Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 19-10-2020

15:24, Thứ Ba, 20-10-2020

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 Tải file tại đây

CHÍNH SÁCH MỚI 1

1.                Nghỉ 5 ngày liên tục không phép sẽ bị đuổi việc. 1

2.                Mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức năm 2021. 2

CHỈ THỊ MỚI 2

3.                Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 12-16/10. 2

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY.. 4

4.                Cà phê kết nối doanh nghiệp ở Đất mũi Cà Mau. 4

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 5

5.                The ASEAN Post: 3 cơ sở giúp Việt Nam trở thành "đầu tàu" của ASEAN.. 5

6.                Tập trung thanh kiểm tra ngành nghề rủi ro lớn về thuế. 5

7.                Tỷ lệ tăng lương của doanh nghiệp Việt thấp nhất sau một thập kỷ. 6

QUẢN LÝ.. 6

8.                Ông Nguyễn Văn Nên được bầu làm Bí thư Thành ủy TP.HCM với số phiếu 100%.. 6

9.                Bí thư Đắk Lắk: “Cần thay đổi để lấy sự hài lòng của người dân”. 7

10.             Thủ tướng “bắt bệnh” quan liêu, gợi hướng để Nghệ An phát triển. 8

11.             Đề xuất mới về ưu đãi thuế cho công nghiệp hỗ trợ. 8

12.             Nhiều thủy điện nhỏ ở miền Trung không có khả năng phòng lũ. 9

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 10

13.             Người dân hài lòng hơn về ngành thuế?. 10

14.             Tổng cục Hải quan khảo sát DN về hệ thống quản lý, giám sát hải quan tự động. 10

15.             Sở TN&MT Hà Tĩnh tiếp nhận hơn 1.000 hồ sơ qua Trung tâm hành chính công. 11

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 11

16.             Nguồn thu từ sử dụng đất đạt 93,7 nghìn tỷ đồng. 11

17.             TPHCM đề xuất nâng tỷ lệ ngân sách được giữ lại năm 2021 lên 23%.. 12

THẾ GIỚI 13

18.             Cựu thủ tướng Anh bị cáo buộc vi phạm quy định cách ly. 13

 CHÍNH SÁCH MỚI

Nghỉ 5 ngày liên tục không phép sẽ bị đuổi việc

Từ ngày 1-1-2021, Bộ Luật Lao động năm 2019 sẽ có hiệu lực, trong đó có quy định việc người lao động bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

 Theo quy định tại Điều 36 Bộ Luật Lao động năm 2019, người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 5 ngày làm việc liên tục trở lên hoặc không có mặt tại nơi làm việc trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động sẽ bị người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước.

 Việc báo trước khi người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động chỉ được nêu ra trong các trường hợp nêu tại khoản 2, Điều 36 Bộ luật này như: Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động; đủ tuổi nghỉ hưu (không có thỏa thuận khác); không cung cấp thông tin trung thực khi ký hợp đồng lao động...

 Trong đó, thời gian báo trước tại Bộ Luật Lao động 2019 cũng có nhiều quy định tương tự như Điều 38 Bộ Luật Lao động  năm 2012 như: Ít nhất 45 ngày với hợp đồng lao động không xác định thời hạn (như quy định tại Bộ Luật Lao động 2012); Ít nhất 30 ngày với hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 12 - 36 tháng (Bộ Luật Lao động 2012 không quy định cụ thể thời hạn); Ít nhất 3 ngày với hợp đồng lao động có thời hạn dưới 12 tháng… (Bộ Luật Lao động 2012 đang quy định báo trước ít nhất 3 ngày với hợp đồng mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng...).

 Ngoài ra, Bộ Luật Lao động 2019 cũng bổ sung thêm trường hợp người sử dụng lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi người lao động ký hợp đồng lao động mà cung cấp không trung thực về họ, tên, giới tính, trình độ học vấn… ảnh hưởng đến việc tuyển dụng... (Nld.com.vn 17/10, H.Lê)Về đầu trang

Mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức năm 2021

Vài năm gần đây, mức lương cơ sở liên tục tăng vào ngày 1-7. Kéo theo đó, lương, phụ cấp cán bộ, công chức, viên chức cũng được điều chỉnh tăng theo, cụ thể:

 Từ ngày 1-7-2018: Mức lương cơ sở tăng lên 1,39 triệu đồng/tháng (theo Nghị định số 72/2018/NĐ-CP); Từ ngày 1-7-2019: Mức lương cơ sở tăng lên 1,49 triệu đồng/tháng (theo Nghị quyết 70/2018/QH14 ).

 Thậm chí, từ ngày 1-7-2020, tại Nghị quyết số 86/2019/QH14, Quốc hội cũng đã dự kiến tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc tăng lương cơ sở và cải cách tiền lương cũng bị hoãn.

 Đồng thời, tại Nghị quyết 122, Quốc hội cũng khẳng định: Căn cứ tình hình thực tế, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thời điểm điều chỉnh mức lương cơ sở.

