Giải pháp phát triển thị trường lao động đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

8:43, Thứ Năm, 18-5-2023

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Nhằm phát triển thị trường lao động toàn diện, linh hoạt, bền vững theo hướng hiện đại để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động, bảo đảm kết nối thị trường lao động trong tỉnh với cả nước và thế giới, UBND tỉnh Quảng Bình tăng cường công tác phát triển thị trường lao động với các giải pháp đồng bộ như sau:

Thứ nhất là triển khai có hiệu quả chính sách pháp luật liên quan đến phát triển thị trường lao động.

Với giải pháp này, tỉnh tăng cường chỉ đạo thực hiện các quy định của pháp luật có liên quan về cung - cầu lao động, kết nối cung - cầu lao động để phù hợp với quy luật của thị trường lao động và phù hợp với lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động.

Xây dựng cơ chế và triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động cho các nhóm lao động đặc thù (người lao động khuyết tật; người lao động dân tộc thiểu số, bộ đội xuất ngũ, người chấp hành xong án phạt tù; lao động khu vực nông thôn; học sinh, sinh viên mới tốt nghiệp các trường đại học và hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp).

Thứ hai là tăng cường đầu tư, phát triển các ngành kinh tế tạo việc làm bền vững, nhất là các danh mục việc làm năng suất cao; đồng thời hỗ trợ tuyển dụng và sử dụng các nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, lao động sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo tham gia thị trường lao động, có việc làm bền vững. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tăng hiệu quả đào tạo nghề, tạo việc làm cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ.

Thứ ba là thực hiện có hiệu quả các giải pháp để phân luồng, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Đây là giải pháp đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông; triển khai các điều kiện đảm bảo hiệu quả việc phân luồng, liên thông trong giáo dục quốc dân nhằm thúc đẩy xã hội học tập, học tập suốt đời và xây dựng các mô hình đào tạo mới, các chương trình chuyển giao từ các nước tiên tiến, nhất là đào tạo những ngành, nghề đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thứ tư là hỗ trợ phát triển cung - cầu lao động phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động.

Giải pháp này vừa tạo sự kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, quản trị được tình trạng lao động, việc làm đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động, đặc biệt là lao động ở vùng sâu, vùng xa được tiếp cận các hoạt động giao dịch việc làm, nắm bắt thông tin thị trường lao động.

Bên cạnh đó tỉnh cũng tăng cường hỗ trợ phát triển mạng lưới an sinh và bảo hiểm nhằm tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; hỗ trợ kết nối thị trường lao động trong, ngoài nước và phát triển các thị trường lao động đặc thù nhằm tăng số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của tỉnh tăng lên, góp phần tạo việc làm, phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

 Thu Lan

Các tin khác