Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 21-01-2020

Post date: 21/01/2020

Font size : A- A A+

Tải file tại đây

CHÍNH SÁCH MỚI 1

1.Công chức, viên chức có thể không được thưởng Tết 1

2.Chưa làm đủ 12 tháng vẫn được lương tháng 13. 2

CHỈ THỊ MỚI 3

3. Các bộ, địa phương phải báo cáo việc "nhận quà Tết trái quy định" trước ngày 1-2. 3

4.Thủ tướng yêu cầu trả lương, thưởng đầy đủ cho người lao động dịp Tết 3

TIN QUỐC HỘI 4

5.  Chuẩn bị nhân sự nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.. 4

TƯ DUY MỚI – CÁCH LÀM HAY.. 4

6. Hà Nội: Cảnh sát khu vực ứng dụng công nghệ kết nối với người dân. 4

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 5

7. Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2020 và nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh. 5

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 7

8. Không để “đầu voi đuôi chuột”. 7

9.Duy trì niềm tin và hy vọng. 8

QUẢN LÝ.. 9

10.  Mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất là 950 triệu đồng. 9

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 9

11.Hà Nội: Thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trực tuyến từ Cổng Dịch vụ công quốc gia. 9

12. Lần đầu tiên TP HCM triển khai ứng dụng thuế điện tử - eTax. 10

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 11

13.Giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2020. 11

14.Ngành Thuế về đích sớm chỉ tiêu nộp thuế. 11

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 12

15.Kỷ luật ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.. 12

16. Xử nồng độ cồn: Cán bộ xin xỏ, dân bật khóc. 12

THẾ GIỚI 14

17.Mức lương tối thiểu của các nước trong khu vực ASEAN như thế nào?. 14

18. Thủ tướng Nhật Bản cam kết thực hiện cải cách, tái định hình đất nước. 15

 CHÍNH SÁCH MỚI

Công chức, viên chức có thể không được thưởng Tết

Trong Luật Cán bộ, công chức năm 2008 sửa đổi bổ sung năm 2019 không có quy định nào đề cập cụ thể về vấn đề thưởng Tết của nhóm đối tượng này. Theo Khoản 2, Điều 12, Luật Cán bộ, công chức năm 2008, công chức được hưởng tiền làm thêm giờ, tiền làm đêm, công tác phí và các chế độ khác theo quy định của pháp luật. Do đó, trong Luật Cán bộ, công chức hiện nay không có quy định nào về thưởng Tết của nhóm đối tượng này mà chỉ quy định chung về các chế độ khác.

 Bên cạnh đó, Điều 12 Luật Viên chức năm 2010 quy định viên chức được hưởng tiền làm thêm giờ, tiền làm đêm, công tác phí và chế độ khác theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập; được hưởng tiền thưởng, được xét nâng lương theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập.

 Căn cứ vào các quy định của Luật Cán bộ, công chức và Bộ luật Lao động (sửa đổi), việc thưởng Tết cho công chức và viên chức sẽ do cơ quan Nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập tự quyết định căn cứ vào đánh giá năng lực, hiệu quả làm việc của từng đối tượng. Mức thưởng Tết cụ thể cũng do các đơn vị, cơ quan này tự quyết định. (Daibieunhandan.vn 20/01, N.Sáng)Về đầu trang

Chưa làm đủ 12 tháng vẫn được lương tháng 13

Lương tháng 13 luôn là vấn đề nóng được nhiều người lao động (NLĐ) quan tâm mỗi khi Tết đến. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng có lương tháng 13.

 Tính đến thời điểm hiện tại, Bộ Luật Lao động năm 2012 cũng như các văn bản hướng dẫn liên quan đều không có bất cứ quy định nào về lương tháng 13 mà chỉ có quy định về tiền thưởng. Theo đó: Tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho NLĐ căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hàng năm và mức độ hoàn thành công việc của NLĐ.

 Tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hàng năm

 Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp (DN) hiện nay đều coi lương tháng 13 có bản chất tương tự như tiền thưởng và được chi trả vào dịp cuối năm.

 Tức là, DN sẽ căn cứ vào kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình và mức độ hoàn thành công việc trong năm của NLĐ để quyết định có chia tháng lương thứ 13 cho NLĐ hay không. Và cơ sở để DN thực hiện hoạt động này là những thỏa thuận, quy định cụ thể tại hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể, quy chế tài chính của DN, quy chế thưởng do Giám đốc/Tổng Giám đốc ban hành…

 Theo đó, DN sẽ quyết định việc có lương tháng 13 hay không và mỗi DN sẽ đặt ra những điều kiện hưởng cũng như công thức tính riêng.

 Thông thường, để có tháng lương thứ 13, NLĐ phải đáp ứng đủ 3 điều kiện: Có hợp đồng lao động bằng văn bản xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn; Có thời gian làm việc liên tục từ 1 tháng trở lên tính đến thời điểm tính lương tháng 13; Vẫn còn tiếp tục làm việc cho DN đến thời điểm tính lương tháng thứ 13.

 Khi đó, mức lương tháng 13 sẽ tính theo số tháng làm việc. Với người làm từ đủ 12 tháng trở lên, mức lương tháng 13 = Bình quân tiền lương của 12 tháng trong năm. Với người làm chưa đủ 12 tháng, mức lương tháng 13 = (thời gian NLĐ làm việc trong năm/12) x bình quân tiền lương tính theo thời gian NLĐ làm việc.

 Đó là những nội dung thường gặp về lương tháng 13 tại một số doanh nghiệp. (Nld.com.vn 20/01, H.Lê)Về đầu trang

CHỈ THỊ MỚI

Các bộ, địa phương phải báo cáo việc "nhận quà Tết trái quy định" trước ngày 1-2

Ông Trần Ngọc Liêm, Phó Tổng Thanh tra chính Chính phủ (TTCP), vừa ký văn bản gửi các bộ, ngành; UBND các tỉnh, TP; các Tập đoàn kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước về việc thực hiện nghiêm Luật phòng, chống tham nhũng và quy định tặng quà và nhận quà tặng.

 TTCP đề nghị các đơn vị nêu trên chấp hành nghiêm quy định của Luật phòng, chống tham nhũng; không dùng ngân sách tổ chức đi thăm, chúc Tết, tặng quà đối với các lãnh đạo cơ quan, đơn vị các cấp; không sử dụng phương tiện, tài sản công vào các hoạt động cá nhân trong dịp Tết, Lê hội.

