Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 27-12-2021

16:15, Thứ Ba, 28-12-2021

Xem với cỡ chữ : A- A A+

THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN DỊCH COVID-19. 1

  1. Thủ tướng yêu cầu bảo vệ nhóm có nguy cơ cao, tiêm phòng vắc xin ngay tại nhà. 1
  2. Đi lại dịp Tết, người dân kiến nghị Bộ Giao thông. 2
  3. F0 tăng nhanh, Hà Nội có lặp lại kịch bản số ca tử vong như TP.HCM?. 4
  4. Hơn 1.600 F0, Bắc Giang buộc người ngoại tỉnh phải có giấy xét nghiệm.. 5
  5. Vào Lâm Đồng vẫn phải khai báo y tế. 6

VỤ NÂNG KHỐNG GIÁ KIT TEST. 6

  1. Bộ KH&CN: Công ty Việt Á được cấp kinh phí gần 19 tỷ để nghiên cứu kit test 6
  2. Giám đốc Sở Y tế Hải Dương nói gì về quy trình đấu thầu kít xét nghiệm.. 8
  3. Nhiều hợp đồng mua hàng của Việt Á, Giám đốc CDC Bắc Giang nói “không nhận đồng nào”. 10
  4. Đà Nẵng còn những lần nào mua sinh phẩm của Công ty Việt Á?. 11

CHÍNH SÁCH MỚI 12

  1. 37 loại phí, lệ phí được giảm trong nửa đầu năm 2022. 12

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 13

  1. Kinh tế Việt Nam 2021 - Điểm sáng của khu vực. 13
  2. Bộ Giao thông chủ động quyết định nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế. 14
  3. Doanh nghiệp ở Hậu Giang thưởng Tết cao nhất 180 triệu đồng. 15

QUẢN LÝ.. 16

  1. 7 việc mà đoàn kiểm tra, giám sát và các thành viên không được làm.. 16
  2. Một tỉnh miền núi nghiêm cấm biếu tặng quà Tết cho lãnh đạo. 17
  3. Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam nằm trong danh sách tinh giản biên chế đợt 1.2022  17
  4. Quảng Nam giảm biên chế Giám đốc Hà Thanh Quốc là thẳng tay xử lý cán bộ. 18

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 19

  1. Kiện toàn Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ. 19

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 20

  1. Kỷ luật nhiều tập thể, cán bộ Tổng cục Địa chất và ngành Than. 20
  2. Cảnh cáo nguyên Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.. 21
  3. Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk xử lý hàng loạt cán bộ vi phạm.. 22
  4. Nhiều lãnh đạo xã ở Yên Bái bị kỷ luật vì nhập nhèm tiền môi trường rừng. 23
  5. Kỷ luật khiển trách Phó Giám đốc Sở Y tế Hòa Bình. 24
  6. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật Trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ Hà Giang  25

THẾ GIỚI 25

  1. Thụy Sĩ phạt tù 5 năm đối với người cố tình mắc COVID-19. 25

  

THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN DỊCH COVID-19

Thủ tướng yêu cầu bảo vệ nhóm có nguy cơ cao, tiêm phòng vắc xin ngay tại nhà

Ngày 26/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có Công điện 1815 về việc quản lý, bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc COVID-19; tăng cường công tác điều trị, giảm ca chuyển nặng, ca tử vong do COVID-19.

Công điện gửi Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Theo Công điện, tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới với các biến thể có khả năng lây lan nhanh và gây nguy hiểm như Delta và Omicron.

Tại Việt Nam, tình hình dịch COVID-19 cơ bản đang được kiểm soát. Tuy nhiên số ca bệnh mới có xu hướng tăng, số bệnh nhân nặng, số ca tử vong ở một số địa phương chưa giảm, trong đó mức độ bệnh tăng nặng và tử vong vẫn chủ yếu thuộc nhóm nguy cơ cao (người có bệnh nền, người trên 50 tuổi, phụ nữ có thai, kể cả người trên 18 tuổi chưa tiêm đủ vắc xin phòng COVID-19).

Để chủ động quản lý, theo dõi sức khỏe, phát hiện sớm, tăng cường điều trị, giảm ca chuyển nặng và tử vong do COVID-19, Thủ tướng yêu cầu các địa phương thực hiện quản lý chặt chẽ nhóm nguy cơ cao trên địa bàn, tổ chức rà soát, lập danh sách, thống kê tất cả những người thuộc nhóm nguy cơ cao, hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ cao, tình trạng bệnh nền đang được điều trị, tình trạng sức khỏe, nhu cầu hỗ trợ.

Tổ chức tiêm vét vắc xin, thành lập các tổ tiêm đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người thuộc nhóm nguy cơ cao, thực hiện tiêm phòng COVID-19 lưu động ngay tại nhà, bảo đảm không để sót ai thuộc nhóm nguy cơ cao mà không được tiêm vắc xin đầy đủ (trừ trường hợp chống chỉ định), đặc biệt là những người không di chuyển được.

Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu tổ chức chăm sóc và điều trị người mắc COVID-19 thuộc nhóm nguy cơ cao. Theo dõi sức khỏe, xử lý và điều trị ngay khi phát hiện mắc COVID-19 theo đúng hướng dẫn phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2.

Thực hiện cách ly, theo dõi tại nhà hoặc tại cơ sở điều trị theo tình trạng, mức độ bệnh, điều kiện chăm sóc, điều trị tại nhà; có sự hỗ trợ, giám sát khoa học, hợp lý, chặt chẽ, hiệu quả của cán bộ y tế và theo hướng dẫn của Bộ Y tế. (Tienphong.vn 26/12, Văn Kiên) Về đầu trang

Đi lại dịp Tết, người dân kiến nghị Bộ Giao thông

Để đảm bảo giao thương, người dân đi lại vừa thích ứng an toàn với dịch COVID-19, đặc biệt dịp Tết sắp tới, cử tri một số địa phương kiến nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chỉ đạo các tỉnh thành cả nước tạo thuận lợi cho giao thương, đi lại.

Chỉ còn 1 tuần nữa tới Tết Dương lịch năm 2022 với 3 ngày nghỉ liên tục, sau đó 1 tháng sẽ tới Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 với lịch nghỉ 9 ngày liên tục. Thời điểm này, rất nhiều người quan tâm tới việc đi lại giữa các tỉnh thành, đặc biệt với người từ các thành phố lớn về quê, khi một số nơi vẫn tồn tại những quy định giám sát, cách ly y tế khác chỉ đạo chung của cấp trung ương.

Điển hình như ngày 16/12 vừa qua, Ninh Bình yêu cầu tất cả người về từ Hà Nội phải cách ly tập trung, xét nghiệm PCR, sau đó tiếp tục cách ly tại nhà, bất kể vùng nguy cơ dịch bệnh ra sao đã tiêm đủ liều vắc xin hay chưa. Chỉ 1 ngày sau, khi dư luận lên tiếng, Bộ Y tế có văn bản yêu cầu thu hồi, Sở Y tế Ninh Bình mới bỏ quy định này.

Mới đây, cử tri nhiều địa phương như Hà Nội, TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Tiền Giang, Bến Tre, Thừa Thiên – Huế… đồng loạt gửi kiến nghị Bộ GTVT, Chính phủ chỉ đạo các địa phương tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, đi lại của người dân, để từng bước khôi phục lại kinh tế. Theo cử tri các địa phương này, dù Chính phủ đã chỉ đạo thích ứng an toàn với dịch bệnh, nhưng thực tế việc đi lại của người dân vẫn gặp nhiều khó khăn, thủ tục rườm rà, mỗi địa phương thực hiện một cách. Do đó, cử tri kiến nghị Bộ GTVT có chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể vấn đề này cho các địa phương thực hiện thống nhất, nhằm tạo thuận lợi cho người dân đi lại, đảm bảo hàng hoá lưu thông, đặc biệt dịp Tết sắp tới.

Trả lời cử tri, Bộ GTVT cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về thích ứng an toàn với dịch bệnh (Nghị quyết 128), hướng dẫn của Bộ Y tế về phân vùng nguy cơ (Quyết định4800), Bộ GTVT đã có hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, đường sắt, hàng không.

Bộ GTVT cũng triển khai Kế hoạch phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân gắn với phòng, chống dịch COVID-19 trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Nhâm Dần năm 2022.

Theo đó, các vùng nguy cơ dịch COVID-19 được phân thành 4 cấp độ (xanh, vàng, cam và đỏ), được đánh giá theo quy mô cấp xã/phường. Theo cấp độ này, vùng xanh và vàng được tổ chức hoạt động vận tải khách bình thường, hạn chế hoạt động ở vùng cam, và dừng hoạt động ở vùng đỏ. Tới nay, theo Bộ GTVT, hoạt động vận tải khách liên tỉnh bằng đường bộ, đường sắt, hàng không đã khôi phục dần, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, đặc biệt trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 sắp tới.

Bộ GTVT cũng có văn bản gửi UBND các tỉnh thành phối hợp chỉ đạo triển khai, đồng bộ quy định theo hướng dẫn của Bộ GTVT. Bộ GTVT cũng tổ chức họp trực tuyến với tất cả tỉnh thành trên cả nước để triển khai.

Với hành khách, trước, trong và sau chuyến đi phải tuân thủ nguyên tắc 5K, các quy định phòng chống dịch khác. Đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin và người đã khỏi bệnh COVID-19 chỉ xét nghiệm với khách trong các trường hợp: có biểu hiện sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở… có lịch sử dịch tễ đi từ vùng cam trở lên hoặc tới từ vùng đỏ.

Về tần suất hoạt động của phương tiện, địa bàn vùng xanh và vàng các phương tiện vận tải khách được hoạt động với tần suất bình thường; địa bàn vùng cam do địa phương quyết định tần suất, tối đa bằng 50% tần suất bình thường, hành khách ngồi giãn cách trên phương tiện; Dừng hoạt động chở khách liên tỉnh, nội tỉnh với vùng đỏ (trừ taxi, xe hợp đồng thanh toán điện tử và trên xe có vách ngăn). Với đường sắt, được chạy tàu theo nhu cầu thị trường, được phép đón trả khách trên tất cả các ga dọc các tuyến.

