Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 07-7-2020

14:51, Thứ Ba, 7-7-2020

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 Tải file tại đây 

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 1

1.                Fitch: Việt Nam có khả năng phục hồi kinh tế vượt trội ở châu Á.. 1

2.                Truyền hình Đức: Vingroup góp phần khiến thế giới thay đổi cách nhìn về Việt Nam.. 2

3.                Bạc Liêu thu hút FDI: Chủ động đi tìm thay vì ngồi chờ… “đại bàng” đến. 3

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 4

4.                Không nên cơ cấu, bổ nhiệm cán bộ “dễ bảo”, làm tròn vai 4

5.                Tư duy phải theo kịp sự thay đổi 5

QUẢN LÝ.. 6

6.                Giám đốc công an không phải người địa phương - Cách làm trong sạch bộ máy. 6

7.                Hà Nội: Đổi mới cách thức thu hút và sử dụng người tài 7

8.                Đà Nẵng: 1 năm có tới hơn 11.000 cuộc họp. 8

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 9

9.                Giấy phép lái xe: Không gây phiền hà, phát sinh thủ tục. 9

10.             Bộ TT&TT đã đưa 100% dịch vụ công trực tuyến lên mức 4. 10

11.             Dễ dàng đóng, hưởng bảo hiểm xã hội qua dịch vụ công trực tuyến. 10

12.             Khánh Hòa: Số hóa trong giải quyết thủ tục hành chính. 11

13.             Đà Nẵng: Ti lệ công dân không hài lòng do phải tốn chi phí không chính thức còn cao. 12

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 14

14.             TP. Hồ Chí Minh: Thu ngân sách giảm 14,4%.. 14

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 15

15.             Chuyển VKSND tối cao điều tra vụ Phó Viện trưởng VKSND quận Hoàn Kiếm bị tố "ăn tiền". 15

16.             Đắk Nông: Khởi tố cán bộ thuế lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản. 15

17.             Nghệ An: Trưởng phòng TN&MT gây tai nạn khiến một người tử vong. 16

18.             Bình Thuận: Phó Phòng TN&MT TP Phan Thiết không bị khởi tố. 16

THẾ GIỚI 17

19.             Brazil: 18 tháng, thay 3 Bộ trưởng giáo dục. 17

 KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Fitch: Việt Nam có khả năng phục hồi kinh tế vượt trội ở châu Á

Fitch Ratings nhận định, Việt Nam là quốc gia nổi bật trong thị trường châu Á với khả năng phục hồi kinh tế và thành công vượt trội trong việc kiểm soát dịch COVID-19.

 Theo đó, Việt Nam sẽ có tiềm năng tăng trưởng kinh tế vượt trội so với nhiều nước trong khu vực. Fitch Ratings cho rằng, Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia nằm trong chỉ số Fitch ở châu Á - Thái Bình Dương dự kiến sẽ tăng trưởng kinh tế dương trong năm nay. 

Dữ liệu chính thức cho thấy GDP quý II của Việt Nam ước tăng khoảng 0,4%, mặc dù dịch bệnh đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực tới du lịch và xuất khẩu. Fitch cho rằng, số liệu là phù hợp với dự báo tăng trưởng 2,8% cả năm mà họ đã đưa ra trước đó.

 Ngoài ra báo cáo cũng cho rằng, Việt Nam cũng có thể sẽ được hưởng lợi từ dòng chuyển dịch sản xuất của các doanh nghiệp lớn từ nước ngoài, do những gián đoạn nguồn cung từ một số thị trường tương đồng trong khu vực. 

Bên cạnh đó, dù có thể có tác động tốt từ Hiệp định EVFTA có hiệu lực vào tháng 8 tới, nhưng theo Fitch, Việt Nam cũng cần chuẩn bị kỹ để tận dụng hiệu quả hiệp định này. (VTV.vn 06/7)Về đầu trang

Truyền hình Đức: Vingroup góp phần khiến thế giới thay đổi cách nhìn về Việt Nam

Tờ Forbes cho hay Vingroup là một doanh nghiệp rất thú vị. Một khi họ muốn làm điều gì đó thì ngay lập tức họ sẽ làm cho bằng được.

 Đại dịch COVID-19 có thể là thảm hoạ với nhiều doanh nghiệp trên phạm vi toàn cầu nhưng cũng là cơ hội tuyệt với những doanh nghiệp có sự linh hoạt và chiến lược kinh doanh đúng đắn. Đài Truyền hình DW (Đức) nhấn mạnh, VinFast, thương hiệu ô tô Việt thuộc Tập đoàn Vingroup là điển hình tiêu biểu của việc nhanh chóng phục hồi và có tiến bước nhanh sau khi Việt Nam thành công bước đầu khống chế dịch Covid-19. 

"Mọi nhân viên của VinFast đều đã làm việc ngày đêm, không quản ngại khó khăn” - Phó Tổng giám đốc VinFast – bà Nguyễn Thị Vân Anh tự hào chia sẻ về tinh thần làm việc của các cộng sự, coi đó chính là chìa khoá giúp VinFast vươn lên.

 Bất chấp sự ảnh hưởng khó khăn do đứt gãy về chuỗi cung ứng trên toàn thế giới, VinFast vẫn không thay đổi mục tiêu sản xuất xe trong năm 2020 là bán được tối thiểu 30.000 đến 35.000 xe ô tô và 100.000 xe máy điện. "Trong Quý 1/2020, chúng tôi vẫn bám sát mục tiêu. Vào thời điểm thực hiện giãn cách xã hội theo quyết định của Chính phủ Việt Nam, sản lượng sản xuất và tiêu thụ có sụt giảm nhẹ so với kế hoạch ban đầu, tuy nhiên VinFast đã chuẩn bị sẵn sàng lên kế hoạch sản xuất và thúc đẩy bán hàng ngay sau khi hết giãn cách xã hội nhằm bù lại sản lượng." - Bà Vân Anh khẳng định với DW.

 Sau 1 tháng trở lại làm việc, VinFast đã gây bất ngờ lớn với truyền thông trong nước và quốc tế khi công bố kết quả kinh doanh trong tháng 5/2020 với 2.100 xe đã bán ra. VinFast đã có 2 mẫu LUX A2.0 và Fadil đều nằm trong top 10 mẫu xe bán chạy nhất tại thị trường Việt Nam, chính thức soán ngôi của nhiều thương hiệu quốc tế vốn đã chiếm lĩnh thị trường nội địa nhiều năm qua.

 Chia sẻ về việc linh hoạt trong phát triển sản xuất và kinh doanh, bà Vân Anh khẳng định với DW: "Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống công nghiệp phụ trợ trong nước; Tái cơ cấu chuỗi cung ứng giảm sự phụ thuộc vào các nguồn cung bên ngoài; Đa dạng hóa Phương thức bán hàng, phát triển các hình thức bán hàng số online (thương mại số), ứng dụng thực tế ảo (VR), bán hàng bằng live stream (live broadcast), dịch vụ bán hàng qua điện thoại (video calling services)...; ứng dụng tự động hóa trong sản xuất, sử dụng robot và công nghệ để thay thế và hỗ trợ cho con người. Vấn đề này chúng tôi cũng tính đến ngay từ đầu, nhà máy của VinFast tự động hóa đến 90% ở các công đoạn sơn, hàn thân vỏ và động cơ...".

 Bên cạnh đó, ngay khi thế giới vẫn đang chống chọi với dịch bệnh ngày một nghiêm trọng, chiếc xe ô tô điện đầu tiên của Việt Nam mang thương hiệu VinFast đã chính thức chạy thử trên đường phố Hà Nội, đồng thời công bố kế hoạch bán dòng xe này tại thị trường Mỹ vào năm 2021. Trong khi giới chuyên gia phân tích còn đang ngỡ ngàng với kế hoạch của VinFast thì hãng xe này đã mở Viện Nghiên cứu và Phát triển Ô tô số 2 tại Australia, một bước đi chiến lược trong việc vươn ra toàn cầu.

