Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 29-4-2020

16:13, Thứ Tư, 29-4-2020

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Tải file tại đây

TIÊU ĐIỂM.. 1

1.                Mong có nhiều lãnh đạo biết “liệu cơm gắp mắm”. 1

2.                Máy xét nghiệm - nhiều biểu giá, lắm chiêu trò. 2

TIN QUỐC HỘI 3

3.                Phiên họp thứ 44 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Đề xuất tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến năm 2025. 3

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 5

4.                CNBC: Tại sao Việt Nam nổi lên như một ứng cử viên sáng giá cho vị trí trung tâm sản xuất của thế giới hậu COVID-19?. 5

5.                Đề nghị giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 5% để hỗ trợ doanh nghiệp. 6

6.                Doanh nghiệp đề xuất miễn đóng phí công đoàn năm 2020. 7

7.                4 tháng đầu năm, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh cao nhất cùng kỳ 5 năm   8

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 8

8.                Cán bộ giàu nhanh là có dấu hiệu bất chính và phi pháp. 8

QUẢN LÝ.. 9

9.                Tham nhũng vặt đã giảm, người dân còn phải "lót tay" những chỗ nào?. 9

10.             Dân mong chờ lắm rồi, lúc người ta đói, cần phải hỗ trợ ngay! 10

11.             Sách trắng doanh nghiệp 2020: Doanh nghiệp nhà nước dẫn đầu về chỉ số nợ. 12

12.             Hà Nội sẽ xây dựng khung giờ hoạt động cho từng loại cửa hàng kinh doanh. 13

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 13

13.             TPHCM phát động thi đua cao điểm cải cách hành chính. 13

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 14

14.             VEPR: Mỗi năm thất thu thuế 13,3 - 20,7 nghìn tỷ đồng. 14

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 14

15.             Điều chuyển công tác Trung tá Công an bị tố bao che vợ chồng Đường Nhuệ. 14

16.             Khởi tố hàng loạt cán bộ của Sở Y tế Đăk Lăk. 16

17.             Đình chỉ công tác Giám đốc Trung tâm văn hóa đem chuông bán đồng nát 16

THẾ GIỚI 17

18.             Nhiều nước nới lỏng lệnh giãn cách xã hội một cách thận trọng. 17


TIÊU ĐIỂM

Mong có nhiều lãnh đạo biết “liệu cơm gắp mắm”

Ông Đỗ Văn Hùng - Giám đốc Sở Y tế Quảng Trị cho biết, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) mua 1 hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR với giá 1,45 tỉ đồng và 1 máy tách chiết mẫu tự động với giá 650 triệu đồng. 

So với giá máy Realtime PCR các tỉnh khác đã mua, tỉnh Quảng Trị đã mua với giá siêu rẻ. Bởi vì theo ông Hùng: “Chúng tôi cũng muốn mua máy cấu hình cao, xét nghiệm được nhiều hơn, nhưng chúng tôi phải liệu cơm gắp mắm, chọn loại máy cấu hình thấp hơn, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng xét nghiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương”.

 Quá hay với câu “liệu cơm gắp mắm” và “phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương” của ông Hùng. 

 Còn với các địa phương khác, giá mua máy cao trên trời. Tỉnh Quảng Nam mua hệ thống xét nghiệm Real-time PCR theo hình thức chỉ định thầu, với giá 7,2 tỉ đồng.

Cho dù là máy của tỉnh Quảng Trị mua có cấu hình thấp hơn, xét nghiệm được ít mẫu hơn trên cùng đơn vị thời gian so với máy có cấu hình cao, nhưng giá chênh lệch gần 5,8 tỉ đồng là quá vô lý.

 Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết: “Trường hợp cần thiết sẽ giao cho Thanh tra tỉnh thực hiện thanh tra toàn bộ việc mua sắm thiết bị, nếu sai phạm sẽ xử lý theo quy định”. Với mức giá chênh lệch đáng ngờ này, còn chần chừ gì nữa mà không thanh tra làm rõ.

 Loại máy tỉnh Quảng Nam mua tương tự như CDC Hà Nội đã mua, giá lại còn cao hơn. Hà Nội đã có căn cứ khởi tố vụ án, bắt tạm giam 7 đối tượng liên quan. Còn Quảng Nam thì sao?

 Không khó để làm rõ vụ mua bán máy xét nghiệm Realtime PCR của Quảng Nam. Công ty  Cổ phần Thương mại và đầu tư Giải Pháp Việt trúng gói mua sắm hệ thống xét nghiệm Real-time PCR tự động. Công ty Giải Pháp Việt không nhập khẩu máy trực tiếp từ nước ngoài mà nhập lại từ một công ty khác, sau đó bán cho tỉnh Quảng Nam.

 Cứ gõ hết các cánh cửa này thì sẽ làm ra giá cả thật sự của chiếc máy này. Giá nhập khẩu, hợp đồng mua bán, có ăn chia hay không? Nếu có dấu hiệu sai phạm thì cứ “hốt” như trường hợp quan chức và nhân viên CDC Hà Nội. 

Nếu không có dấu hiệu nâng giá để tham nhũng chia nhau, thì cũng cần xem lại cách tiêu xài tiền ngân sách. Cũng mua sắm thiết bị y tế phòng chống dịch bệnh, nhưng nếu như lãnh đạo ngành y tế tỉnh Quảng Nam cũng biết liệu cơm gắp mắm như giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị thì tiết kiệm cho địa phương không ít tiền. (Lao Động 28/4, Lê Thanh Phong)Về đầu trang

Máy xét nghiệm - nhiều biểu giá, lắm chiêu trò

Từ vụ án vừa khởi tố ở Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội, có lẽ quyết tâm chống tham nhũng cần song hành mạnh mẽ cùng quyết tâm chống Covid-19.

 Sau khi cơ quan công an khởi tố và bắt giam Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội - Nguyễn Nhật Cảm và 6 đối tượng liên quan vì hành vi “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, thì hàng loạt câu chuyện dở khóc dở cười xung quanh cái máy xét nghiệm Covid-19 đã xảy ra.

 Máy xét nghiệm Real-time PCR tự động là tổ hợp các máy tách chiết, phân tích kết quả xét xét nghiệm, có ý nghĩa rất quan trọng để phục vụ cho cuộc chiến chống đại dịch toàn cầu.

 Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã móc nối với các doanh nghiệp tư nhân mua bán lòng vòng và thổi giá mỗi cái máy xét nghiệm lên đến 7 tỷ đồng, nghĩa là đắt gấp 3 lần so với giá phổ biến trên thị trường.

 Tranh thủ cơn nguy khốn của cộng đồng để móc ngoặc tham nhũng là một việc làm không chỉ vi phạm pháp luật mà còn bộc lộ sự đê hèn tha hóa ở một bộ phận cán bộ biến chất.

 Tuy nhiên, sai phạm ở Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội có phải cá biệt và duy nhất không, lại là một vấn đề cần phải giám sát và điều tra nghiêm túc.

 Chỉ với 3 máy xét nghiệm được mua gấp gáp, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã ăn chặn khoảng 15 tỷ đồng ngân sách.