 Do đó, nếu tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, đồng thời không có thông báo mới thì rất có thể, lương cơ sở năm 2021 vẫn là 1,49 triệu đồng/tháng như hiện nay. Khi đó, lương, phụ cấp theo lương của cán bộ, công chức, viên chức cũng được giữ nguyên. (Nld.com.vn 17/10, H.Lê) Về đầu trang

CHỈ THỊ MỚI

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 12-16/10

Tuần qua (từ 12-16/10/2020), Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều công điện, văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan tập trung triển khai công tác ứng phó với bão, mưa lũ; khắc phục sạt lở và tìm kiếm, cứu nạn đối với những người mất tích tại khu vực Trạm kiểm lâm số 7 và thủy điện Rào Trăng 3. Bên cạnh đó, còn có một số chỉ đạo, điều hành khác như:

 Cho phép đặt hàng cung cấp dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2: Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 1587/QĐ-TTg cho phép đặt hàng cung cấp dịch vụ xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 đối với các mẫu xét nghiệm do ngân sách nhà nước chi trả. Cơ sở y tế công lập được giao nhiệm vụ lấy mẫu, thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 được đặt hàng tại các cơ sở y tế công lập khác, cơ sở y tế tư nhân có đủ khả năng thực hiện xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR do Bộ Y tế công nhận hoặc thông báo.

 Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, thích ứng với già hóa dân số: Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 với mục tiêu chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi (người từ đủ 60 tuổi trở lên) bảo đảm thích ứng với già hóa dân số, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030. Chương trình đặt mục tiêu 100% cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp ban hành nghị quyết, kế hoạch, đầu tư ngân sách cho chăm sóc sức khỏe người cao tuổi vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030; người cao tuổi hoặc người thân trực tiếp chăm sóc người cao tuổi biết thông tin về già hóa dân số… 

Tăng cường chống buôn lậu, gian lận trong thương mại điện tử: Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) xây dựng kế hoạch tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử. Mục tiêu của Kế hoạch nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng trong công tác quản lý, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử; từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động thương mại điện tử.

 Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông: Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch nhằm góp phần giữ vững chủ quyền quốc gia đồng thời bảo đảm khả năng thông suốt về hạ tầng thông tin và truyền thông trong hội nhập quốc tế; nâng cao năng lực cạnh tranh lãnh thổ của quốc gia...

 Liên thông thủ tục đăng ký thành lập DN, cấp mã số BHXH, đăng ký hóa đơn: Chính phủ ban hành Nghị định số 122/2020/NĐ-CP quy định về phối hợp, liên thông thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, đăng ký sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp. Nghị định quy định cơ quan đăng ký kinh doanh là cơ quan đầu mối tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, đăng ký sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp. 

Nhiều huyện thị về đích xây dựng nông thôn mới: Tuần qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định công nhận các huyện Tiên Lữ, Kim Động, Yên Mỹ, Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên), huyện Ninh Phước (tỉnh Ninh Thuận) đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019; công nhận thị xã Sơn Tây (thành phố Hà Nội), thành phố Đồng Xoài và thị xã Phước Long (tỉnh Bình Phước) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019.

 Kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về sách giáo khoa: Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về sách giáo khoa. Kết luận nêu rõ: Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên sử dụng sách giáo khoa lớp 1 mới. Vừa qua, có nhiều ý kiến cho rằng sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 trong bộ sách Cánh Diều (là 1 trong 5 bộ sách được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt) có nhiều điểm không phù hợp. Các ý kiến này chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo phản hồi kịp thời.

 Cảnh giác, tuyệt đối không lơ là chủ quan phòng, chống dịch COVID-19: Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về tăng cường phòng, chống dịch COVID-19.  Công văn nêu rõ, dịch bệnh COVID-19 trên thế giới vẫn chưa giảm, nguy cơ tăng mạnh trở lại vào mùa đông ở những nơi lới lỏng các biện pháp chống dịch. Trong nước, dù đã kiểm soát tốt dịch bệnh nhưng nếu lơ là, chủ quan, không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch thì dịch có thể xuất hiện trở lại, lây lan gây thiệt hại tính mạng, sức khỏe của nhân dân và kinh tế xã hội của đất nước.  (Baochinhphu.vn 17/10, Vũ Phương Nhi)Về đầu trang

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY

Cà phê kết nối doanh nghiệp ở Đất mũi Cà Mau

Sáng 17/10, Hiệp hội doanh nghiệp Cà Mau (CMBA) và Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp (iPEC) Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau ra mắt “Cà phê kết nối doanh nghiệp tỉnh Cà Mau” với chủ đề “Chuyển đổi số và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp”.

 GS- TS Lê Quân, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo cơ quan, gần 100 doanh nhân đến tham gia. GS- TS Lê Quân là người khởi sướng và ngay lập tức trở thành diễn giả buổi đầu tiên "Cà phê kết nối doanh nghiệp" tại Đất mũi Cà Mau.

 Dẫn lời Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì cùng đi”, GS- TS Lê Quân đặt vấn đề: “Cà Mau là “vựa tôm” của cả nước và hội tụ doanh nghiệp tầm cỡ quốc tế ngành thuỷ sản. Vì thế, chủ trương nhất quán của tỉnh là tiếp tục đồng hành hỗ trợ chuyển đổi số, quy hoạch vùng nuôi tôm công nghệ cao, nâng cao năng suất, chất lượng con tôm Cà Mau đủ sức cạnh tranh trên thương trường”. 

Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, cập nhật xu hướng, xu thế mới, áp dụng công nghệ quản trị khách hàng.

 Bên cạnh việc chú trọng chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp cũng nên chú ý liên kết hợp tác kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp lớn cần đóng vai trò đầu tàu trong việc dẫn dắt, tạo nền tảng để các doanh nghiệp nhỏ hơn cùng nhau phát triển, mở rộng thị trường không biên giới, nâng cao doanh thu của doanh nghiệp.

 Cà phê kết nối doanh nghiệp là điểm gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhiều nội dung liên quan đến xu hướng chuyển đổi số hiện nay, thảo luận các giải pháp liên kết nuôi tôm giữa người dân và doanh nghiệp, nâng cao giá trị cạnh tranh của con tôm Cà Mau tại thị trường trong nước và quốc tế.

 Cà phê kết nối doanh nghiệp là cầu nối để lãnh đạo tỉnh lắng nghe, tháo gỡ những khó khăn kịp thời cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình sản xuất- kinh doanh nhằm kết nối doanh nghiệp địa phương với các nhà đầu tư, chuyên gia và doanh nghiệp ngoài tỉnh, trong nước và quốc tế để kết nối, xúc tiến đầu tư và phát triển chuỗi giá trị.

 Theo kết hoạch, “Cà phê kết nối doanh nghiệp” tổ chức định kỳ hàng tuần vào ngày thứ 7, tại The One Cafe & Tea (trong khuôn viên Khách sạn Mường Thanh- Cà Mau) và tổ chức các số chuyên đề 1 lần/quý do cơ quan quản lý tỉnh Cà Mau tổ chức. (Tienphong.vn 17/10, Nguyễn Tiến Hưng)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

The ASEAN Post: 3 cơ sở giúp Việt Nam trở thành "đầu tàu" của ASEAN

Việt Nam đã và đang đạt được những "bước tiến dài" với vai trò là một nhà lãnh đạo, đặc biệt với thành công trong công cuộc ứng phó với đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu và những chính sách nhằm ổn định chính trị. Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang đảm nhận tốt vai trò là nhà lãnh đạo mới của ASEAN.

 Ngay cả trong giai đoạn đầy tính bất định như hiện nay, nền kinh tế Việt Nam vẫn có khả năng phục hồi đáng kể. Bên cạnh đó, Việt Nam có khả năng thoát khỏi bẫy kinh tế của Covid-19 với 3 lý do:

 Thứ nhất, Chính phủ đã đưa ra các biện pháp giảm thuế, hoãn nộp thuế và tiền thuê đất đối với các doanh nghiệp. Thứ hai, luật Đầu tư ở Việt Nam đã được sửa đổi nhiều lần theo hướng có lợi cho các nhà đầu tư.

 Cụ thể, luật mới đã giảm bớt thủ tục hành chính cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư FDI vào Việt Nam. Kết quả, sau 4 tháng đầu năm 2020, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt 12,33 tỷ USD. Nhờ vào sự gia tăng nhanh chóng của dòng vốn đầu tư, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng phát triển kinh tế kỹ thuật số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.

 Cuối cùng, hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu chính thức đi vào thực thi sẽ đem lại nhiều cơ hội cho Việt Nam. Đáng chú ý, tăng trưởng quý 3 của Việt Nam đạt 2,62%. dự kiến tăng trưởng cả năm sẽ đạt 2,9%. 

Việt Nam được nhận định là một trong những quốc gia có nền chính trị ổn định nhất khu vực Đông Nam Á. Thời gian vừa qua, các quốc gia thành viên ASEAN như Thái Lan, Malaysia, Philippines đều đang phải đối mặt với những bất ổn chính trị cũng như hậu quả nặng nề từ đại dịch Covid-19. Tất cả những yếu tố này đã khiến cho Việt Nam là quốc gia phù hợp nhất với vị trí "đầu tàu" của ASEAN. (Cafef.vn 17/10, Q.L)Về đầu trang

Tập trung thanh kiểm tra ngành nghề rủi ro lớn về thuế

Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian tới sẽ tập trung thanh kiểm tra các ngành nghề có dấu hiệu rủi ro lớn về thuế.

 Bộ Tài chính sẽ tập trung thanh, kiểm tra các ngành nghề có dấu hiệu rủi ro lớn về thuế như các hoạt động chuyển giá, chuyển nhượng đối với các tập đoàn có nhiều doanh nghiệp thành viên; các ngành nghề có dấu hiệu rủi ro lớn về thuế do hành vi chuyển giá của doanh nghiệp liên kết, các doanh nghiệp đã và đang thực hiện tái cơ cấu, có khả năng lợi dụng chuyển giá để tránh thuế.

 Ngoài ra, Bộ cũng sẽ kiểm tra các doanh nghiệp có giao dịch liên kết chiếm tỷ trọng lớn, các doanh nghiệp có giao dịch với các nước có thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp, hoặc không thu thuế. Các doanh nghiệp phát sinh các khoản vay nợ lớn với các bên liên kết ở nước ngoài... (Vtv.vn 18/10)Về đầu trang

Tỷ lệ tăng lương của doanh nghiệp Việt thấp nhất sau một thập kỷ

Ngày 14/10, Talentnet - Mercer vừa công bố kết quả khảo sát lương thưởng năm 2020, với sự tham gia của 605 doanh nghiệp từ 16 ngành nghề khác nhau.

