Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 18-5-2020

14:21, Thứ Hai, 18-5-2020

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Tải file tại đây

TIÊU ĐIỂM.. 1

1.                Báo Canada: Việt Nam là quốc gia đông dân nhất ghi nhận 0 trường hợp tử vong do Covid-19. 1

2.                CNN: Thành phố đầy ắp tiếng cười khi nhịp sống thường nhật quay trở lại ở Việt Nam.. 3

3.                Hãng truyền thông BBC: “Phản ứng mạnh tay” giúp Việt Nam thành công trong chống dịch COVID-19. 4

CHỈ THỊ MỚI 6

4.                Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 11-15/5. 6

TIN QUỐC HỘI 8

5.                Gần 130.000 tỷ đồng năm 2019 chưa giải ngân được. 8

6.                Đánh giá sát tình hình để phục hồi kinh tế sau COVID-19. 9

7.                Chuẩn bị Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XIV: Khẩn trương hoàn thiện các nội dung trình Quốc hội 10

8.                Đà Nẵng có thể có chính sách phát triển đặc thù vào 2021. 11

9.                Khẩn trương rà soát, hoàn thiện các nội dung trình tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội 12

10.             Bế mạc Phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Các nội dung trình Quốc hội phải đạt chất lượng tốt nhất 12

11.             Từng bước xây dựng Quốc hội điện tử. 13

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 14

12.             Cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh: Nhổ cỏ tận gốc! 14

QUẢN LÝ.. 15

13.             Nhiều ý kiến trái chiều về đề xuất bật đèn xe cả ngày. 15

14.             Hủy một phần công văn "đề nghị dân từ chối nhận hỗ trợ". 16

15.             Vi phạm nồng độ cồn chiếm 5,6% tổng số vụ vi phạm trật tự an toàn giao thông. 16

16.             Tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng lao động Việt Nam phải báo cáo hàng năm.. 17

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 18

17.             Kiểm tra công tác cải cách hành chính tại Khánh Hòa. 18

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 18

18.             Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến và "Út trọc” Đinh Ngọc Hệ sắp ra tòa. 18

19.             Hà Tĩnh: Phạt 2 triệu đồng Chủ tịch xã đánh bạc. 19

20.             Trà Vinh: Khám sức khỏe sai quy định, nhiều cán bộ Trung tâm Y tế huyện bị kiểm điểm   19

THẾ GIỚI 20

21.             Nam Phi: Cách chức 13, giáng chức 1 cán bộ vì tham nhũng, gian lận. 20

22.             Mỹ: Tổng thống Trump sa thải Tổng Thanh tra Bộ Ngoại giao Steve Linick. 21

 TIÊU ĐIỂM

Báo Canada: Việt Nam là quốc gia đông dân nhất ghi nhận 0 trường hợp tử vong do Covid-19

Tờ The Georgia Straight (Canada) nhận định Việt Nam là một trong số các quốc gia đông dân có tỷ lệ nhiễm Covid-19 thấp nhất trên thế giới.

 Vào cuối năm 2019, Vũ Hán bùng phát Covid-19 và nhanh chóng lan rộng trên Trung Quốc và ra toàn thế giới. Việt Nam – quốc gia có 1.444km đường biên giới chung với Trung Quốc đã hành động nhanh chóng và quyết liệt để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Từ ngày 1/02, Việt Nam đã ngừng cấp thị thực du lịch cho khách Trung Quốc, Hồng Kông và Ma Cao.

 Ban đầu, dù số trường hợp ghi nhận mắc Covid-19 tại Việt Nam chỉ đang ở mức rất thấp, nhưng Việt Nam không hề chủ quan. Các trường học dự định mở cửa trở lại vào ngày 3/02 sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán nhưng Chính phủ đã quyết định hoãn nhập học để phòng tránh tối đa khả năng lây nhiễm virus trong cộng đồng mặc dù tại thời điểm đó chỉ có 8 trường hợp được chẩn đoán mắc Covid-19 tại đất nước 95 triệu dân này.

 Chính phủ Việt Nam không chủ quan tin vào tuyên bố của chính phủ Trung Quốc rằng dịch bệnh đã được kiểm soát. Họ đã chủ động trong cuộc chiến chống lại Covid-19 và hành động sớm hơn mọi quốc gia khác.

 Hiện tại, theo thống kê của Worldometer, Việt Nam đã ghi nhận 312 bệnh nhân xét nghiệm dương tính với Covid-19 và không có trường hợp tử vong nào. Tỷ lệ mắc Covid-19 tại Việt Nam là 3 xét nghiệm dương tính trên 1 triệu người – thuộc nhóm quốc gia với dân số vượt quá 30 triệu người có tỷ lễ nhiễm Covid-19 thấp nhất trên thế giới.

 Ngược lại, theo các quan chức y tế, Canada (37 triệu dân, năm 2019) đã có đến 5.472 người chết vì Covid-19.

 Quốc gia đông dân nhất tiếp theo không có trường hợp tử vong do Covid-19 là Uganda. Năm 2018, dân số của Uganda là 43 triệu người.

 Mozambique và Madagascar là các quốc gia tiếp theo cũng không ghi nhận trường hợp tử vong nào do Covid-19. Dân số của họ trong năm 2018 lần lượt là 29,5 triệu người và 26,3 triệu người.

 Campuchia với 16,25 triệu (năm 2018) là cũng một quốc gia đông dân trong Đông Nam Á vẫn chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào do dịch bệnh này.Các quốc gia khác có dân số nhỏ hơn bao gồm Eritrea, Rwanda, Namibia, Nepal, Bhutan, Lào và Fiji cũng thành công khi không có bất kỳ trường hợp tử vong nào do Covid-19.

 Trong số các quốc gia đông dân thì Ethiopia (dân số 109,2 triệu người, năm 2018). là một trong những nước có tỷ lệ mắc bệnh thấp nhất. Hiện quốc gia này có tỷ lệ là 2 trường hợp dương tính với Covid-19 trên 1 triệu đân và đã ghi nhận 5 trường hợp tử vong vì căn bệnh này.

 Myanmar với dân số 53,7 triệu người (năm 2018) cũng có tỷ lệ là 2 trường hợp dương tính với Covid-19 trên 1 triệu dân nhưng đã có 6 người đã tử vong do Covid-19. (Cafef.vn 16/5, Nguyễn Hoài)Về đầu trang

CNN: Thành phố đầy ắp tiếng cười khi nhịp sống thường nhật quay trở lại ở Việt Nam

CNN đưa tin: "Sau một thời gian dài không có ca nhiễm Covid-19 mới, Chính phủ Việt Nam đã giảm bớt các biện pháp giãn cách xã hội, cho phép một số doanh nghiệp mở cửa trở lại vào ngày 23/4".

 Dấu hiệu của nhịp sống đã bắt đầu trở lại vào ngày hôm trước. Tiếng còi xe trên đường phố ngày càng lớn khi nhiều người đi xe máy, người kinh doanh đang quét dọn qua vỉa hè trước cửa hàng của họ. Tất cả các dấu hiệu cho thấy thành phố đã sẵn sàng để trở lại theo kế hoạch.

 Du lịch nội địa cũng đang hoạt động trở lại. Các hãng hàng không tăng lịch trình chuyến bay và khách sạn dần mở cửa trở lại trên cả nước.

 Chỉ với khoảng 300 ca nhiễm và không có ca tử vong, Việt Nam đã hành động nhanh hơn hầu hết các quốc gia khác, đóng cửa biên giới với Trung Quốc vào cuối tháng 1 và tạm dừng cấp thị thực để ngừng người nước ngoài nhập cảnh. Trong khi Malaysia đã ghi nhận gần 7.000 ca Covid-19 dương tính, Thái Lan có hơn 3.000 ca và Singapore là hơn 25.000 ca.

 "Tôi đến Việt Nam vào tháng 1, trước khi ca nhiễm đầu tiên xuất hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh - điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến đi Việt Nam của tôi. Khi tôi đi từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Đà Nẵng, Hội An, Huế, Tam Cốc Bích Động và cuối cùng là Hà Nội, tôi đã chứng kiến Chính phủ cách ly chặt chẽ các cộng đồng có nguy cơ, theo dõi liên lạc của các ca dương tính và cách ly bất cứ ai nhập cảnh vào nước này. Trong thời gian giãn cách xã hội, visa du lịch 3 tháng của tôi đã hết hạn, nhưng may thay, tôi được phép gia hạn thêm 3 tháng nữa với mức phí 365 USD".

