Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 08-3-2021

16:33, Thứ Hai, 8-3-2021

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 Tải file tại đây

TIÊU ĐIỂM.. 1

1.                Đề nghị truy tố cựu Phó Chủ tịch TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cùng 15 đồng phạm.. 1

2.                Ông Trần Vĩnh Tuyến phạm tội, UBND TPHCM có trách nhiệm gì?. 2

CHÍNH SÁCH MỚI 3

3.                Chính thức bỏ phụ cấp thâm niên giáo viên từ 2022. 3

CHỈ THỊ MỚI 3

4.                Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 1-5/3. 3

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 4

5.                Xếp hạng nền kinh tế tự do: Việt Nam tăng 15 bậc. 4

6.                Thủ tướng: Không để cơ chế, chính sách phục vụ lợi ích nhóm.. 5

7.                Ông Đỗ Minh Phú: 4 từ khoá để “cởi trói” cho kinh tế tư nhân. 6

QUẢN LÝ.. 7

8.                Cục CSGT: “Sẽ giảm tối đa CSGT đứng trên đường, giảm đối mặt với người vi phạm”. 7

9.                Đồng Tháp: Tiến độ cấp căn cước công dân chậm so với kế hoạch. 8

PHÂN TÍCH - BÌNH LUẬN.. 8

10.            Đối đầu với “ông lớn”. 8

11.            "Cơn khát" sân bay. 9

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 10

12.            Bộ Công an đề xuất đăng ký thường trú, tạm trú qua mạng. 10

13.            “Bình Phước đang là điểm sáng về cải cách, phát triển”. 11

14.            Quảng Nam quản lý công chức, viên chức bằng phần mềm.. 12

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 13

15.            Bộ Quốc phòng đề nghị truy tố 1 Thượng tá và 1 Đại uý. 13

16.            Đội trưởng chống buôn lậu Hải quan bị bắt liên quan vụ làm giả hơn 200 triệu lít xăng. 13

17.            Tổng cục Hải quan lên tiếng vụ Đội trưởng chống buôn lậu khu vực miền Nam bị bắt 14

THẾ GIỚI 14

18.            Trung Quốc thay đổi mạnh chiến lược phát triển kinh tế 5 năm.. 14

 TIÊU ĐIỂM

Đề nghị truy tố cựu Phó Chủ tịch TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cùng 15 đồng phạm

Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn - TNHH Một thành viên (SAGRI) và chuyển hồ sơ sang Viện KSND Tối cao đề nghị truy tố 16 bị can về các tội “Tham ô tài sản”, “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

 Các bị can trên bị đề nghị truy tố do có hành vi sai phạm trong việc chấp hành các quy định pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, sử dụng tài chính; thực hiện dự án và chuyển nhượng dự án tại SAGRI.

 Cụ thể, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an đề nghị truy tố 16 bị can. Trong đó đề nghị truy tố ông Trần Vĩnh Tuyến (cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM); Trần Trọng Tuấn (cựu Phó Chánh Văn phòng Thành uỷ TPHCM); Phan Trường Sơn (cựu Phó Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc TPHCM); Vân Trọng Dũng (cựu Chủ tịch HĐTV SAGRI); Trần Quốc Đạt; Lê Tấn Hoà; Lê Văn Thanh; Nguyễn Thanh Chương về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. 

Đề nghị truy tố Lê Tấn Hùng (cựu Tổng giám đốc SAGRI); Nguyễn Thị Thuý (cựu kế toán trưởng SAGRI); Trần Văn Trường; Đỗ Sĩ Hoài Thanh; Đoàn Quang Hồi; Nguyễn Thị Nguyên; Nguyễn Thị Tuyết Mai về tội “Tham ô tài sản”. Ngoài ra, Lê Tấn Hùng và Nguyễn Thị Thuý còn bị đề nghị truy tố thêm tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Bị can Nguyễn Thị Thanh An bị đề nghị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

 Trong vụ án này, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an xác định ông Trần Vĩnh Tuyến biết việc chuyển nhượng dự án khu nhà ở tại Phước Long, Quận 9 phải thực hiện đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên dự án mới thực hiện được 80% công trình hạ tầng kỹ thuật, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước, chưa đủ điều kiện chuyển nhượng… nhưng ông Tuyến vẫn ký ban hành quyết định chấp nhận chuyển nhượng dự án. 

Việc làm này tạo điều kiện để ông Lê Tấn Hùng và các đồng phạm làm thủ tục chuyển nhượng dự án trái quy định, gây thiệt hại hơn 348 tỷ đồng. Nguyên nhân được kết luận nêu do ông Trần Vĩnh Tuyến nể nang ông Lê Tấn Hùng là em trai nguyên Bí thư Thành uỷ TPHCM. (Tienphong.vn 06/3, Văn Minh)Về đầu trang

Ông Trần Vĩnh Tuyến phạm tội, UBND TPHCM có trách nhiệm gì?

Ngày 6/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn – TNHH Một thành viên (SAGRI) và chuyển hồ sơ sang Viện KSND Tối cao đề nghị truy tố 16 bị can về các tội “Tham ô tài sản”, “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

 Các bị can trên bị đề nghị truy tố do có các hành vi sai phạm trong việc chấp hành các quy định pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, sử dụng tài chính; thực hiện dự án và chuyển nhượng dự án tại SAGRI.

  Đối với trách nhiệm quản lý nhà nước của các cá nhân thuộc UBND TPHCM, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an xác định, thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, ông Trần Vĩnh Tuyến (cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM) không phải báo cáo, xinh ý kiến Chủ tịch UBND TPHCM và Thường trực UBND TPHCM về việc chấp thuận chuyển nhượng toàn bộ dự án khu nhà ở tại Khu phố 4, phường Phước Long B, Quận 9 do SAGRI làm chủ đầu tư cho Tổng Cty Phong Phú. Nên Chủ tịch UBND TPHCM và Thường trực UBND TPHCM không biết.

  Đến ngày 26 và 27/3/2019, UBND TPHCM tổ chức họp nghe Thanh tra TPHCM báo cáo kết luận thanh tra tại SAGRI thì Chủ tịch UBND TPHCM và Thường trực UBND TPHCM mới biết việc chuyển nhượng dự án trên có sai phạm. 

