Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 09-10-2020

14:16, Thứ Sáu, 9-10-2020

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 Tải file tại đây

TIÊU ĐIỂM.. 1

1.                Hậu Giang không nhận hoa chúc mừng Đại hội Đảng. 1

2.                Quà tặng, nên lấy ý nghĩa làm đầu! 2

3.                Quà tặng lớn nhất là niềm tin! 2

4.                Quảng Bình: Không dự đại hội cơ sở vẫn được bầu đi dự Đại hội Đảng bộ tỉnh. 4

CHÍNH SÁCH MỚI 4

5.                Tuổi nghỉ hưu của sĩ quan quân đội từ 1.1.2021. 4

CHỈ THỊ MỚI 5

6.                Tạm dừng hoạt động trạm BOT chưa thực hiện thu phí không dừng. 5

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY.. 5

7.                Tiện ích từ mô hình “tổ dân phố điện tử” ở thành phố Hà Tĩnh. 5

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 6

8.                Sẽ nới thời hạn giãn thuế, tiền thuê đất cho doanh nghiệp?. 6

9.                Bộ Tài chính đề xuất thu 1.000 đồng/km trên đường cao tốc do nhà nước đầu tư. 6

10.             Hà Nội: Môi trường kinh doanh cải thiện rõ nét, dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài 7

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 8

11.             Ai dám tố giác thủ trưởng của mình để cấp dưới uống rượu?. 8

QUẢN LÝ.. 9

12.             Bổ nhiệm sai quy định: Phải thu hồi quyết định tuyển dụng. 9

13.             Chủ tịch UBND không chịu đối thoại, tham gia tòa hành chính “ngày càng tăng”. 10

14.             Bộ Công an giải thích về việc có 9 thứ trưởng. 11

15.             Đảng viên sinh con thứ ba trở lên có phạm luật?. 11

16.             Nghệ An: Đại biểu trẻ tuổi nhất dự Đại hội Đảng bộ tỉnh là công nhân. 12

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 12

17.             TPHCM: Cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài chỉ còn 17 ngày. 12

18.             Hà Nội: Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt 100%.. 13

19.             Bình Dương: Người dân có thể "chat" với chính quyền phản ánh các vấn đề. 14

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 14

20.             Thu ngân sách 9 tháng lần đầu tiên suy giảm sau nhiều năm.. 14

THẾ GIỚI 15

21.             Singapore trả tiền để công dân sinh con thời đại dịch COVID-19. 15

 TIÊU ĐIỂM

Hậu Giang không nhận hoa chúc mừng Đại hội Đảng

Ngày 7.10, ông Trần Văn Huyến, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy Hậu Giang, cho biết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ 14, nhiệm kỳ 2020 - 2025 sẽ diễn ra từ ngày 12 - 14.10 với sự tham dự của 349 đại biểu chính thức và khoảng 70 đại biểu khách mời.

 Tập thể lãnh đạo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang thống nhất đặt lẵng hoa cho 11 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy; không nhận hoa chúc mừng đại hội của các cơ quan, đơn vị và cá nhân. (Thanhnien.vn 08/10, Quang Minh Nhật)Về đầu trang

Quà tặng, nên lấy ý nghĩa làm đầu!

Quà tặng, tặng quà trong các kì cuộc, đại hội các tổ chức đoàn thể, hội xã hội nghề nghiệp là chuyện bình thường. Nhưng quà tặng - cho đại biểu dự Đại hội Đảng bộ trực thuộc Trung ương nếu không cân - nhắc kĩ sẽ lợi bất cập hại. Gần đây, thông tin về Đại hội Đảng bộ của tỉnh này, tỉnh kia mua quà giá trị cao tặng đại biểu đã tạo nên “cơn sóng” bức xúc dư luận.

 Từ năm 2014, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành quy định về chế độ chi tổ chức Đại hội Đảng các cấp, trong đó quy định rõ một số mức chi cụ thể. Về quà tặng, văn bản chỉ rõ: “Chi mua cặp, sổ, bút, huy hiệu, phù hiệu”... Từ quy định trên cho thấy, việc chi tiêu, mua sắm, tặng quà cho đại biểu tại Đại hội đảng bộ một số địa phương vừa qua hầu hết đều theo tinh thần tiết kiệm, phù hợp với tính chất của Đại. hội Đảng. Tuy nhiên, vẫn còn một số nơi, việc mua sắm chưa hợp lí như tặng cả bộ vest, đèn bàn... cho đại biểu.

 Tỉnh uỷ Quảng Ninh mời thầu gói trang bị "350 máy tính bảng Samsung Galaxy Tab S6 Lite hoặc tương đương" với tổng dự toán hơn 3,2 tỉ đồng phục vụ các đại biểu dự Đại hội đảng bộ. Tỉnh Tuyên Quang đang mời thầu 2 gói (trị giá 2,5 tỉ đồng) may trang phục cho 428 đại | biểu nhưng lại yêu cầu “trang phục phải có chất liệu Cashmere (Italy), nguyên phụ liệu: Cúc áo, khóa quần, chỉ may nhập của Đức; chất liệu vải lót trong của Nhật”. Tỉnh ủy Quảng Trị chào thầu gói mua "Bình hút tài lộc cao cấp" (chất liệu gốm sứ, trị giá khoảng 500-600 nghìn đồng/chiếc) để tặng đại biểu dự Đại hội. Nằm trong tốp tỉnh nghèo, nhưngTỉnh ủy Hà Tĩnh lại mạnh tay chi hơn 2 tỉ đồng mua 700 chiếc cặp da tặng đại biểu dự Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX (giá mỗi chiếc lên tới 2.970.000 đồng).

 Việc mua sắm quà phục vụ đại biểu là cần thiết, nhưng lại yêu cầu các tặng phẩm phải là hàng ngoại nhập thì quả là không phù hợp với chủ trương của Đảng ta: “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhất là hiện nay trong điều kiện nền kinh tế đang khó khăn vì đại dịch Covid-19, cần khuyến khích tiêu dùng sản phẩm trong nước để kích cầu, hỗ trợ doanh nghiệp nội địa. Lại có nơi quà tặng còn mang chút mê tín như “bình hút tài lộc”. Cũng may là sau khi có nhiều ý kiến góp ý, nơi đó đã hủy bỏ gói thầu này.

 Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XII của Đảng là sự kiện chính trị quan trọng hàng đầu của Đất nước. Bởi thế, quà tặng cho Đại biểu cũng nên theo tinh thần của Đảng: “Đạo đức, văn minh”. Người dân rất hoan nghênh một số Tỉnh ủy, Thành ủy biết lắng nghe ý kiến của dư luận xã hội để điều chỉnh cho phù hợp việc mua quà tặng đại biểu. Dư luận xã hội cho rằng, với các địa phương đang chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng cũng nên xem xét, cân nhắc trước khi mua quà tặng sao cho hợp lí, đúng quy định mà vẫn bảo đảm ý nghĩa, trân trọng các đại biểu dự Đại hội. Bởi thành công của Đại hội năm ở nội dung chứ không phải do món quà to nhỏ tặng đại biểu! (Người cao tuổi 08/10, Tường Minh) Về đầu trang

Quà tặng lớn nhất là niềm tin!

Long An cắt giảm hơn 4 tỷ đồng kinh phí tổ chức Đại hội Đảng bộ. Đây là thông tin được Phó Bí Thường trực Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được cho biết tại cuộc họp báo về Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025). Không chỉ người dân Long An mà với nhiều người dân, đây là một tin vui, bởi việc chuẩn bị tổ chức đại hội thể hiện theo đúng tinh thần tiết kiệm, hiệu quả.

 Theo dự kiến ban đầu, Long An dự trù toàn bộ kinh phí tổ chức Đại hội là hơn 8,1 tỷ đồng, tất cả các khoản mua sắm đều phải qua đấu thầu theo đúng quy định. Tuy nhiên, để tập trung nguồn lực quan tâm đến an sinh xã hội và khôi phục kinh tế hậu Covid-19, Long An quyết định cắt giảm một nửa kinh phí tổ chức Đại hội, tiết kiệm chỉ còn 4,2 tỷ đồng. Đại hội được tổ chức tiết kiệm tối đa.

 Gần đây, quà tặng đã trở thành vấn đề được nhiều người quan tâm. Cũng có không ít cơ quan, địa phương có những khoản dự trù kinh phí mua quà tặng cho đại biểu tham dự lễ kỷ niệm, hội nghị lên đến hàng trăm, hàng tỷ đồng. Đối với những cơ quan, địa phương kinh tế còn khó khăn, khoản dự trù kinh phí như trên làm quà tặng là điều rất đáng suy nghĩ, nhất là trong điều kiện chúng ta đang phải đối diện với đại dịch Covid-19 với những tác động nặng nề như hiện nay.

 Vừa qua, để chuẩn bị cho đại hội, nhiều địa phương cũng đã có dự trù kinh phí để làm quà tặng đại biểu. Có nơi dự kiến quà tặng là bình gốm cao cấp, có nơi là bộ trang phục và có nơi là cặp da dành tặng đại biểu. Tùy từng nơi, có gói thầu quà tặng dự trù lên đến 2,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, với tinh thần lắng nghe dư luận hết sức cầu thị, trên cơ sở thực tế kinh tế - xã hội, nhiều địa phương đã điều chỉnh, hủy nhiều gói thầu mua quà tặng phù hợp.

 Đơn cử, tỉnh Tuyên Quang không ký hợp đồng may trang phục, tỉnh Quảng Trị hủy gói thầu mua bình gốm tặng đại biểu dự đại hội Đảng bộ tỉnh. Với Đà Nẵng thì sẽ “không có quà tặng đặc biệt”, và quà tặng chính thức cho đại biểu là tập sách “Đà Nẵng thành tựu và khát vọng". Sự lắng nghe, điều chỉnh này là rất cần thiết, và rất đáng ghi nhận.

 Câu chuyện quà tặng đại biểu được nhắc nhiều thời gian qua. Trước đây, đã từng có địa phương chi mấy chục tỷ đồng chỉ để mua quà tặng nhân dịp ngày thành lập tỉnh, rồi có tập đoàn kinh tế chi đến hơn 70 tỷ đồng chỉ để làm kỷ niệm chương nhân kỷ niệm ngày truyền thống của ngành… Việc thành lập tỉnh, thành lập ngành, việc tổ chức lễ kỷ niệm là dịp để thế hệ đi sau ôn lại chặng đường đã qua, để hiểu rõ hơn về địa phương, về ngành mình về những cống hiến của những người đi trước.

 Quà tặng cho đại biểu cũng là dịp để tri ân những người có nhiều công sức đóng góp cho địa phương, cho ngành và điều này nên làm và rất đáng trân trọng. Việc tặng quà các đại biểu đến dự một sự kiện nào đó cũng là chuyện bình thường, bởi quà tặng cũng là để đại biểu lưu giữ kỷ niệm.

 Tuy nhiên, lưu giữ kỷ niệm thì không nhất thiết phải đo đếm bởi giá trị vật chất, kinh tế mà quan trọng là việc tặng quà đại biểu như thế nào cho phù hợp. Việc tặng quà hay không và tặng như thế nào là tùy thuộc vào mỗi cơ quan, địa phương trên cơ sở thực tế của mình. Không nên cố để “bằng chị bằng em” bởi những món quà tặng cho đại biểu chỉ vì tâm lý cơ quan này làm được, tỉnh này làm được, cơ quan mình, tỉnh mình tại sao không?

 Phải nhấn mạnh rằng, việc tặng quà đại biểu không có tính bắt buộc và cũng không nên quá “cứng nhắc” hay nặng nề về giá trị của món quà tặng. Điều quan trọng là món quà tặng phải thực sự mang lại ý nghĩa, là sự lưu giữ kỷ niệm đẹp của đại biểu được tham dự lễ kỷ niệm, đại hội. Và để người trong cuộc cảm thấy hạnh phúc vì món quà được tặng, tránh những lùm xùm không đáng có.

 Bởi nói như Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn: Quà tặng lớn nhất dành cho Đại hội, cho các đại biểu chính thức của Đại hội là niềm tin, sự gửi gắm, trách nhiệm của các đại biểu về dự Đại hội, làm sao đóng góp, xây dựng một cách đầy đủ nhất những nội dung, công việc của Đại hội như mong muốn. (Đại biểu nhân dân 08/10, Lê Hùng)Về đầu trang

Quảng Bình: Không dự đại hội cơ sở vẫn được bầu đi dự Đại hội Đảng bộ tỉnh

Sự việc trên vừa xảy ra tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh Quảng Bình lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

 Làm việc với PV Thanh Niên ngày 7.10, ông Nguyễn Thanh Lam, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh, đã xác nhận vụ việc trên. Theo đó, 2 cán bộ là ông Hoàng Đăng Cương, Phó giám đốc Sở GTVT, và ông Nguyễn Quang Ngọc, Phó chánh văn phòng UBND tỉnh, không được tham gia Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh Quảng Bình lần thứ XIV với tư cách là đại biểu.

