Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư số 25/2014/TT-BTTT quy định về triển khai các hệ thống thông tin có quy mô và phạm vi từ Trung ương tới địa phương

15:58, Thứ Tư, 21-1-2015

Xem với cỡ chữ : A- A A+
Ngày 30 tháng 12 năm 2014, Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 25/2014/TT-BTTTT quy định về triển khai các hệ thống thông tin có quy mô và phạm vi từ Trung ương tới địa phương, dưới đây xin giới thiệu tóm tắt mục đích ban hành và các nội dung chính của Thông tư. 

 Tình hình triển khai các hệ thống thông tin

Trong những năm qua, thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, như Quyết định số 43/2008/QĐ-TTg ngày 24/3/2008, Quyết định số 48/2009/QĐ-TTg ngày 31/3/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước năm 2008 và giai đoạn 2009-2010, Quyết định số 1605/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015 và các Chương trình, kế hoạch ứng dụng CNTT 5 năm, hàng năm của các Bộ, ngành, địa phương. Tại các Bộ, ngành, địa phương đã và đang triển khai một số hệ thống thông tin như: Hệ thống thông tin tích hợp tài chính (TABMIS), hệ thống thông tin về thuế, hệ thống thông tin đăng ký kinh doanh, hệ thống thông tin hải quan điện tử, hệ thống thông tin kinh tế công nghiệp và thương mại, hệ thống thông tin đất đai, hệ thống thông tin tài nguyên và môi trường, hệ thống thông tin quản lý giấy phép lái xe, hệ thống thông tin quản lý cấp phép xây dựng, hệ thống thông tin quản lý hộ tịch,.… và các hệ thống thông tin quan trọng khác phục vụ hoạt động quản lý điều hành, chuyên môn nghiệp vụ của các cơ quan nhà nước, như Cổng Thông tin điện tử, hệ thống thông tin hành chính một cửa, hệ thống thông tin quản lý cán bộ, công chức,…

Các hệ thống thông tin trên đã mang lại hiệu quả rõ nét trong công tác quản lý, điều hành, nâng cao hiệu quả, rút ngắn thời gian xử lý, tiết kiệm thời gian, chi phí cho các cơ quan nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Cụ thể, như giảm thời gian thực hiện thông quan điện tử cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa (luồng xanh còn chỉ từ 3-15 phút; luồng vàng còn chỉ từ 10-60 phút); giảm thời gian kê khai thuế cho các doanh nghiệp (chỉ cần nộp tờ khai thuê qua mạng mà không phải đến cơ quan thuế); việc tổng hợp thu-chi ngân sách được thực hiện tự động thông qua hệ thống Tabmis; giảm thời gian cấp giấy phép đăng ký kinh doanh và mã số doanh nghiệp cho doanh nghiệp (người dân, doanh nghiệp có thể đăng ký, gửi hồ sơ trực tuyến qua hệ thống đăng ký kinh doanh quốc gia),...

Một số hạn chế trong quá trình triển khai các hệ thống thông tin

Đối với các hệ thống thông tin do các Bộ, ngành triển khai có rất nhiều hệ thống thông tin được triển khai kết nối từ các Cục, Vụ thuộc các Bộ, ngành tới các Sở, ngành, quận, huyện tại địa phương (đăng ký kinh doanh, thuế, đất đai, cấp giấy phép lái xe, …). Thực tế trong quá trình triển khai, ngoài các kết quả đạt được ở trên, đã bộc lộ một số hạn chế nhất định, ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình triển khai các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của các Bộ, ngành và địa phương:

- Chưa có sự phối hợp, thông tin đầy đủ về kế hoạch triển khai các hệ thống thông tin giữa các Bộ, ngành và địa phương: Địa phương không nắm được thông tin đầy đủ về chủ trương, thời gian, lộ trình triển khai các hệ thống thông tin do các cơ quan Trung ương chủ trì, do đó, dẫn tới trường hợp địa phương bị động trong việc triển khai kế hoạch ứng dụng CNTT (nhất là các hệ thống thông tin chuyên ngành), luôn ở trong trạng thái chờ đợi các Bộ, ngành triển khai hoặc một số địa phương chủ động triển khai trước (đối với các địa phương có hoạt động ứng dụng CNTT tốt và nhu cầu lớn đối với công việc), điều này dẫn tới việc triển khai không đồng đều giữa các địa phương, thiếu sự đồng bộ, trùng lặp (Trung ương và địa phương cùng triển khai) do không có sự thông tin, phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai.

- Gặp khó khăn (hoặc không thể) trong việc thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin trong cùng một lĩnh vực do Trung ương và địa phương triển khai khác nhau, do thiếu sự phối hợp, thống nhất về giải pháp kỹ thuật trong quá trình triển khai; thiếu cơ chế phối hợp thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan quản lý các hệ thống thông tin, điều này dẫn tới việc thu thập, cập nhật dữ liệu trùng lặp gây lãng phí tài nguyên thông tin, công sức, thời gian thu thập thông tin, xử lý thông tin trong khi đã có sẵn từ các hệ thống thông tin khác.