 Đồng thời, theo dõi, nắm tình hình, phát hiện, xử lý kịp thời những trường hợp tặng quà, nhận quà trái quy định và sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi.

 TTCP đề nghị các bộ, ngành, địa phương báo cáo bằng văn bản kết quả thực hiện về cơ quan này trước ngày 1-2-2020. Các Tập đoàn kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước gửi báo cáo về bộ, cơ quan quản lý để tổng hợp chung trong báo cáo.

 Trước đó, theo báo cáo của TTCP, năm 2019, Với việc tiến hành 2.290 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, thanh tra đã phát hiện 338 vụ việc với 413 người vi phạm. Số người nộp lại quà tặng cho đơn vị là 8 người với giá trị quà tặng là 116 triệu đồng.

 Bên cạnh đó, toàn ngành đã triển khai 6.601 cuộc thanh tra hành chính và 227.386 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế 173.411 tỉ đồng, 22.548 ha đất. Từ đó đã kiến nghị xử lý hành chính đối với 1.967 tập thể và nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 94 vụ, 121 đối tượng.

 Tổng hợp kết quả minh bạch tài sản, thu nhập năm 2018 cho thấy có 46 người được xác minh tài sản, thu nhập. Qua xác minh phát hiện 10 trường hợp vi phạm (tăng 4 trường hợp so với cùng kỳ năm trước); đã xử lý kỷ luật 8 trường hợp, đang xem xét xử lý kỷ luật 2 trường hợp. (Nld.com.vn 20/01, Minh Chiến)Về đầu trang

Thủ tướng yêu cầu trả lương, thưởng đầy đủ cho người lao động dịp Tết

Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, sáng 20/1, Thường trực Chính phủ đã có cuộc họp với lãnh đạo các bộ, ngành về công tác phục vụ Tết Nguyên đán năm 2020.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các bộ và địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị của Ban Bí thư và của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức Tết, nên đến nay, công tác phục vụ nhân dân đón Tết được bảo đảm.

 Với tinh thần "Không để người dân nào không có Tết", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ và địa phương phải chăm lo cả đời sống tinh thần cho nhân dân, nhất là các gia đình có công với nước, gia đình chính sách, bảo trợ xã hội cùng với đồng bào ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa và vùng bị thiên tai. Các cơ quan, doanh nghiệp trong cả nước phải bảo đảm tiền lương và thưởng Tết, trong trường hợp quá khó khăn, chưa thể trả đầy đủ thì phải tạm ứng cho người lao động.

 Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các bến xe và doanh nghiệp vận tải không được để hành khách nào phải ở lại bến tàu, xe trong dịp Tết.

 Nhằm ứng phó với tình hình thiếu nước ở miền Bắc và hạn hạn, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng yêu cầu các địa phương thực hiện đúng lịch lấy nước cho vụ Đông Xuân, cũng như chỉ đạo của Thủ tướng tại cuộc làm việc với lãnh đạo 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long vào cuối tháng 9/2019, đặc biệt không để dân thiếu nước ngọt. (VTV.vn 20/01)Về đầu trang

TIN QUỐC HỘI

Chuẩn bị nhân sự nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến để trình Quốc hội xem xét, quyết định: Công tác nhân sự và chủ trương đầu tư công trình quan trọng quốc gia (nếu có); xem xét, quyết định một số vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy, nhân sự, chế độ chính sách (nếu có); phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (nếu có); quyết định việc chuyển sinh hoạt Đoàn đại biểu Quốc hội của đại biểu Quốc hội (nếu có).

 Chỉ đạo việc tổng kết và tham gia các hoạt động tổng kết thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; xây dựng và triển khai kế hoạch tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Dự kiến cơ cấu, thành phần, nhân sự cho nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; trình Quốc hội xem xét, quyết định thành lập Hội đồng bầu cử Quốc gia…

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, cải tiến, đổi mới cách thức tổ chức hoạt động, chế độ làm việc bảo đảm khoa học, hiệu quả; thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tiếp tục nghiên cứu đổi mới nội dung và phương thức giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chủ động theo dõi, kịp thời phát hiện để giám sát những vấn đề có thể gây bức xúc trong xã hội. Hạn chế tối đa việc bổ sung gấp nội dung vào chương trình phiên họp; đồng thời, kiên quyết không đưa vào chương trình những nội dung không bảo đảm chất lượng, tiến độ, hồ sơ không đầy đủ. (Tienphong.vn 20/01, Thanh Lam)Về đầu trang

TƯ DUY MỚI – CÁCH LÀM HAY

Hà Nội: Cảnh sát khu vực ứng dụng công nghệ kết nối với người dân

Với tiêu chí ngày càng nâng cao chất lượng phục vụ người dân, Công an quận Long Biên (thành phố Hà Nội) đã và đang triển khai nhiều biện pháp ứng dụng công nghệ thông tin và cải cách hành chính.

 Tháng 3/2019, Công an quận Long Biên đã thảo luận trong khối quản lý hành chính để xây dựng phương án "Cảnh sát khu vực sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin trên điện thoại thông minh trong công tác quản lý nhà nước về anninh trật tự và cầu nối tương tác với người dân".

 Khi triển khai phương án này, bên cạnh công tác nắm tình hình theo cách thức cũ như thăm hỏi các hộ gia đình, xây dựng quần chúng tốt, mạng lưới cộng tác viên bí mật… giờ đây, cảnh sát khu vực có thể tiếp cận gần hơn với người dân bằng cách sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin để nhắn tin, trao đổi.

 Từ đó, lực lượng công an có thể nhận biết, đánh giá và đề ra biện pháp quản lý, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. Cảnh sát khu vực lập ra các nhóm tương tác trên ứng dụng để có thể cùng một lúc truyền đạt tin tức đến nhiều người chỉ với một vài thao tác đơn giản. (VietnamPlus.vn 20/01)Về đầu trang

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2020 và nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh

Sức nóng từ Nghị quyết 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 tiếp tục được lan tỏa.

 Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020.

 Đây là năm thứ 7 liên tiếp Chính phủ ban hành Nghị quyết về cắt giảm điều kiện kinh doanh, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Năm nay là năm thứ 7 liên tiếp Chính phủ ban hành Nghị quyết về cắt giảm điều kiện kinh doanh, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

 Trong 6 năm liên tiếp từ 2014 đến 2019, Chính phủ liên tục ban hành 5 Nghị quyết cùng mang số 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Kết quả thực hiện các Nghị quyết này đã giúp môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện 30 bậc trên bảng xếp hạng của Doing Business, từ vị trí thứ 99 vào cuối năm 2013 lên vị trí thứ 69 vào cuối năm 2018.

