Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 21-5-2020

15:6, Thứ Năm, 21-5-2020

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 Tải file tại đây

CHÍNH SÁCH MỚI 1

1.                Hiệu trưởng trường công phải công khai kinh phí hoạt động, kế hoạch tuyển dụng. 1

2.                Nghị định mới về dịch vụ đưa người lao động ra nước ngoài làm việc có hiệu lực từ ngày 20/5. 2

3.                Ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước được giảm 50% lệ phí trước bạ. 3

TIN QUỐC HỘI 3

4.                Khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV bằng hình thức họp trực tuyến. 3

5.                Thủ tướng đề nghị hoãn tăng lương cơ sở và lương hưu. 4

6.                Đại biểu Quốc hội nói gì sau đề xuất hoãn tăng lương?. 4

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 5

7.                Việt Nam là nền kinh tế kiên cường nhất trước khủng hoảng Covid-19. 5

8.                Chính phủ đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế. 5

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 6

9.                Đừng để "chuyện đã rồi". 6

QUẢN LÝ.. 7

10.             Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về thi tốt nghiệp THPT 2020. 7

11.             Vụ hộ cận nghèo ở nhà lầu, có xe hơi: “Phản ánh của báo chí là chính xác”. 8

12.             Nhiều cán bộ tại Thanh Hóa bổ nhiệm sai vẫn được vào cấp ủy. 9

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 10

13.             Đề cao tinh thần phục vụ, không nhũng nhiễu người dân. 10

14.             Cổng Dịch vụ công quốc gia: Giúp doanh nghiệp tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm   11

15.             “Rất nhiều dịch vụ cần lại không có”. 12

16.             Hà Nội tập trung cải thiện các chỉ số cải cách hành chính thành phần. 13

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 15

17.             Truy tố 5 cán bộ trong vụ bảo kê logo “xe vua” ở Hà Nội 15

18.             Thái Bình: Khai trừ Đảng một trường hợp gian lận trong công tác bầu cử tại cơ sở. 15

THẾ GIỚI 16

19.             Thái Lan: Tổ chức Chống tham nhũng kêu gọi giám sát gói cứu trợ 1 nghìn tỷ. 16

20.             Singapore ra phán quyết tử hình qua ứng dụng Zoom.. 17

 CHÍNH SÁCH MỚI

Hiệu trưởng trường công phải công khai kinh phí hoạt động, kế hoạch tuyển dụng

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 11/2020/TT-BGDĐT hướng dẫn thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ sở giáo dục công lập, trong đó nêu rõ, hiệu trưởng phải công khai để nhà giáo, người lao động biết về kinh phí hoạt động hằng năm; kế hoạch tuyển dụng, đào tạo bồi dưỡng của trường...

 Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, mục đch thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ sở giáo dục nhằm tăng cường nề nếp, kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động của cơ sở giáo dục, góp phần xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; phòng chống các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, cửa quyền.

 Việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ sở giáo dục phải gắn liền với việc bảo đảm sự lãnh đạo của tổ chức Đảng; dân chủ trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; kiên quyết xử lý những hành vi lợi dụng dân chủ vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo, cán bộ quản lý, người lao động và người học, cản trở việc thực hiện nhiệm vụ của cơ sở giáo dục.

 Thông tư quy định rõ những việc hiệu trưởng phải công khai để nhà giáo, cán bộ quản lý và người lao động biết bao gồm: Các nội quy, quy chế của cơ sở giáo dục; kế hoạch năm học, học kỳ, tháng, tuần; kế hoạch, đề án, dự án, chiến lược định hướng phát triển của cơ sở giáo dục; kinh phí hoạt động hằng năm; kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng; quyết định bổ nhiệm, biệt phái, từ chức, miễn nhiệm, thay đổi chức danh nghề nghiệp, thay đổi vị trí việc làm, đi công tác nước ngoài, giải quyết chế độ, nâng bậc lương, thăng hạng, khen thưởng, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu đối với nhà giáo, cán bộ quản lý và người lao động; việc đánh giá, xếp loại, hợp đồng làm việc, chấm dứt hợp đồng làm việc…

 Việc công khai được thực hiện qua các hình thức như: Niêm yết tại cơ sở giáo dục; thông báo tại hội nghị nhà giáo, cán bộ quản lý, người lao động của cơ sở giáo dục; thông báo tại đối thoại của cơ sở giáo dục; thông báo bằng văn bản gửi toàn thể nhà giáo, cán bộ quản lý và người lao động.

 Thông tư 11 có hiệu lực thi hành từ 01/7/ 2020. (Chinhphu.vn 20/5, KL)Về đầu trang

Nghị định mới về dịch vụ đưa người lao động ra nước ngoài làm việc có hiệu lực từ ngày 20/5

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

 Nhằm điều chỉnh một số quy định trong lĩnh vực đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, ngày 03-4-2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

 Theo đó, Nghị định số 38/2020/NĐ-CP quy định chi tiết về: Khu vực và công việc NLĐ không được đến làm việc ở nước ngoài; Giấy phép, điều kiện và thủ tục cấp, đổi giấy phép hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài; Tiền ký quỹ của doanh nghiệp (DN) hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài; Tiền ký quỹ, quản lý và sử dụng tiền ký quỹ của DN thực hiện hợp đồng nhận lao động thực tập; Điều kiện hoạt động đưa NLĐ đi làm việc tại lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), đi thực tập kỹ năng tại Nhật Bản và đi làm giúp việc gia đình tại nước tiếp nhận thuộc khu vực Trung Đông và Trách nhiệm của các cơ quan có liên quan.

 Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 5 năm 2020 và thay thế Nghị định số 126/2007/NĐ-CP ngày 1-8-2007 của Chính phủ. Đồng thời, bãi bỏ Quyết định số 19/2007/QĐ-BLĐTBXH ngày 18-7-2007 của Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành quy định về tổ chức bộ máy hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài và bộ máy chuyên trách để bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho NLĐ trước khi đi làm việc ở nước ngoài. (Thời báo kinh doanh 20/5)Về đầu trang

Ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước được giảm 50% lệ phí trước bạ

Thủ tướng Chính phủ đã có kết luận, giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đến hết năm 2020 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước.

 Hiện ô tô con từ 9 chỗ ngồi trở xuống chịu hai mức thu lệ phí trước bạ (tùy từng địa phương) là 10% và 12% trên giá bán xe. Nếu được giảm 50% thì số tiền khách hàng nộp lệ phí trước bạ sẽ được giảm một khoản lớn. Tuy nhiên, ưu đãi này chỉ dành cho xe sản xuất lắp ráp trong nước, ô tô nhập khẩu nguyên chiếc không được hưởng.

 Theo tính toán, khi mua những mẫu xe bình dân sản xuất lắp ráp trong nước, khách hàng sẽ tiết kiệm được từ 15-80 triệu đồng. (VTV.vn 19/5)Về đầu trang

TIN QUỐC HỘI

Khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV bằng hình thức họp trực tuyến

Ngày 20/5, Quốc hội khóa XIV nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 9 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

 Trong phiên khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo về phòng chống dịch COVID-19 và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng sẽ trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020.

 Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

 Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. 

Sau đó, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh sẽ trình bày Tờ trình của Chủ tịch nước về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo thuyết minh Hiệp định EVIPA. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA.

 Cũng tại phiên khai mạc, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày Tờ trình của Chủ tịch nước về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA). Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo thuyết minh Hiệp định EVIPA. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư.

 Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tổ chức kỳ họp theo hình thức họp trực tuyến kết hợp với họp tập trung và chia làm 2 đợt. Đợt 1: Quốc hội họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (từ ngày 20/5 đến ngày 29/5/2020); Đợt 2: Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội (từ ngày 08/6 đến ngày 18/6/2020). (VTV.vn 20/5)Về đầu trang

Thủ tướng đề nghị hoãn tăng lương cơ sở và lương hưu

Báo cáo trước Quốc hội tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9 sáng 20/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, so với cuối năm 2019, tình hình có sự thay đổi rất lớn, khó khăn hơn nhiều do tác động bởi COVID-19.

 Do đó, Thủ tướng đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc trước mắt chưa tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7/2020 để cùng chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách.

 Trước đó, theo nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 vào cuối năm 2019, lương cơ sở cho cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang, lương hưu sẽ tăng lên 1,6 triệu đồng một tháng từ 1/7. Mức này tăng khoảng 110.000 đồng so với năm 2018 (tương đương 7%).

 Thủ tướng cũng đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc việc kéo dài thời kỳ ổn định ngân sách Nhà nước giai đoạn 2017 - 2020 sang năm 2021; trong năm 2021 ban hành định mức phân bổ dự toán chi ngân sách nhà nước cho giai đoạn 2022 - 2025 cho phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn.

 Đồng thời, Chính phủ tiếp tục xây dựng và đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành các cơ chế, chính sách, giải pháp thúc đẩy hồi phục và phát triển kinh tế, xem xét đưa ra gói kích thích kinh tế mới trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn kéo dài trên phạm vi toàn cầu; kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp; bảo đảm nguồn lực cho phòng chống dịch và an sinh xã hội; góp phần củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp. (VTV.vn 20/5)Về đầu trang

Đại biểu Quốc hội nói gì sau đề xuất hoãn tăng lương?

Đại biểu Quốc hội cho rằng, việc hoãn tăng lương cơ sở của công chức, viên chức là chia sẻ với Chính phủ để góp phần tạo thêm nguồn lực cho phát triển sau đại dịch.

 Báo cáo trước Quốc hội tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9 sáng 20/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, so với cuối năm 2019, tình hình có sự thay đổi rất lớn, khó khăn hơn nhiều do tác động bởi COVID-19.

 Do đó, Thủ tướng đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc trước mắt chưa tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7/2020 để cùng chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách.

 Nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình với đề xuất này và cho rằng, các cán bộ công chức, viên chức cùng chung tay, chia sẻ với Chính phủ góp phần tạo thêm nguồn lực cho phát triển.

 Ông Phạm Tất Thắng, đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long cho rằng: "Việc cần có những nguồn lực để phát triển kinh tế sau khi phòng chống dich thành công cũng như cần nguồn lực để đẩy nhanh đầu tư công cũng là giải pháp để kích cầu. Như vậy, việc Chính phủ tìm mọi nguồn lực để thực hiện mục tiêu này là cần thiết. Tôi tán thành đề nghị của Thủ tướng trong bài phát biểu trước Quốc hội về tạm thời chưa tăng lương từ ngày 1/7". 

"Quan điểm của tôi là hoàn toàn ủng hộ Chính phủ điều chỉnh lương cơ sở. Có thể không phải là 1/7/2020 mà lui thêm một bước nữa" - ông Bùi Sĩ Lợi, đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho biết.

 Nhiều đại biểu cũng đồng tình với đề xuất điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ. Đại biểu Quốc hội cho rằng, đây là việc làm cần thiết để phát triển kinh tế, xã hội phù hợp với các diễn biến thực tế. (VTV.vn 20/5)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Việt Nam là nền kinh tế kiên cường nhất trước khủng hoảng Covid-19

"Để tận dụng điều này, Việt Nam cần cải thiện khung pháp lý và thủ tục hành chính để giúp khu vực trong nước giải quyết các thách thức hiện tại. Bên cạnh đó là theo dõi các cải cách kinh tế để thu hút FDI, cùng với việc thúc đẩy phát triển công nghệ cao và hạ tầng hiện đại" - các chuyên gia của Trung tâm Asean-Nhật Bản nhận xét.

 Business Times nhận định: Việt Nam được coi là nền kinh tế kiên cường nhất trong bối cảnh khủng hoảng Covid-19. Các nhà kinh tế của Rabobank - Raphie Hayat và Ralph van Mechelen - đã viết trong một báo cáo vào ngày 18/5, Việt Nam có thể được hưởng lợi từ những căng thẳng gia tăng hơn nữa giữa Mỹ và Trung Quốc.

 "Việt Nam có thể nổi lên từ cuộc khủng hoảng Covid-19 với sự tăng trưởng mạnh nhất ở Đông Nam Á, nhưng rủi ro giảm cũng rất cao, Tập đoàn tài chính Hà Lan Rabobank đã cảnh báo. Nền kinh tế Việt Nam vẫn được dự đoán sẽ tăng trưởng dương vào năm 2020" - báo cáo nói.

 Tuy nhiên, theo nghiên cứu được công bố gần đây của Trung tâm Asean-Nhật Bản có tên "Chuỗi giá trị toàn cầu tại Asean: Việt Nam", hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vẫn chưa tạo ra nhiều giá trị gia tăng (69 tỷ USD năm 2019), tương đương với chỉ 1/4 giá trị xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ danh nghĩa (260 tỷ USD). Điều này đặt ra nhiều thách thức chiến lược cho sự phát triển. (Cafef.vn 19/5)Về đầu trang

Chính phủ đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, việc đề xuất này dựa trên tinh thần nhìn thẳng vào tình thực trạng kinh tế trong nước cũng như quốc tế.

 Trình bày báo cáo phiên khai mạc tại Kỳ họp thứ 9 - Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tình hình thế giới, khu vực được dự đoán diễn biến phức tạp khó lường trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục lan rộng, gây hậu quả nặng nề. Nhiều tổ chức đánh giá, kinh tế thế giới sẽ suy thoái nghiêm trọng vượt xa khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008.

 Theo Thủ tướng, sau thời điểm cuối năm 2019, tình hình hiện nay có sự thay đổi lớn, khó khăn hơn nhiều, mục tiêu tăng trưởng 6,8% được đặt ra cho năm 2020 là thách thức lớn và khó đạt được.