Với người về các địa phương, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người dân các vùng xanh và vàng được đi lại bình thường; người về địa phương từ vùng cam trở lên nếu đã tiêm đủ liều vắc xin cách ly tại nhà 7 ngày, tiêm chưa đủ liều vắc xin hoặc chưa tiêm phải cách ly và xét nghiệm. Ngoài ra, với người về từ vùng đỏ, dù đã tiêm vắc xin hay chưa đều phải xét nghiệm, cách ly tại nhà hoặc tập trung (theo điều kiện từng gia đình và quy định từng địa phương).

Người dân đi lại giữa các tỉnh thành với nhau được yêu cầu tuân thủ nguyên tắc 5K, theo dõi sức khoẻ, khai báo y tế và khai báo chuyến đi trên các ứng dụng điện tử (Sổ SKĐT, PC-COVID). (Tienphong.vn 26/12, Lê Hữu Việt)Về đầu trang

F0 tăng nhanh, Hà Nội có lặp lại kịch bản số ca tử vong như TP.HCM?

Với số F0 tăng nhanh như hiện nay, các chuyên gia đã chia sẻ về việc liệu Hà Nội có lặp lại kịch bản về số ca tử vong do COVID-19 như đã xảy ra tại TP.HCM.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, số ca tử vong do COVID-19 tại TP.HCM xảy ra trong điều kiện chưa bao phủ được vaccine phòng COVID-19; những đối tượng yếu thế chưa được tập trung kiểm soát. Nhưng với diễn biến dịch tại Hà Nội hiện nay, số ca tử vong do COVID-19 sẽ không xảy ra như ở TP.HCM.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội cũng cho rằng, số ca tử vong tại Hà Nội rất thấp, nên không thể như TP.HCM.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, trong giai đoạn thích ứng mới, không nên lấy số ca mắc để đánh giá tình hình dịch, mà nên lấy chỉ số về số bệnh nhân nhập viện, tử vong.

Những giải pháp để giảm việc lây lan thời gian qua rất khó khăn do người dân có sự đi lại từ nơi này đến nơi kia. Các dịch vụ đã mở lại, nên việc bảo vệ người dân bây giờ chủ yếu tập trung vào vaccine, sẵn sàng đáp ứng hệ thống y tế và hạn chế số lượng nhập viện, số bệnh nhân tử vong.

Trên những tiêu chí đó, theo Thứ trưởng Sơn, ở Hà Nội, số ca tử vong chưa cao, số lượng người nhập viện so với số ca mắc cũng không phải tỷ lệ cao. Do vậy, Hà Nội vẫn trong tầm kiểm soát.

Theo ông Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), khi Hà Nội chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, số F0 tăng lên là "khó tránh khỏi”, vì việc nới lỏng đồng nghĩa với việc người dân tiếp xúc, giao lưu nhiều, đi lại lớn… Đặc biệt nhiều F0 không có triệu chứng, họ không biết mình nhiễm bệnh, vẫn đi lại nhiều nơi.

Dù Hà Nội đang kiểm soát tốt, nhưng cần cảnh giác vì dịch bệnh diễn biến rất khó lường. Hiện F0 cộng đồng nhiều, nên người dân phải thực hiện tốt 5K. Ngoài ra, người dân không nên chủ quan cho rằng tiêm vaccine rồi thì buông trôi, thả lỏng vì trên thực tế, tiêm vaccine rồi vẫn có thể nhiễm bệnh và tử vong.

“Các hoạt động kinh doanh, dịch vụ phải kiểm soát có điều kiện vì với số F0 tăng như hiện nay, trong đó rất nhiều ca cộng đồng, nếu không có giải pháp kiểm soát tốt, thì số ca mắc sẽ tiếp tục tăng”, ông Phu nói.

Ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội chia sẻ, số F0 tăng nhanh một phần thể hiện ý thức của người dân còn chủ quan. Do đó, chính quyền các cấp cần phải tăng cường kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

“Có thể người dân còn chủ quan nhưng vai trò trách nhiệm của chính quyền, các chủ đơn vị nếu tăng cường giám sát thì sẽ nâng cao trách nhiệm của người dân”, ông Hùng nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, số F0 tại Hà Nội những ngày vừa qua cao nhất cả nước. Ngày 23/12, Hà Nội ghi nhận 1.765 ca mắc COVID-19, đến ngày 24/12 lên tới 1.824 ca và lập đỉnh mới ngày 25/12 với 1.879 ca. Trong số F0 mới ghi nhận ngày 25/12 có 549 ca cộng đồng, 1.272 ca ở khu cách ly và 58 ca tại khu phong tỏa. Số bệnh nhân mới ghi nhận ở 350 xã, phường, thị trấn thuộc 30 quận, huyện.

Tính từ đầu năm 2021 đến nay, thành phố ghi nhận 37.557 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 13.539 ca cộng đồng, 24.018 ca là trường hợp đã được cách ly. Giai đoạn thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP từ ngày 11/10 đến nay, Hà Nội ghi nhận 33.446 ca mắc, gồm 12.007 ca cộng đồng, 17.611 ca tại khu cách ly, 3.828 ca tại khu phong tỏa. (VTC.vn 26/12, Thanh Hải) Về đầu trang

Hơn 1.600 F0, Bắc Giang buộc người ngoại tỉnh phải có giấy xét nghiệm

Những ngày gần đây, số lượng ca mắc COVID-19 của tỉnh Bắc Giang tăng mạnh. Để ứng phó, lãnh đạo tỉnh yêu cầu không được tụ tập xem bóng đá, hội họp... Các chốt kiểm soát dịch cũng được kích hoạt, yêu cầu người ngoại tỉnh phải có giấy xét nghiệm COVID-19 khi qua chốt.

Theo Sở Y tế Bắc Giang, đến 16h00’ ngày 25/12, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang ghi nhận 61 ca mắc mới COVID-19 (ca F0). Từ ngày 26/10 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 1.649 ca F0.

Trong ngày 25/12, tỉnh Bắc Giang có 35 ca F0 phát hiện qua khám sàng lọc trong cộng đồng, trường học và doanh nghiệp; 21 ca F0 liên quan đến người về từ Hà Nội, Bắc Ninh và các tỉnh phía Nam, trong đó: 10 trường hợp phát hiện trong cộng đồng và 11 trường hợp tại các khu cách ly/phong tỏa của huyện, thành phố.

Để ứng phó với diễn biến của dịch, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa có công văn về việc thực hiện phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các huyện, thành phố khẩn trương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm các quy định của tỉnh về phòng, chống dịch COVID-19; đặc biệt hạn chế tụ tập, tổ chức ăn uống đông người, nhất là các trận bóng đá có đội tuyển Việt Nam và những ngày nghỉ Tết dương lịch, Tết Nguyên đán, các lễ hội đầu xuân.

Hiện tại, các chốt kiểm dịch ra vào tỉnh Bắc Giang cũng đã được kích hoạt trở lại. Theo đó, người từ các tỉnh ngoài, đặc biệt là Hà Nội, Bắc Ninh và các tỉnh phía Nam được yêu cầu phải có giấy xét nghiệm COVID-19 âm tính mới được qua chốt, nếu không phải quay đầu. Một số địa bàn có dịch trong huyện cũng yêu cầu cách ly tại chỗ người từ vùng dịch về nếu ở lại qua đêm. (Tienphong.vn 26/12, Bảo An) Về đầu trang

Vào Lâm Đồng vẫn phải khai báo y tế

Chiều 26.12, nhiều phương tiện di chuyển từ Đắk Nông vào Lâm Đồng vẫn phải khai báo y tế theo quy định của tỉnh này.

Hiện nay, các tỉnh, thành phố trên cả nước đã bỏ các chốt khai báo y tế, trở lại trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, trên Quốc lộ 28, đoạn qua xã Đinh Trang Thượng, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng vẫn đang duy trì lực lượng chức năng trực chốt.

Ghi nhận thực tế cho thấy, khi các phương tiện di chuyển từ Đắk Nông vào Lâm Đồng thì lực lượng chức năng làm nhiệm vụ ở đây đã ra hiệu lệnh dừng xe, yêu cầu vào chốt khai báo y tế, khai báo lịch trình di chuyển nội địa... Chỉ khi hoàn thành những nhiệm vụ này thì các phương tiện ở ngoại tỉnh vào Lâm Đồng mới được đi qua chốt kiểm dịch.

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, kể từ 6h ngày mai (27.12.2021) địa phương mới dừng hoạt động các Chốt kiểm soát liên tỉnh phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

UBND tỉnh Lâm Đồng giao UBND các huyện, thành phố chủ trì, phối hợp với công an tỉnh thu hồi, cất giữ, bảo quản tài sản thuộc các chốt kiểm soát trên địa bàn, sẵn sàng sử dụng khi cần thiết; hoàn trả lại nguyên trạng vị trí đóng chốt và thanh toán các chi phí phát sinh cho các hộ dân hoặc cơ sở mượn lập chốt.

Mặt khác các huyện, thành phố cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền để mọi người dân tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, nhất là khi đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19. Tiếp tục tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc 5K, vaccine, thuốc điều trị,  công nghệ, ý thức người dân…

UBND tỉnh Lâm Đồng khuyến cáo mỗi người dân, gia đình, cơ quan, đơn vị doanh nghiệp... tự xét nghiệm theo dõi sức khỏe theo hướng dẫn của ngành y tế. Khi có trường hợp tự xét nghiệm dương tính hoặc có các biểu hiện nghi mắc COVID-19 thì báo cho y tế địa phương đế kịp hỗ trợ, cách ly, điều trị theo quy định. (Laodong.vn 26/12, Phan Tuấn) Về đầu trang

VỤ NÂNG KHỐNG GIÁ KIT TEST

Bộ KH&CN: Công ty Việt Á được cấp kinh phí gần 19 tỷ để nghiên cứu kit test

Thông tin từ Bộ KH&CN cho biết, Công ty CP Công nghệ Việt Á được cấp 18,98 tỷ đồng tiền nghiên cứu khoa học cho bộ kit test Covid-19.

Cổng thông tin Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) mới đây đã đăng tải báo cáo chi tiết liên quan đến bộ kit xét nghiệm Covid-19 (còn gọi là kit test) do Học viện Quân y phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á nghiên cứu sản xuất.

Báo cáo cho biết, nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia được cấp kinh phí có tên đầy đủ: "Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng virus corona mới 2019 (2019-nCoV)", mã số ĐTĐL.CN.29/20.

