Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 03-4-2020

15:57, Thứ Sáu, 3-4-2020

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 Tải file tại đây

TIÊU ĐIỂM.. 1

1.             Cách ly xã hội chưa phải là phong tỏa xã hội 1

2.             Cách ly toàn xã hội: Một số nơi làm chưa đúng Chỉ thị 16 của Thủ tướng. 2

3.             Chặn đường, ngăn sông cấm chợ là sai rồi! 4

4.             Bí thư Quảng Nam nói về việc thu tiền ăn của người bị cách ly. 5

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 6

5.             Hơn 18.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh vì COVID-19. 6

QUẢN LÝ.. 7

6.             7 đối tượng được tăng lương lên 1,6 triệu đồng/tháng từ 1-7. 7

7.             2/3 cán bộ, công chức tại TP.HCM làm việc ở nhà. 8

8.             Đà Nẵng cho 50% công chức, viên chức làm việc tại nhà. 8

9.             Đồng Nai tạm dừng tiếp nhận hồ sơ trực tiếp ở Trung tâm hành chính. 9

10.          Vụ UBND huyện nợ hơn 50 tỷ đồng: Thanh Hóa lập đoàn kiểm tra. 10

11.          Bộ Công Thương đề xuất giảm giá điện 10%.. 10

12.          Ngăn chặn đua xe, 2 cảnh sát ở Đà Nẵng bị tai nạn, hy sinh tại chỗ. 10

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 11

13.          Người dân An Giang có thể làm thủ tục hành chính tại nhà. 11

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 11

14.          Hà Nội cắt giảm 5% chi thường xuyên để phòng chống dịch Covid-19. 11

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 12

15.          Hà Tĩnh: Đình chỉ công tác Phó Giám đốc bệnh viện tổ chức rước dâu giữa mùa dịch. 12

16.          Cách hết chức vụ đảng, khai trừ nhiều cán bộ ở Phú Yên. 13

17.          Truy tố Nguyên Giám đốc Sở Y tế Gia Lai cùng 8 bị can liên quan. 14

THẾ GIỚI 15

18.          Bộ trưởng Y tế Israel mắc COVID-19, các quan chức hàng đầu cách ly. 15

19.          Người phát tán tin giả về COVID-19 tại Nga bị phạt tới 3 tỷ đồng. 15

20.          Giới chức Trung Quốc kêu gọi người dân chi tiêu mua sắm.. 16

 TIÊU ĐIỂM

Cách ly xã hội chưa phải là phong tỏa xã hội

 Cách ly xã hội không phải là ngăn cấm giao thông, "ngăn sông cấm chợ", chưa phải phong tỏa xã hội; chúng ta vẫn phải duy trì sản xuất, lưu thông hàng hóa an toàn. Đây là nội dung được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại phiên họp Chính phủ.

 Do chưa hiểu đúng tinh thần Chỉ thị 15, 16, về các biện pháp phòng chống dịch, trong đó có yêu cầu về cách ly xã hội, một số địa phương tiến hành việc rào đường, hạn chế người đi lại từ địa phương này sang địa phương khác hay tạm dừng các công trình xây dựng, thậm chí một số trung tâm đăng kiểm dừng hẳn hoạt động đến 15/4.

 Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, cách ly xã hội là một tình huống pháp lý không trái pháp luật để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Cách ly xã hội mang ý nghĩa là giữ khoảng cách trong xã hội để đối phó với tình huống nguy hiểm, bùng phát dịch bệnh. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta vẫn phải duy trì sản xuất, lưu thông hàng hóa an toàn, nhất là hàng thiết yếu, vật tư y tế, hàng hóa xuất khẩu, duy trì xuất khẩu bình thường bằng đường biển, đường bộ. Ứng dụng tối đa công nghệ thông tin để làm việc tại nhà nhưng vẫn bảo đảm tốt tiến độ, chất lượng công việc. Chỉ thị 16 có hiệu lực trong vòng 15 ngày, từ ngày 1/4 đến 15/4, đây là khoảng "thời gian vàng" để hạn chế tối đa dịch bệnh lây nhiễm ra cộng đồng.

 Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện nghiêm các chủ trương, biện pháp mà Chính phủ đã đề ra; tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ những giải pháp để ngăn chặn hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng; Thủ tướng cũng yêu cầu người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật cần thiết, thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.

 Trong thời gian này, Chính phủ vẫn đồng ý cho nhà máy, phân xưởng hoạt động. Tuy nhiên, nếu để xảy ra 1 trường hợp lây nhiễm cũng phải đóng cửa ngay lập tức, tránh lây nhiễm chéo và lây lan ra cộng đồng. (VTV.vn 02/4)Về đầu trang

Cách ly toàn xã hội: Một số nơi làm chưa đúng Chỉ thị 16 của Thủ tướng

Những ngày qua, sau khi có Chỉ thị 16, nhiều địa phương đã hiểu chưa đúng tinh thần chỉ thị này của Thủ tướng Chính phủ. Từ đó có những việc làm sai như rào đường, đổ đất cản trở lưu thông…

 Quảng Ninh: Không còn đổ đất, đặt bê tông trên đường: Tại TP Hạ Long, từ ngày 1-4, nhiều tuyến đường nhánh của TP Hạ Long kết nối với các địa phương khác đã được lực lượng chức năng đổ đất, đặt ụ bê tông bịt đường không cho người, xe qua lại. Các tuyến đường này chủ yếu thuộc các xã vùng cao thông sang các địa bàn lân cận. Nhiều tuyến đường nhánh, đường gom dân sinh tại các thôn cũng bị chặn để tập trung kiểm soát, ngăn dân đi dồn về các tuyến đường chính.

 Một lãnh đạo TP Hạ Long cho biết các địa bàn, khu dân cư tự chủ trong việc đóng các lối đường nhánh, đường phụ nhằm kiểm soát chặt những lối đi chính vào thôn, bản từ 0 giờ ngày 1-4. Theo vị này, chính quyền sẽ chủ động để có các phương án đảm bảo giao thông khi cần thiết, như đưa người đi cấp cứu. Tại TP Móng Cái, nhiều thôn bản cũng thực hiện việc chặn đường nhánh, đường gom, tập trung nhân lực kiểm soát các con đường chính. Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND TP Móng Cái, cho rằng đây là biện pháp kiểm soát khá tốt, các khu dân cư tự khoanh vùng để tự quản, ai ra ai vào đều kiểm soát được. Người lạ, người ở nơi khác tới được phát hiện, tránh tình trạng người ở nơi khác mang dịch tới.

 Đến cuối chiều 2-4, UBND tỉnh Quảng Ninh cho hay đã chỉ đạo các địa phương giải tỏa đất, đá chặn đường, thay vào đó là các chốt kiểm soát dịch bệnh.

