Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 22-3-2021

15:35, Thứ Hai, 22-3-2021

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 Tải file tại đây

TIÊU ĐIỂM.. 1

1.                Chấp nhận "hộ chiếu vaccine" thông qua mã QR-code. 1

2.                Mở lại các đường bay quốc tế bằng "hộ chiếu vaccine": Chuyên gia nói gì ?. 2

3.                Triển khai "hộ chiếu vaccine": Những vấn đề cần tính tới 3

THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ 4

4.                Cử tri nhiều địa phương tiếp tục kiến nghị sửa đổi luật Đất đai 4

5.                574 sĩ quan Quân đội, Công an được thăng quân hàm cấp tướng. 5

CHỈ THỊ MỚI 6

6.                Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 15-19/3. 6

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 7

7.                Báo Nga: Kỳ tích tăng trưởng kinh tế Việt Nam khiến nhiều nước phải "ghen tỵ". 7

8.                Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6-8% năm 2021. 7

9.                Thủ tướng: Kiên trì thực hiện “mục tiêu kép” để thu hút đầu tư. 8

PHÂN TÍCH - BÌNH LUẬN.. 9

10.            Xóa bỏ gánh nặng chứng chỉ 9

QUẢN LÝ.. 10

11.            Đề xuất tăng lương hưu thêm 15% từ năm 2022. 10

12.            Việt Nam tăng 4 bậc trong xếp hạng các nước hạnh phúc nhất thế giới 11

13.            Thủ tướng yêu cầu sửa quy định về chứng chỉ thăng hạng giáo viên. 12

14.            Bộ Nội vụ thông tin việc Vĩnh Phúc bổ nhiệm nữ Phó Giám đốc Sở 31 tuổi 13

15.            Gắn trách nhiệm của lãnh đạo địa phương khi để xảy ra “sốt đất”. 14

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 15

16.            Diễn biến mới vụ chi 20 tỷ để “điều chuyển” Giám đốc Công an An Giang. 15

17.            An Giang: Cảnh cáo cán bộ biên phòng chứa hàng lậu trong nhà. 16

18.            Cà Mau: Xin chỉ đạo vụ Phó Giám đốc Sở Y tế có vợ Giám đốc doanh nghiệp bán vật tư y tế. 16

THẾ GIỚI 17

19.            Thái Lan rút ngắn thời gian người nhập cảnh cách ly. 17

 TIÊU ĐIỂM

Chấp nhận "hộ chiếu vaccine" thông qua mã QR-code

Việt Nam hiện đang làm việc với các nước trên thế giới về việc chấp nhận "hộ chiếu vaccine" thông qua mã QR-code.

 "Hộ chiếu vaccine" thực chất là giấy chứng nhận đã tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19. Người dân sau khi tiêm sẽ được cấp chứng nhận và mã QR-code để xác nhận. Việt Nam hiện đang làm việc với các nước trên thế giới về việc chấp nhận "hộ chiếu vaccine" thông qua mã QR-code. Đó là những nội dung được nêu ra tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 diễn ra sáng 19/3 do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì. 

Theo đó, khi đi ra nước ngoài, người dân được quét mã QR-code, truy cập vào đúng nguồn dữ liệu, xác thực thông tin các mũi tiêm. Tới đây, khi đi tiêm chủng, người dân phải tải ứng dụng hồ sơ điện tử trên hệ thống của Apple Store hoặc Google Play, khai báo lại thông tin cần thiết. Cơ sở y tế quét mã QR-code thay vì thực hiện thao tác trên giấy. (Vtv.vn 20/3)Về đầu trang

Mở lại các đường bay quốc tế bằng "hộ chiếu vaccine": Chuyên gia nói gì ?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa giao các bộ, ngành liên quan chuẩn bị phương án triển khai áp dụng "hộ chiếu vaccine" và mở lại đường bay quốc tế, giao thương có kiểm soát.

 Đánh giá về chủ trương này, TS Bùi Doãn Nề, chuyên gia hàng không, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) chia sẻ, đây là vấn đề cần làm ngay, nếu làm muộn sẽ làm mất đi cơ hội. Bản thân VABA đã có văn bản kiến nghị Chính phủ từng bước mở cửa, nối lại đường bay quốc tế, chấp nhận cho khách nước ngoài nhập cảnh khi có chứng nhận tiêm vaccine; đặc biệt từ các quốc gia có lượng khách lớn hoặc tiềm năng, đã kiểm soát được dịch bệnh cho hành trình Việt Nam và ngược lại như châu Âu, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...

 "Chúng tôi rất mong Bộ Y tế sớm ban hành chứng chỉ tương tự như thế này và quy trình kiểm tra, nhập cảnh với khách quốc tế đến Việt Nam trên các chuyến bay thương mại. Đây là cơ hội để Việt Nam chứng tỏ với thế giới về một đất nước cởi mở, hội nhập và kiểm soát dịch hiệu quả", TS Bùi Doãn Nề nói.

 Còn theo PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), sau hơn một năm bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 đã khiến hoạt động giao thương trên thế giới bị ngừng trệ. Hiện nhiều nước đã đẩy mạnh việc triển khai áp dụng "hộ chiếu vaccine" vì vậy chúng ta cũng phải bắt tay vào làm ngay nếu không sẽ bỏ qua cơ hội này.

 "Tôi cho rằng "hộ chiếu vaccine" chính là chìa khóa mở đường bay quốc tế và vấn đề với Việt Nam bây giờ là tốc độ triển khai", PGS. TS Ngô Trí Long chia sẻ.

 Cũng theo quan điểm của chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nếu có quy trình cụ thể, sự phối hợp trong việc mở lại đường bay quốc tế, tổ chức du lịch cho khách bay quốc tế đã có "hộ chiếu vaccine" và quản lý phòng chống dịch, hiệu quả mang lại sẽ rất lớn. Đây là cơ hội để chúng ta hồi phục phát triển kinh tế.

 "Các bộ được Chính phủ giao chủ trì thực hiện chỉ đạo này; trong đó có Bộ Y tế cần tổ chức đánh giá, triển khai ngay phương án nêu trên. Đừng chậm trễ như năm ngoái, khi đã có chủ trương đồng ý mở bay quốc tế với những quốc gia kiểm soát dịch tốt, nhưng các hãng hàng không mãi không bay được vì các bộ vẫn chưa ban hành quy trình quản lý, kiểm soát khách nhập cảnh", ông Ngô Trí Long đánh giá.

 Một chuyên gia trong lĩnh vực du lịch phân tích, ngành du lịch đóng góp lớn cho sự phát triển đất nước với tổng doanh thu đạt 36 tỷ USD năm 2019, song phải đóng băng hơn một năm qua. Do vậy việc dần mở lại đường bay quốc tế là cần thiết. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng lo ngại nếu quy trình nhập cảnh không chặt chẽ, chỉ cần sơ suất nhỏ, một trường hợp mang mầm bệnh vào trong nước, lây ra cộng đồng thì không chỉ ảnh hưởng đến ngành du lịch mà nhiều ngành khác, gây thiệt hại kinh tế rất lớn.

