaccine sẽ có mã QR được cá nhân hóa và được 27 quốc gia EU công nhận.

 Bộ trưởng Bộ Y tế Liên bang Jens Spahn kỳ vọng, tới cuối tháng 4, Đức sẽ nhận được tổng cộng gần 20 triệu liều vaccine ngừa COVID-19. Cụ thể, trong tuần này, Đức sẽ có thêm 1,37 triệu liều vaccine Pfizer-BioNTech và từ ngày 5/4 sẽ nhận được trên 2,51 triệu liều mỗi tuần. Bên cạnh đó, bắt đầu từ tuần tới cho tới cuối tháng 4, Đức sẽ nhận được trên 1,7 triệu liều vaccine Moderna. Ngoài ra nước này cũng sẽ nhận thêm khoảng 4,59 triệu liều vaccine AstraZeneca trong cùng thời gian.

 Trong quý II, Đức dự kiến nhận thêm ít nhất 70,5 triệu liều, trong đó có thể có 10,1 triệu liều vaccine Johnson & Johnson và 1,4 triệu liều vaccine Curevac (hiện chưa được cấp phép trong EU). Hãng AstraZeneca cũng dự kiến bàn giao từ 12,4 - 15,4 triệu liều cho Đức, con số thấp hơn mức dự kiến hồi cuối tháng 2. Cho đến nay, Đức đã tiêm chủng được 11,1 triệu mũi, trong số này có 3,41 triệu người được tiêm đủ 2 mũi. (Vtv.vn 24/3)Về đầu trang

Mỹ dự kiến tăng thuế doanh nghiệp trở lại mức 28%

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen đã hé lộ các kế hoạch kinh tế tiếp theo của chính quyền Tổng thống Biden, mà một ưu tiên chính sẽ là vấn đề tăng thuế doanh nghiệp.

 Triển vọng tung ra các chương trình kinh tế dài hạn của chính quyền ông Biden sẽ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng phục hồi nền kinh tế Mỹ trong năm nay. Đây là nội dung chính trong phiên điều trần vừa diễn ra của Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen tại Hạ viện.

 Là người ủng hộ mạnh mẽ cho việc tung ra gói cứu trợ kinh tế 1.900 tỷ USD, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen tỏ ra khá lạc quan vào hiệu quả của gói kích thích này khi trả lời các câu hỏi tại Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện.

 "Chúng ta đang phải đương đầu với tình trạng thất nghiệp nghiêm trọng, tuy nhiên cùng với các gói hỗ trợ, tôi tin rằng phần lớn người dân sẽ vượt qua thách thức hiện nay cùng với đà phục hồi mạnh mẽ. Tôi hi vọng nền kinh tế sẽ trở lại mức việc làm lý tưởng vào năm tới", bà Janet Yellen nói.

 Cùng tham gia phiên điều trần, Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng trấn an các lo ngại rằng kích thích kinh tế có thể dẫn đến lạm phát.

 Ông Jerome Powell cho hay: "Mức phục hồi đang nhanh hơn dự báo và ngày càng ổn định. Chúng tôi có dự đoán rằng lạm phát sẽ tăng lên vào giữa năm, nhưng sẽ không kéo dài và chúng tôi có đủ công cụ để duy trì ở mức mục tiêu 2%".

 Bà Yellen đồng thời đã hé lộ thêm các kế hoạch tiếp theo của chính quyền Tổng thống Biden, mà một ưu tiên chính sẽ là vấn đề tăng thuế doanh nghiệp. (Vtv.vn 24/3)Về đầu trang./.

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Các tin khác