Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 11-6-2020

Post date: 12/06/2020

Font size : A- A A+

 Tải file tại đây

TIN QUỐC HỘI 1

1.                Một số nghị quyết và dự án luật vừa được Quốc hội thông qua. 1

2.                Trình dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia. 2

3.                Quốc hội đồng ý miễn 7.500 tỷ đồng/năm thuế sử dụng đất nông nghiệp. 3

4.                Kiến nghị bỏ đề xuất 5 năm doanh nghiệp xuất khẩu lao động phải xin lại giấy phép hoạt động. 5

5.                Tỷ lệ sai sót của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ không quá 1%.. 5

6.                Lo bỏ sổ hộ khẩu lại phát sinh tiêu chí thường trú. 6

7.                Đại biểu Hà Nội: Nhiều khi đến các địa phương khác, tôi ước Thủ đô được như vậy! 8

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY.. 9

8.                Thí điểm bầu trực tiếp Bí thư Tỉnh ủy tại Đại hội: Bước tiến để chọn người tài 9

9.                Trực tiếp bầu Bí thư Tỉnh ủy, tín nhiệm sẽ tăng. 11

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 12

10.             Truyền thông châu Âu hoan nghênh Việt Nam phê chuẩn EVFTA.. 12

11.             India Today: Các công ty Trung Quốc sang Việt Nam là một bài học cho Ấn Độ. 12

12.             Nikkei: Chi phí nhân công rẻ hơn của Indonesia không khiến những "gã khổng lồ công nghệ" rời Việt Nam.. 14

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 15

13.             Những chuyện đáng bàn. 15

QUẢN LÝ.. 16

14.             Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH: Thủ tướng không đồng ý nghỉ 5 ngày dịp lễ 2/9. 16

15.             Thi tốt nghiệp THPT 2020: Lãnh đạo UBND cấp huyện “xung trận” bổ sung vào Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh. 17

16.             Nghệ An: 20 cán bộ xã tự ý đi miền Nam “học hỏi kinh nghiệm” trong ngày làm việc. 18

17.             Việt Nam đứng đầu về khả năng ứng phó với dịch COVID-19 trên thế giới 19

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 20

18.             BHXH tạo thuận lợi cho người thụ hưởng trong thời gian cách ly nhờ ứng dụng công nghệ thông tin. 20

19.             TPHCM: Mô hình 2G - gần dân, giúp dân. 21

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 21

20.             Hải Phòng kỷ luật Ban Thường vụ Quận ủy Hồng Bàng nhiệm kỳ 2015-2020. 21

THẾ GIỚI 23

21.             Lãnh đạo các nước không đến dự họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. 23

22.             Nhật Bản thông qua gói ngân sách bổ sung gần 300 tỷ USD chống COVID-19. 23

 TIN QUỐC HỘI

Một số nghị quyết và dự án luật vừa được Quốc hội thông qua

Chiều 10/6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, xem xét thông qua 2 dự thảo nghị quyết và một dự án luật với sự đồng thuận cao của các đại biểu Quốc hội.

 Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 nhận được sự tán thành 94% các đại biểu Quốc hội.

 Cụ thể Quốc hội sẽ bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 các dự án Luật như Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn, Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi).

 Cũng với hơn 94% số đại biểu tán thánh, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về miễn thuế đất nông nghiệp, giai đoạn 2021-2015. Việc thông qua nghị quyết lần này sẽ góp phần quan trọng trong việc thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

 Dự án Luật Giám định tư pháp sửa đổi đã được Quốc hội thông qua với hơn 90% số đại biểu tán thành. (VTV.vn 10/6) Về đầu trang

Trình dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia

Từ 16h15 ngày 10/6, Quốc hội tiến hành công tác nhân sự. Quốc hội nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.

 Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 10/6, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án: Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Các dự án Luật này đã được trình Quốc hội trong đợt họp thứ nhất của kỳ họp này.

 Mục đích sửa đổi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng được ban hành trong thời gian gần đây về công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, thể chế hóa Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được sửa đổi, bổ sung năm 2013.

 Dự thảo Luật gồm 8 chương, 79 điều, giảm 1 điều so với Luật hiện hành; bãi bỏ 8 điều, bổ sung mới 9 điều và sửa đổi, bổ sung khoảng 70 điều của Luật hiện hành.

 Về cơ bản, dự thảo Luật không mở rộng phạm vi điều chỉnh. Tuy nhiên, dự thảo Luật đã bổ sung hình thức người lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế.

 Dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 gồm 7 chương, 53 điều quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục ký kết, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, tạm đình chỉ thực hiện và tổ chức thực hiện thỏa thuận quốc tế. Việc ban hành Luật nhằm đáp ứng nhu cầu ký kết văn bản hợp tác quốc tế ở các cấp chưa được quy định trong Pháp lệnh như thỏa thuận quốc tế cấp Cục, Tổng Cục, các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh, cơ quan cấp tỉnh của các tổ chức như Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam… Dự thảo Luật cũng quy định trình tự rút gọn cho trường hợp gấp để phục vụ yêu cầu đối ngoại; quy định trình tự đề xuất, ký kết và thực hiện các thỏa thuận quốc tế của nhiều bộ, ngành, hoặc tỉnh, thành phố...

 Phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính nhằm khắc phục những bất cập, vướng mắc của Luật hiện hành, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

 Trong phiên họp chiều, Quốc hội biểu quyết: Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.

 Sau nội dung này, Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Cuối phiên thảo luận, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng giải trình các ý kiến đại biểu Quốc hội nêu.

 Từ 16h15, Quốc hội tiến hành công tác nhân sự. Quốc hội nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Tờ trình đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Vương Đình Huệ; Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với bà Nguyễn Thanh Hải. 

Sau đó, Quốc hội thảo luận tại Đoàn về: Dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia; phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Vương Đình Huệ; miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với bà Nguyễn Thanh Hải. (VTV.vn 10/6)Về đầu trang

Quốc hội đồng ý miễn 7.500 tỷ đồng/năm thuế sử dụng đất nông nghiệp

Chiều 10/6, với tỷ lệ hơn 94% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua việc miễn 7.500 tỷ đồng/năm thuế sử dụng đất nông nghiệp.

 Trước khi Quốc hội biểu quyết, ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội - đã có báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN).

 Một số ý kiến đề nghị rà soát đối tượng miễn thuế SDĐNN, theo đó đề nghị nghiên cứu các đối tượng còn lại thuộc diện nhà nước giao cho tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các đơn vị khác trực tiếp sản xuất, sử dụng đất sản xuất nông nghiệp, diện tích đất được nhà nước giao cho đơn vị vũ trang quản lý, sử dụng giảm 100% thay vì chỉ 50% như hiện nay.

 Về việc kéo dài chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp sẽ làm mất chức năng của thuế sử dụng đất nông nghiệp, gây ra tình trạng hoang hóa ruộng đất và chưa bám sát tinh thần của Kết luận 36-KL/TW ngày 6/9/2018 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội thừa nhận thực tế quá trình SDĐNN cho thấy, có tình trạng đất nông nghiệp được giao cho hộ nông dân nhưng không đưa vào sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả, gây nên tình trạng hoang hóa, lãng phí đất.

 "Tuy nhiên, việc không đưa đất vào sử dụng, để hoang hóa có nhiều nguyên nhân chủ yếu khác, như thiên tai (hạn hán, thiếu nước), dịch bệnh, sản phẩm không có đầu ra, hiệu quả sản xuất nông nghiệp không cao, thiếu hụt nguồn lao động và một phần cũng do chính sách về đất đai chưa thật hoàn thiện. Cùng với việc thực hiện chính sách miễn hoặc giảm thuế SDĐNN trong thời gian qua có thể cũng là một nguyên nhân nhưng xét về tổng thể không phải là nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc hoang hóa ruộng đất" - ông Hải cho hay.

 Theo ông Hải, việc kéo dài thời gian miễn thuế SDĐNN đến hết 2025 là nhằm tiếp tục phát huy kết quả đạt được của chính sách miễn thuế SDĐNN, đảm bảo phù hợp với định hướng của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Đồng thời, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người nông dân, đặc biệt trong việc ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19, biến đổi khí hậu trong tình hình hiện nay.

 Trong dài hạn, để triển khai thực hiện tốt Kết luận số 36-KL/TW ngày 6/9/2018 của Bộ Chính trị, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, đánh giá kỹ để báo cáo Quốc hội khi nghiên cứu đề xuất hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai nói chung và chính sách thuế liên quan đến đất đai nói riêng tại thời điểm thích hợp.

 Một số ý kiến đề nghị rà soát đối tượng miễn thuế SDĐNN và bổ sung các quy định về quản lý đất đai trong dự thảo Nghị quyết để chính sách miễn thuế SDĐNN thực sự có tác động đến việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất; hoặc quy định về thời gian cụ thể đối với đất không sản xuất hoặc việc giao đất cho các tổ chức nông, lâm trường không sản xuất và cho thuê lại thì không được hưởng chính sách miễn thuế.

 Ông Hải giải trình rằng trong quá trình xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về miễn, giảm thuế SDĐNN đã tiến hành rà soát kỹ về đối tượng được hưởng chính sách miễn thuế SDĐNN. Mặt khác, theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 và quy định của pháp luật về thuế SDĐNN thì các trường hợp được nhà nước giao đất nông nghiệp không thu tiền sử dụng đất chủ yếu là hộ nông dân, trường hợp đang SDĐNN được giao trong thời hạn đã nộp tiền sử dụng đất là đối tượng phải nộp thuế SDĐNN và được miễn thuế đến hết 2020…

 Trước đó, Chính phủ đã đề xuất việc tiếp tục miễn thuế SDĐNN đến hết năm 2025 sẽ không làm giảm thu ngân sách nhà nước, với số thuế SDĐNN được miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm.

