Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 10-12-2019

15:25, Thứ Ba, 10-12-2019

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Tải file tại đây

CHỈ THỊ MỚI 1

1.Công điện đảm bảo an toàn giao thông dịp Tết Canh Tý 2020. 1

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 2

2. Robert Walters: Năm 2020, làm giám đốc nhà máy ở Việt Nam có thể kiếm tới 8 tỷ VND một năm.. 2

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 3

3.Để xóa bỏ “văn hóa bôi trơn”. 3

4. Vừa “gọn”, vừa “tinh”. 4

QUẢN LÝ.. 6

5. Từ ngày 1-1-2020, thêm điều cấm với cán bộ, công chức, viên chức. 6

6.  Giảm 16.000 cán bộ sau sáp nhập huyện, xã. 7

7. Thủ tướng trước đối thoại với nông dân ở miền Tây. 8

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 9

8. Khai trương Cổng Dịch vụ công Quốc gia. 9

9.  Giấy phép lái xe sẽ được cấp đổi qua mạng. 10

10. 90% người dân Hà Tĩnh có hồ sơ sức khỏe điện tử. 10

11.Quảng Ninh: Kết nối Cổng dịch vụ công trực tuyến với Cổng dịch vụ công quốc gia. 11

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 12

12.TP.HCM thiếu hơn 15.000 tỉ để chi thu nhập tăng thêm.. 12

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 12

13.Nguyên Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải có khuyết điểm trong chỉ đạo dự án TISCO II 12

14. Đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật với ông Triệu Tài Vinh. 13

15. Bình Thuận: Phó bí thư Thành ủy Phan Thiết bị cách hết chức vụ trong Đảng. 14

16.  Tây Ninh: Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhận 2.500 USD để “chạy án”. 15

THẾ GIỚI 15

17.Ấn Độ xóa bỏ toàn bộ hệ thống thi cử tại cấp học phổ thông. 15

18. Độc đáo tòa án online tại Trung Quốc. 16

 CHỈ THỊ MỚI

Công điện đảm bảo an toàn giao thông dịp Tết Canh Tý 2020

Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Canh Tý và Lễ hội xuân 2020.

 Thủ tướng yêu cầu Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, các Bộ, ngành, các tồ chức chính trị - xã hội, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện một loạt các nhiệm vụ.

 1. Yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải chấp hành nghiêm quy định về điều kiện kinh doanh, không để hành khách về quê ăn tết chậm do thiếu phương tiện.

 2. Tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là hành vi sử dụng nồng độ cồn, ma túy, chạy quá tốc độ, dừng đỗ không đúng nơi quy định. Có phương án tổ chức điều tiết giao thông khi xảy ra ùn tắc.

 3. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật giao thông, nhất là quy định cấm lái xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Đã uống rượu bia không lái xe.

 4. Tăng cường kiểm tra điều kiện an toàn các công trình kết cấu hạ tầng giao thông, khắc phục kịp thời các điểm đường bị sạt lở hư hỏng. Bổ sung biển báo, đèn tín hiệu ở những nơi tiềm ẩn mất an toàn giao thông.

 5. Bộ Y tế chỉ đạo các Sở Y tế địa phương tăng cường lực lượng, phương tiện, trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh và máu để chủ động cứu chữa nạn nhân tai nạn giao thông.

 6. Công bố rộng rãi đường dây nóng để tiếp nhận các ý kiến phản ánh của người dân về trật tự an toàn giao thông.

 7. Tồ chức ra quân thực hiện năm an toàn giao thông 2020 với chủ đề "Đã uống rượu, bia không lái xe''. (VTV.vn 09/12)Về đầu trang

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Robert Walters: Năm 2020, làm giám đốc nhà máy ở Việt Nam có thể kiếm tới 8 tỷ VND một năm

Robert Walters - công ty tư vấn tuyển dụng chuyên nghiệp gần đây đã phát hành Khảo sát lương hàng năm 2019, tập trung vào Việt Nam và các quốc gia khác ở Đông Nam Á.

 Theo Khảo sát lương năm 2019, thị trường Việt Nam trưởng thành sẽ phát sinh nhu cầu lớn hơn về nhân sự cấp cao. Người lao động cần trang bị cho mình các kỹ năng kỹ thuật số có liên quan để có vị trí tốt trên thị trường. Năm 2019, người chuyển việc có thể mong đợi mức tăng trung bình 15-25% tiền lương. Do vẫn còn thiếu hụt nhân sự với các kỹ năng và chuyên môn cần thiết, báo cáo cũng khuyên các công ty nên xem xét việc thuê nhân tài Việt Nam ở nước ngoài để cải thiện tình hình.

 Năm 2018, các ngành sản xuất và kỹ thuật của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng cao, với cả các công ty mới thành lập và sự mở rộng của các công ty cũ. Việc thành lập VinFast - công ty ô tô đầu tiên của Việt Nam đã tạora nhiều việc làm trong các doanh nghiệp liên quan như sản xuất thiết bị và sản xuất một phần.

 Công nghệ là một lĩnh vực khác có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm công nghệ khu vực. Thậm chí một số phương tiện truyền thông còn coi Việt Nam là "Thung lũng Silicon của châu Á". Một số lượng lớn các công ty khởi nghiệp công nghệ từ châu Á, châu Âu và Hoa Kỳ đã gia nhập thị trường, thúc đẩy nhu cầu kỹ sư công nghệ cao cấp.

 Các chuyên gia bán hàng và tiếp thị, đặc biệt là trong xây dựng và xây dựng hoặc các lĩnh vực liên quan, cũng được săn lùng. Trong hai năm qua, khoảng 5.000 người nước ngoài đã được khảo sát và hơn 1.000 người cho biết họ muốn làm việc tại Việt Nam nếu họ có thể tìm được việc làm phù hợp. Trong số họ, 31 người đã đến thực sự sang Việt Nam làm việc.

 Trong số các ngành nghề, sản xuất, công nghệ, số hoá là các ngành có lương nhân sự cấp cao tăng trưởng mạnh nhất trong năm tới, đặc biệt giám đốc điều hành nhà máy. Năm 2019, mức lương cho vị trí này từ 150 - 250 nghìn USD. Sang năm 2020, Robert Walters dự báo tăng lên 150 - 350 nghìn USD.

 Theo báo cáo, các vị trí quản lý khác trong các nhà máy cũng sẽ có mức tăng trưởng cao trong năm 2020. Giám đốc bán hàng trong các nhà máy năm 2019 có thể đạt mức lương 100 nghìn USD, sang năm 2020 được dự báo sẽ tăng 50%, chạm ngưỡng 150 nghìn USD. Vị trí giám đốc bán hàng và marketing của nhà máy có thể có mức lương lên đến 140 nghìn USD. (TTVN.vn 08/12)Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

Để xóa bỏ “văn hóa bôi trơn”

“Thúc đẩy kinh doanh liêm chính cần có sự nỗ lực đồng bộ, xóa bỏ văn hóa lệ làng và “văn hóa bôi trơn”.