 Trong bối cảnh cần khống chế virus corona, bỏ tiền để trang bị máy xét nghiệm cho các đơn vị y tế là điều đáng ủng hộ. Thế nhưng, khi cái lợi phơi bày trước mắt những kẻ tham lam và ích kỷ, thì không thể không có quy trình theo dõi giá cả chặt chẽ.

 Kỳ lạ thay, khi đường dây bẩn thỉu ở Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội bị phanh phui, thì nhiều nơi đang vận hành máy xét nghiệm Covid-19 lại khẳng định thiết bị hiện có của họ là phương tiện đi mượn.

 Quái lạ, sao lại có công ty nào dễ dàng chi ra bạc tỷ để nhập khẩu máy xét nghiệm rồi cho mượn khắp nơi như vậy? Nếu thật sự có đơn vị hảo tâm đến mức độ ấy, thì tại sao lâu nay những chỗ được mượn máy xét nghiệm không báo cáo với Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 để biểu dương và khen ngợi kịp thời tấm lòng nhân ái cao thượng?    

 Ngoài vài trường hợp máy xét nghiệm bỗng dưng được cho mượn thoải mái, thì giá cả của máy xét nghiệp được mỗi địa phương thẩm định theo một kiểu khác nhau. Đà Nẵng mua máy xét nghiệp với giá gần 1,4 tỉ đồng, còn Quảng Nam mua máy xét nghiệm với giá 7,2 tỷ đồng.

 Trớ trêu hơn, Quảng Ninh và Thái Bình sau khi đưa máy xét nghiệm vào sử dụng, thì lại yêu cầu đàm phán để giảm giá xuống dưới 6 tỷ đồng. Trong khi đó, Lâm Đồng và Gia Lai được doanh nghiệp tư nhân tặng máy xét nghiệm với giá dưới 2 tỷ đồng.

 Có phải máy xét nghiệm có nhiều chủng loại và có nhiều công năng khác nhau để giá cả chênh lệch hàng tỷ đồng không? Hay mỗi máy xét nghiệm khi được nhập khẩu vào nước ta và được mua bằng tiền Nhà nước thì đã có nhiều chiêu trò dị hợm và khuất tất? 

Từ sự xuống cấp đạo đức thầy thuốc và đạo đức công chức rất thảm hại ở Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội, có lẽ quyết tâm chống tham nhũng cần song hành mạnh mẽ cùng quyết tâm chống Covid-19. (Nông Nghiệp Việt Nam 28/4, tr1+2, Lê Thiếu Nhơn) Về đầu trang

TIN QUỐC HỘI

Phiên họp thứ 44 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Đề xuất tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến năm 2025

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 44, sáng 28/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.

 Theo Tờ trình của Chính phủ, việc tiếp tục thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp là cần thiết nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Việc miễn thuế cũng hỗ trợ tạo công ăn việc làm cho khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống của người nông dân, phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam và thông lệ quốc tế.

 Việc ban hành dưới hình thức Nghị quyết của Quốc hội để tiếp tục thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trong thời hạn 5 năm (từ 1/1/2021 đến hết 31/12/2025) là phù hợp, vì chỉ thực hiện trong thời gian nhất định. Giai đoạn trở về sau, cần thiết phải có đánh giá tác động trong tổng thể các chính sách thuế liên quan đến bất động sản để đề xuất chính sách phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và đảm bảo tính khả thi. 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phân tích, việc tiếp tục miễn thuế đến hết năm 2025 sẽ không làm giảm thu ngân sách nhà nước do đây là chính sách đang được thực hiện trên thực tế. Số thuế được miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm sẽ tiếp tục là hình thức hỗ trợ trực tiếp tới người nông dân, là nguồn đầu tư tài chính quan trọng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn để mở rộng quy mô sản xuất, qua đó giúp người nông dân cải thiện cuộc sống. Quy định này không gây xung đột, vướng mắc trong quan hệ thương mại với các nước, không vi phạm các cam kết quốc tế của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). 

Qua thảo luận, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết tiếp tục ban hành chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho giai đoạn 2021-2025.

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, nông nghiệp vẫn là cứu cánh cho nền kinh tế những lúc khó khăn nhất. Ngay cả khi dịch COVID-19 xảy ra, công nghiệp, dịch vụ đình trệ nhưng nông nghiệp vẫn sản xuất, công nhân mất việc tạm thời vẫn quay về mảnh vườn của mình.

 Cho rằng miễn thuế hơn 7.000 tỷ đồng/năm cho khu vực đang chiếm 70% dân số của cả nước là không lớn, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, chính sách này rất quan trọng với tam nông. Vì thế, việc Quốc hội khóa XIV ban hành một Nghị quyết để kéo dài thời gian thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp là cần thiết.

 Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, Chính phủ cần đánh giá kỹ lưỡng, thận trọng về phạm vi, đối tượng được tiếp tục miễn thuế nhằm khuyến khích sử dụng đất có hiệu quả và không lãng phí đất đai. "Trong 5 năm tới, Chính phủ phải báo cáo đầy đủ việc thực hiện chính sách này trong 20 năm qua đã mang lại kết quả gì để làm cơ sở sửa đổi Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp. Khi đó, phải tính tới những cam kết của Việt Nam trong các Hiệp định thương mại tự do để tiếp thu đầy đủ", Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, Chính phủ cần đánh giá tác động toàn diện, hoàn thiện hồ sơ và tổng kết 20 năm thực hiện chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Chính sách thuế phải được nhìn nhận đầy đủ dưới cả 3 góc độ: thu ngân sách, đòn bẩy thúc đẩy sản xuất phát triển và công cụ quản lý của nhà nước. (VTV.vn 28/4)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

CNBC: Tại sao Việt Nam nổi lên như một ứng cử viên sáng giá cho vị trí trung tâm sản xuất của thế giới hậu COVID-19?

Trung Quốc có thể lung lay vị thế là nhà máy lớn nhất thế giới trong thời kỳ hậu COVID-19. Quốc gia này cũng sẽ thấy sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia nhỏ hơn như Thái Lan, Bangladesh, Việt Nam và Philippines.

 Một chuỗi các sự kiện: chi phí lao động tăng cao, cuộc chiến thương mại tốn kém với Hoa Kỳ, đại dịch Covid-19 bắt nguồn từ nước này... đang đe dọa trực tiếp đến vị thế của Trung Quốc – nhà máy của toàn thế giới.

 Nhưng ngay cả khi các quốc gia, bao gồm Ấn Độ, chạy đua để trở thành điểm đến ưa thích của các công ty quốc tế muốn giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, thì Việt Nam đang nổi lên như một ứng cử viên sáng giá để giành cho mình một miếng bánh lớn trong thời kỳ hậu COVID-19.

 Đây là các số liệu minh chứng cho điều này: Chỉ số Reshoring của Kearney Hoa Kỳ, so sánh sản lượng sản xuất của Hoa Kỳ với sản lượng nhập khẩu sản xuất từ ​​14 quốc gia châu Á, đã tăng lên mức cao kỷ lục vào năm 2019, nhờ nhập khẩu Trung Quốc giảm 17%. 