Tổng kinh phí chi từ ngân sách cho nhiệm vụ này là 18,98 tỉ đồng. Thời gian thực hiện theo hợp đồng đã ký kết từ tháng 2/2020 đến tháng 7/2021. Thời gian thực tế thực hiện từ tháng 2/2020 đến tháng 10/2021 sau khi được gia hạn đến tháng 10/2021.

Tổ chức chủ trì nhiệm vụ này là Học viện Quân y do PGS-TS Hồ Anh Sơn làm Chủ nhiệm công trình.

Bên cạnh đó còn có 16 thành viên khác thuộc nhóm nghiên cứu, trong đó có 4 thành viên thuộc Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á. Trong đó, ông Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Việt Á - người vừa bị khởi tố hình sự về hành vi vi phạm các quy định đấu thầu - là thành viên nghiên cứu chính tham gia thực hiện nhiệm vụ này.

Theo Bộ KH&CN, bộ kit xét nghiệm có hàm lượng khoa học cao, cũng như tính ứng dụng thực tiễn thể hiện bằng những chứng nhận, bao gồm Quyết định cấp phép lưu hành của Bộ Y tế Việt Nam (số 774/QĐ-BYT ngày 04/3/2020; số 5071/QĐ-BYT ngày 04/12/2020); Giấy chứng nhận kiểm nghiệm trang thiết bị y tế chẩn đoán in-vitro số 1160/VSDTTƯ -NCYS ngày 18/8/2020.

Ngoài ra, kit test của Việt Á cũng được Bộ Y tế và Chăm sóc xã hội Anh cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn Châu Âu (CE) và cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) cho bộ sinh phẩm (20/4/2020).

Cũng theo báo cáo này, việc ra đời được bộ sinh phẩm "Made in Vietnam" có ý nghĩa xã hội to lớn. Cùng với chiến lược kiểm soát dịch bệnh đúng đắn của Chính phủ, việc chúng ta chủ động sản xuất ra sinh phẩm tạo sự yên tâm rất lớn trong đội ngũ chuyên gia y tế cũng như toàn xã hội. Bộ sinh phẩm không chỉ củng cố niềm tin của xã hội vào sự chỉ đạo của chính phủ và các nhà khoa học Việt Nam trong phòng chống dịch COVID-19, mà còn góp phần xây dựng thương hiệu Việt Nam trên bản đồ khoa học công nghệ Quốc tế.

Báo cáo cũng khẳng định các kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ là cơ sở cho các nghiên cứu về sau như các dữ liệu đặc điểm di truyền phân tử, sự tiến hóa của chủng SARS-CoV-2 phục vụ cho các nghiên cứu về chế tạo vắc-xin dự phòng và thuốc kháng virus đối với chủng SARS-CoV-2.

Hiện nay, bộ sinh phẩm và các quy trình chẩn đoán dựa trên kỹ thuật real-time RT-PCR đã chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất trên 3.000.000 test phục vụ xét nghiệm sàng lọc phát hiện SARS-CoV-2 trên 163 trung tâm, bệnh viện lớn trong cả nước như bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Trung ương Huế, bệnh viện ĐH Y Hà Nội, CDC Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Dương, CDC TP. HCM... Hơn 20 quốc gia đã đàm phán mua bộ sinh phẩm, và đã xuất khẩu trên 500.000 test.

Báo cáo nêu: "Như vậy, chúng ta không phải mua những kit chẩn đoán nước ngoài với giá thành cao, giúp giảm giá thành sản phẩm, điểm quan trọng nữa là giúp chủ động nguồn cung ứng, đáp ứng nhu cầu dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp và khó lường hiện nay, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân, giúp ổn định kinh tế xã hội".

Tuy nhiên, báo cáo trên không đề cập tới chứng nhận của tổ chức WHO, mà trước đó đã từng được đăng tải trên cổng thông tin của Bộ KH&CN (hiện đã không còn) với tiêu đề "Bộ kit xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam sản xuất vừa được Tổ chức Y tế thế giới chấp thuận".

Vào ngày 20/10/2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã công bố báo cáo công khai về đánh giá sử dụng khẩn cấp của tổ chức này khi thẩm định bộ xét nghiệm Covid-19 của Việt Á. Trong báo cáo này, WHO ghi rõ kết quả sau khi kiểm định bộ kit này là "không được chấp thuận" vì chưa đạt được một số tiêu chuẩn.

Về vấn đề này, ông Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các khối ngành Kinh tế - Kỹ thuật (Bộ KH&CN) thừa nhận, do sơ suất chưa xem xét kỹ lưỡng thông tin phản hồi của WHO về bộ kit test của Công ty Việt Á.

Theo đó, ông Hùng khẳng định, WHO mới chỉ chấp thuận đưa bộ kit test của Công ty Việt Á vào quy trình đánh giá xem xét sử dụng chứ không phải "chấp thuận sử dụng". "Đây là sơ suất của Bộ KH&CN" - ông Hùng thừa nhận. (Danviet.vn 26/12, An Vũ)Về đầu trang

Giám đốc Sở Y tế Hải Dương nói gì về quy trình đấu thầu kít xét nghiệm

Ông Phạm Mạnh Cường - Giám đốc Sở Y tế Hải Dương cho biết, CDC tự lập kế hoạch, thẩm định giá rồi trình Sở thẩm định kế hoạch và báo cáo UBND tỉnh đồng ý phê duyệt, Sở chỉ thẩm định kế hoạch đấu thầu, không thẩm định cuộc thầu.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Phạm Mạnh Cường – Giám đốc Sở Y tế Hải Dương cho biết, việc đấu thầu, mua sắm thiết bị y tế liên quan Công ty Việt Á do Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) chủ trì thực hiện theo quy định, thẩm quyền.

Theo lời ông Nguyễn Mạnh Cường, khi được phê duyệt chủ trương, CDC tự lập kế hoạch, tự thẩm định giá thiết bị cần mua. Sau đó, CDC trình Sở Y tế phương án để thẩm định việc mua sắm đó có đúng thiết bị, chủng loại và phù hợp với nguồn lực tài chính hay không.

Sở Y tế xác định kế hoạch mua sắm này đúng, cần thiết, phù hợp và trình UBND tỉnh đồng ý phê duyệt. Sau đó, CDC thực hiện tổ chức đấu thầu mua sắm trang thiết bị với các đơn vị cung ứng.

“Sở Y tế chỉ thẩm định kế hoạch đấu thầu, chứ không thẩm định cuộc thầu. Việc mua sắm thiết bị liên quan Công ty Việt Á do CDC chủ trì theo thẩm quyền. Không chỉ CDC, hằng năm các đơn vị, bệnh viện khác như Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư, hóa chất… giá trị hàng trăm tỷ và họ cũng tự làm. Sở Y tế không thể bao sân hết được. Vụ việc tại CDC Hải Dương vẫn đang được cơ quan điều tra C03 – Bộ Công an xác minh, khi có kết luận, mọi việc sẽ được làm sáng tỏ”, ông Phạm Mạnh Cường nói.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hải Dương cho biết, đơn vị vừa phân công một Phó giám đốc Sở tham gia chỉ đạo, lãnh đạo, giám sát công việc tại CDC tỉnh. Đồng thời, quyết định giao ông Nguyễn Phúc Thiện – Phó giám đốc CDC, phụ trách điều hành chung CDC tỉnh. Hiện tại, việc xét nghiệm, tiêm chủng tại CDC tỉnh đã hoạt động bình thường trở lại.

Sau khi vụ việc tại CDC Hải Dương bị cơ quan chức năng phát hiện, địa phương đã dừng sử dụng các thiết bị, sinh phẩm liên quan Công ty Việt Á.

Để đảm bảo công tác phòng chống dịch, địa phương sử dụng các vật tư, thiết bị của các đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ, cung ứng. Đồng thời, điều chỉnh việc xét nghiệm SARS-CoV-2 theo hướng test nhanh kháng nguyên để rà soát, sàng lọc diện rộng. Người dân cũng có thể mua thiết bị để xét nghiệm nhanh tại nhà.

Ngày 23/12, ông Triệu Thế Hùng - Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương chủ trì cuộc họp với các sở ngành liên quan sau khi cơ quan điều tra C03 - Bộ Công an khởi tố, bắt giam bị can Phạm Duy Tuyến - Giám đốc CDC Hải Dương và Nguyễn Mạnh Cường - kế toán trưởng CDC Hải Dương về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nguyêm trọng".

Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương nhấn mạnh, tỉnh kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm, đi ngược với nỗ lực phòng chống dịch của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân.

Sai phạm của Giám đốc CDC Hải Dương là rất nghiêm trọng và tỉnh sẽ kiên quyết xử lý nghiêm, không dung túng, bao che sai phạm của cán bộ.

Sau khi có báo cáo của Sở Tài chính, Sở Y tế, Đảng bộ UBND tỉnh sẽ họp đánh giá, kiểm điểm trách nhiệm từng cá nhân, tập thể liên quan. (Tienphong.vn 25/12, Nguyễn Hoàn) Về đầu trang

Nhiều hợp đồng mua hàng của Việt Á, Giám đốc CDC Bắc Giang nói “không nhận đồng nào”

Dù công bố không ký hợp đồng trực tiếp với Việt Á nhưng theo hồ sơ Tiền Phong có được, trong hai năm 2020, 2021, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Bắc Giang đã phê duyệt ít nhất ba hợp đồng mua kit test do công ty Việt Á sản xuất thông qua đơn vị thứ 3. Giám đốc CDC Bắc Giang khẳng định không nhận “hoa hồng” từ các đơn vị trúng thầu.

Như Tiền Phong thông tin, ngày 22/11/2021, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bắc Giang (CDC Bắc Giang) Lâm Văn Tuấn ký quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu "Mua sinh phẩm, vật tư lấy mẫu, tiêm chủng và xét nghiệm SARS-CoV-2" cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật hỗ trợ thành phố Hà Nội năm 2021. Theo quyết định này, Công ty CP Dược Vật tư Y tế Phan Anh (có địa chỉ tại phường Ngô Quyền, thành phố Bắc Giang) là đơn vị được CDC Bắc Giang lựa chọn cung cấp trọn gói. Trong đó có 20.000 test do Cty Việt Á sản xuất có giá là 5,031 tỷ đồng (chiếm 94% giá trị gói thầu).

