Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 16-6-2020

Post date: 16/06/2020

Font size : A- A A+

 Tải file tại đây

TIN QUỐC HỘI 1

1.                "Ai nghe đến tăng lương cũng vui": ĐBQH đề xuất tăng lương cho người về hưu, có công từ 1/7. 1

2.                ĐBQH: Nhũng nhiễu, gian dối gói hỗ trợ COVID-19 thì không thể chấp nhận được. 2

3.                "Cán bộ nào có tính xấu lên kế hoạch tham nhũng thì phải dừng ngay". 3

4.                Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị công bố hết dịch COVID-19. 4

5.                ĐBQH: "Dọn tổ đón đại bàng", cũng nên "rắc thóc cho chào mào, chim sẻ". 5

6.                Đại biểu Quốc hội: Giá thịt lợn "nhảy múa", vai trò điều tiết ở đâu?. 6

CHÍNH SÁCH MỚI 7

7.                Bộ Tài chính giảm phí một số dịch vụ. 7

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 8

8.                Kiểm toán 60 dự án PPP giảm gần 300 năm thu phí 8

9.                Kinh tế Việt Nam hấp dẫn đầu tư nước ngoài hậu COVID-19. 9

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 10

10.             Khi Chính phủ nói lời cảm ơn dân. 10

QUẢN LÝ.. 11

11.             Việt Nam cần làm gì để an toàn trước nguy cơ làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai?. 11

12.             Bộ trưởng Công Thương, Tài chính bị truy trách nhiệm vụ "dừng xuất khẩu gạo". 12

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 14

13.             Hà Nội: Sáu tháng đầu năm, giải quyết hơn ba triệu hồ sơ thủ tục hành chính. 14

14.             TP.HCM: Trên 99% hồ sơ giải quyết đúng hạn. 14

15.             Vĩnh Phúc: Xây dựng giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số PCI 15

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 16

16.             Yên Lập, Phú Thọ: Phần lớn ngân sách chỉ dùng để sửa chữa trụ sở. 16

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 17

17.             Xử lý nhẹ sai phạm cấp dưới, Chủ tịch huyện ở Cà Mau bị yêu cầu kiểm điểm lại 17

THẾ GIỚI 18

18.             Hàng loạt quan chức bị mất chức do để bùng phát dịch Covid-19 ở Bắc Kinh. 18

 TIN QUỐC HỘI

"Ai nghe đến tăng lương cũng vui": ĐBQH đề xuất tăng lương cho người về hưu, có công từ 1/7         

Thay vì tăng lương cho tất cả viên chức, công chức…, đại biểu Đinh Văn Nhã (đoàn Phú Yên) đề xuất tăng lương cho một số nhóm đối tượng nhất định.

 "Theo đề xuất của Chính phủ, ngày 1/7 này có thực hiện tăng mức lương cơ sở theo nghị quyết của Quốc hội hay là chưa tăng. Chính phủ đề nghị chưa tăng nhưng tôi cho rằng đối với tất cả chúng ta dù là có thu nhập cao hay thu nhập thấp nhưng mỗi khi nghe nói đến tăng lương, nhất là thời điểm tăng lương sẽ đến thì ai cũng vui.

 Nhiều người sẽ buồn, tôi thử đặt mình vào vị trí của người về hưu mặc dù còn 1 năm nữa mới vinh dự được nghỉ hưu nhưng trong vị thế, tâm thế của người hưởng lương hưu chúng ta đều hiểu rằng những người nghỉ hưu, hưởng lương hưu, chưa nói đến những người hưởng trợ cấp xã hội, trợ cấp ưu đãi là những người có thu nhập thấp trong xã hội", đại biểu đoàn Phú Yên và đồng thời cũng là Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội - Đinh Văn Nhã cho biết tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội vào chiều 15/6.

 Chính vì điều này, theo ông Nhã, Chính phủ nên tách thành hai nhóm để có lộ trình tăng lương phù hợp.

 Đối tượng thứ nhất, đối với người nghỉ hưu hưởng trợ cấp xã hội, ưu đãi người có công với cách mạng thì vẫn cần phải tăng lương theo lộ trình từ ngày 1/7/2020 theo Nghị quyết của Quốc hội.

 "Nếu Chính phủ rà soát lại, thấy không cân đối được ngân sách để tăng lương cho tất cả những người này, tôi đề nghị tăng lương trước với những người nghỉ hưu từ năm 1995 trở về trước, vì đây là nhóm người có thu nhập rất thấp", ông Nhã đề xuất

 Với nhóm thứ hai là những người đang làm việc hưởng lương từ ngân sách, theo ông Nhã, tạm thời chưa tăng lương.

 "Nếu đến tháng 10 tăng trưởng kinh tế đạt kịch bản số 1 (GDP tăng 4,9% trở lên) thì đề nghị Chính phủ tăng lương cho nhóm này từ tháng 1/2021", đại biểu đoàn Phú Yên đề xuất.

 Trước đó, tại phiên thảo luận kinh tế xã hội tại Quốc hội vào sáng (13/6), đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu (đoàn Đắk Lắk) cho biết bà chia sẻ và nhất trí với đề xuất của Chính phủ tạm dừng tăng lương cơ bản đối với khối cán bộ công chức. Tuy vậy nữ đại biểu này cho rằng hoãn tăng lương chỉ nên là giải pháp tình thế.

 "Về tâm lý, đa số người công chức hưởng lương từ ngân sách không hào hứng và chưa thật sự yên tâm về việc này.

 Trong khi lạm phát tăng chỉ số tiêu dùng tăng làm giảm sức mua của đồng lương, việc giữ nguyên lương thực chất đã làm giá giảm giá trị của đồng lương, giá trị đồng lương danh nghĩa bị thấp xuống. Đồng thời, đa số công chức viên chức làm công ăn lương sẽ khó khăn hơn, tính dưỡng liêm bị giảm sút", bà Thu nói.

 Theo đại biểu đoàn Đắk Lắk, giải pháp căn cơ, thắt lưng buộc bụng trong tình hình hiện nay phải thực sự là tiết kiệm chi tiêu, chống lãng phí và đầu tư công phải thật sự là thiết thực, có trọng điểm, có hiệu quả và đặc biệt là chúng ta phải chống thất thu, chống thất thoát trong mọi lĩnh vực. (VTV.vn 15/6)Về đầu trang

ĐBQH: Nhũng nhiễu, gian dối gói hỗ trợ COVID-19 thì không thể chấp nhận được

Việc trục lợi các gói hỗ trợ COVID-19 tiếp tục là vấn đề nóng tại phiên thảo luận kinh tế xã hội tại Quốc hội trong ngày 15/6.

 "Các gói hỗ trợ rất kịp thời, như gói an sinh xã hội, gói hỗ trợ tiền tệ, gói hỗ trợ giá điện thoại, hỗ trợ giá viễn thông... nhưng đã có sự trục lợi từ các chính sách của Chính phủ", đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho biết.

 Nhấn mạnh việc đã có những cán bộ dính vào việc nhũng nhiễu, gian dối đến gói hỗ trợ an sinh xã hội, đại biểu đoàn Kon Tum khẳng định đây là những hành vi không thể chấp nhận được.

 "Cử tri đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các ngành, các địa phương xử lý nghiêm khắc các hành vi trục lợi này", ông Tám nhấn mạnh.

 Cùng quan điểm với đại biểu Tô Văn Tám, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cũng nhấn mạnh, đối với việc phòng, chống tham nhũng khi dịch COVID-19 diễn ra, cán bộ, công chức nào có tính xấu, lên kế hoạch tham nhũng thì đề nghị phải dừng lại ngay. 

"Trong thời COVID-19 cũng còn tham nhũng, dân không thể chấp nhận được", ông Nhưỡng khẳng định.

 Trước đó tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội hôm 13/6, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) cũng đã lên án mạnh mẽ tình trạng trục lợi chính sách của cán bộ chính quyền cơ sở, chỉ biết đến bản thân, gia đình và họ hàng. Theo ông Cương, việc trục lợi này đã cướp đi cơ hội vượt qua khó khăn, dịch bệnh của nhiều người khó khăn, gia đình khác.