 Cà Mau: “Không ngăn sông cấm chợ”: Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về thông tin một số xe biển số ngoài tỉnh khi vào đến địa phận tỉnh Cà Mau đã được yêu cầu quay lại, chiều 2-4, ông Nguyễn Đức Thánh, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn UBND tỉnh Cà Mau, cho biết tỉnh đã nắm tình hình và đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải đã đi kiểm tra các chốt.

 “Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu lực lượng công an tại các chốt kiểm soát cửa ngõ giải quyết linh động các trường hợp cụ thể như xe chở hàng hóa, nhu yếu phẩm, xe chở công nhân, xe công vụ, xe cá nhân đi lại thăm gia đình, thân nhân hoặc giải quyết các việc đột xuất…” - ông Nguyễn Đức Thánh cho biết. Theo ông Thánh, chủ tịch tỉnh Cà Mau đã có ý kiến với giám đốc công an tỉnh quán triệt cho lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát trên tinh thần “không ngăn sông cấm chợ”.

 Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đó, tại Công văn số 2100 ngày 31-3-2020 của lãnh đạo tỉnh Cà Mau có đề cập việc hạn chế tối đa các phương tiện vận tải di chuyển từ địa bàn, khu vực này sang địa bàn, khu vực khác. Công văn này cũng nêu: “Các trạm, chốt kiểm soát dịch COVID-19 ở các tuyến đường bộ vào tỉnh không cho những xe vận chuyển khách du lịch, vận chuyển người ngoài tỉnh hoặc từ vùng có dịch vào tỉnh để tham quan, du lịch, thăm thân nhân, đi tránh dịch”.

 Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định: Không có chuyện “ngăn sông cấm chợ”, việc cấm triệt để việc đi lại của người dân là không đúng trong khi Nhà nước chưa ban bố tình trạng khẩn cấp.

 Về các chốt chặn tại cửa ngõ các tỉnh, TP, Bộ trưởng Thể cho biết các chốt này lập ra chỉ để kiểm tra việc dừng vận tải hành khách công cộng, trong đó có taxi. Taxi chở khách từ địa phương này sang địa phương khác thì các chốt chặn yêu cầu xe quay đầu. Đây là biện pháp ngăn chặn dịch bệnh. Những biện pháp này không áp dụng với xe cá nhân và xe chở hàng hóa.

 Theo Bộ trưởng Thể, các xe công vụ, xe cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa… thì lưu thông bình thường. Các bến xe địa phương phải thực hiện nghiêm việc dừng hoạt động của các tuyến vận tải hành khách cố định, liên tỉnh, nội tỉnh, vì đây là những loại hình vận chuyển hành khách công cộng.

 Trả lời báo chí ngày 2-4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, người phát ngôn của Chính phủ, cho biết liên quan đến Chỉ thị 16 của Thủ tướng, đã có một số địa phương hiểu và thực hiện sai. Cụ thể, từ ngày 1-4, đã có một số địa phương rào đường, hạn chế người đi lại từ địa phương này sang địa phương khác, hay tạm dừng các công trình xây dựng, thậm chí một số trung tâm đăng kiểm dừng hẳn hoạt động đến ngày 15-4…

 Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết việc “ngăn sông cấm chợ” là sai chỉ đạo của Thủ tướng. Về việc đi lại của người dân từ nơi này sang nơi khác, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết Chính phủ không cấm, tuy nhiên khuyến cáo người dân hạn chế ra khỏi nhà. Bộ trưởng đánh giá việc Hà Nội lập các chốt kiểm soát trên các trục đường ra vào cửa ngõ thủ đô để đo thân nhiệt, kiểm tra sức khỏe, điều tra dịch tễ là tốt vì sẽ sàng lọc được những người nghi ngờ nhiễm bệnh để có giải pháp phù hợp.

 Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết Văn phòng Chính phủ đã trao đổi với các địa phương có những việc làm sai lệch trên, đề nghị thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị 16. Văn phòng Chính phủ cũng sẽ có văn bản cụ thể để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương.

 Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chính phủ vẫn đồng ý cho nhà máy, phân xưởng hoạt động nhưng yêu cầu cán bộ văn phòng, cơ quan hành chính nhà nước, doanh nghiệp có thể ứng dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà. Tuy nhiên, nếu để xảy ra một trường hợp lây nhiễm cũng phải đóng cửa ngay lập tức, tránh lây nhiễm chéo và lây lan ra cộng đồng. (Plo.vn 03/4, Nhóm PV)Về đầu trang

Chặn đường, ngăn sông cấm chợ là sai rồi!

Một số địa phương hiểu không đúng "cách ly xã hội" để chống dịch Covid-19, có nơi cho đổ đất, lập hàng rào chặn đường không cho xe cộ lưu thông, dẫn đến những xáo trộn xã hội không đáng có, sai lệnh của Thủ tướng.

 Để đối phó với dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và tận dụng “thời gian vàng” khống chế dịch, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 15, 16 về các biện pháp phòng chống dịch, trong đó yêu cầu cách ly xã hội.

 Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa diễn ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ cách ly xã hội là một tình huống pháp lý không trái pháp luật để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của nhân dân. Cách ly xã hội mang ý nghĩa là giữ khoảng cách trong xã hội để đối phó với tình huống nguy hiểm, bùng phát dịch bệnh, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng, không phải là ngăn cấm giao thông, không phải "ngăn sông cấm chợ", chưa phải phong tỏa xã hội.

 Trả lời báo chí hôm 2-4, Bộ trưởng,Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Người Phát ngôn của Chính phủ, cho biết liên quan đến Chỉ thị 16 của Thủ tướng, nhiều địa phương đã nhanh chóng ban hành văn bản chỉ đạo để triển khai thực hiện nhưng có một số địa phương hiểu chưa đúng, thực hiện sai tinh thần chỉ đạo.

 Theo phản ánh của người dân, Hải Phòng, Hải Dương yêu cầu phong tỏa, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào, chỉ cho xe chở người thực thi công vụ, đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp vào tỉnh, thành phố. Một số địa phương như Quảng Ninh, Thái Bình xuất hiện tình trạng người dân đổ đất, lập hàng rào ở một số tuyến đường để không cho xe cộ lưu thông.

 Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết việc đi lại của người dân từ nơi này sang nơi khác là không cấm nhưng khuyến cáo người dân hạn chế ra khỏi nhà. Các địa phương dùng biện pháp ngăn người và phương tiện ra vào địa bàn theo hướng "ngăn sông cấm chợ" là không đúng, hiểu sai ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng. "Các địa phương có thể lập chốt kiểm soát người và phương tiện ra vào, yêu cầu khai báo y tế, nhưng không được cấm việc đi lại của người dân", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng trả lời báo chí.

