Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 18-11-2019

Post date: 18/11/2019

Font size : A- A A+

Tải file tại đây

TIÊU ĐIỂM.. 1

1.   Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: Phải chấm dứt xài văn bản giấy. 1

CHÍNH SÁCH MỚI 2

2. Tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1/2020. 2

CHỈ THỊ MỚI 4

3. Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 11-15/11. 4

4.Xây dựng cơ chế hợp tác đào tạo doanh nghiệp - trường nghề. 5

TIN QUỐC HỘI 5

5. Quốc hội bàn cấm hay để đòi nợ thuê. 5

6. “Nên có luật riêng về hộ kinh doanh”. 6

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 8

7.Chính quyền Đà Nẵng “bớt” việc nhà nước cho tư nhân. 8

8.Nghịch lý doanh nghiệp lao đao vì không được đóng thuế. 9

QUẢN LÝ.. 10

9.  Không để người yếu kém về năng lực, đạo đức tham gia cấp ủy. 10

10.Thanh Hóa: Bắt dân đóng tiền san lấp để xây ủy ban mới 10

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 11

11.Tạo lập hệ thống dữ liệu số hóa hộ tịch tại TP.HCM.. 11

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 11

12.Thu ngân sách 10 tháng đạt gần 90% dự toán. 11

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 12

13. Chủ tịch Tổng công ty Đường sắt bị cảnh cáo. 12

14. Thêm 3 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến vụ gian lận thi cử tại Sơn La. 13

15.Hà Nội: Sẽ cho ra khỏi ngành đối với nữ Đại úy náo loạn sân bay. 13

16. Đình chỉ cán bộ Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM có hành vi dâm ô nhiều bé gái 14

17. Bạc Liêu: Bí thư thị trấn bị kỷ luật 15

THẾ GIỚI 15

18. Indonesia lên kế hoạch xây dựng thủ đô mới 15

 TIÊU ĐIỂM

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: Phải chấm dứt xài văn bản giấy

Sáng 15-11, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết một năm triển khai Quyết định số 28 của Thủ tướng về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước. 

Phát biểu tại hội nghị, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, đánh giá việc gửi, nhận liên thông văn bản điện tử giữa Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định. Kết quả này góp phần làm giảm chi phí và thời gian, nhằm hướng đến nền quản trị hành chính hiện đại, thông minh và không giấy tờ.

 Tuy nhiên, theo ông Mai Tiến Dũng, vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương làm chưa tốt như chưa thực sự quan tâm đến triển khai ứng dụng chữ ký số chuyên dùng và chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc gửi, nhận văn bản điện tử có tích hợp chữ ký số. Cùng đó là tỉ lệ sử dụng chữ ký số trong gửi, nhận văn bản điện tử tại một số đơn vị còn hạn chế… dẫn đến việc triển khai gửi, nhận văn bản điện tử có tích hợp chữ ký số chưa đồng bộ và thống nhất.

 Đặc biệt, việc phát hành văn bản điện tử, hồ sơ điện tử rất ít. “Chúng ta đừng đặt vấn đề là do cơ quan nhiều hồ sơ mật. Ở đây chúng tôi chỉ muốn nói đến những văn bản, hồ sơ không mật. Đừng lấy lý do hồ sơ mật để nói là rào cản để chúng ta không ứng dụng điện tử” - ông Dũng nói và đề nghị cán bộ các cấp thay đổi nhận thức, đừng lấy lý do đó để gây rào cản cho việc cải cách.

 Ông Mai Tiến Dũng đề nghị sau hội nghị này các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện gửi, nhận văn bản bốn cấp và ký số, không thực hiện việc gửi điện tử kèm theo văn bản giấy. “Một năm thử nghiệm đủ rồi, giờ phải chấm dứt dùng văn bản giấy, phải làm quyết liệt, hiệu quả, đích thực, thay đổi tư duy, cách làm” - ông Dũng nói.

 Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay sắp tới các cơ quan vẫn tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để đạt mục tiêu Chính phủ đề ra, bao gồm tiếp tục hoàn thiện thể chế, đảm bảo về giá trị pháp lý cho các văn bản điện tử. Bên cạnh đó, các cơ quan cũng cải thiện việc lưu trữ điện tử và đặc biệt là phải thay đổi thói quen, phương thức xử lý văn bản trên môi trường mạng của cán bộ, công chức.

 “Nếu các cơ quan hành chính nhà nước làm không tốt thì chúng ta không thể đảm bảo các dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp được” - ông Dũng nói và cho rằng đang đi đúng hướng và đã thay đổi nhận thức rất lớn đối với lãnh đạo và cán bộ thực thi ở các bộ, ngành và địa phương. Tư duy và cách tiếp cận cũng đã được thay đổi theo hướng minh bạch, công khai, phục vụ cho người dân và doanh nghiệp.

 Liên quan đến nền tảng hạ tầng, ông Mai Tiến Dũng đề nghị các nhà mạng, các doanh nghiệp tư nhân giỏi giúp cho các bộ, ngành, địa phương xây dựng nền tảng hạ tầng trên cơ sở xã hội hóa. Ông Dũng cũng đề nghị chuyển từ phương thức mua đầu tư lập dự án sang thuê các dịch vụ của các nhà mạng có đầy đủ năng lực, trách nhiệm trong vấn đề thiết kế quy trình, kỹ thuật và an toàn hệ thống. “Tại hội nghị lần trước có đồng chí lãnh đạo tỉnh nói với tôi là bây giờ mua một cái iPad rất khó. Tôi mới nói rằng sao không thuê một cái iPad” - ông Dũng ví von. (Pháp Luật TPHCM 17/11, Tá Lâm)Về đầu trang

CHÍNH SÁCH MỚI

Tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1/2020

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ban hành Nghị định quy định mức lương tối thiểu (LTT) vùng đối với người lao động (NLĐ) làm việc theo hợp đồng lao động. Theo đó, từ ngày 1/1/2020, LTT vùng tăng từ 150.000-240.000 đồng/người/tháng.

 Quy định hiện hành nêu rõ, lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và NLĐ thỏa thuận và trả lương. Trong đó, mức lương trả cho NLĐ làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời gian làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải bảo đảm.

 Cụ thể, NLĐ thuộc vùng 1 tăng lương từ 4.180.000 đồng lên 4.420.000 đồng/tháng; vùng 2 tăng từ 3.710.000 đồng lên 3.920.000 đồng/tháng; vùng 3 tăng từ 3.250.000 đồng lên 3.430.000 đồng/tháng; vùng 4 tăng từ 2.920.000 đồng lên 3.070.000 đồng/tháng.

