Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 17-3-2020

16:10, Thứ Ba, 17-3-2020

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Tải file tại đây

TIÊU ĐIỂM.. 1

1.                Thủ tướng chủ trì họp Thường trực Chính phủ về chống COVID-19. 1

2.                Ngăn chặn mạnh, dứt khoát hơn, không để “trong đánh ra, ngoài đánh vào”. 2

3.                Đề xuất các giải pháp nhằm hạn chế tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19. 3

CHÍNH SÁCH MỚI 5

4.                Bị phạt tiền từ 10-15 triệu nếu không đóng BHXH cho người giúp việc. 5

5.                Không được nhận tiền để giải quyết thủ tục xuất nhập cảnh. 6

CHỈ THỊ MỚI 7

6.                Thủ tướng yêu cầu Bộ GDĐT cần giảm nhẹ chương trình, rút ngắn thời gian học. 7

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 8

7.                Việt Nam đứng thứ 96 về chỉ số cạnh tranh nhân tài toàn cầu. 8

8.                Robert Walters: Năm 2020 Việt Nam tiếp tục thiếu hụt nghiệm trọng quản lý cấp trung  9

9.                Kiểm soát chặt việc ban hành các quy định thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh. 10

10.             Doanh nghiệp tại nhiều địa phương “tê liệt” vì COVID-19. 11

11.             Lo ngại doanh nghiệp lớn sẽ được ưu ái miễn, giảm lãi vay. 12

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 14

12.             Quan trọng là “đầu ra”. 14

QUẢN LÝ.. 16

13.             Phòng dịch, trụ sở UBND TPHCM họp không quá 50 người 16

14.             Hà Tĩnh cắt giảm khách mời dự Đại hội Đảng bộ cơ sở. 16

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 18

15.             Thanh tra, xử lý nghiêm hành vi nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp. 18

16.             Tăng cường kiểm tra, theo dõi công tác cải cách hành chính. 18

17.             Cải cách bộ máy quản lý tài chính phù hợp. 19

18.             Hà Nội: 100% thủ tục hành chính được thực hiện tại bộ phận “một cửa”. 19

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 20

19.             Chính phủ hội nghị trực tuyến toàn quốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. 20

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 21

20.             Thanh Hóa: 5 cựu cán bộ thanh tra nhận hối lộ lãnh án. 21

21.             Nợ hơn 50 tỷ đồng “chi tiêu vặt”: Bí thư Huyện uỷ Yên Định lên tiếng. 22

THẾ GIỚI 23

22.             Cách Chính phủ Singapore cứu doanh nghiệp trong đại dịch. 23

 TIÊU ĐIỂM

Thủ tướng chủ trì họp Thường trực Chính phủ về chống COVID-19

Chiều 16/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ để nghe Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch bệnh COVID-19 báo cáo công tác phòng chống dịch.

 Phát biểu mở đầu cuộc họp, Thủ tướng cho rằng những ngày qua, hai từ “quyết liệt” đã được nhiều nước trên thế giới nhắc đi nhắc lại nhiều lần.

 Thủ tướng đề nghị cần tiến tục có biện pháp mạnh mẽ, “cần phải bình tĩnh, đoàn kết, tự tin, trách nhiệm hơn nữa để ngăn ngừa hiệu quả dịch bệnh này”. Bình tĩnh, không hoảng hốt trước đại dịch; bình tĩnh để chọn giải pháp sáng suốt.

 Trong thời điểm hiện nay, cần có giải pháp mạnh hơn nữa, ngăn chặn dịch COVID-19 đạt “đỉnh” lây lan, hạn chế tối đa người nhiễm.

 Theo báo cáo của Ban chỉ đạo (tính đến 12h ngày 16/3), thế giới ghi nhận 169.610 trường hợp mắc COVID-19 tại 158 quốc gia và vùng lãnh thổ, 6.518 trường hợp tử vong. Tiếp tục ghi nhận sự chững lại về gia tăng số trường hợp mắc mới ở Trung Quốc và Hàn Quốc, ghi nhận sự gia tăng mạnh tại các nước châu Âu và Mỹ, đặc biệt tại một số quốc gia như Italy, Tây Ban Nha, Đức, Pháp, Anh...

 Việt Nam đã ghi nhận 57 trường hợp mắc COVID-19 (16 trường hợp đã được điều trị khỏi và xuất viện). Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 42.956 người, trong đó có 2.227 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 8.318 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 32.411 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú. (Baochinhphu.vn 16/3, Đức Tuân)Về đầu trang

Ngăn chặn mạnh, dứt khoát hơn, không để “trong đánh ra, ngoài đánh vào”

Tình hình dịch bệnh bên ngoài diễn biến xấu rất nhanh, bên cạnh việc kiên trì thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế, cần ngăn chặn mạnh, dứt khoát hơn, không để xảy ra tình trạng “trong đánh ra, ngoài đánh vào”.

 Đây là nhận định của các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) tại cuộc họp sáng 16/3.

 Ban Chỉ đạo yêu cầu các cơ quan, đơn vị rà soát kỹ, thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về các đối tượng phải cách ly y tế bắt buộc khi vào Việt Nam. Ban Chỉ đạo cũng đề nghị tiến hành đo thân nhiệt, phân luồng người nhập cảnh ngay khi xuống máy bay. Đối với người nước ngoài thì điều chỉnh lại quy trình tiếp nhận. Đối với công dân Việt Nam từ vùng có dịch về nước, cần nhanh chóng giải phóng người tập trung ở sân bay để sớm đưa về khu cách ly tập trung theo quy định;…

 Đồng thời, ở trong nước, các chuyên gia cho rằng, phải tiến hành đồng bộ các biện pháp để phát hiện các đối tượng nhiễm, nghi nhiễm càng sớm càng tốt. Do đó chúng ta cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu để giúp phát hiện nhanh nhất các trường hợp nghi ngờ; triển khai thực hiện hiệu quả việc khai báo y tế bắt buộc, khai báo y tế tự nguyện toàn dân; phân loại các nhóm đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao, những người già, người có bệnh nền;…

 Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh sàng lọc, phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị, dập dịch tại chỗ; phát động toàn dân tham gia phòng chống dịch, sử dụng tai mắt nhân dân để phát hiện kịp thời các trường hợp nghi ngờ. Những người có nguy cơ, trước tiên phải tự cách ly ngay tại nhà, sau đó cơ quan y tế cử người đến tận nhà để hướng dẫn, kiểm tra sức khỏe…

 Nhấn mạnh trách nhiệm của lãnh đạo cấp ủy và chính quyền cơ sở, các đại biểu đề nghị Bộ Y tế có khuyến cáo yêu cầu các phường, xã phải thực hiện nghiêm ngặt phòng chống dịch tại cộng đồng; yêu cầu các đồng chí Bí thư, Chủ tịch phường, xã tiến hành rà soát lại để kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch tại cơ sở;  lập tổ công tác với nòng cốt lực lượng công an, dân quân, y tế và hỗ trợ công nghệ thông tin (nhân viên bưu điện, Viettel, VNPT) nhằm bám sát tình hình trên địa bàn, phân nhóm ngời dân theo tình trạng sức khỏe; có giải pháp hỗ trợ thăm khám, chăm sóc tại chỗ với đối tượng có nguy cơ lây nhiễm, có tiền sử bệnh, tuổi cao sức yếu dễ bị lây nhiễm và khi nhiễm dễ bị tình trạng nặng.

 Ban Chỉ đạo cũng thảo luận và cho rằng cần phải có sự hiệp đồng, phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các lực lượng trong việc tiếp nhận, tổ chức cách ly người nhập cảnh vào Việt Nam; tối ưu hóa, nâng cao năng lực hệ thống xét nghiệm, phát hiện nhanh các trường hợp nhiễm bệnh; triển khai các biện pháp kiểm soát dịch bệnh trên các chuyến bay nội địa; chế độ tài chính phục vụ công tác phòng chống dịch; công tác bảo đảm trang thiết bị vật tư y tế, máy móc điều trị, phương tiện bảo hộ phục vụ công tác phòng chống, điều trị bệnh; các địa phương chuẩn bị cơ sở lưu trú trên địa bàn phục vụ công tác cách ly theo yêu cầu của các Quân khu…

 Tiểu ban hậu cầu phối hợp chặt chẽ với Mặt trận tổ quốc Việt Nam để tiếp nhận tài trợ từ các doanh nghiệp và cộng đồng, trước hết là các hiện vật, trang thiết bị, vật tư phục vụ cho công tác chống dịch; có phương án bảo đảm đầy đủ trang thiết bị bảo hộ cho cán bộ y tế, các lực lượng làm nhiệm vụ khi tiếp xúc với các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm.

 Tại Việt Nam cũng đã ghi nhận 57 trường hợp mắc COVID-19. Trong đó 16 người đã được chữa khỏi bệnh hoàn toàn. Các địa phương có người mắc gồm: Vĩnh Phúc (11 người); TPHCM (8 người); Khánh Hoà (1 người); Thanh Hoá (1 người); Hà Nội (11 người); Ninh Bình (1 người) Quảng Ninh (5 người); Lào Cai (2 người); Đà Nẵng (2 người); Huế (2 người); Quảng Nam (3 người); Bình Thuận (9 người). Trong số các bệnh nhân đang điều trị có 4 trường hợp diễn biến nặng do có bệnh cảnh nền.

 Số ca xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 là 5.182 trường hợp.Cập nhật tình hình dịch bệnh đến sáng 16/3 của Bộ Y tế cho biết, trên thế giới dịch bệnh đã lan ra 156 quốc gia/ vùng lãnh thổ, với 169.368 người mắc bệnh; 6.501 người tử vong.