 "Vì vậy, Việt Nam chỉ nên công nhận "hộ chiếu vaccine" của các quốc gia, vùng lãnh thổ đã có quy trình kiểm định, cấp hộ chiếu hoặc chứng chỉ tiêm vaccine COVID-19 một cách chặt chẽ. Nghĩa là phải đảm bảo chính xác, an toàn, dù có hộ chiếu vaccine thì sau khi nhập cảnh vẫn phải xét nghiệm bắt buộc", vị chuyên gia này cho hay.

 Theo các chuyên gia kinh tế, thời gian đầu, Việt Nam nên mở cửa đón khách quốc tế đến các địa điểm du lịch cụ thể; hạn chế việc di chuyển qua nhiều địa phương của du khách... Mặc khác, người dân ở những nơi mở cửa đón khách du lịch quốc tế cần được tiêm vaccine để tạo miễn dịch cộng đồng. Nếu chưa có điều kiện tiêm cho tất cả thì ưu tiên những người phục vụ trong ngành du lịch. (Vtv.vn 20/3)Về đầu trang

Triển khai "hộ chiếu vaccine": Những vấn đề cần tính tới

Đây là nội dung được đưa ra trao đổi với PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng sự kiện y tế công cộng, Bộ Y tế.

 Các phương án triển khai "hộ chiếu vaccine" - giấy chứng nhận đã tiêm chủng, đây tiếp tục là chủ đề chính được bàn tới tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 hôm 19/3.

 Các thành viên đã thảo luận về công tác chuẩn bị chính sách, kỹ thuật để thực hiện chủ trương "hộ chiếu vaccine". Tinh thần bảo đảm an toàn là trên hết. Để hiểu rõ hơn về chủ đề này, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng sự kiện y tế công cộng, Bộ Y tế.

 Ông Phu cho biết, việc cấp các chứng chỉ khi được tiêm chủng thì trước kia chúng ta cũng đã tiến hành, ví dụ như là cấp chứng chỉ cho tiêm phòng tả. Thế còn trong phòng chống COVID, chúng ta cũng phải tính toán tới một số những cái khó khăn ví dụ như các cái vaccine hiện nay, có rất nhiều loại đều cấp phép trong điều kiện khẩn cấp nên là hiệu lực, hiệu quả của từng các loại vaccine khác nhau, có loại có thể báo cáo đến 90% nhưng có loại cũng chỉ khoảng 60% 70%. Thứ hai, cũng có loại chưa chứng minh được cái việc mà ngăn cản sự lây bệnh mà người ta mới chứng minh được việc giảm triệu chứng gây bệnh hoặc là giảm tử vong mà thôi.

 Hiện nay các cái biến chủng của virus chưa làm ảnh hưởng tới vaccine nhưng nếu như mai kia trong quá trinh tiêm chủng mà có một cái biến chủng của virus COVID-19, vaccine không còn tác dụng đối với virus đó thì đấy cũng là một cản trở. Ông cho rằng nó không lớn nhưng cũng có thể nếu chúng ta không quản lý tốt thì có xuất hiện những cái hộ chiếu giả chẳng hạn.

 Theo ông Phu, cái này có thể là sự thỏa thuận song phương giữa Việt Nam với một nước nào đó hoặc là sự thỏa thuận giữa một nhóm nước nào đó hoặc là sự thỏa thuận của các nước trong khu vực và kể cả thế giới nếu như thỏa thuận với nhau được thì tốt và trên cở sở thỏa thuận vẫn cứ đặt mục đích là làm sao chúng ta thực hiện được cái mục tiêu kép đó là phòng chống dịch bệnh và cho người dân đi lại để làm ăn kinh tế. (Vtv.vn 20/3)Về đầu trang

THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

Cử tri nhiều địa phương tiếp tục kiến nghị sửa đổi luật Đất đai

Gửi kiến nghị đến Quốc hội sau kỳ họp thứ 10, cử tri nhiều tỉnh, thành trên cả nước đều đề nghị sửa luật Đất đai, đặc biệt các điều khoản liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng...

 Cụ thể, cử tri huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hoá) đề nghị sửa một số điều “không phù hợp”, “ triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc” trong luật Đất đai hiện hành. Đơn cử, điều 53 của luật quy định, quy hoạch cấp dưới phải căn cứ vào quy hoạch cấp trên và căn cứ vào chỉ tiêu phân bổ sử dụng đất cấp tỉnh cho huyện.

 Hiện tại, quy hoạch sử dụng đất cấp Quốc gia, cấp tỉnh chưa được phê duyệt, chưa phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cho cấp huyện; trong khi đó quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2011-2020 đã hết kỳ quy hoạch, nếu không lập và phê duyệt thì năm 2021 huyện sẽ không có chỉ tiêu sử dụng đất. Vì vậy, UBND tỉnh đang chỉ đạo lập ngược: quy hoạch sử dụng đất cấp huyện sẽ chủ động lập, trình phê duyệt, sau đó tích hợp vào quy hoạch cấp tỉnh.

 Điều 85 quy định việc thu hồi đất chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành xây dựng nhà ở tái định cư hoặc hạ tầng tái định cư, cử tri cho là quá chặt chẽ, ảnh hưởng tiến độ dự án, giải ngân vốn đầu tư, đề nghị nên sửa “mềm” hơn với những trường hợp được nhân dân đồng thuận. 

Cử tri tỉnh Phú Thọ đề nghị sớm sửa đổi, bổ sung luật Đất đai, vì hiện nay thi hành luật "có rất nhiều vướng mắc bất cập", người dân đi xin cấp đất, cấp bìa đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), tách thửa… thủ tục còn phức tạp, khó khăn và còn tình trạng sách nhiễu.

Cử tri tỉnh Thái Bình tiếp tục đề nghị Chính phủ nghiên cứu trình Quốc hội sớm sửa đổi, bổ sung luật Đất đai để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đang diễn ra trong thực tế hiện nay như: mức giá thu hồi đất nông nghiệp, giá đền bù giải phóng mặt bằng chưa phù hợp với thực tế, bảo đảm an sinh cho các hộ thuộc diện thu hồi đất.

 Ngoài ra, cử tri cũng đề nghị tăng cường quản lý, sử dụng đất đai, tích tụ đất đai,.. nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn

 Cử tri tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiến nghị xem xét sửa luật Đất đai cho phù hợp với thực tiễn, bởi luật hiện hành có một số điểm bất cập, đặc biệt là quy định về công tác bồi thường, giải tỏa.

 Cử tri tỉnh Gia Lai đề nghị Bộ TN-MT quan tâm, chỉ đạo công tác định giá đất theo giá thị trường, tránh khiếu kiện phức tạp cũng như gây thất thoát tài sản nhà nước…

 Nhiều địa phương khác cũng có các kiến nghị tương tự.