 Thế nhưng, 2 ông này lại được đại hội bầu vào danh sách 27 đại biểu chính thức dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 sắp diễn ra.

 Ông Lam cho rằng đó là do Ban Chấp hành Đảng ủy khối khóa cũ chuẩn bị nhưng Ban Chấp hành cũ sơ suất, chuẩn bị chưa kỹ, chưa đảm bảo nguyên tắc.

 Việc chuẩn bị danh sách được thực hiện qua nhiều bước, nhiều khâu vẫn không phát hiện; các đoàn đại biểu tham dự đại hội Đảng bộ khối cũng không phát hiện ra. Thậm chí, ra đại hội vẫn không ai biết, dẫn tới việc bầu 2 người không có mặt vào danh sách dự đại hội tỉnh.

 “Vừa rồi, Ban Thường vụ Đảng ủy khối khóa mới tiến hành rà soát điều kiện, tiêu chuẩn của đại biểu đi dự đại hội Đảng bộ tỉnh thì mới phát hiện nên đã đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh không triệu tập 2 cán bộ đó. Hiện cấp trên đang xem xét, quyết định”. (Thanhnien.vn 08/10, Trương Quang Nam)Về đầu trang

CHÍNH SÁCH MỚI

Tuổi nghỉ hưu của sĩ quan quân đội từ 1.1.2021

Tuổi nghỉ hưu của sĩ quan quân đội sẽ có sự thay đổi từ năm 2021 được sửa đổi, bổ sung tại Bộ luật Lao động 2019.

 Theo quy định tại Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 1999 thì sĩ quan được về hưu khi: đủ điều kiện theo quy định bảo hiểm xã hội của Nhà nước (điều kiện này thay đổi từ 1.1.2021); trong trường hợp chưa đủ điều kiện nghỉ hưu theo quy định về bảo hiểm xã hội, quân đội không còn nhu cầu bố trí sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng hoặc không chuyển ngành được, nếu nam sĩ quan có đủ 25 năm và nữ sĩ quan có đủ 20 năm phục vụ trong quân đội trở lên thì được nghỉ hưu.

 Mời Quý vị xem thông tin chi tiết tại link dưới đây:

https://laodong.vn/cong-doan/tuoi-nghi-huu-cua-si-quan-quan-doi-tu-112021-842976.ldo

(Laodong.vn 08/10, Minh Phương)Về đầu trang

CHỈ THỊ MỚI

Tạm dừng hoạt động trạm BOT chưa thực hiện thu phí không dừng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ban hành Chỉ thị về đẩy nhanh tiến độ triển khai và tăng cường sử dụng dịch vụ thu phí đường bộ theo hình thức điện tử không dừng.

 Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải quyết định tạm dừng hoạt động thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ đối với các dự án có trạm thu phí không chuyển sang thu điện tử không dừng theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời chỉ đạo các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới triển khai gắn thẻ thu phí điện tử không dừng khi kiểm định phương tiện xe ô tô.

 Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chỉ đạo thực hiện việc gắn thẻ đầu cuối cho các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh tham gia giao thông. Còn các nhà cung cấp dịch vụ thu phí đẩy mạnh việc gắn thẻ đầu cuối đối với phương tiện giao thông đường bộ, bảo đảm nhanh chóng, thuận tiện, dễ sử dụng.

 Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành, các đoàn thể chính trị - xã hội chỉ đạo gắn thẻ đầu cuối đối với các phương tiện xe ô tô thuộc phạm vi quản lý để sử dụng dịch vụ thu phí điện tử không dừng; hạn chế thanh toán chi phí dịch vụ sử dụng đường bộ bằng hình thức thủ công, một dừng. (VTV.vn 07/10)Về đầu trang

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY

Tiện ích từ mô hình “tổ dân phố điện tử” ở thành phố Hà Tĩnh

Đi vào hoạt động từ tháng 5/2019, mô hình “tổ dân phố điện tử” thuộc tổ dân phố 1, phường Nam Hà (TP Hà Tĩnh) đã mang lại nhiều thuận lợi cho người dân.

 Thay vì đến trụ sở UBND phường, giờ đây ông Hồ Bá Vỹ ở tổ dân phố (TDP) 1, phường Nam Hà chỉ cần đến nhà văn hóa để làm các thủ tục hành chính (TTHC). Việc này giúp ông giảm thời gian đi lại và thuận tiện khi làm các giấy tờ cần thiết.

 Ông Vỹ cho biết: “Trước đây, người dân muốn làm thủ tục phải đến trụ sở UBND phường trong giờ hành chính để nộp hồ sơ, kê khai giấy tờ, rồi lại nhận kết quả. Nhưng từ khi có “tổ dân phố điện tử” ở ngay khu dân cư, người dân có thể nộp bất cứ lúc nào và chỉ cần một lần đến trụ sở phường nhận kết quả. Tôi thấy đây là một mô hình rất tiện, tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho người dân”.

 Mô hình này được phường Nam Hà triển khai từ tháng 5/2019, nhằm giúp người dân làm quen với việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Thậm chí khi người dân đã biết cách và có đủ trang thiết bị (máy tính nối mạng, máy scan hoặc thiết bị có khả năng chụp ảnh) có thể thực hiện các thủ tục ngay tại nhà.

 Áp dụng mô hình này giúp việc kê khai, làm TTHC của người dân đi vào nền nếp, từng bước tiếp cận với công nghệ mới, minh bạch và thuận tiện, từ đó hình thành “công dân điện tử”.

 Ông Trần Xuân Sơn - Chủ tịch UBND phường Nam Hà cho biết, mô hình “tổ dân phố điện tử” có đặc trưng tổ chức giống như một bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại phường. Điểm khác biệt là việc tổ chức này tại khu dân cư - nơi mà người dân trực tiếp sinh sống, đi lại.

 Điều này sẽ tạo thuận lợi để người dân tương tác dễ dàng, không phải chờ đợi, xếp hàng tại khu vực một cửa. Các nhân viên tại khu dân cư điện tử sẽ hướng dẫn tận tình, để người dân có thể thao tác dễ dàng hơn". (Baohatinh.vn 07/10, Nam Giang)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Sẽ nới thời hạn giãn thuế, tiền thuê đất cho doanh nghiệp?

Cơ quan thuế sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất trình Chính phủ ban hành mở rộng việc gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất với nhiều đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 trong những tháng cuối năm 2020 và cả năm 2021.

 Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thuế, trong 9 tháng đầu năm 2020, nền kinh tế chịu tác động lớn của dịch bệnh Covid-19 khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp suy giảm.

 Cùng với đó, việc triển khai thực hiện các gói giải pháp hỗ trợ gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất cho doanh nghiệp và người dân càng khiến số thu ngân sách sụt giảm mạnh so với cùng kỳ và đến nay chưa hồi phục được.

 Tính đến hết tháng 9, tổng thu ngân sách ước đạt 833.165 tỷ đồng, bằng 66,4% so với dự toán, bằng 93% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thu nội địa ước đạt 805.649 tỷ đồng, bằng 66,1% so với dự toán, bằng 94,5% so với cùng kỳ năm 2019. 

Theo cơ quan thuế, nếu chỉ tính số thu phát sinh trong 9 tháng đầu năm nay thì thực tế đạt thấp hơn nhiều so với mức thu nêu trên.

 Bên cạnh đó, trong 9 tháng đầu năm, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện được 48.975 cuộc thanh, kiểm tra; kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế 436.112 hồ sơ khai thuế. Tổng số tiền kiến nghị, xử lý qua thanh, kiểm tra là 39.684 tỷ đồng, bằng 114,19% so với cùng kỳ 2019. 

Cơ quan thuế cũng tích cực thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ. Ước 9 tháng thu đạt 20.292 tỷ đồng, bằng 60% chỉ tiêu thu nợ được giao, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thu bằng biện pháp quản lý nợ là 14.004 tỷ đồng; thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ là 6.288 tỷ đồng. (Thoibaokinhdoanh.vn 08/10)Về đầu trang

Bộ Tài chính đề xuất thu 1.000 đồng/km trên đường cao tốc do nhà nước đầu tư

Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phí sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do nhà nước đầu tư, trong đó đề xuất hai phương án.

 Phương án 1, Bộ Tài chính đề xuất quy định thu phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do nhà nước đầu tư theo quy định về giá. Ưu điểm của phương án này là phù hợp với Nghị quyết số 52/2017 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam, phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Đồng thời, khuyến khích được nguồn lực xã hội tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng đường bộ. Ngoài ra, tính công khai, minh bạch, dễ nhận được sự đồng thuận của người dân và chủ phương tiện cũng là ưu điểm khác của phương án này. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng trích dẫn ý kiến cho rằng việc thu phí dịch vụ trên đường cao tốc do nhà nước đầu tư là không đúng bản chất, thay vào đó Bộ Giao thông vận tải và địa phương phải thành lập công ty để quản lý thu phí dịch vụ đường cao tốc do nhà nước đầu tư.

 Phương án 2, đề xuất quy định thu phí sử dụng đường cao tốc thu qua trạm thu phí trên đường cao tốc do nhà nước đầu tư theo quy định về phí và lệ phí. Ưu điểm là đảm bảo nguyên tắc dịch vụ công do nhà nước cung cấp thu phí theo quy định của Luật Phí và lệ phí. Tuy nhiên, phương án này lại không khuyến khích được sự tham gia của nhà đầu tư tư nhân vào các dự án hạ tầng đường bộ. Chưa kể, không phù hợp với Nghị quyết 52/2017 quy định những dự án thành phần sử dụng toàn bộ vốn đầu tư công nghiên cứu áp dụng phương án thu giá dịch vụ hợp lý để thu hồi vốn nhà nước.

 Bộ Tài chính cho rằng theo tính toán của Bộ Giao thông vận tải trên cơ sở lượng hóa chi phí vận hành và thời gian phương tiện lưu thông trên 5 tuyến đường cao tốc so với lưu thông tuyến trên quốc lộ song hành sẽ được lợi bình quân 2.518 đồng/km/xe tiêu chuẩn. Trường hợp phải nộp phí 1.000 đồng/km/xe tiêu chuẩn thì chủ phương tiện vẫn hưởng lợi 1.500 đồng/km. Sau phân tích, đánh giá hai phương án, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phương án đầu tiên. Theo đó, mức thu phí dự kiến là 1.000 đồng/km/xe tiêu chuẩn.

 Hiện tổng chiều dài đường cao tốc do nhà nước đầu tư là 196 km. Nếu thực hiện thu phí dịch vụ đường cao tốc với mức thu là 1.000 đồng/km/xe tiêu chuẩn thì dự kiến hàng năm sẽ thu được khoảng 2.142 tỷ đồng. (Cafef.vn 07/10)Về đầu trang

Hà Nội: Môi trường kinh doanh cải thiện rõ nét, dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài

Nhìn lại kết quả triển khai Chương trình số 03-Ctr/TU ngày 28-6-2016 của Thành ủy Hà Nội về “đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển Thủ đô nhanh, bền vững giai đoạn 2016-2020”, một trong những điểm nhấn đáng chú ý nhất là môi trường đầu tư, kinh doanh của thành phố đã được cải thiện rõ nét.

 Báo cáo tổng kết giai đoạn 2016-2020 từ Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình 03 của Thành ủy Hà Nội cho thấy, đến nay, 11/12 chỉ tiêu, nhóm chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà chương trình đặt ra đã hoàn thành, trong đó có 1 chỉ tiêu hoàn thành sớm 2 năm, 2 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Duy nhất 1 chỉ tiêu thành phần của chương trình này dự kiến không đạt là chỉ tiêu về xếp hạng chỉ số PAPI.

 Năm 2019, chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) của Hà Nội giữ vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành, tăng 7 bậc so với năm 2015; chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của chính quyền (SIPAS) tăng 16 bậc so với năm 2017.

 Cũng trong 5 năm qua, Hà Nội thường xuyên định kỳ tổ chức các hội nghị chuyên đề đối thoại với doanh nghiệp; tổ chức xúc tiến đầu tư và giới thiệu danh mục các dự án thu hút đầu tư trên địa bàn thông qua các hội nghị “Hà Nội - Hợp tác đầu tư và phát triển” thường niên từ năm 2016 đến nay.

 Kết quả, giai đoạn 2016-2020, Hà Nội thu hút được 25,5 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), gấp 4,08 lần giai đoạn 2011-2015; đứng đầu cả nước 2 năm liên tiếp (2018, 2019).

