Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 13-02-2020

15:54, Thứ Năm, 13-2-2020

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Tải file tại đây

TIÊU ĐIỂM.. 1

1.Thủ tướng: “Chống dịch, phải chống cả virus trì trệ”. 1

TIN QUỐC HỘI 2

2.Cán bộ nghỉ hưu có thể làm đại biểu Quốc hội chuyên trách. 2

3. Bế mạc Phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội 3

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 4

4.  Đây có thể là một điểm lạc quan cho nền kinh tế Việt Nam do virus Corona bùng phát?  4

5.   GlobalData: Việt Nam nổi bật nhất Đông Nam Á trong thu hút du khách châu Âu. 5

6. Áp lực chính sách, lãi vay đè nặng khiến nhiều doanh nghiệp khó vươn lên. 6

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 7

7.Chấm dứt câu chuyện bi hài: Phạt 200 nghìn đồng. 7

8.Phải luật hóa việc đẩy người dân vào cảnh “dở sống dở chết”?. 8

QUẢN LÝ.. 9

9. Doanh nghiệp cùng tham gia phát triển Chính phủ số. 9

10. Mở rộng chi trả lương hưu, trợ cấp xã hội qua thẻ điện tử. 9

11. Đà Nẵng thí điểm đưa vào sử dụng Máy cấp phát giấy tờ tự động. 10

12. Nghệ An: Hiệu quả từ mô hình “Một điểm đến” trong dịch vụ công. 10

13.Hải quan Quảng Ninh phấn đấu rút ngắn thời gian thông quan. 12

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 12

14.Giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 4.450 tỷ đồng trong tháng đầu năm.. 12

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 13

15. Quyền Cục trưởng QLTT Hải Dương nhiều ngày không đi làm, nhiều sai phạm.. 13

16.Lạng Sơn: Khởi tố nữ Phó Chủ tịch huyện sai phạm về quản lý đất đai 14

17. Nghệ An: Kỷ luật loạt cán bộ để mất giá trị văn hóa, lịch sử. 15

18.Thanh Hóa: Kỷ luật hàng nhiều cán bộ xã "dựng người chết sống lại" để ký, tặng chuyển nhượng đất 16

THẾ GIỚI 16

19.Các Tổng thống Nga có thể được trao tư cách thượng nghị sỹ trọn đời 16

20. Hà Lan tặng mỗi người dân 4.400 USD để mua xe hơi điện mới 16

 TIÊU ĐIỂM

Thủ tướng: “Chống dịch, phải chống cả virus trì trệ”

ại cuộc họp Thường trực Chính phủ đánh giá về tác động của dịch nCoV tới nền kinh tế chiều 12/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh sẽ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và cần đặt mục tiêu tái cơ cấu, hồi phục kinh tế sau dịch bệnh.

 "Nhưng ngoài chống và đẩy lùi dịch bệnh, chúng ta phải chống loại virus nữa là virus trì trệ, không chịu làm việc, lấy lý do dịch bệnh mà không hành động", ông nói.

 Theo người đứng đầu Chính phủ, nếu chỉ lo chống dịch mà không lo phát triển kinh tế, giữ gìn quốc phòng, an ninh, bảo đảm an sinh xã hội thì "không hoàn thành tốt nhiệm vụ". "Tinh thần là không được vì việc này mà bỏ mất việc kia", ông nói.

 Lãnh đạo Chính phủ nói sẽ tính toán cụ thể những chính sách đưa ra để kích cầu, giảm phí, lệ phí, lãi suất trên cơ sở đề xuất của các bộ, ngành. Tuy nhiên, nếu chỉ với cách làm bình thường, Thủ tướng cho rằng sẽ sụt giảm tăng trưởng, ảnh hưởng đến nhiều chỉ tiêu khác, nên "phải phấn đấu cao hơn, với giải pháp cụ thể, kịp thời và thích ứng tốt hơn nữa".

 Tại cuộc họp, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, với đợt dịch nCoV lần này, nền kinh tế sẽ bộc lộ rõ hơn những điểm mạnh, yếu, đặc biệt về cơ cấu kinh tế và khả năng chống chịu trước tác động lớn từ bên ngoài. Ông đề xuất Chính phủ gói giải pháp tái cơ cấu kinh tế cả trước mắt và lâu dài.

 Theo đó, đề nghị Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu ngay một số gói tín dụng hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, nông dân chịu ảnh hưởng của dịch. Chính sách này cần được báo cáo ngay trong tháng 2.

 Bên cạnh đó, cần có các giải pháp cụ thể để tiếp tục bảo đảm thông quan hàng hóa qua cửa khẩu; cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp thông qua hỗ trợ giảm mức phí điện, nước cho đối tượng đang phải ngừng sản xuất...

 Bộ Tài chính được đề nghị có chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp logistics, bán lẻ, doanh nghiệp dịch vụ, du lịch... Các biện pháp hỗ trợ có thể là gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập cá nhân, miễn tiền phạt chậm nộp thuế; miễn, giảm thuế xuất nhập khẩu, giảm giá thuê đất, mặt bằng...

 Một số dự án hạ tầng BOT cần chuyển đổi hình thức đầu tư để vừa kích cầu đầu tư công thời kỳ "hậu dịch", vừa ổn định vĩ mô và giúp Việt Nam sớm có thêm các công trình hạ tầng thiết yếu, tạo tác động lan tỏa đến tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững.

 Về kịch bản ứng phó dài hạn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tập trung trước hết vào tạo điều kiện thuận lợi hơn, hỗ trợ và khuyến khích mạnh mẽ hơn với phát triển kinh tế tư nhân. (Vnexpress.net 12/02, Anh Minh) Về đầu trang

TIN QUỐC HỘI

Cán bộ nghỉ hưu có thể làm đại biểu Quốc hội chuyên trách

Ngày 11/2, tại phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Liên quan đến tỷ lệ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, bên cạnh nhiều ý kiến tán thành quy định ít nhất 35% như hiện nay, cũng có không ít ý kiến đề nghị nâng lên mức 37 - 40% tổng số ĐBQH, hoặc cao hơn nữa.

 Về việc này, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Ban soạn thảo đưa ra hai phương án: Giữ quy định về tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách ít nhất 35% (khoảng 175 đại biểu); và phương án hai là quy định đại biểu chuyên trách ít nhất 40% trên tổng số ĐBQH. Trên cơ sở phân tích những ưu điểm và hạn chế của từng phương án, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Ban soạn thảo tán thành phương án 1.