 Trả lời các kiến nghị trên, Bộ TN-MT cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1188/QĐ-TTg ngày 4.8.2020 về việc thành lập Ban chỉ đạo tổng kết thi hành luật Đất đai năm 2013 và xây dựng Dự án luật Đất đai (sửa đổi). Do đó, vấn đề cử tri kiến nghị sẽ được xem xét trong quá trình sửa đổi luật. (Thanhnien.vn 21/3, Vũ Hân)Về đầu trang

574 sĩ quan Quân đội, Công an được thăng quân hàm cấp tướng

Trong nhiệm kỳ, Chủ tịch nước đã ký quyết định thăng quân hàm cấp tướng đối với 400 sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; thăng cấp bậc hàm cấp tướng đối với 174 sĩ quan Công an nhân dân.

 Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chủ tịch nước đã được gửi tới Quốc hội, chuẩn bị cho kỳ họp 11, Quốc hội khóa XV.

 Báo cáo của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Chủ tịch nước đặc biệt quan tâm đến lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đồng thời kiên quyết, kiên trì, quyết tâm trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

 Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí tiếp tục được triển khai quyết liệt, đồng bộ, bài bản, có hiệu quả, ngày càng đi vào chiều sâu, xử lý các hành vi sai phạm theo phương châm: không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đã tạo ra sức răn đe, cảnh tỉnh lớn.

 Tham nhũng, tiêu cực từng bước được kiềm chế. Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế phức tạp được phát hiện, điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử nghiêm minh, được nhân dân hoan nghênh, đánh giá cao, dư luận đồng tình, ủng hộ. 

Căn cứ các nghị quyết của Quốc hội, Chủ tịch nước đã ký quyết định bổ nhiệm 5 Phó Thủ tướng Chính phủ, 21 Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021. Trong nhiệm kỳ, Chủ tịch nước cũng đã ký quyết định bổ nhiệm một số Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ khi có thay đổi về nhân sự.

 Trong lĩnh vực tư pháp, có những vụ án phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, ngoài việc xem xét ý kiến của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, Chủ tịch nước còn yêu cầu Văn phòng Chủ tịch nước cử tổ công tác về địa phương nơi xảy ra vụ án hoặc nơi đăng ký thường trú của người phạm tội, phối hợp nắm thêm dư luận để cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định.

 Trong nhiệm kỳ công tác, Chủ tịch nước đã quyết định bác đơn xin ân giảm án tử hình của 295 bị án; quyết định ân giảm án tử hình xuống tù chung thân cho 94 bị án, gửi trả 23 hồ sơ về TAND tối cao để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền vì người phạm tội không viết đơn xin ân giảm án tử hình mà chỉ viết đơn kêu oan, đơn xin thi hành án.

 Với lĩnh vực quốc phòng - an ninh, trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ tịch nước đã chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, bảo đảm giữ vững chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

 Cùng với đó, Chủ tịch nước đã ký quyết định thăng quân hàm cấp tướng đối với 400 sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; thăng cấp bậc hàm cấp tướng đối với 174 sĩ quan Công an nhân dân; tước danh hiệu Công an nhân dân đối với 4 sĩ quan cấp tướng, giáng cấp bậc hàm đối với 2 sĩ quan cấp tướng… (Tienphong.vn 21/3, Luân Dũng)Về đầu trang

CHỈ THỊ MỚI

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 15-19/3

Tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội lên 360.000 đồng/tháng từ 1/7/2021; khơi dậy niềm tự hào hàng Việt Nam; tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao mới áp dụng từ 30/4/2021;... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 15-19/3/2021. 

Tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội lên 360.000 đồng/tháng từ 1/7/2021: Theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, điều chỉnh mức chuẩn trợ giúp xã hội lên 360.000 đồng/tháng áp dụng từ ngày 1/7/2021 (mức cũ là 270.000 đồng/tháng). Theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, mức chuẩn trợ giúp xã hội là căn cứ xác định mức trợ cấp xã hội, mức hỗ trợ kinh phí nhận chăm sóc, nuôi dưỡng; mức trợ cấp nuôi dưỡng trong cơ sở trợ giúp xã hội và các mức trợ giúp xã hội khác.

 Miễn thuế hàng hóa xuất, nhập khẩu theo điều ước quốc tế: Chính phủ ban hành Nghị định 18/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Trong đó, bổ sung Điều 29a miễn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo điều ước quốc tế.

 Khơi dậy niềm tự hào hàng Việt Nam: Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu tổng quát của Đề án là trong giai đoạn năm 2021 đến năm 2025, phát triển thị trường trong nước nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt Nam thông qua tập trung nguồn lực đẩy mạnh các hoạt động phát triển thị trường với tên gọi: “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”, đồng thời lồng ghép vào Chương trình hành động hàng năm của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị về phát triển kinh tế - xã hội để tạo hiệu ứng cộng hưởng mạnh mẽ trên phạm vi toàn quốc.

 Đến 2025, thuốc sản xuất trong nước đạt 75% số lượng sử dụng: Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu cụ thể đến năm 2025, thuốc sản xuất trong nước đạt 75% số lượng sử dụng và 60% giá trị thị trường, tỷ lệ sử dụng dược liệu nguồn gốc trong nước, thuốc dược liệu tăng thêm ít nhất 10% so với năm 2020. Đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực. Phấn đấu giá trị xuất khẩu thuốc sản xuất trong nước đạt khoảng 1 tỷ USD.

 Tiêu chí xác định DN công nghệ cao mới áp dụng từ 30/4/2021: Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 10/2021/QĐ-TTg quy định tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao. Theo đó, doanh nghiệp công nghệ cao phải đáp ứng các tiêu chí quy định tại điểm a và b khoản 1 Điều 18 của Luật Công nghệ cao số 21/2008/QH12 được sửa đổi, bổ sung tại Điều 75 của Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 và khoản 3 Điều 76 của Luật Đầu tư số 61/2020/QH14, đồng thời đáp ứng 3 tiêu chí, trong đó có tiêu chí doanh thu từ sản phẩm công nghệ cao phải đạt ít nhất 70% trong tổng doanh thu thuần hằng năm của doanh nghiệp. (Baochinhphu.vn 20/3, Chí Kiên)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Báo Nga: Kỳ tích tăng trưởng kinh tế Việt Nam khiến nhiều nước phải "ghen tỵ"

Tờ Sputnik của Nga đã nhấn mạnh như vậy trong bài báo đăng tải mới đây với tiêu đề Câu chuyện thành công của Việt Nam khiến nhiều nước phải "lo sợ" như thế nào?

 Việt Nam đã thoát khỏi danh sách nước nghèo nhanh hơn bất kỳ nước nào trong lịch sử hiện đại và tạo nên kỳ tích tăng trưởng kinh tế, GDP khiến chính các nước láng giềng phải "ghen tỵ".

 Trong bài báo đăng tải mới đây với tiêu đề Câu chuyện thành công của Việt Nam khiến nhiều nước phải "lo sợ" như thế nào?, Tờ Sputnik của Nga đã nhấn mạnh như vậy.

 "Việt Nam đã chứng minh cho thế giới thấy bản lĩnh và sức mạnh quốc gia, dân tộc khi thoát khỏi danh sách nước nghèo nhanh hơn bất kỳ nước nào trong lịch sử hiện đại và tạo nên kỳ tích tăng trưởng kinh tế, GDP khiến chính các nước láng giềng phải "ghen tỵ"" - Sputnik bình luận.