 Phát biểu của TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại cuộc thảo luận “Thúc đẩy liêm chính trong kinh doanh” trong khuôn khổ “Chương trình Hội nghị khu vực lần thứ 10 của Sáng kiến Chống tham nhũng khu vực châu Á – Thái Bình Dương” do Thanh tra Chính phủ Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đồng tổ chức tại Hà Nội vừa qua thêm một lần nữa đặt ra vấn đề: Làm thế nào để xoá bỏ được "văn hoá bôi trơn"?

 Hiện chúng ta có khoảng 5 triệu hộ kinh tế gia đình, hơn 750 nghìn doanh nghiệp tư nhân đang ngày đêm đối diện với những bản quy hoạch sai, cũng như bị cản trở, bị hành bởi những “giấy phép con”. Cho tới nay, mặc dù các loại giấy phép này đã cắt giảm được 50%, nhưng vẫn còn đó những chồng giấy phép dầy cộp, mà để có đất sống, doanh nghiệp phải dùng tới “phong bao”.

 Những “giấy phép con này” đang đi ngược với yêu cầu cải cách môi trường kinh doanh mà Chính phủ, Đảng, Nhà nước đang cố gắng tháo gỡ. Vậy đâu là lý do khiến các “giấy phép con” trái thẩm quyền vẫn ra đời? Câu trả lời chỉ có thể hoặc trình độ cán bộ ở các bộ/ ngành đó quá kém, hoặc là cố tình tạo những rào cản để có “phí bôi trơn”.  Tất cả, đều không thể chấp nhận được.

 Không khó khăn gì để hiểu lý do ngâm hồ sơ tạo các thủ tục rườm rà cho người dân, doanh nghiệp. Ngâm là để cho dân phải chạy, thủ tục rườm ra để doanh nghiệp phải nhờ, phải cậy. Mà muốn cậy nhờ thì phải trả ơn. Lối tham nhũng vặt này chẳng lạ lùng gì. Bao nhiêu năm nay, người dân kêu trời về cụm từ “tham nhũng vặt”. Lãnh đạo thì chỉ nghe “phong thanh” về chuyện bôi trơn, nhưng không có chứng cứ để khẳng định cán bộ ăn tiền của dân.

 Tham nhũng vặt, nhưng nhiều cái vặt cộng lại thành cái to. Chính vì vậy nên hồ sơ cứ thế mà ngâm, cứ thế mà tồn đọng. Phải gây khó, phải tồn đọng thì mới có cái để tham nhũng. Biết bao nhiêu bộ hồ sơ muốn về tay người dân, doanh nghiệp thì phải trả giá bằng phong bì, nhưng chẳng bắt được tay, day được trán ai ăn hối lộ.

 Song song, cũng phải trách nhiều cá nhân, doanh nghiệp nhằm đạt được mục đích lợi nhuận, giành được các hợp đồng béo bở đã bóp méo những định nghĩa về phí, chi phí và hoa hồng, biến chúng thành những khoản tiền hối lộ khổng lồ nhằm cạnh tranh, mua chuộc đối tượng hoặc tổ chức nào đó. Cạnh tranh không lành mạnh dẫn tới sự thiếu công bằng và bất hợp lý.

 Có thể nói, “văn hoá phong bì” gặp cơ chế quan liêu mệnh lệnh giấy tờ, cơ chế xin cho đã nhanh chóng sinh sôi nảy nở, nhanh chóng trở thành một tệ nạn. Lâu ngày nó trở thành nếp nghĩ, nếp sống của người Việt. Ngày nay nó như một lẽ đương nhiên, đến nỗi không ai buồn nói đến nó nữa.

 Vì thế, nói thẳng ra thì “văn hóa phong bì” nếu xét về bản chất thì chính là “nền văn hóa bôi trơn”. Mà cái gì muốn vận hành ngon lành lại không cần đến bôi trơn? Nhưng cũng may là nhiều đường dây đưa hối lộ và nhận hối lộ đã bị đưa ra ánh sáng và nhận sự trừng trị thích đáng của pháp luật. Đây là tấm gương cho những ai muốn đi ngang về tắt, đạt được mục đích bằng những hành vi sai trái.

 Có điều, vấn đề đặt ra ở đây là: Ai phải chịu trách nhiệm, là người đứng đầu các bộ/ngành hay các vụ chức năng, hay người đứng đầu các cơ quan đơn vị? Nói như vậy, bởi từ trước đến nay, chẳng ai chịu trách nhiệm cả. Cùng lắm, khi bị phát hiện, hủy các văn bản trái luật, còn cá nhân ai đó bị khiển trách là xong.

 Kỳ thực, không ai ăn hối lộ mà dễ dàng để cho người khác phát hiện, người đưa hối lộ cũng muốn cho xong việc, nên im lặng là vàng, cũng là để yên thân.

 Thế mới nói, chừng nào các quan chức tổ chức thực sự “lạ lẫm, ngỡ ngàng” khi nghe tin chạy công chức mất tiền trăm triệu; Các nhà quản lý thấy “ngỡ ngàng” chuyện chạy chức, chạy quyền, chạy trường, chạy lớp hộ khẩu, sổ đỏ, dự án.

 Rồi, người đứng đầu ngành công an cảm thấy “ngỡ ngàng” khi nghe tin cảnh sát giao thông nhận tiền mãi lộ; Người đứng đầu ngành y tế cũng “ngỡ ngàng” khi nghe tin thầy thuốc nhận phong bì. Đến lúc đó chiếc phong bì, phí bôi trơn mới thực sự không còn là vấn nạn của xã hội nữa.