 Trong đó, Trung Quốc có 80.847 trường hợp mắc, 3.199 người tử vong; Italy ghi nhận 21.747 trường hợp mắc, 1.809 người tử vong; Iran 13.938 trường hợp mắc, 724 người tử vong; Tây Ban Nha 7.845 trường hợp mắc, 292 người tử vong; Đức ghi nhận 5.813 trường hợp mắc, 11 người tử vong; Pháp ghi nhận 5.423 trường hợp mắc, 127 người tử vong; Hoa Kỳ ghi nhận 3.680 trường hợp mắc, 69 người tử vong; tình hình dịch bệnh tại các nước Thuỵ Sỹ, Anh, Na Uy, Thuỵ Điển, Hà Lan, Đan Mạch, Áo, Bỉ… cũng diễn biến rất phức tạp. (Baochinhphu.vn 16/3, Trần Mạnh – Đình Nam)Về đầu trang

Đề xuất các giải pháp nhằm hạn chế tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19

Các Bộ, ngành nghiên cứu, đánh giá tác động của dịch viêm đường hô hấp do virus corona mới gây ra trên phạm vi toàn cầu đến giao lưu hàng hóa qua biên giới cũng như đến sản xuất trong nước. Qua đó, đề xuất các giải pháp nhằm hạn chế tác động tiêu cực của dịch bệnh, tạo thuận lợi cho giao thương hàng hóa song vẫn đảm bảo kiểm soát chặt chẽ, bảo vệ cộng đồng.

 Đây là nội dung tại Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Phiên họp lần thứ sáu của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại. 

Thông báo nêu rõ, nhiệm vụ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, các hoạt động tạo thuận lợi thương mại trong năm 2020 rất nặng nề. Để hoàn thành kế hoạch đề ra, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành tập trung triển khai các nội dung sau:

 Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai Đề án tổng thể về xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin phục vụ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN theo định hướng xử lý tập trung và xây dựng Nghị định của Chính phủ về việc kết nối và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan chính phủ với các bên liên quan thông qua Cơ chế một cửa quốc gia trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa.

 Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các đơn vị liên quan để xây dựng căn cứ pháp lý cho triển khai Đề án thí điểm bảo lãnh thông quan và Đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành.

 Các Bộ, ngành tập trung nguồn lực và đẩy nhanh tiến độ thực hiện rà soát quy trình thủ tục, chỉ tiêu thông tin, phát triển hệ thống công nghệ thông tin và các giải pháp liên quan khác nhằm đảm bảo hoàn thành tiếp 36 thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia trong năm 2019, đồng thời hoàn thành các thủ tục hành chính cần triển khai trong năm 2020.

 Xây dựng kế hoạch của Bộ, ngành mình để tổ chức triển khai Nghị định số 85/2019/NĐ-CP của Chính phủ để bảo đảm Nghị định được thực hiện thống nhất ngay từ khi có hiệu lực thi hành từ 1/1/2020 và gửi về Cơ quan thường trực để theo dõi, báo cáo theo đúng quy chế của Ủy ban chỉ đạo 1899.

 Các Bộ, ngành bên cạnh việc tham gia ý kiến về nội dung Nghị định kết nối và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan Chính phủ với các bên liên quan thông qua Cơ chế một cửa quốc gia phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, cần cho ý kiến sâu, chỉ rõ về hình thức, cấp độ, hiệu lực của văn bản trên nguyên tắc không mâu thuẫn, chồng chéo với các văn bản có liên quan và đảm bảo tính hiệu lực, khả thi khi đi vào thực hiện.

 Các Bộ, ngành khi xây dựng chính sách theo chỉ đạo của Chính phủ gắn với điều chỉnh hệ thống công nghệ thông tin cần kịp thời thông báo và phối hợp với Cơ quan thường trực để đảm bảo khớp nối giữa tiến độ xây dựng văn bản với tiến độ điều chỉnh hệ thống phục vụ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN.

 Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh triển khai cải cách công tác quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Trong quá trình xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý và kiểm tra chuyên ngành, đặc biệt là các nội dung liên quan đến kiểm tra nhà nước về hải quan, các Bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ với Cơ quan thường trực (Tổng cục Hải quan) để các văn bản có tính khả thi và đi vào cuộc sống, tránh tình trạng các văn bản quy phạm pháp luật chồng chéo, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước. Nghiên cứu triển khai Đề án đổi mới mô hình kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

 Đồng thời, tiếp tục tăng cường sự phối hợp trong việc triển khai các cam kết của Hiệp định thông qua công tác chỉ đạo, điều hành của Ủy ban quốc gia về Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại; nghiên cứu, đánh giá tác động của dịch viêm đường hô hấp do virus corona mới gây ra trên phạm vi toàn cầu đến giao lưu hàng hóa qua biên giới cũng như đến sản xuất trong nước. Qua đó, đề xuất các giải pháp nhằm hạn chế tác động tiêu cực của dịch bệnh, tạo thuận lợi cho giao thương hàng hóa song vẫn đảm bảo kiểm soát chặt chẽ, bảo vệ cộng đồng.

 Chủ động nghiên cứu và phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất giải pháp về nghiệp vụ, kỹ thuật trong việc trao đổi thông tin chứng từ điện tử với các đối tác thương mại của Việt Nam. Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương có ý kiến gửi Bộ Tài chính đối với đề xuất kết nối trao đổi thông tin chứng nhận kiểm dịch điện tử với Niu-di-lân.

 Bộ Thông tin và Truyền thông bố trí đủ nguồn lực và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để giải quyết vướng mắc, rút ngắn thời gian thẩm định đối với hồ sơ đề xuất cấp độ an ninh thông tin.

 Bộ Công an khẩn trương phối hợp với Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan để khai kết nối Hệ thống chuyên ngành của Bộ Công an với Cổng thông tin một cửa quốc gia phục vụ thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia đường hàng không theo quy định tại Nghị định số 85/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định thực hiện thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

 Bộ Công Thương - đơn vị đầu mối thực hiện nhiệm vụ điều phối và phát triển logistic quốc gia chủ trì, khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành hoàn thành việc xây dựng kế hoạch, đề xuất giải pháp thúc đẩy logistics và trình Ủy ban 1899 xem xét, phê duyệt; Công bố báo cáo phát triển dịch vụ logistic năm 2020. (Baochinhphu.vn 16/3, Chí Kiên)Về đầu trang

CHÍNH SÁCH MỚI

Bị phạt tiền từ 10-15 triệu nếu không đóng BHXH cho người giúp việc

Chính phủ đã ban hành Nghị định 28/2020/NĐ-CP, có hiệu lực từ 15/4, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

 Theo đó, Nghị định quy định, sẽ phạt cảnh cáo đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây: Không ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người giúp việc gia đình; Không trả tiền tàu xe đi đường khi người giúp việc gia đình thôi việc về nơi cư trú, trừ trường hợp người giúp việc gia đình chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn.

 Mặt khác, theo Điểm b Khoản 2 Điều 29 của Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Không trả cho người giúp việc gia đình khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật để người lao động tự lo bảo hiểm.

 Mức phạt tiền từ 10-15 triệu đồng cũng áp dụng đối với người sử dụng lao động có hành vi giữ bản chính giấy tờ tùy thân của người giúp việc gia đình (theo Điểm a Khoản 2 Điều 29 Nghị định 28/2020/NĐ-CP). Mức phạt trên cũng áp dụng đối với hành vi sử dụng người lao động cao tuổi làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và ảnh hưởng xấu tời sức khỏe của người lao động cao tuổi.

 Đặc biệt, theo Nghị định 28/2020/NĐ-CP, người sử dụng lao động cũng bị phạt 2-5 triệu đồng nếu không bảo đảm cho người lao động nghỉ trong giờ làm việc, nghỉ chuyển ca, nghỉ về việc riêng, nghỉ không hưởng lương đúng quy định hoặc không rút ngắn thời gian làm việc với người lao động trong năm cuối trước khi nghỉ hưu. Mức phạt sẽ lên đến 10-20 triệu đồng nếu người sử dụng lao động vi phạm quy định về nghỉ hàng tuần, năm hoặc nghỉ lễ, tết; 20-25 triệu đồng nếu huy động người lao động làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của họ. (Pháp Luật Việt Nam 16/3, Trang Trang)Về đầu trang

Không được nhận tiền để giải quyết thủ tục xuất nhập cảnh

Bộ Công an vừa ban hành Thông tư số 19/2020/TT-BCA quy định về thực hiện dân chủ trong công tác quản lý xuất nhập cảnh của Công an nhân dân (có hiệu lực từ ngày 1/7/2020).

 Theo thông tư này, cán bộ, chiến sỹ khi thực hiện công tác quản lý xuất nhập cảnh phải thực hiện đúng quy trình công tác, quy định của Bộ Công an về thực hiện dân chủ trong công tác và các quy định của pháp luật trong giải quyết các thủ tục xuất nhập cảnh. Đó là:“Không được nhận tiền hoặc các lợi ích vật chất khác để giải quyết thủ tục xuất nhập cảnh; không được tự ý đặt ra các thủ tục, giấy tờ hoặc thu thêm các khoản phí, lệ phí ngoài quy định; không được tiếp cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu giải quyết thủ tục xuất nhập cảnh tại địa điểm khác ngoài cơ quan; không được có thái độ hách dịch, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà khi thực hiện nhiệm vụ”.

 Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm, đơn vị quản lý xuất nhập cảnh phải: “Ra quyết định hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ công tác hoặc có biện pháp xử lý kịp thời đối với cán bộ, chiến sỹ vi phạm về thực hiện dân chủ theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an. Chịu trách nhiệm về sai phạm của đơn vị và cán bộ, chiến sỹ trong công tác quản lý xuất nhập cảnh”- thông tư nêu rõ.

 Ngoài ra, khi xử lý người vi phạm pháp luật về xuất nhập cảnh, nếu cần áp dụng các biện pháp xử lý, ngăn chặn theo thẩm quyền được giao, đơn vị thực hiện công tác quản lý xuất nhập cảnh phải lập biên bản hoặc ra quyết định theo quy định của pháp luật.

 Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu hoặc liên quan đến việc giải quyết các thủ tục xuất nhập cảnh có quyền phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về trình tự, thủ tục, cách thức giải quyết công việc; thái độ, tác phong của cán bộ, chiến sỹ hoặc các vấn đề khác liên quan đến thủ tục xuất nhập cảnh theo quy định.