Khi biết sai phạm trong vụ chuyển nhượng này, ngày 12/6/2019, Thường trực UBND TPHCM tổ chức họp, giao tổ công tác hướng dẫn thực hiện các thủ tục huỷ hợp đồng chuyển nhượng dự án trên. Ngày 22/6/2019, ông Võ Văn Hoan (Phó Chủ tịch UBND TPHCM) ký ban hành quyết định thu hồi và huỷ bỏ quyết định chấp thuận cho chuyển nhượng dự án này.

 Vì vậy, Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định ngoài bị can Trần Vĩnh Tuyến, không có căn cứ xử lý đối với tập thể Thường trực UBND TPHCM và Chủ tịch UBND TPHCM. (Tienphong.vn 07/3, Văn Minh)Về đầu trang

CHÍNH SÁCH MỚI

Chính thức bỏ phụ cấp thâm niên giáo viên từ 2022

Từ ngày 1/7/2022 sẽ có chế độ tiền lương mới và bãi bỏ hàng loạt phụ cấp và khoản chi ngoài lương, trong đó có phụ cấp thâm niên của giáo viên.

 Năm 2021 giáo viên vẫn được hưởng phụ cấp thâm niên: Tại Điều 76 Luật giáo dục 2019 quy định về lương của giáo viên nêu rõ, Nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp; được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ. Như vậy, giáo viên không còn được hưởng phụ cấp thâm niên.

 Đồng thời tại Nghị quyết 27 năm 2017 cũng nêu rõ, sẽ bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề trừ quân đội, công an, cơ yếu để bảo đảm tương quan tiền lương với cán bộ, công chức.

 Do đó, tính từ ngày 1/7/2020, khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực, giáo viên chỉ còn được hưởng lương, ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề còn phụ cấp khác và phụ cấp thâm niên đã bị bãi bỏ.

 Mức hưởng phụ cấp thâm niên đối với giáo viên: Mức phụ cấp được tính cho nhà giáo đủ 5 năm (60 tháng) giảng dạy, giáo dục được tính hưởng mức phụ cấp thâm niên bằng 5% của mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ các năm sau trở đi, phụ cấp thâm niên mỗi năm được tính thêm 1%.

 Thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên gồm: Thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong các cơ sở giáo dục công lập; Thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập (đối với nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập mà trước đây đã giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập)… (Vtv.vn 07/3)Về đầu trang

CHỈ THỊ MỚI

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 1-5/3

Tạo điều kiện cho thanh niên phát triển toàn diện; vi phạm quy định về xử lý chất thải chăn nuôi bị phạt đến 20 triệu đồng; tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới;... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 1-5/3/2021.

 Tạo điều kiện cho thanh niên phát triển toàn diện: Chính phủ ban hành Nghị định số 13/2021/NĐ-CP quy định về đối thoại với thanh niên; cơ chế, chính sách và biện pháp thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Theo đó, Nhà nước, chính quyền địa phương, gia đình và các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tạo điều kiện cho thanh niên phát triển toàn diện phù hợp với khả năng và lứa tuổi. Bảo đảm thực hiện chính sách phổ cập giáo dục; hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí; đào tạo, tư vấn lựa chọn nghề nghiệp, việc làm... cho thanh niên.

 Vi phạm quy định về xử lý chất thải chăn nuôi bị phạt đến 20 triệu đồng: Chính phủ đã ban hành Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi, trong đó quy định cụ thể mức phạt đối với vi phạm quy định về xử lý chất thải chăn nuôi.  Cụ thể, Nghị định quy định mức phạt tiền đối với vi phạm quy định về xử lý chất thải chăn nuôi trang trại. Theo đó, hành vi vi phạm quy định về xử lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia bị phạt tiền từ 1-7 triệu đồng tùy quy mô trang trại. Hành vi vi phạm quy định về xử lý nước thải chăn nuôi không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về nước thải chăn nuôi cho cây trồng cũng bị phạt tiền từ 3-10 triệu đồng tùy quy mô trang trại…

 Mức thu chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án: Chính phủ đã ban hành Nghị định số 16/2021/NĐ-CP quy định chi tiết mức thu, trình tự, thủ tục thu, nộp, việc quản lý, sử dụng chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án và thù lao Hòa giải viên tại Tòa án.

 Tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới: Chính phủ ban hành Nghị quyết về Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 với mục tiêu tổng quát là tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

 Phó Thủ tướng chỉ đạo xử lý nghiêm đối tượng sàm sỡ phụ nữ ở Hồ Tây: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương xác minh làm rõ những thông tin báo chí phản ánh về hành vi sàm sỡ phụ nữ tại khu vực Hồ Tây, thành phố Hà Nội, nếu đúng cần có ngay biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm; công khai kết quả xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng. (Baochinhphu.vn 06/3, Chí Kiên)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Xếp hạng nền kinh tế tự do: Việt Nam tăng 15 bậc

Với 61,7 điểm, Việt Nam đã lần đầu tiên lọt nhóm nền kinh tế có Chỉ số Tự do kinh tế ở mức trung bình, trở thành nền kinh tế tự do đứng thứ 90 trong bảng xếp hạng năm nay.

 Theo bảng xếp hạng do Quỹ Di sản (Heritage Foundation) vừa công bố, năm nay là lần đầu tiên nền kinh tế Việt Nam bước vào nhóm các nền kinh tế có "tự do trung bình" (Moderately Free), tăng 2,9 điểm và thăng 15 bậc so với năm ngoái (nhóm hầu như không tự do).

 Nguyên nhân chỉ số này của nền kinh tế Việt Nam thăng hạng là do tình hình tài chính trong nước được cải thiện.

 Việt Nam đứng thứ 17 trong số 40 nền kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và điểm tổng thể của Việt Nam cao hơn mức trung bình của khu vực và thế giới.

 Quỹ Di sản nhận định thứ bậc xếp hạng của Việt Nam có thể tăng hơn nữa nếu chính phủ có hành động bổ sung để tự do hóa các quy tắc đầu tư và lĩnh vực tài chính.