 Mặt khác, môi trường đầu tư, kinh doanh của Hà Nội được cải thiện rõ nét. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 đạt 68,8 điểm (tăng 3,4 điểm so với năm 2018), xếp ở vị trí thứ 9/63, tăng 15 bậc so với năm 2015. (Anninhthudo.vn 08/10, Tiến Hưng)Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

Ai dám tố giác thủ trưởng của mình để cấp dưới uống rượu?

Cấm hút thuốc nơi công cộng, cấm ép uống rượu, cấm “tiểu bậy”… là những quy định góp phần xây dựng xã hội tốt hơn. Tuy nhiên, ngăn chặn hoặc xử phạt những vi phạm này không dễ, từ thực trạng thiếu lực lượng chuyên trách đến thiếu cơ chế thực hiện.

 Trao đổi với Tiền Phong, luật sư Nguyễn Thanh Tùng - Cty Luật ICC đánh giá, có nhiều hành vi vi phạm rất khó áp đặt chế tài xử lý như hút thuốc lá nơi công cộng, gạt tàn không đúng chỗ; xúc phạm người khác sinh con một bề; chê bai người khác béo, hói; dùng tay trần chạm vào thực phẩm chín khi bán hàng… “Các hành vi này thiếu văn hóa, gây ô nhiễm môi trường… nhưng quy định về xử phạt lại thiếu cơ chế thực hiện dẫn đến khó triển khai. Việc này làm giảm hiệu lực, hiệu quả của pháp luật trong quản lý xã hội” - luật sư Tùng nói.

 Luật sư Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ, nếu không có lực lượng chuyên trách thực hiện xử phạt một cách đơn giản, các quy định dù văn minh cũng khó thực hiện. “Hành vi ép buộc người khác uống rượu, bia sẽ bị phạt 1 - 3 triệu đồng; người đứng đầu cơ quan có nhân viên uống rượu bia trong giờ làm việc bị phạt 3 - 5 triệu đồng... nhưng ai là người dám tố giác việc thủ trưởng của mình để cấp dưới uống rượu? Ai sẽ trình bày việc bạn bè ép mình uống cốc bia?” - luật sư Tùng nói. 

Ông Tùng cũng đặt câu hỏi, có quy định thẩm quyền xử phạt nhưng lực lượng nào được giao chuyên trách và làm sao họ chứng minh được việc ép nhau uống rượu hoặc gạt tàn thuốc lá không đúng chỗ như Nghị định 117 quy định? Dù có camrea ghi hình, nhưng có cơ chế cho cơ quan chức năng phạt nguội hay không? Đánh giá hiệu quả răn đe của mức phạt vốn chỉ từ mức trăm nghìn đến vài triệu đồng, vị luật sư này nói: “Như hành vi xúc phạm người sinh con một bề (chỉ sinh con trai hoặc gái) có thể bị phạt từ 200 - 500 nghìn đồng. Mức phạt này có đủ sức răn đe, việc triển khai xử phạt với hành vi này như thế nào?”.

 Đáng chú ý, luật sư Tùng nêu quan điểm, dù mức phạt cao hay thấp nhưng nếu không làm thường xuyên, triệt để, các hành vi vi phạm chắc chắn sẽ tái diễn, dẫn tới tình trạng “nhờn luật” và thậm chí không có tác dụng trong việc thay đổi hành vi, nhận thức của xã hội. Để làm được điều này, vị luật sư cho rằng phải nâng cao trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, đồng thời tạo cơ chế thuận tiện cho người thực thi nhiệm vụ.

 “Ví dụ, ít ai đi tố cáo người thân của mình hút thuốc lá nơi công cộng, người lạ cũng không biết ai để tố cáo nên đơn vị có thẩm quyền cần chủ động phòng ngừa, phát hiện việc này. Ngoài ra, cần xem xét quy trình xử lý vi phạm hành chính vì theo luật, chỉ xử phạt không lập biên bản nếu phạt tiền đến 250 nghìn đồng với cá nhân, 500 nghìn đồng đối với tổ chức. Cần nâng cao mức xử phạt được áp dụng quy trình không lập biên bản nhằm đơn giản hóa việc xử phạt” - luật sư Tùng nói. (Tiền phong 08/10, Minh Đức – Thanh Hà)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Bổ nhiệm sai quy định: Phải thu hồi quyết định tuyển dụng

Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số Nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII thuộc lĩnh vực Nội vụ.

 Báo cáo cho hay từ năm 2019 đến nay, Bộ Nội vụ đã tiến hành hơn 40 cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch về quản lý, sử dụng biên chế công chức; công tác bổ nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý; số lượng cấp phó công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý…

 Trong thời gian từ 2017 đến hết 2019, các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành hơn 3.570 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với gần 4.300 cơ quan, tổ chức thuộc, trực thuộc.

 Đối với những sai phạm phát hiện qua thanh tra, kiểm tra, Thủ tướng đã chỉ đạo xử lý nghiêm; yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và các hình thức xử lý đối với cá nhân, tổ chức để xảy ra sai phạm trong công tác tổ chức, quản lý và sử dụng biên chế; thực hiện tinh giản biên chế chưa đúng tiến độ, tỉ lệ theo quy định; bổ nhiệm cấp phó vượt quá số lượng quy định…

 Đặc biệt, các sai phạm tại một số bộ, ngành, địa phương đã bị xử lý bằng hình thức thu hồi, hủy bỏ các quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm công chức, viên chức không đúng quy định.

 Cụ thể, có 252 trường hợp bị thu hồi quyết định tuyển dụng; 271 trường hợp bị thu hồi quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động bổ nhiệm; 118 trường hợp bị thu hồi, hủy bỏ quyết định thăng hạng chức danh nghề nghiệp; 53 trường hợp bị xếp lại ngạch công chức, hạng viên chức; 53 trường hợp bị thi hành kỷ luật. Có 955 trường hợp bị kiểm điểm, rút kinh nghiệm; 967 trường hợp bị áp dụng biện pháp xử lý khác.

 Ngoài các cuộc thanh tra, kiểm tra trực tiếp, các bộ, ngành, địa phương đã nhận thấy sai sót và tự khắc phục. Cụ thể: 133 trường hợp bị thu hồi quyết định tuyển dụng theo chính sách thu hút của các bộ, ngành, địa phương; bảy trường hợp bị thu hồi, hủy bỏ quyết định bổ nhiệm; 45 trường hợp bị thu hồi, hủy bỏ quyết định tuyển dụng, tiếp nhận; tám trường hợp bị xếp lại ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức.

