Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 07-4-2021

15:17, Thứ Tư, 7-4-2021

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 Tải file tại đây

TIN QUỐC HỘI 1

1.                Cử tri nhất trí giới thiệu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ứng cử đại biểu Quốc hội 1

2.                Nữ Bí thư Tỉnh ủy An Giang làm Phó Chủ tịch nước. 2

3.                Ông Đỗ Văn Chiến giữ chức Bí thư Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.. 2

4.                Ông Trần Sỹ Thanh được đề cử để bầu Tổng Kiểm toán Nhà nước. 3

5.                Đại biểu Quốc hội tin tưởng đất nước sẽ bứt phá, vươn xa. 3

6.                TP HCM: Có ứng cử viên đại biểu Quốc hội chỉ đạt tín nhiệm 2%.. 4

THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ 5

7.                Báo chí Indonesia đánh giá cao đội ngũ lãnh đạo mới của Việt Nam.. 5

8.                Truyền thông Ai Cập đánh giá cao các nhà lãnh đạo mới của Việt Nam.. 6

9.                Tháng 4-2021: Hà Nội tổ chức hội nghị về phòng, chống tham nhũng. 7

CHÍNH SÁCH MỚI 7

10.            Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức làm công tác tiếp dân. 7

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY.. 8

11.            An Giang: Tăng cường đối thoại lắng nghe ý kiến nhân dân. 8

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 9

12.            Phấn đấu tăng trưởng của khu vực dịch vụ đạt khoảng 7 - 8%.. 9

13.            Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia tương xứng với quy mô GDP. 10

14.            Thuế bất động sản - “Liều thuốc” ngăn “dịch” sốt đất lan rộng?. 11

15.            Quảng Ngãi ấn định thời gian giải quyết dứt điểm các vướng mắc cho doanh nghiệp. 12

QUẢN LÝ.. 12

16.            Thủ tướng chỉ đạo 2 bộ tìm biện pháp hạn chế “sốt đất” khắp nơi 12

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 13

17.            Bến Tre cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, tăng sức cạnh tranh doanh nghiệp. 13

18.            Cà Mau phát triển ứng dụng chính quyền điện tử. 14

19.            Chuyển đổi số kỳ vọng giúp Đà Nẵng đột phá. 14

THẾ GIỚI 15

20.            Tổng thống Nga ký ban hành luật cho phép ông tái tranh cử thêm 2 nhiệm kỳ. 15

21.            Mỹ kêu gọi thực hiện thuế tối thiểu với doanh nghiệp toàn cầu. 16

 TIN QUỐC HỘI

Cử tri nhất trí giới thiệu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ứng cử đại biểu Quốc hội

Tối 5/4, 100% các cử tri Tổ dân phố số 8, phường Điện Biên, quận Ba Đình, TP Hà Nội có mặt tại Hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri đối với người ứng cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã biểu quyết nhất trí giới thiệu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV.

 Các cử tri đều đánh giá Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, có tâm, có tầm, có năng lực, có đủ tiêu chuẩn để ứng cử ĐBQH nhiệm kỳ 2021-2026 bởi đồng chí là nhà lãnh đạo có tư duy, tầm nhìn chiến lược, giàu kinh nghiệm thực tiễn và bản lĩnh không chỉ trong phát triển kinh tế - xã hội, mà còn trong lĩnh vực đối ngoại và quốc phòng, an ninh.

 Điều này không chỉ thể hiện bằng kết quả phát triển của các địa phương, lĩnh vực mà đồng chí đã từng lãnh đạo, phụ trách, mà gần tròn 5 năm trên cương vị Thủ tướng Chính phủ, dù đất nước gặp phải nhiều khó khăn chưa từng có, nhưng Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng kinh tế bình quân 6%, đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế thứ 37 trên thế giới. Điều này cũng đã được thể hiện qua kết quả 100% các đại biểu có mặt bầu đồng chí giữ chức vụ Chủ tịch nước ngày 5/4.

 95/95 cử tri tham dự Hội nghị đã thông qua Biên bản hội nghị cử tri nơi cư trú. Biên bản này được gửi đến Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trước khi bắt đầu Hội nghị hiệp thương lần thứ ba. (Vtv.vn 06/4)Về đầu trang

Nữ Bí thư Tỉnh ủy An Giang làm Phó Chủ tịch nước

Với tổng số 447/449 số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc bầu bà Võ Thị Ánh Xuân giữ chức Phó Chủ tịch nước.

 Chiều 6/4, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ mười một, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội đã bầu bà Võ Thị Ánh Xuân giữ chức Phó Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016-2021.

 Cụ thể, với tổng số 447/449 số phiếu tán thành, đạt tỷ lệ 93,13% (tính trên tổng số đại biểu), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc bầu bà Võ Thị Ánh Xuân giữ chức Phó Chủ tịch nước.

 Bà Võ Thị Ánh Xuân trở thành Phó Chủ tịch nước thứ 17 tính từ năm 1945 đến nay và là một trong năm người nữ liên tiếp giữ chức vụ Phó Chủ tịch nước từ năm 1992 trở lại đây, kể từ khi bà Nguyễn Thị Định làm Phó Chủ tịch nước đầu tiên. 

Trước đó vào sáng 6/4, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch nước với bà Đặng Thị Ngọc Thịnh. (Vtv.vn 06/4)Về đầu trang

Ông Đỗ Văn Chiến giữ chức Bí thư Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Ngày 6/4, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ. Quyết định của Bộ Chính trị chỉ định đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc giữ chức Bí thư Đảng đoàn MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2019-2024.

 Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn chúc mừng ông Đỗ Văn Chiến đã được Bộ Chính trị chỉ định giữ chức Bí thư Đảng đoàn MTTQ Việt Nam; đồng thời tin tưởng với cương vị mới, ông Đỗ Văn Chiến sẽ cùng tập thể Đảng đoàn MTTQ Việt Nam hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đã đề ra để phát huy vai trò của Mặt trận trong giai đoạn hiện nay, xứng đáng với niềm tin mà Đảng, Nhà nước và nhân dân dành cho Mặt trận.

 "Tôi nguyện cùng các đồng chí trong Đảng đoàn, Ban Thường trực và cán bộ công chức, viên chức, người lao động cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam nỗ lực hết mình để hoàn thành sứ mệnh kết nối tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc và hoàn thành các chương trình hành động mà Mặt trận đã đề ra", ông Đỗ Văn Chiến bày tỏ.