 Vào giữa tháng 3, các bác sĩ, cùng với các quan chức chính phủ, đã khảo sát chỗ ở của tôi ở Tam Cốc, để đảm bảo khách được an toàn và không có virus. Đều đặn, cả sáng và tối, chúng ta sẽ nghe thấy những bản cập nhật tin tức qua loa phóng thanh và đài báo. Dường như tại bất kỳ thời điểm nào, mọi người cũng đều có đầy đủ thông tin về các trường hợp dương tính mới nhất, chi tiết đầy đủ.

 Hành động nhanh chóng và quyết liệt, cùng với các chính sách nghiêm ngặt của Chính phủ, đã giúp Việt Nam đẩy lùi virus hiệu quả hơn hầu hết các quốc gia.

 Vì điều này, Việt Nam đã có thể dỡ bỏ các biện pháp hạn chế một cách an toàn và từ từ theo từng giai đoạn. Các khu vực rủi ro cao như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có các quy tắc chặt chẽ hơn như đóng cửa các hoạt động kinh doanh không thiết yếu như quán bar, quán trà, địa điểm karaoke và các sự kiện thể thao, trong khi các cuộc tụ tập 10 người trở lên đã bị cấm.

 Mặc dù vẫn còn một số hạn chế, ngày 8/5, Thành phố Hồ Chí Minh đã dỡ bỏ lệnh cấm đối với một số cơ sở giải trí và các doanh nghiệp không thiết yếu, bao gồm quán bar, rạp chiếu phim và spa.

 Hà Nội tuần này đã mở cửa các điểm tham quan lịch sử trở lại cho du khách, trong khi các phố đi bộ và chợ đêm Hoàn Kiếm sẽ được mở cửa trở lại vào ngày 15/5.

 Bạn có muốn cho một chút trứng vào cà phê? Ở Hà Nội, cà phê trứng là món khoái khẩu của người dân địa phương. Sau khi đi du lịch về phía bắc đến Hà Nội vào cuối tháng 3, tôi đã dành 22 ngày tự cách ly. Tới ngày 23/4, tôi vô cùng háo hức để xem nhà hàng và quán cà phê nào quanh Hà Nội đã mở cửa đón khách trở lại.

 Sau một tô phở, tôi rất thèm một ly cà phê cốt dừa. Tôi ghé qua quán cà phê yêu thích, Loading T. Khuôn mặt tươi cười của anh chủ đã nói lên tất cả. Anh mời tôi ngồi và đưa tôi thực đơn. Mặc dù tôi biết chính xác tôi muốn gọi gì, nhưng tôi chưa bao giờ hào hứng khi lật qua các trang menu đến thế.

 Xung quanh tôi là rất nhiều người trẻ tuổi. Họ nói to hơn bình thường, hoặc có lẽ do tôi chưa quen nghe "tiếng người" trở lại? Họ rất hào hứng được trở lại một quán cà phê địa phương, một phần của văn hóa giới trẻ ở Việt Nam. 

Sau khi ăn đi ăn lại các món tự nấy trong thời gian cách ly, thức ăn đường phố càng hấp dẫn tôi hơn. Vì vậy, ngay khi có thể, tôi đã "làm" một bát bún chả. Ẩn mình trong một con hẻm nhỏ, Bún chả Hàng Quạt là một trong những nơi bán bún chả ngon nhất Hà Nội. Đi qua những người phụ nữ ngồi xổm quạt thịt gỡ bún, tôi ứa nước miếng. Tôi rẽ vào hẻm và không khỏi ngạc nhiên khi thấy một tá bàn chật cứng người ngồi ăn bún.

 Về nhà với cái bụng đã no và hạnh phúc, tôi thấy những người khác cũng thế. Những người phụ nữ buôn chuyện trên vỉa hè, những người đàn ông hút thuốc lào và ngắm đường phố.

 Sapa đã trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất của Việt Nam. Không có cảm giác như thành phố này thay đổi nhiều. Vâng, tất cả mọi người đều đeo khẩu trang ở nơi công cộng, và chỉ khoảng 75% các cửa hàng, nhà hàng mở cửa trở lại. Có lẽ Hà Nội quay lại với nhịp sống thường nhật sớm hơn.

 Đối với những người làm việc ngành du lịch và khách sạn, Covid-19 thật sự tàn khốc. Nhiều báo cáo cho thấy, Việt Nam đã thiệt hại 7 tỷ USD doanh thu du lịch trong tháng 1 và tháng 2.

 Giờ đây, sự phục hồi được tập trung cả vào du lịch trong nước. Vào ngày 23/4, Bộ Giao thông Vận tải đã bắt đầu cho phép tăng các chuyến bay nội địa và tàu hỏa đến các điểm du lịch chính - song phải hạn chế số hành khách. 

Nhiều khách sạn đã quyết định đóng cửa cho đến giữa tháng 5 hoặc muộn hơn do thiếu khách du lịch. Một số công ty lữ hành sẽ vẫn đóng cửa cho đến cuối năm nay.

 Khi Chính phủ thông báo rằng tình hình đã an toàn và sẽ mở lại vào cuối tháng 4, tôi đã lên kế hoạch đi Sapa, để góp phần nào đó hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương, và hít thở một chút không khí trong lành. Tôi rất mong chờ được đi bộ qua những cánh đồng, chụp ảnh trâu nước và được đắm mình vào thiên nhiên. (Cafef.vn 16/5)Về đầu trang

Hãng truyền thông BBC: “Phản ứng mạnh tay” giúp Việt Nam thành công trong chống dịch COVID-19

Hãng truyền thông BBC của Anh hôm 15/5 đã đăng tải bài viết, trong đó đưa ra nhận định về những nguyên nhân thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.

 Bài phân tích chỉ ra rằng mặc dù Việt Nam có chung đường biên giới dài với Trung Quốc và có dân số 97 triệu người, tuy nhiên, nước ta hiện chỉ ghi nhận hơn 300 ca mắc COVID-19 và không có ca nào tử vong.

 BBC đưa tin gần một tháng nay, Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, và mọi hoạt động đang dần trở lại bình thường. Bài báo của BBC nhận định rằng, theo các chuyên gia, trong khi nhiều quốc gia khác có số ca nhiễm và tử vong trên quy mô lớn, Việt Nam đã nhận thấy phải tranh thủ từng giây từng phút để hành động sớm, và có những quyết định triệt để để không bỏ lỡ "cánh cửa hẹp" chống dịch.

 Tiến sĩ Todd Pollack thuộc chương trình hợp tác Tăng cường Sức khỏe ở Việt Nam thuộc Đại học Havard nói rằng: "Khi bạn phải đương đầu với những loại mầm bệnh mới và có thể rất nguy hiểm thì phản ứng thái quá là tốt hơn".

 Nhận thấy rằng hệ thống y tế địa phương sẽ nhanh chóng bị quá tải ngay cả khi virus chỉ lây ở mức độ nhẹ, chính phủ Việt Nam chọn con đường đề phòng sớm, và trên phạm vi rất rộng. Kể từ đầu tháng Một, trước khi có ca nhiễm nào được xác nhận, chính phủ Việt Nam đã có những hành động mạnh để chuẩn bị đối phó với căn bệnh nguy hiểm - lúc này, nó đã khiến 2 người ở Vũ Hán tử vong.

 Bài báo của BBC nhắc đến thời điểm Việt Nam ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên, ngày 23/1, khi một người đàn ông đi từ Vũ Hán tới thăm con trai ở Thành phố Hồ Chí Minh - kế hoạch khẩn cấp của Việt Nam bắt đầu được triển khai.

 "Việt Nam đã hành động rất rất nhanh, điều có vẻ như khá cực đoan ở thời điểm đó nhưng sau đó được chứng tỏ là rất hợp lý", Giáo sư Guy Thwaites, giám đốc Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) tại thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị hợp tác với chính phủ Việt Nam về các chương trình bệnh truyền nhiễm, bình luận.