 Chỉ số tự do kinh tế đo lường chính sách tự do kinh doanh ở các nền kinh tế trên thế giới. Chỉ số này đánh giá 10 yếu tố cơ bản của mỗi nền kinh tế, được nhật báo The Wall Street Journal và Quỹ Di sản công bố thường niên. (Vtv.vn 07/3)Về đầu trang

Thủ tướng: Không để cơ chế, chính sách phục vụ lợi ích nhóm

Đây là nhấn mạnh của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi “Đối thoại 2045” với đại diện doanh nghiệp và trí thức tiêu biểu, chiều 6-3 tại Hội trường Thống nhất, TP.HCM.

 Sau khi lắng nghe rất nhiều ý kiến các doanh nghiệp, trí thức tiêu biểu, Thủ tướng cho rằng qua các phát biểu thấy rõ khát khao cháy bỏng về một Việt Nam phát triển cường thịnh vào năm 2045. Đó là niềm tin mãnh liệt đến năm 2045 xuất hiện những doanh nghiệp, tập đoàn khổng lồ mang tên Việt Nam.

 Theo Thủ tướng, có 5 vấn đề được nêu ra tại buổi đối thoại.

 Thứ nhất, đó là con người và công nghệ, trong đó có vấn đề chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa của quốc gia.

 Thứ hai là cần quan tâm đổi mới thể chế, đây là “bà đỡ” cho doanh nghiệp và của đất nước.

 Thứ ba, trao cơ hội phát triển cho mọi loại hình doanh nghiệp, đặc biệt giải phóng nguồn lực cho doanh nghiệp, người dân, các thành phần kinh tế như FDI, hợp tác xã, hộ cá thể… trong đó kinh tế tư nhân là một trong những thành phần quan trọng.

 Thứ tư là nguồn nhân lực Việt Nam phục vụ phát triển, đi liền với khởi nghiệp sáng tạo, đi liền với đó là bảo vệ môi trường sống, không để ai bị bỏ lại phía sau.

 cuối cùng là bảo vệ văn hóa Việt Nam vì nếu mất văn hóa là mất tất cả.

 “Chúng ta thống nhất doanh nghiệp là trụ cột của nền kinh tế quốc gia, trụ cột càng lớn thì dân càng giàu, nước càng mạnh và sự tự cường càng lớn” - Thủ tướng nói và tin rằng cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh đồng nghĩa với một Việt Nam lớn mạnh và phát triển bền vững trong thời gian tới.

 Từ đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ ngành và địa phương chú trọng một số nhiệm vụ. Trước hết, cần thống nhất nhận thức, tư tưởng, hành động của cả hệ thống chính trị trong triển khai các chủ trương, chính sách về phát triển doanh nghiệp theo tinh thần các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, nhất là sớm cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII mới đây của Đảng.

 Các cơ quan cần tiếp tục thúc đẩy cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là các bộ trưởng, cam kết bảo đảm sự ổn định của kinh tế vĩ mô và minh bạch hóa chính sách. 

Các bộ ngành, địa phương phải mở rộng khả năng tiếp cận các nguồn lực và cơ hội tham gia của doanh nghiệp. Cần hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và bảo đảm hoạt động của doanh nghiệp theo cơ chế thị trường. (Plo.vn 06/3)Về đầu trang

Ông Đỗ Minh Phú: 4 từ khoá để “cởi trói” cho kinh tế tư nhân

Tại sự kiện "Đối thoại 2045" diễn ra chiều ngày 6/4, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch Tập đoàn Sovico, Tổng giám đốc Vietjet Air, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT HDBank phát biểu, mục tiêu tăng trưởng liên tục và dài hạn rất thách thức, song Việt Nam có nguồn lực, có cơ sở, có động lực để biến khát vọng thành hiện thực.

 Cụ thể, bà Nguyễn Thị Phương Thảo đề xuất đưa Việt Nam trở thành một điểm đến du lịch quốc tế với các dịch vụ đa dạng về giải trí, chăm sóc sức khỏe, ẩm thực, phục vụ mọi đối tượng du khách. "Chính phủ nên ưu tiên đầu tư mạnh mẽ cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đường không, hàng hải, logistic... Xây dựng Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất phụ trợ, đào tạo về dịch vụ hàng không của khu vực và thế giới".

 Cũng tại đây, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TPBank, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Tập đoàn DOJI cho hay, Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nêu rõ, Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh tinh thần đổi mới cải cách và cởi trói cho kinh tế tư nhân, giải phóng mọi nguồn lực. Ông Phú cho rằng, để làm được điều này, cần tập trung vào một số điểm cốt lõi.

 Thứ nhất, chuyển từ tư duy quản lý sang phục vụ. Điều này có nghĩa là các bộ, ngành cần thay đổi tư duy khi làm chính sách, thực thi chính sách từ "quản lý": quản lý doanh nghiệp, quản lý người dân sang tư duy "phục vụ": phục vụ doanh nghiệp, phục vụ người dân. Đồng thời, các cơ quan công quyền cần ở tâm thế "tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, đồng hành cùng họ", lấy sự hài lòng và thành công của cộng đồng doanh nghiệp và người dân là thước đo hoàn thành nhiệm vụ của mình. 

Tiếp theo, phải bình đẳng giữa DNTN và doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp FDI, không phân biệt, không kỳ thị trong đánh giá, trong nhìn nhận, bình đẳng tiếp cận nguồn lực. Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự, nếu làm đúng pháp luật thì phải bảo vệ doanh nghiệp, bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp theo hiến pháp, pháp luật.

 Ngoài ra, khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân thấy vinh dự, tự hào khi làm ra sản phẩm tốt, tạo công ăn việc làm. Nhất quán trong nhìn nhận, đánh giá tôn vinh sự đóng góp vai trò của các doanh nghiệp tư nhân/ hộ gia đình trong sự phát triển kinh tế tại địa phương và với đất nước.

 Theo ông Phú, doanh nghiệp tư nhân ngày nay không chỉ còn tham gia những ngành thâm dụng lao động giản đơn, mà họ đã thực hiện các công trình lớn, tham gia vào các công đoạn phức tạp trong công nghệ và đã có nhiều tập đoàn KTTN đã đảm nhận vai trò đầu tàu ở những lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế như: công nghiệp điện tử viễn thông, tự động hóa, ô tô, sắt thép, hóa chất, xi măng...

