Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 02-02-2021

15:27, Thứ Ba, 2-2-2021

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 Tải file tại đây

TIÊU ĐIỂM.. 1

1.                Bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. 1

2.                Nhiệm kỳ khoá XIII của Đảng sẽ đưa đất nước phát triển mạnh mẽ. 2

3.                Đại hội Đảng toàn quốc lần XIII: Năm 2045, Việt Nam là nước phát triển, thu nhập cao. 4

CHÍNH SÁCH MỚI 5

4.                Hàng loạt chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 2/2021. 5

5.                Miễn thuế thu nhập cá nhân đối với người nộp dưới mức 50.000 đồng. 7

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY.. 8

6.                TPHCM: Phản ánh thông tin tội phạm qua Zalo. 8

7.                Ninh Bình: Hiệu quả ứng dụng mạng xã hội trong công tác đảm bảo an ninh trật tự. 9

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 10

8.                Người Việt lạc quan nhất trong ASEAN bất chấp COVID-19. 10

9.                PMI tháng 1 đạt 51.3 điểm, lĩnh vực sản xuất cải thiện chậm.. 11

10.            Việt Nam trở thành quốc gia có lao động nước ngoài nhiều nhất ở Nhật Bản. 12

11.            Cải cách kiểm tra chuyên ngành, nền kinh tế tiết kiệm gần 400 triệu USD/năm.. 12

QUẢN LÝ.. 14

12.            Xem xét dừng đào tạo, sát hạch lái xe để phòng chống COVID-19. 14

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 14

13.            Đà Nẵng: Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, giảm giờ nộp thuế. 14

14.            Bến Tre: Phê duyệt kiến trúc chính quyền điện tử. 15

15.            Cổng dịch vụ công trực tuyến của TP.Hà Nội ngưng hoạt động. 15

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 16

16.            Ngân sách không chỉ là những con số. 16

THẾ GIỚI 17

17.            Séc thông qua luật bảo vệ người tố cáo để chống tham nhũng. 17

18.            Quân đội Myanmar sa thải 24 Bộ trưởng và Thứ trưởng. 17

 TIÊU ĐIỂM

Bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Sáng 1/2, tại Hà Nội, sau hơn 7 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc với tinh thần "Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển", với ý thức trách nhiệm cao trước Đảng, Nhân dân và đất nước, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thành công tốt đẹp và bế mạc Đại hội sớm hơn gần 2 ngày so với kế hoạch đề ra.

 Đại hội đã thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, dân chủ và nhất trí cao thông qua các văn kiện quan trọng: Báo cáo chính trị; Báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng khoá XII; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII.

 Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII gồm các đồng chí tiêu biểu cho hơn 5 triệu đảng viên, có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất, đạo đức, năng lực, trình độ để gánh vác trọng trách mà Đảng và nhân dân giao phó.

 Các văn kiện được thông qua tại Đại hội lần này được xây dựng trên cơ sở tổng kết sâu sắc lý luận và thực tiễn; kết tinh trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Các văn kiện đã tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng gắn với việc nhìn lại 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991; tổng kết 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020; đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; xác định mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045.

 Đại hội biểu thị sự thống nhất ý chí và quyết tâm mạnh mẽ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong thời kỳ mới, thực hiện bằng được mục tiêu phát triển tổng quát đã nêu trong Báo cáo chính trị: "Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa".

 Đại hội đã thảo luận và thông qua những chủ trương, quyết sách quan trọng để định hướng và lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, toàn diện quá trình triển khai tổ chức thực hiện phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước nhanh, bền vững, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 Phát biểu bế mạc Đại hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đến giờ phút này, chúng ta có thể vui mừng báo cáo với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân rằng: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã thành công rất tốt đẹp!” 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Thành công rất tốt đẹp của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ cổ vũ mạnh mẽ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, thuận lợi, phấn đấu sớm đưa nước ta trở thành một nước phát triển, có thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. (Dangcongsan.vn 01/02, Nhóm PV)Về đầu trang

Nhiệm kỳ khoá XIII của Đảng sẽ đưa đất nước phát triển mạnh mẽ

Bày tỏ sự phấn khởi, tin tưởng vào các đại biểu vừa trúng cử vào Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII, nhiều đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng kỳ vọng về những định hướng, quyết sách đúng đắn, tạo khâu đột phá cho sự phát triển của đất nước trong nhiệm kỳ của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

 Đánh giá về Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII, đại biểu Nguyễn Trung Hiếu, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương cho rằng, với sự chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII rất kỹ lưỡng, cẩn trọng, dân chủ của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII, Đại hội XIII đã bầu 1 lần đủ 180 đồng chí Uỷ viên chính thức và 20 đồng chí Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII với số phiếu tập trung rất cao.

 “Tôi nghĩ rằng 200 đồng chí được lựa chọn vào Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII thực sự là những cán bộ ưu tú, tiêu biểu, có bản lĩnh, kinh nghiệm, phẩm chất đạo đức tốt và có năng lực thực tiễn. Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII vừa có tính kế thừa, vừa có sự phát triển đối với đội ngũ cán bộ, có đến 51/180 đồng chí Uỷ viên chính thức trong độ tuổi 7x (1970-1979).

 Tôi cũng nhất trí cao khi đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng trúng cử, điều này thể hiện sự đoàn kết, thống nhất cao trong Đảng” - Đại biểu Nguyễn Trung Hiếu nói và bày tỏ tin tưởng Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII sẽ khẳng định trí tuệ, bản lĩnh để đưa nước ta lên tầm cao mới, hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII.

 Còn đại biểu Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Sóc Trăng cho biết, ngày 30.1, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa mới. Qua nghiên cứu cho thấy quy trình nhân sự đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định, thực hiện các quy trình rất chặt chẽ, dân chủ, khách quan và thực hiện các bước đảm bảo đúng theo quy chế bầu cử trong Đảng.

 Bà Hồ Thị Cẩm Đào bày tỏ mong đợi Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII là đội ngũ cán bộ có đầy đủ trình độ, năng lực, đáp ứng yêu cầu và kỳ vọng của nhân dân trong nhiệm kỳ mới. Đồng thời, xứng đáng là những người được đại biểu tín nhiệm, cũng như nhân dân cả nước kỳ vọng. “Tôi mong rằng, Ban chấp hành Trung ương khoá mới có trách nhiệm cao, toàn tâm, toàn ý đối với sự nghiệp chung của Đảng, trong tập trung xây dựng Đảng, cũng như xây dựng hệ thống chính trị của đất nước ta ngày càng vững mạnh.