 "Trên tinh thần đó, nhìn thẳng vào thực trạng kinh tế xã hội và dự báo tính hình quốc tế, trong nước quốc tế trong thời gian tới, đánh giá kỹ các chỉ tiêu chủ yếu, các cân đối lớn, khả năng thực hiện để tạo sự chủ động trong chỉ đạo điều hành của các cấp các ngành, các địa phương, với nỗ lực phấn đấu cao, Chính phủ xin đề nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch 2020, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP, và một số chỉ tiêu vĩ mô khác như thu ngân sách, bội chi ngân sách Nhà nước, nợ công...", Thủ tướng phát biểu.

 Theo Thủ tướng, Chính phủ sẽ có báo cáo gửi Quốc hội sau khi có ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị về vấn đề này. (VTV.vn 20/5)Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

Đừng để "chuyện đã rồi"

Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã thực hiện nghiêm, hiệu quả những nhiệm vụ, yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Số lượng tài sản thu hồi lớn, tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế tăng, đã thu hồi hơn 27.326 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 72,4%, tăng 34,4% qua giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế. Đây là thông tin trong báo cáo công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao gửi tới Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XIV.

 Phòng, chống tham nhũng là vấn đề cử tri, dư luận đặc biệt quan tâm. Thời gian qua quán triệt nghiêm quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” trong phòng, chống tham nhũng, các cơ quan tiến hành tố tụng đã điều tra, truy tố và tiếp tục đưa ra xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn. Có vụ án nhiều bị cáo từng giữ chức vụ cao trong Đảng, Nhà nước, điển hình là vụ Tổng Công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần Nghe nhìn toàn cầu (AVG); đã xét xử tuyên phạt tù chung thân với bị cáo Nguyễn Bắc Son, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về tội nhận hối lộ; phạt 16 năm tù bị cáo Trương Minh Tuấn, cựu bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Hay mới đây, vụ Trần Văn Minh và đồng phạm phạm tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và vi phạm quy định về quản lý đất đai xảy ra tại Đà Nẵng… Việc đưa những vụ án này ra truy tố, xét xử được dư luận xã hội đồng tình, đánh giá cao, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và cơ quan tư pháp.

 Một trong những yêu cầu khi giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế là thu hồi tài sản tham nhũng. Nghịch lý đã từng xảy ra, đó là không ít vụ án tham nhũng với tài sản lớn nhưng tỷ lệ thu hồi rất thấp. Điều này cũng đồng nghĩa với việc phần tài sản nhà nước bị thất thoát là khó có thể thu hồi. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do quá trình giải quyết các vụ án tham nhũng phức tạp và thời gian kéo dài, có thể các đối tượng đã tẩu tán tài sản. 

Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng “khiêm tốn” cũng đã từng được Quốc hội chỉ rõ trong Nghị quyết số: 96/2019/QH14, đó là việc phát hiện, xử lý tham nhũng và thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế chưa tương xứng với tình hình thực tế. Để khắc phục tình trạng này, Quốc hội cũng giao Chính phủ chỉ đạo các cơ quan điều tra, thi hành án, thanh tra phối hợp chặt chẽ với viện kiểm sát, tòa án và Kiểm toán Nhà nước trong công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, nâng tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt đạt tỷ lệ trên 60%.

 Có thể nói, việc thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế tăng là tín hiệu vui, thể hiện sự nỗ lực của các cơ quan tố tụng trong quyết tâm thực hiện yêu cầu nghị quyết của Quốc hội nhằm giảm thiểu thất thoát, thiệt hại tài sản cho Nhà nước. Không phủ nhận, thu hồi tài sản tham nhũng là việc quan trọng, nhưng đó là việc khắc phục hậu quả “đã rồi”. Điều quan trọng phải làm là cần có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu để không xảy ra những vụ án tham nhũng. Để làm được điều này không còn cách nào khác là cần tăng cường kiểm tra, giám sát, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ. Đặc biệt, phải giám sát, kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng. Chỉ khi quyền lực được kiểm soát, và “phải nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế, pháp luật” thì những vụ án tham nhũng tiền tỷ mới không xảy ra. (Daibieunhandan.vn 20/5, Hà An)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về thi tốt nghiệp THPT 2020

Theo các chuyên gia, kỳ thi năm 2020 sẽ được chính người đứng đầu địa phương quán triệt quyết liệt; đảm bảo trung thực, an toàn, chất lượng trong điều kiện có dịch bệnh.

 Sau những sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, kỳ thi sau đó 1 năm đã được tổ chức với quy chế được hoàn thiện hơn, công tác coi thi được siết chặt, phần mềm chấm thi hạn chế tối đa sự can thiệp của con người. Đặc biệt, giảng viên đại học được đưa về tổ chức coi thi cùng địa phương. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, năm nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ lại được giao cho địa phương tổ chức trong tất cả các khâu. Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ có nhiều giải pháp để giám sát kỳ thi này.

 Theo dự kiến, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, đề thi vẫn tiếp tục do Bộ Giáo dục và Đào tạo phụ trách. Mỗi học sinh trong một phòng thi vẫn có 1 mã đề thi riêng để đảm bảo không có tình trạng sao chép bài làm. Camera vẫn được lắp trong phòng quản lý đề thi, bài thi để giám sát và trích xuất nếu cần. Địa phương vẫn tổ chức cho giáo viên chấm thi tự luận; riêng khâu chấm thi trắc nghiệm sẽ chấm bằng máy quét, với phần mềm mã hóa không cho can thiệp, chỉnh sửa... Ngoài lực lượng thanh tra của Bộ, thanh tra của Sở, dự kiến công tác thanh tra sẽ có thêm lực lượng thanh tra thi của UBND tỉnh. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ huy động lực lượng giảng viên đại học tham gia thanh tra thi.

 Tuy nhiên, các giải pháp kỹ thuật cũng chỉ giúp hạn chế phần nào sai phạm, điều quan trọng vẫn là yếu tố con người. Phải làm gì để nâng cao trách nhiệm của các địa phương, của mỗi mắt xích trong quy trình tổ chức thi sau những bài học đắt giá đã từng xảy ra - là câu hỏi mà dư luận quan tâm nhất lúc này.

 Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Với tinh thần đó và những bài học đắt giá xảy ra tại 3 địa phương sai phạm, nhiều chuyên gia cho rằng, kỳ thi năm nay sẽ được chính người đứng đầu địa phương quán triệt quyết liệt; đảm bảo trung thực, an toàn, chất lượng trong điều kiện có dịch bệnh.

 "Việc địa phương tổ chức kỳ thi một cách nghiêm túc sẽ trả kỳ thi về với đúng giá trị thật của nó là đánh giá chất lượng dạy và học sau 12 năm của học sinh phổ thông, lấy đó làm căn cứ để điều chỉnh quá trình dạy và học sau đó" - ông Quách Tuấn Ngọc - nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay.

