Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 06-11-2019

Post date: 12/11/2019

Font size : A- A A+

Tải file tại đây

CHÍNH SÁCH MỚI 1

1.   Quy định hôn người dưới 16 tuổi có thể bị phạm tội dâm ô chính thức có liệu lực. 1

2. Từ 5/11: Được dùng không quá 10 tài khoản phụ khi giao dịch thuế điện tử. 2

CHỈ THỊ MỚI 3

3.  “Các bộ, ngành và địa phương phải cải cách mạnh mẽ hơn nữa”. 3

4.Siết chặt quản lý trang thông tin điện tử tổng hợp. 4

5.Bộ Công thương yêu cầu rà soát, xử lý hàng hóa có hình “Đường lưỡi bò”. 4

TIN QUỐC HỘI 5

6.   Quốc hội tiếp tục thảo luận về các báo cáo phòng chống tội phạm.. 5

7.  Đa số đại biểu tán thành việc ban hành nghị quyết chung về công tác tư pháp. 5

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 6

8. Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh. 6

9.  Việt Nam xếp thứ 8 trong 20 nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư. 6

QUẢN LÝ.. 7

10.   Đề xuất bán xe qua tỉnh khác phải nộp lại đăng ký, biển số xe. 7

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 9

11.  Sang tên, đổi chủ xe có thể không phải rút hồ sơ gốc. 9

12. Bình Dương: Kỳ họp ứng dụng phần mềm phòng họp không giấy. 9

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 10

13.  Ban Bí thư thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa và một số cán bộ. 10

14.  Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang bị khai trừ ra khỏi Đảng. 12

15.  An Giang: Nhũng nhiễu doanh nghiệp, một cán bộ thuế bị cách chức. 13

16.   “Nói vui” với dân, 1 cán bộ ở Đà Nẵng phải xin lỗi 14

17.  Hạ cấp bậc, điều chuyển công tác nữ Đại úy công an náo loạn sân bay. 15

THẾ GIỚI 15

18.  Thí điểm nghỉ cuối tuần 3 ngày tại Nhật Bản. 15

19.   Putin sa thải đồng loạt 11 tướng. 16

 CHÍNH SÁCH MỚI

Quy định hôn người dưới 16 tuổi có thể bị phạm tội dâm ô chính thức có liệu lực

Một trong những quy định mới của Nghị quyết 06 của Hội đồng Thẩm phán có hiệu lực từ ngày 5/11 là hôn người dưới 16 tuổi có thể phạm tội dâm ô.

 Nội dung nổi bật của nghị quyết này là định nghĩa cụ thể về các hành vi dâm ô, trong đó có những hành vi mang tính chất tình dục nhưng không nhằm vào quan hệ tình dục như: hôn vào miệng, cổ, tai, gáy của người dưới 16 tuổi. Ngoài ra, hành vi dùng tay, chân, miệng, lưỡi vuốt ve, sờ, bóp, cấu, véo, hôn vào bộ phận nhạy cảm, bộ phận sinh dục của người dưới 16 tuổi cũng bị coi là dâm ô trẻ em.

 Có thể nói, sự thay đổi này xuất phát từ một số vụ án có dấu hiệu dâm ô trẻ em diễn ra trong thời gian gần đây. Khi đó, cơ quan tư pháp đã tỏ ra lúng túng trong việc áp dụng luật, dẫn đến khó xử lý người vi phạm. Điều này nếu để lâu sẽ rất dễ khiến loại tội phạm này ngày càng lộng hành.

 Việc quy định không cho phép động chạm vào thân thể trong tội dâm ô là vẫn chưa bắt kịp với đời sống hiện tại. Nguyên nhân là do những hành vi quấy rối, dâm ô không nhất thiết phải tiếp xúc cơ thể một cách trực tiếp hay gián tiếp. Việc điều tra tội dâm ô đã khó, để các nạn nhân là trẻ em hiểu và mô tả đúng hành vi còn khó hơn nhiều. Chỉ khi cập nhật thông tin và theo sát nhu cầu của đời sống người dân, những quy định của luật pháp mới đảm bảo sự nghiêm minh, đúng người đúng tội. (VTV.vn 05/11)Về đầu trang

Từ 5/11: Được dùng không quá 10 tài khoản phụ khi giao dịch thuế điện tử

Kể từ ngày 5/11/2019, các quy định mới trong Thông tư 66/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư 110/2015/TT-BTC về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế chính thức đi vào cuộc sống, sẽ có nhiều quy định tạo thuận lợi, khuyến khích doanh nghiệp khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử; đồng thời giảm thiểu tiếp xúc giữa cán bộ thuế với DN, ngăn chặn tiêu cực.

 Về tài khoản giao dịch thuế điện tử, sẽ chỉ có duy nhất 01 tài khoản chính và tối đa không quá 10 tài khoản phụ. Trước đây không quy định về tài khoản chính và tài khoản phụ.

Về giá trị pháp lý của chứng từ điện tử: Thông tư 66 làm rõ giá trị của việc sửa đổi chứng từ điện tử, chuyển đổi chứng từ điện tử sang chứng từ giấy và ngược lại.  Tại Thông tư 110 trước đây chưa quy định việc sửa đổi chứng từ điện tử; việc chuyển đổi chứng từ điện tử sang chứng từ giấy và ngược lại, giá trị pháp lý của chứng từ điện tử.

 Về thời gian nộp hồ sơ thuế, nộp thuế điện tử, thông tư mới quy định rõ hơn thời gian nộp hồ sơ thuế đối với từng hồ sơ thuế điện tử (đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế) và căn cứ để cơ quan thuế tính thời gian nộp hồ sơ, xử lý hành vi chậm nộp, không nộp… Trước đây chưa quy định cụ thể về thời gian nộp hồ sơ thuế đối với từng hồ sơ thuế điện tử.

 Thông tư mới bỏ các nội dung hướng dẫn về xử phạt đối với hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế, không nộp hồ sơ khai thuế. Bỏ nội dung về không bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chậm nộp hồ sơ thuế điện tử, miễn tiền chậm nộp.

 Đồng thời, Thông tư 66 đã bổ sung lựa chọn nộp hồ sơ bản giấy tại cơ quan thuế, nộp tiền thuế tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại trong thời gian Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế bị lỗi.