 "Vì vậy, nếu được trao cơ hội, các doanh nghiệp tư nhân chắc chắn sẽ hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ khó khăn mà mình được giao phó. Tôi cho rằng, mọi vấn đề xung quanh vấn đề cơ chế, chính sách với KTTN đều có thể gói gọn trong 4 từ khóa này", ông Phú nói thêm. (Cafef.vn 06/3)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Cục CSGT: “Sẽ giảm tối đa CSGT đứng trên đường, giảm đối mặt với người vi phạm”

Cục CSGT cho biết, sau khi lắp đặt camera giám sát toàn quốc sẽ giảm tối đa CSGT đứng trên đường, giảm tiếp xúc trực tiếp giữa CSGT với người vi phạm để khó có chuyện xin cho hoặc bỏ qua vi phạm vì chứng cứ được lưu hệ thống.

 Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết, đề án “Đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính” đã được thủ tướng phê duyệt đầu tháng 2. Khi hệ thống dữ liệu camera trên toàn quốc hoàn thiện, sẽ giảm tối đa CSGT trên đường, CSGT cũng có thể ra quyết định xử phạt điện tử.

 Theo ông Bình, sau khi được phê duyệt, Cục CSGT đã họp và đề xuất Bộ Công an thành lập ban chỉ đạo chuyên trách thực hiện đề án này, hoạch định chi tiết các công việc. Khi bắt đầu thực hiện, ban chỉ đạo sẽ rà soát, đánh giá hiệu quả của hệ thống camera đã có, lên phương án kết nối hệ thống dữ liệu camera trung tâm của Cục trên phạm vi toàn quốc với hệ thống dữ liệu dân cư quốc gia; kết nối hệ thống giám sát của ngành giao thông đang xây dựng để phục vụ CSGT trong quá trình xử lý vi phạm.

 Phó Cục trưởng Cục CSGT nhận xét: “Việc áp dụng công nghệ sẽ giúp giảm tối đa CGST trên đường, giảm tiếp xúc trực tiếp giữa CSGT với người vi phạm. Khi hệ thống dữ liệu camera trên toàn quốc được kết nối với các dữ liệu khác, CSGT có thể dùng máy tính, trích xuất dữ liệu biển số, rà soát xem xe gây tai nạn đang bỏ trốn hướng nào”.

 Ông Bình cũng cho hay, khi có hệ thống camera giám sát, CSGT chỉ xuất hiện để xử phạt các vi phạm mà hệ thống camera không phát hiện được, như vi phạm về nồng độ cồn, ma túy,… Khi áp dụng công nghệ, trong tương lai CSGT có thể trừ điểm hoặc tước bằng lái xe trên hệ thống thay vì phải tước giấy tờ trực tiếp như hiện nay.

 Bên cạnh đó, khi hệ thống camera kết nối với dữ liệu quốc gia về dân cư nên việc xử phạt vi phạm sẽ được cải tiến. Ông Bình giải thích, hiện nay lực lượng chức năng phải lập biên bản giấy, 7 ngày sau mới ra quyết định xử phạt, người vi phạm trực tiếp lên nộp phạt và bị tước bằng lái. Sắp tới, CSGT chỉ cần đánh số căn cước công dân của người vi phạm rồi ra quyết định xử lý vi phạm điện tử, sử dụng chữ ký số để hoàn thiện việc xử phạt trên mạng.

 “Khi có ứng dụng công nghệ, việc xử phạt hoàn toàn dựa trên máy tính, camera, dữ liệu điện tử nên khó có chuyện xin cho, hoặc bỏ qua vi phạm, vì tất cả chứng cứ đã lưu hết trên hệ thống”, Phó Cục trưởng Cục CSGT nhấn mạnh.

 Ngoài ra, Cục CSGT cũng trang bị các loại camera đeo ở ngực, cầm tay và trên xe cho các tổ công tác và các tổ bắt buộc phải ghi lại toàn bộ quá trình tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm. Trường hợp tổ công tác cố tình không ghi lại sẽ bị xử lý theo quy định.

 Khi hệ thống camera được tích hợp trên toàn quốc, Cục CSGT sẽ xây dựng một app điện thoại để nhận thông tin, hình ảnh của người dân cung cấp. Qua đó các tiêu cực nếu có sẽ được xác minh, xử lý căn cứ trên phản ánh của người dân. (Vtv.vn 07/3)Về đầu trang

Đồng Tháp: Tiến độ cấp căn cước công dân chậm so với kế hoạch

Ngày 5-3, tin từ UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết tiến độ thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân (CCCD) còn chậm và chỉ tiêu đến đầu tháng 7-2021 sẽ cấp 800.000 thẻ CCCD khó có thể hoàn thành.

 Cụ thể, tại buổi làm việc mới đây với Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện Công an tỉnh cho hay đến ngày 1-3, tổng số 13 đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã thu nhận được 10.554 hồ sơ cấp CCCD. Trong đó, Phòng PC06 Công an tỉnh thu nhận 5.075 hồ sơ, Công an các huyện thu 5.479 hồ sơ.

 Báo cáo với ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, lãnh đạo Công an tỉnh lý giải một trong những khó khăn hiện nay là còn khoảng 600.000 trường hợp công dân trong độ tuổi phải làm CCCD trên địa bàn tỉnh thiếu trường thông tin ngày, tháng sinh. Theo quy định, nếu không có trường thông tin ngày, tháng sinh thì không cấp CCCD được.

 Công an tỉnh Đồng Tháp đã phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh xây dựng Kế hoạch đăng ký và bổ sung thông tin hộ tịch của công dân để phục vụ cho công tác cấp, quản lý CCCD. Tuy nhiên, dù có nhiều cố gắng nhưng đến nay chỉ mới giải quyết được 85.667 trường hợp thiếu ngày, tháng sinh.

 Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phạm Thiện Nghĩa thống nhất với kiến nghị của Công an tỉnh về việc đề nghị Bộ Công an hỗ trợ kinh phí để mua thêm sáu máy thu nhận hồ sơ cấp CCCD. Đồng thời, tăng cường nguồn nhân lực, đảm bảo các trang thiết bị, phần mềm và đẩy nhanh tiến độ bổ sung trường thông tin ngày, tháng sinh cho 600.000 trường hợp còn thiếu.

 Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cùng yêu cầu Công an tỉnh và Cục Thống kê tỉnh giải trình, làm rõ nguyên nhân sự chênh lệch về số liệu dân cư giữa hai ngành. Cụ thể, số liệu dân cư do Cục Thống kê tỉnh quản lý là 447.589 hộ với 1.599.504 nhân khẩu, trong khi đó, còn số liệu do Công an tỉnh quản lý là 487.357 hộ, 2.081.932 nhân khẩu. (Pháp luật TPHCM 06/3)Về đầu trang

PHÂN TÍCH - BÌNH LUẬN

Đối đầu với “ông lớn”

Những quy định trong dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của luật Quản lý thuế của Bộ Tài chính được đánh giá là khả thi để kiểm soát thuế với các “ông lớn” mạng xã hội như Facebook, Google...

 Theo đó, nếu trường hợp nhà cung cấp ở nước ngoài như Google, Facebook, Amazon… không thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam thì bên mua hàng hóa, dịch vụ của nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ kê khai, khấu trừ và nộp thuế thay. Như vậy, các doanh nghiệp trong nước ký hợp đồng quảng cáo với các tổ chức nước ngoài sẽ kê khai nộp thuế thay cho họ và được tính vào chi phí khi kê khai thuế thu nhập.

 Chuyện quản lý thuế với các dịch vụ xuyên biên giới đã nói nhiều năm nay nhưng nhà thuế nhìn chung vẫn còn hết sức lúng túng. Trong khi các “ông lớn” này đang thống lĩnh thị trường quảng cáo trực tuyến ở Việt Nam. Điều này cũng có thể hiểu được.

 Chẳng riêng gì chúng ta, nhiều nước trên thế giới cũng đau đầu với các chiêu lách thuế của các "ông lớn" mạng xã hội. Không chỉ thuế, việc "xài chùa” tin tức báo chí không trả phí của các "ông lớn" này cũng đã khiến chính phủ nhiều nước lên tiếng và đỉnh điểm câu chuyện xảy ra ở Úc. Facebook đã bị chỉ trích dữ dội sau khi xóa bỏ các trang tin tức của các cơ quan báo chí, truyền thông Úc; chặn người dùng chia sẻ tin tức trên trang cá nhân; nhằm phản ứng với dự luật của nước này yêu cầu Facebook và Google trả tiền cho các nhà xuất bản và cơ quan báo chí. Tất nhiên rất nhanh sau đó, 2 bên đã đạt được thỏa thuận và Facebook cũng cam kết sẽ đầu tư ít nhất 1 tỉ USD hỗ trợ báo chí trong 3 năm tới.

 Việt Nam đang là 1 trong 10 quốc gia có lượng người sử dụng Facebook nhiều nhất, Facebook cũng là một kênh quảng cáo trực tuyến lớn nhất tại Việt Nam, thế nên không chỉ kiểm soát thuế, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cũng nên tính đến chuyện yêu cầu các "ông lớn" này trả tiền cho báo chí, như Úc và một số nước đang làm.

 Việc này khó không? Quá khó. Nhưng không phải là không làm được. Là một doanh nghiệp, Facebook hay Google hay bất cứ bigtech nào cũng phải cân nhắc lợi ích giữa việc chia sẻ hay "cắt" thẳng tay với báo chí.

 Trở lại việc thu thuế Facebook, Google... cũng phải nói thêm là, mấy năm trở lại đây, bằng sự nỗ lực của ngành thuế, số thu từ các dịch vụ xuyên biên giới đã tăng đáng kể. Nhưng so với thực tế, xu hướng tăng trưởng trong tương lai thì vẫn còn rất khiêm tốn. Quan trọng hơn, kiểm soát chặt thuế của các “ông lớn” Facebook, Google… không chỉ tránh thất thu, nó còn nhằm tạo môi trường bình đẳng để các doanh nghiệp Việt hoạt động trong lĩnh vực này có cơ hội sống sót. Đối đầu với "người khổng lồ" đã quá khó. Đối đầu với "người khổng lồ" không thuế phí thì chẳng khác nào trứng chọi với đá, không đơn vị nào sống nổi. Họa may là đi vào các thị trường "ngách" mà mấy "ông lớn" này chưa nhòm ngó đến mà thôi. 

Giải pháp đã có, điều quan trọng hơn là sự quyết tâm của tất cả những cơ quan ban ngành có liên quan. Phải coi đây là nhiệm vụ và chiến lược quốc gia chứ không phải chỉ riêng ngành thuế. Đối đầu với các “ông lớn”, cần một quyết tâm khổng lồ và cả sự liên kết tầm quốc tế thì mới hy vọng thành công. (Thanhnien.vn 07/3, Nguyên Khanh)Về đầu trang

"Cơn khát" sân bay

Cơn khát sân bay không phải bây giờ mới hiển hiện. Từ 10 năm trước nó đã manh nha, rồi lắng xuống và giờ đây lại bùng lên khi Bộ Giao thông Vận tải đang xây dựng dự thảo quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. 

Việc lấy ý kiến, góp ý của các tỉnh, thành phố vào dự thảo quy hoạch kéo dài 2 tháng nữa, dự kiến kết thúc vào tháng 5 tới. Đáng chú ý, trong số hơn 20 địa phương đã gửi ý kiến đóng góp thì có đến 10 địa phương hoặc muốn xây sân bay mới hoặc muốn nâng hạng từ nội địa lên quốc tế. Con số chắc chắn chưa dừng lại ở đây nếu Bộ Giao thông Vận tải nhận đủ các ý kiến góp ý của 63 tỉnh, thành phố.

