Kết quả và những vấn đề đặt ra trong công tác dạy nghề cho lao động nông thôn ở tỉnh ta

14:10, Thứ Hai, 2-10-2023

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Quảng Bình hiện có khoảng hơn 422.000 lao động đang làm việc trong các thành phần kinh tế, trong đó lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm 31,81%; lao động qua đào tạo đạt 67,7%. Đó là kết quả của sự chỉ đạo quyết liệt, sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền và tham gia tích cực của cộng đồng dân cư.

Kết quả từ sự đồng thuận của hệ thống chính trị và người lao động

  Để đạt được kết quả trên, trước hết, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp với điều kiện kinh tế của mỗi địa phương. Ban Chỉ đạo Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” được thành lập từ tỉnh đến cơ sở, qua đó xây dựng kế hoạch cho từng giai đoạn, kế hoạch cụ thể hằng năm, ban hành định mức chi phí đào tạo nghề, định mức kinh tế - kỷ thuật… và nhiều văn bản để triển khai thực hiện.

Nhằm đưa hệ thống giáo dục nghề nghiệp đi đúng hướng, UBND tỉnh đã thực hiện việc sát nhập các Trung tâm giáo dục thường xuyên, Kỷ thuật hướng nghiệp và Dạy nghề thành Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề cấp huyện, giao UBND cấp huyện quản lý, đây thực sự là những trung tâm vệ tinh đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng nghề trên địa bàn. Giai đoạn 2012 - 2015, toàn tỉnh có 27 cơ sở đào tạo nghề, sau khi kiện toàn và sắp xếp lại, đến tháng 6/2023, toàn tỉnh còn 16 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Việc thực hiện sắp xếp hệ thống giáo dục nghề nghiệp thực hiện đảm bảo theo quy mô, cơ cấu, hợp lý về ngành nghề, trình độ đào tạo, có phân tầng chất lượng.

Công tác tuyên truyền được triển khai thường xuyên, tích cực. Sở Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, truyền thông triển khai công tác tuyên truyền về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Bình thường xuyên duy trì các chuyên mục: “Công thương Quảng Bình”; “Nông dân, nông thôn Quảng Bình”; “Khuyến nông Quảng Bình”, “Chung tay xây dựng nông thôn mới”; tuyên truyền, giới thiệu các ngành nghề đào tạo phù hợp, các gương điển hình học nghề … nhờ đó, có trên 98% lao động nắm rõ chủ trương, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Cơ sở vật chất phục vụ dạy nghề cho lao động nông thôn được chú trọng, tổng kinh phí đầu tư cho các cơ sở dạy nghề công lập từ năm 2010 đến năm 2020 lên tới 67.520 triệu đồng, qua đó góp phần nâng cao năng lực dạy nghề, đáp ứng nhu cầu học nghề tại chỗ của lao động nông thôn. Ngoài ra, tỉnh đã quan tâm đến công tác đào tạo nghề, giai đoạn 2012 -2021, tổng số lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề là 32.049 người (trong đó lao động nữ chiếm 60%); lao động có việc làm sau học nghề đạt 78%. Bên cạnh đó, tỉnh đã chú trọng hình thức đặt hàng đào tạo, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề, ưu tiên ký hợp đồng đào tạo với cơ sở có liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm, bao tiêu sản phẩm.

Việc dạy nghề cho thanh niên nông thôn, dạy nghề cho nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, dạy nghề đáp ứng xây dựng nông thôn mới luôn được quan tâm. Từ năm 2011 đến năm 2021, thanh niên nông thôn tham gia học nghề trên địa bàn toàn tỉnh là 129.338/161.673 người (chiếm 80%); có 22.434 lao động trực tiếp sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ đào tạo nghề nông, lâm, ngư nghiệp (chiếm 70% tổng số lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo). Đặc biệt, hàng năm, tỉnh ưu tiên đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại các xã đang phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới và các xã đặc biệt khó khăn, đến hết năm 2022, có 89 xã đạt chuẩn nông thôn mới

Mặc dù công tác dạy nghề cho lao động nông thôn ở tỉnh ta đạt những kết quả tích cực, tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, bất cập chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, hiệu quả chưa cao. Công tác tuyên truyền, vận động về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn. Một bộ phận nhân dân, học sinh, sinh viên chưa nhận thức đúng, đầy đủ về sự cần thiết phải học nghề và chuyển đổi nghề; vẫn còn tâm lý coi trọng bằng cấp, mong muốn làm việc ở các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước; tinh thần khởi nghiệp, tự chủ, vượt khó vươn lên chưa cao. Công tác điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề ở một số địa phương chưa sát với thực tế, chưa sát với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và thị trường lao động. Công tác tuyển sinh, đào tạo nghề trung cấp, cao đẳng còn gặp nhiều khó khăn; công tác phân luồng học sinh ở các cơ sở giáo dục có nơi chưa quyết liệt, hiệu quả chưa cao. Việc đa dạng hóa các loại hình cơ sở và ngành, nghề đào tạo còn hạn chế, các ngành nghề còn dàn trải, chồng chéo, trùng lặp giữa các cơ sở đào tạo nghề. Việc liên kết, phối hợp, thực hiện cơ chế đặt hàng giữa cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp chưa chặt chẽ, hiệu quả…

Kinh nghiệm rút ra và giải pháp sắp tới

Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn và Chỉ thị số 01-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, một số bài học được rút ra từ công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, đó là:

Một là, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác dạy nghề cho lao đông nông thôn; phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể; xây dựng kế hoạch đào tạo nghề gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững; có chính sách đúng và đầy đủ là yếu tố quan trọng để thực hiện hiệu quả mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.