  Sửa đổi thời hạn cơ quan thuế kiểm tra hồ sơ và trả thông báo không chấp nhận hồ sơ cho người nộp thuế trong trường hợp hồ sơ có sai sót để người nộp thuế nộp hồ sơ khác xuống còn 02 ngày làm việc. Trước đây quy định là 03 ngày làm việc.

 Cùng với đó, Thông tư 66 bổ sung thời hạn Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế trả Thông báo 01-1/TB-TĐT cho người nộp thuế là chậm nhất 15 phút sau khi nhận hồ sơ… (Bizlive.vn 05/11)Về đầu trang

CHỈ THỊ MỚI

“Các bộ, ngành và địa phương phải cải cách mạnh mẽ hơn nữa”

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra yêu cầu trên tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vào chiều 5/11.

 Đề cập đến tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết theo những đánh giá mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới, tình hình kinh tế Việt Nam tiếp tục khả quan, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có thể lâm vào suy thoái. Theo đó, trong tháng 10, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng tăng 2,48% so với cùng kỳ năm 2018, là mức tăng bình quân 10 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây.

 Thủ tướng cho biết, trong lúc nhu cầu của thị trường trong nước tăng, kim ngạch xuất khẩu tiếp tục đạt mức tăng trưởng trên 7%. Còn thu ngân sách nhà nước 10 tháng tăng gần 10% so với cùng kỳ. Sau nhiều tháng khách du lịch nước ngoài giảm, tháng 10 này đã tăng trưởng trở lại. Đặc biệt, số doanh nghiệp thành lập mới và hoạt động trở lại tăng nên đã tạo ra nhiều việc làm hơn so với cùng kỳ. Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tuyệt đối không được chủ quan vì tình hình kinh tế thế giới vẫn rất khó lường do hậu quả của các cọ xát thương mại, còn ở trong nước là thiên tai, dịch bệnh tiếp tục ảnh hưởng tới nông nghiệp.

 Một thách thức nữa từ nội tại đó là dù năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam tăng cao, nhưng chỉ số về môi trường kinh doanh của Việt Nam do Ngân hàng Thế giới đánh giá lại giảm một bậc, nhất là chỉ số về nộp thuế, dù tăng 22 bậc những vẫn ở mức rất thấp so với thế giới, còn chỉ số thấp nhất của Việt Nam là xử lý khi mất khả năng thanh toán và các thủ tục thành lập doanh nghiệp mới.

 Vì vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành và địa phương phải cải cách mạnh mẽ hơn nữa, nhất là cắt giảm thực chất các thủ tục kiểm tra chuyên ngành để khơi thông sức sản xuất trong nhân dân, doanh nghiệp và hợp tác xã, vì chỉ có khơi thông được sản xuất kinh doanh thì mới có thể đạt được tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước trên 6,8%, thu ngân sách vượt kế hoạch, tạo tiền đề cho năm 2020, năm cuối của nhiệm kỳ này.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Bộ Công Thương theo dõi đánh giá các cọ xát thương mại trên thế giới để đưa ra các kịch bản ứng phó phù hợp, đi cùng với đa dạng hóa thị trường và tận dụng hết được các Hiệp định thương mại tự do; tăng cường phòng chống gian lận thương mại và xuất xứ hàng hóa, trong đó phải xử lý nghiêm một số vụ để răn đe.

 Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thành việc xây dựng chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chiến lược thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài theo Nghị quyết của Bộ Chính trị. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ đạo Bộ Công an xử lý ngay các vụ lừa đảo về đất đai và kinh doanh đa cấp; đồng thời nghiên cứu đề xuất giải pháp bảo vệ trẻ em, nhất là trẻ em gái bán vé số, sau khi một em bị bị xâm hại ở Phú Quốc gần đây.

 Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo dục rà soát lại việc thẩm định sách giáo khoa phổ thông mới theo hướng công tâm, khách quan, minh bạch, không để trở thành vấn đề lớn… (VTV.vn 05/11)Về đầu trang

Siết chặt quản lý trang thông tin điện tử tổng hợp

Bộ TT-TT đã có công văn gửi Sở TT-TT các tỉnh, thành phố về việc tạm dừng cấp phép trang thông tin điện tử tổng hợp với nhóm các doanh nghiệp và cơ quan báo chí.

 Một trong những nguyên nhân mấu chốt là tình trạng "báo hóa" trang thông tin điện tử tổng hợp. Thay vì chỉ đóng nhiệm vụ tổng hợp thông tin, các trang này lại xây dựng giao diện cập nhật tin bài như báo chí. Họ nhặt nhạnh thông tin giật gân, khiến độc giả nhầm tưởng là báo điện tử.

 Theo đánh giá của Bộ TT-TT, các trang thông tin điện tử tổng hợp cố tình mập mờ giữa trang thông tin điện tử tổng hợp và báo điện tử, tạp chí điện tử bằng cách sử dụng những từ ngữ dễ gây nhầm lẫn cho độc giả trên tiêu đề trang chủ, tên miền như Báo, Tạp chí, Tin tức, News, Online… như báo mới, baoduhoc.vn , tinmoi.vn, soha, 24h...

 Hiện có 3 nhóm được cấp phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp là: Nhóm cơ quan nhà nước, đoàn thể; Nhóm các cơ quan báo chí; Nhóm doanh nghiệp.

 Cả nước hiện có khoảng 1.600 trang thông tin điện tử, trong đó có tới 1.300 trang của nhóm doanh nghiệp và báo chí mắc sai phạm.

 Bộ đã đưa ra yêu cầu như tất cả các trang thông tin điện tử tổng hợp phải có văn bản thỏa thuận được dẫn lại từ các cơ quan báo chí, phải ghi rõ nguồn, đặt luôn cả những đường dẫn, link bài gốc ngay dưới chân tin bài, tránh tình trạng gỡ nguồn hoặc tự sản xuất tin bài. Đó là những giải pháp cấp bách mà Bộ đặt ra. Nếu tiếp tục vi phạm, các trang thông tin điện tử sẽ bị phạt 20 triệu đồng, đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép. (VTV.vn 05/11)Về đầu trang

Bộ Công thương yêu cầu rà soát, xử lý hàng hóa có hình “Đường lưỡi bò”

Trong thời gian qua xảy ra một số trường hợp doanh nghiệp, đơn vị nhập khẩu hàng hóa về Việt Nam để bán, tham gia trưng bày, giới thiệu... có hình ảnh và thông tin về “Đường chín đoạn” (“Đường lưỡi bò”), theo Bộ Công thương, sự việc này có tính chất rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, vi phạm quy định pháp luật hiện hành.