 Đọc kỹ Chỉ thị 16, về các biện pháp thực hiện cách ly xã hội, thực sự nếu không có hướng dẫn cụ thể thì một số địa phương hiểu sai cũng có thể hiểu được, vì thiếu hướng dẫn cụ thể.

 Lấy ví dụ như biện pháp thứ 4: "Bộ Giao thông Vận tải, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ bản dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng. Hạn chế tối đa việc di chuyển từ địa bàn, khu vực này sang địa bàn, khu vực khác; dừng việc di chuyển từ vùng có dịch đến các địa phương khác, trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất".

 Vậy nên hiểu thế nào là "cơ bản dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng"? "Cơ bản" có nghĩa là cấm tuyệt đối hay vẫn cho một số phương tiện hoạt động?

 Hoặc yêu cầu "dừng việc di chuyển từ vùng có dịch đến các địa phương khác" nên hiểu như thế nào? Trong khi tỉnh Quảng Nam yêu cầu cách ly tất cả người từ TP HCM, Hà Nội (vùng dịch) đến Quảng Nam từ ngày 1-4 đến 15-4, yêu cầu đó đúng hay sai? Vậy người từ TP HCM, Hà Nội và các địa phương có dịch khác đến tỉnh thành khác có bị cách ly?

 Trong khi đó Sở Y tế TP HCM cũng ban hành quy định người đến TP HCM từ các tỉnh thành có dịch của Việt Nam cũng phải cách ly tập trung. Vậy mấy ngày qua TP HCM có cách ly lượng khách vào TP HCM? Nên nhớ rằng hàng ngày vẫn có 2 đoàn tàu hỏa chạy tuyến Bắc - Nam, một số đường bay nội địa Hà Nội - TP HCM - Đà Nẵng vẫn hoạt động, với hàng ngàn khách.

 Trước việc các địa phương có thể hiểu nhiều nội dung trong Chỉ thị 16 một cách khác nhau, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết đã trao đổi với các địa phương, đề nghị thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị 16.

 Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Văn phòng Chính phủ cũng sẽ có văn bản cụ thể để chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 16. Điều này là rất cần thiết, mà lẽ ra phải có hướng dẫn cụ thể trước khi công bố lệnh cách ly xã hội.

 Hoặc lẽ ra, rất cần thiết tổ chức một cuộc họp báo để công bố lệnh cách ly xã hội, kèm theo đó là thông tin chi tiết các yêu cầu cụ thể trong việc thực hiện cách ly. Nếu làm được như vậy, chắc chắn những xáo trộn xã hội đã không xảy ra! (Nld.com.vn 03/4, Lưu Nhi Dũ)Về đầu trang

Bí thư Quảng Nam nói về việc thu tiền ăn của người bị cách ly

Chiều 2-4, ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, cho biết Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất khuyên bà con ở TP.HCM, Hà Nội không nên về quê vào lúc này. “Nếu về quê, tỉnh sẽ thực hiện cách ly có thu tiền ăn, không thu tiền ở”, ông Cường nói.

 Ông Cường cho rằng quyết định này của Thường vụ Tỉnh ủy là hợp lý. Bởi “ở đâu cũng phải ăn”, mục đích là để bà con yên tâm ở một chỗ, không mang mầm bệnh từ nơi khác về quê.

 “Có thể bà con ở nơi không có dịch, nhưng trên đường đi ô tô, tàu lửa… bà con ghé quán ăn rất tiềm ẩn nguy cơ mang mầm bệnh. Nếu về Quảng Nam lây vào cộng đồng sẽ không kiểm soát được”, ông Cường nói.

 Đặc điểm của bà con Quảng Nam đi xa chủ yếu là làm thuê. Hiện nay, một số công ty, công xưởng đóng cửa, bà con gặp khó trong vấn đề chỗ ở, sinh hoạt. Ông Cường khuyên bà con yên tâm, không nên lo sợ.

 “Tôi khuyên bà con hãy ở một chỗ, bà con có khó khăn thì có hội đồng hương giúp đỡ. Ai có khó khăn chủ động liên hệ ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Nam tại TP.HCM (số điện thoại 0913127277). Vấn đề này tôi đã làm việc với ông Tuấn. Đồng thời, tỉnh sẽ hỗ trợ một phần kinh phí để giúp bà con”, ông Cường cho biết.

 Cũng theo ông Cường, hiện nay người dân Quảng Nam ở Hà Nội khá ít. Qua khảo sát, bà con ở Hà Nội không gặp khó trong việc ăn ở, sinh hoạt.

 Trước đây, tỉnh Quảng Nam thực hiện cách ly đối với du khách nước ngoài ở những khách sạn hạng sang hoàn toàn miễn phí nhưng trong diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, tỉnh Quảng Nam thực hiện cách ly thu phí tiền ăn đối với người dân Quảng Nam về quê. 

Về vấn đề này, ông Cường cho rằng người nước ngoài đi du lịch ở Việt Nam trên chuyến bay có ca dương tính với COVID-19, bản thân họ hoàn toàn không mong muốn. Theo kế hoạch, những du khách này chỉ ở Hội An (Quảng Nam) 3-4 ngày.

 “Họ là khách du lịch, họ đi theo tour. Chi phí của tour không bao gồm tiền ở lại đến 14 ngày như cách chúng ta thực hiện cách ly. Chi phí của người đi du lịch không có khoảng tiền đó nên một số khách sạn ở Hội An đã tài trợ”, ông Cường nói. (Plo.vn 02/4, Thanh Nhật)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Hơn 18.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh vì COVID-19

Tổng cục Thống kê cho biết trong quý 1-2020, do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch COVID-19, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh lên tới 18.600, tăng 26% so với cùng kỳ.

 Ngoài ra, trong quý I số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là hơn 12.000, giảm 21%. Ngoài ra còn có hơn 4.000 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tương đương cùng kỳ năm trước.

 Trong ba tháng đầu năm, cả nước có 29.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng hơn 4% so với cùng kỳ năm trước; 14.800 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 2%.

 Tổng số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới trong quý I là hơn 351.000 tỉ đồng và tổng số lao động đăng ký là hơn 243.000 lao động, giảm 6% về vốn đăng ký và giảm hơn 23% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.

 Tuy nhiên, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy các doanh nghiệp kỳ vọng dịch COVID-19 sẽ kết thúc sớm nên dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh trong quý II khả quan hơn quý I. (Plo.vn 01/4, Quang Huy)Về đầu trang

QUẢN LÝ

7 đối tượng được tăng lương lên 1,6 triệu đồng/tháng từ 1-7

Bộ Nội vụ vừa lấy ý kiến về dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện mức lương cơ sở đối với các đối tượng hưởng lương, phụ cấp trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị, xã hội và hội.