 “Khởi xướng” cuộc đua đề xuất bổ sung vào quy hoạch các sân bay mới là Hà Nội với mong muốn có sân bay thứ 2 tại huyện Ứng Hòa. Kế đó, Ninh Bình - dù chỉ cách sân bay Nội Bài (Hà Nội) vỏn vẹn 120km, cách sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa) vài chục kilomet, lại có đường cao tốc nối với Thủ đô - cũng đề xuất xây sân bay tại huyện Yên Khánh để phát triển du lịch và công nghiệp.

 Nối tiếp làn sóng này, Bắc Giang đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép chuyển sân bay Kép vốn là sân bay quân sự thành sân bay lưỡng dụng, mà mục đích sử dụng dân sự là chủ yếu để phục vụ phát triển kinh tế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Rồi đến lượt Lai Châu, Ninh Thuận, Bạc Liêu, Cao Bằng, Hà Giang, Bình Phước... mỗi địa phương một lý do và thoạt nghe thì lý do nào cũng đầy xác đáng.

 Cơn khát sân bay không phải là điều khó hiểu. Thông thường, có cảng hàng không, địa phương sẽ có lợi thế trong phát triển du lịch, kết nối giao thương và kêu gọi đầu tư. Ngay cả khi sân bay mới chỉ được vào quy hoạch, còn thời điểm xây dựng vẫn “xa tít mù khơi”, thì cũng đã tạo ra một số giá trị tích cực cho địa phương như thúc đẩy kinh tế - xã hội, đi kèm với đó tất nhiên có cả mặt tiêu cực như tạo thông tin ảo, đẩy giá đất...

 Tuy nhiên, những lợi thế kể trên chỉ là lý thuyết màu xám nếu một dự án xây dựng sân bay không khả thi về hiệu quả kinh tế. Thực tế hiện nay, cả nước có 6/23 sân bay kinh doanh có lãi (hoặc mới bắt đầu có lãi). Còn lại 17 sân bay bị thua lỗ và phải lấy lợi nhuận các cảng có lãi bù qua. Trong khi đó, nhu cầu vận tải là yếu tố quyết định đến việc một cảng hàng không được xem xét đưa vào quy hoạch hoặc nâng cấp thành cảng quốc tế, đặc biệt là khả năng hoàn vốn của cảng hàng không. Hơn nữa, một địa phương muốn phát triển mạnh thì sân bay mới chỉ là một điều kiện cần, điều kiện đủ là phải tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân.  

Những địa phương muốn bổ sung vào quy hoạch sân bay của mình chắc chắc biết tất cả những vấn đề đó nhưng vẫn đề xuất. Chuyện này cũng không thành vấn đề. Đề xuất là việc của địa phương, lựa chọn như thế nào để tham mưu cho người đứng đầu Chính phủ đưa ra quyết định chính là Bộ Giao thông Vận tải. Mong muốn của địa phương nếu không hợp lý thì phải kiên quyết từ chối, như vậy mới tránh được đầu tư theo phong trào, gây lãng phí nguồn lực của đất nước. (Daibieunhandan.vn 07/3, Hà Lan)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Bộ Công an đề xuất đăng ký thường trú, tạm trú qua mạng

Bộ Công an vừa hoàn thành bốn dự thảo Thông tư liên quan lĩnh vực cư trú để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trong số này có dự thảo thông tư quy định về quy trình đăng ký cư trú.

 Dự thảo Thông tư quy định về quy trình đăng ký cư trú gồm đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú; Xóa đăng ký thường trú, xóa đăng ký tạm trú; Hủy bỏ đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú; tách hộ; Xác nhận thông tin về cư trú; Khai báo thông tin, điều chỉnh thông tin về cư trú; Tiếp nhận thông báo lưu trú, tiếp nhận khai báo tạm vắng.

 Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo thông tư là ngoài hình thức tiếp nhận đăng ký cư trú trực tiếp như trước kia, Bộ Công an đã đề xuất bổ sung hình thức tiếp nhận hồ sơ đăng ký cư trú từ cổng dịch vụ công.

 Người dân nộp theo hình thức này sẽ vào cổng dịch vụ công quốc gia lựa chọn đầu mục, nội dung cần làm rồi đăng ký, hoàn tất thủ tục theo mẫu sẵn. Khi tiếp nhận hồ sơ theo hình thức này, cảnh sát phụ trách sẽ kiểm tra, đối chiếu thông tin, tài liệu mà công dân đã cung cấp trên cổng dịch vụ công với các quy định của pháp luật về cư trú.

 Với trường hợp hồ sơ đủ điều kiện, thủ tục, cán bộ sẽ thực hiện tiếp nhận và lập phiếu hẹn trả kết quả đăng ký cư trú, đồng thời thông báo cho công dân bằng hình thức văn bản, tin nhắn điện tử. Trong trường hợp hồ sơ đủ điều kiện nhưng thiếu thủ tục hoặc biểu mẫu, giấy tờ chưa đúng, chưa đầy đủ, cán bộ tiếp nhận lập phiếu hướng dẫn và thông báo cho công dân.

 Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện, thủ tục, cán bộ tiếp nhận lập phiếu từ chối tiếp nhận, giải quyết đăng ký cư trú và gửi tin nhắn thông báo trong đó nêu rõ lý do không tiếp nhận.

 Các địa bàn xã khó khăn không có mạng kết nối, Bộ Công an cũng đề xuất, công dân đăng ký, quản lý cư trú được thực hiện qua phần mềm quản lý cư trú theo phiên bản riêng, hỗ trợ tối đa cho người dân để thực hiện đăng ký nhanh nhất. (Vtv.vn 07/3) Về đầu trang

“Bình Phước đang là điểm sáng về cải cách, phát triển”

Ngày 5-3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã có buổi làm việc với tỉnh Bình Phước về công tác cải cách thủ tục hành chính và xây dựng chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh.

 Trước khi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Phước, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và đoàn công tác đã đến thăm, tìm hiểu mô hình hoạt động tại Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh của TP Đồng Xoài; Trung tâm dịch vụ hành chính công và Trung tâm điều hành thông minh (IOC) của tỉnh Bình Phước.

 Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết năm 2020, Bình Phước thực hiện rất tốt mục tiêu kép mà Chính phủ, Thủ tướng đưa ra với nhiều điểm sáng. Mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh, thiên tai diễn biến phức tạp nhưng kết quả các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh đạt cao so với các địa phương khác và kế hoạch đề ra.