 Để ngăn chặn và xử lý kịp thời những sự việc tương tự, Bộ Công thương ban hành Công văn yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ, Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường kiểm tra, giám sát trên địa bàn theo thẩm quyền đối với các hoạt động trong ngành công thương.

 Cụ thể như việc sản xuất, thương mại, xuất nhập khẩu, thương mại điện tử, xúc tiến thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp hàng hóa có hình ảnh, thông tin về “Đường lưỡi bò” và hình ảnh, thông tin khác gây ảnh hưởng đến an ninh và chủ quyền quốc gia, vi phạm quy định pháp luật hiện hành.

 Mặt khác, thông báo và khuyến cáo đến các doanh nghiệp trên địa bàn chủ động rà soát thông tin và tính năng của sản phẩm do doanh nghiệp nhập khẩu, kinh doanh để tránh nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa có hình ảnh, thông tin về “Đường lưỡi bò” và hình ảnh, thông tin khác gây ảnh hưởng đến an ninh và chủ quyền quốc gia, vi phạm pháp luật hiện hành.

 Phối hợp với các đơn vị chức năng có liên quan để tuyên truyền đến người dân, người tiêu dùng trên địa bàn nâng cao cảnh giác, không mua, không sử dụng và kịp thời phản ánh đến các cơ quan có thẩm quyền đối với hàng hóa có hình ảnh, thông tin về “Đường chín đoạn” (“Đường lưỡi bò”) và các nội dung khác gây ảnh hưởng đến an ninh và chủ quyền quốc gia, vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam. (Đại Biểu Nhân Dân 05/11, Minh Hương)Về đầu trang

TIN QUỐC HỘI

Quốc hội tiếp tục thảo luận về các báo cáo phòng chống tội phạm

Trong phiên thảo luận sáng 5/11, một số đại biểu đã bày tỏ những trăn trở của mình về công tác thi hành dân sự.

 Sáng 05/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao năm 2019; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019.

 Tại phiên thảo luận, một số đại biểu đã bày tỏ những trăn trở của mình về công tác thi hành dân sự, khi thời gian gần đây kết quả về tiền chưa cao so với số tiền có điều kiện thi hành án, nhất là án tín dụng ngân hàng.

 Về công tác phòng chống tham nhũng, một số đại biểu dẫn chứng trong năm 2019, cơ quan công an đã thụ lý điều tra 423 vụ án, 1.073 bị can phạm tội về tham nhũng. Điều này cho thấy nạn tham nhũng vẫn còn phức tạp với những biểu hiện tinh vi trên nhiều lĩnh vực.

 Cũng tại Phiên thảo luận, nhiều đại biểu nêu lên thực trạng môi trường bị xâm hại nghiêm trọng ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. Tuy nhiên, việc xử lý các vi phạm về bảo vệ môi trường vẫn đang là vấn đề đối với các cơ quan quản lý nhà nước. Để khắc phục tình trạng này, đại biểu đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường. Khởi tố vụ án, nếu xét thấy có dấu hiệu của tội phạm. (Kênh VTV1 – Bản tin Thời sự lúc 19h ngày 05/11)Về đầu trang

Đa số đại biểu tán thành việc ban hành nghị quyết chung về công tác tư pháp

Tại phiên thảo luận sáng 5/11, đa số các đại biểu Quốc hội tán thành với việc Quốc hội ban hành Nghị quyết chung về công tác tư pháp.

 Thảo luận tại hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019, đa số các đại biểu Quốc hội tán thành với việc Quốc hội ban hành Nghị quyết chung về công tác tư pháp.

 Theo các đại biểu, thời gian qua, nhiều vấn đề nổi cộm đã được các cơ quan tư pháp tập trung giải quyết, nhất là tấn công, trấn áp, xử lý mạnh các loại tội phạm như tín dụng đen, sản xuất, buôn bán, vận chuyển ma túy, đánh bạc ngàn tỷ, băng nhóm lừa đảo. Tuy nhiên, một số đại biểu cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng tội phạm diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều băng nhóm, đường dây lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hàng trăm tỷ đồng xảy ra ở nhiều nơi.

 Về công tác phòng chống tham nhũng, một số đại biểu dẫn chứng trong năm 2019, cơ quan công an đã thụ lý điều tra 423 vụ án, 1.073 bị can phạm tội về tham nhũng. Điều này cho thấy nạn tham nhũng vẫn còn phức tạp với những biểu hiện tinh vi trên nhiều lĩnh vực.

 Chiều nay, Quốc hội tiếp tục họp phiên toàn thể cho ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật Thư viện. Trước đó, liên quan đến vụ 39 người thiệt mạng trong một chiếc xe container ở Anh, trong đó có người Việt Nam, Quốc hội đã gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình các nạn nhân. (Kênh VTV1 – Bản tin Thời sự lúc 19h ngày 05/11)Về đầu trang

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh.

 Chỉ đạo được đưa ra trong bối cảnh theo Báo cáo Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới vừa công bố, chỉ số của Việt Nam đã giảm 1 bậc.

 Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành liên quan phân tích, đánh giá kỹ thực trạng, nguyên nhân các chỉ số tụt hạng, xếp hạng thấp và kiến nghị, đề xuất ngay các giải pháp tạo đột phá trong nâng hạng môi trường kinh doanh.

 Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/11. (VTV.vn 05/11) Về đầu trang

Việt Nam xếp thứ 8 trong 20 nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư

 Dù còn nhiều thách thức nhưng kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ trở thành thị trường hấp dẫn thu hút đầu tư vào các lĩnh vực tiềm năng như bán lẻ, du lịch, dịch vụ hỗ trợ công nghiệp, fintech…

 Đây là ý kiến của TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, chia sẻ tại Hội nghị đầu tư 2019 do Tạp chí Nhịp cầu đầu tư tổ chức ngày 5-11.