 Trước đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sau khi lấy ý kiến rộng rãi đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định mức LTT vùng đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động.

 Tại dự thảo, Bộ này đề xuất điều chỉnh LTT vùng năm 2020 tăng từ 150.000 - 240.000 đồng/tháng. Mức này phải cao hơn ít nhất 7% so với mức LTT vùng đối với NLĐ làm công việc đòi hỏi đã qua học nghề, đào tạo nghề. 

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhấn mạnh, khi thực hiện mức LTT vùng, doanh nghiệp không được xoá bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi NLĐ làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại...

 Các khoản phụ cấp, bổ sung khác, trợ cấp, tiền thưởng do DN quy định thì thực hiện theo thoả thuận trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của doanh nghiệp.

 Nghị định vừa ban hành cũng điều chỉnh địa bàn áp dụng mức LTT vùng tại 4 địa phương: Huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước), TP Bến Tre, huyện Châu Thành (tỉnh Bến Tre) từ vùng III lên vùng II; huyện Đông Sơn, huyện Quảng Xương (tỉnh Thanh Hóa), huyện Nghi Lộc, huyện Hưng Nguyên, thị xã Cửa Lò (tỉnh Nghệ An), huyện Ba Tri, huyện Bình Đại, huyện Mỏ Cày Nam (tỉnh Bến Tre) điều chỉnh từ vùng IV lên vùng II.

 Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, việc điều chỉnh nhằm tạo sự cân đối hợp lý về giá nhân công giữa các địa bàn lận cận. Lý do là các địa bàn trên có thị trường lao động phát triển hơn, hình thành các cụm, KCN, điều kiện cơ sở hạ tầng đã được cải thiện đáng kể, giáp với các địa bàn khác có mức LTT vùng cao hơn.

 Hiện nay, có 80 địa bàn áp dụng mức LTT vùng I (chiếm 11,22%), có 87 địa bàn áp dụng mức LTT vùng II (12,2%), 168 địa bàn áp dụng mức LTT vùng III (23,56%) và 378 địa bàn áp dụng mức LTT vùng IV (53,02%). Vì vậy, theo Bộ LĐ-TB-XH, việc điều chỉnh một số địa bàn áp dụng năm 2020 (vùng I giữ nguyên, vùng II tăng 3 địa bàn, vùng II tăng 5 địa bàn, vùng IV giảm 8 địa bàn) có tác động không lớn trên tổng thể.

 Năm 2019, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã chốt mức đề xuất tăng LTT vùng năm 2020 là 5,5% để trình Chính phủ xem xét. Chính phủ đã giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá tác động của việc tăng LTT vùng năm 2020.

 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết đã điều tra 2.000 doanh nghiệp. Trong năm 2019, mức lương bình quân thấp nhất doanh nghiệp thực trả cao hơn khoảng 8%-12% so với mức LTT vùng do Chính phủ quy định.

 Như vậy, thực tế doanh nghiệp đang trả cao hơn mức LTT vùng do Chính phủ quy định năm 2019 và mức dự kiến điều chỉnh năm 2020, nên việc điều chỉnh mức LTT vùng năm 2020 dự kiến chủ yếu tác động đến chi phí đóng BHXH của các doanh nghiệp. (Dantri.com.vn 17/11, Châu Như Quỳnh)Về đầu trang

CHỈ THỊ MỚI

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 11-15/11

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các doanh nghiệp ngành hàng không, đặc biệt là các Cảng hàng không và Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam có các giải pháp, phương án quản lý vùng trời khu vực lân cận Cảng hàng không, sân bay phòng ngừa, ứng phó với tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ uy hiếp an ninh, an toàn hàng không. Đây là một trong những thông tin chỉ đạo, điều hành nổi bật của Thủ tướng Chính phủ phủ tuần qua.

 Nghiêm trị mọi hành vi phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt: Chính phủ đã ban hành Nghị định 81/2019/NĐ-CP về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; trong đó quy định về nguyên tắc, chính sách, biện pháp, lực lượng, phương tiện phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

 Quy định nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng: Chính phủ ban hành Nghị định quy định về nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng. Nghị định này quy định về đối tượng, điều kiện được phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ và quản lý hoạt động phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng tại Việt Nam.

 Hỗ trợ tu sửa, xử lý khẩn cấp đê, kè, cống không quá 3 tỷ đồng/1 công trình: Chính phủ ban hành Nghị định 83/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 94/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai. Về nội dung chi của Quỹ phòng, chống thiên tai, Nghị định sửa đổi: Chi hỗ trợ các hoạt động phòng, chống thiên tai và ưu tiên hỗ trợ cho các hoạt động quy định tại điểm a, b, c khoản 3 Điều 10 Luật Phòng, chống thiên tai và hoạt động cứu trợ, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai.

 Tìm kiếm nguồn nước dưới đất phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số: Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Chương trình điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước. Chương trình đặt mục tiêu cụ thể là tìm kiếm các nguồn nước dưới đất có trữ lượng, chất lượng phù hợp, đáp ứng yêu cầu cung cấp nước phục vụ sinh hoạt ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước; đề xuất được các giải pháp khoa học, công nghệ và chính sách nhằm quản lý, bảo vệ nguồn nước dưới đất...

 Điều tra, sớm đưa ra xét xử vụ Cty địa ốc Alibaba: Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình giao Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ các vi phạm xảy ra tại Công ty cổ phần địa ốc Alibaba để sớm đưa ra truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật và thu hồi tài sản do các hành vi phạm tội mà có. Trong quá trình điều tra nếu phát hiện có sự bao che của cán bộ, công chức các cơ quan nhà nước cần xác minh, làm rõ để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. (Baochinhphu.vn 1/611, Chí Kiên)Về đầu trang

Xây dựng cơ chế hợp tác đào tạo doanh nghiệp - trường nghề

Thủ tướng vừa đề nghị Bộ LĐ-TB&XH thiết kế và đề xuất cơ chế hợp tác giữa nhà trường, doanh nghiệp và Chính phủ trên các lĩnh vực ngành nghề trọng điểm.