 Về cơ cấu, ông Tùng cho biết, có ý kiến đề nghị có chính sách thu hút những người nguyên là cán bộ, công chức, viên chức có kinh nghiệm công tác lâu năm, có năng lực, trí tuệ, gần đến tuổi nghỉ hưu hoặc đã nghỉ hưu nhưng còn đủ điều kiện về sức khỏe tham gia làm ĐBQH hoạt động chuyên trách; không khống chế độ tuổi tối đa, hoặc kéo dài tuổi làm việc của ĐBQH hoạt động chuyên trách lên mức cao hơn (65-67 tuổi) so với quy định của Bộ luật Lao động để phát huy tối đa trí tuệ, kinh nghiệm của đại biểu.

 Thường trực Ủy ban Pháp luật và Ban soạn thảo đánh giá, đây là một đề xuất có tính tích cực cao, cần được xem xét. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành thì ĐBQH hoạt động chuyên trách là chức danh cán bộ, thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Cán bộ, công chức, nên nếu có quy định riêng về tuổi làm việc đối với ĐBQH thì cần được tính toán để thể hiện ngay trong Luật Tổ chức Quốc hội.

 Cho ý kiến về nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị nâng số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách lên từ 37 đến 40%. Theo bà Phóng, việc dành ra 3 - 5% này nhằm thu hút được các chuyên gia có kiến thức, kinh nghiệm và khi ấy họ sẽ không giữ chức vụ gì mà chỉ làm ĐBQH.

 Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho rằng, ĐBQH là một chức danh chung, trong đó có đại biểu kiêm nhiệm và đại biểu chuyên trách (100% thời gian phục vụ Quốc hội). Ông cũng đề nghị nâng số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách lên 40%. Bởi với khoảng 35% như hiện nay thì riêng các tỉnh, thành đã chiếm 60 người, ở Trung ương chỉ còn lại hơn 100 người thì công việc sẽ rất nặng.

 Lý giải về tỷ lệ đại biểu chuyên trách, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, thực tế trong 14 khóa Quốc hội, chưa bao giờ số ĐBQH chuyên trách đạt 35%, tối đa chỉ được 34%. Theo ông, việc đưa ra con số tối thiểu 35% đại biểu chuyên trách là tốt rồi, nếu cao hơn khó đạt được. Cũng theo ông Phúc, phụ cấp chức vụ của đại biểu chuyên trách tương đương với tổng cục phó, ít nhất cũng bằng giám đốc sở, nên phải cân nhắc để đảm bảo yêu cầu.

 Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Phan Xuân Dũng lại quan tâm đến chức danh Tổng Thư ký đồng thời là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. “Các nước họ tách Tổng Thư ký riêng và Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội riêng, còn mình gộp vào thì công việc rất nặng”, ông Dũng nêu. Cùng quan điểm, ông Phan Thanh Bình đề nghị chức danh Tổng Thư ký và Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phải tách biệt, còn nhập hay không là quyền của Quốc hội. (Tiền phong 12/02, Thành Nam)Về đầu trang

Bế mạc Phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chiều 11/2, tại Nhà Quốc hội, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp thứ 42.

 Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, sau hai ngày làm việc tích cực, khẩn trương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành chương trình Phiên họp thứ 42. Các nội dung Phiên họp đều được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thận trọng, thảo luận kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng theo yêu cầu.

 Sau phiên họp này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan nhanh chóng triển khai các kết luận đối với từng nội dung, khẩn trương tập trung nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tại phiên họp để chỉnh lý 2 dự án luật; thực hiện các bước tiếp theo và triển khai công tác chuẩn bị để tổ chức tốt cho Năm Chủ tịch AIPA 2020.

 Các dự thảo Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện tại 6 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần hoàn thiện sớm, ký ban hành để các địa phương sớm ổn định tổ chức trước khi tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp.

 Như vậy, đến thời điểm hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cơ bản hoàn thành việc xem xét, quyết định Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (còn duy nhất Thành phố Hồ Chí Minh chưa trình Đề án).

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, chính quyền các địa phương khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các Nghị quyết để bảo đảm các đơn vị hành chính mới được sắp xếp kịp thời tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp theo kế hoạch đề ra; đồng thời bảo đảm ổn định tình hình địa phương và đời sống của người dân những nơi sắp xếp lại, tiếp tục phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

 Dự kiến phiên họp tháng 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nhiều nội dung quan trọng, trong đó có 8 dự án luật và một số nội dung khác cần được cho ý kiến. Để các dự án luật, các nội dung trình tại phiên họp tới bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các cơ quan trình và cơ quan thẩm tra cần phối hợp chặt chẽ ngay từ bây giờ, bám sát tình hình chuẩn bị, thực hiện đúng kế hoạch đề ra, nếu có vấn đề phát sinh kịp thời báo cáo để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi vào phiên họp. (TTXVN 11/02, Hoàng Thị Hoa)Về đầu trang

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Đây có thể là một điểm lạc quan cho nền kinh tế Việt Nam do virus Corona bùng phát?

Việt Nam và các quốc gia tương tự sẽ có cơ hội trở thành cho những nguồn cung ứng bổ sung tiềm năng cho các doanh nghiệp lớn trên thế giới, Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS) cho biết.

 Theo MBS nhìn nhận, nếu virus Corona bùng nổ thành đại dịch giống như SARS, những ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu có thể sẽ lớn hơn nhiều so với giai đoạn 2002/2003 khi các nền kinh tế trên thế giới có mối liên hệ chặt chẽ hơn so với 17 năm trước đây.

 Cụ thể, Trung Quốc hiện nay chiếm tỷ trọng 19% trong nền kinh tế toàn cầu (trong khi năm 2003 mới chỉ chiếm 8,7%). Bên cạnh đó, các nước láng giềng châu Á nhúng sâu vào chuỗi cung ứng xuất khẩu đến thị trường Trung Quốc và đang hưởng lợi từ khách du lịch trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng mạnh.

 Ngoài ra, các nước xuất khẩu hàng hóa nguyên liệu thô (commodities) như Úc hay Brazil cũng sẽ đối mặt với sự sụt giảm tăng trưởng khoảng 0,3% do nhu cầu sụt giảm, các nền kinh tế trên thế giới có mối liên hệ chặt chẽ hơn.

 MBS cũng cho biết công nghiệp sản xuất ô tô, công nghệ, và khoa học đời sống (dược phẩm - ý tế) là những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

 Vũ Hán nổi tiếng là "thành phố ô-tô" của Trung Quốc do sự hiện diện của các hãng sản xuất ô tô nội địa và quốc tế lớn tại đây như Dongfeng Motors, Honda, PSA Group... Gần 50% cơ sở sản xuất tại Vũ Hán và các thành phố lân cận thuộc về ngành ô tô, trong khi các nhà cung cấp công nghệ và kỹ thuật lần lượt chiếm 25% và 8%.

 Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà sản xuất Trung Quốc, sự đóng cửa các nhà máy tại quốc gia này còn dẫn đến việc hàng loạt các cơ sở tại nước ngoài bị tạm dừng hoạt động do không có sản phẩm đầu vào từ quốc gia châu Á này.