 Theo đó, bảy đối tượng sẽ được tăng lương lên mức 1,6 triệu đồng/tháng kể từ ngày 1-7. Cụ thể:

 Cán bộ, công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước làm việc trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị, xã hội ở trung ương; ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương; ở đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt.

 Công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý và viên chức hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật. Cán bộ, công chức, viên chức được luân chuyển, biệt phái đến làm việc tại các hội, tổ chức phi chính phủ, dự án và cơ quan, tổ chức quốc tế đặt tại Việt Nam theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

 Cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố quy định tại Nghị định số 92/2009 về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và Nghị định số 34/2019 sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Đại biểu HĐND các cấp hưởng hoạt động phí theo quy định của pháp luật hiện hành. Người làm việc trong tổ chức cơ yếu.

 Ngoài ra, các đối tượng sau đây cũng thuộc phạm vi áp dụng thông tư này khi tính toán xác định mức đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội và giải quyết các chế độ liên quan đến tiền lương theo quy định của pháp luật. Cụ thể gồm:

 Cán bộ, công chức, viên chức đi học, thực tập, công tác, điều trị, điều dưỡng (trong nước và ngoài nước) thuộc danh sách trả lương của cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động.

 Người đang trong thời gian tập sự hoặc thử việc (kể cả tập sự công chức cấp xã) trong cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động. Cán bộ, công chức, viên chức đang bị tạm đình chỉ công tác, đang bị tạm giữ, tạm giam.

 Các trường hợp làm việc trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động được ký kết hợp đồng lao động theo bảng lương ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14-12-2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. (Plo.vn 01/4, Đức Minh)Về đầu trang

2/3 cán bộ, công chức tại TP.HCM làm việc ở nhà

Bắt đầu từ ngày 1-4, các cơ quan công sở tại TP.HCM đã bố trí 2/3 cán bộ, công chức làm việc tại nhà. Riêng 100% lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan, đơn vị sẽ làm việc tại trụ sở.

 Tại quận 12, chiều 31-3, Chủ tịch UBND quận Lê Trương Hải Hiếu đã ký văn bản gửi đơn vị thuộc quận chỉ đạo về vấn đề này. Theo ông Hiếu, các đơn vị này đã phân công không quá 1/3 lượng cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên làm việc tại cơ quan, còn lại sẽ bố trí làm việc tại nhà. “Nhân sự được bố trí làm việc tại nhà vẫn phải đảm bảo các yêu cầu về tiến độ công việc theo quy định” - ông Hiếu nói.

 Tại các huyện Bình Chánh, Hóc Môn cũng đã sắp xếp nhân sự làm việc ở nhà. Bà Lê Thụy Mỵ Châu, Chánh Văn phòng UBND huyện Hóc Môn, cho biết trước giờ huyện đã ứng dụng phần mềm Hóc Môn trực tuyến để điều hành công việc nội bộ. Bà Châu thông tin, hiện nay từ cấp lãnh đạo quận, phường tới các phòng ban chuyên môn đều đã sử dụng thành thạo phần mềm. Do đó, khi bố trí nhân sự làm việc tại nhà, hiệu quả công việc vẫn được đảm bảo.

 Một số địa phương như quận 3, huyện Cần Giờ đã bố trí cán bộ làm việc tại nhà ngay từ ngày 30-3 (trước thời điểm có Chỉ thị 16). Cụ thể, ngày 26-3, UBND quận 3 đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và 14 phường xây dựng phương án sắp xếp 30% cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên làm việc trực tuyến tại nhà luân phiên cách nhau một tuần. Hay như Quận ủy quận 3 ngày 31-3 cũng có văn bản phân công lãnh đạo và chuyên viên làm việc tại cơ quan để duy trì hoạt động bình thường nhưng không quá 1/3 tổng số cán bộ, công chức, người lao động.

 Tại các sở TN&MT, Xây dựng cũng nhanh chóng triển khai thực hiện theo Chỉ thị 16/2020 của Thủ tướng. Riêng Sở Xây dựng, ngoài việc bố trí nhân sự làm việc ở nhà, ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng, đã ký văn bản gửi UBND 24 quận, huyện và các đơn vị liên quan. Trong đó, với các dự án, công trình không mang tính đặc thù, khẩn cấp thì Sở Xây dựng khuyến nghị chủ đầu tư điều chỉnh giãn tiến độ, tạm ngưng thi công xây dựng, hạn chế thi công ca đêm nếu không có yêu cầu đặc biệt.

 Sở Xây dựng cũng yêu cầu tại các công trường xây dựng hạn chế số lượng công nhân tập trung đông, tối đa không quá 20 người/ca. Quá trình làm việc phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2 m, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định… (Plo.vn 02/4, Việt Hoa)Về đầu trang

Đà Nẵng cho 50% công chức, viên chức làm việc tại nhà

Ngày 2-4, ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng, cho hay lãnh đạo TP vừa thống nhất với các phương án, kịch bản làm việc tại nhà đối với cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC).

 Theo đó, 50% CBCCVC của Đà Nẵng sẽ làm việc tại nhà. Lãnh đạo các sở, ngành chủ động xây dựng kịch bản làm việc tại nhà đối với cơ quan mình.

 Riêng các đơn vị mang tính chất trực chống dịch, bảo đảm công tác chuyên môn như Sở Y tế thì yêu cầu trực ở cơ quan nhiều hơn các đơn vị khác.

 Ông Thanh cho hay hệ thống thông tin chính quyền điện tử của Đà Nẵng tương đối hoàn thiện. Toàn bộ văn bản, giấy tờ có thể xử lý qua hệ thống quản lý văn bản điều hành. Các thông báo hành chính cũng thực hiện trên hệ thống thông báo nội bộ, có liên kết với mail của các hệ thống một cửa.

 Ngoài ra, các văn bản chỉ đạo tại Đà Nẵng đều có thể thực hiện chữ ký số thông qua điện thoại.

 “Hiện nay chữ ký số có giá trị pháp lý như chữ ký bình thường. Chữ ký bình thường có thể giả được nhưng chữ ký số thì hầu như không giả được” - ông Thanh nói. 

 Từ hôm nay (2-4), bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả (bộ phận một cửa), Ban tiếp công dân của TP Đà Nẵng cũng ngừng hoạt động. Người dân thay vì đến bộ phận một cửa, có thể ngồi tại nhà làm dịch vụ công trực tuyến.