 Việc miễn thuế SDĐNN sẽ tiếp tục là hình thức hỗ trợ trực tiếp cho tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp, là nguồn tài chính quan trọng đầu tư trực tiếp cho khu vực nông nghiệp, nông thôn để góp phần đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại hóa.

 Chính phủ cho rằng tiếp tục miễn thuế SDĐNN đến hết 2025 là thực hiện chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp, chu kỳ sản xuất nông nghiệp, đảm bảo tính khả thi của chính sách… (VTV.vn 10/6)Về đầu trang

Kiến nghị bỏ đề xuất 5 năm doanh nghiệp xuất khẩu lao động phải xin lại giấy phép hoạt động

Sáng 10/6, Quốc hội họp tổ để thảo luận về Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

 Trong đó, nội dung được quan tâm bàn bạc nhiều nhất đó là có nên hay không nên đồng ý với đề xuất: Cứ 5 năm các doanh nghiệp xuất khẩu lao động phải xin lại giấy phép hoạt động 1 lần.

 Dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có quy định: Doanh nghiệp đủ điều kiện được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cấp giấy phép nhưng chỉ có thời hạn 5 năm và được gia hạn nhiều lần. Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng đây là quy định hành là chính, không cần thiết.

 "5 năm đổi 1 lần, đấy là hình thức tôi cho là hành là chính. Người ta là doanh nghiệp, có ai nói thành lập doanh nghiệp chỉ 5 năm 1 lần không? Nên tôi đồng ý với ý kiến thẩm tra là bỏ ý 5 năm cấp lại giấy phép 1 lần và chỉ có thu hồi nếu vi phạm" - ông Nguyễn Hữu Quang - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết.

 Ngoài quy định về giấy phép, các đại biểu cũng bàn bạc về việc những quy định xung quanh việc ký quỹ 2 đồng tỷ tại ngân hàng thương mại của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động. (VTV.vn 10/6)Về đầu trang

Tỷ lệ sai sót của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ không quá 1%

Chiều 9/6, thảo luận tại tổ về dự án Luật Cư trú (sửa đổi), Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu (Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An) nhấn mạnh Bộ Công an đang chỉ đạo rất quyết liệt việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cả nước mới làm được 18 triệu số định danh là do làm thận trọng, kiểm tra đối soát liên tục để tỷ lệ sai sót không quá 1%.

 Theo Đại biểu Cầu, trong các đối tượng quản lý thì quản lý con người là khó nhất với nhiều thông tin liên quan. Đã khó như vậy rồi mà thời gian qua, ta lại quản lý bằng biện pháp thủ công là sổ hộ khẩu.

 Quá trình xã hội ngày càng dân chủ thì quyền tự do cư trú, quyền công dân càng được nâng lên. Cho nên, lần này sửa đổi Luật, có 3 mục tiêu rất lớn đã được quán triệt là áp dụng công nghệ 4.0 để thay cho quản lý thủ công như hiện tại. 

Theo quy định, số định danh cá nhân có 33 trường thông tin, trong đó có 22 thông tin về công dân, còn lại là thông tin liên quan đến nghiệp vụ ngành Công an quản lý tiền án, tiền sự.

 Ông Cầu khẳng định: "Đây là xu hướng quản lý chung của cả thế giới và khi người ta không cần công dân phải có bất kỳ giấy tờ nào cả, chỉ cần xuất trình số định danh cá nhân là biết công dân ở đâu, quá khứ hoạt động như thế nào… Như vậy, có thể nói chuyển từ phương thức quản lý thủ công sang phương thức quản lý hiện đại bằng công nghệ số là điều tất yếu chúng ta phải làm".

 Mục tiêu thứ hai, chúng ta tập trung cải cách hành chính, phục vụ tốt nhất nhu cầu, lợi ích chính đáng của người dân, không được gây phiền hà cho dân. Cho nên, sửa đổi Luật là để thực hiện nhiệm vụ này.

 Thứ ba, trên thực tế có nhiều quy định của Luật Cư trú hiện hành đã bộc lộ bất cập mà cuộc sống vẫn xảy ra. Hiện chỉ 5 thành phố trực thuộc Trung ương thì có tới hơn 100 nghìn người không có sổ hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng vẫn đang sinh sống, đương nhiên họ vẫn làm việc bình thường còn quản lý được họ không là công việc của Nhà nước. Vì vậy, sửa đổi để khắc phục bất cập, tồn tại này.

 Riêng đối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ông Cầu cho hay, Bộ Công an đang chỉ đạo rất quyết liệt. Trong chỉ đạo của Bộ đã giao cho Giám đốc, Trưởng Công an huyện tập trung vào nhiệm vụ này.

 Cả nước đã làm được 18 triệu số định danh, còn khoảng 80 triệu đang tiếp tục làm. Trong quá trình lập, tỷ lệ sai sót khá nhiều. Lập cho đủ 33 trường thì cái khó ở chỗ trước đây, nhiều người thay đổi tên họ, năm sinh nên kiểm tra đối soát rất lâu. Khi đưa vào Cơ sở dữ liệu, tinh thần của Bộ Công an là cho phép sai sót nhưng không được quá 1% nên phải kiểm tra đối soát liên tục.

 Tuy nhiên, ông Cầu chia sẻ, trong quá trình kiểm tra, phát sinh 3 khó khăn. Đầu tiên là kinh phí cho vấn đề chuyển đổi.

 Hai là chủ trương đưa công an chính quy về xã đã hoàn thành, hiện lực lượng công an xã phải đi từng nhà, rà từng ngõ, đối soát cho được, mỗi xã có 3 đồng chí và Bộ quy định ở xã nào để sai số lớn thì Trưởng Công an xã phải chịu trách nhiệm. Tương tự là trách nhiệm của Trưởng Công an huyện, tỉnh.

 "Quy trách nhiệm rất rõ như vậy nhưng khi công an về tập hợp thông tin ở khu dân cư, thôn bản thì kể cả sổ hộ khẩu, lý lịch, đặc biệt là vùng miền núi dân tộc, thông tin rất khó tập hợp, thậm chí con cái sinh ngày tháng năm nào cũng không nhớ, khiến anh em rất vất vả" - ông Cầu cho biết.

 Ba là đảm bảo chính xác, sai số ở mức thấp nhất khi cập nhật thông tin công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. (Pháp Luật Việt Nam 09/6, Hoàng Thư)Về đầu trang

Lo bỏ sổ hộ khẩu lại phát sinh tiêu chí thường trú

Chiều 9-6, các tổ đại biểu (ĐB) Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Cư trú. Tại Đoàn ĐB Quốc hội TP.HCM, các tiêu chí về thường trú, tạm trú nhằm bảo đảm TP nói riêng, các đô thị nói chung phát triển bền vững… đã được nêu ra.

 ĐB Ngô Minh Châu thống nhất việc bỏ sổ hộ khẩu (SHK), sổ tạm trú giấy. Ông nói khi đi nước ngoài, chứng kiến các nước quản lý dân cư bằng số định danh, ông cũng mơ ước đất nước sẽ có cách quản lý dân cư tiên tiến như vậy.

 Tuy vậy, ĐB Châu lại cho rằng: Việc bỏ SHK, sổ tạm trú giấy phải có lộ trình, cho đến khi nào hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư có thể thay thế hoàn toàn. ĐB Châu ví von: “Nếu không sẽ giống như chưa xây xong nhà mới đã đập nhà cũ rồi. Nếu làm không khéo sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tội phạm ẩn nấp, trốn tránh. Do đó, cần có lộ trình, làm cách chắc chắn để bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự xã hội, nhất là tội phạm quốc gia, tội phạm công nghệ cao, tội phạm có tổ chức”.

 ĐB Phan Thị Bình Thuận, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, cho rằng sử dụng số định danh để quản lý dân cư, bỏ SHK giấy, sổ đăng ký tạm trú giấy là một thay đổi mạnh mẽ, giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính; giảm chi phí, thủ tục, thời gian cho người dân khi tuân thủ các quy định về cư trú.

 Tuy vậy, ĐB Bình Thuận băn khoăn: Hiện nay, dữ liệu dân cư mới chỉ cấp số định danh được cho khoảng 20 triệu công dân. “Vậy từ giờ tới lúc luật thông qua rồi có hiệu lực thì Bộ Công an phải có kế hoạch triển khai các giải pháp để cấp đầy đủ số định danh cho gần 90 triệu công dân. Có như vậy mới hiệu quả” - ĐB Bình Thuận nói.

 Vẫn theo ĐB Bình Thuận, việc bỏ SHK giấy, sổ đăng ký tạm trú giấy thì các giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại, hành chính… liên quan đến hai loại sổ nói trên phải được điều chỉnh. Quốc hội phải sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến các luật và Chính phủ, các bộ phải điều chỉnh các văn bản khác thuộc thẩm quyền. “Điều này để tạo ra tính khả thi, đồng bộ và tương thích trong hệ thống pháp luật, tránh ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của người dân” - ĐB Bình Thuận nói. 

ĐB Dương Ngọc Hải lưu ý: Việc xây dựng và sử dụng dữ liệu dân cư phải có cơ chế bảo đảm không lộ lọt thông tin cá nhân. “Vừa qua, rất nhiều thông tin cá nhân của người dân bị lộ lọt khi họ tham gia các giao dịch dân sự, kinh tế…” - ĐB Hải nêu vấn đề.

 ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng dù là thường trú hay tạm trú thì mỗi công dân đều sống và tạo ra giá trị cho xã hội. Nhưng đô thị, nông thôn, miền núi… đều có những điều kiện khác nhau, vì vậy nên có những tiêu chí khác nhau. “Thường trú và tạm trú phải bảo đảm được mục tiêu tự do cư trú” - ĐB Nghĩa nói.

 Theo ĐB Nghĩa, không thể dùng các tiêu chí thường trú, chẳng hạn như có chỗ ở hợp pháp, để hạn chế quyền cư trú của người tạm trú. Nhưng cần phải nhìn nhận một cách biện chứng, hài hòa. “Nếu một đô thị tràn ngập người tạm trú thì cũng ảnh hưởng đến cả cộng đồng cư trú. Thường trú và tạm trú phải thiết kế được những tiêu chí phục vụ lẫn nhau” - ĐB Nghĩa nói.

 Thậm chí, ĐB Nghĩa cho rằng cần phải có một sự điều chỉnh linh hoạt giữa thường trú và tạm trú. “Chẳng hạn, tôi vào TP.HCM được một năm, tôi muốn thường trú. Nhưng vấn đề không chỉ là có cái SHK hay không. Phải có những điều kiện, tiêu chí. Ví dụ, tôi có hợp đồng lao động thường xuyên ở TP.HCM, tôi đem vợ con vào sinh sống thì tôi phải được thường trú chứ” - ĐB Nghĩa nêu vấn đề.

 Theo ĐB Nghĩa, thường trú là thường xuyên sống ở một nơi. Và như vậy phải có những tiêu chí ràng buộc như về nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ công dân, thậm chí là nghĩa vụ bầu cử. (Plo.vn 10/6, Chân Luận)Về đầu trang

Đại biểu Hà Nội: Nhiều khi đến các địa phương khác, tôi ước Thủ đô được như vậy!

Theo nhiều đại biểu, Hà Nội đang cần một cơ chế đột phá để có thể phát triển được một Thủ đô xứng tầm.

 "Chúng ta là công dân thủ đô nhưng đi trên đường không khí ô nhiễm nhất, đường tắc nhất, tôi rất buồn. Nhiều khi đi các địa phương, tôi thấy đường sá thênh thang, không khí trong lành tôi lại ước gì Hà Nội được như thế.

 Giờ ở Hà Nội ra đường thì trang phục kín mít, không còn nhìn thấy gì nữa vì ô nhiễm quá", đại biểu đoàn Hà Nội - Trần Thị Quốc Khánh cho biết tại phiên thảo luận tại tổ về dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Hà Nội vào sáng 9/6. 

Theo bà Khánh, Luật Thủ đô có nói đến các công trình liên quan môi trường giao thông mà ngân sách không đủ thì Chính phủ phải báo cáo Quốc Hội để giải quyết.

 "Nhưng Chính phủ chưa bao giờ báo cáo với Quốc hội về vấn đề này. Tôi cũng đã chất vấn Chính phủ về vấn đề này. Rất là bí bởi không có đủ nguồn lực để xử lý. Tôi cũng đã nhiều lần nói về vấn đề sông Tô Lịch, bao giờ nó trong xanh thì thôi không nói nữa", bà Khánh cho biết. 

Theo bà Khánh, chính vì những điều nói trên, lần này Hà Nội đề xuất để có 1 cơ chế cởi mở cho một Thủ đô phát triển, đúng như nguyện vọng người dân Hà nội cũng như cử tri cả nước, "Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Thủ đô".

 "Nó phải xứng tầm. Các dự án đầu tư về Hà Nội cần có chiến lược chứ không thể nhỏ giọt với cơ chế xin - cho", bà Khánh nhấn mạnh.

 Cũng đề cập về vấn đề cơ chế chính sách đặc thù cho Hà Nội, đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) cho rằng, dù Quốc hội đã ban hành Luật Thủ đô năm 2012 nhưng thực tế những chính sách đột phá để Hà Nội phát triển quy định trong luật bị "vo tròn thành cái chung" hoặc không còn hiện hữu trong đó. Theo ông Thường, những phát huy của Luật Thủ đô để Hà Nội phát triển là hạn chế.

 Nói riêng Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Hà Nội, ông Thường cho rằng so với Nghị quyết 54 về cơ chế chính sách cho TP.HCM thì không toàn diện bằng, không đầy đủ bằng và mang tính đơn lẻ.

 "Cái này rất dễ để thông qua nhưng cái này chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển trước mắt, không phải cho Thủ đô mà chỉ cho một thành phố 10 triệu dân đang rất cần phát triển", ông Thường nhấn mạnh.

 Theo Thường, hiện môi trường, ùn tắc, chất lượng cuộc sống người dân của Hà Nội bắt đầu có những vấn đề bộc lộ…

 "Năm 2008, cộng cả TP.Hà Nội và tỉnh Hà Tây, tỷ lệ mật độ đường km/km2 vào khoảng 2,38km/km2. Sau hơn 10 năm, chúng ta đạt được 3km/km2. Tôi nói như thể để biết được chúng ta đang ở đâu so với các nước trong khu vực là 6km/km2 với các đô thị, so với các nước đang phát triển 10 – 12km/km2", đại biểu đoàn Hà Nội cho biết.

 Theo ông Thường, Hà Nội là thành phố 10 triệu dân, nhưng chưa có 1 tuyến metro nào đi vào hoạt động.

 "Theo quy hoạch chúng ta có 8 tuyến, trung bình 15km/tuyến, 8 tuyến là 120km. Tính trung bình 100 triệu USD/km (cả dưới ngầm và trên cao), với ngân sách của TP hiện nay là rất khó khăn.", ông Thường khẳnh định. (VTV.vn 09/6, Thùy An)Về đầu trang

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY

Thí điểm bầu trực tiếp Bí thư Tỉnh ủy tại Đại hội: Bước tiến để chọn người tài

Tỉnh ủy Quảng Ninh vừa đề nghị Ban Tổ chức Trung ương báo cáo trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng đồng ý cho chủ trương Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV được thực hiện thí điểm bầu trực tiếp Bí thư Tỉnh ủy tại Đại hội. Việc trực tiếp cầm lá phiếu lựa chọn người xứng đáng làm Bí thư ngay tại đại hội được nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình và cho rằng, đây là bước tiến thể hiện sự dân chủ trong Đảng ngày càng được đề cao.

 Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: Thực hiện thí điểm bầu Bí thư cấp ủy tại đại hội ở những nơi cấp ủy đoàn kết, thống nhất cao. Đây là cách để nâng cao tinh thần dân chủ và lựa chọn được những cán bộ thực sự có năng lực, tâm huyết và tín nhiệm cao. Thực hiện theo Chỉ thị 35, Tỉnh ủy Quảng Ninh đặt mục tiêu thực hiện 100% bầu Bí thư cấp ủy tại Đại hội cấp cơ sở và cấp trên cơ sở.

 Ngày 6.6 khi làm việc với Đoàn công tác của Ban Bí thư Trung ương Đảng do Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính làm trưởng đoàn về tình hình thực hiện Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị, Bí thư Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho biết, đến 31.5, 100% Đảng bộ cơ sở bầu trực tiếp bí thư tại đại hội và đều có số phiếu bầu đạt tỉ lệ cao. Nhiều bí thư cấp ủy ở các chi bộ, Đảng bộ đạt 100% phiếu bầu.

 Trước thực tế này, Quảng Ninh đề nghị Ban Tổ chức Trung ương báo cáo trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư đồng ý cho chủ trương thực hiện thí điểm bầu trực tiếp Bí thư Tỉnh ủy tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Lãnh đạo Quảng Ninh cho rằng, cách làm này giúp mở rộng, phát huy vai trò dân chủ trực tiếp của các Đảng viên trong đại hội thay vì thông qua Ban chấp hành như trước.

 Đồng thời, các đồng chí được bầu trực tiếp cũng là những đồng chí phải có uy tín rất cao trong nhân dân cũng như Đảng viên. Bầu Bí thư trực tiếp tại đại hội thể hiện dân chủ rất cao ở cơ sở.

 Nêu quan điểm về đề xuất thí điểm bầu trực tiếp Bí thư Tỉnh ủy tại Đại hội của Quảng Ninh, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền  (Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội) cho rằng, đây là chủ trương cần được khuyến khích trong đại hội Đảng bộ các cấp. Điều này thể hiện sự dân chủ trong Đảng. Việc bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội không những chọn được người đứng đầu cấp ủy hội tụ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín mà còn đề cao vai trò trách nhiệm của đại biểu Đảng viên trong việc lựa chọn nhân sự, góp phần nâng cao uy tín của Đảng với nhân dân.

 “Khi đã phát huy dân chủ như vậy, để tạo được sự đồng thuận thì phải có quy trình bầu, cách làm hết sức chặt chẽ, hợp lý. Tiếp đó, người được lựa chọn nhân sự để đại hội bầu trực tiếp phải chuẩn, phải thực sự có đủ đức, đủ tài, theo đúng tiêu chuẩn, quan điểm lựa chọn cán bộ của Tổng Bí thư. Phải là những cán bộ thực sự vì nước vì dân, những người nói được và hành động được” - đại biểu Hiền nhấn mạnh.