 Ngoài ra, có 61 trường hợp bị chấm dứt hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ. Đồng thời, Bộ Nội vụ cũng kiến nghị các bộ, ngành, địa phương tự xử lý các sai phạm. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương đã thu hồi quyết định tuyển dụng theo chính sách thu hút đối với 59 trường hợp; thu hồi, hủy bỏ quyết định bổ nhiệm đối với 27 trường hợp… (Plo.vn 08/10, Đức Minh) Về đầu trang

Chủ tịch UBND không chịu đối thoại, tham gia tòa hành chính “ngày càng tăng”

Tỷ lệ chủ tịch UBND các cấp không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa hành chính “còn cao và có xu hướng ngày càng tăng qua các năm”.

 Báo cáo mới nhất gửi tới Quốc hội do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long ký về việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính vẫn phải nhắc lại hạn chế đã được nêu từ cách đây 2 năm, sau đợt giám sát của Quốc hội vào năm 2018. 

Báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về việc yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các UBND, chủ tịch UBND thực hiện quy định cử người đại diện tham gia tố tụng tại các phiên tòa hành chính, báo cáo của Bộ Tư pháp cho hay, Thủ tướng đã có chỉ đạo trực tiếp tại Hội nghị về công tác giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài được tổ chức ngày 19.5.2018.

 Theo đó, Thủ tướng cũng yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan hành chính, công chức khi có quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện phải thực hiện nghiêm túc luật Tố tụng hành chính, tham gia phiên tòa, tranh tụng, đối thoại, thi hành các bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật theo đúng quy định.

 Sau đó, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã có nhiều văn bản chỉ đạo; Bộ Tư pháp ban hành công văn; nhiều địa phương cũng có chỉ thị, công văn chỉ đạo; Bộ tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến với 19 địa phương và thành lập đoàn kiểm tra tại Hà Nội, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu... 

Tuy nhiên, theo Bộ Tư pháp thì “tỷ lệ chủ tịch UBND và người đại diện của UBND không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa còn cao và có xu hướng ngày càng tăng qua các năm”.

 Bộ Tư pháp cho biết, có những địa phương sau khi luật Tố tụng hành chính năm 2015 có hiệu lực thi hành (từ 1.7.2016, tới nay là 4 năm), Chủ tịch UBND làm văn bản ủy quyền thường xuyên cho phó chủ tịch tham gia tố tụng, sau đó phó chủ tịch cũng chưa tham gia bất kỳ phiên đối thoại hoặc phiên tòa nào.

 Cũng có những địa phương, sau khi nhận được thông báo thụ lý vụ án của tòa án, chủ tịch UBND hoặc phó chủ tịch UBND được ủy quyền có văn bản gửi tòa án đề nghị được vắng mặt trong tất cả các hoạt động tố tụng mà tòa án triệu tập.

 Tại một số địa phương, với phạm vi quản lý, điều hành lớn (như TP.Hà Nội, TP.HCM), lãnh đạo UBND các cấp rất khó sắp xếp lịch làm việc theo giấy triệu tập của tòa án để tham gia tất cả các giai đoạn của các vụ án hành chính. Không chỉ không chịu tham gia đối thoại, dự tòa, khi tòa tuyên án, nhiều chủ tịch UBND các cấp cũng không chịu thi hành các bản án.

 Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, trong 3 năm từ 2017 - 2019, cả nước 1.052 bản án mà người thi hành là các UBND, chủ tịch UBND các cấp và cơ quan hành chính nhà nước, đã có 713 bản án được thi hành, chiếm 68%. Số bản án chưa được thi hành là 339 bản án, chiếm 32%. Trong số này có tới 316 bản án mà người thi hành là chủ tịch UBND và UBND các cấp. (Thanhnien.vn 08/10, Lê Hiệp) Về đầu trang

Bộ Công an giải thích về việc có 9 thứ trưởng

Ngày 8-10, Bộ Công an tổ chức họp báo thông tin về Đại hội Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025.

 Tại cuộc họp, báo chí đặt vấn đề liên quan đến báo cáo vừa qua của Chính phủ, trong đó đề cập việc Bộ Công an hiện đang có chín thứ trưởng, vượt số lượng so với quy định.

 Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng kiêm Người phát ngôn Bộ Công an, cho biết đối với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, theo quy định được tối đa sáu thứ trưởng, trong trường hợp đặc biệt thì các cơ quan có thẩm quyền sẽ quyết định.

 Hiện tại, Bộ Công an đang có tổng cộng chín thứ trưởng, vượt quy định ba người. Theo ông Xô, việc bổ nhiệm vượt số lượng như trên là để chuẩn bị cho nhiệm kỳ tới. Bởi, trong số chín thứ trưởng hiện tại, thời gian tới sẽ có một số đến tuổi nghỉ hưu theo quy định.

 "Chắc chắn khi vào nhiệm kỳ mới, số lượng thứ trưởng sẽ không vượt quá quy định của Chính phủ" - Thiếu tướng Tô Ân Xô khẳng định.

 Cũng tại cuộc họp, báo chí đặt câu hỏi về kết quả của việc tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy tổ chức Bộ Công an.

 Đại tá Phạm Quang Tuyển, Cục phó Cục Tổ chức cán bộ, cho hay Bộ Công an đã thực hiện nghiêm các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương và đề xuất với Trung ương, Chính phủ ban hành các văn bản về việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. 

Đến nay, Bộ đã giảm 6 Tổng cục, 1 đơn vị tương đương cấp Tổng cục, 55 đơn vị cấp Cục, 22 đơn vị Cảnh sát PCCC cấp tỉnh, 7 trường, trong đó, có 1.014 đơn vị cấp phòng gồm 316 đơn vị thuộc cơ quan Bộ, 528 đơn vị thuộc CS PCCC, 170 phòng ở các trường, học viện...

 Đặc biệt, tổ chức bộ máy được sắp xếp tinh gọn, đồng bộ đảm bảo hoạt động nhịp nhàng, ổn định, giảm tầng lớp trung gian.

 Tính đến ngày 30-9-2020, Bộ Công an đã bố trí hơn 43.000 công an chính quy về hơn 8.600 đơn vị công an xã, tính trung bình là 5 công an chính quy/1 xã...

 Về tinh giản bộ máy, biên chế, theo Đại tá Tuyến, từ 2015 đến nay đã giảm được hơn 30.000 biên chế, trong đó, nghỉ hưu là hơn 19.000 người, thôi phục vụ trước thời hạn hơn 4.100 người, thực hiện chính sách tinh giản hơn 5.100 người, tinh giản theo Nghị định của Chính phủ là hơn 1.400 người. (Plo.vn 08/10, Tuyến Phan)Về đầu trang

Đảng viên sinh con thứ ba trở lên có phạm luật?

Phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM, ông P. (42 tuổi, ở quận 10, TP.HCM) cho biết ông là đảng viên, công tác tại một đội quản lý nhà nước thuộc TP.HCM, đã bị kỷ luật vì sinh con thứ tư. Ông P. thắc mắc: “Hành vi sinh con thứ tư của tôi có phải là hành vi vi phạm pháp luật ở mức nghiêm trọng hay không?”.

 Trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thị Mỹ Lệ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, cho biết: Điều 10 Pháp lệnh Dân số năm 2003 (được sửa đổi, bổ sung năm 2008 theo Pháp lệnh số 08/2008) có quy định rõ quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện cuộc vận động dân số và kế hoạch hóa gia đình. Theo đó, mỗi cặp vợ chồng sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định. 

Liên quan đến nội dung “trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định”, bà Lệ dẫn chứng Điều 2 Nghị định 20/2010 và Điều 1 Nghị định 18/2011 (sửa đổi khoản 6 Điều 2 Nghị định 20/2010) đã quy định những trường hợp không vi phạm quy định sinh một hoặc hai con. “Ông P. hiện là công chức nhà nước. Căn cứ hai nghị định nói trên, ông P. không nằm trong những trường hợp được sinh con thứ ba trở lên. Do vậy, ông P. đã vi phạm quy định sinh một hoặc hai con theo Pháp lệnh số 08/2008. Việc xử lý kỷ luật về mặt chính quyền đối với hành vi vi phạm chính sách dân số do cơ quan nơi ông P. đang công tác thực hiện” - bà Lệ cho biết thêm. 

Trong công văn trả lời thắc mắc của ông P., Vụ Pháp chế - Thanh tra thuộc Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) viện dẫn khoản 4 Điều 8 Luật Cán bộ, công chức quy định nghĩa vụ của cán bộ, công chức đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân có nội dung: “Chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước”. Việc ông P. sinh con thứ tư là đã vi phạm chính sách dân số của Đảng và Nhà nước. (Plo.vn 08/10, Trần Ngọc)Về đầu trang

Nghệ An: Đại biểu trẻ tuổi nhất dự Đại hội Đảng bộ tỉnh là công nhân

Trong số 450 đại biểu dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, đại biểu trẻ tuổi nhất là nữ công nhân 28 tuổi.

 Theo Văn phòng Tỉnh ủy Nghệ An, Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020-2025 có 450 đại biểu, trong đó đại biểu cao tuổi nhất là đồng chí Nguyễn Đình Minh (68 tuổi) - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Nghệ An; đại biểu ít tuổi nhất là đồng chí Đặng Thị Hiền (28 tuổi), công nhân Công ty CP Môi trường và công trình đô thị Nghệ An.

 Trong số 450 đại biểu, có 441 đại biểu (98,44%) trình độ Đại học; 3 đại biểu trình độ Cao đẳng; 2 đại biểu trình độ Trung cấp; 2 đại biểu công nhân, công nhân kỹ thuật. Có 2 đại biểu là Giáo sư, Phó Giáo sư; 14 người là Tiến sỹ, 177 Thạc sỹ. 

Về lý luận chính trị, có 364 đại biểu (81,25%) có trình độ cử nhân, cao cấp lý luận chính trị; trình độ Trung cấp lý luận chính trị 70 đại biểu và Sơ cấp lý luận chính trị 14 đại biểu.

 Theo kế hoạch Đại hội, có 73 đại biểu được đề cử bầu Ban chấp hành Đảng bộ khóa mới, trong đó 10 người có trình độ Tiến sĩ; Đại học 18 đồng chí; Thạc sĩ 45 đồng chí. 100% đại biểu thuộc danh sách đề cử có trình độ lý luận chính trị Cử nhân, cao cấp. (Laodong.vn 08/10, Quang Đại)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

TPHCM: Cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài chỉ còn 17 ngày

Ngày 7-10, tại Sở Tư pháp TP.HCM diễn ra lễ ký kết kế hoạch liên tịch về cải cách thủ tục hành chính của Sở này và Sở LĐ-TB&XH.

 Trước đó, ngày 7-7, UBND TP.HCM ra quyết định ban hành quy chế thực hiện liên thông nhóm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) và cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại TP.HCM.

 Theo quy chế được ký kết thì Sở LĐ-TB&XH là cơ quan đầu mối tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết đối với thủ tục hành chính liên thông. Sở Tư pháp TP.HCM tiếp nhận và giải quyết hồ sơ yêu cầu cấp phiếu LLTP do Sở LĐ-TB&XH chuyển đến.

 Trong thời hạn không quá 17 ngày làm việc (kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ), Sở LĐ-TB&XH trả kết quả cho người nộp hồ sơ (bao gồm phiếu LLTP và giấy phép lao động). Thời hạn này trước kia là 20 ngày. 

Việc thực hiện quy chế này góp phần thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC) giảm giấy tờ, rút ngắn thời gian giải quyết, tiết kiệm chi phí, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân trong việc thực hiện các thủ tục hành chính.

 Quy chế này cũng bảo đảm tính kịp thời, chính xác, thống nhất của các thông tin về nhân thân của cá nhân, hạn chế việc gây phiền hà, khó khăn cho người dân; đồng thời góp phần xóa bỏ các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu trong giải quyết thủ tục hành chính. (Plo.vn 07/10, Kim Phụng)Về đầu trang

Hà Nội: Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt 100%

Đây là kết quả đạt được sau 5 năm thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016-2020” của TP Hà Nội.

 Trong 5 năm qua, TP đã đầu tư đẩy mạnh việc hiện đại hóa nền hành chính. Nhờ đó, xếp loại mức độ ứng dụng CNTT của TP do Bộ Thông tin và truyền thông đánh giá tăng từ 12/63 tỉnh, TP (năm 2017) lên thứ 11/63 tỉnh, TP (năm 2018) và thứ 9/63 tỉnh, TP (năm 2019). 

Cụ thể, TP đã đầu tư đồng bộ, thống nhất máy tính, phần mềm cho các cơ quan từ TP đến xã, phường, thị trấn để phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Hiện nay, 100% cán bộ, công chức có máy tính phục vụ công tác, được cấp, khai thác, sử dụng hộp thư điện tử công vụ trao đổi thông tin trong công việc.

