Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 22-6-2021

15:53, Thứ Ba, 22-6-2021

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 Tải file tại đây

THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN DỊCH COVID-19. 1

1.                TP.HCM sẽ hoàn thành chiến dịch tiêm hơn 800.000 liều vắc xin trong 5 ngày. 1

2.                Hà Nội: Đề xuất từ ngày 22/6 sẽ nới lỏng một số hoạt động thiết yếu. 2

3.                TT-Huế phản ứng gì trước thông tin “chưa có dịch nhưng không cho ra vào”?. 3

CHÍNH SÁCH MỚI 4

4.                10 thủ tục hành chính mới, sửa đổi trong lĩnh vực nhà ở. 4

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 5

5.                Chỉ quyết định chủ trương đầu tư công đối với các dự án có hiệu quả. 5

6.                Sẽ xử nghiêm các dự án điện mặt trời vi phạm.. 6

7.                Khôi phục dần hoạt động du lịch?. 7

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 8

8.                Tiết giảm chi tiêu. 8

QUẢN LÝ.. 9

9.                Chính phủ nhiệm kỳ mới với bài toán thu gọn đầu mối bộ ngành. 9

10.             TP Hải Phòng chỉ định nhiều cán bộ dưới 35 tuổi làm lãnh đạo quận. 10

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 11

11.             Bộ Công an ra mắt Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư, CCCD.. 11

12.             Đăng ký hợp đồng qua dịch vụ công trực tuyến Bộ Công Thương tăng 76%.. 12

13.             Hiểu đúng về “bỏ thủ tục hành chính”. 12

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 13

14.             6 tháng đầu năm giải ngân vốn đầu tư công chậm.. 13

15.             Quảng Nam quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công. 14

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 15

16.             Thanh Hóa: Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Lang Chánh bị cách hết chức vụ trong Đảng. 15

17.             Vụ án liên quan ông Tất Thành Cang: Khởi tố thêm 6 người về tội tham ô tài sản. 15

18.             Chủ tịch Hậu Giang yêu cầu xử lý cán bộ sai phạm ở huyện Châu Thành. 16

THẾ GIỚI 16

19.             Hàn Quốc thắt chặt quy định về bất động sản của công chức. 16

20.             Cựu Bộ trưởng Nhật Bản mất cả sự nghiệp vì “mua” phiếu bầu cho vợ. 17

 THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN DỊCH COVID-19

TP.HCM sẽ hoàn thành chiến dịch tiêm hơn 800.000 liều vắc xin trong 5 ngày

Sáng 21/6, trong buổi họp báo cung cấp thông tin về chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn TP.HCM, Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết từ chiều 21/6 chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 với hơn 800.000 liều sẽ được chính thức triển khai trên diện rộng. 

Theo đó, trong chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 lần này TP.HCM được phân bổ tổng cộng 836.000 liều vắc xin, trong đó bao gồm 30.000 liều vắc xin phân bổ cho lực lượng vũ trang theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng, 20.000 cho lực lượng công an. TP.HCM có trách nhiệm thực hiện triển khai chiến dịch tiêm chủng với hơn 800.000 liều cho các đối tượng được quy định.

 Chiến dịch tiêm chủng vắc xin trên địa bàn TP.HCM trong đợt này được triển khai trong hoàn cảnh đặc biệt khi vừa yêu cầu đảm bảo tiến độ, kế hoạch, an toàn tiêm chủng  nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo quy định phòng, chống dịch khi TP.HCM đang áp dụng Chỉ thị 10 của thành phố. 

Ông Dương Anh Đức chia sẻ, để vừa tổ chức tiêm vắc xin đúng tiến độ vừa đảm bảo Chỉ thị 10 là điều không dễ nhất là việc đảm bảo giãn cách; đồng thời việc tổ chức đồng loạt với 1.000 bàn tiêm (điểm tiêm) có thể gặp nhiều khó khăn. Do đó người dân nâng cao ý thức khi đến các điểm tiêm, tuân thủ theo kế hoạch, chia sẻ thông cảm với đội ngũ tổ chức đồng thời hợp tác với các lực lượng chức năng để chiến dịch tiêm vắc xin được triển khai đúng tiến độ đồng thời tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch theo Chỉ thị 10 mà thành phố đang áp dụng.

 Đại diện lãnh đạo TP.HCM cho biết thêm, sau lễ khởi động chiến dịch được tổ chức vào sáng thứ 7 ngày 19/6 vừa qua, các lực lượng đã khẩn trương triển khai các công tác chuẩn bị, huy động lực lượng phương tiện, dụng cụ cho chiến dịch. Giai đoạn chuẩn bị này đã chính thức kết thúc, chiến dịch chính thức bước vào giai đoạn triển khai trên diện rộng từ chiều ngày 21/6 với sự huy động tổng lực các lực lượng để tổ chức khoảng 1.000 điểm tiêm (bàn tiêm) trên toàn địa bàn TP.HCM.

 Theo kế hoạch dự kiến, kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 lần này tại TP.HCM sẽ được triển khai thực hiện trong 5 ngày chính thức cùng 1.5 ngày dự phòng để tổ chức tiêm vét cho các trường hợp còn lại. (Suckhoedoisong.vn 21/6, Khôi Nguyễn) Về đầu trang

Hà Nội: Đề xuất từ ngày 22/6 sẽ nới lỏng một số hoạt động thiết yếu

Việc nới lỏng một số hoạt động thiết yếu dựa trên nguyên tắc không tập trung đông quá 20 người và phải đảm bảo giãn cách.

 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội thông tin, đơn vị đã đề xuất lên Sở Y tế Hà Nội về việc mở dần một số hoạt động thiết yếu. Theo đó, sẽ xem xét mở lại một số hoạt động kinh doanh thiết yếu dự kiến từ ngày 22/6. Trong đề xuất, những cửa hàng ăn uống trong nhà, những hoạt động tập thể dục ngoài trời sẽ được hoạt động trở lại.

 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật nhấn mạnh, việc mở dần một số hoạt động thiết yếu dựa trên nguyên tắc không tập trung đông quá 20 người, đảm bảo giãn cách. Quan trọng nhất là những dịch vụ ở vỉa hè thời gian tới vẫn chưa được hoạt động trở lại. CDC Hà Nội nghiên cứu các yếu tố, điều kiện và chỉ đề xuất dưới góc độ chuyên môn.

 Sau khi đề xuất, UBND TP. Hà Nội sẽ căn cứ vào điều kiện và tình hình thực tế để ra quyết định. Đối với các quán bia nếu có mở vẫn phải đảm bảo giãn cách 50% chỗ ngồi.

 Về đề xuất lộ trình nới lỏng một số hoạt động dựa vào mức độ cần thiết, CDC sẽ đề xuất cho phép mở lại hoạt động kinh doanh ăn uống tại chỗ, cửa hàng cắt tóc, chợ dân sinh trước. Tuy nhiên, tất cả hoạt động này phải đủ điều kiện giãn cách xã hội. Đối với hoạt động ăn uống phải có màn chắn và trang bị đầy đủ thiết bị đo thân nhiệt, nước rửa tay sát khuẩn.

