Tài liệu tuyên truyền Quảng Bình - Hào khí 420 năm (1604 - 2024) số 09

8:57, Thứ Ba, 7-5-2024

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Ban Biên tập trân trọng giới thiệu Tài liệu tuyên truyền “Quảng Bình - Hào khí 420 năm (1604 - 2024)”. Tài liệu do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Bình biên soạn và phát hành.

II. BƯỚC CHÂN THỜI GIAN

2. Quảng Bình - Vang mãi hào khí

(Tiếp theo)

2.2. Quảng Bình trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đỉnh cao là cao trào Quảng Bình quật khởi (15/7/1949)

Sau khi giành được thắng lợi, chính quyền cách mạng non trẻ phải đương đầu với những khó khăn chồng chất. Hậu quả của nạn đói đầu năm 1945 rất nghiêm trọng, tàn dư kinh tế, văn hoá, xã hội của chế độ cũ để lại còn nặng nề. Lực lượng vũ trang còn yếu, thiếu vũ khí, thiếu cán bộ quân sự... Cùng với cả nước, nhân dân Quảng Bình phải đối mặt với giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Hàng vạn người thiếu ăn, hàng trăm người phải bỏ quê hương đi tha hương cầu thực. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”, Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình quyết tâm xây dựng và bảo vệ chính quyền, giữ vững thành quả cách mạng vừa giành được. Nhân dân trong tỉnh đưa ra nhiều sáng kiến để cứu đói như lập hũ gạo cứu đói, ngày đồng tâm nhịn ăn, thành lập các đoàn cứu đói đi giúp đỡ nhân dân và lực lượng vũ trang...

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã đứng lên khởi nghĩa thắng lợi giành được chính quyền từ tay phát xít Nhật, thiết lập được nền độc lập tự do sau hơn 80 năm phải sống trong xiềng xích nô lệ của thực dân pháp và ách thống trị của phong kiến. Thế nhưng thực dân Pháp vẫn không từ bỏ dã tâm xâm chiếm trở lại nước ta. Ngày 23/9/1945, núp dưới bóng quân Anh, thực dân Pháp trở lại Sài Gòn, nổ súng tiến công mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai.

Ngày 27/3/1947, thực dân Pháp huy động một lực lượng lớn hải, lục, không quân đánh chiếm Quảng Bình. Trong một thời gian ngắn, quân Pháp đã thiết lập một hệ thống đồn bốt dày đặc, tiến hành các vụ tàn sát đẫm máu. Quảng Bình trở thành chiến trường ác liệt, gian khổ và giữ một vị trí quan trọng trên địa bàn Liên khu IV. Là một bộ phận gắn bó máu thịt với cuộc kháng chiến của nhân dân cả nước, nhân dân Quảng Bình đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, đoàn kết một lòng đứng dậy kháng chiến. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Liên khu IV, Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình đã vận dụng một cách sáng tạo trước mọi tình huống của chiến tranh và tổ chức, động viên toàn dân tham gia kháng chiến, tạo nên sức mạnh to lớn để chiến thắng kẻ thù.

Ngay từ trận đầu, khi quân Pháp mới đổ bộ lên bờ biển Nhật Lệ chúng đã bị các chiến sĩ của đội quân Lê Trực, du kích thị xã Đồng Hới và xã Bảo Ninh đánh trả quyết liệt. Lực lượng chiến đấu ở các nơi khác cũng đồng loạt nổ súng, hơn 20 ngày chiến đấu liên tục, lực lượng vũ trang và dân quân tự vệ Quảng Bình đã tiêu diệt 460 tên địch. 

Đầu năm 1948, thực dân Pháp mở rộng vùng chiếm đóng, phá thế liên hoàn của ta. Trên chiến trường Quảng Bình, từ tháng 5/1948, ta chủ trương mở mặt trận phía Bắc, khai thông đường đưa bộ đội chủ lực tiến vào hỗ trợ, tạo thế cho hoạt động của bộ đội địa phương và dân quân du kích.

