Ngành Thông tin -Truyền thông Quảng Bình chủ động đổi mới để đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ được giao

10:13, Thứ Ba, 7-2-2023

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Không ngừng nỗ lực, chủ động đổi mới, sáng tạo, trong thời gian qua, ngành Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Quảng Bình đã vượt qua mọi khó khăn, triển khai nhiều giải pháp, từng bước xây dựng, phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu đổi mới, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Phát triển hạ tầng thông tin truyền thông về cơ sở

Xác định phát triển hạ tầng TT-TT sẽ tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, Sở TT-TT đã chủ động, tích cực tham mưu xây dựng trình tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các quy hoạch phát triển ngành và hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng và an ninh thông tin.

Đến nay, cơ bản các quy hoạch thuộc lĩnh vực ngành quản lý đã được xây dựng hoàn thiện, góp phần tạo hành lang pháp lý, cơ chế chính sách, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, huy động các nguồn lực đầu tư và tạo động lực thúc đẩy hoạt động ứng dụng, phát triển hệ thống TT-TT trên địa bàn tỉnh. 

Nhờ đó, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong ngành đã chú trọng phát triển hạ tầng TT-TT, bảo đảm truyền tải kịp thời thông tin chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền đến cơ sở và người dân trên địa bàn tỉnh. Hạ tầng viễn thông, trạm thu phát sóng thông tin di động và cáp quang internet băng rộng phát triển mạnh về cơ sở, phủ sóng đến miền núi, vùng sâu, vùng xa: 100% trung tâm xã, phường, thị trấn có kết nối cáp quang internet băng thông rộng. Mạng 3G, 4G phủ sóng trên 80% khu vực dân cư. Tỷ lệ điểm phục vụ của mạng bưu chính công cộng có kết nối internet băng rộng cố định là 62,2%. Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh là 67,69%; tỷ lệ hộ gia đình có người có điện thoại thông minh là 79,07%; tỷ lệ hộ gia đình có kết nối Internet băng rộng cáp quang là 59,21%. Tổng số tên miền Việt Nam (.vn) trên địa bàn tỉnh là 965 tên miền.

Hạ tầng ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước tiếp tục được đầu tư, nâng cấp. Toàn tỉnh có 7.301 máy tính (gồm 5.636 máy tính để bàn và 1.558 máy tính xách tay) và 116 máy chủ. 100% sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện và 98,7% UBND cấp xã đã thiết lập mạng LAN và kết nối internet. Hệ thống thông tin báo chí cũng được nâng cấp, ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình sản xuất, truyền đưa thông tin kịp thời đến mọi tầng lớp nhân dân với các kênh thông tin đa phương tiện trên 4 loại hình:  báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử. Ngoài Đài Phát thanh và Truyền hình (PT-TH), Báo Quảng Bình điện tử, tỉnh còn có 8 hệ thống  Truyền thanh-Truyền hình cấp huyện và 151 Đài Truyền thanh cấp xã. Tỷ lệ phủ sóng PT-TH của tỉnh cả về diện tích và dân số đạt 100%. Hoạt động thông tin đối ngoại được đẩy mạnh thông qua công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh tỉnh Quảng Bình trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua đó góp phần thu hút đầu tư, phát triển du lịch, tạo sự ủng hộ của bạn bè trong nước và quốc tế…

Với việc đa dạng hóa các loại hình thông tin, đến nay hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh ổn định, bảo đảm thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, góp phần quan trọng trong việc truyền tải các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao nhận thức của người dân. Từ đó nâng cao nhận thức, tăng cường sự thống nhất tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; kịp thời phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, góp phần định hướng dư luận và tạo sự đồng thuận trong xã hội, thúc đẩy tiến bộ và an sinh xã hội…

Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 

Nâng cao nhận thức, nỗ lực thực hiện chuyển đổi số

Với vai trò là cơ quan thường trực triển khai thực hiện chuyển đổi số ở địa phương, Sở TT-TT luôn xác định rõ vai trò, trách nhiệm, nỗ lực tham mưu triển khai các chủ trương, chính sách phát triển nguồn nhân lực và nâng cao năng lực chuyển đổi số cho mọi tầng lớp nhân dân; tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các sở, ngành, địa phương trong tỉnh triển khai, thực hiện chương trình chuyển đổi số đạt kết quả cao nhất.