 Tuy nhiên, nếu xét riêng trong khu vực ASEAN, Việt Nam vẫn chưa hoàn thành được mục tiêu lọt vào nhóm 4 nước có môi trường kinh doanh tốt nhất, chúng ta vẫn đứng sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và Brunei.

 TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong một hội thảo với chủ đề cải thiện môi trường kinh doanh do VCCI tổ chức cách đây không lâu cũng cho biết, trong năm qua, nhiều bộ ngành, địa phương đã có cải cách đáng kể, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, “cải cách hành chính còn khấp khểnh”.

“Có bộ ngành địa phương làm tốt nhưng còn có những địa phương làm chậm, thờ ơ, không hiệu quả. Việc cải cách trong thuế, tiếp cận tín dụng đã có nhiều tích cực, tuy nhiên ngay cả ở những lính vực có cải cách lớn thì khoảng cách với khu vực vẫn còn xa”, TS Vũ Tiến Lộc nói.

 Đáng chú ý, chi phí “lót tay” trong thanh tra, kiểm tra thuế mặc dù có giảm so với năm trước nhưng vẫn có 30% doanh nghiệp cho biết phải trả khoản này cho cán bộ thanh tra.

 Nguyên nhân một phần do doanh nghiệp có sai phạm nên muốn “giảm nhẹ tội”. Tương tự, trong việc tiếp cận vốn tín dụng, gần 40% doanh nghiệp được khảo sát cho biết phải “bồi dưỡng” cán bộ ngân hàng nếu muốn được vay vốn.

 Thêm vào đó, tình trạng chồng chéo pháp luật cũng là rào cản khiến doanh nghiệp khó khăn trong kinh doanh.

 Ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã dẫn ví dụ cụ thể: Theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, dù Luật Đất đai 2013 được sửa đổi nhưng còn chồng chéo các Luật: Đầu tư, Đấu thầu, Kinh doanh… gây khó cho các doanh nghiệp. Như quy định về Quy hoạch sử dụng cấp đất đai tỉnh có kỳ hạn 5 năm, huyện là 1 năm, trong khi kế hoạch của chủ đầu tư mất nhiều thời gian, có khi dự án chưa được thông qua đã phải điều chỉnh. Tương tự, quy định về điều kiện chuyển nhượng các dự án, pháp luật về nhà ở thì tổ chức nhận chuyển nhượng phải có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước, nhưng pháp luật về đất đai lại quy định phải có đất mới được chấp thuận đầu tư.

 Nhiều doanh nghiệp phản ánh còn nhiều điểm xung đột, chồng chéo và không thống nhất về điều kiện vốn tối thiểu của chủ đầu tư giữa Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Đất đai; không tương thích về quyền cho thuê tài sản gắn liền với đất trong trường hợp thuê đất trả tiền hàng năm giữa Luật Đất đai và Bộ luật Dân sự; khác nhau về trình tự, thủ tục đầu tư dự án quy mô 5.000 tỷ đồng trở lên giữa Luật Đầu tư, Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Luật Xây dựng; không thống nhất về lựa chọn nhà thầu thẩm tra thiết kế, dự toán giữa Luật Xây dựng và Luật Đấu thầu…

 Nhận thức rõ những vấn đề này, Nghị quyết năm nay sẽ bổ sung các giải pháp tập chung vào giải quyết những vấn đề phải cải thiện nhưng nhiều năm qua vẫn hầu như không có cải thiện với mục tiêu là phải cắt giảm được chi phí và thời gian cho doanh nghiệp. Trọng tâm vẫn là cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật, cải cách điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí trong kiểm tra chuyên ngành và xây dựng Chính phủ điện tử.

 Ngoài ra, Nghị quyết cũng bổ sung giải pháp để đảm bảo rằng các cải cách đã được thực hiện phải được thực thi đầy đủ để tất cả cộng đồng doanh nghiệp có liên quan được hưởng lợi và hưởng lợi đầy đủ. Ví dụ, Nghị quyết 02 yêu cầu các bộ, ngành phải công khai bảng so sánh các điều kiện kinh doanh trước và sau khi bãi bỏ, đơn giản hóa và phải thực hiện ngay trong quý I/2020.

 Yêu cầu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo thực thi đúng, đầy đủ những quy định đơn giản hóa về điều kiện kinh doanh; không tự đặt thêm điều kiện kinh doanh dưới mọi hình thức; xử lý nghiêm những cán bộ, công chức không thực hiện đầy đủ, đúng các quy định mới về điều kiện kinh doanh.

 Thật ra, không chỉ Nghị quyết 02 mà trong nhiều nghị quyết trước đây của Chính phủ cũng đã cụ thể hóa việc giao các chỉ tiêu cho các bộ, ngành để thực hiện nhiệm vụ cắt giảm điều kiện kinh doanh, theo các bộ chỉ số tương đồng với các chỉ số quốc tế.

 Ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu các giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế - xã hội cho rằng, Chính phủ cần phải có một chính sách thưởng/phạt công bằng trong quá trình thực hiện, triển khai nghị quyết, căn cứ vào mức độ hoàn thành của mỗi ngành, mỗi địa phương. Trong Nghị quyết đã đưa ra các yêu cầu, mục tiêu, chỉ tiêu giao cho các bộ, ngành; song phải kiểm soát, đôn đốc quá trình thực hiện. 

“Cùng với việc ban hành Nghị quyết 02, chúng ta cùng kỳ vọng năm mới 2020, các nghị quyết của Chính phủ đều được thực thi một cách hiệu quả”, ông Minh nhấn mạnh. (Enternews.vn  20/1, Huyền Trang) Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

Không để “đầu voi đuôi chuột”

Để Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sớm đi vào cuộc sống, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (ngày 30.12.2019) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2020, đúng ngày Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực thi hành. Và mới đây nhất, ngày 16.1.2020, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg để tăng cường thực hiện Luật và Nghị định liên quan đến vấn đề này.