 Bên cạnh đó, là tập trung cho nhiệm vụ phát triển kinh tế của nhiệm kỳ 5 năm tới, có bước phát triển vượt bậc hơn để đưa Việt Nam ngày càng phát triển, sánh vai với các nước trong khu vực” - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Sóc Trăng nói.

 Đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa cho rằng: Trong quá trình tham dự Đại hội, nghiên cứu các tài liệu cũng như là công tác chuẩn bị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII cho công tác bầu cử Ban chấp hành khóa XIII của Đảng, tôi nhận thức rất sâu sắc rằng Ban Chấp hành đã chuẩn bị công tác nhân sự để trình Đại hội lần này rất khoa học, công phu, kỹ lưỡng, đảm bảo nguyên tắc dân chủ, khách quan…

 “Sau khi đối chiếu với các tiêu chuẩn, với các yêu cầu đặt ra, chúng tôi thấy công tác nhân sự rất công phu, qua quá trình lựa chọn từng bước, từng phần, làm đến đâu chắc đến đó, kỹ lưỡng đảm bảo 5 bước theo quy trình công tác cán bộ đã được quy định” - đại biểu Thuỷ nói và mong đợi Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương khoá mới là một tập thể thực sự đoàn kết, thống nhất, đủ đức, đủ tài, đủ tâm, đủ tầm để cùng Đảng ta quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, phát triển, đời sống Nhân dân ta ngày càng ấm no, hạnh phúc.

 Cùng trao đổi về vấn đề này, đại biểu Sùng Đại Hùng - Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang cho rằng, trước những yêu cầu của phát triển đất nước, yêu cầu đối với nhân sự Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngoài yêu cầu về đủ đức, đủ tài, các đại biểu dự Đại hội còn mong muốn những nhân sự được lựa chọn là những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám quyết định những quyết sách để tạo ra những bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, sớm đạt được những mục tiêu và tầm nhìn như văn kiện Đại hội XIII đã đề ra.

 Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Sóc Trăng Hồ Thị Cẩm Đào cũng cho rằng, đội ngũ Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII ngoài những yêu cầu rất cao về năng lực trí tuệ thì một trong những điều mà đảng viên và nhân dân kỳ vọng là sự nêu gương về phẩm chất đạo đức. Nêu gương rất quan trọng bởi đối với cán bộ, đặc biệt cán bộ cấp cao thì càng phải gương mẫu. (Vtv.vn 01/02)Về đầu trang

Đại hội Đảng toàn quốc lần XIII: Năm 2045, Việt Nam là nước phát triển, thu nhập cao

Nghị quyết được Đại hội XIII thông qua tại phiên bế mạc đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

 Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

 Về nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, Nghị quyết yêu cầu tập trung kiểm soát đại dịch Covid-19, tiêm chủng đại trà vắc xin Covid-19 cho cộng đồng; phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập; phát triển đồng bộ và tạo ra sự liên kết giữa các khu vực, các vùng, các thành phần kinh tế, các loại hình sản xuất kinh doanh; có chính sách hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp trong nông nghiệp.

 Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững; hoàn thiện hệ thống pháp luật, khắc phục những điểm nghẽn cản trở sự phát triển của đất nước.

 Nghị quyết cũng nêu rõ, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; có chính sách cụ thể phát triển văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam.

 Hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân; đồng thời xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh; cải cách tư pháp, tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên; bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động, tích cực triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai khắc nghiệt.

 Để thực hiện các mục trên, Nghị quyết đưa ra 3 đột phá chiến lược, gồm hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả; tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo…

 Nghị quyết nêu rõ việc phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt tập trung nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện…

 Đồng thời, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số. (Thanhnien.vn 01/02, Lê Hiệp)Về đầu trang

CHÍNH SÁCH MỚI

Hàng loạt chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 2/2021

Không tăng lương tối thiểu vùng so với năm 2020, người nước ngoài vào Việt Nam làm việc dưới 30 ngày không cần giấy phép… là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 2/2021.

 Không tăng lương tối thiểu vùng so với năm 2020: Nghị định 145/2020 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/2/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.

 Năm 2021 giữ nguyên mức lương tối thiểu vùng như năm 2020, tương đương: Mức 4.420.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I. Mức 3.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II. Mức 3.430.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III. Mức 3.070.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.

 Xây nhà ở có thời hạn được cấp quyền sở hữu nhà ở: Nội dung đáng chú ý này được đề cập tại Nghị định 148/2020 sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, có hiệu lực từ ngày 8/2/2021.

 Căn cứ khoản 14 Điều 1 Nghị định 148/2020, hộ gia đình, cá nhân trong nước được cấp giấy phép xây dựng nhà ở hoặc giấy phép xây dựng nhà ở có thời hạn đối với trường hợp phải xin giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng.

 Như vậy, so với quy định cũ tại khoản 1 Điều 31 Nghị định 43/2014, Nghị định mới đã công nhận cả giấy phép xây dựng nhà ở có thời hạn (xây dựng tạm).

 Ngoài ra, Nghị định này còn một số nội dung nổi bật khác như: Được làm thủ tục cấp Sổ đỏ nhanh, tại nhà; Thêm cơ quan được quyền nhận hồ sơ cấp, cấp đổi, cấp lại Sổ đỏ là Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai.

 Bỏ quy định cấm ca sĩ hát "nhép": Từ ngày 1/2/2021 Nghị định 144/2020 của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Trong đó, Điều 3 Nghị định 144 đã bỏ quy định cấm sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn tại Nghị định 79/2012/NĐ-CP.

 Bên cạnh đó, Nghị định này còn quy định một số nội dung khác như: Cá nhân Việt Nam ra nước ngoài dự thi người đẹp, người mẫu không cần đáp ứng điều kiện cần phải có danh hiệu người đẹp, người mẫu trong nước.

 Nghị định 144 có hiệu lực cũng quy định Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 54/2019 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường sẽ hết hiệu lực.

 Khoản 1 Điều 6 Nghị định 54/2019 có nội dung yêu cầu các chủ của doanh nghiệp, hộ kinh doanh khi kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường chỉ sử dụng các bài hát được phép phổ biến, lưu hành

 Như vậy, từ ngày 1/2/2021, khi Khoản 1 Điều 6 Nghị định 54/2019 hết hiệu lực, quán karaoke không còn bị hạn chế khi sử dụng bài hát, kể cả các bài hát từ trước năm 1975 chưa được phổ biến.

