Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 14-4-2020

16:46, Thứ Ba, 14-4-2020

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 Tải file tại đây

TIÊU ĐIỂM.. 1

1.             Chúng ta phải chuẩn bị tinh thần dịch còn kéo dài 1

2.             Tỉnh ủy Bình Phước yêu cầu tạm đình chỉ công tác Phó Chủ tịch HĐND chống đối kiểm dịch. 3

3.             Cần cách chức ông Lưu Văn Thanh, làm rõ hành vi vi phạm pháp luật 3

4.             Đừng để dân vi phạm thì tù, quan vi phạm thì phê bình, kiểm điểm! 4

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 6

5.             Tại sao kinh tế Việt Nam tuy bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nhưng khả năng phục hồi lại lớn?. 6

6.             Báo Nhật: Việt Nam là "vua" xuất khẩu điều, song vẫn dựa chủ yếu vào lao động giá rẻ. 7

7.             Giải quyết hồ sơ đăng ký thuế lần đầu không quá 3 ngày làm việc. 8

QUẢN LÝ.. 8

8.             Người lao động được nghỉ 4 ngày dịp 30/4. 8

9.             Xuất 400.000 tấn gạo: “Mở" tờ khai lúc nửa đêm, doanh nghiệp "ấm ức". 9

10.          Tổng cục Hải quan nói gì về việc "mở cửa" xuất khẩu gạo lúc nửa đêm?. 10

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 12

11.          Cơ hội thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến. 12

12.          Thủ tục hành chính mùa cách ly xã hội: Đừng để đình trệ việc dân. 13

13.          Cắt giảm tối đa các điều kiện kinh doanh đối với dịch vụ vận tải biển. 15

14.          Bộ TN&MT triển khai dịch vụ công trực tuyến đạt 69.5%.. 15

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 16

15.          Đến 31/3, chi xây dựng cơ bản bằng vốn vay nước ngoài đạt hơn 2.666 tỷ đồng. 16

THẾ GIỚI 17

16.          Hiệu quả cách ly xã hội được thể hiện rõ ở nhiều nước châu Âu. 17

17.          Tổng thống Ecuador giảm 50% lương của Chính phủ do dịch COVID-19. 18

18.          UAE ra mắt dịch vụ đăng ký và tổ chức kết hôn trực tuyến. 18

 TIÊU ĐIỂM

Chúng ta phải chuẩn bị tinh thần dịch còn kéo dài

Ngày 13/4, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) đã họp triển khai công tác phòng chống dịch.

 Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo đã phân tích, đánh giá diễn biến hình dịch bệnh bệnh và giải pháp ứng phó; thảo luận về việc có tiếp tục thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng về cách ly toàn xã hội hay không, hình thức áp dụng như thế nào, công tác bảo đảm hậu cần phục vụ phòng chống dịch và dự trữ quốc gia; xuất khẩu trang thiết bị y tế có kiểm soát;…

 Qua phân tích dữ liệu tình hình dịch bệnh trong nước, đánh giá các nguy cơ rủi ro, các ý kiến khẳng định: Thời gian qua, chúng ta vẫn đang kiểm soát tình hình dịch bệnh, tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh trên thế giới và trong nước còn rất phức tạp, nguy cơ tiềm ẩn vẫn rất lớn, nếu nới lỏng dịch bệnh có thể bùng phát trở lại và "chúng ta phải chuẩn bị tinh thần là dịch còn kéo dài".

 Do đó, cùng với việc kiên trì thực hiện nguyên tắc chống dịch từ ban đầu (ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, điều trị, dập dịch) thì công tác truy vết ca bệnh kết hợp với các biện pháp cách ly xã hội vẫn là những giải pháp hiệu quả nhất trong phòng, chống COVID-19.

 Thực tế triển khai việc cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ cho thấy, thời gian đầu chúng ta đã thực hiện rất tốt nhưng những ngày gần đây có hiện tượng chủ quan, người dân ra đường đông hơn;… Đương nhiên việc thực hiện cách ly toàn xã hội sẽ ảnh hưởng nhiều tới người dân, doanh nghiệp, nhưng với quan điểm "sức khoẻ là trên hết", "còn người còn của", chúng ta cần tiếp tục thực hiện nghiêm quy định này.

 Trước hết, cần tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 (đến ngày 15/4) để tiếp tục ngăn chặn dịch bệnh, tuyên truyền, vận động để người dân thực hiện nghiêm quy định về cách ly xã hội; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

 Ban Chỉ đạo đã tập trung phân tích và thống nhất sau khi Chỉ thị 16 hết hiệu lực sẽ đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị mới trong đó quán triệt tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch từ ban đầu, đặc biệt là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi tiếp xúc, củng cố các quy định về truy vết ca bệnh. Đối với việc cách ly, giãn cách xã hội, các ý kiến cho rằng cần kiến nghị các giải pháp cụ thể, chi tiết hơn, có tính đến yếu tố địa phương, nhóm đối tượng, ngành nghề sản xuất kinh doanh. Đồng thời tăng cường ứng dụng các công cụ công nghệ thông tin, truyền thông để truy vết, giám sát các ca bệnh; giám sát việc thực hiện cách ly xã hội.

 Ban Chỉ đạo yêu cầu tất cả các địa phương có bộ phận cập nhật dữ liệu dịch bệnh thống nhất để hình thành hệ thống dữ liệu trong cả nước, phân nhóm những tỉnh, thành phố có nguy cơ cao, nguy cơ thấp. Tổ chức các tổ truy vết ở cả Trung ương lẫn địa phương luôn sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có ca nhiễm.

 Liên quan đến nội dung này, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, VNPT, Viettel cũng đề xuất các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phòng, chống dịch bệnh như: Triển khai hoạt động giám sát phục vụ yêu cầu giãn cách xã hội theo từng tình huống cụ thể; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt để hạn chế lây nhiễm dịch bệnh qua việc sử dụng tiền mặt trong mua, bán hàng hoá.

 Các đại biểu cũng đề xuất các giải pháp tiếp tục thực hiện các giải pháp để "chặn đến cùng" tất cả các ca xâm nhập; chưa nới lỏng chính sách nhập cảnh; giám sát chặt nhóm người mắc các bệnh giống cúm (qua những người mua thuốc); triển khai xét nghiệm điểm một số nhóm đối tượng (lao động phổ thông, cộng đồng người nước ngoài sinh sống tập trung); kiểm soát chặt chẽ các địa điểm tập trung đông người (cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng; các di tích, danh thắng; khu du lịch, vui chơi, giải trí; chợ đầu mối, chợ dân sinh; làng nghề, bếp ăn tập thể,…).

 Bên cạnh các giải pháp về phòng chống dịch bệnh, cần tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp về xã hội, quan tâm tới nhóm người yếu thế gặp khó khăn vì dịch bệnh; đồng thời xem xét tiến hành nới lỏng trên cơ sở có biện pháp kiểm soát phù hợp đối với một số ngành hàng sản xuất, kinh doanh dịch vụ thiết yếu… (VTV.vn 13/4)Về đầu trang

Tỉnh ủy Bình Phước yêu cầu tạm đình chỉ công tác Phó Chủ tịch HĐND chống đối kiểm dịch

Ngày 12-4, ông Lưu Văn Thanh - phó chủ tịch HĐND huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước, "nhân vật chính" trong video chống đối chốt kiểm dịch - đã chính thức lên tiếng nhận sai và xin lỗi.

 Trước đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Hớn Quản cũng đã có cuộc họp, xem xét vụ việc và yêu cầu ông Thanh báo cáo.

 Ông Lưu Văn Thanh giải thích lý do không kiềm chế, dẫn tới hành động nóng giận là do sáng 3-4, khi ông đi làm từ nhà qua chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 tại thị xã Bình Long thì bị cảnh sát giao thông trong chốt chặn lại.