 Do đó, đây là thời điểm mà các nhà quản lý chuỗi cung ứng sẽ cần tìm nguồn cung cấp thay thế trong ngắn hạn bên ngoài Trung Quốc.

 Trong đó, những quốc gia, vùng lãnh thổ như Việt Nam, Đài Loan có thể là điểm đến thay thế hấp dẫn cho các nhà sản xuất công nghiệp.

 "Mặc dù cũng chịu rủi ro lây lan dịch bệnh, nhưng những nền kinh tế này không bị đóng cửa lâu dài như Trung Quốc lục địa. Do đó, các ngành chịu ảnh hưởng lớn tại Trung Quốc (gồm sản xuất ô tô, công nghệ, hóa chất, dược phẩm, y tế) có cơ hội được hưởng lợi tại Việt Nam nếu có thể trở thành nguồn cung thay thế cho Trung Quốc", MBS cho biết.

 Ngoài ra, trong dài hạn, dịch bệnh virus corona sẽ trở thành một bài học kinh nghiệm cho các nhà quản trị rủi ro chuỗi cung ứng. Các nhà sản xuất sẽ cần phải chú ý hơn đến nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng và có thể chuyển dịch sang chiến lược nguồn cung ứng kép cho những sản phẩm đầu vào chính.

 Doanh nghiệp có thể xem xét mở rộng thêm nguồn cung ứng cho mình mà không chỉ tập trung các nhà máy và cơ sở sản xuất tại một quốc gia là Trung Quốc.

 Như vậy, Việt Nam và các quốc gia tương tự sẽ có cơ hội trở thành cho những nguồn cung ứng bổ sung tiềm năng cho các doanh nghiệp lớn trên thế giới. (Cafef.vn 11/02)Về đầu trang

GlobalData: Việt Nam nổi bật nhất Đông Nam Á trong thu hút du khách châu Âu

Trong một báo cáo mới nhất của GlobalData "Các điểm đến du lịch đáng nhớ tại Đông Nam Á", các nước châu Âu như Nga, Pháp, Đức và Anh đang chiếm phần lớn lượng khách du lịch đến Đông Nam Á. Đặc biệt, lượng khách du lịch từ Đức được dự báo sẽ nắm giữ tốc độ tăng trưởng lớn nhất giai đoạn 2020 – 2023 với mức 8,02%.

 Trong 10 quốc gia ASEAN, các nước như Thái Lan, Indonesia, Singapore và Malaysia đều đã có kinh nghiệm trong việc thu hút và mở rộng tăng trưởng lượng du khách từ châu Âu. Tuy nhiên, hiện tại Việt Nam lại đang được đánh giá là quốc gia nổi bật nhất tại khu vực Đông Nam Á như một điểm đến du lịch hấp dẫn với các du khách châu Âu.

 Năm ngoái, Việt Nam đã ghi nhận khoảng 2,2 triệu lượt khách du lịch châu Âu, phần lớn từ các thị trường lớn như Nga, Pháp, Đức và Anh. Cả 4 thị trường này đều ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể trong 3 năm trở lại đây.

 Về khoản chi tiêu, các du khách châu Âu đã chi một con số khổng lồ cho du lịch nước ngoài, ước tính khoảng hơn 700 tỷ USD vào năm 2019. Do đó, việc thu hút du khách châu Âu được coi là mục tiêu mà ngành du lịch tại nhiều quốc gia đặt ra.

 Theo Trung tâm thúc đẩy xuất khẩu từ các nước đang phát triển (CBI) thuộc Bộ Ngoại giao Hà Lan, du khách châu Âu vốn được biết đến là những người có hứng thú với các điểm đến du lịch giàu truyền thống, giữ được bản sắc văn hóa địa phương.

 Hơn nữa, các thị trường hứa hẹn phải có thế mạnh về văn hóa ẩm thực, thiên nhiên nguyên bản, thích hợp cho việc tự trải nghiệm và khám phá. Và có thể nói Đông Nam Á là một khu vực hội tụ đầy đủ các điểm hấp dẫn kể trên.

 Johanna Bonhill-Smith, nhà phân tích du lịch và lữ hành tại GlobalData, cho biết: "Việt Nam đã trở thành một điểm đến phổ biến hơn trong vài năm vừa qua, nhờ một phần vào các chính sách thúc đẩy hội nhập quốc tế". 

"Tại lễ công bố Giải thưởng Du lịch thế giới (WTA) năm 2019, Việt Nam được vinh danh là điểm đến lý tưởng nhất châu Á dành cho những người đam mê bộ môn golf, cùng với chiến thắng tại hạng mục "Điểm đến di sản hàng đầu thế giới". Điều này giúp du lịch Việt Nam có thêm chỗ đứng vững chắc trong khu vực.

 Ngoài ra, thỏa thuận vận tải hàng không toàn diện (CATA) được chờ đợi từ lâu giữa EU và ASEAN có thể cung cấp sự kết nối hàng không giữa các điểm đến trong khu vực, hướng tới thúc đẩy hơn nữa sự phát triển ngành du lịch, lữ hành tại Việt Nam cũng như Đông Nam Á. (Cafef.vn 11/02)Về đầu trang

Áp lực chính sách, lãi vay đè nặng khiến nhiều doanh nghiệp khó vươn lên

Không chỉ gặp áp lực về huy động vốn, nhiều doanh nghiệp cũng gặp khó về mặt chính sách.

 Năm vừa qua ngành tài chính và bất động sản vẫn là các nhóm tăng trưởng lợi nhuận hàng đầu của khối doanh nghiệp niêm yết với mức tăng gần 30% và 18%. Tuy nhiên khối doanh nghiệp còn lại chỉ tăng trưởng có 4% phản ánh thực trạng về bức tranh tăng trưởng kết quả kinh doanh đang gặp phải tình trạng: bên đậm, bên nhạt.

 Theo thống kê, tăng trưởng tín dụng năm vừa qua đạt khoảng hơn 12%, tuy nhiên tăng trưởng ngân hàng bán lẻ đã chiếm khoảng 9% và chỉ một phần rất nhỏ khoảng 3% là tín dụng doanh nghiệp. Điều này dẫn đến một vấn đề là dù nền kinh tế tăng trưởng tốt nhưng doanh nghiệp lại vay ít đi. (Kênh VTV1 – Bản tin Tài chính – Kinh doanh lúc 7h sáng 12/02)Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

Chấm dứt câu chuyện bi hài: Phạt 200 nghìn đồng

Số tiền phạt 200 nghìn đồng trong vụ sàm sỡ, ép hôn trong thang máy ở Hà Nội và vụ tấn công tình dục ở Quảng Trị, sáng qua 10.2, đã được đặt lên bàn nghị sự khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi.

