Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 19-3-2021

15:7, Thứ Sáu, 19-3-2021

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 Tải file tại đây

THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ 1

1.                205 người được các cơ quan Trung ương giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.. 1

2.                Rà soát thật kỹ, tránh tình trạng gửi gắm người nhà làm đại biểu Quốc hội 3

3.                Tăng đại biểu chuyên trách cho Hà Nội thế nào là hợp lý?. 4

CHÍNH SÁCH MỚI 5

4.                Từ ngày 1/7, tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội lên 360.000 đồng/tháng. 5

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY.. 5

5.                IOC - Tiền đề quan trọng xây dựng chính quyền điện tử. 5

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 7

6.                IMF khen ngợi thành công của kinh tế Việt Nam.. 7

7.                Hàng vạn doanh nghiệp chờ đợi sửa đổi Thông tư 01 về hỗ trợ tín dụng. 7

8.                Doanh nghiệp phải chi nhiều nhất cho thủ tục hành chính nào?. 8

9.                Giảm thủ tục để doanh nghiệp dễ tiếp cận chính sách hỗ trợ. 9

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 10

10.            “Chi phí dưới gầm bàn” vẫn tồn tại, có nhiều biến tướng. 10

QUẢN LÝ.. 11

11.            Bộ Nội vụ lên kế hoạch kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ. 11

12.            Tình trạng “Bộ trong Bộ” sau sáp nhập càng nặng nề thêm.. 12

13.            Chủ tịch TP.HCM: “Tôi rất buồn mỗi lần cán bộ TP nộp đơn xin nghỉ”. 14

14.            3 cựu cán bộ ở Khánh Hòa phản ứng về việc “không trả nhà công vụ”. 15

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 16

15.            Chính phủ tổng kết 10 năm chương trình tổng thể cải cách hành chính. 16

16.            Bình Định công bố 345 dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4. 17

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 17

17.            Bổ sung kinh phí phát triển nguồn nhân lực doanh nghiệp nhỏ và vừa. 17

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 18

18.            Khởi tố bị can Nguyễn Đức Chung liên quan vụ chế phẩm Redoxy 3C xử lý nước hồ. 18

19.            Xác minh bằng cấp của hàng loạt lãnh đạo xã ở Gia Lai 18

THẾ GIỚI 19

20.            Nam Phi: Đình chỉ 16 cán bộ y tế liên quan đến hối lộ, tham nhũng. 19

21.            Được phép nhập cảnh Trung Quốc nếu đã tiêm vaccine của nước này. 19

 THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

205 người được các cơ quan Trung ương giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV

205/205 người được các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV đều được 100% cử tri tín nhiệm giới thiệu.

 Ngày 18/3, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Việt Nam tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ người của các cơ quan Trung ương ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.

 Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia cho biết, sau Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1226, ngày 22/2/2021: điều chỉnh lần thứ nhất cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. Trên cơ sở đó, các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã tổ chức Hội nghị giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, hội nghị lấy ý kiến cử tri đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.

 “Ngày 17/3/2021, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chuyển hồ sơ của 205 đại biểu ứng cử tới Mặt trận. Có thể đánh giá đến thời điểm này các công việc đang tiến hành theo đúng quy định, lịch trình thời gian đã đề ra”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

 Báo cáo về tình hình giới thiệu người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cho biết, trong tổng số đại biểu của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương được phân bổ giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV là 207 đại biểu, đến 17h00 ngày 14/3/2021, các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu là 205 người.

 Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, việc tổ chức hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân là một giai đoạn hết sức quan trọng trong quá trình tổ chức bầu cử, để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cũng như việc lập danh sách sơ bộ và lựa chọn, lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

 Việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV diễn ra trong thời gian ngắn từ 24/2 đến 14/3 nhưng với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương đã tổ chức đúng, đủ các bước giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV.

 Đặc biệt, có 205/205 người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV đều được 100% cử tri tín nhiệm giới thiệu, trong đó có 204 người, cử tri nơi công tác bày tỏ sự tín nhiệm bằng hình thức biểu quyết giơ tay và 01 người được bày tỏ tín nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín.

 "Qua tổng hợp Biên bản hội nghị cử tri nơi công tác và Biên bản hội nghị Ban lãnh đạo mở rộng để giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV, đến nay chưa có trường hợp nào nêu các vấn đề hoặc vụ việc liên quan đến người được giới thiệu ứng cử cần phải xác minh", Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng thông tin.

 Từ danh sách 205 người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu tham dự Hội nghị đã có những ý kiến thẳng thắn, khách quan nhằm đánh giá về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội. (VTV.vn 18/3)Về đầu trang

Rà soát thật kỹ, tránh tình trạng gửi gắm người nhà làm đại biểu Quốc hội

Sáng 18/3, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ 2 để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ người của các cơ quan Trung ương ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV.

 Tại Hội nghị hiệp thương lần thứ 2, các đại biểu đã tập trung thảo luận về tiêu chuẩn đại biểu, quy trình giới thiệu và các vấn đề liên quan đến những người được các cơ quan ở Trung ương giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XV. 

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cùng một số ý kiến cho rằng, người của các cơ quan Trung ương ứng cử ĐBQH khóa XV ngoài vấn đề cơ cấu phải bảo đảm tiêu chuẩn ĐBQH, nhất là phẩm chất đại diện được tiếng nói của dân, dám đấu tranh với những tiêu cực, sai trái. Đặc biệt, cần rà soát thật kỹ để tránh tình trạng đưa vào, gửi gắm người nhà vào làm ĐBQH, nhất là ĐBQH chuyên trách. “Nếu điều đó xảy ra, chúng ta có lỗi với dân”, ông Nguyễn Túc nhấn mạnh. 

Đồng quan điểm, ông Lù Văn Que, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng cho rằng, việc thỏa thuận lập danh sách sơ bộ người của các cơ quan Trung ương ứng cử ĐBQH khóa XV cần chọn được các đại biểu có tâm, có tầm, có uy tín với nhân dân chứ không vì tình cảm mà nể nang nhau.

 Tại hội nghị, các ý kiến cũng băn khoăn về việc tổng số đại biểu của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương được phân bổ giới thiệu người ứng cử ĐBQH khoá XV là 207 đại biểu nhưng các cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ giới thiệu 205 người, như vậy là giới thiệu chưa đủ.

 Giải thích về sự điều chỉnh này, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, theo phân bổ có 207 đại biểu Trung ương, hiện 205 người được giới thiệu. Trong đó, khối Đảng tăng 1 người, khối Quốc hội thiếu 2 người.

 Lý giải điều này, bà Thanh thông tin, căn cứ tình hình thực tiễn và thực hiện các bước của hiệp thương cơ cấu, thành phần của các cơ quan, đơn vị thì khối Đảng giới thiệu 11/10, tăng thêm 1. Đây chính là tăng nhân sự Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, vì đây là khối tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư nên cần thiết tăng thêm.

 Ngoài ra, Phó trưởng Ban Công tác Đại biểu cũng cho biết, căn cứ tình hình thực tiễn, sau khi làm việc các địa phương, 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, các cơ sở khám chữa bệnh rất quan trọng, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh hiện nay.

 Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh giảm khối trung ương là khối Đại biểu chuyên trách để tăng đại biểu cho 2 thành phố lớn. Cụ thể là Hà Nội giới thiệu tăng một đại biểu ở Bệnh viện Bạch Mai và TP HCM giới thiệu thêm 1 người ở Bệnh viện Chợ Rẫy.

Bà Nguyễn Thị Thanh cũng cho biết, theo tinh thần Nghị quyết của Trung ương, tăng số đại biểu chuyên trách từ 35% - 40%, trong quá trình diễn ra các kỳ họp có thể điều chuyển đại biểu từ địa phương về các cơ quan của Quốc hội. (Đại đoàn kết 18/3, Nhóm PV)Về đầu trang

Tăng đại biểu chuyên trách cho Hà Nội thế nào là hợp lý?

Tại kỳ họp thứ 11 sắp tới, Quốc hội sẽ quyết định về việc quy định số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) hoạt động chuyên trách của thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026.

 Theo tờ trình của Chính phủ, nhiệm kỳ 2021-2026, Chính phủ đề nghị bố trí tổng số 19 đại biểu hoạt động chuyên trách, trong đó 3 đại biểu là lãnh đạo HĐND thành phố (gồm Chủ tịch và 2 Phó Chủ tịch), mỗi ban của HĐND thành phố bố trí 4 đại biểu (gồm trưởng ban, 2 phó trưởng ban và 1 ủy viên hoạt động chuyên trách). Lý do của đề nghị này là thành phố Hà Nội thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị theo hướng không tổ chức HĐND ở các phường thuộc quận và thị xã nên nhiều nhiệm vụ của HĐND phường được chuyển lên cho chính quyền địa phương ở quận, thị xã và cấp thành phố.

 Thẩm tra sơ bộ vấn đề trên, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, đối với HĐND thành phố Hà Nội, Chính phủ đề nghị bố trí tổng số 19 đại biểu hoạt động chuyên trách. Trong bối cảnh thành phố Hà Nội thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 và thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù theo Nghị quyết số 115/2020/QH14 của Quốc hội thì việc Chính phủ, chính quyền thành phố Hà Nội đề nghị bố trí tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố Hà Nội là có cơ sở thực tiễn, phù hợp với vị thế, vai trò đặc biệt quan trọng của Thủ đô và yêu cầu đảm đương khối lượng công việc ngày càng tăng của chính quyền ở cấp thành phố.

 Theo ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, việc tăng là phù hợp với điều kiện tình hình hiện nay khi thành phố Hà Nội chuẩn bị thực hiện mô hình chính quyền đô thị từ ngày 1/7/2021. Phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ được giao nặng nề hơn đối với chính quyền cấp thành phố  trong điều kiện vừa thực hiện chính quyền đô thị cũng như thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù về tài chính ngân sách theo nghị quyết của Quốc hội, cũng như phù hợp với vị thế của Thủ đô trung tâm đầu não về chính trị, kinh tế, văn hóa khoa học kỹ thuật của cả nước.

 Ông Tùng cũng cho rằng, việc tăng đại biểu chuyên trách cho Hà Nội cũng đảm bảo tương quan với các tỉnh thành phố khác cũng thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị là TP HCM và Đà Nẵng. Đối với TP HCM, Quốc hội cũng cho phép có 19 đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách ở cấp thành phố. Như vậy cho phép Hà Nội cũng được như vậy để tương đồng như TP HCM.

 “Với phương án này không làm tăng tổng biên chế được giao cho Hà Nội, vì Hà Nội cam kết cân đối trong tổng số biên chế được giao để sắp xếp số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố”- ông Tùng nêu ý kiến.

 Theo ông Tùng, hiện nay tại các quận và thị xã Sơn Tây thì Hà Nội vẫn bố trí chưa đủ đại biểu chuyên trách HĐND theo mức mà Luật Tổ chức chính quyền địa phương cho phép. Luật quy định tối đa là HĐND các quận có 7 đại biểu chuyên trách ở mỗi quận, thị xã. Còn thực tế Hà Nội đang bố trí bình quân 4-5 đại biểu ở cấp quận, thị xã, thậm chí có nơi chỉ 2-3 đại biểu chuyên trách.

 “Khi đi dự các hội nghị do Hà Nội tổ chức, tôi thấy nguyện vọng HĐND các quận, thị xã đều mong thành phố Hà Nội cân đối bố trí đủ đại biểu chuyên trách theo luật quy định. Trong điều kiện các phường không tổ chức HĐND do thực hiện theo mô hình chính quyền đô thị nên cần quan tâm đến các đại biểu chuyên trách tại HĐND quận, thị xã để còn đảm bảo thực hiện chức năng giám sát” - ông Tùng nói. (Đại đoàn kết 18/3, H.Vũ)Về đầu trang

CHÍNH SÁCH MỚI

Từ ngày 1/7, tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội lên 360.000 đồng/tháng

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó điều chỉnh mức chuẩn trợ giúp xã hội lên 360.000 đồng/tháng.

 Theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành, mức chuẩn trợ giúp xã hội là căn cứ xác định mức trợ cấp xã hội, mức hỗ trợ kinh phí nhận chăm sóc, nuôi dưỡng; mức trợ cấp nuôi dưỡng trong cơ sở trợ giúp xã hội và các mức trợ giúp xã hội khác.

 Mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng từ ngày 1/7/2021 là 360.000 đồng/tháng. Trước đó, theo Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 mức chuẩn trợ giúp là 270.000 đồng/tháng.

 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP nêu rõ, tùy theo khả năng cân đối của ngân sách, tốc độ tăng giá tiêu dùng và tình hình đời sống của đối tượng bảo trợ xã hội, cơ quan có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội cho phù hợp; bảo đảm tương quan chính sách đối với các đối tượng khác.

 Tùy thuộc điều kiện kinh tế - xã hội tại địa phương, UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định: Mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội áp dụng trên địa bàn bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn trợ giúp xã hội và mức trợ giúp xã hội quy định tại Nghị định này; đối tượng khó khăn khác chưa quy định tại Nghị định này được hưởng chính sách trợ giúp xã hội.

 Bên cạnh việc quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội mới, Nghị định 20/2021/NĐ-CP cũng quy định về chính sách: Trợ giúp xã hội thường xuyên tại cộng đồng; trợ giúp xã hội khẩn cấp; chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội tại cơ sở trợ giúp xã hội, nhà ở xã hội.

 Trong đó, Nghị định nêu rõ 6 hình thức hỗ trợ khẩn cấp, gồm: Hỗ trợ lương thực và nhu yếu phẩm thiết yếu từ nguồn ngân sách nhà nước; hỗ trợ chi phí điều trị người bị thương nặng; hỗ trợ chi phí mai táng; hỗ trợ làm nhà ở, sửa chữa nhà ở; hỗ trợ khẩn cấp đối với trẻ em khi cha, mẹ bị chết, mất tích do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh hoặc các lý do bất khả kháng khác; hỗ trợ tạo việc làm, phát triển sản xuất. (VTV.vn 18/3)Về đầu trang

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY

IOC - Tiền đề quan trọng xây dựng chính quyền điện tử

Mới đây, UBND tỉnh Bắc Kạn đã đưa vào vận hành Trung tâm điều hành thông minh (Intelligent Operation Center - IOC). Đây là một trong số 30 IOC do Tập đoàn VNPT triển khai thời gian qua trên cả nước. IOC được xem là tiền đề quan trọng để các tỉnh, thành phố nhanh chóng xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh.