Phòng Thương mại Mỹ ở Nam Trung Quốc cũng phát hiện ra rằng 64% các công ty Mỹ ở miền nam nước này đang xem xét chuyển nhà máy sản xuất đi nơi khác, theo một báo cáo của Medium.

 Tuy nhiên, sản lượng hàng nhập khẩu vào Mỹ được sản xuất tại Việt Nam tăng lên báo hiệu cho thấy 2 quốc gia đang ngày càng tạo dựng mối quan hệ thương mại chặt chẽ.

 Trung Quốc cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia nhỏ hơn như Thái Lan, Bangladesh và Philippines vì chi phí lao động thấp hơn nhiều.

 Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam cũng đã thực thi nhiều chính sách ưu đãi để thu hút các công ty nước ngoài, cho phép các nhà sản xuất tiếp cận khu vực thương mại tự do ASEAN và các hiệp định thương mại với các nước trên khắp châu Á và EU, cũng như Hoa Kỳ. 

Gần đây, Việt Nam đã đẩy mạnh sản xuất thiết bị y tế và quyên góp các vật tư y tế cần thiết cho các quốc gia đang cần, bao gồm Hoa Kỳ, Nga, Tây Ban Nha, Ý, Pháp, Đức và Vương quốc Anh, nhằm chung tay chống lại Covid-19.

 Ngân hàng đầu tư Nomura của Nhật Bản cũng ước tính kinh tế Việt Nam sẽ tăng 1,5 % trong năm nay.

 Ngân hàng Thế giới dự báo trong trường hợp xấu nhất về COVID-19 thì tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam sẽ giảm xuống 1,5% trong năm nay và được cho là tốt hơn so với hầu hết các quốc gia ở Nam Á. 

Điều đó không có nghĩa là Ấn Độ đã không tăng cường nỗ lực để thu hút các nhà đầu tư đến với quốc gia này. Tháng trước, Ấn Độ đã phê duyệt các gói ưu đãi trị giá 48.000 crore (tương đương 7,215 triệu USD) với để thúc đẩy các đại gia viễn thông quốc tế sản xuất tại đây. 

Các quan chức nói với tờ the Economic Times rằng Chính phủ Ấn Độ đang xem xét nhiều cách khác nhau để biến quốc gia này thành một trung tâm xuất khẩu, tận dụng điểm bất lợi từ Trung Quốc sau đại dịch corona, đặc biệt là đối với các ngành dược phẩm và ô tô. (Cafef.vn 28/4)Về đầu trang

Đề nghị giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 5% để hỗ trợ doanh nghiệp

Đại diện một số hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) xuống còn 5%, giảm tiền thuê đất… để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

 Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) vừa có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất bổ sung nội dung dự thảo Nghị quyết “Về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19” nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) giữ được dòng vốn duy trì sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động trước khi kiệt quệ, đổ vỡ.

 Theo Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, các DN hiện nay đang rất cần vốn lưu động để duy trì sản xuất kinh doanh, việc phải đóng 10% thuế VAT và phải đợi đến cuối năm mới được hoàn trả sẽ gây nhiều khó khăn cho các DN, đồng thời, cũng khó để thực hiện các chính sách kích cầu tiêu dùng đối với các sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp cung ứng. Vì vậy, Ban IV và các hiệp hội DN kiến nghị giảm thuế suất VAT từ 10% xuống 5% để giảm chi phí cho người tiêu dùng nhằm kích cầu cho các ngành trong và ngay sau dịch.

 Với quy định “Giảm 30% tiền thuê đất trong thời hạn 6 tháng đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh bị ngừng sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19”, Ban IV và các hiệp hội đề nghị bổ sung quy định “Giảm 50% tiền thuê đất trong thời hạn 9 tháng đối với các DN lưu trú du lịch (khách sạn, khu nghỉ dưỡng...).

 “Các DN nói trên là ngành bị thiệt hại nặng nề nhất trong đại dịch và cũng là ngành sẽ phục hồi chậm hơn các ngành khác. Chi phí tiền thuê đất chiếm tỷ lệ đáng kể trong cơ cấu giá thành của các DN này. Để hỗ trợ các DN kích cầu du lịch bằng cách giảm giá dịch vụ sau dịch bệnh thì việc giảm giá thành thuê đất sẽ rất hiệu quả”, đại diện Ban IV cho hay.

 Ban IV và các hiệp hội cũng đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Công Thương trình Chính phủ cho bổ sung việc giảm giá nước sạch trong năm 2020, bởi lẽ quy định “Miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước... trong năm 2020” sẽ tạo khả năng giảm giá nước sạch.

 Đối với nội dung “Giảm lãi suất cho vay đối với DN nhỏ và vừa... khoảng 2%”, đề xuất bổ sung ý kiến Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) đã gửi Thủ tướng căn cứ kết quả khảo sát gần 400 DN đại diện các mảng du lịch, lữ hành, dịch vụ liên quan là “Gói hỗ trợ tài chính bằng hình thức vay vốn có bảo lãnh của Chính phủ cho các DN du lịch. Lãi suất: bằng lãi suất tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước ở thời điểm rút vốn vay + 0,5% (hiện tại là 5%/năm + 0,5% = 5,5%), cố định trong 6 tháng và điều chỉnh theo lãi suất tái cấp vốn tại thời điểm + 0,5%”.

 Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cũng đề nghị Bộ Xây dựng nhanh chóng hoàn thành các quy định về condotel và các bất động sản lưu trú tương tự khác để cung cấp cho người mua cơ sở pháp lý hợp lý và khả năng được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ, sổ hồng). Bởi đây là vấn đề lớn đã được nêu ra trước đây và trong bối cảnh đại dịch, ngành bất động sản gần như đóng băng.

 “Việc cung cấp một cơ sở pháp lý cho các sản phẩm này để người mua có thể tài trợ an toàn các tài sản dạng này và/hoặc có thể dễ dàng bán các tài sản này để huy động tiền mặt sẽ trợ giúp rất lớn cả cho các DN bất động sản, bất động sản du lịch cũng như là biện pháp kích cầu tốt nhằm huy động dòng tiền trong dân để phục hồi kinh tế”, đại diện Ban IV nhận định. (VOV.vn 27/4)Về đầu trang

Doanh nghiệp đề xuất miễn đóng phí công đoàn năm 2020

Thay vì giãn thời gian nộp phí công đoàn 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp, hiệp hội đề nghị được miễn hoàn toàn loại phí này.

 Đề nghị này được Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính gửi Bộ Kế hoạch & Đầu tư, góp ý về dự thảo Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19.    

Quy định Luật Công đoàn 2012, doanh nghiệp đóng quỹ công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Cuối tháng 3, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam hướng dẫn doanh nghiệp lùi thời gian đóng phí công đoàn 6 tháng đầu năm 2020 với các doanh nghiệp có 50% lao động thuộc diện đóng bảo hiểm xã hội phải nghỉ việc.

 Tuy nhiên, khảo sát của Ban IV cho thấy rất ít doanh nghiệp nằm trong diện được lùi đóng phí công đoàn, do không đạt tiêu chí có một nửa lao động đang đóng bảo hiểm xã hội phải nghỉ việc. Chưa kể, việc chứng minh thiệt hại rất khó khăn, phức tạp. 