 Trân trọng cảm ơn sự tin tưởng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã giao nhiệm vụ và những tình cảm đặc biệt của Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, ông Đỗ Văn Chiến khẳng định, đây là niềm vinh dự lớn lao đối với bản thân và xin hứa sẽ không ngừng rèn luyện phẩm chất chính trị, lối sống, tiếp tục học hỏi, cầu thị để cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân.

 Ông Đỗ Văn Chiến sinh năm 1962, quê ở huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Ông là Ủy viên Trung ương dự khuyết khóa X và là Ủy viên Trung ương 3 khóa (XI, XII, XIII); đại biểu Quốc hội 2 khóa (XIII và XIV). Ông từng giữ chức Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang; Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Yên Bái.

 Năm 2016, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV, được Quốc hội phê chuẩn, Chủ tịch nước bổ nhiệm giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Bí thư Ban Cán sự Đảng. Đại biểu Quốc hội khóa XIV

 Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đồng chí được bầu là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, nhiệm kỳ 2021-2026

 Tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, đồng chí được bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII, nhiệm kỳ 2021-2026. (Vtv.vn 06/4)Về đầu trang

Ông Trần Sỹ Thanh được đề cử để bầu Tổng Kiểm toán Nhà nước

Dự kiến vào ngày 7/4, Quốc hội sẽ bầu Tổng Kiểm toán Nhà nước bằng hình thức bỏ phiếu kín.

 Chiều 6/4, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Tổng Kiểm toán Nhà nước. Theo đó, nhân sự được đề cử là ông Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

 Dự kiến vào ngày 7/4, Quốc hội sẽ bầu Tổng Kiểm toán Nhà nước bằng hình thức bỏ phiếu kín.

 Trước đó, vào sáng 6/4, Quốc hội đã bỏ phiếu miễn nhiệm Tổng Kiểm toán Nhà nước đối với ông Hồ Đức Phớc. (Vtv.vn 06/4)Về đầu trang

Đại biểu Quốc hội tin tưởng đất nước sẽ bứt phá, vươn xa

Các đại biểu Quốc hội tin tưởng rằng, những cán bộ cấp cao đã được Đảng lựa chọn sẽ đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

 Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành việc bầu 3 chức danh lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước là Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội. Theo đánh giá của nhiều đại biểu Quốc hội: Lễ tuyên thệ cùng các bài phát biểu không những gửi đi thông điệp về khát vọng phát triển mà còn là một chương trình hành động thu nhỏ, lời hứa từ các nhà lãnh đạo cao nhất của Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội trong chặng đường phát triển sắp tới của đất nước.

 Nhiều đại biểu cho rằng, việc khẩn trương kiện toàn các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước được tiến hành ngay sau Đại hội Đảng XIII là cần thiết và phù hợp. Điều này nhằm đảm bảo tính nối tiếp, kế thừa và chuyển giao các công việc quan trọng của đất nước.

 Các đại biểu đồng tình khi bày tỏ, bài phát biểu sau lễ tuyên thệ của Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội có điểm tương đồng khi giống như một chương trình hành động thu nhỏ, ở đó có quyết tâm, có cam kết, có sự đồng lòng đưa đất nước vượt khó vươn xa.

 Cùng với đánh giá cao các bài phát biểu, nhiều đại biểu bày tỏ tin tưởng, các nhà lãnh đạo sẽ sớm có những chỉ đạo để cụ thể hoá các nội dung thành hành động cụ thể, biến lời hứa thành của cải vật chất và đem lại hạnh phúc cho nhân dân.

 Đất nước đang đứng trước nhiều thời cơ, thuận lợi và cũng nhiều khó khăn, thách thức; tin tưởng rằng, những cán bộ cấp cao đã được Đảng lựa chọn sẽ kế tục thành công sự nghiệp đất nước, thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững và mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. (Kênh VTV1 – Thời sự lúc 19h ngày 06/4)Về đầu trang

TP HCM: Có ứng cử viên đại biểu Quốc hội chỉ đạt tín nhiệm 2%

TP HCM vừa tổ chức hội nghị lấy ý kiến và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với đại biểu Quốc hội, trong đó có 1 người chỉ đạt 2% tín nhiệm.

 Chiều 6-4, Ủy ban Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và ĐB HĐND TP HCM nhiệm kỳ 2021-2026 đã họp phiên thứ tám. Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử chủ trì phiên họp.

 Báo cáo tại phiên họp, ông Tăng Hữu Phong, Trưởng Tiểu ban Hành chính – Tổng hợp, cho biết đến nay tổng số hồ sơ ứng cử ĐBQH là 50, trong đó có 36 hồ sơ được giới thiệu ứng cử và 14 hồ sơ tự ứng cử. Tổng số hồ sơ ứng cử ĐB HĐND TP là 169, trong đó có 159 hồ sơ được giới thiệu ứng cử và 10 hồ sơ tự ứng cử.

 Vừa qua, TP Thủ Đức và các quận, huyện đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến của cử tri nơi cư trú đối với 28/50 ứng cử viên ĐBQH và 111/169 ứng cử viên ĐB HĐND TP.

 Theo đó, tỉ lệ tín nhiệm của ứng cử viên ĐBQH: 25 người đạt 100%, một người đạt 9%, một người đạt 2% và một người tổ chức lấy ý kiến lại.

 Tỉ lệ tín nhiệm của ứng cử viên ĐB HĐND TP: 103 người đạt 100%, một người đạt 42%, một người đạt 9%, một người đạt 5%, một người tổ chức lấy ý kiến lại và số còn lại đạt tỉ lệ từ 76-98%.

 Bên cạnh đó, đã lấy ý kiến 223/295 người ứng cử HĐND huyện và 2.594/3.130 người ứng cử đại biểu HĐND xã, thị trấn.

 Theo Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ TP Nguyễn Thành Trung, dự kiến việc lấy ý kiến cử tri đối với ứng cử viên các cấp sẽ hoàn tất vào ngày 12-4. "Cử tri dự hội nghị lấy ý kiến tương đối đông, nhiều đơn vị vượt số lượng cử tri tối thiểu. Đại đa số cử tri đồng thuận cao" – ông Nguyễn Thành Trung nhìn nhận và cho hay ứng cử viên có tỉ lệ tín nhiệm dưới 50% là không đạt theo quy định và sẽ không đủ yêu cầu đưa vào danh sách hiệp thương lần 3. (Nld.com.vn 06/4, Phan Anh)Về đầu trang

THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

Báo chí Indonesia đánh giá cao đội ngũ lãnh đạo mới của Việt Nam

Ngày 5/4, báo chí Indonesia đã đưa tin về kết quả bầu nhân sự cấp cao của Việt Nam, đồng thời ca ngợi công tác phòng chống COVID-19 và sự phát triển của đất nước Việt Nam.