Lo sợ trước sự phát triển nhanh chóng của bộ đội chủ lực và phong trào chiến tranh du kích, thực dân Pháp điều động hai tiểu đoàn bộ binh cơ động, một đại đội cơ giới Thái Phiên (Thừa Thiên) và Quảng Trị ra Bắc Quảng Bình, phối hợp với quân chiếm đóng tiến hành củng cố các vị trí đồn bốt; sửa chữa quốc lộ 1 từ Ba Đồn đi Roòn và tỉnh lộ từ Ba Đồn đi Tiên Lương; cho máy bay ném bom Tuyên Hóa, tung gián điệp biệt kích ra các vùng tự do thăm dò lực lượng của ta.

Ngày 6/5/1948, thực dân Pháp huy động hơn 300 lính, chia làm hai mũi bao vây thôn Cảnh Dương (nay là xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch) hòng tiêu diệt lực lượng du kích và đè bẹp phong trào kháng chiến ở đây. Với tinh thần quyết tâm bảo vệ làng, quân và dân Cảnh Dương đã anh dũng bẻ gãy các đợt tấn công, diệt và làm bị thương 21 tên địch, buộc chúng phải rút chạy.

Đầu tháng 7/1949, địch lại tập trung một lực lượng lớn hơn 1.000 quân, có không quân và thủy quân yểm trợ tiến đánh vùng Roòn hòng tiêu diệt cơ quan lãnh đạo kháng chiến của huyện Quảng Trạch và lực lượng bộ đội địa phương, dân quân, du kích ở đây. Tuy lực lượng địch đông, hỏa lực mạnh nhưng với tinh thần chiến đấu ngoan cường “Quyết tử giữ làng” quân và dân Quảng Trạch đã bẻ gãy các đợt tấn công của địch. Đặc biệt, nhân dân và dân quân, du kích Cảnh Dương đã anh dũng chiến đấu tiêu diệt 11 tên địch, trong đó có một tên quan ba. Cảnh Dương trở thành một pháo đài bất khả xâm phạm, xứng đáng là làng chiến đấu kiểu mẫu trong phong trào chiến tranh du kích của Quảng Bình. Trong khi phong trào kháng chiến phát triển mạnh ở phía Bắc tỉnh thì ở phía Nam, các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy tuy phong trào chiến tranh du kích đã có bước tiến mới nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn.

Trong bối cảnh đó, ngày 19/5/1949, Đại hội đại biểu Đảng bộ Quảng Bình lần thứ II được triệu tập ở Kim Bảng (Minh Hóa) nhằm đánh giá lại hơn một năm lãnh đạo kháng chiến của Đảng bộ từ Đại hội lần thứ nhất (01/1948) và đề ra nhiệm vụ đẩy mạnh kháng chiến trong thời kỳ tới. Đại hội nhận định: Sau Đại hội lần thứ nhất của Đảng bộ, phong trào kháng chiến của Quảng Bình đã có những bước phát triển mạnh nhưng chưa đều khắp. Nhìn toàn cục phong trào kháng chiến nghiêng hẳn về hai huyện phía Bắc là Bố Trạch và Quảng Trạch, hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy địch vẫn thực hiện được kế hoạch đánh phá bình định của chúng. Để đẩy mạnh phong trào cách mạng ở hai huyện phía Nam, Đại hội chủ trương đưa những đồng chí có kinh nghiệm chiến đấu lên tỉnh bổ sung cho chiến trường miền Nam của tỉnh. Đại hội nêu khẩu hiệu hành động “Miền Nam mạnh là Quảng Bình mạnh”, “Rời chiến khu, thực hiện hạ sơn, bám dân, bám làng hoạt động”, Đại hội quyết định phát động cao trào “Quảng Bình quật khởi” nhằm đẩy mạnh cuộc kháng chiến, kiến quốc của Quảng Bình lên một bước mới.

Nhằm trực tiếp chỉ đạo phong trào, trọng tâm là hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy, Đại hội đã ra nghị quyết chuyển cơ quan lãnh đạo của tỉnh vào vùng Lệ Ninh (Hoa Thủy, Sơn Thủy, Vạn Xuân, Đại Phúc) và đẩy mạnh công tác giao thông vận tải, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt phục vụ kháng chiến.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, Ủy ban kháng chiến hành chính (UBKCHC) tỉnh đã cử một đoàn cán bộ của các ban ngành chuyên môn của Ủy ban vào Quảng Ninh và Lệ Thủy nghiên cứu tình hình, xây dựng cơ sở, chuẩn bị phát động tuần lễ “Tích cực cầm cự, chuẩn bị tổng phản công”, mở đầu phong trào Quảng Bình quật khởi. Đồng thời, với những chỉ thị phát động tuần lễ, UBKCHC tỉnh đã ra Nhật lệnh hô hào quần chúng gia nhập dân quân, tích cực đánh giặc; tổng bãi thị; diệt tề, trừ gian. UBKCHC các huyện họp hội nghị thảo luận, vạch kế hoạch thực hiện chương trình tuần lễ và toàn thể các ủy viên, nhân viên huyện đều được phân công về đồng bằng chỉ đạo phong trào. UBKCHC tỉnh chủ trương “cho các địa phương phát động phong trào trước ngày tỉnh đã định và lấy đà để đến ngày ấy thì toàn tỉnh phát động thật mạnh”.