 Theo ghi nhận những ngày qua Hà Nội không phát sinh thêm ca dương tính với COVID-19 trong cộng đồng. Nhiều ổ dịch như ở khu chợ, cửa hàng mới ở huyện Đông Anh hay ca ở Bệnh viện đa khoa Đức Giang (Long Biên)... cơ bản được khống chế, công tác kiểm soát dịch tốt. (VTV.vn 21/6)Về đầu trang

TT-Huế phản ứng gì trước thông tin “chưa có dịch nhưng không cho ra vào”?

Trong văn bản gửi Bộ GTVT và Cục CSGT, UBND tỉnh TT-Huế khẳng định không có chuyện địa phương này "tuy chưa có dịch nhưng lại có cách triển khai cực đoan như cấm cả hai đầu, không cho ra vào".

 UBND tỉnh TT-Huế vừa có văn bản gửi Bộ GTVT và Cục CSGT - Bộ Công an sau khi trên báo chí xuất hiện thông tin về công tác phòng, chống dịch COVID-19 được cho là “triển khai cực đoan” ở tỉnh này.

 Trước đó, trên một tờ báo điện tử đăng bài viết đề cập vấn đề tránh để xảy ra đứt gãy về vận chuyển hàng hóa trong mùa dịch. Đáng chú ý, trong bài viết này có dẫn ý kiến của một vị lãnh đạo Cục CSGT - Bộ Công an cho rằng: “Mỗi địa phương đang có biện pháp phòng, chống dịch khác nhau. Có địa phương triển khai giải pháp mạnh khiến các hoạt động 'đóng băng'. Đơn cử TT-Huế, tuy chưa có dịch nhưng lại có cách triển khai cực đoan như: Cấm cả hai đầu, không cho ra vào".

 Phản ứng trước thông tin nêu trên, trong Công văn bản gửi Bộ GTVT và Cục CSGT mới đây, UBND tỉnh TT-Huế nêu rõ: Ngay khi Việt Nam ghi nhận ca dương tính COVID-19 đầu tiên xuất hiện trở lại trong cộng đồng đầu tiên tại tỉnh Yên Bái ngày 27/4/2021 (đợt 4), tỉnh đã kích hoạt trở lại 100% các lực lượng, 23 đội phản ứng nhanh để phòng, chống dịch.

 Với vị trí địa lý là tỉnh có đường Quốc lộ 1 và tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua, lại nằm giữa hai địa phương có ca bệnh dương tính trong cộng đồng là Đà Nẵng và Quảng Trị, nên nguy cơ lây lan dịch bệnh từ bên ngoài vào tỉnh này là rất cao.

 Ca nhiễm COVID-19 đầu tiên ở tỉnh TT-Huế vào ngày 8/5/2021 (bệnh nhân 3211). Đến ngày 13/5/2021, trên địa bàn tỉnh ghi nhận tổng cộng 5 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Các ca nhiễm đều về từ Đà Nẵng và liên quan đến các ca nhiễm tại Đà Nẵng.

 UBND tỉnh TT-Huế cho hay, nhằm kịp thời chăn chặn nguồn lây nhiễm, lãnh đạo tỉnh đã kịp thời chỉ đạo triển khai hoạt động 16 chốt kiểm tra y tế liên ngành cấp tỉnh/huyện/xã để kiểm soát các người và phương tiện vào tỉnh; tổ chức kiểm tra chốt chặn 24/24, nhất là các tuyến đường mòn, lối mở, đường tắt thông qua biên giới, ngăn chặn triệt để các trường hợp nhập cảnh trái phép qua biên giới.

 Nhờ vậy, đã ngăn chặn được nguồn lây và cơ bản khống chế được dịch bệnh khi đã hơn 30 ngày không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới.

 Về việc lưu thông hàng hóa và phương tiện qua địa phương, UBND tỉnh TT-Huế khẳng định, đã thực hiện đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ vừa đảm bảo phòng chống dịch và phát triển kinh tế.

 Quá trình kiểm tra tại các chốt kiểm tra y tế liên ngành luôn đảm lưu thông hàng hóa, phương tiện bình thường từ các địa phương, kể cả các địa phương vùng dịch theo quy định của Bộ Y tế và Bộ GTVT.

 UBND tỉnh TT-Huế khẳng định, TT-Huế “là địa phương có dịch” và đã tiến hành các biện pháp hết sức hiệu quả, đem đến sự an toàn cho người dân và đã qua hơn 30 ngày không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới. “Trong quá trình thực hiện các biện pháp phòng chống dịch vừa qua, không có chuyện tỉnh TT-Huế "tuy chưa có dịch nhưng lại có cách triển khai cực đoan như cấm cả hai đầu, không cho ra vào" như thông tin bài báo đã nêu", trích Công văn 5035 của UBND tỉnh TT-Huế.

 UBND tỉnh TT-Huế cho rằng, việc đưa thông tin không chính xác từ bài báo trên đã gây hiểu nhầm, ảnh hưởng đến sự nỗ lực đầy trách nhiệm của Đảng bộ, nhân dân tỉnh nhà, đặc biệt là sự cống hiến hết mình phục vụ của các lực lượng tham gia phòng chống dịch COVID-19. (Tienphong.vn 21/6, Ngọc Văn)Về đầu trang

CHÍNH SÁCH MỚI

10 thủ tục hành chính mới, sửa đổi trong lĩnh vực nhà ở

Bộ Xây dựng vừa có Quyết định số 705/QĐ-BXD công bố thủ tục hành chính ban hành mới, thủ tục hành chính được thay thế, sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực nhà ở.

 Theo đó, có 3 thủ tục hành chính ban hành mới gồm: Giải quyết bán phần diện tích nhà đất sử dụng chung; giải quyết chuyển quyền sử dụng đất liền kề nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước; giải quyết chuyển quyền sử dụng đất đối với nhà ở xây dựng trên đất trống trong khuôn viên nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước. 

Cụ thể, về thủ tục hành chính cấp tỉnh, thủ tục giải quyết bán phần diện tích nhà đất sử dụng chung đối với quy định tại khoản 1 Điều 71 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP được thay thế bằng Khoản 21 Điều 1 Nghị định 30/2021/NĐ-CP.

 Thủ tục giải quyết chuyển quyền sử dụng đất liền kề nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước được hiện theo Khoản 21 điều 1 Nghị định số 30/2021/NĐ-CP.

 Thủ tục giải quyết chuyển quyền sử dụng đất đối với nhà ở xây dựng trên đất trống trong khuôn viên nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước được quy định tại Khoản 21 Điều 1 Nghị định số 30/2021/NĐ-CP.

 Danh mục thủ tục hành chính thay thế trong lĩnh vực nhà ở thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, trong đó, lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại có thủ tục thay thế là "Thủ tục công nhận chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng (trong trường hợp có nhiều nhà đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại được chấp thuận chủ trương đầu tư theo pháp luật về đầu tư, quy định tại Khoản 5 Điều 1 Nghị định số 30/2021/NĐ-CP.

