Hành trang nghề CNTT

17:4, Thứ Sáu, 12-12-2014

Xem với cỡ chữ : A- A A+
Thị trường hiện nay rất phổ biến các chứng chỉ như: MCSA – MCSE – CCNA – CCNP – Security+ - CISSP…của Microsoft, Cisco. Chọn bằng cấp nào để làm hành trang vào nghề CNTT…? 

Cạnh tranh số lượng… 

Bằng cấp của đội ngũ nhân viên làm trong các công ty sẽ trở thành điều kiện để các tập đoàn công nghệ nước ngoài chọn đối tác phân phối sản phẩm. Ví dụ: Các tập đoàn Cisco, Junifer… chỉ chọn nhà phân phối tại Việt Nam đã có trong tay chứng chỉ phù hợp với sản phẩm bảo mật của họ.

Tổ chức Bảo mật hàng đầu thế giới SCP (Security Certified Program) trước khi chọn nhà phân phối đã tổ chức các khóa đào tạo về chứng chỉ SCNP/SCNA. SCP tiến hành lựa chọn, tổ chức các trung tâm đào tạo ủy quyền để cung cấp nguồn nhân lực cho quản lý công tác bảo mật hệ thống sau này.

Việc nâng cấp, bậc nhà phân phối (Premier - Bronze – Silver – Gold Partner) liên quan đến số lượng chứng chỉ CNTT hiện có trong công ty. Vì thế, một số đơn vị cung cấp dịch vụ tích hợp hệ thống tại Việt Nam đã không tiếc tiền đầu tư cho “gà nhà” đi thi lấy bằng có giá trị cao để có cơ hội thăng bậc đối tác.

Khá nhiều nhà phân phối sản phẩm kết hợp với việc trở thành đối tác đào tạo ủy quyền của các tập đoàn công nghệ nước ngoài. Xuất phát từ các trung tâm đào tạo về chứng chỉ CNTT quy mô nhỏ, các đơn vị này nhanh chóng trở thành trung tâm đào tạo ủy quyền các chứng chỉ quản trị hệ thống/bảo mật...

Thị trường có quá nhiều chứng chỉ như: MCSA – MCSE – CCNA – CCNP – Security+ - CISSP…của Microsoft, Cisco. Khi theo học, các học viên thường phải thi lấy chứng chỉ theo thứ bậc từ thấp đến cao…Và cần phải có hàng chục chứng chỉ như thế để hoàn thành bộ sưu tập chứng chỉ CNTT. Nếu học về Microsoft thì phải có MCSA rồi mới thi MCSE; Học Cisco phải có CCNA rồi đến CCNP… Trong năm qua, Viện Công nghệ Kỹ thuật Saigon CTT chính thức mở khóa đào tạo Chứng chỉ Bảo mật CISSP tại TP.HCM và Hà Nội. Hiện nay, trên thế giới, có khoảng 63 ngàn người sở hữu tấm bằng này. Ở Việt Nam rất ít chuyên viên bảo mật có được chứng chỉ CISSP.

Chứng chỉ “danh giá” của ngành bảo mật

Ông Đặng Hoàng Minh, Giám đốc CNTT, Công ty Global Cybersoft là một trong số ít người Việt Nam sở hữu tấm bằng danh giá CISSP (Certified Information Systems Security Professional) – Quản lý hệ thống bảo mật hệ thống thông tin. Để có được chứng chỉ này, năm 2006 ông Minh đã đầu tư thời gian và cả tiền bạc để vượt qua kỳ thi CISSP khắc nghiệt.

Theo ông Minh, những người chuyên làm về công tác bảo mật cần trang bị cho bản thân các chứng chỉ bảo mật phù hợp với hạ tầng mạng nơi mình đang làm việc. Nếu có điều kiện, những người chưa đi làm cũng có thể thi lấy các chứng chỉ bảo mật của 2 hãng: Microsoft và Cisco.