 Bình luận về những bước tiến thần tốc và năng lực hiện thực hoá ý tưởng của Vingroup, truyền thông Mỹ đã dành rất nhiều sự đánh giá tốt về doanh nghiệp nằm phía bên kia bán cầu được dẫn dắt bởi tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Tờ Bloomberg (Mỹ) nhận định "Ông Vượng có khát vọng rất lớn, nhưng những khát vọng ấy đã được chứng minh qua thực tế”, còn tờ Forbes (Mỹ) cho hay "Vingroup là một doanh nghiệp rất thú vị. Một khi họ muốn làm điều gì đó thì ngay lập tức họ sẽ làm cho bằng được".

 Đài DW cũng ấn tượng với kế hoạch linh hoạt của VinFast khi sử dụng nguồn lực để sản xuất máy thở, ứng phó với đại dịch. Dù máy thở không còn quá cấp bách tại Việt Nam do dịch Covid-không còn quá nghiêm trọng, nhưng Vingroup sẽ gửi hàng nghìn máy thở cho Nga, Ukraina trong tháng 7 với ý nghĩa hỗ trợ nhân đạo.

 Với những điểm nhấn ấn tượng trong lĩnh vực công nghiệp và công nghệ, đài truyền hình DW (Đức) đã gọi Vingroup - "cha đẻ" của VinFast là tập đoàn đi đầu trong lĩnh vực công nghệ, công nghiệp tại Việt Nam. Vingroup có khát vọng nâng tầm Việt Nam bằng các sản phẩm công nghệ đẳng cấp quốc tế, cụ thể là các sản phẩm công nghệ cao như ô tô, thiết bị thông minh và các công trình khoa học công nghệ ngang tầm với các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới. 

Trong đại dịch, Việt Nam đã khẳng định là quốc gia có năng lực kiểm soát dịch bệnh và tái thiết nền kinh tế hàng đầu thế giới. Sau bước đầu khống chế đại dịch thành công, những thành tựu công nghệ, công nghiệp của Vingroup được coi là chỉ dấu cho sự hồi phục và trỗi dậy mạnh mẽ của quốc gia này. Có lẽ đã đến lúc thế giới cũng phải thay đổi cách nhìn về các doanh nghiệp và nền kinh tế tại Việt Nam. (VTV.vn 06/7)Về đầu trang

Bạc Liêu thu hút FDI: Chủ động đi tìm thay vì ngồi chờ… “đại bàng” đến

Để thu hút được dự án FDI quy mô lớn, tỉnh Bạc Liêu đã chủ động đi tìm thay vì ngồi chờ nhà đầu tư đến và tích cực hỗ trợ doanh nghiệp.

 Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh nhưng 6 tháng đầu năm nay, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam vẫn đạt kết quả khả quan với 1.418 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có tổng vốn hơn 8,4 tỷ USD.

 Điểm đáng chú ý là lần đầu tiên Bạc Liêu, địa phương thuộc vùng ĐBSCL đã vươn lên dẫn đầu cả nước về thu hút dòng vốn FDI.

 Với tổng vốn đầu tư hơn 4 tỷ USD, dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng Bạc Liêu được xem là điểm nhấn trong thu hút vốn đầu tư FDI từ đầu năm đến nay.

 "Dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng có tổng công suất là 3.200MW. Các thủ tục được thực hiện như dự kiến thì tất cả 3.200 MW sẽ hòa vào lưới điểm quốc gia vào năm 2027", ông Ian Nguyễn - Nhà đầu tư Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng Bạc Liêu nói.

 "Trung tâm này sẽ đóng góp sản lượng điện rất quan trọng khoảng 20 tỷ KWh hàng năm. Với việc đầu tư, khai thác dự án này sẽ thúc đẩy kinh tế cho khu vực ĐBSCL", ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công Thương nói.

 Để thu hút được dự án FDI quy mô lớn như vậy, trước đó Bạc Liêu đã kiên quyết loại bỏ dự án nhiệt điện Cái Cùng. Nét mới là tỉnh chủ động đi tìm thay vì ngồi chờ nhà đầu tư đến và tích cực hỗ trợ doanh nghiệp.

 "Chúng tôi đã Đôn đốc các ngành, địa phương trong giải phóng mặt bằng, cơ chế tính giá… Ngoài ra, chúng tôi liên hệ rất chặt chẽ với các Bộ, ngành địa phương để hỗ trợ nhà đầu tư", ông Dương Thành Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết.

 Hiện mỗi năm thu ngân sách của Bạc Liêu là hơn 3.200 tỷ đồng. Sau khi dự án FDI trên chính thức vận hành thương mại, địa phương sẽ tự cân đối được ngân sách. Quan trọng hơn, việc thu hút được các dự án FDI quy mô lớn cho thấy, Việt Nam đang trở thành nơi đầu tư an toàn, hấp dẫn, trong đó Bạc Liêu là một điểm sáng. (VTV.vn 06/7)Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

Không nên cơ cấu, bổ nhiệm cán bộ “dễ bảo”, làm tròn vai

Có một thực tế là hiện nay nhiều cán bộ, công chức yếu về chuyên môn, thiếu năng lực, kỹ năng công tác hoặc chỉ làm ‘tròn vai’, ngại va chạm, đột phá, quyết đoán trong công việc nhưng vẫn được đề bạt, bố trí vào các vị trí lãnh đạo, quản lý. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng sai phạm, tiêu cực, cố ý làm trái xảy ra ngày càng nhiều, quy mô, thiệt hại ngày càng lớn.

 Ngoài nguyên nhân như bè phái, cục bộ hay họ hàng, thân thích thì mục đích việc bố trí những người kém năng lực là để dễ dàng... sai khiến. Những người này thường không có chính kiến, “ba phải” hoặc sẳn sàng thực hiện công việc sai nguyên tắc, thậm chí hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm theo ý muốn của người đứng đầu, cấp trên.

 Có thể khẳng định rằng tiêu chí quan trọng nhất của cán bộ, công chức ngoài đáp ứng về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành nhiệm vụ được giao thì phải có khả năng tư duy, có lập trường và quyết đoán. Do đó, việc sử dụng những cán bộ giữ chức danh chủ chốt trong các cơ quan, đơn vị mà không có chính kiến, dễ dàng để người khác sai khiến, làm bất cứ việc gì dù sai trái, vi phạm pháp luật là rất nguy hiểm.

 Trước hết, họ khó điều hành được cơ quan, đơn vị và quản lý tốt nhân viên dưới quyền.Dưới sự lãnh đạo, quản lý của những người như thế này thì nguy cơ rất cao sẽ đẩy cơ quan, đơn vị phụ trách vào con đường sai trái, vi phạm pháp luật hoặc không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nhiều người vì không có năng lực, không có lập trường, quyết đoán trong công việc nên đã bị những kẻ vụ lợi, ích kỷ giật dây, dắt mũi khi ra các quyết định sai trái hoặc thiếu quyết đoán, quyết liệt khi thực hiện nhiệm vụ được giao làm giảm hiệu quả công tác, khả năng phục vụ nhân dân.

 Mặc dù thời gian gần đây, tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn đã bị xử lý và có xu hướng giảm nhưng việc bổ nhiệm cán bộ “dễ bảo”, vẫn diễn ra nơi này, nơi kia. Đáng buồn hơn là nhiều trường hợp cán bộ yếu chuyên môn, thiếu kinh nghiệm, không có uy tín nhưng vẫn được đề bạt, bố trí vào các chức vụ cao, vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị.

 Cán bộ yếu năng lực, không có chính kiến, quyết liệt chính là nguyên nhân làm cho hiệu quả hoạt động, chất lượng phục vụ công dân, tổ chức của cơ quan nhà nước giảm đi. Đây là rào cản lớn đối với công cuộc cải cách thủ tục hành chính, đổi mới hoạt động của bộ máy nhà nước, nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.