 Các chuyên gia, doanh nghiệp đã thảo luận về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam giai đoạn 2020-2030, đặc biệt những tác động đến thị trường đầu tư tài chính, chứng khoán, bất động sản…

 Theo TS Võ Trí Thành, mục tiêu của Việt Nam trong 10 năm tới sẽ tăng trưởng kinh tế đến năm 2030 tối thiểu trung bình 7,5%/năm. Dù còn nhiều thách thức trong giai đoạn mới nhưng nền kinh tế Việt Nam được dự báo trong những năm tới sẽ trở thành thị trường hấp dẫn thu hút đầu tư, đa dạng hóa các lĩnh vực tiềm năng từ hỗ trợ tiêu dùng như phân phối bán lẻ; du lịch; hỗ trợ mạng sản xuất, chuỗi giá trị như dịch vụ hỗ trợ công nghiệp, logistics hay các lĩnh vực mới nổi từ kinh tế xanh, kinh tế đa nền tảng, thương mại điện tử, fintech (công nghệ tài chính)…

 Các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá sao về thị trường Việt Nam? Theo công bố của U.S News & World Report, Việt Nam từ hạng 23 năm 2018 đã lên hạng thứ 8 năm 2019 trong 20 nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư. Riêng tại châu Á, Việt Nam xếp thứ 4 chỉ sau Arab Saudi, Ấn Độ và Qatar.

 TS Võ Trí Thành cho rằng Việt Nam sẽ trở thành một trung tâm đầu tư, bởi Việt Nam đã, đang tham gia tới 16 hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA…

 "Đây không chỉ là thị trường 100 triệu dân, mà là cơ hội để nhà đầu tư quan hệ với rất nhiều đối tác của các nước, trong khi Việt Nam đang có nhiều lợi thế về dân số vàng, thị trường nội địa rộng mở cùng tầng lớp trung lưu tăng; chiến lược chuyển hướng của các nhà đầu tư trước tác động thương chiến Mỹ - Trung... Hội nhập sâu rộng đã giúp Việt Nam trở thành trung tâm đầu tư, kinh doanh. Quan trọng hơn, tham gia các hiệp định thương mại tự do sẽ tạo sức ép để đẩy nhanh cải cách thể chế, môi trường kinh doanh" - TS Võ Trí Thành nhận định.

 Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nguyên cứu và Quản lý kinh tế trung ương thông tin 10 tháng qua, tăng trưởng xuất khẩu Việt Nam đạt 8,5% nhưng chủ yếu tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Mỹ trên dưới 25%, trong khi xuất khẩu vào thị trường EU bị âm. Đây là nguyên nhân bên cạnh những yếu tố tích cực như đơn đặt hàng mới, chuyển hướng thương mại, đầu tư gắn với xuất khẩu, Việt Nam đang phải lưu ý và đẩy mạnh xử lý nạn gian lận xuất xứ.

 "Bởi trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng, ảnh hưởng của thương chiến Mỹ - Trung, Việt Nam có thể bị lợi dụng làm điểm trung chuyển để xuất khẩu hàng hóa sang nước thứ ba" – TS Võ Trí Thành nói. (Người Lao Động 05/11, T.Phương - S.Nhung) Về đầu trang

QUẢN LÝ

Đề xuất bán xe qua tỉnh khác phải nộp lại đăng ký, biển số xe

Bộ Công an đề xuất khi bán, cho tặng xe đến tỉnh khác, chủ xe phải nộp lại giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số. Đề xuất này xuất phát từ các dự thảo lấy ý kiến về thông tư quy định quản lý, quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, từ trước đó.

 Trao đổi với Lao Động, trung tá Phạm Việt Công - Trưởng Phòng đăng ký xe Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an, cho biết: Hiện nhiều người khi mua - bán xe không làm thủ tục sang tên, chuyển quyền sở hữu dẫn đến tình trạng xe của chủ cũ bán cho chủ mới đi nhưng trên hệ thống cơ sở dữ liệu vẫn chưa cập nhật.

 Việc quy định chủ xe khi bán phải nộp lại đăng ký, biển số xe nhằm gắn trách nhiệm cho chủ phương tiện để nắm thông tin phục vụ việc quản lý xe, gửi thông báo vi phạm hoặc thực hiện các biện pháp nghiệp vụ liên quan đến phương tiện khi lưu thông.

 Theo giải thích của trung tá Phạm Việt Công, thực tế khi người bán xe cho người mới là họ cho rằng đã hết trách nhiệm. Người mua tự sang tên, hoặc cứ để tên cũ. Việc này gây khó khăn cho quá trình quản lý phương tiện, xử lý các hành vi vi phạm mà phương tiện gây nên.

 "Khi chủ phương tiện mới gây tai nạn hoặc dùng phương tiện vi phạm pháp luật, nếu phương tiện vẫn đăng ký tên chủ cũ, ngoài việc cơ quan chức năng khó khăn trong việc xác minh, ngay cả người chủ cũ cũng cảm thấy phiền hà", trung tá Công cho biết.

 Vì vậy, trước khi bàn giao xe cho tổ chức, cá nhân (mua hoặc được cho, tặng, điều chuyển) tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác, chủ xe phải nộp lại đăng ký, biển số cho cơ quan đăng ký xe. Nếu cùng tỉnh, chủ xe chỉ phải nộp lại giấy chứng nhận đăng ký. Xe mang biển số loại cũ (biển chỉ có 3 số) phải nộp cả đăng ký và biển số.

 Đối với các xe mua bán, di chuyển trong cùng tỉnh thì chỉ cần nộp đăng ký, không cần nộp biển số vì sau khi chuyển đăng ký thì người chủ mới vẫn sử dụng biển số xe đó theo quy định. Trường hợp biển 4 số mà chủ xe không muốn đổi sang 5 số thì chủ xe đề xuất và công an sẽ bấm cấp lại biển số như quy định của bộ.

 Theo trung tá Phạm Việt Công, việc nộp lại đăng ký, biển số mới chỉ là đề xuất. Cơ quan chức năng sẽ tiếp thu ý kiến của người dân để hoàn thiện, phục vụ tốt nhất trong các thủ tục đăng ký, sang nhượng xe cho người dân. 

Trung tá Phạm Việt Công cũng cho biết thêm, việc quy định chủ xe khi bán phải nộp lại đăng ký, biển số xe sẽ giúp cơ quan chức năng quản lý tốt hơn phương tiện, biết những chiếc xe đang di chuyển trên đường là của ai để áp dụng vào công tác xử phạt nguội qua camera hiệu quả hơn.

 Để đơn giản hoá thủ tục hành chính cho lĩnh vực này, đại diện Cục CSGT cho biết thêm, hiện nay đơn vị đang cho sao chụp (scan) các bộ hồ sơ của phương tiện trên toàn quốc để đưa lên hệ thống dữ liệu đăng ký xe chung.