 Bài viết cũng phân tích những yếu tố tạo nên câu chuyện thành công của Việt Nam và khẳng định: Thành công của Việt Nam không xuất phát từ yếu tố may mắn, không phải từ "trên trời rơi xuống" mà nhờ Chính phủ nhanh chóng thực hiện các biện pháp ngăn chặn dịch COVID-19 một cách quyết liệt ngay từ đầu.

 Hồi đầu năm nay, tờ Le Figaro của Pháp cũng đưa ra đánh giá rằng "Việt Nam là một trong những quốc gia năng động nhất thế giới trong năm 2020. Việt Nam duy trì tăng trưởng dương ở mức 2,9% trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động nghiêm trọng đến kinh tế toàn cầu". (Vtv.vn 21/3)Về đầu trang

Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6-8% năm 2021

Ngân hàng Standard Chartered vừa tổ chức Hội thảo trực tuyến chuyên sâu về đầu tư với chủ đề "Tổng quan đầu tư tại Việt Nam năm 2021".

 Các chuyên gia kinh tế của Standard Chartered dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ quay trở lại mức 6-8% trong năm nay và những năm tới.

 "Với triển vọng kinh tế tươi sáng, sự ổn định xã hội, những thành công trong kiểm soát dịch Covid-19 và tăng trưởng lợi nhuận của thị trường chứng khoán và bất động sản đạt cao hơn so với các nước khác trong khu vực, Việt Nam tiếp tục mang đến nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn", ông Harmander Mahal, Giám đốc Khối Ngân hàng Bán lẻ, Khối Dịch vụ Khách hàng Ưu tiên, Khối Doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam và nhóm 4 nước Châu Á, Ngân hàng Standard Chartered, nhận định.

 Trong khi đó, trong một báo cáo mới công bố, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng cho rằng, bất chấp đại dịch, nền kinh tế Việt Nam vẫn trụ vững với mức tăng trưởng 2,9% trong năm 2020 và dự kiến sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm 2021 nhờ thực hiện những bước đi quyết liệt trong các lĩnh vực kinh tế và y tế. 

IMF cho biết, Việt Nam bước vào đại dịch với các nền tảng kinh tế và vùng đệm chính sách vững chắc, mặc dù vẫn còn một số thách thức về cơ cấu cần phải giải quyết. Đầu tư nước ngoài mạnh và thặng dư tài khoản vãng lai đã tăng cường năng lực phục hồi của kinh tế. Dù vẫn còn một số điểm yếu, sức khỏe của hệ thống ngân hàng được cải thiện, với khả năng sinh lời, thanh khoản cao hơn và ít nợ xấu hơn so với trước kia.

 Việt Nam cũng đạt được tiến bộ đáng kể trong việc củng cố tài chính công trước dịch Covid-19. Việc xây dựng các vùng đệm về tài khóa và tài chính trước đại dịch đã giúp nền kinh tế đương đầu tốt hơn với cú sốc. Tuy nhiên, theo IMF, vẫn còn khoảng trống lớn để Việt Nam thúc đẩy năng suất và cải thiện khả năng phục hồi kinh tế.

 Trước đó, các tổ chức quốc tế như ADB đánh giá mức tăng trưởng GDP Việt Nam là 6,1%, hay HSBC với dự báo kinh tế tăng trưởng 7,6%.

 Trong khi đó, các tổ chức trong nước như Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) của Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo ở kịch bản tốt nhất đánh giá GDP Việt Nam tăng lần lượt 6,46% và 6,72%.

 Hiện Chính phủ đang đặt ra mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2021. (Bizlive.vn 21/3, Trần Thủy)Về đầu trang

Thủ tướng: Kiên trì thực hiện “mục tiêu kép” để thu hút đầu tư

Sáng 21/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh, cùng Lãnh đạo Tập đoàn năng lượng GS của Hàn Quốc và Alibaba của Trung Quốc đang đầu tư tại Long An.

 Đại diện các cơ quan ngoại giao nước ngoài đánh giá cao thành tựu của Việt Nam trong năm 2020, đặc biệt là thành tích phòng chống dịch COVID-19, thực hiện mục tiêu kép. Vì vậy, ngày càng nhiều doanh nghiệp nước ngoài mong chờ thời điểm mở lại các đường bay thương mại quốc tế, để họ quay trở lại Việt Nam thuận lợi, tìm kiếm các cơ hội đầu tư.

 Lãnh đạo Tập đoàn năng lượng GS và Alibaba tin tưởng vào sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế Việt Nam, đồng thời mong muốn tham gia nhiều hơn vào sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các cơ quan ngoại giao của Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Ấn Độ trong thúc đẩy, xúc tiến các hoạt động đầu tư, kinh doanh, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới bị tác động nặng nề bởi đại dịch.

 Đồng thời, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh Tập đoàn năng lượng GS và Alibaba với tiềm lực tài chính vững mạnh đang triển khai các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh ở Việt Nam.

 Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ kiên trì thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để thu hút đầu tư. Cùng với đó, môi trường kinh doanh ở Việt Nam sẽ không ngừng cải thiện, để tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp. (Vtv.vn 21/3)Về đầu trang

PHÂN TÍCH - BÌNH LUẬN

Xóa bỏ gánh nặng chứng chỉ

Ngày 19.3, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản về việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến về đề nghị của Bộ Nội vụ về hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định số 101/2017 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

 Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành tổng hợp, báo cáo cụ thể về các loại chứng chỉ đối với đội ngũ viên chức. Các bộ đề xuất phương án cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3.2021. Có thể thấy, đây là sự lắng nghe cầu thị từ dư luận của Thủ tướng về những gánh nặng mang tên chứng chỉ.

 Thời gian vừa qua, một số báo chí phản ánh về những vướng mắc, bất cập của quy định sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và các chứng chỉ bồi dưỡng khác đối với viên chức, nhất là giáo viên cơ sở đào tạo công lập trong việc thi thăng hạng, bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.

 Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý viên chức, trên cơ sở đó xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và quy định khác có liên quan, Thủ tướng giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành tổng hợp, báo cáo cụ thể, trong đó nêu rõ những loại chứng chỉ là điều kiện để được bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; loại chứng chỉ thuộc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; phân loại chứng chỉ bắt buộc và không bắt buộc trong quản lý viên chức.

 Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo cụ thể về nội dung tương tự nêu trên đối với chức danh nghề nghiệp giáo viên cơ sở công lập các cấp; đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan cho phù hợp để giải quyết dứt điểm các vướng mắc, bất cập trong thời gian vừa qua.

 Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp là cần thiết đối với mỗi vị trí việc làm. Đơn cử, đối với người không tốt nghiệp đại học sư phạm nhưng muốn tham gia giảng dạy thì phải qua lớp bồi dưỡng về kỹ năng sư phạm thì mới được giảng dạy. Và trong trường hợp này, chứng chỉ bồi dưỡng sẽ giúp cho người ở vị trí việc làm đó có thêm kinh nghiệm, kiến thức mà bản thân người đó chưa được đào tạo. Tuy vậy, vẫn có những chứng chỉ có tính chất làm “đẹp” hồ sơ.