 Vì vậy, cơ quan có thẩm quyền cần kiên quyết chấn chỉnh, tuyệt đối không nên bố trí, bổ nhiệm những cán bộ thiếu năng lực, không có chính kiến hoặc “ba phải” vào các chức vụ quan trọng, chủ chốt trong bộ máy nhà nước. (Dantri.com.vn 06/7, Vĩnh Linh)Về đầu trang

Tư duy phải theo kịp sự thay đổi

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực từ ngày 1-7-2020.  Những viên chức tuyển dụng sau ngày luật có hiệu lực sẽ thực hiện làm việc theo hợp đồng xác định thời hạn, đồng nghĩa không còn tình trạng “viên chức suốt đời”. Suy nghĩ bấu víu vào Nhà nước để hưởng lợi theo đó sẽ không còn tồn tại.

 Sự thay đổi này được nhìn nhận là bước chuyển đáng hoan nghênh, nhưng đòi hỏi đi kèm với sự thay đổi của luật phải là thay đổi trong suy nghĩ của những người thực thi và chịu sự điều chỉnh của luật. Thực hiện nghiêm quy định sẽ không còn nhiều người phải ấm ức nữa, đồng tiền ngân sách Nhà nước bỏ ra để trả lương cho viên chức cũng trở nên xứng đáng hơn.

 Tôi nhớ một số lần mình từng rơi vào tình trạng ấm ức khi trở thành thiểu số trong những hội nghị đánh giá cán bộ dịp cuối năm. Dù đã gợi ý về mức độ hoàn thành công việc của một số cán bộ cấp dưới, nhưng những viên chức không hoàn thành nhiệm vụ vẫn nhận được những lá phiếu “tình cảm” để hợp thức cho mức độ hoàn thành công việc của họ, đồng nghĩa họ sẽ chẳng sao cả.

 Làm vậy vì nhiều viên chức biết có nhận xét tốt cho người khác thì mình cũng mới được nhận xét tốt và cuối cùng là cả cơ quan đều hoàn thành tốt nhiệm vụ. Sự đồng thuận kiểu “lợi anh, lợi tôi” ấy khiến cho không ít lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo phòng, ban trở nên cô đơn, ức chế.

 Quy định về mối quan hệ lao động trước đây chưa thật rõ ràng, sau khi viên chức được tuyển dụng chính thức hợp đồng được ký thường không xác định thời hạn lao động cụ thể, nên khó cho phép người sử dụng lao động có thể loại bỏ ra khỏi đơn vị những viên chức không có năng lực, ý thức kỷ luật, trừ trường hợp thật đặc biệt.

 Từ ngày 1-7-2020 viên chức được tuyển dụng làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập sẽ phải ký bản hợp đồng lao động với thời hạn tối đa chỉ 60 tháng/lần. Đây là thay đổi lớn, đánh vào tư tưởng cứ có chỗ đứng là chắc chân, không có động lực phấn đấu nữa. Bây giờ hết hạn hợp đồng mà không đáp ứng được yêu cầu công việc, thì dù cho có những lá phiếu theo kiểu “bùa phép” kia cũng mời anh nghỉ.

 Thực hiện nghiêm quy định không chỉ tạo ra công bằng giữa cống hiến với hưởng thụ mà còn siết lại kỷ luật, kỷ cương công sở. Mà muốn vậy thì tư duy của cả người sử dụng lao động lẫn viên chức phải khác trước kia. Đó mới chính là điều được mong chờ, nhằm tạo ra môi trường để luật thực sự đi vào cuộc sống. (Baothanhhoa.vn 04/7, An Nhiên)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Giám đốc công an không phải người địa phương - Cách làm trong sạch bộ máy

Trong 6 tháng đầu năm, Bộ Công an đã luân chuyển, điều động, bổ nhiệm 33 giám đốc công an tỉnh không là người địa phương, 29 cục trưởng và tương đương.

 Hai nội dung quan trọng nhất của mỗi kỳ Đại hội Đảng là công tác văn kiện và công tác nhân sự, đặc biệt việc chuẩn bị nhân sự Đại hội có vị trí, ý nghĩa cực kỳ quan trọng, là nhân tố bảo đảm thành công của Đại hội và triển khai thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đại hội. Báo chí trong tuần có nhiều bài viết đề cập đến vấn đề quan trọng này, qua nhiều góc nhìn và những sự việc khác nhau.

 Trang nhất của tờ Tuổi trẻ ra ngày 29/6 gây chú ý với dòng tít nổi bật: "Giám đốc công an không phải là người địa phương: cần nhân rộng" khi bàn về quá trình kiện toàn nhân sự chuẩn bị cho Đại hội Đảng sắp tới.

 Trên Tờ Tuổi trẻ, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đánh giá, các tân Giám đốc công an từ nơi khác về thường có quyết tâm cao, lại chưa phải đối diện với những tác động "thân hữu", "cánh hẩu" nên thuận lợi hơn trong triển khai các chủ trương công tác.

 Ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cũng cho rằng đây là một động thái tích cực, thực hiện đúng theo quyết định số 98 của Bộ Chính trị quy định về luân chuyển cán bộ. Theo ông, các chức danh như bí thư các địa phương (tỉnh, thành phố, quận, huyện) và giám đốc công an càng không nên bố trí người địa phương.

 Sau những vụ lùm xùm và một số lãnh đạo Công an Ðồng Nai bị kỷ luật, cuối tháng 11 năm ngoái, đại tá Vũ Hồng Văn - Giám đốc Công an tỉnh Ðắk Lắk - được Bộ Công an điều động về làm Giám đốc Công an Ðồng Nai. Sau đó, ông Văn đã có hàng loạt hoạt động, như chấn chỉnh ngay Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Ðồng Nai vốn tai tiếng trong nhiều năm, phát động ra quân trấn áp tội phạm.

 Có thể thấy, trong hơn nửa năm nhậm chức, vị giám đốc này đã làm được nhiều việc, chỉ huy phá nhiều vụ án "cưỡng đoạt tài sản", "xe vua" và chỉ đạo phá nhiều sòng bạc, cho vay nặng lãi, ma túy...

 Chia sẻ với tờ Tuổi trẻ, Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng, Giám đốc công an được điều chuyển từ địa phương khác đến về cơ bản sẽ tránh được ảnh hưởng tiêu cực của mối quan hệ bà con, gia tộc để thực thi công vụ khách quan và công tâm hơn. (Kênh VTV1 – Toàn cảnh Báo chí lúc 7h sáng 05/7)Về đầu trang

Hà Nội: Đổi mới cách thức thu hút và sử dụng người tài

Là đầu tàu kinh tế của cả nước, nhiệm vụ của TP Hà Nội phải huy động các nguồn lực, trong đó có nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô. Nhiều năm qua, việc thu hút nhân tài, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực luôn được thành phố quan tâm phát triển, tuy nhiên các giải pháp vẫn chưa đem lại kết quả thực chất.

 Nhìn lại công tác thu hút nhân tài của thành phố trong những năm qua, Hà Nội đã rất nỗ lực và có nhiều chính sách thu hút người tài vào làm việc trong cơ quan công quyền của thành phố. Trong quá trình làm việc, ngoài chế độ chung của Nhà nước, UBND thành phố còn chỉ đạo các sở, ban, ngành nơi tiếp nhận thủ khoa chủ động giao các công trình nghiên cứu khoa học cho thủ khoa đảm nhận. Bên cạnh đó, theo quy định là cán bộ, công chức phải có 5 năm công tác mới được đi học tiếp, thì với thủ khoa vừa về làm việc mà có nhu cầu học sau đại học, UBND thành phố Hà Nội vẫn đồng ý kèm theo chế độ hỗ trợ lương tối thiểu mỗi tháng cùng toàn bộ học phí. Khi bảo vệ luận văn thạc sĩ, tiến sĩ, các thủ khoa sẽ được hỗ trợ lương... Nhiều thủ khoa được tuyển dụng đã được hỗ trợ kinh phí học lên sau đại học; nhiều trường hợp được hỗ trợ kinh phí đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài.