 Những trường hợp nghỉ việc phải báo trước ít nhất 120 ngày: Ngày 14-12-2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-2-2021.

 Theo đó, quy định khi người lao động làm ngành, nghề, công việc đặc thù sau đây đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì phải báo trước cho người sử dụng lao động ít nhất 120 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 12 tháng trở lên.

 Dừng phát hành thẻ từ ATM, thay bằng thẻ chip: Thông tư 22/2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có hiệu lực từ 16/2/2021 sẽ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016 ngày 30/6/2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động thẻ ngân hàng.

 Theo đó, từ 31/3/2021, các Tổ chức phát hành thẻ thực hiện phát hành thẻ có BIN (Bank Identification Number - số nhận dạng ngân hàng) do Ngân hàng Nhà nước cấp phải tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa.

 Ngoài ra, lùi thời hạn yêu cầu 100% ATM và thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán đang hoạt động tại Việt Nam của Tổ chức thanh toán thẻ phải tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa đến ngày 31/12/2021 thay vì ngày 31/12/2020 như quy định cũ.

 Như vậy, từ 31/3/2021, các ngân hàng dừng phát hành thẻ từ ATM, thay vào đó sẽ phát hành thẻ chip.

 Người nước ngoài vào Việt Nam làm việc dưới 30 ngày không cần giấy phép: Đây là một trong những nội dung tại Nghị định 152/2020 của Chính phủ quy định về người lao động (NLĐ) nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

 Căn cứ Điều 7 Nghị định này, người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động gồm: NLĐ nước ngoài là chủ sở hữu hoặc thành viên góp vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn có giá trị góp vốn từ 3 tỷ đồng trở lên. NLĐ nước ngoài vào Việt Nam làm việc tại ví trí nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật có thời gian làm việc dưới 30 ngày và không quá 3 lần trong 01 năm…

 Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2/2021. (Cafef.vn 01/02, Hồng Vân)Về đầu trang

Miễn thuế thu nhập cá nhân đối với người nộp dưới mức 50.000 đồng

Vừa qua, Tổng cục Thuế đã đưa ra quy định về hướng dẫn quyết toán thuế thu nhập cá nhân kỳ tính thuế năm 2020. Theo đó, người có số thuế thu nhập cá nhân phải nộp dưới 50.000 đồng sẽ được miễn.

 Theo Nghị quyết số 954/2020/NQ-UBTVQH ngày 2/6/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh về thuế thu nhập cá nhân thì mức giảm trừ gia cảnh mới được chỉnh chỉnh tăng lên cụ thể như:

 - Mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế tăng từ 9 triệu đồng/tháng lên mức 11 triệu đồng/tháng.

 - Mức giảm trừ cho người phụ thuộc tăng từ 3,6 triệu đồng/người/tháng lên mức 4,4 triệu đồng/người/tháng.

 Với mức giảm trừ gia cảnh mới này, người nộp thuế sẽ được tính từ thời điểm ngày 1/1/2020 khi cá nhân thực hiện quyết toán thuế thu nhập cá nhân.

 Đặc biệt, theo quy định này, cá nhân phải quyết toán thuế thu nhập cá nhân trong các trường hợp: có số thuế phải nộp thêm hoặc có số thuế nộp thừa và có đề nghị hoàn thuế.

 Nhằm cắt giảm thủ tục hành chính cho người nộp thuế cũng như giảm áp lực xử lý hồ sơ quyết toán cho cơ quan thuế, theo quy định tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH13 và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định miễn thuế thu nhập cá nhân phải nộp thêm đối với cá nhân có số thuế phải nộp thêm sau quyết toán của từng năm từ 50.000 đồng trở xuống.

 Ngoài ra, theo Tổng cục Thuế, các cá nhân được ủy quyền quyết toán cho tổ chức trả thu nhập trong các trường hợp:

 - Cá nhân có thu nhập duy nhất tại một nơi theo hợp đồng lao động; Cá nhân có thu nhập duy nhất tại một nơi theo hợp đồng lao động đồng thời có thu nhập vãng lai tại ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng và đã được khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ 10%. 

- Cá nhân là người lao động được điều chuyển từ tổ chức cũ đến tổ chức mới do tổ chức cũ thực hiện sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp hoặc tổ chức cũ và tổ chức mới trong cùng một hệ thống thì cá nhân được ủy quyền quyết toán thuế cho tổ chức mới.

 Theo quy định của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, từ kỳ tính thuế năm 2020, thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 4 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch đối với cá nhân khai quyết toán thuế trực tiếp với cơ quan thuế.

 Với tổ chức trả thu nhập, thời hạn hộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ ba kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính.

 Với cá nhân, kể từ kỳ quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2020, thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế đã được kéo dài trên 1 tháng so với quy định trước đây nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế. (Cafef.vn 31/01)Về đầu trang

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY

TPHCM: Phản ánh thông tin tội phạm qua Zalo

Công an Quận Tân Phú, TP.HCM vừa chính thức ký kết triển khai mô hình Zalo an ninh với khẩu hiệu “Kết nối Zalo, vì Quận Tân Phú bình yên”.

 Được biết, trên địa bàn TP.HCM, Quận Tân Phú là đơn vị tiên phong của ngành Công an trong việc ứng dụng mô hình “Kết nối Zalo an ninh - bình yên cho mỗi gia đình” trong công tác bảo vệ an ninh trật tự, cải cách thủ tục hành chính và công tác tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm.

 Theo đó, từ nay người dân trên địa bàn quận Tân Phú có thể tố giác tội phạm, phản ánh, tiếp nhận thông tin đến lực lượng công an qua Zalo.