 Thời gian qua, rất nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra đều bắt nguồn từ bia, rượu. Không ít người tham gia giao thông nhưng sử dụng rượu, bia thiếu kiểm soát, đã vô tình gây nên những cái chết đau lòng cho người tham gia giao thông và cho chính mình. Với mức phạt cao nhất lên tới 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe lên đến 24 tháng đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn, Nghị định 100 đã làm cho người tham gia giao thông phải thay đổi nhận thức, hành vi khi sử dụng rượu, bia. Nghị định được đánh giá là có chế tài đủ mạnh để trị căn bệnh “nhờn” luật, chặn đứng các vi phạm đang là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông. 

Tại họp báo đánh giá kết quả hai tuần triển khai Nghị định 100, Thiếu tướng Lê Xuân Đức - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông cho biết: Thực hiện Nghị định 100, tai nạn giao thông giảm sâu cả số vụ, số người bị chết, người bị thương. Từ ngày 1 - 15.1, cả nước xảy ra 322 vụ tai nạn giao thông, làm 249 người chết, 158 người bị thương. So với 2 tuần trước đó, đã giảm 31 vụ (giảm 8,8%), giảm 38 người chết (giảm 13,2%), giảm 57 người bị thương (giảm 26,5%). Lực lượng chức năng đã xử phạt 6.279 người lái xe vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền hơn 21 tỷ đồng. Điều đáng nói là, không có tai nạn nghiêm trọng liên quan đến rượu, bia. 

Để Luật và Nghị định thực sự trở thành công cụ pháp lý hữu hiệu trong việc giảm thiểu tác hại do người tham gia giao thông sử dụng rượu, bia gây ra, trong Chỉ thị 03, Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể đối với từng bộ, ngành có liên quan. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, doanh nghiệp, cộng đồng thực hiện nghiêm: “Đã uống rượu, bia - không lái xe”; trong đó cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải nêu gương hành động.

 Ngoài ra, Thủ tướng giao Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tập trung tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo quy định tại Nghị định 100. Trong đó, lưu ý xử lý hành vi vi phạm nồng độ cồn đối với người lái xe và các hành vi có nguy cơ cao gây tai nạn giao thông, kiên quyết xử lý nghiêm minh, không nể nang, không có vùng cấm đối với các hành vi vi phạm. Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không can thiệp hoặc để xảy ra việc can thiệp làm sai lệch kết quả xử lý vi phạm, dẫn đến các hành vi tiêu cực trong thực thi công vụ…

 Tuy mới triển khai Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100 chưa được 1 tháng, song kết quả bước đầu rất đáng ghi nhận, được nhân dân, dư luận đồng tình ủng hộ. Mong rằng, các bộ, ngành, địa phương và người tham gia giao thông tiếp tục thực hiện nghiêm quy định pháp luật nhằm giảm thiểu tác hại của rượu, bia và tai nạn giao thông, tránh triển khai thực hiện quy định theo kiểu nửa vời, hay “đầu voi, đuôi chuột”. (Daibieunhandan.vn 20/01, Hà An)Về đầu trang

Duy trì niềm tin và hy vọng

Tết sắp đến. Một năm mới bắt đầu trong sự dự báo sẽ chưa hết khó khăn của nền kinh tế.

 Chưa tính đến sự căng thẳng leo thang trong mối quan hệ Mỹ - Iran vừa qua, chỉ riêng xu hướng giảm tốc của kinh tế toàn cầu, những bất ổn địa chính trị, thương chiến Mỹ - Trung… cũng đã ẩn chứa nhiều rủi ro cho kinh tế Việt Nam. Đáng lo hơn khi đặt những thách thức này bên cạnh các khó khăn nội tại. Nước ta đã có một năm tăng trưởng thành công, ít nhất trên bình diện con số, nhưng nếu  chụp cắt lớp các mảng miếng sẽ thấy mục tiêu tăng trưởng 6,8% năm nay không dễ gì đạt được. Trong khi sản xuất công nghiệp đang giảm đà tăng trưởng thì nông nghiệp chật vật hồi phục sau thiên tai, dịch bệnh. Tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm. Tiến trình cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh vẫn chưa mang đến những kết quả “đột phá” như mục tiêu của Chính phủ. Vẫn còn tổ chức, cá nhân trong bộ máy công quyền, thiết chế công sợ sai, sợ chịu trách nhiệm,…

 Bên cạnh đó, vấn đề phát triển bền vững trở nên nhức nhối. Những ngày cận Tết này, báo đưa tin nước mặn bao trùm toàn Bến Tre theo cách “nhanh, đột ngột và rất sâu”, khiến chính quyền tỉnh phải ban hành quyết định về tình huống khẩn cấp do mặn xâm nhập. Cái tết vì vậy có thể sẽ mất vui với người dân nơi đây. Hơn chục năm trước, các chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu đã được đưa ra trên văn bản, từ đó đến nay, vấn đề này bắt đầu được chú ý hơn và được thảo luận rộng rãi ở các cơ quan ra quyết sách khác nhau. Nhưng câu chuyện ứng phó với biến đổi khí hậu, hay nhìn rộng ra là phát triển bền vững, xét đến cùng không chỉ là chiến lược hay chính sách mà quan trọng nhất vẫn là khâu hành động.

 Dẫu vậy, khí thế của năm 2019 rõ ràng là điểm bắt đầu thuận lợi cho kinh tế Việt Nam bước vào năm cuối cùng của thập kỷ. Nền kinh tế đang có không ít động lực tăng trưởng quan trọng và Chính phủ có những cơ sở của mình khi quyết tâm duy trì tốc độ tăng trưởng 7%, cao hơn mức 6,8% Quốc hội đề ra. Nhưng giờ đây, GDP không nên là thước đo duy nhất phải hướng đến bằng mọi giá, quan trọng là người dân được gia tăng lợi ích thiết thực gì từ tăng GDP? GDP có thể tăng ngay trong kỳ báo cáo khi có những khoản tiền lớn chi cho những dự án to và nhiều rủi ro hay các công trình như tượng đài, cổng chào... Ngay cả những dự án “đắp chiếu” cũng làm tăng GDP. Nhưng đồng thời, GDP có thể tăng – một cách bền bỉ nhờ những khoản chi nhỏ để xây cầu dân sinh, để cải thiện dân trí, để giúp trò nghèo có thể đi học với gánh nặng chi phí thấp hơn; hay nhờ những chính sách tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để họ cạnh tranh được với doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nước ngoài. Có việc làm, người dân thoát được nghèo; có kỹ năng phù hợp với thị trường lao động và kiếm được việc làm thích hợp, người dân sẽ có hy vọng về một cuộc sống ấm no hơn, sung túc hơn.