 Việt Nam thực hiện các biện pháp mà các nước khác phải mất hàng tháng mới làm được như hạn chế đi lại, theo dõi chặt chẽ và cuối cùng đóng cửa biên giới với Trung Quốc và tăng cường kiểm tra sức khỏe tại các cửa khẩu và những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao.

 Các trường học, đóng cửa để nghỉ Tết Nguyên đán hồi cuối tháng một, kéo dài như vậy cho tới giữa tháng Năm. Mặt khác, chính phủ Việt Nam cũng yêu cầu các cơ quan chức năng rà soát, truy tìm và cách ly trên diện rộng đối với những người tiếp xúc với nguồn bệnh. 

Giáo sư Thwaites nhận xét: "Việt Nam là một quốc gia đã đối phó với rất nhiều dịch bệnh trước đây", từ dịch SARS năm 2003 cho tới cúm gia cầm năm 2010 và nhiều đợt bùng phát dịch sởi và sốt xuất huyết khác. "Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã rất rất quen với việc đối phó với các bệnh truyền nhiễm và rất coi trọng việc này, có lẽ là hơn rất nhiều so với những quốc gia giầu có hơn".

 Đến giữa tháng 3, Việt Nam đưa tất cả cá nhân nhập cảnh từ nước ngoài và bất cứ người dân nào trong nước có tiếp xúc với những ca mắc bệnh được xác định vào các khu cách ly bắt buộc trong 14 ngày. Các chi phi phần lớn do chính phủ chi trả.

 Giáo sư Thwaites cho rằng việc cách ly trên diện rộng như vậy là hết sức quan trọng vì bằng chứng cho thấy có tới một nửa số người mắc bệnh không xuất hiện triệu chứng.

 Tất cả những ai đi cách ly đều được xét nghiệm, cho dù họ có triệu chứng hay không, và theo giáo sư Thwaites, có tới 40% các ca nhiễm được xác nhận ở Việt Nam sẽ không hề biết họ mang virus hay không nếu họ không được xét nghiệm.

 Bài báo cũng nhắc đến việc dù Việt Nam chưa bao giờ áp dụng lệnh đóng cửa tuyệt đối trên cả nước nhưng áp dụng khoanh vùng, dập dịch ở từng ổ dịch.

 Tháng hai, sau khi có một vài ca dương tính virus SARS-CoV-2 được xác định ở xã Sơn Lôi, gần thủ đô Hà Nội, hơn 10.000 người sống trong khu vực đã được cách ly. Điều tương tự cũng xảy ra với 11.000 người ở thôn Hạ Lôi gần thủ đô, và với các bác sĩ – nhân viên y tế - bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.

 Nội bất xuất, ngoại bất nhập cho tới khi những địa điểm này được xác nhận không có ca nhiễm mới nào sau 2 tuần cách ly. Biện pháp này đã chứng minh được sự hiệu quả khi giúp khoanh vùng và kiểm soát được những ca bệnh.

 Chính phủ Việt Nam cũng chú trọng nâng cao nhận thức của người dân trong việc tự phòng dịch cho bản thân. Các tin nhắn SMS được gửi đến thường xuyên qua điện thoại từ giai đoạn rất sớm chỉ dẫn người dân họ cần phải làm gì. Việt Nam tận dụng nguồn lực truyền thông sẵn có, dùng những hình ảnh và khẩu hiệu phong cách thời chiến để đoàn kết người dân trong cuộc chiến chống kẻ thù chung. Tiến sỹ Pollack nhận định chính phủ Việt Nam đã làm "rất tốt việc truyền thông cho dân chúng" về những việc cần làm.

 Tiến sỹ Pollack nhận định người dân Việt Nam hưởng ứng chính phủ vì họ "nhận thấy chính phủ đang làm tất cả những gì có thể và đang thành công, chính phủ đang làm tất cả để bảo vệ người dân".

 Còn giáo sư Thwaites thì cho rằng một số nước chưa bị nặng có thể học từ Việt Nam. Ông nói: "Phòng thì luôn tốt hơn chữa và thường là ít tốn kém hơn… Không gì có thể sánh được với lợi ích về sức khỏe và kinh tế từ việc làm theo những gì Việt Nam đã làm". (VTV.vn 17/5)Về đầu trang

CHỈ THỊ MỚI

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 11-15/5

Cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; quyết không để dịch bệnh quay trở lại; phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch sử dụng đất quốc gia... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 11-15/5. 

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2020: Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2020, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước cùng đồng hành, chung sức, đồng lòng, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, đón đầu thời cơ, quyết tâm thực hiện ‟mục tiêu kép” - vừa tập trung thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo sức bật cho phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2020; vừa tiếp tục phòng, chống dịch COVID-19, kiên quyết không để dịch bệnh bùng phát trở lại.

 Cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh: Chính phủ ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025. Mục tiêu trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025 là cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31/5/2020 được các bộ, cơ quan thống kê, tính chi phí tuân thủ và công bố lần đầu (trước ngày 31/10/2020); đồng thời, giảm tối đa số lượng văn bản hiện hành có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ.

 Phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch sử dụng đất quốc gia: Chính phủ ban hành Nghị quyết 67/NQ-CP phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia về phân bổ và khoanh vùng đất đai cho các ngành, lĩnh vực và các địa phương; sử dụng đất đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả; bảo vệ môi trường sinh thái, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững nhằm phát huy tối đa tiềm năng, nguồn lực về đất đai, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh của đất nước.

 Quyết không để dịch bệnh quay trở lại: Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo 182/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 sáng 15/5/2020. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, phát huy tinh thần đoàn kết, quyết tâm nỗ lực khắc phục khó khăn, đổi mới sáng tạo để thực hiện thắng lợi mục tiêu kép vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vừa phòng chống dịch hiệu quả trong điều kiện bình thường mới, bảo đảm sự bình yên cho nhân dân.

 Sớm đảm bảo nguồn cung thịt lợn đáp ứng đủ nhu cầu trong nước: Tại Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá quý I năm 2020 nêu rõ: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch tái đàn cụ thể, tổ chức chăn nuôi lợn theo từng vùng, từng khu vực chăn nuôi (doanh nghiệp, hộ gia đình) với lộ trình cụ thể, thời gian theo từng tháng để sớm đảm bảo nguồn cung đáp ứng đủ nhu cầu trong nước ngay đầu quý III. Theo dõi, tổng hợp, phân tích và đưa ra số liệu cụ thể về dự kiến lượng lợn thịt trong từng tháng để từ đó chủ động có phương án điều hòa cung - cầu thịt lợn.

 Nâng cao hiệu quả chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy: Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy. Có 9 nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch gồm: 1-  Hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; 2- Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; 3- Tập trung xây dựng phong trào toàn dân tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; 4- Xây dựng chiến lược, kế hoạch, phương án phòng cháy, chữa cháy; 5- Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy; 6- Nâng cao hiệu quả công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy; 7- Bảo đảm ngân sách nhà nước cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy; 8- Đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng cháy, chữa cháy; 9 - Mở rộng hợp tác quốc tế về phòng cháy, chữa cháy. 

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo: Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 51-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và xu hướng hội nhập quốc tế; tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở; xây dựng xã hội học tập... (Chinhphu.vn 16/5, Minh Hiển)Về đầu trang

TIN QUỐC HỘI

Gần 130.000 tỷ đồng năm 2019 chưa giải ngân được

Sáng 15/5, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2019, tình hình triển khai thực hiện dự toán NSNN năm 2020.

 Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tổng thu NSNN đạt 1,55 triệu tỷ đồng, vượt 139,77 nghìn tỷ đồng so dự toán, tăng 93,77 nghìn tỷ đồng so báo cáo Quốc hội; tỷ lệ huy động vào NSNN đạt 25,7% GDP, riêng từ thuế và phí đạt 21,1% GDP. Tổng chi NSNN đạt gần 1,748 triệu tỷ đồng, vượt 114,7 nghìn tỷ đồng so với dự toán, tăng 81,2 nghìn tỷ đồng so báo cáo QH.

 Như vậy, bội chi ngân sách năm 2019 gần 203.000 tỷ đồng (khoảng 8,7 tỷ USD), bằng 3,36% GDP thực hiện (hơn 6 triệu tỷ đồng). So với 2018, thâm hụt ngân sách năm 2019 giảm gần 19.000 tỷ đồng.