 Đây là nội dung quan trọng tại Diễn đàn Quốc gia "Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam". Cụ thể, doanh nghiệp tham gia xây dựng nội dung đào tạo và tiếp nhận học viên, nhà trường tập tập trung nâng cao chuyên môn và chất lượng đào tạo. Còn Nhà nước thực hiện chính sách ưu đã đối với những doanh nghiệp tích cực tham gia đào tạo và nhận nhiều lao động đã được đào tạo nghề.

 hủ tướng khẳng định, trong quá trình tiến tới tự chủ của các trường nghề, Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ. Mặt khác, các địa phương phải cũng phải có cơ chế ưu đãi cho trường nghề và doanh nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp. (VTV.vn 17/11)Về đầu trang

TIN QUỐC HỘI

Quốc hội bàn cấm hay để đòi nợ thuê

Ngày 15-11, Quốc hội (QH) đã nghe Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra về hai dự án luật trên. Sau đó QH tiến hành thảo luận ở tổ.

 Tại các tổ thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu (ĐB) đề nghị cần quy định đầy đủ, chặt chẽ về hành lang pháp lý cho loại hình dịch vụ kinh doanh đòi nợ thuê.

 Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho rằng dịch vụ đòi nợ vừa qua bị lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến trật tự xã hội. Ví dụ tín dụng đen, qua các tổ chức đòi nợ thuê, đứng sau là các nhân vật cộm cán, dẫn đến bắt giữ người trái phép, gây mất trật tự…

 “Cái đó rõ ràng phải nghiêm trị nhưng đòi nợ cũng là dịch vụ của cơ chế thị trường, luật phải quy định cụ thể ai được làm và làm thì cần tuân thủ cái gì, vi phạm thì xử lý ra sao chứ cấm là không hợp lý” - ông Hiển nói và nhấn mạnh quan hệ kinh doanh ngày càng chằng chịt mà nợ nần thì thông qua tổ chức hợp pháp để đòi là văn minh. “Đừng thấy vài vụ việc xảy ra mà chuyển từ cực này sang cực khác” - Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển nói.

 ĐB Lê Công Nhường (Bình Định) cũng cho rằng không nên cấm đòi nợ thuê vì đây là nhu cầu của xã hội, cấm thì sẽ biến tướng. “Tín dụng đen bị cấm thì chuyển sang hoạt động trên mạng, đòi nợ thuê cũng thế. Nên quan tâm xây dựng pháp luật đủ để quản lý chứ không nên cấm” - ông Nhường nói.

 ĐB Vũ Trọng Kim (Hải Dương) bày tỏ băn khoăn về việc cấm đòi nợ thuê thế nào. Dù thừa nhận thực tế “xã hội đen” làm cho đòi nợ thuê biến tướng nhưng ĐB Kim cho rằng: “Nên mở hành lang pháp lý. Ai đứng ra làm được việc này thì ủng hộ cho người ta làm và bên chủ nợ phải có phần tỉ lệ nhất định để trả thù lao đi đòi. Như thế nó rõ ràng. Nhưng anh phải làm theo đúng pháp luật. Anh phải tìm hiểu, hòa giải, trao đổi chứ không phải dùng hành vi trái pháp luật. Bây giờ dùng hành vi trái pháp luật nhiều quá”.

 ĐB Kim đề nghị không cấm. “Vì đòi nợ thuê không phải kinh doanh mà người ta đòi nợ thuê là bỏ công sức, kiến thức pháp luật, kinh tế để đi đòi thì người ta phải được hưởng tiền hoa hồng, phần trăm trên số nợ” - ĐB Kim nhận định.

 ĐB Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) thì đề nghị nếu đây là nhu cầu thì cần phải đánh giá tác động và thông tin đầy đủ hơn. “Không để xã hội đánh giá cơ quan quản lý quản lý không được thì cấm” - ĐB Hạnh nói.

 ĐB Phan Thị Mỹ Dung (Long An) cũng thừa nhận đòi nợ thuê là nhu cầu và đã được thể chế hóa thành Nghị định 104/2007. “Nhưng gần đây ở các nơi nở rộ loại dịch vụ này như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương thì diễn biến rất phức tạp” - ĐB Dung nói. Những khoản nợ không tuân thủ quy định pháp luật giữa người dân, doanh nghiệp với nhau, chủ nợ thường không tìm đến cơ quan pháp lý để được hỗ trợ, giải quyết, không đi theo con đường tố tụng vì không đủ cơ sở, thậm chí lo ngại chậm giải quyết. “Chủ nợ thường tìm đến các dịch vụ đòi nợ thuê, thậm chí bán nợ cho các công ty này với tỉ lệ rất cao, trên 50% nhưng đổi lại họ sẽ đòi được một phần số nợ” - ĐB Dung nói. Dù vậy ĐB Dung lại thống nhất với đề xuất cấm kinh doanh đòi nợ thuê.

 ĐB Vũ Xuân Hùng (Thanh Hóa) cũng đồng ý cấm kinh doanh đòi nợ thuê vì nhiều nơi, nhiều người làm dịch vụ này ngang nhiên gây hao tổn sức khỏe, tinh thần của người khác và đặc biệt làm lu mờ chính quyền ở địa phương các cấp. “Khi tòa thi hành án, việc thi hành khó, người dân ít chấp hành nhưng lực lượng đòi nợ thuê đòi thì được ngay nhưng gây xáo trộn tâm lý, sức khỏe cho người dân” - ĐB Hùng nói.

 Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết đề xuất cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Bộ trưởng cũng thừa nhận trên thực tế nhu cầu đòi nợ thuê là có và cũng phân chia ra hai loại tích cực và tiêu cực.

 Mặt tích cực của dịch vụ này là bảo vệ được quyền lợi của bên cho vay, giúp thu hồi được các khoản nợ. Mặt tiêu cực là đòi nợ thuê cũng rất phức tạp, nhiều biến tướng khi tín dụng đen nở rộ, sử dụng xã hội đen để đòi nợ. Bộ trưởng Dũng cho biết từ thực tế như vậy nên Bộ Công an đã đề nghị cấm dịch vụ này, nếu không sẽ rất phức tạp cho xã hội. (Pháp Luật TPHCM 16/11)Về đầu trang

“Nên có luật riêng về hộ kinh doanh”

 Đưa hộ kinh doanh vào luật là một trong những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau khi thảo luận về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

 Tuần qua, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

 Trình bày Tờ trình về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: Việc sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp nhằm tạo thuận lợi nhất cho hoạt động thành lập và đăng ký doanh nghiệp; cắt giảm chi phí và thời gian trong khởi sự kinh doanh; góp phần nâng xếp hạng chỉ số khởi sự kinh doanh lên ít nhất 25 bậc (theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới).