Hai là, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục để từng bước thay đổi nhận thức của người lao động, nhất là lao động nông thôn về tầm quan trọng của việc học nghề đối với cơ hội khởi nghiệp, sáng tạo, phát huy ý chí tự lực, tự cường, vượt khó vươn lên, chống tâm lý trông chờ, ỷ lại Nhà nước, Chính phủ; chủ động tìm kiếm cơ hội việc làm, tạo việc làm tại chỗ, xuất khẩu lao động để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, thoát nghèo bền vững.

Ba là, thực hiện tốt công tác điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động nông thôn, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, nắm chắc nhu cầu đào tạo cho mỗi loại nghề, lĩnh vực. Khuyến khích doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong việc tham gia đào tạo gắn với giải quyết việc làm, bao tiêu sản phẩm. Thực hiện công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông, một trong những nhân tố có ảnh hưởng lớn đến kết quả tuyển sinh đào tạo nghề các trình độ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn.

Bốn là, đa dạng hóa ngành, nghề, nâng cao chất lượng đào tạo; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên tham gia công tác đào tạo nghề; hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang cấp thiết bị đào tạo; biên soạn, cập nhật, chỉnh sửa chương trình đào tạo nghề đặc thù, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của tỉnh và của từng địa phương, cơ sở.

Thời gian tới, để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn, phấn đấu đến năm 2025 tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%. Trong đó lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%, lao động đang làm việc trong các ngành nghề kinh tế có trình độ trung cấp trở lên đạt 30%; tỉ lệ lao động qua đào tạo trong lĩnh vực du lịch, công nghiệp, nông nghiệp, công nghệ cao của tỉnh đạt từ 70-80%, cần thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

1. Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị 19-CT/TW của Ban Bí thư, Chỉ thị số 01-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các văn bản của Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh. Xác định đúng vị trí, vai trò quan trọng của công tác dạy nghề trong việc nâng cao chất lượng lao động nông thôn, nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập và giải quyết việc làm. Đổi mới công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; đổi mới cơ chế cấp phát ngân sách nhà nước sang cơ chế Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo trên cơ sở căn cứ số lượng, chất lượng đầu ra.

2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn; đổi mới công tác tuyển sinh; thay đổi từ quan điểm tuyển sinh sang tuyển dụng. Thiết lập mạng lưới tuyển sinh đến cấp huyện, cấp xã và các trường trung học sơ sở, trung học phổ thông, các tổ chức doanh nghiệp; ưu tiên các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, đối tượng chính sách và các nhóm yếu thế trong xã hội. Thực hiện tốt công tác hướng nghiệp, phân luồng đào tạo sau trung học cơ sở và trung học phổ thông.

3. Thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đảm bảo cân đối giữa các cấp trình độ đào tạo, các địa phương, giữa các nhóm nghề đào tạo; phối hợp, lồng ghép có hiệu quả việc sử dụng các nguồn lực, đẩy mạnh công tác xã hội hoá trong hoạt động dạy nghề; thực hiện rà soát, kiểm tra, đánh giá việc sử dụng của thiết bị dạy nghề được đầu tư. Đổi mới, xây dựng chương trình đào tạo theo yêu cầu của thị trường lao động. Chú trọng đào tạo các ngành nghề kinh tế trong điểm của tỉnh; đầu tư tăng cường về cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo cho các cơ sở đào tạo nghề cho lao động nông thôn để đảm bảo đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo.

4. Thường xuyên đổi mới chương trình, phương thức tổ chức đào tạo phù hợp với nhu cầu thị trường lao động, theo định hướng nghề nghiệp - ứng dụng, nâng cao kỹ năng thực hành, năng lực thích ứng với công nghệ mới, thực tế sản xuất và kỹ năng nghề, chú trọng văn hóa nghề nghiệp. Nghiên cứu lựa chọn, áp dụng các chương trình đào tạo chất lượng cao được chuyển giao từ các nước tiên tiến để đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp theo chuẩn trình độ khu vực ASEAN và quốc tế.

5. Mở rộng hình thức đào tạo theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Tổ chức nhân rộng các mô hình đào tạo nghề hiệu quả, trong đó chú trọng dạy nghề gắn với các nghề phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, dạy nghề gắn với doanh nghiệp, làng nghề và xây dựng nông thôn mới. Tích cực bám sát thị trường cung ứng lao động cho các đơn vị đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách pháp luật về đào tạo nghề nghiệp tại các cơ sở đào tạo nghề, đảm bảo hoạt động đào tạo đúng chính sách, quy định của pháp luật.

Hoàng Thanh Hiến

Các tin khác