 Theo đó, sự biến động liên tục của dịch bệnh đã khiến các doanh nghiệp trong khu vực có xu hướng “cầm chừng” trước những quyết sách lương - thưởng. Theo một khảo sát chuyên sâu của Mercer, 75% doanh nghiệp tạm ngưng tuyển dụng, 28% cắt giảm lương quản lý cấp cao, 27% trì hoãn việc tăng lương, 19% cắt giảm lương thưởng của nhân viên và 18% công ty tạm ngưng gia hạn đối với  hợp đồng lao động xác định thời hạn.

 Báo cáo của của Talentnet cũng cho biết tỷ lệ tăng lương của doanh nghiệp tại Việt Nam trong năm 2020 là thấp nhất trong hơn một thập kỷ qua, dù vẫn cao hơn mức lạm phát và tình hình tăng trưởng GDP cả nước.

 Cụ thể, tỷ lệ tăng ngân sách lương năm 2020 là 6,5% (nhóm DN nước ngoài) và 5,2% (nhóm DN Việt Nam), được dự đoán sẽ tăng lên 7,0% (nhóm DN nước ngoài) và 7,7% (nhóm DN Việt Nam) vào năm 2021.

 14% doanh nghiệp nước ngoài và 34% doanh nghiệp Việt Nam không thực hiện việc tăng lương cho nhân viên trong năm 2020 vì Covid 19. Năm 2021, gần 6% doanh nghiệp nước ngoài và 3% doanh nghiệp Việt Nam dự kiến tiếp tục không tăng lương cho nhân viên.

 Về thưởng, mặc cho những ảnh hưởng tiêu cực của covid-19, vẫn có 13% công ty áp dụng chính sách thưởng đặc biệt cho những nhân viên giữ vai trò trọng yếu đến tình hình kinh doanh của công ty.

 Tuy nhiên, chỉ có 3% doanh nghiệp có kế hoạch thưởng cao hơn năm 2019 trong khi 29% doanh nghiệp dự kiến mức thưởng thấp hơn. 43% doanh nghiệp tham gia khảo sát chưa quyết định mức thưởng, 25% còn lại không thay đổi mức thưởng. 

Ngoài ra, tỷ lệ nghỉ việc 6 tháng đầu năm 2020 có xu hướng giảm nhẹ so với năm ngoài do cơ hội nghề nghiệp không còn nhiều và nhân viên cũng e ngại nghỉ việc trong giai đoạn Covid-19. (Cafef.vn 17/10, T.D)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Ông Nguyễn Văn Nên được bầu làm Bí thư Thành ủy TP.HCM với số phiếu 100%

Theo thông tin từ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, vào chiều 17/10 đã diễn ra Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Hội nghị đã tiến hành các công việc theo chương trình. Hội nghị đã bầu 15 đồng chí tham gia Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM khóa XI.

 Ông Nguyễn Văn Nên được bầu làm Bí thư Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2020 - 2025 với số phiếu 100% (62/62 phiếu).

 Ông Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM khóa X; ông Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM khóa X, Chủ tịch UBND TP; bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy khóa X, Chủ tịch HĐND TP.HCM; ông Nguyễn Hồ Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy khóa X, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy được bầu làm Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM khóa XI.

 Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XI gồm 15 đồng chí do ông Dương Ngọc Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa X làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XI; 14 đại biểu được bầu làm Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Thành ủy. (Vtv.vn 17/10)Về đầu trang

Bí thư Đắk Lắk: “Cần thay đổi để lấy sự hài lòng của người dân”

Ông Bùi Văn Cường vừa được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk nhiệm kỳ 2020-2025. Sau khi được bầu giữ chức Bí thư, ông Cường đã có những chia sẻ liên quan đến hoạt động của Đảng bộ và tháo gỡ những “tắc nghẽn” để Đắk Lắk phát triển.

 Theo đó, tân Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk chia sẻ: Đắk Lắk có những thuận lợi là kế thừa những thành tựu của đại hội nhiệm kỳ trước, những tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy địa phương phát triển. Tuy nhiên, địa phương vẫn còn những thách thức về trình độ dân trí, trình độ nguồn nhân lực, hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin, cải cách hành chính. Do đó, Đắk Lắk cần tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn này để phát triển.

 Đắk Lắk cần thay đổi trong cải cách hành chính nhằm tạo môi trường thu hút đầu tư kinh doanh cũng như sự hài lòng của người dân. “Chúng ta cứ để tình trạng trì trệ như hiện nay thì rõ ràng việc thúc đẩy địa phương phát triển sẽ không có. Chính quyền do dân, vì dân, do đó chúng ta cần thay đổi ngay từ bây giờ để lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp”, ông Cường nói.

 Cũng theo ông Bùi Văn Cường: Đắk Lắk sẽ tiếp tục tập trung vào khâu tuyển chọn cán bộ trong nhiệm kỳ này. Trước hết, sau đại hội Đảng bộ, tỉnh sẽ có lớp tập huấn, bồi dưỡng theo chức danh cho tất cả các địa phương, sở ban ngành. Mục đích của tập huấn là khi được bố trí, phân công nhiệm vụ nào cán bộ sẽ biết cần làm gì và làm như thế nào.