 Bình Phước cũng là một trong 14 tỉnh không có ca mắc bệnh COVID-19…; cùng với nhiều kết quả nổi bật khác đã đóng góp vào kết quả chung, qua đó hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm năm 2016-2020 tỉnh đề ra. “Có thể nói Bình Phước đang trỗi dậy” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói. 

Cũng theo Bộ trưởng Dũng, một điểm nhấn trong lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh Bình Phước là công tác cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính phủ điện tử, là một trong những tỉnh đi đầu trong công tác này. Với đội ngũ rất chuyên nghiệp, cách làm hiệu quả, sáng tạo, Bình Phước đã làm rất tốt phương châm bốn tại chỗ là tiếp nhận hồ sơ, thẩm định hồ sơ, phê duyệt hồ sơ và trả hồ sơ tại chỗ.

 Năm 2020, chỉ trong hai tháng, tỉnh đã đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến, đạt trên 87% tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Đến cuối năm 2020, tỉnh Bình Phước đã hoàn thành 100% chỉ tiêu theo Nghị quyết số 17 của Chính phủ về xây dựng chính phủ điện tử. 

Bình Phước cũng đã đưa vào vận hành Trung tâm điều hành thông minh (IOC) của tỉnh từ tháng 9-2020, với 10 chức năng giám sát, phục vụ điều hành như dịch vụ hành chính công, an toàn giao thông, an ninh trật tự, tiếp nhận và xử lý phản ánh của người dân… Ở cấp huyện, IOC Đồng Xoài đi vào hoạt động từ tháng 5-2020 và IOC Phước Long, Bình Long đang được triển khai thêm.

 Tính chung, chỉ số cải cách thủ tục hành chính của tỉnh đứng thứ ba, đấu thầu qua mạng đứng thứ ba so với cả nước. “Điều này giúp ích rất lớn cho người dân và doanh nghiệp, tiết kiệm thời gian và chi phí. Đây cũng là dư địa lớn để tỉnh tiếp tục tăng trưởng, phát triển” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói. (Pháp luật TPHCM 06/3)Về đầu trang

Quảng Nam quản lý công chức, viên chức bằng phần mềm

Trong hai ngày 4 và 5/3, Sở Nội vụ tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh triển khai đào tạo, tập huấn phần mềm quản lý cán bộ, công chức viên chức trên địa bàn tỉnh.

 Được biết, phần mềm nêu trên nằm trong kế hoạch cải cách hành chính năm 2021 do UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt từ tháng 12/2020 theo đề án "Phát triển công nghệ thông tin tỉnh Quảng Nam đến năm 2020".

 Phần mềm sẽ giúp cán bộ tổ chức ở các đơn vị theo dõi quá trình biến đổi thông tin của mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình công tác từ khi bắt đầu vào cơ quan cho đến nghỉ hưu; quá trình khen thưởng, kỷ luật; quản lý công tác cải cách hành chính.

 Bên cạnh đó, phần mềm còn giúp cho các đơn vị có thẩm quyền quản lý cán bộ công chức, viên chức quản lý hồ sơ nhân sự hiệu quả, giảm chi phí, thời gian, công sức, thuận tiện trọng việc tra cứu tìm kiếm hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức; theo dõi, báo cáo tiến độ và các nghiệp vụ khác có liên quan đến Cải cách hành chính. Giúp cho lãnh đạo tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương quản lý nguồn nhân lực của cơ quan, đơn vị, địa phương và toàn tỉnh.

 Phần mềm quản lý công chức, viên chức Quảng Nam sẽ đáp ứng theo các tiêu chuẩn được quy định của Bộ Nội vụ về chế độ báo cáo, thống kê và quản lý hồ sơ công chức; đồng thời tích hợp được với nền tảng dùng chung của tỉnh (LGSP) và có sẵn các dịch vụ để kết nối với phần mềm quản lý cán bộ, công chức của Bộ Nội vụ.

 Sau đợt tập huấn, Sở Nội vụ Quảng Nam sẽ yêu cầu các cơ quan, đơn vị đồng loạt triển khai nhập dữ liệu để đảm bảo hoàn thành dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn toàn tỉnh chậm nhất vào cuối quý 3/2021 để cung cấp dữ liệu phục vụ quản lý điều hành của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh. (Baodansinh.vn 06/3)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Bộ Quốc phòng đề nghị truy tố 1 Thượng tá và 1 Đại uý

Cơ quanđiều tra hình sự Bộ Quốc phòng vừa kết thúc điều tra và căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ thu thập được đề nghị VKS quân sự trung ương truy tố 7 bị can về tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 3 điều 224 Bộ luật hình sự.

 Đây là vi phạm xảy ra tại Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi liên quan đến phần thi công gói thầu số 2, số 6

 Các bị can bị đề nghị truy tố là Đinh Tiến Hiệp (sinh năm 1975), thượng tá, giám đốc Ban Trường Sơn miền Trung, Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn (binh đoàn 12), nguyên giám đốc Ban điều hành liên doanh gói thầu số 2 dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

 Nguyễn Việt Hòa (sinh năm 1978), đại uý, phó giám đốc Công ty Thành An 141, Tổng công ty Thành An (binh đoàn 11); nguyên phó giám đốc Ban điều hành liên doanh gói thầu số 6 dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. 

Với gói thầu số 2, ba bị can gồm Phan Ngọc Thơm (sinh năm 1966), nguyên phó giám đốc Ban điều hành liên doanh gói thầu số 2,3B và Trần Năng Hà (sinh năm 1962), Chu Tuệ Minh (sinh năm 1974) là các nguyên phó giám đốc Ban điều hành liên doanh gói thầu số 2.

Với gói thầu số 6, hai bị can Nguyễn Quốc Hải (sinh năm 1959), nguyên giám đốc Ban điều hành liên doanh gói thầu số 6 và Lương Văn Tiến (sinh năm 1979) nguyên chỉ huy trưởng phụ trách phân đoạn do công ty Vinaconex E&C thi công gói thầu số 6.