 Đề nghị được gặp Thủ trưởng đơn vị thực hiện công tác quản lý xuất nhập cảnh khi đã được bộ phận chức năng giải đáp các thắc mắc, kiến nghị liên quan đến công tác quản lý xuất nhập cảnh nhưng vẫn thắc mắc, kiến nghị.

 Bộ Công an cũng yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo; trình bày trung thực sự việc, cung cấp đầy đủ các chứng cứ, thông tin, tài liệu có liên quan cho đơn vị thực hiện công tác quản lý xuất nhập cảnh.

 Trước đó, vào tháng 3/2019, Tiền Phong đăng tải loạt bài “Ngã giá tại phòng Quản lý xuất nhập cảnh” phản ánh về tình trạng tại các phòng Quản lý xuất nhập cảnh nhiều tỉnh, thành phố, cán bộ công an móc nối với cò mồi làm hộ chiếu nhanh với mức tiền cao gấp 3,4 lần so với quy định. Sau khi phản ánh, Bộ Công an đã vào cuộc điều tra làm rõ. Kết quả, công an các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương…đã kỷ luật và điều chuyển công tác hàng loạt cán bộ có vi phạm liên quan. (Tiền phong 16/3, Dương Hưng)Về đầu trang

CHỈ THỊ MỚI

Thủ tướng yêu cầu Bộ GDĐT cần giảm nhẹ chương trình, rút ngắn thời gian học

Kết luận tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo có phương án để giảm nhẹ chương trình, rút ngắn thời gian học cho học sinh. 

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, một trong những nội dung thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 là liên quan đến ngành giáo dục tăng cường các biện pháp, sáng tạo trong công tác phòng chống dịch.

 Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu triệt để ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý kinh tế - xã hội, cung cấp dịch vụ công, giao dịch điện tử.

 Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chỉ đạo việc học trực tuyến, giảm nhẹ chương trình, rút ngắn thời gian học nhưng phải bảo đảm chất lượng học tập. Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo xử lý phù hợp kiến nghị của các trường quốc tế theo quy định.

 Thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo tiếp tục tăng cường các hình thức dạy học qua internet, truyền hình. Đồng thời, sở giáo dục và đào tạo sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường rà soát, tinh giản nội dung dạy học, xây dựng kế hoạch dạy học theo hướng dẫn của Bộ để tổ chức dạy học qua internet, trên truyền hình, một cách phù hợp.

 Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu các Sở tham mưu ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với sở giáo dục và đào tạo để tổ chức dạy học trên truyền hình phù hợp với điều kiện địa phương.

 Khi học sinh đi học trở lại, sở giáo dục phải chỉ đạo các nhà trường tổ chức rà soát, đánh giá kết quả học tập qua internet, trên truyền hình, đảm bảo chất lượng dạy và học.

 Sau khi thực hiện việc kiểm tra, đánh giá, ngành giáo dục của các địa phương hướng dẫn giáo viên rà soát, tinh giản nội dung dạy học và điều chỉnh kế hoạch dạy học theo hướng kế thừa những nội dung kiến thức đã học qua internet, trên truyền hình, nhằm tối ưu thời gian và nội dung kiến thức cần tiếp tục dạy học trong chương trình theo quy định. (Lao Động 16/3, Đặng Chung)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Việt Nam đứng thứ 96 về chỉ số cạnh tranh nhân tài toàn cầu

Việt Nam được xếp hạng 96 trên 132 quốc gia về Chỉ số cạnh tranh nhân tài toàn cầu (GTCI) 2020, giảm 5 vị trí so với năm 2019 và 9 vị trí năm 2018.

 Dựa trên báo cáo Chỉ số cạnh tranh nhân tài toàn cầu (GTCI) từ Tập đoàn Adecco cùng với Google và INSEAD, khoảng cách giữa Việt Nam và các quốc gia có thu nhập cao khác về năng lực số (digital skill), đặc biệt là Trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng gia tăng đáng kể.

 Báo cáo năm nay của GTCI đề cập đến chủ đề nhân tài toàn cầu trong thời đại Trí tuệ nhân tạo (AI). Đáng chú ý hơn, báo cáo cho thấy các quốc gia có thu nhập cao phát triển công nghệ nhanh chóng và đều đứng trong top 25. Nhờ công nghệ AI, những quốc gia này đang vượt xa các nước khác (trong đó có Việt Nam), do hơn một nửa dân số ở các nước đang phát triển vẫn đang học hỏi các kỹ năng kỹ thuật số cơ bản. Trong GTCI 2020, Việt Nam được xếp hạng 96 trên 132 quốc gia, giảm 5 vị trí so với năm 2019 và 9 vị trí năm 2018.

 Được phân loại trong nhóm thu nhập trung bình thấp ở khu vực Đông Á, Đông Nam Á và Châu Đại Dương, Việt Nam nổi trội so với khu vực của mình về ‘’Kỹ năng tri thức toàn cầu’’ (Global Knowledge skills) - xếp hạng 59 toàn cầu, tăng 10 hạng so với năm 2019. Trong khi đó, kỹ năng về ‘’Kỹ thuật và Đào tạo nghề’’ (Vocational & Technical skills) rất cần được cải thiện, đặc biệt là tỉ lệ có việc làm (Employability). Thứ hạng của ‘’Thu hút nhân tài’’ cũng giảm từ thứ 91 năm 2019 xuống còn 105 vào năm 2020.

 Andree Mangels, Tổng Giám đốc Adecco Việt Nam nhận xét Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá lớn giữa đào tạo và nhu cầu doanh nghiệp. Sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo đòi hỏi phải đào tạo thêm những kĩ năng mới cho lực lượng lao động. Ở tất cả các cấp độ, người lao động cần được rèn luyện về khả năng thích ứng, trí thông minh xã hội, giao tiếp và giải quyết vấn đề. Nhân tài được cho là phù hợp trong thời đại ngày nay không chỉ đảm đương nhiều trách nhiệm mới với cách làm việc sáng tạo hơn mà còn phải tận dụng được chuyển đổi kỹ thuật số để đưa ra quyết định dựa trên cơ sở dữ liệu.

 Đáng chú ý, trong số các quốc gia có thu nhập trung bình thấp, Indonesia đã tăng 20 hạng GTCI kể từ năm 2015, lên vị trí thứ 53. Báo cáo chỉ ra rằng AI có thể tạo cơ hội vươn lên đáng kể về khả năng cạnh tranh nhân tài cho các thị trường mới để trung tâm phân phối ứng dụng AI toàn cầu. Một số quốc gia đang phát triển, bao gồm Trung Quốc, Costa Rica và Malaysia, đang tận dụng các cơ hội phát triển AI để dẫn đầu trong khu vực.

 Tập trung vào chủ đề ‘’Tài năng toàn cầu trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo’’, bản báo cáo GTCI năm nay giới thiệu một thước đo mới – "Ứng dụng công nghệ’’ (Technology Adoption), thuộc yếu tố Enable (Tạo điều kiện thuận lợi cho nhân tài). Thước đo này nhằm mục đích đánh giá mức độ sẵn sàng của các quốc gia về việc tạo điều kiện cho sự phát triển nhân tài trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến như AI và Internet vạn vật (IoT). 

Đối với danh mục ‘’Mật Độ Robot’’, Việt Nam xếp thứ 41, cao hơn một nửa các quốc gia còn lại trên thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam lại xếp hạng 102 về ‘’Sử dụng công nghệ’’ và hạng 65 về ’Đầu tư vào các công nghệ mới’’, một vị trí khá thấp so với các quốc gia cùng khu vực như Thái Lan và Ấn Độ. (Cafef.vn 15/3)Về đầu trang

Robert Walters: Năm 2020 Việt Nam tiếp tục thiếu hụt nghiệm trọng quản lý cấp trung

Việc chuyển đổi số tăng trưởng mạnh mẽ ở Việt Nam khi các công ty bắt đầu tận dụng công nghệ và dữ liệu để thúc đẩy kinh doanh.

 Robert Walters - công ty tư vấn tuyển dụng chuyên nghiệp gần đây đã phát hành Khảo sát lương Salary Survey 2020 ở khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc.

 Ở khảo sát lương tại Việt Nam, Robert Walters phân tích kỹ ở một số ngành như Tài chính Ngân hàng, Thương mại, Kỹ thuật Xây dựng, Tuyển dụng, Kinh doanh Marketing, Công nghệ,...

 Theo đà tăng trưởng từ những năm trước, mức độ tuyển dụng tại Việt Nam năm 2019 vẫn lớn mạnh. Lĩnh vực công nghệ tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng, trong khi các doanh nghiệp công nghiệp tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số. Ngành sản xuất cũng cho thấy nhu cầu lớn về tài năng vì nhiều công ty chuyển việc sản xuất sang Việt Nam.

 Việc chuyển đổi số tăng trưởng mạnh mẽ ở Việt Nam khi các công ty bắt đầu tận dụng công nghệ và dữ liệu để thúc đẩy kinh doanh. Những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng tiếp tục thúc đẩy việc sử dụng điện thoại thông minh. Các doanh nghiệp thương mại điện tử cũng như B2C đã liên tục điều chỉnh các chiến lược online và trên thiết bị di động để duy trì tính cạnh tranh. Điều này đã đẩy mạnh nhu cầu về các nhà phát triển tài năng cũng như các nhà thiết kế UI/ UX.

 Ngoài công nghệ và kỹ thuật số, sản xuất cũng chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ. Điều này một phần do các sự kiện toàn cầu như cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, cũng như niềm tin các nước khác đối với Việt Nam. Mặt khác sự tăng trưởng này thúc đẩy nhu cầu về các chuyên gia trong toàn bộ chuỗi giá trị, từ lập kế hoạch và mua sắm đến sản xuất, xuất khẩu và bán hàng và tiếp thị. Đặc biệt là nhu cầu về các chuyên gia cấp cao có nền tảng sản xuất và kỹ năng thương mại giúp các doanh nghiệp tạo ra các chiến lược có nhu cầu cao nhưng nguồn cung ngắn.

 So với những năm trước, xây dựng và bất động sản chứng kiến sự tăng trưởng thấp hơn khi các quy định được thắt chặt. Các lĩnh vực và ngành nghề khác cũng tăng trưởng dần và ổn định hơn khi các doanh nghiệp tại Việt Nam tập trung vào việc củng cố vị thế trên thị trường.