 Do ông Thanh giải thích là người địa phương, nhà gần, đã được cảnh sát giao thông cho đi nhưng sau đó một cán bộ kiểm soát quân sự lại gõ cửa xe để kiểm tra nên ông Thanh nảy sinh bực tức.

 Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Văn Lợi - bí thư Tỉnh ủy, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước - cho biết Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo cơ quan chức năng tạm đình chỉ công tác đối với ông Lưu Văn Thanh.

 Quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Thanh đã được Thường trực Tỉnh ủy Bình Phước xem xét vào ngày 10-4 (thứ sáu) và dự kiến ngày 13-4 (thứ hai), cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước sẽ công bố chính thức. (Tuoitre.vn 13/4, Bá Sơn)Về đầu trang

Cần cách chức ông Lưu Văn Thanh, làm rõ hành vi vi phạm pháp luật

Hống hách, cậy quyền cậy thế, coi thường dân, coi thường chỉ thị của Thủ tướng, đó là những gì mà ông Lưu Văn Thanh thể hiện.

 Ông Lưu Văn Thanh - Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước không chấp hành kiểm tra ở chốt kiểm soát phòng dịch COVID-19, quát nạt, chửi bới, chống đối quy định phòng dịch, có dấu hiệu chống người thi hành công vụ.

 Clip ghi lại thái độ hung hăng của ông Lưu Văn Thanh với cán bộ phụ trách chốt kiểm tra phòng dịch khiến cho dư luận phẫn nộ. Một người bình thường phản ứng tiêu cực với quy định phòng dịch đã không thể chấp nhận, trong trường hợp này lại là ông Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện.

 Ông Lưu Văn Thanh là người biết rõ Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nắm chắc các quy định phòng dịch của Bộ Y tế, chương trình phòng dịch của địa phương. Đúng ra ông Thanh phải chấp hành nghiêm các quy định để làm gương, đồng thời vận động bà con tham gia phòng chống dịch. Đằng này ông Thanh lại làm ngược lại.

 Ông Lưu Văn Thanh không có trách nhiệm công dân, thì không xứng đáng đại diện cho dân. Một học sinh cấp hai còn dành tiền tiết kiệm để góp sức chống dịch, còn "ông hội đồng" lại chống đối quy định phòng dịch.

 Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Bình Phước cho biết, Tỉnh ủy rất quan tâm và đã chỉ đạo các cơ quan xử lý vụ việc một cách nghiêm túc, không bao che, sai phạm đến đâu xử lý đến đó theo đúng các quy định hiện hành. Xử là xử như thế nào? Hãy xem lại vụ án mới xét xử liên quan đến này hành vi này.

 Ngày 10.4, Tòa án nhân dân huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh đã đưa ra xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Đào Xuân Anh 9 tháng tù về tội “Chống người thi hành công vụ” theo Điều 330 Bộ luật hình sự.

 Trước đó, ngày 4.4, Đào Xuân Anh, 30 tuổi, trú tại xã Đông Hải, huyện Tiên Yên, không đeo khẩu trang nên chốt kiểm soát phòng chống dịch COVID-19 liên xã Đông Hải nhắc nhở, yêu cầu thực hiện đúng Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ và quy định của tỉnh Quảng Ninh.

 Đào Xuân Anh không những không chấp hành mà còn có hành vi xúc phạm, dùng mũ cối đánh cán bộ trong chốt kiểm soát.

 Những hành vi của ông Lưu Văn Thanh không khác gì nhiều hành vi của Đào Xuân Anh. Cho nên, nếu xử không nghiêm, không công bằng là không được với dân. Coi chừng dân sẽ so sánh, luật dành cho cán bộ, luật dành cho dân, rằng nhất bên trọng, nhất bên khinh.

 Ông Lưu Văn Thanh bị đình chỉ công tác, và chắc chắn ông không xứng đáng đại diện cho dân. Nhưng cần làm rõ hành vi vi phạm của ông Thanh, nếu đủ căn cứ thì xử lý hành vi chống người thi hành công vụ. (Laodong.vn 13/4, Lê Thanh Phong)Về đầu trang

Đừng để dân vi phạm thì tù, quan vi phạm thì phê bình, kiểm điểm!

Hung hăng, hống hách, chỉ tay, quát nạt, đập bàn, đe nẹt… Đó là hành vi của ông Lưu Văn Thanh, Phó Chủ tịch HĐND huyện Hớn Quản, Bình Phước khi được đề nghị kiểm tra thân nhiệt....

 Theo xác minh của PV Dân trí, sự việc xảy ra vào khoảng 7h sáng 3/4 tại chốt kiểm dịch Covid 19 của Thị xã Bình Long. Trong đoạn clip dài khoảng 4 phút cho thấy, ông Thanh nhiều lần đập tay lên bàn, chỉ vào mặt, lớn tiếng mạt sát, văng tục với các cán bộ làm việc tại chốt kiểm dịch dù có một phụ nữ ra sức can ngăn.

 Sau khi sự việc xảy ra, lãnh đạo Huyện ủy huyện Hớn Quản đã họp kiểm điểm ông Thanh. Tại đây, ông Thanh, nhận khuyết điểm do không kìm chế được sự nóng nảy nên mới có hành động như vậy.

 Theo bà Nguyễn Thị Xuân Hòa, Bí thư Huyện ủy Hớn Quản, hiện Ban Thường vụ Huyện ủy thống nhất không chấp nhận lý do ông Thanh đưa ra đồng thời, gửi báo cáo lên Tỉnh ủy Bình Phước, chờ ý kiến chỉ đạo.

 Được biết, sau phiên họp khẩn sáng ngày 13.4, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bình Phước đã ban hành Quyết định số 1854-QĐ/TU về việc tạm đình chỉ công tác cán bộ đối với ông Lưu Văn Thanh để chờ các ngành chức năng xem xét, xử lý theo quy định.

 Đối với hành vi của ông Thanh, mời các bạn xem hình ảnh tại các bài trong mục Bài liên quan của BLOG. Quan điểm về hành vi của ông Thanh, người viết xin để các bạn phán xét mà chỉ xin có mấy ý kiến sau:

 Thứ nhất, vụ việc đã được phản ánh rất rõ ràng, bản thân ông Thanh cũng phải nhận sai phạm. Do đó, sự việc cần xử lý khẩn trương, một mặt, để làm gương và mặt khác, tránh dư luận cho rằng “để lâu, hóa bùn”.

 Thứ hai, hiện có nhiều vụ việc tương tự xảy ra ở một số địa phương, trong đó, nhiều vụ đã bị khởi tố hình sự. Vì vậy, vụ việc này cần phải xử lý đúng bản chất sự việc như khẳng định của ông Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Văn Lợi: “Việc phó chủ tịch HĐND huyện Hớn Quản chống đối chốt kiểm dịch trong video được quay lại là rất phản cảm, cần phải xử lý nghiêm”.

 Thứ ba, biết rằng mỗi vụ việc có tính chất khác nhau, không thể so sánh, song cũng xin lưu ý vụ việc tại Quảng Ninh, thời gian từ khi xảy ra sự việc đến khi tòa án xét xử chỉ vẻn vẹn 6 ngày và bị cáo bị tuyên 9 tháng tù giam.

 Tại Khoản 1.9 của Công văn 45/TANDTC-PC 2020, Mục 1 – Khoản 1.9 của Công văn 45/TANDTC-PC 2020 quy định: Người có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thì bị xử lý về tội chống người thi hành công vụ theo quy định tại Điều 330.

