Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 26-10-2020

14:10, Thứ Hai, 26-10-2020

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 Tải file tại đây

TIÊU ĐIỂM.. 1

1.                Nhiều cá nhân cứu trợ miền Trung, sẽ có Nghị định mới thay thế Nghị định 64?. 1

2.                Thay thế Nghị định 64 để khuyến khích cộng đồng làm từ thiện hiệu quả. 2

CHÍNH SÁCH MỚI 3

3.                Dự kiến, bảng lương cán bộ, công chức năm 2021. 3

4.                Nộp hồ sơ khai thuế muộn có thể bị phạt đến 25 triệu đồng. 3

TIN QUỐC HỘI 4

5.                Các đơn vị sự nghiệp công lập có nên tham gia đưa người lao động đi nước ngoài?. 4

6.                Quốc hội cơ bản tán thành một loại giấy phép môi trường. 5

7.                Ngày 24/10, Quốc hội nghe và thảo luận nhiều dự án luật 5

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 6

8.                WB: Thảm họa thiên nhiên có thể “thổi bay” hàng tỷ USD của Việt Nam.. 6

9.                Tập đoàn, tổng công ty nhà nước nợ nước ngoài 341.591 tỷ đồng. 6

PHÂN TÍCH - BÌNH LUẬN.. 7

10.             Vẫn còn xin - cho. 7

QUẢN LÝ.. 8

11.             Nhiều điểm mới trong dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng XIII 8

12.             Thủ tướng quyết định tạm cấp 500 tỉ đồng hỗ trợ khẩn cấp các tỉnh miền Trung. 9

13.             Bỏ Hội đồng nhân dân cấp quận, phường tại TP.HCM là thời điểm chín muồi?. 10

14.             Đắk Lắk tinh giảm nhân sự các cơ quan chuyên môn từ tỉnh đến huyện. 11

15.             Trà Vinh: Sẽ rút kinh nghiệm trong triển khai chương trình “trợ giá sữa”. 11

16.             Gói cho vay trả lương lao động ngừng việc sẽ thực hiện đến hết 31/1/2021. 12

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 13

17.             Giám sát an toàn nợ công như thế nào?. 13

THẾ GIỚI 14

18.             Nhật Bản dự báo số trẻ sơ sinh năm 2020 thấp kỷ lục. 14

 TIÊU ĐIỂM

Nhiều cá nhân cứu trợ miền Trung, sẽ có Nghị định mới thay thế Nghị định 64?

"Rất hợp với lòng dân, phải huy động nhiều nguồn lực mới có thể chung tay hỗ trợ" là một số ý kiến về việc xây dựng nghị định mới.

 Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì xây dựng nghị định mới thay thế Nghị định 64 năm 2008 về vận động, tiếp nhận, phân phối các nguồn đóng góp tự nguyện. Ngay khi có thông tin này, rất nhiều cá nhân đơn vị đã bày tỏ ủng hộ cần có quy định mới này trong bối cảnh rất nhiều nguồn đóng góp tự nguyện đang hướng về đồng bào miền Trung.

 Miền Trung những ngày quằn mình trong lũ. Nhiều cá nhân đã đứng ra quyên góp, đến tận nơi để giúp đỡ đồng bào. Còn với anh Tô Đình Khánh, một người con của miền Trung, dù không thể đi được nhưng anh cũng đã đứng ra kêu gọi ủng hộ trên trang cá nhân. 2.000 tập sách, 300 bộ quần áo và tiền mặt trong và ngoài nước được nhiều người ủng hộ sẽ chuyển ra miền Trung. Tuy nhiên, việc Nghị định 64 năm 2008 quy định không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ cũng khiến anh e ngại.

 Thông tin sẽ có quy định mới để khuyến khích các tổ chức cá nhân phát huy tinh thần tương thân tương ái, quyên góp hỗ trợ đồng bào cũng nhận được sự ủng hộ của các nhà hảo tâm và chính quyền đang chung tay khắc phục hậu quả mưa lũ. Tương thân tương ái là tinh thần quý báu. Mỗi khi có khó khăn, tinh thần đó càng trở nên mạnh mẽ. Mỗi sự đóng góp của tổ chức cá nhân đều là trân quý. Làm sao tận dụng và phối hợp để sử dụng các nguồn hợp lý để chung tay trong những lúc khó khăn khi thiên tai, dịch bệnh bão lũ để vượt qua khó khăn. Về đầu trang

Thay thế Nghị định 64 để khuyến khích cộng đồng làm từ thiện hiệu quả

Một đất nước thường xuyên bị thiên tai, các tỉnh miền Trung "trời hành cơn lụt mỗi năm", thì hoạt động từ thiện là chuyện thường xuyên. Cho nên, phải có nghị định thay thế Nghị định 64 để khuyến khích cả cộng đồng tham gia hoạt động từ thiện xã hội.

 Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 64/2008/NĐ-CP. Quyết định của Thủ tướng được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ.

 Người dân mong chờ có một nghị định mới phù hợp hơn, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, đồng thời bảo đảm sự minh bạch, công khai, loại trừ các hành vi tiêu cực.

 Mới đây, sự kiện ca sĩ Thủy Tiên vận động được hơn 100 tỉ đồng cứu trợ đồng bào các tỉnh miền Trung gây sự chú ý trong dư luận. Trong đó, có những tranh cãi liên quan đến các quy định về hoạt động từ thiện của Nghị định 64. Một luồng ý kiến cho rằng không vi phạm, một luồng ý kiến cho rằng vi phạm.

