Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 30-10-2019

Post date: 30/10/2019

Font size : A- A A+

Tải file tại đây

TIN QUỐC HỘI 1

1. Đề xuất: Bộ trưởng, chủ tịch tỉnh không là đại biểu Quốc hội 1

2.  Đề xuất Quốc hội họp 4 kỳ/năm, giảm đại biểu thuộc cơ quan hành pháp. 2

3. Năm 2020: Mức đóng BHXH tối đa của công chức, viên chức sẽ thay đổi 3

4. Quốc hội thảo luận về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường ở Hà Nội 4

5. Tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách: Vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. 5

6.   Bí thư Tỉnh ủy kể việc không được đi tiếp xúc cử tri vì... thủ tục. 6

7.   Hưởng lương từ ngân sách tỉnh, đại biểu Quốc hội khó khách quan?. 7

8. Chính phủ muốn xử lý hình sự việc mua bán súng hoa cải 8

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY.. 9

9.    TPHCM: “Inbox tin nhắn” - dân kêu, cán bộ xử lý ngay. 9

QUẢN LÝ.. 11

10. Kết luận kiểm tra Nghị quyết Trung ương 4 tại Bộ Tư pháp. 11

11.  Vụ cán bộ “cười khanh khách vào mặt dân”, cấp trên rất buồn vì thái độ này. 11

12. TP HCM muốn thí điểm chính quyền đô thị 12

13. Bộ trưởng Tô Lâm: Công an đang rất sốt ruột vụ 39 người chết tại Anh. 13

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 14

14.  Phát triển thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích của ngành BHXH.. 14

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 15

15.Quảng Ninh: Một loạt cán bộ của TP Cẩm Phả bị xem xét kỷ luật 15

16. Quảng Bình khởi tố Trạm trưởng kiểm lâm để xảy ra phá rừng. 16

THẾ GIỚI 16

17. Tunisia: Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng bị cách chức. 16

18. Pháp tuyên chiến với tình trạng lãng phí thực phẩm.. 16

 TIN QUỐC HỘI

Đề xuất: Bộ trưởng, chủ tịch tỉnh không là đại biểu Quốc hội

Sáng 29-10, QH đã thảo luận tại tổ về việc sửa đổi Luật Tổ chức QH và dự thảo nghị quyết của QH về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường tại TP Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026.

 Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng đã đến lúc xem xét lại việc các bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh có nên ứng cử ĐBQH hay không.

 “Chúng ta biết các ĐB là bộ trưởng, sau này bổ sung chủ tịch UBND cũng tham gia là ĐBQH thì khâu chỉ đạo điều hành rất khó khăn. Ở đây, QH có quyền yêu cầu bộ trưởng, chủ tịch có những phiên chất vấn, giải trình để có những phiên chất vấn. Nhưng phải chăng cứ bộ trưởng, chủ tịch UBND là ĐBQH không?

 Chúng tôi muốn chuyển phần này sang để QH không tăng số lượng nhưng tăng số ĐB chuyên trách của QH đặc biệt là ĐB chuyên trách có kiến thức, kinh nghiệm trong vấn đề quản lý và xây dựng phấp luật. Tôi nghĩ thế thì cần hơn” - ông nói.

 Ông cũng chia sẻ các ĐBQH thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm công tác quản lý, cơ chế chính sách pháp luật, khâu tổ chức thực hiện nhưng phân cấp cho địa phương rất lớn. Chính vì vậy mới dẫn đến thực tế có nhiều việc “hỏi bộ trưởng là bộ trưởng không nắm được” vì thực tế thẩm quyền đó được phân cho UBND, HĐND và chủ tịch UBND các địa phương.

 Ông cho rằng lần sửa luật này cần nhìn nhận lại vấn đề này, vì kinh nghiệm ở các nghị viện thế giới cho thấy họ có thể chất vấn bộ trưởng bất cứ lúc nào chứ không phải đợi tới kỳ họp, yêu cầu trách nhiệm giải trình mà trách nhiệm giải trình không chỉ bộ trưởng mà còn cả chủ tịch UBND các địa phương.

 “Nếu thay đổi cách làm này và quy định trong tổ chức này thì tôi nghĩ cũng là bước thay đổi hoạt động của chúng ta. Nó vừa hiệu quả thiết thực và phù hợp hơn với vị trí chức năng” - ông nhấn mạnh.

 Bộ trưởng Hà cũng cho rằng cần nâng tỉ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách lên cao hơn, không dừng ở tỉ lệ 35% như luật mà có thể nâng lên 50%-60%, từ đó nâng cao vai trò của QH, đặc biệt trong vấn đề xây dựng luật. 

“Quốc hội một năm họp hai lần nhưng thực tiễn không chờ QH họp. Có bộ luật vừa ban hành xong đã phải dừng. Nói đúng luật ban hành phải thực thi nhưng thực tế không mong muốn nó xảy ra. Xem xét có cách tháo gỡ. Có luật ba năm mới gỡ được. Như luật quy hoạch mất gần một năm mới tháo gỡ. Vô hình làm chính sách để phát triển nhưng thực tế lại kìm hãm. Luật không đứng ngoài cuộc sống và không thể kìm hãm” - ông nói.

 Theo đó ông đề nghị QH nên giao cho Ủy ban Thường vụ QH (UBTVQH) có thẩm quyền quyết ngay trong một số vấn đề để đáp ứng kịp thời yêu cầu phát sinh hằng ngày của thực tiễn. Cơ chế để UBTVQH quyết có thể lấy ý kiến từ 63 đoàn ĐBQH, nếu đủ trên 50% thì cho UBTVQH quyết.

 “Tôi muốn nói Luật Đầu tư công ba năm, đến năm thứ ba mới gỡ. Luật Quy hoạch sau một năm UBTVQH mới vận dụng chức năng giải thích pháp luật. Nên cho UBTVQH một quyền, có cơ chế giao. Cái này tôi đã phát biểu ở Trung ương. Hiện nay kinh tế có nhiều vấn đề hệ trọng an ninh quốc gia, luật sơ hở vì vậy nên có cơ chế UBTVQH lấy ý kiến các đoàn ĐBQH, cho UBTVQH tạm điều chỉnh vấn đề đó” - ông nói. (Pháp Luật TPHCM 29/10, Đức Minh – Trọng Phú) Về đầu trang

Đề xuất Quốc hội họp 4 kỳ/năm, giảm đại biểu thuộc cơ quan hành pháp

Ngày 29.10, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu đã có kiến nghị nên giảm số lượng đại biểu Quốc hội khối cơ quan hành pháp, hay đề xuất Quốc hội nên họp 4 kỳ/năm.

 Tại tổ Bà Rịa - Vũng Tàu, Bộtrưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà kiến nghị nên tăng đại biểu Quốc hội chuyên trách, giảm số lượng đại biểu Quốc hội khối cơ quan hành pháp.