Trong thực tế có những tranh luận về “đẳng cấp” của các chứng chỉ bảo mật. Nhưng, nhìn chung chứng chỉ CISSP vẫn đang được các DN đánh giá cao khi tuyển dụng. Đây là một bằng cấp dùng cho công tác quản lý hệ thống thông tin; nó nhấn mạnh vào yếu tố bảo mật với các tiêu chuẩn quốc tế…

Chứng chỉ CISSP chỉ yêu cầu người sở hữu hiểu biết rộng, nhưng không cần kiến thức chuyên sâu như các chứng chỉ bảo mật khác. Thực chất, CISSP thiên về lý thuyết tổng quát, cần thiết cho những người làm công tác quản lý bảo mật hệ thống hoặc các kỹ sư hệ thống muốn có thêm kiến thức chuyên môn.

Chứng chỉ nào được ưa chuộng?

Các chứng chỉ CNTT thường gắn liền với sản phẩm của một thương hiệu nào đó. Ví dụ, tại một công ty sử dụng toàn bộ sản phẩm của Cisco thì muốn người được tuyển chọn phải có chứng chỉ của Cisco; Hoặc công ty sử dụng giải pháp của Microsoft, để điều hành hệ thống thì phải có trong tay vài chứng chỉ của Microsoft.

Song, cũng có một số chứng chỉ CNTT mang tính độc lập như CEH, CompTia… Đây là các chứng chỉ bảo mật dành cho các chuyên gia trong ngành bảo mật: Họ phải am hiểu về các thủ thuật tấn công (của hacker) và phòng thủ để bảo vệ hệ thống trước các cuộc tấn công diễn ra hàng ngày.

Theo ông Lê Văn Khoa, kỹ sư bảo mật thuộc bộ phận Cung cấp Giải pháp Bảo mật và Truyền thông của Công ty HPT: “Các nhân viên đang làm việc trong các công ty chuyên ngành CNTT-TT cần các chứng chỉ CNTT phù hợp. Việc có nhiều chứng chỉ CNTT trong tay sẽ giúp ứng viên xin việc làm dễ dàng hơn”. Bản thân ông Khoa đến nay đã có được 70 chứng chỉ CNTT của 2 thương hiệu Cisco và Microsoft.

Việc sở hữu các chứng chỉ CNTT uy tín sẽ tạo điều kiện “chiến thắng” cho các đơn vị tham gia đấu thầu dự án xây dựng hệ thống thông tin. Có một số DN đã chỉ định nhà thầu dự án phải đạt điều kiện tối thiểu về chứng chỉ CNTT đối với đội ngũ nhân viên tham gia dự án. Một số đơn vị phải tìm cách “thuê ngoài” để có đủ số nhân viên có bằng cấp Microsoft, Cisco, SCP…

 

Một số chứng chỉ CNTT thông dụng

MCSA (Microsoft Certified Systems Administrator): Chứng nhận quản trị hệ thống của hãng Microsoft, đủ điều kiện để vận hành hệ thống mạng.

MCSE (Microsoft Certified Systems Engineer): Chứng chỉ của Microsoft dành cho chức danh kỹ sư hệ thống mạng.

CCNA (Cisco Certified Network Associate): Chứng nhận cơ bản của hãng Cisco về khả năng cài đặt và quản lý hệ thống mạng của học viên.

CCNP (Cisco Certified Network Professional): Chứng nhận của hãng Cisco dành cho các chuyên viên quản trị mạng có khả năng thiết lập cấu hình, vận hành và bảo trì hệ thống mạng.

CISSP (Certified Information Systems Security Professional): Chứng nhận cao cấp dành cho những cá nhân thông thạo về các tiêu chuẩn an toàn thông tin quốc tế, về hệ thống an toàn thông tin do tổ chức quốc tế ISC2 công nhận.

CEH (Certified Ethical Hacker): Chứng nhận các chuyên viên bảo mật có khả năng ngăn chặn những cuộc tấn công mạng, hiểu sâu về công nghệ bảo mật.

CompTia Security+: Chứng nhận dành cho các chuyên viên bảo mật nắm vững kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu về lĩnh vực an ninh mạng.

SCNA (Security Certified Network Architect) và SCNP (Security Certified Network Professional): Các chứng chỉ bảo mật dành cho các quản trị viên mạng và chuyên gia an ninh mạng do tổ chức đào tạo về bảo mật SCP cấp.

Xuân Ngọc (Theo PCWorld)

Các tin khác