 Trao đổi với báo chí, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Thu cho rằng, lấy Nghị định 64 để áp vào trường hợp của ca sĩ Thủy Tiên thì cũng không đúng.

 Theo phân tích của các chuyên gia pháp luật, Nghị định 64 chỉ quy định 3 nhóm tổ chức, đơn vị được vận động, tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ là chưa phù hợp. Bởi vì, trên thực tế, nhiều cá nhân, tổ chức khác cũng có thể tự vận động và tổ chức cứu trợ bà con khi có thiên tai, dịch bệnh và trường hợp ca sĩ Thủy Tiên là một ví dụ.

 Thực tế cũng chứng minh rằng, nếu quy định cấm cũng không thể cấm được, vì rõ ràng, có rất nhiều cá nhân, tổ chức tự vận động và đang triển khai hoạt động cứu trợ tại các tỉnh miền Trung. Đây là đòi hỏi của cuộc sống, hãy đáp ứng đòi hỏi chính đáng đó. 

Vậy thì, nghị định thay thế Nghị định 64 phải tạo điều kiện tối đa cho mọi công dân làm từ thiện, tôn vinh những cá nhân điển hình, xuất sắc. Có như vậy mới huy động tối đa nguồn lực của xã hội trong hoạt động từ thiện.

 Từ trước đến nay, việc phối hợp làm công tác từ thiện của các cá nhân và tổ chức khác với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Hội Chữ thập đỏ chưa tốt, thì nghị định phải đưa ra được các quy định mới để việc phối hợp được chặt chẽ, phát huy tối đa hiệu quả cứu trợ.

 Cá nhân, tổ chức huy động tiền bạc trong dân thì dứt khoát phải có quy định kiểm soát, giám sát. Đồng tiền phải được sử dụng đúng mục đích, đưa đến tận tay đối tượng cần cứu trợ. Nghị định điều chỉnh tốt quan hệ này chính là bảo vệ uy tín của cá nhân, tổ chức hoạt động từ thiện, nuôi dưỡng niềm tin của cộng đồng đối với các tổ chức thiện nguyện. (Laodong.vn 25/10, Lê Thanh Phong)Về đầu trang

CHÍNH SÁCH MỚI

Dự kiến, bảng lương cán bộ, công chức năm 2021

Theo lộ trình từ những năm trước, thời điểm 1-7-2020 là thời điểm tăng lương cơ sở đối với cán bộ, công chức. Thậm chí, tại Nghị quyết 86, Quốc hội cũng đã "chốt" tăng lương cơ sở năm 2020 lên 1,6 triệu đồng/tháng.

 Tuy nhiên, trong những ngày đầu năm 2020, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến cuộc sống người dân lâm vào khó khăn. Để chia sẻ những điều này, tại Nghị quyết 122/2020/QH14, Quốc hội chính thức thông qua chưa điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức từ ngày 1-7-2020.

 Đồng thời, tại Nghị quyết này, căn cứ tình hình thực tế, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thời điểm điều chỉnh mức lương cơ sở.

 Theo đó, ngày 9-10-2020, tại Hội nghị Trung ương 13, Ban Chấp hành Trung ương đã biểu quyết và một lần nữa thông qua việc lùi thời điểm áp dụng cải cách tiền lương đến 1-7-2022 thay vì từ 2021 như tinh thần của Nghị quyết số 27 năm 2018 . 

Khi đó, những chính sách cải cách tiền lương sẽ bị hoãn đến 1-7-2022 như: Xây dựng 5 bảng lương mới theo chức vụ, vị trí việc làm; Bổ sung tiền thưởng vào cơ cấu tiền lương; Bãi bỏ hàng loạt phụ cấp và khoản chi ngoài lương… 

Từ các phân tích trên, có thể thấy, dự kiến năm 2021, mức lương cơ sở cũng sẽ không bị bãi bỏ. Điều đó có nghĩa là, hai năm liên tiếp lương cán bộ, công chức sẽ không thay đổi.

 Bởi dự kiến lương cán bộ, công chức trong năm 2021 không có gì thay đổi nên mức lương của đối tượng này vẫn sẽ tính theo công thức dưới đây thay vì trả lương theo số tiền cụ thể như tinh thần của Nghị quyết 27: Lương = (bằng) mức lương cơ sở x (nhân) hệ số lương. Trong đó: Mức lương cơ sở 2021 dự kiến vẫn giữ nguyên như hiện nay là 1,49 triệu đồng/tháng.

 Hệ số lương vẫn được áp dụng theo phụ lục ban hành kèm Nghị định 204/2004/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung. (Nld.com.vn 24/10)Về đầu trang

Nộp hồ sơ khai thuế muộn có thể bị phạt đến 25 triệu đồng

Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định cụ thể mức phạt đối với hành vi vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế.

 Theo Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn mới được Chính phủ ban hành, vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế có thể bị phạt đến 25 triệu đồng.

 Cụ thể, Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định cụ thể mức phạt đối với hành vi vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế.

 Phạt cảnh cáo đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 1 - 5 ngày và có tình tiết giảm nhẹ; phạt tiền từ 2-5 triệu đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 1-30 ngày, trừ trường hợp quy định.

 Đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 31-60 ngày thì bị phạt tiền từ 5-8 triệu đồng.