 100% Sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn sử dụng phần mềm quản lý văn bản kết nối, liên thông trên môi trường mạng; 96% văn bản trao đổi giữa các cơ quan hành chính Nhà nước được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng (trừ văn bản mật).

 TP tiếp tục duy trì Trung tâm dữ liệu Nhà nước Hà Nội, bổ sung 10 máy chủ cấu hình mạnh cho Trung tâm đồng thời thuê dịch vụ Trung tâm Dữ liệu hiện đại đảm bảo chuyên nghiệp, an toàn, bảo mật thông tin. Từ năm 2016, TP hoàn thiện, bước đầu khai thác, chia sẻ, kết nối 3/6 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi gồm: Cơ sở dữ liệu dân cư; Cơ sở dữ liệu dân cư quản lý DN của TP; Cơ sở dữ liệu dân cư quản lý bảo hiểm. Đồng thời, tự triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu và triển khai theo Bộ chuyên ngành trong 11 lĩnh vực khác.

 Trong lộ trình chuyển đổi, các cơ quan, đơn vị tiếp tục duy trì hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động. Đến nay, 100% các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP, UBND các quận, huyện, thị xã, trên 75% xã, phường, thị trấn, 85% đơn vị trực thuộc các Sở, ngành (đơn vị cấp 2) đã thực hiện công bố hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia.

 Bên cạnh đó, TP cũng hoàn thành bước đầu việc kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ công tác quản lý, điều hành và giải quyết TTHC cho người dân, DN như kết nối dữ liệu trong hỗ trợ, khuyến khích hỏa táng đã giảm bớt thủ tục, thời gian đi lại của công dân, giúp người dân tiết kiệm được hơn 5,2 tỷ đồng từ khi bắt đầu triển khai vào 1-9-2016.

 Đáng quan tâm, với tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt 100%, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng các TTHC cung ứng mức độ 3, 4 và kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia theo lộ trình lựa chọn dịch vụ công của Chính phủ, hướng tới cung cấp dịch vụ công không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính. (Phapluatxahoi.vn 08/10, Phương Thảo)Về đầu trang

Bình Dương: Người dân có thể "chat" với chính quyền phản ánh các vấn đề

Tỉnh Bình Dương đang đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng chính quyền điện tử. Mục tiêu hướng tới nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

 Ngày 8.10, thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương chính thức đưa vào hoạt động Cổng thông tin điện tử của thành phố. Đây là một trong những đơn vị đi đầu trong việc thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân tại tỉnh Bình Dương.

 Bà Nguyễn Thu Cúc - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Dầu Một cho biết, việc nâng cấp trang thông tin điện tử thành Cổng thông tin điện tử thành phố được thực hiện trên cơ sở lấy người dân và doanh nghiệp làm trọng tâm của chính quyền đô thị. 

Cổng thông tin điện tử đi vào hoạt động hỗ trợ tương tác tốt hơn giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp qua các ứng dụng Web, Mobile App, Facebook. Người dân có thể phản ánh hiện trạng thành phố bằng cách gửi thông tin hình ảnh, video. Qua các phản ánh này, các đơn vị sẽ tương tác, xử lý và phản hồi một cách nhanh nhất. (Laodong.vn 08/10, Đình Trọng)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Thu ngân sách 9 tháng lần đầu tiên suy giảm sau nhiều năm

Tác động từ dịch Covid-19, cùng với việc triển khai các gói hỗ trợ gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất cho doanh nghiệp và người dân khiến số thu ngân sách giảm mạnh so với cùng kỳ nhiều năm.

 Theo tin từ Tổng cục Thuế, tính đến hết tháng 9, tổng thu ngân sách từ ngành thuế ước đạt 833.165 tỷ đồng, đạt 66,4% so với dự toán, bằng 93% so với cùng kỳ năm 2019.

 Đây là lần đầu tiên thu ngân sách 9 tháng giảm so với cùng kỳ năm liền trước trong nhiều năm trở lại đây; trước đó là chuỗi tăng trưởng và đều đạt trên mức 100%.

 Trong tổng thu nói trên, khoản thu nội địa (trừ dầu thô) đạt 805.649 tỷ đồng, đạt 66,1% so với dự toán, bằng 94,5% so với cùng kỳ năm 2019.

 Trước đó, diễn biến thu tháng 8 bằng 82,7% so với cùng kỳ. Tháng 9, nếu loại trừ thuế GTGT được gia hạn thì số thu chỉ đạt 84,5% so với cùng kỳ.

 Trong đó, một số sắc thuế phản ánh tình hình kinh tế như thuế GTGT giảm 13,9% so với cùng kỳ, thuế TTĐB giảm 9,2% so với cùng kỳ. Nếu tính cả phần thuế TTĐB đối với ôtô sản xuất trong nước được gia hạn thì giảm 31,9% so với cùng kỳ. Thuế trước bạ giảm 45,4% so với cùng kỳ (do giảm 50% lệ phí trước bạ).

 Thực tế trên khiến thu ngân sách Trung ương trong 9 tháng mới đạt 370.000 tỷ đồng, bằng 62,3% dự toán. Ngân sách địa phương đạt 463.105 tỷ đồng, bằng 70,1% dự toán, bằng 95,1% so với cùng kỳ. (Cafef.vn 08/10)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Singapore trả tiền để công dân sinh con thời đại dịch COVID-19

Chính phủ Singapore sẽ cung cấp khoản tiền chi trả một lần để khuyến khích các cặp vợ chồng sinh con trong thời kỳ dịch COVID-19.

 Phó Thủ tướng Singapore ông Heng Swee Keat cho biết, sáng kiến này sẽ giúp trấn an những người có ý định sinh con nhưng đang phải đối mặt với áp lực tài chính và lo lắng về công việc không ổn định.

 Giới chức Singapore cho biết, đã nhận được nhiều phản hồi rằng dịch COVID-19 khiến một số bậc cha mẹ có nguyện vọng sinh con phải hoãn kế hoạch. Dù không nói rõ chính phủ sẽ trợ cấp khoản tiền bao nhiêu cho các cặp vợ chồng nhưng khoản tiền này sẽ giúp các bậc cha mẹ trang trải chi phí sinh con ban đầu, ít nhất có thể giúp họ vượt qua thời kỳ dịch bệnh.

 Theo cơ quan thống kê quốc gia, Singapore là một trong những quốc gia có tỉ lệ sinh thấp nhất trên thế giới, ở mức 1,14 ca sinh trên một phụ nữ. (VTV.vn 08/10, Nguyễn Mai)Về đầu trang./.

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Các tin khác