 Dù thế nào chăng nữa, dù năm nay hay là một năm khác, dù bối cảnh này hay bối cảnh khác, bất cứ chính sách kinh tế nào nếu muốn hướng tới tăng trưởng thực chất, bền vững thì điều cốt lõi vẫn là phải duy trì được niềm tin và hy vọng ở người dân. (Daibieunhandan.vn 20/01, Hà Lan)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất là 950 triệu đồng

Đến ngày 17/1, đã có 40/63 tỉnh, thành phố báo cáo tình hình lương, thưởng Tết. Thông tin mới được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra.

 Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, xấp xỉ 90% doanh nghiệp báo cáo dự kiến có thưởng Tết Nguyên đán với mức bình quân khoảng 1 tháng lương. Trong bức tranh chung về thưởng Tết, mức thưởng cao nhất là 3,5 tỷ đồng thuộc về một cá nhân trong lĩnh vực ngân hàng tại TP.HCM vào dịp Tết Dương lịch.

 Mức thưởng cao nhất vào dịp Tết Nguyên đán là 950 triệu đồng/người tại một doanh nghiệp dân doanh hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm nhựa sinh học tại Hải Dương.

 Ngày 20/1, trong phiên họp thường trực của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, phải bảo đảm tiền lương, thưởng Tết cho người lao động. Trong trường hợp chưa thể giải quyết đầy đủ, doanh nghiệp tạm ứng, sau đó có cơ chế xử lý tiếp tục. (VTV.vn 20/01)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Hà Nội: Thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trực tuyến từ Cổng Dịch vụ công quốc gia

UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 163/UBND-THCB, yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm công tác tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trực tuyến từ Cổng Dịch vụ công quốc gia.

 Theo đó, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn: Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến đảm bảo chất lượng, thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp qua môi trường điện tử. Yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn nghiêm túc thực hiện: Tiếp nhận, giải quyết các dịch vụ công trực tuyến của thành phố đảm bảo chất lượng, đúng thời gian theo quy định, không để chậm trễ. Tăng cường biện pháp hỗ trợ, giải pháp thu hút, khích lệ người dân tham gia dịch vụ công trực tuyến, tăng tỷ lệ giải quyết TTHC trên 20% trong năm 2020.

 Yêu cầu Sở Công Thương, Sở Giao thông vận tải tổ chức rà soát, đánh giá chất lượng tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trực tuyến các dịch vụ công gồm: Thông báo hoạt động khuyến mại; đổi giấy phép lái xe do ngành giao thông vận tải cấp, tránh để tình trạng chậm tiếp nhận giải quyết trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

 Văn phòng UBND Thành phố chủ trì, phối hợp với các sở Giao thông vận tải, Tư pháp, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng và UBND các quận, huyện, thị xã và các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp tục triển khai 9 dịch vụ công trực tuyến tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia gồm: cấp phiếu lý lịch tư pháp; đãng ký doanh nghiệp; cấp mới giấy phép lái xe; Đăng ký kết hôn; cấp giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm không nhằm mục đích kinh doanh; đăng ký lại giấy khai sinh; đăng ký khai tử; cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện; cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đúng tiến độ, nhiệm vụ được giao, hoàn thành trong quý I/2020.

 Cùng với đó, phối hợp các sở, ban, ngành rà soát, đề xuất danh mục, lộ trình các dịch vụ công trực tuyến sẽ kết nối, tích hợp Cổng Dịch vụ công quốc gia trong năm 2020, đảm bảo tối thiểu đạt tỷ lệ 20% trong tổng số dịch vụ công trực tuyến của thành phố; báo cáo UBND thành phố duyệt kế hoạch, lộ trình triển khai kết nối, tích hợp dịch trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công quốc gia năm 2020.

 Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì: Phối hợp các cơ quan liên quan khẩn trương kết nối hạ tầng đường truyền mạng diện rộng thành phố (WAN) với mạng truyền số liệu chuyên dùng Chính phủ đảm bảo thông suốt, ổn định, an toàn thông tin phục vụ kết nối Cổng Dịch vụ công thành phố, Hệ thống một cửa điện tử thành phố với Cổng Dịch vụ công quốc gia trong tháng 1/2020.

 Ngân hàng Nhà nước thành phố và các cơ quan có liên quan khẩn trương tham mưu, thanh toán trực tuyến dịch vụ công trực tuyến trong thành phố và kết nối, tích hợp dùng chung hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công quốc gia trong giải quyết TTHC, thực hiện dịch vụ công.

 Phối hợp với các báo, đài của thành phố và cơ quan liên quan tiếp tục đẩy mạnh tuyền truyền, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện khai thác thông tin về TTHC, thực hiện việc dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Công Dịch vụ công thành phố; thực hiện đưa banner của Cổng Dịch vụ công quốc gia trên Cổng Giao tiếp điện tử thành phố, Cổng Dịch vụ công thành phố, hệ thống một cửa điện tử thành phố. (Phapluatxahoi.vn 19/1, TQ) Về đầu trang

Lần đầu tiên TP HCM triển khai ứng dụng thuế điện tử - eTax

Cục Thuế TP HCM cho biết từ ngày 10-2 sẽ triển khai ứng dụng thuế điện tử - eTax, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, hỗ trợ người nộp thuế thực hiện kê khai, nộp, hoàn thuế nhanh chóng và thuận lợi hơn.

 Để thực hiện việc chuyển đổi dữ liệu sang hệ thống eTax, trong thời gian 3 ngày từ 7 đến 9-2, Cục Thuế TP sẽ ngừng cung cấp hệ thống dịch vụ kê khai thuế qua mạng (http://kekhaithue.gdt.gov.vn), nộp thuế điện tử (http://nopthue.gdt.gov.vn) và đến ngày 10-2, hệ thống eTax sẽ chính thức hoạt động.

 Theo Cục Thuế TP, với hệ thống thuế điện tử - eTax, người nộp thuế có thể tiếp cận và quản lý tất cả các dịch vụ thuế điện tử trên một hệ thống duy nhất thay vì phải đăng nhập nhiều ứng dụng khác nhau như trước đây.

 Cụ thể, một số tính năng nổi bật của hệ thống dịch vụ eTax như đăng nhập 1 hệ thống để sử dụng tất cả các dịch vụ, quản lý tất cả các hồ sơ thuế mà không cần thay đổi địa chỉ trang web hay đăng nhập lại hệ thống, giúp người nộp thuế dễ dàng thực hiện đầy đủ các bước trong các quy trình kê khai thuế, nộp và hoàn thuế, tra cứu thông tin hồ sơ, nghĩa vụ thuế.