Đến nay, chương trình chuyển đổi số của tỉnh đang được đẩy mạnh thực hiện đồng bộ và bước đầu đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trung tâm dữ liệu điện tử của tỉnh đã triển khai phục vụ Chuyển đổi số theo hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây, có kết nối với Nền tảng điện toán đám mây Chính phủ theo mô hình do Bộ TT-TT hướng dẫn; được vận hành cơ bản ổn định phục vụ triển khai, quản trị, vận hành, khai thác, ứng dụng 11 nền tảng, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh, đồng thời hỗ trợ các cơ quan, đơn vị cài đặt, vận hành hệ thống, phần mềm chuyên ngành. 

Sở đã tham mưu thực hiện chuyển đổi IPv4 sang IPv6 cho Cổng thông tin điện tử và Cổng dịch vụ công/hệ thống thông tin một cửa điện tử. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước đã sẵn sàng kết nối đến 151/151 xã, phường, thị trấn. Hệ thống hội nghị truyền hình chuyên dùng của tỉnh đã bảo đảm kết nối thông suốt từ Trung ương đến huyện, dự kiến mở rộng đến cấp xã vào đầu năm 2023.

Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) tiếp tục được duy trì, hoạt động hiệu quả; thực hiện kết nối, liên thông các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của tỉnh trong việc gửi, nhận văn bản điện tử, dịch vụ công trực tuyến, thông tin báo cáo, dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành, thủ tục hành chính, công báo điện tử... và thực hiện kết nối, liên thông với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, Trục liên thông văn bản quốc gia, Trục kết nối dữ liệu Cổng Dịch vụ công quốc gia, hệ thống hỗ trợ thanh toán quốc gia PayGov, thanh toán nghĩa vụ tài chính TTHC đất đai, cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký kinh doanh, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…

Mô hình Trung tâm điều hành thông minh (IOC) cấp tỉnh, cấp huyện được nghiên cứu, triển khai thử nghiệm. Tại TP. Đồng Hới đã triển khai hệ thống Wifi công cộng với 75 bộ phát sóng/26 điểm công cộng, điểm du lịch; hệ thống camera giám sát an ninh trật tự, an toàn giao thông với 23 camera cấp thành phố tích hợp thêm hơn 400 camera từ các xã, phường trên địa bàn… 

Ứng dụng CNTT, Chính quyền số tiếp tục được triển khai, tăng cường. Tỷ lệ văn bản, hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng tại cơ quan cấp tỉnh là 95%, cấp huyện là 88%, cấp xã là 65%. Tỷ lệ kết nối chế độ báo cáo, cung cấp thông tin, dữ liệu của tỉnh với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ đạt 100% yêu cầu. Tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến đối với 23/25 DVC thiết yếu theo Đề án 06 là 64,7%...

Kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh có bước phát triển. Người dân đã tăng cường tiếp cận, rèn luyện kỹ năng số để sử dụng các dịch vụ số, từ đó, hình thành các mối quan hệ mới trong môi trường số, hình thành thói quen số và văn hóa số. Đến nay, số người từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch đang còn hoạt động tại ngân hàng đạt tỷ lệ 75,49%. Tổng số doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương thức kê khai sử dụng hóa đơn sử dụng hóa đơn điện tử là 5.971. Tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử đạt 99,2%.

Có thể nói, trong chuyển đổi số, nhận thức số là vấn đề quan trọng nhất. Chính vì vậy, Sở TT-TT đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tích cực phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo đồng thuận trong xã hội và toàn hệ thống chính trị về ứng dụng CNTT, chuyển đổi số và tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Lợi ích của chuyển đổi số cũng không phải đâu xa mà chúng ta có thể nhìn thấy gần như tất cả các hoạt động trong cuộc sống hàng ngày. Đơn cử một việc đơn giản như trả hóa đơn tiền điện, tiền nước. Với chuyển đổi số, người dân chỉ cần vài thao tác bấm máy điện thoại, trong vài chục giây là thanh toán xong. Còn với doanh nghiệp, thay vì có một hệ thống nhân viên thu tiền điện, tiền nước, họ cũng hoàn toàn có thể nắm được mỗi hộ gia đình có chỉ số tiêu thụ điện nước bao nhiêu trong 1 tháng… 

Thời gian tới, ngành TT-TT Quảng Bình tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, chủ động nắm bắt cơ hội, tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh đẩy mạnh thực hiện công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh trên 3 trụ cột chính: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số. Đồng thời, tham mưu đưa ra các giải pháp thiết thực, tận dụng tối đa lợi thế của ngành nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nâng cao trình độ công nghệ, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.

Hoàng Hữu Thái
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông
 

 

Các tin khác