 Phạt tiền từ 8-15 triệu đồng đối với một trong các hành vi: nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 61-90 ngày; nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên nhưng không phát sinh số thuế phải nộp; không nộp hồ sơ khai thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp; không nộp các phụ lục theo quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết kèm theo hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.

 Phạt tiền từ 15 – 25 triệu đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn trên 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế, có phát sinh số thuế phải nộp và người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế lập biên bản về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế theo quy định tại khoản 11 Điều 143 Luật Quản lý thuế.

 Trường hợp số tiền phạt nếu áp dụng lớn hơn số tiền thuế phát sinh trên hồ sơ khai thuế thì số tiền phạt tối đa đối với trường hợp này bằng số tiền thuế phát sinh phải nộp trên hồ sơ khai thuế nhưng không thấp hơn mức trung bình của khung phạt tiền. (Vtv.vn 25/10)Về đầu trang

TIN QUỐC HỘI

Các đơn vị sự nghiệp công lập có nên tham gia đưa người lao động đi nước ngoài?

Chiều 23/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

 Thảo luận về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nhiều vấn đề đã được các đại biểu Quốc hội và cơ quan trình dự án luật trao đổi thẳng thắn.

 Một trong những vấn đề được đưa ra tranh luận là có nên để các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh tham gia đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài hay không. Với chuyên môn và cơ sở dữ liệu sẵn có, các trung tâm này có thể giúp địa phương mở rộng tiếp cận chính sách đến các đối tượng mục tiêu. Nhưng để các cơ sở công lập này tham gia xuất khẩu lao động liệu có gây bất bình đẳng và ảnh hưởng đến thị trường. 

Làm rõ thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhấn mạnh rằng những cơ sở dịch vụ công lập chỉ tham gia cung ứng lao động theo thỏa thuận hợp tác giữa các địa phương và không làm bội chi ngân sách.

 Đối với quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, trong khi có nhiều ý kiến đồng tình với việc cần thiết phải có quỹ để hạn chế rủi ro, vẫn có các ý kiến cho rằng quỹ này có thể tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp vào người lao động. Bởi nguồn thu của quỹ này là từ đóng góp của doanh nghiệp và người lao động. (Vtv.vn 24/10) Về đầu trang

Quốc hội cơ bản tán thành một loại giấy phép môi trường

Sáng 24/10, Quốc hội đã tiến hành thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

 Góp ý vào các nội dung cụ thể, nhiều đại biểu đồng tình với việc quy định rõ tiêu chí phân loại dự án đầu tư có tác động đến môi trường, đề nghị phân loại dự án đầu tư thành 4 nhóm gồm có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, có nguy cơ, ít có nguy cơ và không có nguy cơ tác động xấu đến môi trường.

 Về thẩm quyền, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, nhiều đại biểu đồng ý giao cho UBND cấp tỉnh phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang bộ. Việc giao UBND cấp tỉnh thẩm định sẽ đảm bảo tính đồng bộ, khách quan trong đánh giá tác động của dự án đến môi trường, kinh tế - xã hội tại chính địa phương đó.

 Nhiều đại biểu cũng tán thành chỉ dùng 1 loại giấy phép môi trường, trong đó, bao gồm cả nội dung cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi. Bởi thực tế, giấy phép xả nước thải vào nguồn nước và giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi đều có nội dung cơ bản giống nhau cho một đối tượng xả nước thải. Việc cấp một giấy phép thể hiện tinh thần Chính phủ kiến tạo, giảm phiền hà cho doanh nghiệp, người dân. (Vtv.vn 24/10) Về đầu trang

Ngày 24/10, Quốc hội nghe và thảo luận nhiều dự án luật

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, sáng 24/10, Quốc hội sẽ nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này.

 Buổi chiều, Quốc hội sẽ nghe các Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); Tờ trình về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Tờ trình về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Tờ trình về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

 Sau báo cáo, Quốc hội sẽ Thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc và nghe Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội nêu. (Vtv.vn 24/10) Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

WB: Thảm họa thiên nhiên có thể “thổi bay” hàng tỷ USD của Việt Nam

Theo WB, Việt Nam có thể mất hàng tỷ USD tăng trưởng kinh tế trong thập kỷ tới do các thảm họa thiên nhiên nếu không có chiến lược tăng cường khả năng chống chịu mới.

 Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã đưa ra nhận định trên trong báo cáo mới phát hành "Tăng cường khả năng chống chịu khu vực ven biển".

 "Bão lũ đang hoành hành ở miền Trung Việt Nam là bằng chứng mới nhất cho thấy một xu hướng đáng lo ngại là rủi ro thiên nhiên, vốn đã rất nguy hiểm, đang trở nên ngày càng nặng nề do tốc độ đô thị hóa nhanh, phát triển kinh tế và biến đổi khí hậu", WB cho hay. 

Báo cáo ước tính khoảng 12 triệu người ở các tỉnh ven biển đang đối mặt với nguy cơ bão lũ; hơn 35% nhà ở hiện nằm ở các khu vực ven biển bị xói mòn. Trung bình mỗi năm có tới 852 triệu USD, tương đương 0,5% GDP, và 316.000 việc làm trong các lĩnh vực kinh tế chủ chốt bị ảnh hưởng do nguy cơ lũ lụt ven sông và ven biển.

 Ngành nông nghiệp trị giá 1 tỷ USD GDP và 1,5 triệu nông dân bị ảnh hưởng trực tiếp do lũ. Hơn 1,1 triệu tấn thủy sản có nguy cơ bị ảnh hưởng do lũ hàng năm, tương đương với 935 triệu USD kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó, ngành du lịch biển đóng góp 70% GDP du lịch quốc gia, nhưng khu vực ven biển thường phải đối mặt với lũ lụt, nước dâng do bão và sạt lở.