 Dự kiến đầu năm 2020 khi dữ liệu này có thể chạy thì người dân sẽ không phải làm thủ tục rút hồ sơ khi mua bán xe mà chỉ cần mang hợp đồng mua bán, cán bộ có thể tra trên hệ thống và hoàn thiện hồ sơ cấp biển, đăng ký mới.

 Phía Cục Cảnh sát giao thông trong thời gian tới sẽ dùng các biện pháp kỹ thuật để nâng cấp hệ thống đăng ký xe và điện tử hóa hồ sơ xe.

 Lúc đó, khi người chủ cũ đã làm thủ tục thu nộp đăng ký, biển số xe, chủ mới chỉ cần mang hợp đồng mua bán chứng minh quyền sở hữu mới của mình đến nơi đăng ký hộ khẩu và đề nghị qua công an.

 Công an sẽ căn cứ trên quyền sở hữu đó để lấy hồ sơ điện tử trên hệ thống xuống và làm thủ tục cấp đăng ký và biển số. Với cách làm này, người dân không cần rút hồ sơ giấy như hiện nay và sẽ giảm bớt tối đa thủ tục cho người dân. (Lao Động 05/11, Việt Dũng)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

 Sang tên, đổi chủ xe có thể không phải rút hồ sơ gốc

Bộ Công an đề xuất năm 2020 khi sang tên, đổi chủ, người dân chỉ cần ghi mã số định danh, không phải rút hồ sơ gốc chiếc xe.

 Để đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm bớt những yêu cầu về giấy tờ cho người dân, Bộ Công an đang đẩy nhanh việc áp dụng công nghệ trong hoạt động đăng ký, cấp biển số phương tiện.

 Cụ thể, với xe làm thủ tục sang tên, chủ mới của xe chỉ cần đến cơ quan đăng ký nơi mình cư trú để làm thủ tục, không phải rút hồ sơ gốc. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ xe đối chiếu và in giấy chứng nhận đăng ký xe.

 Khi đăng ký lại, kể cả xe đã chuyển quyền sở hữu nhiều lần, chủ mới của xe không cần đưa xe đến kiểm tra, chỉ cần ghi mã số định danh cá nhân, số hóa đơn điện tử, tên doanh nghiệp bán xe vào giấy khai sang tên. Cán bộ sẽ kiểm tra thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục thuế và hoàn thiện hồ sơ.

 Trong trường hợp cơ quan đăng ký xe chưa kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia, người đi đăng ký phải nộp hồ sơ và xuất trình giấy tờ quy định gồm: giấy khai sang tên, di chuyển xe; giấy chứng nhận đăng ký xe và biển số xe hoặc giấy chứng nhận thu hồi đăng ký, biển số xe; chứng từ chuyển quyền sở hữu xe...

 Trả lời VnExpress, trung tá Phạm Việt Công, Trưởng phòng Đăng ký xe (Cục Cảnh sát giao thông), Cục bắt đầu cho scan các bộ hồ sơ phương tiện trên toàn quốc để phục vụ việc này. Tuy nhiên, khối lượng hồ sơ của hơn 60 triệu chiếc xe máy, hơn 4 triệu ôtô là rất lớn nên Cục chưa thể làm hết ngay được. Vì vậy với trường hợp nào cần sang tên, di chuyển các đơn vị mới scan lên hệ thống để áp dụng.

 Trung tá Công cũng cho biết, việc đơn giản thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký xe đang phụ thuộc vào tiến độ hoàn thiện dự án hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cùng với quá trình liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, đơn vị nhà nước như Cục thuế, Kho bạc... và nếu dự án dữ liệu lớn hoàn thiện, năm 2020 các đơn vị đăng ký xe có thể áp dụng được ngay. (Vnexpress.net 05/11, Bá Đô)Về đầu trang

Bình Dương: Kỳ họp ứng dụng phần mềm phòng họp không giấy

HĐND tỉnh Bình Dương Khóa IX đã tổ chức Kỳ họp thứ 11 xem xét, thông qua 4 nội dung, gồm: Quyết định và điều chỉnh chủ trương đầu tư 9 dự án đầu tư công; giao UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh; cho ý kiến Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh dự án Cải tạo hạ tầng giao thông công cộng tại tỉnh; Đề án tổ chức, xây dựng Đại đội Dân quân Thường trực cấp tỉnh của tỉnh Bình Dương.

 Kỳ họp này, HĐND tỉnh ứng dụng phần mềm eCabinet - phòng họp không giấy để phục vụ việc cung cấp thông tin, tài liệu và điều hành kỳ họp.

 Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Văn Minh đề nghị UBND tỉnh khẩn trương chỉ đạo việc triển khai thực hiện, bảo đảm các trình tự, thủ tục, tiến độ thực hiện các công trình, dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách. Đồng thời, chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương tiếp tục quan tâm đối với lĩnh vực đầu tư công; tăng cường chỉ đạo, quản lý, kiểm tra, giám sát; giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc, các vấn đề thực tiễn phát sinh, góp phần phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương. (Đại Biểu Nhân Dân 06/11, Nguyễn Nhật)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Ban Bí thư thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa và một số cán bộ

Ngày 5/11, Ban Bí thư họp xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh Khánh Hòa và một số cán bộ ở các tỉnh.

 Tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Bí thư đã họp xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa và một số cán bộ ở các tỉnh Khánh Hòa, Hòa Bình, Hà Giang và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam.

 Xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư nhận thấy:

 1. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa nhiệm kỳ 2010 - 2015, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2011 - 2016, nhiệm kỳ 2016 - 2021, đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra rất nhiều vi phạm, khuyết điểm kéo dài trong công tác quản lý, sử dụng đất đai và thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, gây hậu quả rất nghiêm trọng, thất thoát, lãng phí rất lớn tài nguyên đất đai, tài sản và ngân sách nhà nước, ảnh hưởng trực tiếp đến quốc phòng, an ninh, tác động xấu đến kinh tế - xã hội, gây bức xúc trong xã hội và ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng.

 Xét nội dung, tính chất, mức độ, nguyên nhân, hậu quả của vi phạm, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy; cảnh cáo đối với Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa.

 2. Đối với các đồng chí cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa:

 - Đồng chí Lê Đức Vinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân nhiệm kỳ 2016 - 2021 và Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Cán sự đảng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2011 - 2016, cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa, trong 2 nhiệm kỳ và những vi phạm, khuyết điểm của Ban Cán sự đảng, của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2011 - 2016; chịu trách nhiệm chính và trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Cán sự đảng và Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2016 - 2021.