 Cùng với đó, nâng cao cơ chế bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, cổ đông, thành viên của doanh nghiệp; thúc đẩy quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực theo thông lệ tốt và phổ biến trong khu vực và quốc tế; nâng mức xếp hạng chỉ số bảo vệ nhà đầu tư lên ít nhất 20 bậc (theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới); nâng cao hiệu lực quản trị, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình đối với doanh nghiệp mà nhà nước có phần vốn góp chi phối; tạo thuận lợi cho hộ kinh doanh phát huy tối đa tiềm năng và lợi ích, đóng góp cho phát triển kinh tế; tạo thuận lợi hơn, giảm chi phí trong tổ chức lại doanh nghiệp đối với hình thức: sáp nhập, hợp nhất, chia, tách và chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.

 Luật này sửa đổi tại 66 điều; bãi bỏ 2 điều; bổ sung 8 điều và 1 chương (chương VIIa, gồm 5 điều, về Hộ kinh doanh) với các nội dung về: Đăng ký doanh nghiệp; Quản trị công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần; doanh nghiệp nhà nước; hộ kinh doanh; tổ chức lại, sáp nhập, chia, tách, hợp nhất, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.

 Dự thảo Luật bổ sung Chương VIIa về hộ kinh doanh, gồm các Điều 187a, 187b và 187c, tiếp tục thừa nhận sự tồn tại của “hộ kinh doanh” là một hình thức kinh doanh, bên cạnh các loại hình doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần; quy định rõ ràng địa vị pháp lý và trách nhiệm dân sự của hộ kinh doanh bảo đảm phù hợp với Bộ luật Dân sự…

 Cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận thấy việc hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với hộ kinh doanh là cần thiết.

 Tuy nhiên, việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật là một vấn đề lớn, phạm vi rất rộng, cần đánh giá kỹ tác động, lấy ý kiến rộng rãi của đối tượng chịu tác động (hộ kinh doanh), đề nghị cân nhắc nghiên cứu xây dựng một Nghị định riêng về hộ kinh doanh bảo đảm khuyến khích, quản lý hộ kinh doanh để họ phát triển sản xuất kinh doanh theo năng lực và tuân thủ pháp luật, khi đủ điều kiện sẽ xây dựng một luật riêng về hộ kinh doanh.

 Một số ý kiến nhất trí với dự án Luật Doanh nghiệp sửa đổi, trong đó bổ sung một chương mới quy định về hộ kinh doanh, khẳng định địa vị pháp lý, nâng cao năng lực quản trị của chủ thể này khi tham gia vào thị trường, tạo điều kiện hỗ trợ hộ kinh doanh tiếp cận và thực hiện đầy đủ chính sách của Nhà nước. Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nêu quan điểm, việc đưa loại hình "hộ kinh doanh" vào luật sẽ giúp quản trị và phát triển các hộ này theo hướng chuyên nghiệp và bền vững hơn. Các đối tượng hộ kinh doanh được đưa vào luật phải là những hộ có quan hệ lao động.

 "Nếu chúng ta đưa đối tượng này vào thì hoạt động của các hộ này sẽ được thực hiện thông qua các hình thức đăng ký, từ đó có sự kiểm soát và kinh tế hộ sẽ lớn lên. Tuy nhiên, đi kèm theo việc chúng ta đưa vào luật như vậy thì phải có các chính sách ưu đãi như đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa", đại biểu Hoàng Văn Cường nêu ý kiến.

 Không đồng tình với đại biểu Hoàng Văn Cường và một số đại biểu khác về việc bổ sung một chương về hộ kinh doanh vào dự án Luật Doanh nghiệp sửa đổi, nhiều ý kiến cho rằng, việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật này là không phù hợp vì Luật Doanh nghiệp quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp.

 Theo đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội), tên gọi Luật Doanh nghiệp có nghĩa là điều chỉnh toàn bộ quá trình thành lập, hoạt động, giải thể liên quan đến doanh nghiệp, nhưng hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp. Nếu điều chỉnh phạm vi, đưa đối tượng này vào dự án Luật thì tên gọi của luật nên là Luật Doanh nghiệp và hộ kinh doanh.

 Đại biểu nhất trí với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội là không nên đưa hộ kinh doanh vào luật mà có một nghị định riêng. Sau một thời gian thực hiện, nếu nghị định này có hiệu lực và hiệu quả về mặt pháp luật và thực tiễn sẽ nâng lên thành một luật riêng về kinh tế hộ gia đình. (Baochinhphu.vn 17/11, Thành Đạt)Về đầu trang

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Chính quyền Đà Nẵng “bớt” việc nhà nước cho tư nhân

Việc cấp giấy chứng nhận trên một số lĩnh vực như đô thị, vận tải; cấp mới, cấp lại, cấp đổi thẻ hướng dẫn viên du lịch… tại TP Đà Nẵng sẽ do tư nhân đảm nhận.

 Đề án chuyển giao một số nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công lâu nay do các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện sang cho doanh nghiệp, tổ chức xã hội có đủ năng lực đảm nhiệm vừa được Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ phê duyệt.

 Theo đó, chính quyền TP Đà Nẵng chỉ giữ lại những loại hình dịch vụ hành chính công mà “đầu mối” phải do cơ quan nhà nước thực hiện. Còn lại, một số dịch vụ hoặc một số khâu trong thủ tục hành chính có thể chuyển giao cho tư nhân và doanh nghiệp có đủ năng lực và chức năng quản lý.

 Chủ tịch Đà Nẵng cho biết việc chuyển giao các dịch vụ công được thực hiện theo hai cách: Cách thứ nhất là Nhà nước huy động sự tham gia của các nguồn lực thuộc khu vực ngoài nhà nước vào cung ứng dịch vụ; Cách thứ hai là Nhà nước từng bước chuyển giao dịch vụ cho các cá nhân, tổ chức ngoài nhà nước thực hiện.

 Ông Trương Đình Đức, Trưởng VP đại diện Hội Doanh nghiệp Tư nhân Việt Nam tại miền Trung khẳng định: “Việc thông qua đề án trên có ý nghĩa quan trong trong công tác tổ chức, cải cách hành chính, nó có yếu tố quyết định “nội lực” trong đường lối chính sách phát triển chung của TP. Nếu đề án trên đi vào hoạt động hiệu quả sẽ xây dựng bộ máy quản lý nhà nước tinh gọn, hiệu lực. Từ đó nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công trên địa bàn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp”.