 Nói về dự kiến phát triển năm 2020, ông Adrien Bizouard, Quản lý Quốc gia Việt Nam cho rằng: Vào năm 2020, chúng tôi hy vọng các công ty tiếp tục hướng tới cách tiếp cận tập trung vào dữ liệu hơn, giúp cho nhu cầu về các chuyên gia tăng lên ở các lĩnh vực liên quan đến khoa học dữ liệu và phân tích, trí tuệ kinh doanh, cơ khí máy và trí tuệ nhân tạo (AI).

 Khi nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển, nhu cầu về các nhà phân tích đầu tư và kinh doanh cũng tăng lên, bên cạnh các chuyên gia giúp các doanh nghiệp đưa ra các quyết định tốt hơn và chủ động hơn.

 Nhân khẩu học cho thấy Việt Nam sẽ tiếp tục phải đối mặt với sự thiếu hụt quản lý cấp trung vào năm 2020, nhưng có những dấu hiệu cho thấy điều này dần được giảm bớt khi nhiều thế hệ trẻ có được kinh nghiệm và chuyên môn cần thiết để đảm nhận các vị trí quản lý. Mối quan tâm về tuyển dụng các chuyên gia có khả năng giao tiếp đa quốc gia và kỹ năng giao tiếp song ngữ cũng tăng mạnh mẽ, khi Việt Nam trở thành một thành viên toàn cầu.

 Để tuyển dụng và giữ chân nhân tài hàng đầu, trưởng bộ phận và quản lý chuyên trách sẽ cần tham gia nhiều hơn vào chiến lược nhân sự và tìm kiếm các phương pháp giữ chân độc đáo hơn. Một trong số này có thể bao gồm các ưu đãi tài chính, chẳng hạn như tiền thưởng hoặc cổ phiếu, đặc biệt đối với các nhân viên cao cấp hoặc các lợi ích phi tài chính như cơ hội công tác ở những chi nhánh khác.

 Đối với các kỹ năng thích hợp, đặc biệt ngành công nghệ hoặc kỹ thuật số, khai thác các nhóm tài năng bên ngoài Việt Nam cũng là điều đáng để xem xét. Chiến dịch "Come Home Phở Good" của chúng tôi giúp các công ty tiếp cận với người Việt Nam ở nước ngoài để đưa họ về nước, lấp đầy sự thiếu hụt nhân tài.

 Nhìn chung, ứng viên nhảy việc với mong đợi mức tăng lương từ 15-25%. Trong lĩnh vực công nghệ, mức này có khả năng lên tới 50% cho các vai trò cấp thấp và cấp trung đòi hỏi các kỹ năng thích hợp. 72% chuyên gia mong đợi số tiền thưởng > 15% so với tiền lương hàng năm của họ.Văn hóa và môi trường làm việc tốt là động lực hàng đầu tạo nên sự hài lòng trong công việc. 25% nói rằng sự phát triển nghề nghiệp là động lực chính để họ nhảy việc. (Cafef.vn 15/3)Về đầu trang

Kiểm soát chặt việc ban hành các quy định thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh

Trong Kế hoạch hoạt động năm 2020 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ vừa được Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo ký ban hành, một trong những nội dung quan trọng là kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh.

 Cụ thể, về xây dựng thể chế, chính sách, Phó Thủ tướng giao Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Đồng thời, tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án "Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật" giai đoạn 2018-2022; rà soát, sớm pháp hiện và có biện pháp khắc phục các quy định pháp luật chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển.

 Các bộ, ngành, địa phương phối hợp với Bộ Tư pháp nâng cao chất lượng thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm đồng bộ, khả thi; ban hành kịp thời các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh, nghị quyết. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu xử lý dứt điểm các văn bản quy định trái luật do các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương ban hành đã được phát hiện qua công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật trong các năm 2017, 2018 và 2019.

 Về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và cải cách thủ tục hành chính, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh.

 Các bộ, ngành, địa phương phối hợp với Bộ Tư pháp đẩy mạnh công tác theo dõi thi hành pháp luật với công tác xây dựng, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, tập trung vào các lĩnh vực thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận và lĩnh vực được xác định trọng tâm theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 như hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; khuyến khích phát triển khu vực kinh tế tư nhân. (Baophapluat.vn 15/3, Hải Sơn) Về đầu trang

Doanh nghiệp tại nhiều địa phương “tê liệt” vì COVID-19

Cục Thuế Hà Nội cho biết, 2 tháng đầu năm có hơn 2.600 hộ kinh doanh giải thể, bỏ kinh doanh và 6.400 hộ kinh doanh nghỉ kinh doanh.

 Lượng doanh nghiệp giả thể, tạm nghỉ kinh doanh tăng từ 22% đến 37,8%. Hà Nội hiện quản lý gần 184.400 hộ kinh doanh, trong tháng 1/2020, có hơn 13.800 hộ phát sinh hóa đơn, nhưng tháng 2/2020 chỉ còn gần 4.300 hộ phát sinh hóa đơn. Số hộ kinh doanh phát sinh hóa đơn suy giảm 68% so với tháng trước.

 Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 2 tháng đầu năm có hơn 16.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, số chờ giải thể hơn 9.400 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 2.800 doanh nghiệp, trong đó có 2.500 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng.

 Tại TP. HCM, nhiều doanh nghiệp cũng điêu đứng trước nguy cơ thiếu nguyên phụ liệu, hàng tồn kho không bán được. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thêu đan TP. HCM, cho biết, tình hình xuất nhập khẩu ngành dệt may chưa bao giờ giảm sâu như hiện nay.

 Theo báo cáo của Hiệp hội Dệt May Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu tháng 1 đạt 2,85 tỷ USD, giảm gần 23,5% so với cùng kỳ 2019, kim ngạch nhập khẩu 1,39 tỷ USD cũng giảm 28,5% so với cùng kỳ 2019. Một số cơ sở may mặc, làm túi xách tuy sử dụng nguyên liệu trong nước nhưng phụ liệu như da công nghiệp, dây kéo, khóa, xi… vẫn phải nhập từ Trung Quốc.

 Theo ông Lý Thành Sinh, giám đốc Công ty May thêu Minh Long Hưng (Q.9, TP.HCM), hoạt động của công ty đang tê liệt đến 95%, hàng ùn ứ đầy kho, máy móc ngừng hoạt động, công nhân tạm nghỉ việc. Dù đã cho hầu hết công nhân ngừng việc, nhưng công ty vẫn trả 70% lương cơ bản để giữ người. Tiền nợ ngân hàng, tiền thuế hằng tháng… đè nặng doanh nghiệp.

 Ông Lý Thành Sinh dự báo, do dịch, lượng doanh nghiệp bị lỗ, phá sản sẽ rất nhiều. Trường hợp phục hồi thì khoảng 10-20% là cao. Đối với doanh nghiệp lỗ còn báo thuế để miễn giảm thuế được, nhưng hệ thống phân phối của các doanh nghiệp đang chịu thuế khoán, kinh doanh không được nhưng vẫn đóng thuế, trả tiền thuê mặt bằng thì còn khó khăn hơn gấp nhiều lần.

 Trong khi đó, các doanh nghiệp ngành nhựa cao su cho rằng, nguyên liệu đặc biệt là hóa chất trong ngành nhựa cao su Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào Trung Quốc, tới hơn 70%. Nếu phía Trung Quốc vẫn chưa cung cấp được nguyên liệu thì DN phải nhập từ Nhật, Hàn với giá cao hơn từ 15 đến 20%.

 Tại tỉnh An Giang, hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp thủy sản bị ảnh hưởng khi nhiều đơn hàng xuất sang các thị trường chủ lực giảm từ 30 - 40% so kế hoạch. Không chỉ mặt hàng thủy sản bị ảnh hưởng mà nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực như may mặc, trái cây cũng đang bị ảnh hưởng, nếu tình trạng này kéo dài doanh nghiệp khó có khả năng tiếp tục hoạt động.

 Ngành du lịch An Giang cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Lượng khách An Giang giảm mạnh, từ 30 - 40%, có những điểm du lịch, lượng khách giảm khoảng 50-60% so với cùng kỳ. Ông Lý Thanh Sang, Giám đốc Khu du lịch cáp treo Núi Cấm, tỉnh An Giang cho biết, trước đây mỗi ngày có hàng ngàn lượt khách đi cáp treo tham quan núi Cấm, nhất là dịp Tết và hè khách sẽ đông hơn. Tuy nhiên, từ khi xảy ra dịch Covid-19, số lượng du khách tới đây giảm khoảng 50-60%.

 Còn tại Đăk Nông, Dịch COVID-19 cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, giải trí, du lịch. Nhiều doanh nghiệp cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, lượng khách giảm từ 60 -80% so với cùng kỳ năm trước. Để ứng phó với tình hình này, nhiều doanh nghiệp chỉ còn cách gồng mình,cố gắng duy trì hoạt động.

 Ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc Công ty TNHH MTV nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái Nguyên Thành Phát cho biết: "Thời điểm này, do ảnh hưởng của dịch bệnh, khách đến khu du lịch rất ít, số tiền thu chỉ đủ phục vụ lương nhân viên và tiền điện. Còn lại việc đóng thuế, trả lãi ngân hàng đang rất khó khăn. Đề nghị Ngân hàng, UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn này".

 Theo Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh Đăk Nông, dịch COVID-19 có tác động toàn diện ở tất cả các mặt từ y tế, giao thông, du lịch, giáo dục, thương mại... Mặc dù chưa có thống kê chính thức, nhưng rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đăk Nông bị sụt giảm về doanh thu, chưa có dấu hiệu khởi sắc. (Diễn đàn doanh nghiệp 14/3)Về đầu trang

Lo ngại doanh nghiệp lớn sẽ được ưu ái miễn, giảm lãi vay 

Các chuyên gia và doanh nghiệp đánh giá Thông tư 01 vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành có nhiều điểm tích cực và kịp thời, song doanh nghiệp vẫn băn khoăn về mức giảm lãi suất còn thấp và có sự ưu ái miễn, giảm lãi vay.

 Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 01 quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thông tin này được người dân, cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia đánh giá như chiếc "phao cứu sinh" để các doanh nghiệp vực dậy sau "báo" dịch.

 Theo nhận định của các chuyên gia, Thông tư đã bao quát được tất cả đối tượng từ người dân, đến doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp từ dịch bệnh Covid-19 đều được hưởng lợi từ chính sách miễn, giảm, cơ cấu lại thời gian trả nợ ngân hàng.

 "Thực tế, nếu doanh nghiệp gặp khó khăn, ngân hàng cũng không "khoẻ". Vì vậy, việc "cứu doanh nghiệp" cũng là ngân hàng "tự cứu mình"", một chuyên gia cho hay.

 Đáng lưu ý, điểm tích cực trong Thông tư lần này là ngân hàng hoàn toàn tự chủ. Các ngân hàng thương mại chia sẻ lợi nhuận của mình với khó khăn của doanh nghiệp. Do đó, lợi nhuận năm nay có thể giảm nhưng ngân hàng sẽ tránh được nợ xấu cũng như những hệ lụy do nợ xấu gây ra do tác động tiêu cực từ dịch Covid-19.

 Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đánh giá, ngân hàng là người cho vay nên được chủ động tái cơ cấu nợ, giảm lãi, phí cho các doanh nghiệp để các doanh nghiệp trở lại hoạt động và khỏe mạnh trở lại là cần thiết. Ngoài ra, việc tự chủ sẽ giúp các ngân hàng đưa ra được gói hỗ phù hợp với năng lực của từng ngân hàng.

 Đồng thời, Thông tư này cũng không giới hạn các lĩnh vực nhận được hỗ trợ. Bởi trên thực tế, tác động liên thông giữa các ngành, hầu hết lĩnh vực bị ảnh hưởng. Vì vậy, kể cả doanh nghiệp ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đều có thể nhận được sự hỗ trợ từ phía các ngân hàng nếu đủ điều kiện của các ngân hàng.

 Đáng chú ý, Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước áp dụng đối với khách hàng phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày liền sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19. Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, với quy định này những khoản nợ cũ của khách hàng trước khi xảy ra dịch Covid-19 sẽ không được áp dụng, điều này nhằm đảm bảo sự công bằng và tránh nợ xấu ra tăng cho các ngân hàng.

 Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích, để doanh nghiệp có thể hồi phục hồi lại sản xuất kinh doanh, có doanh thu để trả nợ thì doanh nghiệp phải cần ít nhất từ 6 tới 1 năm. Vì vậy, Thời gian có hiệu lực của Thông tư chỉ kéo dài sau 3 tháng kể từ khi Thủ tướng công bố hết dịch theo vị chuyên gia này là chưa đủ.

 "Đây cũng chỉ là biện pháp trước mắt bởi hiện nay dịch Covid-19 vẫn đang tiếp diễn vì vậy chưa thể xác định được chính xác mức độ thiệt hại của doanh nghiệp đến đâu. Nếu dịch bệnh kéo dài, ngân hàng cần mở rộng thời gian thông tư có hiệu lực, không phải là 3 tháng sau khi công bố hết dịch. It nhất 6 tháng đến 1 năm để đảm bảo các doanh nghiệp có đủ điều kiện hỗ trợ tốt nhất", ông Hiếu nhấn mạnh.

 Hồ hởi khi biết Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư quy định về tái cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi nhưng đại diện một doanh nghiệp vẫn lo lắng, không biết doanh nghiệp mình có nằm trong danh sách hỗ trợ của các ngân hàng hay không mặc dù đến thời điểm này doanh nghiệp đang đứng trước bờ vực phá sản.

 "Chúng tôi rất mong muốn được ngân hàng đồng hành, chia sẻ trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, không biết các doanh nghiệp vừa và nhỏ như chúng tôi có được ngân hàng hỗ trợ không hay các ngân hàng ưu tiên cho các doanh nghiệp lớn?", vị lãnh đạo này đặt câu hỏi.

 Trong khi đó, giám đốc của một công ty nông sản thừa nhận, nếu không có chính sách này nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đến kỳ sẽ không trả được nợ và óc thể dẫn tới phá sản. "Hiện nay, công ty đang vay ngân hàng vài chục tỉ và dự kiến nếu kinh doanh suôn sẻ thì có thể trả ngân hàng trong vài năm.

 Tuy nhiên, doanh số của doanh nghiệp giảm đi vài chục phần trăm do trước đây xuất đi nhiều ở thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan... nhưng hiện nay không xuất được. Trong nước tình hình buôn bán cũng rất chậm", giám đốc doanh nghiệp cho hay.

 Tiếp nhận thông tin, vị giám đốc này to ra vui mừng, song cũng băn khoăn Thông tư 01 chưa quy định cụ thể mức giảm lãi suất là bao nhiêu mà phụ thuộc vào chính sách của các ngân hàng thương mại. "Hiện nay, doanh nghiệp đang vay với lãi suất kỳ hạn dài là 10%/năm thì bây giờ giảm xuống còn 9%/năm, vẫn còn khá cao với các doanh nghiệp nhỏ và vừa", vị này cho hay.

 Ngoài ra, vị này chia sẻ thêm, trong trường hợp sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19 thì doanh nghiệp cũng chưa thể trở lại nhịp sản xuất kinh doanh như trước khi dịch bệnh xảy ra được. Vì vậy, doanh nghiệp cần khoảng thời gian dài hơn. "Chúng tôi chỉ hi vọng ngân hàng xem xét giãn nợ cho doanh nghiệp khoảng 6 tháng và không chuyển nhóm nợ để khi có nguồn tiền chúng tôi sẽ trả nợ", vị này cho hay. (Thời báo kinh doanh 16/3)Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

Quan trọng là “đầu ra”

Cử tuyển là một chính sách quan trọng của Đảng, Nhà nước để xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện chính sách này thời gian qua đã bộc lộ không ít bất cập. Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang được giao chủ trì soạn thảo dự thảo Nghị định quy định chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số. Liệu những quy định này trong dự thảo Nghị định có giải quyết được những vướng mắc trong chính sách cử tuyển hay không?

 Chính sách cử tuyển có nghĩa rất quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực để bổ sung cho vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai chính này đã phát sinh bất cập giữa đào tạo với nhu cầu tuyển dụng. Điều này dẫn đến sinh viên cử tuyển đào tạo ra nhiều nhưng vẫn thất nghiệp.

 Vấn đề cử tuyển cũng được đại biểu đặt ra ở nhiều kỳ họp Quốc hội. Trước diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng từng thừa nhận thực tế, cách đây khoảng 5 - 7 năm, chính sách cử tuyển phát huy tác dụng rất cao. Vì số huyện khó khăn của các tỉnh cử người đi học sau đó các em về được bố trí việc làm. Tuy nhiên, gần đây, do nhiều lý do khác nhau nên chính sách cử tuyển “có vấn đề” vì có nhiều trường hợp đi học về không bố trí được việc làm. Đây là những băn khoăn, trăn trở và gây bức xúc của đồng bào.

 Để khắc phục vướng mắc này, tại Kỳ họp thứ Bảy, Khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Luật Giáo dục. Điều 87 của Luật này về chế độ cử tuyển quy định, Nhà nước thực hiện tuyển sinh vào trung cấp, cao đẳng, đại học theo chế độ cử tuyển đối với học sinh là người dân tộc thiểu số rất ít người; học sinh là người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn chưa có hoặc có rất ít cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số… UBND cấp tỉnh căn cứ vào nhu cầu của địa phương đề xuất, phân bổ chỉ tiêu cử tuyển; cử người đi học theo tiêu chuẩn, chỉ tiêu được duyệt; xét tuyển và bố trí việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp.

 Để kịp thời hướng dẫn thi hành khi Luật Giáo dục có hiệu lực vào ngày 1.7.2020 tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang soạn thảo, lấy ý kiến về dự thảo Nghị định quy định chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số. Dự thảo nêu rõ, đối tượng cử tuyển: Công dân Việt Nam là người dân tộc thiểu số rất ít người; công dân Việt Nam là người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn chưa có hoặc có rất ít đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số. Những người này có đủ các điều kiện: Có hộ khẩu thường trú từ 5 năm liên tục trở lên tính đến năm tuyển sinh tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, có thời gian học đủ 3 năm học và thi tốt nghiệp THPT tại trường thuộc địa bàn tuyển sinh theo hộ khẩu thường trú được cử tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp.

 Dự thảo cũng quy định, người học theo chế độ cử tuyển có quyền: Được cấp học bổng, miễn học phí; được tiếp nhận hồ sơ để xét tuyển và bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp. Người học theo chế độ cử tuyển có nghĩa vụ: Cam kết trước khi được cử tuyển và chấp hành cam kết với cơ quan cử đi học về bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp, phải bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo nếu không chấp hành việc bố trí việc làm theo cam kết. 

Việc siết chặt các điều kiện của đối tượng cử tuyển như dự thảo Nghị định nhằm thu hẹp đối tượng hơn so với trước là cần thiết để tránh tình trạng đào tạo cử tuyển tràn lan khi mà nguồn ngân sách của chúng ta còn có hạn. Ngoài ra, để “đầu ra” bảo đảm yêu cầu thực tế hiện nay, dự thảo cũng quy định, khi học chính thức trong các cơ sở giáo dục, người học theo chế độ cử tuyển được đào tạo trong hệ thống giáo dục chính quy và bố trí học chung với người học khác của cơ sở giáo dục theo ngành đào tạo.