 Ngoài ra, ngập lụt nghiêm trọng cũng ảnh hưởng trực tiếp tới 26% số bệnh viện công và trạm xá cùng 11% các trường học trong khu vực. Hơn 1/3 lưới điện của Việt Nam, được đặt tại các khu vực trong rừng, đứng trước nguy cơ bị hư hỏng khi cây đổ do bão. 

Tuy nhiên, tổn thất tài sản không phải là toàn bộ bức tranh. Khi tài sản bị hư hại, người dân mất đi nguồn thu nhập và ảnh hưởng đến đời sống của họ. Tác động này đặc biệt nghiêm trọng đối với các hộ gia đình có thu nhập thấp, những người sống ở khu vực rủi ro cao, trong những căn nhà không kiên cố và không tiếp cận được hỗ trợ để phục hồi sau thiên tai.

 Theo báo cáo, dù chương trình quản lý rủi ro của Việt Nam đạt được nhiều tiến bộ trong thập kỷ qua nhưng vẫn phải đối mặt với những thách thức đáng kể. Những tồn tại chính gồm: thông tin về rủi ro rời rạc và thiếu, các quy định liên quan như quy hoạch không gian, quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn an toàn và bảo trì hệ thống cơ sở hạ tầng được thực thi kém hiệu quả.

 Do đó, World Bank cho rằng cần hành động ngay vì nếu trì hoãn hành động thêm 10 năm thì tăng trưởng nền kinh tế bị mất đi 4,3 tỷ USD và gần 1,2 triệu người sẽ bị nghèo đói vào năm 2030 do biến đổi khí hậu. (Vtv.vn 25/10)Về đầu trang

Tập đoàn, tổng công ty nhà nước nợ nước ngoài 341.591 tỷ đồng

Chính phủ đã có báo cáo về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp gửi lên Quốc hội.

 Theo báo cáo hợp nhất của các tập đoàn năm 2019, tổng công ty tổng doanh thu đạt 1.519.646 tỷ đồng, tăng 7% so với thực hiện năm 2018. Báo cáo của công ty mẹ, tổng doanh thu đạt 960.434 tỷ đồng, tăng 13% so với thực hiện năm 2018.

 Lãi phát sinh trước thuế đạt 147.519 tỷ đồng, giảm 3% so với thực hiện năm 2018. Các tập đoàn, tổng công ty có lãi phát sinh trước thuế đạt cao trên 5.000 tỷ đồng vẫn chủ yếu ở những doanh nghiệp có quy mô lớn.

 Tuy vậy, tính đến cuối năm 2019, báo cáo của 12 tập đoàn, tổng công ty còn lỗ luỹ kế 7.448,749 tỷ đồng và 6 công ty mẹ còn lỗ lũy kế là 2.819,607 tỷ đồng .

 Số liệu báo cáo hợp nhất về tổng tài sản của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ - công ty con (76 doanh nghiệp) là 2.738.532 tỷ đồng, tăng 2% so với thực hiện năm 2018. Trong cơ cấu về tài sản, tỷ trọng tài sản cố định chiếm bình quân là 37%.

 Báo cáo hợp nhất của các tập đoàn, tổng công ty có tổng các khoản phải thu là 360.982 tỷ đồng, tăng 11% so với thực hiện năm 2018. Trong đó, nợ phải thu khó đòi là 18.251 tỷ đồng, tăng 25% so với thực hiện năm 2018, chiếm 5% tổng số nợ phải thu.

 Hệ số vòng quay các khoản phải thu của công ty mẹ năm 2019 là 2,37 lần. Điều này cho thấy, hầu hết các Công ty mẹ có tốc độ thu hồi công nợ của khách hàng đủ để đảm bảo dòng tiền luân chuyển trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

 Các tập đoàn, tổng công ty đã thực hiện trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi theo số liệu báo cáo hợp nhất là 18.018 tỷ đồng. (Cafef.vn 25/10)Về đầu trang

PHÂN TÍCH - BÌNH LUẬN

Vẫn còn xin - cho

Quy định hồ sơ thủ tục chưa bảo đảm minh bạch, một số quy định có khả năng nảy sinh những giấy phép con, mang nặng tính xin - cho là những góp ý của cộng đồng doanh nghiệp xung quanh dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá (dự thảo).

 Khoản 3, 4 Điều 8 dự thảo nghị định quy định doanh nghiệp phải cung cấp các tài liệu chứng minh đáp ứng được điều kiện kinh doanh, chẳng hạn trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện đầu tư trồng cây thuốc lá phải có “tài liệu chứng minh doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vùng trồng; tài liệu chứng minh có quy mô đầu tư trồng cây thuốc lá ít nhất 100ha/vụ mỗi năm, trong đó có 1 vùng trồng với diện tích trồng tối thiểu 40ha”.

 Bình luận về đề xuất này, đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng, không rõ tài liệu nào sẽ chứng minh được các điều kiện kinh doanh tương ứng với từng loại giấy phép quy định tại dự thảo nghị định? Việc không quy định cụ thể các loại tài liệu này sẽ tạo ra nhiều cách hiểu khác nhau giữa các đối tượng áp dụng và có nguy cơ sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính.