 Muốn vậy, cần phải cải cách nền hành chính một cách mạnh mẽ, ở đó quy định rõ trách nhiệm của những người đứng đầu và kỷ luật một cách nghiêm khắc nhất để tạo tính răn đe, không có tiền lệ cho bất kỳ một cán bộ nào. Có như vậy mới dẹp được nạn bôi trơn, có như vậy nền hành chính mới tiến bộ và quy trình thủ tục giấy tờ phục vụ nhân dân mới thông suốt. (Enternews.vn 9/12, Sông Hàn) Về đầu trang

Vừa “gọn”, vừa “tinh”

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã ký văn bản gửi UBND các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương về việc đăng ký thí điểm hợp nhất một số sở ngành, phòng ban. Đây được đánh giá là một trong những động thái tích cực, chủ động của Bộ Nội vụ trong việc thúc đẩy triển khai nhiệm vụ theo yêu cầu Nghị quyết số 18 của Trung ương và Nghị quyết 56 của Quốc hội nhằm bảo đảm bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

 Theo đó, Bộ Nội vụ đồng ý cho các tỉnh thí điểm hợp nhất 8 sở ngành thành 4. Đó là: Sở Tài chính hợp nhất với Sở Kế hoạch và Đầu tư thành Sở Tài chính và Kế hoạch. Thí điểm hợp nhất Sở Giao thông Vận tải với Sở Xây dựng thành Sở Giao thông và Xây dựng. Đồng thời, thí điểm hợp nhất Thanh tra cấp tỉnh với Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy, thành ủy thành Cơ quan Thanh tra - Kiểm tra cấp tỉnh. Ngoài ra, thí điểm hợp nhất Sở Nội vụ với Ban Tổ chức tỉnh ủy, thành ủy thành Cơ quan Tổ chức - Nội vụ cấp tỉnh. Cơ quan này có chức năng tham mưu, giúp việc cho cấp ủy cấp tỉnh về công tác tổ chức, cán bộ và tham mưu giúp UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực nội vụ…

 Thời gian qua, bộ máy cồng kềnh với đội ngũ cán bộ, công chức tuyển dụng chưa thực sự bảo đảm chất lượng được coi là một trong những nguyên nhân dẫn tới bộ máy hoạt động kém hiệu quả. Có một câu hỏi mà dư luận và cử tri luôn đặt ra, liệu kinh tế - xã hội đất nước của chúng ta sẽ phát triển thế nào nếu như ngân sách nhà nước phải dành hơn 60% cho chi thường xuyên, trong đó có một khoản không nhỏ chi cho bộ máy; trong khi nguồn ngân sách dành cho đầu tư phát triển lại không nhiều?

 Thực tế này đòi hỏi cần phải sắp xếp lại bộ máy để vừa giảm mức chi thường xuyên, vừa bảo đảm bộ máy, con người phải thực sự chất lượng, hoạt động hiệu quả. Tuy vậy, việc triển khai chủ trương, yêu cầu này trên thực tế gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Vướng mắc từ chính các quy định của pháp luật, từ cơ chế chính sách để giải quyết quyền lợi cho các cơ quan, đơn vị phải tinh gọn. Suy cho cùng là thiếu cơ chế chính sách thỏa đáng đối với người thuộc đối tượng tinh giản. Ngoài ra, có cả vướng mắc từ tâm lý của những người trong cuộc, những người thuộc đối tượng tinh giản và sự nể nang, ngại ngần của những người có quyền quyết định việc tinh giản này.

 Vẫn biết rằng, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế là khó, bởi đây là vấn đề nhạy cảm, đụng chạm đến quyền lợi, đến con người. Nhưng Nghị quyết Trung ương, của Quốc hội đã có, đặc biệt đây là yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn cuộc sống, chúng ta không thể không làm.

 Xác định rõ yêu cầu đó, nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã bắt tay vào thực hiện thí điểm việc hợp nhất các sở, ngành, cơ quan chuyên môn. Có những tỉnh thành đã thực hiện thí điểm như Lào Cai… Tại Kỳ họp thứ 15 vừa qua, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã thông qua Nghị quyết về việc thống nhất chủ trương thí điểm hợp nhất Sở Nội vụ với Ban Tổ chức Tỉnh ủy thành Cơ quan Tổ chức - Nội vụ tỉnh Quảng Ninh. Cơ quan mới này sẽ thực hiện chức năng tham mưu, giúp việc cho cấp ủy cấp tỉnh về công tác tổ chức, cán bộ và tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực nội vụ.

 Không chỉ hợp nhất, có những địa phương đã mạnh dạn giải thể cơ quan chuyên môn khi cơ quan này đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Vừa qua, tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Cà Mau Khóa IX (nhiệm kỳ 2016 - 2021) đã thống nhất thông qua việc giải thể Sở Ngoại vụ trực thuộc UBND tỉnh Cà Mau sau 5 năm thành lập. Khi thực hiện đề án này sẽ giảm 1 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; 3 phòng chuyên môn thuộc sở; 4 chức danh Giám đốc, Phó Giám đốc; 9 Trưởng phòng, Phó trưởng phòng; 10 biên chế công chức, viên chức… Điều này cho thấy, quyết tâm rất lớn của lãnh đạo tỉnh trong việc thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy.

 Hợp nhất sở ngành, phòng ban chuyên môn là cần thiết. Nhưng mục đích cao nhất của việc hợp nhất là phải bảo đảm hiệu quả hoạt động của bộ máy. Hợp nhất không phải là gộp đầu mối cơ học đơn thuần theo kiểu “bình mới, rượu cũ”. Điều này đòi hỏi người đứng đầu và bộ phận tham mưu phải công tâm, khách quan khi thực hiện. Tránh tình trạng như Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa nói: “giữ người nhà, mất người tài”. Việc hợp nhất phải bảo đảm vừa “gọn” vừa “tinh”. (Đại Biểu Nhân Dân 09/12, Hà An) Về đầu trang

QUẢN LÝ

Từ ngày 1-1-2020, thêm điều cấm với cán bộ, công chức, viên chức

Có 5 Luật mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2020, trong đó đáng chú ý nhất phải kể đến Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Đặc biệt, Luật này quy định một điều cấm với cán bộ, công chức, viên chức.

 Điều 5 của Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia năm 2019 nêu ra 13 hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia. Trong đó khoản 5 nghiêm cấm: "Cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC), người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập".

 Đây là lần đầu tiên quy định nghiêm cấm CB, CC, VC uống rượu bia trước, trong giờ làm việc, giờ nghỉ giữa giờ được đưa vào trong Luật. Trước đó, quy định này cũng đã từng được đề cập đến, nhưng hầu như chỉ dừng lại ở một số văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

 Cụ thể, tại Chỉ thị 26 về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp, Thủ tướng yêu cầu: Đối với CB, CC, VC, nghiêm cấm việc sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc và ngày trực.

 Như vậy, với việc chính thức luật hóa quy định “nghiêm cấm uống rượu bia trước và trong giờ làm việc, nghỉ giữa giờ” từ ngày 1-1-2020, CB, CC, VC trên cả nước cần hết sức lưu ý. Khi được luật hóa, chắc hẳn sẽ sớm có những văn bản hướng dẫn đề cập đến các chế tài xử phạt đối với CB, CC, VC vi phạm.

 Ngoài việc cấm uống rượu, bia trước và trong giờ làm việc, nghỉ giữa giờ, CB, CC, VC nói riêng và mọi người dân nói chung cần lưu ý đến các hành vi nghiêm cấm khác liên quan đến rượu, bia được đề cập đến Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia.

 Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; Bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi; Sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia; Quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên; Cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe; Khuyến mại trong hoạt động kinh doanh rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên; sử dụng rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức; Sử dụng nguyên liệu, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến không được phép dùng trong thực phẩm; nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không bảo đảm chất lượng và không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất, pha chế rượu, bia; Kinh doanh rượu không có giấy phép hoặc không đăng ký; bán rượu, bia bằng máy bán hàng tự động; Kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển rượu, bia giả, nhập lậu, không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhập lậu rượu, bia.

 Ngoài ra, còn các hành vi bị nghiêm cấm khác liên quan đến rượu, bia do luật định. (Nld.com.vn 8/12, H.Lê) Về đầu trang

Giảm 16.000 cán bộ sau sáp nhập huyện, xã

Ngày 9/12, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, hôm nay Bộ Nội vụ sẽ thẩm định hết 5 tỉnh cuối cùng trước khi trình Chính phủ.

 Theo tính toán trong giai đoạn 2019 – 2021, có 45 tỉnh, thành phố thực hiện việc sắp xếp, qua đó sẽ giảm 6 đơn vị hành chính cấp huyện, 564 đơn vị hành chính cấp xã. Điển hình, tại Bắc Giang đã giảm 21 đơn vị hành chính cấp xã, từ 230 giảm xuống còn 209 đơn vị sau sắp xếp. Hay tại tỉnh Hà Tĩnh, sau khi sắp xếp và thành lập thị trấn Lộc Hà, số lượng đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã giảm tới 46 đơn vị, từ 262 giảm xuống còn 216 đơn vị. Tương tự, tại tỉnh Lạng Sơn, sau khi thực hiện sắp xếp, số lượng ĐVHC cấp xã cũng giảm từ 226 xuống còn 200 đơn vị (giảm 26 đơn vị).

 Tuy nhiên, đối với nhiều ĐVHC đề xuất chưa sắp xếp trong giai đoạn này, qua nghiên cứu các đề án, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, một số địa phương đưa ra những lý giải chưa thuyết phục. Trong đó, tỉnh Bắc Giang còn 15 ĐVHC mới hình thành sau sắp xếp chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định; hay tỉnh Hà Tĩnh còn 17 ĐVHC cấp xã…

 Về tinh giản bộ máy, theo tính toán của ông Tuấn, kết thúc đợt sáp nhập này, đến trước năm 2022 sẽ giảm được khoảng gần 10.000 cán bộ, công chức và khoảng gần 6.000 người hoạt động không chuyên trách. Tuy nhiên việc sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức dôi dư là vấn đề khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, xã. Bởi khi tiến hành sáp nhập phải sắp xếp lại, phải thay đổi vị trí công tác, có trường hợp phải giải quyết cho nghỉ, cho thôi việc hoặc tinh giản biên chế. Vì vậy, vấn đề đặt ra là cần phải tiến hành và giải quyết làm sao cho thỏa đáng, có tình có lý, được cả cái chung và cái riêng.

 “Việc sáp nhập các đơn vị hành chính sẽ giúp cho tinh gọn bộ máy chính quyền địa phương, giảm được số lượng lớn cán bộ, công chức cấp xã, giảm được gánh nặng của ngân sách nhà nước. Nhưng trong sắp xếp, số cán bộ, công chức dôi dư cũng phải giải quyết thế nào cho thỏa đáng, thông qua việc xem xét tuyển chọn, bố trí những người đủ điều kiện, tiêu chuẩn vào các vị trí còn thiếu ở các đơn vị hành chính khác, ở các sở ngành, hoặc giải quyết tinh giản biên chế, thôi việc, chuyển công tác khác.

 Thực tế cho thấy ở nhiều địa phương thực hiện việc sáp nhập, cán bộ, công chức ở các huyện, xã sáp nhập đều tâm tư khi thực hiện sáp nhập. Trước những băn khoăn của cán bộ công chức, ông Trần Anh Tuấn khẳng định, không ai bị “mất ghế” sau sắp xếp cả.

 “Tư duy mất ghế bây giờ đã cũ và cổ quá rồi, vì chúng ta không làm ở chỗ này thì sẽ làm ở chỗ khác. Còn lo ngại mất vị trí, người đang làm lãnh đạo, quản lý lại xuống chuyên viên cũng không có. Bởi khi sáp nhập, mỗi đề án đều có phương án bố trí số lượng cấp trưởng, cấp phó trong từng ĐVHC theo đúng quy định, số dôi dư (kể cả lãnh đạo) đều được tính toán để bố trí, giải quyết phù hợp”, ông Tuấn khẳng định.

 Điểm đáng lưu ý khác tại buổi làm việc mới đây nhất, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục tổng hợp, nắm bắt khó khăn, vướng mắc của địa phương để kịp thời tháo gỡ, sớm ổn định tình hình các địa phương trong diện sắp xếp. Đồng thời cần chú ý đến việc giải quyết cơ sở vật chất, trụ sở làm việc, trang thiết bị, phương tiện theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí.

 Về việc này, Thứ trưởng Tuấn cho biết, trong mỗi đề án đều nhấn mạnh đến yêu cầu này. Trong đó, khi sáp nhập, hình thành các đơn vị hành chính mới dù là cấp huyện, hay cấp xã đều không có địa phương nào xây dựng thêm trụ sở mới, mà đều sử dụng các trụ sở đã có sẵn để làm việc, còn các trụ sở khác không dùng đến thì thực hiện việc xử lý theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Đặc biệt, việc sắp xếp các ĐVHC đều có các giải pháp không gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân, không làm khó khăn cho người dân trong vấn đề thực hiện các nhu cầu của mình. (Tienphong.vn 9.12, Luân Dũng) Về đầu trang

Thủ tướng trước đối thoại với nông dân ở miền Tây

Trước buổi đối thoại, nông dân đã gửi đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc 2.000 câu hỏi về sản xuất nông nghiệp sạch, tiêu thụ nông sản, biến đổi khí hậu...

 Buổi đối thoại giữa Thủ tướng với nông dân lần thứ hai với chủ đề "Tháo gỡ vướng mắc, liên kết 6 nhà (nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà băng và nhà phân phối), kiến tạo chuỗi giá trị nông sản" sẽ diễn ra tại TP Cần Thơ ngày 10/12.

 Ban tổ chức cho biết, đã nhận 2.000 câu hỏi từ nông dân, chuyên gia, doanh nghiệp trong nước gửi đến Thủ tướng, tập trung những nội dung như: sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng phát triển bền vững, tiêu thụ nông sản; vấn đề đất đai, đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn; biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường...