 Dù là cần thiết song có những vị trí quy định về chứng chỉ đã trở thành “gánh nặng”. Nói là “gánh nặng”, bởi thực tế, có những vị trí việc làm, những chứng chỉ lại không hoàn toàn phục vụ cho công việc mà người đó đảm nhiệm. Đơn cử theo quy định Thông tư liên tịch số 11 giữa Bộ TT-TT và Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của các chức danh biên tập viên, phóng viên có không ít bất cập.

 Để đáp ứng yêu cầu của thông tư này có những nhà báo có thâm niên nghề nghiệp cả chục năm, được trao nhiều giải thưởng báo chí vẫn phải đi học lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho đủ thủ tục chỉ vì không tốt nghiệp chuyên ngành báo chí… Những quy định không cần thiết này đang gây nên một sự lãng phí không hề nhỏ.

 Nỗi khổ “chứng chỉ” đã nhiều lần nóng ở diễn đàn Quốc hội. Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội) đã nêu lại vấn đề này đối với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân: Có rất nhiều cử tri theo dõi những kỳ họp trước, Bộ trưởng cho rằng sẽ sớm bỏ những chứng chỉ không cần thiết. Cử tri quan tâm, đến bao giờ thì việc này sẽ được bỏ, để cử tri không phải "thi nhau" đi học chứng chỉ?"

 Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, trong quá trình triển khai Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức, các nghị định của Chính phủ đều tập trung xem xét giảm bớt các thủ tục trong việc tuyển dụng, quản lý, thi nâng ngạch thăng hạng viên chức, kể cả quá trình bổ nhiệm cán bộ. Đối với thi nâng ngạch, mà những đối tượng được miễn tin học, ngoại ngữ, thì không cần phải nộp chứng chỉ tin học, ngoại ngữ.

 Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết, trong nghị định vẫn giao các bộ quản lý chuyên ngành về cán bộ, công chức, viên chức ban hành thông tư hướng dẫn về tiêu chuẩn của ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp của viên chức, trong đó có quy định về trình độ tin học, ngoại ngữ theo từng vị trí việc làm. Để tiến tới bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ trong tuyển dụng, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức, Bộ Nội vụ đang phối hợp với các bộ sửa đổi các tiêu chí về ngạch công chức, viên chức. 

Cần phải nhấn mạnh, chứng chỉ không có lỗi. Nhưng tùy vị trí việc làm để xem chứng chỉ ấy có thực sự cần thiết hay không. Yêu cầu của Thủ tướng đã có, các bộ cần khẩn trương rà soát, kiên quyết loại bỏ những chứng chỉ là gánh nặng thủ tục. Bởi xét đến cùng, chất lượng cán bộ, công chức, viên chức là ở năng lực, chuyên môn thực tế, không chỉ nằm ở tờ chứng chỉ. (Daibieunhandan.vn 20/3, Song Hà)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Đề xuất tăng lương hưu thêm 15% từ năm 2022

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đang đề xuất điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng từ ngày 1/1/2022 tăng thêm 15 % so với mức của tháng 12/2021.

 Theo dự thảo đang được Bộ LĐ-TB&XH lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ, từ ngày 1/1/2022, mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng sẽ điều chỉnh tăng thêm 15% so với mức áp dụng của tháng 12/2021. Dự kiến sẽ có 8 nhóm đối tượng được thụ hưởng từ chính sách này gồm: Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động; quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu, cán bộ phường, thị trấn... đang hưởng lương hưu hằng tháng.

 Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định cũng quy định người có mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động và trợ cấp hằng tháng sau khi điều chỉnh theo quy định trên mà còn thấp hơn 2.500.000 đồng/tháng, mức điều chỉnh bổ sung.

 Cụ thể, tăng thêm 200.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức lương hưu, trợ cấp hằng tháng từ 2.300.000 đồng/người/tháng trở xuống; tăng lên bằng 2.500.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức lương hưu, trợ cấp hằng tháng từ 2.300.000 đồng/người/tháng đến dưới 2.500.000 đồng/người/tháng.

 Theo Bộ LĐ-TB&XH, mức đề xuất tăng 15 %, nhằm đảm bảo bù đắp trượt giá để duy trì giá trị của khoản lương hưu, trợ cấp hiện hưởng của người thụ hưởng do tác động từ yếu tố lạm phát và chia sẻ một phần thành quả từ phát triển kinh tế của năm 2019, 2020 và năm 2021 do trong năm 2020 và năm 2021 không thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội.

 Ngoài ra, mức điều chỉnh trên thấp hơn mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội trong ba năm 2019, 2020 và năm 2021 (khoảng gần 17%).

 Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, để bố trí kinh phí thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho các nhóm đối tượng và không quá tạo ra áp lực cho ngân sách nhà nước, việc tăng lương hưu sẽ thực hiện từ 1/1/2022.

 Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất 2 thời điểm thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng. Phương án 1 điều chỉnh từ ngày 1/7/2021 với mức điều chỉnh là 10%. Còn phương án 2, được thực hiện từ ngày 1/1/2022 với mức điều chỉnh là 15%.

 Nếu theo phương án 1, số đối tượng được điều chỉnh từ nguồn ngân sách nhà nước chi trả ước khoảng 925.189 người, dự kiến kinh phí tăng thêm trong 6 tháng năm 2021 là 44.538 tỷ đồng (bao gồm cả khoản đóng bảo hiểm y tế). Số đối tượng được điều chỉnh từ nguồn quỹ bảo hiểm xã hội chi trả ước là 2.153.622 người, dự kiến kinh phí tăng thêm trong 6 tháng năm 2021 là 144.585 tỷ đồng (bao gồm cả khoản đóng bảo hiểm y tế). 

Còn nếu theo phương án 2, số đối tượng được điều chỉnh từ nguồn ngân sách nhà nước chi trả khoảng 896.823 người, dự kiến kinh phí tăng thêm trong năm 2022 là 47.226 tỷ đồng (bao gồm cả khoản đóng bảo hiểm y tế). Số đối tượng được điều chỉnh từ nguồn quỹ bảo hiểm xã hội chi trả khoảng 2.283.819 người, kinh phí tăng thêm trong năm 2022 là 168.045 tỷ đồng (bao gồm cả khoản đóng bảo hiểm y tế). (Tienphong.vn 20/3, Dương Hưng)Về đầu trang

Việt Nam tăng 4 bậc trong xếp hạng các nước hạnh phúc nhất thế giới

Đại dịch COVID-19 đã không làm thay đổi bảng xếp hạng các nước hạnh phúc nhất thế giới. Phần Lan tiếp tục là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới trong năm thứ 4 liên tiếp.

 Trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới thường niên do Liên Hợp Quốc tài trợ được công bố vào ngày 19/3, các nhà nghiên cứu sử dụng dữ liệu của Gallup, khảo sát ý kiến của người dân tại 149 quốc gia để xếp hạng mức độ hạnh phúc của họ, đồng thời có tính đến các dữ liệu khác như tổng thu nhập quốc nội (GDP), hỗ trợ xã hội, tự do cá nhân và mức độ tham nhũng... để đưa ra một điểm số về sự hạnh phúc của từng nước.

 Một lần nữa, những cái tên ở đầu bảng xếp hạng chủ yếu là các nước châu Âu với Đan Mạch đứng thứ 2, sau đó là Thụy Điển, Iceland và Hà Lan. New Zealand rớt một bậc, xuống vị trí thứ 9 và cũng là quốc gia duy nhất ngoài châu Âu đứng trong Top 10.

 Các nước khác được thăng hạng gồm Đức (từ thứ 17 lên 13) và Pháp (tăng hai bậc lên thứ 21). Trong khi đó, Anh giảm từ thứ 13 xuống 17 và Mỹ giảm một bậc xuống thứ 19. Các nước châu Phi như Lesotho, Botswana, Rwanda và Zimbabwe nằm cuối bảng xếp hạng các nước hạnh phúc nhất thế giới, nhưng Afghanistan là nước kém hạnh phúc nhất thế giới trong năm nay.

 Việt Nam đã thăng hạng từ vị trí thứ 83 lên 79, vị trí cao hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á, trên nước láng giềng Trung Quốc (thứ 84) hay các quốc gia Đông Nam Á khác như Malaysia (81), Myanmar (126).

 Báo cáo cũng cho thấy tình trạng bế tắc và cách ly xã hội trong đại dịch đã ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe của người lao động. Đồng tác giả Jeffrey Sachs cảnh báo: "Chúng ta cần nhanh chóng rút bài học từ dịch COVID-19, cần quan tâm đến trạng thái tinh thần thoải mái hơn là tài sản vật chất thuần túy". (Vtv.vn 21/3)Về đầu trang

Thủ tướng yêu cầu sửa quy định về chứng chỉ thăng hạng giáo viên

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng vừa ký văn bản gửi Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT về việc báo cáo nội dung liên quan đến các loại chứng chỉ bồi dưỡng đối với viên chức.

 Theo đó, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên quan đến việc thời gian vừa qua, một số cơ quan báo chí phản ánh về những vướng mắc, bất cập của quy định sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và các chứng chỉ bồi dưỡng khác đối với viên chức, nhất là đối với giáo viên cơ sở  đào tạo công lập trong việc thi thăng hạng, bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.

 Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý viên chức, trên cơ sở đó xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định 101/2017/NĐ-CP của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và các quy định khác có liên quan, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

 Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành tổng hợp, báo cáo cụ thể về các loại chứng chỉ đối với đội ngũ viên chức. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu nêu rõ những loại chứng chỉ nào là điều kiện để được bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; chứng chỉ nào là bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ. Đồng thời, phân loại chứng chỉ bắt buộc và không bắt buộc trong quản lý viên chức.

 Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GD&ĐT báo cáo cụ thể về nội dung tương tự nêu trên đối với chức danh nghề nghiệp giáo viên cơ sở công lập các cấp.

 Bộ GD&ĐT đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan cho phù hợp để giải quyết dứt điểm các vướng mắc, bất cập trong thời gian vừa qua về vấn đề này.

 Thủ tướng yêu cầu các Bộ đề xuất phương án cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2021. (Thanhtra.com.vn 20/3) Về đầu trang

Bộ Nội vụ thông tin việc Vĩnh Phúc bổ nhiệm nữ Phó Giám đốc Sở 31 tuổi

Chiều 19/3, tại buổi họp báo định kỳ, đại diện Bộ Nội vụ đã trả lời về việc bổ nhiệm nữ Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc 31 tuổi.

 Liên quan đến việc bà Trần Huyền Trang làm Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc được bổ nhiệm khi mới 31 tuổi, gây xôn xao dư luận thời gian qua, ông Trương Hải Long, Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức (Bộ Nội vụ) cho biết, theo quy định hiện hành về công tác cán bộ, chức danh Phó Giám đốc Sở thuộc thẩm quyền quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND cấp tỉnh và việc bổ nhiệm phải bảo đảm đúng các quy định của Đảng, Chính phủ và quy định của địa phương về công tác cán bộ.

 Về tiêu chuẩn, Bộ Chính trị có Quy định 89 về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp. Theo đó, tiêu chuẩn chung gồm tiêu chuẩn về chuyên môn, chính trị, trình độ quản lý nhà nước và tiêu chuẩn về ngoại ngữ, tin học phù hợp. 

Theo phân cấp thẩm quyền, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ dự thảo nghị định quy định về tiêu chuẩn đối với công chức, chức danh lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính các cấp. Tuy nhiên, qua trao đổi, Ban Tổ chức Trung ương muốn lùi thời điểm ban hành văn bản này, chờ sau khi Bộ Chính trị thông qua bảng các chức danh tương đương trong hệ thống chính trị để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất khi thể chế hóa cụ thể các quy định của Đảng về tiêu chuẩn bổ nhiệm. 

Ông Trương Hải Long cũng cho biết, Quy định 89 không nêu cụ thể việc bổ nhiệm chức danh cấp phòng trở lên, Phó Giám đốc Sở có phải giữ ngạch chuyên viên chính hay không, mà giao thẩm quyền này cho tỉnh ủy, thành ủy quy định cụ thể đối với các chức danh do địa phương quản lý và không được thấp hơn quy định chung của Đảng, Chính phủ. Các bộ, ngành, địa phương được quyền quy định tiêu chuẩn cao hơn, khi áp quy định cao hơn như vậy, phải thực hiện theo đúng quy định của mình, không thể viện lý do vì quy định chung không có nên không thực hiện.

 Về trường hợp cụ thể của tỉnh Vĩnh Phúc, theo ông Trương Hải Long, đến nay Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã có văn bản gửi Bộ Nội vụ và các cơ quan có thẩm quyền của Đảng (Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương) liên quan đến công tác bổ nhiệm cán bộ thuộc trường hợp Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Trong đó, có báo cáo liên quan đến trường hợp bà Trần Huyền Trang. Thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo Bộ giao, Vụ Công chức, viên chức đã làm việc với các cơ quan chuyên môn của tỉnh, đề nghị rà soát, báo cáo các trường hợp tương tự ở Vĩnh Phúc. Bộ Nội vụ sẽ kiểm tra, đánh giá, báo cáo cấp có thẩm quyền và thông tin cho báo chí sau.

 Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc "cách đây vài ngày, có thông tin nội bộ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã họp và đưa ra hướng xử lý đối với trường hợp bà Trang. Bộ đã nhận được báo cáo về hướng xử lý của tỉnh chưa?", ông Trương Hải Long cho biết, Bộ Nội vụ nhận được báo cáo của tỉnh trước đây. Bộ đã yêu cầu tỉnh báo cáo về việc này nhưng trong 1, 2 ngày gần đây, Bộ chưa nhận được báo cáo mới của tỉnh".