 Trang tin “CNN Indonesia” ngày hôm qua có bài viết: “Xử lý thành công COVID, Thủ tướng Việt Nam hiện là Chủ tịch nước”. Tác giả bài viết đưa tin về lễ nhậm chức của Chủ tịch nước mới của Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, giới thiệu về những chức vụ và thành tích của tân Chủ tịch nước Việt Nam.

 Bài viết nhận định “Ông Nguyễn Xuân Phúc đã có 5 năm đưa nền kinh tế đất nước phát triển nhanh chóng và nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ trong và ngoài nước về việc xử lý Covid-19 tại Việt Nam. Ông chính là nhân vật đứng sau việc Việt Nam xử lý thành công đại dịch.”

 Tác giả bài viết còn trích dẫn lời chuyên gia chính trị Nguyễn Khắc Giang của Đại học Victoria  Wellington, New Zealand rằng: “Kinh nghiệm của ông Phúc trong việc quản lý tốt các mối quan hệ của Việt Nam với Hoa Kỳ dưới thời chính quyền Donald Trump sẽ giúp ông có thể làm tốt các trọng trách đối ngoại trên cương vị Chủ tịch nước.”

 Trong khi đó, bài viết trên thời báo kinh tế “Warta Ekonomi” cũng đưa ra thông tin : “Dưới sự lãnh đạo của ông trên cương vị Thủ tướng, GDP của Việt Nam đã tăng gấp 1,4 lần so với năm 2015. Xét về chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu, Việt Nam đã tăng 10 bậc lên vị trí thứ 67 trong tổng số 141 quốc gia, theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới.”

 Trong khi đó, nhiều tờ báo của Indonesia cũng giới thiệu tân Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính. Hãng thông tấn Antara News có bài viết với nhan đề: “Việt Nam đã bổ nhiệm một cựu quan chức an ninh quốc gia làm Thủ tướng mới.” Tác giả bài viết tóm tắt các chức vụ mà tân Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kinh qua cùng số phiếu bầu của Quốc hội.

 Trong khi đó, nhật báo “Rmol” có bài viết nêu bật 5 trọng tâm đẩy mạnh cải cách Việt Nam do tân Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra trong bài phát biểu đầu tiên sau lễ nhậm chức ngày 5/4.

 Tờ báo nhấn mạnh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói lên tầm quan trọng của vai trò của Chính phủ trong xây dựng và phát triển đất nước, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng chương trình hành động để thực hiện nghị quyết được thông qua tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

 Nhiều tờ báo khác của Indonesia đăng tải thông tin về kết quả bầu nhân sự cấp cao của Việt Nam như tờ Merdeka, trang mạng của kênh truyền hình Berita Satu, nhật báo Harian Aceh, tờ Today line, trang mạng Okezone, trang mạng của kênh truyền hình CNBC hay tạp chí Tempo, một tạp chí hàng đầu của Indonesia về tin tức và chính trị. (Vov.vn 06/4, Hương Trà)Về đầu trang

Truyền thông Ai Cập đánh giá cao các nhà lãnh đạo mới của Việt Nam

Một số tờ báo của Ai Cập ngày 5/4 đã có các bài viết về việc Việt Nam có các nhà lãnh đạo mới với nhận định chung cho rằng sự điều hành và dẫn dắt của các nhà lãnh đạo mới sẽ góp phần củng cố quan hệ giữa Việt Nam và Ai Cập.

 Báo điện tử Eldyar cùng ngày có bài viết với tựa đề “Việt Nam bầu các nhà lãnh đạo mới cho đất nước... và triển vọng về việc nâng trao đổi thương mại với Ai Cập lên 1 tỷ USD."

 Bài viết đã đề cập đến việc Quốc hội Việt Nam cùng ngày đã bầu nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch nước và bầu Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Phạm Minh Chính làm Thủ tướng Chính phủ. 

Đồng tác giả bài viết, các nhà báo Sayed Badry và Mohamed Al-Saeed cho rằng Chính phủ Việt Nam, trong nhiệm kỳ 2016-2020, đã đạt được những thành tựu to lớn, đặc biệt năm 2020 được coi là năm đặc biệt thành công của Việt Nam.

 Trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát, Việt Nam đã thực hiện thành công các mục tiêu kép, vừa đảm bảo chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế-xã hội.

 Theo các tác giả bài viết, quan hệ song phương Ai Cập-Việt Nam sẽ có nhiều triển vọng tiếp tục được tăng cường sau khi Việt Nam bầu chọn các nhà lãnh đạo mới.

 Quan hệ giữa Ai Cập và Việt Nam đã có bước phát triển thực chất và hiệu quả trong giai đoạn 2016-2020. Các chuyến thăm song phương cấp cao của Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi tới Việt Nam năm 2017 và chuyến thăm của cố Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang tới Ai Cập năm 2018 đã góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ hữu nghị giữa hai nước.

 Năm 2020, bất chấp tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, kim ngạch trao đổi thương mại song phương vẫn duy trì ổn định ở mức khoảng 500 triệu USD và hai nước đặt mục tiêu sớm nâng kim ngách trao đổi thương mại lên mức 1 tỷ USD.

 Đặc biệt, tân Thủ tướng Phạm Minh Chính là người yêu mến Ai Cập và quan tâm đến việc củng cố quan hệ song phương Ai Cập - Việt Nam. Ông đã từng có chuyến thăm 5 ngày tới Ai Cập vào tháng 12/2019, gặp Chủ tịch Quốc hội Ai Cập Ali Abdel-Al để trao đổi cách thức thúc đẩy quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực.

 Cùng ngày, báo điện tử Events Magazine News có bài viết với tiêu đề “Nhiều kỳ vọng tốt đẹp đối với chính phủ mới của Việt Nam," trong đó đánh giá tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và tân Thủ tướng Phạm Minh Chính đã được Quốc hội Việt Nam bầu với tỷ lệ tán thành cao.