 Nhờ đó trong vài năm gần đây, số lượng tài năng trẻ trong diện thu hút tuyển dụng có đủ điều kiện tiêu chuẩn về năng lực, trình độ, được quy hoạch là cán bộ lãnh đạo quản lý trong các cơ quan, đơn vị tăng đáng kể. Đã có hàng chục cán bộ, công chức, viên chức được bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo quản lý từ cấp phòng, ban trở lên. Các thủ khoa xuất sắc, cùng với đội ngũ văn nghệ sĩ, vận động viên xuất sắc và các đối tượng trong diện được thành phố tuyển dụng đặc cách qua đánh giá nhận xét từ các cơ quan, đơn vị tiếp nhận đã nhanh chóng tiếp cận công việc mới, hoàn thành tốt công việc được giao, có khả năng phát triển tốt, nhất là ở các lĩnh vực: Y tế, văn hóa, giáo dục. 

Dù vậy, nhiều thủ khoa chỉ chấp nhận đi làm tạm thời cho các cơ quan nhà nước. Năm 2010, UBND thành phố tuyển dụng bốn thủ khoa vào làm việc tại Sở Tư pháp, Sở Thông tin - Truyền thông, Nhà hát Chèo và UBND huyện Ba Vì, song sau đó không bao lâu đã có ba người chuyển công tác vì nhiều lý do.

 Tại buổi làm việc với Thành đoàn Hà Nội vào tháng 3-2020, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã yêu cầu Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp Thành đoàn và các cơ quan liên quan tổng kết, đánh giá việc thực hiện chính sách thu hút, tuyển dụng nhân tài, qua đó đề xuất HĐND, UBND thành phố xây dựng hồ sơ đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua cơ chế đặc thù trong tuyển dụng công chức, viên chức đối với Thủ đô Hà Nội. Đồng chí Vương Đình Huệ cho biết, Hà Nội sẽ có cách làm mới trong thu hút nhân tài, thay đổi hơn so với giai đoạn vừa qua. Sắp tới, Hà Nội sẽ lựa chọn nhân sự, cán bộ đủ tiêu chuẩn đang công tác tại các đơn vị thuộc hệ thống chính trị của thành phố để gửi đi đào tạo bài bản, chuyên sâu hơn tại nước ngoài. 

 Trước băn khoăn về việc di dời các trường đại học, học viện, cao đẳng ra khỏi nội đô sẽ làm “di cư” nguồn nhân lực chất lượng cao, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, Hà Nội đang cân nhắc một số phương hướng giải quyết việc di dời các trường học theo cách mới. Chẳng hạn, sau khi các trường học di dời ra khỏi nội đô, thì cơ sở cũ của các đơn vị này sẽ được sử dụng để xây dựng thành đầu mối đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đầu mối về quan hệ giao dịch quốc tế. (Nhân dân 06/7, Mai Thanh)Về đầu trang

Đà Nẵng: 1 năm có tới hơn 11.000 cuộc họp

Trong năm 2019, các cấp chính quyền tại Đà Nẵng có 11.183 cuộc họp, tổng thời gian dành cho việc tổ chức họp là 180.000 giờ.

 Số liệu thống kê, báo cáo cho thấy trong năm 2019, các cấp chính quyền tại Đà Nẵng có 11.183 cuộc họp. Tổng thời gian dành cho việc tổ chức họp là 180.000 giờ, tương ứng 22.500 ngày làm việc.

 Đây là con số vừa được Ban Pháp chế - HĐND TP Đà Nẵng nêu ra trong báo cáo thẩm tra gửi kỳ họp thứ 15, HĐND TP khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 vừa khai mạc sáng 6-7.

 Từ con số trên, Ban Pháp chế nhận định: Tình trạng hội họp tuy có giảm nhưng chưa đáng kể.

 Cũng theo báo cáo, tình hình chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính trong một bộ phận cán bộ chưa nghiêm. Một số cơ quan, đơn vị vẫn chưa thực hiện quyết liệt các nội dung công việc do lãnh đạo TP Đà Nẵng giao.

 Nhiều nhiệm vụ được giao quá hạn nhưng chưa hoàn thành. Đáng kể là Sở TN&MT có 86 nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành (tỉ lệ 14,63%), Sở Y tế có 20 nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành (tỉ lệ 14,60%)…

 “Việc giải quyết hồ sơ của công dân, tổ chức trễ hạn còn nhiều nhưng thực hiện văn hóa xin lỗi chưa thật sự nghiêm túc, đầy đủ” - Ban Pháp chế nhấn mạnh.

 Qua khảo sát, tỉ lệ công dân, tổ chức không hài lòng do phải tốn chi phí không chính thức, do thái độ phục vụ, hướng dẫn của công chức, do phải đi lại nhiều lần, thời gian trả không đúng quy định còn tương đối cao.

 Trong đó, lý do không hài lòng do phải tốn chi phí không chính thức tại Cục thuế TP chiếm 33,33%, Sở Y tế chiếm 1,41%. 100% công dân được khảo sát không hài lòng về thái độ phục vụ, hướng dẫn của công chức tại bộ phận tiếp nhận của Sở Công Thương.

 Từ thực trạng trên, Ban Pháp chế đề nghị UBND TP siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính. Xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân, tổ chức thiếu tích cực, để chậm trễ, tồn đọng nhiệm vụ công việc được giao, công khai rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng. 

UBND TP Đà Nẵng cần cải tiến chế độ hội họp, tăng cường tổ chức họp trực tuyến, sớm ban hành Đề án họp trực tuyến nhằm tiết kiệm thời gian, nguồn lực.

 “Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực thi công vụ. Thực hiện nghiêm văn hóa xin lỗi, phê bình, không xem xét các danh hiệu thi đua, đề bạt, bổ nhiệm trong năm, xem xét điều chuyển vị trí công tác” - Ban Pháp chế đề nghị. (Plo.vn 06/7)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Giấy phép lái xe: Không gây phiền hà, phát sinh thủ tục

Những ngày gần đây, dư luận đang xôn xao trước thông tin cho rằng những người lái xe máy SH, Exciter... với dung tích xi lanh trên 125cm3 sẽ phải thi lại Giấy phép lái xe và người đang sử dụng bằng lái B1 sẽ không được lái ô tô theo đề xuất tại Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Vậy, thực hư vấn đề này như thế nào?

 Theo quy định hiện hành có tất cả 12 hạng giấy phép lái xe, bao gồm: A1, A2, A3, A4, B1 (B1 số tự động và B1), B2, C, D, E, FB2, FD, FE. Còn tại Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Bộ Giao thông và Vận tải đang đề xuất chia giấy phép lái xe thành 17 hạng khác nhau gồm: A0, A1, A, B1, B2, B, C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E và DE.

 Như vậy có thể thấy, điểm mới tại Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) là Bộ Giao thông và Vận tải đề xuất quy định có thêm giấy phép lái xe hạng A0 cấp cho người lái xe xe gắn máy (kể cả xe máy điện) có dung tích xi lanh dưới 50cm3 hoặc có công suất động cơ điện không vượt quá 4kw. Hạng A1 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 50- 125cm3 hoặc có công suất động cơ điện trên 04 - 11kw và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A0. Hạng B1 cấp cho người lái xe mô tô ba bánh và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A0, A1.

 Trao đổi trên báo chí về vấn đề xuất này, Vụ trưởng vụ Quản lý phương tiện và người lái, Tổng cục Đường bộ Việt Nam Lương Duyên Thống cho biết: việc thay đổi các hạng giấy phép lái xe bản chất chỉ là thay tên cho phù hợp với quốc tế, tạo điều kiện cho việc sử dụng bằng lái của Việt Nam ở nước ngoài và bằng lái nước ngoài tại Việt Nam. Việc thay đổi này cũng bảo đảm thực hiện các cam kết của Chính phủ Việt Nam đã ký kết khi tham gia Công ước Viên 1968 về giao thông đường bộ. Theo đó, việc điều chỉnh phân hạng giấy phép lái xe không ảnh hưởng, phát sinh thủ tục và chi phí cho người dân, những ai đang sở hữu giấy phép lái xe B1 thì vẫn được lái xe ô tô như bình thường. Người dùng sẽ không phải thi lại bằng, đổi bằng. Đối với người đã được cấp giấy phép lái xe thì vẫn giữ nguyên giá trị, được sử dụng cho đến khi hết thời hạn.