 Lý do được Bộ trưởng Trần Hồng Hà đưa ra là: Khi nhiều Bộ trưởng, thậm chí một số chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh làm đại biểu Quốc hội, dẫn đến thực tế khó khăn trong chỉ đạo, điều hành, do các đại biểu kiêm nhiệm phải dành thời gian cho việc thực hiện nhiệm vụ làm đại biểu Quốc hội.

 "Quốc hội có quyền yêu cầu bộ trưởng giải trình, yêu cầu đến để chất vấn nhưng phải chăng bộ trưởng, chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh không nên là đại biểu Quốc hội?" - ông Trần Hồng Hà đặt vấn đề.

 Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho rằng, các đại biểu như ông ở cơ quan thuộc Chính phủ, chịu trách nhiệm công tác quản lý, nhưng đã phân cấp cho địa phương rất lớn. Vì vậy, trên nghị trường, đại biểu đưa ra những câu hỏi mà bộ trưởng không nắm được để trả lời, bị nhân dân phê bình, trong khi thực tế, thẩm quyền đó đã phân cấp cho địa phương.

 Trên cơ sở đó, ông đồng tình với quan điểm nâng tỉ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách lên 50-60%.

 Cũng góp ý về dự án sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội, tại tổ Hà Nội, đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - đề xuất Quốc hội nên tổ chức 4 kỳ họp/năm, mỗi kỳ khoảng 2 tuần để kịp thời giải quyết nhiều vấn đề cấp bách.

 “Hiện nay Quốc hội đang họp hai kỳ/năm. Trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước thay đổi, phát triển nhanh chóng, công tác chuẩn bị các dự án luật của các ngành, các địa phương, các ủy ban của Quốc hội kéo dài, nên chăng, các kỳ họp có thể tổ chức thành bốn kỳ/năm, mỗi kỳ chỉ kéo dài khoảng 2 tuần, để đáp ứng yêu cầu giải quyết được những công việc gấp, cần thiết, cấp bách” - ông Ngọ Duy Hiểu kiến nghị.

 Ông Ngọ Duy Hiểu cũng cho rằng cần có cơ chế "mở" để thu hút những người giỏi tham gia làm đại biểu Quốc hội chuyên trách.

 Ví dụ như các trí thức, doanh nhân giỏi… đang làm ở khu vực tư nhân, những người hội tụ đủ các yếu tố về phẩm chất đạo đức, năng lực, trách nhiệm, tính đại diện, mong muốn được làm đại biểu Quốc hội chuyên trách... thì liệu có mở cửa được cho họ không?

 Do đó, cần thay đổi cách tiếp cận về đại biểu Quốc hội, có cơ chế không bắt buộc đại biểu Quốc hội chuyên trách phải là công chức và có chính sách hợp lý để thu hút những người giỏi tham gia công việc này. (Laodong.vn 29/10, Đặng Trung – Cao Nguyên)Về đầu trang

Năm 2020: Mức đóng BHXH tối đa của công chức, viên chức sẽ thay đổi

Tại Kỳ họp Quốc hội lần thứ 8 đang diễn ra, Chính phủ đã đề xuất việc tăng lương cơ sở năm 2020 từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.600.000 đồng/tháng, áp dụng từ ngày 1/7/2020. Nếu đề xuất này được thông qua, mức tiền lương tối đa tính đóng BHXH của công chức, viên chức sẽ lên tới 32 triệu đồng.

 Đồng thời, mức đề xuất tăng thêm 110.000 đồng (từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.600.000 đồng/tháng) sẽ là mức lương cơ sở được tăng cao nhất từ trước đến nay. Điều này sẽ có nhiều điểm lợi cho đối tượng công chức, viên chức.

 Bên cạnh việc tăng lương cơ sở, các khoản đóng tính BHXH dựa theo lương cơ sở cũng được tăng lên tương ứng.

 Đơn cử như việc tăng mức đóng bảo hiểm xã hội. Tại Khoản 1, Điều 85, Khoản 1 Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Khoản 1 Điều 6 Quyết định 595/QĐ-BHXH, số tiền đóng bảo hiểm xã hội của cán bộ, công chức, viên chức được quy định như sau:

 Số tiền đóng BHXH = Mức tiền lương tháng x 8% = (Lương + các khoản phụ cấp tính theo mức lương cơ sở) x 8%

 Nếu đề xuất tăng lương cơ sở 2020 lên 1.600.000 đồng/tháng được thông qua, số tiền đóng bảo hiểm xã hội cũng sẽ tăng theo.

 Cụ thể, Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định nếu tiền lương cao hơn 20 lần mức lương cơ sở thì tiền lương tháng đóng BHXH bằng 20 lần mức lương cơ sở.

 Dự kiến, mức tiền lương tối đa tính đóng BHXH = 1.600.000 đồng x 20 = 32.000.000 đồng.

 Mức tiền đóng này nhiều hơn 3.200.000 đồng so với mức hiện hành là 29.800.000 đồng (tương ứng với mức lương cơ sở 1.490.000 đồng).

 Bên cạnh đó, mức đóng bảo hiểm y tế với nhiều đối tượng cũng sẽ được thay đổi.

 Tại Điểm đ Khoản 1 Điều 7 và Khoản 2 Điều 1, Khoản 2, 3, 4 Điều 2 và Điều 3 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; người đang hưởng trợ cấp BHXH hàng tháng; người lao động nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau; trẻ em dưới 6 tuổi, người có công với cách mạng; người thuộc hộ cận nghèo;... có mức đóng bảo hiểm y tế bằng 4,5% mức lương cơ sở.

 Nếu lương cơ sở tăng lên 1.600.000 đồng/tháng từ 1/1/2029, mức đóng của các đối tượng trên cũng tăng lên, cụ thể: 1.600.000 đồng x 4,5 % = 72.000 đồng/tháng (trước đây là 67.050 đồng/tháng). (Dantri.com.vn 29/10, Hoàng Mạnh)Về đầu trang

Quốc hội thảo luận về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường ở Hà Nội

Ngày 29/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội.

 Tiếp tục chương trình của Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, vào sáng 29/10, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, nghe Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thay mặt cơ quan soạn thảo trình bày Tờ trình Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội.

 Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và Dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội.

 Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

 Sau đó, Quốc hội thảo luận ở Tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. (VTV.vn 29/10)Về đầu trang

Tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách: Vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau

Việc sửa đổi quy định về tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách là vấn đề được đặt ra và còn có hai loại ý kiến khác nhau.

 Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Trưởng Ban soạn thảo, cho biết, loại ý kiến thứ nhất cho rằng Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành đã quy định số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số đại biểu Quốc hội, tuy nhiên quy định này không hạn chế việc có thể bố trí số đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách nhiều hơn tỷ lệ nói trên.