 6 thủ tục sửa đổi, bổ sung, gồm: Chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản do Thủ tướng Chính phủ quyết định việc đầu tư; chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản do UBND cấp tỉnh, cấp huyện quyết định việc đầu tư; gia hạn sở hữu nhà ở tại Việt Nam cho cá nhân, tổ chức nước ngoài; thuê, thuê mua nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước; cho thuê nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước; bán nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước. (Tapchitaichinh.vn 21/6, Diệu Hoa)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Chỉ quyết định chủ trương đầu tư công đối với các dự án có hiệu quả

Để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, Bộ Tài chính xác định thực hiện tiết kiệm từ chủ trương đầu tư, chỉ quyết định chủ trương đầu tư các dự án có hiệu quả và phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công.

 Trong năm 2021, Bộ Tài chính chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật Đầu tư công và các Nghị định hướng dẫn Luật. Đặc biệt, thực hiện tiết kiệm từ chủ trương đầu tư, chỉ quyết định chủ trương đầu tư các dự án có hiệu quả và phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công; Đảm bảo 100% các dự án đầu tư công có đầy đủ thủ tục theo quy định của Luật Đầu tư công.

 Cùng với đó, đảm bảo phân bổ vốn đầu tư ngân sách nhà nước năm 2021 phù hợp với thứ tự ưu tiên đã được quy định; Ưu tiên thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi vốn ứng trước; vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư. Bố trí vốn để hoàn thành dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn bảo đảm thời gian theo quy định, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án quan trọng quốc gia. Sau khi bố trí vốn đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án, nếu còn nguồn mới bố trí cho các dự án khởi công mới.

 Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với 100% các gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh thuộc lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ tư vấn có giá gói thầu không quá 10 tỷ đồng và thuộc lĩnh vực xây lắp có giá gói thầu không quá 20 tỷ đồng, trừ trường hợp đối với các gói thầu chưa thể tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng hoặc gói thầu có tính đặc thù.

 Việc tổ chức lựa chọn nhà thầu trong năm phải đảm bảo tổng số lượng các gói thầu đạt tối thiểu 70% số lượng gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh và tổng giá trị gói thầu tối thiểu 35% tổng giá trị các gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh.

 Bộ Tài chính lưu ý các đơn vị thực hiện tạm ứng, thanh toán vốn đầu tư theo đúng quy định của nhà nước đảm bảo tiến độ thực hiện dự án và thời hạn giải ngân, sử dụng vốn hiệu quả. Rà soát các dự án kéo dài nhiều năm, hiệu quả đầu tư thấp để có hướng xử lý; có biện pháp hoàn tạm ứng đối với các khoản tạm ứng quá hạn, kéo dài nhiều năm, đơn vị quản lý đã giải thể.

 Đồng thời, thực hiện đúng quy định về hoàn trả tạm ứng đối với các dự án mới thực hiện. Tăng cường công tác quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn nhà nước, xử lý dứt điểm tình trạng tồn đọng quyết toán, có chế tài xử lý đối với các cơ quan, đơn vị chậm quyết toán dự án hoàn thành. Đảm bảo tiến độ giải ngân vốn theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền. (Tapchitaichinh.vn 21/6, Huyền Thu) Về đầu trang

Sẽ xử nghiêm các dự án điện mặt trời vi phạm

Ngay sau khi Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương rà soát việc các dự án điện mặt trời phát triển ồ ạt, Bộ đã thành lập đoàn kiểm tra và đã phát hiện một số tồn tại trong quá trình triển khai dự án...

 Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương cuối tuần qua, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), cho biết thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản 185 ngày 9/2/2021, Bộ Công Thương đã thành lập đoàn kiểm tra, có văn bản gửi UBND các tỉnh, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) rà soát báo cáo các nội dung có liên quan.

 Đồng thời cử đầu mối phối hợp với đoàn kiểm tra để đến các tỉnh thành phố có nhiều dự án điện mặt trời đã được đầu tư phát triển trong thời gian qua.

 Đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương đã tiến hành kiểm tra trước 10 tỉnh, thành phố có công suất lắp đặt điện mặt trời mái nhà lớn trong năm 2019-2020.

 Qua công tác kiểm tra hồ sơ và thực địa một số dự án phát triển điện mặt trời, trong đó có điện mặt trời trên mái nhà tại một số tỉnh, thành phố, đoàn kiểm tra đã phát hiện một số tồn tại trong quá trình triển khai dự án trên địa bàn các địa phương.

 Ngày 7/6/2021, Bộ Công Thương cũng đã có công văn số 3259 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị các tỉnh tổ chức triển khai kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật (nếu có) của các cá nhân, tổ chức trong quá trình thực hiện phát triển điện mặt trời.

 Trên cơ sở kết quả kiểm tra của Bộ Công Thương, địa phương, EVN, Bộ Công Thương sẽ tập hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và sử dụng kết quả kiểm tra làm cơ sở để tham mưu trong quá trình xây dựng chính sách và lập quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo trong thời gian tới. Nhằm đảm bảo phát triển đồng bộ giữa nguồn điện và lưới điện đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của cảnước.

 Liên quan tới Quy hoạch điện VIII, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, ông Dũng cho biết, Bộ Công Thương đã rà soát lại chương trình phát triển nguồn điện, rà soát lại kế hoạch phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để đảm bảo tỷ lệ hợp lý giữa nguồn điện truyền thống và năng lượng tái tạo.

 Cũng như hạn chế tối đa khó khăn trong vận hành hệ thống điện, cập nhật lại chương trình lưới điện để đồng bộ với nguồn điện nhằm tối đa cắt giảm công suất của các dự án năng lượng tái tạo. Rà soát lại nguồn vốn đầu tư cho toàn bộ chương trình phát triển nguồn điện và lưới điện trong giai đoạn quy hoạch. Đây là nhiệm vụ hết sức khó và khối lượng công việc lớn.

 Ông Dũng cho biết thêm, Bộ Công Thương đã tổ chức 3 buổi làm việc với các đơn vị tư vấn và Tập đoàn điện lực Việt Nam. Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo, Cục đang chủ trì cùng các đơn vị hoàn thành báo cáo lần cuối trước khi gửi đi lấy ý kiến của các cơ quan liên quan để tổng hợp báo cáo Chính phủ. “Chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành vào tháng 6/2021”, Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo thông tin. (Vneconomy.vn 21/6)Về đầu trang

Khôi phục dần hoạt động du lịch?

Dịch bệnh khiến du lịch tiếp tục phải “đóng cửa”, nhiều doanh nghiệp ngành này kiệt quệ và có nguy cơ phá sản. Chuyên gia cho rằng, địa phương nên mở một phần đón du khách để du lịch tồn tại thay vì đóng cửa hoàn toàn.

 Sang năm 2021, sau đợt bùng phát dịch bệnh lần 3 hồi đầu năm, du lịch cả nước hy vọng sẽ phục hồi vào mùa hè - mùa cao điểm du lịch nhưng đợt bùng phát dịch lần thứ 4 đã giáng một đòn khiến ngành du lịch tiếp tục kéo dài chuỗi ngày bế tắc. Lãnh đạo các doanh nghiệp vận tải du lịch, khách sạn, lữ hành chơi vơi bên bờ vực phá sản.

 Là loại hình kinh doanh gắn liền với du lịch nên khi du lịch suy yếu, khách sạn chính là những nạn nhân trực diện của COVID-19. Quá nhiều khách sạn được rao bán hoặc hoạt động cầm chừng.