 Tuy nhiên, nhìn từ thực tiễn, các chuyên gia giao thông cho rằng, việc phân loại giấy phép lái xe như hiện nay đã ổn định, phù hợp với điều kiện thực tế. Do đó, không cần thiết phải có tới 17 hạng giấy phép lái xe vì việc thay đổi, phát sinh các loại giấy phép lái xe mới chỉ gây thêm phiền toái cho người dân, vừa tốn kém về chi phí, vừa mất thời gian. Luật cần dễ hiểu với số đông người dân thì mới dễ thực thi. Chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh cho rằng: việc phân hạng theo dự thảo mới, người dân sẽ càng thấy phức tạp, cơ quan chức năng cũng quản lý khó khăn hơn trước. Đơn cử, loại bằng B1 cấp cho người lái ôtô đã quen thuộc với người dân, nay chỉ cấp cho xe ba bánh. Điều này đồng nghĩa với việc sau khi thay đổi loại bằng lái, người dân có thể phải thi đổi bằng gây lãng phí. Hay như việc cấp bằng lái A0 cho xe dưới 50cc và xe điện, vì quy định này bắt buộc học sinh phải học và thi lấy bằng lái xe, sẽ gây phiền hà và tốn kém cho nhiều gia đình, có thể nảy sinh tiêu cực...

 Sau hàng loạt các vụ tai nạn giao thông có liên quan đến bằng lái xe thời gian gần đây, việc kiểm soát chặt việc cấp giấy phép lái xe là cần thiết. Song thiết nghĩ, chỉnh sửa và đưa thêm những loại bằng mới thì đơn vị đề xuất cần nghiên cứu, đánh giá cụ thể tính cần thiết, hiệu quả đem lại và mức độ ảnh hưởng trên các mặt khi triển khai thực hiện, tránh trường hợp thêm bằng để lại phát sinh thủ tục hành chính, gây phiền hà cho người dân, đi ngược lại tinh thần cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp của Chính phủ. (Đại biểu nhân dân 05/7, Trần Hải)Về đầu trang

Bộ TT&TT đã đưa 100% dịch vụ công trực tuyến lên mức 4

Tại hội nghị sơ kết công tác thông tin và truyền thông 6 tháng đầu năm và xác định phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 diễn ra ngày 6/7, Bộ TT&TT đã công bố hoàn thành cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. 

Theo Nghị quyết 17 ngày 7/3, Chính phủ đã yêu cầu đến cuối năm 2020 tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 4.

 Tháng 11/2019, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ đạo Trung tâm thông tin của Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp cùng Cục Tin học hóa, các đơn vị liên quan xây dựng mô hình Bộ điện tử với mục đích thí điểm cách làm mới, cùng một số nhiệm vụ về Chính phủ điện tử. 

Bộ đã hoàn thành mục tiêu đưa 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trước thời hạn 1 năm, nhưng lãnh đạo Bộ chỉ đạo phải tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện để có thể đưa toàn bộ dịch vụ công trực tuyến của Bộ lên mức độ 4.

 Đến cuối tháng 6/2020, Bộ TT&TT đã hoàn thành việc đưa 100% dịch vụ công thuộc thẩm quyền của mình  lên cung cấp trực tuyến mức độ 4 tập trung trên Cổng dịch vụ công của Bộ tại địa chỉ https://dichvucong.mic.gov.vn.

 Cùng với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ TT&TT là một trong hai bộ, ngành đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia, bao gồm: Đăng nhập một lần; Đồng bộ hồ sơ; Xử lý Hồ sơ;Thanh toán trực tuyến. Đã có 14 dịch vụ công trực tuyến của Bộ TT&TT được cung cấp ở cổng này, đứng thứ 4 về số lượng trong các bộ, ngành.

 Kết quả triển khai dịch vụ công trực tuyến ở Bộ TT&TT cũng cho thấy hiệu quả của cách làm mới. Sự thay đổi cách làm thể hiện ở chỗ: Thay vì làm đơn lẻ, rời rạc từng dịch vụ công, từng hệ thống dịch vụ công, Bộ TT&TT đã triển khai một nền tảng thống nhất với các chức năng, thành phần dùng chung, kết nối, đáp ứng những yêu cầu về chia sẻ, đồng bộ dữ liệu. (Ictnews.vietnam.net.vn 06/7)Về đầu trang

Dễ dàng đóng, hưởng bảo hiểm xã hội qua dịch vụ công trực tuyến

Nhiều dịch vụ công cơ bản như: cấp lại thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) mất, hỏng; giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần; giải quyết chế độ lương hưu, tử tuất… đang được ngành BHXH triển khai trực tuyến tại địa chỉ https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn.

 Với mong muốn tạo thuận lợi cho người dân, giúp giảm thời gian và chi phí khi thực hiện dịch vụ công về BHXH), BHYT, ngành BHXH đã và đang tiếp tục cung cấp các dịch vụ công trực tuyến tại địa chỉ https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn.

 Tại đây, người dân có thể thực hiện các dịch vụ công cơ bản như: Cấp lại thẻ BHYT do hỏng, mất; Giải quyết hưởng BHXH một lần; Giải quyết hưởng trợ cấp một lần đối với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng ra nước ngoài để định cư; Giải quyết hưởng chế độ tử tuất; Giải quyết hưởng tiếp lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng đối với người chấp hành xong hình phạt tù, người xuất cảnh trái phép trở về nước định cư hợp pháp, người được Tòa án hủy quyết định tuyên bố mất tích. 

Người dân cũng có thể thực hiện các dịch vụ công để giải quyết di chuyển đối với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng và người chờ hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng từ tỉnh này đến tỉnh khác; Giải quyết điều chỉnh thông tin về nhân thân đối với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng; Điều chỉnh, hủy quyết định, chấm dứt hưởng BHXH; Giải quyết hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 613/QĐ-TTg; Giải quyết hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 91/2000/QĐ-TTg; Người hưởng lĩnh chế độ BHXH hàng tháng bằng tiền mặt chuyển sang lĩnh bằng tài khoản cá nhân và ngược lại, hoặc thay đổi tài khoản cá nhân, hoặc thay đổi nơi nhận trong địa bàn tỉnh...

 Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc thực hiện các dịch vụ công về BHXH, BHYT, BHXH Việt Nam đã thực hiện 02 motion graphic: “Hướng dẫn đăng ký tài khoản trên Cổng Dịch vụ công BHXH Việt Nam” và “Hướng dẫn kê khai hồ sơ trên Cổng Dịch vụ công BHXH Việt Nam” đối với cá nhân. (Thanhtra.com.vn 05/7, T.Kiên)Về đầu trang

Khánh Hòa: Số hóa trong giải quyết thủ tục hành chính

Với khối lượng hồ sơ tiếp nhận rất lớn, để đáp ứng nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của tổ chức, công dân, UBND TP. Nha Trang đã chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

 Những năm qua, UBND thành phố luôn quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, ứng dụng CNTT, duy trì hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO để từng bước nâng cao hiệu quả cải cách hành chính. Bộ phận một cửa UBND thành phố được bố trí máy tính nối mạng phục vụ tổ chức, cá nhân đến giao dịch, thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

 Khu vực này cũng được trang bị hệ thống camera theo dõi; máy lấy số xếp hàng tự động; các màn hình cảm ứng để tra cứu thông tin TTHC, kết quả giải quyết. Các trụ sở, bộ phận một cửa cấp xã cũng được sửa chữa... Việc giải quyết các TTHC đều tuân theo quy trình thiết lập trên phần mềm Một cửa điện tử.

 Trên trang thông tin điện tử của thành phố cũng đăng tải thông tin đường dây nóng tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của tổ chức, công dân cũng như kết quả xử lý; đồng thời có chuyên mục TTHC cấp huyện, cấp xã; cập nhật, điều chỉnh các liên kết TTHC đến Cổng Dịch vụ công quốc gia. Các TTHC không chỉ được niêm yết trên bảng, in thành tài liệu đặt tại bàn viết hồ sơ mà còn hiển thị trên màn hình cảm ứng.