 Những năm gần đây, Chính phủ, các bộ ngành Trung ương, tỉnh, thành phố cả nước hết sức chú trọng việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của chính quyền, hướng tới xây dựng chính phủ điện tử. Với vai trò tiên phong, dẫn dắt quá trình chuyển đổi số quốc gia, thời gian qua, VNPT đã đồng hành với nhiều tỉnh, thành phố xây dựng thành công các IOC.

 Theo các chuyên gia, hệ thống IOC được xem là “bộ não số” của các địa phương với khả năng tích hợp dữ liệu và hệ thống sẵn có cùng các phần mềm điều khiển trung tâm, tạo ra một cái nhìn toàn cảnh về tỉnh, thành phố trên mọi lĩnh vực. Chức năng trọng tâm của IOC gồm: giám sát, điều hành chỉ tiêu kinh tế - xã hội; giám sát hiệu quả hoạt động của chính quyền; giám sát quản lý, sử dụng đất đai; giám sát, điều hành an ninh trật tự công cộng; an toàn giao thông; tương tác, giao tiếp phục vụ công dân; giám sát chất lượng môi trường; giám sát, điều hành các lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch...

 Với nhiều giá trị, tiện ích thiết thực đã kiểm chứng, hệ thống IOC được VNPT xây dựng, triển khai tại 30 tỉnh, thành phố, trong đó nhiều địa phương đã đưa vào vận hành như: Đà Lạt, Hà Nam, Cao Bằng, Hà Giang, Tây Ninh, Phú Thọ, Trà Vinh, Kon Tum, Quảng Bình, Quảng Nam, Bình Phước, Hòa Bình, Kiên Giang, Lào Cai, Bắc Kạn...

 Một trong những đột phá của giải pháp IOC là khả năng cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ chỉ đạo điều hành trên nền tảng thiết bị di động giúp lãnh đạo các cấp có thể dễ dàng quản trị điều hành mọi nơi, mọi lúc. Từ đó, việc ra quyết định sẽ nhanh chóng, kịp thời, chuẩn xác, tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức trong quá trình giám sát, điều hành quản lý công việc. Với người dân có thể tham gia phản ánh các bất cập vi phạm trật tự đô thị, sự cố hạ tầng đô thị, thông tin xử lý dịch vụ công thông qua ứng dụng di động. Đây là cơ sở để hình thành một ứng dụng di động duy nhất cho người dân tương tác và sử dụng các dịch vụ công của chính quyền.

 Ông Đặng Xuân Phong, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai, cho biết, hoạt động của IOC là điểm nhấn quan trọng trên chặng đường xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, đô thị thông minh của tỉnh Lào Cai; thể hiện quyết tâm cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành theo hướng hiện đại.

 Cùng quan điểm, ông Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, cho rằng, việc khai trương IOC tỉnh Bắc Kạn đánh dấu bước phát triển mới trong quá trình xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số của tỉnh Bắc Kạn. Với sự tích hợp thông tin, số liệu của nhiều lĩnh vực hoạt động được thể hiện trực quan, sinh động, IOC tỉnh Bắc Kạn được kỳ vọng giúp các cấp lãnh đạo có cái nhìn tổng quan, toàn diện về hoạt động kinh tế - xã hội theo thời gian thực; đồng thời tăng tính tương tác giữa người dân với chính quyền, góp phần tăng cường mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với hoạt động của chính quyền.

 Theo ông Phạm Đức Long, Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT, cho biết, VNPT sẽ tiếp tục huy động đội ngũ chuyên gia tốt nhất hợp tác với các tỉnh thành, để đảm bảo vận hành hệ thống IOC ở các địa phương; hỗ trợ xây dựng các quy định, quy trình vận hành thống nhất, đồng bộ, tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phần mềm và yêu cầu của cơ quan quản lý chuyên ngành. Hệ thống IOC của VNPT đã sẵn sàng kết nối với trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ công tác giám sát, chỉ đạo điều hành xuyên suốt từ Chính phủ đến bộ ngành, địa phương.

 “Hệ thống IOC thực sự đang trở thành cánh tay đắc lực của các địa phương trong điều hành hoạt động. Đây là nền tảng, bước đầu tiên để các địa phương chuyển mình thành chính quyền số, góp phần xây dựng thành công Chính phủ điện tử ở Việt Nam; hướng tới phát triển Chính phủ số trong tương lai”, ông Long cho biết. (Sài Gòn giải phóng 18/3, Quỳnh Lưu)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

IMF khen ngợi thành công của kinh tế Việt Nam

IMF khen ngợi thành công của kinh tế Việt Nam giữa khủng hoảng COVID-19, đồng thời khuyến nghị rằng các chính sách kinh tế vĩ mô sẽ cần được duy trì trong năm 2021.

 Theo IMF, bất chấp đại dịch COVID-19, nền kinh tế Việt Nam vẫn trụ vững với mức tăng trưởng 2,9% trong năm 2020 và dự kiến sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm 2021 nhờ thực hiện những bước đi quyết liệt trong các lĩnh vực kinh tế và y tế.

 IMF chỉ ra rằng, Việt Nam bước vào đại dịch với các nền tảng kinh tế và vùng đệm chính sách vững chắc, mặc dù vẫn còn một số thách thức về cơ cấu cần phải giải quyết. Việt Nam cũng đạt được tiến bộ đáng kể trong việc củng cố tài chính công trước COVID-19.

Báo cáo của IMF cho rằng các chính sách kinh tế vĩ mô cần được duy trì trong năm 2021 để bảo đảm phục hồi một cách bền vững và toàn diện. Các chính sách trong ngắn hạn cần tập trung vào việc duy trì việc làm trong khi thúc đẩy sự phân bổ lại các nguồn lực. Cụ thể, việc này có thể được hiện thực hóa nhờ sử dụng trợ cấp tuyển dụng và các chính sách thị trường lao động tích cực để khuyến khích đào tạo việc làm. Mạng lưới an sinh xã hội hiện nay cần được mở rộng phạm vi bao phủ và nâng cao hiệu quả.

 Báo cáo cũng nhận định sự phục hồi bền vững phụ thuộc vào việc bảo đảm ổn định tài chính. Các chính sách về tiền tệ, tài khóa và tài chính do Chính phủ Việt Nam thực hiện đã giúp giảm thiểu nguy cơ gia tăng các vụ vỡ nợ và sa thải hàng loạt của các công ty trong thời gian trước mắt. Những hỗ trợ như vậy cần nhằm đúng đối tượng hướng đến các doanh nghiệp kém thanh khoản nhưng khả thi cho đến khi khả năng phục hồi vững chắc hơn.

 Ngoài ra, việc tiếp tục giám sát chặt chẽ song song với những nỗ lực giải quyết các khoản vay có vấn đề, cũng như tăng cường khuôn khổ quản lý và giám sát kịp thời sẽ giúp giải quyết các rủi ro của hệ thống tài chính.

