Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên - Vị tướng của đường Trường Sơn huyền thoại

15:37, Thứ Ba, 14-2-2023

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên được giao nhiều cương vị quan trọng. Đặc biệt, trên cương vị Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trường Sơn (1967-1976), Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã có những quyết định sáng tạo trong chỉ đạo, tổ chức lực lượng, xây dựng, phát triển, khai thác hiệu quả đường Trường Sơn và lập nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc, kịp thời chi viện sức người, sức của cho các chiến trường, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 

Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên tên khai sinh là Nguyễn Hữu Vũ, bí danh Nguyễn Văn Đồng, sinh ngày 01/3/1923 tại xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch (nay là thị xã Ba Đồn), tỉnh Quảng Bình. Từ năm 1938, đồng chí tham gia hoạt động cách mạng, tháng 12/1939 đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 8/1945, đồng chí được chỉ định vào Thường vụ Tỉnh ủy và làm Chủ nhiệm Việt Minh tỉnh Quảng Bình.

Từ tháng 4/1956 đến năm 1960, đồng chí lần lượt kinh qua các chức vụ: Cục phó Cục Điều động dân quân, Cục trưởng Cục Động viên dân quân, Bí thư Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan Bộ Tổng Tham mưu; Đồng chí được phong quân hàm Đại tá năm 1958. Năm 1964 đồng chí làm Bí thư Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan Bộ Tổng Tham mưu, Tổng Tham mưu phó. Năm 1965, làm Chính ủy Quân khu 4, Bí thư Khu ủy; Chính ủy kiêm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam ở Mặt trận Trung Lào. Năm 1966 giữ chức Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần phụ trách Tổng cục Tiền phương.

Từ năm 1967 đến tháng 5/1976, Đồng chí đảm nhiệm các chức vụ quan trọng: Tư lệnh Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Đoàn 559; Bí thư Ban cán sự cố vấn Đảng, quân, dân, chính, kiêm Tư lệnh Bộ đội tình nguyện ở Trung Hạ Lào. Đồng chí được phong quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng năm 1974. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Đồng chí tham gia Bộ Chỉ huy chiến dịch. Tháng 6/1976, Đồng chí giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Chủ nhiệm Tổng cục Xây dựng kinh tế, Bí thư Đảng ủy Tổng cục.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (Ảnh tư liệu)

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã gắn liền với hình ảnh đường Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Trên cương vị Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trường Sơn (1967-1976), đồng chí đã có những quyết định sáng tạo trong chỉ đạo, tổ chức lực lượng, xây dựng, phát triển, khai thác hiệu quả đường Trường Sơn và lập nhiều chiến công đặt biệt xuất sắc, kịp thời chi viện sức người, sức của cho các chiến trường, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 

Đồng chí đã chỉ đạo tổ chức xây dựng đường Trường Sơn trở thành con đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Bộ đội Trường Sơn có lịch sử xây dựng và chiến đấu kéo dài 16 năm, thì Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên có gần 10 năm trên cương vị là Tư lệnh. Trong khoảng thời gian đó, Bộ đội Trường Sơn phải đối mặt với sự đánh phá ác liệt nhất của máy bay và bom đạn Mỹ; đối mặt với các loại vũ khí tối tân, hiện đại nhất. Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên cùng với Bộ Tham mưu của mình chỉ huy một lực lượng hùng hậu với quy mô 9 sư đoàn và 21 trung đoàn trực thuộc, vượt lên tất cả, để hoàn thành xuất sắc sự chi viện cho các hướng chiến trường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của 3 nước Đông Dương.

Thời gian làm Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trường Sơn cũng là giai đoạn cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước diễn ra ác liệt nhất. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Bác Hồ, cùng với những sáng kiến táo bạo, kịp thời, phù hợp với thực tiễn chiến đấu của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên, tuyến giao thông chiến lược Trường Sơn không còn là những con đường đơn lẻ mà phát triển thành một hệ thống giao thông vận tải lớn với hàng chục, hàng trăm ngả như "trận đồ bát quái xuyên rừng rậm”. 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên đến thăm bộ đội Trường Sơn (Ảnh tư liệu)

Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã cùng Bộ Tư lệnh chỉ đạo tạo mạng lưới đường - cầu nhiều trục dọc Bắc - Nam; Đông - Tây Trường Sơn xuyên cả ba nước Đông Dương với nhiều trục dọc, ngang có độ dài 17.000 km, hệ thống đường ống dẫn xăng dầu dài 1.400 km; Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên chủ động xây dựng hệ thống thông tin và tuyến đường xăng dầu Trường Sơn, bảo đảm công tác chi viện cho chiến trường miền Nam. Đến đầu năm 1971, hệ thống thông tin tải ba đã được Bộ đội Trường Sơn nối thông suốt tới tất cả các hướng chiến trường của 3 nước Đông Dương, bảo đảm sự chỉ huy từ tổng hành dinh tới tận chiến trường Nam Bộ. Hệ thống điện thoại đã được trang bị cho tất cả cấp đại đội và tương đương, tới các trọng điểm, các trạm phẫu thuật…của toàn chiến trường Trường Sơn. Công tác bảo đảm xăng dầu cho vận chuyển cơ giới cũng là yếu tố sống còn của công tác vận tải. Đầu năm 1969, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã đưa ra kế hoạch xây dựng tuyến đường ống xuyên suốt Trường Sơn từ cửa khẩu vào tới chiến trường Nam Bộ với chiều dài khoảng 1.400km.

Trong chiến dịch Giải phóng Tây Nguyên, Chiến dịch Hồ Chí Minh, tuyến đường ống xăng dầu Trường Sơn đã đáp ứng mọi yêu cầu về xăng dầu cho tất cả các lực lượng tham gia Chiến dịch một cách thuận lợi, kịp thời và nhanh chóng. Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã đánh giá: “Đường ống xăng dầu Trường Sơn là huyền thoại trong huyền thoại Trường Sơn”.

Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên (đội mũ vải) nghe báo cáo về kế hoạch triển khai tuyến xăng dầu khu vực 471 (Ảnh tư liệu)

Bằng sự mưu trí, sáng tạo, với bản lĩnh và ý chí quyết tâm vì sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên và bộ đội Trường Sơn đã thực hiện thành công công cuộc chi viện cho chiến trường miền Nam, làm thất bại mọi âm mưu chiến lược của kẻ thù, lập nên những chiến công vang dội, để lại những dấu son chói lọi trong lịch sử chiến tranh Việt Nam. Chính trên những cung đường huyền thoại đó, hàng chục vạn bộ đội, thanh niên xung phong cùng phương tiện ô tô, xe cơ giới, máy móc, pháo cao xạ ngày đêm đương đầu với địch trong mưa bom bão đạn, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. 

Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên đã góp phần quan trọng vào thành tích, chiến công, vị trí và tầm vóc vĩ đại của Bộ đội Trường Sơn trong 16 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành. Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã làm tròn sứ mạng chuyển tải cơ sở vật chất, vũ khí, cơ động các lực lượng quân binh chủng với quy mô ngày càng lớn, cả chiến lược, chiến dịch, chiến thuật. Đặc biệt, tuyến đường góp phần quan trọng vào các quá trình thắng lợi của chiến tranh miền Nam nước ta, nhất là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 - đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (tháng 12/1976), Đồng chí được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; giữ chức Thứ trưởng Thường trực Bộ Xây dựng.

Từ năm 1977 đồng chí tiếp tục đảm nhiệm nhiều cương vị quan trọng như: Bộ trưởng, Bí thư ban cán sự đảng Bộ Xây dựng; Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải; Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng..., Đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa IV, V, VI; Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị khóa V; Ủy viên Bộ Chính trị khóa VI; Đại biểu Quốc hội các khóa I, VI, VII, VIII.

Với những cống hiến, công lao to lớn và thành tích xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân chương, huy chương, phần thưởng cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Đồng Sỹ Nguyên (01/3/1923 - 01/3/2023) là dịp để chúng ta nhìn lại cuộc đời, sự nghiệp và tôn vinh công lao, cống hiến to lớn của đồng chí đối với cách mạng Việt Nam; qua đó giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; cổ vũ, động viên các tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam học tập, noi theo, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.

                                                                   NTT

                      (Theo Đề cương tuyên truyền của Ban Tuyên giáo TW- Tỉnh ủy Quảng Bình)

Các tin khác