 Đối với các công ty có quy mô lớn, ngoài 1 tài khoản chính của mỗi một mã số thuế, doanh nghiệp có thể tạo thêm các tài khoản cho các chức danh khác nhau trong công ty như giám đốc, kế toán trưởng, kế toán viên... từ đó có thể dễ dàng kiểm soát trách nhiệm các thành viên một cách đảm bảo, linh hoạt.

 Ngoài ra, ứng dụng thuế điện tử - eTax còn giúp tra cứu các hồ sơ thuế đã gửi đến cơ quan thuế, các thông báo xử lý kết quả của các hồ sơ thuế, tra cứu thông tin về  thuế, số thuế phải nộp. (Cafef.vn 19/1, Thy Thơ) Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2020

Trong năm mới, nhiều biện pháp quyết liệt sẽ được Chính phủ đưa ra để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công.

 Chỉ còn hơn 1 tuần nữa là hết kỳ giải ngân vốn đầu tư công của năm 2019. Đây là năm được xem có tiến độ giải ngân chậm trong nhiều năm trở lại đây. Sau các cuộc họp đốc thúc, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 94 thể hiện sự quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ này. Đến nay, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của năm 2019 đạt khoảng 80%.

 Trong năm mới 2020, nhiều biện pháp mạnh tay sẽ tiếp tục được Chính phủ đưa vào thành Nghị định. Điều này có nghĩa, nhiệm vụ thực hiện sẽ không chỉ là chủ trương mà sẽ trở thành các quy định pháp luật với chế tài cụ thể, rõ ràng hơn. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã có những trao đổi xoay quanh vấn đề này với phóng viên Bản tin Tài chính kinh doanh. (VTV.vn 20/01)Về đầu trang

Ngành Thuế về đích sớm chỉ tiêu nộp thuế

Với việc tăng ấn tượng 22 bậc về chỉ số nộp thuế (Paying Taxes) trong Báo cáo môi trường kinh doanh Doing business 2020 (DB 2020) toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (WB), ngành Thuế đã vượt chỉ tiêu của Chính phủ đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2019 và đang tiệm cận mục tiêu của năm 2021.

 Theo DB 2020, chỉ số nộp thuế của Việt Nam tăng lên 22 bậc, từ vị trí thứ 131 lên thứ 109 trong tổng số 190 quốc gia được đánh giá.

 Xếp hạng về chỉ số nộp thuế được WB đánh giá căn cứ trên các tiêu chí như: Số giờ nộp thuế; Số lần nộp thuế trong năm; Tổng mức thuế suất trên lợi nhuận; Chỉ số sau kê khai (hoàn thuế giá trị gia tăng, thanh/kiểm tra thuế thu nhập doanh nghiệp (DN)).

 Phần lớn các chỉ số trên đều có sự cải thiện. Trong đó thời gian nộp thuế giảm 114 giờ (từ 498 xuống 384 giờ); trong số giờ này có 94 giờ giảm là nhờ cải cách, đơn giản hóa các thủ tục về khai thuế GTGT; và 20 giờ giảm là nhờ những cải cách, đơn giản hóa các thủ tục về nộp và quyết toán thuế thu nhập DN.

 Số lần nộp thuế của Việt Nam cũng giảm bốn lần (từ 10 lần năm 2019 xuống còn 6 lần năm 2020). Tổng mức thuế suất (tỷ lệ tổng thuế và đóng góp) giảm 0,2%, từ mức 37,8% (thuế 13,3%, BHXH 24,5%) năm 2019 xuống còn 37,6% năm 2020.

 Như vậy, với chỉ số nộp thuế của Việt Nam tăng 22 bậc, ngành Thuế đã vượt chỉ tiêu của Chính phủ đề ra tại Nghị quyết 02/NQ-CP (năm 2019 tăng 7-10 bậc về chỉ số nộp thuế), tiệm cận mục tiêu đến năm 2021 chỉ số nộp thuế tăng lên 30-40 bậc.

 Theo Tổng cục Thuế, kết quả trên là ghi nhận khách quan từ DB 2020. Đây là minh chứng cho những nỗ lực vượt bậc trong đẩy mạnh cải cách toàn diện của toàn hệ thống thuế trong suốt một năm qua từ thể chế, phương thức, đến bộ máy.

 Thời gian qua, nhiều ứng dụng công nghệ thông tin đã được hệ thống thuế đưa vào ứng dụng để cắt giảm, đơn giản hóa nhiều khâu trong quy trình nghiệp vụ và tạo thêm dư địa để cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN và người dân trong thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước..

 Theo khảo sát đánh giá cải cách thủ tục hành chính, mức độ hài lòng của DN năm 2019 do Tổng cục Thuế đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện, gần 78% DN được khảo sát hài lòng về dịch vụ của cơ quan thuế.  (Pháp Luật Việt Nam 20/01)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Kỷ luật ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định số 134/QĐ-TTg về việc thi hành kỷ luật ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

 Cụ thể, Thủ tướng quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo đối với ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, do đã có vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong thời gian giữ các chức vụ: Phó Vụ trưởng, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Bộ Giao thông vận tải.

 Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 24/7/2019. (Thanh tra 20/01)Về đầu trang

Xử nồng độ cồn: Cán bộ xin xỏ, dân bật khóc

Nhiều trường hợp dùng chức vị để xin xỏ, thậm chí chống đối lại lực lượng chức năng khi bị kiểm tra nồng độ cồn.

 Sau hơn 20 ngày ra quân triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100 của Chính phủ, số vụ tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí, ý thức chấp hành pháp luật giao thông nâng cao rõ rệt.

 Xử lý rốt ráo là thế, nhưng có nhiều trường hợp vẫn cố tình vi phạm, dùng chức vị để xin xỏ, thậm chí chống đối lại lực lượng chức năng khi bị kiểm tra. Có những trường hợp khi bị lực lượng chức xử lý đã òa khóc bởi số tiền xử phạt là quá lớn. 

Ngày 3/1, tại nút giao Xuân Thủy - Nguyễn Phong Sắc - Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội), lực lượng cảnh sát giao thông đã dừng xe gắn máy do 1 người đàn ông điều khiển để kiểm tra nồng độ cồn.