 Làm rõ hơn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng thông tin, Quy định 89 của Bộ Chính trị quy định về tiêu chuẩn chung để bổ nhiệm chức danh lãnh đạo và giao cho tỉnh ủy, cấp quản lý cán bộ quy định cụ thể; trên tinh thần Quy định 89 của Bộ Chính trị và quy định cụ thể của địa phương để xác định chức danh Phó Giám đốc sở cần những tiêu chuẩn, yêu cầu gì. Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành quy định về vị trí việc làm các cơ quan hành chính của các tỉnh. Nghị định số 62/2020/NĐ-CP của Chính phủ (về vị trí việc làm và biên chế công chức) đã phân cấp lại cho các địa phương có thể điều chỉnh tiêu chuẩn đó.

 Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng đề nghị Vụ Công chức, viên chức, Thanh tra Bộ trao đổi thêm với Vĩnh Phúc về vị trí việc làm, tiêu chuẩn cụ thể đối với vị trí Giám đốc, phó Giám đốc sở. Nếu chưa có quy định cụ thể của địa phương, phải căn cứ theo quyết định của Bộ trưởng Nội vụ.

 Cũng theo ông Thăng, Quy định 105 năm 2017 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; Nghị định 138/2020/NĐ-CP (về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức) không quy định tuổi tối thiểu khi bổ nhiệm, chỉ quy định độ tuổi tối đa; đồng thời không quy định cụ thể về thời gian công tác. (Vtv.vn 20/3)Về đầu trang

Gắn trách nhiệm của lãnh đạo địa phương khi để xảy ra “sốt đất”

Trước tình hình sốt đất đang diễn ra tại nhiều địa phương, ngày 20.3, Hội môi giới Bất động sản Việt Nam đã đưa ra một số khuyến nghị, trong đó, đề cập đến việc cần gắn trách nhiệm của lãnh đạo địa phương đối với các hiện tượng sốt đất trên địa bàn.

 Tổng Thư ký Hội môi giới Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính nêu khuyến nghị, chính quyền các địa phương phải vào cuộc quyết liệt để kiểm soát mọi hoạt động sử dụng đất đai, thực hiện các dự án đầu tư, giao dịch đất đai,.. đảm bảo thực hiện theo đúng quy định pháp luât; cần gắn trách nhiệm của lãnh đạo địa phương khi xảy ra hiện tượng sốt đất…

 Theo ông Đính, các địa phương cần quản lý các đối tượng tham gia chuỗi rao, chào bán, tổ chức giao dịch… trên địa bàn; đồng thời, cung cấp đầy đủ thông tin về chủ trương phát triển kinh tế, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho người dân nắm được và thận lợi khi tiếp cận thông tin. 

Đặc biệt, các địa phương cần chú ý kịp thời phát hiện và xử lý hoạt động tung tin thất thiệt, ảnh hưởng đến thị trường, nhất là những tin tức tạo dựng làm sốt đất, gây bất ổn.

 Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam kiến nghị điều chỉnh pháp luật theo hướng số hóa quy hoạch, sản phẩm bất động sản người dân có thể thuận tiện tra cứu thông tin; đồng thời, quản lý Sàn giao dịch và môi giới bất động sản chặt chẽ, hiệu quả hơn.

 Kể từ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, hiện tượng giá đất tăng tại nhiều địa phương đã tạo ra những cơn sóng sốt đất. Đất đai là loại hàng hóa có thể lưu giữ lâu dài, khả năng sinh lợi cao, nhiều nơi mức giá vẫn thấp, kể cả khi đã được đầu tư hạ tầng,… Bởi lẽ đó, đầu tư vào đất vẫn luôn là loại hình được ưa chuộng của các nhà đầu tư nhỏ, lẻ - Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định.

 Với cơn sốt đất lần này, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, nguyên nhân tăng giá có một phần do khung giá đất được chính quyền các địa phương đồng loạt điều chỉnh tăng từ 15-20%.

 Nhu cầu về chỗ ở vẫn rất cao trên toàn thị trường nhưng việc phê duyệt đầu tư các dự án bất động sản, tạo nguồn cung vẫn chưa có tín hiệu khả quan. Do đó, nguồn cung chưa được cải thiện nhiều mà vẫn thiếu, nhất là các dự án nhà ở phân khúc bình dân, nhà ở xã hội, đất nền. (Daibieunhandan.vn 21/3)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Diễn biến mới vụ chi 20 tỷ để “điều chuyển” Giám đốc Công an An Giang

Ngày 20/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang cho biết, đã ra quyết định khởi tố bị can đối với các đối tượng trong vụ án lừa đảo “chạy điều chuyển” Giám đốc Công an tỉnh này.

 Theo đó, cơ quan công an quyết định khởi tố bị can đối với Vũ Văn Quý (30 tuổi, ngụ quận 3, TP Hồ Chí Minh), Hoàng Thị Tâm (54 tuổi, ngụ xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội) và Ngô Văn Trọng (48 tuổi, phường Khuê Trung, Quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. 

Riêng đối tượng Đào Ngọc Cảnh (74 tuổi, ngụ phường Xuân Hà, quận Thanh Huê, TP Đà Nẵng) có liên quan trong vụ án, Cơ quan cảnh sát điều tra vẫn đang tiếp tục xác minh, làm rõ để xử lí theo quy định của pháp luật.

 Như Tiền Phong đã đưa tin, bị Công an tỉnh An Giang trấn áp quyết liệt, Trần Trí Mãnh (41 tuổi, ngụ phường Châu Phú A, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang) - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Gia Thịnh, “trùm” sản xuất phụ tùng xe giả, nhớt giả.., đã nhờ người chạy để “điều chuyển” Giám đốc Công an tỉnh An Giang Đinh Văn Nơi đi địa phương khác với giá 20 tỉ đồng nhằm dễ bề "làm ăn".

 Mãnh đã liên hệ với Cảnh để nhờ việc này. Cảnh tiếp tục liên hệ với Trọng, Quý và Tâm để bàn kế hoạch. Qua đó, Quý khẳng định có mối quan hệ có thể thực hiện được yêu cầu của Mãnh.

 Đến giữa tháng 1/2021, cả 4 đối tượng đã đến An Giang để gặp Mãnh và thống nhất giá “điều chuyển” Giám đốc Công an tỉnh An Giang đi địa phương khác là 20 tỉ đồng. Nhóm này yêu cầu Mãnh chuyển trước vào tài khoản của Tâm 10 tỉ đồng và cam kết trong 3 ngày sẽ có quyết định điều chuyển.

 Chờ mãi không thấy có chuyển biến, Mãnh đòi lại tiền và nhóm Cảnh chỉ chuyển lại 7,4 tỷ đồng. Số còn lại, các đối tượng chia nhau tiêu xài và thực chất không có cuộc “chạy chọt” nào diễn ra.