 "Trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, ngân sách đã dành một khoản không nhỏ để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Các hỗ trợ đó thực sự thiết thực và mang tính nhân văn sâu sắc, ấy thế mà một bộ phận cán bộ cố tình làm trái, tìm cách hưởng lợi thay vì triển khai các hướng dẫn cụ thể của Chính phủ và Bộ LĐ-TB&XH.

 Họ đã nghi ra đủ cách, đủ mánh khóe để chiếm đoạt tiền hỗ trợ, cũng như thu vén cho gia đình và họ hàng", ông Cương nói.

 Cũng liên quan đến việc công tác hỗ trợ sau dịch bệnh, đại biểu Bùi Thanh Tùng (đoàn Hải Phòng) đã đề nghị mở rộng thêm đối tượng thụ hưởng của các chương trình cho vay như: Đối tượng học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng là hộ có mức sống trung bình.

 Cùng với đó đại biểu đoàn Hải Phòng cũng đề nghị xem xét có chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho đối tượng là người có thu nhập thấp đang được vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, nâng thu nhập ổn định cuộc sống, cho phép tiếp tục thực hiện cho vay với hộ mới thoát nghèo khi hết thời gian quy định là 31/12/2020.

 Đồng thời cho phép kéo dài thời gian hộ gia đình được thụ hưởng chính sách ưu đãi tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo, kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo lên tối đa 5 năm. (VTV.vn 15/6)Về đầu trang

"Cán bộ nào có tính xấu lên kế hoạch tham nhũng thì phải dừng ngay"

Đây là nội dung của 1 trong 4 kiến nghị để thúc đẩy việc phục hồi nền kinh tế sau dịch COVID-19 của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng tại phiên thảo luận của Quốc hội.

 Ngày 15/6, những vấn đề nóng, dư luận xã hội quan tâm về tình hình KT-XH và vấn đề liên quan đến ngân sách Nhà nước tiếp tục được các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường.

 Phát biểu về tình hình phòng chống dịch COVID-19, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) đánh giá cao thành công của nước ta: "Tôi đã vào tận tâm dịch Bạch Mai để chia sẻ với các bác sĩ, đã đi một số tỉnh để giám sát cá nhân về công tác phòng dịch và quả thật là thấy rằng chúng ta hưởng ứng rất tốt lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và chấp hành rất nghiêm túc Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, cũng chỉ duy nhất có một phòng tôi đến là có 5 anh em ngồi uống trà và đánh bài trong đó và tôi có nhắc nhở".

 "Qua dịch này, tôi thấy tinh thần đoàn kết, tinh thần tương trợ, tương ái của đất nước chúng ta quả thật là rất cao cả. Tuy nhiên, thành công đã vang dội nhưng bây giờ cái quan trọng nhất là việc mà chúng ta quay trở lại để phục hồi kinh tế, để tạo sức bật cho nền kinh tế đã sa sút nghiêm trọng trong thời gian vừa qua" - Phó Trưởng ban dân nguyện Quốc hội cho biết.

 Để thúc đẩy việc phục hồi nền kinh tế, thứ nhất, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng kiến nghị bổ sung vào Kỳ họp thứ 9 một nghị quyết hoặc bổ sung vào nội dung nghị quyết của toàn bộ quy hoạch phục hồi nền kinh tế để đồng hành cùng với Chính phủ, đồng hành cùng với nhân dân. Đây là vấn đề rất quan trọng, phải có nội dung rất rõ ràng.

 Thứ hai, đại biểu đề nghị Chính phủ tìm mọi biện pháp hỗ trợ tối đa nới lỏng các dây buộc cho các doanh nghiệp: "Có những doanh nghiệp khốn khổ hàng hơn chục năm nay. Đề nghị Chính phủ phải tìm cách giải thoát người ta để tránh tình trạng có âm mưu làm cho doanh nghiệp này rơi vào tình trạng khốn khổ, đầu tư song bây giờ đứng ‘chết nhăn răng’ ở giữa đường".

 Thứ ba, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng đề nghị Chính phủ và tất cả các địa phương, các bộ, ngành phải xem xét đình hoãn, dừng tất cả các công trình không không cần thiết, tốn kém tiền của nhân dân. Cần tránh xây dựng những thứ mà không ảnh hưởng, không có giá trị đối với nền kinh tế, tốn kém tiền của, tốn kém ngân sách. Đại biểu cũng đề nghị Ủy ban Tài chính, ngân sách phải có ý kiến thẩm tra rất rõ ràng.

 Thứ tư, ĐBQH đoàn Bến Tre cho biết cần phải rất rõ ràng về công tác phòng, chống tham nhũng: "Các cán bộ, công chức nào có cái tính xấu lên kế hoạch tham nhũng thì đề nghị chúng ta phải dừng lại ngay. Trong COVID-19 cũng tham nhũng thì dân không thể chấp nhận được".

 Ngoài ra, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng chia sẻ thẳng thắn về công tác cải cách tư pháp khi thời gian qua xuất hiện nhiều sai lầm trong việc tố tụng, gây mất lòng tin với nền tư pháp như vụ án Hồ Duy Hải. Đại biểu đề nghị cần phải có sự giám sát chặt chẽ hơn nữa đối với công tác tư pháp và đề nghị Quốc hội có chuyên đề riêng để giám sát những vụ án nghiêm trọng. (VTV.vn 15/6)Về đầu trang

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị công bố hết dịch COVID-19

Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, Việt Nam đã đạt đủ 3 tiêu chí để công bố hết dịch và cần có lộ trình để mở cửa với 17 đối tác kinh tế quan trọng nhất.

 Phát biểu tại hội trường Quốc hội sáng 15/6, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã nói về vấn đề công bố hết dịch và mở cửa nền kinh tế sau khi Việt Nam đã cơ bản không chế dịch COVID-19.

 Ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh Việt Nam cần công bố hết dịch ở trong nước. Tổng số người nhiễm ở Việt Nam chưa bao giờ đạt 1.000 người. Đến nay là 332 người, thấp hơn nhiều mốc 1.000 so với lúc thế giới công bố dịch.

 Việt Nam cũng đạt đủ 3 tiêu chí để công bố hết dịch: 1. Tỉ lệ người nhiễm trên 1 triệu dân không quá 5 người (hiện ta chỉ có 3,1 người nhiễm/1 triệu dân). 2. Tỉ lệ người đang điều trị không quá 1 người trên 1 triệu dân (hiện chỉ có 0,2 người). 3. Không có người tử vong.

 Cũng trong phần phát biểu trước Quốc hội, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đánh giá do có chính sách chỉ đạo chung sớm, kịp thời, chúng ta đã kiểm soát rất tốt đại dịch. Việc cần làm bây giờ là giám sát và lập trình mở cửa với 17 nền kinh tế có quan hệ đối tác quan trọng nhất.

 "17 nước này quyết định 90% đầu tư nước ngoài, 80% thương mại quốc tế và 80% khách du lịch đến Việt Nam nên đề nghị cần giám sát và lập trình mở cửa với 17 nước này theo lộ trình, thỏa thuận 2 bên" - Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết.

 Theo đó, từ tháng 5 đến tháng 8 năm nay, 10/17 nền kinh tế này sẽ không còn dịch ở tiêu chí dưới 10.000 người đang điều trị trên 1 triệu dân, trong đó có: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Hong Kong (Trung Quốc), Đức, Australia… Việt Nam cần phân công cụ thể lập lộ trình mở cửa với 10 nền kinh tế này. 7 nước còn lại chưa đến độ an toàn như Ấn Độ, Mỹ, Singapore… thì phải theo dõi để khi họ có điều kiện thì thiết lập ngay. 

Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng đề cập tới một số dự báo như đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm nay nhiều khả năng giảm 30% so với năm ngoái, thương mại quốc tế giảm 18% và du lịch giảm 50%. Do vậy, cần có lộ trình phù hợp để ứng phó. Về đầu trang

ĐBQH: "Dọn tổ đón đại bàng", cũng nên "rắc thóc cho chào mào, chim sẻ"

Đại biểu Bùi Thanh Tùng (đoàn Hải Phòng) khuyến nghị không vì quá tập trung vào đón các nhà đâu tư ngoại, mà chúng ta "bỏ rơi" những doanh nghiệp nội địa.