 Còn các ngành dịch vụ khác như vận tải du lịch cũng chung cảnh ngộ. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty lữ hành Thiên Thảo Nguyên chia sẻ, hơn 20 năm làm nghề dịch vụ du lịch chưa bao giờ doanh nghiệp lại khó khăn như hiện nay. Công ty với hàng trăm xe gắn biểu tượng con báo đen từng chở hàng triệu du khách đến các điểm du lịch khắp dải đất hình chữ S, thậm chí còn sang nước bạn Lào, nay nằm im một chỗ.

 “Dịch bùng lên lần 1,2,3, doanh nghiệp còn quỹ dự phòng trả lương công nhân phân cấp bậc 2-4 triệu/tháng nhưng đến đợt dịch lần thứ 4 này, doanh nghiệp không còn nguồn quỹ nào để chi trả. Giờ tiền bến bãi hằng ngày cũng là gánh nặng với doanh nghiệp, bởi 2 năm nay hết đợt dịch này đến đợt khác khiến ngành vận tải du lịch tê liệt hoàn toàn”, anh Tùng nói sau tiếng thở dài.

 Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA), ngành du lịch chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi COVID-19. Các doanh nghiệp trong ngành đã cố gượng dậy sau năm 2020, kỳ vọng vào dịp Tết 2021. Tuy nhiên, sang năm nay dịch bệnh lại bùng phát. Lượng khách đặt tua dịp Tết 2021 giảm mạnh, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch gặp khó khăn về tài chính, không có doanh thu, kiệt quệ. Rồi dịch tiếp tục bùng phát vào cao điểm hè 2021 khiến doanh nghiệp trên bờ vực phá sản.

 Có tới 90% doanh nghiệp du lịch, nhà hàng, khách sạn không hoạt động, 10% doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Các doanh nghiệp làm dịch vụ đại lý tua, đại lý bán vé phần lớn cho 100% lao động nghỉ việc. Doanh nghiệp lữ hành quốc tế phải cho 60-90% nhân sự nghỉ việc không lương. Các doanh nghiệp này đang cố gắng kích cầu nội địa để duy trì việc làm cho bộ phận nhân sự chủ chốt.

 Nhiều địa phương bắt đầu mở cửa du lịch với tiêu chí vừa chống dịch vừa phát triển. Tại Quảng Ninh, trước mắt các điểm du lịch chỉ đón khách nội tỉnh trên cơ sở có kiểm soát và duy trì nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Mở cửa trong thời điểm vàng du lịch hè là giải pháp hiệu quả phục hồi lĩnh vực du lịch, dịch vụ, đồng thời là tiền đề mở rộng thị trường khách du lịch ở các địa bàn an toàn trong cả nước thời gian tới.

 Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh, cho biết: “Sở đã đề nghị các đơn vị, địa phương lựa chọn các địa điểm, sản phẩm thực sự đặc sắc để thu hút khách, nhất là tranh thủ thời điểm vàng mùa du lịch hè. Cùng với đó, các địa phương rà soát khu du lịch, cơ sở dịch vụ thông qua việc kiểm tra, giám sát đảm bảo điều kiện tốt nhất, an toàn nhất cho du lịch phát triển”. (Tienphong.vn 21/6, Ngọc Mai)Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

Tiết giảm chi tiêu

Một yêu cầu được nêu trong nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 vừa qua là cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương (trừ các hoạt động quan trọng, cấp bách và phục vụ công tác phòng chống dịch); đồng thời tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 để bổ sung nguồn phòng chống dịch Covid-19, tăng cường đầu tư phát triển và chi cho những nhiệm vụ an ninh, quốc phòng cần thiết.

 Nghị quyết cũng yêu cầu báo cáo Quốc hội cho phép thu hồi các khoản kinh phí thường xuyên đã giao cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nhưng đến ngày 30-6 chưa phân bổ (hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai thực hiện) và các khoản kinh phí thường xuyên chưa thực sự cần thiết để bổ sung nguồn dự phòng của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương chi cho công tác phòng chống dịch Covid-19. Đây là một quyết định hết sức kịp thời trong bối cảnh nhu cầu chi tiêu ngân sách cho các hoạt động chống dịch là rất lớn và cấp bách. 

Thực tế, chủ trương tiết kiệm chi thường xuyên, tiết giảm tối đa các khoản kinh phí hội họp, công tác nước ngoài… đã được Chính phủ thực hiện nhiều năm qua. Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 56 của ủy ban cho thấy, trong năm 2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương (khoảng 2.900 tỷ đồng); cắt giảm kinh phí hội nghị, công tác phí, tiết kiệm thêm chi thường xuyên chưa cần thiết, cấp bách (ngân sách trung ương tiết kiệm được khoảng 55.000 tỷ đồng, bằng 5% dự toán Quốc hội giao). Trong 6 tháng cuối năm 2020, các địa phương tiếp tục thực hiện cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác phí (khoảng 1.000 tỷ đồng) và 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm (khoảng 6.400 tỷ đồng).

 Tại hội trường Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 9, đồng chí Phạm Minh Chính - lúc đó đang là Trưởng Ban Tổ chức Trung ương - đã nhấn mạnh yêu cầu tiết kiệm, chỉ rõ rằng các khoản chi thường xuyên chiếm tới hơn 65% tổng chi ngân sách nhà nước và “nếu tiết kiệm được 1%, chúng ta đã có 10.000 tỷ đồng”. Đồng chí Phạm Minh Chính khẳng định, vẫn còn dư địa tiết kiệm trong chi thường xuyên, đơn cử như kinh phí hội nghị, đi công tác trong và ngoài nước của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương…

 Tuy thế, nguồn thu năm nay tiếp tục bị ảnh hưởng rất lớn bởi dịch Covid-19. Hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng 23%. Đáng chú ý, số lượng các doanh nghiệp quy mô lớn rút khỏi thị trường tăng cao, phản ánh sức chống chịu của các doanh nghiệp đã suy giảm bởi dịch bệnh. “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” có lẽ không chỉ là một lời khuyên bảo từ tiền nhân mà đang là một nhiệm vụ chẳng đặng đừng.

 Cũng phải nói thêm rằng, dư địa để tiết kiệm dù còn đó nhưng cũng có những giới hạn nhất định. Về lâu về dài, việc tăng cường hiệu quả đầu tư, nuôi dưỡng nguồn thu mới là gốc rễ lâu bền để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, ổn định vĩ mô. (Sài Gòn giải phóng 20/6, Anh Thư)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Chính phủ nhiệm kỳ mới với bài toán thu gọn đầu mối bộ ngành

Đề án cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ được báo cáo Bộ Chính trị. Sau đó, sẽ trình Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII  dự kiến diễn ra vào đầu tháng 7 này.

 Sau khi Trung ương cho ý kiến, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ hoàn thiện đề án để trình Quốc hội vào kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc vào ngày 20/7.

 Liên quan đến cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ mới, Nghị quyết 18 Trung ương 6 khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã đưa ra chủ trương nghiên cứu sắp xếp một số bộ ngành.