 Trong phiên họp thẩm tra tại Ủy ban Pháp luật, hai chữ “quá thấp” trong mức phạt tiền được Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh nhắc tới như là một bất cập quá lớn khiến luật không còn tính răn đe.

 Và Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đã dẫn lại sự phẫn nộ, bất bình của xã hội đối với số tiền phạt 200 nghìn đồng (khi đó thành trends 200k trên mạng xã hội) đối với hành vi dâm ô.

 Ngày 10/2, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng dẫn ra những ví dụ phạt tiền quá thấp, chưa tương xứng với mức độ của hành vi vi phạm hành chính.

 Hãy nhớ lại sự bức xúc ngày nào: Vụ “cưỡng hôn trong thang máy”: Phạt 200 nghìn đồng; Vụ biến thái, thủ dâm trên xe buýt công cộng: Phạt 200 nghìn đồng. Và  ngay cả vụ nữ đại úy công an gây rối trật tự công cộng, làm nhục người khác cũng lại 200 nghìn đồng tiền phạt. Cùng với những lời giải thích - chắc cũng không hề muốn - từ cơ quan xử phạt, rằng vì Luật quy định.

 Còn nhớ sau việc phạt 200 nghìn đồng vụ “cưỡng hôn trong thang máy”, ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền nhìn nhận “đó thực sự là một câu chuyện bi hài”. Và “Bi hài ở chỗ nó như trêu ngươi, thách thức trước cái gọi là sự ngay thẳng của cơ quan công quyền, sức mạnh công lý”. Sau 7 năm thi hành, Luật Xử lý vi phạm hành chính không chỉ lạc hậu, lỗi thời mà còn chứa đựng trong nó rất nhiều những phi lý với mức phạt như trò đùa, xa rời cuộc sống khiến các quy định xử phạt tiền vừa được mang ra chế nhạo, vừa gây phẫn nộ bất bình trong dư luận, khiến các cơ quan quản lý bất lực. Bằng chứng là Chính phủ, trong tờ trình sửa đổi đã đề xuất theo hướng tăng mức phạt, chẳng hạn lên tới 75 triệu đồng trong lĩnh vực phòng chống tệ nạn xã hội.

 Chúng ta vừa có một ví dụ về sự hiệu quả của hình phạt tiền đối với lỗi nồng độ cồn tại Nghị định 100 khiến vi phạm giảm rất mạnh.

 Một cái lạc hậu, lỗi thời để tồn tại đến 7 năm, và chỉ được phát hiện qua một vài scandal gây bức xúc dư luận gần đây - có lẽ đã là quá lâu, quá đủ... cho sự nghiêm minh của pháp luật và sự nhẫn nại của người dân. Nhưng, quan trọng hơn cả số tiền phạt, vẫn phải là việc phát hiện, ngăn chặn kịp thời vi phạm. Bởi số tiền phạt, dù là bao nhiêu, cũng chỉ là việc xử lý khi hậu quả đã xảy ra mà thôi. (Lao Động 11/02, Anh Đào)Về đầu trang

Phải luật hóa việc đẩy người dân vào cảnh “dở sống dở chết”?

"Nếu coi điện nước là hợp đồng dân sự cũng đúng, nhưng từ góc độ khác như hiệu lực quản lý nhà nước thì quan hệ thị trường hay dân sự đều có thể can thiệp bằng hành chính"- Lời Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thành Long.

 Hà Nội từng xảy ra một vụ hi hữu khi diễn viên Chu Ngọc Hùng- vai xã hội đen “Thế Chột” trong phim Người phán xử, kêu cứu vì bị cắt điện cắt nước ròng rã, đẩy gia đình vào cảnh “dở sống dở chết” trong cái nóng 39-41 độ mùa hè.

 Nguyên do: công trình xây dựng của gia đình là không phép và chính quyền có văn bản đề nghị cơ quan chức năng yêu cầu cắt điện cắt nước như một biện pháp đối với “công trình cải tạo không đúng cam kết”.

 Khi ấy, tranh luận đã nổ ra trên mạng xã hội. Và “cái lý” của đa số là cơ quan điện nước không được phép từ chối dịch vụ nếu gia đình ông Hùng vẫn thanh toán đầy đủ các hóa đơn thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng. Cái lý, là có sự lẫn lộn giữa việc cắt bỏ một dịch vụ dân sinh thiết yếu như một biện pháp hành chính. Và cái lý, là việc cắt điện, cắt nước ấy đang “hành chính hóa các quan hệ dân sự”.

 Hôm qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói tới việc “không hành chính hóa quan hệ dân sự” khi việc cắt điện, cắt nước được đề xuất trong luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi như một biện pháp.

 Báo chí, dẫn lời Chủ tịch Quốc hội đề nghị cân nhắc, đề nghị “cần làm rõ bản chất của việc ngừng cung cấp điện, nước là biện pháp cưỡng chế hay ngăn chặn, từ đó quy định cho phù hợp”.

 Còn Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga thì đề nghị “làm rõ thực tiễn có quốc gia nào trên thế giới quy định như vậy chưa”. Bà Nga cũng nêu quan điểm: ngừng cung cấp điện, nước không nên là biện pháp cưỡng chế.

 Những ông Thế chột với nỗi đau khổ “sống dở chết dở” thực tế không phải là ít khi “cắt điện, cắt nước” vẫn là một trong những biện pháp ưa thích, thậm chí không ít phổ thông từ phía chính quyền đặc biệt trong các vi phạm ở lĩnh vực xây dựng, đất đai.

 Thực tế, cắt điện cắt nước cũng không phải là biện pháp vô lý duy nhất. Chúng ta hẳn còn chưa quên vô số những ví dụ chính quyền thẳng tay “phê lý lịch” khi một cá nhân, thậm chí gia đình một cá nhân “không chấp hành” kể cả là việc đóng góp những khoản tiền... tự nguyện.

  Hôm qua, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nói thế này: Việc cung cấp điện, nước là giao dịch dân sự giữa nhà cung cấp và người sử dụng. Nếu người sử dụng không vi phạm các điều khoản trong hợp đồng hoặc vi phạm pháp luật trong việc sử dụng điện, nước thì không nên buộc nhà cung cấp cắt điện, nước.

 Có khoảng 10% quyết định xử lý vi phạm hành chính không được thực hiện. Nhưng chúng ta có bất lực trong xử lý vi phạm hành chính đến mức phải luật hóa việc đẩy người dân vào cảnh “dở sống dở chết” như vậy không? (Lao Động 12/02, Anh Đào)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Doanh nghiệp cùng tham gia phát triển Chính phủ số

Hội nghị trực tuyến Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử với các ban chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương đã diễn ra sáng 12/2.

 Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước đã đạt gần 90%; dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tăng hơn gấp đôi so với năm 2018. Đây là kết quả đạt được trong năm vừa qua của Chính phủ điện tử được công bố sáng 12/2 tại hội nghị.

 Tại hội nghị, các đại biểu đều khẳng định việc ra đời Nghị quyết 17 của Chính phủ đã thúc đẩy sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành và địa phương trong việc xây dựng dịch vụ công trực tuyến. Như tại Bộ Công Thương, trong năm qua, 99% tổng số hồ sơ được gửi đến Bộ được giải quyết thông qua dịch vụ công trực tuyến, trong đó hơn 160 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4.

 Bên cạnh sự quyết tâm của Chính phủ, việc ra đời Nghị định 73 đã tháo gỡ được khó khăn trong thuê dịch vụ và quản lý dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, rút ngắn 30% số bước trong triển khai thực tế; đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghệ tham gia sâu hơn trong việc cung cấp nền tảng dùng chung cho Chính phủ số.

 Việc đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy Chính phủ số, đảm bảo thông suốt công tác điều hành cũng như huyết mạch nền kinh tế, mục tiêu trong năm 2020, 100% các bộ, ngành, địa phương sẽ có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu và trung tâm giám sát an toàn, an ninh mạng. (Kênh VTV1 – Bản tin Thời sự lúc 12h ngày 12/02)Về đầu trang

Mở rộng chi trả lương hưu, trợ cấp xã hội qua thẻ điện tử

Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa có báo cáo về tình hình thực hiện chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp và quản lý người hưởng qua hệ thống Bưu điện năm 2019.

 Theo đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, năm 2019, ngành bảo hiểm xã hội đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện quy trình chi trả, quản lý hưởng, đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính.

 Cụ thể, sau thời gian triển khai thí điểm tại Hà Nội và Hải Dương, phương án ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội bằng tiền mặt, năm 2019 Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam triển khai trên toàn quốc sử dụng thẻ lĩnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng (thẻ chi trả).

 Việc sử dụng thẻ chi trả đã tạo điều kiện thuận lợi cho người hưởng không phải xuất trình Phiếu lĩnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và chứng minh thư nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân có ảnh.

 Điều này nhận được sự đánh giá tích cực từ phần lớn người hưởng, mang lại hiệu quả rõ nét trong thực hiện cải cách hành chính, góp phần giúp việc chi trả nhanh chóng, chính xác, kịp thời, giảm thời gian chờ đợi phù hợp với chủ trương cải cách hành chính của Chính phủ về Chính phủ điện tử.

 Hơn nữa, việc sử dụng thẻ chi trả mang đến nhiều thuận lợi cho công tác quản lý các dữ liệu, lịch sử chhi trả đều được lưu trữ đầy đủ, tra cứu thông tin người hưởng dễ dàng; thông tin chi trả được cập nhật vào hệ thống kết nối dữ liệu trực tiếp giữa hai ngành bảo hiểm xã hội và bưu điện.

 Đề cập đến kết quả thực hiện chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp và quản lý người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội qua hệ thống bưu điện, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Đình Khương cho biết, năm 2019 có 3.175.221 người nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng qua Bưu điện với số tiền bình quân khoảng 12.753 tỷ đồng/tháng.

 Về các hình thức chi trả đang thực hiện, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, việc chi trả tận nhà được áp dụng đối với người già yếu, ốm đau, đi lại khó khăn, không ủy quyền cho người thân lĩnh thay được là 18.702 trường hợp với số tiền bình quân khoảng 80 tỷ đồng/tháng;

 Chi qua tài khoản cá nhân (thẻ ATM), đến hết năm 2019, toàn quốc có khoảng 19% số người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội và khoảng 40% người hưởng trợ cấp thất nghiệp nhận chế độ qua tài khoản ATM... (An ninh Thủ đô 12/02, Phạm Phương)Về đầu trang

Đà Nẵng thí điểm đưa vào sử dụng Máy cấp phát giấy tờ tự động

Chiều 11/2, Sở Thông tin & Truyền thông TP. Đà Nẵng cho biết đã đưa vào thí điểm vận hành máy cấp phát giấy tờ tự động (Máy KIOSK) để trả kết quả giải quyết một số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền xử lý của Sở.

 Trước mắt, trong giai đoạn thí điểm từ ngày 01/2/2020 đến 30/4/2020, Máy KIOSK sẽ thực hiện trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho 5 thủ tục gồm gồm Giấy phép hoạt động in, giấy chấp thuận họp báo, giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, giấy xác nhận thỏa thuận vị trí lắp đặt trạm thu phát sóng viễn thông thân thiện môi trường, và giấy phép xây dựng trạm thu phát sóng viễn thông có cột ăng - ten cồng kềnh. 

Máy được đặt tại Tầng 1, Trung tâm Hành chính thành phố, có nhân viên Tổ tư vấn, hướng dẫn hỗ trợ công dân sử dụng máy khi có nhu cầu.

 Trước đó, ngày 10/2, Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp – Sở Kế hoạch Đầu tư TP. Đà Nẵng triển khai dịch vụ đăng ký doanh nghiệp tại nhà cho doanh nghiệp. (Congthuong.vn 11/2, Vũ Lê) Về đầu trang

Nghệ An: Hiệu quả từ mô hình “Một điểm đến” trong dịch vụ công

Nhằm tiếp nhận và giải quyết nhu cầu của khách hàng, cung cấp nhiều dịch vụ tại một điểm tiếp nhận ban đầu, mô hình “Một điểm đến” trong dịch vụ công tại Trung tâm dịch vụ việc làm Nghệ An đang đem lại hiệu quả rất thiết thực cho người lao động trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

 Từ năm 2010 đến nay, dưới sự chỉ đạo của Cục việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) và lãnh đạo trực tiếp của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An đã hoàn thành tốt chức năng nhiệm vụ được giao, nhất là thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; tư vấn giới thiệu việc làm trong nước và xuất khẩu lao động; đào tạo nghề, cấp chững chỉ nghề; cung cấp các thông tin về thị trường lao động.

 Với mục tiêu “Vì mọi người, vì việc làm và thu nhập của người lao động” Trung tâm đã đẩy mạnh công tác cải cách hành chính góp phần rút ngắn thời gian, tạo thuận lợi nhất cho người lao động đến giao dịch tại trung tâm.

 Đặc biệt, với mô hình “Một điểm đến”, khi người lao động có nhu cầu về nghề nghiệp, việc làm, học nghề, dù một hay nhiều nhu cầu một lúc thì người lao động hoặc doanh nghiệp chỉ cần đến một điểm, gặp một cán bộ, nhân viên để tìm hiểu, nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết nhu cầu đã nêu. Mô hình này đã góp phần giải quyết nhanh chóng số lượng lớn nhu cầu của người lao động tham gia, giúp họ không phải đi lại mất thời gian và giảm bớt những quy trình không cần thiết.