Giải pháp khắc phục các hạn chế

Với xu thế và nhu cầu triển khai ứng dụng CNTT như hiện nay, việc các Bộ, ngành, địa phương thúc đẩy triển khai xây dựng các hệ thống thông tin trong thời gian tới là nhu cầu thực tế, cần thiết. Do đó, cần thiết có các giải pháp để khắc phục các hạn chế nêu trên, tạo thuận lợi cho quá trình triển khai các hệ thống thông tin có quy mô và phạm vi từ Trung ương tới địa phương được hiệu quả, đồng bộ nhằm thúc đẩy hoạt động ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương.

Thông tư quy định về triển khai các hệ thống thông tin có quy mô và phạm vi từ Trung ương tới địa phương ban hành đã đề ra một số nội dung quy định mang tính giải pháp để khắc phục các hạn chế nêu trên.

Các nội dung quy định trong Thông tư được xây dựng dựa trên 03 nguyên tắc:

1. Công khai chủ trương, kế hoạch triển khai; nội dung, quy mô, nguồn vốn đầu tư và cơ quan phối hợp triển khai các hệ thống thông tin.

2. Phối hợp đồng bộ các nội dung về đầu tư, quy mô và thời gian triển khai giữa các hệ thống thông tin, tránh đầu tư trùng lặp.

3. Tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quy định bảo đảm sự tương thích, thông suốt và an toàn trong quá trình chia sẻ, trao đổi dữ liệu giữa các hệ thống thông tin.

Nội dung Thông tư chủ yếu quy định nhằm:

1) Đảm bảo đồng bộ về chủ trương, kế hoạch triển khai

+ Các cơ quan Trung ương có trách nhiệm công khai các thông tin về kế hoạch ứng dụng CNTT 5 năm, hàng năm; quyết định phê duyệt dự án; kế hoạch triển khai dự án đã được phê duyệt. Thông tư quy định các cơ quan, tổ chức ở Trung ương có trách nhiệm công bố trên Cổng Thông tin điện tử của cơ quan mình và gửi tới Bộ Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm tổng hợp, công bố công khai chung trên Cổng Thông tin điện tử.

+ Đảm bảo phù hợp, đồng bộ về chủ trương triển khai các hệ thống thông tin của các cơ quan, tổ chức ở Trung ương với địa phương: Để đảm bảo thực hiện được điều nay, Bộ Thông tin và Truyền thông với tư các Bộ quản lý ngành, được Chính phủ giao nhiệm vụ hướng dẫn, thẩm định Kế hoạch ứng dụng CNTT 5 năm của các Bộ, địa phương sẽ cho ý kiến đảm bảo các hệ thống thông tin dự định triển khai của địa phương phù hợp về chủ trương triển khai các hệ thống thông tin của Trung ương, nói cách khác các nhiệm vụ, dự án trong Kế hoạch ứng dụng CNTT của địa phương phải phù hợp, đồng bộ với các nhiệm vụ, dự án trong Kế hoạch ứng dụng CNTT của các Bộ, ngành.

2) Các cơ quan Trung ương và địa phương phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai các hệ thống thông tin, tránh đầu tư trùng lặp, có tính kế thừa và chia sẻ dữ liệu khi cần thiết:

- Thông tư quy định trách nhiệm các cơ quan chủ trì triển khai các hệ thống thông tin ở Trung ương, trong quá trình thực hiện theo quy định hiện hành về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT phải thực hiện: Khảo sát hiện trạng triển khai các hệ thống thông tin (cùng ngành, lĩnh vực) tại các địa phương trong quá trình lập dự án; Kết quả khảo sát phải thể hiện hiện trạng đầu tư các hệ thống thông tin đó tại địa phương (đã đầu tư, đang đầu tư, chưa đầu tư) và phải đánh giá, đề xuất hệ thống thông tin của địa phương nào (đã đầu tư) sẽ được sử dụng lại kết nối với hệ thống thông tin do cơ quan Trung ương sẽ triển khai.

- Nội dung Dự án xây dựng hệ thống thông tin của Trung ương khi được phê duyệt phải đề xuất giải pháp kết nối giữa hệ thống thông tin sẽ triển khai với các hệ thống thông tin của địa phương đã đề xuất sử dụng lại và giải pháp đó phải được cơ quan thẩm định theo thẩm quyền thẩm định trước khi phê duyệt.

3) Để hướng tới đảm thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu được, Thông tư quy định các cơ quan quản lý các hệ thống thông tin ở Trung ương phải ban hành quy định kỹ thuật về dữ liệu. Quy định này nhằm đảm bảo có sự thống nhất về quy định kỹ thuật của dữ liệu, tạo thuận lợi cho việc kết nối, chia sẻ dữ liệu khi cần thiết.

4) Ngoài ra, để có cơ chế thực hiện chia sẻ dữ liệu của các hệ thống thông tin, căn cứ quy định tại Nghị định số 64/2007/NĐ-CP quy định về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, Thông tư quy định các cơ quan quản lý các hệ thống thông tin phải ban hành quy chế chia sẻ dữ liệu để thực hiện chia sẻ dữ liệu khi có nhu cầu và thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho các hệ thống thông tin.

Thông tư quy định về triển khai các hệ thống thông tin có quy mô và phạm vi từ Trung ương đến địa phương sẽ có hiệu lực kể từ ngày 13/02/2015 (Toàn vănThông tư xem tại đây)

Nguyễn Thanh Thảo (Cục Tin học hóa)

Các tin khác