 - Đồng chí Nguyễn Chiến Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010 - 2015, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2011 - 2016, cùng chịu trách nhiệm về vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa nhiệm kỳ 2010 - 2015; chịu trách nhiệm chính và trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Cán sự đảng và Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2011 - 2016 

- Đồng chí Lê Đức Vinh và đồng chí Nguyễn Chiến Thắng đã trực tiếp ký các văn bản của Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa về đất đai, về đầu tư xây dựng các dự án, vi phạm rất nghiêm trọng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trong đó có nội dung cố ý vi phạm.

 - Đồng chí Đào Công Thiên, Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban Cán sự đảng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2016 - 2021, cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2016 - 2021; đã trực tiếp ký các văn bản về đất đai và đầu tư xây dựng các dự án vi phạm rất nghiêm trọng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

 - Vi phạm của các đồng chí Nguyễn Chiến Thắng, Lê Đức Vinh, Đào Công Thiên là rất nghiêm trọng, cùng với vi phạm của các tổ chức đảng, cá nhân đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm thất thoát rất lớn đất đai, tài sản, ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến quốc phòng - an ninh, để lại nhiều hệ lụy khó khắc phục, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền địa phương đến mức cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định.

 - Xét nội dung, tính chất, mức độ, nguyên nhân, hậu quả của vi phạm, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với các đồng chí Nguyễn Chiến Thắng, Lê Đức Vinh và Đào Công Thiên.

 3. Đối với đồng chí Vũ Văn Sử và đồng chí Bùi Trọng Đắc:

 - Đồng chí Vũ Văn Sử, với cương vị Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Kỳ thi, Chủ tịch Hội đồng thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tỉnh Hà Giang, đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra vi phạm nghiêm trọng trong công tác tổ chức Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tại tỉnh, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, gây ảnh hưởng với cấp dưới trực tiếp để can thiệp, tác động nâng điểm cho các thí sinh trái quy định; để nhiều cán bộ lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang vi phạm pháp luật, bị xử lý hình sự và rất nhiều cán bộ, đảng viên trong tỉnh bị kỷ luật vì liên quan đến vụ việc gian lận tại Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tỉnh Hà Giang. 

- Đồng chí Bùi Trọng Đắc, với cương vị Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Kỳ thi, Chủ tịch Hội đồng thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 tỉnh Hòa Bình, đã vi phạm Quy chế thi, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra vi phạm nghiêm trọng trong công tác tổ chức Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2017, 2018 tại tỉnh; để nhiều cán bộ, đảng viên của Sở Giáo dục và Đào tạo, ngành Giáo dục - Đào tạo tỉnh Hòa Bình vi phạm nghiêm trọng, bị khởi tố, điều tra hình sự và xử lý kỷ luật.

 Vi phạm của đồng chí Vũ Văn Sử gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, vi phạm của đồng chí Bùi Trọng Đắc gây hậu quả rất nghiêm trọng và đã làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành Giáo dục - Đào tạo, cá nhân các đồng chí, gây bức xúc dư luận xã hội, cần phải được thi hành kỷ luật nghiêm minh theo quy định.

 Xét nội dung, tính chất, mức độ, nguyên nhân, hậu quả của vi phạm, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật đồng chí Vũ Văn Sử bằng hình thức khai trừ ra khỏi đảng; kỷ luật đồng chí Bùi Trọng Đắc bằng hình thức Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng nhiệm kỳ 2015 - 2020.

 4. Đối với đồng chí Bùi Ngọc Bảo:

 Với cương vị là Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương nhiệm kỳ 2010 - 2015, 2015 - 2020, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam; Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc, Tổng Công ty; Phó Bí thư Đảng ủy, Ủy viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc; Trưởng Bộ phận đại diện phần vốn nhà nước tại Tập đoàn, đồng chí chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, của Bộ phận đại diện vốn nhà nước và Hội đồng quản trị Tập đoàn... Buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, không có biện pháp ngăn chặn kịp thời và xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến sai phạm; trực tiếp ký hầu hết các văn bản liên quan đến vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng quảng trị Tập đoàn về công tác cán bộ; về bảo toàn, phát triển vốn; về cổ phần hoá, tái cơ cấu vốn và thoái vốn nhà nước; về quản lý, sử dụng đất đai; về đầu tư các dự án.

 - Vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Bùi Ngọc Bảo là rất nghiêm trọng; cùng với vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn và một số cá nhân khác đã gây thiệt hại lớn tiền của Nhà nước, giảm hiệu quả kinh doanh của Tập đoàn, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, cần được xử lý kỷ luật nghiêm minh theo quy định.

 - Xét nội dung, tính chất, mức độ, nguyên nhân, hậu quả của vi phạm và quá trình công tác, đóng góp cho sự phát triển của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật đồng chí Bùi Ngọc Bảo bằng hình thức Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng. (VTV.vn 05/11)Về đầu trang

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang bị khai trừ ra khỏi Đảng

Ngày 5.11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Bí thư họp xem xét, thi hành kỷ luật: Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Ban cán sự đảng Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hoà và một số cán bộ ở các tỉnh Khánh Hoà, Hoà Bình, Hà Giang và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam.

 Đối với một số cán bộ ở tỉnh Hòa Bình, Hà Giang. Xem xét đề nghị của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư nhận thấy:

 Ông Vũ Văn Sử, với cương vị Tỉnh uỷ viên, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Kỳ thi, Chủ tịch Hội đồng thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tỉnh Hà Giang, đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra vi phạm nghiêm trọng trong công tác tổ chức Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tại tỉnh, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, gây ảnh hưởng với cấp dưới trực tiếp để can thiệp, tác động nâng điểm cho các thí sinh trái quy định; để nhiều cán bộ lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang vi phạm pháp luật, bị xử lý hình sự và rất nhiều cán bộ, đảng viên trong tỉnh bị kỷ luật vì liên quan đến vụ việc gian lận tại Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tỉnh Hà Giang.

 Ông Bùi Trọng Đắc, với cương vị Tỉnh uỷ viên, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Kỳ thi, Chủ tịch Hội đồng thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tỉnh Hoà Bình, đã vi phạm Quy chế thi, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra vi phạm nghiêm trọng trong công tác tổ chức Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2017, 2018 tại tỉnh; để nhiều cán bộ, đảng viên của Sở Giáo dục và Đào tạo, ngành Giáo dục - Đào tạo tỉnh Hoà Bình vi phạm nghiêm trọng, bị khởi tố, điều tra hình sự và xử lý kỷ luật. 