 "Thời gian qua, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng, nhiều địa phương đã "trải thảm đỏ" cho các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đa quốc gia về đầu tư ở địa phương mình. Tuy nhiên, bên cạnh đó, với những sự ưu ái đó thì đối với doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các thủ tục đầu tư vẫn còn phức tạp và kéo dài", ông Tùng cho biết trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại Quốc hội vào sáng 15/6.

 Theo đại biểu Tùng, hiện các văn bản hướng dẫn Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đất đai còn nhiều nội dung chưa thống nhất. Điều này tạo nên sự lúng túng, dè chừng, đùn đẩy của các cơ quan chức năng trong quá trình thẩm định, xem xét giải quyết các thủ tục cho các dự án đầu tư của doanh nghiệp từ quy hoạch, giải phóng mặt bằng, chấp thuận đầu tư, tính giá đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến các giấy phép về xây dựng công trình... 

Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp phải mất trung bình từ 3-4 năm cho việc chạy lòng vòng và bước dần qua các thủ tục này, thực sự cảm thấy hụt hơi, nản chí.

 "Thiết nghĩ chúng ta đang dọn tổ đón 'đại bàng' thì cũng nên rắc thóc cho chào mào, chim sẻ để thực sự có được sự công bằng và tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp phát huy nội lực của doanh nghiệp trong nước, góp phần nhanh chóng hồi phục kinh tế", đại biểu Bùi Thanh Tùng nói.

 Cũng liên quan đến vấn đề nội dung hỗ trợ các DN, đại biểu Trần Thị Hằng (đoàn Bắc Ninh) một mặt nhất mạnh cần có chính sách đòi hỏi hỗ trợ khẩn trương, minh bạch và kịp thời trong thực hiện các gói tài chính, dự báo tình hình mới để giải quyết kịp thời như xu hướng chuyển dịch mới, vốn FDI có chọn lọc, có chính sách thu hút đón được các nhà đầu tư lớn từ nước ngoài.

 Song đại biểu Hằng cũng nhấn mạnh việc nâng cao hiệu quả quản lý, kiểm soát chặt chẽ làn sóng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để tránh việc các nhà đầu tư vào chỉ để lợi dụng xuất xứ hàng Việt Nam.

 "Điều này không đem lại giá trị gia tăng, ảnh hưởng việc kinh doanh chân chính của các doanh nghiệp trong nước", bà Hằng nhấn mạnh.

 Bởi theo nữ đại biểu này, hiện nay để thể chế hóa Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị về định hướng, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 thì việc thực hiện thí điểm các phương thức đầu tư mô hình kinh doanh mới, Luật Đầu tư (sửa đổi) đang trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này cũng được điều chỉnh theo chủ trương trên. (VTV.vn 15/6)Về đầu trang

Đại biểu Quốc hội: Giá thịt lợn "nhảy múa", vai trò điều tiết ở đâu?

Giá thịt lợn liên tục tăng cao trong thời gian qua tiếp tục là chủ đề được được quan tâm trong phiên thảo luận kinh tế - xã hội tại Quốc hội vào sáng 15/6.

 "Cử tri và nhân dân bức xúc việc kiểm soát giá các mặt hàng phục vụ đời sống nhân dân chưa tốt. Không chỉ giá thịt heo "nhảy múa" bất thường, tăng liên tục trong thời gian gần đây, mà còn nhiều mặt hàng khác. Chính phủ chưa kiểm soát được giá, chưa có biện pháp xử lý nghiêm những hành vi gom hàng thao túng giá", bà Nguyễn Thanh Thủy (đoàn Hậu Giang) cho biết.

 Bà Thủy nhấn mạnh, biết rằng chúng ta phải tuân thủ quy luật thị trường, trong đó có quy luật cung cầu. Song cử tri và nhân dân rất cần vai trò chi phối, điều tiết, quản lý để đảm bảo tính thông suốt và hiệu quả hơn nữa của Chính phủ và các cấp, các ngành.

 Vấn đề tiếp theo được bà Thủy đề cập đó chính là sự thông suốt trong khâu lưu thông hàng hóa.

 "Vì sao miếng thịt đến tay người tiêu dùng bị đội giá lên nhiều lần, bởi qua rất nhiều khâu trung gian? Bởi vì sao người tiêu dùng luôn hoài nghi bất an sợ mua nhầm hàng giả, hàng nhái kém chất lượng? Cử tri kiến nghị Chỉnh phủ có biện pháp khắc phục những vấn đề trên để đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới", bà Thủy nhấn mạnh.

 Cũng đề cập đến vấn đề điều tiết giá, và lưu thông hàng hóa, trong phiên thảo luận kinh tế xã hội vào ngày 13/6, theo đại biểu Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ), điều tiết giá cả không thể bằng mệnh lệnh hành chính mà phải bằng quản lý, điều tiết bằng "bàn tay vô hình" của Nhà nước.

 Những mặt hàng thị trường quyết định giá phải nghiên cứu xem tăng giá do sản xuất hay lưu thông để tuyên truyền, định hướng, có biện pháp hỗ trợ, cần thiết thì kinh tế nhà nước phải đảm trách.

 "Không nên để như thời gian qua dư luận cho rằng, người dân chỉ được ăn thịt lợn giá rẻ trên tivi; nếu do khâu sản xuất thì phải kích thích tăng đàn, tăng nhập khẩu, nếu cần thiết, kinh tế nhà nước phải tham gia; nếu do khâu lưu thông thì có biện pháp hợp lý, hợp pháp cần thiết thì cân nhắc cả đến việc Nhà nước thu mua trực tiếp, cung ứng trực tiếp cho thị trường", ông Hàm nhấn mạnh. (VTV.vn 15/6)Về đầu trang

CHÍNH SÁCH MỚI

Bộ Tài chính giảm phí một số dịch vụ

Ngày 12.6, Bộ Tài chính ban hành 3 Thông tư để giảm phí từ 20 - 50% đối với một số dịch vụ đến hết năm nay nhằm tiếp tục thực hiện các giải pháp cấp bách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

 Giảm 50% phí xác minh giấy tờ: Cụ thể, theo Thông tư 54/TT-BTC, kể từ ngày 12.6.2020, tổ chức, doanh nghiệp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp mới, cấp đổi, cấp lại Giấy phép hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sẽ nộp lệ phí bằng 50% mức thu quy định tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư 259/2016/TT-BTC.

 Tương tự, từ ngày 12.6. 2020, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước khi yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác minh giấy tờ, tài liệu liên quan đến lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài sẽ nộp phí bằng 50% mức thu quy định tại Khoản 3 Điều 4 Thông tư 259/2016/TT-BTC. 

Giảm 20 - 50% phí trồng trọt và giống cây lâm nghiệp: Theo quy định tại Thông tư 56/TT-BTC, kể từ ngày 12.6. 2020, tổ chức, cá nhân khi đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ, cấp chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp; nộp đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; cấp chứng chỉ hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp, công bố, đăng bạ đại diện sở hữu công nghiệp sẽ nộp lệ phí bằng 50% mức lệ phí quy định tại Mục I Biểu phí, lệ phí trong lĩnh vực trồng trọt và giống cây lâm nghiệp ban hành kèm theo Thông tư 207/2016/TT-BTC.