 Theo Bộ trưởng Tài chính, tồn tại lớn trong điều hành năm 2019 là tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nguồn NSNN vẫn chậm, cả năm đạt khoảng 70,8% dự toán, còn khoảng 128,96 nghìn tỷ đồng vốn chưa giải ngân phải chuyển nguồn sang năm 2020.

 Đối với nguồn vượt thu và tiết kiệm chi của ngân sách T.Ư năm 2019, tổng số là 49,1 nghìn tỷ đồng, gồm 32,2 nghìn tỷ đồng vượt thu (không kể số vượt thu viện trợ) và 16,9 nghìn tỷ đồng tiết kiệm chi trả nợ lãi, Chính phủ đã trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định bố trí cho các nhiệm vụ.

 Đối với nguồn vượt thu của ngân sách địa phương, tổng số là 106 nghìn tỷ đồng, sau khi sử dụng số vượt thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết để bổ sung vốn đầu tư các dự án quan trọng 73,38 nghìn tỷ và dành nguồn cải cách tiền lương năm 2020 và tích lũy cho giai đoạn 2021-2025 là 22,8 nghìn tỷ, số còn lại được sử dụng theo các nội dung đã quy định trong Luật NSNN.

 Tuy nhiên, trước tác động của đại dịch COVID-19, Chính phủ báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có hướng dẫn đề nghị các địa phương ưu tiên dành nguồn tăng thu còn lại này để thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch, hỗ trợ người dân trên địa bàn chịu tác động của dịch COVID-19 và hỗ trợ đảm bảo cân đối ngân sách địa phương trong trường hợp hụt thu so với dự toán Quốc hội giao.

 Chính phủ cũng cho biết, mức bội chi NSNN ở mức 202,97 nghìn tỷ đồng, bằng 3,36% GDP thực hiện, giảm 19 nghìn tỷ đồng so dự toán. Trong đó bội chi ngân sách T.Ư giảm 6,5 nghìn tỷ đồng, bội chi ngân sách địa phương giảm 12,5 nghìn tỷ đồng.

 Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho rằng, kết quả thu NSNN năm 2019 cho thấy những nỗ lực của Chính phủ, các Bộ ngành và địa phương, của cộng đồng DN.

 Uỷ ban cho rằng, việc tập trung ưu tiên tạo nguồn thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27 và dành nguồn chi các chính sách cấp bách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 của Chính phủ là hợp lý và đúng quy định. Uỷ ban đề nghị Chính phủ sớm phân bổ nguồn vốn này và báo cáo QH.

 Về bội chi, đa số ý kiến trong Uỷ ban cơ bản nhất trí với đánh giá của Chính phủ và cho rằng, trong khi nhu cầu chi rất lớn và nhiều nhiệm vụ chi quan trọng, cấp bách phát sinh, việc giảm bội chi NSNN năm 2019 đã thể hiện sự cố gắng rất lớn của Chính phủ trong việc siết chặt kỷ cương, kỷ luật quản lý, điều hành NSNN. (Tiền phong 16/5, Luân Dũng)Về đầu trang

Đánh giá sát tình hình để phục hồi kinh tế sau COVID-19

Ngày 15/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho thảo luận, cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

 Tại phiên họp, đa số các ý kiến đồng tình với báo cáo của Chính phủ, tuy nhiên cũng cho rằng báo cáo cần đề cập đậm nét hơn về những thành công trong nỗ lực điều hành của Chính phủ, sự chỉ đạo cương quyết của Thủ tướng và các Bộ trưởng nhằm khắc phục các hậu quả của dịch bệnh. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng điều quan trọng của báo cáo là phải chỉ ra được các giải pháp để tạo sự chủ động trong tham gia vào chuỗi sản xuất, thu hút đầu tư và giải ngân vốn đầu tư công.

 Đồng tình với những giải pháp Chính phủ đề ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần tiếp tục bám sát tình hình dịch bệnh cũng như diễn biến của nền kinh tế thế giới để có những giải pháp hiệu quả, từ đó đạt được mức tăng trưởng như kỳ vọng.

 Cũng trong chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, và cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 9 của Quốc hội. (VTV.vn 15/5)Về đầu trang

Chuẩn bị Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XIV: Khẩn trương hoàn thiện các nội dung trình Quốc hội

Sáng 16.5, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 45, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề chuẩn bị Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XIV.

 Báo cáo về một số vấn đề về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XIV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 19 ngày: Đợt 1 là 9 ngày, từ ngày 20 đến 29.5; đợt 2 là 10 ngày, từ ngày 8 đến ngày 18.6, dự phòng ngày 19.6.2020.

 Dự kiến chương trình Kỳ họp thứ Chín sẽ bổ sung các nội dung, gồm: xem xét, quyết định việc tăng vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách nhà nước; Xem xét việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Các báo cáo của Chính phủ (gửi đại biểu tự nghiên cứu) về: tài chính nhà nước năm 2018 ; tình hình triển khai thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia (như dự án Sân bay Long Thành, đường bộ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ…); tổng kết Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 ngày 4.10.2018 về việc thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

 Đề nghị chuyển sang kỳ họp sau các nội dung không kịp trình tại phiên họp thứ 45 và chưa thật sự cấp thiết như: Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội (nội dung 1); Nghị quyết về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (nội dung 2). Dự kiến chương trình hiện vẫn đang bố trí nội dung 1 vào cuối đợt 1 và nội dung 2 vào đợt 2.

 Các nội dung trình Quốc hội xem xét thông qua sẽ bố trí đọc tờ trình, báo cáo thẩm tra hoặc thảo luận tại đợt 1 trước khi trình tại đợt 2 để đại biểu có thời gian nghiên cứu và các cơ quan hữu quan tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo trước khi trình tại đợt 2.

 Tại đợt 2, bố trí thảo luận ở tổ trước khi thảo luận 2 ngày ở hội trường về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước.

 Về chuẩn bị tài liệu, đến thời điểm này có rất ít tài liệu chính thức được gửi đến đại biểu Quốc hội (dự thảo 4 Nghị quyết; Tờ trình của 2 dự án Luật; Báo cáo thẩm tra của 1 dự án Luật; 4/17 nội dung gửi đại biểu tự nghiên cứu). Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan hữu quan khẩn trương hoàn thiện việc chuẩn bị các nội dung để gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội.

 Về công tác bảo đảm khác, hiện nay, việc chuẩn bị cho công tác thông tin tuyên truyền, các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, an ninh, an toàn, lễ tân, hậu cần, phòng, chống dịch bệnh... đã hoàn thành. Trong đó đã hoàn thiện phần mềm đăng ký phát biểu và biểu quyết được cài đặt trên iPad của đại biểu. Việc đăng ký tranh luận tại Hội trường Diên Hồng thực hiện như các kỳ họp trước, còn tại các điểm cầu ở 63 địa phương được thực hiện qua đường dây nóng. Việc kiểm tra, rà soát, vận hành thử hệ thống cầu truyền hình, thử nghiệm các phần mềm đã được tiến hành nhiều lần để bảo đảm vận hành thông suốt.

 Đa số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí tán thành với một số vấn đề về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XIV. Nhất trí với các nội dung đề nghị bổ sung vào chương trình nghị sự của Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín, song các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội không tán thành việc chuyển sang Kỳ họp sau các nội dung về  dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội và dự thảo Nghị quyết về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU. Trong thời gian giữa hai đợt họp của Kỳ họp thứ Chín, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức phiên họp để giải quyết một số nội dung liên quan đến kỳ họp.

 Cũng trong sáng 16/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo tài chính nhà nước năm 2018; các dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về: sửa đổi, bổ sung một số điều và một số biểu mẫu trong phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết số 343/2017/UBTVQH14; điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân; xem xét, phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; cho ý kiến về công tác nhân sự. (Daibieunhandan.vn 16/5, Trung Thành)Về đầu trang

Đà Nẵng có thể có chính sách phát triển đặc thù vào 2021

Sáng 16/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, một số chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

 Tiếp tục phiên họp thứ 45 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 16/5, Chính phủ đề xuất, thành phố Đà Nẵng được tổ chức thành một cấp chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Cấp quận và phường không tổ chức Hội đồng nhân dân mà chỉ tổ chức cơ quan hành chính là Ủy ban nhân dân quận và Ủy ban nhân dân phường.

 Đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật đề nghị chỉnh lý dự thảo Nghị quyết theo hướng giao Thủ tướng Chính phủ, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện phân cấp cho chính quyền địa phương thành phố Đà Nẵng trong phê duyệt điều chỉnh quy hoạch thành phố và điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị gắn với những điều kiện quy định ngay trong Nghị quyết.

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và một số đại biểu cho rằng, nếu đã phân quyền về điều chỉnh quy hoạch, nên đơn giản cả thủ tục, nếu vẫn phải qua nhiều cấp như cũ thì không có ý nghĩa. Sau thảo luận, Thường vụ Quốc hội thống nhất, dự thảo nghị quyết đủ điều kiện trình để Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9. Nếu được thông qua, thành phố Đà Nẵng có thể thí điểm mô hình chính quyền đô thị từ ngày 1/7/2021. (VTV.vn 16/5)Về đầu trang

Khẩn trương rà soát, hoàn thiện các nội dung trình tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội

Đây là yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đối với các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan chức năng khác để các nội dung trình Quốc hội sắp tới đạt kết quả tốt nhất.

 Chiều 16/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chính phủ báo cáo việc triển khai Nghị quyết số 88 của Quốc hội khóa 13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và nghe dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025.

 Tại phiên thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản hoan nghênh nỗ lực của Chính phủ trong việc biên soạn sách giáo khoa và thực hiện các nội dung của Nghị quyết 88. Đồng tình với chủ trương xã hội hóa trong biên soạn sách giáo khoa, nhận định việc Bộ Giáo dục chưa hoàn thành việc biên soạn một bộ sách giáo khoa có nguyên nhân khách quan, tuy nhiên, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần lưu ý tới việc quản lý giá sách giáo khoa.

 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ báo cáo trước Quốc hội về những khó khăn trong thực hiện biên soạn bộ sách giáo khoa chuẩn dẫn đến việc chậm thực hiện một số nội dung trong Nghị quyết 88. Đối với khoản kinh phí 16 triệu USD vốn vay Ngân hàng Thế giới và 1 triệu USD vốn đối ứng, dự kiến để biên soạn sách giáo khoa nhưng không sử dụng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giao cho Chính phủ quản lý và sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích.

 Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025, Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cơ quan soạn thảo thẩm tra, rà soát lại, bám sát quy định của Luật đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước và các luật có liên quan.

 Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng đối với định mức phân bổ vốn đầu tư công, cần thể hiện cụ thể hơn, có thể xây dựng hệ số vùng miền, dân số, điều kiện địa lý để phân bổ, đặc biệt, cần chú ý đến đặc thù, hoàn cảnh của vùng và lịch sử bố trí vốn đầu tư công. 

Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan chức năng khác cần khẩn trương rà soát kỹ lưỡng và hoàn thiện các bước cuối cùng các nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 sẽ diễn ra vào ngày 20/5 tới đây. (VTV.vn 16/5)Về đầu trang

Bế mạc Phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Các nội dung trình Quốc hội phải đạt chất lượng tốt nhất

Chiều 16.5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp thứ 45.

 Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, với tinh thần làm việc hết sức khẩn trương, trách nhiệm và sự tập trung cao độ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành khối lượng lớn công việc của Phiên họp thứ 45. Các nội dung đều được tiến hành thảo luận nghiêm túc để cho ý kiến toàn diện. Tuy nhiên, do việc chuẩn bị của các cơ quan Chính phủ chưa kịp, nên đến nay vẫn còn 2 nội dung về: dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) và dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến trong thời gian tới trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín, nếu Chính phủ chuẩn bị kịP.

 Chủ tịch Quốc hội cho rằng, các cơ quan của Quốc hội và các bộ, ngành của Chính phủ đã chủ động phối hợp chặt chẽ, cố gắng đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị hồ sơ tài liệu. Tuy nhiên, vẫn còn hồ sơ tài liệu của một số nội dung quan trọng, như: việc chuyển đổi hình đầu tư đối với một số dự án thành phần đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 và việc tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agibank)… gửi quá muộn, gây khó khăn cho các cơ quan của Quốc hội trong việc thẩm tra. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ cần rút kinh nghiệm chấn chỉnh ngay tình trạng này trong các phiên họp sau. 

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, ngay sau khi phiên họp kết thúc, Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban tích cực phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội hoàn thiện và sớm phát hành Thông báo kết luận Phiên họp, làm căn cứ chính thức để các cơ quan thực hiện các bước tiếp theo. Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội và các cơ quan bám sát kết luận của phiên họp, khẩn trương hoàn chỉnh các nội dung bảo đảm chất lượng để kịp gửi đại biểu Quốc hội trước kỳ họp.

 Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, từ nay đến khai mạc Kỳ họp thứ Chín chỉ còn 3 ngày (tính cả ngày chủ nhật), vì vậy, các cơ quan của Quốc hội cùng các cơ quan, tổ chức hữu quan cần thật sự khẩn trương, rà soát kỹ lưỡng và hoàn thiện các bước cuối cùng để các nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp đạt chất lượng tốt nhất, bảo đảm phục vụ Quốc hội đưa ra những quyết sách đúng đắn, kịp thời, có sự đồng thuận cao.

 Kỳ họp thứ Chín sẽ được tổ chức theo hình thức đặc biệt hơn so với thông lệ (họp trực tuyến kết hợp với họp tập trung). Vì vậy, để Kỳ họp tới diễn ra thông suốt, đạt hiệu quả cao, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan, các Đoàn đại biểu Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội theo dõi chương trình, nắm rõ các hướng dẫn và chủ động triển khai công việc theo chức năng, nhiệm vụ; Văn phòng Quốc hội tiếp tục chủ động kiểm tra, rà soát việc chuẩn bị về mọi mặt điều kiện cơ sở kỹ thuật, công nghệ thông tin, an ninh, an toàn mạng, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh… bảo đảm sẵn sàng phục vụ kỳ họp an toàn, hiệu quả. (Daibieunhandan.vn 16/5, Trung Thành)Về đầu trang

Từng bước xây dựng Quốc hội điện tử

Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV sắp tới là kỳ họp đầu tiên mà gần một nửa được thực hiện dưới hình thức trực tuyến.

 Sự điều chỉnh này không chỉ phù hợp với thực tế hiện nay, đây còn là cơ hội để thử nghiệm công nghệ, tiếp tục đổi mới hoạt động của Quốc hội trong thời đại 4.0, với mục tiêu xây dựng Quốc hội điện tử.

 Một buổi thử nghiệm họp trực tuyến kết nối giữa Hội trường Quốc hội với các đoàn đại biểu Quốc hội trên 63 tỉnh thành chuẩn bị cho ngày khai mạc kỳ họp thứ 9 vào ngày 20/5 tới đây. Với hệ thống ứng dụng các công cụ họp thông minh, mặc dù có ngồi tại văn phòng Quốc hội ở địa phương nhưng các đại biểu Quốc hội phát biểu, biểu quyết kịp thời các vấn đề để các cuộc họp diễn ra bình thưởng như tại phòng họp trực tiếp. Văn phòng Quốc hội đã phối hợp nhiều đơn vị, nhất là trong việc thiết kế các phần mềm chuyên dụng phục vụ việc tranh luận, biểu quyết. Bởi đây là những hoạt động đặc thù, được cử tri và nhân dân kỳ vọng tại mỗi kỳ họp.

 Dù là lần đầu tiên được thực hiện, việc tổ chức kỳ họp trực tuyến được cho là sẽ có những tác động tích cực tới hiệu quả hoạt động của kỳ họp. Với hệ thống phần mềm được thiết kế chuyên biệt phục vụ các đại biểu quốc hội như hỗ trợ đại biểu phân tích các dự thảo luật có trùng lặp, mâu thuẫn với luật đã ban hành, cập nhật liên tục các tin tức liên quan đến hoạt động của Quốc hội cũng như nghị viện thế giới việc triển khai họp trực tuyến tại còn khẳng định quyết tâm xây dựng Quốc hội điện tử của Quốc hội Việt Nam.