Vi phạm của ông Vũ Văn Sử gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, vi phạm của ông Bùi Trọng Đắc gây hậu quả rất nghiêm trọng và đã làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp uỷ, chính quyền địa phương, ngành Giáo dục - Đào tạo, cá nhân các ông Vũ Văn Sử và Bùi Trọng Đắc, gây bức xúc dư luận xã hội, cần phải được thi hành kỷ luật nghiêm minh theo quy định.

 Xét nội dung, tính chất, mức độ, nguyên nhân, hậu quả của vi phạm, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật ông Vũ Văn Sử bằng hình thức khai trừ ra khỏi đảng; kỷ luật ông Bùi Trọng Đắc bằng hình thức Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng nhiệm kỳ 2015 - 2020. (Laodong.vn 05/11, Xuân Hải)Về đầu trang

An Giang: Nhũng nhiễu doanh nghiệp, một cán bộ thuế bị cách chức

Tối 4/11, tin từ Cục Thuế tỉnh An Giang cho hay, cơ quan này vừa ký quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với ông Đặng Ngọc Chinh, Phó Đội trưởng Đội tuyên truyền - hỗ trợ người nộp thuế - trước bạ - thu khác (thuộc Chi cục Thuế TP Long Xuyên).

 Cụ thể, với vai trò là Trưởng Đoàn Kiểm tra của Chi cục Thuế TP Long Xuyên, ông Chinh đã tham mưu sai việc xử phạt doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ông Chinh cũng có hành vi lợi dụng vị trí công tác gây phiền hà, nhũng nhiễu cho doanh nghiệp, gây ảnh hưởng uy tín của ngành.

 Trước đó, tháng 4/2019, Đoàn kiểm tra thuế của Chi cục Thuế thành phố Long Xuyên đến kiểm tra hóa đơn, các chứng từ liên quan tại cơ sở kinh doanh vận tải ở phường Mỹ Thới do bà Trần Thị Huệ làm chủ. Mặc dù không phát hiện sai phạm, nhưng ông Chinh 6 lần liên tục mời bà Huệ lên làm việc và "hạch sách" đủ điều.

 Sau đó, ông Chinh yêu cầu bà Huệ ký tên vào biên bản vi phạm và thông báo xử phạt cơ sở 70 triệu đồng. Nguyên nhân ông Chinh đưa ra là “cơ sở của bà Huệ thuê một số ghe để chở thức ăn nhưng không có hợp đồng bằng văn bản, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, lập khống hóa đơn bán hàng cung ứng dịch vụ". Sau nhiều lần làm việc, ông Chinh đã giảm mức phạt xuống còn 17,5 triệu đồng. Do sợ cán bộ thuế làm khó dễ nên bà Huệ đã đóng số tiền phạt này.

 Không những vậy, ông Chinh còn nhắn tin mượn bà Huệ 5 triệu để đóng tiền học phí và hẹn 10 ngày sau sẽ trả, tuy nhiên đến hạn vẫn không trả.

 Bức xúc trước việc làm của ông Chinh, bà Huệ đã viết đơn cầu cứu đến lãnh đạo Tỉnh ủy và UBND tỉnh An Giang cùng các ngành. Khi đó, ông Chinh nhiều lần đến nhà bà Huệ để trả lại số tiền đã mượn trước đó, đồng thời yêu cầu bà Huệ rút đơn nhưng gia đình bà không đồng ý.

 Nhận được đơn của bà Huệ, ông Trần Văn Phước, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh An Giang đã chỉ đạo Chi cục Thuế TP Long Xuyên ban hành quyết định hủy bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở kinh doanh vận tải thủy Trần Thị Huệ, song song đó ra quyết định đình chỉ công tác đối với ông Chinh từ đó đến nay.

 “Sau khi công bố quyết định thi hành kỷ luật tại đơn vị đối với ông Chinh, chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét trách nhiệm của lãnh đạo Chi cục Thuế TP Long Xuyên trong việc ban hành quyết định xử phạt sai đối với người dân” - ông Phước khẳng định. (Baogiaothong.vn 4/11, Lê An) Về đầu trang

“Nói vui” với dân, 1 cán bộ ở Đà Nẵng phải xin lỗi

Ngày 4-11, lãnh đạo xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) cho hay vừa có báo cáo gửi UBND huyện về việc phúc đáp thông tin phản ánh của công dân.

 Nội dung phản ánh của công dân NLHN (24 tuổi) thể hiện: Chiều 8-10-2019, tôi có đến UBND xã Hòa Tiến làm thủ tục đăng ký kết hôn. Lúc tôi đến công chức hộ tịch chưa đến thì tôi thấy có một cán bộ đang ngồi tại ô cửa địa chính - xây dựng, tôi có lại hỏi "Chị Tuyến hộ tịch chưa đến à bác?". Đáp lại câu hỏi của tôi, bác này nói "Ủa chứ không thấy hả, chưa thấy ai ngồi thì chưa lên rồi hỏi cái chi".

 "Thái độ tiếp công dân gắt gỏng, trong khi đó cán bộ thì đi làm trễ. Tôi không đồng tình với cách tiếp công dân của cán bộ một cửa ở UBND xã Hòa Tiến. Văn hóa công sở của họ ở đâu, đừng nghĩ rằng họ là dân quê thì muốn nói gì nói, muốn làm gì làm" - cô N. viết.

 Sau khi tiếp nhận phản ánh và ý kiến chỉ đạo của UBND huyện Hòa Vang, UBND xã Hòa Tiến đã có buổi làm việc để làm rõ vụ việc.

 Cụ thể, theo báo cáo của UBND xã Hòa Tiến, lúc 13 giờ 20 ngày 8-10, ông Nguyễn Đức H., công chức địa chính - xây dựng, đã đến bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả làm việc.

 Đến 13 giờ 25 cùng ngày có một công dân nữ đến hỏi “Chị Tuyến hộ tịch chưa đến à bác?”. Trong lúc ông H. đang sắp xếp hồ sơ, mặt khác chưa đến giờ làm việc nên có trả lời (thái độ nói vui) với công dân là “chứ không thấy răng còn hỏi” rồi tiếp tục sắp xếp hồ sơ.