 Bên cạnh đó, Công an quận Tân Phú cũng tích hợp chatbot để tư vấn cho người dân về các thủ tục hành chính như đăng ký tạm trú, khai báo tạm vắng, đăng ký thường trú, lưu trú, điều chỉnh thay đổi trong sổ hộ khẩu, cấp chứng minh nhân dân (căn cước công dân), các thủ tục lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, lĩnh vực đăng ký xe và các thủ tục liên quan đến lĩnh vực công tác công an như đăng ký con dấu…

 Hiện nay, Công an Quận Tân Phú đã thiết lập thành công 18 tài khoản Zalo trên địa bàn quận. (Plo.vn 30/01, Tiểu Minh)Về đầu trang

Ninh Bình: Hiệu quả ứng dụng mạng xã hội trong công tác đảm bảo an ninh trật tự

Thực hiện Chỉ thị số 22 ngày 19/4/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình về “Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong việc sử dụng Internet, mạng xã hội” và phát động “Phong trào toàn dân đấu tranh, phản bác các quan điển sai trái, thù địch”, Công an TP Ninh Bình đã tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy, UBND TP ban hành văn bản chỉ đạo về ứng dụng mạng xã hội trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

 Là đơn vị thực hiện thí điểm, Công an TP Ninh Bình đã xây dựng, triển khai giải pháp ứng dụng mạng xã hội trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và cho ra mắt mô hình “Kết nối mạng xã hội – Vì bình yên cuộc sống”, bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực.

 Đại tá Nguyễn Quốc Tuấn, Trưởng Công an TP Ninh Bình cho biết: Việc áp dụng công nghệ 4.0 vào công tác truyền thông, công tác tuyên truyền là hết sức cần thiết. Ngoài các biện pháp tuyên truyền bằng băng rôn, biểu ngữ, hệ thống loa phát thanh, tuyên truyền lưu động... thì việc tuyên truyền trên không gian mạng là một hướng đi mới và rất khoa học, giúp tiết kiệm nhiều chi phí, cùng một lúc thông tin có thể truyền tải đến nhiều người và có quan hệ trao đổi thông tin hai chiều giữa người dân và lực lượng Công an.

 Qua đó, giúp lực lượng Công an  kịp thời nắm bắt thông tin, phản ánh của người dân và kịp thời xử lý các vấn đề liên quan đến an ninh trật tự, đồng thời đẩy mạnh công tác cải cách hành chính phục vụ nhân dân.

 Để việc triển khai, thực hiện được thống nhất, đồng bộ, chặt chẽ, Công an TP Ninh Bình giao chỉ tiêu và ban hành quyết định lập nhóm ứng dụng Zalo cho các đội nghiệp vụ, Công an các phường, xã, các đoàn thể. Giao trách nhiệm quản lý trang Fanpage “Công an thành phố Ninh Bình” cho Đội xây dựng phong trào bảo vệ Tổ quốc; ban hành quy định sử dụng internet, mạng xã hội và quy chế quản lý, sử dụng trang Fanpage, các nhóm Zalo trong công tác xây dựng phong trào và điều hành, trao đổi công việc của Công an TP; thành lập Ban quản trị, ban hành quy chế hoạt động của Ban quản trị để kiểm duyệt, kiểm soát chặt chẽ mọi nguồn thông tin đăng tải, chia sẻ trên không gian mạng.

 Sau gần 1 năm triển khai, thực hiện, đến nay trang Fanpage “Công an thành phố Ninh Bình” đã đăng tải, chia sẻ gần 600 tin, bài viết vớihơn 17.600 người quan tâm, theo dõi, 305 nhóm Zalo được xác thực với hơn 4200 thành viên.

 Trang Fanpage, các nhóm Zalo được duy trì và kết nối từ các đội nghiệp vụ, Công an phường, xã tới các ngành, đoàn thể và nhân dân để hướng dẫn, tư vấn, giải đáp thực hiện các thủ tục hành chính khi cần làm việc với cơ quan Công an; tiếp nhận thông tin phản ánh về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, các vụ việc, các thông tin phản ánh về đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật, đối tượng truy nã, vi phạm trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng, trật tự đô thị… (Cand.com.vn 01/02, Quốc Huy)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Người Việt lạc quan nhất trong ASEAN bất chấp COVID-19

Theo chỉ số lạc quan do Ngân hàng UOB tính toán, bất chấp những thách thức về kinh tế và xã hội do dịch COVID-19 gây ra, người Việt Nam lạc quan nhất khu vực về tương lai.

 Ngân hàng UOB (trụ sở chính tại Singapore) vừa công bố báo cáo mang tên "Nghiên cứu tâm lý người tiêu dùng khu vực ASEAN" được thực hiện bắt đầu từ tháng 7/2020, với hơn 3.500 người đến từ các nước ASEAN tham gia, bao gồm: Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam được phỏng vấn. Tại Việt Nam, 620 người ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tham gia vào nghiên cứu này.

 So với các nước ASEAN khác, Việt Nam xếp cao nhất về chỉ số lạc quan với 62,4 điểm, cao hơn hẳn Malaysia (53,8 điểm), Singapore (52,7 điểm), Thái Lan (52 điểm) và Indonesia (49,6 điểm).

 10 yếu tố cấu thành của chỉ số lạc quan của UOB bao gồm: (1) mức độ cảm xúc tiêu cực (như lo lắng), (2) mức độ cảm xúc tích cực (như hy vọng), (3) quan tâm về dịch bệnh, (4) khả năng xảy ra suy thoái, (5) khả năng khống chế dịch COVID-19, (6) triển vọng dỡ bỏ cách ly, (7) khả năng di chuyển quốc tế, (8) phát triển vaccine, (9) triển vọng trở lại cuộc sống bình thường, (10) triển vọng cá nhân trở nên khá giả hơn. Mỗi yếu tố được tính trên thang điểm 10, tổng cộng là 100 điểm.

 Tổng Giám đốc Ngân hàng UOB Việt Nam, ông Harry Loh, cho biết nghiên cứu thấy rằng người Việt Nam lạc quan về tương lai, thậm chí ngay cả khi họ trải qua những thay đổi về lối sống và thói quen do cách ly xã hội. 

"81% người Việt tin rằng cuộc sống sẽ trở lại bình thường vào cuối năm 2021, cao nhất so với các nước ASEAN. Sự lạc quan này, ở mức cao nhất khu vực, có thể do thành quả chống dịch thành công của Việt Nam, và thành quả này là yếu tố nền tảng cho việc phục hồi nền kinh tế", ông Harry Loh cho biết thêm.

 Chỉ số lạc quan của UOB cũng cho thấy, theo thế hệ, thế hệ Baby Boomers (từ 56 tuổi trở lên) ở Việt Nam lạc quan nhất với 67,7 điểm, theo sau là thế hệ X (độ tuổi 40 - 55) với 65,2 điểm và thế hệ Y (24 - 39 tuổi) 59,8 điểm.