 Trong trường hợp duy trì hiệu lực Bằng Bảo hộ giống cây trồng, kể từ ngày 12.6.2020, tổ chức, cá nhân khi nộp đơn yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo hộ giống cây trồng (duy trì hiệu lực Bằng Bảo hộ giống cây trồng) sẽ nộp phí như sau: (1) Đối với trường hợp duy trì hiệu lực Bằng Bảo hộ giống cây trồng từ năm thứ nhất đến năm thứ 9 sẽ nộp phí bằng 80% mức phí quy định tại Điểm 3 Mục III Biểu phí, lệ phí trong lĩnh vực trồng trọt và giống cây lâm nghiệp ban hành kèm theo Thông tư 207/2016/TT-BTC. (2) Đối với trường hợp duy trì hiệu lực Bằng Bảo hộ giống cây trồng từ năm thứ 10 đến hết thời gian hiệu lực của Bằng Bảo hộ, nộp phí bằng 70% mức phí quy định tại Điểm 3 Mục III Biểu phí, lệ phí trong lĩnh vực trồng trọt và giống cây lâm nghiệp ban hành kèm theo Thông tư 207/2016/TT-BTC.

 Giảm 20% lệ phí cấp hộ chiếu, quản lý vũ khí: Thông tư 57/TT-BTC quy định, từ ngày 12.6.2020, công dân Việt Nam khi làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam cấp các giấy tờ liên quan đến hộ chiếu, thông hành, xuất cảnh, sẽ nộp lệ phí bằng 80% mức thu quy định tại Phần I Biểu mức thu phí, lệ phí ban hành kèm theo Thông tư 219/2016/TT-BTC.

 Đồng thời, cơ quan, tổ chức khi được cơ quan công an có thẩm quyền cấp giấy phép quản lý pháo hoa vào, ra Việt Nam; cấp giấy phép sử dụng, vận chuyển, mua, mang và sửa chữa các loại vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thực hiện nộp lệ phí bằng 80% mức thu quy định tại Phần III và Phần IV Điều 1 Thông tư 23/2019/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 218/2016/TT-BTC.

 Ba Thông tư trên có hiệu lực kể từ ngày 12.6.2020 cho đến hết ngày 31.12.2020. (Đại biểu nhân dân 14/6)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Kiểm toán 60 dự án PPP giảm gần 300 năm thu phí

Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, sau khi kiểm toán 60 dự án PPP, 300 năm thu phí đã được cắt giảm.

 Dự án Luật Đầu tư theo đối tác công tư (PPP) Quốc hội vừa góp ý có điểm mới là quy định rõ sự tham gia của Kiểm toán Nhà nước vào 4 giai đoạn của dự án PPP trong đó có kiểm toán sử dụng vốn Nhà nước bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư; đánh giá tính kinh tế, hiệu quả dự án kiểm toán; kiểm toán toàn bộ giá trị tài sản của dự án PPP khi chuyển giao cho Nhà nước.

 Chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 15/6, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết qua kiểm toán các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) sẽ xác định được tính tuân thủ của pháp luật và giá trị công trình mà nhà đầu tư hoàn thành. Đó cũng là cơ sở xác định việc thu hồi vốn cho nhà đầu tư, đảm bảo minh bạch.

 "Thực tế, kiểm toán 60 dự án PPP đã giảm gần 300 năm thu phí. Nếu không kiểm toán có thu hồi được các dự án đã thu vượt không, có giảm được thời gian thu phí không", Tổng kiểm toán Nhà nước nói.

 Trước lo ngại cao tốc Bắc Nam đang khó thu hút doanh nghiệp tham gia các dự án PPP khi có kiểm toán, ông Phớc khẳng định "nếu làm đúng thì không việc gì e ngại". Theo ông, tất cả đều phải công khai minh bạch. Nếu kiểm toán ra một vấn đề, doanh nghiệp sẽ được giải trình, nếu giải trình thuyết phục sẽ kết luận doanh nghiệp đúng.

 Năm 2020, Kiểm toán Nhà nước giảm 35% cuộc so với năm 2019. Cơ quan này chọn mẫu, chọn điểm trọng yếu để kiểm toán; duy trì kiểm toán những nội dung quan trọng, nhạy cảm. Tuy nhiên, ông Phớc nói, giảm đầu mối không có nghĩa giảm số cuộc kiểm toán mà là bớt các đối tượng liên quan, các doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc và chất lượng vẫn phải đảm bảo.

 Chiều 18/6, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). (Vnexpress.net 15/6, Hoàng Thùy)Về đầu trang

Kinh tế Việt Nam hấp dẫn đầu tư nước ngoài hậu COVID-19

Phóng viên TTXVN tại New Delhi dẫn bài viết trên mạng Times of India của Ấn Độ, trong đó đánh giá Việt Nam như một ngôi sao đang lên, hội đủ các yếu tố để nâng cao hình ảnh kinh tế, làm vững tâm các nhà đầu tư nước ngoài.

 Theo bài viết, đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang đặt ra một thử thách lớn đối với các quốc gia về khả năng phục hồi, điều hành hiệu quả và quan trọng nhất là năng lực tổ chức của mỗi nước. Những quốc gia đã thể hiện được khả năng mạnh mẽ trên các mặt trận này không chỉ xử lý dịch bệnh tốt hơn mà còn đang tìm cách vươn lên mãnh liệt hơn.

 Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang thu hút sự chú ý lớn của quốc tế, khi kiểm soát được COVID-19 bằng ý chí thép, huy động toàn bộ hệ thống chính trị, tuyên bố “chống dịch như chống giặc”, triển khai chiến dịch thông tin đại chúng hiệu quả và thực hiện các biện pháp truy dấu tiếp xúc và cách ly quy mô lớn. Thành quả của nỗ lực này chính là Việt Nam chỉ có hơn 300 ca mắc COVID-19 và không có trường hợp tử vong nào.

 Trong lĩnh vực kinh tế, Việt Nam đang nổi lên là điểm đến lựa chọn của các công ty đa quốc gia. Việt Nam đang tăng tốc guồng máy kinh tế và đã tái khởi động du lịch nội địa. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt 2,7% trong khi dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB) là 4,9% - nhanh hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực.

 Bài viết nhận định Việt Nam đã quyết liệt thực hiện các cải cách kinh tế và điều hành trong vài thập kỷ qua. Chính điều này đã giúp Việt Nam ngăn chặn được COVID-19, cơ bản dập tắt được "cơn bão" kinh tế và đang sở hữu những thành tố thích hợp để tận dụng tối đa lợi thế kinh tế thời kỳ hậu COVID-19. Theo bài viết, xử lý dịch bệnh hiệu quả, thể hiện được khả năng tổ chức, cùng với một chính phủ thân thiện với doanh nghiệp, Việt Nam chắc chắn đang làm vững tâm các nhà đầu tư nước ngoài và các công ty đa quốc gia.

 Trong khi đó, đài Sputnik đã tổng hợp các bài viết nhận định tình hình kinh tế và đánh giá bí quyết thành công của Việt Nam trên báo chí các nước. Trang Axios đánh giá kinh tế Việt Nam đang đi lên khi là một trong những đất nước đầu tiên trên thế giới mở cửa sau đại dịch và đón nhận dòng đầu tư từ nước ngoài. Về phần mình, CNA chỉ ra rằng dù khủng hoảng do đại dịch COVID-19 đòi hỏi việc áp dụng một số biện pháp nhất định, song chính những yếu tố này sẽ giúp cho các khu vực hoạt động hiệu quả hơn. Trong số này phải kể đến sự phát triển của thương mại điện tử, ứng dụng đào tạo trực tuyến có thể giúp loại bỏ sự bất bình đẳng về tiếp cận giáo dục trên cả nước, thúc đẩy sử dụng hội chẩn-điều trị từ xa và nâng cao trình độ nghiên cứu di truyền y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng nói chung. Bài viết cho rằng đại dịch COVID-19 đã là một thử nghiệm đối với tất cả các hệ thống tại Việt Nam, và nước này đã vượt qua với kết quả xuất sắc.

 Bên cạnh đó, báo chí các nước cũng có không ít bài viết về sự hồi sinh của nền kinh tế Việt Nam. Trang Geopolitical Monitor xuất bản bài viết thú vị về việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật số để giúp đỡ nông dân đối phó với biến đổi khí hậu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong lĩnh vực nông nghiệp, BNN đưa tin sản lượng gạo Việt Nam cung cấp đã tăng 42% trong tháng Năm, đó là mức kỷ lục trong 11 năm qua. Về năng lượng, The New Straits Times Online dự báo đặc điểm có đường bờ biển dài và sức gió mạnh khiến Việt Nam trở thành ứng cử viên tiềm năng trở thành nước tiên phong toàn cầu về khai thác năng lượng gió ven biển.