 Theo IMF, Việt Nam nên ưu tiên cải thiện môi trường kinh doanh và bảo đảm sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; cải cách hướng tới giảm bớt gánh nặng pháp lý mà các doanh nghiệp phải đối mặt; cải thiện khả năng tiếp cận các nguồn lực, đổi mới, tăng cường quản trị và tiếp cận công nghệ. (VTV.vn 17/3)Về đầu trang

Hàng vạn doanh nghiệp chờ đợi sửa đổi Thông tư 01 về hỗ trợ tín dụng

Hàng vạn doanh nghiệp chờ đợi sửa đổi Thông tư 01 để tiếp tục được hỗ trợ tín dụng vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch COVID-19 còn phức tạp.

 Ngay khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát lần đầu tiên vào đầu năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01, yêu cầu các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

 Tính đến ngày 22/2 đã có khoảng 270.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với dư nợ trên 366.000 tỷ đồng được giãn, hoãn trả nợ. Hơn 600.000 khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng cũng đã được miễn, giảm lãi suất. 

Đặc biệt các tổ chức tín dụng đã cho khách hàng vay mới với lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch. Hai đợt miễn giảm phí dịch vụ thanh toán năm 2020 có giá trị hơn 1.000 tỷ đồng.

 Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước đã phát huy hiệu quả trong việc giảm gánh nặng tài chính cũng như áp lực nợ nần cho hàng vạn doanh nghiệp và người vay vốn trong suốt 1 năm qua. Tuy nhiên, Thông tư đã hết thời hạn.

 Vấn đề đặt ra lúc này là sự cần thiết phải sửa đổi Thông tư 01 để có thể tiếp tục gỡ khó cho cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.

 Sẽ mất thêm bao lâu nữa mới có Thông tư mới thay thế Thông tư 01? Cả phía ngân hàng và hàng vạn doanh nghiệp đang ngóng đợi. Bởi nếu không áp dụng việc giãn, hoãn nợ th́ì đương nhiên là nợ xấu sẽ gia tăng. Khi đó, nhiều doanh nghiệp sẽ bị liệt vào diện có nợ xấu và hệ lụy là họ rất khó có thể tiếp cận vốn vay. 

Tuy nhiên, việc giữ nguyên nhóm nợ, hay kéo dài thời gian trả nợ đối với nhiều khoản nợ phần nào làm cho bức tranh nợ xấu không được phản ánh chính xác. Đây cũng là điều mà các cơ quan quản lý cân nhắc, mà cụ thể là Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính. Tuy nhiên, về phía Ngân hàng Nhà nước mục tiêu hỗ trợ cho doanh nghiệp và nền kinh tế vượt khó vẫn được chú trọng lúc này.

 Một chính sách tốt là chính sách đúng và trúng thời điểm. Bởi vậy, việc điều chỉnh Thông tư 01 là điều cần thiết vì nếu không tình trạng lúng túng không biết sẽ thực thi thế nào sẽ còn kéo dài đối với nhiều ngân hàng thương mại cũng như hàng vạn doanh nghiệp. (VTV.vn 18/3)Về đầu trang

Doanh nghiệp phải chi nhiều nhất cho thủ tục hành chính nào?

Ngày 17-3, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đã công bố báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2020 (APCI 2020).

 Kết quả khảo sát  APCI 2020 cho thấy đứng đầu về chi phí tuân thủ của nhóm thủ tục hành chính là lĩnh vực môi trường, với chi phí trung bình cao gấp nhiều lần so với các nhóm thủ tục hành chính ở các lĩnh vực khác.

 Đứng thứ 2 là lĩnh vực xây dựng và thứ 3 là lĩnh vực đầu tư. Tiếp đến lần lượt là các lĩnh vực điều kiện kinh doanh, giao dịch thương mại qua biên giới, đất đai, kiểm tra chuyên ngành, khởi sự kinh doanh. Chỉ số APCI thấp nhất trong 9 nhóm thủ tục hành chính được khảo sát là lĩnh vực thuế.

Lý giải về việc nhóm thủ tục hành chính thuế có chỉ số chi phí thủ tục hành chính thấp nhất, các chuyên gia cho rằng ngành thuế đã từng bước hoàn thiện mô hình thủ tục thuế điện tử và giải quyết các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình xử lý công việc của từng cơ quan hành chính, giữa cơ quan hành chính nhà nước với nhau và trong giao dịch với tổ chức, cá nhân. Hầu hết các doanh nghiệp kê khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử và hoàn thuế điện tử…

 So với năm 2019, nhóm thủ tục hành chính về thuế cũng đứng đầu về mức độ cải thiện chung, có sự giảm lớn tất cả các chi phí thành phần là chi phí thời gian và chi phí trực tiếp. Các chuyên gia cũng đánh giá việc các nhóm thủ tục hành chính về thuế và khởi sự doanh nghiệp dẫn đầu trong APCI với mức chi phí tuân thủ thấp là những chỉ dấu tốt thúc đẩy người dân, doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

 Lĩnh vực môi trường cũng được đánh giá là một trong những lĩnh vực có mức độ cải thiện APCI so với năm 2019. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, khi phân tích các chi phí thành phần cho thấy sự cải thiện của nhóm môi trường chưa phải thực chất. (Tuổi trẻ 18/3, Thanh Hà)Về đầu trang

Giảm thủ tục để doanh nghiệp dễ tiếp cận chính sách hỗ trợ

Sáng 18/3, tại thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc với sự tài trợ và Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) tổ chức Đối thoại: Tháo gỡ khó khăn về chính sách để doanh nghiệp vượt qua COVID-19.

 Theo khảo sát vừa công bố của VCCI, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương cần phổ biến rộng rãi hơn thông tin về các chính sách hỗ trợ, cắt giảm mạnh mẽ các thủ tục hành chính, đơn giản hoá các tiêu chí, điều kiện tiếp cận cũng như đảm bảo công bằng giữa các đối tượng trong diện được hỗ trợ.

 Nhiều doanh nghiệp mong muốn chính quyền các cấp đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật nhằm tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi – đây sẽ là hỗ trợ quan trọng cho sự phục hồi bền vững của các doanh nghiệp trong quá trình ứng phó với tác động của đại dịch toàn cầu COVID-19

 Để các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đi vào cuộc sống, theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng cần ưu tiên cải thiện năng lực thực thi chính sách để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận được các gói hỗ trợ đã ban hành. 

“Trong đó, cần có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết và đẩy đủ về các thủ tục, quy trình thực hiện theo hướng đơn giản, dễ thực hiện đối với các doanh nghiệp. Đậc biệt, cần nghiên cứu áp dụng thêm một số biện pháp mà các quốc gia khác hiện đang áp dụng như hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp duy trì được tỷ lệ người lao động cao; hỗ trợ chi phí đào tạo tay nghề, nâng cao trình độ cho người lao động”, ông Tuấn nói.

 Cùng đó, cần xây dựng chính sách phát triển công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ theo hướng bớt lệ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài, giảm tình trạng gia công đã kéo dài quá lâu, mặt khác cũng tạo thêm giá trị gia tăng và vị thế tốt hơn của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo thêm cơ hội hưởng lợi từ các FTA đòi hỏi hàm lượng xuất xứ nội địa/nội khối cao. (Zingnews.vn 18/3, M.P)Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

“Chi phí dưới gầm bàn” vẫn tồn tại, có nhiều biến tướng

Một năm chống chọi với đại dịch COVID-19 cho thấy, việc đưa dịch vụ công lên nền tảng trực tuyến, việc cắt giảm giao dịch trực tiếp đã góp phần giảm bớt tình trạng sách nhiễu, gây phiền hà, vòi vĩnh của một bộ phận làm dịch vụ công. Tuy nhiên, tình trạng “chi phí dưới gầm bàn” vẫn tồn tại và có nhiều biến tướng.

 Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, trong khi nhiều quốc gia trên thế giới lần lượt công bố các mức tăng trưởng kinh tế âm cùng với số ca tử vong và ca nhiễm COVID-19 tăng vọt trong những ngày cuối năm, thì Chính phủ Việt Nam lạc quan với vị trí thuộc nhóm các quốc gia tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới với mức tăng trưởng dương 2,91%.

 Kết quả tăng trưởng kinh tế đáng khích lệ này thể hiện sự chèo lái của Chính phủ trong hơn 1 năm qua, đưa cả hệ thống vào cuộc chống chọi với đại dịch COVID-19, trong đó, mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp (DN) bằng việc áp dụng các cơ chế linh hoạt, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí… đã được áp dụng khá hiệu quả.

 Trong suốt nhiệm kỳ vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh, bốn nội dung chính trong Chính phủ kiến tạo là: Sự chủ động thiết kế ra một hệ thống pháp luật tốt, những chính sách tốt, thể chế tốt để nuôi dưỡng nền kinh tế phát triển, chứ không phải bị động đối phó với những diễn biến trên thực tế; Nhà nước không làm thay thị trường, những khu vực nào thị trường có thể làm được, doanh nghiệp tư nhân có thể làm được thì Nhà nước không can thiệp, mà thay vào đó là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm; Kiến thiết được môi trường kinh doanh thuận lợi, không chỉ đứng đầu trong nhóm các nước ASEAN, mà còn phấn đấu vươn lên tiêu chí của các nước nhóm OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế - Organization for Economic Cooperation and Development).

 Tuy nhiên, để hướng tới nền hành chính phục vụ, cắt giảm chi phí hành chính, triệt bỏ chi phí không chính thức trong thời gian qua vẫn chưa đạt như kỳ vọng, nhiều DN vẫn bày tỏ ý kiến bức xúc về vấn nạn này và đề nghị Chính phủ vẫn tiếp tục giám sát việc thực thi cải cách hành chính, cắt giảm chi phí thủ tục hành chính…

 Theo chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), chi phí không chính thức hay còn gọi là "chi phí gầm bàn" là một trong những lý do khiến môi trường kinh doanh của Việt Nam giảm sức hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. 

Thực tế các chi phí không chính thức đã diễn ra nhiều nơi, ở hầu hết mọi lĩnh vực. Báo cáo thủ tục hành chính liên ngành trong lĩnh vực cấp phép xây dựng dưới góc nhìn của DN do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) dịp cuối năm 2020 cũng cho biết: Chi phí không chính thức là vấn đề gây phiền hà hàng đầu cho DN thực hiện thủ tục hành chính cấp phép xây dựng. Gần 30% doanh nghiệp thừa nhận đã trả loại chi phí này khi thực hiện ở một hoặc một số thủ tục nào đó.

 "Chi phí không chính thức không chỉ làm gia tăng chi phí tuân thủ mà còn làm cho môi trường kinh doanh trở nên thiếu lành mạnh, kém cạnh tranh và gây e ngại cho các DN nước ngoài muốn kinh doanh và cạnh tranh công bằng tại Việt Nam và hợp tác với DN Việt Nam. Chưa kể, các chi phí này còn tạo ra trở ngại khác, như thời gian và tính công bằng và rủi ro pháp lý trong kinh doanh" - ông Vũ Tuấn Anh - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Giấy in nhiệt Athena Việt Nam, nêu ý kiến. (Laodong.vn 18/3, Phong Nguyễn)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Bộ Nội vụ lên kế hoạch kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ

Bộ Nội vụ vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện công tác kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc, trực thuộc.

 Mục đích của Kế hoạch là triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Bộ Nội vụ theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP. Nâng cao trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong việc kê khai, công khai, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định; đồng thời triển khai đồng bộ có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi kê khai, công khai, kiểm soát về tài sản, thu nhập không đúng quy định.

 Đối tượng kê khai tài sản, thu nhập lần đầu, gồm: a) Người đang là cán bộ, công chức (bao gồm cả những người được biệt phái) và người đang giữ chức vụ từ Phó Trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ. b) Người lần đầu giữ vị trí công tác nêu trên.

 Đối tượng kê khai tài sản, thu nhập hàng năm, gồm:

 a) Những người đang giữ chức vụ gồm: Vụ trưởng và tương đương trở lên tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ; Vụ trưởng và tương đương trở lên tại Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Ban Tôn giáo chính phủ; Trưởng Khoa, Trưởng ban và tương đương trở lên thuộc Học viện Hành chính Quốc gia; Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Nội vụ Hà Nội; Các chức danh khác có hệ số chức vụ lãnh đạo từ 0.9 trở lên.

 b) Người được bổ nhiệm giữ các ngạch công chức và các chức danh kế toán viên, thanh tra viên, kiểm tra viên của Đảng.

 c) Những người đang giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác trong một số lĩnh vực tại Phụ lục III được ban hành kèm theo Nghị định số 130/2020/NĐ-CP, gồm: Thẩm định nhân sự để trình cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; Tổ chức tuyển dụng, thi nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức; Thẩm định hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt về tổ chức bộ máy, biên chế; Thẩm định hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền quyết định các hình thức thi đua, khen thưởng, kỷ luật; Phân bổ chỉ tiêu, ngân sách đào tạo; Thanh toán bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; Thẩm định, phê duyệt chương trình đào tạo, bồi dưỡng của: Học viện Hành chính Quốc gia, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội và các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ; Thủ quỹ, kế toán; Trợ lý quản lý học viên, tuyển sinh, chính sách, bảo hiểm của Học viện Hành chính Quốc gia, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội…

 Bên cạnh đó, Kế hoạch cũng đặt ra yêu cầu, công tác triển khai thực hiện việc kê khai, công khai, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị phải đảm bảo nghiêm túc, thống nhất, kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao chủ động triển khai thực hiện đảm bảo đúng quy định, hiệu quả. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị phải nhận thức sâu sắc, ý nghĩa quan trọng trong công tác kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn để thực hiện đúng quy định, góp phần phòng ngừa tham nhũng. (Baochinhphu.vn 18/3)Về đầu trang

Tình trạng “Bộ trong Bộ” sau sáp nhập càng nặng nề thêm

Theo Bộ Nội vụ, tình trạng “Bộ trong Bộ” vốn là hạn chế chưa khắc phục được của việc sáp nhập các bộ, cơ quan từ giai đoạn trước, càng nặng nề thêm. Mô hình tổ chức tổng cục, cục, vụ không thống nhất.