 Trong kỳ họp thứ 9 này, giai đoạn 2 các đại biểu quốc hội sẽ họp trực tiếp tại hội trường như thông lệ. Để tạo thuận lợi cho hoạt động kỳ họp, các đại biểu Quốc hội sẽ sử dụng tiện ích kết nối việc xem báo cáo, kiểm soát tiến độ công việc và xử lý văn bản. Việc ứng dụng công nghệ, xây dựng một quốc hội điện tử sẽ giúp cho các hoạt động của Quốc hội vừa đảm bảo chất lượng, vừa phù hợp với xu hướng của thế giới. (VTV.vn 17/5)Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬNCắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh: Nhổ cỏ tận gốc!

Ngày 12.5 vừa qua, Thủ tướng ký ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025. Trong đó, Chính phủ đặt mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ liên quan đến hoạt động kinh doanh, đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các văn bản có chứa điều kiện kinh doanh, ngăn chặn việc phát sinh những quy định bất hợp lý, không cần thiết.

 Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, bãi bỏ giấy phép và điều kiện kinh doanh là liều thuốc tốt giúp phục hồi nền kinh tế, lại “có sẵn” trong tay Chính phủ và không gây tốn kém ngân sách. Vì vậy, Nghị quyết 68 - ra đời ở thời điểm này - một lần nữa cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tham gia hoạt động kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vấn đề là việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh trong giai đoạn tới đây có đạt được những kết quả thực chất hơn so với từ đầu nhiệm kỳ đến nay hay không?

 Nhìn lại thời gian qua, các bộ, ngành dù đã cắt giảm hơn 50% điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực mình quản lý nhưng việc này vẫn nặng về tính hình thức và bệnh thành tích, chưa khiến doanh nghiệp hài lòng. Đơn giản hóa điều kiện kinh doanh là Xu hướng chủ đạo của giai đoạn này, thể hiện ở tỷ lệ đơn giản hóa cao hơn hẳn so với cắt giảm hay bãi bỏ. Nhiều trường hợp chỉ là thay đổi câu chữ, cách diễn đạt, gộp các điều kiện nhỏ lại nhưng vẫn tính vào con số thành tích cắt giảm. Lại có những điều kiện không phải cắt giảm mà chuyển qua kiểm tra sau thông quan. Đặc biệt, tinh thần cải cách chưa thực sự ngấm vào những nghị định ban hành để quản lý một số lĩnh vực mới.

 Trên bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2019, tuy năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 3,5 điểm nhưng dấu hiệu tham nhũng lại giảm 10 bậc so với năm 2018 và đứng gần cuối bảng (vị trí 101). Cần lưu ý rằng, sự nhũng nhiễu của cán bộ, công chức với doanh nghiệp thông qua những quy định mang tính “cài bẫy”, “làm khó” cũng là một dạng thức tham nhũng.

 Quay lại với Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025, Chính phủ đã đề ra một số giải pháp kỹ thuật mới, có ứng dụng công nghệ. Trong đó, đáng chú ý là Chính phủ yêu cầu Văn phòng Chính phủ ngay trong năm nay phải tập trung xây dựng và đưa vào sử dụng phần mềm thống kê, rà soát quy định liên quan tới hoạt động kinh doanh. Phần mềm này phải cập nhật đầy đủ dữ liệu và tính toán được chi phí tuân thủ các quy định hiện hành của tất cả các bộ, ngành. Mọi động thái cắt giảm, bãi bỏ, sửa đổi điều kiện kinh doanh và biến động chi phí tuân thủ cũng phải được cập nhật vào phần mềm này - rất thuận tiện cho việc theo dõi, giám sát, đánh giá kết quả cải cách của từng bộ, ngành. 

Tuy vậy chừng đó cùng với những giải pháp “tăng cường chỉ đạo”, “đẩy mạnh tuyên truyền”, “nâng cao nhận thức” chưa đủ để “nhổ cỏ tận gốc”. Cần một cách tiếp cận khác trong công cuộc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, đó là Chính phủ phải xác lập được nguyên tắc quản lý đối với các hoạt động kinh doanh. Trên cơ sở đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành đề ra điều kiện kinh doanh giải trình rõ điều kiện đó nhằm mục đích gì, bảo vệ người tiêu dùng như thế nào, bảo đảm an toàn xã hội ra sao. Nếu không giải trình được, Chính phủ kiên quyết không phê duyệt cho điều kiện kinh doanh đó xuất hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật.

 Trong Nghị quyết 68, Chính phủ đặt mục tiêu kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các văn bản có chứa điều kiện kinh doanh, ngăn chặn việc phát sinh những quy định bất hợp lý, không cần thiết. Cũng chỉ có cách tiếp cận nêu trên mới giúp mục tiêu này trở thành sự thực. (Daibieunhandan.vn 17/5, Hà Lan)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Nhiều ý kiến trái chiều về đề xuất bật đèn xe cả ngày

Xe máy phải bật đèn ban ngày khi tham gia giao thông là một đề xuất mới do Bộ GTVT đưa ra trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi.

 Cụ thể, dự thảo luật yêu cầu xe máy, xe đạp điện, máy điện khi tham gia giao thông phải luôn bật đèn chiếu sáng phía trước và đèn hậu đỏ phía sau. Theo quy định hiện nay, người điều khiển xe ô tô, xe máy bắt buộc phải sử dụng đủ đèn chiếu sáng từ 19h hôm trước đến 5h ngày hôm sau, hoặc khi sương mù, thời tiết xấu gây hạn chế tầm nhìn. Nếu vi phạm, người tham gia giao thông sẽ bị xử phạt từ 100.000 - 200.000 đồng.

 Đề xuất xe máy phải bật đèn ban ngày đã nhận được nhiều luồng ý kiến khác nhau của người dân và gây tranh luận trong những ngày gần đây, trong đó có nhiều ý kiến băn khoăn, e ngại.

 Trong khi đó, nhiều chuyên gia lại ủng hộ đề xuất về bật đèn xe ban ngày. Theo quan điểm của một số chuyên gia, việc áp dụng quy định này sẽ có thể khiến việc lái xe trở nên an toàn hơn, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông. (VTV.vn 16/5)Về đầu trang

Hủy một phần công văn "đề nghị dân từ chối nhận hỗ trợ"

Hôm 16/5, UBND huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa đã hủy bỏ một phần công văn số 1113 khi đề nghị dân "làm đơn không nhận hỗ trợ của Nhà nước".

 Trong công văn trước đó có mục 2: "Đối với hộ có tên trong danh sách nhưng không đủ điều kiện hưởng thì đề nghị gia đình làm đơn không nhận chính sách hỗ trợ của Nhà nước, có xác nhận của ủy ban xã".

 Theo đại diện UBND huyện Tĩnh Gia, mục này diễn đạt chưa chuẩn về từ ngữ nên khi nhận được, lãnh đạo một số xã lúng túng, thực hiện chưa đúng hướng dẫn.

 Cũng trong ngày 16/5, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu các địa phương trong tỉnh thống kê, rà soát toàn bộ quy trình cấp phát ngân sách cho người dân trong diện chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.

 Trong quá trình rà soát, các huyện, thị xã nếu phát hiện mẫu đơn in sẵn với nội dung "tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ" do cán bộ cơ sở in phát cho người dân ký thì đều phải hủy bỏ. Các hộ dân nào trước đây từng ký mẫu đơn in sẵn, nay có nhu cầu lĩnh tiền hỗ trợ theo đúng chế độ, sẽ được tạo điều kiện làm lại thủ tục chi trả hoặc viết lại đơn.

 Trước đó ngày 9/4, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42 về việc xuất cấp từ ngân sách gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho người dân gặp khó khăn vì ảnh hưởng bởi COVID-19. Dự kiến cả nước có khoảng 20 triệu người yếu thế bị ảnh hưởng sẽ được nhận hỗ trợ từ gói an sinh này để giảm bớt khó khăn.

 Khoảng nửa cuối tháng 4, Thanh Hóa rà soát số người trong diện được hưởng (đợt một gồm người có công, bảo trợ xã hội, hộ cận nghèo và hộ nghèo). Dự kiến đầu tháng 5, ngân sách sẽ được xuất cấp đến tay người thụ hưởng.