 Quá trình rà soát, góp ý dự thảo còn cho thấy, không khó để có thể liệt kê các quy định có tính chất là “giấy phép con” - yêu cầu doanh nghiệp phải xin phép/xác nhận từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới được cấp giấy phép kinh doanh - tại dự thảo.

 Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, việc phân biệt điều kiện cấp giấy phép kinh doanh dựa trên nguồn vốn của doanh nghiệp là chưa hợp lý, tạo ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong cùng điều kiện.

 Liên quan đến vấn đề này, phản ánh của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho thấy, “do điều kiện đất đai, thổ nhưỡng của Việt Nam, nguyên liệu nội địa chưa thể đáp ứng yêu cầu phối chế các nhãn thuốc lá, đặc biệt là các nhãn trung và cao cấp; nếu buộc các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá trong nước phải sử dụng phần lớn nguyên liệu lá trồng trong nước sẽ làm cho người tiêu dùng từ bỏ các sản phẩm thuốc lá hợp pháp sản xuất trong nước… và tìm kiếm thay thế bằng các sản phẩm nhập lậu”.

 Có thể hiểu, quy định điều kiện về sử dụng và đầu tư nguyên liệu được trồng trong nước là nhằm tăng tỷ lệ vùng trồng, bảo vệ quyền lợi của người lao động. Tuy nhiên, theo góp ý của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thì Nhà nước nên áp dụng biện pháp quản lý hướng đến nâng cao chất lượng nguyên liệu trong nước thay vì áp đặt tỷ lệ cứng về việc sử dụng nguyên liệu được trồng trong nước. (Daibieunhandan.vn 25/10, Phạm Hải)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Nhiều điểm mới trong dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng XIII

Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng XIII có nhiều điểm mới trong hệ quan điểm chỉ đạo, định hướng phát triển đất nước cũng như các nhiệm vụ trọng tâm.

 Dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã được công bố, gửi xin ý kiến các đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân.

 Ngày 20/10, toàn văn các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng XIII đã được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ngay sau đó, nhiều cuộc hội thảo của các chuyên gia, nhà khoa học đã được tổ chức để phân tích những điểm mới trong các dự thảo văn kiện.

 Trong nội dung xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo cầm quyền của Đảng, phần nói về tăng cường mối quan hệ với nhân dân, dựa vào dân dể xây dựng Đảng đã bổ sung thành tố "dân giám sát, dân thụ hưởng" vào phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra".

 Trong dự thảo văn kiện, 3 đột phá chiến lược có những thành tố mới, thậm chí là rất mới. Đột phá về thể chế đã xác định rõ việc phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Đột phá về nhân lực đã chú ý đến việc phát huy giá trị văn hóa con người Việt Nam. Trong khi đó, đột phá về hạ tầng đã xác định rõ việc trú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số. 

Có thể nói, dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng có nhiều điểm mới, mới không chỉ ở câu chữ mà còn ở tầm bao quát, tiếp cận. Việc thảo luận, lấy ý kiến nhân dân, đặc biệt về những điểm mới trong dự thảo các văn kiện có vai trò quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng dự thảo văn kiện, đồng thời thực hiện phương châm hướng đến "Ý Đảng, lòng dân là một". (Vtv.vn 25/10)Về đầu trang

Thủ tướng quyết định tạm cấp 500 tỉ đồng hỗ trợ khẩn cấp các tỉnh miền Trung

Sáng 24/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm đồng bào bị ảnh hưởng bởi mưa lũ ở huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình và làm việc với lãnh đạo của 5 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam về công tác khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất và tái thiết các khu vực bị mưa lũ tàn phá nghiêm trọng.

 Tại cuộc làm việc với lãnh đạo 5 tỉnh miền Trung, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng biểu dương nhiều đơn vị và cá nhân trong cả nước với tinh thần tương thân tương ái đã hỗ trợ cả trực tiếp và gián tiếp cho đồng bào bị mưa lũ. Đến nay, Hội chữ thập Đỏ Việt Nam đã đã huy động được trên 40 tỉ đồng quyên góp của các nhà hảo tâm và đã chuyển tới đồng bào khoảng 8 tỉ đồng.

 Theo báo cáo của Quân Khu 4, sau khi tìm được thi thể thứ 4 trong 17 người bị nạn trong vụ sạt lở ở Thủy Điện Rào Trăng 3, khoảng 8h ngày 24/10, đường 71 lên thủy điện này đã được thông tuyến, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các lực lượng tìm kiếm cứu nạn.

 Tính đến thời điểm này, mưa lũ tại khu vực miền Trung đã làm 119 người thiệt mạng và 19 người mất tích. Hơn 800 ngôi nhà bị hư hỏng. Hiện vẫn còn 600 ngôi nhà bị ngập trong nước lũ. Gần 4.000 ha hoa màu bị ngập, hơn 6.000 con gia súc bị nước lũ cuốn trôi.

Theo TTXVN, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tạm cấp 500 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2020 bổ sung kinh phí cho 5 tỉnh miền Trung để thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, chính sách an sinh xã hội và khắc phục hậu quả thiên tai theo chế độ, chính sách của Nhà nước.

 Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Hà Tĩnh căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, có trách nhiệm sử dụng nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ, chủ động sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn tài chính hợp pháp khác để kịp thời thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, chính sách an sinh xã hội và khắc phục hậu quả thiên tai theo chế độ, chính sách của Nhà nước, bảo đảm đúng đối tượng, chế độ quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các văn bản pháp luật có liên quan.