 Do đó, để thực hiện yêu cầu về tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thì không cần thiết phải sửa đổi quy định của luật mà tùy thuộc trong đề án bầu cử đại biểu Quốc hội của từng nhiệm kỳ sẽ xác định hợp lý tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách phù hợp với yêu cầu và khả năng đáp ứng của bộ máy.

 Loại ý kiến thứ hai đề nghị sửa quy định của Luật Tổ chức Quốc hội theo hướng nâng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lên mức cao hơn (37 - 40% hoặc 50%) để có cơ sở phấn đấu, sắp xếp cán bộ và quy định cơ cấu đại biểu Quốc hội một cách hợp lý, giảm số lượng đại biểu Quốc hội là người kiêm nhiệm các chức danh trong khối các cơ quan hành pháp, tư pháp để tạo cơ sở pháp lý mạnh mẽ hơn cho việc thực hiện yêu cầu mà Trung ương đã đề ra.

 Ban soạn thảo cho rằng hiện tại tuy luật đã quy định rõ tối thiểu 35% tổng số đại biểu Quốc hội là đại biểu hoạt động chuyên trách, nhưng trên thực tế, mặc dù đã có nhiều cố gắng trong việc quy hoạch, chuẩn bị nguồn nhân sự từ sớm, song con số này đến nay vẫn chưa đạt được.

 Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho hay: "Quốc hội khóa XIV hiện nay có 167 đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trong tổng số 484 đại biểu (chiếm 34,5%). Do đó, nếu sửa đổi luật theo hướng tăng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách lên mức cao hơn trong khi chưa tính toán kỹ về nguồn nhân sự đầu vào thì sẽ rất khó khả thi, ảnh hưởng đến hiệu lực pháp lý đối với quy định của luật".

 Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng cách quy định tỷ lệ tối thiểu như Luật hiện hành không ảnh hưởng đến việc thực hiện chủ trương tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách mà tùy thuộc yêu cầu, điều kiện cụ thể của từng nhiệm kỳ, sẽ xác định mức tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách một cách hợp lý trong các đề án bầu cử đại biểu Quốc hội, có thể cao hơn nữa. 

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị phải nâng tỷ lệ đại biểu chuyên trách lên để đảm bảo chất lượng công việc. Qua hoạt động của Ủy ban Tài chính, Ngân sách, đại biểu Hải cho rằng nhu cầu tăng số lượng đại biểu chuyên trách, đặc biệt các đại biểu giỏi, là rất lớn. (VTV.vn 29/10)Về đầu trang

Bí thư Tỉnh ủy kể việc không được đi tiếp xúc cử tri vì... thủ tục

Tại phiên thảo luận ở tổ Quốc hội sáng 29/10, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Bùi Văn Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk đã nêu bất cập mà chính bản thân ông gặp phải và đưa ra đề xuất tránh thủ tục hành chính rườm rà.

 Góp ý về dự thảo Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Bí thư Tỉnh ủy Bùi  Văn Cường đã góp ý thẳng vào điều luật, đó là quy định: Trong nhiệm kỳ, khi ĐBQH chuyển công tác đến tỉnh, thành phố khác trực thuộc trung ương thì được chuyển sinh hoạt đến Đoàn đại biểu Quốc hội nơi mình nhận công tác. “Cần ghi thẳng thêm chữ “đương nhiên”, nếu không thì thủ tục hành chính dài dòng”, ĐBQH Bùi Văn Cường nói.

 Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường lấy ngay ví dụ từ bản thân ông. Vào tháng 7/2019, ông nhận Quyết định của Bộ Chính trị điều động làm Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, lúc này ông lại đang là ĐBQH tỉnh Gia Lai. Sau khi về Đắk Lắk công tác, ông 2 lần gọi điện cho Trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để nói về việc chuyển sinh hoạt Đoàn ĐBQH và được hứa sẽ tiến hành. Tuy nhiên việc chuyển Đoàn ĐBQH chưa xong thì lại đến kỳ tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 8, ông không biết đi tiếp xúc cử tri ở đâu.

 “Chẳng lẽ Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk lại đi tiếp xúc cử tri ở tỉnh Gia Lai. Còn muốn tiếp xúc cử tri bên Đắk Lắk thì chưa có quyết định chuyển sinh hoạt Đoàn ĐBQH”, ĐB Cường cho hay.

 ĐBQH Bùi Văn Cường đã phải làm đơn gửi cho 2 Đoàn ĐBQH Đắk Lắk và Gia Lai, sau đó 2 Đoàn ĐBQH họp, tiếp đến 2 cơ quan Mặt trận Tổ quốc của 2 tỉnh họp. Sau đó hồ sơ mới chuyển ra Hà Nội, tiếp đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp và ra Nghị quyết về việc chuyển sinh hoạt Đoàn ĐBQH cho ông Bùi Văn Cường. “Như vậy, tôi có một kỳ không được đi tiếp xúc cử tri”, ĐB Cường nói.

 Từ thực tiễn nêu trên, ĐB Cường đề nghị sửa quy định là: Trong nhiệm kỳ, nếu ĐBQH chuyển công tác đến tỉnh, thành phố khác trực thuộc trung ương thì đương nhiên được chuyển sinh hoạt đến Đoàn đại biểu Quốc hội nơi mình nhận công tác.

 “Khi ĐBQH đó được điều động, luân chuyển đã có cấp thẩm quyền, Ủy ban Thường vụ Quốc có quyết định chuyển sinh hoạt cho ĐBQH đó là xong. Còn như quy định hiện hành, ĐBQH phải viết đơn, rồi 2 Đoàn có ý kiến, 2 cơ quan Mặt trận Tổ quốc của 2 tỉnh lại có ý kiến, phải mất 4 cuộc họp, thủ tục như vậy rất rườm rà phải cải tiến ngay lập tức”, ĐBQH Bùi Văn Cường nói và cho biết thêm, phải chặt chẽ trên cơ sở quyết định của cấp thẩm quyền khi điều động, luân chuyển cán bộ; trường hợp có những ĐBQH là doanh nghiệp họ đang làm ở Hà Giang nhưng khi chuyển về Hà Nội làm thì không thể đương nhiên về Đoàn ĐBQH Hà Nội. Họ vẫn phải có trách nhiệm ở địa phương nơi mình ứng cử và trúng cử hoặc trường hợp này do Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.

 Cũng góp ý về vấn đề này, ĐBQH Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) cho rằng, trừ trường hợp ĐBQH chuyển công tác từ địa phương về các cơ quan Trung ương thì không nên tất cả “đương nhiên” chuyển về Đoàn ĐBQH Hà Nội, như thế không phù hợp. “Trường hợp ĐBQH được điều động, luân chuyển về địa phương công tác thì đương nhiên nên về địa phương đó để sinh hoạt Đoàn ĐBQH”, bà Lan nêu quan điểm. (Danviet.vn 29/10, Lương Kết)Về đầu trang

Hưởng lương từ ngân sách tỉnh, đại biểu Quốc hội khó khách quan?