Các doanh nghiệp cũng cho rằng, nếu đã phải cho nghỉ nửa lao động đóng bảo hiểm xã hội, nghĩa là doanh nghiệp đã kiệt quệ, "chết lâm sàng" không thể thu xếp tài chính để chi trả cho các khoản phí trên.

 Vì thế, hoãn đóng phí công đoàn một số tháng năm 2020, theo Ban IV, không đạt mục tiêu chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn bởi dịch bệnh như các cơ quan quản lý đưa ra. Ban IV kiến nghị Bộ Kế hoạch & Đầu tư xem xét, trình Chính phủ phương án miễn phí công đoàn cho doanh nghiệp trong năm 2020, thay vì chỉ hoãn đóng.

 Cũng góp ý với Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Ban IV còn đề xuất chậm nộp bảo hiểm xã hội và các loại bảo hiểm khác đến hết năm 2020. Theo cơ quan này, khoản tiền đóng bảo hiểm xã hội và các loại bảo hiểm bắt buộc khác đang chiếm tỷ trọng chi không nhỏ trong quỹ tiền của doanh nghiệp. Đây sẽ là một trong các chính sách quan trọng mang lại nguồn lực cho doanh nghiệp hiện nay.

 Ngoài ra, Ban IV cùng các hiệp hội cũng kiến nghị giảm thuế suất từ 10% xuống 5% với thuế giá trị gia tăng để giảm chi phí cho người tiêu dùng nhằm kích cầu cho các ngành. Cùng đó, giảm 50% tiền thuê đất trong 9 tháng cho các doanh nghiệp lưu trú du lịch, công viên và cho phép doanh nghiệp lữ hành quốc tế được ứng lại 50% tiền ký quỹ làm vốn lưu động với thời hạn 2 năm... (Vnexpress.net 27/4)Về đầu trang

4 tháng đầu năm, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh cao nhất cùng kỳ 5 năm

4 tháng đầu năm có gần 23.000 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tăng 33,6% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức tăng cao nhất cùng kỳ trong 5 năm qua.

 Số lượng doanh nghiệp thành lập mới 4 tháng đầu năm là hơn 37.500 doanh nghiệp, giảm hơn 13% so với cùng kỳ. Đây cũng là lần đầu tiên trong 5 năm con số này ghi nhận mức giảm so với cùng kỳ. Tổng lượng vốn đăng ký tăng thêm cũng giảm tới 21,9% so với cùng kỳ, cho thấy tâm lý e ngại của cả nhà đầu tư và doanh nghiệp.

 Chỉ có duy nhất chỉ số về lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là tăng, nhưng mức tăng 2% rất khiêm tốn so với mức tăng hơn 52% của năm 2019. (VTV.vn 28/4)Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

Cán bộ giàu nhanh là có dấu hiệu bất chính và phi pháp

“Kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính”, đây là một trong những loại khuyết điểm của cán bộ đảng viên mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ra, đồng thời chỉ đạo không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII.

 Đã có triển khai việc kê khai tài sản, nhưng hầu hết là trung thực, chỉ có vài trường hợp không trung thực. Ví dụ như Hà Nội, năm 2018 chỉ phát hiện 1 trường hợp kê khai không trung thực trong tổng số hơn 34.000 cán bộ thuộc diện phải kê khai theo luật. Cùng thời điểm này năm 2017, Hà Nội cũng báo cáo có 1 trường hợp kê khai không trung thực.

 Theo Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017, cả nước cũng chỉ có 5 trường hợp vi phạm kê khai tài sản trên tổng số 1,1 triệu người thuộc diện bắt buộc kê khai.

 Cán bộ trung thực nhiều như vậy, nhưng tại sao tham nhũng là quốc nạn, đang đe dọa sự tồn vong của chế độ. Nhiều vị lãnh đạo đất nước đã lên tiếng cảnh báo như vậy, cho nên phải đối mặt với sự thật, không che đậy, không giấu giếm, phải chỉ thẳng và loại trừ những ai có dấu hiệu tham nhũng ra khỏi vị trí lãnh đạo. Chưa kể, nếu đủ căn cứ thì nghiêm trị theo pháp luật.

Với con số kê khai tài sản gần như tuyệt đối trung thực, rất khó thuyết phục được lòng tin của người dân. Phải xem xét những trường hợp giàu nhanh, nhiều tài sản là điều cần phải làm, dân chúng hoàn toàn ủng hộ. 

Cán bộ đảng viên giàu có, nhiều đất đai, nhiều tài sản bất thường, thì dứt khoát là có dính đến tham nhũng, tiêu cực. Không phải chỉ cá nhân người đó, mà vợ con cũng cậy thế cậy quyền để thu lợi bất chính. Vợ, con của quan chức đứng tên tài sản có giá trị lớn, thì không thể không nghi vấn về tài sản đó.

 Cũng có trường hợp cán bộ đảng viên giàu có, nhiều tài sản, nhưng cần làm gõ nguồn gốc, chứng minh được đồng tiền hợp pháp. Rất mong có nhiều người làm giàu chân chính, bất kể người đó là ai, đảng viên hay quần chúng.

 Loại bỏ những người có biểu hiện làm giàu bất chính, có dấu hiệu tham nhũng, không cho lọt vào hàng ngũ lãnh đạo của đất nước là ngăn chặn sự phá hoại sẽ xảy ra.

 Với những người này, quyền lực càng vào tay thì tham nhũng càng lớn, vô cùng nguy hiểm.

 Vấn đề đặt ra là phải có những biện pháp rà soát, sàng lọc thật hiệu quả, mới không bỏ lọt những đối tượng nguy hiểm này. (Lao Động 28/4, Lê Thanh Phong)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Tham nhũng vặt đã giảm, người dân còn phải "lót tay" những chỗ nào?

Sáng 28/4, chương trình nghiên cứu Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) chính thức công bố chỉ số PAPI 2019.

 Chỉ số PAPI là kết quả hợp tác giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng và Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam từ năm 2009 đến nay. Chỉ số PAPI nhằm đo lường trải nghiệm và cảm nhận của người dân thường niên, nhằm mục đích so sánh hiệu quả và chất lượng quản trị, điều hành của bộ máy Nhà nước và cung cấp dịch vụ công của chính quyền 63 tỉnh/thành phố, thúc đẩy quản trị hiệu quả và chủ động đáp ứng nhu cầu của người dân.

 Người dân tham gia khảo sát PAPI năm 2019 có xu hướng hài lòng hơn với nỗ lực mạnh mẽ trong đấu tranh chống tham nhũng lớn và tham nhũng vặt ở tất cả các cấp chính quyền. Tham nhũng vặt đã giảm dựa trên cảm nhận hoặc trải nghiệm của người dân khi sử dụng một số dịch vụ công. Tuy nhiên, khoảng 20 - 40% người dân tiếp tục cho rằng, tham nhũng vẫn tồn tại trong nhiều hoạt động của khu vực công.