 “Đà Nẵng có cổng dịch vụ công trực tuyến, từ cái này người dân có thể đẩy hồ sơ vào hệ thống một cửa. Từ đó lãnh đạo sẽ phân công việc xử lý. Sở TT&TT thông qua hệ thống quản lý văn bản điều hành cũng có thể theo dõi trực tiếp” - ông Thanh nói.

 Theo ông Thanh, số lượng dịch vụ công trực tuyến của TP hiện nay đạt khoảng 60% trên tổng số dịch vụ công, tức hơn 600 loại dịch vụ công.

 Đối với phản ánh của người dân, ông Thanh cho hay có nhiều cách để thực hiện như qua ứng dụng góp ý, tổng đài 1022, Zalo…

 “Với những phương tiện làm việc như vậy thì CBCCVC hoàn toàn có thể làm việc tại nhà. Ngoài ra, lãnh đạo TP có thể tiến hành họp từ trung tâm hành chính với các quận huyện, xã phường qua hệ thống camera. Cán bộ đi xa có thể cài đặt hệ thống họp trực tuyến trên điện thoại với TP” - ông Thanh nói. (Plo.vn 02/4, Tấn Việt)Về đầu trang

Đồng Nai tạm dừng tiếp nhận hồ sơ trực tiếp ở Trung tâm hành chính

Trung tâm hành chính công Đồng Nai thông báo tạm dừng, không tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả trực tiếp tại trung tâm kể từ ngày 1 đến 15-4 để phòng dịch COVID-19.

 Theo Trung tâm hành chính công tỉnh, thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và chủ tịch UBND tỉnh, trung tâm vừa có văn bản thông báo tạm dừng, không tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả trực tiếp tại trung tâm kể từ ngày 1-4 đến 15-4 để phòng dịch COVID-19.

 Trung tâm sẽ tiếp nhận hồ sơ của các tổ chức, cá nhân thông qua hình thức trực tuyến tại địa chỉ https://dichvucong.dongnai.gov.vn; và bưu chính công ích trên cổng dịch vụ công của tỉnh, dịch vụ công quốc gia để chuyển đến các đơn vị xử lý, bảo đảm thời gian quy định và hướng dẫn người dân kê khai qua dịch vụ bưu điện, gửi hồ sơ trực tuyến về địa chỉ cơ quan tiếp nhận, không gửi về Trung tâm hành chính công tỉnh.

 Đối với những thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, xây dựng..., hoặc hồ sơ phải đối chiếu hồ sơ gốc để phát trả kết quả, công chức hành chính công phải xin ý kiến lãnh đạo cơ quan để thực hiện việc trả kết quả, không gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân. Đồng thời hướng dẫn cá nhân, tổ chức thanh toán phí, lệ phí bằng hình thức chuyển khoản qua bưu điện theo quy định. (Plo.vn 02/4, Vũ Hội)Về đầu trang

Vụ UBND huyện nợ hơn 50 tỷ đồng: Thanh Hóa lập đoàn kiểm tra

Ngày 31/3, lãnh đạo Huyện ủy Yên Định (Thanh Hóa) xác nhận việc Ban Thường vụ huyện này đã có báo cáo Tỉnh ủy Thanh Hóa trước ngày 30/3 theo đúng chỉ đạo về kết quả rà soát vụ Huyện ủy và UBND huyện nợ hơn 50 tỷ đồng.

 Nguồn tin này cũng cho biết, ngay sau đó, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã thành lập đoàn để kiểm tra dấu hiệu vi phạm trong quản lý, thu chi tài chính giai đoạn 2012-2015. Dự kiến đoàn kiểm tra sẽ bắt đầu về huyện Yên Định làm việc từ ngày 1/4.

 Như đã thông tin, việc chi tiêu vô tội vạ khiến nhiều năm qua, Huyện ủy cũng như UBND huyện Yên Định (Thanh Hóa) lâm vào cảnh “nợ như chúa chổm” với số tiền hơn 50 tỷ đồng.

 Nhiều nguyên cán bộ, lãnh đạo thuộc UBND huyện Yên Định trở thành chủ nợ “bất đắc dĩ” với số tiền lên đến hàng tỷ đồng. Có người dù đã làm đơn gửi đến UBND tỉnh Thanh Hóa, Thanh tra Chính phủ và khởi kiện ra TAND huyện Yên Định, TAND tỉnh Thanh Hóa nhưng cũng không đòi được đồng nào. (Danviet.vn 02/4, Bình Minh)Về đầu trang

Bộ Công Thương đề xuất giảm giá điện 10%

Ngày 1-4, Bộ Công Thương đã đề xuất Thủ tướng về việc giảm giá điện cho các khách hàng sử dụng điện nhằm tháo gỡ khó khăn trong hoàn cảnh dịch COVID-19.

 Theo đó, bộ này đưa ra phương án giảm giá 10% đối với giá điện sinh hoạt bậc thang từ ngày 1-4 (dưới 50 kWh đến 200-300 kWh). Đây là những hộ lao động, viêc chức, công nhân bị ảnh hưởng. Số tiền ước tính hỗ trợ cho trường hợp này là khoảng 2.900 tỉ đồng. 

Đối với các bậc cao trên 300 kWh, bộ đề xuất giữ guyên vì khách hàng tiêu thụ ở bậc này là những hộ có thu nhập cao, ít bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.

 Bộ Công Thương cũng đề xuất giảm 10% đối với khách hàng sản xuất, kinh doanh, dự kiến tổng số tiền hỗ trợ khoảng 6.000 tỉ đồng. Đối với khách hàng du lịch, cơ sở lưu trú, bộ đề xuất điều chỉnh giá điện từ khách hàng kinh doanh dịch vụ xuống bằng giá hộ sản xuất. Dự kiến số tiền hỗ trợ khoảng 1.800 tỉ đồng.

 Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đề xuất miễn tiền điện cho các cơ sở cách ly, khám chữa tập trung chỉ liên quan đến dịch COVID-19. Giảm 20% giá bán điện cho cơ sở khám chữa bệnh có thực hiện khám, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân nghi nhiễm hoặc nhiễm COVID-19; giảm 20% giá bán điện cho các khách sạn được sử dụng để cách ly. Dự kiến kinh phí hỗ trợ khoảng 100 tỉ đồng.

 Như vậy tổng chi phí hỗ trợ gói tiền điện cho các khách hàng hơn 10.000 tỉ đồng. Thời gian áp dụng gói này thực hiện từ tháng 4 đến tháng 6. (Plo.vn 01/4, Trà Phương)Về đầu trang

Ngăn chặn đua xe, 2 cảnh sát ở Đà Nẵng bị tai nạn, hy sinh tại chỗ

Có 2 chiến sỹ cảnh sát đã hy sinh khi làm nhiệm vụ, chặn đua xe tại Đà Nẵng đêm 2.4.