 Qua Đề án trên, Đà Nẵng sẽ thực hiện tổng ra soát trên các lĩnh vực đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt đô thị, vận tải; cấp mới, cấp lại, cấp đổi thẻ hướng dẫn viên du lịch… thuộc lĩnh vực xây dựng, y tế cho doanh nghiệp và tổ chức ngoài nhà nước đủ điều kiện đảm nhiệm.

 Đề án chuyển giao một số nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công lâu nay do các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện sang cho doanh nghiệp sẽ ưu tiên đối với các doanh nghiệp, tổ chức tham gia thực hiện trong thời gian đầu triển khai theo đúng quy định của pháp luật; các ưu đãi về thuế, hỗ trợ đào tạo nhân lực… và có cơ chế khuyến khích đối với những doanh nghiệp thực hiện tốt, có nhiều đề xuất, sáng tạo trong công tác cải cách hành chính công.

 Trao đổi về đề án trên, luật sư Đỗ Pháp, Trưởng Văn phòng Luật sư Đỗ Pháp tại Đà Nẵng cho biết: “Đề án trên là “bước đi” mang tính chất đột phá đối với công tác cải cách hành chính công của TP tại thời điểm hiện tại và trong những năm tiếp theo. Đề án trên sẽ giúp bộ máy hành chính tinh gọn, đồng thời với chuyển giao những việc mà xã hội làm tốt hơn để cơ quan nhà nước tập trung chức năng hành pháp, kiểm soát chính sách và xử lý kịp thời các yêu cầu của dân và doanh nghiệp một cách xác đáng và kịp thời hơn. Đơn cử như thủ tục các văn phòng công chứng tư nhân thời gian qua chúng ta thực hiện và kiểm soát rất tốt”.

 Luật sư Đỗ Pháp tiếp tục khẳng định, ngay khi Đề án triển khai sẽ gặp không ít “bỡ ngỡ” trong công tác quản lý, tuy nhiên, chúng ta sẽ điều chỉnh dần sao cho phù hợp và hiệu quả nhất. Đồng thời sẽ giảm tải công việc hành chính cho các cơ quan công quyền để thực hiện chức năng chuyên môn tốt hơn. (Diễn Đàn Doanh Nghiệp 17/11, Hương Thu)Về đầu trang

Nghịch lý doanh nghiệp lao đao vì không được đóng thuế

Hàng nghìn tỷ đồng là số tiền các nhà máy sản xuất phân bón trong nước đang bị mất đi mỗi năm do Luật Thuế số 71 (năm 2015) quy định phân bón không chịu thuế VAT.

 Để sản xuất gần 2 triệu tấn phân bón, mỗi năm một nhà máy phải đóng hàng trăm tỷ đồng thuế VAT đầu vào cho việc nhập nguyên nhiên liệu, đầu tư công nghệ. Vì không chịu thuế VAT đầu ra, tất cả chi phí nói trên doanh nghiệp phải tự chịu. Các nhà máy cho rằng, quy định sản phẩm phân bón không chịu thuế VAT hiện không còn phù hợp. Nguyên nhân là do các nước sản xuất phân bón cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam đã áp dụng mức thuế này từ 8% - 25%. 

Các nhà máy hết sức điêu đứng vì không được khấu trừ thuế đầu vào, kéo theo gánh nặng chi phí, đặc biệt là mất khả năng cạnh tranh so với sản phẩm phân bón ngoại nhập. Các nhà máy không chỉ mất đi lợi thế cạnh tranh mà bất cập nói trên còn kéo theo nhiều hệ lụy và nông dân là đối tượng sẽ chịu thiệt.

 Thuế VAT được thu nộp vào ngân sách Nhà nước. Việc được khấu trừ sẽ khuyến khích các nhà máy đầu tư nâng cao chất lượng, góp phần lành mạnh hóa thị trường phân bón. Đây cũng là mong mỏi của hàng chục triệu nông dân Việt Nam từ lâu nay. (VTV.vn 16/11)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Không để người yếu kém về năng lực, đạo đức tham gia cấp ủy

Ngày 17.11, ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã làm việc tại Bạc Liêu về công tác cán bộ và kiểm tra tình hình phát triển kinh tế - xã hội Bạc Liêu.

 Tại buổi làm việc, ông Phạm Minh Chính lưu ý: Thời gian tới, tỉnh Bạc Liêu cần xây dựng chiến lược, quy hoạch bài bản trong phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch hạ tầng của tỉnh gắn với quy hoạch chiến lược liên kết vùng để phát triển lâu dài, bền vững. Hơn nữa, năng lực cạnh tranh của địa phương có tăng nhưng còn thấp, cần cố gắng thêm; kinh tế - xã hội phát triển nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.

 Về công tác cán bộ cho đại hội tới, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương lưu ý: “Trong công tác quy hoạch, bố trí cán bộ nhiệm kỳ tới chú ý cơ cấu cán bộ trẻ, người dân tộc, dựa trên tinh thần dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch. Tỉnh cần làm tốt công tác đánh giá cán bộ, bố trí cán bộ phù hợp với việc làm gắn với công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ; chống chạy chức chạy quyền, không để người yếu kém về năng lực, đạo đức tham gia vào cấp ủy”. (Lao Động 17/11, Nhật Hồ)Về đầu trang

Thanh Hóa: Bắt dân đóng tiền san lấp để xây ủy ban mới

Ngày 15-11, bà Hoàng Thị Hồng, Phó Chủ tịch HĐND huyện Lang Chánh, Thanh Hóa, cho hay: Đang cho rà soát lại nghị quyết của HĐND xã Đồng Lương của huyện này về việc ra nghị quyết thu tiền của dân có dấu hiệu trái luật. “Sau khi có kết quả, chúng tôi sẽ có hướng xử lý” - bà Hồng nói.

 Theo phản ánh của người dân xã Đồng Lương, huyện Lang Chánh (Thanh Hóa), năm 2016 xã có chủ trương xây dựng trụ sở mới thay cho nơi làm việc cũ. Một trong số những hạng mục được xã ra nghị quyết vận động, thu tiền của người dân đóng góp là san lấp nền trụ sở xã với số tiền gần 600 triệu đồng.