 Thứ tư, liệu đây có phải là hành động bộc phát hay là thói “xưng bá, xưng hùng”, tự cho mình là “ông vua con” của một số cán bộ địa phương như lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng khuyến cáo?

 Thứ năm, tôi cứ băn khoăn bởi theo báo Vietnam Net, tại cuộc họp báo, bà Trần Tuyết Minh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước còn cho biết, “ngoài việc xử lý ông Thanh, tỉnh Bình Phước sẽ xem xét trách nhiệm của những người liên quan, trong đó có các thành viên tại chốt phòng chống dịch bệnh Covid-19 thị xã Bình Long”. Thành thật, người viết không biết hàm ý của câu nói này là gì nên lo lo cho số phận các thành viên trực chốt hôm đó?

 Tóm lại, sự việc đã “hai năm rõ mười”, mong rằng sẽ được xử lý nghiêm minh, chính xác và công bằng giữa các đối tượng.

 Xin đừng để luật cho dân, lệ cho quan, dân vi phạm thì tù còn quan vi phạm thì… phê bình, kiểm điểm. (Dantri.com.vn 13/4, Bùi Hoàng Tám)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Tại sao kinh tế Việt Nam tuy bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nhưng khả năng phục hồi lại lớn?

"Về cơ bản nền kinh tế Việt Nam đang ở thế ổn định, và đà tăng trưởng từ các năm trước là khá cao. Mặt khác, nguồn lực phát triển còn nhiều tiềm năng, và quyết tâm cải cách nền kinh tế mạnh mẽ từ phía Chính phủ, giúp khả năng bứt phá trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát là rất cao", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển cho biết.

 Nhận định về tác động của dịch Covid-19 lên kinh tế Việt Nam, PGS. Đào Văn Hùng cho rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 sẽ giảm so với các năm trước nhưng vẫn có khả năng đạt được tốc độ tăng trưởng nhất định nhờ vào các yếu tố ổn định kinh tế vĩ mô; nỗ lực của chính phủ trong việc áp dụng các giải pháp hỗ trợ khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, ông lưu ý, nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, khả năng tăng trưởng sẽ giảm mạnh so với kỳ vọng đầu năm. 

"Như vậy, tăng trưởng kinh tế sẽ phụ thuộc rất lớn vào kết quả kiểm soát dịch bệnh trong nước và quốc tế. Kỳ vọng lớn nhất là Việt Nam sẽ sớm kiểm soát được dịch bệnh trong Quý II/2020"

 Về các chính sách hỗ trợ cho nền kinh tế và an sinh xã hội, ông Hùng nhấn mạnh: "Chúng ta không thể so sánh quy mô của các gói hỗ trợ của các quốc gia có tiềm lực mạnh như Hoa Kỳ và một số nước Châu Âu, tuy nhiên, Việt Nam đã có phản ứng một cách nhanh chóng, kịp thời trong hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như người lao động, người nghèo, và các đối tượng chính sách. Điều này tạo nên sự tin tưởng vào điều hành của Chính phủ. Đây là yếu tố quan trọng để chúng ta vượt qua những khó khăn trong đại dịch Covid-19".

 Những giải pháp này có thể kể đến như giảm chi phí sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp thông qua việc giảm giá điện, giảm lãi suất, giãn nợ, giãn tiến độ nộp thuế cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Chính phủ cần thúc đẩy thực hiện các dự án đầu tư công trọng điểm, hoàn thành kế hoạch giải ngân của năm 2019 và 2020; tiếp tục thực hiện đầu tư các dự án có tính cấp thiết; đơn giản hóa thủ tục hành chính.

 "Trong thời gian này, ngân sách nhà nước cần được cân đối lại, khi nguồn thu bị suy giảm mạnh, trong khi phải thực hiện chi nhiều. Do đó, Chính phủ phải cắt giảm chi tiêu ở một số hạng mục không cần thiết, như: cắt giảm chi tiêu thường xuyên từ hội họp, công tác trong và ngoài nước", ông nói.

 Mặc dù kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, tuy nhiên ông Hùng nhận định khả năng phục hồi và đạt tăng trưởng trở lại của Việt Nam là khá cao bởi 3 lý do:

 Thứ nhất, nhờ nỗ lực kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ và Việt Nam có một thị trường nội địa tiềm năng lớn, với quy mô 100 triệu dân.

 Thứ hai, ông cho biết về cơ bản nền kinh tế Việt Nam đang ở thế ổn định, và đà tăng trưởng từ các năm trước là khá cao. Bên cạnh đó, nguồn lực phát triển còn nhiều tiềm năng, và quyết tâm cải cách nền kinh tế mạnh mẽ từ phía Chính phủ.

 Thứ ba, tình thần đoàn kết, chia sẻ của cộng đồng để cùng nhau vượt qua những khó khăn dịch bệnh sẽ tiếp tục được phát huy để phục hồi và phát triển kinh tế.

 "Dịch Covid-19 bên cạnh những tác động tiêu cực, còn tạo ra áp lực thay đổi tư duy phát triển, vì vậy ông Hùng cho rằng, chúng ta phải tiếp tục tập trung vào tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng trong bối cảnh mới; điều hành chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt hơn (trần nợ công, lạm phát, bội chi ngân sách) trong bối cảnh vừa chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế" ông Đào Văn Hùng nói. (Cafef.vn 13/4)Về đầu trang

Báo Nhật: Việt Nam là "vua" xuất khẩu điều, song vẫn dựa chủ yếu vào lao động giá rẻ

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc, năm 2018 Việt Nam đã sản xuất khoảng 2,66 triệu tấn hạt điều, loại rang cả vỏ, tăng 23% so với năm trước. Con số này cao gấp 3,4 lần so với Ấn Độ, nhà sản xuất lớn thứ hai thế giới, tăng khoảng 790.000 tấn, đưa Việt Nam trở thành "vua xuất khẩu điều".

 Năm 2018 Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 370.000 tấn hạt, tương đương 14% tổng sản lượng. Điều đó cũng khiến nước này trở thành nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới theo khối lượng, theo Hiệp hội điều Việt Nam. Khu vực sản xuất điều lớn nhất của Việt Nam là tỉnh Bình Phước.

 Việt Nam đã sản xuất hạt điều trên cả nước từ đầu những năm 1980. Nằm ở vùng nhiệt đới ẩm và may mắn có một lượng lớn đất đỏ màu mỡ, các tỉnh như Bình Phước và Đồng Nai được chỉ định là khu sản xuất chính. Chính phủ Việt Nam phân phát hạt giống và phân bón cho nông dân, và tổ chức các bài giảng về kỹ thuật canh tác được sử dụng ở nước ngoài.

 Nhà sản xuất lớn Lafooco, được thành lập vào năm 1985, đã làm việc với Chính phủ để đưa ngành này đi vào hoạt động. Nằm ở tỉnh Long An, công ty canh tác khoảng 620 ha cánh đồng ở Bình Phước và các nơi khác, với kỹ thuật canh tác hữu cơ đáp ứng các quy định vệ sinh của Mỹ và EU.

 "Rất khó để ngành công nghiệp hạt điều của Việt Nam phát triển đến thời điểm này", Bà Nguyễn Trà My, Phó chủ tịch của The Pan Group, công ty mẹ của Lafooco cho biết. "Chúng tôi vẫn muốn cải thiện hơn nữa chất lượng và sự hấp dẫn của các sản phẩm, và đáp ứng thị trường toàn cầu tốt hơn." 

Hạt điều rang truyền thống chiếm khoảng 80% xuất khẩu của công ty, nhưng gần đây họ đã bán các sản phẩm có thêm hương vị với giá cao hơn. Hương vị mật ong, dừa và ớt đều phổ biến.