 Vào ngày 11/3, Công an tỉnh An Giang cũng đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Mãnh về hành vi “Sản xuất buôn bán hàng giả”. Trong Quá trình điều tra, Mãnh đã khai nhận vụ việc kể trên. (Tienphong.vn 21/3, Kim Hà - Nghiêm Túc) Về đầu trang

An Giang: Cảnh cáo cán bộ biên phòng chứa hàng lậu trong nhà

Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã họp và thống nhất ra quyết định kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng đối với Thượng tá Hoàng Văn Nam.

 Liên quan đến vụ việc, lực lượng Công an phát hiện, thu giữ nhiều hàng hóa có xuất xứ nước ngoài, không có hóa đơn, chứng từ, trong nhà của Thượng tá Hoàng Văn Nam (Phó Trưởng phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang) và người thân, chiều 19/3, Thượng tá Lê Hoàng Việt, Phó Chính ủy, Người phát ngôn của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang cho biết, Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã họp và thống nhất ra quyết định kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng đối với Thượng tá Hoàng Văn Nam.

 Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang đang làm văn bản đề nghị Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng xem xét, ra quyết định kỷ luật về mặt nhà nước theo đúng quy định của Quân đội.

 Theo Thượng tá Lê Hoàng Việt, ngay sau khi xảy ra sự việc, mặc dù Thượng tá Nam đang đi học tại Đà Lạt nhưng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang đã yêu cầu Thượng tá Nam xin phép nhà trường nghỉ học, khẩn trương trở về đơn vị để làm tường trình, giải thích rõ vụ việc.

 Qua bản kiểm điểm gửi Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang, Thượng tá Nam thừa nhận bản thân thiếu trách nhiệm trong quản lý, giáo dục, dẫn đến việc vợ, con cho người khác gửi hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ trong nhà mình, để lực lượng chức năng kiểm tra, bắt giữ; đồng thời tạo ra dư luận không tốt, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của bản thân, gia đình, đơn vị và lực lượng Bộ đội Biên phòng. (Vtv.vn 20/3)Về đầu trang

Cà Mau: Xin chỉ đạo vụ Phó Giám đốc Sở Y tế có vợ Giám đốc doanh nghiệp bán vật tư y tế

Vụ Phó Giám đốc Sở Y tế Cà Mau có vợ là Giám đốc doanh nghiệp có chức năng khám chữa bệnh, đấu thầu cung ứng vật tư y tế... sẽ được báo cáo lãnh đạo tỉnh Cà Mau xin ý kiến chỉ đạo.

 Liên quan đến thông tin, ông Nguyễn Hoàng Sa, Phó Giám đốc Sở Y tế Cà Mau có vợ làm Giám đốc doanh nghiệp có chức năng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), đấu thầu cung ứng vật tư y tế, ngày 21.3, ông Nguyễn Đức Thánh, Chánh văn phòng, kiêm người phát ngôn của UBND tỉnh Cà Mau thông tin: "Chúng tôi đã nắm bắt thông tin sau khi Báo Thanh Niên cung cấp. Nhưng do bận họp HĐND nên chúng tôi chưa xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh. Thứ hai (ngày 22.3), chúng tôi sẽ báo cáo lãnh đạo tỉnh xin ý kiến chỉ đạo tiếp theo. Rồi sau đó sẽ thông tin đến báo chí sau", ông Thánh nói.

 Trước đó, Văn phòng Báo Thanh Niên tại ĐBSCL có nhận được đơn thư phản ánh của bạn đọc với nội dung một Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau có "vi phạm pháp luật về công tác đấu thầu thuốc tập trung tại Sở Y tế Cà Mau".

 Liên quan đến các phản ánh trên, PV Thanh Niên đã gửi các câu hỏi đến UBND tỉnh Cà Mau, Sở Y tế Cà Mau, đề nghị được hỗ trợ thông tin.

 Mới đây, trong văn bản trả lời PV Thanh Niên, Sở Y tế Cà Mau cho biết theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Công CP Vạn Phúc được Sở Kế hoạch - Đầu tư cấp (ngày 3.11.2016) thì người đại diện pháp luật là Tạ Như Ý, không phải là Tạ Thị Diệu Liên - vợ ông Nguyễn Hoàng Sa, Phó Giám đốc Sở Y tế Cà Mau.

 Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, từ năm 2005, Công ty CP Vạn Phúc đăng ký chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu với người đại diện pháp luật là Tạ Thị Diệu Liên. Đến tháng 11.2016, công ty thay đổi người người đại diện pháp luật trên giấy đăng ký kinh doanh là Tạ Như Ý.

 Trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Sở Y tế cung cấp cho PV Thanh Niên, bà Tạ Như Ý có chức danh Chủ tịch hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc Công ty CP Vạn Phúc. Tuy nhiên, những văn bản của Công ty CP Vạn Phúc gửi cho Sở Y tế Cà Mau, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh Cà Mau gần đây, người đứng tên Giám đốc Công ty CP Vạn Phúc vẫn là bà Tạ Thị Diệu Liên.

 Cụ thể, ở văn bản ngày 10.9.2020, Công ty CP Vạn Phúc bổ sung danh sách đăng ký người hành nghề tại cơ sở KCB, người ký văn bản là Tạ Thị Diệu Liên với chức danh là Giám đốc.

Còn ở tờ trình ngày 24.2.2020 của Công ty CP Văn Phúc gửi BHXH tỉnh Cà Mau (về nội dung phê duyệt danh mục bổ sung của Công ty CP Vạn Phúc, kết quả lựa chọn nhà thầu các gói thầu mua thuốc năm 2019 của Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia và của Sở Y tế Cà Mau) cũng do bà Tạ Thị Diệu Liên ký với chức danh Giám đốc.

 Được biết, trong các năm qua, Công ty CP Vạn Phúc của vợ ông Nguyễn Hoàng Sa - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau đã trúng nhiều gói thầu mua sắm vật tư y tế trong tỉnh Cà Mau. (Thanhnien.vn 21/3, Gia Bách)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Thái Lan rút ngắn thời gian người nhập cảnh cách ly

Thái Lan vừa quyết định rút ngắn thời gian cách ly bắt buộc đối với người nước ngoài nhập cảnh, xuống còn 10 ngày thay vì 2 tuần như hiện nay.

 Quy định này áp dụng từ 1/4, đối với những người nhập cảnh không có giấy chứng nhận tiêm chủng và giấy chứng nhận không mắc COVID-19. Còn những người có hai loại giấy trên thì sẽ cách ly 7 ngày.

 Thời gian cách ly 14 ngày sẽ được duy trì đối với những người đến từ các khu vực xuất hiện biến thể của virus SARS-CoV-2.

 Từ tháng 10 tới, biện pháp cách ly sẽ chỉ áp dụng đối với những người đến từ các khu vực cụ thể. Việc cách ly sẽ được thay thế bằng các thiết bị theo dõi và các biện pháp giám sát chặt chẽ.

 Việc rút ngắn thời gian người nhập cảnh cách ly được Thái Lan đưa ra nhằm thúc đẩy ngành du lịch vốn đang chịu những thiệt hại nặng nề do đại dịch COVID-19 gây ra. (Vtv.vn 20/3)Về đầu trang./.

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Các tin khác