 Tuy nhiên, những ngày qua, hàng nghìn người dân các huyện Thọ Xuân, Quảng Xương, Hoằng Hóa, Tĩnh Gia... được cho đã làm đơn tự nguyện không nhận hỗ trợ. Nhiều chủ hộ xác nhận tình nguyện ủng hộ khoản tiền cho ngân sách, song tại một số thôn xóm như ở xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia có tình trạng cán bộ vận động hộ dân ký vào mẫu đơn in sẵn chứ không phải tự nguyện. (VTV.vn 17/5)Về đầu trang

Vi phạm nồng độ cồn chiếm 5,6% tổng số vụ vi phạm trật tự an toàn giao thông

Theo thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông, ngày 16.5 - ngày thứ hai ra quân tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ, lực lượng Cảnh sát giao thông cả nước đã yêu cầu dừng xe để kiểm soát 60.168 trường hợp, lập biên bản 13.873 trường hợp vi phạm, trong đó có 497 xe khách, 95 xe container, 1.777 xe tải, 1.056 xe con, 9.811 xe mô tô. Cảnh sát giao thông đã tước 737 giấy phép lái xe các loại, phạt tiền 8,39 tỷ đồng.

 Đáng chú ý, đã có 783 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn (chiếm 5,6%), 14 trường hợp sử dụng ma túy, 1.106 người vi phạm tốc độ bị lực lượng chức năng phát hiện xử lý. Lực lượng chức năng cũng đã phát hiện 1.725 trường hợp không có giấy phép lái xe hoặc đăng ký xe, giấy phép lái xe, đăng ký xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, tẩy xóa.

 Chỉ tính riêng trên các tuyến cao tốc, các tổ công tác, đơn vị thuộc Cục Cảnh sát giao thông đã lập biên bản 154 trường hợp (trong đó có 55 xe khách, 9 xe container, 28 xe tải, 60 xe con và 2 mô tô), phạt tiền 190,2 triệu đồng, tạm giữ 6 phương tiện, tước giấy phép lái xe 41 trường hợp. 

Cũng trong ngày 16.5, cả nước xảy ra 20 vụ tai nạn giao thông, làm chết 19 người, bị thương 8 người. Không xảy ra ùn tắc giao thông. Tình hình trật tự an toàn giao thông trên tuyến bình thường, không xảy ra vụ việc phức tạp về an ninh trật tự. (Daibieunhandan.vn 17/5, Lê Hùng)Về đầu trang

Tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng lao động Việt Nam phải báo cáo hàng năm

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang dự thảo Nghị định quy định việc tuyển dụng, quản lý lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

 Theo dự thảo, khi có nhu cầu sử dụng người lao động (NLĐ) Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài phải gửi văn bản đề nghị tuyển NLĐ Việt Nam đến tổ chức có thẩm quyền tuyển dụng, quản lý NLĐ Việt Nam. Trong văn bản phải nêu rõ yêu cầu về vị trí việc làm, số lượng, trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, ngoại ngữ, thời hạn cần tuyển; quyền lợi, nghĩa vụ của NLĐ Việt Nam và của tổ chức, cá nhân nước ngoài trong quá trình làm việc và khi thôi việc đối với từng vị trí việc làm cần tuyển.

 Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của tổ chức, cá nhân nước ngoài thì tổ chức có thẩm quyền tuyển dụng, quản lý NLĐ Việt Nam có trách nhiệm tuyển dụng, giới thiệu NLĐ Việt Nam theo đề nghị của tổ chức, cá nhân nước ngoài. Hết thời hạn quy định mà tổ chức có thẩm quyền tuyển dụng, quản lý NLĐ Việt Nam không tuyển chọn, giới thiệu được NLĐ Việt Nam theo đề nghị của tổ chức, cá nhân nước ngoài thì tổ chức, cá nhân nước ngoài được trực tiếp tuyển dụng NLĐ Việt Nam. 

Trong thời hạn 7 ngày làm việc sau khi ký kết hợp đồng lao động (HĐLĐ), tổ chức, cá nhân nước ngoài phải thông báo bằng văn bản kèm bản sao HĐLĐ đã ký kết với NLĐ Việt Nam. Trường hợp HĐLĐ đã ký kết bằng tiếng nước ngoài thì phải kèm theo bản dịch tiếng Việt cho tổ chức có thẩm quyền tuyển dụng, quản lý NLĐ Việt Nam.

 Dự thảo nêu rõ, NLĐ Việt Nam khi làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam có trách nhiệm tuân thủ pháp luật về lao động của Việt Nam; thực hiện đúng các điều khoản của HĐLĐ đã ký kết với tổ chức, cá nhân nước ngoài; thực hiện đúng các quy định của tổ chức có thẩm quyền tuyển dụng, quản lý NLĐ Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.

 Tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam khi sử dụng NLĐ Việt Nam có trách nhiệm thực hiện đúng quy định của Bộ Luật Lao động và các quy định hiện hành; thực hiện đúng văn bản đề nghị tuyển NLĐ Việt Nam và HĐLĐ đã ký kết.

 Bên cạnh đó, trước ngày 10-6 và ngày 10-12 hằng năm, tổ chức, cá nhân nước ngoài khi sử dụng lao động Việt Nam báo cáo 6 tháng và hằng năm (hoặc đột xuất khi có yêu cầu) về tình hình tuyển dụng, sử dụng NLĐ Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài. (Nld.com.vn 17/5, G.Nam)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Kiểm tra công tác cải cách hành chính tại Khánh Hòa

Chiều 15/5, Đoàn công tác Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ do Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình làm Trưởng đoàn đã đến kiểm tra công tác cải cách hành chính tại Khánh Hòa.

 Đánh giá cao sự chủ động, tích cực của cả hệ thống chính trị tỉnh Khánh Hòa trong việc nỗ lực đạt được các mục tiêu đề ra, nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch, hoàn thành sớm thời hạn trong lĩnh vực cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2020, Phó Thủ tướng đề nghị Khánh Hòa tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc triển khai nhanh chóng, thuận lợi các gói hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch COVID-19....

 Nhân dịp này, Đoàn công tác Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã trao 200 triệu đồng cho Quỹ khuyến học tỉnh Khánh Hòa và đến thăm hỏi các gia đình chính sách ở TP Nha Trang. (VTV.vn 16/5)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến và "Út trọc” Đinh Ngọc Hệ sắp ra tòa

Đinh Ngọc Hệ bị truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" trong khi nguyên Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiến bị truy tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

 Từ ngày 18 đến ngày 20/5, tại trụ sở Tòa án quân sự Thủ đô Hà Nội, Tòa án quân sự Quân chủng Hải quân mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Đinh Ngọc Hệ và đồng phạm bị truy tố về tội "Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản", "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai", "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

 Cụ thể, các bị cáo: Đinh Ngọc Hệ (còn gọi là Út trọc), Phó Tổng giám đốc - Tổng Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng (BQP), Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P; Phạm Văn Diệt, Tổng giám đốc điều hành Công ty cổ phần tập đoàn Đức Bình, Giám đốc điều hành Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh; Vũ Thị Hoan, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Yên Khánh Hải Thành, bị truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

 Các bị cáo: Bùi Như Thiềm, Trưởng phòng Kinh tế, Quân chủng Hải Quân đã nghỉ hưu; Bùi Văn Nga, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dịch vụ và Du lịch biển đảo Hải Thành, Quân chủng Hải Quân đã nghỉ hưu; Trần Trọng Tuấn, Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dịch vụ và Du lịch biển đảo Hải Thành, Quân chủng Hải Quân, bị truy tố về tội "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai".

 Bị cáo Nguyễn Văn Hiến, nguyên Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã nghỉ hưu bị truy tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

 Tại Hội nghị Trung ương 12 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương cũng đã xem xét, quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với đồng chí Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. (VTV.vn 17/5)Về đầu trang

Hà Tĩnh: Phạt 2 triệu đồng Chủ tịch xã đánh bạc

Công an huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh vừa quyết định xử phạt 2 triệu đồng đối với ông Phạm Đại Dũng, Chủ tịch UBND xã Hương Lâm vì tụ tập đánh bạc giữa mùa dịch COVID-19. 7 trường hợp tham gia chơi bài khác mỗi người phải nộp phạt 1,5 triệu đồng.

 Theo cơ quan công an, hành vi của những người trên không đủ căn cứ xử lý hình sự nên phạt hành chính, theo Nghị định 176/2013.