 Thu hoạch điều tốn rất nhiều nhân công, là một quá trình thâm dụng lao động. Nhiều nhiệm vụ, chẳng hạn như thu thập các loại hạt, tách hạt và loại bỏ lớp vỏ cứng bên ngoài, đòi hỏi người lao động phải làm thủ công.

 Trong khi tự động hóa đang phát triển, thì hiện nay ngày này vẫn dựa chính vào chi phí lao động thấp của Việt Nam. Mức lương tối thiểu tăng trung bình 5,5% trong năm 2020, giảm đáng kể so với mức tăng 17,4% của năm 2013. Nhưng các công ty vẫn đang làm việc để giảm chi phí lao động bằng cách làm khiến họ họ hiệu quả hơn.

 Vô số loại hạt điều đang được bán tại các cửa hàng tạp hóa và chợ truyền thống. Điều vẫn còn một lớp vỏ mỏng. Điều nguyên vỏ giữ được kết cấu tốt hơn nhiều so với hạt điều bóc vỏ. Nhưng dù giá chỉ dưới 2 USD/ lạng, hạt điều vẫn hơi đắt đối với phần đông người Việt Nam. Lạc rẻ hơn và phổ biến hơn. (Cafef.vn 13/4)Về đầu trang

Giải quyết hồ sơ đăng ký thuế lần đầu không quá 3 ngày làm việc

Tại dự thảo Thông tư hướng dẫn về đăng ký thuế, Bộ Tài chính đề xuất đối với tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đăng ký thuế lần đầu, cơ quan thuế thực hiện xử lý và trả kết quả cho người nộp thuế chậm nhất không quá 3 ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan thuế nhận được hồ sơ đăng ký thuế đầy đủ theo quy định của người nộp thuế.

 Cá nhân thuộc diện nộp thuế thu nhập cá nhân thực hiện đăng ký thuế cho người phụ thuộc không qua cơ quan chi trả thu nhập, nộp hồ sơ đăng ký thuế cho cơ quan thuế tương ứng như sau: Tại Chi cục Thuế nơi cá nhân cư trú (nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú); tại Cục Thuế trực tiếp quản lý nơi cá nhân làm việc đối với cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công do các tổ chức quốc tế, Đại sứ quán, Lãnh sự quán tại Việt Nam trả nhưng tổ chức này chưa thực hiện khấu trừ thuế… 

Cũng theo dự thảo, về đăng ký thuế lần đầu, tổ chức kinh tế và các đơn vị trực thuộc (trừ tổ hợp tác) nộp hồ sơ đăng ký thuế tại Cục Thuế nơi đặt trụ sở. Tổ chức khác nộp hồ sơ đăng ký thuế tại: Cục Thuế nơi tổ chức đóng trụ sở đối với tổ chức do cơ quan Trung ương và cơ quan cấp tỉnh ra quyết định thành lập; Chi cục Thuế nơi tổ chức đóng trụ sở đối với tổ chức do cơ quan cấp huyện ra quyết định thành lập. Tổ hợp tác nộp hồ sơ đăng ký thuế tại Chi cục Thuế nơi đặt trụ sở.

 Đăng ký thuế cho người phụ thuộc để giảm trừ gia cảnh của người nộp thuế thu nhập cá nhân nộp hồ sơ như sau: Cá nhân nộp thuế thu nhập cá nhân thông qua cơ quan chi trả thu nhập nếu có ủy quyền cho cơ quan chi trả thu nhập đăng ký thuế cho người phụ thuộc thì nộp hồ sơ đăng ký thuế tại cơ quan chi trả thu nhập; cơ quan chi trả thu nhập tổng hợp tờ khai đăng ký thuế của từng người phụ thuộc để nộp cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

 Ngoài ra, dự thảo còn hướng dẫn chi tiết về thay đổi thông tin đăng ký thuế; chấm dứt hiệu lực mã số thuế; khôi phục mã số thuế; đăng ký thuế đối với trường hợp tổ chức lại doanh nghiệp… (Daibieunhandan.vn 13/4, N. Nga)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Người lao động được nghỉ 4 ngày dịp 30/4

Ngày 30/4 và quốc tế lao động 1/5 rơi vào thứ năm, thứ sáu nên người lao động sẽ nghỉ hai ngày này, cộng với hai ngày cuối tuần 2-3/5.

 Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, đối với các cơ quan, đơn vị không nghỉ cố định thứ bảy và chủ nhật hàng tuần thì sẽ căn cứ vào chương trình, kế hoạch cụ thể để bố trí lịch nghỉ phù hợp, đảm bảo đúng quy định.

 Theo Bộ luật Lao động 2012, người lao động sẽ được nghỉ lễ, Tết gồm một ngày Tết Dương lịch, 5 ngày Tết Âm lịch, một ngày Giỗ tổ Hùng Vương (10/3 Âm lịch), một ngày thống nhất đất nước (30/4), một ngày quốc tế lao động (1/5), và một ngày Quốc khánh (2/9). Nếu những ngày nghỉ này trùng vào ngày nghỉ hàng tuần thì người lao động được nghỉ bù vào ngày kế tiếp.

 Từ năm 2021, khi Bộ Luật Lao động 2019 có hiệu lực, dịp Quốc khánh 2/9 sẽ được tăng thêm một ngày nghỉ, lên hai ngày. (Vnexpress.net 13/4, Đoàn Loan)Về đầu trang

Xuất 400.000 tấn gạo: “Mở" tờ khai lúc nửa đêm, doanh nghiệp "ấm ức"

Tổng cục Hải quan đã cho mở cổng đăng ký tờ khai hải quan xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4 vào 0h ngày 12/4. Nhiều doanh nghiệp cho biết họ hụt hẫng do không biết để đăng ký.

 Sáng 13/4, nhiều doanh nghiệp lên tiếng phản ánh về việc “hải quan cho mở tờ khai lúc nửa đêm” khiến họ không kịp trở tay.

 Gọi điện cho một lãnh đạo doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang có hàng trăm container “mắc kẹt” tại cảng vì không được thông quan, vị này không bắt máy.

 Phải đến 4 tiếng sau, vị tổng giám đốc doanh nghiệp mới gọi lại và cho biết “chúng tôi bận họp xuyên trưa để nghĩ giải pháp cho lô gạo đang “đắp chiếu” ở cảng”.

 “Chúng tôi thấp thỏm “canh” để chờ đăng ký ngay sau khi biết tin Chính phủ đồng ý cho xuất khẩu trở lại. Đến đêm hôm chủ nhật, ngày 12/4, hải quan bất ngờ mở tờ khai nhưng doanh nghiệp chúng tôi không hay biết”, vị lãnh đạo này buồn bã nói với Dân trí vì hụt cơ hội xuất số gạo đang nằm chờ ở cảng.

 Vị này cho rằng, họ không nhận được thông báo để được biết từ 0h ngày 12/4 sẽ mở khai báo hải quan.

 “Nếu chúng tôi biết, chúng tôi không đăng ký được thì vẫn đỡ cảm thấy ấm ức, mới cảm thấy công bằng cho doanh nghiệp. Chúng tôi vào sau đó hơn 2h đã thấy hết rồi”, vị này ví von, việc này giống như đi thi nhưng không rõ lịch thi mới thấy “buồn", chứ nếu được đi thi mà trượt thì còn “đỡ".

 Vị này chia sẻ thêm, với hàng nghìn tấn gạo nằm ở cảng khi hải quan bất ngờ thông báo dừng thông quan từ ngày 24/3, công ty mất khá nhiều loại chi phí: phí container, lưu kho bãi, vận chuyển từ kho tới cảng và vận chuyển về.

 “Tổn thất vô cùng lớn với chúng tôi, trong khi đại dịch vốn đã đủ khiến chúng tôi vất vả lắm rồi. Giờ chúng tôi lại phải tìm cách chuyển toàn bộ số gạo về Đồng Tháp để lưu kho", ông chia sẻ.