Sáng 29/10 Quốc hội nghe Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc trình dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

 Dự án luật này do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trình, không phải do Chính phủ trình như hầu hết các dự luật khác.

 Ông Phúc cho biết, lần sửa đổi này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định phạm vi sửa đổi, bổ sung tập trung vào 15/102 điều của Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành.

 Nội dung đầu tiên được sửa đổi là bổ sung quy định tiêu chuẩn về quốc tịch đối với đại biểu Quốc hội tại điều 22 của Luật Tổ chức Quốc hội để bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn.

 Theo đó, dự thảo luật quy định đại biểu Quốc hội có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam. 

 Về ý kiến đề nghị cần sửa quy định về tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách (điều 23), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, khoản 2 điều 23 của Luật Tổ chức Quốc hội đã quy định số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số đại biểu Quốc hội. Quy định này không hạn chế việc có thể bố trí số đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách nhiều hơn tỷ lệ nói trên, nên đề nghị không sửa đổi, bổ sung quy định về tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trong luật hiện hành. Tỷ lệ cụ thể đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách sẽ được xác định trong đề án bầu cử gắn với từng nhiệm kỳ để bảo đảm phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và nguồn nhân sự thực tế.

 Liên quan đến Uỷ ban Thường  vụ Quốc hội, dự thảo luật bổ sung quy định về việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định số lượng và phê chuẩn đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại đoàn đại biểu Quốc hội tại khoản 4 điều 53.

 Điều 59 cũng được sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nhiệm vụ tổ chức trưng cầu ý dân theo quyết định của Quốc hội và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong việc trưng cầu ý dân theo quy định của Luật Trưng cầu ý dân để bảo đảm thống nhất với quy định của luật này.

 Một sửa đổi đáng chú ý khác là dự thảo luật quy định theo hướng: tổng số lượng phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc, phó chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội không quá 40 người. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định số lượng cấp phó cụ thể của Hội đồng Dân tộc, mỗi ủy ban của Quốc hội theo yêu cầu công việc.

 Thẩm tra dự án luật, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 và nhiều nội dung cụ thể.

 Cũng có ý kiến đề nghị sửa khoản 2 điều 23 của luật hiện hành theo hướng quy định tỷ lệ tối thiểu đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách với con số cụ thể ở mức cao hơn 35% để có cơ sở phấn đấu, quy hoạch, bố trí cán bộ, Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định cho biết.

 Về kinh phí và điều kiện bảo đảm cho hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, dự thảo luật sửa theo hướng lương của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại địa phương, kinh phí hoạt động của đoàn đại biểu Quốc hội, của bộ phận tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương được ngân sách cấp tỉnh bảo đảm theo phân bổ dự toán của hội đồng nhân dân cấp tỉnh (khoản 1 điều 101).

 Ông Định cho biết, có ý kiến tại cơ quan thẩm tra cho rằng, quy định như dự thảo luật thì vai trò, vị thế của đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội sẽ bị ảnh hưởng, khó khách quan, độc lập trong thực hiện nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội tại địa phương.

 Do vậy, ý kiến này đề nghị quy định theo hướng ngân sách trung ương có trách nhiệm bảo đảm lương, chế độ, chính sách đối với các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại đoàn đại biểu Quốc hội, còn địa phương sẽ bảo đảm kinh phí cho hoạt động và trả lương cho đội ngũ công chức của bộ phận tham mưu giúp việc Đoàn đại biểu Quốc hội. (Vneconomy.vn 29/10, Nguyễn Lê)Về đầu trang

Chính phủ muốn xử lý hình sự việc mua bán súng hoa cải

 Chiều 29/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung điều 3 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

 Theo Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an, tội phạm nghiêm trọng đa phần là người có hành vi chế tạo, mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí tự chế, như súng ổ xoay, súng bút, súng tự chế bắn đạn hoa cải... Các loại vũ khí này có tính sát thương cao, cũng không loại trừ trường hợp sử dụng để khủng bố.

 "Hành vi này nếu không bị khởi tố, điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ làm gia tăng tình hình tội phạm, ảnh hưởng xấu tới trật tự an toàn xã hội", ông Tô Lâm nói và nhấn mạnh, việc sửa, bổ sung quy định khái niệm về "vũ khí tương tự vũ khí quân dụng" là để có chế tài xử lý các hành vi nêu trên.

  Góp ý kiến, ông Ngô Thanh Danh - Phó bí thư thường trực Tỉnh uỷ Đắk Nông kể lại chuyện xảy ra tại tỉnh này cách đây hơn 10 năm, một trường hợp sử dụng vũ khí tự chế tạo bắn chết 3 người, bị thương 16 người, trong đó 14 người phải nhập viện. Từ thực tế này, ông Danh nhận xét, quản lý vật liệu nổ, súng tự chế còn kẽ hở, nếu không quản lý chặt và có chế tài xử nghiêm sẽ dẫn tớ nhiều hệ luỵ.

 Ông Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An thông tin thêm, nhà chức trách địa phương đã phát hiện nhiều vụ giết người, cố ý gây thương tích bằng súng tự chế, như súng bắn đạn hoa cải, súng săn, súng bút, súng ổ xoáy... Theo ông Cầu, hành vi này dứt khoát phải xử lý hình sự để răn đe, tuy nhiên, pháp luật hiện hành không có quy định hành vi chế tạo, mua bán, sử dụng "vũ khí có tính năng tương tự như vũ khí quân dụng" sẽ bị truy tố, điều tra. "Đây là khoảng trống pháp lý", ông Cầu nói.

 Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng - Phó chính uỷ Quân khu 7 đề nghị quy định rõ thế nào là "vũ khí tương tự vũ khí quân dụng" để tạo sự đồng bộ, khả thi trong áp dụng pháp luật.

 Theo ông Hoàng, nếu chỉ sửa quy định trong Luật Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì Bộ trưởng Quốc phòng phải ban hành lại danh mục vũ khí, gồm cả vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng mới đủ căn cứ xử lý hình sự các vi phạm.

 Việc ban hành lại danh mục này, ông Hoàng nói, sẽ khó khả thi, bởi vũ khí tương tự vũ khí quân dụng muôn hình vạn trạng, "nay thế này, mai thế kia, Bộ Quốc phòng khó chạy theo kịp để công bố danh mục".

 Dự kiến ngày 14/11, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận ở hội trường về nội dung nêu trên. (Vneconomy.vn 29/10, Hoàng Thuỳ - Anh Minh)Về đầu trang

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY

TPHCM: “Inbox tin nhắn” - dân kêu, cán bộ xử lý ngay

Khi nhận được tin báo của người dân thông qua “box nhắn tin”, UBND phường Linh Tây (quận Thủ Đức, TP.HCM) lập tức cử người giải quyết ngay vụ việc. Điều này góp phần tạo được sự tin tưởng từ phía người dân.