 Từ thành công của Việt Nam, Brookings Institution đã đưa ra hàng loạt gợi ý như nên thay đổi chiến lược phát triển như thế nào để không chỉ phát triển nhanh hơn mà còn đạt thành tựu tốt đẹp hơn, cần quản lý sự thịnh vượng của đất nước một cách hiệu quả như thế nào, để làm cho các công ty năng động hơn, có đội ngũ công nhân lành nghề hơn, môi trường sinh thái xung quanh sẽ vững vàng hơn trước hoạt động của con người và tình hình biến đổi khí hậu. (TTXVN/Baotintuc.vn 15/6)Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

Khi Chính phủ nói lời cảm ơn dân

Trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thay mặt Chính phủ bày tỏ lòng biết ơn tới các tầng lớp nhân dân, tới các bác sĩ, chiến sĩ “không có đêm không có ngày... trong cuộc chiến với dịch bệnh COVID-19”.

 Hồi đầu tháng 5, một hãng tin nước ngoài đã liên hệ với quản lý của 13 nhà tang lễ tại Hà Nội. Kết quả: Tất cả đều xác nhận không có sự gia tăng về số ca tử vong. Thậm chí, số đơn đặt hàng cho dịch vụ tang lễ giảm xuống vì trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội có ít tai nạn giao thông hơn.

 Đại diện của WHO tại Việt Nam trên bản tin sau đó cũng xác nhận: Không có trường hợp nhiễm bệnh nào khác ngoài những ca được ghi nhận bởi Chính phủ.

 Hãng tin cho rằng, Việt Nam đã vượt qua được đại dịch nhờ sự kết hợp giữa sự lãnh đạo sáng suốt và sự hợp tác, một lòng của người dân. Họ cũng dẫn lời một Giáo sư ĐH Oxford, giám đốc một đơn vị nghiên cứu lâm sàng đang ở TPHCM đánh giá: Các quyết định trên phạm vi toàn quốc được ban hành nhanh chóng và hiệu quả.

 Cuối tháng 5, thế giới sửng sốt khi bóng đá Việt Nam trở lại với một bình luận gần như một lời chào mừng: Việt Nam đã thực sự vượt qua dịch bệnh.

 Có lẽ, phải kể thêm một chi tiết rất đắt nữa: Bên dưới bài viết của tờ Daily Mail (Anh) về bệnh nhân 91 có bình luận của một độc giả ca ngợi: Một quốc gia có dân số 90 triệu, biên giới dài hàng ngàn km với Trung Quốc và cách họ ngăn chặn virus để ZERO ca tử vong.

 Và đó được xem là một “Câu chuyện đáng kinh ngạc về Việt Nam”.

 Đã 59 ngày qua Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Chỉ còn 10 ca đang điều trị và tử vong Zero. Có thể tự hào mà nói rằng: Ở thời điểm này, chúng ta đã chiến thắng dịch bệnh.

 Trước Quốc hội, rất cảm động, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ lòng biết ơn tới các tầng lớp nhân dân “Không chỉ có bao nhiêu cụ già và trẻ em mang rau, gạo, bỏ tiền tiết kiệm ra cùng chống dịch mà còn hàng trăm, hàng nghìn doanh nghiệp dù khó khăn nhưng vẫn đóng góp vật tư, thiết bị, giữ lương cho người lao động...”. Bày tỏ lòng biết ơn với lực lượng chức năng đã “không có đêm, không có ngày, các bác sĩ thức trắng điều trị bệnh nhân, bộ đội lội suối, băng rừng lập chốt chống dịch...”.

 Đặt nhân dân ở vị trí số 1 trong chiến thắng, bày tỏ lòng biết ơn nhân dân. Xin cảm ơn Chính phủ. Cảm ơn cả vì sự sáng suốt quyết đoán; vì những gói hỗ trợ với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, đặc biệt là đối tượng yếu thế, và vì đã không để đất nước rơi vào thảm họa, rơi vào hoàn cảnh phải chọn bệnh nhân để cứu. (Laodong.vn 15/6, Đào Tuấn)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Việt Nam cần làm gì để an toàn trước nguy cơ làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai?

Hiện diễn biến dịch COVID-19 đang có dấu hiệu phức tạp tại nhiều nước trên thế giới làm dấy lên lo ngại về làn sóng lây nhiễm thứ hai.

 Dù một số quốc gia trên thế giới đã cho thấy kết quả tích cực trong việc kiểm soát đà lây lan của dịch COVID-19, tuy nhiên, dịch bệnh này vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ với những làn sóng lây nhiễm mới.

 Mỹ hiện vẫn là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 trên thế giới với khoảng 20.000 ca mắc mới COVID mỗi ngày. Đặc biệt trong ngày 14/6, số ca mắc mới tại nhiều bang đã tăng cao kỷ lục. Số liệu trên làm dấy lên lo ngại về làn sóng bùng phát dịch thứ hai khi các bang chuẩn bị cho mở cửa hoàn toàn nền kinh tế.

 Tại một loạt quốc gia châu Á, diễn biến dịch đang có dấu hiệu phức tạp làm dấy lên lo ngại về làn sóng lây nhiễm thứ hai. Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã lên tiếng cảnh báo nguy cơ tái bùng phát dịch COVID-19 ở nước này sau khi Thủ đô Tokyo ngày 14/6 xác nhận có thêm 47 ca mắc mới COVID-19 chỉ trong 1 ngày. Đây là lần đầu tiên trong gần một tháng qua Tokyo ghi nhận số ca nhiễm tăng mạnh.

 Tại quốc gia láng giềng Hàn Quốc, tình hình cũng đáng lo ngại khi ghi nhận thêm 34 ca mắc mới trong ngày 14/6, chủ yếu tập trung ở thủ đô Seoul và các vùng phụ cận nơi chiếm tới gần nửa dân số nước này.

 Tại Trung Quốc, sau một thời gian dài kiểm soát được dịch bệnh, thủ đô Bắc Kinh lại trở thành điểm nóng về làn sóng COVID-19 thứ hai. Trong 3 ngày qua, thành phố này liên tiếp phát hiện các ca bệnh mới trong cộng đồng, đặc biệt là ổ dịch từ chợ đầu mối Tân Phát Địa. Trong khi đó, một số nước ở Đông Nam Á như Indonesia, Philippines vẫn tiếp tục ghi nhận thêm hàng trăm ca mắc và tử vong do COVID-19 mỗi ngày, trong bối cảnh các nước này đang dần nới lỏng các biện pháp phòng dịch.

 Trong khi đó, tại Việt Nam, ngày 15/6 tròn 60 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, 97% số ca mắc đã khỏi bệnh. Trong tổng số 334 ca mắc COVID-19 tại Việt Nam có 194 trường hợp được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. 323 ca đã được điều trị khỏi. Hiện chỉ còn 11 bệnh nhân đang điều trị, trong đó 4 người đã có xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.

 Việt Nam đã thực sự an toàn hay chưa khi tình hình COVID-19 trên thế giới vẫn phức tạp? Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện Y tế công cộng, Bộ Y tế cho rằng: "60 ngày qua, Việt Nam không có ca lây nhiễm cộng đồng là sự thành công rất lớn. Việc ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch được tiến hành quyết liệt là giải pháp ổn định và được thế giới đánh giá cao.

 Chúng ta đã có kinh nghiệm. Nguồn lực của chúng ta đã chuẩn bị tương đối tốt. Tuy vậy chúng ta không nên lơ là, chủ quan bởi như Trung Quốc, chỉ lơ là, chủ quan một điểm nào đó là dịch bùng phát".

 Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu: "Trong thời gian tới, chúng ta vẫn phải quản lý chặt chẽ những trường hợp nhập cảnh và nếu phát hiện dương tính phải cách ly ngay. Tăng cường giám sát, phát hiện đặc biệt những trường hợp trong cộng đồng có ho, sốt, khó thở vào bệnh viện phát hiện được, nếu có ca bệnh khoanh vùng, dập dịch ngay. Thực hiện tất cả các hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Y tế".