 Với mô hình “Một điểm đến” cán bộ tiếp nhận phỏng vấn người lao động cũng đồng thời là cán bộ tư vấn giúp người lao động hiểu rõ các vấn đề của mình từ chính sách, pháp luật, chế độ, quyền lợi được hưởng đến định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Từ đó giúp người lao động đưa ra các quyết định đúng đắn trước khi thực hiện các bước về hồ sơ, thủ tục liên quan đến nghề nghiệp, việc làm và quan hệ lao động.

 Ông Hồ Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An cho biết, trước đây người lao động đến với Trung tâm thì căn cứ vào nhu cầu sẽ được giới thiệu đến các phòng nghiệp vụ chuyên môn, hạn chế là người lao động phải đi, phải tìm, hỏi nơi cần gặp, người cần gặp, làm mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, việc áp dụng mô hình “Một điểm đến” với các dịch vụ công hoàn toàn miễn phí đã tạo thuận lợi rất lớn cho người lao động và doanh nghiệp cần tìm lao động. Nhằm tạo thuận lợi nhất cho người lao động, Trung tâm còn tiến hành nhắn tin qua điện thoại thông báo cho người lao động thất nghiệp đến hạn lấy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp và đến thời hạn thông báo việc làm.

 Theo ông Hùng, ngoài những thuận lợi, Trung tâm cũng gặp một số khó khăn nhất định khi triển khai mô hình “Một điểm đến”. Đó là hệ thống cơ sở vật chất hiện vẫn chưa đáp ứng nhu cầu; số lượng đội ngũ cán bộ theo thực tế nhu cầu đang còn thiếu khá nhiều, bên cạnh đó đội ngũ cán bộ đòi hỏi phải nắm rõ tất cả lĩnh vực hoạt động của trung tâm để tư vấn cho người lao động một cách đầy đủ; người lao động đến với Trung tâm bao gồm nhiều đối tượng, nhiều mục đích, nhiều vùng miền, có văn hóa, phong tục tập quán khác nhau đó cũng là khó khăn của cán bộ khi tiếp nhận và tư vấn. (Baotintuc.vn 11/2, Tá Chuyên) Về đầu trang

Hải quan Quảng Ninh phấn đấu rút ngắn thời gian thông quan

Cục Hải quan Quảng Ninh vừa xây dựng Kế hoạch đo thời gian thông quan/giải phóng hàng năm 2020 tại các chi cục hải quan trực thuộc nhằm mục tiêu phấn đấu rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa theo chỉ tiêu phấn đấu đề ra.

 Đây là nhiệm vụ được Hải quan Quảng Ninh triển khai hàng năm, với mục đích nhằm đánh giá, kiểm soát quá trình thực hiện thủ tục hải quan, xác định thời gian, trách nhiệm của cơ quan Hải quan trong quá trình làm thủ tục thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.

 Qua việc phân tích, đánh giá dữ liệu, kết quả đo giữa các năm làm cơ sở để đánh giá hiệu quả việc thực hiện các giải pháp nhằm giảm thời gian thông quan hàng hóa.

 Mặt khác, đo thời gian thông quan/giải phóng hàng còn góp phần thúc đẩy, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, mức độ hài lòng của doanh nghiệp nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan.

 Hải quan Quảng Ninh đặt ra mục tiêu rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa còn 10 giờ đối với hàng nhập khẩu, dưới 3 giờ đối với hàng xuất khẩu, giảm tỷ lệ tờ khai phần luồng Đỏ xuống dưới 15% tổng tờ khai trong toàn Cục. (Hải Quan 12/02, Quang Hùng)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 4.450 tỷ đồng trong tháng đầu năm

Theo tin từ Bộ Tài chính , ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư năm 2020 của các bộ, ngành, địa phương đến hết ngày 31/01/2020 là 4.448,622 tỷ đồng, đạt 0,95% kế hoạch nhà nước giao (cùng kỳ đạt 0,5% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 0,69% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Trong đó, vốn trong nước đạt 4.438,393 tỷ đồng, vốn nước ngoài đạt 10,229 tỷ đồng.

 Cụ thể, các bộ, ngành trung ương ước giải ngân đạt 46,198 tỷ đồng (vốn trong nước là 35,969 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 10,229 tỷ đồng), đạt 0,03% kế hoạch nhà nước giao (cùng kỳ năm 2019 giải ngân 0%). Các địa phương ước giải ngân đạt hơn 4.402 tỷ đồng (vốn cân đối ngân sách địa phương), đạt 1,21% kế hoạch vốn nhà nước giao.

 "Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tháng đầu năm còn thấp là do hầu hết các bộ, ngành địa phương đang tập trung triển khai công tác phân bổ kế hoạch vốn và nhập dự toán chi cho các dự án", Bộ Tài chính đánh giá.

 Tính đến ngày 20/01/2020, Bộ Tài chính đã nhận được quyết định phân bổ kế hoạch vốn năm 2020 của 34/53 bộ, ngành và 46/63 địa phương với tổng số vốn phân bổ khoảng 243.144,382 tỷ đồng, đạt 51,67% so với kế hoạch nhà nước giao. Số vốn còn lại chưa phân bổ là 227.455,618 tỷ đồng.

 Trên cơ sở số vốn đã phân bổ, một số bộ, ngành đã thực hiện nhập dự toán trên hệ thống Tabmis như Bộ Giao thông Vận tải, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, Hội Phụ nữ Việt Nam, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao.

 Để đảm bảo việc triển khai kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2020 đúng thời gian quy định, ngày 17/01/2020, Bộ Tài chính đã có công văn số 696/BTC-ĐT gửi các bộ, ngành Trung ương và địa phương về việc đôn đốc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2020. (Bizlive.vn 12/02)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Quyền Cục trưởng QLTT Hải Dương nhiều ngày không đi làm, nhiều sai phạm

Ngày 12/2, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho hay, đã tiếp nhận đơn kiến nghị, phản ánh về những sai phạm của cá nhân ông Nguyễn Thanh Hải, Quyền Cục trưởng QLTT tỉnh Hải Dương xung quanh việc tự ý ký vượt chỉ tiêu được giao 21 hợp đồng lao động và nhiều vấn đề khác liên quan đến nhân sự và điều hành tại cục.

 Theo Tổng cục Quản lý thị trường, ông Nguyễn Thanh Hải, giữ chức vụ Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương từ năm 2009 đến năm 2018 nhưng trong thời gian này ông Nguyễn Thanh Hải không thông qua cấp ủy và Ban Lãnh đạo Chi cục về chủ trương và nhân sự khi tuyển dụng lao động; đặc biệt đã không thực hiện đúng quy trình tuyển dụng lao động hợp đồng theo Nghị định 68.