 Kết quả này của Việt Nam là khác biệt vì ở các nước khác trong khu vực, Baby Boomers kém lạc quan nhất. Thế hệ Baby Boomers ở Việt Nam lạc quan trong thời điểm khủng hoảng có thể do họ đã lớn lên trong giai đoạn khó khăn, do vậy bền bỉ hơn, cũng như có tinh thần kiên trì và ý chí cầu tiến.

 Về tài chính cá nhân, nhiều người Việt chắc chắn rằng họ sẽ thịnh vượng hơn trong năm tới, với 72% cho biết rằng họ sẽ khá giả hơn, với mức độ lạc quan ở tất cả các nhóm tuổi. Về điểm này, Việt Nam xếp cao nhất khu vực, cao hơn Malaysia (57%), Thái Lan (52%), Indonesia (47%) và Singapore (41%).

 Bộ phận Nghiên cứu thị trường của UOB cũng dự đoán kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 7,1% trong năm 2021. Trong khi đó, Ngân hàng Standard Chartered cũng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021, đạt 7,8% so với mức 2,9% trong năm 2020. Lĩnh vực sản xuất sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính, giúp Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng vượt trội hơn so với các nền kinh tế khác tại châu Á. (Vtv.vn 01/02)Về đầu trang

PMI tháng 1 đạt 51.3 điểm, lĩnh vực sản xuất cải thiện chậm

Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (Purchasing Managers’ Index - PMI) ngành sản xuất Việt Nam đạt 51.3 điểm vào tháng 1, giảm so với mức 51.7 của tháng 12, cho thấy các điều kiện kinh doanh cải thiện chậm hơn vào đầu năm 2021.

 Số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng, kéo dài thời kỳ tăng thành năm tháng. Một số báo cáo cho biết khách hàng tăng lượng đặt hàng. Tuy nhiên, tốc độ tăng đã chậm lại so với tháng 12. Trong khi đó, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới hầu như không thay đổi, với sự giảm sút ở các thị trường có số ca nhiễm virus corona 2019 (Covid-19) vẫn tăng.

 Sản lượng của ngành sản xuất hầu như ổn định trong tháng 1. Trong khi số lượng đơn đặt hàng mới tăng được hỗ trợ bằng tình trạng tăng sản lượng ở một số công ty, những công ty khác cho biết ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tiếp tục làm sản lượng giảm.

 Mức tăng quy mô của một số đơn đặt hàng như nói ở trên bắt đầu tạo áp lực lên năng lực sản xuất trong tháng 1. Mặc dù lượng công việc tồn đọng giảm tháng thứ mười hai liên tiếp, tốc độ giảm là chậm nhất trong thời kỳ này.

 Các nhà sản xuất có lực lượng lao động hầu như không thay đổi sau khi tăng trong tháng 12. Một số công ty tăng việc làm để đáp ứng số lượng đơn đặt hàng mới tăng, trong khi những công ty khác ghi nhận giảm trong bối cảnh đại dịch và nhân viên nghỉ việc. Hoạt động mua hàng cũng thay đổi một chút.

 Hoạt động mua hàng đầu vào bị ảnh hưởng bởi tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng tiếp tục diễn ra trong tháng 1. Trên thực tế, mức độ kéo dài thời gian giao hàng gần đây là lớn nhất trong gần một thập kỷ, ngoại trừ giai đoạn cách ly khó khăn nhất do Covid-19 vào tháng 3 và tháng 4 năm ngoái. Các công ty thường báo cáo tình trạng thiếu container chuyển hàng cùng với khan hiếm nguồn nguyên vật liệu.

 Những vấn đề liên quan đến chuyển hàng và nguồn cung nguyên vật liệu tạo thêm áp lực lạm phát. Tốc độ tăng chi phí đầu vào đã gia tăng tháng thứ năm liên tiếp và là nhanh nhất kể từ tháng 6/2018.

 Trong khi đó, giá cả đầu ra tăng tháng thứ năm liên tiếp, mặc dù với tốc độ khiêm tốn và yếu hơn nhiều so với chi phí đầu vào.

 Vì muốn dự phòng tránh tình trạng giá cả nguyên vật liệu leo thang, các công ty đã tăng tồn kho hàng mua, và đây là tháng tăng thứ hai liên tiếp. Mặt khác, hàng tồn kho thành phẩm đã giảm với mức độ cao nhất trong thời gian năm tháng.

 Mặc dù các nhà sản xuất vẫn tự tin về triển vọng 12 tháng tới, tâm lý kinh doanh đã giảm về mức thấp của năm tháng khi còn những lo ngại về ảnh hưởng tiếp theo của Covid-19. Ở những trường hợp các công ty lạc quan, điều này phản ánh hy vọng giảm ảnh hưởng của đại dịch và các kế hoạch mở rộng đầu tư và sản xuất. (Thoibaokinhdoanh.vn 01/02)Về đầu trang

Việt Nam trở thành quốc gia có lao động nước ngoài nhiều nhất ở Nhật Bản

Tổng số lao động nước ngoài làm việc ở Nhật Bản (tính đến cuối tháng 10/2020) tăng cao kỷ lục lên 1.724.328 người.

 Các số liệu thống kê mới nhất của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) cho hay năm 2020, Việt Nam đã lần đầu tiên vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia có lao động nước ngoài nhiều nhất ở Nhật Bản.

 Theo MHLW, tổng số lao động nước ngoài làm việc ở Nhật Bản (tính đến cuối tháng 10/2020) tăng cao kỷ lục lên 1.724.328 người, bất chấp sự bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, tăng khoảng 65.000 người so với cùng kỳ năm trước đó. 

Đây là năm thứ tám liên tiếp số lao động nước ngoài ở Nhật Bản lập kỷ lục mới. Mặc dù vậy, MHLW cho biết, dịch COVID-19 đã có tác động nhất định khi số lao động nước ngoài ở Nhật Bản chỉ tăng 4%, so với mức tăng 13,6% trong năm 2019.

 Điểm đáng chú ý, theo nhật báo Asahi, Việt Nam đã lần đầu tiên trở thành quốc gia có nhiều lao động nước ngoài nhất ở Nhật Bản, với 443.998 người. Trung Quốc đứng ở vị trí thứ hai với 419.431 lao động và Philippines đứng ở vị trí thứ ba với 184.750 lao động.

