Vai trò của người phụ nữ Việt Nam trong lịch sử:

14:24, Thứ Hai, 16-3-2015

Xem với cỡ chữ : A- A A+
Lịch sử dân tộc Việt Nam đã khẳng định vai trò và những đóng góp to lớn của phụ nữ Việt Nam trên các lĩnh vực trong các thời kỳ xây dựng và phat triển đất nước. Theo những tài liệu khảo cổ học, ở Việt Nam đã tồn tại thời kỳ Mẫu quyền khá dài trong xã hội nguyên thủy với vai trò quan trọng, quyết định của người phụ nữ trong gia đình và xã hội. 

Trong buổi bình minh của lịch sử và trong giai đoạn phát đạt của xã hội nguyên thủy, dân tộc nào cũng trải qua một thời kỳ mẫu hệ và chế độ mẫu quyền. trong đó phụ nữ làm chủ gia đình, dòng họ; phụ nữ có vai trò lớn lao trong sinh hoạt kinh tế, đời sống xã hội cũng như trong đời sống văn hóa tinh thần.

Ở Việt Nam, mỗi người đều ghi nhớ chuyện Mẹ Âu Cơ và Bố Lạc Long Quân là những người khai sáng ra lịch sử dân tộc. Mẹ đẻ ra trăm trứng trong cùng một bọc, nở thành trăm chàng trai. Mẹ và Bố lại chia đều con đi ở miền núi và miền biển, thành nhân dân miền núi và miền xuôi bây giờ. Công lao to lớn của Mẹ Âu Cơ đã được truyền tụng hàng ngàn đời nay ở vùng đất Tổ (Phú Thọ) chứng tỏ mẹ là người “mang nặng đẻ đau” và cũng là người khai sáng văn hóa dân tộc.

Theo cố Giáo sư Sử học Trần Quốc Vượng: Khi bước sang chế độ phụ quyền không phải bất cứ đâu và lúc nào cũng đều mang hình thức cổ điển, hà khắc (người phụ nữ bị truất hẳn vai trò và quyền hành xã hội, trở thành nô lệ gia đình như cách nói của Lê Nin - điển hình là Hy Lạp), nhiều xã hội chuyển sang phụ quyền dưới một hình thức “êm dịu hơn”. Theo đó, bước vào thời đại văn minh, phụ nữ nhiều nước vẫn được coi trọng và có ảnh hưởng đối với nhiều công việc, Phụ nữ Việt Nam xưa ở trong trường hợp thứ hai này. Do đó, ở Việt Nam, nếu trong thời đại nguyên thủy, phụ nữ là người chủ yếu giữ việc hái lượm, tham gia săn bắt, rồi làm nghề nông nguyên thủy, chăn nuôi, thủ công cùng với công việc trong nhà, thì đến thời đại xã hội có giai cấp, người phụ nữ vẫn là người tham gia đầy đủ vào tất cả các khâu lao động trong xã hội và gia đình. Trong khi đó ở nhiều nước trên thế giới cổ đại, người phụ nữ chỉ còn tham gia các công việc gia đình.

Giáo sư Lê Thị Nhâm Tuyết đã viết: “Nếu ở hầu hết thời đại nguyên thuỷ, phụ nữ là người đứng đầu cộng đồng thân tộc của họ, thì đến thời đại xã hội có giai cấp, trong khi ở nơi này nơi khác, gia đình là do người đàn ông làm chủ nhưng ở Việt Nam, điều đó chỉ có trên danh nghĩa, còn trong thực tế, người phụ nữ vẫn là người điều khiển hầu hết công việc gia đình. Nếu ở hầu hết thời đại nguyên thuỷ, phụ nữ là người lãnh đạo và tham gia vào tất cả các hoạt động xã hội, thì đến thời đại xã hội có giai cấp, trong khi ở nơi này nơi khác, phụ nữ mất hẳn chức năng ấy, thì ở Việt Nam, đông đảo phụ nữ vẫn là những “công dân chính trị” rất độc đáo.” Đây chính là tiền đề để người phụ nữ Việt Nam cổ đại vẫn tiếp tục có những cống hiến lớn lao vào lịch sử dân tộc.

Việt Nam là một quốc gia nằm trong khu vực cội nguồn của nền nông nghiệp lúa nước. Lịch sử đã chứng minh rằng trong quá trình phát triển của nền văn minh lúa nước, người phụ nữ luôn đóng vai trò trụ cột trong lao động sản xuất.

Tục thờ nữ thần của người Việt đã xuất hiện từ lâu đời và phát triển trải qua các thời kỳ lịch sử trên cơ sở truyền thống coi trọng vai trò của người phụ nữ. Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam được xây dựng và lưu truyền từ huyền Mẹ Âu Cơ, Bố Lạc Long Quân đến việc thờ các nữ thần nông nghiệp như bà Dâu (Chùa Dâu),bà Đậu (chùa Bà Đậu); thờ các Mẫu Tam Phủ (Trời- Đất- Nước), Mẫu tứ phủ (Trời- Đất- Nước-Địa), Mẫu Tứ pháp (Mây-Mưa-Sấm-Chớp) đến các nghi lễ thờ cúng “Mẹ Lúa” của nhiều dân tộc ở Việt Nam. Điều đó đã phản ánh vai trò quan trọng của người phụ nữ trong nghề nông từ thời cổ đại và xuyên suốt tiến trình lịch sử cho đến ngày nay.

Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng cũng đã khẳng định: “Trên chặng đường chuyển hóa từ mẫu hệ sang phụ hệ và cả mãi về sau này nữa – xã hội Việt Nam cổ truyền đã thừa hưởng và vẫn bảo lưu một truyền thống vững chắc và tốt đẹp: đó là vai trò quan trọng của người đàn bà, người mẹ, trong gia đình, ngoài xã hội”

Từ ngàn xưa, vai trò của người Mẹ, người phụ nữ được tôn trọng, đề cao trong xã hội Việt Nam. Trong dân gian, chúng ta thấy nhân dân lao động Việt Nam vừa kính cha vừa ơn mẹ - Chữ hiếu hai vai.

"Công cha như núi Thái sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”

Người mẹ Việt Nam có tầm quyết định đối với sự phát triển của các con về nhiều mặt (thể chất, tình cảm, đạo lý làm người…). Do đó lời cửa miệng dân gian nói: “Con dại cái mang”, “Phúc đức tại mẫu”, “Cha sinh chẳng tày mẹ dưỡng”

Có khi trong xã hội Việt Nam cổ truyền người vợ được coi trọng hơn cả chồng “Lệnh ông không bằng cồng bà”.

Chính việc thực hiện vai trò to lớn đó, trong hoàn cảnh lịch sử có nhiều nét độc đáo của Việt Nam, đã hun đúc nên những phẩm chất đạo đức truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam. 

Theo http://hoilhpn.org.vn/