 Thông tin từ Công an Đà Nẵng cho biết, lúc 20h 40 ngày 2.4.2020, Trung tâm chỉ huy Thông tin thành phố Đà Nẵng nhận được tin báo của nhân dân có nhóm đối tượng đua xe và cướp giật người đi đường. Theo đó, đã chỉ đạo cho Công an quận Sơn Trà triển khai lực lượng truy đuổi nhóm đối tượng nêu trên.

 Khi di chuyển đến khu vực cầu Mân Quang, phường Thọ Quang, Sơn Trà thì xảy ra va chạm giao thông làm hai đồng chí cảnh sát giao thông trật tự Công an quận Sơn Trà là Đại úy Đ. sinh năm 1979 và Trung sĩ V.V.T sinh năm 1997. Cả 2 đã bị hy sinh tại chỗ. Một người dân bị thương là ông Mai Quốc Long, sn 1985, trú ở phường Thọ Quang, Sơn Trà.

  Có ít nhất 2 đối tượng đã bị bắt vì liên quan đến vụ việc. Hiện công an đang điều tra làm rõ.

Một trong những đối tượng bị bắt vì liên quan vụ việc. (Laodong.vn 02/4, Trà Bang)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Người dân An Giang có thể làm thủ tục hành chính tại nhà

 Tỉnh An Giang đang triển khai mô hình tiếp nhận và trả kết quả bằng đường bưu chính. Việc triển khai mô hình này nhằm hạn chế tiếp xúc đông người, đảm bảo an toàn cho người dân khi đăng ký, giải quyết các thủ tục hành chính.

 Mô hình được triển khai thí điểm tại thành phố Châu Đốc. Theo đó, người dân sẽ cung cấp thông tin qua cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh theo địa chỉ dichvucong.angiang.gov.vn.

 Sau khi tiếp nhận, cơ quan hành chính sẽ xử lý hồ sơ, sau đó trả kết quả tại nhà bằng đường bưu chính. Đặc biệt, người dân được miễn 100% phí dịch vụ. Từ hiệu quả ban đầu, nhất là hạn chế việc đi lại và tiếp xúc đông người, tỉnh An Giang đang nghiên cứu để nhân rộng mô hình này trên phạm vi toàn tỉnh. (VTV.vn 02/4, Huỳnh Tâm)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Hà Nội cắt giảm 5% chi thường xuyên để phòng chống dịch Covid-19

Văn phòng Thành ủy Hà Nội vừa có thông báo kết luận của Thường trực Thành ủy về một số nhiệm vụ trọng tâm tuần 14 (từ 30/3-5/4) và công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.

 Theo đó, Thường trực Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cơ quan đơn vị, địa phương tập trung phát hiện sớm các trường hợp nhiễm Covid-19; điều tra dịch tễ, phân loại, sàng lọc, cách ly chặt chẽ; khoanh vùng, dập dịch; điều trị kịp thời, hiệu quả, giảm tối đa lây lan, bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của nhân dân, hạn chế tối đa ca mắc và tử vong do dịch.

 Đáng chú ý, Thường trực Thành ủy Hà Nội giao Ban cán sự đảng UBND TP chỉ đạo rà soát, cập nhật phương án phòng chống dịch trên địa bàn. Trong đó, bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo 133 (ngày 29/3), để xây dựng phương án, sẵn sàng triển khai phong tỏa diện rộng trên địa bàn TP khi cần thiết.

 Đồng thời, Ban cán sự đảng UBND TP chỉ đạo ngành chức năng đảm bảo nguồn lực, nhất là lương thực, thực phẩm cho nhân dân trong mọi tình huống; xử lý nghiêm việc tăng giá vật tư y tế và lương thực thực phẩm.

 Thường trực Thành ủy Hà Nội thống nhất chủ trương cắt giảm thêm 5% kinh phí chi thường xuyên của cả cơ quan TP (trong 9 tháng cuối năm), trên cơ sở triệt để tiết kiệm kinh phí từ việc dừng các hoạt động lễ hội, hội họp, đi công tác nước ngoài, văn hóa thể thao, giải trí… của các cơ quan để dành cho công tác phòng chống Covid-19 và dự phòng cho phương án giảm thu ngân sách TP.

 Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng giao Ban Cán sự đảng UBND TP rà soát những trường hợp người lao động khó khăn, mất việc làm, chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (bao gồm cả người lao động tại các doanh nghiệp tư nhân, các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ, cơ sở giáo dục ngoài công lập); đề xuất chính sách hỗ trợ đặc thù (ngoài các quy định của Chính phủ) đối với các trường hợp trên, chỉ đạo triển khai bảo đảm ổn định đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội và giám sát việc thực hiện đúng các quy định hiện hành.

 Trong thông báo cũng nêu rõ, Thường trực Thành ủy, lãnh đạo TP.Hà Nội chia sẻ với khó khăn của Bệnh viện Bạch Mai và sẵn sàng hỗ trợ mọi đề nghị của Bệnh viện Bạch Mai để cùng phối hợp, quết tâm dập dịch tại bệnh viện vì tình hình chung của TP và cả nước.

 Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng chỉ đạo tạm hoãn việc tổ chức đại hội đảng bộ cấp cơ sở cho đến khi có chỉ đạo mới để phòng ngừa lây lan và tập trung công tác phòng chống dịch Covid-19…(Danviet.vn 01/4, Thành An)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Hà Tĩnh: Đình chỉ công tác Phó Giám đốc bệnh viện tổ chức rước dâu giữa mùa dịch

Chiều ngày 2.4, theo chỉ đạo của UBND tỉnh Hà Tĩnh, Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh đã ký văn bản tạm đình chỉ công tác 5 ngày đối với ông Lê Anh Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Hương Khê

 Thời gian đình chỉ công tác bắt đầu từ ngày 3.4 để “xem xét, xử lý trách nhiệm viên chức quản lý có dấu hiệu vi phạm quy định cấm tập trung đông người trong phòng chống COVID-19”.

 Trước đó, cùng ngày 2.4, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã có văn bản chỉ đạo Sở Y tế đình chỉ công tác ông Hùng vì có thông tin trên báo chí và trang thông tin điện tử về việc tổ chức đám cưới cho con có dấu hiệu vi phạm tập trung đông người giữa đợt dịch COVID-19.

 Liên quan đến nội dung trên, ông Hùng đã có giải trình rằng, ngày 31.3 gia đình có tổ chức lễ đón dâu về nhập lễ gia tiên tại nhà trai ở xóm Trung Phổ, xã Gia Phố.