 Theo nhà báo Ahmeh Hassan, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã để lại dấu ấn lớn trên cương vị Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2016-2020, trong đó Chính phủ Việt Nam đã lãnh đạo đất nước đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đặc biệt biệt trong năm 2020 được coi là năm đặc biệt thành công của Việt Nam, thể hiện tinh thần vươn trên trong khó khăn thử thách.

 Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát, Việt Nam đã thực hiện thắng lợi các mục tiêu kép, vừa chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi nhanh chóng và phát triển kinh tế-xã hội, được nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. (TTXVN/Vietnamplus.vn 06/4, Trương Anh Tuấn)Về đầu trang

Tháng 4-2021: Hà Nội tổ chức hội nghị về phòng, chống tham nhũng

Tổng kết về thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 và thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) phải bảo đảm kịp thời, nghiêm túc, khoa học, tiết kiệm và toàn diện, gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống tham nhũng tại Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”. 

Đây là những yêu cầu trong Kế hoạch số 89/KH-UBND ngày 5-4-2021 của UBND thành phố Hà Nội về tổ chức hội nghị tổng kết Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 và việc thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng trên địa bàn thành phố Hà Nội. 

Theo kế hoạch, trong tháng 4-2021, UBND thành phố Hà Nội sẽ tổ chức hội nghị nhằm đánh giá kết quả triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống tham nhũng; làm rõ các mặt làm được, những hạn chế, tồn tại, khó khăn trong quá trình thực hiện; chỉ ra nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế và kiến nghị, đề xuất những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2020-2030.

 Hội nghị cũng sẽ thảo luận các nội dung, biện pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, trong đó tập trung vào các lĩnh vực: Quản lý ngân sách, đất đai, đầu tư xây dựng, cải cách thủ tục hành chính, tiếp nhận, xử lý đối với vụ việc có nội dung về hành vi tham nhũng, tiêu cực... (Hanoimoi.com.vn 06/4, Hoài Thu)Về đầu trang

CHÍNH SÁCH MỚI

Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức làm công tác tiếp dân

Ngày 11-3-2021, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông tư số 01/2021/TT-TTCP quy định quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Thanh tra và cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân.

 Theo thông tư, cán bộ, công chức làm công tác tiếp dân phải tuân thủ các quy tắc ứng xử sau: Việc tiếp dân phải bảo đảm công khai, khách quan, dân chủ, kịp thời; thủ tục đơn giản, thuận tiện và giữ bí mật cho người tố cáo. Tôn trọng, lắng nghe, giải thích cặn kẽ những thắc mắc liên quan đến nội dung và tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

 Có thái độ đúng mực, lắng nghe, tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hoặc ghi chép đầy đủ, chính xác nội dung mà người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trình bày. Giải thích, hướng dẫn giúp người đến người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chấp hành các chủ trương, chính sách, kết luận, quyết định giải quyết của cơ quan có thẩm quyển; hướng dẫn đến đúng cơ quan hoặc người có thẩm quyền để giải quyết.

 Yêu cầu người vi phạm nội quy nơi tiếp công dân chấm dứt hành vi vi phạm; trong trường hợp cần thiết, lập biên bản về việc vi phạm và yêu cầu cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.

 Cũng theo Thông tư số 01/2021/TT-TTCP, cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân không được làm những việc như: Gây phiền hà, sách nhiễu hoặc cản trở người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Thiếu trách nhiệm trong việc tiếp công dân; làm mất hoặc làm sai lệch thông tin, tài liệu do người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cung cấp. Phân biệt đối xử trong khi tiếp công dân.

 Thông tư số 01/2021/TT-TTCP có hiệu lực từ ngày 1-5-2021. (Hanoimoi.com.vn 06/4)Về đầu trang

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY

An Giang: Tăng cường đối thoại lắng nghe ý kiến nhân dân

Duy trì lịch tiếp công dân vào thứ 5 hàng tuần của Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBND xã, định kỳ mỗi quý tổ chức buổi tiếp xúc lắng nghe ý kiến nhân dân là cách thức để chính quyền gần gũi và nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân mà Đảng ủy, UBND xã Vĩnh Khánh (Thoại Sơn, An Giang) thực hiện tốt thời gian qua.

 Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Khánh Phạm Văn Suôl cho biết: “Nhận thấy từ tình hình thực tế người dân địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc làm thủ tục hành chính, nhất là làm hồ sơ đất đai, tôi đã thực hiện định kỳ mỗi thứ 5 hàng tuần tiếp công dân. Từ đó, giải quyết khó khăn, vướng mắc của người dân khi làm các hồ sơ. Cùng với đó là thăm hỏi ngay cán bộ tiếp nhận gặp khó khăn trong việc giải quyết hồ sơ cho người dân, trong khả năng của cấp xã tôi chỉ đạo giải quyết ngay. 

Ngoài ra, Đảng ủy xã còn phân công mỗi ngày một cán bộ ban, ngành như: thanh niên, phụ nữ, nông dân trực tại bộ phận “một cửa”, hướng dẫn người dân kê khai các thủ tục hành chính, giúp đỡ người già, người tàn tật làm các thủ tục, giấy tờ tận nhà, hay khi thấy khó trong khâu nào, báo cáo ngay cho Đảng ủy, tôi đều cố gắng giải quyết”.

 Điểm đặc biệt đáng ghi nhận mà Đảng ủy, UBND xã Vĩnh Khánh đã thực hiện tốt trong năm qua là việc duy trì mỗi quý chính quyền lắng nghe ý kiến nhân dân. Bằng việc tổ chức các cuộc họp tại ấp, địa bàn cơ sở, Đảng ủy, UBND xã đã trực tiếp đến dự họp, trước là báo cáo tình hình kinh tế - xã hội địa phương trong quý, phổ biến những văn bản pháp luật mới cho người dân, tình hình an ninh trật tự xã hội trên địa bàn, sau đó là lắng nghe ý kiến nhân dân. 