 Đồng quan điểm, Đại biểu Đỗ Thị Lan (Đoàn Quảng Ninh) cho rằng, việc bầu trực tiếp Bí thư Tỉnh ủy tại Đại hội sẽ phát huy tính dân chủ trong Đảng và trách nhiệm của các đại biểu Đảng viên. Người được bầu cũng nhận thức rõ hơn sự tín nhiệm của toàn thể đảng viên đối với bản thân mình, từ đó nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong nhiệm kỳ mới, xứng đáng với sự tin tưởng của nhân dân.

 Trong khi đó, trao đổi với Lao Động, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) nói rằng, đề xuất này sẽ giúp cho việc bầu cử nhân sự thể hiện được tính dân chủ, bình đẳng. Theo ông Hòa, trước đây ở cấp huyện thì đã làm việc này rồi.

 “Bản thân tôi cũng rất đồng tình với đề nghị của Quảng Ninh về việc thực hiện thí điểm bầu trực tiếp Bí thư Tỉnh ủy tại Đại hội. Khi bầu tại Đại hội sẽ chọn lựa được một người xứng đáng cho một chức danh cao nhất ở cấp tỉnh. Tất nhiên chức danh này phải có trong quy hoạch” - ông Hòa nói.

 Từng là người được bầu trực tiếp tại đại hội, đại biểu Hồ Thị Minh (Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội), cho biết, bà rất tự hào khi nhận được sự tín nhiệm bằng những lá phiếu của đảng viên.

 “Việc bầu trực tiếp Bí thư Tỉnh ủy sẽ phát huy được tính dân chủ trong Đảng. Bản thân người được ra ứng cử chức danh đó cũng phải soi mình có thực sự xứng đáng với vị trí đó hay không. Ngay bản thân tôi đã từng được bầu ở cấp Đảng bộ cơ quan thôi, nhưng thực sự rất vui và tự hào, đồng thời cũng ý thức rất rõ được trọng trách của mình khi được các đảng viên trong cơ quan tín nhiệm” - đại biểu Minh cho biết.

 Bà Minh cũng cho rằng, quan trọng nhất là khi Trung ương lựa chọn địa phương được thực hiện bầu trực tiếp tại đại hội thì cần đánh giá kỹ địa phương đó có thật sự đoàn kết hay không, đồng chí được đưa ra ứng cử chức danh Bí thư cho nhiệm kỳ mới có uy tín không, có năng lực, có tâm, có tầm không? Nếu tất cả đều đảm bảo các tiêu chí lựa chọn cán bộ trong các nghị quyết trung ương và quy định chung hiện nay thì vấn đề dân chủ trong Đảng sẽ được phát huy.

 Theo bà Minh, trước khi cho thí điểm bầu trực tiếp Bí thư Tỉnh ủy tại đại hội, nên có một quy trình chặt chẽ, gồm các bước thăm dò, lấy ý kiến, thậm chí là cần có đề án chi tiết được cấp trên thông qua trước khi thực hiện. Khi đã có tiêu chí, tiêu chuẩn, quy trình tiến hành công khai, dân chủ, thì chắc chắn sẽ lựa chọn được người xứng đáng. (Lao Động 10/6, tr1+2, Chung Nguyên Vương)

Trực tiếp bầu Bí thư Tỉnh ủy, tín nhiệm sẽ tăng

“Khi đại hội trực tiếp bầu bí thư tỉnh ủy thì uy tín và tín nhiệm của địa phương cũng như cá nhân người được bầu sẽ được nâng lên rất nhiều”, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nhận định ngày 9/6.

 Quảng Ninh vừa mạnh dạn đề xuất đại hội bầu trực tiếp bí thư tỉnh ủy. Ông thấy sao về đề xuất này?

 Theo tôi, đây là đề xuất hay. Quảng Ninh đã tính toán kỹ vấn đề nhân sự trong việc lựa chọn, giới thiệu người có đủ đức, đủ tài để đảm đương nhiệm vụ trong thời kỳ tới. Nhiều địa phương đã bầu trực tiếp bí thư cấp huyện, nhưng bầu trực tiếp bí thư tỉnh ủy thì chưa. Vấn đề này cần phải chờ Bộ Chính trị quyết định là đúng, vì chưa có tiền lệ.

 Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị cũng khuyến khích địa phương nào có đầy đủ điều kiện thì tiến hành bầu trực tiếp bí thư. Chính vì vậy, nơi nào có điều kiện thì nên đề xuất thực hiện. Về hình thức, quy trình bầu thì ở cấp tỉnh cũng giống như huyện, nên cấp huyện làm được thì tỉnh cũng làm được.

 Theo ông, việc trực tiếp bầu bí thư tỉnh ủy như vậy sẽ mang lại hiệu quả gì?

 Những đòi hỏi về bí thư cấp tỉnh ủy phải hơn rất nhiều so với ở cấp huyện và xã. Đó phải là người tài đức vẹn toàn. Nhưng điều quan trọng, uy tín và tín nhiệm của tỉnh cũng như của cá nhân người được bầu đó sẽ được nâng lên rất nhiều nếu để đại hội trực tiếp bầu. 

Nhưng cũng có ý kiến băn khoăn, khi đại hội trực tiếp bầu bí thư thì vấn đề trách nhiệm chuẩn bị nhân sự sẽ ra sao?

 Theo tôi, trách nhiệm cũng thuộc về ban chấp hành, thường vụ tỉnh ủy đó luôn. Ban chấp hành, ban thường vụ khóa cũ thường chuẩn bị nhân sự cho khóa mới nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm tập thể. Vì bí thư ký tên là thay mặt ban thường vụ chứ không ký tên cá nhân bí thư được. Nên ban thường vụ tỉnh ủy phải chịu trách nhiệm chung với bí thư. Tất nhiên, bí thư là người đứng đầu nên phải chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm cao nhất với những vấn đề xảy ra trong tỉnh.

 Còn với đại hội, khi đã tiến hành bầu trực tiếp bí thư thì phải có quy chế, quy định rõ ràng. Đại hội bầu bí thư tỉnh ủy xong giao cho ban chấp hành, ban thường vụ tỉnh ủy đó phải chịu trách nhiệm giám sát hoạt động của bí thư. 

Nhiều người đặt vấn đề đưa ra số dư để đại hội lựa chọn bầu bí thư?

 Việc này phụ thuộc vào từng đề án mỗi tỉnh, có thể đưa ra số dư, hoặc chỉ bầu trực tiếp cho một người. Tùy theo đề án và tình hình cụ thể để cấp trên phê duyệt. Theo tôi, sau Quảng Ninh, nên khuyến khích thêm các tỉnh, thành phố khác bầu trực tiếp bí thư cấp tỉnh. Rõ ràng, đại hội bầu trực tiếp bí thư thì tính dân chủ trong đảng sẽ được tăng lên rất nhiều. (Tiền phong 10/6, tr3, Thành Nam) Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Truyền thông châu Âu hoan nghênh Việt Nam phê chuẩn EVFTA

Nhiều tờ báo châu Âu ra ngày 9/6 đưa tin đậm nét về việc Việt Nam đã phê chuẩn 2 Hiệp định Thương mại (EVFTA) và Bảo vệ đầu tư (EVIPA) với Liên minh châu Âu.

 Hàng loạt tờ báo của châu Âu nhận định đây là cơ hội lớn cho hàng hóa và doanh nghiệp của cả hai bên khi hiệp định có hiệu lực.

 Tờ Malta độc lập có bài dài nhấn mạnh: "Việt Nam phê chuẩn hiệp định thương mại lịch sử với Liên minh châu Âu nhằm thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu, trong lúc vẫn phải đối phó với tác động của đại dịch Corona".

 Bài báo viết: "Các biện pháp nghiêm ngặt đã hạn chế đại dịch tại Việt Nam ở mức chỉ có hơn 300 ca lây nhiễm và không có ai tử vong. Tuy nhiên, nền kinh tế đã bị tác động do việc đóng cửa với bên ngoài đã hạn chế lưu thông hàng hóa". Theo bài báo, Hiệp định với châu Âu được cho là sẽ cải thiện khả năng cạnh tranh của Việt Nam, tăng sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư đang muốn chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc.

 Tờ Deutsche Welle của Đức nhấn mạnh yếu tố ngẫu nhiên, thỏa thuận có hiệu lực khi sản xuất và thương mại của cả thế giới đang biến chuyển mạnh mẽ sau đại dịch.

 Tờ báo Đức viết: "Các nhà phân tích cho rằng thỏa thuận này đến đúng thời điểm, sau khi đại dịch virus Corona bộc lộ những vấn đề trong sản xuất hàng hóa". Thực thi hiệp định sẽ là điều kiện thuận lợi để chỉnh sửa những vấn đề nảy sinh và tận dụng những cơ hội mới sau đại dịch.

 Tờ báo không quên nhắc lại: "Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới và là đối tác thương mại lớn thứ hai của Liên minh châu Âu tại Đông Nam Á".

 Tờ Mặt trời 24h của Italy khi viết về sự kiện Việt Nam phê chuẩn hiệp định đã nhấn mạnh con số 23 tỷ Euro sẽ tăng thêm trong kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều vào năm 2035.

 Tờ báo Italy lưu ý độc giả rằng theo hiệp định, Việt Nam đồng ý công nhận bảo vệ 169 chỉ dẫn địa lý hàng hóa châu Âu, trong đó có 38 sản phẩm của Italy, cũng như các thỏa thuận thế hệ mới được ký với Liên minh châu Âu. Hiệp định này cũng có một chương dành riêng cho bảo vệ môi trường và phát triển xã hội, những chi tiết mà người châu Âu ngày càng quan tâm nhiều hơn. (VTV.vn 10/6)Về đầu trang

India Today: Các công ty Trung Quốc sang Việt Nam là một bài học cho Ấn Độ

Tại sao Ấn Độ không phải là điểm đến ưa thích của các công ty đang hoặc có kế hoạch di dời khỏi Trung Quốc?