 Bộ Nội vụ vừa công bố dự thảo báo cáo tổng kết chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng giai đoạn 2021 - 2030. Liên quan đến vấn đề kiện toàn tổ chức bộ máy, Bộ Nội vụ cho biết, một số địa phương đã báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép điều chỉnh hoặc thí điểm điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương mình 

Đơn cử, TPHCM đã điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải khác với Nghị định số 24; điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ của các phòng Tài chính - Kế hoạch, Văn hóa - Thông tin, Kinh tế khác với Nghị định số 37; 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Sở Du lịch.

 Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, Bộ Nội vụ cho biết, các bộ, cơ quan ngang bộ (trừ Bộ Quốc phòng và Bộ Công an): Giảm 12 vụ và tương đương; giảm 10 đơn vị sự nghiệp công lập. Về tổ chức hành chính của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (so sánh thời điểm 30/6/2019 với thời điểm 30/6/2017): Giảm 5 tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; giảm 973 tổ chức cấp phòng; 127 tổ chức cấp chi cục; 1.179 tổ chức cấp phòng thuộc chi cục; ở cấp huyện: Giảm 294 tổ chức cấp cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện.

 Về sắp xếp đơn vị hành chính của 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đến tháng 12/ 2020, đã cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021. Ở cấp huyện, đã tiến hành sắp xếp đối với 21 đơn vị hành chính cấp huyện, kết quả số lượng đơn vị hành chính cấp huyện giảm là 8 đơn vị. Trong đó, tỉnh Cao Bằng giảm 3 huyện; Thành phố Hồ Chí Minh giảm 2 quận; tỉnh Quảng Ngãi giảm 1 huyện… Đối với cấp xã, đã tiến hành sắp xếp đối với 1.047 đơn vị hành chính cấp xã, kết quả giảm 557 đơn vị.

 Dự thảo báo cáo do Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân ký ban hành nêu rõ, tổ chức bộ từ 2007 đến nay vẫn giữ nguyên số lượng, mặc dù có khả năng tinh gọn hơn. Bộ máy bên trong bộ, cơ quan ngang bộ còn cồng kềnh, nhiều đầu mối, số đơn vị trực thuộc tăng lên với nhiều đơn vị có tư cách pháp nhân, làm cho tình trạng “Bộ trong Bộ” vốn là hạn chế chưa khắc phục được của việc sáp nhập các bộ, cơ quan từ giai đoạn trước, càng nặng nề thêm. Mô hình tổ chức tổng cục, cục, vụ không thống nhất.

 Bên cạnh đó, việc chia, tách các đơn vị hành chính ở cấp huyện, cấp xã tuy đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nguyện vọng của địa phương nhưng cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tăng bộ máy, tăng số cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, tăng đơn vị sự nghiệp, biên chế công chức, viên chức và những người hoạt động không chuyên trách.

 Cũng theo Bộ Nội vụ, nhiều địa phương chưa thực hiện đúng quy định của Trung ương về rà soát, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao chất lượng quản lý nhà nước; một số cơ quan còn bổ nhiệm số lượng cấp phó vượt quy định, tỷ lệ lãnh đạo nhiều hơn chuyên viên; chưa chủ động đề xuất, kiến nghị với Trung ương sửa đổi, bổ sung các văn bản không phù hợp với thực tế địa phương.

 Nhằm tiếp tục triển khai các nghị quyết của Đảng về cải cách hành chính, Bộ Nội vụ đề nghị Chính phủ xem xét, tiếp tục ban hành nghị quyết về Chương trình cải cách hành chính Nhà nước trong giai đoạn tới để triển khai một cách đồng bộ, toàn diện. Trong đó, giao Bộ Nội vụ nghiên cứu, đề xuất mô hình tổ chức, chức năng nhiệm vụ của Chính phủ, chính quyền địa phương một cách tổng thể, phù hợp với mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, 2045 trong bối cảnh tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

 Bộ Nội vụ cũng đề nghị Chính phủ đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính trong thực hiện cải cách hành chính, lấy kết quả Chỉ số cải cách hành chính hàng năm của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính là tiêu chí đánh giá năng lực, trách nhiệm người đứng đầu các bộ, cơ quan, địa phương một cách công khai, minh bạch. (Tienphong.vn 17/3, Luân Dũng)Về đầu trang

Chủ tịch TP.HCM: “Tôi rất buồn mỗi lần cán bộ TP nộp đơn xin nghỉ”

Sáng 18/3, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong có bài phát biểu tâm huyết hơn một giờ tại hội nghị UBND TP.HCM phê duyệt kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2021 của Sở Nội vụ. Trong bài phát biểu của mình, lãnh đạo thành phố trải lòng về vấn đề nhân sự và quá trình thực hiện nhiều kế hoạch, đề án của thành phố.

 Trong bài phát biểu cuối hội nghị, ông Phong tâm sự thời gian vừa qua, một số cán bộ chủ chốt xin nghỉ hoặc chuyển công tác là việc thành phố không mong muốn. Nhưng đó đều là những trường hợp có hoàn cảnh riêng. Chủ tịch Phong kể khi nhận đơn xin chuyển công tác của cán bộ, điều mà ông rất quan tâm và luôn hỏi cán bộ là môi trường công tác ở thành phố thế nào.

 Ông nêu ví dụ trường hợp Phó giám đốc Sở Du lịch Võ Thị Ngọc Thúy có hoàn cảnh riêng nên xin nghỉ, dù ông đã gặp nhiều lần và động viên nhưng không được vì liên quan chuyện gia đình. Tương tự, Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) Nguyễn Việt Hòa cũng xin nghỉ vì phải chăm lo cho bố mẹ đang bệnh tại Nha Trang.

 "Mỗi lần cán bộ thành phố nộp đơn xin nghỉ là tôi rất buồn. Tôi đặt vấn đề, hỏi tại sao, lý do. Tất nhiên mỗi người có hoàn cảnh riêng, không khắc phục được thì phải chấp thuận", Chủ tịch Phong trải lòng.

 Qua đó, người đứng đầu thành phố hy vọng các cán bộ đương nhiệm phải cố gắng xây dựng một môi trường công tác thân thiện, chia sẻ.

 "Các vấn đề xảy ra thời gian vừa qua đã cho mình rất nhiều bài học. Nhưng vấn đề sắp tới là phải làm minh bạch, rõ ràng, trên cơ sở đúng quy định. Đó cũng là điều kiện để làm tốt nhiệm vụ, chứ không phải vì một vài trường hợp làm chúng ta chùn bước", lãnh đạo thành phố nhắc nhở.

 Nói về cơ chế thu nhập tăng thêm cho cán bộ, Chủ tịch Phong đặt đầu bài cho Sở Nội vụ nghiên cứu việc chuyển các đơn vị sự nghiệp sang tự chủ. Bởi lẽ, cách làm này vừa giúp nâng thu nhập của đơn vị sự nghiệp, vừa có điều kiện để nâng lương cho công chức.

 Ông Phong kể lại vài năm trước, ông từng nghe thông tin quỹ lương cho cán bộ công chức từ cấp huyện trở lên chỉ chiếm 9,6% tổng quỹ lương quốc gia, còn quỹ lương sự nghiệp, lương viên chức là 33-35%. Đến nay, số liệu này vẫn không thay đổi quá nhiều. Do đó, ông Phong cho rằng cách giải quyết căn cơ nhất là giảm bớt lương cho đơn vị sự nghiệp để nâng lương cho công chức.