 Khảo sát PAPI cũng cho biết, tỷ lệ người dân nhận xét phải chi thêm tiền để được quan tâm khám chữa bệnh, năm 2019 là 45% (năm 2018 là 46%); phải chi thêm tiền để làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 31% (năm 2018 là 32%); phụ huynh phải chi thêm tiền để học sinh được quan tâm là 31% (năm 2018 là 31%); phải chi thêm tiền để làm xong giấy phép xây dựng là 30% (năm 2018 là 32%)

 Bến Tre, Đồng Tháp và Quảng Ninh là 3 tỉnh đạt mức điểm tổng hợp cao nhất trên Bảng Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công (PAPI) năm 2019, đều có mức điểm trên 46,6 điểm.

 Bến Tre tiếp tục có điểm cao nhất là 46,74 điểm, với 7 chỉ số thành phần có điểm ở mức cao nhất, trừ chỉ số chính phủ điện tử có điểm trong nhóm thấp. Nhưng mức điểm này thấp hơn điểm của chính Bến Tre tại PAPI 2018. Năm ngoái, Bến Tre đạt 47,5 điểm.

 Cũng trong nhóm có điểm trung bình tốt nhất, có 16 tỉnh, thành phố, có dải điểm từ 44,80 đến 46,74 điểm.

 Nhóm có điểm số trung bình cao cũng gồm 16 tỉnh, dải điểm từ 43,72 đến 44,72 điểm. TP. HCM nằm trong nhóm này với 43,79 điểm, tăng hơn mức điểm 42,40 của năm 2018 nhờ tăng điểm ở 4 chỉ số.

 Nhóm điểm số trung bình thấp có 15 tỉnh, dải điểm từ 42,38 đến 43,70. Thái Bình có điểm cao nhất trong nhóm này.

 Trong 16 tỉnh còn lại nằm trong nhóm có điểm số thấp nhất, có Hà Nội với mức điểm 42,53 điểm, Hải Phòng 41,54 điểm, Hưng Yên 41,25 điểm.

 Hà Nội chỉ có 2 chỉ số là sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở và quản trị điện tử đạt được mức điểm trung bình cao; chỉ số cung cấp dịch vụ công đạt điểm trung bình thấp. Các chỉ số còn lại đều rơi vào nhóm điểm thấp, gồm công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình với người dân, kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, thủ tục hành chính công và quản trị môi trường.

 Thấp nhất trong bảng xếp hạng điểm tổng hợp là Bình Định với 40,84 điểm. (Baogiaothong.vn 28/4, Phùng Đô)Về đầu trang

Dân mong chờ lắm rồi, lúc người ta đói, cần phải hỗ trợ ngay!

"Bên cạnh quy định đúng, minh bạch cần làm nhanh khẩn trương, không để chính sách đưa ra rồi lòng vòng mãi. Tôi xin nói dân mong chờ lắm rồi, lúc người ta đói, cần phải hỗ trợ ngay" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh điều này tại Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố nhằm triển khai và giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

 Liên quan tới việc xác định đối tượng, điều kiện tiêu chuẩn, hồ sơ thủ tục, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh các địa phương cần thực hiện đúng theo Quyết định 15/2020/QĐ-TTg, không ban hành thêm thủ tục hành chính giấy tờ khác.

 "Bên cạnh quy định đúng, minh bạch cần làm nhanh khẩn trương, không để chính sách đưa ra rồi lòng vòng mãi. Tôi xin nói dân mong chờ lắm rồi, lúc người ta đói, cần phải hỗ trợ ngay" Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

 Trước thông tin các địa phương đã và đang triển khai hỗ trợ ngay trong tháng 4 đối với 4 nhóm đối tượng (người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo và bảo trợ xã hội), Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhận định: "Nói như vậy không có nghĩa là các nhóm kia không được triển khai ngay. Đặc biệt, lao động tự do gặp khó khăn đang cần được ưu tiên triển khai sớm bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu".

 Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng khuyến khích các địa phương sử dụng dịch vụ công trực tuyến, chi trả theo hình thức chuyển khoản thông qua tài khoản ngân hàng của các đối tượng thụ hưởng hoặc theo hệ thống bưu điện. Đặc biệt, công đoàn cùng với các địa phương trong quá trình triển khai không để một số doanh nghiệp tranh thủ thời gian này tìm cách ngừng hợp đồng, gây khó khăn cho người lao động.

 Nhắc lại yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đối với các bộ ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nghiêm túc thực hiện Quyết dịnh số 15/2020/QĐ-TTg bảo đảm công khai minh bạch, kịp thời chính xác; đề cao trách nhiệm và sẵn sàng giải trình trước Quốc hội, Chính phủ và nhân dân; thường xuyên kiểm tra đôn đốc tình hình thực hiện ở địa phương đơn vị; không để lợi dụng để trục lợi chính sách, tham ô, tham nhũng lãng phí, lợi ích nhóm; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nếu có,... Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, khi thực hiện gói hỗ trợ, không mong muốn những vi phạm xảy ra, không có tình trạng phải khởi tố. Nhưng nếu có thì sẽ bị xử lý nghiêm về mặt Đảng, hành chính. Trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng thì phải xử lý hình sự.

 Liên quan tới quá trình giám sát, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị Ủy ban Mặt trận các cấp, đoàn thể xã hội các cấp tham gia ngay từ đầu trong việc rà soát lên danh sách, chứ không chờ lập xong danh sách mới giám sát. Về phía Bộ LĐ-TBXH sẽ lập đường dây nóng và một trang điện tử để cập nhật giải đáp các vướng mắc của nhân dân.

 Tại buổi hội nghị trực tuyến, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định không phải tất cả các lao động tự do đều được nhận hỗ trợ.

 "Không phải đối tượng nào cũng được nhận hỗ trợ, nguyên tắc là chỉ những đối tượng chịu tác động bởi dịch bệnh và bị giảm sâu thu nhập, đời sống thực sự khó khăn. Căn cứ xác định mức giảm sâu thu nhập là căn cứ vào chuẩn nghèo quốc gia và chuẩn nghèo địa phương", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

 Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cũng lưu ý về mức hỗ trợ và thủ tục hỗ trợ đối với một số đối tượng.

 "Cần lưu ý rằng chúng ta không cấp hỗ trợ cho tất cả những lao động ngừng việc hoặc hoãn hợp đồng lao động trong các doanh nghiệp mà trên tinh thần doanh nghiệp, người lao động và nhà nước cùng tham gia chia sẻ, chỉ hỗ trợ cho những doanh nghiệp có khó khăn tài chính, không đủ khả năng tài chính để trả lương cho người lao động" – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

 Đối với nhóm lao động tự do, phải có điều kiện cư trú hợp pháp, là tạm trú hoặc thường trú, tuy nhiên có trường hợp là 1 người lao động tự do tạm trú ở 1 nơi, và thường trú ở 1 nơi, quy định cho phép người lao động nhận trợ cấp ở 1 trong 2 nơi. Người lao động trong dịch đã về quê cư trú, có thể nhận trợ cấp ở quê, còn nếu vẫn đang ở thành phố thì nhận ở thành phố. Tuy nhiên, để tránh hưởng 2 lần thì cần có xác nhận của nơi thường trú hoặc nơi tạm trú xác nhận không nhận ở nơi kia. Các cấp xã, cấp phường cần làm thủ tục một cách linh hoạt, lưu ý ở đây chỉ xác nhận là không nhận, nơi cấp hỗ trợ sẽ xác minh kỹ hơn.