Ngoài ra, CDC Bắc Giang còn phê duyệt ít nhất hai gói thầu mua kit test của Việt Á. Đơn cử, ngày 24/9/2020, CDC Bắc Giang lựa chọn Công ty Cổ phần dược vật tư y tế Phan Anh cung cấp trọn gói gói thầu "Mua sinh phẩm xét nghiệm phục vụ phòng chống dịch bệnh COVID-19 (lần 4 năm 2020)" cho CDC Bắc Giang. Hàng hóa là 60 bộ kít xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR do Cty Việt Á sản xuất. Tổng giá trị gói thầu là 1,527 tỷ đồng (tương đương 25,462 triệu đồng/bộ).

Ngày 20/11/2020, CDC Bắc Giang đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu: Mua sắm kít phát hiện SARS-CoV-2 phục vụ phòng chống dịch bệnh COVID-19 của CDC tỉnh Bắc Giang với giá là 6,111 tỷ đồng. Lần này, nhà cung cấp là liên danh Công ty Cổ phần dược vật tư y tế Phan Anh - Công ty Cổ phần giải pháp y tế và khoa học Suran. Hàng hóa là 240 bộ kít phát hiện SARS-CoV-2 (quy cách là 50 phản ứng/bộ) do Cty Việt Á sản xuất. Tương đương 25,462 triệu/bộ kít.

Chỉ tính riêng ba hợp đồng nêu trên, CDC Bắc Giang đã mua hơn 12 tỷ đồng kit test của Việt Á. Đáng chú ý, phần lớn các hợp đồng cung cấp kit test, dụng cụ vật tư y tế cho CDC Bắc Giang trong chống dịch COVID-19 vừa qua đều có bóng dáng của Công ty cổ phần dược vật tư y tế Phan Anh (công ty Phan Anh) - một doanh nghiệp đóng tại Bắc Giang.

Ngoài các hợp đồng bán kit test của Việt Á nêu trên, công ty Phan Anh còn được chọn là nhà cung cấp cung cấp trọn gói gói thầu "Mua sinh phẩm sàng lọc phục vụ công tác xét nghiệm phòng-chống dịch COVID-19" với giá 2,688 tỷ đồng. Hàng hóa là 55 bộ kít phát hiện SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR (tương đương 48,88 triệu đồng/bộ), quy cách đóng gói là 96 test/bộ (trong hồ sơ không nêu rõ hàng của Việt Á nhưng có quy cách đóng gói giống kit test của Việt Á).

Ngày 22/11/2021, CDC Bắc Giang cũng phê duyệt gói thầu “Mua sinh phẩm sàng lọc vi rút SARS-CoV-2" trị giá 5,6 tỷ đồng và Công ty CP Dược Vật tư Y tế Phan Anh là đơn vị được lựa chọn.

Theo tìm hiểu, Cty TNHH Tư vấn và Đầu tư dịch vụ công Thúy Hiền là đơn vị thẩm định hầu hết các gói thầu mà Cty Cổ phần dược vật tư y tế Phan Anh trúng tại CDC Bắc Giang.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Lâm Văn Tuấn, Giám đốc CDC Bắc Giang cho hay, hiện CDC Bắc Giang vẫn đang trong quá trình thống kê các hợp đồng mua hàng hóa do Việt Á sản xuất. Ông Tuấn khẳng định: “Tôi không nhận một đồng nào từ Việt Á hay Phan Anh. Còn quá trình đấu thầu thì chúng tôi thực hiện theo quy định, thuê đơn vị tư vấn”.

Liên quan vụ việc, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cho biết đã chỉ đạo thanh tra và sẽ thông tin cụ thể trong vài tuần tới. (Tienphong.vn 26/12, Long Vân)Về đầu trang

Đà Nẵng còn những lần nào mua sinh phẩm của Công ty Việt Á?

Tháng 5/2021, Đà Nẵng mua 70.000 test  Light Power IVASARS-CoV-2 1stRT-rPCR với giá 509.250 đồng/test của Công ty Việt Á, phục vụ công tác xét nghiệm  tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC). Từ tháng 7, khi Bộ Y tế cập nhật giá bán công khai, Đà Nẵng mua 200.000 test với giá 367.500 đồng/test.

Đó là báo cáo của Sở Y tế Đà Nẵng về việc mua sắm sinh phẩm xét nghiệm phục vụ công tác phòng chống dịch. Tuy nhiên theo tìm hiểu của Tiền Phong, Đà Nẵng còn nhiều lần mua của Công ty Việt Á.

Vào tháng 2/2021, UBND thành phố có quyết định phê duyệt mua sắm vật tư y tế, sinh phẩm phục vụ công tác xét nghiệm vi rút corona tại CDC. Thành phố mua 50.000 test Light Power IVASARS-CoV-2 1stRT-rPCR với đơn giá 509.250đ, tổng số tiền hơn 25,4 tỷ đồng. Cũng trong đợt này, Đà Nẵng mua 20.000 test iVAaDNA/RNA Extraction Kit aM, với giá 160.000đ/test; 20.000 test iVA aRN Extraction Kit P với giá 31.500/test.

Theo báo cáo của Sở Y tế, từ ngày 2/7/2021, Bộ Y tế cập nhật giá bán công khai sinh phẩm này tại Công văn số 5288/BYT-TB-CT là 470.000 đồng/test cho đơn hàng dưới 500.000 test; 367.500 đồng/test với đơn hàng từ 500.000 đến dưới 1.000.000 test.

Theo đó, trên cơ sở đề xuất của CDC, Sở Y tế Đà Nẵng đã phối hợp với các cơ quan có liên quan trình UBND thành phố phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu 3 gói thầu, với tổng số lượng mua sắm 200.000 test, đơn giá 367.500 đồng.

Theo tìm hiểu, từ tháng 7 trở đi, Đà Nẵng nhiều lần phê duyệt mua sắm vật tư y tế, sinh phẩm phục vụ công tác xét nghiệm tại CDC. Cụ thể, trong tháng 8 có hai lần mua. Lần một mua 70.000 test Light Power IVASARS-CoV-2 1stRT-rPCR, lần hai 90.000 test với giá 367.500. Ngoài ra, trong hai đợt này còn mua 200.000 kit tách chiết DNA/RNA giá 136.500, 40.000 kit tách chiết RNA giá 42.000.

Tháng 9, Đà Nẵng mua tiếp 40.000 kit tách chiết DNA/RNA; 40.000 test Light Power IVASARS-CoV-2 1stRT-rPCR với đơn giá 367.500.

Tháng 12 mua thêm 70.000 kit tách chiết DNA/RNA; 50.000 test Light Power IVASARS-CoV-2 1stRT-rPCR, giá 367.500; 10.000 kit tách chiết RNA.

Trao đổi với Tiền Phong, bác sĩ Trần Thanh Thủy, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho hay Sở đang rà soát tổng thể các hoạt động mua sắm vật tư y tế, sinh phẩm phục vụ công tác xét nghiệm phòng chống dịch.

“Chúng tôi đang tiến hành rà soát tổng thể lại nên chưa thể thông tin chi tiết từng đợt mua được. Các đợt mua đã thông tin với báo chí (270.000 test – PV) cũng đã được báo cáo với UBND TP”, bà Thủy nói. (Tienphong.vn 25/12, Thanh Trần) Về đầu trang

CHÍNH SÁCH MỚI

37 loại phí, lệ phí được giảm trong nửa đầu năm 2022

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 120 tiếp tục giảm phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 tới hết tháng 6/2022, tổng số tiền dự kiến giảm trên 1.000 tỷ đồng.

Giảm 50% phí cấp căn cước công dân

Thông tư 120 có hiệu lực kể từ 1/1 đến hết ngày 30/6/2022, có 37 khoản phí, lệ phí được giảm từ 10 - 50% so với quy định hiện hành (bổ sung thêm 3 loại phí, lệ phí so với chính sách áp dụng cuối năm 2021).

Cụ thể, giảm 50% các loại phí, lệ phí: Lệ phí cấp giấy phép lập và hoạt động ngân hàng và tổ chức tín dụng; Lệ phí cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng cho tổ chức và hành nghề cho cá nhân; Phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng, thiết kế cơ sở; Phí thẩm định thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng; Phí thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, nội địa, cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch; Lệ phí cấp, đổi giấy chứng nhận hành nghề và giám sát hoạt động chứng khoán; Phí thẩm định để cấp phép xuất bản, lệ phí cấp giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm…

Xe khách, xe kinh doanh vận tải được giảm 30% phí

Giảm 30% các loại phí, lệ phí: Phí khai thác và sử dụng dữ liệu môi trường, khí tượng thuỷ văn; Phí thẩm định điều kiện kinh doanh kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; Phí trong lĩnh vực y tế; Phí sử dụng đường bộ với xe kinh doanh vận tải khách, xe khách công cộng, xe tập lái, xe sát hạch.

Giảm 20% các loại phí và lệ phí: Phí thẩm định cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, hành nghề khoan nước; Phí thẩm định cấp chứng chỉ, giấy phép trong hoạt động hàng không dân dụng, cấp giấy phép ra vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay; Phí đăng ký giao dịch bảo đảm với máy bay; Phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng động sản, tàu biển; Lệ phí cấp hộ chiếu, giấy thông hành, xuất cảnh, tem AB; Lệ phí cấp giấy phép quản lý pháo, vật liệu nổ; Phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận hợp chuẩn và hợp quy của sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự; Phí sử dụng tần số vô tuyến điện.

Giảm 10% các loại phí, lệ phí: Phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay; Phí sử dụng đường bộ với xe tải, xe chuyên dùng, xe đầu kéo; Phí trong công tác an toàn thực phẩm; Phí thẩm định kinh doanh thuộc lĩnh vực thức ăn, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản.

So với các khoản phí, lệ phí giảm trong năm 2021, Bộ Tài chính bổ sung thêm 3 khoản phí, lệ phí vào danh mục được giảm (giảm 50% phí đăng kiểm phương tiện xe cơ giới, và phí trình báo đường thủy nội địa; giảm 20% phí sử dụng tần số vô tuyến điện). Với phương tiện đã nộp phí, lệ phí, sẽ được tính để giảm trả trong lần nộp phí tiếp theo.