 Do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nên việc tổ chức chỉ có 9 người bao gồm bố mẹ hai bên, con dâu, con rể, cậu cô ruột. Trước khi xe dâu về đến nhà trai, phía nhà gái có thuê khách sạn Đức Tài 2 ở thị trấn Hương Khê để trang điểm, chuẩn bị váy cưới.

 Cũng từ đây, một số xe ôtô của gia đình nhà trai, bạn bè của con trai nhập vào đoàn để đến nhà trai. Sau khi đến cổng, đoàn xe tự giải tán mà không vào dự tiệc vì gia đình không làm tiệc cưới. Sau phần lễ, 2 bên gia đình ăn một bữa cơm với khoảng 10 người. 

Bà Nguyễn Thị Minh (vợ ông Hùng) – là Chủ tịch Hội Nông dân xã Gia Phố cũng cho biết, do 2 vợ chồng đều là cán bộ, đảng viên nên nhận thức rất rõ việc phòng chống dịch COVID-19. Do vậy, gia đình không mời khách dự đám cưới. Con trai bà đã chuẩn bị 850 thiệp mời nhưng đã không gửi giấy mời.

 Bà Minh còn cho biết, ngay cả con trai thứ của bà đang ở Hà Nội muốn về cưới anh trai, gia đình cũng không cho về.

 Ông Nguyễn Xuân Kỳ - một người hàng xóm của gia đình bà Minh cho biết, dù là hàng xóm thân tình nhưng gia đình ông cũng không được mời đám cưới con trai ông Hùng, bà Minh. Nguyên nhân là giữa mùa dịch nên gia đình không tổ chức tiệc, mà chỉ cơ bản làm phần nghi lễ cưới.

 Ông Lê Quang Hòa – Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Gia Phố cho biết, dù cùng làm ở cơ quan với vợ ông Hùng, nhưng ông cũng không nhận được giấy mời đám cưới con của gia đình này. “Thực tế họ không tổ chức tiệc cưới. Cũng không che rạp cưới ở nhà” – ông Hòa nói. (Laodong.vn 02/4, Trần Tuấn)Về đầu trang

Cách hết chức vụ đảng, khai trừ nhiều cán bộ ở Phú Yên

Sáng 2-4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên đã quyết định kỷ luật đối với bốn cán bộ theo đề nghị của Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy.

 Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên kỷ luật bằng hình thức cách hết các chức vụ trong Đảng đối với ông Lê Tấn Thảo, ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, bí thư Đảng ủy cơ quan chính quyền huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa. Theo kết luận của UBKT Tỉnh ủy, ông Lê Tấn Thảo đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý để cấp dưới tham mưu và ký nhiều quyết định chuyển mục đích sử dụng đất không đúng quy định pháp luật, gây hậu quả rất nghiêm trọng.

 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với bà Đặng Thị Hồng Nga, Tỉnh ủy viên, bí thư Đảng đoàn, bí thư chi bộ, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh. Theo kết luận của UBKT Tỉnh ủy, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quản lý, sử dụng kinh phí các dự án do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Phú Yên quản lý, bà Đặng Thị Hồng Nga đã để xảy ra vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý tài chính, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức Đảng, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và cá nhân bà Nga.

 Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Nguyễn Văn Tiên, huyện ủy viên, bí thư Đảng ủy thị trấn, bí thư chi bộ Quân sự thị trấn Hòa Hiệp Trung, nguyên Trưởng phòng TN&MT huyện Đông Hòa. Theo kết luận của UBKT Tỉnh ủy, trong thời gian giữ chức trưởng Phòng TN&MT huyện Đông Hòa, ông Nguyễn Văn Tiên đã thiếu trách nhiệm, cố ý làm trái quy định pháp luật về đất đai gây hậu quả rất nghiêm trọng. Ông Tiên đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Yên khởi tố, bắt tạm giam vào ngày 19-2 để điều tra về tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai. Thông tin ban đầu cho hay trong thời gian giữ chức trưởng Phòng TN&MT huyện Đông Hòa, ông Tiên đã làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất cho một số hộ gia đình ở thị trấn Hòa Hiệp Trung trái quy định pháp luật về quản lý đất đai.

 Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định kỷ luật bằng hình thức cách tất cả chức vụ trong Đảng nhiệm kỳ 2015-2020 đối với ông Đỗ Sơn, huyện ủy viên, đại biểu HĐND huyện, bí thư Chi bộ, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Tuy An. Theo UBKT Tỉnh ủy, ông Đỗ Sơn đã vi phạm những điều Đảng viên không được làm, chuẩn mực đạo đức, biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của bản thân và tổ chức Đảng.

 Được biết năm 2018, ông Đỗ Sơn đã bị Huyện ủy Tuy An kỷ luật bằng hình thức khiển trách do vi phạm trong quan hệ nam nữ. Tuy nhiên, ông Sơn không khắc phục mà tiếp tục vi phạm. (Plo.vn 02/4, Tấn Lộc)Về đầu trang

Truy tố Nguyên Giám đốc Sở Y tế Gia Lai cùng 8 bị can liên quan

VKSND tỉnh Gia Lai vừa truy tố tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đối với nguyên Giám đốc Sở Y tế Gia Lai và 8 bị can liên quan.

 Đây là kết quả mới sau khi vụ án đã được TAND tối cao hủy cả 2 bản án, yêu cầu cơ quan chức năng điều tra, truy tố lại nhằm đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm và tính nghiêm minh của pháp luật.

 Cụ thể, VKSND truy tố tội danh Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đối với ông Phùng Xuân Quýnh (nguyên GĐ Sở Y tế Gia Lai).

 8 bị can khác, gồm: ông Nguyễn Công Nhân, Đặng Đức Châu (nguyên PGĐ Sở Y tế), ông Đoàn Cường (nguyên Phó phòng nghiệp vụ Dược), ông Phan Minh Hiếu (nguyên Phó phòng nghiệp vụ Y), ông Rơ mah Plih (nguyên Trường phòng kế hoạch – tài vụ), ông Bùi Ngọc Thư (nguyên Phó phòng kế hoạch – tài vụ), ông Lê Khánh Lân (nguyên cán bộ phòng Kế hoạch tài vụ) và bà Nguyễn Thị Kim Liên (nguyên chuyên viên Phòng nghiệp vụ Dược) bị truy tố với tội danh Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Đây là những bị can trong Tổ chuyên gia đấu thầu thuốc của Sở Y tế qua các năm.

 Trước đó, vào năm 2013 vụ án trên đã được đưa ra xét xử đối với 9 bị can trên.