 Công an huyện Hương Khê cũng đã có văn bản gửi Huyện ủy và UBND huyện đề nghị kỷ luật ông Phạm Đại Dũng về mặt Đảng và chính quyền.

 Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh ông Dũng cùng 8 người đánh bài tại nhà riêng của một hộ dân ở xã Hương Lâm. Trên chiếu, ngoài các lá bài còn có nhiều tờ tiền mệnh giá 50.000 đồng và 100.000 đồng.

 Ngay sau khi tiếp nhận sự việc, UBND huyện Hương Khê đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác 10 ngày đối với ông Dũng để phối hợp với các đơn vị, cá nhân có liên quan làm rõ nội dung tố cáo trên. (VTV.vn 17/5, Đình Hải)Về đầu trang

Trà Vinh: Khám sức khỏe sai quy định, nhiều cán bộ Trung tâm Y tế huyện bị kiểm điểm

Ngày 17/5, nguồn tin của Tiền Phong cho biết, qua phản ánh của công dân, Sở Y tế Trà Vinh đã cáo báo cáo với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh về một số nội dung sai phạm tại Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Cầu Ngang.

 Cụ thể, dù không đủ điều kiện, nhưng từ tháng 8/2012 TTYT huyện Cầu Ngang đã tổ chức khám sức khỏe cho nhiều cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và không được TTYT huyện Cầu Ngang báo cáo về Sở Y tế.

 Theo quy định, đơn vị muốn tổ chức khám sức khỏe phải lập hồ sơ công bố thực hiện việc khám sức khỏe theo quy định tại Điều 12 của Thông tư 14/2013/TT-BYT và chỉ được thực hiện tại cơ sở khám chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động theo Luật khám chữa bệnh.

 Đáng nói, TTYT huyện Cầu Ngang tổ chức khám sức khỏe khi chưa lập hồ sơ công bố đủ điều kiện thực hiện khám sức khỏe, không đủ chuyên khoa, không đảm bảo về nhân sự và chưa được Sở Y tế chấp thuận, chưa có giấy phép hoạt động là sai quy định.

 Theo báo báo của Sở Y tế Trà Vinh, tổng thu giai đoạn từ năm 2014-2019 trong công tác khám sức khỏe không đúng quy định của TTYT huyện Cầu Ngang là hơn 326 triệu đồng.

 Sau khi có kết luận thanh tra, ngày 30/3, Sở Y tế Trà Vinh có quyết định số 224 về việc thu hồi nộp ngân sách đối với TTYT huyện Cầu Ngang số tiền hơn 262 triệu đồng (Số tiền này đã khấu trừ các khoản chi phí phục vụ cho công tác khám sức khỏe).

 Với những sai phạm, Sở Y tế đã chỉ đạo xử lý, kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể Ban giám đốc TTYT huyện Cầu Ngang do thiếu tinh thần, trách nhiệm khi thực hiện nhiệm vụ, làm trái quy định trong công tác khám sức khỏe.

 Đồng thời, kiểm điểm trách nhiệm cá nhân trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, trách nhiệm người đứng đầu đối với ông Lê Văn Dũng, Giám đốc TTYT huyện Cầu Ngang.

 Kiểm điểm trách nhiệm cá nhân nhiệm kì 2014 -2019 đối với ông Mai Văn Kết - Trưởng phòng Tổ chức – Hành chính- Kế hoạch - Tài chính do chưa thực hiện tốt vai trò tham mưu cho Giám đốc TTYT để hoàn chỉnh các hồ sơ, thủ tục, điều kiện, … Bà Lê Thị Hồng Phượng – Kế toán trưởng của TTYT cũng bị kiểm điểm vì chưa thực hiện tốt vai trò tham mưu, thực hiện việc thu, chi tiền khám sức khỏe đúng quy định. (Tienphong.vn 17/5, Nhật Huy)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Nam Phi: Cách chức 13, giáng chức 1 cán bộ vì tham nhũng, gian lận

Bộ trưởng Bộ Định cư, Nước và Vệ sinh Nam Phi Lindiwe Sisulu vừa thông tin với báo chí kết quả điều tra về những gian lận, tham nhũng và bất thường trong chi tiêu tại Bộ và các cơ quan phụ trách vấn đề nước trong khoảng thời gian từ tháng 1/2012 đến 30/9/2019. 

Theo bà Lindiwe Sisulu, mặc dù còn rất nhiều vấn đề tồn đọng, nhưng đã có 249 vụ việc được điều tra và hoàn thiện điều tra; 13 cán bộ đã bị cách chức.

 Trong số 249 vụ việc, 139 vụ tìm thấy vi phạm và đã được đề nghị xử lý kỷ luật. Cụ thể: 86 cán bộ được thấy là đã phạm tội; 14 cán bộ được thấy là không có tội; 24 cán bộ đã từ chức;  1 cán bộ đã được phục chức sau khi xem xét.

 Các biện pháp kỷ luật đã được thực hiện: 13 cán bộ bị cách chức; 1 cán bộ bị giáng chức; 11 cán bộ bị đình chỉ 3 tháng không lương; 6 cán bộ bị đình chỉ 2 tháng không lương.

 Ban Quản lý Nước Amatola ở tỉnh Eastern Cape và Lepelle Northern của tỉnh Limpopo cũng nằm trong danh sách bị điều tra vì những chi tiêu bất thường, sai phạm trong quản lý và quản trị kém, Bộ trưởng nói.

 Giám đốc Điều hành của Amatola là Vuyo Zitumane đang bị đình chỉ để phục vụ công tác điều tra. Bộ cũng đã chuyển 18 trường hợp sang bên cảnh sát và lực lượng cảnh sát điều tra trọng án (Hawks) để thực hiện điều tra và có thể truy tố.

 Trong năm tới, sẽ có thêm 151 cuộc điều tra về chi tiêu bất thường và 13 cuộc điều tra pháp lý dự kiến được thực hiện. Theo Bộ trưởng Sisulu, các dự án có giá trị hơn 16 tỷ Rand (hơn 870 triệu USD) đã được trao bất thường trong khoảng thời gian điều tra (1/2012 - 30/9/2019). (Thanh tra 16/5, Ngọc Anh)Về đầu trang

Mỹ: Tổng thống Trump sa thải Tổng Thanh tra Bộ Ngoại giao Steve Linick

Tổng thống Mỹ Donald Trump chiều 15/5 đã quyết định sa thải Tổng Thanh tra Bộ Ngoại giao Steve Linick, người được cho là đang mở cuộc điều tra nhằm vào Ngoại trưởng Mike Pompeo.

 Bộ Ngoại giao Mỹ đã xác nhận quyết định sa thải trên, song không nêu rõ lý do. Trong bức thư gửi Quốc hội Mỹ, Tổng thống Trump cho biết ông Linick không còn được tin tưởng hoàn toàn và ông sẽ phải rời nhiệm sở trong vòng 30 ngày.

 Các nghị sỹ Dân chủ tại Hạ viện đã lập tức chỉ trích quyết định trên. Chủ tịch Ủy ban đối ngoại của Hạ viện Eliot Engel cho rằng Tổng Thanh tra Bộ Ngoại giao Steve Linick bị sa thải vì đã mở cuộc điều tra nhằm vào người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ.

 Nghị sỹ Engel không cung cấp thông tin chi tiết về cuộc điều tra trên, song Văn phòng Tổng Thanh tra đã công bố một số báo cáo chỉ trích cách xử lý của Bộ Ngoại giao Mỹ trong các vấn đề nhân sự, trong đó có cáo buộc một số nhân vật được ông Trump chỉ định có hành động trả đũa các viên chức đang hành nghề.

 Về phần mình, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cũng phê phán quyết định sa thải Tổng thanh tra Linick.

 Ông Linick được bổ nhiệm từ năm 2013, dưới thời chính quyền Tổng thống Barack Obama. Quyết định sa thải trên là động thái mới nhất trong một loạt động thái của chính quyền Tổng thống Trump chống lại các cơ quan hành pháp độc lập.

 Được biết, ông Stephen Akard, người có quan hệ thân thiết với Phó Tổng thống Mike Pence, dự kiến sẽ thay thế ông Linick.

 Ông Akard hiện đang điều hành Vụ quản lý các phái bộ ngoại giao, trực thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ. (Thanh tra 16/5, Bích Liên)Về đầu trang./.

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

 

Các tin khác