 Chủ tịch nêu ví dụ Bệnh viện Thủ Đức là đơn vị sự nghiệp tự chủ thành công và nâng thu nhập cán bộ lên rất cao. Ông nhắc nhở các đơn vị sự nghiệp không nên dựa vào ngân sách mà cần phát huy tính tự chủ, nếu không sẽ không thu hút được người giỏi về.

 "Phải có cơ chế làm sao mà người ta thấy rằng một đề tài khi tham gia với viện nghiên cứu thì ít nhất bình quân một tháng cũng phải được 40-50 triệu", ông Phong nêu quan điểm. (Zingnews.vn 18/3, Thu Hằng)Về đầu trang

3 cựu cán bộ ở Khánh Hòa phản ứng về việc “không trả nhà công vụ”

Ba cựu cán bộ ở tỉnh Khánh Hòa nói họ không chiếm dụng hay chây ỳ trong việc sử dụng nhà công vụ sau khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác.

 Cuối tháng 2, Trung tâm Quản lý nhà và chung cư tỉnh Khánh Hòa có báo cáo gửi Sở Xây dựng về việc 3 cựu lãnh đạo các sở, ngành không còn thuộc diện được giao, cho thuê nhà công vụ nhưng không trả lại nhà theo quy định. Họ gồm ông Vũ Thanh Sơn (nguyên Chính ủy Bộ đội Biên phòng Khánh Hòa); ông Võ Tấn Thái (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường) và ông Nguyễn Quốc Thịnh (nguyên Phó ban Dân tộc - HĐND tỉnh Khánh Hòa).

 Trao đổi với Zing ngày 17/3, ông Nguyễn Quốc Thịnh, nói rằng thông tin ông không muốn trả nhà công vụ là sai. Nguyên Phó ban Dân tộc HĐND tỉnh Khánh Hòa cho biết mình đã nghỉ hưu theo chế độ từ tháng 9/2020, nhưng hiện vẫn là đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016-2021.

 Ông Thịnh cho biết hợp đồng thuê vừa hết hạn vào tháng 12/2020. Ông chưa nhận được văn bản, thông báo nào về việc thu lại nhà công vụ từ cơ quan chức năng của tỉnh Khánh Hòa.

 "Hợp đồng thuê nhà công vụ của tôi vẫn chưa được thanh lý. Họ kêu tôi không trả nhà thì tôi cũng không hiểu căn cứ vào đâu. Hợp đồng thuê mới hết hạn 2 tháng và chưa được thanh lý, kiểm kê tài sản mà bảo tôi chiếm dụng, không muốn trả là vô lý”, ông Thịnh nói và cho biết việc này đã khiến uy tín cá nhân bị ảnh hưởng

 Còn ông Vũ Thanh Sơn cho biết phía cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa chưa lần nào làm việc với ông về thu hồi lại nhà công vụ. Cuối tháng 12/2020, phía Trung tâm Quản lý nhà và chung cư (thuộc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa) thông báo với ông về việc nộp tiền thuê nhà ở đường Cửu Long.

 Ông Sơn cung cấp cho phóng viên phiếu thu nộp tiền thuê đến hết tháng 12/2021 với trung tâm này.

 "Nếu họ đòi thì tôi trả ngay, chứ mình không chiếm dụng gì cả. Theo nguyên tắc thì họ phải gửi thông báo chứ sao lại phát biểu tôi không muốn trả nhà công vụ", ông Sơn nói.

 Tương tự, ông Võ Tấn Thái cho biết sau khi nghe thông tin, ông đang liên hệ làm việc với Sở Xây dựng và UBND tỉnh Khánh Hòa để rõ sự việc. Ông Thái nói mình đang là cán bộ thuộc văn phòng Sở TNMT tỉnh Khánh Hòa sau khi xin nghỉ chức vụ Giám đốc Sở này.

 Hiện, lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa chưa trả lời thêm về vụ việc. (Zingnews.vn 17/3, An Bình)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Chính phủ tổng kết 10 năm chương trình tổng thể cải cách hành chính

Ngày 18/3, Chính phủ tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình tổng thể Cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2011-2020, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ.

 Đây là Hội nghị lớn của Chính phủ với tất cả các bộ, ngành, địa phương nhằm đánh toàn diện công tác CCHC giai đoạn 2011-2020 và phương hướng, nhiệm vụ đến năm 2030.

 Báo cáo của Chính phủ cho biết, quá trình thực hiện CCHC thời gian qua gắn với triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020 đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước ta. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành tổng kết thực hiện Chương trình tổng thể nhằm đánh giá những kết quả đạt được, đồng thời, chỉ ra những tồn tại, yếu kém, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thực hiện công tác CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030.

 Theo đó, sau khi Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020 được ban hành, các cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương tới chính quyền địa phương các cấp đã triển khai thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Hằng năm, Chính phủ, Ban Chỉ đạo đã đề ra các chương trình, kế hoạch CCHC mang tính toàn diện, đồng bộ và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng, triển khai kế hoạch CCHC một cách thiết thực, cụ thể, phù hợp với Chương trình tổng thể và thực tiễn của các bộ, tỉnh. Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, quán triệt các bộ, ngành, địa phương xác định CCHC là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là giải pháp quan trọng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

 Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình tổng thể, nhiều bộ, ngành và địa phương đã có những mô hình, sáng kiến mới được nghiên cứu, áp dụng có hiệu quả. Từ năm 2015 đến nay, các bộ, ngành đã có khoảng 461 mô hình, sáng kiến CCHC; các tỉnh có khoảng 6.124 mô hình, sáng kiến CCHC, trung bình mỗi năm, mỗi tỉnh có hơn 16 mô hình, sáng kiến. Nhìn chung, đa số các mô hình, sáng kiến CCHC đã được triển khai, nhân rộng trong phạm vi của từng tỉnh, ngoài ra, cũng có nhiều mô hình, sáng kiến đã được các tỉnh tham khảo, áp dụng phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của địa phương mình.

 Chính phủ, Ban Chỉ đạo đã tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các nội dung, nhiệm vụ CCHC tại các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan. Từ năm 2016 đến nay, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ đã kiểm tra  hoặc kết hợp nội dung CCHC tại 3 bộ, 18 tỉnh; Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo đã kiểm tra CCHC, kiểm tra công vụ tại 11 bộ, 22 tỉnh; Thứ trưởng Bộ Nội vụ-Phó Trưởng ban Chỉ đạo kiểm tra CCHC tại 7 bộ, 12 tỉnh. Bộ Nội vụ và các thành viên Ban Chỉ đạo tại một số bộ, ngành cũng tổ chức các đoàn kiểm tra CCHC theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình.

 Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương đã tập trung chỉ đạo, điều hành CCHC, tạo động lực cải cách mạnh mẽ và lan tỏa trong toàn hệ thống, tạo được niềm tin cho xã hội, người dân, doanh nghiệp. Các thể chế, văn bản pháp luật, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thể hiện quyết tâm của việc đổi mới mạnh mẽ công tác chỉ đạo, điều hành, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa CCHC với xây dựng Chính phủ điện tử và kiểm soát thủ tục hành chính. (Baochinhphu.vn 18/3, Lê Sơn)Về đầu trang

Bình Định công bố 345 dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4

UBND tỉnh Bình Định vừa chính thức công bố Danh mục 188 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 157 dịch vụ công trực tuyến mức 4 thực hiện tiếp nhận hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công tỉnh Bình Định tại địa chỉ: https://dichvucong.binhdinh.gov.vn. 