 Tuy nhiên, người đàn ông này tỏ ra không hợp tác, rồi còn tự xưng là hiểu biết về luật, làm việc ở Bộ GD-ĐT, là Vụ trưởng Vụ Học sinh sinh viên…Thậm chí, có lúc người đàn ông này còn giơ điện thoại lên dọa "gọi luôn bộ trưởng đây này".

 Một lúc sau, người này nhận sai vì đã nổi nóng, đã nói hơi to và phân trần đó là "bệnh nghề nghiệp, quan chức hay nói thế". Cuối cùng, qua tìm hiểu người đàn ông này không phải là cán bộ thuộc Bộ GD-ĐT.

 Tại Quảng Bình, ngày 10/1, khi lực lượng đang làm nhiệm vụ tại Km3, QL12A (thuộc phường Quảng Phong) thì phát hiện ô tô con BKS 73A - 117.91 di chuyển theo hướng QL1 đi Đồng Lê có dấu hiệu nghi vấn.

 Khi tổ công tác áp sát thì phát hiện trên xe có 2 người đàn ông. Tài xế có dấu hiệu đã sử dụng rượu bia nên tổ công tác yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn.

 Tài xế không chấp hành mà còn tìm cách bỏ đi nơi khác. Tuy nhiên, trước sự kiên quyết của lực lượng chức năng, tài xế đã xuất trình giấy tờ mang tên Hoàng Đình Th. (SN 1976, trú ở xã Quảng Trung, thị xã Ba Đồn).

 Mặc dù đã xuất trình giấy tờ nhưng ông Th. vẫn không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn và ra sức xin lực lượng công an. Ông Th. cho biết mình hiện là Phó Phòng GD&ĐT TX Ba Đồn.

 Gần 1 tiếng đồng hồ sau, tài xế Th. mới chịu thổi vào máy kiểm tra nồng độ cồn.Kết quả kiểm tra, trong hơi thở của tài xế có nồng độ cồn ở mức 0,774mg/l khí thở.

 Tổ công tác đã lập biên bản vi phạm hành chính với mức phạt 35 triệu đồng, treo bằng lái 32 tháng và tạm giữ phương tiện. Tuy nhiên, tài xế Th. tiếp tục đi vào gara sửa chữa ô tô bên đường, không chấp hành việc ký vào biên bản.

 Đến 21h28, có một người đàn ông đến nhận là sếp của tài xế Th. yêu cầu tài xế này ký vào biên bản thì ông Th. mới chấp hành. Người đàn ông mới đến cũng xác nhận tài xế Hoàng Đình Th. hiện là Phó Phòng GD&ĐT thị xã Ba Đồn. Kiểm tra trên cổng thông tin của Phòng GD&ĐT thị xã cũng có 1 phó phòng tên Hoàng Đình Th.

 Tại Hà Tĩnh, ngày 14/1, khi đội CSGT Công an huyện Nghi Xuân ra hiệu dừng ôtô biển xanh 38A-0729 để kiểm tra nồng độ cồn. Lúc này, tài xế liên tục nháy đèn rồi phóng xe qua chốt.

 Lúc vượt chốt kiểm tra nồng độ cồn, xe biển xanh 38A-0729 do tài xế Nguyễn Hiếu điều khiển chở ông Phan Tấn Linh - Bí thư huyện ủy Nghi Xuân.

 Giải thích về việc này, ông Linh cho biết, tài xế Hiếu chở ông về sau khi dự một chương trình văn nghệ. "Chắc do tài xế nghĩ xe biển xanh nên không phải dừng kiểm tra", ông Linh chia sẻ với báo chí.

 Công an huyện Nghi Xuân đã lập biên bản vi phạm hành chính tài xế Hiếu về hành vi không chấp hành hiệu lệnh của lực lượng chức năng.

 Tại Quảng Nam, ngày 15/1, đội CSGT Công an TP Tam Kỳ ra hiệu dừng xe máy do ông V.Q.T. (trú TP Tam Kỳ) điều khiển để kiểm tra nồng độ cồn. Khi thấy lực lượng CSGT cầm máy đo nồng độ cồn, ông T. đã bật khóc nức nở vì biết mình đã có hơi men trong người.

 Lực lượng CSGT kiểm tra và phát hiện ông Th. vi phạm nồng độ cồn mức 0,501 mg/l khí thở. Với kết quả trên, ông Th. bị phạt 7 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 23 tháng và tạm giữ phương tiện 7 ngày.

 Theo lời kể, chiều cùng ngày ông T. đi tất niên ở nhà một người bạn và có uống 4 lon bia, khi bị lực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn và biết mình sẽ bị phạt, tước GPLX nên ông T. thấy tiếc tiền, hối hận nên đã bật khóc.

 Trong thời điểm trước, trong và sau tết Nguyên đán Canh Tý 2020, lực lượng CSGT tiếp tục duy trì có hiệu quả công tác xử lý vi phạm hành chính, triển khai lực lượng thường xuyên tuần tra, kiểm soát trật tự an toàn giao thông; cùng với việc kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm. (Baodatviet.vn 20/01, Ngọc Phương)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Mức lương tối thiểu của các nước trong khu vực ASEAN như thế nào?

Việc tăng lương tối thiểu là hoàn toàn phù hợp với mục tiêu thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước, nhất là trong hoàn cảnh chi phí sinh hoạt ngày một gia tăng. Ngoài ra, tăng lương tối thiểu cũng là một trong những động thái nhằm kiềm chế lạm phát của chính phủ. Dù vậy, mức lương tối thiểu ở phần lớn các nước ASEAN vẫn thấp hơn đáng kể so với các nền kinh tế phát triển ở châu Á và trên thế giới.

 Indonesia: Thị trường lao động Indonesia có sự khác biệt đáng kể về mức tăng lương tối thiểu giữa các địa phương. Mức lương hàng tháng được công bố bởi hội đồng ở các tỉnh khác nhau. Vào tháng 10 năm ngoái, Bộ trưởng Bộ lao động nước này đã ban hành thông tư ủy quyền cho chính quyền các địa phương tăng lương tối thiểu lên 8,51% cho năm 2020. Jakarta tiếp tục là địa phương dẫn đầu về mức lương tối thiểu với mức 4.200.000 rupiah (khoảng 298 USD). Trong khi đó thấp nhất là tỉnh Trung Java với mức 1.742 rupiah (khoảng 123 USD). Mặc dù lương tối thiểu tăng hàng năm, năng suất lao động tại Indonesia vẫn ở mức khá thấp.