 Hiện nay, thành phố đã có 63 cơ quan, đơn vị có mạng WAN, LAN, được kết nối vào mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan đảng, nhà nước; 51 cơ quan sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành; 38 cơ quan (không tính ngành dọc trên địa bàn) sử dụng phần mềm Một cửa điện tử trong tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, TTHC; 10/11 cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP. Nha Trang áp dụng hệ thống quản lý chất lượng; 100% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng... 

Hệ thống quản lý chất lượng tại các UBND cấp xã được nghiệm thu và công nhận đạt chuẩn năm 2017, giúp kiểm soát quá trình giải quyết hồ sơ, duy trì tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn của cấp xã từ năm 2017 đến nay dưới 3%. Thành phố đã có 18/19 TTHC phát sinh hồ sơ trực tuyến. Việc thanh toán trực tuyến phí, lệ phí TTHC cũng được triển khai từ cuối năm 2019.

 Nha Trang là địa phương có số lượng hồ sơ tiếp nhận và giải quyết TTHC rất lớn. Trung bình hàng tháng, bộ phận một cửa của thành phố tiếp nhận, giải quyết khoảng 3.000 hồ sơ, bằng tổng số hồ sơ tiếp nhận của các địa phương khác trong tỉnh. Trên địa bàn thành phố hiện  nay có hơn 100 dự án triển khai liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, kéo theo phát sinh rất nhiều công việc.

 Tuy số biên chế được giao còn hạn chế (123 người), nhưng nhờ UBND TP. Nha Trang đẩy mạnh tiếp nhận, giải quyết hồ sơ theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, ứng dụng CNTT, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008, triển khai nộp hồ sơ trực tuyến, thanh toán trực tuyến... nên vẫn đạt được hiệu quả đáng kể.

 Từ năm 2016 đến nay, UBND thành phố đã tiếp nhận, giải quyết gần 9.500 hồ sơ trực tuyến. Các UBND cấp xã đã tiếp nhận hơn 2.800 hồ sơ trực tuyến, đạt 49,94%. Riêng 6 tháng đầu năm nay, thành phố tiếp nhận hơn 1.600 hồ sơ trực tuyến, đạt 46,43% và phát sinh 143 hồ sơ thanh toán trực tuyến.

 Trong 10 năm qua, tuy chỉ số xếp hạng cải cách hành chính và chỉ số hài lòng của UBND thành phố đều duy trì mức khá nhưng tỷ lệ hồ sơ trễ hạn giảm đáng kể. Năm 2011, tỷ lệ hồ sơ trễ hạn tới 12,07%, đến năm 2019 giảm còn 5,84%. Từ năm 2016 đến nay, số lượng hồ sơ trực tuyến của UBND thành phố và UBND cấp xã tiếp nhận ngày càng nhiều, năm 2018 và 2019 đều vượt chỉ tiêu UBND tỉnh giao. (Baokhanhhoa.vn 06/7)Về đầu trang

Đà Nẵng: Ti lệ công dân không hài lòng do phải tốn chi phí không chính thức còn cao

Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Đà Nẵng cho biết, qua khảo sát mức độ hài lòng đối với dịch vụ hành chính công của TP cho thấy, tỷ lệ công dân, tổ chức không hài lòng do phải tốn chi phí không chính thức, do thái độ phục vụ, hướng dẫn tại bộ phận tiếp nhận, do phải đi lại nhiều lần, thời gian trả không đúng quy định còn tương đối cao.

 Phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 15 HĐND TP khóa IX sáng 6/7, ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng nêu rõ, do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, nhất là ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, lần đầu tiên sau 23 năm trở thành TP trực thuộc Trung ương (tháng 1/1997), kinh tế Đà Nẵng tăng trưởng âm 3,61%, các chỉ tiêu thành phần cũng đều tăng trưởng thấp so vớikế hoạch.

 Theo ông Nguyễn Nho Trung, việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai các dự án đầu tư vẫn chưa chuyển biến tích cực, vẫn còn nhiều dự án công trình trọng điểm triển khai chậm tiến độ, tỉ lệ giải ngân vốn xây dựng cơ bản tính đến nay vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. 

Bên cạnh đó, nhiều bất cập trên các lĩnh vực, như quy hoạch treo, quản lý đất đai, xây dựng, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, rác thải, nước sạch, trật tự đô thị… vẫn chưa được tập trung giải quyết căn cơ; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm và tệ nạn ma túy, trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hoạt động băng nhóm chuyên nghiệp gia tăng...

 Đặc biệt, ông Nguyễn Nho Trung nhấn mạnh: “Một bộ phận cán bộ làm việc còn cầm chừng, chưa yên tâm, thiếu nhiệt huyết, thiếu tinh thần trách nhiệm, việc chấp hành kỷ luật kỷ cương hành chính chưa nghiêm… Đây là những vấn đề cần có giải pháp cụ thể, quyết liệt để tập trung khắc phục trong thời gian tới”. 

Làm rõ thêm vấn đề này, ông Phan Thanh Long, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP.Đà Nẵng cho hay, tình hình chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm. Một số cơ quan, đơn vị vẫn chưa thực hiện quyết liệt các nội dung công việc do lãnh đạo TP giao, nhiều nhiệm vụ được giao quá hạn nhưng chưa hoàn thành.

 Cụ thể, về số nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành, Sở Tài nguyên và Môi trường có 86 nhiệm vụ (chiếm tỷ lệ 14,63%); Sở Y tế có 20 nhiệm vụ (14,60%); BQL dự án đầu tư xây dựng Hạ tầng và Phát triển đô thị 13 nhiệm vụ (17,33%); UBND quận Cẩm Lệ 40 nhiệm vụ (30,30%); UBND quận Liên Chiểu 15 nhiệm vụ (15,06%); UBND quận Hải Châu 16 nhiệm vụ (14,95%).

 Thậm chí, Sở Xây dựng Đà Nẵng có 193 nhiệm vụ năm 2019 chưa hoàn thành (chiếm tỷ lệ 9,96%); Sở TN-MT có 44 nhiệm vụ năm 2019 chưa hoàn thành (2,25%); BQL dự án đầu tư xây dựng Hạ tầng và Phát triển đô thị có 13 nhiệm vụ năm 2019 chưa hoàn thành (5,8%)!

 Qua thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND TP Đà Nẵng cũng cho thấy, việc giải quyết hồ sơ của công dân, tổ chức trễ hạn còn nhiều như: Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Hòa Vang 101 hồ sơ; Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Liên Chiểu 128 hồ sơ; Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Cẩm Lệ 218 hồ sơ; Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Ngũ Hành Sơn 184 hồ sơ. Thế nhưng thực hiện văn hóa xin lỗi chưa thật sự nghiêm túc, đầy đủ.

 Ban Pháp chế HĐND TP Đà Nẵng ghi nhận tình trạng hội họp tuy có giảm nhưng cũng nói rõ là “giảm chưa đáng kể”. Ban này dẫn số liệu thống kê, báo cáo của Sở Nội vụ cho thấy, trong năm 2019 TP Đà Nẵng có 11.183 cuộc họp, tổng thời gian dành cho việc tổ chức họp là 180.000 giờ, tương ứng 22.500 ngày làm việc! 

Đặc biệt, ông Phan Thanh Long, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Đà Nẵng cho biết, qua khảo sát mức độ hài lòng đối với dịch vụ hành chính công cho thấy, tỷ lệ công dân, tổ chức không hài lòng do phải tốn chi phí không chính thức, do thái độ phục vụ, hướng dẫn của công chức tại bộ phận tiếp nhận, do phải đi lại nhiều lần, thời gian trả không đúng quy định còn tương đối cao.

 Cụ thể, về lý do công dân, tổ chức không hài lòng do “phải tốn chi phí không chính thức”, ông Phan Thanh Long cho biết, đối với Cục Thuế Đà Nẵng là 33,33%; Sở Y tế 1,41%, Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất 7,32%. 

Trong khi đó, tỷ lệ công dân, tổ chức không hài lòng do “thái độ phục vụ, hướng dẫn của công chức tại bộ phận tiếp nhận” đối với Sở Công Thương là 100%; Cục Thuế 83,33%; Sở Kế hoạch và Đầu tư 33,33%; UBND phường Hòa Cường Bắc 33,33%; UBND phường Thanh Khê Đông 12,5%. 