 Ông Nguyễn Thanh Hải tự ý ký vượt so với chỉ tiêu được cấp có thẩm quyền giao 21 hợp đồng lao động theo Nghị định 68, dẫn đến không bố trí được công việc, bố trí quá nhiều lao động cho một vị trí, không có kinh phí chi trả lương và các chế độ khác cho người lao động gây nên sự bức xúc của cán bộ, nhân viên trong nội bộ cơ quan được thể hiện bằng đơn thư, phản ánh, kiến nghị. Một số lao động hợp đồng theo Nghị định 68 đã bỏ không đến cơ quan làm việc từ nhiều tháng trước.

 “Từ tháng 8/2018, thành lập Cục QLTT tỉnh Hải Dương trực thuộc Tổng Cục QLTT, với cương vị người đứng đầu cơ quan Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương ông Nguyễn Thanh Hải đã không thực hiện chỉ đạo của cấp trên trong việc thực hiện chấm dứt số hợp đồng lao động theo Nghị định 68 tự ý ký vượt chỉ tiêu được giao và giải quyết các chế độ, chính sách đối với người lao động theo quy định. Ngoài ra, ông Nguyễn Thanh Hải thường xuyên không đến cơ quan làm việc gây ra tình trạng trì trệ, tê liệt hoạt động của Cục QLTT tỉnh Hải Dương”, Tổng cục QLTT cho hay.

 Cùng với công tác nhân sự, là người đứng đầu cơ quan, khi có sự thay đổi kế toán trưởng, ông Nguyễn Thanh Hải - Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trưởng tỉnh Hải Dương đã không chỉ đạo việc bàn giao chứng từ sổ sách kế toán theo quy định gây khó khăn cho công tác quyết toán năm tài chính với các cơ quan có liên quan.

 Ngoài ra, theo Tổng cục QLTT, ông Hải và gia đình đang có khoản vay tại Ngân hàng là khoản vay theo quan hệ dân sự. Do vậy, ông Nguyễn Thanh Hải và Ngân hàng sẽ giải quyết khoản vay theo quy định của Bộ Luật dân sự.

 Hiện nay, ông Nguyễn Thanh Hải đã giải quyết xong khoản vay tại ngân hàng nhưng vẫn còn có một số đối tượng bên ngoài đến cơ quan Cục QLTT tỉnh Hải Dương tìm ông Nguyễn Thanh Hải để đòi nợ, gây rối ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị.

 Về xử lý sai phạm của ông Hải, Tổng cục QLLT cho hay, ngày 17/10/2019, Bộ Công Thương có buổi làm việc với Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hải Dương để trao đổi về sai phạm của ông Nguyễn Thanh Hải, đề nghị chấm dứt Quyền Cục trưởng đối với ông Nguyễn Thanh Hải và lựa chọn nhân sự để giao người điều hành hoạt động của cục.

 Tại cuộc họp Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hải Dương, cho hay, trong thời gian công tác, ông Hải đã tự ý ký hợp đồng lao động 68 vượt chỉ tiêu được giao. Tỉnh ủy Hải Dương cũng đã chỉ đạo Sở Nội vụ tiến hành thanh tra sai phạm của ông Nguyễn Thanh Hải. Tỉnh Hải Dương cũng cho ý kiến giới thiệu người thay thế ông Hải.

 Tổng cục QLTT cũng cho biết, đến nay vẫn nhận được đơn tố cáo đối với ông Nguyễn Thanh Hải về việc yêu cầu người lao động đưa tiền và nhận 100 triệu đồng để đưa vào danh sách 46 chỉ tiêu hợp đồng lao động tại Cục QLTT tỉnh Hải Dương. Cùng đó là tố cáo về 3 trường hợp của ông Phạm Tuấn Vũ, ông Phạm Thanh Tú và ông Nguyễn Hoài Đức (ký hợp đồng lao động năm 2015, 2016 không đi làm chỉ ghi tên trong danh sách). 

Với những sai phạm nêu trên của ông Nguyễn Thanh Hải, Tổng cục QLTT kiến nghị lãnh đạo Bộ Công Thương xem xét, xử lý sai phạm đối với ông Nguyễn Thanh Hải, cho thôi Quyền Cục trưởng và quyết định nhân sự giao Quyền Cục trưởng QLTT tỉnh Hải Dương thay ông Hải để sớm ổn định hoạt động của Cục. (Tienphong.vn 12/02, Phạm Tuyên)Về đầu trang

Lạng Sơn: Khởi tố nữ Phó Chủ tịch huyện sai phạm về quản lý đất đai

Sáng 12/2, thông tin từ Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết vừa tiến hành khởi tố bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn vì liên quan đến những sai phạm về đất đai trên địa bàn huyện. Quyết định khởi tố được Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn.

 Cùng với việc khởi tố, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã tiến hành khám xét nhà riêng bà Thu tại đường Lê Hồng Phong, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn.

 Được giao phụ trách lĩnh vực kinh tế của huyện biên giới Cao Lộc, trong hai năm 2017 và 2018, bà Thu đã ký nhiều văn bản cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng, hợp thức hóa cho các trường hợp vi phạm đất đai.

 Trước đó, nhiều cơ quan thông tin đại chúng đã có các bài viết phản ánh về những sai phạm trong công tác quản lý đất đai trên địa bàn huyện Cao Lộc, đặc biệt là hai xã Hợp Thành và Yên Trạch, trong đó đề cập đến việc hàng chục hécta đất rừng, đất đồi bị “xẻ thịt;” người dân mua gom đất, sau đó tự ý phân lô bán nền trái phép… gây bức xúc dư luận.

 Liên quan đến những sai phạm về quản lý đất đai tại huyện biên giới Cao Lộc, Công an tỉnh Lạng Sơn đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với ông Nguyễn Thế Tập (sinh năm 1980), Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cao Lộc về hành vi vi phạm quy định trong quản lý đất đai. (Thanh tra 12/02)Về đầu trang

Nghệ An: Kỷ luật loạt cán bộ để mất giá trị văn hóa, lịch sử

Đầu tháng 2/2020, UBND huyện Thanh Chương đã họp hội đồng kỷ luật các cán bộ liên quan đến vụ để chủ đầu tư xây chùa Linh Sâm xâm lấn đất bảo vệ di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đền Hữu.

 Theo đó, sau khi xem xét báo cáo của UBND xã Thanh Yên và các phòng ban liên quan, UBND huyện Thanh Chương đã kỷ luật hình thức cảnh cáo 3 cán bộ xã Thanh Yên gồm: ông Nguyễn Văn Dũng (cán bộ địa chính xã); ông Lê Hồng Long (Bí thư Đảng ủy xã, nguyên chủ tịch UBND xã) và ông Nguyễn Cảnh Điền (Phó chủ tịch UBND xã). Riêng ông Bùi Trung Thông - cán bộ văn hóa xã Thanh Yên bị khiển trách.