 Malaysia: Trong lần công bố ngân sách năm 2020, chính phủ Malaysia dự kiến sẽ tăng mức lương tối thiểu ở 57 thành phố lớn từ 1.100 ringgit (khoảng 270 USD) lên 1.200 (khoảng 295 USD). Tuy nhiên, mức lương tối thiểu ở các vùng nông thôn vẫn sẽ ở mức 1.100 ringgit.

 Ở Campuchia, việc tăng lương tối thiểu chủ yếu để đảm bảo quyền lợi cho công nhân ngành dệt may và giày dép. Mức lương tại đây đã tăng đến con số 190 USD vào năm 2020, từ mức 182 USD năm 2019. Mặc dù tăng đáng kể, mức lương mới sẽ không ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh của ngành dệt may bởi chính phủ tiếp tục hoãn thuế và loại bỏ phí quản lý xuất khẩu. Mức lương mới sẽ có tác động đến hơn 800.000 công nhân ngành dệt may, vốn là lực lượng lao động lớn nhất nước này khi đóng góp hơn 10 tỷ USD cho nền kinh tế.

 Lào vẫn chưa thực hiện tăng lương tối thiểu từ năm 2018. Trước đó, mức lương tối thiểu cho tất cả doanh nghiệp và xí nghiệp tại nước này được tăng lên mức 124 USD mỗi tháng.

 Myanmar: Mức lương tối thiểu ngày ở Myanmar được sửa đổi hai năm một lần. Hiện tại mức lương này đang ở mức 3,29 USD cho 8 giờ làm việc mỗi ngày. Sau khi tiến hành xem xét lại chi phí sinh hoạt và y tế tại nước này, công đoàn Myanmar đề xuất tăng mức lương mới trong năm 2020 lên 4,88 USD/ngày (khoảng 126 USD).

 Philippines có mức lương tối thiểu ngày khác nhau tùy theo từng vùng, từ 5,7 USD đến 10,61 USD/ngày. Đây cũng là một trong các quốc gia có mức lương cao nhất trong ASEAN, bên cạnh Indonesia, Thái Lan và Việt Nam. 

Chính phủ Thái Lan vừa công bố tăng lương tối thiểu từ 10 USD lên 11 USD/ngày, bắt đầu từ đầu năm 2020. Đây là lần tăng lương thứ hai trong vòng bảy năm tại quốc gia này. Trong đó có 9 địa phương có mức tăng 6 baht (khoảng 0,2 USD), trong khi phần còn lại chỉ tăng 5 baht (khoảng 0,16 USD).

 Việt Nam: Cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao thời gian qua, Việt Nam cũng đã cân nhắc việc tăng lương cho người lao động nhằm kiểm soát lạm phát. Mức lương tối thiểu tháng đã tăng lên mức 5,7% từ tháng 1 năm 2020, cao hơn mức 5,3% năm 2019. Với mức tăng mới, lương tối thiểu tại vùng I (gồm Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh) sẽ tăng lên mức 4.420.000 VND (khoảng 190 USD). Trong khi đó vùng IV thấp nhất cũng tăng từ 2.920.000 lên 3.070.000 VND (khoảng  132 USD). Thêm nữa, người lao động đã qua đào tạo nghề sẽ được trả lương ít nhất 7% cao hơn so với mức lương tối thiểu hiện hành. (Trí Thức Trẻ 20/01, Hoàng Linh)Về đầu trang

Thủ tướng Nhật Bản cam kết thực hiện cải cách, tái định hình đất nước

Ngày 20/1, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo cam kết tiến hành cải cách nhằm giải quyết các thách thức về vấn đề nhân khẩu học cũng như đối ngoại của nước này.

 Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, trong bài phát biểu về chính sách tại phiên khai mạc kỳ họp thường niên của Quốc hội, Thủ tướng Abe cho biết ông sẽ cải cách hệ thống an sinh xã hội để đáp ứng nhu cầu của dân số đang già hóa ở nước này, đồng thời đề nghị các nhà lập pháp tranh luận vấn đề sửa đổi hiến pháp.

 Ông Abe tuyên bố: "Tôi sẽ thúc đẩy cải cách an sinh xã hội và các cải cách quyết liệt khác để định hình lại đất nước của chúng ta".

 Cải cách hệ thống an sinh xã hội là một trong những ưu tiên của Thủ tướng Abe do khoảng 30% dân số Nhật Bản trên 65 tuổi, trong khi số lượng trẻ sơ sinh ở mức thấp kỷ lục.

 Cũng theo nhà lãnh đạo Nhật Bản, một ưu tiên khác của chính phủ nước này là đăng cai tổ chức thành công Olympic và Paralympic Tokyo 2020.

 Chính phủ Nhật Bản kỳ vọng các sự kiện thể thao này sẽ mang lại những lợi ích kinh tế cho khu vực.

 Trong bối cảnh các tiến bộ công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo và mạng không dây 5G, sẽ có tác động lớn đối với mọi mặt của đời sống xã hội, Thủ tướng Abe cho biết ông sẽ thúc đẩy đổi mới công nghệ như một phần trong chiến lược quốc gia.

 Đề cập tới vấn đề đối ngoại, Thủ tướng Abe cam kết theo đuổi con đường ngoại giao với các nước láng giềng của Nhật Bản, nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết các mối quan hệ căng thẳng với Hàn Quốc xung quanh vấn đề bồi thường cho lao động thời chiến.

 Ông cho biết Hàn Quốc là "nước láng giềng quan trọng nhất có chung các giá trị cơ bản và lợi ích chiến lược" với Nhật Bản.

 Nhà lãnh đạo Nhật Bản đồng thời kêu gọi Seoul xây dựng các mối quan hệ "hướng tới tương lai."

 Đối với Triều Tiên, ông Abe tái khẳng định quyết tâm tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un để giải quyết vấn đề Triều Tiên bắt cóc công dân Nhật Bản, mà không cần "các điều kiện tiên quyết." 

Ông đồng thời bày tỏ mong muốn xây dựng "các mối quan hệ chín muồi cho kỷ nguyên mới" với Trung Quốc.

 Về quan hệ Nhật-Mỹ, Thủ tướng Abe khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực tăng cường mối quan hệ này, đồng thời xây dựng mối quan hệ cá nhân tốt đẹp với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

 Theo kế hoạch, kỳ họp này của Quốc hội Nhật Bản sẽ kéo dài tới ngày 17/6. (TTXVN 20/01, Đào Thanh Tùng)Về đầu trang./.

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

 

More