Theo Bộ Tài chính, với chính sách trên, dự kiến số tiền phí, lệ phí được giảm trên 1.000 tỷ đồng. (Tienphong.vn 25/12, Lê Hữu Việt)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Kinh tế Việt Nam 2021 - Điểm sáng của khu vực

Năm 2021 là năm nền kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích ấn tượng, tạo tiền đề cho sụ phục hồi và phát triển sau đại dịch.

Tuần qua, kinh tế là đề tài được nhiều tờ báo nhắc đến, đặc biệt là các bài viết nhìn lại diễn biến của nền kinh tế trong năm 2021 cũng như bàn về triển vọng năm 2022.

Năm 2021 là năm nền kinh tế Việt Nam gặp phải khó khăn chưa từng có. Có những tờ báo đã thống kê lại thiệt hại của nền kinh tế do đại dịch COVID-19 - đó là những con số không hề nhỏ.

Thiệt hại kinh tế có thể tính từ năm 2020 và nếu tính cả 2 năm (2020 - 2021) thì theo thống kê của tờ Kinh tế Đô thị dịch COVID-19 đã trực tiếp tác động tới mọi mặt của nền kinh tế Việt Nam. Thiệt hại do dịch bệnh gây ra ước tính lên tới 847 nghìn tỷ đồng, tương đương 37 tỷ USD.

Tuy nhiên, với việc nhìn trực diện khó khăn không né tránh cùng với đó là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và sự sát sao tận tâm của các lãnh đạo cấp cao đã khiến cho bức tranh với ga màu tối ánh lên nhiều điểm sáng vào những tháng cuối năm bất chấp dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.

Báo Lao động xã hội cho biết, tính từ đầu năm đến ngày 15/12 quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu đã đạt trên 633 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu là hơn 317 tỷ USD, còn nhập khẩu là trên 315 tỷ USD. Cả năm nay kim ngạch xuất nhập khẩu dự đoán vượt mốc 660 tỷ USD. Kết quả này cũng có nghĩa Việt Nam đã nằm trong nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.

Nhiều tờ báo cũng bình luận rằng, hoạt động xuất nhập khẩu trong những tháng cuối năm đã đảo chiều ngoạn mục đưa Việt Nam trở thành nước xuất siêu 6 năm liên tiếp.

Với kết quả đáng khích lệ này xuất khẩu sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022 và tạo ra nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu trong thời gian tới.

Báo Tin tức dẫn lời một số chuyên gia cho rằng, dự báo trong năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu có thể tăng trưởng từ 13 - 15%. Trong năm tới sẽ chứng kiến sự phục hồi xuất khẩu vượt trội và Việt Nam tiếp tục là quốc gia tận dụng được cơ hội để tăng tốc xuất khẩu.

Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2022, nâng cao chất lượng hàng hóa để tín sâu vào các thị trường lớn.

Chịu tác động nặng nề của dịch bệnh nhưng các doanh nghiệp, đặc biệt là trong ngành công nghiệp đã xây dựng kịch bản chủ động thích ứng với trạng thái "bình thường mới", đảm bảo ổn định sản xuất, kinh doanh và nỗ lực hoàn thành đúng tiến độ kế hoạch đề ra.

Theo tờ Công Thương, 11 tháng năm nay, sản xuất hàng dệt may, máy móc thiết bị, phụ tùng phục hồi rất khả quan. Đáng chú ý, chỉ số sản xuất 11 tháng năm 2021 của một số ngành trọng điểm tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước như sản xuất kim loại tăng hơn 23%, sản xuất xe có động cơ tăng gần 11%.

Doanh nghiệp đã rất nỗ lực, bên cạnh đó phải nhắc tới sự tác động từ các yếu tố khách quan đó là các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, Bộ ngành đã giúp doanh nghiệp khắc phục được khó khăn, khôi phục sản xuất trở lại và có kết quả kinh doanh tương đối tích cực. Điều này cũng dẫn tới thu ngân sách Nhà nước vẫn về đích sớm.

Tổng thu ngân sách Nhà nước lũy kế 11 tháng năm 2021 do cơ quan Thuế quản lý ước đạt 1,18 triệu tỷ đồng, bằng 105,1% so với dự toán và bằng 107,5% so với cùng kỳ năm 2020. Nếu loại trừ yếu tố gia hạn và một số khoản thu đột biến bằng 104% so với cùng kỳ, theo tờ Kinh tế và Đô Thị. (Kênh VTV1 – Báo chí toàn cảnh lúc 7h sáng 26/12)Về đầu trang

Bộ Giao thông chủ động quyết định nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế

Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn số 9467/VPCP–QHQT truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đối với đề nghị của Tổng công ty Hàng không Việt Nam về việc sớm cho phép mở lại khai thác chuyến bay thường lệ đi châu Âu, Úc.

Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tổng hợp, xử lý kiến nghị của doanh nghiệp, xem xét kỹ và chủ động quyết định việc nối lại đường bay thương mại quốc tế thường lệ tới các địa bàn có hệ số an toàn cao, bảo đảm nguyên tắc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tạo điều kiện thuận lợi đi lại trên cơ sở tuân thủ hướng dẫn về giám sát y tế nhập cảnh, hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải duy trì hoạt động dịch vụ và kinh doanh.

Cục Hàng không vừa có văn bản gửi 4 hãng hàng không Việt Nam gồm: Vietnam Airlines, Vietjet Air; Pacific Airlines; Bamboo Airways và các đơn vị liên quan về triển khai mở lại các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách hai chiều đi/đến Việt Nam từ ngày 1/1/2022.

Theo đó, các hãng hàng không cần căn cứ kế hoạch của Bộ GTVT đã được Chính phủ chấp thuận để gửi đơn đề nghị đến Cục Hàng không Việt Nam và nhà chức trách hàng không các quốc gia/vùng lãnh thổ liên quan để được xem xét cấp phép bay (trừ các chuyến bay đã được cấp phép).

Cụ thể, có 9 đường bay quốc tế được thí điểm mở lại trong giai đoạn 1, với tần suất 4 chuyến khứ hồi/tuần cho các hãng Việt Nam, gồm các đường bay kết nối giữa Hà Nội và TPHCM với: Tokyo (Nhật Bản), Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc), Bắc Kinh/Quảng Châu (Trung Quốc), San Francisco/Los Angeles (Hoa Kỳ), Bangkok (Thái Lan), Singapore, Vientiene (Lào), Phnom Penh (Campuchia); và 4 chuyến trên đường bay Hà Nội- Seoul (Hàn Quốc).

Khi được cấp phép khai thác, các hãng có trách nhiệm tổ chức kiểm tra điều kiện khách trước khi lên máy bay để vào Việt Nam, gồm: Giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực; Giấy chứng nhận tiêm chủng/Hộ chiếu vắc xin hoặc Giấy chứng nhận đã khỏi bệnh COVID-19 (theo quy định tại văn bản 10688/BYT-MT ngày 16/12/2021 của Bộ Y tế).

Với khách chưa tiêm đủ vắc xin, hoặc chưa được chứng nhận khỏi bệnh COVID-19 phải có Giấy xác nhận đủ điều kiện cách ly tại nhà (theo văn bản 5599/BYT-MT ngày 14/7/2021 của Bộ Y tế), hoặc xác nhận đã đặt chỗ cách ly tại khách sạn tối thiểu 7 ngày theo danh sách khách sạn được địa phương công bố đủ điều kiện cách ly.

Các sân bay, cảng vụ hàng không được yêu cầu bố trí mặt bằng, trang thiết bị, nguồn lực đầy đủ đáp ứng triển khai thông suốt các chuyến bay thường lệ chở khách hai chiều đi và đến Việt Nam.

Theo Cục Hàng không, tới nay mới có Nhật Bản chính thức phản hồi bằng văn bản về nối lại đường bay giữa 2 nước. Cục Hàng không đã cấp phép bay khai thác đường bay Hà Nội/TPHCM – Tokyo cho Vietnam Airlines và Vietjet. Riêng đường bay Việt - Mỹ mới được nhà chức trách Mỹ cấp phép nên trên cơ sở đó Vietnam Airlines thực hiện các chuyến bay bình thường, không cần cấp phép lại.

Trong giai đoạn 1 thí điểm mở lại đường bay quốc tế chở khách 2 chiều, Cục Hàng không chỉ khôi phục đường bay cho các hãng đã khai thác những đường bay này trước khi dịch COVID-19 xảy ra. Do đó, Vietravel Airlines chưa có tên trong danh sách các hãng được khai thác đường bay quốc tế giai đoạn này. (Tienphong.vn 26/12, Lê Hữu Việt)Về đầu trang

Doanh nghiệp ở Hậu Giang thưởng Tết cao nhất 180 triệu đồng

Sở LĐ-TB&XH Hậu Giang vừa có báo cáo gửi Bộ LĐ-TB&XH về tình hình tiền lương, tiền thưởng, nợ lương năm 2021 của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Theo đó, về tình hình tiền lương, tiền thưởng của DN, đối với loại hình công ty TNHH MTV do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ: có 2 DN báo cáo, với số tiền lương thực trả năm 2021 cao nhất là 20,7 triệu đồng/tháng và thấp nhất là 4,9 triệu đồng/tháng.

Mức thưởng Tết Dương lịch 2022 của các DN này là 2 triệu đồng/người; thưởng Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 là 3 triệu đồng/người.

Đối với loại hình DN dân doanh, có 64 DN báo cáo. Theo đó, tiền lương thực trả năm 2021 cao nhất là 140 triệu đồng/tháng, thấp nhất là 3,4 triệu đồng/tháng.

Mức thưởng Tết Dương lịch 2022 bình quân 5,6 triệu đồng/người, cao nhất 13 triệu đồng/người, thấp nhất là 3,3 triệu đồng/người.

Mức thưởng Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 bình quân 10 triệu đồng/người, cao nhất là 180 triệu đồng/người, thấp nhất là 0,3 triệu đồng/người.

Trong khi đó, với loại hình DN có vốn đầu tư nước ngoài, có 5 DN báo cáo: Tiền lương thực trả năm 2021 cao nhất là 70 triệu đồng/tháng, thấp nhất là 4 triệu đồng/tháng.

Mức thưởng Tết Dương lịch 2022 bình quân 3,3 triệu đồng/người, cao nhất 35 triệu đồng/người, thấp nhất là 1 triệu đồng/người.

Mức thưởng Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 bình quân 4,6 triệu đồng/người, cao nhất là 28 triệu đồng/người, thấp nhất là 1,2 triệu đồng/người.