 Nhiều tổ chức nghiên cứu chuyên gia đã bắt đầu báo cáo rằng các công ty đang rời khỏi Trung Quốc đại lục. Đại dịch Covid-19 không phải là lý do duy nhất nhưng nó chắc chắn đã thúc đẩy xu hướng dịch chuyển bắt đầu từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

 Theo báo cáo của Qima, một công ty kiểm tra chất lượng và kiểm soát chuỗi cung ứng có trụ sở tại Hong Kong, đã có sự gia tăng đột ngột về nhu cầu kiểm tra và kiểm toán của các khách hàng Bắc Mỹ và châu Âu ở Đông Nam Á và Nam Á.

 Các báo cáo kiểm tra và kiểm toán như vậy được sử dụng để di chuyển đến các khu vực mới. Qima báo cáo có 45% nhu cầu đối với Đông Nam Á (Việt Nam, Myanmar và Philippines dẫn đầu), và 52% ở Nam Á, nơi Bangladesh vẫn là điểm đến số 1 của các thương hiệu dệt may. 

Sự gia tăng nhu cầu này đã thể hiện rõ trong tháng 1 và tháng 2, khi Trung Quốc đang bị khóa vì Covid-19.

 Qima chỉ ra, đầu tiên, khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng tại Trung Quốc vào tháng 3, ngành sản xuất đã phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, sự phục hồi này đã suy yếu trở lại, giảm 19% khi các khách hàng ở châu Âu và Mỹ bắt đầu rơi vào vòng nguy hiểm của đại dịch. 

Thứ hai và quan trọng hơn, trong cuộc thăm dò của Qima với hơn 200 doanh nghiệp có chuỗi cung ứng toàn cầu, 87% số người được hỏi cho biết đại dịch Covid-19 sẽ gây ra những thay đổi đáng kể trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Hơn 50% lưu ý rằng họ đã bắt đầu chuyển sang các nhà cung cấp ở các khu vực không bị ảnh hưởng.

 Tâm lý thay đổi này đồng nhất với xu hướng "tiền Covid-19", xuất hiện từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Và sự di dời dường như sẽ còn kéo dài, ngay cả trong trường hợp nếu Tổng thống Donald Trump không tái đắc cử vào tháng 11. Căng thẳng giữa hai nước đã gia tăng quá cao và khó có thể "nguội" đi nhanh chóng.

 Xu hướng đa phương hóa đã làm dấy lên hy vọng ở Ấn Độ. Quốc gia này hy vọng rằng họ có thể thu hút nhiều doanh nghiệp do nhờ vào thị trường mở cửa. Tháng 5 vừa qua, Ấn Độ đã chỉ định một quỹ đất rộng 4,62 ha để thu hút các doanh nghiệp từ Trung Quốc. Khoảng 1.000 công ty Mỹ đã được tiếp cận với các ưu đãi cho việc chuyển các nhà máy sản xuất của họ sang Ấn Độ.

 Song, theo nghiên cứu của tập đoàn tài chính Nhật Bản Nomura, điểm đến của các công ty này vẫn là ở Đông và Đông Nam Á. Nomura nhận thấy 56 công ty chuyển căn cứ từ Trung Quốc đại lục vào năm 2018-19, Việt Nam đón được 26 công ty. Đài Loan đón 11 và Thái Lan đón 8. Chỉ có 3 công ty đến Ấn Độ.

 Qima nhấn mạnh rằng các công ty đang tìm kiếm những điểm đến "an toàn hơn" trong thời kỳ hậu Covid-19, cũng có nghĩa là họ sẽ lựa chọn các quốc gia đã quản lý đại dịch coronavirus tốt hơn.

 Việt Nam, tình cờ, đã nổi lên như một quốc gia kiểu mẫu trong cuộc chiến chống lại đại dịch. Việt Nam chỉ báo cáo hơn 300 trường hợp Covid-19 không có ca tử vong. Đối với một đất nước có dân số gần 100 triệu người, đây là một thành tích đáng khen ngợi. Tại Ấn Độ, Tây Bengal có dân số tương đương và đã báo cáo 8.613 trường hợp, với hơn 400 trường hợp tử vong.

 Để biến mình thành một điểm đến hấp dẫn hơn, Việt Nam đã phê chuẩn thỏa thuận thương mại tự do với Liên minh châu Âu, loại bỏ 85% thuế quan của EU đối với hàng xuất khẩu sản xuất tại Việt Nam và loại bỏ thuế nhập khẩu cho các nước châu Âu.

 Điều này giải thích tại sao Ấn Độ không phải là điểm đến ưa thích của các công ty đang hoặc có kế hoạch di dời khỏi Trung Quốc. Tiếp cận thị trường lớn của Ấn Độ không phải là yếu tố quyết định duy nhất đối với họ, ngay cả khi Ấn Độ được coi là đối thủ với Trung Quốc. (Cafef.vn 10/6, Hoàng An)Về đầu trang

Nikkei: Chi phí nhân công rẻ hơn của Indonesia không khiến những "gã khổng lồ công nghệ" rời Việt Nam

"Các doanh nghiệp đang rời khỏi Trung Quốc, nhưng không đến Indonesia vì các nước láng giềng của Indonesia được chào đón nhiều hơn", các nhà kinh tế tại Citigroup cho biết.

 Indonesia đang đàm phán với chính phủ Hoa Kỳ về việc di dời các công ty Mỹ hoạt động ở Trung Quốc sang quần đảo này. Các doanh nghiệp và chính phủ trên toàn thế giới đang tìm cách đa dạng hóa sản xuất để đối phó với sự gián đoạn chuỗi cung ứng do coronavirus gây ra.

 Ông Luhut Panjaitan Bộ trưởng điều phối các vấn đề đầu tư và hàng hải Indonesia cho biết chính phủ của ông đang chuẩn bị sẵn vị trí trong các khu công nghiệp cho các doanh nghiệp Mỹ, trong đó có khu công nghiệp Kendal ở Trung Java, một khu kinh tế có ưu đãi về thuế và khu công nghiệp Brebes, một trong 89 Dự án ưu tiên quốc gia được lựa chọn bởi Tổng thống Joko Jokowi Widodo. "Khoảng 20 công ty đã thể hiện sự quan tâm đến việc chuyển đến Indonesia", Panjaitan nói với Nikkei Asian Review.

 Người phát ngôn của Bộ nói thêm rằng Panjaitan đã có cuộc hội đàm với Giám đốc điều hành của Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, một cơ quan chính phủ, sau sự liên lạc của ông Jokowi với Tổng thống Trump.

 Indonesia xếp hạng cao hơn Việt Nam trong Chỉ số hiệu suất công nghiệp cạnh tranh của Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, Indonesia đã phải vật lộn để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, chỉ đạt 1,8% GDP năm 2018. Đó là một tỷ lệ thấp hơn so với Việt Nam, Thái Lan và Malaysia.

 Trong số 33 công ty, tính đến tháng 10, đã chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc kể từ khi cuộc buôn bán bắt đầu, 23 công ty đã chuyển sang Việt Nam, phần còn lại chuyển sang Malaysia, Thái Lan và Campuchia. "Các doanh nghiệp đang rời khỏi Trung Quốc, nhưng không đến Indonesia vì các nước láng giềng của Indonesia được chào đón nhiều hơn", các nhà kinh tế tại Citigroup cho biết.

 Nikkei nhận định: Chi phí nhân công rẻ hơn của Indonesia không khiến những "gã khổng lồ công nghệ" rời Việt Nam.

 Ngay cả khi đại dịch thúc đẩy sự dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, Indonesia vẫn có khả năng bỏ lỡ, theo các nhà kinh tế tại Citigroup.

 "Các nền kinh tế có nhiều khả năng được hưởng lợi từ sự đa dạng hóa địa lý như vậy là những nền kinh tế có mức độ xuất khẩu cao gần hơn với Trung Quốc, và do đó chuỗi cung ứng đã được thực hiện", một báo cáo gần đây được công bố của Citigroup nhận định. "Việt Nam, Ấn Độ, Malaysia, Đài Loan và Thái Lan có thể là những người hưởng lợi ngắn hạn".

 Các nhà lãnh đạo công nghệ Hoa Kỳ như Microsoft và Google đang tăng cường nỗ lực di dời sản xuất các thiết bị mới từ Trung Quốc đến các nhà máy tiềm năng tại Việt Nam và Thái Lan. Apple sẽ sản xuất hàng triệu tai nghe không dây AirPod tại Việt Nam lần đầu tiên trong quý này.

 Yulius Yulius, Giám đốc điều hành và đối tác cao cấp tại văn phòng Jakarta của Tập đoàn tư vấn Boston cho biết, những hạn chế của Indonesia trong mắt các nhà đầu tư, trước hết có thể là do "mức độ ổn định, chẳng hạn như về lao động và xin giấy phép sử dụng đất". "Tại Việt Nam, chính phủ có thể cung cấp cho bạn đất đai và đảm bảo rất nhiều thứ sẽ được giải quyết".