 Một số chuyên gia cũng cho rằng, ngoài các giải pháp kỹ thuật để giám sát kỳ thi, giải pháp căn cơ bên vững là phải tạo ra động cơ học tập bên trong ở người học và sự tôn trọng tất cả nghề nghiệp hiện có trong xã hội bất kể vị thế. Người lớn không còn dán nhãn tương lai của đứa trẻ bằng điểm số của một kỳ thi, nhà tuyển dụng không chỉ tuyển người dựa trên bằng cấp, chỉ khi đó, cuộc chạy đua tìm cơ hội gian dối trong thi cử mới thực sự chấm dứt. (VTV.vn 20/5)Về đầu trang

Vụ hộ cận nghèo ở nhà lầu, có xe hơi: “Phản ánh của báo chí là chính xác”

“Phản ánh của báo chí về hộ cận nghèo có xe hơi, ô tô là chính xác”, ông Trịnh Ngọc Dũng - Giám đốc Sở Lao động và Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa cho hay.

 Tại một số huyện của Thanh Hóa, có những hộ được xếp vào hộ nghèo và cận nghèo nhưng lại đang sở hữu những ngôi nhà rất khang trang. Cũng ngay tại tỉnh này, lại có những câu chuyện trái ngược - đó là một số hộ dân từ chối nhận hỗ trợ. Điều đáng nói, họ được ký vào những tờ đơn đã được soạn sẵn. Những câu chuyện này đã được dư luận địa phương và người dân cả nước quan tâm trong những ngày qua.

 Trao đổi với phóng viên VTV, ông Trịnh Ngọc Dũng - Giám đốc Sở Lao động và Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa cho hay, những trường hợp cán bộ xã, thôn soạn sẵn đơn tự nguyện không nhận hỗ trợ và vận động người dân ký tên là không đúng tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa.

 "Sau khi tiếp nhận thông tin, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Công điện số 14 chỉ đạo cán bộ cơ sở tuyệt đối không được vận động người dân ký đơn tự nguyện không nhận hỗ trợ, đồng thời giúp đỡ người dân nếu họ thực sự tự nguyện không nhận khoản hỗ trợ này", ông Dũng nói.

 Liên quan đến vấn đề chi trả hỗ trợ gói an sinh xã hội do ảnh hưởng dịch COVID-19, ở Thanh Hóa có nhiều hộ cận nghèo, thuộc diện nhận hỗ trợ, nhưng lại có điều kiện khá giả, có nhà cửa khang trang, thậm chí có cả ô tô, Giám đốc Sở Lao động và Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa xác nhận có tình trạng này. "Phản ánh của báo chí về hộ cận nghèo có xe hơi, ô tô là chính xác", ông Dũng cho hay.

 Theo ông Dũng việc rà soát chấm điểm theo tiêu chí và phê duyệt danh sách hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong thời gian qua cơ bản đảm bảo theo yêu cầu. Tuy nhiên, một số nơi có tình trạng cán bộ nể nang ưu ái cho người dân nên khi thực hiện chấm điểm theo tiêu chí và đưa vào danh sách hộ nghèo không đảm bảo theo quy định.

 "Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh Sở đã yêu cầu các địa phương kiểm tra rà soát quy trình phê duyệt hộ nghèo, cận nghèo; đồng thời cử cán bộ trực tiếp xuống các thôn, xã làm rõ thông tin báo chí nêu", ông Dũng nói. (VTV.vn 20/5)Về đầu trang

Nhiều cán bộ tại Thanh Hóa bổ nhiệm sai vẫn được vào cấp ủy

Tại Sở LĐ-TB-XH tỉnh Thanh Hóa có nhiều cán bộ được tuyển dụng, bổ nhiệm sai quy định, nhưng vẫn được giới thiệu, trúng cử vào cấp ủy khóa mới.

 Thậm chí là có trường hợp là lái xe chuyển từ hợp đồng lao động 68 (theo Nghị định 68 của Chính phủ) sang công chức, và chỉ sau 02 tháng đã được bổ nhiệm "thần tốc" làm Phó Chánh văn phòng Sở Lao động Thương binh Xã hội tỉnh Thanh Hóa. 

Việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Thư tại Sở LĐ-TB-XH tỉnh Thanh Hóa đang đặt ra nhiều nghi vấn về tính minh bạch trong công tác tuyển dụng và bổ nhiệm cán bộ. Ông Nguyễn Văn Thư là nhân viên hợp đồng theo Nghị định 68 của Chính phủ với vị trí tuyển dụng là lái xe, được chuyển ngạch sang công chức không qua thi tuyển. Điều đáng nói là chỉ sau khi chuyển ngạch chưa đầy 2 tháng, ông Nguyễn Văn Thư được bổ nhiệm chức Phó chánh văn phòng Sở LĐ-TB-XH tỉnh Thanh Hóa vào ngày 25/12/2009.

 Trao đổi với PV VOV,  lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH tỉnh Thanh Hóa thừa nhận, việc ông Nguyễn Văn Thư được bổ nhiệm hai lần chức Phó Chánh Văn phòng Sở đều đang thiếu các điều kiện, tiêu chuẩn.

 Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Thanh Hóa giải thích rằng, tại Sở LĐ-TB-XH Thanh Hóa, mỗi 1 năm chỉ được 1 - 2 người đi học cao cấp hay Quản lý nhà nước thì làm sao đến cấp phó trưởng phòng, cán bộ được cao cấp chính trị nên việc bổ nhiệm thiếu là bình thường.

 "Về mặt nguyên tắc không sai nhưng về mặt trình tự thì không đúng. Ông Nguyễn Văn Thư không có chứng chỉ Quản lý nhà nước và chứng chỉ chính trị? Xin nói là Sở này quá lớn, mỗi 1 năm chỉ được 1 - 2 người đi học cao cấp hay quản lý nhà nước thì lam sao đến phó phòng, cán bộ được nên việc bổ nhiệm thiếu là bình thường. Thế nhưng đến bổ nhiệm lần 2 thì tại sao thiếu vẫn bổ nhiệm, là vì anh ta đang đi học. Đến 2016 thì ông Nguyễn Văn Thư học hết khóa và đã hoàn chỉnh hồ sơ", ông Huy nói.

 Chưa dừng lại ở đó, ngày 10/8/2018, ông Thư tiếp tục được ông Trịnh Ngọc Dũng, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Thanh Hóa “ưu ái” điều động và bổ nhiệm từ chức Phó Chánh văn phòng lên Giám đốc Trung tâm điều dưỡng người có công tỉnh Thanh Hóa. Tại Đại hội Đảng bộ Sở LĐ-TB-XH tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2020-2025, ông Thư được giới thiệu và trúng cử Ban Chấp hành.