 Ông Trần Thanh Nam ở xã Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre cho biết, rất mong nhận được câu trả lời về những chính sách của Chính phủ trong việc hỗ trợ Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với biến đổi khí hậu. "Thủ tướng đã nhất trí chi 3.000 tỷ đồng để khắc phục tình trạng sạt lở, xâm nhập mặn ở miền Tây, tôi quan tâm việc triển khai chính sách này như thế nào?", ông Nam nói.

 50 năm gắn bó với cây lúa ở xã Tân Phước, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, lão nông Lê Văn Lam (68 tuổi) nói, năm nay thời tiết bất thường, sâu rầy gây hại, không có lũ bồi đắp phù sa khiến năng suất lúa giảm 10%, khoảng 4,8-6 ha. Trong khi đó, giá phân bón, thuốc trừ sâu, công lao động tăng 10-20%.

 "10 năm qua, giá lúa cứ quanh quẩn mức 5.000 mỗi kg, khiến cuộc sống nông dân gặp nhiều khó khăn", ông Lam nói và đề nghị nhà nước đừng "gò bó" nông dân vùng Đồng Tháp Mười làm lúa mãi, cho họ chuyển đổi đất đai, cây trồng để có lợi nhuận cao hơn...

 600 đại biểu, gồm lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, địa phương, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và đông đảo nông dân sẽ tham dự. Tại đây, người đứng đầu Chính phủ sẽ trao đổi những chủ trương, chính sách lớn của nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đồng thời, Thủ tướng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, vướng mắc trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới cũng như những đề xuất, kiến nghị, hiến kế... của nông dân.

 Tháng 4/2018, Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ nhất tại tỉnh Hải Dương. Các nhà nông đã trực tiếp phản ánh những vấn đề lớn, khó khăn, vướng mắc trong nông nghiệp, nông thôn như: Chính sách tín dụng, đất đai, thị trường nông sản, quản lý vật tư nông nghiệp, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất...

 Sau đối thoại, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan tháo gỡ ngay những vướng mắc này. (Vnexpress.net 09/12, Cửu Long)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Khai trương Cổng Dịch vụ công Quốc gia

Cổng Dịch vụ công Quốc gia, hợp phần quan trọng của Chính phủ điện tử đã chính thức được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử khai trương vào chiều 9/12.

 Cổng Dịch vụ công Quốc gia được khai trương đúng 9 tháng sau khi Trục liên thông văn bản Quốc gia đưa vào vận hành. Thể hiện quyết tâm đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử của Chính phủ. Lễ khai trương một lần nữa khẳng định phương châm của Chính phủ là "Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ". Cổng Dịch vụ công Quốc gia sẽ là đầu mối giúp công khai, minh bạch các thông tin liên quan về thủ tục hành chính và cung cấp, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công phù hợp với từng đối tượng.

 Để thực hiện các thủ tục trên Cổng dịch vụ công trực tuyến, người dân và doanh nghiệp chỉ cần truy cập Website: dichvucong.gov.vn, sau đó đăng ký tài khoản. Các doanh nghiệp có thể đăng ký tải khoản bởi USB ký số hoặc sim ký số, còn với người dân, thì cách phổ biến nhất để đăng ký là sử dụng ngay chính số điện thoại cá nhân của mình.

 Ngay sau khi khai trương, người dân có thể thực hiện ngay việc đổi giấy phép lái xe, cấp giấy phép lái xe quốc tế, cấp chứng nhận xứat xứ hàng hóa, đăng ký khuyến mại, nộp thuế điện tử, cấp điện, thanh toán tiền điện trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

 Bên cạnh đó, Cổng cũng có chức năng đánh giá sự hài lòng và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức trong giải quyết thủ tục hành chính. Người dân có thể theo dõi toàn bộ tiến trình giải quyết hồ sơ của mình. Đây cũng là tiêu chí để xếp loại, phân hạng các bộ, ngành, địa phương trong giải quyết thủ tục hành chính.

 Phát biểu tại Lễ khai trương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: Việc khai trương Cổng Dịch vụ công Quốc gia là dấu mốc quan trọng trong xây dựng Chính phủ điện tử, và dịch vụ công trực tuyến. Đây sẽ là tiêu chí quan trọng thể hiện tinh thần phục vụ của Chính phủ với người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội.

 Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chứng kiến các Bộ, ngành và địa phương tích hợp dịch vụ trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia ký cam kết điện tử đồng hành xây dựng, vận hành và phát triển Cổng Dịch vụ công Quốc gia. (VTV.vn 09/12)Về đầu trang

Giấy phép lái xe sẽ được cấp đổi qua mạng

Ngành giao thông thí điểm cấp đổi giấy phép lái xe theo dịch vụ công cấp độ 4 tại Hà Nội.

 Từ quý 1/2020, người dân thủ đô sẽ không phải đến Tổng cục Đường bộ hay Sở Giao thông Vận tải để làm thủ tục đổi giấy phép lái xe như lâu nay. "Họ có thể thực hiện qua mạng Internet tại nhà, bao gồm khai và nộp hồ sơ, gửi ảnh, đóng lệ phí cấp đổi", ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng quản lý phương tiện người lái (Tổng cục Đường bộ) nói. Cơ quan chức năng rà soát hồ sơ của người xin cấp đổi, nếu hợp lệ sẽ cấp giấy phép lái xe và giao tại nhà theo yêu cầu.

 Ông Thống cho hay, để cấp đổi giấy phép lái xe qua mạng, ngành giao thông sẽ phải liên thông dữ liệu với ngành công an để kiểm tra tình trạng vi phạm an toàn giao thông của lái xe, cũng như liên thông với ngành y tế để kiểm tra sức khỏe lái xe trước khi cấp đổi.

 Tuy nhiên, hiện dữ liệu của ngành công an về vi phạm của tài xế chưa đầy đủ, còn ngành y tế chưa có dữ liệu về các bệnh viện sẽ khám sức khỏe cho lái xe. Do đó, đại diện Tổng cục đường bộ cho biết, hai ngành công an, y tế sẽ hoàn thiện các dữ liệu trên trong quý 1/2020, sau đó cung cấp đầy đủ thông tin để ngành giao thông thí điểm đổi giấy phép lái xe theo dịch vụ công cấp độ 4 (qua mạng) tại Hà Nội và tiến tới nhân rộng trên cả nước. 

Hiện nay ngành giao thông cấp đổi giấy phép lái xe trong nước theo dịch vụ công cấp độ 3. Người dân khai và nộp hồ sơ qua mạng song vẫn phải đến trụ sở cơ quan chức năng chụp ảnh, đóng lệ phí và được nhận giấy phép lái xe sau khoảng 2 giờ làm thủ tục.