 Từ tháng 2-2019, người dân ở phường Linh Tây (quận Thủ Đức, TP.HCM) ngồi ở nhà vẫn có thể báo tin phản ánh, kết nối với UBND phường qua “box nhắn tin” trên cổng thông tin UBND phường Linh Tây, quận Thủ Đức. 

 Một ngày giữa tháng 9, “box nhắn tin” của phường nhận được thông tin của chị Mỹ Hạnh về tình trạng bệnh sốt xuất huyết của con trai lớn. Chị lo lắng hai đứa con còn lại cũng sẽ nhiễm bệnh vì bị lây từ đứa lớn.

 Ngay khi nhận thông tin, phía UBND phường Linh Tây đã cử cán bộ phường cùng với nhân viên của trạm y tế phường xuống nhà người dân để khảo sát, tiến hành xịt thuốc để ngăn ngừa tình trạng bệnh lây lan.

 Liền sau đó, “box tin nhắn” nhận được lời cám ơn của chị Hạnh: “Cám ơn lãnh đạo phường và tổ công tác đã lắng nghe thông tin và xử lý, khảo sát và cho xịt thuốc quanh nhà, kịp thời ngăn tình trạng sốt xuất huyết”.

 Một lần khác, “box nhắn tin” lại nhận được thông tin từ một phụ nữ tên Kim Thoa. Chị Thoa nhắn báo một người chị trong gia đình đã đi lạc nhiều ngày qua. Tin nhắn này sau đó được phường thông báo rộng rãi trong cộng đồng dân cư để mọi người cùng lưu ý. Một ngày sau đó, nhờ phường thông tin rộng rãi, gia đình chị Thoa đã tìm được người thân của mình.

 “Nhờ phường thông tin rộng rãi nên gia đình tôi mới nhanh chóng tìm được người thân. Tôi cũng cám ơn cả những người dân khác đã chú ý đến trường hợp của gia đình tôi nữa” - chị Thoa bày tỏ.

 Cuối tháng 6, “box tin nhắn” nhận một tin nhắn khác về việc phía xử lý rác không chịu đi thu gom rác trong nhiều ngày khiến mùi hôi bốc lên, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Tin nhắn phản ánh lúc 12 giờ 31 phút, đến 13 giờ 4 phút, người này nhắn lại: “Xe rác vừa lấy xong, họ còn xin lỗi nữa. Hạnh phúc lắm luôn. Cám ơn UBND phường Linh Tây đã quan tâm đến phản ánh của người dân và xử lý nhanh chóng”.

 Chị Hoàng Châu, một người dân đã có gửi phản ánh đến phường, chia sẻ: “Lúc gửi mình thực sự không nghĩ phường sẽ giải quyết nhanh như thế. Ngay sau khi thấy người ta đến dọn rác sạch sẽ mới thấy họ làm thật. Như thế thì rất đáng hoan nghênh. Tôi sẵn sàng báo tin khi có bất cứ sự việc gì xảy ra”.

 Ông Tiêu Thành Danh (ngụ khu phố 3, phường Linh Tây, quận Thủ Đức) cho biết từ khi UBND phường có thông báo về ứng dụng mới, ông đã tìm hiểu và cài đặt ngay để tiện theo dõi.

 “Tôi chú ý nhất là cái “box tin nhắn”. Nó rất hiệu quả. Không những tôi mà nhiều gia đình xung quanh cũng cài hết” - ông Danh nói.

 Bản thân là tổ trưởng khu phố nơi mình sinh sống, ông Danh thừa nhận có những thông tin dù người dân phản ánh và báo với khu phố nhưng không phải lúc nào cán bộ khu phố cũng nhớ hết để báo với phường từng vụ việc cụ thể.

 “Từ ngày “box tin nhắn” ra đời, có thông tin hay vụ việc gì thì dân chủ động nhắn ngay vào đó, cán bộ phường thấy là báo ngay với lãnh đạo và phân công người xử lý ngay. Tôi thấy rất tiện và quá tốt cho người dân” - ông Danh nhìn nhận và hoan nghênh cách làm này của phường.

 Ông Phạm Thanh Phương, Phó Chủ tịch UBND phường Linh Tây, cho biết mục tiêu của phường trong việc nỗ lực đề ra những phương án, giải pháp mới trong công tác cải cách hành chính là sự hài lòng của người dân.

 “Chúng tôi mong muốn tạo ra một môi trường mà ở đó dù phải giải quyết giấy tờ, thủ tục hành chính có vẻ khô khan nhưng sự tương tác giữa người dân với cán bộ phải trực quan, sinh động. Chính vì thế mà việc ứng dụng công nghệ thông tin được đặt lên hàng đầu nhằm giải quyết nhanh gọn, chính xác các thắc mắc của người dân. Ngoài cung cấp thông tin, chúng tôi cũng coi trọng việc nhận thông tin phản ánh từ người dân để kịp thời xử lý” - ông Phương cho hay.

 Phó chủ tịch UBND phường Linh Tây cho biết: “Cũng từ ứng dụng “box tin nhắn”, phường đã kịp thời xử lý những thông tin mà người dân đang gặp phải. Chứ nhiều khi mình ngồi trên này, làm sao biết được người dân bên ngoài đang xảy ra việc gì. Chúng tôi hy vọng sẽ phát huy hiệu quả của “box tin nhắn”, trở thành kênh phản ứng nhanh của phường để giải quyết tốt nhất các vấn đề phát sinh của người dân”. (Pháp luật TPHCM 29/10, Thanh Tuyền)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Kết luận kiểm tra Nghị quyết Trung ương 4 tại Bộ Tư pháp

Đồng chí Nguyễn Văn Nên đánh giá cao kết quả lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng, các cấp ủy Đảng ở Bộ Tư pháp đã thực hiện đúng vai trò của người đứng đầu.

 Làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp về kết quả kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII gắn với triển khai thực hiện quy định của Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, Đảng viên, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng đánh giá cao kết quả lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng, các cấp ủy Đảng ở Bộ Tư pháp đã thực hiện đúng vai trò của người đứng đầu, chăm lo xây dựng đoàn kết, thống nhất trong nội bộ trên cơ sở nguyên tắc, gương mẫu, dân chủ, khách quan, trung thực trong công tác và sinh hoạt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị.

 Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư cũng đề nghị Ban Cán sự Đảng và các cấp ủy Đảng của Bộ Tư pháp khắc phục một số tồn tại, hạn chế để nâng cao hơn nữa kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII và các quy định của Trung ương về trách nhiệm nêu gương đối với cán bộ, Đảng viên. (VTV.vn 29/10)Về đầu trang

Vụ cán bộ “cười khanh khách vào mặt dân”, cấp trên rất buồn vì thái độ này

Cán bộ không đeo bảng tên, khi bị nhắc nhở thì bật đứng dậy, cười khanh khách. Giám đốc Sở TN-MT Bình Định cho biết rất buồn về thái độ, lời nói ứng xử chưa đúng mực với công dân của cán bộ.