 Không chỉ trường hợp Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng Người có công tỉnh được ưu ái, bổ nhiệm thiếu điều kiện, rất nhiều trường hợp khác tại Sở LĐ- TB-XH được bổ nhiệm cũng trong tình trạng trên. Hiện nay, những trường hợp này đều nằm trong danh sách 15 người là ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

 Cụ thể, ông Vũ Huy Vượng, hiện đang giữ chức Chánh văn phòng Sở LĐ-TB-XH. Thời điểm bổ nhiệm ông Vượng làm Phó Chánh văn phòng vẫn chưa có bằng Quản lý nhà nước; Trường hợp bà Trịnh Thị Minh Hường, Trưởng Phòng phòng chống tệ nạn xã hội khi bổ nhiệm Phó Phòng chăm sóc bảo vệ trẻ em cũng không đủ tiêu chuẩn về lý luận chính trị và nghiệp vụ quản lý nhà nước. Ông Vũ Đình Hoàn, hiện là giám đốc Trung tâm bảo trợ xã hội, trước đó vào năm 2016, được Giám đốc Sở LĐ-TB-XH bổ nhiệm chức Chi cục trưởng Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội nhưng chưa là công chức. Ngoài ra, theo quy định của UBND tỉnh Thanh Hóa, cán bộ bổ nhiệm lần đầu tuổi đời dưới 45 phải có bằng đại học chính quy, tuy nhiên thời điểm bổ nhiệm ông Hoàn 44 tuổi nhưng chỉ có bằng đại học tại chức…

 Đặt vấn đề, tại Đại hội Đảng bộ Sở LĐ-TB-XH lần thứ 11 mới diễn ra, những trường hợp như VOV phản ánh ở trên đều được giới thiệu và bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ, nhiệm kỳ 2020 – 2025 liệu có khách quan?

 Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Giám đốc Sở khẳng định: "Việc vào Ban Chấp hành là do đồng chí ấy là Bí thư Đảng bộ của một đơn vị, việc được tín nhiệm, bầu, bỏ phiếu là bình thường. Sau khi giới thiệu bỏ phiếu 7 vòng, nếu đủ 50% trở lên thì được đưa vào nguồn, công khai hết". (Vov.vn 20/5, Sỹ Đức)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Đề cao tinh thần phục vụ, không nhũng nhiễu người dân

Tại Hội nghị Công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2019 và Chỉ số hài lòng của người dân sáng 19.5, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ nhấn mạnh: “Người dân, doanh nghiệp đóng thuế cho Nhà nước, nuôi bộ máy nhà nước, trả lương cho công chức, viên chức nên bộ máy nhà nước phải tinh gọn, đề cao tinh thần, ý thức phục vụ, không nhũng nhiễu người dân”.

 Ông Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ), Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ cho biết, kết quả Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2019 có nhiều kết quả tích cực.

 Cụ thể, giá trị trung bình Chỉ số CCHC của 17 bộ, cơ quan ngang bộ đạt 85,63%, tăng 2,95% so với năm 2018 và không bộ nào có kết quả dưới 80%. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước năm thứ 5 liên tiếp dẫn đầu với kết quả 95,4%; Bộ Giao thông - Vận tải đứng cuối với 80,53%. Có 16/17 đơn vị có chỉ số CCHC tăng hơn so với năm 2018. Về phía các tỉnh, thành phố, giá trị trung bình của Chỉ số CCHC đạt 81,15%, cao hơn 4,23% so với năm 2018 và là kết quả cao nhất trong 4 năm gần đây; trong đó có 30 đơn vị đạt chỉ số cao hơn giá trị trung bình của cả nước. Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu với kết quả 90,09%, cao hơn 5,45% so với đơn vị đứng thứ hai là Hà Nội (84,64%). Ở vị trí cuối bảng là Bến Tre (73,87%).

 Đối với Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính, có 84,45% (trong tổng số hơn 36,6 nghìn người được hỏi) trả lời hài lòng về sự phục vụ nói chung của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, tăng gần 1,5% so với năm 2018 và gần 2,3% so với năm 2017. Đáng chú ý, mức độ hài lòng cao nhất đối với cơ quan hành chính cấp huyện (85,53%) và thấp nhất với cấp tỉnh (83,35%). Về lĩnh vực dịch vụ, dẫn đầu sự hài lòng là giao thông vận tải (88,45%) và thấp nhất là đất đai, môi trường (79,06%).

 Các chỉ số phản ánh cảm nhận của người dân, tổ chức về việc phải đi lại nhiều lần để giải quyết công việc, bị trễ hẹn, bị phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực đều ở mức thấp và có xu hướng giảm dần qua các năm kể từ năm 2017. Tuy vậy, còn 63 tỉnh để xảy ra tình trạng người dân, tổ chức phải đi lại nhiều lần; 62 tỉnh xảy ra trễ hẹn trả kết quả dịch vụ; 62 tỉnh trễ hẹn đều thực hiện không nghiêm quy định về thông báo, xin lỗi việc trễ hẹn đối với người dân, tổ chức, trong đó có 1 tỉnh không thực hiện bất kỳ thông báo nào và 6 tỉnh không thực hiện bất kỳ xin lỗi nào…

 Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song đại diện Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ thừa nhận vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể, liên quan CCHC, nhiều bộ, địa phương chưa hoàn thành việc thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong năm 2019 cũng như các mục tiêu theo kế hoạch đã đề ra. Một số bộ chưa hoàn thành chương trình xây dựng pháp luật đã được phê duyệt; 5 bộ chưa hoàn thành việc xử lý, trả lời các kiến nghị của địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách thuộc phạm vi quản lý của bộ; 8 bộ chưa hoàn thành việc xây dựng hệ thống thông tin báo cáo theo quy định.

 Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng chậm xử lý các văn bản trái pháp luật đã được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, phát hiện và kiến nghị xử lý. Tỷ lệ giảm biên chế ở một số địa phương còn thấp, chưa đạt yêu cầu; phòng chuyên môn trực thuộc sở, ngành và phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện tại một số địa phương có cơ cấu số lượng lãnh đạo chưa hợp lý, còn tình trạng số lượng công chức giữ chức vụ lãnh đạo nhiều hơn số lượng công chức không giữ chức vụ lãnh đạo… (Daibieunhandan.vn 20/5, Đan Thanh)Về đầu trang

Cổng Dịch vụ công quốc gia: Giúp doanh nghiệp tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm

Sáng 19.5, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng phối hợp với Ngân hàng Thế giới, Chính phủ Australia tổ chức Hội nghị trực tuyến “Giới thiệu Cổng dịch vụ công quốc gia và những lợi ích dành cho doanh nghiệp”. Đại diện Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam ước tính, Cổng dịch vụ công quốc gia có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm 1.500 tỷ đồng/năm.

 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định 45/2020/NĐ-CP về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, lần đầu tiên ghi nhận giá trị pháp lý của thủ tục trực tuyến, kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử, công nhận hồ sơ ký số của doanh nghiệp. Qua đó, tạo điều kiện để doanh nghiệp giảm bớt hồ sơ giấy và giao dịch trực tiếp với cơ quan nhà nước, thúc đẩy giao dịch điện tử, góp phần xây dựng nền kinh tế số.

 Việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, đem lại lợi ích rất lớn cho người dân, doanh nghiệp và Cổng Dịch vụ công Quốc gia là kênh hữu hiệu nhất để “điện tử hóa” thủ tục hành chính. Đặc biệt, người dân, doanh nghiệp hoàn toàn có thể theo dõi được quá trình giải quyết thủ tục hành chính, đồng thời, Văn phòng Chính phủ cũng có thể đồng hành đôn đốc, theo dõi và chấn chỉnh kịp thời các vướng mắc, khó khăn trong việc giải quyết.