Còn tỉ lệ công dân, tổ chức không hài lòng do “phải đi lại nhiều lần” đối với Cục Thuế là 66,67%, Sở Kế hoạch và Đầu tư 33,33%, UBND phường Hòa Cường Bắc 16,67%; do “thời gian trả không đúng quy định” đối với UBND quận Liên Chiểu là 20%; Cục Thuế 16,67%. 

“Vấn đề này cần sớm được quan tâm chỉ đạo, chấn chỉnh nhằm nâng cao chỉ số về cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Đà Nẵng trong thời gian đến. Trong bảng xếp hạng PCI năm 2019, Đà Nẵng có một số chỉ số thành phần giảm điểm so với năm 2018 như “chi phí gia nhập thị trường”, “chi phí thời gian”. Vị trí của TP trên bảng xếp hạng PCI vẫn chưa được cải thiện!” – ông Phan Thanh Long nhấn mạnh. (Doanhnghiepvn.vn 06/7, Hải Châu)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

TP. Hồ Chí Minh: Thu ngân sách giảm 14,4%

Theo Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm trên toàn địa bàn ước thực hiện được 163.173 tỷ đồng, đạt 40,2% dự toán và giảm 14,4% so với cùng kỳ năm 2019. 

Trong đó, thu nội địa được 108.703 tỷ đồng, đạt 39,0% dự toán và giảm 9,8%; thu từ dầu thô được 6.370 tỷ đồng, đạt 52,2% dự toán và giảm 47,5%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu được 48.100 tỷ đồng, đạt 41,8% dự toán và giảm 17,0%. 

Liên quan đến các khoản huy động ngân sách nội địa, nguồn thu từ hoạt động kinh tế đều suy giảm. Cụ thể, thu từ doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giảm 9,4%, gồm DNNN trung ương 6.992 tỷ đồng, đạt 37,9% dự toán và giảm 12,8%; DNNN địa phương 3.764 tỷ đồng, đạt 37,4% dự toán và giảm 2,3%; thu từ khu vực ngoài nhà nước 26.613 tỷ đồng, đạt 34,6% dự toán, giảm 20,8%; thu từ khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài ước thực hiện được 29.937 tỷ đồng, đạt 39,4% dự toán và giảm 5,4%.

 Nguyên nhân nguồn thu NSNN giảm chủ yếu do chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19. Dịch bệnh cũng khiến 3 ngành dịch vụ có tỷ trọng lớn trong khu vực thương mại dịch vụ có mức tăng trưởng âm gồm: vận tải kho bãi giảm 0,79%; lưu trú và ăn uống giảm 38,89%; hoạt động kinh doanh bất động sản giảm 11,36%. Bên cạnh đó, số lượng khách du lịch quốc tế, số DN đăng ký thành lập mới, thu hút vốn đầu tư cũng đều giảm so với cùng kỳ năm trước.

 Trong khi đó, huy động vốn từ ngân sách địa phương lại khá tích cực, ước thực hiện được 10.729 tỷ đồng, tức tăng 32,5% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức tăng cao nhất trong vài năm gần đây, phản ánh kết quả việc chính quyền thành phố quyết liệt thực hiện các biện pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. (Thời báo tài chính Việt Nam 05/7)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Chuyển VKSND tối cao điều tra vụ Phó Viện trưởng VKSND quận Hoàn Kiếm bị tố "ăn tiền"

Ngày 6/7, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội Đào Văn Cường cho biết, hồ sơ vụ việc liên quan đến ông Nguyễn Xuân Dũng (sinh năm 1966, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã được Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội chuyển tới Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao để điều tra theo thẩm quyền.

 Trước đó, dư luận phản ánh việc ông Dũng gặp một bị cáo trong vụ án “Cố ý gây thương tích” xảy ra trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Ông Dũng bị tố đã hứa sẽ giải quyết "khách quan" vụ án liên quan đến bị cáo này, đổi lại bị cáo phải "bồi dưỡng" cho ông Dũng và những người khác tham gia tố tụng... Tuy nhiên sau đó bị cáo trên vẫn bị tuyên 28 tháng tù giam.

 Ông Đào Văn Cường cho biết, sau 30 ngày tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Xuân Dũng, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã hoàn tất kết luận thanh tra vụ việc. Do nhận thấy vụ việc có những dấu hiệu thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã chuyển tài liệu, hồ sơ vụ việc lên cơ quan này để tiến hành điều tra theo thẩm quyền.

 Liên quan đến vụ việc, trước đó, ngày 4/6, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã làm việc sơ bộ và ra quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Nguyễn Xuân Dũng để thanh tra, làm rõ thông tin phản ánh việc ông Dũng nhận tiền của bị cáo Hoàng Thị Ngọc Thúy. Hết thời hạn 15 ngày này, ngày 18/6, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục gia hạn tạm đình chỉ công tác thêm 15 ngày đối với ông Nguyễn Xuân Dũng để phục vụ công tác thanh tra vụ việc. (VTV.vn 06/7)Về đầu trang

Đắk Nông: Khởi tố cán bộ thuế lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản

Ông Nguyễn Mạnh Nghĩa - Phó Đội trưởng Đội quản lý liên xã phường số 1, Chi cục Thuế Gia Nghĩa, huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông, bị khởi tố bị can và tạm giam 4 tháng.

 Ông Nghĩa (sinh năm 1980), bị khởi tố về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản theo khoản 1, Điều 355 Bộ luật Hình sự năm 2015. Ngày 6/7, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông cho biết, cơ quan này đã phê chuẩn các quyết định.

 Theo kết quả điều tra ban đầu, tháng 5/2020, ông Nghĩa được phân công tham gia Đoàn kiểm tra công tác quản lý, sử dụng hóa đơn theo Kế hoạch 805/KH-CCT ngày 31/12/2019 của Chi cục Thuế Gia Nghĩa - Đắk G’long.

 Trong danh sách kiểm tra theo kế hoạch không có hộ kinh doanh trên địa bàn phường Nghĩa Đức (thành phố Gia Nghĩa). Tuy nhiên, ông Nghĩa vẫn yêu cầu 1 chủ hộ kinh doanh trên địa bàn này cung cấp hóa đơn, sổ sách để kiểm tra.

 Trong quá trình kiểm tra, ông Nghĩa phát hiện trong Quý III/2017, chủ cửa hàng này kê khai thiếu doanh thu và có nhiều hóa đơn bán các mặt hàng không có trong giấy phép đăng ký kinh doanh. Do đó, ông Nghĩa mời chủ hộ kinh doanh đến cơ quan để giải trình.

 Mặc dù không biết mức phạt đối với hành vi vi phạm của chủ hộ kinh doanh cụ thể là bao nhiêu nhưng ông Nghĩa thông báo là hành vi vi phạm đó sẽ bị phạt tổng số tiền hơn 500 triệu đồng. Chủ hộ kinh doanh đã giải trình sai sót do lỗi đánh máy và nhờ ông Nghĩa giúp đỡ để không bị phạt.

 Sau đó, ông Nghĩa và chủ hộ kinh doanh đã thỏa thuận, thống nhất đưa cho ông Nghĩa 10 triệu đồng để không xử lý hành vi kê khai hóa đơn không đúng mặt hàng đăng ký kinh doanh, đồng thời vẫn xử phạt và truy thu 8,3 triệu đồng hành vi kê khai thiếu doanh thu. 

Đến ngày 4/6/2020, chủ hộ kinh doanh đã đưa cho ông Nghĩa 10 triệu đồng. Sau đó, ngày 27/6/2020, ông Nghĩa tiếp tục yêu cầu nạn nhân đưa thêm 5 triệu đồng để hủy bỏ quyết định xử phạt hành vi kê khai thiếu doanh thu. Yêu cầu của ông Nghĩa được đồng ý và chủ hộ kinh doanh hẹn sáng 30/6 đến nhà tại phường Nghĩa Đức lấy tiền. Khi ông Nghĩa nhận số tiền trên thì bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Nông bắt quả tang. (VTV.vn 06/7)Về đầu trang

Nghệ An: Trưởng phòng TN&MT gây tai nạn khiến một người tử vong

Vào khoảng 15h ngày 4/7, trên quốc lộ 48A, đoạn qua xã Tiền Phong, huyện Quế Phong (Nghệ An), chiếc ô tô bán tải BKS 37C-100.26 va chạm với một người đi xe máy. Vụ tai nạn đã làm người đi xe máy tử vong tại chỗ. Nạn nhân được xác định là chị Vi Thị Hương (SN 1991, ở Phương Tiến 1, xã Tiền Phong) đi bán măng.