 Kết thúc đợt thiên tai do mưa lũ, UBND các tỉnh kiểm tra, tổng hợp số liệu thiệt hại do thiên tai; kết quả chi thực hiện công tác khắc phục hậu quả thiên tai theo chế độ quy định; báo cáo nhu cầu kinh phí để thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, chính sách an sinh xã hội và khắc phục hậu quả thiên tai gửi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai.

 Báo cáo sau sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định mức hỗ trợ chính thức từ ngân sách Trung ương cho ngân sách từng địa phương theo quy định về cơ chế, quy trình hỗ trợ kinh phí cho các địa phương để khắc phục hậu quả thiên tai. (Vtv.vn 24/10)Về đầu trang

Bỏ Hội đồng nhân dân cấp quận, phường tại TP.HCM là thời điểm chín muồi?

Chính phủ vừa thông qua dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM, trình Quốc hội cho ý kiến. Theo đó, TP.HCM sẽ chỉ còn tổ chức Hội đồng nhân dân cấp thành phố, cấp huyện và xã; không tổ chức Hội đồng nhân dân ở cấp quận, phường. Mục tiêu là để phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh và vai trò của TP.HCM - thành phố đầu tàu kinh tế với hơn 9 triệu dân, đóng góp gần 1/4 GDP của cả nước.

 Nếu được áp dụng trong thực tiễn, đây được kỳ vọng là bước đi đột phá trong đổi mới mô hình tổ chức chính quyền địa phương.

 Tại Việt Nam hiện có 2 thành phố được thực hiện tổ chức chính quyền đô thị kể từ ngày 1/7/2020 là Hà Nội và Đà Nẵng. Trước đó, từ năm 2009 đến năm 2016, việc thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân đã được triển khai ở 10 tỉnh, thành trên cả nước, gồm: TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Nam Định, Quảng Trị, Phú Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang.

 Theo ghi nhận của phóng viên VTV tại phường Tân Định, Quận 1, TP.HCM, bộ phận tiếp dân của HĐND phường được nhập thành một với bộ phận tiếp dân của UBND của phường. Các cán bộ của Ủy ban kiêm nhiệm một số nhiệm vụ, công việc của HĐND trong việc tiếp nhận, giải quyết các ý kiến của người dân. Điều này giúp bộ máy làm việc của phường được tinh gọn hơn. Hiệu quả và trách nhiệm làm việc của cán bộ cũng được nâng cao hơn.

 Việc không tổ chức HĐND cũng giúp cho việc tự chủ của UBND được thực hiện tốt hơn. Nhờ sự chủ động, các vấn đề kinh tế - xã hội của phường Tân Định được giải quyết nhanh chóng, hiệu quả, đặc biệt là về vấn đề thu ngân sách nhà nước. Trong giai đoạn phường Tân Định thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND, thu ngân sách của phường tăng gấp đôi, đạt hơn 28 tỉ đồng trong năm 2017.

 Từ năm 2009 đến 2016, TP.HCM đã thí điểm không tổ chức HĐND ở cả 24 quận/huyện, 259 phường. Qua đó, việc thực hiện quyền dân chủ của nhân dân trên địa bàn vẫn đảm bảo. Một số mặt thực hiện dân chủ ở cơ sở được tăng cường. Đây là một trong những cơ sở thực tiễn cho thấy hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền không phụ thuộc vào việc tổ chức HĐND trải đều trên tất cả cấp hành chính.

 Việc xây dựng chính quyền đô thị không chỉ là công việc có tính vĩ mô mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình phát triển kinh tế, xã hội của một địa phương, tác động sát sườn tới đời sống dân sinh, những công việc phục vụ nhân dân của bộ máy công quyền. Chính quyền đô thị là chính quyền tinh gọn, minh bạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; được tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phân cấp, ủy quyền trên nhiều lĩnh vực nhằm phát huy mọi năng lực, tiềm năng của đô thị để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.

 Nếu đề xuất này của TP.HCM được thông qua, những biện pháp tới đây cần phải được triển khai quyết liệt để việc phân cấp quản lý ở thành phố lớn nhất cả nước được thực sự hiệu quả, đảm bảo phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tính minh bạch trong quản lý của chính quyền thành phố; huy động mọi nguồn lực cho sự phát triển bền vững; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. (Vtv.vn 24/10)Về đầu trang

Đắk Lắk tinh giảm nhân sự các cơ quan chuyên môn từ tỉnh đến huyện

UBND tỉnh Đắk Lắk vừa yêu cầu các sở, ban ngành, trực thuộc và UBND các huyện, thị xã thành phố rà soát chức năng, nhiệm vụ; số biên chế công chức được giao năm 2020 để xây dựng đề án sắp xếp, cơ cấu tổ chức bên trong của cơ quan, đơn vị theo đúng quy định.

 Theo đó, thực hiện Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14.9.2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 4.4.2014 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Nghị định số 108/2020/NĐ-CP ngày 14.9.2020 của Chính phủ; xử lý Tờ trình số 775/TTr-SNV ngày 02.10.2020 của Sở Nội vụ tỉnh.

 UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu các cơ quan, đơn vị rà soát chức năng, nhiệm vụ; số biên chế công chức được giao năm 2020 để xây dựng đề án sắp xếp, cơ cấu tổ chức bên trong của cơ quan, đơn vị theo đúng tiêu chí quy định tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP.