 Vị lãnh đạo nhấn mạnh thêm, cách làm việc của các cơ quan chức năng không sòng phẳng, khiến những doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhỏ chịu thiệt thòi. Không chỉ lỡ hẹn với khách hàng nước ngoài, vị tổng giám đốc này cũng cho biết họ sẽ phải đối mặt với việc giá gạo xuống thấp khi quay trở lại tiêu thụ nội địa.

 Đây không phải là trường hợp cá biệt, đã có rất nhiều doanh nghiệp "hụt hẫng" trong đợt mở tờ khai này.

 Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An chia sẻ trên báo chí, doanh nghiệp ông cũng không khai được tờ khai hải quan nào cho số lượng xuất khẩu 400.000 tấn gạo được Thủ tướng cho phép xuất khẩu trong tháng 4/2020. 

Vị này cho rằng, việc hải quan mở cổng đăng ký tờ khai hải quan lúc tờ mờ sáng ngày chủ nhật (12/4) và chỉ khoảng 3 tiếng đồng hồ sau đóng cổng với lý do đã khai đủ số lượng là bất hợp lý.

 Doanh nghiệp của vị này cũng có cả trăm container mắc kẹt ở cảng từ hôm 24/3. "Khi có thông tin được xuất khẩu gạo trở lại, chúng tôi đã rất mừng, nhưng rồi lại hụt hẫng vì cách làm việc này", ông Bình thất vọng nói.

 Trong khi đó, phía Tổng cục Hải quan cho biết việc xuất khẩu khẩu gạo theo hạn ngạch được quản lý theo nguyên tắc thương nhân đăng ký tờ khai hải quan trước sẽ được trừ vào hạn ngạch xuất khẩu trước.

 Tờ khai hải quan có giá trị làm thủ tục hải quan cho tới khi tổng số lượng đăng ký xuất khẩu của các tờ khai chạm mốc 400 nghìn tấn. Tờ khai hải quan có số lượng vượt mốc 400 nghìn tấn sẽ không có giá trị làm thủ tục hải quan.

 Trường hợp tờ khai hải quan không còn giá trị làm thủ tục hoặc số lượng thực xuất ít hơn số lượng đã khai hải quan thì số dư sẽ được cộng trở lại số lượng được phép xuất khẩu trong tháng 4. (Dantri.com.vn 13/4, Nguyễn Mạnh)Về đầu trang

Tổng cục Hải quan nói gì về việc "mở cửa" xuất khẩu gạo lúc nửa đêm?

"Kể từ 24h ngày 11/04/2020, hệ thống đã được thiết lập để hoạt động theo nguyên tắc tự động tiếp nhận, tự động trừ lùi số lượng gạo xuất khẩu trong hạn ngạch được phép xuất khẩu".

 Thông tin được Tổng cục Hải quan đưa ra sau khi có nhiều phản ánh từ phía doanh nghiệp xuất khẩu gạo xung quanh chuyện mở tờ khai hải quan xuất gạo vào lúc nửa đêm.

 Tổng cục Hải quan khẳng định: "Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan (VNACCS/VCIS) do Chính phủ Nhật Bản viện trợ hoạt động theo nguyên tắc xử lý tự động".

 Hải quan khẳng định: Để thực hiện Quyết định của Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan cần có thời gian để thiết lập các chỉ tiêu thông tin trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.

 "Kể từ 24h ngày 11/04/2020, hệ thống đã được thiết lập để hoạt động tự động theo nguyên tắc tự động tiếp nhận, tự động trừ lùi số lượng gạo xuất khẩu trong hạn ngạch được phép xuất khẩu theo nguyên tắc tờ khai đăng ký trước sẽ được trừ vào hạn ngạch xuất khẩu trước. Ngay sau khi người khai hải quan gửi thông tin tờ khai hải quan đến hệ thống, không có sự can thiệp của công chức hải quan", Tổng cục Hải quan cho biết.

 Theo Tổng cục Hải quan, Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan tự động dừng tiếp nhận thông tin đăng ký tờ khai hải quan nếu số lượng đăng ký chạm mốc hạn ngạch được phép xuất khẩu trong tháng 4 (là 400.000 tấn).

 Cơ quan này cho biết: "Qua theo dõi, thống kê của Tổng cục Hải quan trong thời gian từ 24h ngày 11/4/2020 đến 19h34 ngày 12/4/2020 đã có: 40 doanh nghiệp đăng ký tờ khai xuất khẩu tại 13 Chi cục Hải quan, số lượng gạo xuất khẩu 399.999,73 tấn".

 Dẫn cơ sở pháp lý của Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan khẳng định: Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1106/QĐ-BCT công bố hạn ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 4 năm 2020, Quyết định có hiệu lực kể từ 0h ngày 11/4/2020.

 Tổng cục Hải quan nói: "Quy định về nguyên tắc quản lý hạn ngạch của Quyết định Bộ Công Thương nêu rõ thương nhân đăng ký tờ khai hải quan trước sẽ được trừ vào hạn ngạch xuất khẩu trước".

 Số lượng khai trên tờ khai hải quan đã đăng ký sẽ được trừ lùi vào số lượng được phép xuất khẩu trong tháng 4. Trường hợp tờ khai hải quan không còn giá trị làm thủ tục hoặc số lượng thực xuất ít hơn số lượng đã khai hải quan thì số dư sẽ được cộng trở lại số lượng được phép xuất khẩu trong tháng 4.

 Tờ khai hải quan có giá trị làm thủ tục hải quan cho tới khi tổng số lượng đăng ký xuất khẩu của các tờ khai chạm mốc 400.000 tấn (tờ khai hải quan có số lượng vượt quá mốc 400.000 tấn sẽ không có giá trị làm thủ tục hải quan).

 Trường hợp tờ khai hải quan không còn giá trị làm thủ tục hoặc số lượng thực xuất ít hơn số lượng đã khai hải quan thì số dư sẽ được cộng trở lại số lượng được phép xuất khẩu trong tháng 4.

 Xung quanh việc hạn ngạch xuất khẩu 400.000 tấn gạo, rất nhiều chuyên gia, doanh nghiệp còn có ý kiến khác nhau về thời điểm, tính thực tế và tác động, nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được thông tin mở tờ khai hạn ngạch xuất khẩu bất ngờ.

 Trong khi đó, các vấn đề như hạn chế xuất khẩu để đảm bảo an ninh lương thực, đảm bảo dự trữ của cơ quan Nhà nước đã khiến Bộ Công Thương, Bộ Tài chính hứng chịu nhiều chỉ trích do chỉ lo làm xong việc của mình. (Dantri.com.vn 13/4, Nguyễn Tuyền)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Cơ hội thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến

Việc hạn chế ra đường, tiếp xúc trực tiếp do dịch Covid-19 là cơ hội để thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến, hình thành nên chính quyền số, Chính phủ số.

 Tại tỉnh Quảng Ngãi, trong thời gian “cả xã hội cách ly”, UBND tỉnh này yêu cầu các sở, ngành hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện nộp trực tuyến qua mạng, nộp và nhận kết quả qua đường bưu điện, không nhận hồ sơ trực tiếp. Với các thủ tục hành chính đã được công bố, hệ thống cho phép tổ chức, cá nhân thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 và được nộp hồ sơ, nhận kết quả qua đường bưu điện thuộc thẩm quyền giải quyết của 16 sở.