 Những quy định này là cần thiết, tuy nhiên, để giải quyết được bài toán nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển cho khu vực này, mỗi địa phương cần có chính sách xét tuyển minh bạch, để bảo đảm đúng đối tượng cử tuyển. Cùng với đó, chương trình đào tạo phải sát và phù hợp với đối tượng theo học, đào tạo cử tuyển phải bảo đảm chất lượng. Bởi xét đến cùng, quan trọng nhất vẫn là chất lượng “đầu ra” thế nào, chứ không phải chúng ta đào tạo được bao nhiêu đối tượng cử tuyển như một con số thành tích. (Đại biểu nhân dân 16/3, Hà An) Về đầu trang

QUẢN LÝ

Phòng dịch, trụ sở UBND TPHCM họp không quá 50 người

Để phòng tránh dịch bệnh Covid-19, các cuộc họp được tổ chức tại trụ sở UBND TPHCM phải đảm bảo không quá 50 người và người dự họp phải đeo khẩu trang, ngồi cách nhau ít nhất 1,5 m, hạn chế việc bắt tay, trao đổi ở cự ly gần, rửa tay trước và sau cuộc họp…

 Ngày 16/3, Văn phòng UBND TPHCM đã có thông báo khẩn gửi Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND TPHCM, Sở Nội vụ, Ban Quản lý khu đô thị Tây Bắc truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch thường trực Lê Thanh Liêm về những việc cần thực hiện để phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

 Các biện pháp trên sẽ chính thức áp dụng kể từ ngày 16/3. Cụ thể: Đối với việc tổ chức hội họp, UBND TPHCM yêu cầu trong giấy mời họp phải ghi rõ thành viên tham dự và khi đến dự họp phải đeo khẩu trang. Các cuộc họp diễn ra tại trụ sở UBND TPHCM (số 86 Lê Thánh Tôn, Quận 1) phải đảm bảo không vượt quá 50 người.

 Ngoài ra, UBND TPHCM còn yêu cầu các thành viên dự họp phải đeo khẩu trang và ngồi cách nhau ít nhất 1,5 m. Người dự họp hạn chế bắt tay, trao đổi ở cự ly gần, rửa tay trước và sau cuộc họp. Hàng ngày, sau mỗi cuộc họp, UBND TPHCM sẽ tiến hành vệ sinh phòng họp.

 Bên cạnh đó, UBND TPHCM yêu cầu cuộc họp nào có thể thì tổ chức họp trực tuyến nhằm hạn chế việc tập trung đông người trong trụ sở 86 Lê Thánh Tôn, Quận 1.

 Việc vào trụ sở số 86 Lê Thánh Tôn, Văn phòng UBND TPHCM bố trí lực lượng, tổ chức kiểm tra thân nhiệt và việc đeo khẩu trang từ cổng vào đối với tất cả mọi người ra vào, bao gồm: cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đến làm việc; người đến tham dự họp, liên hệ công tác...

 UBND TPHCM đề nghị các đơn vị đóng trong khuôn viên trụ sở số 86 Lê Thánh Tôn (Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND TPHCM, Văn phòng UBND TPHCM, Sở Nội vụ, Ban Quản lý khu đô thị Tây Bắc) thông báo đến tất cả cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được biết để tự trang bị khẩu trang và chấp hành các quy định đã đề ra. (Tiền phong 16/3, Huy Thịnh)Về đầu trang

Hà Tĩnh cắt giảm khách mời dự Đại hội Đảng bộ cơ sở

Ngày 16-3, Văn phòng Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho biết, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh yêu cầu cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ hơn trong giai đoạn mới.

 Nhằm ứng phó với những diễn biến mới của dịch Covid-19, tỉnh Hà Tĩnh kiện toàn Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 cấp tỉnh do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban, các đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Phó Trưởng ban. Tất cả các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị địa phương từ tỉnh đến cơ sở thành lập ban chỉ đạo do đồng chí Bí thư cấp ủy, thủ trưởng cơ quan làm Trưởng ban chỉ đạo.

 Cấp ủy các cấp, các ban, sở, ngành, cơ quan, đơn vị chỉ đạo xây dựng các kịch bản ứng phó với dịch Covid-19 trước diễn biến mới; quán triệt đến tận phường, xã, thôn, xóm, tổ dân phố về trách nhiệm của người đứng đầu và tất cả mọi người dân trong phòng, chống dịch; nâng cao vai trò, trách nhiệm của Bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, chi hội, chi đoàn, các tổ liên gia trong việc tuyên truyền, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác để mọi người dân tự giác thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định, hướng dẫn của ngành Y tế; tuyệt đối không chủ quan nhưng cũng không hoang mang, mất bình tĩnh trước tình hình dịch bệnh; tuyên truyền, vận động, kiểm soát người dân đi từ vùng dịch về địa bàn tự giác khai báo trung thực tình trạng sức khỏe và thông tin hành trình di chuyển, tự nguyện thực hiện các biện pháp cách ly theo hướng dẫn của cơ quan y tế để bảo đảm an toàn cho gia đình và cộng đồng. Tăng cường tuyên truyền, khuyến khích các đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh tiến hành phun khử trùng tại khu dân cư, cơ quan, trụ sở làm việc. Thực hiện đo thân nhiệt hằng ngày đối với cán bộ, công chức, người lao động và khách ra, vào cơ quan.

 Đối với công tác tổ chức Đại hội Đảng bộ cấp cơ sở, các cấp ủy trực thuộc Tỉnh ủy tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị nội dung bảo đảm yêu cầu, tổ chức theo kế hoạch nhưng cần cắt giảm tối đa thành phần cấp trên, khách mời dự đại hội. Không tổ chức chương trình văn nghệ và các đoàn chào mừng đại hội. Đại hội cấp trên dự, chỉ đạo đại hội và đại biểu khách mời không quá 10 người. Kết thúc đại hội không tổ chức liên hoan gặp mặt…

 Tại các cuộc họp, đại hội phải trang bị đầy đủ các vật tư y tế phòng dịch, bố trí khoảng cách đại biểu phù hợp, thực hiện nghiêm quy định đeo khẩu trang, nhất là khẩu trang vải nơi công cộng và xử lý khẩu trang sau khi đã sử dụng; hạn chế tiếp xúc gần, khuyến cáo không nên bắt tay chào hỏi trong thời điểm có dịch.

 Đối với Đại hội Đảng bộ cấp huyện, Ban thường vụ các huyện, thành, thị ủy, đảng ủy trực thuộc tập trung chuẩn bị thật tốt nội dung theo tinh thần Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị và các văn bản, chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh. Tiếp tục rà soát, giải quyết các vụ việc tồn đọng, gây bức xúc trong nhân dân. Tăng cường công tác tuyên truyền chào mừng đại hội trên các phương tiện thông tin đại chúng. Khi tình hình dịch Covid - 19 được kiểm soát, không còn nguy cơ lây nhiễm thì sẽ tiến hành mở đại hội theo kế hoạch chung.

 Các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị thực hiện giảm tối đa các cuộc họp không cần thiết; giảm triệt để thành phần họp; không bố trí các cuộc họp tập trung một chỗ hơn 100 người; tối đa hóa bố trí họp trực tuyến với thành phần gọn. Không tổ chức các đoàn cán bộ, đảng viên đi công tác nước ngoài đợt này; không làm việc với các đoàn khách nước ngoài. Trường hợp cần thiết phải xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy.

 Ban thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương tăng cường công tác truyền thông, quản lý chặt chẽ người vào, người ra khỏi địa bàn, nhất là người từ nước ngoài từ vùng dịch về, thực hiện nghiêm túc công tác khai báo y tế, kiểm tra chặt chẽ các phương tiện giao thông nhất là từ các tỉnh có dịch về; quản lý tốt các cơ sở lưu trú, khu du lịch, nhà hàng; tiếp tục phát huy vai trò của tổ liên gia, các chi bộ, chi đoàn, chi hội trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện công tác phòng chống dịch; dồn sức thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, phát triển sản xuất, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; chủ động các giải pháp cung ứng hàng hóa, tránh để xảy ra khan hiếm, tăng giá hàng hóa… (Nhân dân 16/3, Ngô Tuấn)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Thanh tra, xử lý nghiêm hành vi nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp

Trong năm 2020, Tổ Kiểm tra công vụ của Thủ tướng Chính phủ sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đề xuất xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. 

Đó là một trong những nội dung tại Kế hoạch hoạt động năm 2020 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ vừa được Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo ký ban hành.

 Mục tiêu của kế hoạch nhằm đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2011-2020 và Kế hoạch CCHC giai đoạn 2016-2020 của các bộ, ngành, địa phương bảo đảm hoàn thành các mục tiêu CCHC của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 8/11/2011 của Chính phủ.

 Đồng thời, nâng cao chất lượng chỉ đạo, điều hành của các thành viên Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ trong công tác CCHC. Gắn kết công tác CCHC của các bộ, ngành, địa phương với việc xây dựng Chính phủ điện tử; tăng cường trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan, đơn vị và người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp trong việc triển khai nhiệm vụ CCHC; nâng cao chất lượng, hiệu quả của CCHC.

 Theo kế hoạch, trong năm 2020, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ sẽ tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi tình hình thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tại các bộ, ngành, địa phương. 

Các thành viên Ban chỉ đạo, các bộ, ngành địa phương phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành CCHC của Chính phủ; đề cao trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất sáng kiến CCHC đối với các thành viên được giao chủ trì chương trình CCHC theo phân công của Chính phủ.

 Cũng trong năm 2020, Tổ Kiểm tra công vụ của Thủ tướng Chính phủ sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đề xuất xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính.

 Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổng hợp, đề xuất việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện CCHC. (Pháp Luật Việt Nam 16/3, Hoàng Bách)Về đầu trang

Tăng cường kiểm tra, theo dõi công tác cải cách hành chính

Ðồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ vừa ký ban hành kế hoạch hoạt động năm 2020 của Ban Chỉ đạo này.

 Theo đó, trong năm 2020, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ sẽ tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi tình hình thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tại các bộ, ngành, địa phương. Các thành viên Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương phối hợp các cơ quan liên quan tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành CCHC của Chính phủ; đề cao trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất sáng kiến CCHC đối với các thành viên được giao chủ trì chương trình CCHC theo phân công của Chính phủ. Tổ Kiểm tra công vụ của Thủ tướng Chính phủ sẽ phối hợp các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đề xuất xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính. (Nhandan.com.vn 16/3, PV) Về đầu trang

Cải cách bộ máy quản lý tài chính phù hợp

Bộ Tài chính vừa chính thức hoàn thành việc sắp xếp toàn hệ thống thuế nhà nước. Với số lượng sau khi hợp nhất còn lại 415 chi cục thuế, ngành thuế đã đạt 102% kế hoạch sắp xếp, hợp nhất chi cục thuế quận, huyện, thị xã, thành phố thành chi cục thuế khu vực thuộc cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, vượt trước thời hạn đề ra gần một năm.