 Cụ thể, Nghị quyết 18 nêu rõ việc tiếp tục nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của một số bộ, ngành, nhất là những bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, trùng lắp để có giải pháp phù hợp và thực hiện kiện toàn, sắp xếp tổ chức, thu gọn đầu mối trong nhiệm kỳ tới (2021 – 2026) như: ngành giao thông - xây dựng; tài chính - kế hoạch đầu tư; lĩnh vực dân tộc - tôn giáo…

 Câu chuyện hợp nhất, sáp nhập những bộ ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, trùng lắp không phải bây giờ mới được đặt ra mà tùy thuộc vào mỗi giai đoạn lịch sử, bộ máy Chính phủ được sắp xếp cho phù hợp.

 Đã có thời kỳ, Chính phủ có 36 bộ ngành (giai đoạn 1992- 1997), qua nhiều cuộc sắp xếp, sáp nhập, bộ máy Chính phủ giữ ổn định 22 bộ ngành từ khóa XII (2007-2011) đến nay.

 Trước khi có sự ổn định này, bộ máy Chính phủ có 26 bộ, ngành. Giữa năm 2007, một số bộ ngành được sắp xếp, sáp nhập theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, giúp cho bộ máy Chính phủ giảm còn 22 bộ ngành.

 Cụ thể, khi ấy, Chính phủ sáp nhập Bộ Công nghiệp với Bộ Thương mại thành Bộ Công thương, Bộ Thủy sản nhập vào Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

 Bộ Văn hóa – Thông tin tách ra thành 2 ngành, trong đó ngành văn hóa sáp nhập với Ủy ban Thể dục thể thao và Tổng cục Du lịch hình thành nên Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; còn Cục Báo chí, Cục Xuất bản được sáp nhập vào Bộ Bưu chính Viễn thông thành Bộ Thông tin và Truyền thông.

 Ngoài ra, trong giai đoạn này, Chính phủ cũng giải thể Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em và chuyển các chức năng của Ủy ban này sang các bộ có liên quan. Cụ thể, quản lý nhà nước về dân số được chuyển sang Bộ Y tế; quản lý nhà nước về gia đình chuyển sang Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; quản lý nhà nước về trẻ em sang Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

 Sau cuộc sắp xếp này, bộ máy Chính phủ còn 18 bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Tư pháp, Tài chính, Công Thương, Lao động – Thương binh và Xã hội, Giao thông vận tải, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường và 4 cơ quan ngang bộ: Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Dân tộc.

 Hiện, Chính phủ có 28 thành viên gồm: Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng 5 Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình (thường trực), Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, Lê Minh Khái, Lê Văn Thành và 22 bộ trưởng, trưởng ngành.

 Theo đánh giá của Chính phủ, mặc dù bộ máy hiện nay đã tinh gọn hơn tuy nhiên, bộ máy bên trong bộ, ngành còn cồng kềnh, nhiều đầu mối, số đơn vị trực thuộc tăng lên với nhiều đơn vị có tư cách pháp nhân, làm cho tình trạng “bộ trong bộ” vốn là hạn chế chưa khắc phục được của việc sáp nhập các bộ, cơ quan từ giai đoạn trước càng nặng nề thêm. Mô hình tổ chức tổng cục, cục, vụ không thống nhất.

 Điều này thể hiện qua số liệu thống kê của Bộ Nội vụ so sánh giai đoạn 2001 - 2010 và 2011 - 2020 cho thấy, số lượng tổng cục tăng từ 27 lên 31, số vụ thuộc tổng cục cũng tăng lên 40 đơn vị, số cục thuộc tổng cục tăng 89, số cục và tương đương thuộc bộ tăng 28 đơn vị…

 Bên cạnh đó, tổ chức bộ máy hành chính nhà nước vẫn chậm được điều chỉnh theo hướng tinh gọn, nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động; chưa khắc phục được một cách triệt để những chồng chéo, giao thoa về chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ. Nguyên tắc một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính chưa được phát huy mạnh mẽ nên vẫn phải phối hợp, họp nhiều, quy trình xử lý công việc chậm. (Vietnamnet.vn 21/6, Thu Hằng)Về đầu trang

TP Hải Phòng chỉ định nhiều cán bộ dưới 35 tuổi làm lãnh đạo quận

Sáng 21/6, ông Đỗ Mạnh Hiến – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hải Phòng, công bố quyết định bổ nhiệm cán bộ trẻ, dưới 35 tuổi làm lãnh đạo quận Đồ Sơn và quận Kiến An.

 Theo đó, ông Hoàng Xuân Minh thôi giữ chức Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn (nhiệm kỳ 2020-2025) và được điều động, bổ nhiệm giữ chức Phó Giám đốc Sở Tài chính.

 Điều động và chỉ định ông Nguyễn Quang Diện - Phó Bí thư Thành đoàn Hải Phòng tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Quận ủy và giữ chức vụ Phó Bí thư Quận ủy Đồ Sơn, nhiệm kỳ 2020 - 2025; ông Nguyễn Hồng Vinh thôi giữ chức Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Kiến An (nhiệm kỳ 2020 – 2025), giữ chức Phó Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy.

 Điều động và chỉ định ông Lê Toàn Khánh - Trưởng phòng Quản lý ngân sách - Tin học thống kê (Sở Tài chính) tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Quận ủy và giữ chức Phó Bí thư Quận ủy Kiến An, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

 Cũng trong sáng 21/6, UBND thành phố Hải Phòng công bố quyết định về việc tiếp nhận, điều động, bổ nhiệm ông Đỗ Hữu Hưng – Phó giám đốc Ban quản lý dự án phát triển đô thị và Đầu tư xây dựng công trình dân dụng, giữ chức Phó Giám đốc Sở Xây dựng.

 Đồng thời, tiếp nhận và điều động ông Nguyễn Ngọc Tuất – Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hải An giữ chức Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hải Phòng, thời hạn 5 năm.

 Trước đó, tháng 3/2021 Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng thông qua Đề án tăng cường cán bộ trẻ giữ chức vụ lãnh đạp cấp huyện, xã, nhiệm kỳ 2020-2025.

 Theo đề án này, cán bộ trẻ được tăng cường, bổ nhiệm vụ trí lãnh đạo cấp quận, huyện phải là trưởng, phó phòng cấp sở ngành và tương đương, dưới 35 tuổi. Phải được đào tạo bài bản, có trong quy hoạch chức vụ được tăng cường, bổ nhiệm hoặc tương tương. Có năng lực, uy tín, triển vọng, 3 năm liền gần nhất được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

 Mỗi quận, huyện ít nhất 1 cán bộ trẻ (dưới 35) giữ chức vụ lãnh đạo quận, huyện. Năm 2021, phấn đấu từ 40% - 60% quận, huyện có cán bộ trẻ giữ chức vụ Phó Bí thư, Phó chủ tịch UBND quận, huyện. Đến năm 2024 bố trí cho các quận, huyện còn lại và tăng thêm cho những nơi có điều kiện. (Tienphong.vn 21/6, Nguyễn Hoàn)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Bộ Công an ra mắt Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư, CCCD

Chiều 20.6, tại Bộ Công an, Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư, Căn cước công dân (CCCD) chính thức được thành lập.

 Trung tâm là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an.

 Nhiệm vụ và sứ mệnh của Trung tâm là nghiên cứu các sản phẩm, thiết bị và dịch vụ công nghệ ứng dụng dữ liệu dân cư, căn cước công dân, phục vụ cho người dân và xã hội.