 Do vụ án liên quan đến thượng tá Hiệp và đại uý Hòa là quân nhân thuộc Bộ quốc phòng nên ngày 24-11-2020, cơ quan điều tra Bộ Công an đã tách vụ án liên quan đến phần thi công gói thầu số 2, số 6 chuyển qua  cơ quan điều tra hình sự Bộ quốc phòng điều tra theo thẩm quyền. (Pháp luật TPHCM 06/3, Hoàng Yến)Về đầu trang

Đội trưởng chống buôn lậu Hải quan bị bắt liên quan vụ làm giả hơn 200 triệu lít xăng

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Ngô Văn Thụy (57 tuổi) - cán bộ Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan để điều tra hành vi nhận hối lộ.

 Cũng theo nguồn tin, ông Ngô Văn Thụy (57 tuổi) - Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền nam, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) bị bắt từ giữa tháng 2/2021. Các quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đã được Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn.

 Sau khi các quyết định được phê chuẩn, cơ quan điều tra đã khám xét nơi ở, nơi làm việc của ông Thụy ở TP Hồ Chí Minh và thu giữ một số giấy tờ tài liệu liên quan.

 Ông Thụy bị khởi tố, bắt tạm giam do liên quan đến nhận tiền hối lộ của một số nghi can bị bắt trong đường dây buôn lậu, sản xuất xăng giả quy mô lớn do Phan Thanh Hữu cầm đầu.

 Đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam tổng cộng 39 bị can để điều tra về các tội: buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả, mua bán trái phép hóa đơn chứng từ, nhận hối lộ, đưa hối lộ. Hiện, vụ án vẫn đang được tiếp tục điều tra mở rộng. (Tienphong.vn 06/3, PV)Về đầu trang

Tổng cục Hải quan lên tiếng vụ Đội trưởng chống buôn lậu khu vực miền Nam bị bắt

Liên quan đến việc Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai bắt giữ ông Ngô Văn Thụy , Đội trưởng Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam (Đội 3), Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan vừa có thông tin chính thức.

 Cụ thể, trong thông báo phát đi ngày 6/3, Tổng cục Hải quan cho biết trên quan điểm xử lý nghiêm tập thể, cá nhân sai phạm (nếu có), ngay sau khi nắm bắt được thông tin, Tổng cục Hải quan đã ra quyết định tạm đình chỉ chức vụ đối với ông Ngô Văn Thụy để phục vụ công tác điều tra của cơ quan công an.

 Đồng thời, Tổng cục Hải quan chỉ đạo Cục Điều tra chống buôn lậu và cá nhân có liên quan chủ động phối hợp, cung cấp thông tin, hồ sơ tới cơ quan cảnh sát điều tra.

 "Hiện vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra, xử lý. Ngay khi có kết luận của cơ quan cảnh sát điều tra, Tổng cục Hải quan sẽ thông tin sau tới các cơ quan báo chí”, Tổng cục Hải quan nêu rõ. (Tienphong.vn 07/3, Tuấn Nguyễn)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Trung Quốc thay đổi mạnh chiến lược phát triển kinh tế 5 năm

Tuần này, tại Trung Quốc đã diễn ra chuỗi sự kiện đặc biệt, đó là Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc, còn gọi là Chính Hiệp, và Kỳ họp thứ 4 Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc, tức Quốc hội khóa XIII. Hai sự kiện này thường diễn ra liền nhau, còn được biết đến với tên là Lưỡng hội.

 Hội nghị năm nay càng thu hút sự chú ý bởi đặc biệt trong đó là tính thời điểm. Năm 2021, Trung Quốc chính thức bước vào năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm lần thứ 14, 2021 - 2025. Năm nay cũng kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, như vậy là năm đầu tiên trên con đường thực hiện mục tiêu 100 năm lần thứ 2. Những báo cáo quan trọng về mục tiêu năm 2021 và các mục tiêu bao quát xa hơn đã được công bố. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, có nhiều tín hiệu cho thấy cải cách sẽ được tiến hành và thậm chí được xem là đòn bẩy chủ yếu để thúc đẩy kinh tế đi vào giai đoạn phát triển với chất lượng cao trong dài hạn. 

Hướng tới mục tiêu tăng gấp 3 lần thu nhập bình quân đầu người trong tầm nhìn 2035, đầu tư mạnh để nâng cao chất lượng tăng trưởng và hướng mạnh nền kinh tế vào thị trường nội địa 1 tỷ 400 triệu dân. Đây là những điểm nổi bật trong kế hoạch kinh tế dài hơi của Trung Quốc.

 Ở tỉnh Quý Châu, dữ liệu lớn big data đã tạo luồng sinh khí mới cho kinh tế địa phương, ngay cả trong đại dịch. Mỗi năm tỉnh này đầu tư cho công nghệ cao tăng hơn 10%, trong đó phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin tăng đến hơn 30%. Trong giai đoạn 2019 - 2022, Quý Châu đầu từ hơn 3,1 tỷ USD cho 5G.

 Từ chính sách đẩy mạnh đầu tư công nghệ hiện đại, tự động hóa trong logistic, chỉ trong 5 năm, số bưu kiện mua hàng thương mại điện tử bình quân trên đầu người tăng gấp 3 lần. Đây là động lực để các doanh nghiệp khai thác mạnh mẽ thị trường tiêu dùng nội địa, với hơn 400 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu. Tiêu dùng nội địa, càng quan trọng trong chiến lược Tuần hoàn kép.

 Trong kế hoạch 5 năm 2021-2025, Trung Quốc đặt mục tiêu khắc phục các khâu yếu kém, nhất là công nghệ bán dẫn, công nghề phần mềm, đồng thời nhấn mạnh, các bộ phận quan trọng của chuỗi giá trị phải nằm tại Trung Quốc. Trong 5 năm tới, nước này xác định sẽ đầu tư mạnh cho các lĩnh vực đất hiếm, vật liệu đặc biệt, robot, phương tiện năng lượng mới, phát minh y học, các ứng dụng công nghiệp từ hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu Bắc Đẩu…, phấn đấu đến năm 2025, có 56% người dân sử dụng mạng 5G. (Vtv.vn 07/3)Về đầu trang./.

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Các tin khác