 Năm 2020, tổng số thực tập sinh kỹ năng nước ngoài ở Nhật Bản là 402.355 người, tăng 4,8% so với một năm trước đó. (Vtv.vn 01/02)Về đầu trang

Cải cách kiểm tra chuyên ngành, nền kinh tế tiết kiệm gần 400 triệu USD/năm

Với việc cải cách kiểm tra chuyên ngành của hải quan, ước tính giá trị tiết kiệm cho nền kinh tế khi áp dụng mô hình mới này lên đến 9.285 tỷ đồng/năm (xấp xỉ 399 triệu USD).

 Theo đại diện Tổng cục Hải quan, Công tác kiểm tra chuyên ngành thời gian qua đã đạt một số kết quả, song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu cải cách, vẫn tồn tại nhiều bất cập từ trình tự, thủ tục, phương thức kiểm tra.

 Trong nhiều báo cáo, cũng như ý kiến của doanh nghiệp (DN), hiệp hội DN cho thấy, còn tình trạng xung đột trong các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chuyên ngành, trong khi đó, hiệu quả kiểm tra không cao. Trong vòng 5 năm, tỷ lệ phát hiện lô hàng không đáp ứng chất lượng chưa đến 0,03% so với tỉ lệ mẫu đưa ra. Bên cạnh đó, vấn đề đáng lo ngại chính hiện nay là chưa đầy đủ tiêu chuẩn tiêu chuẩn, quy chuẩn.

 Có danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành, nhưng tiêu chuẩn, quy chuẩn chưa đầy đủ dẫn tới khó khăn cho cơ quan thực thi, ảnh hưởng tới quá trình thông quan hàng hóa của DN.

 “Với những bất cập hiện nay, thủ tục kiểm tra chuyên ngành vẫn là gánh nặng cho DN, là một trong yếu tố chiếm tỷ trọng khá lớn cấu thành thời gian thông quan hàng hóa mà hiện vẫn chưa được cải thiện đáng kể theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, từ đó dẫn đến giảm năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong trao đổi thương mại qua biên giới”, ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết.

 Trước thực tế trên, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”. Đề án nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

 Đề án cải cách toàn diện các quy định về hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng quản lý rủi ro, đơn giản hóa quy trình, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, giảm đầu mối tiếp xúc giữa doanh nghiệp với các cơ quan, tổ chức; cắt giảm chi phí, thời gian thông quan hàng hóa nhập khẩu.

 Ông Nguyễn Văn Cẩn cho biết, năm 2021, ngành Hải quan sẽ tập trung nhân lực khẩn trương triển khai đề án này. Theo đó, lực lượng hải quan sẽ chủ trì thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu đối với các mặt hàng về lương thực thực phẩm, trừ hàng liên quan đến an ninh quốc phòng, kiểm dịch về thú y. 

Tổng cục Hải quan sẽ hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu lấy ý kiến các bộ, ngành trình Bộ Tài chính xem xét, trình Chính phủ phê duyệt trong quý II/2021 để làm cơ sở triển khai đề án.

 Theo ông Cẩn, cơ quan hải quan sẽ thực hiện kiểm tra chuyên ngành, có nghĩa là doanh nghiệp chỉ nộp hồ sơ, còn hải quan có trách nhiệm đưa vào hệ thống để các bộ, ngành lấy thông tin và trên cơ sở danh mục, tiêu chuẩn, quy chuẩn về kiểm tra chuyên ngành để cơ quan hải quan thực hiện.

 "Việc này sẽ rút ngắn thời gian thông quan, tiết kiệm được rất nhiều kinh phí cho doanh nghiệp. Thời gian thông quan sẽ giảm đi rất nhiều, chưa nói đến tiền bạc liên quan đến chi phí lấy mẫu, chi phí gửi tài liệu, đi lại… Như trước đây, DN phải đi 4 lần lấy kết quả kiểm tra chuyên ngành để thông quan hàng hóa. Khi áp dụng mô hình kiểm tra mới, theo đánh giá tác động do các chuyên gia của Dự án Tạo thuận lợi thương mại do Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ thực hiện, chi phí thời gian tiết kiệm được cho doanh nghiệp trong một năm quy ra tiền là hơn 880 tỷ đồng", ông Cẩn chia sẻ.

 Nêu thực tế hiện nay, các doanh nghiệp nhập lô nào phải đi kiểm tra chuyên ngành lô đó. Ví dụ như sữa Ensure, "doanh nghiệp nhập lô nào, từ to đến nhỏ cũng phải lấy mẫu đi kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm". Nhưng tới đây khi áp dụng mô hình kiểm tra mới, các tập đoàn lớn có các sản phẩm đã được đăng ký bản quyền ở Việt Nam thì hải quan "không kiểm tra theo lô, lô nào cũng kiểm tra, mà theo rủi ro", trường hợp phát hiện vi phạm thì lô hàng sẽ bị đình chỉ toàn bộ và kiểm tra ở tất cả các cửa khẩu để ngăn chặn. 

Dựa trên dữ liệu trong Báo cáo Môi trường kinh doanh của WB, ước tính giá trị tiết kiệm cho nền kinh tế khi áp dụng mô hình mới này lên đến 9.285 tỷ đồng/năm (xấp xỉ 399 triệu USD). Theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế, nếu mô hình được triển khai sẽ giúp cắt giảm thủ tục hành chính; giảm thời gian thông quan; cắt giảm nguồn lực và chi phí cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhưng vẫn nâng cao tính tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, bảo vệ an toàn cho người tiêu dùng; phù hợp với thông lệ quốc tế. (Vov.vn 01/02, Cẩm Tú)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Xem xét dừng đào tạo, sát hạch lái xe để phòng chống COVID-19

Tổng cục Đường bộ Việt Nam Việt Nam đề nghị các địa phương xem xét dừng tổ chức đào tạo, sát hạch lái xe nhằm tránh lây nhiễm dịch COVID-19 trong cộng đồng.

 Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe căn cứ chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, UBND tỉnh và tình hình thực tế tại địa phương, xem xét dừng tổ chức đào tạo, sát hạch để đảm bảo tránh lây nhiễm trong cộng đồng.

 Trước diễn biến phức tạp mới của dịch bệnh, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách (đặc biệt là loại hình kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định, xe hợp đồng) tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch, khai báo y tế theo quy định.

 Trong đó, chú trọng khử trùng phương tiện, lập danh sách hành khách (kèm theo địa chỉ, số điện thoại của từng người); niêm yết các khuyến cáo của Bộ Y tế, Tổ chức y tế Thế giới (WHO) về các biện pháp phòng tránh dịch trên phương tiện.