 Theo đó, trung tâm sẽ giúp giảm thiểu các thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian đi lại và tiền bạc cho nhân dân.

 Về khía cạnh doanh nghiệp, Trung tâm cung cấp các giải pháp nhanh chóng, tiện lợi và là sự đổi mới trong phương pháp hoạt động nhờ chuyển đổi số mà vẫn đảm bảo bảo mật, tin cậy.

 Với nền tảng là dữ liệu dân cư, Căn cước công dân mục tiêu mà Trung tâm hướng tới là các sản phẩm và dịch vụ chất lượng giúp thúc đẩy chính phủ điện tử, chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số tại Việt Nam. (Laodong.vn 21/6, Việt Dũng)Về đầu trang

Đăng ký hợp đồng qua dịch vụ công trực tuyến Bộ Công Thương tăng 76%

Kể từ khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện, việc tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung qua cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương tăng tới 76%.

 Số liệu thống kê của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho thấy, số lượng hồ sơ đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung thông qua cổng dịch vụ công trực tuyến (mức độ 4) của Bộ Công Thương đã tăng lên đáng kể, chiếm tỷ lệ cao trong tổng số hồ sơ được đăng ký tại Bộ Công Thương.

 Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, chỉ riêng trong năm 2019, có 94/257 bộ hồ sơ được nộp và xử lý qua cổng dịch vụ công trực tuyến, đạt tỷ lệ 36,5%. Tỷ lệ này năm 2020 là 78%, tăng hơn 41,5% so với năm 2019 và trong 5 tháng đầu năm 2021 là 76%.

 Tất cả các hồ sơ hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung nộp qua cổng dịch vụ công trực tuyến đều được Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng tiếp nhận và xử lý hiệu quả, thông suốt, đúng thời hạn theo quy định.

 Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết từ khi cổng dịch vụ công trực tuyến về đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung được vận hành, đã tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp, được các doanh nghiệp đồng tình và đánh giá cao.

 Thủ tục nộp hồ sơ của doanh nghiệp, xử lý hồ sơ và trả kết quả hồ sơ của cục đều được thực hiện hoàn toàn thông qua môi trường mạng trực tuyến. (TTXVN 21/6, Uyên Hương)Về đầu trang

Hiểu đúng về “bỏ thủ tục hành chính”

Một trong những thông tin được nhiều doanh nghiệp hồ hởi đón nhận gần đây là việc Bộ KH-ĐT vừa bãi bỏ 56 thủ tục hành chính (được ban hành tại Quyết định số 1038/QĐ-BKHĐT ngày 28-7-2017) như: quyết định chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh, quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng, quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội (đối với dự án không thuộc diện cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư).

 Có 2 thủ tục hành chính được công bố tại Quyết định số 814/QĐ-BKHĐT là trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án sân golf thuộc thẩm quyền của Thủ tướng (đối với dự án thuộc diện cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và không thuộc diện cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư), cũng được bãi bỏ… 

Tuy nhiên, đây mới chỉ là một phần nội dung của Quyết định số 701/QĐ-BKHĐT ngày 2-6-2021. Phần nội dung, lớn hơn, của Quyết định 701 là ban hành, công bố… 65 thủ tục hành chính “mới”. Trong đó, 10 thủ tục hành chính cấp trung ương gồm: thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng, thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng, thủ tục gia hạn thời hạn hoạt động của dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng...

 Quyết định số 1038 nêu trên còn nêu rõ 55 thủ tục hành chính cấp tỉnh gồm 22 thủ tục hành chính do sở KH-ĐT thực hiện, 23 thủ tục hành chính do ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao thực hiện. Như thế, nói một cách chính xác hơn, không có chuyện “bãi bỏ” ở đây, mà chỉ là thay thế, sửa đổi, bổ sung cách thức, quy trình tiến hành các thủ tục hành chính hiện có, vốn đã được quy định trong Luật Đầu tư 2014 theo hướng được cho là đơn giản hơn, tạo thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư.  

 Ghi nhận nỗ lực thay đổi này, song đại diện một số doanh nghiệp được hỏi ý kiến cho rằng, việc sửa đổi này là chưa đủ. Sự thay đổi quyết liệt và căn cơ hơn, theo doanh nghiệp, là chỉ giữ lại những quy định nhằm khuyến khích và ưu đãi đầu tư; bỏ đi những quy định thuần túy “quản và siết”, vốn là một sự chồng chéo với các quy định quản lý chuyên ngành đã có trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Quan điểm này không phải không có lý. Trong quá trình xây dựng và thẩm tra 2 đạo luật rất quan trọng đối với nền kinh tế là Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, đã có không ít ý kiến đề nghị đơn giản hóa các quy định về chủ trương đầu tư và chuyển danh mục ngành nghề đầu tư có điều kiện sang Luật Doanh nghiệp.

 Tương tự, một số thủ tục hành chính hiện nay, đơn cử như trong lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài, cũng được coi là chưa hợp lý. Để thúc đẩy hoạt động tất yếu sẽ xảy ra này (và ngày càng phát triển triển mạnh hơn trong xu thế hội nhập toàn cầu), việc cần làm là tạo điều kiện hỗ trợ tối đa có thể. Còn nếu là để quản lý ngoại hối, hiện đã có các quy định của Ngân hàng Nhà nước. Để đảm bảo hoạt động đầu tư đúng pháp luật, không làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu quốc gia Việt Nam, thì đã có các quy định của nước tiếp nhận đầu tư - dù muốn hay không các doanh nghiệp đến đó làm ăn kinh doanh buộc phải tuân thủ... (Sggp.org.vn 21/6, Anh Thư)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

6 tháng đầu năm giải ngân vốn đầu tư công chậm

6 tháng đầu năm tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công mới đạt khoảng 34% kế hoạch, thấp hơn cùng kỳ năm 2020.

 Mới đây, tại báo cáo thẩm tra sơ bộ tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước 5 tháng, dự báo 6 tháng đầu năm và các giải pháp trong 6 tháng cuối năm nay, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đánh giá, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công hiện đang đạt rất thấp, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế xã hội.

 Theo đó, 6 tháng, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công mới đạt khoảng 34% kế hoạch, thấp hơn cùng kỳ năm 2020, nhất là vốn ngoài nước ước chỉ đạt xấp xỉ 18%. Trong đó có nhiều Bộ, địa phương giải ngân rất thấp.

 Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, ngoài nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại, giá nguyên liệu tăng nhất là thép xây dựng thì nguyên nhân chính nhiều năm chưa được khắc phục đó là khó khăn trong tổ chức thực hiện. Công tác đấu thầu, giải phóng mặt bằng, phân bổ, giao vốn, điều chỉnh vốn còn chậm. (VTV.vn 21/6)Về đầu trang

Quảng Nam quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công

Mặc dù đã thực hiện nhiều giải pháp nhưng Quảng Nam vẫn nằm trong số các tỉnh có tỷ lệ giải ngân dưới 15% (theo báo cáo của Bộ Tài chính). Với quyết tâm giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2021 được giao, Quảng Nam đang tiếp tục đưa ra các giải pháp mạnh.