 Các dịch vụ công trực tuyến này thuộc thẩm quyền giải quyết của 17 sở, ban, ngành cùng các UBND huyện, thị xã, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn.

 Văn phòng UBND tỉnh Bình Định được giao trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Danh mục 188 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 157 dịch vụ công trực tuyến mức 4 thực hiện tiếp nhận hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công tỉnh Bình Định.

 Cơ quan này cũng được giao chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền và đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.

 Cùng với việc công khai danh mục mới, các sở, ban, ngành thuộc tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bình Định phải đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nhằm huy động sự tham gia rộng rãi và tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân trong việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

 Đồng thời, đề ra giải pháp cụ thể để thực hiện có hiệu quả việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến của đơn vị, đảm bảo số lượng hồ sơ phát sinh trực tuyến đáp ứng theo tỷ lệ quy định. (Ictnews.vietnamnet.vn 17/3)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Bổ sung kinh phí phát triển nguồn nhân lực doanh nghiệp nhỏ và vừa

Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung 9.400 triệu đồng từ nguồn kinh phí chi sự nghiệp giáo dục – đào tạo và dạy nghề của ngân sách trung ương năm 2021 để hỗ trợ các tổ chức hiệp hội thực hiện nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2021.

 Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán số kinh phí được bổ sung bảo đảm đúng quy định, hiệu quả, tiết kiệm, công khai, minh bạch.

 Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xử lý cụ thể theo quy định; chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin, số liệu báo cáo. (Baochinhphu.vn 18/3, Vũ Phương Nhi)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Khởi tố bị can Nguyễn Đức Chung liên quan vụ chế phẩm Redoxy 3C xử lý nước hồ

Ngày 17/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Đức Chung (nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội) liên quan vụ mua chế phẩm Redoxy 3C để xử lý, duy trì chất lượng hồ trên địa bàn Thành phố Hà Nội trái quy định, gây thiệt hại tài sản Nhà nước.

 Quá trình điều tra mở rộng vụ án xác định: Ông Nguyễn Đức Chung, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội và ông Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại dịch vụ Arktic đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, chỉ đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thoát nước Hà Nội mua chế phẩm Redoxy 3C của Công ty Watch water - Cộng hòa Liên bang Đức qua Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Arktic do Nguyễn Trường Giang làm Giám đốc để xử lý, duy trì chất lượng hồ trên địa bàn Thành phố Hà Nội trái quy định, gây thiệt hại tài sản Nhà nước.

 Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đang tiếp tục điều tra triệt để, mở rộng vụ án và áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi tài sản cho Nhà nước. (VTV.vn 18/3)Về đầu trang

Xác minh bằng cấp của hàng loạt lãnh đạo xã ở Gia Lai

Chiều 17/3, một lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai xác nhận, Sở này vừa phối hợp với Huyện uỷ Ia Pa xác minh 10 bằng tốt nghiệp THPT của lãnh đạo, cán bộ thuộc 3 xã Pờ Tó, Chư Răng, Kim Tân.

 Theo vị lãnh đạo này, trước đó, Huyện ủy Ia Pa có văn bản đề nghị về việc xác minh bằng tốt nghiệp THPT đối với 10 cán bộ cấp xã kể trên.

 Trên cơ sở văn bản này, Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai đã tiến hành xác minh và có kết quả ban đầu. Cụ thể, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai không cấp bằng tốt nghiệp THPT cho 9/10 trường hợp trong danh sách mà Huyện uỷ Ia Pa đề nghị xác minh.

 Trong 9 trường hợp trên, xã Pờ Tó có 3 người (Chủ tịch UBND xã, Phó Chủ tịch HĐND xã, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự); xã Chư Răng có 3 người (Phó Bí thư xã, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự, Chủ tịch Hội Nông dân xã); xã Kim Tân có 3 người (Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Phó Chủ tịch HĐND xã, Phó Bí thư đoàn). (Tienphong.vn 17/3, Tiền Lê)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Nam Phi: Đình chỉ 16 cán bộ y tế liên quan đến hối lộ, tham nhũng

Hội đồng Chuyên môn Y tế Nam Phi (HPCSA) đã đưa 16 cán bộ vào danh sách đình chỉ sau khi có báo cáo cho rằng, họ dính líu đến hối lộ và tham nhũng nhằm đẩy nhanh quá trình đăng ký.

 HPCSA cho biết, việc đình chỉ là một phần trong quy trình kỷ luật của tổ chức và tuân theo các phát hiện về quản lý gian lận, điều tra gian lận và tham nhũng kể từ năm 2019.

 Cuộc điều tra do Đơn vị Điều tra Đặc biệt tiến hành đã được Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa phê duyệt theo kiến nghị của HPCSA.

 “Cuộc điều tra bắt đầu vào năm 2019 và bao gồm giai đoạn 2016-2019 theo như Tuyên bố trước đó”, Giáo sư Simon Nemutandani, Chủ tịch HPCSA cho biết.

 Kể từ đó, Hội đồng đã nhận được một số báo cáo. Báo cáo mới nhất ngày 12/3 vừa qua cho thấy có sự dính líu của một số cán bộ, nhân viên trong các hoạt động tham nhũng hoặc hối lộ để tạo thuận lợi cho quá trình đăng ký. 

“HPCSA lên án những hành vi giao dịch phi đạo đức như vậy trong tổ chức và hứa sẽ ngăn chặn những hành vi đó xảy ra trong tương lai”, ông Nemutandani nói. (Thanhtra.com.vn 17/3, Ngọc Anh)Về đầu trang

Được phép nhập cảnh Trung Quốc nếu đã tiêm vaccine của nước này

Trung Quốc sẽ cho phép người nước ngoài, trong đó có Mỹ, Ấn Độ và Pakistan được nhập cảnh nếu họ đã tiêm vaccine COVID-19 do Trung Quốc sản xuất.

 Quy định này sẽ áp dụng bắt đầu từ tuần này đối với những người muốn đến Trung Quốc đại lục để tiếp tục làm việc, đi công tác hoặc với mục đích nhân đạo như đoàn tụ gia đình.

 Những người này phải tiêm 2 mũi vaccine COVID-19 của Trung Quốc, hoặc mũi đầu tiên ít nhất 14 ngày trước khi nộp đơn xin thị thực. Tuy nhiên, họ sẽ vẫn phải cách ly 3 tuần.

 Nhằm kiềm chế dịch COVID-19, Trung Quốc đã đóng cửa biên giới đối với hầu hết người nước ngoài kể từ tháng 3 năm ngoái. Hiện Trung Quốc mới chỉ cấp phép cho các loại vaccine nội địa.

Mới nhất, Trung Quốc đã cấp phép lưu hành khẩn cấp loại vaccine ngừa COVID-19 thứ 4. Để tạo miễn dịch thì phải tiêm đủ 3 mũi, mỗi mũi cách nhau 1 tháng. Vaccine có thể được lưu trữ trong nhiệt độ tủ lạnh thường. (VTV.vn 18/3)Về đầu trang./.

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

 

Các tin khác