 Trường hợp phải tạm dừng khai thác các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh, đề nghị Sở Giao thông Vận tải có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các Sở Giao thông Vận tải phía đối lưu để phối hợp quản lý. (Vtv.vn 01/02)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Đà Nẵng: Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, giảm giờ nộp thuế

Trong năm 2021, Cục Thuế TP. Đà Nẵng sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác quản lý thuế để giảm giờ nộp thuế, tạo điều kiện cho người nộp thuế để có thể huy động tốt nhất cho ngân sách nhà nước.

 Ông Lưu Đức Sáu - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Thuế TP. Đà Nẵng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Thuế, UBND TP. Đà Nẵng, năm 2021 Cục Thuế TP. Đà Nẵng sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp ngay từ những ngày đầu năm, với mục tiêu phấn đấu hoàn thành dự toán được giao.

 Một trong những giải pháp mà cục thuế sẽ ưu tiên triển khai, đó là đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế. Theo đại diện Cục Thuế TP. Đà Nẵng, do tình hình dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp, nên cục thuế sẽ tiếp tục duy trì các hình thức hỗ trợ, tập huấn, đối thoại bằng hình thức trực tuyến nhằm tuyên truyền và triển khai hướng dẫn kịp thời các chính sách mới.

 Đại diện Cục Thuế TP. Đà Nẵng cũng cho biết, sẽ tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành; các hiệp hội, hội đồng mạng lưới khởi nghiệp thành phố, vườn ươm doanh nghiệp thành phố, các cơ quan báo, đài trung ương, địa phương trên địa bàn tổ chức tốt công tác tuyên truyền, tập huấn và triển khai thực hiện chính sách thuế mới.

 “Chúng tôi sẽ đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người nộp thuế thực hiện khai thuế, nộp, hoàn thuế điện tử; đăng ký thuế bằng phương thức điện tử; xác nhận số thuế đã nộp ngân sách nhà nước bằng phương thức điện tử; việc sử dụng hóa đơn điện tử” - ông Sáu chia sẻ. (Thoibaotaichinhvietnam.vn 01/02, Nhật Minh)Về đầu trang

Bến Tre: Phê duyệt kiến trúc chính quyền điện tử

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam vừa ký ban hành Quyết định số 34 phê duyệt kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Bến Tre, phiên bản 2.0.

 Theo đó, UBND tỉnh Bến Tre xác định rõ những mục tiêu cần đạt được đến năm 2025 về phát triển hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin (CNTT); ứng dụng CNTT trong nội bộ cơ quan Nhà nước và phục vụ người dân.

 Cụ thể, về hạ tầng CNTT phục vụ phát triển Chính phủ điện tử, đến năm 2025: Tỷ lệ sử dụng máy tính của cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện đạt 100%, cấp xã đạt tối thiểu 90%. Hoàn thiện việc chuyển đổi IPv6 cho mạng lưới, dịch vụ, ứng dụng, phần mềm và thiết bị trên địa bàn tỉnh; bảo đảm sự phát triển, tính sẵn sàng tương thích với sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng công nghệ mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

 Về ứng dụng CNTT trong nội bộ cơ quan Nhà nước, đến năm 2025: Tối thiểu 80% báo cáo định kỳ (trừ nội dung mật) được gửi, nhận qua hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh.

 Rút ngắn 80% thời gian họp, giảm tối đa việc sử dụng tài liệu giấy thông qua hệ thống hội nghị truyền hình, phần mềm quản lý văn bản và điều hành; 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan Nhà nước (trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật) dưới dạng điện tử; tối thiểu 90% hồ sơ công việc tại các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật).

 Đến năm 2025, ứng dụng CNTT phục vụ người dân hướng đến đạt được những mục tiêu: Tích hợp 70% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của tỉnh với Cổng Dịch vụ công quốc gia; 20% dịch vụ công sử dụng chữ ký số để thực hiện thủ tục hành chính; 70% dịch vụ công trực tuyến xử lý bằng hồ sơ điện tử; phát triển dịch vụ mạng di động 5G, tăng tốc độ mạng di động phục vụ công dân. (Baochinhphu.vn 31/01)Về đầu trang

Cổng dịch vụ công trực tuyến của TP.Hà Nội ngưng hoạt động

Trang web dichvucong.hanoi.gov của TP.Hà Nội từ chiều 1.2, không truy cập được, đồng nghĩa hệ thống dịch vụ công trực tuyến đang bị ngưng trệ.

 Đây không phải lần đầu tiên Cổng dịch vụ công trực tuyến của TP.Hà Nội bị lỗi. Trước đó, nhiều người dân phản ánh hệ thống này đã bị lỗi một số mục trong 2 ngày 11 - 12.1, dù trang https://dichvucong.hanoi.gov.vn/dich-vu-truc-tuyen vẫn truy cập được. Tuy nhiên, từ chiều nay, 1.2, trang web này đã báo lỗi 404.

 Đáng chú ý, Sở TT-TT Hà Nội mới đây đã có văn bản gửi UBND TP.Hà Nội liên quan đến hoạt động của Cổng dịch vụ công, hệ thống một cửa điện tử dùng chung và các dịch vụ công trực tuyến của thành phố.

 Theo Sở này, UBND TP.Hà Nội đã giao Văn phòng UBND thành phốchủ trì, triển khai Cổng dịch vụ công, hệ thống một cửa điện tử dùng chung và các dịch vụ công trực tuyến của thành phố.

 “Khi cần trao đổi về nội dung trên, Sở TT-TT đề nghị Văn phòng UBND thành phố chỉ đạo Trung tâm Tin học - công báo tham mưu văn bản gửi Sở TT-TT. Việc Trung tâm Tin học - công báo gửi văn bản thông báo tới Sở TT-TT là chưa đúng thẩm quyền”, văn bản của Sở nêu. (Thanhnien.vn 01/02, Mai Hà)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Ngân sách không chỉ là những con số

Những bước tiến ngoạn mục về thu ngân sách mà Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo tại Đại hội XIII, không chỉ là những con số, mà còn là hiện thân của sự chung sức, đồng lòng.

 Bức tranh ngân sách nhà nước năm 2020 đã không quá xấu, thậm chí còn đạt ở mức bình thường trong hoàn cảnh hết sức bất thường vì đại dịch. Có được sự “bất ngờ” đó là bởi tay nắm chặt tay. “Đoàn kết” cũng chính là hai từ đầu tiên trong chủ đề được lựa chọn cho Đại hội XIII.