 UBND TP. Hà Nội và TP.HCM cũng đã chỉ đạo, yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các quận huyện tăng cường truyền thông để hướng dẫn cá nhân, tổ chức thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tại Cổng dịch vụ công quốc gia (dichvucong.gov.vn), Cổng dịch vụ công của 2 thành phố và trang dịch vụ công trực tuyến của các sở, ngành, UBND các quận huyện. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị thực hiện rà soát, công khai thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

 Đại diện Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VietnamPost) cũng cho biết, trong đợt cao điểm phòng, chống dịch bệnh Covid-19, VietnamPost và các bưu điện tỉnh đều xác định việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính là một nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu. Các bưu điện tỉnh bố trí đầy đủ các điểm tiếp nhận, nguồn nhân lực cũng như các phương tiện cần thiết để đảm bảo việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên toàn tỉnh nhanh chóng, an toàn. Khi Covid-19 xảy ra, VietnamPost đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua Bưu điện.

 Theo thống kê, đến cuối tháng 2/2020, đã có hơn 3 triệu lượt hồ sơ được người dân và các tổ chức doanh nghiệp lựa chọn theo hình thức nhận hồ sơ tại các bưu cục, nhận hồ sơ tại nhà và trả kết quả tại địa chỉ yêu cầu, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. 

Còn theo Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong hơn 1 tháng qua, tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến đã tăng gấp đôi, đạt 24%. Sau 20 năm phát triển Chính phủ điện tử, tỷ lệ này mới là 12%.

 Các hoạt động về phát triển Chính phủ điện tử của các bộ, ngành gần như không chịu tác động nhiều từ dịch Covid-19, thậm chí còn có xu hướng được đẩy nhanh hơn do phát sinh mạnh nhu cầu trao đổi thông tin, gửi nhận văn bản trên trục liên thông văn bản quốc gia, họp trực tuyến giữa các cấp để ứng phó với bệnh dịch.

 “Diễn biến của dịch Covid-19 khiến người lao động của các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức có tâm lý e ngại, hạn chế tụ tập nơi đông người. Do đó, việc khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến là biện pháp hiệu quả giúp phòng dịch, qua đó thúc đẩy triển khai, sử dụng dịch vụ công trực tuyến”, đại diện Cục Tin học hóa đánh giá.

 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng vừa có văn bản đề nghị các bộ, cơ quan, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh để hạn chế việc đi lại, tiếp xúc trực tiếp. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương ưu tiên nguồn lực, hoàn hành việc tích hợp, cung cấp 30% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 theo kế hoạch năm 2020 của bộ, ngành, địa phương trên Cổng dịch vụ công quốc gia để phục vụ người dân, doanh nghiệp.

 Đồng thời, Văn phòng chính phủ cũng sẽ hỗ trợ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Cụ thể, Văn phòng Chính phủ tổ chức phối hợp, hỗ trợ UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công trực tuyến như: Hỗ trợ UBND TP.HCM, TP. Hà Nội rà soát, kiểm thử, tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến có đối tượng thực hiện lớn trên Cổng dịch vụ công trực tuyến trong thời gian từ ngày 3/4/2020 đến ngày 18/4/2020 để kịp thời phục vụ cá nhân, tổ chức ở hai thành phố giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến.

 “Việc hưởng ứng của cá nhân, tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp sẽ giúp phát huy tối đa lợi thế từ các hệ thống thông tin Chính phủ điện tử do Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan, địa phương triển khai thời gian qua, bảo đảm đáp ứng yêu cầu thiết yếu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19", ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh. (Baodautu.vn 12/4, Hữu Tuấn) Về đầu trang

Thủ tục hành chính mùa cách ly xã hội: Đừng để đình trệ việc dân

Trong thời gian cách ly xã hội, các địa phương hạn chế tiếp nhận giải quyết hồ sơ trực tiếp để phòng chống dịch Covid-19 lây lan. Tuy nhiên, mỗi nơi làm một kiểu khiến người dân lúng túng.

 Từ ngày 1.4, TP.HCM yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện chỉ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến, đối với hồ sơ trực tiếp thì chỉ giải quyết những hồ sơ thực sự cấp bách, cần thiết và phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, người dân nộp hồ sơ trực tiếp tại một số đơn vị khi cần thiết thì mỗi nơi lại hành xử một kiểu.

 Chị O. (ở TP.HCM) phản ánh với Thanh Niên, chiều 6.4 chị đến UBND P.Cầu Kho, Q.1 để chứng thực sao y giấy tờ nhằm hoàn thiện gấp hồ sơ nhưng cán bộ ở đây yêu cầu về gửi qua bưu điện chứ không nhận trực tiếp. Ngay sau đó, chị qua UBND P.Cô Giang (cùng Q.1) thì nơi đây tiếp nhận sao y trực tiếp. "Cũng cùng một quận mà mỗi phường làm khác nhau. Thật ra người dân có việc cần thiết lắm mới trực tiếp đến chứng thực sao y, chứ đang dịch bệnh đâu ai muốn đi đến nơi công cộng", chị O. nói.

 Trả lời PV Thanh Niên về việc này, ông Nguyễn Vũ Linh, Chủ tịch UBND P.Cầu Kho, cho biết hiện phường không giải quyết các hồ sơ trực tiếp, người dân có thể nộp hồ sơ trực tuyến đối với những thủ tục đã có trên hệ thống, hoặc nộp qua bưu điện. Đối với một số hồ sơ mà người dân đến tận trụ sở phường nộp, cán bộ sẽ xem nội dung hồ sơ, thời hạn mà người dân cần để linh động giải quyết những trường hợp cấp bách như: khai tử, hồ sơ liên quan đến tài sản theo tiến độ của ngân hàng. Còn những hồ sơ thông thường, cán bộ phường hẹn người dân qua ngày 15.4 quay lại giải quyết. “Các thủ tục sao y, chứng thực nếu không cấp bách thì phường hẹn qua 15.4”, ông Linh thông tin và cho biết số lượng hồ sơ trực tuyến trong hơn 10 ngày qua tăng so với tháng trước, bao gồm các thủ tục liên quan đến hộ tịch như khai sinh, khai tử, xác nhận tình trạng hôn nhân…

 Trong khi đó, ông Lê Trương Hải Hiếu, Chủ tịch UBND Q.12, cho biết những hồ sơ nào đã có dịch vụ công trực tuyến thì các đơn vị sẽ không nhận trực tiếp trong lúc này; những hồ sơ trực tiếp quan trọng, cấp bách thì quận vẫn giải quyết cho người dân. “Quận không giảm bất kỳ thủ tục hành chính nào, đối với những hồ sơ có thể làm song song giữa trực tuyến và trực tiếp thì quận khuyến khích, hướng dẫn người dân nộp trực tuyến; các thủ tục như sao y, công chứng các phường vẫn giải quyết bình thường”, ông Hiếu nói, đồng thời cho hay sau khi hết thời gian “giãn cách xã hội” thì các phường sẽ phục vụ 100% nhân sự như lúc trước, còn hiện tại vẫn áp dụng phương thức làm việc tại nhà, không quá 30% nhân lực làm việc tại trụ sở.

 Tại UBND P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, cũng chỉ bố trí khoảng 30% cán bộ làm việc tại trụ sở để giải quyết các thủ tục bức thiết của người dân. Ông Trịnh Trọng Thành, Phó chủ tịch UBND P.Hiệp Bình Chánh, cho biết một số thủ tục cấp bách liên quan đến giao dịch đảm bảo, tài sản; làm giấy chứng sinh, chứng tử… phường vẫn giải quyết hồ sơ nộp trực tiếp. Ngay từ ngoài cổng, cán bộ phường sẽ xem nội dung, thành phần hồ sơ, xác định thấy cấp bách, nếu không giải quyết sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi người dân thì cán bộ sẽ nhận. Người dân được đo thân thiệt, xịt nước rửa tay sát khuẩn rồi vào phòng tiếp nhận, giữ khoảng cách theo khuyến cáo của ngành y tế. “Do những trường hợp cấp bách, thật sự cần thiết không nhiều nên phường sẽ hỗ trợ hết mức có thể, sẵn sàng làm ngoài giờ, cử cán bộ xuống nhận hồ sơ tại địa chỉ nhà người dân”, ông Thành cho biết và đề nghị người dân làm thủ tục sao y, chứng thực sau ngày 15.4.

 Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng, người dân nên sử dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 thay vì đến nộp hồ sơ trực tiếp tại các cơ quan hành chính. Đối với những thủ tục chưa có dịch vụ công trực tuyến, người dân gọi điện thoại cho phường, quận để được hướng dẫn nên làm ngay hay có thể chờ vào thời điểm khác phù hợp hơn.

 Tại TP.Hà Nội, theo ông Nguyễn Đắc Phong, Phó chủ tịch UBND P.Giảng Võ (Q.Ba Đình), trong thời gian thực hiện “cách ly xã hội”, việc giải quyết thủ tục hành chính tại địa phương vẫn diễn ra bình thường. Từ ngày 10.3, UBND phường đã huy động lực lượng đoàn viên đo thân nhiệt, sát khuẩn, yêu cầu đeo khẩu trang và lấy thông tin người đến làm thủ tục để đảm bảo việc phòng, chống dịch. “Chúng tôi không từ chối giải quyết thủ tục hành chính của người dân, nhưng những người đến làm thủ tục không cần thiết như xác nhận lý lịch, công chứng giấy tờ để làm hồ sơ xin việc, đi làm... thì được khuyên ra về, giải quyết sau. Nếu người dân cần làm gấp thì đơn vị vẫn sẽ giải quyết”, ông Phong nói.

 Ông Nguyễn Dân Huy, Chủ tịch UBND P.Trúc Bạch (Q.Ba Đình), cho biết có nghe một số địa phương chỉ giải quyết thủ tục khai tử, còn toàn bộ thủ tục hành chính khác đều bị gác lại. Tuy nhiên, tại P.Trúc Bạch, mọi thủ tục hành chính vẫn được giải quyết đầy đủ. “Từ khi triển khai giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến, đơn vị vẫn duy trì hoạt động đến bây giờ, một số người dân muốn ra làm trực tiếp thì đơn vị vẫn có bộ phận giải quyết, không bỏ một thủ tục nào. Tuy nhiên, trước khi vào làm việc, người dân sẽ được đo thân nhiệt, sát khuẩn và yêu cầu đeo khẩu trang, đồng thời hỏi nhanh xem có liên quan đến các ổ dịch hay không để có biện pháp sàng lọc”, ông Huy nói. (Thanhnien.vn 13/4) Về đầu trang

Cắt giảm tối đa các điều kiện kinh doanh đối với dịch vụ vận tải biển

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh đối với dịch vụ vận tải biển.

 Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, đối với hoạt động kinh doanh vận tải biển, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo giao Bộ Giao thông vận tải chủ động triển khai thực hiện các giải pháp thuộc thẩm quyền.

 Trong đó, ưu tiên rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2015; rà soát, điều chỉnh các chiến lược, đề án quy hoạch phát triển ngành Hàng hải đến năm 2030, bảo đảm đáp ứng với điều kiện phát triển kinh tế xã hội đến năm 2030 và định hướng sau năm 2030.

 Đặc biệt, tập trung khẩn trương thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển quốc gia theo quy định của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 955/QĐ-TTg ngày 9/8/2018.

 Bộ Giao thông vận tải cũng được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh đối với dịch vụ vận tải biển; tiếp tục phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các cơ quan liên quan hướng dẫn các doanh nghiệp sử dụng các nguồn vốn đầu tư phát triển đội tàu; đôn đốc đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, tăng cường liên doanh, liên kết với các đối tác trong nước và nước ngoài để đa dạng hóa nguồn vốn, tăng hiệu quả đầu tư phát triển vận tải biển của Việt Nam.

 Ngoài ra, Phó Thủ tướng còn giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xem xét các kiến nghị liên quan đến chính sách thuế, phí của Bộ Giao thông vận tải. Trên cơ sở đó, báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét miễn, giảm các chi phí của doanh nghiệp (thuế, phí, giá…) thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp vận tải biển về phát triển nguồn nhân lực, hoạt động sản xuất kinh doanh trong giai đoạn hiện nay.

 Đối với những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tài chính tổng hợp, nghiên cứu trong quá trình rà soát dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi và Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi. (Baophapluat.vn 12/4, Hoàng Thư)     Về đầu trang

Bộ TN&MT triển khai dịch vụ công trực tuyến đạt 69.5%

Theo các Quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay có 73 dịch vụ côngmức độ 3 đạt 69.5%, 32 dịch vụ công mức độ 4, đạt tỷ lệ 30,5%.

 Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành triển khai Cổng Dịch vụ công trực tuyến (tại địa chỉ https://dvctt.monre.gov.vn) và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ (tại địa chỉ https://dvc.monre.gov.vn).

 Các hệ thống trên là đồng nhất, trên cơ sở dữ liệu dùng chung và sử dụng văn bản điện tử gắn với chữ ký số; liên thông với hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ điện tử tạo sự thống nhất trong triển khai Chính phủ điện tử của Bộ.

 Theo các Quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính của Bộ. Hiện nay, đã rà soát một số thủtục hành chính bãi bỏ, sửa đổi, hoàn thành và đưa vào triển khai 105 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng Dịch vụ công của Bộ, trong đó có 73 dịch vụ công mức độ 3 đạt 69.5%, 32 dịch vụ công mức độ 4, đạt tỷ lệ 30,5%.

 Hệ thống được nâng cấp, hoàn thiện theo tiêu chí, quy định thống nhất về chức năng, tính năng kỹ thuật, yêu cầu kết nối theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ. Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Bộ đã kết nối, tích hợp với Hệ thống dịch vụ thanh toán điện tử VNPay (của Công ty Cổ phần Giải pháp Thanh toán Việt Nam) cho phép tổ chức, doanh nghiệp, người dân thanh toán phí, lệ phí (nếu có) trực tuyến khi thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) theo quy định của pháp luật; trong thời gian tới sẽ triển khai kết nối, tích hợp dùng chung hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công Quốc gia theo kế hoạch, hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ.

 Trước đó, thực hiện Quyết định số 274/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ và yêu cầu, kế hoạch của Văn phòng Chính phủ về triển khai Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành các nội dung sau:

 Tích hợp đăng nhập SSO, kết nối đồng bộ dữ liệu hồ sơ TTHC, bố trí máy chủ bảo mật; xây dựng, đề xuất, tích hợp bộ câu hỏi/trả lời về những vấn đề thường gặp trong quá trình thực hiện TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; rà soát, chuẩn hóa và công khai các TTHC lĩnh vực tài nguyên và môi trường (đã công bố) trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC.

 Bên cạnh đó, Bộ đã đề xuất một số dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực tài nguyên và môi trường vào Danh mục dịch vụ công trực tuyến ưu tiên tích hợp lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia trong năm 2020 (tại Công văn số 854/BTNMT ngày 25 tháng 02 năm 2020); phối hợp với Văn phòng Chính phủ thực hiện sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. (Baotainguyenmoitruong.vn 12/4, Khương Trung - Thu Trang)    Về đầu trang                                                                          

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Đến 31/3, chi xây dựng cơ bản bằng vốn vay nước ngoài đạt hơn 2.666 tỷ đồng

Bộ Tài chính vừa công bố thông tin giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài lũy kế đến 31/3/2020. Theo đó, tổng số vốn giải ngân của các bộ, ngành, địa phương đạt hơn 2.666 tỷ đồng.