 Cả nước hiện có hơn 45 triệu giấy phép lái xe môtô và trên 7 triệu giấy phép lái xe ôtô. (Vnexpress.net 09/12)Về đầu trang

90% người dân Hà Tĩnh có hồ sơ sức khỏe điện tử

Tỉnh Hà Tĩnh đang là một trong những tỉnh đầu tiên trên cả nước hoàn thành quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân.

 Hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận thông tin, sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả cao; người dân được bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe liên tục, suốt đời. Đây là mục tiêu của Đề án phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh, giai đoạn 2019 - 2025.

 Tại Hà Tĩnh, hệ thống này đã được kết nối liên thông với tất cả các cơ sở trong tỉnh, từ trạm y tế cho đến bệnh viện đa khoa tỉnh. Tới thời điểm này, hơn 90% người dân Hà Tĩnh đã có hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử. Trên cơ sở đó sẽ giúp xây dựng chiến lược chăm sóc sức khỏe và chủ động trong việc phòng chống dịch bệnh. (Vtv.vn 8/12) Về đầu trang

Quảng Ninh: Kết nối Cổng dịch vụ công trực tuyến với Cổng dịch vụ công quốc gia

Ngày 9.12, Văn phòng Chính phủ tổ chức Lễ khai trương Cổng Dịch vụ công Quốc gia tại địa chỉ dichvucong.gov.vn. Sự kiện này được công bố qua hệ thống truyền hình trực tuyến tới điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. 

Với việc sớm xây dựng Cổng dịch vụ công và các thành quả đi đầu trong cải cách hành chính, tỉnh Quảng Ninh được chọn là một trong 3 địa phương (cùng với TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh) thực hiện thí điểm việc kết nối liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia.

 Nhằm kịp thời giới thiệu về Cổng dịch vụ công quốc gia đến mọi người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, Quảng Ninh đã thực hiện kết nối trực tuyến sự kiện đến điểm cầu của 14 UBND huyện, thị xã, thành phố và 186 UBND các xã, phường trong tỉnh. Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Quảng Ninh đã có 11 dịch vụ công được tích hợp tại Cổng dịch vụ công Quốc gia .

 Trong khuôn khổ Lễ khai trương, tại điểm cầu Quảng Ninh, công dân Nguyễn Thị Huế trú số nhà 41/B20, 48B1, khu 4, Phường Cao Xanh, thành phố Hạ Long, đã trực tiếp nộp hồ sơ đăng ký khai sinh từ Cổng dịch vụ công Quốc gia thành công.

 Hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến tập trung của tỉnh Quảng Ninh đã được xây dựng và cung cấp cho người dân, doanh nghiệp chính thức từ ngày 1.7.2016, tại địa chỉ http://dichvucong.quangninh.gov.vn/ (gọi chung là cổng dịch vụ công). Cổng dịch vụ công đã cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 1, mức độ 2 và trên 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. 

 Đây là một trong những thành quả nổi bật của Đề án xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Quảng Ninh nhằm thực hiện hóa chủ trương của Đảng, Chính phủ trong việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày một tốt hơn.

 Sau 3 năm hoạt động, Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Quảng Ninh đã mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần quan trọng trong việc đưa chỉ số cải cách hành chính của tỉnh 2 năm liên tiếp (2017, 2018) đứng vị trí quán quân toàn quốc và được người dân, doanh nghiệp khẳng định là “kênh” giao tiếp hành chính minh bạch, hiện đại, hiệu quả. Đây cũng là cổng dịch vụ công thứ 2 trong toàn quốc thực hiện việc công bố, công khai kết quả giải quyết thủ tục hành chính từ cấp tỉnh đến cấp xã trên cổng thông tin của Chính phủ (http://chinhphu.vn).

 Theo đó, người dân có thể tra cứu quá trình giải quyết hồ sơ thông qua mã số biện nhận khi tham gia thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công của tỉnh. Với những tiện ích đa dạng và cung cấp đầy đủ bộ thủ tục hành chính của tỉnh cả ba cấp nên số lượng công dân trực tuyến luôn đạt trung bình trên 1.500 người. Tính từ khi đưa vào vận hành (năm 2016) cho đến ngày 9.12.2019, Cổng dịch vụ Công trực tuyến tỉnh Quảng Ninh đã tiếp nhận và xử lý qua mạng trên 223.420 hồ sơ. (Đại Biểu Nhân Dân 09/12, Mạnh Tuân)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

TP.HCM thiếu hơn 15.000 tỉ để chi thu nhập tăng thêm

Chiều 9-12, các đại biểu HĐND TP.HCM đã nhất trí thông qua tờ trình của UBND TP về sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định về chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do TP quản lý ban hành kèm theo Nghị quyết số 03.

 Cụ thể, TP.HCM thay đổi hệ số điều chỉnh tăng thu nhập cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức năm 2020 trở đi không thấp hơn 1,2 lần và không quá 1,8 lần.

 Trước đó, Nghị quyết 03 của HĐND TP đề ra lộ trình chi thu nhập tăng thêm năm 2018 là 0,6 lần, năm 2019 là 1,2 lần và năm 2020 là 1,8 lần.

 Bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM cho rằng Nghị quyết 03 ghi đến năm 2020 chi thu nhập tăng thêm là đủ 1,8 lần nhưng do TP không đủ ngân sách cân đối nên mới giảm xuống 1,2 lần.

 Lý giải về việc này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm cho biết trong tờ trình của UBND TP.HCM có nêu lộ trình thu nhập tăng thêm trong các năm 2018-2020 và kéo dài đến năm 2022.

 “Sau khi cân đối ngân sách, nhận thấy nếu thực hiện chi thu nhập tăng thêm đủ 1,8 lần thì hai năm còn lại thiếu hụt 15.493 tỉ đồng, trong đó năm 2021 là 4.527 tỉ và năm 2022 là 10.965 tỉ. Do không thể thực hiện mức tăng thêm theo Nghị quyết 03 là 1,8 lần nên UBND TP.HCM chỉ đề nghị tăng 1,2 lần” - ông Liêm nói.

 Theo ông Liêm, việc không đủ ngân sách chi thu nhập tăng thêm đủ 1,8 lần là do nguồn cải cách tiền lương bị điều chỉnh giảm và năm 2021-2022 là thời kỳ ổn định ngân sách mới,  trung ương chưa quy định cơ chế tạo nguồn và sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương. (Pháp Luật TPHCM 09/12, Tá Lâm)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Nguyên Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải có khuyết điểm trong chỉ đạo dự án TISCO II

 Các vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện dự án TISCO II đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn tiền và tài sản của Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội.

 Theo thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKT T.Ư), Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng Công ty Thép Việt Nam đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để Tổng Công ty có nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong thực hiện Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II – Công ty Gang thép Thái Nguyên (Dự án TISCO II), gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn tiền và tài sản của Nhà nước, nhiều cán bộ, đảng viên liên quan bị xử lý hình sự, gây bức xúc trong xã hội.