 Các hộ kinh doanh ngừng kinh doanh theo yêu cầu của các cấp có thẩm quyền ở đây là UBND cấp tỉnh, theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ thì trong thời gian ngừng kinh doanh sẽ hỗ trợ mức 1 triệu đồng/tháng. Chỉ hỗ trợ cho các hộ kinh doanh có kê khai thuế về doanh thu, và mức doanh thu dưới 100 triệu đồng/tháng. Thời gian hỗ trợ theo thực tế, có thể làm tròn, trên 15 ngày có thể làm tròn thành 1 tháng.

 Trường hợp cho doanh nghiệp vay để trả lương, đối với doanh nghiệp do khó khăn, không có khả năng chi trả, ngân hàng chính sách với gói hỗ trợ sẽ cho vay không thế chấp, với mức vay là 50% mức tiền lương tối thiểu chung của vùng, 1 người lao động ngừng việc 1 tháng, mức vay tối đa là 3 tháng và thời gian để trả nợ là 12 tháng và mức lãi suất 0%. Trường hợp này, chỉ cho vay để trả lương cho người lao động bị ngừng việc. 

Điều kiện để vay  có điểm lưu ý là doanh nghiệp phải trả trước 1/2 mức lương tối thiểu vùng cho người lao động rồi, và phần cho vay sẽ chi nốt 1/2 mức lương tối thiểu vùng. Tất cả các mức hỗ trợ đều chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản của người lao động, chứ không chuyển về doanh nghiệp. Doanh nghiệp lập danh sách và thông tin đầy đủ của người lao động, ngân hàng chính sách sẽ giải ngân trực tiếp vào tài khoản của người lao động để tránh nguồn tiền bị dùng sai mục đích. (Baochinhphu.vn 28/4, Thu Cúc)Về đầu trang

Sách trắng doanh nghiệp 2020: Doanh nghiệp nhà nước dẫn đầu về chỉ số nợ

Sáng 28.4, Tổng Cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) công bố "Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2020"; nội dung gồm những thông tin cơ bản đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp cả nước và các địa phương giai đoạn 2016-2019. 

Theo số liệu mà sách công bố, chỉ số nợ chung của toàn bộ doanh nghiệp năm 2018 là 2,1 lần. Nói cách khác, tổng số nợ bình quân của doanh nghiệp năm 2018 gấp 2,1 lần vốn tự có bình quân của doanh nghiệp.

 Thống kê theo khu vực kinh tế, năm 2018, khu vực dịch vụ có chỉ số nợ cao nhất với 2,6 lần; khu vực công nghiệp và xây dựng với 1,5 lần. Trong đó, thấp nhất khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản với 0,6 lần.

 Đáng chú ý trong năm 2018, theo loại hình doanh nghiệp, khu vực doanh nghiệp nhà nước có chỉ số nợ là 3,4 lần; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước là 1,9 lần và khu vực doanh nghiệp FDI là 1,7 lần.

 Xét theo loại hình này năm 2017, khu vực doanh nghiệp nhà nước có chỉ số nợ là 4,1 lần; khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước là 2,3 lần và khu vực doanh nghiệp FDI là 1,6 lần.

 Đây là năm thứ 2 liên tiếp khu vực doanh nghiệp nhà nước “dẫn đầu” về chỉ số nợ so với vốn tự có bình quân của doanh nghiệp.

 Cũng theo Sách trắng Doanh nghiệp 2020, tính đến thời điểm 31.12.2018, khu vực doanh nghiệp nhà nước có 2.260 doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh, giảm 9,1% so với thời điểm 31.12.2017.

 Trong đó, khu vực doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước có 1.097 doanh nghiệp, chiếm 0,2% số doanh nghiệp cả nước, giảm 8,9% so với cùng thời điểm năm 2017 (trong đó có 1.773 doanh nghiệp kinh doanh có lãi, chiếm 78,5%; 51 doanh nghiệp kinh doanh hòa vốn, chiếm 2,2%; có 436 doanh nghiệp kinh doanh lỗ, chiếm 19,3%).

 Theo lãnh đạo của Tổng cục Thống kê, hiệu suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu (ROE) của toàn bộ doanh nghiệp năm 2018 đạt 7,6%. Còn hiệu suất sinh lợi trên doanh thu (ROS) của toàn bộ khu vực doanh nghiệp năm 2018 đạt 3,8%.

 Bên cạnh đó, Tổng Cục Thống kê cũng chỉ ra, thu nhập bình quân tháng một lao động của doanh nghiệp kinh doanh có kết quả sản xuất kinh doanh năm 2018 đạt 8,82 triệu đồng, tăng 6,6% so với năm 2017.

 Trong đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước có mức thu nhập bình quân tháng 1 lao động trong năm 2018 đạt cao nhất với 12,56 triệu đồng, tăng 5,6%. Trong đó, khu vực doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đạt 12,04 triệu đồng, tăng 6,2%. Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước là 7,87 triệu đồng, tăng 6,8% khu vực doanh nghiệp FDI 9,70 triệu đồng, tăng 7,4%. (Lao Động 28/4, Khương Duy)Về đầu trang

Hà Nội sẽ xây dựng khung giờ hoạt động cho từng loại cửa hàng kinh doanh

Thông tin được đưa ra tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 của thành phố Hà Nội chiều 27/4.

 Liên quan tới việc xây dựng hướng dẫn chi tiết việc thực hiện Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Thành phố sẽ xây dựng khung giờ hoạt động cụ thể của các cửa hàng kinh doanh thiết yếu để tránh tụ tập đông người cũng như hạn chế lưu lượng người trên đường phố.

 Đối với các cửa hàng bán thời trang, mỹ phẩm, những cửa hàng không phải lương thực thực phẩm, không thiết yếu, không phải thuốc chữa bệnh, Thành phố có thể sẽ quy định 9h sáng mới được mở cửa và khuyến khích sau 9h, không giới hạn giờ đóng cửa.

 Điều này được kỳ vọng sẽ giảm được mật độ của người tham gia giao thông từ 6h đến 8h30, với khoảng 600-800 nghìn người lúc cao điểm. Đại diện Thành phố cũng cho biết, các khung giờ hoạt động của từng loại cửa hàng đang được Thành phố dự thảo, lấy ý kiến và đưa ra trong thời gian tới. (VTV.vn 28/4)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

TPHCM phát động thi đua cao điểm cải cách hành chính

Ngày 27-4, UBND TPHCM phát động đợt thi đua cao điểm về cải cách hành chính năm 2020, tập trung thực hiện chủ đề “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”.

 Trong đó, thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là “Nâng cao văn hóa công sở, văn hóa công vụ, nâng cao ý thức thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp”.

 Mục tiêu đợt thi đua này là phấn đấu đến cuối năm 2020 hoàn thành các mục tiêu của Chương trình cải cách hành chính, xây dựng hình ảnh chính quyền thành phố phục vụ, thân thiện, nhanh chóng, hiện đại. Cụ thể là mục tiêu cải thiện chỉ số hài lòng của người dân và tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính, nhất là trong lĩnh vực giáo dục, y tế; gia tăng tỷ lệ giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính đúng hạn; nâng cao tỷ lệ người dân và tổ chức tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 tại cơ quan, đơn vị.