 Tại buổi làm việc cùng Đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh Bình Định chiều 28/10, ông Lê Văn Tùng, Giám đốc Sở TN&MT đã có những chia sẻ thẳng thắn xoay quanh câu chuyện ông Đoàn Thanh Tú (công chức Văn phòng Đăng ký đất đai) có thái độ, lời nói ứng xử chưa đúng mực đối với công dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

 “Tôi rất buồn. Hôm đó, tôi đi công tác ở Hà Nội. Sau khi biết thông tin qua báo chí phản ánh, tôi đã yêu cầu anh Tú viết bản tường trình. Ai đúng, ai sai thì cũng phải làm rõ. Sai chỗ nào, sai ra sao thì phải xử lý đúng quy định của pháp luật. Kết quả giải quyết sự việc sau khi hoàn thành, Sở sẽ báo cáo UBND tỉnh xem xét, xử lý theo quy định”, ông Tùng cho biết.

 Theo ông Tùng, sau sự việc xảy ra, Sở đã có văn bản đề nghị Văn phòng đăng ký đất đai tạm dừng công việc đối với ông Tú tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh để xác minh, làm rõ. Đồng thời, điều động bà Hồ Thị Thanh Tuyết đảm nhận công việc thay ông Tú.

 Trước đó, người dân phản ánh vào sáng 24/10, khi họ đến Trung tâm Phục vụ hành chính công liên hệ làm việc, ông Đoàn Thanh Tú đã có thái độ, lời nói ứng xử chưa đúng mực và chưa thực hiện đúng trách nhiệm hướng dẫn đối với công dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại đây.

 Ông Tú không đeo bảng tên, khi bị nhắc nhở thì bật đứng dậy, cười khanh khách và bảo: “Tôi bụng to… và đang mắc buồn đi vệ sinh”, rồi bỏ đi.

 Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Bình Định khai trương và đi vào hoạt động vào ngày 1/4/2019, tại số 127 Hai Bà Trưng (TP Quy Nhơn), ông Nguyễn Thái Bình, Chánh Văn phòng UBND tỉnh này giữ chức Giám đốc trung tâm.

 Trung tâm ra đời được đánh giá là cuộc cải cách hành chính, cán bộ nói không với nhũng nhiễu phiền hà, lãnh đạo tỉnh đặt kỳ vọng, trung tâm sẽ là là nơi phục vụ nhân dân, doanh nghiệp đầy thân thiện, gần gũi, chuyên nghiệp và trách nhiệm. (Vietnamnet.vn 29/10, Phúc Nhơn)Về đầu trang

TP HCM muốn thí điểm chính quyền đô thị

Đề xuất này là một trong hai nội dung của Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị UBND TP HCM dự kiến trình Thường trực Thành ủy xin ý kiến Bộ Chính trị vào tháng 12.

 Ngoài ra, TP HCM đề xuất tổ chức một cấp chính quyền (thành phố) và 2 cấp hành chính (huyện, xã); đồng thời không có HĐND cấp quận huyện, phường xã. Với mô hình này, theo UBND thành phố, là để tinh gọn bộ máy và phục vụ người dân hiệu quả hơn.

 Mô hình chính quyền đô thị từng được thành phố xây dựng từ năm 2007, nhưng phải đến tháng 9/2013 HĐND TP HCM mới chính thức thông qua dự thảo đề án, sau nhiều lần "nâng lên đặt xuống" và xin ý kiến các bộ ngành. Lúc đó, bên cạnh 13 quận nội thành cũ và 3 huyện nông thôn, TP HCM định hướng sẽ xây dựng 4 thành phố vệ tinh ở phía Đông, Tây, Nam, Bắc có các chức năng phát triển khác nhau với mô hình "thành phố trong thành phố".

 Chính quyền đô thị TP HCM được đề xuất có HĐND và UBND được tổ chức 2 cấp (theo quy định hiện hành là 3 cấp) gồm cấp thành phố trực thuộc trung ương và cấp cơ sở. Chính quyền cấp cơ sở bao gồm cấp xã, thị trấn và thành phố trực thuộc.

 Ngoài ra, vì 13 quận cũ ở nội thành không tổ chức HĐND, TP HCM kiến nghị Trung ương cho phép tăng số lượng đại biểu HĐND TP từ 95 lên 200 (trong đó khoảng 35% là đại biểu chuyên trách) để tổ chức các Đoàn (hoặc tổ) đại biểu HĐND thành phố ở các quận này nhằm tăng cường vai trò dân chủ đại diện của nhân dân và vai trò giám sát của HĐND ở địa bàn không tổ chức HĐND.

 Nhiều chuyên gia đánh giá rằng chủ trương của TP HCM rất táo bạo, tâm huyết, với mục đích có được cơ chế vận hành đúng với vai trò là đơn vị hành chính đặc biệt của cả nước. Tuy nhiên, đề án không được trung ương thông qua do quá lớn và vướng luật, hiến pháp, đồng thời cần nhiều cơ quan tham gia. Đề án này sau đó bị rơi vào yên lặng từ đó đến nay. (Vnexpress.net 28/10, Trung Sơn)Về đầu trang

Bộ trưởng Tô Lâm: Công an đang rất sốt ruột vụ 39 người chết tại Anh

"Mọi thông tin đến thời điểm này đều dự báo cả, mình đưa lên không chính xác thì gây hoang mang" - Bộ trưởng Tô Lâm khuyến cáo.

 “Bộ Công an đang rất sốt ruột. Hiện nay cơ quan điều tra đang làm, chưa thể thông tin được”- Liên quan đến vụ 39 người chết trong container tại Anh, trả lời báo chí bên lề QH chiều nay, 29-10, Bộ trưởng Công an Tô Lâm nhấn mạnh điều này.

 Bộ trưởng cũng cho hay Bộ Công an đang liên hệ để hai người đồng cấp của Việt Nam và Anh điện đàm trao đổi với nhau. Thời điểm này thì Bộ Công an vẫn chưa cử người sang Anh nhưng đã sẵn sàng, nếu bên Anh trả lời là cử người đi ngay.

 Bộ trưởng Tô Lâm cũng khẳng định đến giờ phía Việt Nam cũng mới tiếp nhận bốn hồ sơ mà bên Anh chuyển sang. “Không biết từ trưa đến giờ có thêm trường hợp nào nữa không thì tôi không biết”, Bộ trưởng Tô Lâm nói và cho biết Bộ Công an đã yêu cầu Công an Nghệ An, Hà Tĩnh làm các việc theo quy định.