 Hiện, những cán bộ mới thậm chí là cán bộ cũ không được đào tạo bài bản, không có tài liệu hướng dẫn cụ thế. Do đó, anh em khi nhận công tác thì nhìn người trước ngó người sau, xem người bên cạnh để làm chứ không có một tài liệu hướng dẫn nào cụ thể. Địa phương đang biên soạn tài liệu này.

 Ngoài ra, Đắk Lắk sẽ tập trung vào xây dựng một số đề án công tác cán bộ. Tập trung giải quyết căn cơ, bài bản hơn đối với đội ngũ cán bộ.

 Lâu nay, chúng ta ăn đong, cứ mỗi kỳ đại hội phải tính toán cơ cấu số lượng, đặc biệt một số cán bộ “chưa chín” cũng phải "ép chín" vì thiếu cán bộ cơ cấu. Do đó, chúng ta cần đào tạo cán bộ bài bản để những nhiệm kỳ sau tốt hơn.

 Ngoài ra, Đảng bộ nhiệm kỳ tới sẽ thực hiện xem xét trách nhiệm người đứng đầu. Lãnh đạo các đơn vị để xảy ra sai phạm thì bị xử lý như thế nào để quy trách nhiệm cho từng cán bộ.

 Việc này nhằm tránh câu chuyện không quy định cụ thể dẫn đến du di để cho sai phạm. Khi đã ràng buộc trách nhiệm thì cho dù thân quen, quà cáp, anh cũng phải làm vì trách nhiệm. Như vậy chúng ta mới thúc đẩy Đắk Lắk phát triển. (Zingnews.vn 17/10)Về đầu trang

Thủ tướng “bắt bệnh” quan liêu, gợi hướng để Nghệ An phát triển

Sáng 17/10, Đảng bộ tỉnh Nghệ An đã tổ chức khai mạc Đại hội Đại biểu lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 -2025. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng với các đại biểu lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, nhà nước, Trung ương và bộ ngành đã đến tham dự hội nghị.

 Thủ tướng thẳng thắn chỉ ra các tồn tại ở Nghệ An, trong đó nhấn mạnh: “Cán bộ của chúng ta có nhiệt huyết nhưng chưa quyết đoán, môi trường đầu tư kinh doanh chưa hấp dẫn, nhiều khi bỏ lỡ đi cơ hội thu hút nhà đầu tư”. Thủ tướng lấy ví dụ về câu chuyện của 1 người bạn nói với mình: “Bạn tôi nói: “Xã thì hiền, Huyện không có quyền, Tỉnh mở, mà Sở thì thắt lại”... Cho nên dù rất vui mừng khi chỉ số thu hút đầu tư (PCI) tăng từ vị trí 46 lên đứng thứ 19 cả nước, nhưng vẫn chưa hấp dẫn. Cốt lõi làm sao Nghệ An phải lên top 10 trong môi trường đầu tư kinh doanh thì mới thu hút được nhà đầu tư. Để làm được điều này thì Nghệ An phải đầu tư, thay đổi từ hạ tầng, nguồn nhân lực, cho đến các thủ tục hành chính.

 Ngoài ra, Thủ tướng cũng rất thấu hiểu vì Nghệ An vẫn là tỉnh nghèo nhận trợ cấp ngân sách lớn, diện tích miền núi và dân số ở khu vực này lớn. Nên Thủ tướng yêu cầu Nghệ An phải cố gắng nỗ lực hơn nữa, phải thu hút được các dự án động lực, phát triển có chiều sâu, mũi nhọn.

 Để giúp Nghệ An phát triển mạnh mẽ trong 5 năm tới, Thủ tướng gợi mở cho Nghệ An 8 nội dung trọng tâm, trong đó cần thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội thông qua cải thiện chất lượng điều hành của bộ máy chính quyền, xây dựng môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh, từng bước khẳng định được thương hiệu “điểm đến đầu tư, kinh doanh hấp dẫn”… (Baogiaothong.vn 17/10, Văn Thanh)Về đầu trang

Đề xuất mới về ưu đãi thuế cho công nghiệp hỗ trợ

Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 218/2013 về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

 Theo đó, doanh nghiệp có dự án đầu tư mới hoặc dự án đầu tư mở rộng sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thực hiện trước ngày 1/1/2015, đáp ứng các điều kiện của dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ theo quy định tại Luật số 71/2014/QH13 và được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thì được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cho thời gian còn lại kể từ kỳ tính thuế Nghị định này có hiệu lực thi hành (kỳ thuế 2020).

 Đối với dự án được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành nhưng dự án chưa được hưởng ưu đãi thuế TNDN thì thời gian ưu đãi còn lại được xác định bằng thời gian ưu đãi thuế theo điều kiện dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trừ đi số năm (tính từ năm được cấp Giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đến trước năm nghị định này có hiệu lực thi hành). 