 Theo cáo trạng thời điểm đó, từ năm 2008 đến 2010, trong quá trình đấu thầu và xét duyệt hồ sơ đăng ký dự thầu, tổ chuyên gia đấu thầu thuốc của Sở Y tế Gia Lai đã biến nhiều cơ số thuốc có nguồn gốc trong nước thành ngoài nước, có dấu hiệu thông đồng với nhà thầu, xét thầu không đúng với hồ sơ mời thầu và tiêu chuẩn đánh giá được duyệt, xét thầu sai 16 mặt hàng thuốc, gây thiệt hại ngân sách Nhà nước hơn 8,59 tỷ đồng.

 Tại phiên tòa sơ thẩm, TAND tỉnh Gia Lai đã xét xử, tuyên phạt bị cáo Phùng Xuân Quýnh 18 tháng tù, Lê Khánh Lân 24 tháng tù, Nguyễn Công Nhân 30 tháng tù về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

 Các bị cáo khác bị tuyên phạt về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, gồm:

 Đoàn Cường 48 tháng tù giam, Phan Minh Hiếu 45 tháng tù giam, Đặng Đức Châu 39 tháng tù giam, Nguyễn Thị Kim Liên 36 tháng tù giam, Rmah Plih 36 tháng tù treo và Bùi Ngọc Thư 36 tháng tù treo. Vào tháng 8.2013, tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX đã giảm hình phạt cho bị cáo Đặng Đức Châu, đồng thời cho bị cáo Châu và bị cáo Nguyễn Thị Kim Liên được hưởng án treo. (Laodong.vn 02/4, Khánh An)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Bộ trưởng Y tế Israel mắc COVID-19, các quan chức hàng đầu cách ly

Bộ trưởng Y tế Israel Yaakov Litzman và vợ đã mắc COVID-19 và đang được cách ly, AP đưa tin.

 Thông cáo của Bộ Y tế nước này ngày 2.4 cho biết, cả hai đều khỏe và đang được điều trị. Các nhân viên của ông hiện cũng đang tự cách ly.

 Theo Bộ Y tế Israel, những người từng tiếp xúc với bộ trưởng trong vòng 2 tuần qua cũng sẽ được thông báo để tự cách ly.

 Nhật báo Haaretz của Israel cũng cho biết, người đứng đầu cơ quan tình báo Mossad, Hội đồng An ninh Quốc gia Israel đều được yêu cầu cách ly vì có tiếp xúc với Bộ trưởng Litzman.

 Trước đó, Thủ tướng Netanyahu từng tự cách ly vì một phụ tá hàng đầu dương tính với virus nhưng cho tới nay ông đã cho kết quả xét nghiệm âm tính.

 Israel được đặt trong tình trạng gần như đóng cửa nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Cho tới nay, nước ngày ghi nhận 6.200 ca mắc COVID-19 và 29 ca tử vong.

 Trung Đông có hơn 78.000 ca mắc COVID-19 đã được xác nhận, hầu hết là ở Iran, và có hơn 3.500 trường hợp tử vong. Tại Lebanon, Đại sứ Philippines Bernardita Catalla đã tử vong vì các biến chứng do COVID-19, Philippines cho biết. Lebanon đã ghi nhận 479 trường hợp nhiễm và 14 trường hợp tử vong. (Laodong.vn 02/4, Thanh Hà)Về đầu trang

Người phát tán tin giả về COVID-19 tại Nga bị phạt tới 3 tỷ đồng

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Tổng thống Putin vừa ký ban hành sửa đổi Luật, phạt nặng các đối tượng phát tán tin giả về dịch COVID-19.

 Căn cứ theo những sửa đổi này, nếu phát tán tin giả, đối tượng sẽ bị phạt từ 1,5 - 3 triệu Rubble (khoảng từ 450 - 900 triệu đồng).

 Nếu việc phát tán thông tin khiến 1 người thiệt mạng hoặc gây tổn hại tới sức khỏe hay tài sản, làm gián đoạn nghiêm trọng trật tự hoặc an ninh công cộng, mức phạt sẽ tăng lên 5 triệu Rubble (khoảng 1,5 tỷ đồng). Trường hợp vi phạm nhiều lần, đối tượng sẽ bị phạt từ 5 - 10 triệu Rubble (từ 1,5 - 3 tỷ đồng).

 Đây là mức xử phạt nghiêm khắc của Chính phủ Nga đối với những đối tượng cố tình phát tán những thông tin sai lệch về dịch bệnh thông qua các phương tiện truyền thông hay Internet.

 Trước đó, ngày 1/4, Tổng thống Nga Putin đã ký ban hành luật cho phép chính phủ áp đặt tình trạng khẩn cấp quốc gia, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

 Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Nga đã ghi nhận 2.777 trường hợp mắc COVID-19 ở 75 khu vực trên cả nước, trong đó có 24 người tử vong. (VTV.vn 02/4)Về đầu trang

Giới chức Trung Quốc kêu gọi người dân chi tiêu mua sắm

Truyền thông Trung Quốc những ngày qua đã đăng tải nhiều bức ảnh các quan chức nước này xuống đường, thưởng thức những món ăn ngon tại địa phương.

 Trong khi Việt Nam đang quyết liệt với những biện pháp trong hai tuần cao điểm phòng chống dịch bệnh, tại Trung Quốc - quốc gia được xem là đã bước qua thời kỳ đỉnh dịch và dần phục hồi sản xuất, đang nỗ lực thúc đẩy hoạt động chi tiêu tiêu dùng của người dân.

 Theo Bloomberg, truyền thông nước này trong những ngày qua đã đăng tải nhiều bức ảnh các quan chức nước này xuống đường, thưởng thức những món ăn ngon tại địa phương như Phó Thị trưởng thành phố Trùng Khánh đang ăn lẩu hay Bí thư Thành ủy Nam Kinh thưởng thức bát bún tiết vịt nổi tiếng của địa phương.

 Thông qua những hình ảnh này, giới chức các địa phương Trung Quốc muốn truyền tải tới người dân thông điệp: Hãy thư giãn, ra ngoài ăn uống và mua sắm, sau suốt một thời gian dài phải ở nhà vì dịch bệnh COVID-19.

 Không chỉ dừng ở những biện pháp tuyên truyền, nhiều địa phương đã cung cấp các loại hình khuyến mãi đa dạng, yêu cầu công ty trả thêm lương cho người lao động, hoặc cho họ nghỉ thêm nửa ngày mỗi tuần nhằm thúc đẩy hoạt động mua sắm chi tiêu. Theo thống kê, doanh thu bán lẻ tại Trung Quốc đã giảm 20,5% trong 2 tháng đầu năm và một nửa số nhà bán lẻ không có đủ tiền mặt để cầm cự thêm 6 tháng nữa. (VTV.vn 02/4)Về đầu trang./.

 SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Các tin khác