Báo cáo tình hình mưa bão trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

9:58, Thứ Bảy, 11-9-2021

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Kiêm Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình tính đến 19h, ngày 10/9/2021 về tình hình mưa lũ và cơn bão số 5 trên biển Đông (bão CONSON).

Tính đến 16h ngày 10/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 111,9 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Nam khu vực quần đảo Hoàng Sa, cách bờ biển Quảng Trị-Quảng Nam khoảng 380km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 160km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 5-10km và có khả năng mạnh thêm. Đến 16h ngày 11/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 110,1 độ Kinh Đông, cách bờ biểnQuảng Trị-Quảng Nam khoảng 200km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115km/giờ), giật cấp 13.

Để chủ động ứng phó với tình hình mưa bão, các sở, ngành, địa phương đã sẵn sàng triển khai phương án ứng phó, sẵn sàng di dời dân khỏi vùng nguy hiểm, vùng ven biển, cửa sông, dự kiến di dời dân trong trường hợp khẩn cấp với bão cấp 12 – 13. Dự kiến số hộ di dời để ứng phó với Bão CONSON toàn tỉnh có 29.125 hộ/108.177 người cần di dời.

Hiện, mực nước trên các sông đến thời điểm hiện tại dưới mức báo động I. Tổng số tàu thuyền neo đậu tại bến là 6.665 phương tiện; 31 phương tiện/407 lao động đang hoạt động trên biển đã nắm được thông tin bão, hiện đang trên đường vào bờ tránh, trú hoặc di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Về nông nghiệp, toàn tỉnh giao trồng vụ hè thu 15.756 ha, đã thu hoạch 15.041 ha. Đạt tỷ lệ 95,5%. (Diện tích lúa chưa thu hoạch còn 715 ha (trong đó: Bố Trạch 100 ha, Quảng Ninh 200 ha, Đồng Hới 370ha và Minh Hoá 45ha).

Thủy sản, tổng diện tích đã thả nuôi: 6.471 ha, tổng số lồng nuôi: 2.410 lồng; Dự ước sản lượng thu hoạch 8 tháng: 9.020 tấn; Diện tích đang nuôi đến ngày 08/9: Tổng: 3.310 ha (trong đó: diện tích ngọt: 2.695 ha; mặn lợ: 685 ha; lồng bè: 2.277 lồng).

Tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các sở, ngành, địa phương quán triệt Công điện số 10/CĐ-TW ngày 07/9/2021của Ban chỉ đạo Quốc gia về PCTT-Ủy ban Quốc gia WPSCTT và TKCN, Công điện số 13/CĐ-UBND ngày 05/9/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về sẵn sàng ứng phó với thiên tai trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Công văn số 75/VP-PCTT ngày 07/9/2021 của Văn phòng thường trực, Công điện số 14/CĐ-BCH ngày 07/9/2021 cua Ban chỉ huy PCTT và TKCN kiêm BCH PTDS tỉnh về việc sẵn sàng ứng phó với bão CONSON.

Trong đó, tiếp tục tổ chức kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn; tổ chức hướng dẫn, sắp xếp neo đậu tàu thuyền. Vận hành, điều tiết nước trong hồ, nhất là các hồ chứa nhỏ theo quy trình được phê duyệt đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản người dân vùng hạ du và an toàn đập, hồ chứa; phân công cụ thể, bố trí lực lượng thường trực tại các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn để kịp thời xử lý khi có tình huống; triển khai công tác đảm bảo an toàn đê điều, nhất là các điểm xung yếu, có phương án chủ động sơ tán dân cư ở hạ lưu để đảm bảo an toàn khi có tình huống xảy ra.

Rà soát các địa điểm, khu vực sơ tán dân ở khu vực thấp, trũng, ven biển, cửa sông, nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất. Chỉ đạo từng xã, phường, thị trấn, thôn, bản, tổ dân phố thiết lập, công khai số điện thoại để tiếp nhận thông tin, kịp thời triển khai các phương án ứng phó với mưa lớn, lũ quét và sạt lở đất. Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thu hoạch cây trồng, thủy sản nuôi trồng vụ Hè Thu, có phương án giúp người dân vùng đang thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg thu hoạch đảm bảo an toàn cho sản xuất cũng như phòng chống dịch Covid-19.

Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, các bến đò, khu vực đường bị ngập, đã, đang và có nguy cơ xảy ra sạt lở.

Chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc chữa bệnh, hàng hóa thiết yếu, nhất là ở các khu vực có nguy cơ bị chia cắt kéo dài do mưa lũ.

Tăng cường lực lượng, phương tiện, trang thiết bị thường trực để sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra. Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai ngay lực lượng, phương tiện, vật tư, hậu cần (bao gồm cả lực lượng dân quân tự vệ, an ninh cơ sở, các đội xung kích phòng chống thiên tai…) về các địa bàn xung yếu sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn.

ML

Các tin khác