 Về việc có thông tin đã xác minh được 14 trường hợp trong 39 người chết trong container là người Nghệ An, Bộ trưởng Tô Lâm nói: “Hiện vẫn đang xác minh, chưa có kết luận cuối cùng. Người Nghệ An thì rất nhiều gia đình báo, còn có mất hoặc chết trong vụ ấy thì chưa xác định được”.

XBộ trưởng Tô Lâm khuyến cáo: “Mọi thông tin đến thời điểm này đều dự báo cả, mình đưa lên không chính xác thì gây hoang mang”.

 Báo chí đặt vấn đề xem có trường hợp nào được xác định là không mất tích, đã liên lạc với gia đình hay chưa, Bộ trưởng Tô Lâm nói: “Tôi cũng không biết được, vì hiện nay có nhiều trường hợp trình báo. Các thành viên trong gia đình tự liên hệ với nhau. Công an cũng tham gia để kiểm chứng, giúp đỡ từ sự phản ảnh của các gia đình”.

 Với các gia đình có người đi lao động ở châu Âu, nhất là ở Anh, Bộ trưởng Tô Lâm nhắn nhủ: “Hãy bình tình, chờ các cơ quan xác minh. Gia đình nên khuyên con em mình đi lao động đi nước ngoài một cách hợp pháp chứ đừng đi bất hợp pháp. Nhà nước, Chính phủ, toàn dân có nhu cầu đều được đi cả không có việc gì phải trốn lủi, mất tiền mà không đảm bảo an toàn”.

 Trước câu hỏi nếu có người Việt Nam trong số 39 người chết trong container ở Anh thì Chính phủ sẽ đưa họ về thế nào, Bộ trưởng Tô Lâm nói chính phủ sẽ triển khai, sẽ có người đi xe phối hợp với phía Anh để xác nhận chính xác về danh tính thì phía Anh mới cho về. "Theo luật pháp của họ thì người nước này, không thể đưa về nước kia được. Chính phủ sẽ hỗ trợ, trong đó Bộ Công an cũng sẽ làm động tác để làm sao tạo thuận lợi nhất cho các gia đình bị thiệt hại”.

 Về việc mở rộng điều tra các đường dây môi giới đưa người vượt biên trái phép, Bộ trưởng khẳng định đây là việc làm thường xuyên vì có rất nhiều vụ khác tổ chức đưa người ra nước ngoài trái phép. (Pháp Luật TPHCM 29/10, Chân Luận – Đức Minh)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Phát triển thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích của ngành BHXH

Chiều 28/10, BHXH Việt Nam và Tổng công ty Bưu điện Việt nam đã tổ chức Hội nghị trực tuyến “Công tác tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) qua dịch vụ bưu chính công ích của ngành BHXH giai đoạn 2014-2019”.

 Đại diện Vụ Pháp chế (BHXH Việt Nam) cho biết, qua 5 năm (2014-2019), công tác tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích của ngành BHXH đã dần đi vào ổn định, triển khai rộng khắp tại 63 tỉnh, thành phố và bước đầu đáp ứng các mục tiêu như: Giảm số lượt đơn vị SDLĐ trực tiếp đến cơ quan BHXH để thực hiện giao dịch, góp phần tiết kiệm thời gian, giảm chi phí đi lại, chờ đợi cho người dân và DN khi thực hiện giao dịch với cơ quan BHXH; đóng góp vào kết quả cải cách TTHC của Ngành. Qua đó, giúp giảm hồ sơ tồn đọng tại cơ quan BHXH, theo dõi được số lượng và thành phần hồ sơ trả cho đơn vị theo từng ngày; giảm số lượt đơn vị trực tiếp đến cơ quan BHXH để thực hiện giao dịch, phòng ngừa, hạn chế các hành vi tiêu cực do DN không phải tiếp xúc trực tiếp với cán bộ giải quyết hồ sơ.

 Theo thống kê, tính đến tháng 9/2019, đã có 26.478.766 hồ sơ tiếp nhận qua dịch vụ bưu chính; 61.150.025 hồ sơ được giải quyết và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính. Bên cạnh đó, BHXH các tỉnh, thành phố đã chủ động phối hợp với Bưu điện tổ chức tập huấn, đào tạo kỹ năng, kiến thức cho 32.587 lượt nhân viên Bưu điện trong việc thực hiện các quy định về biểu mẫu, thủ tục, hồ sơ BHXH, BHYT. Hiện nay, 100% Bưu điện tỉnh, thành phố đã ký kết hợp đồng với BHXH địa phương triển khai thực hiện dịch vụ tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC. Sau 5 năm, toàn hệ thống Bưu điện đã tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC về BHXH, BHYT từ cơ quan BHXH đến các đơn vị tham gia BHXH và ngược lại, với tổng số 21.037.911 bưu gửi.

 Việc tiếp nhận hồ sơ từ các đơn vị SDLĐ đã dần chuyển từ hình thức chuyển phát nguyên niêm phong sang chuyển phát có kiểm đếm, đối chiếu. Hiện nay, khoảng 62% Bưu điện tỉnh, thành phố thực hiện kiểm đếm, đối chiếu hồ sơ- mặc dù mới chủ yếu kiểm đếm, đối chiếu theo danh mục do đơn vị SDLĐ lập sẵn chứ chưa đối chiếu theo quy định về hồ sơ của TTHC. Đồng thời, việc phối hợp giữa cơ quan BHXH và Bưu điện cùng cấp được chú trọng, để kịp thời đánh giá việc thực hiện thỏa thuận hợp tác, từ đó từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để nâng cao chất lượng phục vụ người dân và đơn vị SDLĐ.

 Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Dung- Phó Giám đốc BHXH TP.HCM, trong 9 tháng đầu năm nay, số lượng hồ sơ BHXH TP.HCM tiếp nhận qua Bưu điện đạt tỉ lệ 97,74% và tỉ lệ trả kết quả TTHC qua Bưu điện đạt 98,82%. BHXH TP.HCM cũng triển khai tiếp nhận hồ sơ qua nhiều “kênh” khác như: Trang web tiếp nhận hồ sơ BHXH, qua số tổng đài của Bưu điện, hoặc đơn vị SDLĐ điện thoại trực tiếp đến các Bưu cục và Bưu điện Thành phố. Ngoài ra, BHXH TP.HCM còn có thêm một “kênh” riêng để tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC qua Bưu điện. (Giao thông 29/10, Uyên Vũ)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Quảng Ninh: Một loạt cán bộ của TP Cẩm Phả bị xem xét kỷ luật

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Ninh vừa họp để xem xét kỷ luật một loạt cán bộ của TP Cẩm Phả vì để xảy ra sai phạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

  Theo cơ quan này, Chi bộ Trung tâm phát triển quỹ đất TP Cảm Phả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị còn để đơn vị vi phạm các quy định của Nhà nước về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với các dự án: Dự án cải tạo, mở rộng mỏ than Cao Sơn tại phường Mông Dương; dự án khu du lịch và đô thị sinh thái Cửa Ông; dự án tuyến đường giao thông nối Quốc lộ 18 với Tỉnh lộ 334 tại phường Cửa Ông. Bí thư và phó bí thư chi bộ chịu trách nhiệm về các tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng đảng của chi bộ, chưa sâu sát trong công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

 “Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Cẩm Phả chưa kịp thời phát hiện, ngăn chặn và chấn chỉnh, khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với 3 dự án trên”, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Ninh nêu rõ.