 Quy trình, hồ sơ đề nghị sắp xếp, tổ chức lại cơ cấu tổ chức thực hiện theo quy định tại Nghị định số 158/2018/NĐ-CP ngày 22.11.2018 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính.

 Riêng các Hồ sơ về Đề án sắp xếp, tổ chức lại cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị gửi về Sở Nội vụ để thẩm định trước ngày 20.11.2020. (Laodong.vn 25/10, Bảo Trung)Về đầu trang

Trà Vinh: Sẽ rút kinh nghiệm trong triển khai chương trình “trợ giá sữa”

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Trà Vinh cho biết: “Chương trình trợ giá sữa có thể do cách làm chưa phù hợp đã gây hiểu lầm cho các hội viên, và nói "sẽ rút kinh nghiệm lại để cách làm phù hợp hơn”…

 Sau khi Báo Lao Động có bài phản ánh về việc Hội Liên hiệp Phụ nữ Trà Vinh chỉ đạo cấp dưới vận động các hội viên mua thực phẩm Ong chúa và Nhung Hươu, bà Trần Thị Bích Phượng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Trà Vinh đã có buổi trả lời phóng viên về vụ này.

 Bà Phượng cho biết: Năm nay là năm chẵn kỷ niệm 90 năm thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Đây là cột mốc lớn, nên lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Trà Vinh mong muốn làm một việc gì đó, để "mang đến niềm vui và lợi ích cho chị em phụ nữ". Bà Phượng cho hay, do ngân sách hạn hẹp, nên các hoạt động được tính đến đều mang tính xã hội hóa, vận động.

 Theo bà Phượng, qua tìm hiểu biết được chương trình trợ giá thực phẩm dành cho chế độ ăn đặc biệt Ong Chúa và Nhung Hươu đang diễn ra tại một số tỉnh, thành lân cận. Sau đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Trà Vinh có thư ngỏ xin tài trợ 10.000 hộp thực phẩm để chương trình được triển khai tại địa phương, dưới hình thức trợ giá.

 Mỗi sản phẩm trọng lượng tịnh 900gr, giá niêm yết thị trường là 950.000 đồng, được trợ giá còn 190.000 đồng. Bà Phượng cho rằng "đây không phải mua bán, mà là trợ giá. Số tiền 190.000 đồng không phải tiền bán sản phẩm, mà bao gồm 10% thuế giá trị gia tăng (VAT), và 10% chi phí vận chuyển, bảo quản". Sau đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh có văn bản gửi Hội Phụ nữ các huyện, thị, thành phố để khảo sát số lượng nhu cầu của hội viên gửi về tỉnh tiến hành phân phối.

 Cũng theo bà Phượng, chương trình có tên gọi “10.000 hộp sữa vì người phụ nữ tôi yêu”, chỉ trợ giá 1 lần duy nhất vào dịp 20.10, số lượng có hạn nên mỗi cán bộ hội viên đăng ký không quá 5 hộp.

 “Có thể trong quá trình triển khai, mọi người chưa hiểu hết ý nghĩa của chương trình, lại thấy có liên quan đến tiền, nên gây ra sự hiểu lầm là bán sản phẩm. Nếu cách làm chưa phù hợp, chúng tôi xin rút kinh nghiệm lại”, bà Phượng nói. (Laodong.vn 24/10, Trần Lưu)Về đầu trang

Gói cho vay trả lương lao động ngừng việc sẽ thực hiện đến hết 31/1/2021

Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội vừa ban hành văn bản hướng dẫn nghiệp vụ cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc đối với người lao động. Theo đó, việc giải ngân của Ngân hàng Chính sách Xã hội được thực hiện đến hết ngày 31/1/2021. 

Cụ thể, người sử dụng lao động được xét duyệt cho vay khi đáp ứng đủ các điều kiện: có người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên trong khoảng thời gian từ ngày 01/4/2020 đến hết ngày 31/12/2020; có doanh thu quý I/2020 giảm 20% trở lên so với quý IV/2019 hoặc doanh thu quý liền kề trước thời điểm xét hưởng giảm 20% trở lên so với cùng kỳ năm 2019; không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm ngày 31/12/ 2019.

 Vốn vay được sử dụng để trả lương ngừng việc cho người lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Mức cho vay tối đa 1 tháng của 1 khách hàng bằng 50% mức lương tối thiểu vùng (x) số người lao động bị ngừng việc và mỗi khách hàng được vay vốn không quá 3 tháng trong khoảng thời gian từ ngày 1/4/2020 đến hết ngày 31/12/2020.

 Lãi suất cho vay là 0%/năm. Lãi suất nợ quá hạn là 12%/năm. Thời hạn cho vay do Ngân hàng Chính sách Xã hội nơi cho vay và khách hàng thỏa thuận nhưng không quá 12 tháng, kể từ ngày giải ngân món vay đầu tiên. Khách hàng không phải thực hiện bảo đảm tiền vay.

 Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay trực tiếp đến khách hàng. Căn cứ Hợp đồng tín dụng/Phụ lục hợp đồng tín dụng đã ký, Ngân hàng Chính sách Xã hội nơi cho vay giải ngân cho khách hàng bằng hình thức chuyển khoản vào tài khoản của khách hàng. Trường hợp khách hàng đề nghị vay vốn để trả lương ngừng việc cho các tháng trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 10 năm 2020 trong cùng một lần, Ngân hàng Chính sách Xã hội nơi cho vay căn cứ hồ sơ vay vốn của khách hàng để phê duyệt, ký Hợp đồng tín dụng và thực hiện giải ngân 1 lần. (Vtv.vn 25/10)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Giám sát an toàn nợ công như thế nào?