 Như vậy, tinh thần chống dịch là không thể lơi lỏng ngay cả tại những nước đã được cho là bước đầu ngăn chặn dịch thành công. Không chỉ là làn sóng thứ hai, không ít chuyên gia lo ngại dịch COVID-19 có thể quay đi quay lại. Trong bối cảnh vaccine vẫn đang trong quá trình nghiên cứu thử nghiệm, một loại thuốc điều trị được công nhận rộng rãi cũng chưa có thì ngăn chống dịch hiệu quả vẫn là phát hiện, cách ly và đảm bảo giãn cách an toàn. Về đầu trang

https://vtv.vn/xa-hoi/viet-nam-can-lam-gi-de-an-toan-truoc-nguy-co-lan-song-lay-nhiem-covid-19-thu-hai-20200615190441641.htm

Bộ trưởng Công Thương, Tài chính bị truy trách nhiệm vụ "dừng xuất khẩu gạo"

Thảo luận về kinh tế xã hội sáng 15/6, bà Nguyễn Thị Xuân Thu - Chủ tịch Hội chữ thập đỏ Việt Nam, đại biểu tỉnh Khánh Hoà cho rằng Bộ Công Thương - một trong các cơ quan thực hiện chức năng tham mưu, quản lý Nhà nước về kinh tế phải "chịu trách nhiệm" vì ngừng xuất khẩu gạo khi giá thế giới lên cao.

 Ông Hoàng Đức Thắng (đại biểu tỉnh Quảng Trị), Nguyễn Tạo (đại biểu tỉnh Lâm Đồng) cũng nhận xét, thiếu đồng bộ, nhất quán và lúng túng trong điều hành xuất khẩu gạo đã gây thiệt hại cho doanh nghiệp, người dân. Ông Thắng dẫn lại chuyện 0h ngày Chủ nhật (11/4/2020) Tổng cục Hải quan mở tờ khai hải quan xuất khẩu khiến doanh nghiệp không kịp trở tay, để minh chứng cho sự lúng túng của các cơ quan quản lý. Việc làm này đã gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ. Ông đề nghị cần có chỉ đạo thống nhất, cần thiết lập ban chỉ đạo rà soát đánh giá cân đối nhu cầu dự trữ gạo.

 "Chúng ta cần tranh thủ cơ hội cạnh tranh xuất khẩu khi nhu cầu và giá xuất khẩu gạo tăng nhưng vẫn đảm bảo an ninh, lương thực dự trữ quốc gia. Chính sách dự báo của các cơ quan điều hành cần nhất quán, dài hơi, tránh thiệt hại cho doanh nghiệp, người dân", ông nêu.

 Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, từ đầu năm đến giữa tháng 3, gạo đã bị hút rất mạnh khỏi Việt Nam, giá gạo trong nước, thế giới liên tục tăng, với 1,3 triệu tấn gạo xuất khẩu. Bên cạnh đó, nhu cầu dự trữ chiến lược ở nhiều quốc gia khiến giao dịch mặt hàng này sôi động. 

Thừa nhận, có gián đoạn trong xuất khẩu gạo nhưng ông cho rằng, những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4, nhưng xét tổng thể xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm bảo đảm được cân đối giữa xuất khẩu, tiêu dùng trong nước, an ninh lương thực quốc gia và giá thóc, gạo tăng 25% so với 2019.

 "Chúng ta đã đạt được mục tiêu giãn tiến độ xuất khẩu gạo để bảo đảm tuyệt đối an ninh lương thực quốc gia trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp nhất", ông Tuấn Anh khẳng định.

 Giải thích thêm về việc tham mưu cho Chính phủ áp dụng kiểm soát hoạt động xuất khẩu gạo, gồm "cấp giấy phép xuất khẩu" và "tạm ngừng xuất khẩu", ông Tuấn Anh nói, nếu xảy ra biến cố thì lượng gạo tại vùng đồng bằng sông Cửu Long dù được mùa, cũng sẽ không đủ dùng cho nhu cầu trong nước nếu tiếp tục xuất khẩu với tốc độ 25.000 tấn một ngày như giai đoạn đầu tháng 3.

 Chưa hài lòng với giải trình của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, ông Nguyễn Thanh Xuân - Phó trưởng đoàn chuyên trách đại biểu tỉnh Cần Thơ nói "phần báo cáo của Bộ trưởng chỉ cho thấy phần tích cực". Còn thực tế, theo ông Xuân, quyết định dừng xuất khẩu gạo cuối tháng 3 quá nhanh, rồi khi cho xuất khẩu lại càng nhanh hơn, mở tờ khai xuất khẩu lúc 0h... thể hiện sự nóng vội. Đồng thời, tham mưu của bộ, ngành Chính phủ có nhiều bất cập, thậm chí cho thấy sự nắm bắt không đầy đủ thông tin tình hình xuất khẩu gạo cả nước, nhất là ở vựa lúa lớn nhất nước - đồng bằng sông Cửu Long.

 "Quyết định này gây ra thiệt hại lớn cho doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng với đối tác, không xuất hàng đi được, tốn thêm chi phí; trong khi bỏ lỡ cơ hội xuất khẩu giá cao", ông nói.

 Cùng giải trình trước Quốc hội với ông Trần Tuấn Anh còn có Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng liên quan tới trách nhiệm của ngành tài chính, hải quan. Ông Đinh Tiến Dũng khẳng định, việc xuất khẩu gạo, mở tờ khai xuất khẩu hải quan điện tử 24/7 được thực hiện theo các quy định trong Luật Hải quan. 

Từ khi hệ thống khai hải quan điện tử hoạt động, các chính sách quản lý được nạp vào hệ thống trước thời điểm 0h sẽ tự động áp dụng vào 0h ngày tiếp theo. Vì thế việc hải quan mở tờ khai hải quan điện tử xuất khẩu gạo tại thời điểm 0h, ông Dũng nói "không có gì xa lạ".

 "Ngày 11/4 cơ quan hải quan cho xuất khẩu gạo hạn ngạch 400.000 tấn là theo quyết định của Bộ Công Thương trước đó", ông Dũng nói. Bộ trưởng Tài chính cũng nhấn mạnh, vừa qua cơ quan này đã cố gắng cải cách ngành hải quan, tăng cường kiểm soát nội bộ, xử lý nghiêm sai phạm và hứa sẽ thực hiện tốt kết luận Thanh tra Chính phủ theo chỉ đạo của Thủ tướng.

 Phó trưởng đoàn đại biểu chuyên trách tỉnh Cần Thơ đề nghị Chính phủ đánh giá trách nhiệm của cơ quan tham mưu, phương pháp điều hành dừng, rồi mở lại xuất khẩu gạo để không lặp lại tình trạng này. "Việc điều hành phải đảm bảo hài hoà giữa lợi ích người dân, doanh nghiệp và đừng để sự nóng vội, thiếu tính toán gây thiệt hại không đáng có", ông nhấn mạnh.

 Ngày 23/3, Chính phủ cho dừng xuất khẩu gạo, theo đề xuất của Bộ Công Thương nhằm đảm bảo an ninh lương thực khi Covid-19 diễn biến phức tạp. Lập tức, 0h ngày 24/3, hải quan dừng thông quan tất cả lô hàng khiến doanh nghiệp không kịp trở tay.   

 Một ngày sau đó, Bộ Công Thương lại kiến nghị Thủ tướng cho xuất khẩu gạo trở lại. Ngày 10/4, Thủ tướng ký quyết định xuất khẩu gạo theo hạn ngạch 400.000 tấn tháng 4. Sau đó, đánh giá lại dữ liệu Bộ Công Thương đề nghị xuất khẩu gạo không hạn ngạch trở lại từ tháng 5 và được Thủ tướng đồng ý. (Vnexpress.net 15/6, Anh Minh)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Hà Nội: Sáu tháng đầu năm, giải quyết hơn ba triệu hồ sơ thủ tục hành chính

UBND thành phố Hà Nội vừa có báo cáo về công tác cải cách hành chính (CCHC) sáu tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2020.