 Báo cáo của Tổng cục Thuế mới đây cho biết, trong các năm từ 2018 đến nay, thực hiện các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Quốc hội và Chính phủ, Bộ Tài chính về sắp xếp, tổ chức bộ máy, Tổng cục Thuế giảm được 2.485 đầu mối tổ chức, bao gồm 27 phòng thuộc cơ quan Tổng cục; 62 phòng và 296 chi cục, 2.100 đội thuế ở 63 cục thuế địa phương. Ðây là kết quả vượt bậc, bởi theo lộ trình đến hết năm 2020, toàn hệ thống thuế sẽ phải hợp nhất khoảng 548 chi cục thành 257 chi cục khu vực, giảm tới 291 chi cục. Theo đó, số cơ quan thuế tại địa phương chỉ còn 420 chi cục thuế cấp quận, huyện, thị xã, thành phố trong toàn quốc. Tuy nhiên, đến hết tháng 2 vừa qua, ngành thuế đã giảm tiếp năm chi cục, đưa tổng số đầu mối chi cục thuế trong toàn quốc còn 415 chi cục, chính thức hòa mạng hệ thống cơ quan thuế nhà nước.

 Ðánh giá về tiến trình cải cách này, Tổng cục trưởng Thuế Cao Anh Tuấn cho biết, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm nhưng cũng rất khó khăn, vì vậy, trong quá trình thực hiện, Tổng cục Thuế xác định cần có kế hoạch triển khai theo lộ trình phù hợp. Năm 2018, Tổng cục Thuế làm điểm việc sắp xếp, hợp nhất chi cục thuế khu vực tại sáu cục thuế đầu tiên, đã hợp nhất được 34 chi cục thành 16 chi cục thuế khu vực, giảm được 18 cơ quan chi cục thuế. Với kết quả đạt được, năm 2019, Tổng cục Thuế thực hiện tiếp năm đợt triển khai, và trong đầu năm nay thực hiện nốt hai đợt cuối cùng.

 Như vậy, với sự cố gắng trong quãng thời gian chỉ hơn một năm, đến nay, Tổng cục Thuế đã trình Bộ trưởng Tài chính ký ban hành 111 quyết định thành lập chi cục thuế khu vực trực thuộc 63 cục thuế tỉnh, thành phố trong cả nước. “Qua đó, giảm tới 296 cơ quan chi cục, và toàn hệ thống thuế đã hoàn thành việc hợp nhất, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả”, Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn nói. (Nhân dân 16/3, Sông Trà)Về đầu trang

Hà Nội: 100% thủ tục hành chính được thực hiện tại bộ phận “một cửa”

Đây là sự nỗ lực của thành phố Hà Nội trong triển khai thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trên địa bàn thành phố.

 Để thực hiện hiệu quả công tác cải cách TTHC, cùng với ban hành nhiều kế hoạch, thành phố tiếp tục thực hiện tốt công tác chuẩn hóa TTHC, kiểm soát việc công bố TTHC. Trong quý I/2020, thành phố đã ban hành 7 quyết định công bố về: Danh mục TTHC lĩnh vực đăng kiểm thuộc chức năng quản lý của Sở Giao thông Vận tải; danh mục TTHC lĩnh vực bảo hiểm nông nghiệp thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tài chính, Sở NN&PTNT, UBND cấp xã trên địa bàn thành phố; danh mục TTHC mới ban hành, được thay thế, bị bãi bỏ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện, UBND cấp xã trên địa bàn thành phố; phê duyệt các quy trình nội bộ giải quyết TTHC lĩnh vực tổ chức phi chính phủ và chính sách đối với thanh niên xung phong thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Nội vụ; phê duyệt các quy trình nội bộ trong giải quyết TTHC lĩnh vực LĐ,TB&XH thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở LĐ,TB&XH, UBND cấp huyện trên địa bàn thành phố; quy trình nội bộ giải quyết TTHC lĩnh vực quy hoạch - kiến trúc thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Quy hoạch - Kiến trúc; phê duyệt các quy trình nội bộ giải quyết TTHC lĩnh vực công chức, viên chức, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp, chính quyền địa phương thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Nội vụ.

 Qua tổng hợp, đến nay, 100% các TTHC của thành phố đều được thực hiện tại bộ phận “một cửa”. 100% các quyết định công bố TTHC sau khi ban hành đã được công khai theo quy định trên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, tại nơi tiếp nhận và giải quyết TTHC và các hình thức khác theo quy định. Tính đến nay, toàn thành phố có 1.448 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (đạt tỷ lệ 81%, trong đó 1.209 dịch vụ công mức độ 3 và 239 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4). Tổng số TTHC toàn thành phố là 1.850 (trong đó, khối sở là 1.517 TTHC, cấp huyện 232 TTHC, cấp xã 101 TTHC). Số lượng hồ sơ tiếp nhận trên Cổng dịch vụ công thành phố đạt hơn 300 nghìn hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 90%. Thành phố đã tích hợp ứng dụng biên lai điện tử, dịch vụ bưu chính công ích trên hệ thống.

 Nhằm tìm kiếm sáng kiến, giải pháp, mô hình về cải cải cách TTHC và thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, ngày 24-01-2020, UBND thành phố ban hành Quyết định số 88/QĐ-BTC về việc thành lập Ban giám khảo và Tổ thư ký cuộc thi "Tìm kiếm sáng kiến, giải pháp, mô hình cải cách TTHC và thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2019”. Nội dung cuộc thi: Đưa ra các ý tưởng, giải pháp, mô hình cải tiến quy trình thực hiện TTHC trên cơ sở tiết kiệm tối đa thời gian, kinh phí thực hiện TTHC của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hoặc cơ quan hành chính nhà nước trong việc thực hiện các TTHC trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Bên cạnh đó, đề xuất các mô hình thực hiện TTHC hiệu quả, đơn giản mang lại lợi ích cho cơ quan quản lý nhà nước và công dân trong việc thực hiện các TTHC. Đề xuất các mô hình, giải pháp nâng cao hiệu quả và chất lượng phục vụ cũng như đơn giản hóa, tiết kiệm chi phí cho cơ quan hành chính cũng như cho công dân trong việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”… (Phapluatxahoi.vn 15/3, TQ) Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Chính phủ hội nghị trực tuyến toàn quốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

Thủ tướng Chính phủ cơ bản đồng ý với đề xuất của Bộ Kế hoạch Đầu tư về tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2020. Theo dự kiến, thời gian tổ chức Hội nghị sẽ diễn ra cuối tháng 4.2020.

 Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương báo cáo tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công 3 tháng đầu năm 2020; trong đó tập trung đánh giá tình hình thực hiện, giải ngân các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm ngành giao thông, ngành nông nghiệp (đường sắt, đường bộ, thủy lợi...).

 Trong báo cáo cần nêu rõ những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân (chủ quan và khách quan), kiến nghị giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 10.4.2020 để tổng hợp, báo cáo tại Hội nghị.

 Bộ Tài chính chuẩn bị báo cáo kết quả giải ngân vốn đầu tư công 3 tháng đầu năm 2020 (bao gồm kế hoạch vốn năm 2019 kéo dài sang năm 2020), trong đó nêu rõ tồn tại hạn chế, nguyên nhân và kiến nghị giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng còn lại năm 2020, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 10.4.2020, đồng thời báo cáo tham luận tại Hội nghị.

 Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan chuẩn bị báo cáo tổng hợp đánh giá tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2020, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng còn lại năm 2020; tổng hợp các nội dung chuẩn bị cho Hội nghị từ các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương.

 Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp những khó khăn, vướng mắc liên quan đến các quy định giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 thuộc thẩm quyền xử lý của Chính phủ, đề xuất các giải pháp tháo gỡ, lấy ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Chính phủ tại Phiên họp thường kỳ tháng 4.2020. (Đại biểu nhân dân 16/3)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Thanh Hóa: 5 cựu cán bộ thanh tra nhận hối lộ lãnh án

Chiều 16-3, TAND tỉnh Thanh Hóa mở lại phiên sơ thẩm đã tuyên án vụ đưa và nhận hối lộ với năm bị cáo là cựu cán bộ thanh tra tỉnh này và ba bị cáo là người đứng đầu các doanh nghiệp.

 HĐXX tuyên phạt Lê Mạnh Hà (trưởng đoàn thanh tra tỉnh) 40 tháng tù, Nguyễn Thị Cúc (phó trưởng đoàn thanh tra) 34 tháng tù, Nguyễn Hưng, Dương Văn Bằng, Nguyễn Quý Diễn (cùng là thành viên đoàn thanh tra) mỗi người từ 24-28 tháng tù cùng về tội nhận hối lộ.

 Năm bị cáo còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ quyền hạn có liên quan đến công tác thanh tra trong thời hạn ba năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.

 Ở nhóm tội đưa hối lộ, Trần Ngọc Tài (giám đốc doanh nghiệp Cường Quý, nguyên đại biểu HĐND huyện Thiệu Hóa) bị phạt 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

 Nguyễn Văn Châu (giám đốc doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh) bị phạt 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

 Nguyễn Gia Hải (giám đốc doanh nghiệp Hải Lam) 9 tháng tù về tội đưa hối lộ, 12 tháng tù về tội trốn thuế, tồng hợp hình phạt chung bị cáo phải chấp hành  là 21 tháng tù.

 Đặc biệt trong suốt quá trình luận tội, tuyên án các bị được phép đeo khẩu trang để phòng dịch Covid-19.

 Theo cáo trạng, năm bị cáo là cựu cán bộ thanh tra tỉnh đã nhận 594 triệu đồng của các doanh nghiệp để bỏ qua một số vi phạm. Trong đó, 230 triệu đồng do các cá nhân nhận riêng lẻ, 364 triệu đồng nhận chung và chia đều cho các thành viên trong đoàn khi tham gia thanh tra trên địa bàn huyện Thiệu Hóa.