 Cụ thể, số tiền vận động thu của người dân trong vòng ba năm từ năm 2016 đến năm 2018 là 450.000 đồng/hộ, kể cả hộ nghèo. Theo người dân, họ bất ngờ về việc thu tiền san lấp nền công sở mà không được tham gia họp bàn, thống nhất. Bởi xây dựng trụ sở xã thì ngân sách nhà nước chi, việc thu như thế là không hợp lý, sai quy định.

 Chị Lê Thị Nga ngụ thôn Chiềng Khạt, xã Đồng Lương nói: Hằng năm gia đình chị đều được thông báo về các khoản thu, trong đó có khoản thu tiền san lấp nền công sở mới của UBND xã Đồng Lương. Tuy nhiên, vì là gia đình hộ nghèo nên chị đang khất nợ. 

Ông Lê Văn Dũng, Trưởng thôn Chiền Khạt, thông tin: Cả thôn có 234 hộ, trong đó có 10% hộ nghèo. Đến nay thôn đã đóng 70 triệu đồng, tức là khoảng một nửa số hộ dân đóng đủ 450.000 đồng, số còn lại chưa nộp.

 “Lý do nhiều hộ chưa nộp là do thu nhập chủ yếu nghề làm nông nên khó khăn trăm bề. Việc bắt dân đóng góp để san lấp nền công sở trong khi không được thống nhất của dân là vô lý nhưng chúng tôi vẫn phải chấp hành. Khi có ý kiến thì xã nói người dân đóng tiền san lấp là theo nghị quyết của HĐND xã” - ông Dũng nói.

 Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Minh Phương, Chủ tịch UBND xã Đồng Lương, xác nhận: Xã đã thực hiện việc thu tiền san lấp của dân trong ba năm qua. Việc thu này đã được thông qua tại cuộc họp HĐND xã, có biên bản họp và được người dân ủng hộ.

 “Thu ba năm nhưng đến nay mới chỉ thu chưa đầy 100 triệu đồng. Hiện chúng tôi đã chi trả 80 triệu đồng san lấp mặt bằng, số còn lại xã vẫn đang giữ” - ông nói.

 Tuy nhiên, một số hộ dân cho là số tiền thu cao hơn nhiều vì chỉ trong năm 2016, xã này đã thu số tiền gần 110 triệu đồng.

 Về việc xã Đồng Lương ra nghị quyết thu tiền san lấp nền của dân, bà Hoàng Thị Hồng, Phó Chủ tịch HĐND huyện Lang Chánh, thông tin: Trước đây HĐND huyện Lang Chánh đi khảo sát thì thấy có một nghị quyết thu tiền xây dựng nông thôn mới. “Chúng tôi đã nói là HĐND xã không được ra nghị quyết thu tiền. Nếu muốn thu tiền xây dựng nông thôn mới thì phải thực hiện theo quy chế dân chủ là họp dân, dân đồng ý thì mới được thu. HĐND xã không được ra nghị quyết để thu, luật quy định đối với các huyện, các xã là không được ra nghị quyết thu bất cứ một loại phí gì cả” - bà Hồng cho hay. (Pháp Luật TPHCM 16/11, Đặng Trung)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Tạo lập hệ thống dữ liệu số hóa hộ tịch tại TP.HCM

Đây là yêu cầu của Sở Tư pháp TP.HCM trong buổi làm việc với 24 quận, huyện vào chiều 15/11 liên quan đến công tác số hóa sổ hộ tịch của thành phố.

 Việc nhập dữ liệu và số hóa chỉ làm với các sổ hộ tịch đăng ký trước ngày 31/5/2016, còn từ ngày 1/6/2016 trở đi chỉ số hóa bằng cách scan sổ, giấy hộ tịch và đẩy vào hệ thống dữ liệu của thành phố. Các dữ liệu này sẽ được kết nối với Bộ Tư pháp để hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về hộ tịch, hỗ trợ cho chính phủ điện tử trong tương lai.

 Tại buổi làm việc, các quận, huyện được phổ biến về quy trình tạo lập dữ liệu, cách thức số hóa, kết nối thông tin đảm bảo đúng quy định, đồng bộ với cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử của cả nước. Dự kiến, quận 5 là đơn vị thực hiện đầu tiên. Theo lộ trình, 4 loại sổ hộ tịch gồm: sổ đăng ký khai sinh, sổ đăng ký kết hôn, sổ đăng ký khai tử, sổ đăng ký nhận cha, mẹ, con sẽ được số hóa tạo kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở của TP.HCM giai đoạn 1. (VTV.vn 16/11)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Thu ngân sách 10 tháng đạt gần 90% dự toán

Ngày 15.11, Bộ Tài chính đã thông tin về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) tháng 10 và 10 tháng năm 2019.

 Cụ thể, tổng thu cân đối NSNN thực hiện tháng 10 ước đạt 152,1 nghìn tỷ đồng, lũy kế thu NSNN 10 tháng ước đạt 1.253,16 nghìn tỷ đồng, bằng 88,8% dự toán, tăng 9,9% so cùng kỳ năm 2018. Trong đó, thu nội địa tháng 10 ước đạt 131 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 57,7 nghìn tỷ đồng so với tháng 9. Lũy kế 10 tháng năm 2019 ước đạt 1.016,7 nghìn tỷ đồng, bằng 86,6% dự toán, tăng 10,9% so cùng kỳ năm 2018.

 Tính đến hết tháng 10, có 7 khoản thu và nhóm khoản thu đạt khá so dự toán và cao hơn mức thu bình quân chung (86,6% dự toán) như: thu về nhà, đất (117% dự toán), thu từ hoạt động xổ số kiến thiết (98,5% dự toán), thu cấp quyền khai thác khoáng sản, tài nguyên nước (139,4% dự toán)...

 Đáng chú ý, ước tính cả nước có 55/63 địa phương thu nội địa đạt tiến độ dự toán (trên 82%) và 56 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ năm 2018.

 Tính đến hết ngày 31.10.2019, hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã thực hiện kiểm soát chi ước đạt 738.619 tỷ đồng chi thường xuyên (đạt 70,8% dự toán) và 218.896 tỷ đồng chi đầu tư phát triển (đạt 57,2% kế hoạch vốn).