Lãnh đạo địa phương đã gợi mở, mời các anh chị, cô chú bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, những bức xúc, khiếu nại, tố cáo còn tồn đọng hoặc chưa được giải quyết thỏa đáng. Qua đó, người dân mạnh dạn bày tỏ những mong muốn, như: việc sử dụng điện, nước, đường giao thông, mong muốn dẹp được nạn Karaoke gây ồn ào và mất an ninh trật tự địa phương…

 Chú Nguyễn Văn Thành (68 tuổi, ngụ tổ 1, ấp Vĩnh Lợi) chia sẻ: “Tôi thấy phấn khởi, vì lãnh đạo ở Đảng ủy, UBND xã chịu khó lắng nghe ý kiến của bà con nhân dân. Thật ra chúng tôi chỉ có những mong ước rất đơn giản là luôn có điện, nước sạch sinh hoạt đảm bảo 24/24 giờ, đường sá được mở rộng thông thoáng hơn. Thấy lãnh đạo địa phương tiếp thu ý kiến và trả lời rõ ràng, tôi thấy vui chung cho bà con”.

 Đến bộ phận “một cửa” của UBND xã làm lại giấy khai sinh để chuẩn bị làm thẻ căn cước công dân, chị Phan Thị Bích Phương (44 tuổi, ngụ tổ 1, ấp Vĩnh Lợi) chia sẻ: “Nào giờ tôi chỉ lo đi thu mua ve chai, phế liệu, hiếm khi phải đi làm giấy tờ. Nay nghe nói làm lại thẻ căn cước công dân, rồi quy trình làm lâu lắm, tôi sợ ảnh hưởng đến công việc. Nay nghe lãnh đạo địa phương giải thích, những chú công an sẽ hướng dẫn các bước làm tận tình, tôi thấy nhẹ hẳn”. 

“Những việc nhỏ mà người dân thông suốt, không cảm thấy vướng mắc thì mình mới có thể triển khai những công việc lớn hơn, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân”- đó là điều Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Khánh Phạm Văn Suôl luôn tâm niệm. Do vậy, ngoài việc chỉ đạo trực tiếp cán bộ phải giải quyết ngay đúng thời gian, đúng quy trình các thủ tục hành chính, ông Suôl còn kiên quyết không để tồn đọng đơn thư, khiếu nại, tố cáo, tranh chấp kéo dài. Những tổ hòa giải được phân công xuống trực tiếp địa bàn cơ sở để hòa giải về tranh chấp đất đai, hôn nhân gia đình, mâu thuẫn trong sinh hoạt làm mất tình làng nghĩa xóm. (Baoangiang.com.vn 06/4, Ngọc Giang)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Phấn đấu tăng trưởng của khu vực dịch vụ đạt khoảng 7 - 8%

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

 Mục tiêu cụ thể của Chiến lược là tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ thời kỳ 2021 - 2030 đạt khoảng 7 - 8%, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Đến năm 2030, tỷ trọng của khu vực dịch vụ chiếm khoảng 50% GDP.

 Trong thời kỳ 2030 - 2050, khu vực dịch vụ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế, chiếm tỷ trọng khoảng 60% GDP. Định hướng chung của Chiến lược là đẩy mạnh cải cách thể chế, nâng cao tính minh bạch, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của các ngành dịch vụ trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 và Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

 Bên cạnh đó, đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là trong các lĩnh vực dịch vụ như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, y tế, giáo dục, giao thông vận tải, logistics, thương mại, du lịch... Duy trì tốc độ tăng trưởng của khu vực dịch vụ cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP; tăng dần tỷ trọng dịch vụ trong GDP. Tập trung phát triển một số ngành, sản phẩm dịch vụ có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh.

 Tiếp tục huy động các nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để nâng cấp, xây dựng mới kết cấu hạ tầng, trang bị phương tiện kỹ thuật hiện đại nhằm tạo thuận lợi cho phát triển dịch vụ. Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước cần được ưu tiên bố trí cho việc phát triển, củng cố, nâng cấp, hiện đại hóa có trọng điểm kết cấu hạ tầng quan trọng như: giao thông, cảng hàng không, cảng biển, viễn thông, du lịch, tài chính, ngân hàng.

 Mở cửa thị trường dịch vụ theo các cam kết quốc tế, tăng cường công tác vận động, xúc tiến đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực dịch vụ; khảo sát, đánh giá năng lực cạnh tranh của từng lĩnh vực dịch vụ hiện tại và trong tương lai. (Vtv.vn 06/4)Về đầu trang

Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia tương xứng với quy mô GDP

Quy mô GDP của Việt Nam đã vượt qua 11 quốc gia, hiện xếp thứ 37 trên thế giới và xếp thứ 4 trong khu vực ASEAN, vượt qua các nền kinh tế lớn như Singapore hay Malaysia.  Với 1 vị thế mới, 1 quy mô nền kinh tế không còn nhỏ, đòi hỏi những sự cải thiện thể chế và thị trường tương xứng.

 Quy mô nền kinh tế Việt Nam xếp thứ 4 ASEAN và thứ 37 toàn cầu nhưng xếp hạng môi trường kinh doanh mới chỉ đứng thứ 5 ASEAN và xếp thứ 70 thế giới. Để thu hẹp khoảng cách này, theo chuyên gia, cần quyết liệt theo đuổi các chuẩn mực quốc tế, từ thị trường vốn, ngân hàng, đất đai, ngành tư pháp, quy định điều kiện kinh doanh.

 Ông Nguyễn Xuân Thành, Chuyên gia kinh tế, nói: "Nếu như chúng ta vẫn nói thể chế đặc thù Việt Nam, vẫn là cơ chế riêng biệt Việt Nam vì chúng ta khác người khác, trình độ phát triển vẫn thế này, thì chúng ta không thể đạt được chuẩn mực quốc tế. Đòi hỏi sự quyết tâm chính trị và cả cấp điều hành, thực thi chính sách".

 Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc cấp cao SK Việt Nam, nhận định: "Khác hẳn các nước phát triển, khối SME và nông nghiệp phát triển cao, sức đề kháng tốt, họ có khả năng kiểm soát thị trường mạnh nhưng Việt Nam có bất cứ biến động bất lợi nào, khối nông nghiệp và SME đều bị ảnh hưởng. Tôi cho rằng chính sách hỗ trợ SME và nông nghiệp, chính sách dồn điền đổi thửa cần tiến hành thật nhanh".

 Đa phần ý kiến đồng tình, vấn đề về vốn không phải lo ngại lớn nhất của doanh nghiệp mà là thể chế. Mới đây Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới cũng nhấn mạnh, dù Việt Nam đã đạt được lợi thế cạnh tranh từ cách ứng phó với COVID-19, nhưng những đòi hỏi tái cấu trúc căn bản vẫn còn đó.

 Bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, cho biết: "Trong một thế giới hậu COVID, động lực thúc đẩy năng lực cạnh tranh sẽ xoay quanh kinh tế số. Điều này xuất phát từ đòi hỏi cải thiện năng suất lao động, với tốc động tăng trưởng đang giảm dần. Do đó, kinh tế số lại chính là cách cải thiện nguồn vốn con người, cùng với đó là phát triển kinh tế xanh".

 Tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa cho kinh tế tư nhân, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sẽ tiếp tục là động lực nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là khi so sánh ngay với khu vực FDI. Kiên quyết thu hút nguồn lực nước ngoài có chọn lọc, chú trọng nhiều hơn vào chất và khả năng lan tỏa của dòng vốn, năng lực chuyển giao công nghệ, cũng là những trọng tâm được các chuyên gia nhấn mạnh. (VTV.vn 06/4)Về đầu trang

Thuế bất động sản - “Liều thuốc” ngăn “dịch” sốt đất lan rộng?

Thuế bất động sản có thể là công cụ giúp ngăn tình trạng "sốt đất" hiện nay; Hiệu ứng domino cước tàu biển tăng phi mã là những thông tin đáng chú ý trên cáo báo.

 Thuế bất động sản có thể là công cụ mạnh trước tình trạng "sốt đất" diễn ra khắp các địa phương trong thời gian qua, tuy nhiên, hệ thống thuế này tại Việt Nam đã lạc hậu và cũ kỹ, không xử lý được lướt sóng bất động sản, tờ Tuổi trẻ dẫn lời chuyên gia nhận định.

 Trong khi đó, nhiều quốc gia đánh thuế lũy tiến với các trường hợp mua và bán nhanh. Mua nhà đất bán lại ngay có khi phải đóng 50 - 70% giá trị chênh lệch. Thực tế tại Việt Nam, nhiều lần Bộ Tài chính cũng đã có đề xuất đổi mới hệ thống thuế có liên quan đến bất động sản, gọi là thuế tài sản nhưng chưa được hưởng ứng. Chính vì vậy, cải cách hệ thống thuế bất động sản là việc cần làm càng sớm càng tốt.

 Vị chuyên gia này cũng cho rằng, thuế bất động sản là nguồn thu khá hợp lý để vừa phát triển thị trường, vừa tạo công bằng trong thụ hưởng về nhà ở, đất ở cũng như quyền sản xuất, kinh doanh để đầu tư phát triển…, và đặc biệt đó còn là công cụ mạnh trước những cơn sốt đất như hiện nay.

 Do độ mở của thị trường Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu hiện rất lớn nên những tác động mạnh của cuộc khủng hoảng giá cước tàu trong thời gian tới là không thể tránh khỏi. Tờ Nhịp cầu đầu tư gọi đó là hiệu ứng domino khi dẫn chứng một loạt các loại hàng hóa, nguyên liệu đã bắt đầu tăng giá theo giá cước tàu biển.

 Điển hình như mặt hàng thạch cao, do cước tàu tăng mạnh, lượng hàng nhập từ Oman đã giảm nghiêm trọng, khiến các nhà cung cấp tại thị trường Lào và Thái Lan cũng rục rịch tăng giá theo.

 Các sản phẩm xi măng cũng bắt đầu tăng giá do nguyên liệu đầu vào tăng. Hay với ngành nhựa, chi phí sản xuất cũng không còn rẻ như trước khi doanh số xuất khẩu đã giảm mạnh. Giá nhiên liệu, nhất là giá than tăng cao có thể làm cho giá điện tăng tương ứng và nếu giá điện tăng, hầu hết các mặt hàng tiêu dùng cơ bản buộc phải tăng theo.

 Sau kết quả tăng trưởng tín dụng khoảng 2,3% tính đến hết tháng 3, ngành ngân hàng tự tin với kịch bản tín dụng sẽ tiếp tục tăng trưởng cao trong năm 2021.

 Trang Vietnamplus dẫn lời ông Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, cho biết với diễn biến nền kinh tế như hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đang hướng tới kịch bản tăng trưởng tín dụng ở mức khoảng 12% nhưng sẽ linh hoạt điều chỉnh.

 Thực tế, bức tranh tăng trưởng tín dụng đầu năm đã thể hiện nhiều điểm nổi bật khi Vietcombank tăng 3,7% trong quý I - mức tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Hay như BIDV và VietinBank, tăng trưởng tín dụng quý I dự kiến đạt lần lượt là 2,7% và 2,6%, trong khi cùng kỳ năm 2020 cả 2ngân hàng này đều âm. 

Bên cạnh đó, nhu cầu vốn được dự báo sẽ còn tăng trong thời gian tới khi hoạt động sản xuất kinh doanh của cả nước đang trên đà phục hồi. (Vtv.vn 06/4)Về đầu trang

Quảng Ngãi ấn định thời gian giải quyết dứt điểm các vướng mắc cho doanh nghiệp

Chiều 6-4, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi trực tiếp tham gia buổi đối thoại với doanh nghiệp và nhà đầu tư nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất kinh doanh và triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh.

 Tại buổi đối thoại, các doanh nghiệp, nhà đầu tư đánh giá cao sự nỗ lực vượt bậc của UBND tỉnh cũng như các sở, ngành chức năng và địa phương trong việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp triển khai dự án cũng như quá trình sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương.

 Đồng thời, các nhà đầu tư, doanh nghiệp đã nêu ra hơn 20 kiến nghị, chủ yếu là những khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết các thủ tục về đất đai dẫn đến chưa thể bàn giao mặt bằng làm tiến độ triển khai dự án chậm trễ, ảnh hưởng lớn tài chính và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; vấn đề hạ tầng giao thông tại Khu kinh tế Dung Quất chưa đáp ứng yêu cầu, nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông…

 Các kiến nghị đều được lãnh đạo tỉnh và sở, ngành, địa phương liên quan giải đáp cụ thể tại buổi đối thoại, cho nên được các doanh nghiệp, nhà đầu tư đều hài lòng. Ngoài việc công khai xin lỗi nhà đầu tư những phần việc do lỗi của các cơ quan chức năng dẫn đến việc triển khai dự án chậm trễ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh còn ấn định thời gian cụ thể mà các sở, ngành phải giải quyết dứt điểm các vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. 