 Ông Nguyễn Văn Quế - Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, Nghệ An cho hay: "Để xảy ra các sai phạm tại khu vực đền Hữu liên quan đến Luật Đất đai, Luật Di sản có trách nhiệm của lãnh đạo xã và cán bộ liên quan đến tham mưu, quản lý địa bàn. Di tích đền Hữu đã được huyện giao cho xã, ban quản lý đền quản lý. Trước đó, 4 cán bộ xã Thanh Yên họp kiểm điểm và đều xin nhận hình thức kỷ luật khiển trách".

 Còn vi phạm tại đình Lương Xá, ngày 27/8/2019, Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa đã ban hành 3 công văn về việc thi hành kỷ luật đối với Chủ tịch UBND xã Liên Bạt Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Bạt Nguyễn Văn Chính và cán bộ văn hóa xã Phạm Hồng Quân bằng hình thức khiển trách.

 Theo quan điểm của nhiều chuyên gia, UBND huyện Ứng Hòa chỉ kỷ luật 3 cá nhân ở mức khiển trách còn chung chung, chưa làm rõ trách nhiệm cụ thể. Trong khi đáng ra, chính quyền địa phương phải chỉ rõ ai là người quyết định trực tiếp cho phép người dân tháo dỡ, tự ý hạ giải và xây dựng đình Lương Xá.

 Không thể áp dụng hình thức kỷ luật giống nhau, phải có người chịu trách nhiệm cao nhất hoặc thấp nhất thì mới đủ sức răn đe, để các sự việc tương tự không xảy ra nữa.

 Tháng 4/2019, Thanh tra Bộ VH-TT&DL lần đầu tiên đã lập biên bản xử phạt một nhà sư 20 triệu đồng về hành vi xây dựng trái phép, xâm phạm một di tích quốc gia.

 Đại diện Thanh tra Bộ VH-TT&DL cho biết, việc xây dựng hai cổng phụ tại chùa Bối Khê của sư trụ trì đã vi phạm Luật Di sản văn hóa và mức phạt cho hành vi này từ 15- 25 triệu đồng, vì thế cơ quan thanh tra đã đưa ra mức xử phạt là 20 triệu đồng. Nhà sư bị xử phạt là sư cô Thích Đàm Phượng trụ trì chùa Bối Khê (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội) vì vi phạm xây dựng trái phép 2 cổng phụ tại di tích quốc gia chùa Bối Khê….

 Việt Nam đã có một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật để bảo vệ di sản. Thế nhưng cho tới thời điểm này, sau rất nhiều sai phạm trong tu bổ, thậm chí là trầm trọng như những trường hợp trên thì việc chịu trách nhiệm chính gần như là… con số 0.

 Có chăng các cá nhân chỉ bị kỷ luật với hình thức: cảnh cáo, khiển trách. Việc lấy danh nghĩa là “tu bổ” nhưng thực tế đã “phá hoại” di tích quốc gia, khó lấy lại giá trị kiến trúc, lịch sử, niên đại của nơi thờ tự mà chỉ xử phạt “giơ cao, đánh khẽ”.  (Pháp Luật Việt Nam 12/02, T.Dương)Về đầu trang

Thanh Hóa: Kỷ luật hàng nhiều cán bộ xã "dựng người chết sống lại" để ký, tặng chuyển nhượng đất

Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Quảng Trạch đã tổ chức họp xem xét, kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với ông Đặng Anh Toán - Bí thư Đảng ủy xã Quảng Châu; Đàm Văn Minh - Phó Chủ tịch UBND xã; Đàm Xuân Thanh - Phó Chủ tịch UBND xã.

 Cụ thể, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Quảng Trạch thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Đàm Văn Minh - Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Châu; kỷ luật khiển trách đối với ông Đàm Xuân Thanh Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Châu và không thi hành kỷ luật đối với ông Đặng Anh Toán, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Châu.

 Trước đó, trong các năm từ 2008 đến 2016, khi đang là công chức Tư pháp - Hộ tịch của UBND xã Quảng Châu, ông Đàm Văn Minh đã có những khuyết điểm, vi phạm trong việc tham mưu cho lãnh đạo xã thực hiện không đúng quy định đối với 16 trích lục khai tử, 7 giấy chứng tử, 2 giấy khai sinh và chứng thực 6 hợp đồng tặng, cho quyền sử dụng đất trên địa bàn xã.

 Từ năm 2008 đến 2013, với trách nhiệm là Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Châu, ông Đàm Xuân Thanh đã có những khuyết điểm, vi phạm trong việc ký cấp 1 giấy chứng tử, ký chứng thực 9 hợp đồng tặng, cho quyền sử dụng đất cho các hộ dân trên địa bàn xã không đúng quy định. (Bảo vệ pháp luật 12/02, Nguyễn Cường)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Các Tổng thống Nga có thể được trao tư cách thượng nghị sỹ trọn đời

Reuters đưa tin, ông Pavel Krasheninnikov, Chủ tịch Ủy ban Xây dựng nhà nước và pháp luật Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga ngày 11/2 cho biết, các tổng thống nước này có thể được trao tư cách thượng nghị sỹ suốt đời khi rời nhiệm sở theo kế hoạch cải cách hiến pháp được đề xuất.

 Hãng thông tấn Interfax dẫn lời ông Krasheninnikov cho hay, trong số những thay đổi có một đề xuất về việc các tổng thống sẽ trở thành Thượng nghị sỹ trọn đời một khi nhiệm kỳ của họ ở Điện Kremlin kết thúc hoặc họ từ chức. 

Theo ông Krasheninnikov, sự sửa đổi trên sẽ cho phép các Nga tận dụng được “những kinh nghiệm và kiến thức khổng lồ” của các cựu tổng thống.

 Theo luật pháp Nga, các nghị sỹ ở Hạ viện và Thượng viện của Quốc hội nước này được miễn truy tố hình sự. (VietnamPlus.vn 12/2) Về đầu trang

Hà Lan tặng mỗi người dân 4.400 USD để mua xe hơi điện mới

Người dân Hà Lan nếu có dự định mua một chiếc xe hơi điện mới từ 1/7 năm nay có thể sẽ được nhận khoảng 4.425 USD để bù vào chi phí mua xe từ Chính phủ. Nếu mua một chiếc xe hơi điện đã qua sử dụng, số tiền được trợ cấp là khoảng 2.211 USD.

 Đây là khoản hỗ trợ từ chính phủ Hà Lan nhằm khuyến khích người dân từ bỏ những phương tiện cỡ nhỏ chạy xăng hoặc dầu diesel và chuyển sang các phương tiện thân thiện với môi trường hơn, ít tốn kém hơn. (VTV.vn 12/02)Về đầu trang./.

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Các tin khác