Đối với loại hình công ty cổ phần, vốn góp chi phối của nhà nước, không có số liệu báo cáo.

Về tình hình nợ lương năm 2021 của DN, theo Sở LĐ-TB&XH Hậu Giang, tính đến thời điểm báo cáo (24/12/2021), không phát sinh DN nợ lương. (Tienphong.vn 26/12, Cảnh Kỳ)Về đầu trang

QUẢN LÝ

7 việc mà đoàn kiểm tra, giám sát và các thành viên không được làm

Sử dụng phương tiện, tài sản của tổ chức, cá nhân tại nơi đang kiểm tra, giám sát phục vụ nhu cầu cá nhân; giúp đỡ đối tượng kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện yêu cầu, đề nghị của tổ chức, cá nhân có liên quan đến đối tượng kiểm tra, giám sát trái quy định của Đảng, Nhà nước; cản trở, can thiệp, tác động trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào hoạt động kiểm tra, giám sát; tiết lộ hoặc cung cấp thông tin, tài liệu và nội dung kiểm tra, giám sát khi chưa có kết luận chính thức hoặc đã có kết luận chính thức nhưng chưa được phép công bố.

Đây là nội dung Điều 6 “Những việc đoàn, thành viên đoàn không được làm” trong Quy định số 03-QĐ/UBKTTƯ ngày 13-12-2021 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về tổ chức và hoạt động của đoàn (tổ) kiểm tra, giám sát của Ủy viên Kiểm tra Trung ương.

Theo đó, có 7 việc đoàn, thành viên đoàn không được làm được nêu trong Điều 6. Ngoài nội dung trên, đoàn, thành viên đoàn kiểm tra, giám sát của Ủy ban Kiểm tra Trung ương còn không được lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn để vụ lợi; đưa ra những yêu cầu với đối tượng kiểm tra, giám sát và các tổ chức, cá nhân có liên quan trái với quy định của Đảng, Nhà nước và Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Đoàn, thành viên đoàn cũng không được nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất; tổ chức, tham gia giao lưu với đối tượng kiểm tra, giám sát và các tổ chức, cá nhân có liên quan dưới mọi hình thức; gây khó khăn hoặc có thái độ thiếu tôn trọng, công tâm, khách quan với đối tượng kiểm tra, giám sát.

Quy định cũng nêu rõ, đoàn, thành viên đoàn không được tự ý tiếp xúc với đối tượng kiểm tra, giám sát hoặc tổ chức, cá nhân có liên quan khi không được giao nhiệm vụ; sử dụng các tài liệu thẩm tra, xác minh để trục lợi dưới mọi hình thức; phát ngôn, nhận định, đánh giá khi chưa được sự đồng ý của trưởng đoàn hoặc đồng chí thành viên ủy ban chỉ đạo đoàn.

Quy định số 03-QĐ/UBKTTƯ làm rõ cả nguyên tắc hoạt động, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn; khen thưởng và xử lý vi phạm. Trong đó, đoàn hoặc tổ kiểm tra, giám sát của Ủy ban Kiểm tra Trung ương được thành lập có số lượng từ 3 đến 7 người.

Đáng chú ý, quy định xác định 3 trường hợp không được tham gia đoàn như: Có quan hệ gia đình với đối tượng giám sát hoặc cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, đang trong thời gian xem xét thi hành, chấp hành kỷ luật hoặc đang bị cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết đơn thư tố cáo, phản ánh, kiến nghị. (Hanoimoi.com.vn 25/12)Về đầu trang

Một tỉnh miền núi nghiêm cấm biếu tặng quà Tết cho lãnh đạo

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên vừa ban hành chỉ thị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Theo đó, yêu cầu thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội; Có kế hoạch cụ thể chăm lo thật tốt đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân trong dịp Tết. Đặc biệt là các gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đồng bào ở vùng cao, biên giới và gia đình bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Yêu cầu rà soát người có hoàn cảnh khó khăn, gia đình bị thiệt hại nặng nề do thiên tai, dịch bệnh để hỗ trợ kịp thời, tuyệt đối không để người dân thiếu đói trong dịp Tết.

Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương; bảo đảm vừa phòng, chống dịch, vừa khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế.

Chỉ thị của Tỉnh ủy Điện Biên cũng yêu cầu: “Không tổ chức đi thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp. Thực hiện nghiêm chủ trương cấm biếu tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức; cấm sử dụng ngân sách nhà nước, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động lễ hội, vui chơi trong dịp Tết”.

Căn cứ tình hình diễn biến dịch COVID-19 để có kế hoạch, phương án bảo đảm phương tiện phục vụ Nhân dân đi lại thuận lợi, an toàn trong dịp Tết. Bố trí đủ y, bác sĩ trực 24/24 tại các bệnh viện, cơ sở y tế nhằm bảo đảm việc cứu chữa kịp thời cho bệnh nhân và yêu cầu phòng, chống dịch (nếu có). (Laodong.vn 26/12, Thanh Bình) Về đầu trang

Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam nằm trong danh sách tinh giản biên chế đợt 1.2022

Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh vừa ký Quyết định phê duyệt danh sách tinh giản biên chế đợt 1 năm 2022.

Theo đó danh sách cán bộ, công chức, viên chức tinh giản biên chế đợt 1 năm 2022 có 170 người, trong đó có 158 người về hưu trước tuổi và 12 người cho thôi việc ngay.

Ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam tinh giản, lý do là dôi dư do rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Thời gian từ 1/1/2022.

Trước đó, như Tiền Phong đã thông tin, ông Hà Thanh Quốc gây xôn xao dư luận về những quyết định điều chuyển giáo viên, hoãn kỳ thi viên chức giáo viên vào sát giờ thi, giới thiệu đích danh 3 công ty tư vấn xây dựng sửa chữa công trình trường học.

Trả lời tại buổi họp báo của UBND tỉnh Quảng Nam ngày 3/12, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, liên quan đến công tác cán bộ, xử lý một số trường hợp cán bộ để dư luận phản ánh đều liên quan đến bộ máy, con người.

“Với từng trường hợp cụ thể, chúng tôi sẽ cố gắng xem xét, xử lý trong thời gian sớm nhất. Trường hợp Giám đốc Sở GD&ĐT, chúng tôi làm theo trình tự, quy định, thẩm quyền quản lý và sẽ xử lý theo đúng chức năng, thẩm quyền”, ông Thanh nói.

Sau những lùm xùm, ông Hà Thanh Quốc nộp đơn xin nghỉ việc với lý do sức khỏe không đảm bảo. (Tienphong.vn 26/12, Hoài Văn) Về đầu trang

Quảng Nam giảm biên chế Giám đốc Hà Thanh Quốc là thẳng tay xử lý cán bộ

Tỉnh Quảng Nam vừa phê duyệt danh sách 170 người tinh giản biên chế đợt I năm 2022, trong đó có ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh.

 

 

Rất ít địa phương giảm biên chế một giám đốc sở, nay Quảng Nam làm thẳng tay, rất đáng ghi nhận quyết định mạnh mẽ này.

Một quan chức cấp đầu ngành của một tỉnh, mà bị đưa vào diện tinh giản biên chế, điều này chứng tỏ là năng lực yếu kém, không thể đảm đương được trọng trách.

Nhưng cũng lạ một điều, người không có năng lực, tại sao lại được bổ nhiệm làm giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo như ông Hà Thanh Quốc. Liệu ngành giáo dục tỉnh Quảng Nam đã phải trả giá vì tỉnh nhà bổ nhiệm một ông giám đốc yếu kém hay không?

Trước đó, ông Hà Thanh Quốc đã có đơn xin nghỉ việc gửi Ban Tổ chức Tỉnh ủy. Ông Quốc xin nghỉ việc sau 1 tháng dư luận xôn xao về việc ký văn bản giới thiệu 3 công ty tư vấn sửa trường.

Có lẽ ông Quốc tự biết mình không thể tồn tại được trên chiếc ghế mà ông đang ngồi, nên có đơn xin nghỉ việc. Nhưng dù vì lý do gì, dám xin nghỉ việc cũng thể hiện bản lĩnh, giữ lại một phần lòng tự trọng và danh dự cá nhân. Còn hơn nhiều người không còn liêm sỉ, danh dự, khư khư bám cái ghế cho đến khi về hưu.

Có điều rất hay, tỉnh Quảng Nam lại không cho ông Hà Thanh Quốc cơ hội đó, mà đưa vào diện tinh giản biên chế. Có nghĩa là ông Quốc không xứng đáng với công việc, nên phải cho ông nghỉ, khỏi cần phải xin. Đây là cách làm cho nó minh bạch trắng đen, thẳng thắn, đúng bản chất đối với trường hợp ông Hà Thanh Quốc.

Tuy nhiên, tinh giảm biên chế mới chỉ là một phần của công tác cán bộ. Nếu như trong thời gian làm Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Quảng Nam, ông Hà Thanh Quốc có để lại "hậu quả" thì phải tiếp tục xử lý.

Hãy quan sát các vụ khởi tố vụ án gần đây, sẽ thấy không ai có thể hạ cánh an toàn.

Cho nên, về những lùm xùm, tai tiếng liên quan đến chuyện quản lý của ông Hà Thanh Quốc, Báo Lao Động từng nêu quan điểm, ông Hà Thanh Quốc xin nghỉ việc là một chuyện, còn việc thanh tra các gói thầu liên quan đến chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn giai đoạn 2016-2020 thì cứ làm cho rõ trách nhiệm. Nếu có sai phạm thì xử lý những người liên quan, trong đó có ông Hà Thanh Quốc.

Cũng từ trường hợp Hà Thanh Quốc ở Quảng Nam, "gợi ý" cho cả nước đừng chỉ nhăm nhăm vào việc giảm biên chế người lao động thân cô thế cô, mà tinh giản cả những người có chức vụ cao nếu như người đó không có tài hoặc không có đức, hoặc không có cả đức và tài.

Tinh giản biên chế người có chức vụ cao rất khó, nhưng hy vọng sẽ đến lúc không chỉ tinh giản biên chế các cán bộ cấp sở, mà giảm biên chế luôn cả những ông bà lãnh đạo tỉnh nếu không đủ năng lực và phẩm chất. (Laodong.vn 26/12, Lê Thanh Phong)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Kiện toàn Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 2193/QĐ-TTg kiện toàn Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ là Trưởng Ban Chỉ đạo.

Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ được kiện toàn trên cơ sở Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ thành lập theo Quyết định số 200/1998/QĐ-TTg ngày 14/10/1998 của Thủ tướng Chính phủ.

Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ (Ban Chỉ đạo) là tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính theo chương trình, kế hoạch cải cách hành chính của Chính phủ.

Ban Chỉ đạo được sử dụng con dấu của Thủ tướng Chính phủ và dấu của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo.

Trưởng Ban Chỉ đạo là Thủ tướng Chính phủ. Phó Trưởng Ban Chỉ đạo gồm: Bộ trưởng Bộ Nội vụ (Thường trực); Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Thứ trưởng Bộ Nội vụ.

Ủy viên Ban Chỉ đạo gồm: Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và lãnh đạo của một số bộ, ngành.

Bộ Nội vụ là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện hoạt động của Ban Chỉ đạo, sử dụng các cơ quan, đơn vị chức năng của Bộ để tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo… (VTV.vn 25/12)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Kỷ luật nhiều tập thể, cán bộ Tổng cục Địa chất và ngành Than

Từ ngày 22 đến 24/12/2021, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương (T.Ư) họp kỳ thứ mười. Tại kỳ họp, UBKT T.Ư xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Than Quảng Ninh các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025 và đồng chí Vũ Anh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh, Bí thư Đảng ủy Than Quảng Ninh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.

Theo UBKT T.Ư, Ban Thường vụ Đảng ủy Than Quảng Ninh và Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã vi phạm nguyên tắc, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để nhiều tổ chức đảng, lãnh đạo và cán bộ các đơn vị cấp dưới vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý, khai thác than tại tỉnh Quảng Ninh trong thời gian dài; nhiều cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, một số bị xử lý hình sự.

Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, thanh tra để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong công tác tham mưu, ban hành cơ chế, chính sách và quản lý cấp phép khai thác than tại tỉnh Quảng Ninh.

Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong ban hành và tham mưu ban hành văn bản, cơ chế, chính sách có nội dung trái pháp luật; trong cấp phép khai thác than tại tỉnh Quảng Ninh.

“Những vi phạm của các tổ chức, cá nhân nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, để tình trạng khai thác than trái phép diễn ra phức tạp, kéo dài, thất thoát tài nguyên khoáng sản, gây khó khăn cho hoạt động quản lý, khai thác tài nguyên, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, gây bức xúc trong xã hội.

Căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm, UBKT T.Ư quyết định cảnh cáo các tập thể: Ban Thường vụ Đảng ủy Than Quảng Ninh các nhiệm kỳ 2015-2020 và 2020-2025, Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020.

Đồng thời, UBKT T.Ư cũng quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam; Bùi Văn Ngợi, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Than Quảng Ninh, Đỗ Cảnh Dương, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam; Lại Hồng Thanh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.

Ngoài ra, UBKT T.Ư quyết định khiển trách Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025 và các ông: Ngô Hoàng Ngân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh, Bí thư Đảng ủy Than Quảng Ninh nhiệm kỳ 2015-2020, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (giai đoạn từ tháng 11/2013 đến tháng 5/2016); Nguyễn Linh Ngọc, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Cao Hoàng Phương, Vụ trưởng Vụ Khoáng sản; Trịnh Minh Cương, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Bắc, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.

UBKT T.Ư yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh, Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, chỉ đạo và xem xét trách nhiệm, xử lý kỷ luật các tổ chức, cá nhân có liên quan đến các vi phạm nêu trên.

UBKT T.Ư sẽ tiếp tục kiểm tra, làm rõ vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và một số cá nhân có liên quan. (Tiền phong 25/12, Văn Kiên)Về đầu trang

Cảnh cáo nguyên Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam

Tại kỳ họp thứ 10, UBKT T.Ư xem xét xử lý vi phạm ở Đảng đoàn Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nhiệm kỳ 2017-2022. Theo đó, cơ quan kiểm tra quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với bà Nguyễn Thị Xuân Thu, nguyên Chủ tịch Trung ương Hội; ông Trần Quốc Hùng, Phó Chủ tịch; ông Đặng Minh Châu, nguyên Trưởng Ban Tổ chức.

Cơ quan kiểm tra cũng quyết định khiển trách ông Nguyễn Hải Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội, Bí thư Đảng uỷ Cơ quan Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

Cùng với đó, UBKT T.Ư quyết định cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Đinh Bá Tuấn, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Nhân đạo và Đời sống.

UBKT T.Ư đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật Đảng đoàn Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nhiệm kỳ 2017-2022.

Theo kết luận tại kỳ họp thứ 8 của UBKT T.Ư, Đảng đoàn Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã vi phạm các nguyên tắc hoạt động của Đảng, Quy chế làm việc của Đảng đoàn; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, để Ban Thường vụ, Thường trực Trung ương Hội, một số đơn vị và cá nhân có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong công tác tổ chức - cán bộ; quản lý tài chính; quy hoạch, sắp xếp và quản lý các cơ quan báo chí trực thuộc Cơ quan Trung ương Hội.

Bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Nguyễn Hải Anh, Trần Quốc Hùng, Đặng Minh Châu, cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Đảng đoàn Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; chịu trách nhiệm cá nhân về những vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Ông Đinh Bá Tuấn, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Nhân đạo và Đời sống chịu trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của đơn vị; chịu trách nhiệm trực tiếp về một số vi phạm, khuyết điểm trong quản lý đội ngũ phóng viên, người lao động; tham mưu trái quy định trong việc sắp xếp cơ quan báo chí của Trung ương Hội.

Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, gây bức xúc trong nội bộ, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật. (Tiền phong 25/12, Văn Kiên)Về đầu trang

Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk xử lý hàng loạt cán bộ vi phạm

Tại kỳ họp thứ 15 được tổ chức từ ngày 15-20/12, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Đắk Lắk đã xem xét, xử lý hàng loạt cán bộ vi phạm.

Cụ thể, UBKT đã thi hành kỷ luật khiển trách ông Nguyễn Hoành Long, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Phòng Cảnh sát Kinh tế (PC03), Bí thư Chi bộ, Đội trưởng Đội Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và môi trường, Phòng PC03, Công an tỉnh Đắk Lắk.

Theo UBKT, khi còn là Bí thư Chi bộ, Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế, kỹ thuật hình sự, Công an huyện Cư Kuin, ông Long được phân công làm Điều tra viên thụ lý chính, nhưng vị này đã có khuyết điểm, vi phạm trong việc tham mưu giải quyết tin báo về tội phạm đối với vụ việc lập khống hồ sơ, hạch toán, quyết toán chi phí vận chuyển cà phê, niên vụ 2011-2012 và niên vụ 2015-2016 chưa đúng quy định pháp luật xảy ra tại Công ty TNHH MTV cà phê Ea Sim (Cty cà phê Ea Sim), xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin.

Khuyết điểm, vi phạm của ông Nguyễn Hoành Long gây hậu quả, làm giảm uy tín của cá nhân và tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị nơi trước đây ông này từng sinh hoạt, công tác.

Sau khi thi hành kỷ luật cấp dưới, UBKT Tỉnh ủy Đắk Lắk đã xem xét, cho ý kiến báo cáo kết quả kiểm tra dấu hiệu vi phạm và thống nhất chuyển quy trình xem xét, thi hành kỷ luật ông Nguyễn Văn Sỹ, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Bí thư Đảng ủy, Trưởng Công an huyện, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an huyện Cư Kuin; ông Hồ Văn Nhi, đảng viên Chi bộ 1, Đảng bộ phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột; nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an huyện, Phó trưởng Công an huyện, Phó thủ trưởng CSĐT điều tra Công an huyện Cư Kuin.

Trước đó, Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam ông Nguyễn Văn Vọng (SN 1960), nguyên Giám đốc và Lê Hải Hùng (SN 1965), Kế toán trưởng Cty cà phê Ea Sim để điều tra về hành vi vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng. Cụ thể, niên vụ cà phê 2011 - 2012 và 2015 - 2016, ông Vọng đã ký khống 4 chứng từ chi tiền vận chuyển thu hoạch cà phê tổng cộng hơn 1 tỷ đồng.

Tiếp nhận thông tin tố giác trên, nhưng lãnh đạo Công an huyện Cư Kuin đã không làm trách nhiệm của cơ quan điều tra.

UBKT phát hiện nhiều cán bộ Cục thi hành án dân sự tỉnh Đắk Lắk (THADS) có những thiếu sót, khuyết điểm, thực hiện chưa đầy đủ chức trách, nhiệm vụ trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành; công tác tổ chức cán bộ; công tác nghiệp vụ thi hành án dân sự.

Cụ thể, trong thời gian giữ chức vụ Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đắk Lắk, ông Trần Văn Lập (đảng viên, Chấp hành viên Chi cục THADS huyện Cư Kuin) chịu trách nhiệm cùng Phòng Tổ chức cán bộ trong việc tham mưu lãnh đạo Cục THADS tỉnh Đắk Lắk về bổ nhiệm cán bộ và xét tuyển công chức các đợt từ năm 2012-2015 chưa đảm bảo quy trình, thủ tục, điều kiện theo quy định.

Còn ông Nguyễn Văn Hoạt, trong thời gian giữ chức vụ Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh Đắk Lắk (nay đã nghỉ hưu), ông chịu trách nhiệm liên đới cùng lãnh đạo Cục về những vi phạm, khuyết điểm trong công tác tổ chức cán bộ, công tác hành chính của đơn vị.

Ông Bùi Văn Đính, nguyên Chấp hành viên, Trưởng phòng Kiểm tra giải quyết khiếu nại Cục THADS, tố cáo đã lập biên bản giải quyết quyền thừa kế không đúng quy định của Bộ Luật Dân sự năm 2015; áp dụng và thực hiện không đúng các điều khoản quy định của Luật Thi hành án dân sự năm 2008.

Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, UBKT thống nhất không thực hiện quy trình xem xét, thi hành kỷ luật ông Trần Văn Lập, Nguyễn Văn Hoạt, Bùi Văn Đính và yêu cầu các 3 vị này nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm.