 Đối tượng tham gia thi đua là các sở ban ngành, UBND quận huyện, UBND phường xã thị trấn; các cán bộ công chức, viên chức trên địa bàn TP; các cá nhân, tập thể thuộc các đơn vị báo, đài trên địa bàn TP; người dân, doanh nhân, doanh nghiệp.

 Đợt thi đua kéo dài đến hết tháng 11-2020. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân cũng sẽ đăng ký các mô hình sáng kiến, giải pháp, cách làm hay, hiệu quả trong thực hiện cải cách hành chính; đặc biệt là các giải pháp về thay đổi phương thức làm việc của các cơ quan, đơn vị nhà nước cho phù hợp đợt cao điểm phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.  (Sggp.org.vn 28/4, Mai Hoa) Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

VEPR: Mỗi năm thất thu thuế 13,3 - 20,7 nghìn tỷ đồng

Đây là số liệu do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố sáng 28/4.

 Theo VEPR, trung bình giai đoạn 2013-2017, thất thu thuế từ các khu vực doanh nghiệp mỗi năm có thể lên tới 20,7 nghìn tỷ đồng, xấp xỉ 10% tổng số thu thuế thu nhập doanh nghiệp. Con số này gấp khoảng 3 - 4 lần số vi phạm phát hiện hàng năm bởi các cơ quan quản lý, trong đó, lượng thất thu thuế từ khu vực kinh tế tư nhân trong nước là cao nhất, khoảng gần 10.000 tỷ đồng.

 Tuy nhiên, nếu tính bình quân mỗi doanh nghiệp, mức thất thu thuế từ doanh nghiệp FDI lại là cao nhất, cao hơn gấp vài chục lần so với doanh nghiệp tư nhân trong nước.

 Báo cáo đưa ra một số khuyến nghị cải thiện chính sách thuế, bao gồm dần thắt chặt trần chi phí lãi vay được khấu trừ thuế, các chính sách chống xói mòn cơ sở thuế và chống vốn mỏng. Siết chặt quản lý với hoạt động thương mại điện tử, đồng thời bãi bỏ các ưu đãi thuế thái quá. (VTV.vn 28/4)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Điều chuyển công tác Trung tá Công an bị tố bao che vợ chồng Đường Nhuệ

Ngày 28/4, Thượng tá Nguyễn Quốc Hương, Trưởng Phòng Tham mưu, Công an tỉnh Thái Bình, cho biết Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình vừa có quyết định điều động, bổ nhiệm Trung tá Cao Giang Nam, Phó trưởng Công an Thành phố Thái Bình, đến nhận công tác tại Phòng Tham mưu Công an tỉnh Thái Bình và giữ chức Phó trưởng Phòng Tham mưu, Công an tỉnh Thái Bình.

 Trung tá Ngô Trọng Thể, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Thái Bình được điều động giữ chức Phó Trưởng Công an Thành phố Thái Bình thay Trung tá Cao Giang Nam.

 Được biết, Trung tá Cao Giang Nam từng là Đội trưởng Đội 2 Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy. Năm 2014, Trung tá Cao Giang Nam chuyển về Công tác tại Công an Thành phố Thái Bình và giữ chức Phó trưởng Công an Thành phố Thái Bình phụ trách mảng điều tra, đồng thời là Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Thái Bình cho đến nay.

 Trong thời gian giữ cương vị này, Trung tá Cao Giang Nam đã ký quyết định đình chỉ điều tra 2 vụ án liên quan đến Đường Nhuệ. Ông Nam bị những nạn nhân trong các vụ án tố bao che cho cặp vợ chồng giang hồ nổi tiếng đất Thái Bình. 

Đó là các vụ án "Cố ý gây thương tích" xảy ra ngày 18/11/2014 tại trụ sở Công an phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình. Vụ việc này gây chú ý của dư luận bởi có nhiều tố cáo liên quan ông Cao Giang Nam, Phó Trưởng Công an Thành phố Thái Bình bao che cho vợ chồng Dương Đường. Ban Chỉ đạo 1595 thông tin: Vụ án xuất phát từ việc bà Nguyễn Thị Thanh Giang, trú tại Cổ Nhuế, Nam Từ Liêm, Hà Nội nhờ Nguyễn Xuân Đường đòi giúp số tiền đã đưa cho bà Đinh Thị Lý, trú tại phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình để nhờ bà Lý xin việc cho người thân.

 Bà Lý cho là không liên quan gì đến Nguyễn Xuân Đường nên đã đưa vụ việc ra Công an phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình để giải quyết. Trong lúc ngồi chờ giải quyết tại phòng tiếp dân của Công an phường Trần Lãm, bà và con trai là anh Mai Thế Duy đã bị Nguyễn Xuân Đường đánh gây thương tích.

 Trên cơ sở xác minh thấy có dấu hiệu của tội Cố ý gây thương tích, ngày 5/1/2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Thái Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra theo quy định của pháp luật. 

Trong thời hạn điều tra xác minh, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Thái Bình chưa xác định được bị can. Do hết thời hạn điều tra, ngày 5/7/2015 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án nêu trên. 

Gần đây trong quá trình điều tra mở rộng các hành vi phạm tội của Đường, Dương và đồng phạm, trên cơ sở các tình tiết, chứng cứ mới thu thập được và thông tin do bà Lý cung cấp thêm, ngày 14/4/2020, Công an tỉnh đã chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Thái Bình ra quyết định phục hồi điều tra vụ án nêu trên và ngày 21/4/2020 đã quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Xuân Đường để tiếp tục điều tra vụ án theo quy định của pháp luật.

 “Đối với vụ án này, Ban Chỉ đạo 1593 của tỉnh đã yêu cầu Công an tỉnh chỉ đạo Công an Thành phố khẩn trương điều tra, làm rõ để xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu bao che hay cố ý làm sai lệch kết quả điều tra, cần xử lý kịp thời và nghiêm minh”, thông cáo của Ban chỉ đạo 1593 nêu rõ.

 Vụ án thứ hai mà Trung tá Cao Giang Nam bị tố bao che là vụ việc của ông Nguyễn Văn Lẫm, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Lâm Quyết.

 Tố giác của ông Lẫm, bà Quyết và anh Hà (là con trai của ông Lẫm, bà Quyết) đối với Nguyễn Xuân Đường có hành vi chiếm đoạt, đập phá tài sản của Công ty Lâm Quyết ở xã Vũ Chính, thành phố Thái Bình hiện đang được Công an tỉnh chỉ đạo xem xét lại hồ sơ vụ việc để xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật... (Nông Nghiệp Việt Nam 28/4, Hoàng Anh)Về đầu trang

Khởi tố hàng loạt cán bộ của Sở Y tế Đăk Lăk

Chiều 28.4, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết Quyết định khởi tố bị can đối với 10 cá nhân có trách nhiệm liên quan đến sai phạm Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra năm 2014-2015 trong việc đấu thầu thuốc y tế thuộc Gói thầu theo tên Generic tại Sở Y tế Đắk Lắk.

