Khẩn trương triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Viêm da nổi cục trên trâu bò

14:34, Thứ Sáu, 19-5-2023

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Dịch bệnh Viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu bò bắt đầu xâm nhiễm, phát sinh và lây lan vào nước ta vào cuối năm 2022, chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc. Tại tỉnh Quảng Bình, vào tháng 02/2021, dịch bệnh đã phát sinh đầu tiên tại xã Quảng Hợp, huyện Quảng Trạch, sau đó lây lan ra 124 xã của 8 huyện, thành phố, thị xã đã làm 10.070 con trâu bò mắc bệnh, trong đó có 1.341 con trâu bò chết do bệnh, ước thiệt hại gần 20 tỷ đồng. Trong năm 2022, dịch bệnh được khống chế, dập tắt không có trường hợp trâu bò bị bệnh, chết. Tuy nhiên, đến giữa tháng 4/2023, dịch bệnh đã bùng phát trở lại tại 5 xã của 2 huyện Quảng Trạch, Tuyên Hóa làm 50 con bò mắc bệnh, trong đó có 8 con bê bị chết do bệnh.

Bệnh Viêm da nổi cục do vi rút gây ra, chỉ phòng bệnh bằng vắc xin, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu với bệnh; mầm bệnh có sức đề kháng đa dạng, khó kiếm soát, đặc biệt là hầu hết các địa phương đều là ổ dịch cũ với bệnh; tỷ lệ tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Viêm da nổi cục trong năm 2022 và năm 2023 đạt thấp, chưa bảo hộ phòng bệnh cho đàn trâu bò; động vật trung gian truyền bệnh như ruồi, muỗi, ve, mòng phát triển tốt trong điều kiện khí hậu nồm ẩm… Vì vậy, nguy cơ dịch bệnh Viêm da nổi cục tiếp tục phát sinh, lây lan trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới là rất lớn.

Để tăng cường phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Công điện số 01 ngày 11/5/2023 yêu cầu các địa phương, đơn vị trong tỉnh tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Viêm da nổi cục trâu, bò theo quy định của pháp luật. Trong đó giao trách nhiệm cho Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu để dịch bệnh động vật xảy ra tại địa phương do tỷ lệ tiêm phòng thấp (các bệnh nguy hiểm bắt buộc tiêm phòng).

Về công tác truyền thông, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan truyền thông đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền về tính chất nguy hiểm, dấu hiệu nhận biết và các biện pháp phòng chống dịch bệnh Viêm da nổi cục để người dân biết, thực hiện.

Sau đây là các thông tin về đặc điểm, tính chất nguy hiểm của dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch:

1. Đặc điểm của bệnh

Bệnh bệnh Viêm da nổi cục (tên tiếng anh là Lumpy Skin Disease) hay còn  gọi bệnh da sần, bệnh do một loại vi rút thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò. Dịch bệnh xảy ra theo mùa, chủ yếu vào những tháng ấm, khi côn trùng chân đốt hoạt động mạnh và phong phú; trâu, bò bị bệnh VDNC giảm khả năng sinh sản, sẩy thai, sản lượng sữa giảm mạnh, tổn thương da, giảm tăng trọng và có thể gây chết.

Côn trùng chân đốt như muỗi, ruồi, ve ... được xem là véc tơ truyền bệnh VDNC. Một số động vật bị bệnh không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng, nhưng mang vi rút trong máu và có thể truyền bệnh cho động vật khỏe thông qua côn trùng hút máu. Ngoài ra, truyền lây do sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn, sữa, tinh dịch, điều trị bệnh (nếu không thay kim tiêm giữa các con vật) và tiếp xúc trực tiếp.

2. Tính chất nguy hiểm của bệnh

- Bệnh do vi rút gây ra nên chưa có thuốc điều trị đặc hiệu với bệnh.

- Tỷ lệ mắc bệnh lên đến 20% tổng đàn, tỷ lệ chết lên đến 5%. Riêng trong năm 2021, tỷ lệ chết do bệnh tại địa bàn tỉnh ta lên đến 13% tổng số trâu bò mắc bệnh.

- Ở bò đực có thể gây vô sinh vĩnh viễn; bò cái có thể sẩy thai, giảm tỷ lệ sữa.

- Gia súc mắc bệnh giảm khả năng tăng trọng, phát sinh thêm chi phí điều trị bệnh.

- Các nốt sần trên da sau khi trâu bò lành bệnh sẽ để lại sẹo và tồn tại lâu dài gây mất mỹ quan, hạ giá thành khi xuất bán.

