Kỹ thuật truyền thanh cơ sở - những vấn đề cần quan tâm

17:3, Thứ Sáu, 12-12-2014

Xem với cỡ chữ : A- A A+
Truyền thanh cơ sở có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các hoạt động chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là đối với các khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. 

Hệ thống kỹ thuật truyền thanh cơ sở có hai hình thức cơ bản: truyền thanh hữu tuyến - có dây và truyền thanh vô tuyến - không dây.

Hệ thống truyền thanh có dây đã được xây dựng và tồn tại ở Việt  Nam trên 30 năm qua, thường sử dụng tăng âm (Ampli) và hệ thống dây dẫn đến các cụm loa phóng thanh. Hệ thống này có ưu điểm là lắp đặt, vận hành, sử dụng đơn giản, độ bền vượt trội, với giá trị đầu tư ban đầu thấp hơn nhiều so với hệ thống không dây. Người quản lý khai thác không đòi hỏi chuyên môn, nghiệp vụ quá cao và chi phí cho việc sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng tương đối thấp.

Hạn chế của truyền thanh có dây là công nghệ thiết bị lạc hậu, chất lượng âm thanh kém và không đồng đều trên toàn tuyến. Khi triển khai hệ thống này ở vùng sâu, vùng xa có nhiều đồi núi hoặc sông suối thì việc trồng cột trụ và kéo dây sẽ rất gian nan và tốn kém. Các đường dây dẫn chạy dài theo hình xương cá thường bị vướng vào hệ thống các đường dây khác và hay bị chạm chập đối với hệ thống đường dây trần.

Hệ thống truyền thanh không dây ở nước ta hiện nay thường sử dụng máy phát vô tuyến FM trong dải tần VHF, có công nghệ tiên tiến hơn, chất lượng âm thanh tốt hơn và đồng đều trên toàn tuyến; có thể lắp đặt cụm thu ở bất kỳ điểm nào trong phạm vi phủ sóng mà nơi đó có điện áp lưới dân dụng. Việc triển khai lắp đặt, bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống đỡ vất vả hơn, ít nguy hiểm hơn, mỹ quan và bảo vệ môi trường tốt hơn. Đối với những hệ thống FM công nghệ mới, do cấu tạo có bộ mã hóa nên có thể điều khiển tắt - mở từ xa, chống được nhiễu từ các nguồn do động cơ gây ra hoặc từ các nguồn phát FM khác và có thể nghe theo chương trình ở các vùng vào các thời điểm khác nhau.

Truyền thanh không dây cũng có một số nhược điểm. Đó là đòi hỏi kinh phí đầu tư ban đầu khá lớn; cán bộ quản lý khai thác phải có trình độ chuyên môn kỹ thuật ở một cấp độ nhất định; việc sửa chữa các thiết bị như máy phát, hộp thu thường là rất tốn kém kinh phí. Hệ thống này đặc biệt nhạy cảm với sét. Chỉ cần nhiều sét cũng có thể gây hỏng hóc một lúc hàng chục cụm thu và máy phát trung tâm. Mặt khác, khi xây dựng và khai thác nhất định phải có giấy phép và hàng năm phải đóng phí sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện cho cơ quản quản lý.

TTKD.jpg

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, được sự quan tâm của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương, các hệ thống truyền thanh cơ sở đã được đầu tư cơ bản đến hầu hết các xã và đã phát triển đến cấp thôn, với đa dạng loại hình có dây, không dây hoặc hỗn hợp.

Tuy nhiên, trong điều kiện của một địa phương nghèo, kính phí cho việc đầu tư cơ sở vật chất truyền thanh cơ sở còn eo hẹp, các trang thiết bị truyền thanh ở địa phương vẫn chưa thực sự hiện đại, đồng bộ, thậm chí một số nơi do công tác đầu tư, lắp đặt chưa đúng quy chuẩn, vận hành không đúng quy trình và việc duy tu, bão dường định kỳ chưa thực sự tốt, hơn nữa thường xuyên phải hứng chịu các đợt bão lụt hàng năm nên các trạm truyền thanh xuống cấp một cách nhanh chóng, nhất là đối với hệ thống không dây, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động thông tin và truyền thông cơ sở.