 Indonesia cũng có thể tụt lại phía sau các đối thủ vì Covid-19. Số ca nhiễm coronavirus được xác nhận đã tăng vọt ở Indonesia trong tháng 5 lên 25.773 từ 9.771 vào cuối tháng 4, trong khi Việt Nam chứng kiến sự gia tăng nhỏ lên tới 328 trường hợp từ 270 so với cùng kỳ. Và Việt Nam đã không có trường hợp tử vong do virus.

 Indonesia là một "nơi tốt để tái định cư vì chúng tôi là một thị trường tiềm năng với dân số cao nhất Đông Nam Á", ông Sanny Iskandar, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Công nghiệp Indonesia cho biết.

 "Nhưng tầm nhìn của tổng thống về cải thiện vốn nhân lực và đơn giản hóa giấy phép và quy định phải được thực hiện" Iskandar nói. "Các gói cải cách kinh tế từng được hứa hẹn đã không đi đến đâu, và điều đó gây thất vọng cho các nhà đầu tư cũng như các doanh nhân". (Cafef.vn 10/6, H.A)Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

Những chuyện đáng bàn

Dù GDP năm nay chắc chắn không thể đạt 6,8% nhưng tại Kỳ họp thứ Chín đang diễn ra, Chính phủ không trình Quốc hội điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng. Điều này có phần khác lạ so với những gì đã xảy ra. Trong quá khứ, mỗi khi chỉ tiêu tăng trưởng có nguy cơ không đạt, Chính phủ thường xin Quốc hội điều chỉnh; để rồi kết thúc năm, bảng thành tích của Chính phủ vẫn bao gồm việc đạt được mục tiêu tăng trưởng.

 Một trong những lý do dẫn tới quyết định này có thể là diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên thế giới khiến nhiều yếu tố chưa thể lường được hết. Ngay đến chuyện khi nào dịch bệnh thoái trào cũng không thể dự đoán ở thời điểm này, vì thế rất khó ước lượng về GDP năm nay để đề xuất điều chỉnh. 

Cũng có thể, thông qua việc không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, Chính phủ muốn khẳng định quan điểm: Cố gắng, nỗ lực để tăng trưởng kinh tế nhưng không phải là bằng mọi giá, thay vào đó, tăng trưởng phải đi đôi với ổn định vĩ mô. Với tinh thần như vậy, Chính phủ chấp nhận gác lại mục tiêu tăng trưởng qua một bên, tập trung ban hành và thực hiện những chính sách hỗ trợ nhằm cứu doanh nghiệp qua cơn bĩ cực. Doanh nghiệp sống sót và phục hồi, ắt sẽ có tăng trưởng. 

Câu chuyện đáng bàn lúc này vì thế không phải là GDP, hay điều chỉnh GDP, mà là làm cách nào để thực thi nhanh chóng, hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm tạo ra sức bật mới cho nền kinh tế, chặn đà suy thoái do đại dịch gây ra? Nếu phần lớn giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp “vẫn chỉ đang nằm ở sự chỉ đạo, đốc thúc” và “dàn trải” như nhận xét của ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, có 2 khả năng xảy ra. Một là, rất nhiều doanh nghiệp sẽ chết trước khi được cứu. Hai là, những doanh nghiệp có khả năng sống sót và hồi phục nhưng vẫn phải “chết” vì liều thuốc hỗ trợ chưa đủ mạnh do phải phân chia cho tất cả doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp một vài “viên thuốc”.

 Kinh nghiệm từ gói kích cầu 2009 cho thấy, trong mọi tình huống, không loại trừ một số chủ đầu tư, ngân hàng và các cơ quan có thẩm quyền trong việc thẩm định, phê duyệt dự án, phê duyệt gói thầu... sẽ tranh thủ trục lợi từ những ưu đãi về chính sách. Do đó, vấn đề nữa cần bàn lúc này là làm sao để các gói kích thích kinh tế không bị lãng phí, không bị sử dụng sai mục đích?

 Cảnh giác với trục lợi chính sách không bao giờ thừa vì hậu quả của nó quá lớn. Ví dụ, bất động sản là nhóm đối tượng được hỗ trợ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, việc được vay với lãi suất ưu đãi sẽ khiến nhiều nhà đầu tư nhảy vào thị trường. Trường hợp các ngân hàng không thẩm định hồ sơ vay chặt chẽ, họ có thể sẽ phải ôm thêm những món nợ xấu mới mà nền kinh tế phải mất hàng chục năm để giải quyết hậu quả.

 Hoặc đối với giải pháp đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, quan sát thời gian qua cho thấy manh nha một làn sóng các bộ, ngành đề nghị Chính phủ chỉ định thầu các dự án trọng điểm. Trong khi đó, “đặc tính” của chỉ định thầu ai cũng biết - đó là không minh bạch, là lợi ích nhóm, là cơ chế “xin - cho”, là thất thoát ngân sách…

 Để ngăn ngừa hành vi trục lợi chính sách, cần giám sát chặt quá trình triển khai các gói kích thích kinh tế. Nếu phát hiện chỉ định thầu trái pháp luật, nâng giá gói thầu để trục lợi, cho vay không đúng mục đích… các cơ quan chức năng phải xử lý ngay lập tức với những chế tài nghiêm khắc. Có như vậy mới đủ sức răn đe, mới bảo đảm tiền thuế của người dân được sử dụng đúng nơi, đúng chỗ. (Daibieunhandan.vn 10/6, Hà Lan)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH: Thủ tướng không đồng ý nghỉ 5 ngày dịp lễ 2/9

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã trả lời báo chí về đề xuất nghỉ 5 ngày trong dịp nghỉ lễ 2/9 năm nay.

 "Tôi rất lắng nghe ý kiến của Tổng cục Du lịch và tôi hoan nghênh các sáng kiến, đề xuất này. Tuy nhiên, chúng ta bố trí việc nghỉ 5 ngày liền trong dịp 2/9 thì phải cân nhắc kỹ và tính toán nhiều chiều, tính toán đầy đủ các tác động", ông Dung cho biết bên hành lang Quốc hội sáng 10/6.

 Theo ông Dung, có một số vấn đề chúng ta phải bàn, thứ nhất, ngày 2/9 rơi vào giữa tuần (thứ Tư), khoảng cách đến ngày nghỉ cuối tuần quá xa. Do đó, việc thực hiện hoán đổi hay nghỉ bù là bất hợp lý. Thứ 2 là thời gian vừa qua, Việt Nam thực hiện các biện pháp phòng chống COVID-19, quá trình giãn cách xã hội kéo dài nên người lao động và học sinh đã phải nghỉ rất nhiều.

 "Đây là lúc chúng ta thực hiện nhiệm vụ kép, vừa phòng, chống dịch nhưng phải tập trung rất cao khôi phục sản xuất, khôi phục thị trường lao động. Muốn như vậy, phải tập trung rất cao để phát triển sản xuất, tăng trưởng kinh tế", Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh.

 Vấn đề thứ 3, theo ông Dung, hiện Việt Nam đang có khoảng 55 triệu lao động. Theo Bộ Luật Lao động hiện hành, các quy định của pháp luật thì việc nghỉ bù, giãn cách hay hoán đổi ở khu vực doanh nghiệp thì do doanh nghiệp, hay nói cách khác là chủ sử dụng lao động xem xét quyết định còn lại khu vực công chức, viên chức…, Chính phủ với tư cách là chủ sử dụng lao động sẽ xem xét quyết định. Nếu chúng ta quyết định, đó là số lượng của chỉ 2 triệu người.

 "Số lượng này rất nhỏ, chỉ khoảng 4-5%, như vậy ảnh hưởng tác động không quá lớn cho việc phát triển kinh tế, phát triển du lịch", ông Dung cho biết.

 Vấn đề thứ 4, dịp 2/9 có ngày hội tựu trường, thường diễn ra trong ngày 3 - 4 - 5/9. Nên nếu nghỉ từ 2/9 đến hết 5/9, học sinh cũng khó được nghỉ bởi các em vẫn phải khai trường.

 Ông Dung cho biết, rất khó có chuyện ông bố, bà mẹ nào đi du lịch để con ở nhà đến trường. Chúng ta nên giữ dịp này là dịp để bố mẹ chăm lo cho con cái, chuẩn bị cho trẻ đến trường, tạo ra ngày hội học sinh đến trường.

 "Với những lý do rất căn bản như vậy, quan điểm của Bộ là không tán thành, tôi cũng không tán thành đề xuất này. Tôi cũng chia sẻ luôn là tôi đã báo cáo với các đồng chí lãnh đạo và Thủ tướng về vấn đề này, Thủ tướng cũng đồng ý với đề xuất của tôi", ông Dung nhấn mạnh. 

Mới đây, lãnh đạo ngành du lịch đề xuất Chính phủ kéo dài kỳ nghỉ lễ 2/9 thêm bốn ngày để kích cầu du lịch sau COVID-19. Tổng Cục trưởng Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho hay, ngày 2/9 vào thứ Tư, nhiều địa phương thấy có thể kéo dài kỳ nghỉ đến hết tuần nhân kỷ niệm 75 năm Quốc khánh và hưởng ứng phong trào kích cầu du lịch nội địa. (VTV.vn 10/6)Về đầu trang

Thi tốt nghiệp THPT 2020: Lãnh đạo UBND cấp huyện “xung trận” bổ sung vào Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh

Ông Phạm Quốc Khánh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) cho biết, do thay đổi mục tiêu nên việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 có một số điều chỉnh.

 Phổ biến những điểm mới, điểm chính trong quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2020, ông Phạm Quốc Khánh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) cho biết, điểm mới lớn nhất của kỳ thi là thay đổi mục tiêu tổ chức.

 Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 có mục tiêu chính là đánh giá kết quả học tập của người học theo mục tiêu giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT; lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT; làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của trường phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục. Cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh.

 Do thay đổi mục tiêu nên việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 có một số điều chỉnh. Cụ thể, kỳ thi được giao UBND tỉnh chịu trách nhiệm toàn bộ về chỉ đạo tổ chức tại địa phương. Việc tổ chức kỳ thi có sự liên quan đến nhiều Bộ ban ngành. Do đó, Quy chế thi tốt nghiệp THPT đã quy định: Trưởng Ban chỉ đạo cấp tỉnh phải là lãnh đạo UBND tỉnh. Lãnh đạo UBND cấp quận/huyện/thị xã/thành phố thuộc tỉnh cũng được yêu cầu có mặt trong thành viên ban chỉ đạo thi này. Tiêu chuẩn, điều kiện, trách nhiệm, nhiệm vụ và quyền hạn của thành viên các ban, hội đồng được quy định rõ ràng.

 Công tác coi thi của kỳ thi cũng có điểm mới là không có sự tham gia của giảng viên các trường đại học, cao đẳng. Quy chế quy định, Trưởng Điểm thi, Phó trưởng Điểm thi (không phụ trách cơ sở vật chất), cán bộ coi thi và cán bộ giám sát phòng thi không được làm nhiệm vụ tại Điểm thi có học sinh lớp 12 của trường mình dự thi trong năm 2020.

 Mỗi phòng thi bố trí 02 cán bộ coi thi ở hai trường phổ thông khác nhau; mỗi cán bộ giám sát thực hiện giám sát không quá 03 phòng thi trong cùng một dãy phòng thi. Cán bộ coi thi được tham gia bắt thăm phân công nhiệm vụ coi thi, bảo đảm nguyên tắc một cán bộ không coi thi quá một lần tại một phòng thi trong kỳ thi.

 Quá trình coi thi, các tình huống bất thường (nếu có) đặc biệt là tình huống ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh, cán bộ coi thi phải thông qua cán bộ giám sát để báo ngay cho Trưởng Điểm thi xem xét quyết định trước khi xử lý. 

Ông Phạm Quốc Khánh đề nghị các địa phương tập huấn kỹ lưỡng quy chế, hướng dẫn thi tốt nghiệp THPT tới toàn bộ cán bộ, giáo viên được phân công tham dự tổ chức kỳ thi này. (VTV.vn 10/6)Về đầu trang

Nghệ An: 20 cán bộ xã tự ý đi miền Nam “học hỏi kinh nghiệm” trong ngày làm việc

Huyện ủy Thanh Chương (Nghệ An) đã có quyết định kiểm tra về dấu hiệu vi phạm của hàng loạt cán bộ ở xã Hạnh Lâm tự ý đi “tham quan, học hỏi kinh nghiệm” mà không xin phép.

 Đầu tháng 6 vừa qua, 20 cán bộ xã Hạnh Lâm (huyện Thanh Chương, Nghệ An) đã hợp đồng với một công ty du lịch trên địa bàn để đi “tham quan, học hỏi kinh nghiệm” ở một địa phương phía Nam. Trong những ngày 5-8/6, chỉ có 7 cán bộ làm việc ở trụ sở xã này. 

Liên quan đến sự việc này, bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga - Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Huyện ủy Thanh Chương cho biết Huyện ủy đã có quyết định kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với tập thể và Ban chấp hành Đảng ủy xã xem có lãnh đạo, chỉ đạo việc này, có chủ trương hay không. 

Bà Nga thông tin, trong đoàn của xã đi “tham quan, học hỏi kinh nghiệm” có 9 đồng chí trong Ban chấp hành Đảng bộ xã.

 Vào cuối giờ chiều 8/6, đoàn mới về địa phương. Ngay sau đó chúng tôi đã mời ông Võ Văn Ánh (Bí thư Đảng ủy xã) và ông Trần Văn Hiếu (Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND xã) đến làm việc với Thường trực Huyện ủy.

 “Theo kế hoạch, vào ngày 10/6, HĐND xã Hạnh Lâm sẽ tiến hành họp, nhưng cuộc họp đã bị tạm dừng để tiến hành kiểm tra, làm rõ sự việc. Về quan điểm, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm theo quy định”, bà Nga nói.

 Trao đổi với PV, Phó Bí thư Huyện ủy Thanh Chương, ông Trình Văn Nhã cho biết: Sau khi nắm bắt được sự việc, Huyện ủy đã tiến hành kiểm tra, phía xã cũng không hề báo cáo Huyện ủy về việc này.

 "Trong giờ hành chính mà cán bộ tổ chức đi du lịch, không báo cáo Huyện ủy là sai. Những cán bộ, công chức vi phạm sẽ bị xử lý theo luật cán bộ công chức, còn Đảng viên thì thực hiện theo Quyết định 102 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Quan điểm của Thường trực Huyện ủy là nếu vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định”, ông Nhã khẳng định. (Infonet.vietnamnet.vn 10/6, Việt Hòa)Về đầu trang

Việt Nam đứng đầu về khả năng ứng phó với dịch COVID-19 trên thế giới

Theo dữ liệu khảo sát từ YouGov, Việt Nam được đánh giá là quốc gia ứng phó với dịch COVID-19 tốt nhất trên thế giới.

 Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, mức độ tác động của dịch bệnh đối với các quốc gia khác nhau rất lớn, một phần liên quan đến việc xử lý của chính phủ các nước.

 Theo dữ liệu khảo sát từ YouGov cho thấy, khả năng phản ứng của các quốc gia đối với đại dịch có nhiều khác biệt, cả về hiệu quả lẫn mức độ đồng tình của cộng đồng.

 Đáng chú ý, theo bảng xếp hạng của YouGov, Việt Nam dẫn đầu trong các quốc gia ứng phó với dịch COVID-19 tốt nhất trên thế giới, khả năng xử lý của Chính phủ Việt Nam đối với đại dịch được đánh giá lên tới 95% và không có ca tử vong nào do dịch bệnh.

 Trong khi đó, tại Anh, nơi phản ứng của chính phủ đối với dịch COVID-19 bị chỉ trích nặng nề, xếp hạng dựa trên việc "xử lý không tốt" và "xử lý tốt" của quốc gia này đạt mức mức thấp nhất trong tất cả các quốc gia được khảo sát, xuống tới -15%.

 Cũng mức xếp hạng với Anh là Mexico, nơi Tổng thống López Obrador ban đầu đã hạ thấp mức độ nghiêm trọng của đại dịch, khiến quốc gia này hiện đang phải đấu tranh để tìm sự cân bằng giữa ưu tiên cho sức khỏe cộng đồng và bảo vệ nền kinh tế.

 Ở trên đỉnh của thang đo, cho đến nay, Việt Nam chỉ ghi nhận hơn 300 trường hợp mắc COVID-19 và 0 ca tử vong. Trái ngược với Mexico và Anh, Việt Nam được đánh giá là "xử lý quá tốt" đối với khủng hoảng do COVID-19 gây ra. Đây cũng là lý do cho kết quả đáng kinh ngạc mà quốc gia này đạt được cho đến nay.

 Các quốc gia được YouGov đưa vào khảo sát bao gồm: Australia, Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Italy, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Na Uy, Philippines, Ba Lan, Singapore, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Đài Loan (Trung Quốc), Anh, Mỹ và Việt Nam. (VTV.vn 10/6)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

BHXH tạo thuận lợi cho người thụ hưởng trong thời gian cách ly nhờ ứng dụng công nghệ thông tin

Tại Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, BHYT tháng 6/2020 vừa tổ chức sáng 09/6, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho hay: BHXH Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các dịch vụ công quốc gia, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), ứng dụng công nghệ thông tin tạo thuận lợi cho người dân và DN trong các giao dịch với cơ quan BHXH, đặc biệt trong thời gian thực hiện cách ly xã hội.

 BHXH Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các dịch vụ công quốc gia, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin tạo thuận lợi cho người dân và DN trong các giao dịch với cơ quan BHXH, đặc biệt trong thời gian thực hiện cách ly xã hội. 

Tính đến 31/5/2020, BHXH Việt Nam đã cung cấp 18/27 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, trong đó số lượng dịch vụ công mức độ 4 là 12/27 TTHC. Cung cấp, phối hợp xác nhận thông tin 09 dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Đặc biệt, trong đó có 03 dịch vụ công trực tuyến được cung cấp từ ngày 12/5/2020, để hỗ trợ người dân, DN gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 gồm: Hỗ trợ đơn vị, DN tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất; Hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với NLĐ; Hỗ trợ NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương. Kết quả, từ 16/5 đến 31/5/2020, đã tiếp nhận và giải quyết 291 hồ sơ Ncovi của các doanh nghiệp trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

 Thực hiện chỉ đạo của BHXH Việt Nam, BHXH các tỉnh, thành phố tiếp tục đẩy mạnh thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC qua giao dịch điện tử; duy trì việc tiếp nhận, trả kết quả TTHC trực tiếp tại bộ phận "Một cửa" cấp tỉnh, cấp huyện, qua dịch vụ bưu chính công ích, với tinh thần phục vụ tốt nhất quyền lợi của người tham gia và phải đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Theo kết quả giải quyết TTHC trong toàn Ngành, số hồ sơ đã giải quyết của cơ quan BHXH tính từ 01/01 đến 31/5/2020 là 47.591.872 hồ sơ (đạt 97,45%).

 Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và hỗ trợ, chăm sóc khách hàng của Ngành trong thời gian qua đã góp phần giúp ngành BHXH đẩy mạnh việc chuyển đổi hình thức giao dịch với cơ quan BHXH của người dân và tổ chức, từ hình thức giao dịch trực tiếp sang hình thức sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

 Đặc biệt, trong giai đoạn chống dịch COVID-19, các mảng công tác này đã hỗ trợ rất hiệu quả cho người dân, DN khi làm thủ tục liên quan đến việc đề nghị và hưởng chế độ BHXH, BHYT, BHTN, qua đó góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia, giảm số người phải trực tiếp đến liên hệ, giao dịch tại cơ quan BHXH các cấp. (Vietnamnet.vn 09/6, Thúy Hạnh)Về đầu trang

TPHCM: Mô hình 2G - gần dân, giúp dân

Từ tháng 4-2020, qua nghiên cứu, rà soát và căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, UBND xã Nhị Bình (huyện Hóc Môn, TP.HCM) triển khai áp dụng các giải pháp, mô hình cải cách hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

 Đầu tiên là xã rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục xác nhận tình trạng hôn nhân từ ba ngày xuống còn một ngày và kết hợp trả kết quả hồ sơ tại nhà nếu địa chỉ ở địa phương.

 Kế đến là thực hiện thủ tục sao y, chứng thực, đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn ngoài giờ hành chính, từ 17 giờ đến 18 giờ 30 vào thứ Tư hằng tuần.

 Tiếp theo là thực hiện mô hình 2G (gần dân và giúp dân). Mô hình này có nghĩa giao trả kết quả hồ sơ sao y, chứng thực tại nhà cho bà con vào các ngày làm việc trong tuần từ 16 giờ cho đến khi trả hết hồ sơ bà con yêu cầu (trong trường hợp lãnh đạo UBND xã tham dự các cuộc họp trên huyện).

 Lãnh đạo xã cho biết: Chúng tôi đang lắng nghe phản hồi của người dân để có thêm những cách làm nâng cao chất lượng phục vụ cho bà con địa phương. (Pháp Luật TPHCM 10/6)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Hải Phòng kỷ luật Ban Thường vụ Quận ủy Hồng Bàng nhiệm kỳ 2015-2020

Ngày 9-6, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng họp xem xét, thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Quận ủy Hồng Bàng, nhiệm kỳ 2015-2020. Ông Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hải Phòng chủ trì hội nghị.

 Sau khi xem xét Báo cáo đề nghị thi hành kỷ luật của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hải Phòng đối với Ban Thường vụ Quận ủy Hồng Bàng, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng nhận thấy Ban Thường vụ Quận ủy Hồng Bàng đã vi phạm quy chế làm việc, thiếu chỉ đạo kiểm tra, giám sát để xảy ra nhiều sai phạm nghiêm trọng trong công tác quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng tại Dự án Chợ đầu mối rau, quả phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng, gây hậu quả khó khắc phục, ảnh hưởng đến uy tín của Quận ủy, gây dư luận không tốt trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

 Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm; căn cứ các quy định của Đảng về xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng quyết định thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Quận ủy Hồng Bàng, nhiệm kỳ 2015-2020 bằng hình thức khiển trách.

 Trước đó, Báo Người Lao Động đã thông tin, ngày 3-6, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hải Phòng đã họp xem xét trách nhiệm của Ban Thường vụ Quận ủy Hồng Bàng, Ban Thường vụ Đảng ủy phường Sở Dầu và các đảng viên liên quan trong việc lãnh đạo, triển khai tổ chức thực hiện Dự án Chợ đầu mối rau, quả tại phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng.

 Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hải Phòng nêu rõ Ban Thường vụ Quận ủy Hồng Bàng đã vi phạm quy chế làm việc, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong công tác quy hoạch, quản lý đất đai , trật tự xây dựng tại dự án. Ban Thường vụ Đảng ủy phường Sở Dầu thiếu kiểm tra, giám sát đối với lãnh đạo UBND phường trong quá trình quản lý dự án trên địa bàn.

 Ông Tô Đình Đại, nguyên Phó bí thư Quận ủy, nguyên Chủ tịch UBND quận Hồng Bàng, vi phạm quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ và quy chế làm việc của UBND quận; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, cố ý làm trái các quy định về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch của dự án, thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, để dự án vi phạm nghiêm trọng về quy hoạch, quản lý đất đai và trật tự xây dựng, gây hậu quả khó khắc phục. 

Ông Dương Đình Ổn, Phó chủ tịch UBND quận giai đoạn từ 14-9-2015 đến 30-9-2018, Phó bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Hồng Bàng hiện nay, vi phạm quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ và quy chế làm việc của UBND quận; thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực thi nhiệm vụ, để xảy ra sai phạm trong lĩnh vực phụ trách; chịu trách nhiệm chung về những khuyết điểm, vi phạm của Ban Thường vụ Quận ủy.

 Bà Hoàng Thị Nhẫn, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy, Phó chủ tịch Thường trực UBND quân Hồng Bàng, ký biên bản tạm bàn giao mặt bằng cho Công ty TNHH Phương Nghĩa quản lý trái thẩm quyền, thiếu trách nhiệm trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, vi phạm quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ và quy chế làm việc của UBND quận; chịu trách nhiệm chung về những khuyết điểm, vi phạm của Ban Thường vụ Quận ủy.

 Ông Nguyễn Văn Trường, Ủy viên Quận ủy, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận, thiếu trách nhiệm trong việc tham mưu Chủ tịch UBND quận ký các quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch không đúng quy định của luật Xây dựng, luật Quy hoạch đô thị, buông lỏng lãnh đạo quản lý, vi phạm quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ và quy chế làm việc của UBND quận.

 Ông Lê Văn Cầu, nguyên Ủy viên Quận ủy, nguyên Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường quận, thiếu kiểm tra, giám sát, không phát hiện và ngăn chặn được kịp thời, để Công ty TNHH Phương Nghĩa thi công xây dựng Dự án khi chưa được cấp có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, không báo cáo, tham mưu, đề xuất biện pháp xử lý vi phạm.

 Ông Trần Quang Hưng, Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất quận, thiếu trách nhiệm trong quản lý, để xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai, tham gia ký biên bản trái quy định của luật Đất đai năm 2013.

 Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hải Phòng kết luận căn cứ các quy định của Đảng, những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Quận ủy Hồng Bàng, các cán bộ nêu trên gây hậu quả nghiêm trọng, đến mức phải xem xét xử lý kỷ luật. (Nld.com.vn 10/6, Trọng Đức)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Lãnh đạo các nước không đến dự họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc

Các nhà lãnh đạo trên thế giới sẽ không đến New York (Mỹ) để dự kỳ họp cấp cao thường niên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 75 vào cuối tháng 9 do đại dịch COVID-19.

 Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, ông Tijjani Muhammad-Bande, đã đưa ra thông báo trên. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 75 năm Liên Hợp Quốc thay đổi cách họp Đại hội đồng.

 Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc cho biết, trong 2 tuần tới, 193 nguyên thủ và lãnh đạo chính phủ các nước có thể sẽ có bài phát biểu về những vấn đề cấp bách của khu vực và thế giới trong phiên thảo luận chung của Đại hội đồng.

 Tháng 5/2020, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, ông Antonio Guterres, đã đề nghị các nhà lãnh đạo các nước chuyển những thông điệp đã được ghi sẵn và chỉ có một nhà ngoại giao ở trụ sở tại New York từ mỗi quốc gia thành viên có mặt trong hội trường.

 Được biết, kỳ họp cấp cao thường niên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thường có hàng nghìn quan chức chính phủ, nhà ngoại giao và đại diện tổ chức xã hội dân sự đến New York trong hơn một tuần để phát biểu, lễ tân, gặp gỡ trực tiếp và tham gia hàng trăm sự kiện bên lề. (VTV.vn 10/6)Về đầu trang

Nhật Bản thông qua gói ngân sách bổ sung gần 300 tỷ USD chống COVID-19

Nhằm đối phó với dịch COVID-19, hôm nay, Hạ viện Nhật Bản đã thông qua gói ngân sách bổ sung thứ hai trong tài khóa 2020 trị giá tương đương gần 300 tỷ USD.

 Gói ngân sách bổ sung thứ hai của Nhật Bản có giá trị lên đến 31.914,4 tỷ Yen, tương đương 296 tỷ USD, được sử dụng vì nhiều mục đích khác nhau, trong đó bao gồm tăng cường hệ thống y tế như chi trả tiền hỗ trợ y bác sĩ tham gia chống dịch, nghiên cứu phát triển thuốc điều trị, bên cạnh đó là các khoản hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, người lao động và hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

 Sau khi được Hạ viện thông qua, gói ngân sách bổ sung sẽ được đưa lên thượng viện thảo luận và dự kiến sẽ được bỏ phiếu thông qua vào ngày 12/6 tới. Đây là khoản kích thích kinh tế lớn nhất trong lịch sử Nhật Bản, được đưa ra trong bối cảnh dịch bệnh đang tàn phá nặng nề các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giao thông, sản xuất, thương mại, du lịch và bán lẻ.

 Nhiều dự báo cho thấy kinh tế Nhật Bản có thể sẽ sụt giảm từ 6% đến 7% trong năm nay trước khi hồi phục nhẹ vào năm 2021 và các khoản trợ cấp kinh tế được kỳ vọng sẽ hỗ trợ phần nào cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. (VTV.vn 10/6)Về đầu trang./.

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

 

More