Đối với dự án được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành nhưng dự án chưa được hưởng ưu đãi thuế TNDN thì thời gian ưu đãi còn lại được xác định bằng thời gian ưu đãi thuế TNDN theo điều kiện dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trừ đi số năm tính từ năm Nghị định này có hiệu lực thi hành đến trước năm được cấp Giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

 Đối với dự án được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, đã hoặc đang được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo điều kiện ưu đãi khác (ngoài điều kiện ưu đãi đối với dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ) thì được lựa chọn hưởng ưu đãi thuế TNDN theo điều kiện dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho thời gian còn lại kể từ kỳ tính thuế Nghị định này có hiệu lực thi hành.

 Dự kiến Nghị định này áp dụng từ kỳ tính thuế TNDN năm 2020. (Zingnews.vn 17/10)Về đầu trang

Nhiều thủy điện nhỏ ở miền Trung không có khả năng phòng lũ

Nhiều hồ thủy điện dung tích nhỏ tại miền Trung không có khả năng phòng lũ, cắt lũ, khi nước về qua các tổ máy phát điện sẽ trực tiếp tràn xuống hạ du. Thông tin được ông Tô Xuân Bảo - phó cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp - cho biết tại cuộc họp báo thường kỳ do Bộ Công thương tổ chức chiều 16-10.

 Theo ông Bảo, các hồ có dung tích lớn, có khả nước cắt lũ, xả lũ, việc chỉ đạo điều hành nằm trong điều hành liên hồ. Các hồ có dung tích phòng lũ thì nguyên tắc trong mùa lũ phải đưa lượng nước về mức đảm bảo phòng lũ, báo cho ban phòng chống thiên tai tỉnh để duy trì mực nước đón lũ, làm chậm, giảm lũ về hạ du. Đó là nguyên tắc vận hành hồ chứa thủy điện.

 Trong các mùa lũ, bộ đều có các văn bản chỉ đạo điều hành vận hành các hồ đúng quy định, thông báo tới hạ du, phối hợp với chính quyền địa phương để giảm thiểu tác động tới hạ du. Bộ Công thương cũng liên tục theo dõi mực nước, lưu lượng nước về hồ để có báo cáo với Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai về điều hành các hồ chứa.

 Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp các bộ, ngành, địa phương rà soát để chỉ đạo, ứng phó thiên tai để đảm bảo chủ động, lường được các tình huống có thể xảy ra. Tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về hồ chứa để giám sát vận hành các hồ chứa thủy điện.

 Ông Tô Xuân Bảo cũng cho rằng với trách nhiệm quản lý, thời gian qua, Bộ Công thương đã thực hiện các giải pháp để đảm bảo an toàn hồ chứa thủy điện, như ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tập trung rà soát, đánh giá việc đảm bảo an toàn hồ chứa và triển khai các quy định như Nghị định 114 về đảm bảo an toàn hồ chứa, đập hồ chứa nước.

 Qua việc kiểm tra tại địa phương cùng với đoàn kiểm tra liên ngành, các hồ thủy điện đang vận hành trong cả nước đều đảm bảo an toàn theo quy định. (Tuoitre.vn 17/10, B.Ngọc)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Người dân hài lòng hơn về ngành thuế?

Để làm hài lòng người dân, doanh nghiệp, thời gian qua, Tổng cục Thuế đã đẩy mạnh hiện đại hóa ngành thuế, đồng thời đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm nâng cao công tác phục vụ.

 Tổng cục đã chủ động để xuất các phương án đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuế. Đối với thủ tục đăng ký thuế đã thống nhất mã số đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế thành 1 mã số doanh nghiệp duy nhất và thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông, rút ngắn thời gian cấp mã số thuế từ 30 ngày xuống còn không quá 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký thuế.

  Thủ tục khai thuế đảm bảo rõ ràng, minh bạch, loại bỏ những nội dung không cần thiết, trùng lắp, giảm các chi phí về thời gian và tài chính cho doanh nghiệp trong việc lập tờ khai, phụ lục, in ấn bộ hồ sơ, nộp tờ khai,... Đồng thời phối hợp với Ngân hàng triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc khai và nộp thuế qua mạng internet.

 Thủ tục hoàn thuế đã đơn giản, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ hoàn thuế từ 60 ngày xuống còn 40 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ và trường hợp “hoàn thuế trước, kiểm tra sau” từ 15 ngày xuống còn 6 ngày làm việc. Thủ tục miễn, giảm thuế người nộp thuế tự xác định điều kiện, mức, thời gian miễn thuế, giảm thuế hàng năm mà không phải làm thủ tục đề nghị miễn, giảm thuế và cơ quan thuế cũng không ra quyết định miễn, giảm thuế như trước đây. (Kinhtedothi.vn 18/10, Hương Hồi)Về đầu trang

Tổng cục Hải quan khảo sát DN về hệ thống quản lý, giám sát hải quan tự động

Nhằm đánh giá hiệu quả thời gian và chi phí do triển khai Hệ thống quản lý, giám sát hải quan tự động tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, ngày 16/10, đoàn công tác của Tổng cục Hải quan đã trực tiếp khảo sát các doanh nghiệp: xuất nhập khẩu, logistics, kinh doanh kho bãi, hãng hàng không.