 Khai trương ngày 9.12.2019 với 8 nhóm dịch vụ công, đến nay trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp, cung cấp 406 dịch vụ, trong đó có 235 dịch vụ cho doanh nghiệp. Bà Vũ Thị Tuyến, đại diện Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho biết, Cổng dịch vụ công quốc gia đem lại lợi ích rất lớn cho doanh nghiệp, cụ thể, doanh nghiệp hạn chế tối đa việc đi lại, chuyển phát nhiều lần, giảm tối đa chi phí in ấn hồ sơ, chỉ cần khai báo điện tử, đăng ký chữ ký số 1 lần duy nhất và tiếp nhận phản hồi trực tuyến... Về chi phí, VNPT tiết kiệm được 200 triệu với 300 chương trình khuyến mãi mỗi năm. Theo đại diện VNPT, nếu tính chung các doanh nghiệp số tiền tiết kiệm được có thể lên tới 1.500 tỷ đồng/năm.

 Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ Ngô Hải Phan cho biết, rất nhiều dịch vụ công trực tuyến đã được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Trong đó, lợi ích trực tiếp với doanh nghiệp là “Thực hiện dịch vụ công trực tuyến; thực hiện thanh toán trực tuyến thuế, phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác (nếu có); được theo dõi, giám sát, đánh giá quá trình giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính”.

 Cục trưởng Ngô Hải Phan nhấn mạnh, các doanh nghiệp có thể thực hiện thủ tục tại tất cả các bộ, ngành, địa phương và thực hiện thanh toán trực tuyến các nghĩa vụ tài chính liên quan. Cùng việc thúc đẩy thực hiện hoàn toàn trên môi trường điện tử, ưu điểm rất lớn của việc nộp hồ sơ hoặc thực hiện các thủ tục hành chính thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia là tạo thêm kênh giám sát việc thực hiện, bảo đảm tính minh bạch. Quá trình giải quyết được thông tin tới các doanh nghiệp, đồng thời, Văn phòng Chính phủ cũng đồng hành đôn đốc, theo dõi và chấn chỉnh kịp thời các vướng mắc, khó khăn trong việc giải quyết.  (Daibieunhandan.vn 20/5, Lâm Hiển)Về đầu trang

“Rất nhiều dịch vụ cần lại không có”

“Rất nhiều dịch vụ cần lại không có. Trong lúc dịch COVID-19, chỉ xin 1 cái mã vạch tôi mất 2 lần chuyển tiền, 1 lần là chuyển phí, 1 lần phí đăng ký và 2 lần đến mới xin được mã vạch. Tôi phải chờ mất gần 1 tháng, một số thủ tục vẫn phải làm bằng giấy, mất rất nhiều thời gian”. Đây là chia sẻ của chuyên gia Phan Vinh Quang, Giám đốc Công ty MBI tại Hội nghị trực tuyến giới thiệu Cổng Dịch vụ công quốc gia và những lợi ích dành cho doanh nghiệp, diễn ra ngày 19.5.

 Chia sẻ thông tin tại hội nghị, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, việc triển khai các dịch vụ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp làm thủ tục để được hưởng gói hỗ trợ khó khăn do dịch COVID-19 còn chậm. Sau 1 tuần cung cấp thêm 6 dịch vụ công hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, mới tiếp nhận được 96 hồ sơ, trong đó có 2 hồ sơ chuyển cấp huyện, 31 hồ sơ chuyển Bảo hiểm xã hội, 63 hồ sơ thiếu thông tin. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội làm rõ việc này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị.

 Lý giải về sự “chậm” này, bà Trần Thị Liễu, Trưởng phòng Kế hoạch thống kê, Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, quy trình hướng dẫn chưa được chính thức do liên quan đến báo cáo tình hình tài chính doanh nghiệp. Bộ đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính về mẫu biểu tài chính rút gọn để cơ quan chức năng thẩm định ấn định, thời hạn trả lời chậm nhất trước 10 giờ ngày 8.5, nhưng tới nay vẫn chưa có câu trả lời. 

Cũng theo bà Liễu, thời gian thẩm định xác nhận cơ quan bảo hiểm đã được rút gọn chỉ trong 1 ngày làm việc, song đối với cấp huyện và cấp tỉnh mốc thời gian được giữ nguyên theo Quyết định 15/2020/QĐ-TTg về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Chính vì chưa có hướng dẫn chính thức nên Bộ không được tham gia trực tiếp trong quá trình xử lý hồ sơ, không biết tắc nghẽn ở đâu, vì sao. “Theo đúng quy trình, khi nhận được hồ sơ về Cổng Dịch vụ công, chuyển về cấp huyện, sau khi thẩm định lại chuyển về Cổng, rồi chuyển về tỉnh. Trên cơ sở đó, tỉnh ra quyết định danh sách người lao động và doanh nghiệp được hỗ trợ”, bà Liễu nói.

 Hiện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã thiết kế biểu mẫu tài chính rút gọn, không thể đơn phương đưa mẫu riêng. Do đó, Văn phòng Chính phủ sớm có ý kiến với Bộ Tài chính thống nhất mẫu biểu để Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổng hợp và báo cáo Văn phòng Chính phủ, bà Liễu đề nghị. 

 Làm rõ hơn vấn đề này, Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) Ngô Hải Phan cho biết, trong việc này, Bộ Tài chính có chậm trễ như Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã thông tin. Hiện Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã thống nhất về quy trình để đưa lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Thời gian qua, một số doanh nghiệp kê khai hồ sơ chưa chuẩn nên phải bổ sung cho chuẩn. Hồ sơ nào chuẩn rồi, đã chuyển về huyện và qua Cổng Dịch vụ công quốc gia đều theo dõi được đang nằm ở đâu.

 Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) Nguyễn Hải Minh cho rằng, doanh nghiệp vướng mắc và sợ nhất là một thủ tục phải liên quan đến nhiều bộ, ngành, bởi lúc đó không biết bộ nào sẽ giải quyết được vấn đề cho mình.

 Từ thực tế thực hiện thủ tục trong thời gian diễn ra dịch Covid-19, ông Phan Vinh Quang, Giám đốc Công ty MBI cho biết, “rất nhiều dịch vụ tôi cần lại không có. Đơn cử khi ông đi đăng ký dịch vụ xuất khẩu mã vạch cho công ty nhưng không làm được. Trong lúc dịch COVID-19, chỉ xin 1 cái mã vạch mà ông mất 2 lần chuyển tiền, 1 lần là chuyển phí, 1 lần phí đăng ký và 2 lần đến mới xin được mã vạch, "tôi phải chờ mất gần 1 tháng”, ông nói. Một số thủ tục vẫn phải làm bằng giấy, mất rất nhiều thời gian; thủ tục xin giấy lý lịch tư pháp trên Cổng thông tin của Bộ Tư pháp không thực hiện được.