UBKT đã thi hành kỷ luật khiển trách ông Lê Khắc Đức, Bí thư Chi bộ, Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Krông Pắk, nguyên Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Cục THADS tỉnh; cảnh cáo ông Tạ Ngọc Sáng, Bí thư Chi bộ, Chi cục trưởng Chi cục THADS TP Buôn Ma Thuột, nguyên Đảng ủy viên, Chấp hành viên, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Cục THADS tỉnh và bà Nguyễn Thị Liên, nguyên Trưởng phòng Tài chính - Kế toán, Cục THADS sự tỉnh. (Tienphong.vn 25/12, Vũ Long) Về đầu trang

Nhiều lãnh đạo xã ở Yên Bái bị kỷ luật vì nhập nhèm tiền môi trường rừng

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy vừa quyết định thi hành kỷ luật 3 lãnh đạo xã của huyện Lục Yên vì sai phạm trong chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng.

 

Tại kì họp thứ 7, phiên cuối năm 2021, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Yên Bái đã tiến hành xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban chấp hành đảng bộ các xã, thị trấn thuộc đảng bộ huyện Lục Yên trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng; việc xét công nhận đảng viên chính thức; thực hiện quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đảng đối với đảng viên vi phạm.

Qua xem xét, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với Ban Thường vụ Đảng ủy xã Minh Tiến nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ban Thường vụ Đảng uỷ xã Liễu Đô nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Kỷ luật khiển trách đối với Ban Thường vụ Đảng ủy xã Trung Tâm, Ban Thường vụ Đảng ủy xã Tân Lập, Ban Thường vụ xã Trúc Lâu đều thuộc nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Ngoài ra, Ban Thường vụ Đảng ủy 14 xã của huyện Lục Yên (gồm xã Khánh Hoà, Minh Chuẩn, An Lạc, Động Quan, Tô Mậu, Phan Thanh, An Phú, Khai Trung, Lâm Thượng, Minh Xuân, Mai Sơn, Mường Lai, Yên Thắng, Tân Lĩnh) và Ban Thường vụ Đảng ủy thị trấn Yên Thế tổ chức kiểm điểm, nghiêm túc rút kinh nghiệm, xem xét trách nhiệm của tập thể cá nhân liên quan, do có dấu hiệu vi phạm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng.

Đối với cá nhân, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Yên Bái đã thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với ông Lương Thanh Tập, Bí thư Đảng ủy xã An Lạc.

Thi hành kỷ luật khiển trách đối với ông Nông Mạnh Tường, Bí thư xã Lâm Thượng; ông Nguyễn Nguyên Đúng, Bí thư xã Minh Xuân.

Trước đó, ngày 30.11, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức, cho thôi giữ các chức vụ đảm nhiệm, cho nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội đối với bà Lự Kim Vy, Bí thư xã Vĩnh Lạc, do đã buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát trong công tác quản lý đất đai, xây dựng và chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn xã. (Laodong.vn 26/12, Văn Đức – An Trịnh) Về đầu trang

Kỷ luật khiển trách Phó Giám đốc Sở Y tế Hòa Bình

Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy quyết định thi hành kỷ luật ông Nguyễn An Trường, Phó Giám đốc Sở y tế bằng hình thức khiển trách.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Đảng ủy Sở Y tế nhiệm kỳ 2015 - 2020 còn có một số hạn chế, khuyết điểm khi chưa chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo việc tuyên truyền, phổ biến các quy định của Đảng, Nhà nước, của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về công tác phòng, chống tham nhũng.

Từ đó, dẫn đến việc có cán bộ, đảng viên nhận thức chưa sâu sắc về công tác phòng, chống tham nhũng; vi phạm quy định của Luật Phòng chống tham nhũng, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng ủy và UBKT Đảng ủy chưa toàn diện, chưa tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm, nhất là việc kiểm tra, giám sát về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, việc thực hiện những điều đảng viên không được làm, việc thực hiện các quy định về phòng chống tham nhũng, nên hiệu quả đạt được còn hạn chế.

UBKT Tỉnh ủy yêu cầu Đảng ủy Sở Y tế nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc và khắc phục những hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra, kết quả kiểm điểm báo cáo về UBKT Tỉnh ủy trước ngày 30.1.2022.

Với trách nhiệm là Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Y tế, đồng chí Nguyễn An Trường đã thiếu trách nhiệm trong việc chấp hành các quy định của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Tham gia kinh doanh thuốc tân dược là ngành nghề mà đồng chí được phân công quản lý trực tiếp, vi phạm quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn; những việc đảng viên, cán bộ, công chức không được làm.

Vi phạm của đồng chí Nguyễn An Trường làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của bản thân và tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.

Căn cứ các quy định của Bộ chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, UBKT Tỉnh ủy quyết định thi hành kỷ luật đồng chí Nguyễn An Trường bằng hình thức Khiển trách.

Đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh và các cơ quan đơn vị có liên quan chỉ đạo, tổ chức thực hiện quy trình xem xét, thi hành kỷ luật hành chính đối với đồng chí Nguyễn An Trường đảm bảo đồng bộ với thi hành kỷ luật Đảng. (Lao động 25/12, An Trịnh)Về đầu trang

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật Trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ Hà Giang

Trong kỳ họp thứ 10 (diễn ra từ ngày 22-24.12, tại Hà Nội), Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã đề nghị Ban Bí thư kỷ luật Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Hà Giang Sùng Minh Sính.

 

Theo đó, sau khi xem xét đề nghị của Tỉnh ủy Hà Giang về thi hành kỷ luật, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy ông Sùng Minh Sính, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Hà Giang đã vi phạm các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng.

Vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài chính; buông lỏng lãnh đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, để nhiều cán bộ cấp dưới vi phạm, bị xử lý kỷ luật.

Căn cứ quy định của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật ông Sùng Minh Sính.

Trước đó, tại kỳ họp thứ 14 (ngày 14.12), Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang khóa XVII đã xem xét, biểu quyết đề nghị Tỉnh ủy Hà Giang thực hiện quy trình xem xét, đề nghị thi hành kỷ luật đối với ông Sùng Minh Sính do có vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ.

Vi phạm nguyên tắc sinh hoạt đảng, vi phạm nghiêm trọng trong chỉ đạo, quản lý, sử dụng kinh phí của cơ quan, gây thất thoát với số tiền lớn, làm phát sinh đơn tố cáo, gây mất đoàn kết nội bộ kéo dài.

Cũng tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh uỷ Hà Giang quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ đảng đối với 2 cán bộ của Ban Nội chính Tỉnh uỷ Hà Giang do có những vi phạm nghiêm trọng gây thất thoát số tiền lớn của Ngân sách Nhà nước. (Lao động 25/12, Phong Quang) Về đầu trang

THẾ GIỚI

Thụy Sĩ phạt tù 5 năm đối với người cố tình mắc COVID-19

Giới chức Thụy Sĩ vừa ban hành quy định phạt tù lên đến 5 năm đối với những người cố tình để bị lây nhiễm COVID-19 nhằm tạo miễn dịch tự nhiên.

Quy định mới được đưa ra tại Thụy Sỹ sau khi xuất hiện thông tin một số người không muốn tiêm vaccine COVID-19 đã tổ chức các "buổi tiệc lây nhiễm" để lây lan virus với nhau nhằm mục đích có được giấy chứng nhận miễn dịch sau khi khỏi bệnh mà không cần tiêm chủng.

Thông báo của Văn phòng Y tế Công cộng Liên bang Thụy Sĩ (FOPH) không nêu cụ thể đạo luật dẫn tới quyết định phạt tù nhưng giới chức y tế Thụy Sĩ cảnh báo, việc một số người cố tình mắc COVID-19 sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm virus cho người khác, từ đó làm tăng số ca nhập viện và tử vong, đồng thời nhấn mạnh nguy cơ viêm cơ tim khi tự lây nhiễm bệnh sẽ cao hơn 10 lần so với việc tiêm vaccine.

Các "buổi tiệc lây nhiễm" bắt đầu xuất hiện sau khi Thụy Sĩ quy định chỉ có người đã tiêm vaccine hoặc khỏi bệnh COVID-19 mới được vào nhà hàng, quán bar và các cơ sở trong nhà từ ngày 20/12. Ngoài tình trạng tổ chức "sự kiện siêu lây nhiễm", cơ quan chức năng Thụy Sĩ cũng phát hiện khoảng 8.000 giấy chứng nhận tiêm vaccine COVID-19 giả mạo tại bang St. Gallen.

Theo các nhà chức trách Thụy Sĩ, những biện pháp hạn chế được đưa ra "nhằm giảm nguy cơ nhiễm bệnh đối với những người chưa được tiêm chủng vì họ có nhiều khả năng bị lây nhiễm và bị bệnh nặng nếu mắc COVID-19".

Tuy nhiên, động thái này dường như đã phản tác dụng với những người phản đối vaccine. Các biện pháp hạn chế của chính quyền được cho là khiến số "bữa tiệc COVID-19" tăng lên, khi những người chưa tiêm vaccine muốn dự các bữa tiệc này để được lây nhiễm và khỏi bệnh, từ đó trở lại cuộc sống bình thường.

Những người hoài nghi vaccine nhưng cần giấy chứng nhận lây nhiễm gần đây đã kêu gọi trên các nền tảng mạng xã hội để "tìm kiếm những người mắc COVID-19 truyền virus cho họ".

Nhiều người Thụy Sĩ đã tổ chức những cuộc biểu tình để phản ứng gay gắt trước các biện pháp hạn chế phòng chống dịch và yêu cầu tiêm chủng bắt buộc. Nhiều người cho rằng, việc yêu cầu phải xuất trình chứng nhận đã tiêm vaccine hoặc từng khỏi COVID-19 khi vào nhà hàng, địa điểm công cộng và khu vui chơi giải trí tạo ra sự phân biệt đối xử.

Các cuộc biểu tình gần đây đã nổ ra liên tiếp tại Thụy Sĩ do những người ủng hộ tự do đứng đầu. Khi vài cuộc biểu tình dẫn tới bạo động, cảnh sát đã phải sử dụng đạn cao su và hơi cay để kiềm chế đám đông.

Tính đến cuối tháng 11, Thụy Sĩ có 67% dân số đã tiêm phòng đầy đủ và 2% đã tiêm mũi vaccine đầu tiên. Một cuộc khảo sát của báo SonntasBlick cho thấy, 53% trong số 1.300 người được hỏi ủng hộ tiêm chủng bắt buộc. (VTV.vn 26/12)Về đầu trang ./.

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Các tin khác