 Theo đại diện Ban Cải cách hiện đại hóa hải quan, tại cuộc khảo sát này, Tổng cục Hải quan sẽ thu thập ý kiến của doanh nghiệp về thời gian thực hiện các thủ tục giám sát đối với hàng hóa đưa vào, đưa ra khu vực giám sát hải quan tại sân bay quốc tế Nội Bài. Hiệu quả giảm thời gian và chi phí do triển khai hệ thống quản lý, giám sát hải quan tự động; đồng thời ghi nhận các vướng mắc, kiến nghị liên quan.

 Tại cuộc khảo sát, các doanh nghiệp đã thực hiện đánh giá hiệu quả trước và sau khi triển khai áp dụng quản lý, giám sát hải quan tự động tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, với các nội dung như: doanh nghiệp tiết kiệm được bao nhiêu thời gian làm thủ tục xác nhận hàng qua khu vực giám sát hải quan; doanh nghiệp có gặp vướng mắc gì khi thực hiện các thủ tục giám sát để đưa hàng vào/đưa hàng ra khỏi khu vực giám sát hải quan; so sánh quy trình thủ tục bốc xếp dỡ sau khi triển khai áp dụng quản lý, giám sát hải quan tự động so với quy trình thủ tục trước…

 Tại cuộc khảo sát, bên cạnh các ý kiến thu thập từ phiếu đánh giá, nhiều doanh nghiệp đã đánh giá Hệ thống quản lý, giám sát hải quan tự động đã giúp rút ngắn thời gian, thủ tục đưa hàng qua khu vực giám sát, mang lại lợi ích cạnh tranh cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cũng cho rằng cần tiếp tục cải thiện chất lượng đường truyền, cũng như có kênh chính thức hỗ trợ 24/7 khi phát sinh vấn đề vướng mắc. (Infonet.vietnamnet.vn 17/10)Về đầu trang

Sở TN&MT Hà Tĩnh tiếp nhận hơn 1.000 hồ sơ qua Trung tâm hành chính công

Theo thông tin từ Sở TN&MT, trong 9 tháng đầu năm 2020, đơn vị này đã tiếp nhận 1.011 hồ sơ qua Trung tâm hành chính công tỉnh. Trong số này, có 493 hồ sơ thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

 Qua thống kê, hồ sơ về lĩnh vực đất đai chiếm số lượng nhiều nhất với 743 hồ sơ. Hiện tại, 445 hồ sơ đã giải quyết đúng hạn, 144 hồ sơ bổ sung, 12 hồ sơ trả không giải quyết, 142 hồ sơ đang trong thời hạn xử lý. Tiếp theo là hồ sơ về lĩnh vực giao dịch đảm bảo với 120 hồ sơ (118 hồ sơ đã giải quyết đúng hạn, 2 hồ sơ đang trong thời hạn xử lý).

 Được biết, tất cả các thủ tục hành chính thuộc phạm vi giải quyết của Sở TN&MT Hà Tĩnh đều được cung cấp ở mức độ 2 trở lên, hỗ trợ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với 27 thủ tục hành chính, mức độ 4 đối với 12 thủ tục hành chính.

 Số lượng hồ sơ tiếp nhận và xử lý theo dịch vụ công trực tuyến tăng dần theo các năm. Cụ thể, năm 2017 tiếp nhận 448 hồ sơ, giải quyết 412 hồ sơ; năm 2018 tiếp nhận 930 hồ sơ, giải quyết 784 hồ sơ; năm 2019 tiếp nhận 886 hồ sơ, giải quyết 705 hồ sơ và 9 tháng đầu năm 2020 là 1.011 hồ sơ. (Baohatinh.vn 17/10, Văn Đức)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Nguồn thu từ sử dụng đất đạt 93,7 nghìn tỷ đồng

Trong 9 tháng năm 2020, ngành tài nguyên và môi trường đã có những đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế vĩ mô. Trong đó, thị trường quyền sử dụng đất của bất động sản vẫn giữ được sự ổn định, nguồn thu từ đất, tiền sử dụng đất đạt 93,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,5 nguồn thu nội địa (đạt 97,7% so với kế hoạch).

 Cũng trong 9 tháng, việc thu thuế bảo vệ môi trường đạt được 40 nghìn tỷ đồng. Chỉ số tiếp cận đất đai tiếp tục tăng 0,27 điểm; chỉ số hài lòng về dịch vụ cấp giấy chứng nhận tăng 13% so với năm 2016; tỉ lệ phản ánh có tiêu cực trong thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận giảm 34%. 

Chỉ số hài lòng của người dân (SIPAS) về tiếp cận dịch vụ hành chính công trong lĩnh vực TN&MT ở địa phương tăng từ 80,03 lên 85,62%; chỉ số kết quả cung ứng dịch vụ hành chính công đạt 86,35%.

 Về tăng trưởng trong khai thác khoáng sản quặng kim loại tăng 14,8%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 4,7%, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, khoáng sản đạt gần 2 nghìn tỷ đồng; tỉ lệ CTR sinh hoạt được thu gom xử lý tăng 6%; tỉ lệ thu gom xử lý chất thải rắn công nghiệp đạt 90%; số xã đạt tiêu chí chuẩn nông thôn mới về môi trường tăng 8,3%...