 Theo công bố của Bộ Tài chính, tổng kế hoạch vốn được giao năm 2020 là 56.700 tỷ đồng; kế hoạch vốn đã nhập Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) là hơn 36.233 tỷ đồng.

 Trong đó, đối với các bộ, ngành trung ương, tổng kế hoạch vốn được giao là khoảng 18.216 tỷ đồng; kế hoạch vốn đã nhập TABMIS là hơn 13.389 tỷ đồng; tính đến 31/3/2020, trong 23 bộ, ngành trung ương mới có 4 bộ thực hiện giải ngân, với tổng số là hơn 1.071 tỷ đồng.

 Đối với địa phương, tổng kế hoạch vốn được giao là hơn 38.484 tỷ đồng; kế hoạch vốn đã nhập TABMIS là hơn 22.843 tỷ đồng. Ngoài tỉnh Bắc Ninh không được giao kế hoạch thì 33 tỉnh chưa thực hiện giải ngân. Tổng vốn giải ngân lũy kế đến 31/3/2020 là hơn 1.595 tỷ đồng. (Baodauthau.vn 13/4, Xuân Yến)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Hiệu quả cách ly xã hội được thể hiện rõ ở nhiều nước châu Âu

Khi tuyên bố quyết định giãn cách xã hội, các nước châu Âu đều có giải thích chi tiết nên mọi người hiểu rõ được ngay việc gì bị cấm, việc gì được làm.

 Đối với những quốc gia thực hiện không quyết liệt phương pháp cách ly xã hội, số lượng mắc COVID-19 tăng rất khó kiểm soát. Thậm chí, tạp chí Forbes (Mỹ) gần đây ví von việc nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội quá sớm trong khi COVID-19 vẫn còn lây lan cũng giống như việc tổ chức tiệc rượu và phomai trong lúc đối phó với lũ chuột phá hoại, tạo điều kiện để mời gọi chúng.

 Quy định rõ ràng về giãn cách xã hội tại các nước châu Âu giúp cho việc thực hiện và phạt vi phạm dễ dàng hơn.

 Theo cảnh sát, người vi phạm thường là thanh niên và dạng vi phạm thường gặp là đi quá xa khỏi nhà mà không chứng minh được rằng điều đó cần thiết. Ví dụ, mọi người được phép đi siêu thị mua thực phẩm nhưng đi siêu thị nào cũng được miễn là gần nhà. Nếu bất chợt bị cảnh sát kiểm tra giấy tờ tùy thân mà lại đang ở vị trí không nằm trong khoảng giữa nhà và siêu thị đã khai báo, người đó sẽ bị phạt.

 Thời tiết đẹp lên đang là trở ngại cho việc thực hiện quy định bởi nắng ấm mùa xuân, hoa nở tưng bừng khiến số lượng người ra khỏi nhà đi tập cũng nhiều hơn.

 Theo quy định, mọi người được phép ra ngoài tập luyện, đi dạo, chạy bộ, đạp xe nhưng không được đi xa nhà quá 1km và đã đi tập là phải tập liên tục, không đường dừng, không được ngồi, không được nghỉ, muốn nghỉ thì về nhà.

 Cảnh sát xác định khá dễ dàng những ai không di chuyển để phạt tiền. Với bắt buộc tập liên tục như vậy, ít ai có khả năng tập được lâu nên cũng không thể ở bên ngoài quá lâu. Quy định cũng nêu rõ đi tập cũng phải giữ khoảng cách với nhau, chỉ có những người sống cùng dưới một mái nhà mới được đi sát nhau.

 Các nước châu Âu đang lên kế hoạch chi tiết dỡ bỏ hạn chế đi lại và mở cửa dần dần, kể cả ở những nước mà dịch bệnh chưa có dấu hiệu giảm bớt.

 Tại Pháp, Hội đồng Khoa học đã xác định 3 tiêu chí có thể định lượng được, nếu thỏa mãn cả 3 thì có thể bắt đầu dỡ bỏ dần dần các hạn chế.

 Thứ nhất là khi bệnh viện không còn bị quá tải, cụ thể là khi số lượng máy thở còn trống và sẵn sàng dùng được ngay về tới mức như khi không có dịch. Thứ hai là khi số lượng người nhiễm mới giảm mạnh, căn cứ theo các tiêu chí y học. Thứ ba là khi số lượng nước rửa tay sát khuẩn và khẩu trang có sẵn là đủ cho tất cả mọi người cộng với khả năng xét nghiệm nhanh trên diện rộng.

 Dỡ bỏ hạn chế sẽ được quyết định từng vùng, chứ không cho cả nước và chừng nào mà còn chưa có vaccine, các hạn chế không thể được dỡ bỏ hoàn toàn. (VTV.vn 13/4)Về đầu trang

Tổng thống Ecuador giảm 50% lương của Chính phủ do dịch COVID-19

Tổng thống Ecuador vừa tuyên bố sẽ cắt giảm 50% lương của Chính phủ trong bối cảnh dịch COVID-19 hoành hành.

 Thông báo trên của Tổng thống Ecuador Lenin Moreno được đăng trên tài khoản Twitter. Ông Moreno cho biết sẽ cắt giảm một nửa lương của các thành viên nội các cũng như lương của ông. Việc cắt giảm lương này còn bao gồm cả Phó Tổng thống, Thống đốc và các thành viên Quốc hội Ecuador.

 Ecuador là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề thứ 2 do dịch bệnh COVID-19 tại khu vực Mỹ Latin với hơn 7.000 ca nhiễm và 333 trường hợp tử vong vì dịch COVID-19. (VTV.vn 13/4)Về đầu trang

UAE ra mắt dịch vụ đăng ký và tổ chức kết hôn trực tuyến

Do UAE đang thực hiện các lệnh phong tỏa trên toàn quốc nhằm ngăn chặn Covid-19 nên nhiều dịch vụ hành chính đã buộc phải thay đổi để thích nghi.

 Bộ Tư pháp của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) mới đây đã cho ra mắt dịch vụ kết hôn trực tuyến để tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng có thể thực hiện việc đăng ký kết hôn theo pháp luật trong bối cảnh phải thực hiện các biện pháp phong tỏa vì đại dịch Covid-19.

 Theo hình thức này, các cặp vợ chồng có thể đăng nhập vào một trang web của Bộ Tư pháp để gửi thông tin, hồ sơ điện tử làm thủ tục cũng như chọn giáo sĩ mà họ yêu thích làm chủ hôn trong đám cưới.

 Khi các giấy tờ được chấp thuận, lễ cưới sẽ được tổ chức trực tuyến theo thời gian thống nhất của các cặp vợ chồng. Sau khi các thủ tục lễ cưới trực tuyến kết thúc, các giáo sĩ chủ hôn sẽ có trách nhiệm yêu cầu các cặp vợ chồng thực hiện chữ ký số để hoàn thành thủ tục đăng ký kết hôn. Các cơ quan chức năng địa phương sau đó có trách nhiệm hoàn thiện các thông tin, giấy tờ cần thiết với cơ quan luật pháp để lưu lại hồ sơ hôn nhân của người dân.

 Do UAE đang thực hiện các lệnh phong tỏa trên toàn quốc nên nhiều dịch vụ hành chính đã buộc phải thay đổi để thích nghi. Theo Bộ Tư pháp, việc áp dụng các hệ thống tư pháp thông minh nhằm tạo điều kiện cho người dân có thể tiến hành các thủ tục pháp lý trong bối cảnh Chính phủ đang tiến hành những biện pháp mạnh để chống lại sự lây nan của đại dịch Covid-19. (Vov.vn 12/4, Nho Biền) Về đầu trang./.

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

 

Các tin khác