 Các cá nhân như nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Thép Việt Nam: Nguyễn Kim Sơn, Đặng Thúc Kháng chịu trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy; ông Lê Phú Hưng, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Tổng giám đốc và đồng chí Trịnh Khôi Nguyên, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy và trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công.

 Các ông Mai Văn Tinh, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT; Đậu Văn Hùng, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Tổng giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam và các đồng chí Trần Văn Khâm, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT; Trần Trọng Mừng, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Tổng giám đốc; Ngô Sỹ Hán, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty Gang thép Thái Nguyên chịu trách nhiệm chính, trực tiếp về những vi phạm, khuyết điểm trong triển khai thực hiện Dự án TISCO II.

 Cùng với tập thể và các cá nhân nêu trên, qua kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy Ban cán sự đảng Bộ Công thương đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, để Bộ Công thương có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với Dự án TISCO II.

 Ông Vũ Huy Hoàng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng (giai đoạn 2007 – 2016) chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng Bộ Công thương; các đồng chí nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Thứ trưởng: Lê Dương Quang, Đỗ Hữu Hào cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng Bộ Công thương và trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công.

 Ông Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã có vi phạm, khuyết điểm khi cho một số ý kiến chỉ đạo đối với Dự án TISCO II. 

Các cá nhân khác như: nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ: Văn Trọng Lý, Nguyễn Hữu Vũ và Nguyễn Văn Tài, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế ngành, Đỗ Cảnh Dương, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường, nguyên cán bộ Văn phòng Chính phủ có vi phạm, khuyết điểm trong tham mưu Lãnh đạo Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo đối với Dự án TISCO II.

 Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng Công ty Thép Việt Nam, của Ban cán sự đảng Bộ Công thương và các đồng chí nêu trên đã ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, đến mức phải xem xét kỷ luật. (VTV.vn 09/12)Về đầu trang

Đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật với ông Triệu Tài Vinh

Đây là nội dung rất đáng chú ý tại kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Từ ngày 4 - 6/12 tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ 41. Đồng chí Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì kỳ họp.

 Một trong những nội dung tại kỳ họp này là Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, thi hành kỷ luật đồng chí Triệu Tài Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang và đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang.

 Đồng chí Triệu Tài Vinh chịu trách nhiệm người đứng đầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy và đồng chí Nguyễn Văn Sơn chịu trách nhiệm người đứng đầu UBND tỉnh Hà Giang về những vi phạm, khuyết điểm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hà Giang.

 Các đồng chí Triệu Tài Vinh và Nguyễn Văn Sơn có người thân nhờ nâng điểm trái quy định cho thí sinh trong kỳ thi nêu trên, vi phạm quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt.

 Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm; căn cứ quy định của Đảng về xử lý đảng viên, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với đồng chí Nguyễn Văn Sơn và đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật đối với đồng chí Triệu Tài Vinh. (VTV.vn 09/12)Về đầu trang

Bình Thuận: Phó bí thư Thành ủy Phan Thiết bị cách hết chức vụ trong Đảng

Ông Đỗ Ngọc Điệp, 57 tuổi, bị cách hết chức vụ trong Đảng do các sai phạm quản lý đất đai khi còn làm Chủ tịch UBND TP Phan Thiết.

 Quyết định kỷ luật đối với ông Đỗ Ngọc Điệp, Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Phan Thiết được Thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận công bố sáng 9/12.

 Sắp tới, HĐND TP Phan Thiết sẽ tiến hành các thủ tục bãi nhiệm chức Chủ tịch HĐND đối với ông Điệp.

 Ông Đỗ Ngọc Điệp làm Chủ tịch UBND TP Phan Thiết tháng 7/2011. Cuối năm 2018, sau khi được miễn nhiệm chức danh Chủ tịch UBND, ông Điệp được bầu làm Chủ tịch HĐND TP Phan Thiết, Phó bí thư Thường trực Thành ủy. 

Theo kết luận Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Bình Thuận, khi làm Chủ tịch UBND TP Phan Thiết, ông Đỗ Ngọc Điệp cùng với Phó chủ tịch Trần Hoàng Khôi đã ký 132 quyết định cho chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở nông thôn trái quy định của pháp luật.

 Những sai phạm trên dẫn đến làm phá vỡ quy hoạch sử dụng đất. Các cá nhân đã lợi dụng việc cho tách thửa đất ở trái quy định để phân lô bán nền, chuyển nhượng quyền sử dụng đất tràn lan, hình thành các khu dân cư tự phát, thu lợi bất chính, gây thất thoát cho ngân sách.

 Liên quan đến sai phạm, Phó chủ tịch UBND TP Phan Thiết Trần Hoàng Khôi và ông Phạm Thanh Thái (Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường) và Lê Hoàng Anh Tân (chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường Phan Thiết) đã bị khởi tố, bắt giam ngày 12/9.

 Ông Nguyễn Ngọc Hải và Nguyễn Hữu Hoành (Giám đốc và Phó giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Phan Thiết) đã bị cách chức. Ông Lê Nguyễn Thanh Danh (Phó giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường), ông Phạm Văn Quân (Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai Bình Thuận) đã bị giáng chức. Ông Hồ Lâm, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường, bị khiển trách. (Vnexpress.net 09/12, Việt Quốc)Về đầu trang

Tây Ninh: Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhận 2.500 USD để “chạy án”

Viện KSND tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Đặng Trường An (SN 1981, trú tại xã Thạnh Tân, TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) - khi phạm tội là Phó Viện trưởng Viện KSND huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh - về tội “Nhận hối lộ”.

 Cáo trạng cho thấy, Đặng Trường An cùng 2 kiểm sát viên khác được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết vụ án Cao Văn Tuyển, Cao Thái Phát phạm tội “Cố ý gây thương tích” do Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Tân Châu khởi tố, điều tra. Hai bị can được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú.

 Khoảng ngày 28 và ngày 29/7, Đặng Trường An điện thoại cho người nhà của hai bị can Tuyển và Phát trao đổi về việc đã có kết luận điều tra vụ án chuyển sang Viện KSND huyện rồi và yêu cầu người nhà các bị can này đến nhà An để bàn cách giúp đỡ.

 Khoảng 12h cùng ngày, tại nhà An, người thân của Tuyển đã xin cho hai đối tượng được hưởng án treo. Đặng Trường An gợi ý phải đưa 25 triệu đồng để bồi thường cho người bị hại thì mới có cơ sở xin tòa xử nhẹ và đưa 80 triệu đồng để An đưa bên Tòa án giúp đỡ “chạy án”.