 Theo đó, trong sáu tháng đầu năm, tổng số hồ sơ thủ tục hành chính tiếp nhận là 3.133.520 hồ sơ, đã giải quyết 3.084.413 hồ sơ, đang giải quyết 49.107 hồ sơ. Trong số hồ sơ đã giải quyết có 3.072.266 hồ sơ giải quyết đúng hạn, đạt tỷ lệ 99,61% và 12.147 hồ sơ giải quyết quá hạn, chiếm tỷ lệ 0,39%.

 Trong những tháng cuối năm, thành phố tiếp tục nghiên cứu, đề ra và thực hiện các giải pháp để nâng cao hiệu quả thực hiện công tác CCHC; nghiên cứu, hoàn thiện phương pháp, tiêu chí đánh giá chỉ số CCHC của sở, ban, ngành, UBND quận, huyện… (Nhân dân 16/6, trang Hà Nội)Về đầu trang

TP.HCM: Trên 99% hồ sơ giải quyết đúng hạn

Trong 6 tháng đầu năm, công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính (CCHC) của TP.HCM tiếp tục được thực hiện quyết liệt, chặt chẽ, xuyên suốt; nhanh chóng đề ra các giải pháp linh hoạt thay đổi phương thức làm việc và phục vụ người dân, doanh nghiệp.

 Cụ thể, tổng số hồ sơ TTHC tiếp nhận là 3.133.520 hồ sơ; trong đó, số tiếp nhận trực tuyến mức độ 3, 4 là 315.445 hồ sơ (tỷ lệ 10,07%), đã giải quyết 3.084.413 hồ sơ, đang giải quyết 49.107 hồ sơ. Trong số hồ sơ đã giải quyết có 3.072.266 hồ sơ giải quyết đúng hạn (tỷ lệ 99,61%) và 12.147 hồ sơ giải quyết quá hạn (tỷ lệ 0,39%). 

Trong giai đoạn ứng phó với dịch Covid-19, TP đã đề nghị Bưu điện TP nghiên cứu giảm giá cước dịch vụ bưu chính công ích để khuyến khích cá nhân, tổ chức tham gia dịch vụ bưu chính công ích khi thực hiện TTHC. Từ ngày 1 đến 23/4/2020, TP đã tạm ngưng tiếp nhận trực tiếp tất cả thủ tục doanh nghiệp, đầu tư; thay vào đó, đã hướng dẫn doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện nộp hồ sơ, nhận kết quả bưu điện để giải quyết hồ sơ. Kết quả, đã giải quyết hồ sơ cho 12.296 lượt doanh nghiệp. Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp nộp qua cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp chiếm 92,48%; số còn lại doanh nghiệp soạn hồ sơ qua chương trình tại nhà và đăng ký nộp qua bưu điện.

 Tuy nhiên, còn một vài hạn chế cần tiếp tục có những giải pháp khắc phục như: Sự phối hợp giữa các đơn vị trong giải quyết hồ sơ, giải quyết công việc chưa đảm bảo; một số cơ quan, đơn vị chưa tập trung đánh giá kết quả thu thập ý kiến hài lòng, chưa thật sự nghiên cứu, tìm hiểu để đề ra các giải pháp đối với những phản hồi chưa hài lòng của người dân, tổ chức.

 UBND TP cho hay, trong 6 tháng cuối năm, TP nghiên cứu, đề ra và thực hiện các giải pháp để nâng cao thực hiện công tác CCHC phục vụ người dân và doanh nghiệp; nghiên cứu, hoàn thiện phương pháp, tiêu chí đánh giá chỉ số CCHC của sở, ban, ngành, UBND quận - huyện. Đồng thời, triển khai kiểm tra, khảo sát tình hình thực hiện công tác CCHC, đặc biệt là kiểm tra đột xuất việc thực hiện quy tắc ứng xử, trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện công tác CCHC năm 2020.

 Mặt khác, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền CCHC đến nhiều đối tượng; thường xuyên theo dõi bám sát các thông tin phản ánh của người dân, báo chí các nội dung về công tác CCHC trên địa bàn TP. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với phục vụ của cơ quan hành chính trên toàn địa bàn TP, thường xuyên theo dõi, phải có các giải pháp cải thiện sự hài lòng và khắc phục hồ sơ trễ hạn. (Baodansinh.vn 15/6, PV)Về đầu trang

Vĩnh Phúc: Xây dựng giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số PCI

Mục tiêu nâng cao chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đang được tỉnh Vĩnh Phúc nỗ lực thực hiện, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tạo động lực mạnh mẽ thu hút đầu tư, phát triển kinh tế.   

 Xếp hạng chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019, Vĩnh Phúc là địa phương đứng thứ 17/63 tỉnh, thành, tụt 4 bậc so với năm 2018. Đây là kết quả thấp nhất của tỉnh Vĩnh Phúc, trong vòng 3 năm trở lại đây, kết quả này cũng không đạt được mục tiêu mà tỉnh đã ra trong việc nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh.

 Trong 10 chỉ số thành phần PCI 2019, chỉ số cao nhất mà Vĩnh Phúc đạt được là chỉ số Gia nhập thị trường với số điểm là 8,65; tiếp theo là chỉ số Chi phí thời gian với số điểm là 7,21. Chỉ số có kết quả thấp nhất là chỉ số Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp với số điểm là 6,10.

 Một số chỉ số thành phần của tỉnh chưa có sự ổn định, tốc độ cải thiện một số chỉ số có xu hướng chậm hơn so với một số địa phương ở top 15 tỉnh, thành dẫn đầu; những chính sách về cải cách, đổi mới có tác động mạnh đến doanh nghiệp và liên quan đến kết quả PCI còn hạn chế và chưa thật sự có đột phá.

 Nghị quyết 01 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về một số giải pháp cơ bản cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2020 đặt mục tiêu duy trì vị trí xếp hạng Top 10 tỉnh, thành có chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) tốt nhất cả nước. Tuy nhiên, sau gần 5 năm thực hiện Nghị quyết này, chỉ có năm 2016, Vĩnh Phúc xếp vị trí thứ 9 - nằm trong nhóm tốt, các năm: 2017, 2018, 2019 đều tụt hạng, chỉ nằm trong nhóm khá.

 Chia sẻ với báo chí, về nguyên nhân Vĩnh Phúc chưa thể quay trở lại top 10 tỉnh, thành có PCI tốt nhất cả nước, ông Nguyễn Văn Độ, Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết: Do một số chỉ số thành phần có trọng số cao sụt giảm, một số chỉ số không cải thiện được điểm số và thứ hạng; chất lượng công tác tham mưu, đề xuất giải quyết một số nội dung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp chưa kịp thời; thời gian giải quyết thủ tục hành chính qua Trung tâm phục vụ hành chính công và bộ phận một cửa tại một số cơ quan còn chậm.

 Ngoài ra, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án khó khăn, chính sách pháp luật về đất đai còn bất cập; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và các nội dung liên quan đến cải thiện môi trường đầu tư hiệu quả chưa cao, chưa nhận được sự phối hợp từ phía doanh nghiệp; Số lượng, chất lượng của các doanh nghiệp, đơn vị cung cấp các dịch vụ đào tạo, cung ứng lao động, dịch vụ tìm kiếm thị trường hạn chế...

 Tín hiệu có thể xem là đáng mừng, khi nhiều chỉ số thành phần PCI của tỉnh Vĩnh Phúc năm 2019 có sự cải thiện đáng đáng kể. Trong đó, đáng chú ý nhất là chỉ số Gia nhập thị trường của Vĩnh Phúc từ vị trí thứ 56 năm 2018 vươn lên đứng thứ nhất cả nước (8,65 điểm). Điều này là minh chứng cho nỗ lực vươn lên để cải tạo môi trường đầu tư, thu hút doanh nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc, so với các tỉnh thành khác trong cả nước. (Phapluatxahoi.vn 13/6, HP)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Yên Lập, Phú Thọ: Phần lớn ngân sách chỉ dùng để sửa chữa trụ sở

Một huyện thuộc diện nghèo của tỉnh Phú Thọ, nhưng chỉ tính riêng việc liên tục thực hiện các dự án sửa chữa, cải tạo trụ sở làm việc của UBND huyện cũng tốn phần lớn số tiền so với số thu ngân sách hàng năm.