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh yêu cầu thời gian tới, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương cần phải trả lời dứt khoát những vướng mắc của nhà đầu tư, doanh nghiệp, không dây dưa kéo dài để nhà đầu tư phải chờ đợi lâu. Đồng thời, tỉnh Quảng Ngãi cam kết minh bạch trong việc giải quyết các kiến nghị của nhà đầu tư. Lĩnh vực nào thuộc của nhà nước thì nhà nước sẽ trả lời cụ thể, còn trách nhiệm thuộc doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải thực hiện. (Nhandan.com.vn 06/4, Hiền Cừ)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Thủ tướng chỉ đạo 2 bộ tìm biện pháp hạn chế “sốt đất” khắp nơi

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan nghiên cứu biện pháp hạn chế tình trạng "sốt đất" hiện nay.

 Trước phản ánh của báo chí về ý kiến “xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giá đất, Nhà nước mới kiểm soát và điều tiết thị trường bất động sản, đưa về đúng giá trị thực”, Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xử lý.

 Theo quan điểm của Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, tình trạng sốt ảo bất động sản phần lớn do nhiễu loạn thông tin. Khi có thông tin về quy hoạch hạ tầng, đô thị… ngay lập tức bị giới đầu cơ lợi dụng để tung tin, thổi giá. Do đó, biện pháp cần làm là phải xây dựng được dữ liệu quốc gia về giá đất, Nhà nước mới kiểm soát và điều tiết thị trường bất động sản, đưa về đúng giá trị thực.

 Cùng với đó, Thủ tướng cũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đánh giá ý kiến cho rằng đã có những lo ngại giá bất động sản “bong bóng”, song không cần quá lo lắng về vấn đề mức giá mà nên có hành lang pháp lý để quản lý tài nguyên đất theo đúng yêu cầu thị trường.

 Như tin đã đưa, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng và hàng loạt địa phương đã vào cuộc đưa ra cảnh báo để ngăn chặn tình trạng đầu cơ, thổi giá đất trước tình trạng giá đất thời gian qua tăng sốt “nóng” khắp các tỉnh thành, có nhiều nơi tăng gấp đôi chỉ sau 1 tháng…

 Theo Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản thời gian vừa qua tại một số địa phương đã, đang xuất hiện tình trạng một số nhà đầu tư, người môi giới bất động sản lợi dụng các thông tin về quy hoạch, việc ban hành bảng giá đất mới, việc sáp nhập thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính, nâng cấp hệ thống hạ tầng và việc triển khai các dự án lớn tại các địa phương… để tung tin đồn thổi, mua đi bán lại bất động sản, lôi kéo người dân tham gia theo tâm lý đám đông vào các giao dịch bất động sản (quyền sử dụng đất, nhà ở chưa đảm bảo điều kiện pháp lý đưa vào kinh doanh, giao dịch,…) gây nhiễu loạn thông tin nhằm đẩy giá bất động sản lên cao để lợi dụng trục lợi.

 Do đó, để giúp thị trường bất động sản phát triển ổn đinh, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, theo dõi nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản trên địa bàn... (Tienphong.vn 06/4)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Bến Tre cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, tăng sức cạnh tranh doanh nghiệp

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn cho biết, thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả các quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các văn bản hướng dẫn thi hành; đồng thời cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; rà soát cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh nhằm đảm bảo duy trì niềm tin và tăng cường đầu tư kinh doanh bền vững.

 Bến Tre tập trung cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính gắn với nâng cao chất lượng thực thi công vụ, công chức. Đồng thời, tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao số điểm và thứ hạng các Chỉ số PCI, PAPI, SIPAS, PAR INDEX; thực hiện hiệu quả bộ Chỉ số đánh giá năng lực điều hành cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI).

 Tỉnh đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp thông qua Chương trình Đồng Khởi khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp tỉnh Bến Tre; tăng cường các hoạt động giao thương, kết nối và mở rộng thị trường tiêu thụ cho khởi nghiệp; đào tạo nâng cao kiến thức cho đội ngũ doanh nghiệp khởi nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cho doanh nghiệp trong thời gian tới.

 Theo UBND tỉnh Bến Tre, sau 3 năm thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định, tác động tích cực đến sự phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp tỉnh Bến Tre từng bước phát triển về quy mô, số lượng và chất lượng. Các cấp chính quyền từ tỉnh đến địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, hiệp hội doanh nghiệp đã tích cực hưởng ứng, xây dựng kế hoạch để tổ chức triển khai Luật, kịp thời hỗ trợ cho các trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. (TTXVN 06/4, Công Trí)Về đầu trang

Cà Mau phát triển ứng dụng chính quyền điện tử

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa phê duyệt Kế hoạch phát triển ứng dụng chính quyền điện tử tỉnh Cà Mau (CaMau-G).

 Theo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau, đây là kênh kết nối để thông tin, tương tác trực tuyến giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.

 Các ứng dụng/hệ thống thông tin dùng chung triển khai tích hợp lên ứng dụng CaMau-G phải được phân quyền phù hợp với từng đối tượng sử dụng và đảm bảo an toàn thông tin theo cấp độ quy định hiện hành.

 Qua đó, giao cho một đầu mối cơ quan quản lý, vận hành, cập nhật và xử lý thông tin thường xuyên đảm bảo thông tin được kịp thời, chính xác, chất lượng.

 Người dân sẽ tiếp cận được các thông tin, chỉ đạo, thông báo khẩn cấp trong các trường hợp thiên tai, dịch bệnh, sạt lở,... một cách nhanh chóng ngay sau khi thông tin được phát hành trên hệ thống.

 Thông qua ứng dụng này, người dân cũng có thể gửi thông tin phản ánh, kiến nghị đến các cơ quan quản lý nhà nước về các vấn đề như: an ninh trật tự, hạ tầng đô thị, vệ sinh môi trường, y tế - sức khỏe, điện - chiếu sáng, cấp thoát nước, thực hiện dịch vụ công trực tuyến ... góp phần phát triển kinh tế - xã hội ngày càng tốt hơn.