 Để hiệu quả cao hơn nữa trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đề nghị thủ trưởng các đơn vị tập trung chỉ đạo hoàn thành đúng tiến độ các văn bản, nhiệm vụ đề án đã đăng ký trong chương trình xây dựng văn bản pháp luật, chương trình công tác; chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng nếu để xảy ra tình trạng chậm trình, văn bản không phù hợp với thực tiễn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội. (Cafef.vn 17/10, Thùy Chi)Về đầu trang

TPHCM đề xuất nâng tỷ lệ ngân sách được giữ lại năm 2021 lên 23%

Ngày 17/10, trong ngày làm việc thứ ba tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UNBD TPHCM Nguyễn Thành Phong thay mặt Đoàn chủ tịch báo cáo và xin ý kiến đại hội về những vấn đề quan trọng vẫn còn các ý kiến khác nhau và những vấn đề cần tiếp thu, bổ sung vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM khóa XI nhiệm kỳ 2020 - 2025.

 Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết tăng trưởng kinh tế năm 2020 dự kiến sẽ đạt từ 8,3%-8,5%. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch COVID-19, thực tế trong 9 tháng đầu năm 2020, GRDP của TPHCM chỉ tăng 0,77%. Dự báo, đến cuối năm 2020, TPHCM chỉ tăng trưởng 1,3%. Ngoài ra, cơ cấu dịch vụ chiếm đến 62% GRDP của TPHCM lại chịu ảnh hưởng nặng nề của COVID-19 nên sự phục hồi cần nhiều thời gian.

 Bên cạnh đó, đầu tư công trong 9 tháng đầu năm 2020 của TPHCM tăng 53% so với cùng kỳ nhưng tổng đầu tư toàn xã hội lại giảm 4,5%. Theo ông Phong, trong tổng số vốn đầu tư toàn xã hội năm 2020 thì vốn đầu tư của Nhà nước chỉ chiếm 13%, còn lại phần lớn là tư nhân, vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Mà, khu vực này bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên tổng đầu tư xã hội giảm mạnh, ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

 Đặc biệt, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết vừa qua TPHCM đã đề xuất nâng tỷ lệ điều tiết ngân sách địa phương được giữ lại lên 23% trong năm 2021 (hiện nay là 18%) nhưng Quốc hội chưa thông qua do tình hình chung của cả nước còn khó khăn. Dự báo có thể đến năm 2022, đề xuất của TPHCM mới được xem xét. Vì thế, việc xem xét điều chỉnh giảm tốc độ tăng trưởng GRDP trên địa bàn TPHCM còn khoảng 8% là phù hợp.

 Ngoài điều chỉnh chỉ tiêu tăng trường GRDP, ông Nguyễn Thành Phong cho biết Đoàn chủ tịch thống nhất xin đề xuất đại hội điều chỉnh chỉ tiêu GRDP đến năm 2025 đạt khoảng 8.500 USD/người (chỉ tiêu ban đầu là 8.500-9.000 USD/người); đến năm 2030 đạt 13.000 USD/người (chỉ tiêu ban đầu khoảng 13.000-14.000 USD/người); và tầm nhìn đến năm 2045 là khoảng 37.000 USD/người, thay vì 40.000 USD/người. (Tienphong.vn 17/10, Huy Thịnh – Ngô Tùng)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Cựu thủ tướng Anh bị cáo buộc vi phạm quy định cách ly

Cựu thủ tướng Anh Tony Blair bị tờ Sunday Telegraph cáo buộc không tự cách ly hai tuần sau chuyến công du hai ngày đến Mỹ.

 Sunday Telegraph ngày 17/10 cho biết họ đã thu được những bức ảnh cho thấy ông Blair, người giữ chức thủ tướng Anh năm 1997 - 2007, rời một nhà hàng ở London 10 ngày sau khi trở về từ thủ đô Washington của Mỹ vào tháng trước. 

Tờ này cho biết thêm rằng Blair đã xin miễn trừ cách ly đặc biệt, nhưng ông đã không được cấp thư miễn trừ - giấy tờ ông cần để được phép không cách ly 14 ngày.

 Blair đã đến Mỹ để dự một buổi lễ tại Nhà Trắng, khi Israel ký các thỏa thuận thiết lập quan hệ với Bahrain và UAE. Phát ngôn viên của Blair cho biết ông được chính phủ Mỹ mời vì vai trò của ông trong thỏa thuận, mô tả buổi lễ như một "hội nghị ngoại giao".

 Phát ngôn viên khẳng định Blair "không gây rủi ro cho bất kỳ ai" vì ông đã được xét nghiệm trước khi khởi hành, khi đến Nhà Trắng và một lần nữa khi trở lại Anh.

 Một số quan chức và cựu quan chức Anh đã bị cáo buộc làm xói mòn niềm tin của công chúng khi vi phạm các quy tắc chống Covid-19. Hồi tháng 5, cố vấn cao cấp nhất của Thủ tướng Boris Johnson, Dominic Cummings, từ chối từ chức sau khi ông bị phát hiện đã lái xe 400 km từ London đến miền bắc nước Anh để thăm vợ nhiễm nCoV, vào thời điểm nước này đang áp lệnh phong tỏa, chỉ cho phép đi lại với mục đích thiết yếu. (Vnexpress.net 18/10)Về đầu trang./.

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Các tin khác