- Khi dịch bệnh xảy ra sẽ gây thiệt hại kinh tế do hạn chế vận chuyển, buôn bán gia súc.

3. Dấu hiệu nhận biết

- Trâu bò sốt cao, có thể trên 410C; suy nhược, bỏ ăn, hốc hác.

- Giảm năng suất sữa rõ rệt ở gia súc đang cho con bú.

- Viêm mũi, viêm kết mạc và tiết nhiều nước bọt; sưng hạch bạch huyết bề mặt.

- Hình thành các nốt sần có đường kính từ 2-5 cm, đặc biệt là ở da đầu, cổ, chân, bầu vú, cơ quan sinh dục và đáy chậu trong vòng 48 giờ sau khi bắt đầu phản ứng sốt. Các nốt sần này có hình tròn, chắc và nhô cao. Các nốt sần lớn có thể bị hoại tử rồi xơ hóa, để lại các vết sẹo có thể tồn tại vĩnh viễn.

- Các mục nước, vết hoại tử và vết loét có màng nhầy có thể xuất hiện ở miệng, đường tiêu hóa, khí quản và phổi.

- Trâu bò mắc bệnh, chết là do kế phát với một trong số các bệnh khác như viêm đường hô hấp, viêm đường tiêu hủy, ký sinh trùng...

4. Một số biện pháp phòng, chống bệnh

4.1. Khi dịch bệnh chưa xảy ra

- Nhập con giống từ những nơi đáng tin cậy, gia súc mới nhập cần kiểm tra, cách ly theo dõi trong vòng 28 ngày mới cho nhập đàn. Không nhập gia súc mới nếu trong khu vực đang có bệnh VDNC.

- Tổ chức tiêm phòng vắc xin phòng bệnh VDNC theo hướng dẫn của cơ quan thú y địa phương. Định kỳ 1 lần/năm.

- Thường xuyên phát quang cây cối, khơi thông cống rãnh thoát nước xung quanh khu vực chăn nuôi, định kỳ sử dụng thuốc diệt côn trùng để tiêu diệt muỗi, ruồi, ve.. 

- Tăng cường sức đề kháng cho gia súc bằng cách cung cấp thức ăn đảm bảo đủ chất dinh dưỡng và đủ nguồn nước sạch cho trâu bò.

- Thường xuyên kiểm tra, theo dõi sức khỏe đàn gia súc, kịp thời báo cáo chính quyền, cơ quan thú y địa phương khi phát hiện gia súc mắc bệnh, nghi mắc bệnh VDNC.

4.2. Khi dịch bệnh xảy ra

- Theo dõi, giám sát tình hình sức khỏe của trâu bò, báo cáo kịp thời cho chính quyền địa phương khi phát hiện trâu, bò mắc bệnh VDNC.

- Ký cam kết với chính quyền địa phương không vận chuyển, buôn bán, kinh doanh động vật mắc bệnh; không vứt xác trâu bò mắc bệnh ra ngoài môi trường.

- Cách ly, nuôi nhốt trâu bò mắc bệnh tại chuồng hoặc vườn nhà để tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng. Tuyệt đối không chăn thả, thả rong trâu bò (kể cả trâu bò khỏe mạnh) tại những địa phương đang có dịch.

- Tổ chức tiêu hủy gia súc chết do bệnh theo quy định về phòng chống dịch bệnh và quy định về bảo vệ môi trường.

- Tổ chức vệ sinh sát trùng tiêu độc chuồng trại thường xuyên (bao gồm sử dụng các thuốc đặc hiệu để tiêu diệt côn trùng, ruồi, muỗi, ve, mòng như Deltox, Hantox, thuốc diệt côn trùng ...), đặc biệt tại hộ chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn có gia súc bệnh, nghi mắc bệnh. Ở bãi chăn thả và quanh khu vực chuồng nuôi cần phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, thoát nước ở chỗ có vũng nước tù để hạn chế sự tồn tại của mầm bệnh trong tự nhiên.

- Chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc vận chuyển trâu bò ra vào vùng dịch. Tạm dừng các hoạt động buôn bán, giết mổ, kinh doanh trâu bò, sản phẩm trâu bò trong vùng dịch bệnh.

- Tổ chức rà soát, tiêm vắc xin chống dịch tại địa phương đang có dịch bệnh nhằm bao vây, khống chế, không để dịch bệnh phát sinh, lây lan.

- Thực hiện công bố dịch và hết dịch theo quy định của Luật Thú y.

TL

Các tin khác