 Cũng theo ông Quang, trong dịch COVID-19, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, “cực chẳng đã mới phải xin hỗ trợ từ Chính phủ. Nếu Chính phủ giúp cho doanh nghiệp được thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian, tập trung vào kinh doanh, tạo ra giá trị gia tăng và công ăn việc làm. Ông cũng bày tỏ mong muốn càng sớm càng tốt, càng ngày càng có nhiều dịch vụ công được đưa lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Dẫn lời Thủ tướng nhắc đến “virus trì trệ”, ông Quang cho rằng, thông qua Cổng Dịch vụ công này, doanh nghiệp sẵn sàng chỉ ra đâu, chỗ nào có những con “virus trì trệ”. Nếu chúng tôi có những kênh như vậy, thì các bộ, ngành sẽ phát hiện ra ngay con virus trì trệ. Đây chính là cách Chính phủ tận dụng chất xám của cộng đồng doanh nghiệp, người dân”, ông Quang nói. (Daibieunhandan.vn 20/5, Lâm Hiển)Về đầu trang

Hà Nội tập trung cải thiện các chỉ số cải cách hành chính thành phần

Theo báo cáo chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2019 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công bố ngày 19-5, thành phố Hà Nội đứng thứ 2, đạt 84,64%.

 Trong đó, kết quả cụ thể của từng chỉ số thành phần của thành phố Hà Nội là: “Công tác chỉ đạo điều hành cải cách hành chính” 8 điểm; “Xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật tại tỉnh” 8,78 điểm; “Cải cách thủ tục hành chính” 13 điểm; “Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước” 10,17 điểm; “Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức” 11,87 điểm, “Cải cách tài chính công” 9,24 điểm; “Hiện đại hóa hành chính” 10,84 điểm; “Tác động của cải cách hành chính đến sự hài lòng của người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương” 12,74 điểm.

 Như vậy, dù vẫn giữ nguyên thứ hạng ở vị trí thứ 2 nhưng đối chiếu với năm 2018, Chỉ số cải cách hành chính của thành phố Hà Nội năm 2019 đã có sự tiến bộ hơn khi đạt 84,64% (năm 2018 đạt 83,9792%). Và năm 2019, Hà Nội đã có 2 chỉ số thành phần đạt trên 90%. Đó là “Công tác chỉ đạo điều hành cải cách hành chính” đạt 94,12%; “Cải cách thủ tục hành chính” đạt 92,86%.

 Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, thời gian qua, thành phố đã chỉ đạo quyết liệt việc triển khai thực hiện kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ, các chương trình, kế hoạch cải cách của thành phố, nhiều chỉ tiêu hoàn thành sớm và về đích trước thời hạn Chính phủ đề ra. Cải cách hành chính tiếp tục được xem là 1 trong 3 khâu đột phá trong công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng giai đoạn 2015-2020. Thành phố tiếp tục thực hiện phương châm gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả thực hiện nhiệm vụ.

 Hà Nội cũng đã xây dựng và triển khai hệ thống theo dõi, kiểm đếm, đôn đốc các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Thành ủy, HĐND, UBND thành phố giao nhằm xác định rõ kết quả, tiến độ và trách nhiệm của từng sở, ngành, quận, huyện, thị xã. Đồng thời, đã triển khai xây dựng lịch công tác tuần và đánh giá hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức toàn thành phố; tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ.

 Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cũng thông tin, Hà Nội đã chủ động xây dựng xong hệ thống công cụ đánh giá kết quả công tác cải cách hành chính thống nhất, đồng bộ trong toàn thành phố; triển khai việc giám đốc sở đánh giá trưởng phòng chuyên môn cấp huyện thuộc ngành dọc, chủ tịch UBND cấp huyện đánh giá trưởng phòng, chủ tịch UBND cấp xã trực thuộc…

 Với những nỗ lực đó, thành phố đạt nhiều kết quả tích cực trong giải quyết thủ tục hành chính. Thành phố hoàn thành xây dựng và công bố 1.717 quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết của các sở, cơ quan tương đương sở, UBND các quận, huyện, thị xã và UBND các phường, xã, thị trấn (đạt 100%); đã đơn giản hóa 481 thủ tục hành chính với số chi phí tiết giảm thực hiện thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân khoảng trên 91 tỷ đồng/năm. (Hanoimoi.com.vn 19/5, Phong Thu)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Truy tố 5 cán bộ trong vụ bảo kê logo “xe vua” ở Hà Nội

Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 7 bị can trong vụ "bảo kê" logo "xe vua" ở Hà Nội, trong đó có 5 bị can nguyên là những cán bộ nhà nước công tác trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

 Từ tháng 6/2016 đến tháng 10/2018, các bị can thu được tổng số hơn 6,2 tỷ đồng để thực hiện việc hối lộ, trong đó: Lê Bá Dũng (cán bộ Đội Thanh tra giao thông vận tải quận Hoàng Mai) đã nhận 96 triệu đồng, Nguyễn Quốc Cương (cán bộ Đội Thanh tra giao thông vận tải quận Hai Bà Trưng) đã nhận 63 triệu đồng, Trần Sỹ Cương (cán bộ Đội Thanh tra giao thông vận tải cơ động thuộc Sở Giao thông vận tải Hà Nội) đã nhận 136 triệu đồng, Hoàng Văn Lân (cán bộ Đội Thanh tra giao thông huyện Phú Xuyên) đã nhận 11 triệu đồng và 1 chai rượu từ Vinh và Hào để trong quá trình thực hiện nhiệm vụ sẽ bỏ qua hoặc nếu kiểm tra sẽ phạt lỗi nhẹ hơn so với thực tế đối với các xe tải có logo của Công ty Tuấn Vinh.

 Cơ quan tố tụng cũng xác định, trong vụ án này, bị can Nguyễn Ánh Hào được hưởng lợi 250 triệu đồng, Lê Văn Cường được hưởng lợi 180 triệu đồng, Phạm Văn Vinh được hưởng lợi 140 triệu đồng.

 Quá trình điều tra, Nguyễn Ánh Hào, Phạm Văn Vinh còn khai: Sau khi thu tiền của các lái xe, vào những ngày cuối hoặc ngày đầu của các tháng, Vinh và Hào sẽ chia nhau đi gặp gỡ đưa tiền cho cán bộ của các đơn vị có chức năng kiểm tra, xử lý trong lĩnh vực giao thông vận tải, gồm: Thanh tra giao thông của các quận huyện; cán bộ Cảnh sát giao thông của một số Đội thuộc Phòng Cảnh sát giao thông – Công an thành phố, Đội Cảnh sát giao thông Công an các quận huyện, Đội Cảnh sát 113, Cảnh sát trật tự Công an các quận huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội… với số lượng từ 1,5 triệu đồng đến 60 triệu đồng/người.