 Trong khi đó, người dân địa phương phát hiện người đàn ông lái xe có đặc điểm giống với ông L.V.T. đang giữ chức Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường của huyện Quế Phong.

 Người dân cũng cho biết, ngay sau khi xảy ra tai nạn, người điều khiển xe ô tô đã rời khỏi hiện trường tuy nhiên, sau đó không lâu khi cơ quan chức năng đến hiện trường xuất hiện một người phụ nữ đứng ra nhận là người điều khiển chiếc xe này.

 Xác nhận với báo Dân trí, ông Lê Văn Giáp - Chủ tịch UBND huyện Quế Phong xác nhận thông tin trên. Ông Giáp cho hay: "Chiếc xe gây tai nạn nói trên là của ông T. (ông T. - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện).

 Hiện công an huyện và tỉnh Nghệ An đã vào cuộc điều tra làm rõ. Qua khám nghiệm hiện trường cho thấy chiếc xe này gây tai nạn chết người là có thật, còn ai là người điều khiển xe gây tai nạn thì đang chờ công an làm rõ".

 Theo vị lãnh đạo xã này, hiện trường vụ tai nạn chỉ cách nhà của ông T. vài trăm mét. Nạn nhân cũng là người trên địa bàn, ở cách hiện trường chừng 1 km. Hiện nguyên nhân của vụ tai nạn đang được Công an huyện Quế Phong, Công an tỉnh Nghệ An làm rõ. (VTV.vn 06/7)Về đầu trang

Bình Thuận: Phó Phòng TN&MT TP Phan Thiết không bị khởi tố

Theo một nguồn tin của Pháp Luật TP.HCM, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận đã không khởi tố đối với ông Lương Hoàng Quốc, phó Phòng TN&MT TP Phan Thiết, trong vụ án sai phạm đất đai xảy ra tại địa phương.

Được biết, quá trình điều tra vụ án vi phạm các quy định về quản lý đất đai tại TP Phan Thiết, công an xác định ông Quốc đã trực tiếp tham mưu ba hồ sơ, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật với tổng diện tích hơn 1.800 m2.

 Công an xác định trong số 132 thửa đất chuyển mục đích trái pháp luật (diện tích hơn 170.000 m2) thì ông Phạm Thanh Thái, trưởng Phòng TN&MT TP Phan Thiết (đã bị bắt giam), ký tham mưu 129 thửa, còn ông Quốc ký tham mưu ba thửa.

 Cụ thể, từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6-2018, do ông Thái nghỉ phép nên ông Quốc đã ký ba văn bản thẩm định và tờ trình cho ông Trần Hoàng Khôi (nguyên phó chủ tịch UBND TP Phan Thiết, đã bị bắt giam) ký cho phép các trường hợp này được chuyển mục đích sử dụng đất. 

Theo quy định, với tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai, người có chức vụ, quyền hạn chỉ bị xử lý hình sự khi cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định của pháp luật từ 5.000 m2 đến dưới 30.000 m2 (đất trồng lúa); từ 10.000 m2 đến dưới 40.000 m2 (đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp) hoặc giá trị quyền sử dụng đất được quy thành tiền từ 500 triệu đến dưới 2 tỉ đồng... (Điều 229 BLHS).

 Trong trường hợp ông Quốc, công an xác định ông chỉ ký tham mưu cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật hơn 1.800 m2, giá trị quyền sử dụng đất hơn 100 triệu đồng nên không khởi tố.

 Tuy nhiên, ông Quốc có sai phạm nên bị Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Phan Thiết xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo. Đồng thời, các cơ quan chức năng đang xem xét xử lý ông về mặt chính quyền.

 Như chúng tôi đã thông tin, tháng 4-2020, công an tỉnh chuyển hồ sơ sang VKS cùng cấp đề nghị truy tố sáu bị can nguyên là chủ tịch, phó chủ tịch, trưởng Phòng TN&MT và các chuyên viên của TP Phan Thiết về tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai. Các bị can này đã tham mưu, thẩm định và quyết định cho phép hộ gia đình, cá nhân chuyển mục đích sử dụng đất 170.000 m2 trái pháp luật, làm phá vỡ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của TP Phan Thiết bằng cách vận dụng thuật ngữ “cụm dân cư nhà vườn” không có trong quy định. (Plo.vn 06/7, Phương Nam)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Brazil: 18 tháng, thay 3 Bộ trưởng giáo dục

Kể từ khi Tổng thống Bolsonaro nhậm chức vào tháng 1/2019, chính quyền của ông đã chứng kiến rất nhiều câu chuyện bãi nhiệm hoặc từ chức của các bộ trưởng. Riêng tại Bộ Giáo dục, chỉ trong 18 tháng qua, đã thay đổi tới 3 bộ trưởng. 

Mới đây, Bộ trưởng Giáo dục Brazil Carlos Alberto Decotelli vừa đệ đơn từ chức sau 5 ngày được bổ nhiệm, trước áp lực dư luận về cáo buộc không có bằng tiến sỹ tại Trường Đại học Rosario như khai trong lý lịch.

 Trước đó, ngày 25/6, Tổng thống Bolsonaro tuyên bố bổ nhiệm ông  Decotelli giữ chức Bộ trưởng Giáo dục Brazil. Trong thông báo tới các cơ quan báo chí, truyền thông, Tổng thống nhấn mạnh đến bằng cấp của tân Bộ trưởng. Ông Carlos Alberto Decotelli cũng là người da màu đầu tiên được bổ nhiệm vào Chính phủ của Tổng thống Jair Bolsonaro.

 Ông Decotelli từng cho biết, có bằng thạc sỹ của Tổ chức Getulio Vargas (Brazil), bằng tiến sỹ tại Đại học Rosario (Argentina) và bằng tiến sỹ của Đại học Wuppertal (Đức).

 Tuy nhiên, trong ngày 26/6, Hiệu trưởng Đại học Rosario khẳng định ông Decotelli không hề có bằng tiến sỹ tại trường này và cũng chưa từng bảo vệ luận án tiến sỹ.

 Sau đó vài ngày, ông Decotelli lý giải rằng, Ban Giám hiệu Đại học Rosario đã yêu cầu ông thay đổi luận án, nhưng khi đó do điều kiện tài chính không cho phép nên ông buộc phải trở về Brazil.

 Trong khi đó, Đại học Wuppertal cũng khẳng định ông Decotelli không có bất kỳ học hàm, học vị nào tại đây. Ngoài ra, ông Decotelli còn bị buộc tội đạo văn một số bài báo trong thời gian học tại Brazil.

 Trường đại học của Brazil ngày 30/6 cho biết, ông Decotelli không phải là giáo sư ở trường này trong giai đoạn năm 2016 - 2018 như được đề cập trong lý lịch của ông. Chiều 30/6, ông Decotelli đệ đơn từ chức.

 Hiện, phụ trách truyền thông của Văn phòng Tổng thống cũng như Bộ Giáo dục Brazil chưa đưa ra bình luận gì về vụ việc.

 18 tháng qua, Brazil đã thay đổi 3 bộ trưởng giáo dục. Người đầu tiên, Ricardo Vélez Rodríguez, bị cách chức sau 4 tháng. Ngày 17/6, người kế nhiệm là Abraham Weintraub phải từ chức sau khi Tòa án Tối cao quyết định tiếp tục điều tra ông vì tranh cãi, đe dọa trên mạng xã hội. (Thanh tra 05/7, Ngọc Anh)Về đầu trang./.

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

 

Các tin khác