 Theo phản ánh, trong mấy năm qua, UBND huyện Yên Lập liên tục thực hiện các dự án cải tạo, sửa chữa trụ sở làm việc của UBND huyện có dấu hiệu gây lãng phí không cần thiết. 

 Trao đổi với Phóng viên, ông Đinh Hải Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Lập (ông Nam trước đó là Chánh Văn phòng HĐND & UBND huyện Yên Lập, mới được bầu làm Phó Chủ tịch UBND huyện từ ngày 1/5/2020) cho biết: Trụ sở UBND huyện đã được xây dựng từ rất lâu rồi nên có nhiều mạng mục cũ đã có dấu hiệu xuống cấp nên cần phải sửa chữa.

 Và ngày 21/2/2020 đã tiến hành khởi công sửa chữa nhà làm việc UBND huyện với số tiền hơn 8,8 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, trong đó có một phần vốn của tỉnh Phú Thọ hỗ trợ.

 Cũng theo ông Nam, vào giữa năm 2019, UBND huyện cũng đã thực hiện dự án làm lại sân vườn trụ sở UBND huyện với số vốn khoảng hơn 1,1 tỷ đồng cũng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước.

 Còn trước đó, UBND huyện đã thực hiện dự án xây dựng khu nhà làm việc một cửa với giá trị hơn 1,4 tỷ đồng vẫn bằng nguồn vốn từ ngân sách.

 Và đặc biệt tất cả các dự án này đều do Văn phòng UBND huyện, thời kỳ ông Đinh Hải Nam là Chánh Văn phòng làm chủ đầu tư, mặc dù huyện Yên Lập cũng có Ban Quản lý dự án của huyện đã được thành lập để quản lý các dự án.

 Khi được hỏi về việc liệu có đủ năng lực để quản lý, thực hiện thì ông Nam cho biết: “Văn phòng hoàn toàn đủ khả năng thực hiện quản lý dự án do đã tăng cường 4 cán bộ từ Ban Quản lý dự án sang để giúp việc”.

 Phó Chủ tịch Nam còn cung cấp thêm, mặc dù 4 cán bộ từ Ban Quản lý dự án sang tăng cường cùng Văn phòng để thực hiện dự án, nhưng đến thời điểm hiện tại (tháng 5/2020) thì vẫn chưa có tiền để trả lương cho các cán bộ này.

 PV đề nghị cung cấp các văn bản, tài liệu liên quan đến các dự án này, thì ông Nam đã khất và chưa cung cấp được. (Thanhtra.com.vn 15/6)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Xử lý nhẹ sai phạm cấp dưới, Chủ tịch huyện ở Cà Mau bị yêu cầu kiểm điểm lại

Tỉnh Cà Mau cho rằng trong khi cấp dưới mắc nhiều sai phạm nhưng Chủ tịch UBND huyện Thới Bình chỉ yêu cầu rút kinh nghiệm là chưa phù hợp và phải kiểm điểm lại.

 UBND tỉnh Cà Mau vừa có công văn gửi Chủ tịch UBND huyện Thới Bình về việc xử lý kết quả kiểm tra tại Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện này.

 Theo nội dung công văn, sai phạm của ông Nguyễn Nhật Bằng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thới Bình là chiếm dụng tiền Trung tâm cho thuê trụ sở 60 triệu đồng, tiền công đoàn hơn 1,8 triệu đồng để nộp khắc phục sau thanh tra; Không thu hồi hơn 29,2 triệu đồng của 7 cá nhân nộp ngân sách theo kết luận thanh tra; Không trung thực trong việc cho Điện lực thuê trụ sở.

 Còn sai phạm của ông Nguyễn Bá Nhẫn, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Thới Bình là không trung thực trong việc cho Điện lực thuê trụ sở; Để ông Bằng sử dụng nguồn thu từ cho thuê trụ sở của đơn vị nộp khắc phục sau thanh tra; Chỉ đạo chiếm dụng 32,6 triệu đồng tiền nộp khắc phục sau thanh tra để trả lương hợp đồng lao động; Không chấp hành chỉ đạo của cấp trên về việc chấm dứt hợp đồng lao động làm chuyên môn nghiệp vụ.

 Theo UBND tỉnh Cà Mau, với những sai phạm nêu trên, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình chỉ đạo “tổ chức rút kinh nghiệm” là chưa phù hợp với tính chất, mức độ và hậu quả sai phạm.

 Do đó, Chủ tịch tỉnh Cà Mau yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Thới Bình nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc xử lý sai phạm này.

 Đồng thời, huyện phải chỉ đạo thu hồi, nộp toàn bộ tiền sai phạm đã xác định tại kết luận thanh tra vào ngân sách nhà nước, quỹ công đoàn theo đúng quy định (trong đó, cần xác định cụ thể người nộp, thời hạn và số tiền nộp; xử lý trách nhiệm nếu không thực hiện).

 UBND tỉnh yêu cầu kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức liên quan đến việc kiểm tra, xác minh, tham mưu báo cáo ngày 25/2 của UBND huyện Thới Bình không đầy đủ, chính xác, có thể gây bức xúc, ảnh hưởng đến niềm tin của cán bộ, công chức và nhân dân đối với UBND, Chủ tịch UBND.

 Lãnh đạo tỉnh Cà Mau yêu cầu tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm đối với ông Nguyễn Nhật Bằng và ông Nguyễn Bá Nhẫn, do đã mắc các sai phạm nêu trên. Sau khi giải quyết, huyện cần phải công khai và báo cáo về UBND tỉnh trước ngày 30/6. (VTC.vn 14/6)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Hàng loạt quan chức bị mất chức do để bùng phát dịch Covid-19 ở Bắc Kinh

Tại cuộc họp của Ủy ban thường vụ Thành ủy Bắc Kinh chiều 14/6, Thành ủy Bắc Kinh thông báo cách chức hàng loạt các quan chức do thiếu trách nhiệm dẫn đến bùng phát dịch Covid-19 tại Bắc Kinh thời gian qua.

 Các quan chức bị cách chức gồm các ông Châu Vũ Thanh – Phó Quận trưởng Quận Phong Đài; Vương Hoa - Bí thư Đảng ủy hương Hoa, quận Phong Đài (hương là đơn vị hành chính dưới Quận và Huyện); Trương Nguyệt Lâm - Tổng giám đốc chợ đầu mối Tân Phát Địa. Ngoài ra, Ủy ban kỷ luật và Ủy ban giám sát thành phố Bắc Kinh sẽ tiếp tục điều tra để làm rõ trách nhiệm của các cá nhân khác có liên quan.

 Trong 4 ngày vừa qua, Bắc Kinh đã phát hiện 51 ca nhiễm Covid-19 sau 55 ngày không có ca nhiễm mới trong cộng đồng, 51 ca nhiễm mới đều có liên quan đến ổ dịch chợ đầu mối Tân Phát Địa.

 Trong một động thái khác, chính quyền thành phố Bắc Kinh cũng đã nâng mức độ cảnh báo lên mức cao đối với đơn vị hành chính hương Hoa của quận Phong Đài và nâng mức độ cảnh báo từ thấp lên trung bình đối với 10 khu khác tại thành phố này. 

Hai quận Phong Đài và Tây Thành của thành phố Bắc Kinh cũng khôi phục các biện pháp kiểm soát khu dân cư mức độ 2 trong phòng chống và kiểm soát dịch. Ngoài ra, chính quyền cũng yêu cầu tất cả các trường hợp người dân phải khai báo và kiểm tra axit nucleic nếu từ ngày 30/5 trở lại có đến chợ đầu mối Tân Phát Địa, đồng thời trong vòng 14 ngày phải theo dõi, cách ly và không được đi làm. (Thanhtra.com.vn 15/6, Đinh Tuấn)Về đầu trang./. 

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

More