Trong thời gian chuẩn bị phát động và trong quá trình tiến hành tuần lễ tích cực cầm cự, chuẩn bị tổng phản công, các cơ quan chuyên môn của Ủy ban đã triển khai các công tác phục vụ, bảo đảm cho các cơ quan lãnh đạo của tỉnh một cách tích cực.

Rạng sáng ngày 15/7/1949, từ Hiển Lộc và thôn Thượng (Võ Xá) vang lên những hồi trống giục giã ba tiếng một thông báo cho quân và dân Ninh Châu (Võ Ninh, Duy Ninh, Hàm Ninh) lệnh tiến công của Ủy ban Kháng chiến. Nhân dân ở các địa phương đồng loạt nổi trống, gõ mõ hưởng ứng phối hợp với du kích, bộ đội bắt tề, đốt điếm canh của hương vệ làm cho chúng vô cùng hoảng sợ.

Đêm 15/7, Đại đội 2 Tiểu đoàn 274 cùng du kích xã Gia Ninh có nội ứng phối hợp tấn công đồn Mỹ Trung mở màn cho tuần lễ quật khởi, nhưng trận đánh không thành vì nội ứng bị lộ. Đêm đó, bộ đội phải rút về Quảng Xá (Tân Ninh), địch kéo đến bao vây. Cuộc chiến đấu ở Quảng Xá diễn ra vô cùng ác liệt từ mờ sáng đến chiều. Các đơn vị của tiểu đoàn 274 phối hợp với dân quân, du kích và sự giúp đỡ của nhân dân địa phương đã bẻ gãy nhiều mũi tấn công của địch, gây cho chúng thiệt hại nặng nề, truy kích địch về đồn Xuân Dục.

Cũng trong đêm 15 rạng ngày 16/7, đồng bào các xã thuộc huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy cùng lực lượng vũ trang địa phương đồng loạt nổi dậy tiến công địch nhiều nơi. Toàn bộ tháp canh của hương vệ, tổng vệ ở huyện Quảng Ninh bị thiêu cháy; các tổ chức tề, ngụy và quân lính địch hoang mang, dao động. Chiều ngày 16/7,  địch ở đồn Xuân Dục kéo về Lộc Long hòng bao vây lực lượng của ta. Du kích Lộc Long đã bí mật chôn bom đánh địch làm một số tên bị thương, trong đó có tên Đồn trưởng. Bị đánh bất ngờ quân địch không kịp trở tay, hốt hoảng vội rút lui.

Liên tiếp trong mấy ngày của tuần lễ phát động, từ Hạ Cờ đến Gia Ninh, Võ Ninh, bộ đội và du kích đã đánh phá nhiều đồn bốt địch dọc trục quốc lộ 1. Nhiều đoạn đường bị đồng bào phá hoại làm cho việc tiếp tế, ứng cứu của chúng bị tắc nghẽn, gián đoạn.

Ở Lệ Thủy, đại đội 1 và du kích các xã Quang Trung, Minh Khai phối hợp phục kích đánh đò địch trên sông Kiến Giang, tập kích vào đồn An Lạc bắt sống tù binh, thu vũ khí. Ở Bố Trạch, du kích thôn Quy Đức (Hải Trạch) đánh đắm ghe tuần tiễu của địch đang đỗ trước đồn Lý Hòa. Bộ đội địa phương phối hợp với du kích huyện phục kích đánh địch ở Khe Nước, cầu Hiểm, Troóc, Hoàn Lão gây cho chúng nhiều thiệt hại nặng nề. Ngày 22/7 du kích Cự Nẫm đốt cháy đồn địch, tiêu hủy toàn bộ vũ khí, lương thực dự trữ và quân trang quân dụng. Các địa phương ở Quảng Trạch, Đồng Hới cũng đã tổ chức những trận đánh nhỏ, tiêu diệt địch, phá hoại giao thông, cắt đường dây điện thoại gây cho chúng nhiều thiệt hại.