 Trước sự “ì ạch” của công tác giải ngân vốn đầu tư công, UBND tỉnh Quảng Nam vừa có công văn yêu cầu các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2021.

 Tại công văn này, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình dự án để giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công và thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo giải ngân vốn đầu tư công năm 2021. Đồng thời, chính quyền tỉnh yêu cầu lãnh đạo các đơn vị phải chủ động làm việc với các địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng.

 Chủ đầu tư các dự án phải tăng cường làm việc với nhà thầu để đẩy nhanh tiến độ thi công, đặc biệt là các dự án chuyển tiếp có khả năng hoàn thành, bàn giao trong năm 2021 nhằm phát huy hiệu quả đầu tư. Đối với các dự án ODA, các đơn vị cần khẩn trương thực hiện các thủ tục đầu tư với nhà tài trợ; nhanh chóng hoàn thành các thủ tục phê duyệt dự án, thủ tục điều chỉnh, bổ sung dự án.

 Ngoài ra, các chủ đầu tư phải khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thanh toán trong thời hạn 4 ngày (kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu) làm thủ tục thanh toán ngay với KBNN. Các chủ đầu tư vi phạm thời hạn thanh toán (4 ngày) 2 lần trở lên, KBNN Quảng Nam tạm dừng thanh toán chi phí Ban quản lý dự án (trừ các khoản chi lương và phụ cấp) và báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo, xử lý.

 Các sở chuyên ngành phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư, bố trí nhân lực tập trung thẩm định các hồ sơ, thủ tục đảm bảo hoàn thành trước thời hạn quy định để chủ đầu tư triển khai thực hiện giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 2021 đã phân bổ cho các dự án.

 Công văn cũng nêu rõ để đảm bảo thực hiện mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2021, tỉnh Quảng Nam kiên quyết cắt giảm, điều chuyển kế hoạch vốn năm 2021 và kế hoạch vốn năm 2020 kéo dài (ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh, vốn nước ngoài) của các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, các dự án không có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn được giao trong năm 2021 để bố trí cho các dự án có khối lượng, khả năng thực hiện hồ sơ để giải ngân, có nhu cầu bổ sung vốn. (Thoibaotaichinhvietnam.vn 21/6, Vân Hà)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Thanh Hóa: Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Lang Chánh bị cách hết chức vụ trong Đảng

Ngày 18/6, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa vừa có thông báo về kết quả xem xét, xử lý kỷ luật đảng đối với ông Lê Văn Hưng - Uỷ viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Huyện uỷ Lang Chánh.

 

Theo đó, ngày 15/6, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hoá đã họp xem xét, đề nghị thi hành kỷ luật đối với ông Lê Văn Hưng do sử dụng bằng tốt nghiệp THPT không hợp pháp.

 Căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hoá đã quyết định cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Lê Văn Hưng.

 Cùng với việc xử lý kỷ luật về Đảng, ông Lê Văn Hưng sẽ bị xử lý kỷ luật về hành chính và đoàn thể theo quy định. (Tienphong.vn 21/6, Hoàng Lam)Về đầu trang

Vụ án liên quan ông Tất Thành Cang: Khởi tố thêm 6 người về tội tham ô tài sản

Liên quan vụ án ông Tất Thành Cang và đồng phạm, Viện KSND TP.HCM cho biết đã phê chuẩn quyết định khởi tố thêm 6 người nguyên là thành viên HĐQT, Trưởng Ban Kiểm soát và Kế toán trưởng Công ty Sadeco về tội "Tham ô tài sản".

 Mở rộng điều tra vụ án "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" liên quan đến ông Tất Thành Cang (nguyên Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2015 - 2020) và 18 đồng phạm, ngày 21.6, Viện KSND TP.HCM xác nhận, Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC03) - Công an TP.HCM đã ra các quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Minh (nguyên Trưởng ban kiểm soát Công ty Sadeco) về hành vi "tham ô tài sản".

 Ngoài ra, CQĐT ra các quyết định khởi tố bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với các bị can đều là nguyên thành viên trong HĐQT, Trưởng Ban Kiểm soát và Kế toán trưởng Công ty Sadeco gồm: Phạm Xuân Trung (nguyên Phó tổng giám đốc IPC), Trần Đăng Linh (nguyên Phó tổng giám đốc Sadeco), Trần Công Thiện (nguyên tổng giám đốc IPC), Huỳnh Phước Long (nguyên chuyên viên Văn phòng Thành ủy), Đỗ Công Hiệp (nguyên kế toán trưởng Sadeco) cùng về tội danh "Tham ô tài sản".

 Ngoài ra, CQĐT còn ra quyết định bắt tạm giam đối với bị can Trần Đăng Linh để tạm giam.

Sáng 21.6, Viện KSND TP.HCM xác nhận đã phê chuẩn các quyết định nói trên. Cơ quan CSĐT đã tống đạt các quyết định theo đúng quy định pháp luật.

 Các bị can Phạm Xuân Trung, Trần Đăng Linh, Trần Công Thiện, Huỳnh Phước Long, Đỗ Công Hiệp đã bị khởi tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

 Theo thông tin ban đầu, các bị can nói trên bị khởi tố vì liên quan đến sai phạm trong việc sử dụng số tiền từ nguồn tiền thù lao và quỹ khen thưởng của người đại diện vốn không chuyên trách trong các năm 2016, 2017 và 2018. (Thanhnien.vn 21/6, Hoàng Huy)Về đầu trang

Chủ tịch Hậu Giang yêu cầu xử lý cán bộ sai phạm ở huyện Châu Thành

Ngày 20-6, nguồn tin của PLO cho hay UBND tỉnh Hậu Giang vừa có Công văn yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Châu Thành và Giám đốc Sở TN&MT tỉnh xem xét, xử lý trách nhiệm các cá nhân, tổ chức có sai phạm trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) tại dự án Đường tỉnh 927C.

 Theo nguồn tin, cơ quan chức năng qua kiểm tra hồ sơ hồ sơ bà ĐNL và hộ ông ĐCM cùng các con của ông M. tại dự án đường tỉnh 927C đã phát hiện hàng loạt vi phạm về bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

 Cụ thể, cơ quan chức năng phát hiện việc phê duyệt, cấp bổ sung nền tái định cư hộ phụ cho ông ĐTN (con trai ông ĐCM) là trái quy định pháp luật. Ban hành Quyết định bồi thường hết 300m2 đất ở cho ông ĐCM không đúng quy định, dẫn đến xét duyệt cho ông này hai suất tái định cư là trái quy định pháp luật. Chấp nhận hỗ trợ di chuyển chỗ ở và điều chỉnh mái che thành nhà ở đối với bà ĐNL là không đúng quy định…

 Những vi phạm nói trên liên quan đến các cá nhân, gồm: ông Nguyễn Văn Chiến (Chánh Thanh tra huyện Châu Thành), ông Nguyễn Thanh Nguyên (Thanh tra viên Thanh tra huyện Châu Thành), ông Nguyễn Thành Thật (Trưởng phòng TN&MT huyện Châu Thành), ông Trần Văn Luân (Chủ tịch UBND xã Phú Tân), ông Trần Văn Chuộc (Phó Chủ tịch UBND xã Phú Tân), ông Đoàn Phi Hải (nguyên Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Hậu Giang, Chi nhánh huyện Châu Thành), ông Nguyễn Hăng Ri, ông Lê Văn Bảo và ông Nguyễn Thanh Sang (Viên chức của Trung tâm).

 Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang giao Chủ tịch UBND huyện Châu Thành và lãnh đạo Sở TN&MT xem xét và có hình thức kỷ luật đối với những cá nhân trên. Đồng thời, đề nghị Sở TN&MT tiến hành chỉ đạo Công ty CP Tài nguyên và Môi trường Hậu Giang có hình thức kỷ luật đối với ông Nguyễn Thanh Triều.

 Theo tìm hiểu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang yêu cầu các đơn vị phải báo cáo kết quả xử lý các nội dung nêu trên trước ngày 30-6. PV PLO đã nhiều ngày liên hệ với ông Nguyễn Thanh Phong, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành để tìm hiểu việc xem xét, đề xuất hình thức kỷ luật đối với các cán bộ liên quan, nhưng ông này nhiều lần cho biết đang bận việc và không trả lời kết quả đề xuất xử lý cán bộ sai phạm. (Plo.vn 20/6, Châu Anh)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Hàn Quốc thắt chặt quy định về bất động sản của công chức

Theo Yonhap, Bộ Quản lý nhân sự của Hàn Quốc ngày 20-6 cho biết, các quan chức chính phủ và công chức liên quan đến lĩnh vực bất động sản sẽ phải đăng ký tài sản của mình với cơ quan chức năng.

 Theo đó, các quan chức và công chức liên quan đến lĩnh vực bất động sản thuộc chính phủ, chính quyền địa phương, các tổ chức công và doanh nghiệp có liên kết đến chính quyền các cấp sẽ bắt buộc báo cáo tài sản của mình 1 lần mỗi năm.

 Nội dung báo cáo phải bao gồm chi tiết về số lượng bất động sản đang nắm giữ, thời gian mua, hoàn cảnh và nguồn gốc thu nhập. Những quy định mới có hiệu lực từ ngày 2-10.

 Động thái này diễn ra trong bối cảnh Chính phủ Hàn Quốc thắt chặt các quy định về tài sản của công chức sau vụ bê bối đầu cơ đất liên quan đến các nhân viên Tập đoàn nhà đất Hàn Quốc - một doanh nghiệp phát triển nhà ở do nhà nước quản lý. (Sggp.org.vn 21/6, Gia Bảo)Về đầu trang

Cựu Bộ trưởng Nhật Bản mất cả sự nghiệp vì “mua” phiếu bầu cho vợ

Sau khi từ chức và quyết định rút lui khỏi chính trường, ông Kawai Katsuyuki - cựu Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản vừa bị tuyên phạt 3 năm tù vì tội “mua” phiếu bầu cho vợ ứng cử vào Thượng viện. Đó là một vụ việc xảy ra từ 2 năm trước.

 Theo phán quyết của tòa hôm 18-6-2021, ông Kawai Katsuyuki bị cáo buộc đã cấp phát tổng cộng 29 triệu Yên (260.000 USD) cho 100 chính trị gia địa phương và những người ủng hộ ở tỉnh Hiroshima từ tháng 3 đến tháng 8-2019. Nhờ màn sắp xếp này, bà Kawai Anri (vợ ông Kawai Katsuyuki) đã giành được một ghế tại Thượng viện trong cuộc bầu cử vào tháng 7 năm đó.

 Ông Kawai Katsuyuki (57 tuổi), từng là cố vấn chính sách đối ngoại của Thủ tướng Abe Shinzo. Ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tư pháp vào tháng 9-2019 nhưng đã rời văn phòng chỉ trong vòng 1 tháng do bê bối vỡ lở. Cuối tháng 10-2019, truyền thông Nhật Bản đăng tải thông tin cho rằng Văn phòng bầu cử của nữ Thượng nghị sĩ Kawai Anri (46 tuổi) đã vi phạm Luật Bầu cử công chức Nhật Bản trong cuộc vận động tranh cử Thượng viện tháng 7-2019.

 Theo đó, Văn phòng này đã trả cho 13 người tham gia hỗ trợ chiến dịch tranh cử của bà Kawai Anri số tiền 30.000 Yên/người/ngày, gấp đôi số tiền được phép theo quy định của luật pháp Nhật Bản. Ngoài ra, Bộ trưởng Kawai Katsuyuki cũng bị nghi ngờ đã tặng một số hàng nông sản cho các cử tri tại khu vực bầu cử của ông. Dựa trên tin tức này, phe đối lập có thể yêu cầu tiến hành điều tra sự việc. Cho rằng vụ việc sẽ ảnh hưởng đến việc điều hành ngành tư pháp, Bộ trưởng Kawai Katsuyuki đã quyết định đệ đơn từ chức lên Thủ tướng Shinzo Abe và đã được chấp thuận.

 Dù từ chức nhưng ông Kawai sau đó tiếp tục làm Hạ nghị sĩ, công việc mà ông gắn bó suốt 7 nhiệm kỳ. Cho đến ngày 18-6-2020, ông Kawai Katsuyuki và vợ là Kawai Anri đã chính thức bị bắt giữ với cáo buộc mua phiếu bầu. Việc bắt giữ diễn ra ở thời điểm ngay sau khi kết thúc phiên họp quốc hội. Phát biểu trước các phóng viên hôm 17-6-2020, ông Katsuyuki đã đưa ra lời xin lỗi vì vụ việc gây rắc rối cho nhiều bên liên quan. “Tòa án lương tâm không bao giờ cho phép tôi tham gia vào các hoạt động chính trị đáng xấu hổ như vậy, tôi cũng không làm những việc trái pháp luật” - ông khẳng định.

 Nhưng theo các Công tố viên, vị cựu Bộ trưởng đã đứng ra dàn dựng chiến dịch tranh cử thay cho vợ. Cơ quan điều tra đã thu giữ danh sách 100 người nhận tiền tại nhà của ông hồi tháng 1-2020. Trong số 94 người được cho là đã nhận tiền mặt do hỗ trợ cho hoạt động chính trị, khoảng 40 người là thành viên Hội đồng tỉnh Hiroshima và các chính trị gia địa phương khác. Danh sách này do Shinsuke Takaya (44 tuổi), cựu trợ lý thân cận của ông Kawai Katsuyuki lập nên. Trong chiến dịch bầu cử của bà Kawai Anri tại khu vực bầu cử ở Hiroshima, Takaya phụ trách các mối quan hệ truyền thông.

 Việc bắt giữ vợ chồng cựu Bộ trưởng Tư pháp thời điểm tháng 6-2020 có thể coi là một thách thức đối với uy tín của Thủ tướng Abe. “Mọi người sẽ đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của ông Abe trong bổ nhiệm ông Kawai Katsuyuki làm Bộ trưởng Tư pháp. Tỷ lệ ủng hộ ông ấy sẽ còn giảm hơn nữa” - Giáo sư Tomoaki Iwai của chuyên ngành khoa học chính trị tại Đại học Nihon nói. (Anninhthudo.vn 20/6)Về đầu trang

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Các tin khác