 Khi Tuyển và gia đình chuẩn bị tiền thì An liên tục gọi điện thúc giục, Tuyển đã ghi âm lại các cuộc điện thoại. Thấy việc đưa tiền cho An là không đúng nên ngày 2/8, Tuyển đã đến Cơ quan điều tra - Viện KSND Tối cao tố cáo Đặng Trường An có hành vi đòi hối lộ.

 Khoảng 16h45 cùng ngày 2/8, Đặng Trường An gặp Tuyển để nhận phong bì thư chứa 2.500 USD thì bị Cơ quan điều tra - Viện KSND Tối cao bắt giữ.

 Căn cứ các tài liệu, chứng cứ và lời khai của Đặng Trường An, Cơ quan điều tra - Viện KSND Tối cao xác định, quá trình giải quyết vụ án, Đặng Trường An đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn yêu cầu Cao Văn Tuyển đưa 80 triệu đồng và thực tế đã nhận 2.500 USD để hứa giúp Tuyển được hưởng án treo. (Dantri.com.vn 09/12, Tiến Nguyên)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Ấn Độ xóa bỏ toàn bộ hệ thống thi cử tại cấp học phổ thông

Đây được xem là một trong những yếu tố mấu chốt để Ấn Độ tiến tới một nền giáo dục hiện đại, bắt kịp với những thay đổi của nền kinh tế.

 Ấn Độ đã trở thành quốc gia mới nhất quyết định xóa bỏ toàn bộ hệ thống thi cử tại cấp học phổ thông. Theo quyết định này, các kỳ thi sẽ không còn kể từ năm 2021.

 Lộ trình mà Bộ Phát triển nguồn nhân lực Ấn Độ đưa ra là đã rất rõ ràng. Các khâu chuẩn bị cuối cùng cho một nền giáo dục phổ thông không thi cử sẽ phải được hoàn thành chậm nhất là vào tháng 10/2020. Từ năm 2021, học sinh tại Ấn Độ sẽ không còn phải căng thẳng với các kỳ thi, mà theo nhiều chuyên gia giáo dục tại Ấn Độ, đang không khiến nền giáo dục đi đến đâu.

 Báo Tin nhanh Ấn Độ trích quan điểm của các nhà giáo dục nước này rằng đã học thì phải đánh giá thành quả nhưng đánh giá phải làm sao để thấy được điểm mạnh, điều yếu của học sinh mới là yếu tố mấu chốt. Với các kỳ thi được thiết kế theo hình thực đỗ trượt như hiện nay, rất khó để làm điều này, lại vô hình trung thúc đẩy sự tự ti, mặc cảm của không ít học trò.

 Xóa bỏ thi cử đang trở thành một xu thế của giáo dục hiện đại. Trước đó, trong năm 2019, Singapore cũng chấm dứt các kỳ thi tại trường học phổ thông hay Phần Lan từ lâu đã có quy định cấm tiến hành các kỳ thi đối với học sinh dưới 18 tuổi. Đây là bãi bỏ các kỳ thi chứ không phải bỏ đánh giá học sinh.

 Tại Ấn Độ, các hình thức đánh giá khả năng của học sinh sẽ như thế nào sau khi xóa bỏ các kỳ thi vẫn đang tiếp tục được hoàn thiện. Nhưng gần như chắc chắn, năng lực của học sinh sẽ được đánh giá theo cả quá trình thông qua việc học sinh thực hiện các dự án hay qua các buổi thảo luận. Mục đích là để học sinh tăng tính sáng tạo, nhận thức việc học là lâu dài chứ không phải là học vẹt, học đối phó với các kỳ thi. 

Thực tế việc hủy bỏ các kỳ thi cũng gây ra không ít sự hoài nghi, đắn đo tại Ấn Độ. Người ta lo ngại bỏ thi cử sẽ khiến học sinh và giáo viên học và dạy không nghiêm túc nữa. Tuy nhiên, nước này đang dần nhận ra, mọi thứ không như họ nghĩ.

 Thi cử tại Ấn Độ, cũng giống như nhiều quốc gia Đông Á hiện nay, mỗi năm, hàng chục triệu gia đình bị cuốn vào vòng xoáy ôn luyện, thi cử và cả những dư chấn tâm lý sau đó. Nó có thể mang đến niềm tự hào cho một gia đình nhưng cũng khiến nhiều gia đình khác lặng lẽ tắt điện thoại, phải né tránh tiếp xúc mọi người xung quanh. Căng thẳng như vậy nhưng trong bảng xếp hạng theo chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) Ấn Độ lại xếp gần cuối bảng.

 Thi cử tại Ấn Độ, suốt nhiều năm qua, được cho đã không giúp học sinh cải thiện năng lực, thậm chí còn ngược lại. Xóa bỏ thi cử vì thế được cho là không thể chần chừ thêm nữa.

 Tuy vậy, giới chuyên gia giáo dục cũng cảnh báo không thể chỉ xóa bỏ thi cử bằng ý chí. Bước đi này phải đi kèm với sự đổi mới căn bản trong toàn bộ hệ thống giáo dục. Trước mắt, Ấn Độ phải giảm số lượng học sinh trong mỗi lớp để giáo viên có thể đánh giá được sự phát triển của từng học sinh. Sau đó, chương trình cũng phải thay đổi, sao cho hướng đến phát triển kỹ năng chứ không phải là nội dung kiến thức. (VTV.vn 09/12)Về đầu trang

Độc đáo tòa án online tại Trung Quốc

Hệ thống tòa án online với sự hỗ trợ của ứng dụng gọi điện video, trí tuệ nhân tạo đã và đang giúp các phiên tòa tại Trung Quốc diễn ra nhanh chóng, hiệu quả hơn.

 Phiên tòa online có đầy đủ thẩm phán, các đương sự từ cả hai bên và tài liệu pháp lý. Ý tưởng số hóa các tòa án còn thực hiện qua ứng dụng tòa án di động trên điện thoại trong chương trình mini WeChat của Trung Quốc.

 "Tính đến ngày 31/10/2019, số lượng đương sự đã đăng ký tại Tòa án Di động của WeChat lên tới 1,16 triệu và số luật sư là 73.200 người" - ông Li Shaoping (Phó Chủ tịch Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc) cho biết.

 Ứng dụng tòa án online đã xử lý hơn 3 triệu vụ kiện pháp lý hoặc các thủ tục tư pháp khác kể từ khi ra mắt vào tháng 3.

 Việc thúc đẩy số hóa là một phần để Trung Quốc đưa ngành tòa án theo kịp với một xã hội, nơi thanh toán di động và thương mại điện tử đang rất phát triển. Hiện có tới 850 triệu người Trung Quốc sử dụng Internet, nhiều nhất trên thế giới. (VTV.vn 09/12)Về đầu trang./. 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Các tin khác