 “Theo ông H. thì chỉ nói thông thường (tưởng nói cho vui) chứ không có sự gắt gỏng hay có thái độ nào khác. Sau đó công dân này rời đi” - báo cáo nêu.

 Về phản ánh cán bộ đi làm trễ, báo cáo cho hay qua xác minh thì từ 13 giờ 30 đến 13 giờ 35 cùng ngày, toàn thể cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả đã có mặt.

 Qua phản ánh, UBND xã đã yêu cầu ông H. báo cáo tường trình sự việc và kiểm điểm rút kinh nghiệm về việc phát ngôn giao tiếp với công dân phải thận trọng, nghiêm túc; nhất là khi tiếp nhận, giải quyết hồ sơ công việc. Đồng thời ông H. phải liên hệ với công dân đã phản ánh nói trên để xin lỗi.

 Báo cáo của UBND xã Hòa Tiến cũng cho hay thời gian tới sẽ tiếp tục quán triệt trong cán bộ, công chức chấp hành nghiêm túc nội quy, quy chế của UBND, đảm bảo thời gian làm việc đúng theo quy định.

 “Kính trọng nhân dân, lấy nhân dân làm đối tượng để phục vụ; lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân làm thước đo đánh giá, xếp loại cuối năm. Thực hiện nghiêm túc văn hóa công sở” - báo cáo nêu. (Plo.vn 4/11, Tấn Việt) Về đầu trang

Hạ cấp bậc, điều chuyển công tác nữ Đại úy công an náo loạn sân bay

Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 5/11, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết, đối với vụ việc liên quan đến nữ Đại úy công an quận Đống Đa Lê Thị Hiền, hiện Công an Hà Nội đã có báo cáo và cho biết căn cứ vào quy định của Bộ Công an dự kiến sẽ hạ cấp bậc hàm từ Đại úy xuống Trung úy đối với bà Lê Thị Hiền.

 Đồng thời, hiện bà Hiền đã được điều động đến bộ phận khác, không trực tiếp tiếp dân.

 "Căn cứ vào các quy định hiện hành, Bộ Công an đang giao cho các cơ quan của Bộ xác định những hành vi và các quy định xử lý, sau đó sẽ có quyết định xử lý", Thứ trưởng Ngọc nói.

 Trước đó, ngày 11/8, nữ hành khách là Đại úy công an Lê Thị Hiền đã có hành vi chửi bới nhân viên hàng không tại quầy làm thủ tục hành lý và chống đối lực lượng an ninh hàng không ngay tại sân bay Tân Sơn Nhất. 

Hình ảnh clip được đăng tải trên mạng xã hội sau đó về vụ việc đã gây bất bình trong dư luận, đồng thời ảnh hưởng đến hình ảnh chiến sỹ công an nhân dân.

 Sáng 24/8, Cục Hàng không Việt Nam đã ra quyết định cấm bay 12 tháng đối với nữ hành khách Lê Thị Hiền vì đã lăng mạ, mạt sát nhân viên hàng không. (Vneconomy.vn 05/11, Tùng Như)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Thí điểm nghỉ cuối tuần 3 ngày tại Nhật Bản

Khoảng 2.300 nhân viên công ty Microsoft Nhật Bản đã được nghỉ thêm cả thứ 6, bắt đầu từ tháng 8/2019.

 Nhật Bản là một trong những quốc gia làm việc cần cù nhất thế giới. Theo một khảo sát của chính phủ, có tới 1/4 số công ty ở đây yêu cầu nhân viên làm việc 80 tiếng ngoài giờ mỗi tháng. Do đó, hãng Microsoft Nhật Bản đang muốn thúc đẩy sự thay đổi trong văn hóa làm việc, với chính sách nghỉ cuối tuần 3 ngày.

 Trong số 4 ngày làm việc còn lại, toàn bộ nhân viên sẽ phải thay đổi quy trình làm việc như cắt giảm những cuộc họp không cần thiết.

 Sau 3 tháng triển khai, Microsoft đánh giá, dù giờ làm giảm, năng suất của tập đoàn tăng tới gần 40%. Hơn 90% nhân viên ủng hộ chính sách mới. Với thành công bước đầu, trong năm 2020, Microsoft Nhật Bản sẽ tiếp tục thử nghiệm chính sách làm việc mới này. (VTV.vn 05/11)Về đầu trang

 Putin sa thải đồng loạt 11 tướng

Putin ký sắc lệnh bãi nhiệm 11 tướng đảm nhiệm các vị trí cao trong Bộ Tình trạng khẩn cấp, Bộ Nội vụ và Ủy ban Điều tra hôm 4/11.

 Sắc lệnh bãi nhiệm 11 quan chức do Tổng thống Vladimir Putin ký được công bố trên cổng thông tin pháp lý của chính phủ Nga hôm qua. Những quan chức bị sa thải trong sắc lệnh này gồm 4 thiếu tướng cảnh sát và 6 thiếu tướng quân đội, cùng một trung tướng quân đội.

 Bộ Nội vụ Nga có 4 tướng bị cách chức, trong đó có thiếu tướng Alexander Melnikov, phó cục trưởng thứ nhất Cục Bảo vệ Trật tự Công cộng, người đang bị giam chờ xét xử tội tham nhũng.

 Ba thiếu tướng còn lại gồm Yuri Altynov, giám đốc Sở Nội vụ khu vực Tyumen; Efrem Romanov, chánh thanh tra Bộ Nội vụ; và Igor Trifonov, giám đốc Sở Nội vụ Cộng hòa Karachay-Cherkess.

 7 tướng quân đội bị cách chức lần này gồm 6 thiếu tướng của Bộ Các tình trạng Khẩn cấp. Trung tướng Ruslan Ibiev, từng là trưởng phòng điều tra thứ tư của Ủy ban Điều tra Nga, cũng bị cách chức. Sắc lệnh không nêu lý do Putin sa thải các tướng này.

 Tổng thống Putin đang nỗ lực tiến hành các cuộc cải cách toàn diện nhằm giúp nước Nga khôi phục sức mạnh kinh tế, chính trị và quân sự. Hồi đầu năm 2017, ông ký quyết định sa thải ít nhất 26 tướng thuộc Bộ Nội vụ và Bộ Tình trạng Khẩn cấp. (Vnexpress.net 05/11, Mai Lâm)Về đầu trang./.

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

 

More