Nhằm lựa chọn phương án, giải pháp truyền thanh thật phù hợp với chất lượng cao nhất và tối ưu kinh phí, đáp ứng yêu cầu công tác tuyên truyền của cấp ủy, chính quyền và nhu cầu cập nhật thông tin của quần chúng nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, trong quá trình đầu tư xây dựng, vận hành và khai thác hệ thống truyền thanh cơ sở cần lưu ý một số vấn đề như sau:

Một là, theo Quy hoạch truyền dẫn phát sóng phát thanh - truyền hình đến năm 2020, Chính phủ quy định chỉ sử dụng băng tần FM 87.5-108MHz cho phát thanh cấp tỉnh và huyện, còn truyền thanh không dây cấp xã phải sử dụng băng tần FM 54-68MHz. Trong thời gian tới sẽ không phát triển mới cũng như chấm dứt hẳn hoạt động của các trạm truyền thanh không dây công nghệ cũ sử dụng băng tần FM 87,5-108 MHz. Do vậy, chính quyền các xã khi chuẩn bị đầu tư hệ thống truyền thanh không dây mới cho địa phương mình cần tham khảo thông tin tư vấn từ cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành là Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh hoặc Phòng Văn hóa và Thông tin huyện, thành phố, để đảm bảo đầu tư thiết bị đúng quy hoạch, tránh lãng phí khi bỏ kinh phí mua sắm mà không được sử dụng.

Hai là, quá trình lắp đặt bố trí phòng máy cho các trạm truyền thanh cơ sở phải đảm bảo các yêu cầu về địa điểm, mặt bằng và không gian nhà đặt máy, nhằm tạo điều kiện về kỹ thuật, kiến trúc cho nhân viên khai thác, vận hành được thuận tiện, an toàn; việc bảo quản, duy tu sửa chữa được dễ dàng, nhanh chóng; thiết bị, máy móc được kéo dài được tuổi thọ, đảm bảo chất lượng hoạt động lâu dài. Địa điểm đặt trạm máy phải thuận tiện cho việc cho việc cung cấp điện lực và đảm bảo cho yêu cầu phục vụ toàn địa bàn. Trạm máy ở nơi khô ráo, thoáng mát; xa nơi ồn ào, xa các cơ sở sản xuất công nghiệp, xa nơi có nhiều khói bụi, nơi hoá chất độc hại; tránh tạp âm can nhiễu vào phòng bá âm, phòng máy, bảo đảm yên tĩnh trong khi làm việc.

Ba là, các trạm phát thanh phải xây dựng và thực hiện tốt nội quy phòng máy nhằm đảm bảo vận hành, khai thác hệ thống một cách khoa học, quy củ và hiệu quả. Chỉ những người có nhiệm vụ mới được vào phòng máy. Các kỹ thuật viên phải được đào tạo cơ bản và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vận hành khai thác. Trong ca trực phải đến sớm hơn giờ phát từ 15÷20 phút để khởi động hệ thống làm mát và kiểm tra các thiết bị, nguồn tín hiệu. Khi hết ca trực phải bàn giao cho ca sau, ghi chép đầy đủ vào sổ nhật ký về tình trạng thiết bị, thời lượng phát sóng các sự cố kỹ thuật nếu có. Đặc biệt quan trọng là việc khai thác thiết bị phải tuân thủ đúng trình tự mở máy, tắt máy để đảm bảo an toàn, chất lượng và độ bền của các thiết bị, máy móc.

Cuối cùng, đối với hệ thống truyền thanh có dây, việc lựa chọn dây dẫn tín hiệu cần đảm bảo được những yêu cầu của kỹ thuật truyền thanh. Chúng ta có thể sử dụng dây lưỡng kim, dây thông tin bưu điện hay sử dụng kết hợp tùy theo những đặc điểm riêng của địa bàn và tuỳ theo độ phức tạp của tuyến dây. Nhưng chú ý không sử dụng những dây giả, “nhái”, không đạt tiêu chuẩn ảnh hưởng đến chất lượng công trình và gây ra nhiều sự cố khi vận hành hệ thống truyền thanh. Phải thật cẩn trọng khi lựa chọn nhà cung cấp, đặt hàng với các hãng sản xuất dây để đạt được mục tiêu là sử dụng truyền thanh tốt, giá hợp lý./.

 

Xuân Ngọc

Các tin khác