 Trong cả nhiệm kỳ qua, luôn trực tiếp đến chỉ đạo các hội nghị tổng kết năm của ngành Tài chính, điều mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thường nhắn nhủ là ngân sách đừng chỉ là những con số đạt kế hoạch hay không đạt kế hoạch, mà phải là những con số của sự chung sức, chung lòng, những con số của sự sẵn sàng đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

 Theo Thủ tướng Chính phủ, ngành Tài chính là huyết mạch quan trọng, có vai trò dẫn dắt nền kinh tế phát triển. Tài chính phải vì mục tiêu thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững, góp phần củng cố quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế.

 Tổng thu ngân sách nhà nước cả giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 6,9 triệu tỷ đồng, tương ứng trên 25% GDP, vượt mục tiêu đề ra dù phải liên tục thực hiện điều chỉnh giảm nghĩa vụ thu, cắt giảm thuế quan theo các hiệp định thương mại tự do, xóa bỏ các khoản phí, lệ phí không phù hợp. Nhưng kết quả này đạt được không phải từ sự ra sức thu cho bằng được, mà do ngành Tài chính đã xây dựng được hệ thống chính sách thu ngân sách, động viên hợp lý, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; bao quát các nguồn thu, chống chuyển giá, công khai, minh bạch; chuyển phương thức quản lý thu từ tiền kiểm sang hậu kiểm theo nguyên tắc quản lý rủi ro; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính kết hợp hiện đại hóa công tác quản lý thu; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.

Cơ cấu thu đã dịch chuyển theo hướng bền vững hơn, phù hợp với trình độ phát triển và hội nhập của nền kinh tế, tăng tỷ trọng thu nội địa từ mức bình quân 68,7% giai đoạn 2011 - 2015 lên mức 82% giai đoạn 2016 - 2020 và đến năm 2020 đạt mức 85,5%; giảm tỷ trọng thu từ xuất nhập khẩu và dầu thô. 

Đáng chú ý, thu ngân sách địa phương có xu hướng tăng, từ mức 37,4% tổng thu ngân sách Nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 lên mức 45% giai đoạn 2016 - 2020, đã giúp tăng cường khả năng tự chủ cho địa phương. Đến năm 2020, đã có 30/63 địa phương có quy mô thu ngân sách Nhà nước trên 10 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2016 (15 địa phương); đồng thời, số địa phương có quy mô thu dưới 5 nghìn tỷ đồng giảm hơn 1 nửa, từ 37 địa phương năm 2016 xuống còn 16 địa phương năm 2020.

 Đại dịch Covid-19 năm 2020 đã ghi nhận sự sẵn sàng của các địa phương ở mức cao nhất từ trước đến nay, khi cùng với ngân sách trung ương, các địa phương chủ động sử dụng khoảng 8,2 nghìn tỷ đồng dự phòng ngân sách địa phương và nguồn lực tại chỗ để chi cho công tác phòng chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất, cơ sở hạ tầng thiết yếu và hỗ trợ đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương. (Thoibaotaichinhvietnam.vn 01/02, Đoàn Trần)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Séc thông qua luật bảo vệ người tố cáo để chống tham nhũng

Bộ Tư pháp Séc ngày 2/1 cho biết, Chính phủ nước này đã phê duyệt một dự luật nhằm bảo vệ những người tố cáo.

 Theo luật này các phóng viên và những người dám đứng ra tố cáo những sai phạm của các tổ chức, cá nhân sẽ được bảo vệ quyền lợi trước pháp luật. Tuy nhiên những người tố cáo cũng có thể bị phạt 50 nghìn Kuron, tương đương khoảng 2 nghìn 350 đôla Mỹ, nếu cố tình khai báo sai sự thật. Để giám sát thực hiện, kể từ tháng 3 năm 2022, các công ty sẽ phải thành lập một bộ phận nội bộ để tiếp nhận và xử lý các thông tin tố cáo. Các công ty có thể bị phạt lên tới 1 triệu Kuron (khoảng 48.000 USD) nếu không tuân thủ quy định này.

 Bộ Tư pháp Séc cho biết, luật được áp dụng cho mọi đối tượng là nhân viên, lao động tự do, công chức, tình nguyện viên...với mục đích nhằm bảo vệ  những người tố cáo khỏi các hành động trả thù và giúp họ có một vị thế nhất định tại các phiên tòa.

 Trong một tuyên bố liên quan, Thủ tướng Séc Andrej Babis cho rằng quy định là một biện pháp chống tham nhũng cơ bản ở nước này. Dự kiến luật sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay. (Vov.vn 01/02, Nho Biền)Về đầu trang

Quân đội Myanmar sa thải 24 Bộ trưởng và Thứ trưởng

Sau khi giành quyền kiểm soát, quân đội Myanmar vào tối ngày 1/2 thông báo cách chức 24 bộ trưởng và thứ trưởng trong chính quyền của bà Aung San Suu Kyi.

 Lực lượng này chỉ định 11 người thay thế trong chính quyền mới sau khi tiến hành vụ binh biến, theo Reuters. Thông báo trên được đưa ra trên Đài truyền hình Myawadday do quân đội điều hành.

 Bản tin cho biết các quan chức được bổ nhiệm mới là những người phụ trách các lĩnh vực tài chính, y tế, thông tin, đối ngoại, quốc phòng, biên giới và nội vụ.

 Vào sáng 1/2, Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing đã lên nắm quyền sau khi quân lính bắt giữ các nhà lãnh đạo chính phủ, bao gồm Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và Tổng thống Win Myint.

 Reuters dẫn lời đài truyền hình quân đội Myanmar cho biết việc bắt giữ các nhà lãnh đạo là biện pháp phản ứng trước gian lận bầu cử.

 Dưới sự bảo hộ của hiến pháp, phe quân đội được cơ cấu 25% ghế tại quốc hội - con số đủ để phủ quyết bất kỳ dự luật nào.

 Các vị trí quan trọng trong nội các gồm lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và Bộ Các vấn đề Biên giới đều do quân đội quyết định.

 Đặc biệt, Điều 417 của Hiến pháp Myanmar còn trao cho tổng tư lệnh quân đội Myanmar quyền kiểm soát toàn bộ các nhánh lập pháp, tư pháp và hành pháp (chính phủ) nếu chủ quyền đất nước bị đe dọa. (Zingnews.vn 01/02, Đại Hoàng)Về đầu trang./.

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Các tin khác