 Việc chi tiền cho Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông hàng tháng (từ tháng 6/2016 đến tháng 10/2018), Hào đều lập danh sách, ghi rõ số tiền chi cho từng người, từng đội với số lượng nhiều người và lượng tiền rất lớn nhưng khi giao tiền không có giấy tờ giao nhận. Cơ quan điều tra đã tiến hành điều tra, thu thập tài liệu; triệu tập, lấy lời khai, tiến hành đối chất 90 người với Hào và Vinh nhưng họ không thừa nhận là đã nhận tiền như lời khai của 2 bị can.

 Ngoài lời khai của các bị can và danh sách do Hào lập không có tài liệu nào khác nên chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự. Do vậy, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành văn bản kiến nghị Giám đốc Công an thành phố Hà Nội và Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội kiểm tra, xem xét xử lý theo quy định của pháp luật. (VTV.vn 20/5)Về đầu trang

Thái Bình: Khai trừ Đảng một trường hợp gian lận trong công tác bầu cử tại cơ sở

Ngày 20/5, ông Nguyễn Cao Song, Bí thư Huyện ủy Kiến Xương xác nhận việc khai trừ Đảng đối với một trường hợp do gian lận trong công tác bầu cử tại cơ sở.

 Trước đó, ngày 13/5/2020, Đảng bộ xã An Bình (Kiến Xương) tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025. Sau khi các đại biểu thực hiện xong phần bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025, với vai trò là Trưởng ban kiểm phiếu, ông Nguyễn Xuân Hoài (sinh năm 1962, là văn thư, thủ quỹ tại xã này) đã bê hòm phiếu từ tầng 2 xuống tầng 1 hội trường UBND xã để kiểm phiếu.

 Lợi dụng sự lơ là của các thành viên Tổ kiểm phiếu, ông Hoài đã lấy hàng chục phiếu bầu cất giấu vào ngăn kéo tại phòng và định đánh tráo bằng các phiếu bầu chuẩn bị sẵn. Hành vi này bị một số đại biểu dự Đại hội phát hiện và báo cáo Đoàn Chủ tịch Đại hội, đồng thời yêu cầu dừng Đại hội để xác minh, xử lý.

 Ngay sau khi sự việc xảy ra, Huyện ủy Kiến Xương đã báo cáo Tỉnh ủy Thái Bình xin ý kiến chỉ đạo về việc này.

 Ngày 14/5, Ban Thường vụ Huyện ủy Kiến Xương đã cử Đoàn công tác xuống làm việc, chỉ đạo địa phương tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt, tổ chức hội nghị gồm những đảng viên là đại biểu dự Đại hội Đảng bộ xã để xin ý kiến, thống nhất biện pháp xử lý.

 Ngày 19/5, Chi bộ thôn Bình Trật Bắc, Đảng bộ xã An Bình (Kiến Xương) đã quyết định khai trừ Đảng. UBND xã đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Xuân Hoài.

 Sáng 20/5, Đại hội Đảng bộ xã An Bình tiếp tục được tổ chức các phần còn lại của Đại hội. Tại Đại hội, Ban thẩm tra tư cách đại biểu đã miễn nhiệm tư cách dự Đại hội đại biểu Đảng bộ xã đối với ông Nguyễn Xuân Hoài. (VTV.vn 20/5)Về đầu trang

THẾ GIỚIThái Lan: Tổ chức Chống tham nhũng kêu gọi giám sát gói cứu trợ 1 nghìn tỷ

Bangkok Post ngày 19/5 đưa tin, Tổ chức Chống tham nhũng Thái Lan (ACT) kiến nghị Chính phủ thành lập một ủy ban độc lập để kiểm toán, giám sát việc sử dụng chương trình cứu trợ 1 nghìn tỷ baht, nhằm bảo đảm tính minh bạch và ngăn ngừa các hành vi tham nhũng.

 Theo Chủ tịch ACT Pramon Sutivong, ông đồng tình với gói cứu trợ với mục đích nhằm giảm bớt những thiệt hại về kinh tế mà đại dịch do virus corona gây ra; đồng thời thừa nhận thực tế một số quy định có thể phải miễn giảm để cứu trợ khẩn cấp có thể đến được với những người có cầu càng sớm càng tốt.

 Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng, khoản cứu trợ phải được sử dụng một cách minh bạch và chịu sự giám sát chặt chẽ. "Sự thiếu giám sát đối với gói cứu trợ có thể sẽ mở đường cho tham nhũng", ông Pramon nói.

 Theo kiến nghị của Chủ tịch ACT, Chính phủ cần thành lập một ủy ban độc lập bao gồm các chuyên gia được công nhận để kiểm toán chi tiêu của gói cứu trợ với sự hỗ trợ của Văn phòng Tổng Kiểm toán Nhà nước. "Chính phủ cũng nên thành lập các ủy ban để sàng lọc các dự án, quản lý việc giải ngân và xem xét kỹ lưỡng các khoản chi tiêu", ông Pramon nói thêm.

 Cũng theo ông Pramon, Chính phủ cần thực thi nghiêm túc những biện pháp chống tham nhũng tại các cơ quan nhà nước, đã được Nội các thông qua vào ngày 27/3/2018. Bên cạnh đó, nên thiết lập một trang web để cung cấp cho người dân thông tin và cập nhật thường xuyên về việc sử dụng các khoản tiền trong gói cứu trợ.

 "Chính phủ phải thực hiện gói cứu trợ một cách công khai, minh bạch, cho phép công chúng tham gia giám sát; và nhanh chóng trừng phạt những người liên quan đến tham nhũng mà không ngần ngại hay thiên vị. Điều này cũng sẽ giúp Thái Lan cơ hội cải thiện thứ hạng CPI (chỉ số cảm nhận tham nhũng)", ông Pramon nói.

 Thái Lan hiện đứng thứ 101/180 quốc gia về mức độ tham nhũng khu vực công, theo đánh giá CPI 2019 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế. (Thanhtra.com.vn 19/5, Ngọc Anh)Về đầu trang

Singapore ra phán quyết tử hình qua ứng dụng Zoom

Một người đàn ông Malaysia đã bị kết án tử hình vì tội buôn bán ma túy sau khi tham dự một phiên xét xử thông qua ứng dụng gọi video Zoom.

 Đây là trường hợp đầu tiên bị kết án từ xa trong bối cảnh Singapore, một vùng dịch lớn tại Đông Nam Á, đang áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt để ngăn chặn dịch COVID-19.

 Nhiều phiên tòa xét xử ở Singapore đã bị hoãn trong thời gian nước này áp lệnh đóng cửa từ đầu tháng 4 cho tới đầu tháng 6 tới. Tuy nhiên, một số vụ quan trọng vẫn phải được xét xử và được thực hiện từ xa.

 Singapore đã áp dụng chính sách không khoan dung đối với tội phạm buôn ma túy. Nước này đã treo cổ hàng trăm người, gồm cả hàng chục người ngoại quốc, vì các tội liên quan tới ma túy trong vài thập niên qua. (VTV.vn 20/5)Về đầu trang./.

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Các tin khác