 Thông qua công tác kiểm soát chi NSNN, KBNN đã phát hiện 14.255 khoản chi chưa đủ thủ tục theo quy định, đã yêu cầu bổ sung các thủ tục cần thiết và từ chối thanh toán số tiền 55,6 tỷ đồng đối với chi thường xuyên và 68 tỷ đồng đối với chi đầu tư phát triển.

 Bộ Tài chính cho biết, về cơ bản cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Bộ Tài chính đã chủ động điều hành việc phát hành trái phiếu Chính phủ để vừa sử dụng có hiệu quả ngân quỹ nhà nước, vừa đảm bảo nguồn thanh toán, chi trả kịp thời các khoản nợ gốc đến hạn và góp phần định hướng sự phát triển của thị trường, cơ cấu lại nợ công. (Đại Biểu Nhân Dân 16/11)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Chủ tịch Tổng công ty Đường sắt bị cảnh cáo

Đảng ủy Khối doanh nghiệp trung ương vừa quyết định kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng đối với ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

 Bên cạnh đó, đơn vị này đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức cuộc họp kiểm điểm ông Minh về mặt hành chính.

 Liên quan đến vụ việc trên, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng vừa có văn bản đề nghị ông Minh chuẩn bị báo cáo kiểm điểm, giải trình các hành vi vi phạm và tự nhận hình thức kỷ luật.

 Được biết, ông Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT từ năm 2014. Đến tháng 2-2017, ông được bổ nhiệm làm chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

 Thời điểm nêu trên, Vụ Quản lý doanh nghiệp cũng tham mưu cho Bộ GTVT các chủ trương phê duyệt phương án cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại nhiều doanh nghiệp, đơn vị thuộc Bộ GTVT.

 Trước đó, ba thứ trưởng cùng một cựu thứ trưởng Bộ GTVT cũng bị kỷ luật liên quan đến trách nhiệm cá nhân về ký các quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp, phương án cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại nhiều doanh nghiệp… (Pháp Luật TPHCM 16/11, V.Long)Về đầu trang

Thêm 3 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến vụ gian lận thi cử tại Sơn La

 Ủy Ban kiểm tra các cấp tỉnh Sơn La vừa ra quyết định kỷ luật thêm 3 đảng viên do có vi phạm liên quan đến vụ gian lận trong Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019.

 Theo đó, các Quyết định số 147, 148, ban hành ngày 7/11/2019, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Mai Sơn, tỉnh Sơn La đã quyết định xử lý kỷ luật ông Trần Văn Phúc, Bí thư Chi bộ, Hiệu Trưởng Trường Trung học Phổ thông Cò Nòi và bà Nguyễn Thị Dung, Bí thư Chi bộ, Phó Trạm trưởng Trạm Y tế thị trấn Hát Lót bằng hình thức cảnh cáo.

 Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Sơn La có Quyết định số 42, ngày 12/11/2019 xử lý kỷ luật bà Nguyễn Thị Hương, Chi ủy viên Chi bộ 1, Đảng ủy Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La, Phó Trưởng phòng Tổ chức cán bộ và Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La bằng hình thức cảnh cáo.

 Các trường hợp này đều là đối tượng trung gian, đã nhờ xem điểm cho một số thí sinh trong Kỳ thi THPT Quốc gia tỉnh Sơn La năm 2018.

 Ngoài ra, các trường hợp Nguyễn Thị Ngọc Thúy, đảng viên Chi bộ Khoa học – Xã hội, Đảng bộ Trường Đại học Tây Bắc và Nguyễn Thị Kim, đảng viên, Chi bộ Thể dục – Sử - Địa – Giáo dục công dân – Văn Phòng, Đảng bộ Trường Trung học Phổ thông Tô Hiệu, thành phố Sơn La hiện nay chưa đủ căn cứ để xem xét xử lý. Sau khi Tòa án nhân dân xét xử vụ án, bản án có hiệu lực pháp luật, tổ chức đảng có thẩm quyền sẽ xem xét xử lý kỷ luật theo quy định.

 Trước đó, ngày 5/11/2019, Ủy ban Kiểm tra tỉnh Sơn La đã ra thông báo số 208-TB/UBKTTU về kết quả kiểm, xem xét, thi hành kỷ luật với tổ chức đảng, đảng viên có vi pham liên quan đến kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 tại Sơn La. Theo đó, thi hành kỷ luật 83 đảng viên; phê bình nghiêm khắc 9 đảng viên. Những đảng viên này bị xử lý kỷ luật bằng các hình thức: kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc; khiển trách; cảnh cáo; khai trừ và cách tất cả các chức vụ trong Đảng, cũng như mọi chức vụ về mặt chính quyền.

 Hiện nay còn 3 trường hợp đảng viên trong diện đang xem xét kỷ luật; trong số này có 2 trường hợp là những đảng viên ngoài Đảng bộ tỉnh Sơn La. Ngoài ra, 2 trường hợp đang trong giai đoạn thai sản nên chưa xem xét kỷ luật. (VTV.vn 16/11)Về đầu trang

Hà Nội: Sẽ cho ra khỏi ngành đối với nữ Đại úy náo loạn sân bay

Đảng bộ của Công an quận Đống Đa (Hà Nội) đã tiến hành kỷ luật nữ Đại úy này bằng hình thức khai trừ Đảng.

 Trao đổi với phóng viên cách đây ít phút, Trung tướng Đoàn Duy Khương - Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, Công an TP Hà Nội đang làm quy trình kỷ luật đối với Đại úy Lê Thị Hiền. Hình thức kỷ luật sẽ hạ 2 cấp từ Đại úy xuống Trung úy và cho viết đơn xin ra khỏi ngành. 

Trước đó, Đảng ủy Công an quận Đống Đa (Hà Nội) đã tiến hành kỷ luật Đảng đối với Đại úy Lê Thị Hiền bằng hình thức khai trừ Đảng (mức cao nhất trong kỷ luật Đảng).

 Bà Lê Thị Hiền là Đại úy thuộc Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự - Phản ứng nhanh (Công an quận Đống Đa). Vào ngày 11/8 vừa qua, bà Hiền đã có hành vi gây náo loạn tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM).

 Phòng giám sát an ninh tại sân bay quyết định chuyển giao vụ việc cho Đồn Công an Tân Sơn Nhất xử lý. Sau đó, bà Hiền bị lập biên bản xử phạt 200.000 đồng về hành vi gây mất trật tự. Tới 23/8, Đại úy Hiền bị đình chỉ công tác 30 ngày.