 Theo điều tra, trong quá trình tổ chức thực hiện đấu thấu các mặt hàng thuộc Gói thầu thuốc theo tên Generic tại Sở Y tế Đắk Lắk năm 2014-2015, ông Doãn Hữu Long, khi đó là Giám đốc Sở Y tế, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Kế hoạch đấu thầu thuốc đã phê duyệt kết quả đấu thầu đối với 7 mặt hàng gồm: Calcium Stada 500mg, Partamol 80mg, Partamol 150mg, Partamol 250mg, Meloxicam Stada 15mg, Cefustad kid và Vitamin C Stada 1g.

 Theo quy định về đấu thấu, Sở Y tế Đắk Lắk lập ra tổ chuyên gia do ông Nguyễn Hữu Huyên, Trưởng phòng Kế hoạch Nghiệp vụ, Sở Y tế làm tổ trưởng; ông Nguyễn Đình Diệm, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ Dược, Sở Y tế làm tổ phó, 5 cán bộ y tế ở bệnh viện đa khoa 2 huyện Ea Kar và Lắk làm thành viên.

 Tổ thẩm định do ông Nguyễn Đình Quân, Chánh thanh tra, Sở Y tế làm tổ trưởng để thực hiện các quy trình đấu thầu. Ngoài ra, còn có một tổ giúp việc do ông Mai Xuân Vinh, dược sỹ khoa Dược, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên và một nhân viên phòng Nghiệp vụ Dược, Sở Y tế là thành viên, được lập ra để giúp chủ đầu tư ra quyết định phê duyệt hồ sơ đấu thầu.

 7 mặt hàng thuốc trên đạt tiêu chuẩn Nhóm 3, nhưng các tổ chuyên gia, thẩm định và giúp việc và ông Doãn Hữu Long lại phê duyệt trúng thầu Nhóm 2 là không đúng theo quy định.

 Những hành vi trên của các đối tượng đã gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước gần 2 tỉ đồng.

 Hiện, công an đã khởi tố, khám xét chỗ ở, nơi làm việc, bắt tạm giam 3 tháng đối với 6 bị can: Doãn Hữu Long, Nguyễn Hữu Huyên, Nguyễn Đình Quân, Nguyễn Đình Diệm – là cán bộ Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk và 2 bị can Nguyễn Sỹ, Lê Thị Thanh Bình - cán bộ của bệnh viện huyện Ea Kar để tiếp tục điều tra mở rộng làm rõ toàn bộ những hành vi vi phạm.

 4 đối tượng Tô Thị Hà, Lê Na Tơr, Nguyễn Xuân Hải, Mai Xuân Vinh - cán bộ của Sở Y tế Đắk Lắk, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên và Bệnh viện huyện Lắk cũng bị khởi tố, khám xét chỗ ở, nơi làm việc, áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú và tạm hoãn xuất cảnh để phục vụ quá trình điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. (Lao Động 28/4, Hữu Long)Về đầu trang

Đình chỉ công tác Giám đốc Trung tâm văn hóa đem chuông bán đồng nát

UBND huyện Tuy Phước (tỉnh Bình Định) đã tạm đình chỉ công tác, đồng thời chỉ đạo cơ quan điều tra tiến hành làm rõ việc ông Võ Tuấn Khanh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện Tuy Phước tự ý mang chuông đi bán. 

Ngày 28.4, ông Nguyễn Đình Thuận, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước đã có báo cáo kết quả xác minh vụ việc Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện này tự ý mang chuông đi bán.

 Cụ thể, việc ông Võ Tuấn Khanh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện Tuy Phước bán quả chuông đồng trong kho của Trung tâm này là đúng sự thật.

 Tuy nhiên, quả chuông đồng có phải là chuông cổ hay không, quả chuông được ông Khanh chuộc về trả lại có phải chuông gốc trước đó hay không thì chưa thể xác định, vì lời khai của các đối tượng có liên quan không thống nhất với nhau, cũng chưa thể chứng minh.

 Ngoài ra, ông Võ Tuấn Khanh là lãnh đạo cơ quan nhưng không minh bạch, rõ ràng với cán bộ viên chức, người lao động của Trung tâm, khi triển khai việc bán và tự ý một mình bán các công cụ, dụng cụ, vật dụng hư hỏng trong kho để sung quỹ cơ quan là sai quy định. 

Sau khi báo chí phản ánh vụ việc, ông Khanh có làm tường trình và khai báo với Tổ xác minh về sự việc trên, nhưng ông Khanh báo cáo không trung thực, gây khó khăn cho công tác xác minh làm rõ.

 Việc ông Khanh tự ý bán chuông được báo chí đưa tin gây bức xúc trong cán bộ, viên chức, người lao động trong cơ quan Trung tâm và dư luận xã hội. (Lao Động 28/4, Nguyễn Tri)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Nhiều nước nới lỏng lệnh giãn cách xã hội một cách thận trọng

Các quốc gia trên thế giới hiện đã bắt đầu mở cửa hoặc xem xét mở cửa tuy nhiên, mỗi nước là một cách làm khác nhau.

 Các bang Georgia, Oklahoma và Alaska của Mỹ bật đèn xanh cho các nhà hàng, cửa tiệm được phép kinh doanh trở lại nhưng vẫn đi kèm với một số hạn chế nhất định như đảm bảo khoảng cách giữa các khách hàng hay phải tuân thủ việc đeo khẩu trang.

 Thụy Sỹ bắt đầu trở lại cuộc sống thường nhật theo từng giai đoạn nhưng tiếp tục giãn cách xã hội kể từ hôm 27/4. Nếu dịch không bùng phát lại, các trường học, cửa hàng mua sắm và chợ trời sẽ được mở cửa vào ngày 11/5; còn các trường đại học, bảo tàng và thư viện sẽ chờ đến 8/6. Na Uy cũng mở cửa lại các trường mẫu giáo và tiểu học sau 1 tháng tạm nghỉ vì dịch, tuy nhiên, các em nhỏ sẽ được chia nhóm từ 3-6 em để tiện theo dõi sức khỏe. Tại Tây Ban Nha, giới chức y tế cũng bắt đầu lên các kế hoạch phù hợp với "một thực tế mới" khi cho phép trẻ dưới 14 tuổi được phép ra ngoài 1 tiếng/ngày.

 Những cũng có các quốc gia châu Âu khác lại quyết định "hoãn sự sung sướng vào thời điểm này" đơn cử như Áo. Dù số ca mắc COVID-19 giảm kể từ cuối tháng 3 nhưng du khách nếu muốn đến đây thì phải chờ đến giữa tháng 5, khi các địa điểm du lịch được mở cửa trở lại.

 Hay là như Italy sẽ từng bước nới lỏng lệnh phong tỏa bắt đầu từ ngày 4/5 tới; Đan Mạch sẽ cho phép việc tụ tập công cộng không quá 500 người từ ngày 10/5, tăng so với mức giới hạn 10 người trước đó. Quy định mới này sẽ có hiệu lực cho tới ngày 1/9 năm nay. Còn ở Đức, Thủ tướng Angela Merkel tuyên bố rằng chờ sau ngày 6/5 rồi nới hay không thì chính phủ sẽ hậu xét. (VTV.vn 28/4)Về đầu trang./.

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Các tin khác