 Sau khi thảo luận, cơ quan kiểm tra đã thống nhất kết luận: Yêu cầu Ban Thường vụ Thành ủy Cẩm Phả tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án có thu hồi đất trên địa bàn TP; có các giải pháp chấn chỉnh, khắc phục hậu quả đối với 3 dự án có vi phạm nêu trên.

  Thực hiện quy trình theo quy định của Đảng để xem xét, xử lý, thi hành kỷ luật đối với Chi bộ Trung tâm phát triển quỹ đất TP và các cá nhân có vi phạm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện việc tham mưu trình UBND TP ban hành quyết định thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường chưa đúng quy định, gây thất thoát ngân sách Nhà nước.

 Cụ thể gồm các cá nhân: Hoàng Hồng Quân, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Nguyễn Công Thọ, Bí thư Đảng ủy phường Mông Dương, nguyên Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất; Phạm Hùng Cự, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất; Vũ Đình Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất, vì đã có những sai phạm.

 Ngoài ra, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Ninh cũng yêu cầu kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xử lý vi phạm đối với các tổ chức và cá nhân có liên quan đến các vi phạm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng gồm: Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Cẩm Phả; Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố; UBND và Hội đồng xét duyệt thẩm định, xét duyệt nguồn gốc đất của phường Mông Dương và phường Cửa Ông và một số cá nhân. Đối với các trường hợp vượt thẩm quyền, có văn bản báo cáo kịp thời về Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy xem xét xử lý theo quy định. (Nông Nghiệp Việt Nam 29/10, Anh Thắng)Về đầu trang

Quảng Bình khởi tố Trạm trưởng kiểm lâm để xảy ra phá rừng

Công an huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình vừa ra quyết định khởi tố bị can đối với nguyên Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng Khe Đen.

 Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Ông Hoàng Văn Toản, nguyên Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng Khe Đen, thuộc Lâm trường Trường Sơn về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

 Ông Hoàng Văn Toản được điều động đến nhận công tác và giữ chức vụ Trạm trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng Khe Đen từ tháng 3/2018. Trong quá trình giữ chức vụ, ông Toản đã không thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo cho các cán bộ dưới quyền thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác bảo vệ rừng. Không thường xuyên kiểm tra, phát hiện kịp thời việc khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép để gây hậu quả nghiêm trọng. (VTV.vn 29/10)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Tunisia: Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng bị cách chức

Theo thông báo trên trang web của Phủ Tổng thống Tunisia ngày 29/10, Thủ tướng nước này Youssef Chahed đã thay thế Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng sau khi tham vấn với Tổng thống mới đắc cử Kais Saied. 

Thông báo nêu rõ, Thủ tướng Chahed đã bổ nhiệm Bộ trưởng Tư pháp Karim Jamoussi làm Quyền Bộ trưởng Quốc phòng còn ông Sabri Bachtabji làm Quyền Ngoại trưởng.

 Trước đó, ngày 23/10, tân Tổng thống Tunisia Kais Saied đã tuyên thệ nhậm chức sau khi giành chiến thắng bất ngờ trong cuộc bầu cử vòng hai hôm 13/10 vừa qua.

 Ông Saied, giáo sư luật đã nghỉ hưu, có quan điểm bảo thủ và “khắc khổ” giành chiến thắng nhờ được sự ủng hộ rộng rãi của giới trẻ vốn rất ấn tượng với tư tưởng cải cách của ông.

 Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông khẳng định sẽ mang lại cho người dân giá trị thực sự của những thay đổi.

 Theo ước tính của viện Sigma, khoảng 90% thanh niên từ 18-25 tuổi đã bỏ phiếu cho ông Saied, so với mức 49,2% của các cử tri trên 60 tuổi.

 Việc lựa chọn ông Saied, người cam kết cải tổ hệ thống chính trị, đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng và trao thêm quyền lực cho các cơ quan địa phương, cho thấy người dân Tunisia đã quá thất vọng với tình trạng kinh tế trì trệ và cuộc sống ngày càng khó khăn. (TTXVN/VietnamPlus.vn 29/10, Phương Hoa)Về đầu trang

Pháp tuyên chiến với tình trạng lãng phí thực phẩm

Hình ảnh người dân đến lấy thực phẩm cuối ngày đã được mua thông qua ứng dụng trên điện thoại xuất hiện càng nhiều tại các nhà hàng và siêu thị ở Pháp.

 Pháp đã và đang là một trong những quốc gia đi đầu trong việc tuyên chiến với tình trạng lãng phí thực phẩm ở châu Âu. Người Pháp ngày càng có ý thức chống lãng phí thức ăn. Hiện đã có Luật chống lãng phí thực phẩm cho thấy sự quan tâm của Chính phủ Pháp về vấn đề này.

 Hiện lượng thực phẩm bị vứt vào thùng rác ở Pháp, trong đó có thủ đô Paris, đã giảm đi nhiều. Đây là tín hiệu tích cực vì Paris luôn đứng đầu danh sách thành phố có lượng thực phẩm bị lãng phí lớn ở Pháp. Ước tính, riêng tại Paris mỗi năm có đến 59.000 tấn thực phẩm nguyên hộp vẫn còn dùng được bị ném vào thùng rác. Với tỷ lệ lãng phí 26kg thực phẩm/người, lượng thức ăn mà người dân Paris vứt đi nhiều gấp 3 lần so với người dân sống tại các khu vực khác ở Pháp.

 Còn tính trên cả nước Pháp, hàng năm gần 10 triệu tấn thực phẩm bị vứt đi với nhiều lý do như: bị quá hạn, hỏng và ăn thừa. Việc này đồng nghĩa với việc các cửa hàng bị thất thu, thực phẩm bị lãng phí và môi trường sống bị ảnh hưởng.

 Để cải thiện tình trạng lãng phí thực phẩm, nhiều ứng dụng di động đã ra đời ở Pháp. Thông qua ứng dụng này, người bán giảm lượng rác thực phẩm, tăng doanh thu. Trong khi đó, người tiêu dùng dễ dàng chọn được nhiều sản phẩm phù hợp, vừa với túi tiền, tránh việc mua bán tràn lan, lãng phí. (VTV.vn 29/10)Về đầu trang./.

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

 

More