Trong 15 ngày phát động, quân và dân trong toàn tỉnh đã đánh 120 trận, diệt 49 lính Pháp, 128 lính ngụy (Việt binh đoàn), làm bị thương 102 tên, bắt sống 01 lính Pháp, 4 ngụy binh; phá hủy 22 xe quân sự, bắn chìm 2 đò, phá 34 cầu, 670 mét đường giao thông, 70.150 mét dây điện thoại, đốt 186 nhà công cộng của địch. Ta thu được nhiều vũ khí, đạn dược.

Cùng với những thành tích về quân sự, phong trào trừ gian, diệt tề trong tuần lễ phát động đã thu được những thắng lợi to lớn, đã giải tán 225 hội tề. Cùng với việc triệt phá các ban hội tề của địch, chính quyền của ta được củng cố. UBKCHC huyện đã liên lạc được nhiều thôn, làng trước đây mất liên lạc và xây dựng được nhiều cơ sở kháng chiến ngay trong vùng địch hậu.

Trên mặt trận kinh tế, trong tuần lễ phát động ta đã đẩy mạnh việc bao vây phá hoại kinh tế của địch. Nhân dân ở các vùng tạm bị chiếm nhiệt liệt hưởng ứng lệnh bất hợp tác và bãi thị, giá cả sinh hoạt lên cao gây cho địch khó khăn trong việc tiếp tế. Ta đã tổ chức nhiều chợ nhỏ và các đoàn bán hàng rong để trao đổi hàng hóa trong nhân dân.

Thắng lợi trên các mặt quân sự, chính trị, kinh tế của tuần lễ “Quảng Bình quật khởi” đã cổ vũ phong trào cách mạng quần chúng ở Quảng Bình lên mạnh, đặc biệt là trong các vùng tạm bị chiếm, nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến. Các hội quần chúng cách mạng ở hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy được củng cố và phát triển mạnh.

Sau tuần lễ “Tích cực cầm cự, chuẩn bị tổng phản công” mở đầu cho phong trào “Quảng Bình quật khởi”, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trên địa bàn tỉnh đã bước sang một giai đoạn mới, phát triển đồng đều hầu khắp các địa phương trong tỉnh. Đặc biệt, với sự phát triển của phong trào ở hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh đã tạo điều kiện tăng thêm nguồn lực, sức người, sức của, để đẩy mạnh cuộc kháng chiến trên tất cả các lĩnh vực quân sự, chính trị, kinh tế, không chỉ ở vùng tự do, vùng du kích mà cả ở vùng địch tạm chiếm.

Bước sang năm 1950, cuộc kháng chiến ở Quảng Bình lại giành được thắng lợi to lớn, đánh dấu bằng những chiến công vang dội của lực lượng vũ trang như chiến thắng La Hà, Phù Trịch (tháng 02/1950), chiến thắng Xuân Bồ (tháng 5/1950)... Được sự giúp đỡ của bộ đội chủ lực, tháng 02/1952, lực lượng vũ trang Quảng Bình đã chủ động mở nhiều cuộc tiến công vào các vị trí quan trọng của địch trên phòng tuyến phía Bắc, giải phóng Sen Bàng, Ba Đồn, Mỹ Hoà, mở rộng vùng tự do.

Bước vào Đông Xuân 1953 - 1954, lực lượng vũ trang Quảng Bình không ngừng lớn mạnh, căn cứ cách mạng được mở rộng ở vùng trung du, đồng bằng, thị xã. Chiến thắng liên tiếp đã cổ vũ quân và dân Quảng Bình nâng cao khí thế cách mạng, tiếp tục đánh phá trên 20 tháp canh, bao vây các đồn bốt, cắt đứt đường giao thông tiếp tế, đập vỡ một mảng lớn hệ thống phòng ngự của địch, giải phóng hoàn toàn phần đất bị địch chiếm đóng ở Tuyên Hoá và một phần của huyện Quảng Trạch, tiêu diệt và làm tan rã đại bộ phận quân địch, giải phóng quê hương, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

                                                                                (Còn nữa)

Các tin khác