 Mặt khác, cơ quan quản lý nhà nước cũng sẽ nhận được các thông tin phản ánh, kiến nghị tức thời từ người dân, chỉ đạo xử lý kịp thời các vấn đề. Đặc biệt là các vấn đề bức xúc tồn tại trong xã hội ảnh hưởng đến đời sống người dân. (TTXVN/Bnews.vn 06/4, Huỳnh Anh)Về đầu trang

Chuyển đổi số kỳ vọng giúp Đà Nẵng đột phá

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam, chuyển đổi số là cơ hội giải quyết các điểm nghẽn cũng như đột phá trong phát triển TP, hướng đến Đà Nẵng là đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh, đáng sống.

 Tại họp báo phát động giải thưởng “Chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards” năm 2021 diễn ra ngày 6/4, ông Lê Quang Nam - Phó Chủ tịch UBND TP, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia xây dựng Đề án Chuyển đổi số TP Đà Nẵng cho biết: “Đà Nẵng xác định chuyển đổi số là “chìa khóa chính” để chủ động tiếp cận Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) theo chủ trương của Bộ Chính trị”.

 Cũng theo ông Lê Quang Nam, chuyển đổi số là bước chuyển tất yếu, mang tính bắt buộc, nhằm chuyển đổi căn bản, toàn diện hoạt động lãnh đạo của các cấp ủy và tổ chức Đảng; hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và phương thức, lối sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số văn minh, an toàn, rộng khắp và bao trùm.

 “Chuyển đổi số còn là cơ hội giải quyết các điểm nghẽn cũng như đột phá trong phát triển TP, hướng đến Đà Nẵng là đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh, đáng sống như Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ TP nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra”- Phó Chủ tịch TP Lê Quang Nam nhấn mạnh.

 Thời gian qua, Đà Nẵng đã chủ động, kịp thời triển khai chuyển đổi số thông qua ban hành và triển khai các nghị quyết và chương trình của Ban thường vụ Thành ủy nhằm tập trung đầu tư phát triển, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, điện tử, viễn thông phù hợp xu hướng CMCN 4.0 gắn với xây dựng chính quyền điện tử, TP thông minh.

 Qua đó, nhiều sản phẩm sử dụng công nghệ số, dữ liệu số được xây dựng, đưa vào sử dụng tại Đà Nẵng và nhiều tỉnh thành trong nước. Nhiều sản phẩm chuyển đổi số được công nhận, đạt giải của tổ chức trong nước và quốc tế, trong đó có giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards. (Kinhtedothi.vn 06/4, Quang Hải)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Tổng thống Nga ký ban hành luật cho phép ông tái tranh cử thêm 2 nhiệm kỳ

Ngày 5/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký ban hành luật, có nội dung cho phép ông tiếp tục tranh cử thêm 2 nhiệm kỳ Tổng thống nữa sau khi hết nhiệm kỳ hiện nay vào năm 2024.

 Đạo luật trên có thể mở đường cho ông Putin tiếp tục nắm quyền đến năm 2036, phản ánh những thay đổi sâu rộng đối với Hiến pháp, được sửa đổi năm ngoái.

 Trước đó, ngày 31/3, Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga đã thông qua dự luật về việc sửa đổi Hiến pháp cho phép Tổng thống Vladimir Putin tiếp tục tranh cử thêm 2 nhiệm kỳ, bắt đầu từ năm 2024. Dự luật trên đã được Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga thông qua hôm 24/3.

 Theo một trong những điều khoản sửa đổi của Hiến pháp Nga, giới hạn số nhiệm kỳ Tổng thống được áp dụng cho Tổng thống đương nhiệm mà không tính đến các nhiệm kỳ Tổng thống trước đây. Như vậy, Tổng thống đương nhiệm Putin có thể tiếp tục tái tranh cử trong 2 cuộc bầu cử sau.

 Ông Putin nhậm chức Tổng thống LB Nga lần đầu tiên vào ngày 31/12/1999 và tiếp đó đảm nhiệm cương vị này đến ngày 7/5/2008. Trong giai đoạn 2008 - 2012, ông giữ chức Thủ tướng LB Nga. Ông đắc cử Tổng thống năm 2012 và đảm nhiệm cương vị này đến nay. (VTV.vn 06/4)Về đầu trang.

Mỹ kêu gọi thực hiện thuế tối thiểu với doanh nghiệp toàn cầu

Mỹ đang thúc đẩy nhóm các nền kinh tế G20 đạt được thỏa thuận về mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu nhằm chống xói mòn nguồn thu của chính phủ.

 Trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị mới, ngày 5/4, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen đã kêu gọi thực hiện mức thuế tối thiểu trên toàn cầu đối với các công ty đa quốc gia nhằm ngăn chặn sự cạnh tranh không lành mạnh khi các công ty hay các quốc gia cố gắng giảm giá thấp hơn giá của đối thủ bằng cách giảm chất lượng sản phẩm hoặc không quan tâm tới sự an toàn của người lao động hoặc trả lương thấp.

 Theo bà Yellen, chính quyền Tổng thống Joe Biden muốn chấm dứt “cuộc đua xuống đáy” trên toàn cầu về thuế suất doanh nghiệp thông qua việc hợp tác với các nước khác trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) về một thỏa thuận đối với mức thuế tối thiểu toàn cầu.

 "Đây là nỗ lực quan trọng để đảm bảo rằng các quốc gia có thể nâng cao doanh thu mà họ cần để cung cấp các dịch vụ công cần thiết", bà Yellen nhấn mạnh.

 Động thái này diễn ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Joe Biden công bố kế hoạch tăng thuế doanh nghiệp từ mức 21% lên 28% nhằm tài trợ cho chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng và việc làm khổng lồ trị giá 2.000 tỷ USD.

 Đề xuất tăng thuế của chính quyền Tổng thống Biden đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ khi nhiều ý kiến cho rằng điều này sẽ làm môi trường kinh doanh của Mỹ kém cạnh tranh hơn so với các quốc gia khác đã cắt giảm thuế suất doanh nghiệp trong những năm gần đây.

 Trong 30 năm qua, các nền kinh tế tiên tiến trong G20 đã tung ra nhiều chương trình ưu đãi thuế, nhằm thu hút các doanh nghiệp đa quốc gia. Do vậy, theo bà Yellen, việc cùng đưa ra một mức thuế tối thiểu có thể đảm bảo nền kinh tế toàn cầu phát triển dựa trên một sân chơi bình đẳng hơn trong việc đánh thuế các tập đoàn đa quốc gia. (Vtv.vn 06/4)Về đầu trang./.

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

 

Các tin khác