 Quá trình thanh tra, đoàn thanh tra đã phát hiện hàng loạt sai phạm của Công ty CP Xây dựng Thương mại và Xây lắp điện Thanh Thảo và nhận của công ty này 150 triệu.

Đoàn cũng phát hiện Công ty TNHH xây dựng vận tải Tùng Sâm trốn thuế và nhận 30 triệu đồng để bỏ qua sai phạm.

 Đoàn còn phát hiện nhiều sai phạm trong sử dụng tiền ngân sách, thu chi tài chính của Trường THCS Thiệu Nguyên (xã Thiệu Nguyên, huyện Thiệu Hóa) và nhận 5 triệu đồng để bỏ qua sai phạm.

 Chiều 18-4-2019, bà Cúc bị bắt quả tang khi đang nhận 20 triệu đồng của kế toán Công ty TNHH xây dựng vận tải Tùng Lâm tại hội trường tầng 2 của UBND huyện Thiệu Hóa.

 Cùng ngày, Cơ quan An ninh điều tra khám xét nơi ở, nơi làm việc của bà Cúc thu giữ nhiều tài liệu liên quan đến hành vi nhận hối lộ. Sau đó, các bị cáo còn lại đến cơ quan công an đầu thú, khai nhận hành vi phạm tội. 

HĐXX nhận định các bị cáo đều tỏ ra hối hận, thành khẩn khai báo, có nhiều đóng góp cho hoạt động thanh tra, từng nhận nhiều bằng khen, giấy khen của đơn vị và Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nên đã tuyên án như trên. (Pháp luật TPHCM 16/3, Đặng Trung)Về đầu trang

Nợ hơn 50 tỷ đồng “chi tiêu vặt”: Bí thư Huyện uỷ Yên Định lên tiếng

Bí thư Huyện uỷ Yên Định (Thanh Hóa) đang cho rà soát lại các khoản nợ hơn 50 tỷ đồng của Huyện uỷ và UBND huyện mà một số tờ báo đăng tải vài ngày qua.

 Sáng 16/3, trả lời VTC News, ông Đầu Thanh Tùng, Bí thư Huyện ủy Yên Định (Thanh Hóa) cho biết, hiện huyện đang cho kiểm tra, rà soát các khoản nợ mà một số tờ báo phản ánh.

 "Theo báo cáo của các anh em thì đó là số tiền do các anh em tự bỏ ra chi, từ những nhiệm kỳ trước. Hiện chúng tôi đang cho các cơ quan chức năng rà soát lại, sau đó chúng tôi sẽ thông tin chính thức sau", Bí thư Huyện ủy Yên Định nói.

 Những ngày qua, một số tờ báo phản ánh việc huyện Huyện uỷ và UBND huyện Yên Định đang "nợ như chúa chổm" với số tiền lên tới hơn 50 tỷ đồng.

 Những món nợ của Huyện ủy, UBND huyện Yên Định chủ yếu như nợ tiền sửa sang cơ sở vật chất công sở Huyện ủy, UBND huyện; tiền xăng xe đi công tác của lãnh đạo; tiền sửa xe khi hư hỏng; tiền quà tặng các dịp đại hội, lễ kỷ niệm; tiền chè nước; giấy mực in; tiền ăn uống, nghỉ ngơi khi tiếp khách ở các nhà hàng, khách sạn của lãnh đạo huyện…

 Không những nợ chi tiêu, mà huyện này còn nợ cả tiền khen thưởng cho cá nhân, tập thể trên địa bàn vì đã lấy tiền thưởng để chi vào việc khác.

 Đây là khoản nợ chủ yếu rơi vào giai đoạn 2011 - 2015, khi ông Hoàng Cao Thắng làm Bí thư Huyện ủy và bà Ngô Thị Hoa làm Chủ tịch UBND huyện. Cả hai vị này hiện đã nghỉ hưu.

 Trong giai đoạn này, nhiều cán bộ công tác tại các vị trí của Văn phòng Huyện ủy Yên Định, Văn phòng UBND, Phòng Văn hóa, Phòng Thanh tra, ... đều lâm vào cảnh bị UBND huyện, Huyện ủy "nợ tiền".

 Theo thống kê sơ bộ, UBND huyện Yên Định đang nợ khoảng 23 tỷ đồng, Huyện ủy nợ khoảng 29 tỷ đồng. (VTC.vn 16/3, Trần Thanh)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Cách Chính phủ Singapore cứu doanh nghiệp trong đại dịch

Không chỉ nhận hỗ trợ tài chính hàng tỷ đôla Singapore, doanh nghiệp tại quốc đảo này còn được hướng dẫn cách kinh doanh an toàn trong mùa dịch.

 Singapore là một trong những quốc gia chịu tác động lớn nhất tại châu Á do Covid-19, cả về y tế và kinh tế. Đến nay, nước này đã ghi nhận 200 ca nhiễm, nhưng chưa trường hợp nào tử vong.

 Đầu tuần này, chính phủ Singapore cho biết đã sẵn sàng tung gói cứu trợ thứ hai giúp doanh nghiệp vượt qua dịch bệnh. Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Singapore Heng Swee Keat cho biết giới chức nước này đang tìm hiểu mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh lên các ngành nghề và tìm cách hỗ trợ tốt hơn cho quá trình chuyển đổi của các ngành công nghiệp và người lao động.

 Một nhóm hành động sẽ được thành lập để giúp các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội trong khủng hoảng. Ông Heng sẽ lãnh đạo nhóm này, cùng các bộ trưởng và lãnh đạo doanh nghiệp khác.

 "Khi nền kinh tế chậm lại, chúng ta cần khuyến khích doanh nghiệp gây dựng sức mạnh và củng cố thêm hoạt động chuyển đổi kinh tế của họ", ông nói. Dù vậy, các biện pháp chi tiết chưa được công bố.

 Trước đó, trong kế hoạch ngân sách ngày 18/2, chính phủ Singapore đã tung ra gói giải cứu đầu tiên trị giá 4 tỷ đôla Singapore (SGD) cho doanh nghiệp. Mục đích là hỗ trợ việc làm và dòng tiền, nhằm giúp các công ty giữ chân người lao động, và đào tạo lại họ trong thời kỳ kinh tế xuống dốc.

 Theo đó, Chương trình Hỗ trợ Việc làm sẽ chi trả 8% thu nhập của mỗi lao động Singapore trong 3 tháng. Mỗi tháng, mức này không vượt quá 3.600 SGD và khoản trả sẽ được thanh toán cho các công ty vào cuối tháng 7.

 Một chương trình khác đang hỗ trợ tăng lương cho lao động Singapore thu nhập dưới 4.000 SGD mỗi tháng cũng sẽ thay đổi. Mức trần 4.000 sẽ được nâng lên 5.000 SGD để "nhiều người dân Singapore nhận được lợi ích hơn", ông Heng cho biết.

 Các công ty cũng sẽ được hỗ trợ về dòng tiền trong năm nay, khi được hoàn thuế thu nhập doanh nghiệp hiện ở mức 25%. Số thuế được hoàn tối đa là 15.000 SGD cho mỗi công ty. Heng cũng cam kết áp dụng thêm nhiều ưu đãi thuế và hỗ trợ tiếp cận vốn lưu động trong vòng một năm, nhằm tăng lượng tiền mặt cho các công ty. Những doanh nghiệp thuê đất của chính phủ cũng có thể đề xuất được nới lỏng các điều khoản thanh toán. 

Ngoài ra, chính phủ Singapore cũng dành riêng 8,3 tỷ USD để chi tiêu trong 3 năm, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy chuyển đổi kinh tế. Các ngành như du lịch, hàng không, bán lẻ, dịch vụ ăn uống và giao thông còn được hỗ trợ riêng.

 Với ngành du lịch, năm nay, các khách sạn, căn hộ dịch vụ và địa điểm tổ chức sự kiện sẽ được hoàn thuế bất động sản lên tới 30%. Những khách sạn có người nhiễm bệnh còn được hỗ trợ chi phí lau dọn, khử trùng. Các bến phà, du thuyền được hoàn thuế 15%. Một chương trình vay vốn bắc cầu tạm thời cũng sẽ được áp dụng trong một năm để các doanh nghiệp ngành này có thêm vốn. Khoản này giới hạn tại 1 triệu SGD mỗi công ty, lãi suất trần là 5%.

 Với ngành hàng không, các doanh nghiệp sẽ được hoàn phí đỗ máy bay, phí thuê cửa hàng và dịch vụ vận chuyển tại sân bay Changi. Sân bay này cũng được hoàn thuế bất động sản.

 Với ngành giao thông – vận tải, trước đó các công ty đã nhận được gói hỗ trợ 77 triệu USD từ Bộ Giao thông nước này. Dù vậy, khoảng 40.000 lái xe cũng sẽ được hỗ trợ 20 SGD mỗi ngày trong 3 tháng. Doanh nghiệp ngành bán lẻ và dịch vụ ăn uống thì được hỗ trợ một phần chi phí thuê mặt bằng và hoàn thuế bất động sản.

 Ngoài các hỗ trợ tài chính, chính phủ Singapore còn đưa ra hướng dẫn chi tiết cho các công ty để hoạt động an toàn trong thời kỳ dịch bệnh. Tháng 1/2020, Enterprise Singapore – cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp thuộc chính phủ Singapore và Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore đã công bố "Hướng dẫn Kế hoạch Kinh doanh trong giai đoạn dịch bệnh".

 Theo đó, các doanh nghiệp được hướng dẫn cách quản lý rủi ro về nhân sự, quy trình kinh doanh, nhà cung cấp – khách hàng và truyền thông. Tài liệu này thậm chí giải thích ý nghĩa các mức độ cảnh báo của chính phủ, chỉ ra cách rửa tay, đeo khẩu trang đúng và ví dụ cả mẫu tờ khai y tế cho khách vào công ty. (Vnexpress.net 16/3, Hà Thu)Về đầu trang./.

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Các tin khác