Ngân sách nhà nước năm nay ước hụt thu 189,2 nghìn tỷ đồng, tức là giảm 12,5%, so với dự toán. Con số này Bộ trưởng Tài chính báo cáo với Quốc hội hôm khai mạc Kỳ họp thứ Mười và nó hẳn không làm các đại biểu Quốc hội cũng như những người quan tâm tới kinh vĩ mô ngạc nhiên.

 Dưới tác động của đại dịch Covid-19, các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và dầu thô chắc chắn không thể đạt dự toán đã được Quốc hội quyết định. Đáng chú ý, thu ngân sách từ tiền bán cổ phần nhà nước, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng không được mấy vì tiến độ rất chậm. Kết quả cổ phần hóa đến nay mới chỉ đạt 28% của cả giai đoạn 2017 - 2020.

 Thu ngân sách không đạt dự toán là phù hợp với chu kỳ kinh tế, đồng thời là một cơ chế chính sách tự động thuận chu kỳ ở chỗ không đặt thêm gánh nặng lên nền kinh tế đang khó khăn, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân ứng phó với đại dịch. Trong bối cảnh như vậy, cho dù tổng chi ngân sách năm nay dự kiến giảm 60,89 nghìn tỷ đồng (3,5%) so với dự toán và đạt 1.686,2 nghìn tỷ đồng thì bội chi ngân sách cả năm ước vẫn tăng 1,55% so với dự toán, chiếm 4,99% GDP.

 Chưa dừng lại ở đó, nhiều khả năng bội chi ngân sách còn tăng thêm 38,5 nghìn tỷ đồng do không thu được tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Nếu đúng như vậy, bội chi năm nay sẽ vượt dự toán khá cao (khoảng 357,96 nghìn tỷ đồng) và bằng 5,59% GDP, trong khi “trần” Quốc hội đặt ra là 3,44 GDP%.

 Diễn biến ngân sách nhắc tới ở trên tuy hợp lý khi đặt trong bối cảnh cụ thể của năm nay nhưng đồng thời là chỉ dấu cảnh báo rằng nợ công đang tiềm ẩn rủi ro. Mặc dù các chỉ tiêu về nợ công ước tính đến cuối năm vẫn nằm trong giới hạn an toàn, tuy nhiên nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ có thể chạm ngưỡng 25% tổng thu ngân sách nhà nước. Ủy ban Tài chính - Ngân sách cảnh báo Chính phủ hết sức lưu ý điều này bởi đây là dấu hiệu nguy hiểm, gây rủi ro và giảm an toàn tài chính quốc gia. 

 Một điểm quan trọng nữa là Việt Nam sẽ chính thức sử dụng cách tính GDP mới từ năm tới. Khi đó, tỷ lệ nợ công/GDP sẽ giảm sâu, cách xa trần Quốc hội cho phép. Không loại trừ khả năng tỷ lệ nợ công/GDP thấp sẽ tạo ra cảm giác tình trạng tài khóa đã được cải thiện, từ đó “kích thích” vay mượn, “kích thích” chi tiêu thiếu hiệu quả, đồng thời bỏ qua những cải cách cấp bách cần thực hiện trong lĩnh vực được coi nguồn gốc của mọi bất ổn vĩ mô này.

 Trong bối cảnh như vậy, việc tìm kiếm công cụ hữu hiệu hơn để giám sát mức độ an toàn của nợ công càng cấp thiết hơn bao giờ hết. Theo đó, Quốc hội cần xem xét, tính tới sử dụng một công cụ khác để giám sát tính an toàn của nợ công trong giai đoạn tới, đó là tỷ lệ nợ công/thu ngân sách. Nếu chỉ dựa duy nhất vào GDP để giám sát, rất có thể tỷ lệ nợ công/GDP tiếp tục giảm nhưng tỷ lệ nợ công/thu ngân sách và nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ/thu ngân sách sẽ tiếp tục tăng, gây rủi ro cho an toàn tài chính quốc gia như Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã cảnh báo. (Daibieunhandan.vn 24/10, Hà Lan)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Nhật Bản dự báo số trẻ sơ sinh năm 2020 thấp kỷ lục

Số trẻ sơ sinh chào đời trong năm 2020 tại Nhật Bản có thể thấp kỷ lục do nhiều người trong độ tuổi kết hôn lựa chọn sống độc thân hoặc kết hôn muộn.

 Theo xu hướng này, nhiều khả năng số trẻ sơ sinh tại Nhật sẽ giảm xuống mức thấp kỷ lục trong năm thứ 5 liên tiếp, xuống còn khoảng 845 nghìn trẻ.

 Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, số lượng trẻ sơ sinh chào đời trong 8 tháng đầu năm của nước này là 580.000 trẻ, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng trẻ sơ sinh giảm xuống dưới mức 1 triệu trẻ ghi nhận lần đầu tiên vào năm 2016.

 Tỷ lệ sinh và quy mô dân số tiếp tục giảm sẽ gây khó khăn hơn nữa cho nỗ lực của chính phủ Nhật Bản trong việc duy trì quỹ hưu trí quốc gia, đảm bảo hệ thống y tế và chăm sóc người cao tuổi trong những năm tới. (Vtv.vn 25/10)Về đầu trang./.

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Các tin khác