 Sau đó, Cục Hàng không Việt Nam đã ra quyết định cấm bay 12 tháng với Đại úy Hiền, tính từ ngày 27/8/2019 đến hết ngày 26/8/2020. Nữ Đại úy này phải chịu sự kiểm tra trực quan bắt buộc 12 tháng tiếp theo tính từ ngày 27/8/2020 đến hết ngày 26/8/2021 khi đi máy bay.

 Về phía Công an quận Đống Đa, đơn vị này đã ra quyết định đình chỉ công tác 30 ngày đối với Đại úy Lê Thị Hiền để kiểm điểm, làm rõ việc người này có hành vi, lời nói không chuẩn mực với nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất. (VTV.vn 16/11)Về đầu trang

Đình chỉ cán bộ Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM có hành vi dâm ô nhiều bé gái

Trưa 17/11, Trung tâm Hỗ trợ xã hội (Sở LĐTB&XH) đã có quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày để xem xét, xử lý kỷ luật theo quy định đối với ông Nguyễn Tiến Dũng, người có hành vi dâm ô với các bé gái đang được quản lý tại đây.  Thời gian đình chỉ công tác đối với ông Dũng bắt đầu từ ngày 18/11/2019.

 Trước đó, sáng ngày 17/11, sau khi tiếp nhận thông tin từ báo chí về việc ông Nguyễn Tiến Dũng, cán bộ ở bộ phận tiếp nhận hồ sơ thuộc Trung tâm hỗ trợ xã hội TP, có hành vi dâm ô với các bé gái (là những em đang được trung tâm quản lý), Thường trực Thành ủy TP.Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Sở LĐTB&XH lập tức làm rõ sự việc để có biện pháp xử lý kịp thời.

 Trưa ngày 17/11, Ban Giám đốc Sở LĐTB&XH đã tổ chức cuộc họp khẩn với sự tham gia của nhiều bên liên quan và cá nhân ông Nguyễn Tiến Dũng. Tại cuộc họp này, ông Dũng đã thừa nhận hành vi sai phạm của mình. 

Hiện Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an Thành phố cũng đã thụ lý đơn tố giác tội phạm và sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

 Theo văn bản báo cáo vụ việc của Trung tâm hỗ trợ xã hội đến Sở LĐTB&XH, ông Dũng đã có hành vi dâm ô với 4 bé gái, dụ dỗ 1 bé gái khác. Hành vi dâm ô của ông còn có sự chứng kiến của hai bé gái 10 tuổi và 8 tuổi. 

Được biết, chiều 17/11, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã điện thoại trực tiếp tới lãnh đạo UBND thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật vụ việc dâm ô vừa bị phát hiện tại Trung tâm hỗ trợ xã hội. (VTV.vn 17/11, Quyên Nguyễn)Về đầu trang

Bạc Liêu: Bí thư thị trấn bị kỷ luật

Ông Trần Văn Sách, Bí thư Đảng ủy thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, bị khiển trách vì quan hệ "thân mật trên mức tình cảm" với người phụ nữ tố cáo mình.

 Ngày 16/11, ông Trần Văn Sách bị Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bạc Liêu kỷ luật bằng hình thức khiển trách, do thiếu tu dưỡng rèn luyện về phẩm chất đạo đức, lối sống, ảnh hưởng đến uy tín tổ chức Đảng và cá nhân.

 Trước đó, ông Sách bị người phụ nữ ở xã Điền Hải tố cáo về hành vi quan hệ bất chính ngoài hôn nhân với mình. Sau khi xác minh, ngành chức năng cho rằng chưa đủ cơ sở kết luận ông Sách quan hệ bất chính với người tố cáo nhưng có quan hệ gần gũi, thân mật trên mức tình cảm dẫn đến nhiều mâu thuẫn, hệ lụy; gây ảnh hưởng dư luận trong xã hội và đơn vị ông Sách công tác... (Vnexpress.net 16/11, Hoàng Hạnh)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Indonesia lên kế hoạch xây dựng thủ đô mới

Giới chức Indonesia cho biết nước này sẽ bắt đầu xây dựng thủ đô mới vào năm 2021, với mục tiêu đưa trung tâm hành chính trung ương đi vào hoạt động đầy đủ từ năm 2024.

 Dự kiến, vào tuần tới, các bộ, ban, ngành liên quan sẽ đệ trình lên Tổng thống Joko Widodo một sắc lệnh về việc thành lập cơ quan có thẩm quyền trong việc chuẩn bị, di chuyển và xây dựng thủ đô mới. Phát biểu sau cuộc họp kín với nhiều quan chức cấp cao, Bộ trưởng Điều phối Biển và Đầu tư Luhut Binsar Pandjaitan cho biết kế hoạch di chuyển thủ đô sẽ được chuẩn bị trong vòng một năm để bắt đầu triển khai vào đầu năm 2021 và hoàn tất vào năm 2024.

 Trong khi đó, Bộ trưởng Kế hoạch Phát triển Quốc gia Suharso Monoarfa cho biết cơ quan nêu trên dự kiến sẽ được thành lập trước cuối năm nay, với thành phần gồm các chuyên gia trung lập và sẽ báo cáo trực tiếp với Tổng thống Joko Widodo.

 Cũng theo Bộ trưởng Monoarfa, hiện vẫn còn nhiều vấn đề pháp lý cần xác định và làm rõ, ví dụ thủ đô mới sẽ hưởng quy chế vùng tự trị hay vùng đặc biệt, quy chế của "cố đô" Jakarta, mối quan hệ giữa chính quyền thủ đô mới với chính quyền trung ương, hay chức năng của thủ đô mới với tư cách là "thủ đô của quốc gia" hay chỉ là "thủ đô hành chính"…

 Ngày 26/8 vừa qua, Tổng thống Joko Widodo thông báo thủ đô mới của Indonesia sẽ được chuyển từ Jakarta - thành phố đang bị đe dọa bởi tình trạng sụt lún đất và ách tắc giao thông nghiêm trọng - đến vùng đất rộng 180.000 ha tại tỉnh Đông Kalimantan, cách thủ đô hiện nay khoảng hai giờ bay. Kế hoạch di dời thủ đô dự kiến sẽ tiêu tốn 466.000 tỷ rupiah (khoảng 32,79 tỷ USD), trong đó chính phủ sẽ cấp 19% số kinh phí, số còn lại do các đối tác trong khu vực công và tư nhân đầu tư chịu trách nhiệm. (VTV.vn 17/11)Về đầu trang./. 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

More